Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2014

Dấu Ái


Soraya! Soraya!
Ôi, nữ hoàng sầu muộn!
Suốt một đời nhung lụa
Có tìm được ngày vui?
Soraya! Soraya!
Từ lần đầu gặp gỡ
Em đã trở thành ám ảnh
Trong những đêm dài cô đơn.

Ta bắt gặp nơi em
Từng hơi thở Việt Nam,
Từng nỗi sầu của ngàn thông Đà Lạt,
Từng êm đềm của dòng Cửu Long bát ngát,
Từng dịu dàng của điệu hát ca dao...
Nghĩa là em... là tất cả Việt Nam
Một đời ta yêu dấu.
Soraya! Soraya!

Ta nhớ em như nhớ từng giọng hát,
Từng câu hò, từng điệu sáo chiều hôm,
Từng mùa Xuân ngào ngạt tỏa hương thơm,
Từng trưa Hè điệu ru con não nuột...
Ôi! Tất cả những dấu yêu thân thuộc
Giờ bỗng lìa xa...
Ta còn lại gì?
Chỉ một Soraya!

Liberal, Kansas 1988
Mặc Thái Thủy

Sông Quê Ngày Về


Em về nơi chốn ruộng đồng
Đường sông nước cứ bềnh bồng tóc mây
Đồng sau lặng lẽ luống cày
Nhọc nhằn đất thở mệt nhoài tuổi mơ!

Em về quê đẫm nắng mưa
Nhớ quên một thuở ngẩn ngơ tóc thề
Phố chiều gió thoáng đường me
Rụng riêng một lá xuân thì mộng say!

Trường xưa rợp bước hoa đầy
Còn chăng kỷ niệm tháng ngày đong đưa
Đã xa lứa tuổi học trò
Em về lặn lội thân cò đồng xanh!

Mái dầm khua nước quanh quanh
Có còn khuấy bóng trăng nghiêng nặng lòng
Nơi em con nước xuôi dòng
Sông quê êm ả đón mừng bước xưa?


Lâm Tẻn Cuôi

Quốc Gia Nào Thông Minh Nhất Thế Giới?


Khái niệm thông minh ở đây không đề cập đến chỉ số IQ của người dân, chất lượng giáo dục tổng thể. Tiêu chí để xếp hạng thông minh ở đây là thành tựu, phát minh của quốc gia đó đóng góp cho nhân loại và cụ thể là số giải Nobel của quốc gia đó.
Dựa trên số giải Nobel đã được trao, trang The Richest đã tổng kết 10 quốc gia thông minh nhất.Giải Nobel cao quý là tiêu chí xếp hạng các quốc gia thông minh nhất.
Cho đến thời điểm này, chỉ có 876 cá nhân đã từng nhận giải Nobel tương đương với khoảng 1,2 triệu tiền thưởng (năm 2012). Vậy quốc gia nào có nhiều người được nhận giải Nobel nhất?

Dưới đây là danh sách 10 quốc gia thông minh nhất thế giới.

1. Mỹ - 356 giải
Mỹ nắm giữ một phần ba số giải Nobel đã được trao. Không một ai có thể phủ nhận đóng góp của người Mỹ với nhân loại.

Martin Luther King

Martin Luther King Jr đã giành giải Nobel khi đòi quyền lợi cho công dân, Sinclair Lewis và Ernest Hemingway; Richard Feynman, cha đẻ của điện động lực học lượng tử, Francis Crick và James Watson phát hiện ra DNA là những phát minh vĩ đại nhất của người Mỹ đóng góp cho nhân loại.

2. Anh – 121 giải

Hầu như năm nào người Anh cũng có một giải Nobel thuộc lĩnh vực nào đó. Các nhà văn như Rudyard Kipling, Bertrand Russell, William Golding và VS Naipaul đã đõng góp những thành tựu văn học vượt trội cho nước Anh.

Winston Churchill

Thủ tướng huyền thoại Winston Churchill đã từng giành giải Nobel văn học và lịch sử và Peter Higgs đã từng giành giải Nobel vật lý hiện đại. Ronal Ross đã giúp nhân loại thoát khỏi bệnh sốt rét.

3. Đức – 104 giải
Người Đức luôn khiến cả thế giới nể phục trước trình độ cơ khí.

Max Plank

Các nhà khoa học người Đức tiêu biểu là Max Planck, người chiến thắng vào năm 1918; Milton Friedman - người có ý tưởng thực tế cải thiện chính sách kinh tế châu Âu năm 80 và Henry Kissinger, người đã giành được giải thưởng Hòa bình khi thuyết phục người Mỹ rút quân khỏi Việt Nam.

4. Pháp – 59 giải
Người Pháp có rất nhiều giải thưởng Nobel trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau: nghệ thuật, triết học, văn học, … Nước Pháp có tới 59 giải Nobel trong đó có thiên tài thời trang Jean Paul Sartre đã từng từ chối nhận giải Nobel năm 1964 vì không muốn công việc của mình bị thể chế hóa.


Marie Curie

Marie Cuire là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất giành giải Nobel trên hai lĩnh vực là Vật lý (năm 1903 và Hóa học năm 1911.

5. Thụy Điển – 29 giải


Dyno Nobel

Không ngạc nhiên khi Thụy Điển lọt danh sách này. Đây là quê hương của Alfred Nobel. Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển là cái nôi sản sinh ra những nhà khoa học đạt giải Nobel. Những nhà khoa học nổi bật là Hannes Alfven với phát hiện về từ trường của Trái Đất, Svante Arrhenius người sáng lập ngành lý hóa và từng là Giám đốc Viện Nobel tới tận khi ông qua đời.

6. Thụy Sĩ – 25 giải
Thụy Sĩ là quốc gia có tỷ lệ giải Nobel trên tổng dân số cao nhất thế giới, đánh bật Nga và Canada. Nhà khoa học vĩ đại nhất của Thụy Sĩ là Einstein. Mặc dù ông sinh ra tại Đức nhưng phần lớn cuộc đời ông sinh sống tại Thụy Sĩ, hưởng nền giáo dục của Thụy Sĩ.

Albert Einstein
Nhà vật lý hóa học vĩ đại Einstein là người Thụy Sĩ.
Hội chữ Thập đỏ thành lập tại Thụy Sĩ đã ba lần giành giải Nobel.

7. Nga – 23 giải

Không kể đến Dostoyevsky và Pushkin – 2 nhà văn lớn nhất của nước Nga chắc chắn sẽ đoạt giải Nobel nếu họ sống ở thế kỷ 19, nước Nga vẫn tự hào là quốc gia sở hữu những thành tựu văn học lớn nhất của nhân loại.

Aleksandr Solzhenitsyn

Nhà sử học Aleksandr Solzhenitsyn người Nga đã vinh dự nhận giải Nobel khi viết lại bộ lịch sử hoành tráng của dân tộc. Nước Nga cũng đi tiên phong trong ngành điện tử, lượng tử, bức xạ điện từ, chất bán dẫn cùng nhiều phát minh vĩ đại khác (hơn một nửa giải Nobel của nước Nga thuộc lĩnh vực Vật lý).

8. Canada – 22 giải


Sir-Frederick-G-Banting

Phát minh insulin cứu giúp hàng triệu người bị tiểu đường là của người hùng Canada Sir Frederick Banting vào năm 1921. Ông cũng là một trong những người trẻ nhất từng nhận giải thưởng Y học cao quý này.
Lester B.Pearson – Thủ tướng thứ 14 của Canada đã từng nhận giải Nobel hòa bình vào năm 1957 khi giúp đỡ Liên Hiệp Quốc giải quyết khủng hoảng kênh đào Suez. Sự thông minh của người Canada nằm ở lòng nhân từ và sự khéo léo của họ.

9. Áo – 21 giải

Erwin Schrodinger
Mặc dù chỉ xếp thứ 9 về số lượng giải Nobel nhưng quốc gia này sở hữu tới 7 giải Nobel cao nhất. Đóng góp này là nhờ những nhà khoa học nổi tiếng như Erwin Schrodinger và Friedrich Hayek với phát hiện về tiền và nền kinh tế, giúp châu Âu cải tổ nền kinh tế những năm 1970.


10. Italy – 20 giải


Michelangelo, Galileo, Machiavelli, Leonardo da Vinci là những thiên tài vĩ đại nhất của mọi thời đại. Tuy nhiên họ qua đời trước khi giải Nobel ra đời. Dẫu vậy, nước Ý vẫn vinh dự sở hữu tới 20 giải Nobel với những cái tên như Guglielmo Marconi và Enrico Fermi đã đoạt giải Nobel vật lý cho phát minh về bom nguyên tử.
Riêng Fermi có một nguyên tố trong bảng tuần hoàn mang tên ông (nguyên tố thứ 100).

Enrico Ferni 

Phương Thảo 
(Mai Lộc sưu tầm)

Ngậm Ngùi "Chiếc Lá" Tàn Thu


Chưa trọn mùa, thu sa cõi chết
Lá trên cành bao chiếc sầu rơi
Cội thu phong lẽ loi khôn xiết
Đêm chập chờn thương tiếc, ngậm ngùi

Phận “cánh lá” dập vùi trước bão
Trận cuồng phong, chao đảo thân mành
Lá xa cội, xa cành muôn thuở
Gió mặc tình, mưa đỗ xót xa.

Khúc Giang

Toronto – Những ngày giông bão
November, 2014

Khối Tình Trương Chi

 

Đêm buồn thân phận đắng cay
Tiếng tiêu ai oán lòng này Trương Chi
Mỵ Nương công chúa xuân thì
Cành vàng lá ngọc yêu chi khổ lòng

Đêm dài ngư phủ thuyền dong
Giữa dòng gát mái tiếng lòng quặn đau
Từ ngày thấy được mặt nhau
Than ôi! vỡ mộng đắng cay phũ phàng

Mỵ Nương ôm mộng bẽ bàng
Tiếng tiêu vọng lại cho nàng mê say
Tưởng đâu tuấn tú mặt mày
Một chàng công tử đắm say tình nồng

Đêm ngày trộm nhớ thầm mong
Xin mời công tử tiếng lòng em trao
Đêm đêm tiếng sáo vọng vào
Vi vu ai oán nghe sao ngậm ngùi

Dòng sông chôn giấu buồn vui
Trương Chi tuyệt vọng ngậm ngùi ra đi
Dòng sông chôn khối tình si
Trương Chi gởi lại những gì khổ đau

Thôi đành xin hẹn mai sau
Kiếp này đã dỡ dang nhau mất rồi

Ngô Quang Diệp

Sau Vườn Lãm Thúy - Viên Ngọại Nguyễn Khắc Nhân - Hồi Thứ Bảy

SAU VƯỜN LÃM THÚY - TÁC GIẢ : VIÊN NGỌAI
Phỏng theo Nguyên tác Truyện Kiều của Nguyễn Du.



HỒI THỨ BẨY

Minh Sơn vẫn mệnh do văn phụ
Hoa, Trạc nghiệp duyên nịch thủy Tiền.
Tạm dịch Từ Công chết đứng,tựa Vua Đường
Đoạn trường Tiêu kiếp , bởi vường Hồ Tôn,

Thúy Kiều được Từ Hải rước về làm Phu nhân, thật là chim trời cá nước duyên ưa, rồng mây gặp hội, con mắt tinh đời,anh hùng tri kỷ, cả hai cùng mãn nguyện ý đồ , nhưng tình đời nhiều cảnh éo le, cái vòng tuần hoàn bĩ rồi lại thái mà hên rồi lại sui, con người ta khó mà lường nổi, cái nghiệp cái duyên đã dứt thì cái thân cái tâm lại vẫn hoàn nguyên, thế mới gọi là cái kiếp Đoạn trường đã trả xong.

Nhân tài xuất hiện
182- Có Quan Tổng Đốc trọng thần ta
Giữ việc binh nhung đất nước nhà
Thấy nửa giang sơn chia cắt mất
Mưu đồ thống nhất, kế bầy ra

Án binh bất động,
183- Biết Từ là kẻ có tài ba
Trí giỏi mưu cao khó địch mà
Bên cạnh Phu nhân bàn luận khéo
Binh hùng tướng mạnh khó lòng qua,

Trận chiến thư hùng
184-Thư hùng trận chiến được bầy ra
Bất động án binh cẩn thận mà
Xắp xếp xong xuôi đâu đó cả
Bạc vàng thể nữ mới đem qua….

Lệnh gọi chiêu hàng
185- Loa truyền cờ kéo khắp năm thành
Kêu gọi Từ Công đáp ứng nhanh
Quy thuận hàng thần danh giá trọng
Mủ dài đai rộng , đã nên danh,

Từ Công suy tư
186-Thư hàng vừa gởi đến quân trung
Sui khiến Từ công , rạo dực lòng
Suy nghĩ vài lời , cho rộng rãi
Cơ đồ gây dựng mới vừa xong

Suy tư bài hai
187- Bấy lâu bể sở với sông ngô
Vùng vẫy bao phen thế trận đồ
Quy thuận hàng thần lơ láo qúa
Phần mình nào biết nó về mô ?

Suy tư bài ba
188- Bó thân về hợp với trào đình
Lơ láo hàng thần mất cả vinh
Sao bằng riêng một biên thùy nhỏ
Trọc trời khuấy nước vẫn chanh vanh,

Phu nhân góp ý
189-Nghĩ mình chìm nổi cái thân bèo
Trôi rạt đó đây cũng đã nhiều,
Chịu tiếng vương thần là dịp tốt
Lo gì sóng gió lúc buồm siêu

Góp ý bài hai
190- Công tư vẹn cả một đôi đường
Tiện lối dần dà ghé cố hương
Mệnh phụ phu nhân thong thả cả
Nở nang mày mặt rạng phi thường

Góp ý bài ba
191- Trên vì nước dưới lại vì nhà
Được chữ Hiếu Trung rất đậm đà
Chiếc bách giữa dòng e gió rập
Lo gì bảo táp với phong ba,

Phu Nhân bàn luận
192- Rằng trong Thánh Đế vẫn dồi dào
Ân đức người người đã đội cao
Nhân hậu ai ai đều rõ cả
Quy hàng nhẽ ấy chẳng gì hao,

Bàn bạc bài hai
193-Ngẫm từ gây dựng cuộc binh đao
Vô định xương đầy chất đã cao
Thằng giặc Hoàng sào đời phỉ nhổ
Sao bằng chức trọng lại quyền cao

Từ Hải chiếu ý phu nhân
194- Ý kiến Phu nhân cũng dễ bao
Trước sau đóng mở , đón cùng rào,
Để ta phúc đáp thơ quy thuận
Cuốn giáp thu binh mở cổng chào

Từ Công quy hàng
195- Trước sau toan tính đã bàn xong
Lựa ý , Từ Công cũng nể lòng
Phúc đáp Hồ công lo hội nghị
Hẹn ngày Từ đến để tân phong

Tráo trở
196-Từ Công hờ hững chẳng đề phòng
Sửa soạn chỉnh tề dự lễ phong
Nào biết sau lưng quân phục sẵn
Lọt vào ám hiệu của Hồ công,

Từ công chết đứng
197 -Ám hiệu Hồ Tôn được phát ra
Khiến Từ chết đứng vững thây ma
Sai người lay đông không rung chuyển
Mới biết hồn thiêng bất khuất mà

Phu nhân hay tin
198-Được tin tráo trở của Hồ Tôn
Quy thuận bầy ra thật sảo ngôn
Hại kẻ hàng thần trơ trẽn quá
Khiến đời phỉ nhổ , chỗ hàn ôn,

Kiều khóc Từ Hải
199-Khóc rằng trí dũng có dư thừa
Tại Thiếp gây nên truyện chẳng vừa
Thà chết cùng nhau cho đỡ tội,
Gieo đầu phục xuống lệ nhường mưa

Oan hồn thoả nguyện
200- Kiều Từ cùng ngã xuống sân hoa
Xúm lại xốc Kiều cứu tỉnh ra
Dẫn đến Hồ công cho biết mặt
Nhủ rằng người ấy để đây ta,

Hồ Công khuyên Kiều
201- Bây giờ sự đa vạn toàn rồi
Góp ý của người có bấy thôi
Định liệu thế nào cho biết rõ
Quân cơ hư thực đã bao đời,

Kiều rửa hận cho Từ,
202- Rằng Từ cái thế bậc hùng anh,
Sinh tử trận tiền cũng thoã danh
Mưu dụ quy hàng mà ám hiệu
Để đời phỉ nhổ ,chỗ hôi tanh,

Hồ Công gạ Kiều
203-Rằng Nàng chút phận qúa hồng nhan,
Duyên nợ, người xưa đã lụi tàn
Rót rượu gẩy đàn ta nhấp giọng
Tiệc mừng hồi phục nửa giang san,

Lệnh quan ai dám trái lời
204- Tiệc rượu đêm rồi mới tỉnh ra
Nghĩ mình đâu phải bọn trăng hoa
Quan trên trông xuống, người qua lại,
Trao phắt Thổ Tù , kíp nhấn ga,

Theo Thổ quan về dinh
205- Ông Tơ gỡ khéo, nỗi đa đoan
Chẳng lựa mối dây lại vớ quàng
Áp thẳng xuống thuyền rèm phủ kín
Con thuyền rợn sóng rập rềnh toan,..

Sạch nợ Đọan trường
206-Trào đâu nổi sóng qúa đùng đùng
Kiều hỏi Sông Tiền có phải không,
Nhớ lại Đạm Tiên ngày trước dặn
Hẹn ta thì đợi khoảng đầu giòng

Sạch nợ , bài hai
207- Dưới đèn sẵn có bút tiên hoa
Tuyệt bút một thiên để gọi là
Rèm rủ hai bên đều thoáng cả
Cạnh thuyền than thở nỗi lòng ta

Sạch nợ bài ba,
208- Từ công hậu đãi chút lòng ta,
Lại muốn tim về chỗ Nhạc gia
Phu qúy phụ vinh danh vọng cả
Chỉ vì việc nước hoá oan gia

Sạch nợ bài bốn
209- Trới cao sông rộng thật bao la
Gieo xuống tràng giang, giữa thủy hà
Theo vớt Thổ quan lo hối hả
Đắm ngọc chìm hương ,đã qúa đà,

Thương kiếp Đoạn trường
210- Thương thay cũng một kiếp con người
Tái Sắc làm chi để tội đời
Oan khổ đoạn trường cho hết kiếp
Hồng nhan bạc mạnh phó cho trời, 


Mùa Thu Năm Kỷ Sửu sau tiết Cốc Vũ
Dương lịch ngày 29-4-2009
Viên Ngoại: Nguyễn Khắc Nhân(Thái Hanh)

Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

Thực Trạng Thêm Khoảng Cách Sai Luật Khi Đánh Máy


     Thực trạng nầy/này— đã và đang xảy ra trên mạng lưới toàn cầu, điện thư, v.v., trong mấy năm nay—mà tôi chưa được dịp đọc bài vở/tài liệu nào đề cập đến.  Bởi thế, hôm nay, tôi cảm thấy mình có nhiệm vụ đặt vấn đề trong tư cách một nhà giáo quan tâm đến Việt văn.

     Đánh máy là một trong các môn dạy của tôi qua 16 năm (1984-2000) trong ba tiểu bang NY, NJ và CA ở Hoa Kỳ.  Từ đó, tôi học hỏi và hôm nay tôi xin san sẻ với quý vị quy luật quốc tế về  khoảng cách (spacing) khi đánh máy mà hầu hết các quốc gia tôn trọng (trong đó có cả Việt Nam) là:

1.     KHÔNG THÊM KHOẢNG CÁCH TRƯỚC:
a.     Dấu PHẨY/PHẾT = COMMA = ,
Sai:      Mẹ tôi mua hai ổ bánh mì , một hộp phô-mai và hai lon cá hộp.
Đúng:  Mẹ tôi mua hai ổ bánh mì, một hộp phô-mai và hai lon cá hộp.
b. Dấu CHẤM = PERIOD = .
Sai:     Mụ Mồm To phát rét vì tiền mất giá . 
Đúng:  Mụ Mồm To phát rét vì tiền mất giá.    
         c.  Dấu CHẤM THAN = EXCLAMATION POINT = !
Sai:      Trời !  Con Sáu bị SIDA !  Chắc mình cũng dính quá !!!???
Đúng:  Trời!  Con Sáu bị SIDA!  Chắc mình cũng dính quá!!!???      
         d.  Dấu  CHẤM HỎI = QUESTION MARK = ?
Sai:       Ai là tác giả tập truyện ngắn Cái Ghen Đàn Ông ?
Đúng:   Ai là tác giả tập truyện ngắn Cái Ghen Đàn Ông?
         e.  Dấu HAI CHẤM = TWO POINTS = :
Sai:      Cô Ba Điệu ỏn ẻn :  “Kỳ lắm!  Em hổng chịu đâu!”
Đúng:   Cô Ba Điệu ỏn ẻn:  “Kỳ lắm!  Em hổng chịu đâu!”
f.  Dấu ĐÓNG NGOẶC ĐƠN = CLOSE PARENTHESIS = )
Sai:       Quê của ba tôi ở làng Thạnh Mỹ, quận Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam ).
Đúng:   Quê của ba tôi ở làng Thạnh Mỹ, quận Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam).      
         g.  Dấu ĐÓNG NGOẶC KÉP = CLOSE QUOTATION MARK = ”
Sai:       Tên nào dám cả gan “thò tay ngọc, thọc tay cùi ” vào cặp tao?
Đúng:    Tên nào dám cả gan “thò tay ngọc, thọc tay cùi” vào cặp tao?

2.     KHÔNG THÊM KHOẢNG CÁCH SAU:
a.     Dấu MỞ NGOẶC ĐƠN = OPEN PARENTHESIS = (
Sai:      Thác Giang Điền ( huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) có phong cảnh gần giống Đà Lạt.
Đúng:  Thác Giang Điền (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) có phong cảnh gần giống Đà Lạt.
b.     Dấu MỞ NGOẶC KÉP = OPEN QUOTATION MARK = “
Sai:      Quả đúng!  “ Yêu là mù quáng” (“ Love is blind”) theo như Shakespeare.
Đúng:  Quả đúng!  “Yêu là mù quáng” (“Love is blind”) theo như Shakespeare.


Vương Đằng đang dạy trong lớp đánh máy ở thành phố New York, 1988.
   
      Sau đây là một số thí dụ về sự thêm khoảng cách sai luật khi đánh máy qua các điện thư, bài vở trên mạng hay tài liệu in ấn (kém phẩm chất!): 

Tiểu chú: Tác giả thông cảm sự sơ sót về khoảng cách vì lỗi đánh máy vô tình hay sự trình bày tự động của phần mềm (software) hay trong điện thư (e-mail) mà chỉ đưa ra những sự thêm khoảng cách sai luật cố tình, không biết hay bắt chước.

Thí dụ 1:

Sau khi từ chức tổng thống , ông Thiệu dọn về ở nhà quốc khách trong khu Hải quân , nay là đường Tôn Đức Thắng
Tài sản riêng của gia đình ông đã được chuyển đi trước đó . Dù không còn quyền hành , nhưng sự có mặt của ông Thiệu tại Sài Gòn trong những ngày căng thẳng nhốn nháo đó không phải là một điều hay ho đối với nhiều người .
Theo lời kể của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng trong cuốn The Palace File "Hồ sơ mật Dinh Độc Lập" , tân Tổng Thống Trần Văn Hương đã gọi điện thoại khuyên ông Thiệu nên sớm rời khỏi Việt Nam . Ông Hương cũng đề nghị đại sứ Mỹ Martin dàn xếp giùm cho chuyến ra đi của ông Thiệu .
Tiểu chú: Có thêm khoảng cách sai luật trước dấu phẩy và dấu chấm.

Thí dụ 2:

Chập tối, một cô gái trên đường về nhà gặp chàng trai lạ đang lững thững đi trên đường. 
- Anh có thể đưa giúp em qua nghĩa trang được không ? 
- Đi theo anh, anh cũng đi về hướng đó. 
- May mà có anh, không em đi một mình thì sợ chết mất. Cảm ơn anh nha.
- Không có gì ! Lúc còn sống anh cũng sợ ma như em !
Tiểu chú: Có thêm khoảng cách sai luật trước dấu chấm hỏi và chấm than.

Thí dụ 3:
( tại Bắc Đức vùng Berlin là vào ngày 11.5 ) 
Tiểu chú: Có thêm khoảng cách sai luật sau dấu mở ngoặc đơn và trước dấu đóng ngoặc đơn.

Thí dụ 4:

Mời ACE xem và nghe Sylvie Vartan hát ở hai thời điểm :
- Năm 1964 : lúc còn trẻ , và chúng ta đă thần tượng cô.
- Năm 2007 : đã thành mệnh phụ, hát vẫn hay
Và Chúng Ta đã không còn nhận ra SV nữa, ngoại trừ phần nào giọng hát...
Tiểu chú: Có thêm khoảng cách sai luật trước dấu hai chấm và dấu phẩy.

Thí dụ 5:

" Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biết như tranh họa đồ
Thương em , anh củng muốn vô
Ngại Truông nhà Hồ , ngại phá Tam giang
Phá Tam giang ngày nay đã cạn
Truông nhà Hồ , Nội tán phá tan.
Nội tán là gì? mà ai được gọi là " Nội Tán " thời đó vậy?
Không biết có liên quan chi đến việc " dời mộ " ở núi Ngự Bình ? cám ơn.

Tiểu chú: Có thêm khoảng cách sai luật sau dấu mở ngoặc kép và dấu phẩy, trước dấu đóng ngoặc kép, và trước dấu chấm hỏi.

Thí dụ 6:
Mời đọc một chuyện ngắn dễ thương (như con nhỏ đó-đó )
Tiểu chú: Có thêm khoảng cách sai luật trước dấu đóng ngoặc đơn.

Thí dụ 7:

"Con coi chừng em, mẹ đi ..." chỉ nói vỏn vẹn ngần ấy chữ trong nước mắt rồi mẹ tôi quảy gánh đi ! Một gánh tình đầy ăm ắp, trông sao quá luộm thuộm thế này nhỉ !?
Tiểu chú: Có thêm khoảng cách sai luật trước dấu chấm than.

Thí dụ 8:

Dáng người khệ nệ ôm, tay xách, tay mang, khuôn mặt khắc khổ của lo toan bỗng trở nên già nua tột cùng chắc cũng động lòng Trời ?
Tiểu chú: Có thêm khoảng cách sai luật trước dấu chấm hỏi.
V.V..

Xin quý vị tiếp tay phổ biến bài nầy/này trong tinh thần xây dựng và bảo tồn tiếng Việt yêu thương của chúng ta. Đa tạ!

Vương Đằng
06/2013

Tình Qua Với Bậu



Ví dầu tình bậu muốn thôi 
Tình qua muốn nữa, bậu thôi sao đành
Ca Dao
Bậu đi biền biệt phương nao
Mấy ngày không gặp tựa bao thu hề(*)
Bậu đi lâu quá chửa về
Khiến cho Qua phải ủ ê suốt ngày
Bậu đi hổng biết có hay
Để Qua mòn mỏi đêm dài thở than
Bậu ơi đừng quá phủ phàng
Qua đây đau xé ruột gan từng giờ
Bậu ơi sao lại hững hờ
Khiến cho Qua nhớ Qua chờ Qua mong
Bậu ơi Bậu có hỏi lòng
Tình Qua với Bậu còn hông? hay là...
Ví dầu tình Bậu muốn xa
Xin đừng đánh tiếng cứ để Qua hy vọng chờ.

Quên Đi
(*) Theo ý bài thơ "Thái Cát" trong Kinh Thi

Mười Thương - Phạm Đình Chương - Vũ Khanh

Nhạc sĩ đã cho nét đẹp từ trong ra ngoài của người phụ nữ Việt Nam, vào ca khúc đến 10 cái thương mà các chàng trai đều mơ ước có được người vợ để ăn đời ở kiếp Người xưa thường nói con gái thì phải công dung ngôn hạnh,tứ đức tam tòng. . .Nhưng bây giờ người con gái như thế thì chắc là tìm khó mà gặp, hiếm lắm ...nhưng không phải là không có phải không các bạn?



Sáng Tác: Phạm Đình Chương  
Tiếng Hát: Vũ Khanh
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Chút Tình Đầu


Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
Em chở mùa hè của tôi đi đâu ?
Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám
Thuở chẳng ai hay thầm lặng - mối tình đầu


Mối tình đầu của tôi có gì ?

Chỉ một cơn mưa bay ngoài cửa lớp
Là áo người trắng cả giấc ngủ mê
Là bài thơ còn hoài trong cặp
Giữa giờ chơi mang đến lại... mang về
Mối tình đầu của tôi là anh chàng tội nghiệp
Mùa hạ leo cổng trường khắc nỗi nhớ lên cây
Người con gái mùa sau biết có còn gặp lại
Ngày khai trường áo lụa gió thu bay...

Mối tình đầu của tôi có gì ?

Chỉ một cây đàn nhỏ
Rất vu vơ nhờ bài hát nói giùm
Ai cũng hiểu - chỉ một người không hiểu
Nên có một gã khờ ngọng nghịu mãi... thành câm

Những chiếc giỏ xe hôm nay chở đầy hoa phượng
Em hái mùa hè trên cây
Chở kỷ niệm về nhà
Em chở mùa hè đi qua còn tôi đứng lại
Nhớ ngẩn người tà áo lụa nào xa.


Đỗ Trung Quân
(Suối Dâu sưu tầm)

Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

Tà Áo Cưới


Cứ mỗi lần thu thương nhớ ai
Nhìn nắng chiều buông bóng đổ dài
Có phải em về trong nức nỡ
Của mùa thu cũ gió heo may

Em lên xe cưới rời quê nhà
Tôi nhìn pháo đỏ nhuộm đường hoa
Một bước sang ngang tình dang dở
Hai dòng dư lệ nghĩa phôi pha

Vẫn biết một đi không trở lại
Nhưng tôi còn nhớ dáng em đi
Nhớ tà áo cưới bay trong gió
Của người em nhỏ bước vu quy...

Rồi bổng hôm nay nhận được tin
Người bạn năm cũ thời học sinh
Nghẹn ngào cầm bút lên tôi viết
Viết mãi chưa xong chữ tơ tình

Biện Công Danh
Nov 2012

Đọc Sách Năm Xưa

   
      (Cảm tác từ Hội Chợ Tết - Quán Bến Xuân, Lớp 11B3 - Niên khoá 1972.)

Mở quyển sách đọc hoài không thấy chữ
Chỉ một màu áo trắng ở trong trang
Tôi lật đi, lật lại những bàng hoàng
Như dáng ai mờ mờ qua mặt giấy

Thủa học trò bao giờ em có thấy
Nhật nguyệt nào ăn cắp bóng em không ?
Hay nghiểm nhiên chà đạp một chiếc hồn
Trên guốc mộc một thời làm thiếu nữ

Tôi một thời cũng từng là quỷ sứ
Bỗng trở thành ngoan ngoãn như con chiên
Sách giáo khoa chỉ thấy kinh tình duyên
Để lẩm nhẩm đọc ước điều bỡ ngỡ

Con đường xưa đang kẽ lằn ngờ ngợ
Nghe từng tờ giấy hiện những dấu chân
Thành từ ngôn từng điểm chấm, tục trần
Đang lộn cổ theo tay tôi hờ hững

Khép quyển sách tôi rơi vào đáy trũng
Những mơ hồ ghì xiết giữ lại tôi
Gáy sách khô ai đóng một chuyện đời
Mà sợi chỉ sỏ hồn tôi thắt chặt

Hoài Tử

Gọi Nhớ


Đôi tình nhân tay trong tay bước xuống
Miệng tươi cười cùng ánh mắt long lanh
Chiếc xe bus vội vàng rời bến đổ
Để lại sau lưng vệt khói mong manh

Tôi đứng bên lề ngó theo xao xuyến
Ước cùng em xuống bến đậu cuộc đời
Cây hạnh phúc sẽ nẩy mầm miên viễn
Khúc nhạc tình êm dòng chảy em ơi

Từ gặp em trái tim tôi rung động
Như thoạt nhìn đóa quỳnh nở trong đêm
Rất kiêu sa, mùi hương bay vào mộng
Rất thanh tao thơm giấc ngủ êm đềm

Nghe tiếng gọi trong mơ hồ dừng lại
Cơn gió lùa, bàn tay vẫy xa xăm
Như có đôi mắt nhìn tôi ái ngại
Nhớ nhung theo từng chân bước âm thầm

Tiếng chim lẻ giữa từng không réo gọi
Trên đầu cành hai chú sóc đùa vui
Tôi nhớ em chín nỗi buồn vời vợi
Khi tháng ngày cũng rượt đuổi qua mau

Trọng Thu 18112011
Yên Sơn

Tháng 12 Em Và Tôi


Tháng mười hai em và tôi vẫn thế
Hai phương trời hoang phế vẫn chia hai
Nắng ban mai thức giấc bên xứ người
Là trời lặn thôi cười nơi tôi ở

Tháng mười hai suốt đời luôn nhắc nhở
Chuyện một thời tan vỡ không do ta
Dù cách xa nhưng tâm ý một lòng
Như những giọt máu hồng theo tim đập

Tháng mười hai em, tôi chưa lần gặp
Gió đông về tràn ngập những vấn vương
Mộng Hoài Hương hiu hắt giấc mơ tàn
Để hai đứa bàng hoàng quanh sự thật

Tháng mười hai em, tôi mừng sinh nhật
Ngọn nến hồng đỏ rực lửa thương yêu
Ta nâng niu dù ngày ấy không tròn
Trong tâm tưởng vẫn còn tình em nhỉ !

Tháng mười hai mọi người đang hoan hỉ
Giáng Sinh về ta chỉ thấy khát khao
Lúc nhớ nhau nhìn ánh nắng rạng ngời
Đêm ngồi ngắm sao trời đang lạc lối

Tháng mười hai em và tôi bối rối
Gắng gượng cùng tiếp nối với ngày mai
Tháng mười hai đời sống vẫn chưa ngừng
Trong bóng tối ta mừng đêm sinh nhật

4-12-2007

Đỗ Hữu Tài

Giọt Nước Mắt Đàn Bà -Thơ Đỗ Hữu Tài - Phổ Nhạc Văn Sơn Trường


Thơ Đỗ Hữu Tài
Phổ Nhạc Văn Sơn Trường
Tiếng Hát: Mạnh Tuấn
Hoà Âm: Quang Đạt

Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

Xướng Họa: Qua Đèo Prenn



Bài Xướng:
Đến rặng đèo Prenn núi chập chùng
Đường lên dốc đứng uốn vòng cung.
Thông chê triền thấp, vươn lên đỉnh
Thác ngại non cao, đổ xuống rừng.
Vách đá mây che sầu chất ngất
Hàng cây sương đẫm lệ rưng rưng.
Suối xa vẳng tiếng buồn sơn cước
Cho gió cao nguyên khóc lạnh lùng.

Quang Tuấn
***
Các Bài Họa:
Đà Lạt thông reo đá chập chùng,
Qua đèo thấy thác uốn vòng cung.
Prenn địa giới ru hồn khách,
Thắng cảnh mù sương đẹp cuối rừng.
Dốc đứng dừng chân nghe thấm mệt,
Đồi ngo tán lá giọt rưng rưng.
Mang gùi thiếu nữ miền sơn cước
Sặc sở xà rông gió lạnh lùng.
Mai Xuân Thanh
***
Sapa Apa
Mịt mù sương phủ, áng mây chùng
Đường lượn quanh co dáng cánh cung
Sừng sững núi nhô che trước mắt
Ầm ào thác đổ khuất sau rừng
Võ vàng trăng úa, bờ lau quạnh
Khắc khoải đêm tàn, giọt móc rưng
Có chú nai già bên suối vắng
Bàng hoàng thoát khỏi cuộc săn lùng.
Phương Hà
***
1/ Nhớ Đèo Hòn Giao
Chiều xuống Hòn Giao núi chập chùng
Đèo cao , hiểm trở vẽ hình cung
Giăng giăng sương móc che thung lũng
Lặng lẽ lều tranh ẩn khói rừng
Vách đá thông ngàn rêu mãi bám
Nước mưa cành lá lệ còn rưng
Khói ngo sơn cước ai nhen nhúm ?
Hương gió cao nguyên nhớ lạ lùng
Mailoc


2/ Tiếng Đàn Xưa

Bến vắng đàn ai mấy sợi chùng
Tiếng tì, nức nở khóc dây cung
Vang vang dây nhỏ, ngân dòng suối
Rầm rập sợi to, thét gió rừng
Thoăn thoắt tay ngà làn tóc xỏa
Mơ màng mắt biếc lệ mi rưng!
Bâng khuâng lau lách buồn không nói
Sông nước người xưa nhớ lạ lùng
Mailoc
***
Thành Phố Buồn
Gió lạnh mây giăng ánh nguyệt chùng
Đêm buồn văng vẳng khúc ai cung
Tình yêu Than Thở đàn sai nhịp
Thơ mộng Tuyền Lâm khói ẩn rừng
Bảo Đại dinh hoàng danh mãi vọng
Langbiang đỉnh núi lệ còn rưng
Phố buồn Đà Lạt bao hương sắc
Lữ khách vấn vương chẳng lạ lùng
Quên Đi

Chào Đón Thầy Về

      Vừa hay tin thầy Mach kỉnh Trung vừa từ Jackson MI về Việt Nam, chị Kim Quang gợi ý và đề xuất buổi họp mặt ăn sáng có thầy tham dự cho vui.
Dù chỉ chuẩn bị có… một buổi chiều, nhưng chúng tôi vô cùng vinh dự được đón tiếp Thầy và các bạn sau đây tại nhà hàng Chợ Nổi Cái Răng (cạnh cầu Cái Sơn phường An bình):


Từ trái : Trọng – Tòng – Trung – Hậu – Khâm – Phụng

- Giáo sư Mạc kỉnh Trung Jackson MI
- Chs Ngô văn Thanh Greenville – South Carolina
- Chs Trịnh văn Mạnh Fremont CA
- Chs Trầm nhuận Nguyệt -nt-
- Chs/Gs/Nhà văn Trần nghĩa Trọng
- Chs Nguyễn tiến Pháp
- Chs Nguyễn lương Sinh
- Chs Lâm thành Trung
- Chs Nguyễn thị Nguyệt Ánh
- Chs Vương thủy Tùng
- Chs Đào thanh Tòng
- Bạn hữu Phạm tấn Thế
- Chs Trần huỳnh Mai
- Chs Phạm thị Tư Bé
- Chs/Gs Nguyễn kim Quang
- Chs Lê thị Thảo
- Chs Quách thị Phụng
- Chs/Gs Hồ hữu Hậu
- Chs/Gs Nguyễn thị Khâm …

      Trong số nầy, ngoài thầy Trung ra chúng tôi có mời thêm các đại sư huynh như : anh Sinh, anh Trung, anh Pháp, anh Hậu, anh Trọng….
      Bạn Trịnh văn Mạnh trước 75 cũng là giáo viên và từng là chiến hữu của chúng tôi.
Mở dầu, chúng tôi giới thiệu từng người với Thầy Trung. Tuy nhiên, một số bạn thầy đã biết trước, khi thầy còn dạy tại TH/PTG.


Nhà thơ Hồ Nguyễn đọc thơ tặng thầy

      Sau đó, chị Nguyễn thị Khâm, giáo viên, cũng là nhà thơ Hồ Nguyễn xin phép Thầy được tặng thầy bài thơ “ Vần thơ Hội Ngộ “ theo thể khoán thủ:

Vần Thơ Hội Ngộ

Gia chủ hôm nay nhả ý mời
Đình chỉ mọi việc để đi chơi
Hồ Nguyễn nôn nao trông gặp mặt
Đón tin người cũ có mấy lời
Mừng ngày Hội Ngộ tuy ngắn ngủi
Mạc của ngày xưa, vẫn nhớ đời
Tiên phong, dầu nửa vòng trái đất
Sinh sống xa quê, cách biển khơi.
Về đây đoàn tụ cùng thân quyến
Thăm lại trò xưa của một thời
Việt quốc sơn hà tâm bất biến
Nam bộ chờ người – nhớ chẳng vơi.

(Hồ Nguyễn)


Từ trái : Thao – Quang - 4 Bé – Mai –Nguyệt - Ánh

      Bài thơ chị Khâm đọc thầy rất cảm động và Thầy có lời khen. Người viết bản tin nầy cũng thấy tiếc quá vì lu bu chẳng có thơ thẩn gì để tặng thầy. Nhưng trong lòng luôn tâm niệm phải ghi nhớ lần sau.
Mỗi người xoay qua chọn một món ăn sáng và thức uống. Có sự thay đổi xáo trộn chổ ngồi để bắt cặp nói chuyện dễ dàng hơn. Riêng người viết bản tin nầy xin được ngồi cạnh đại sư huynh Trần nghĩa Trọng. Mà tôi chưa kịp đến gần Thầy cũng ngoắc tôi lại rồi. Tôi đã chuyện trò với Thầy Trọng lần họp mặt tại khu ẩm thưc cà phê Hồ Sen ngày 07/09/2014 vừa qua, có những chuyện tâm đắc còn đang dang dở.

      Thầy Trọng người Tân Quới Vĩnh Long. Chs PTG Cần Thơ. Cựu SV viện ĐH SaiGon, VĐH Vạn hạnh và VĐH Cần Thơ. Thầy đã dạy học tại Sài Gòn, Gia Định, Biên Hòa, Cần Thơ, Bạc Liêu, Vĩnh Long…Thầy được khắp nơi Bắc Trung Nam mời thuyết trình phương pháp học nhanh. Ngoài chức danh là nhà giáo Thầy Trọng còn là một nhà báo chuyên nghiệp, một lương y rất mát tay và còn là một võ sư (Trọng tài quốc tế môn Judo).
 
Từ trái: hàng đầu : Mai – 4 Bé – Thầy Trung – Phụng – Thảo 
Hàng sau:Tùng –Thế - Quang – Sinh –Thanh –Trung – Tòng.

      Thầy viết rất nhiều sách về Y học, Võ thuật và Giáo dục…Dịp nầy thầy tặng cho một số bạn sách do thầy biên soạn như : Phương pháp học nhanh – nhớ lâu về anh văn, làm sao nói được tiếng Anh trôi chảy…

      Năm nay thầy Trọng đã 78. Đi đâu phải có gậy 3 chân và thầy đi rất chậm. Chúng tôi hy vọng có nhiều thời gian rảnh để thường xuyên đến thăm viếng và vấn an thầy.
Cuộc hội ngộ lần nầy hơi… lâu vì có nhiều chuyện chưa nghe đủ và nói hết. Hy vọng, vài tuần tới chúng tôi có buổi tái ngộ lần nữa khi có cơ hội.
      Bịn rịn tan hàng gần 11 giờ trưa.

Dương Hồng Thủy ( 03/12/2014)



Mùa Đông Sắp Đến - Thơ Quách Như Nguyệt - Minh Sơn Phổ Nhạc


Thơ: Quách Như Nguyệt   
Phổ Nhạc: Minh Sơn 


Áo Trắng Tình Xưa - Chiếc Áo Dài


Người xa biền biệt quan san
Nhớ nhung áo trắng ngã sang úa nhàu
Màu xưa chết lịm tình đầu
Hoa môi khép kín vết đau chửa nhòa 


(Trích từ Một thời Qua của Kim Oanh)
***
Vết đau cũ ngày qua nhắc nhở
Mối tình xưa đã lở duyên thề
Nhớ thời hai buổi đưa về
Ngày nay một bóng tái tê một mình

Thương Áo Trắng, dáng hình diễm tuyệt
Mái tóc thề, mắt liếc thơ ngây
Ðường về, áo trắng bay bay
Ta vui câu chuyện từng ngày có nhau

Thời gian đã hoen sầu chia cách
Lạc đời nhau đất khách xa xôi
Thẫn thờ ngắm áng mây trôi
Nhớ EM ngày cũ bồi hồi xót thương ....


Hoàng Dũng
***
Chiếc Áo Dài


(Từ Áo Trắng Tình Xưa của Hoàng Dũng)

Cần Thơ tha thướt áo dài
Trắng màu gấm vóc trang đài chỉ thêu
Gặp em bên dòng sông chiều
Gió lay mái tóc mỹ miều thịt da.

Lượn bay cánh gió đôi tà
Như con bướm trắng vườn hoa chập chờn
Sân trường áo trắng nhiều hơn
Cho ai ngơ ngẩn phần hồn nhớ thương.

Dáng em ru mộng canh trường
Áo vừa eo khít vấn vương nhớ thầm
Dù em tròn tuổi mười lăm
Mà sao áo biết thì thầm men cay !

Có lần tà áo quên bay
Vẫn luôn quyến rũ những ngày gặp nhau
Rồi khi em mặc áo màu
Đất trời dậy sóng xôn xao ý tình.

Bây giờ màu áo trắng tinh
Xa trong tiềm thức bóng hình người ơi
Dù đi khắp nẽo chân trời
Áo em vẫn trắng suốt đời trong tôi.


Dương hồng Thủy

(14/11/2014)

Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

Nghệ Thuật Nhân Sinh: Quên


Một buổi tối, tôi đi thăm người bạn từng bị vu cáo hãm hại. Lúc ăn cơm, anh nhận được một cú điện thoại, người đó muốn nói cho anh biết ai đã hãm hại.
Nhưng anh bạn tôi đã từ chối nghe. Nhìn thấy vẻ mặt ngạc nhiên của tôi, anh nói: “Biết rồi thì sao chứ? Cuộc sống có những chuyện không cần biết và có những thứ cần phải quên đi”.

Sự rộng lượng của anh khiến tôi rất cảm kích. Ðời người không phải lúc nào cũng được như ý, muốn bản thân vui vẻ, đôi khi việc giảm áp lực cho chính mình là điều cần thiết và cách để giảm áp lực tốt nhất chính là học cách quên, bởi trong cuộc sống này có những thứ cần nhặt lên và bỏ xuống đúng lúc.

Cuộc đời con người giống như một cuộc hành trình dài, không ngừng bước đi, ven đường nhìn thấy vô vàn phong cảnh, trải qua biết bao những gập ghềnh, nếu như đem tất cả những nơi đã đi qua, đã nhìn thấy ghi nhớ hết trong lòng thì sẽ khiến cho bản thân mình chất chứa thêm rất nhiều gánh nặng không cần thiết. Sự từng trải càng phong phú, áp lực càng lớn, chẳng bằng đi một chặng đường quên một chặng đường, mãi mãi mang một hành trang gọn nhẹ trên đường. Quá khứ đã qua, thời gian cũng không thể quay ngược trở lại, ngoài việc ghi nhớ lấy những bài học kinh nghiệm, còn lại không cần thiết để cho lòng phải vướng bận thêm.

Sẵn sàng Quên đi là một cách cân bằng Tâm Lý, cần phải chân thành và thản nhiên đối mặt với cuộc sống. Có một câu nói rất hay rằng:
“Tức giận là lấy sai lầm của người khác để trừng phạt chính mình”,
Cứ mãi nhớ và không quên khuyết điểm của người khác thì người bị tổn thương nhiều nhất chính là bản thân mình. Bởi lẽ đó, để có được niềm vui và một cuộc sống thanh thản, ta không nên truy cứu lỗi lầm cũ của người khác.

Có rất nhiều người thích câu thơ:
“Xuân có hoa bách hợp,
Thu có trăng. 
Hạ có gió mát,
Đông có tuyết”.
Trong lòng không có việc gì phải phiền lo, ấy mới chính là mùa đẹp của nhân gian. Nhớ những cái cần nhớ, quên những cái nên quên, sống một cuộc sống cởi mở, trong lòng không vướng mắc thì cuộc sống này sẽ thật tươi đẹp.

Giang Nhất Yến
Hai Lúa Sưu Tầm

Hoàng Hạc Lâu - Thơ Thôi Hiêu-Cung Tiến Phổ Nhạc-Lời Việt: Vũ Hoàng Chương-Tiếng Hát Quỳnh Giao


Thơ Cảm Tác: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

 

Thơ: Thôi Hiệu 
Lời Việt: Vũ Hoàng Chương
Phổ Nhạc: Cung Tiến 
Tiếng Hát:Quỳnh Giao

Thể Thơ Mới: Lục Lục Tam


Vương Đằng trân trọng giới thiệu một thể thơ mới là một biến thể từ thơ lục bát. Thể thơ nầy xin được gọi là thể LỤC LỤC TAM
1. Số câu và số chữ: mỗi đoạn gồm 3 câu (một câu 6 chữ, một câu 6 chữ, và một câu 3 chữ).
2. Cách gieo vần:
a. Chữ thứ 6 của câu 1 vần với chữ thứ 6 câu 2.
b. Chữ thứ 3 của câu 3 vần với chữ thứ 6 của câu 1 đoạn hai.
3. Không viết hoa và không áp dụng luật chấm câu để mọi người cảm thấy thoải mái sáng tác và để cho người đọc tự cảm nhận lời và ý thơ theo cách riêng của mình. Tuy nhiên người làm thơ tùy ý viết hoa hay dùng dấu chấm câu.

Đây là 4 thí dụ sáng tác theo thể thơ LỤC LỤC TAM:

Nhưng N...

nắng hồng trải lụa trên sông
nhưng n chỉ thấy nắng hồng
trong mắt m

trăng mềm xõa tóc bên thềm
nhưng n chỉ thấy trăng mềm
trên tóc mây

rượu tình rót mộng chua say
nhưng n vẫn sống tháng ngày
thật bình yên


Vương Đằng

Một Góc Hạnh Phúc
 

Ngàn trùng dệt mộng, đan thơ
mỗi giờ, mỗi nhớ, mỗi chờ
một bóng ai.

có yêu mới biết đêm dài,
có xa mới biết quý ngày
sống bên nhau.

cuộc đời như giấc chiêm bao:
hạnh phúc là ở nơi nào
có người yêu.

Vương Đằng
***
Kiên Nhẫn & Học Hỏi Cuối Đời


dòng đời thay trắng đổi đen
tôi đành kiên nhẫn tập quen
với tính mình

mỗi người mỗi ý mỗi tình
không vui không gặp chống kình
chỉ hại thân

cuối đời tôi học chữ nhân
ngoảnh đi ngoảnh lại chẳng bằng
một tấm bia


Vương Đằng
***
N Về Quê Hương Thứ Hai 

n về nhớ tóc m dài,
nhớ môi m ngọt những ngày
nắm tay nhau.

mắt m dậy sóng hồng đào
đẩy thuyền viễn khác lạc vào
bến Thiên Thai.

n về nguyên vẹn hình hài
nhưng hồn ngơ ngẩn hướng hoài
về phương nam.


Vương Đằng

Vương Đằng hy vọng tương lai sẽ có nhiều thi sĩ (tài tử hay chuyên nghiệp) sáng tác được nhiều bài thơ theo thể lục lục tam kể trên hay hơn bài thí dụ của Vương Đằng, mà dù không hay hơn thì người làm thơ cũng vui với cảm hứng sáng tác của mình.

Hai Bài Thơ Hưởng Ứng Thể Thơ Lục Lục Tam 

Thơ Thẩn

quanh em phong cảnh hữu tình
buồn không em hỡi một mình
em với em?

ước gì hoa nở dưới thềm
là anh lúc ấy bên em
giây phút nầy

một mình ngắm cảnh trời mây
em ơi còn nhớ tháng ngày
ta bên nhau?

Hoàng Quế Thủy Châu
***
Thương Nhớ


Anh về cho chóng mà ra
Kẻo em chờ đợi sương sa
Quá lạnh lùng!


Trăng kia khi khuyết khi tròn
Còn em sao mãi cô đơn
Như thế này?


Liễu buồn nhỏ lệ trong đêm
Như em nhỏ lệ bên thềm
Lúc vắng anh!


Nước đi nước mãi nhớ nguồn
Em đi em mãi nhớ thương
Anh suốt đời!


Quang Tuấn

Vương Đằng đề xướng từ năm 2013

(Cựu Giáo Sư trường Trung Học Thủ Đức Việt Nam)

Trễ


Sao anh thủ thỉ nói yêu tôi,
Rộn rã con tim lọan nhịp rồi.
Thổn thức bao lần, si đắm đuối
Mơ màng lắm mộng, ngắm mây trôi.
Hận đời lỗi hẹn, chờ trông ngóng,
Trách móc dỗi hờn , đến trễ thôi.
Xin hãy đi luôn, mong gặp lại,
Người yêu chậm chạp nhất trong đời.

Mai Xuân Thanh
Ngày 15 tháng 11 năm 2014

Ai Xuôi Về Tây Đô


Cần Thơ Xưa

Ngày còn nhỏ tôi được ghé xuống ở chơi tại Cần Thơ khi nghỉ hè, từ đó tôi có những tình cảm nồng nàn với tỉnh Cần Thơ.
Cần Thơ có vô vàn điều để nói, để nhớ lắm, như người Cần Thơ, vườn trái cây, sông nước, ẩm thực, địa lý thuận lợi như trung tâm của những tuyến giao thông di chuyển khắp miền Tây, tôi nghe người ta còn gọi Cần Thơ là Tây Đô. Ngẫm nghĩ lại không sai đâu cho cái tên để gọi này. Trong bài này tôi mời chị Mindy Hà tiếp tay cho ý kiến về Tây Đô. Người khác tôi hỏi chuyện về Cần Thơ là người bác ruột của tôi. Vì đầu thập niên 60, ông nhiệm chức tại tỉnh Cần thơ. Sau đây, tôi xin được ghi nhận những điều về vùng đất Tây Đô hay Cần Thơ trong sự mến yêu của tôi.

Cần Thơ là một thành phố lớn, sầm uất, một cửa ngõ ngó ra cả vùng hạ lưu sông Cửu Long, và là trung tâm kinh tế, văn hóa, một khu vực đầu não mang tính quan trọng về hành chánh, quân sự, cũng như vị trí chiếnn lược, với những tuyến giao thông vận tải trong toàn vùng, mà còn liên lạc với quốc tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long và một vùng lãnh thổ xứng đáng đại diện cho miền Tây để tiếp xúc và giao thương đi những nơi khác.
Tôi thích ngân nga câu ca dao:

"Cần Thơ gạo trắng nước trong,

Ai đi tới đó lòng không muốn về"


Ý thơ gieo sự đồng thuận trong tôi vì một vùng đất thiên nhiên ưu đãi trù phú, dân cư đông đúc, mậu dịch sầm uất, và được gọi là vùng Tây Đô dưới thời Pháp thuộc vào thế kỷ thứ 19. Theo tài liệu từ Tự điển Bách khoa Wikippedia về Cần Thơ, nào, bây giờ chúng ta hãy xét qua những yếu tố về Cần Thơ như:

* Lịch Sử:



Từ cuối thế kỷ 18, Mạc Cửu vốn là người Trung Quốc không thần phục nhà Thanh, cùng tùy tùng và dân cư theo đường biển kéo vào miệt Hà Tiên khai khẩn, lập nghiệp dưới sự bảo hộ của chúa Nguyễn, được phong làm Tổng binh trấn Hà Tiên, từ đó cư dân qui tụ ngày càng đông. Năm 1732, toàn bộ đất phương Nam được Chúa Nguyễn chia làm 3 Dinh và 1 Trấn gồm: Trấn Biên Dinh (vùng Biên Hòa ngày nay), Phiên Trấn Dinh (Gia Định), Long Hồ Dinh (Vĩnh Long) và Trấn Hà Tiên. Sau khi Mạc Cửu mất, Mạc Thiên Tích nối nghiệp cha, đẩy mạnh công cuộc khai khẩn ra vùng hữu ngạn sông Hậu, đến năm 1739 thì hoàn tất với 4 vùng đất mới: Long Xuyên (Cà Mau), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (Cần Thơ), Trấn Di (Bạc Liêu) được sáp nhập vào đất Hà Tiên. Đây là điểm mốc đánh dấu sự xuất hiện của Cần Thơ trên dư đồ Việt Nam

1739: Tổng trấn Mạc Thiên Tứ mở thêm 4 vùng đất mới và cho nhập vào Hà Tiên gồm có: Long Xuyên (Cà Mau), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (Cần Thơ), Trấn Di (Bắc Bạc Liêu).

1740: (Năm Canh Thân), Tổng trấn Mạc Thiên Tứ dâng đất mới mở cho chúa Nguyễn.

- Chúa Nguyễn Phúc Khoát tiếp thu phần đất mới khai thác. Sau đó,ra sắc lệnh cải cách khoa cử tạo thêm điều kiện cho hoạt động văn hóa cho nhóm Chiêu Anh Các ở Hà Tiên và ở miệt Cần Thơ.

1753: Võ vương Nguyễn Phúc Khoát phái ký lục Bố chính dinh là Nguyễn Cư Trinh vào Nam để đôn đồn các cấp thừa hành ở miền Nam.

1757: Cần Thơ thuộc đạo Châu Đốc (sau này là An Giang),một trong ba đạo do Nguyễn Phút Khoát lập sau khi sát nhập đất Tầm Phong Long (Châu Đốc-Sa Đéc) do Mạc Tôn (được Mạc Thiên Tứ dưa về nước) hiến đất để tạ ơn.

1777: Quân Tây Sơn diệt các tướng của Chúa Nguyễn là Trần Chính Vương và Thái Thượng Vương.(Cũng vào năm này, Tham tướng Mạc Tử Sanh tử trận ngay bên một con rạch nay còn mang tên Tham Tướng thuộc phường Xuân Khánh-Cần Thơ). Năm 1995, thành phố Cần Thơ do mở rộng đường nên lấp cầu Tham Tướng lại mang một tên mơiù là "Xuân Khánh".

1781: Quân Xiêm chiếm Hà Tiên rồi kéo tới Trấn Giang nhưng bị đánh trả phải rút lui.

1787: Chúa Nguyễn khôi phục lại đất Hà Tiên.

1808: Nam Bộ chia thành 5 trấn (Phiên An, Biên Hoà, Vĩnh Thanh, Định Tường, Hà Tiên). Trấn Giang (Cần Thơ) thuộc trấn Vĩnh Thanh (Vĩnh Long và An Giang).

1814: Năm Gia Long thứ 12 lập thêm huyện Vĩnh Định (Cần Thơ) thuộc phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh.

1832: Tổ chức hành chính,cải tổ toàn diện thờI Minh Mạng (sau khi Lê Văn Duyệt chết). Đổi "trấn" thành "tỉnh" và hình thành "Nam kỳ lục tỉnh" với các tỉnh: Biên Hoà, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Các tỉnh này hợp thành cặp gồm có: Định Biên (Gia Định và Biên Hoà), Vĩnh Tường (Vĩnh Long và Định Tường) và An Hà (An Giang và Hà Tiên).

Cũng vào năm 1832 (năm Minh Mạng thứ 13) Việt Nam có tất cả 31 tỉnh. Mỗi tỉnh đặt dưới quyền Tổng Đốc hay Tuần phủ, có Bố chính sứ, Án sát sứ và lãnh binh phụ giúp. "Gia Định thành" trước đây nay được gọi mới gọi là Nam Kỳ (còn gọi là Nam kỳ lục tỉnh). Cần Thơ bấy giờ (huyện Vĩnh Định) tách ra khỏi Vĩnh Long, thuộc về tỉnh An Giang, phủ Tân Thành.

1839: Vua Minh Mạng đổi tên huyện Vĩnh Định thành huyện Phong Phú,thuộc phủ Tuy Biên (Châu Đốc,tỉnh An Giang).

1854: Một đội 50 người xin khẩn 2 khoảng đất tổng cộng 200 mẫu của làng Trường Thạnh (nay là Cái Răng,Cần Thơ); Đội trưởng Nguyễn Văn Tân đứng đơn,có thôn trưởng, hương thông ra dịch mục ký tên. Thôn trưởng làng giáp ranh (làng Như Lăng) ký vào để xác nhận ranh giới, viên cai tổng cũng ký vào. Đơn này được tổng đốc An Hà phê chuẩn. Đồn điền nói trên thu hút dân của làng Trường Thạn và cắt đất này ra đến 200 mẫu.

1862: Ngày 5-6 Triều đình nhà Nguyễn ký hoà ước nhượng 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ cho Pháp.

1864: (Tự Đức thứ 17) triều đình nhà Nguyễn mở kỳ thi Hương cuối cùng ở nam kỳ, đặt tại huyện Phong Phú (vì Pháp đã chiếm mất Gia Định).

1867: Ngày 20/22/24-6 ba tỉnh miền Tây (gồm Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) bị Pháp chiếm đóng.

- Ngày 25-6-1867, De La Grandière bố cáo trọn xứ Nam kỳ thuộc Pháp.

1868: Ngày 1-1, theo Nghị định của Thống Đốc Nam kỳ Bonard, huyện Phong Phú (Cần Thơ), được sáp nhập với vùng Bãi Sào (Sóc Trăng) thành lập quận đặt với quyền cai trị của người Pháp, lập Tòa bố tại Sa Đéc (hạt Sa Đéc, phủ Tân Thành) gồm có 3 huyện (An Xuyên,Vĩnh An và Phong Phú).

- Định Sâm dấy binh khởi nghĩa ở Láng Hầm, Trà Niềng (nay thuộc huyện Châu Thành, Cần Thơ), giết tên cai tổng Nguyễn Văn Vĩnh rồi rút về đầm lầy Ba Láng.

1870: Đỗ Thừa Luông khởi nghĩa kháng Pháp ở Cần Thơ bị thất bại, nổi dậy lần thứ hai ở Cái Tàu (Cà Mau) lấy U Minh làm căn cứ.

1872: Ngày 30-4, Thống đốc Nam kỳ ra Nghị định sáp nhập Phong Phú với vùng Bắc Tràng (trước đây là phủ Lạc Hoá, tỉnh Vĩnh Long) lập thành hạt Tòa bố đặt tạI Trà Ôn. Tòa bố hoạt động được 1 năm thì dời về Cái Răng (Cần Thơ).

Cần Thơ là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu Cửu Long giang, là trung tâm kinh tế, văn hóa, đầu mối quan trọng về giao thông vận tải cho toàn khu vực và liên vận quốc tế của vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long và của cả nước. Một vùng mệnh danh thiên nhiên ưu đãi bởi gạo trắng nước trong trong câu ca dao:

"Cần Thơ gạo trắng nước trong,

Ai đi tới đó lòng không muốn về"
Dù thơ cho thấy phần nào nói về một vùng đất trù phú, sầm uất, được gọi là Tây Đô từ thời Pháp thuộc vào thế kỷ 19. Về phương diện địa lý của Cần Thơ thì diện tích là 2.965 km2. Thống kê về dân số năm 2004 cho biết Cần Thơ có 1.121.141 người, và Cần Thơ tiếp giáp với 6 tỉnh: phía bắc giáp An Giang, Đồng Tháp, phía nam giáp Sóc Trăng, Bạc Liêu, phía tây giáp Kiên Giang, phía đông giáp Vỉnh Long.
Chợ Cần Thơ 1950

Thành phố Cần Thơ không có núi mà chỉ toàn đồng bằng và sông rạch. Sông Hậu Giang rất quan trọng về kinh tế, có bến bắc Cần Thơ gần tỉnh lỵ là nơi tiếp nhận các tàu biển lớn. Kinh rạch trong tỉnh rất nhiều và tiện cho việc giao thông.

Phía bắc có kinh Xà No, kinh Cầu Sắc, kinh Thốt Nốt, kinh Thị Đôi, kinh Ô Môi, sông Cần Thơ. Phía nam có kinh Cái Lớn, kinh Long Mỹ, kinh Phụng Hiệp... Quận Phụng Hiệp ở giữa bảy con kinh, từ đây dân chúng có thể đi Sóc Trăng, Rạch Giá, Cà Mau, hoặc ra hai sông Tiền Giang, Hậu Giang đi lên Sài Gòn.

Quốc lộ 4 và liên tỉnh lộ 27 là trục giao thông đường bộ quan trọng nối Cần Thơ với các tỉnh lân cận. Hai phi trường đặt ở Bình Thủy và Trà Nóc thuộc quận Châu Thành. Các tuyến đường lớn chạy qua tỉnh là quốc lộ 1A, quốc lộ 80, quốc lộ 91. Cần Thơ là trung tâm giao thông thủy bộ của cả vùng Nam Bộ, nối liền với Campuchia. Cần Thơ có bến cảng khá lớn tiếp nhận tàu 5.000 tấn.
Nói về khí hậu thì nóng ẩm nhưng tương đối ôn hòa hơn tỉnh Tây Ninh có cái nắng gắt lắm, như khí hậu chung của miền Nam có hai mùa mưa và nắng rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11. Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4. Cần Thơ cách Sài Gòn 169 km (hay 105 miles), từ xa xưa đã được coi là trung tâm lúa gạo của miền Tây Nam phần, tôi được biết bây giờ Cần Thơ là một trong những tỉnh sản xuất và xuất cảng gạo chính cho sản lượng của cả nước.
Với đất đai Cần thơ vốn dĩ phì nhiêu, bên ngoài gạo ra, còn nổi tiến về cây ăn trái, như các loại cây trái vùng nhiệt đới: xoài, mận, nhản, măng cụt, vú sửa, mãng cầu, mít sầu riêng,... Cần Thơ còn có nguồn thủy sản khá dồi dào chính yếu là tôm, cá nước ngọt (hơn 5.000 mẫu ao đầm nuôi tôm, cá nước ngọt) và chăn nuôi: gà, vịt, và heo.
Về các địa danh du lịch thì Cần Thơ có khá nhiều nơi để khách phương xa thăm viếng. Những công trình xây cất như đình, chùa hay phong canh cảnh thiên nhiên:

* Khu Du lịch Cồn: gồm Cồn Ấu, Cồn Khương, Cồn Sơn, Cồn Tân Lộc nằm liền kề dọc theo sông Hậu, tuyến du lịch đường thủy quốc tế từ Campuchia ra biển Đông Trong tương lai sẽ là những khu du lịch sinh thái hấp dẫn mang những đặc trưng miệt vườn, sông nước mà các nơi khác không có được.
Chợ Nổi Trên Sông

* Chợ nổi Phong Điền: thuộc xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền. Chợ thường nhóm họp vào khoảng 4-5 giờ sáng đến 7-8 giờ thì tan dần. Từ tờ mờ sáng, những người dân quê đã hối hả bơi chèo chở theo các loại sản phẩm từ vườn nhà ra chợ bán. Ngoài ra, còn có ghe của những thương nhân lái từ vùng trên đổ xuống, miệt dưới chạy ngược lên đưa hàng của phố thị và đặc sản của miền xa về nhóm họp làm cho chợ nổi trên sông càng thêm tấp nập

* Chợ nổi Cái Răng: nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 5 km theo hướng quốc lộ về tỉnh Sóc Trăng. Từ tờ mờ sáng cho đến chiều tối, hàng trăm ghe xuồng ở các nơi khác về đây tập trung tấp nập buôn bán trên sông, thời gian họp chợ trên ghe xuồng đông nhất từ 6 giờ đến 8 giờ sáng. Chợ nổi Cái Răng có sức trao đổi thương mại phồn thịnh có thể trở thành chợ trung tâm mua bán lớn nhất trong càc loại chợ.

* Khu Du lịch Phù Sa: ở giữa lòng sông Hậu, cách trung tâm thành phố chưa đầy 1km theo đường chim bay là bãi bồi cồn Ấu, có diện tích khoảng 30 mẫu. Đây được xem là khu nơi du lịch khá sinh động lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long.

* Chợ hoa xuân bến Ninh Kiều: Chợ hoa bắt đầu từ giữa tháng chạp và kéo dài đến đêm giao thừa. Đây là chợ hoa truyền thống có từ hàng chục năm nay. Dịp này hàng trăm loại hoa đẹp được trồng từ miệt vườn, được các tay cho+i hoa sành điệu đem ra trưng bày, số lượng người trong và ngoài nước đến tham dự thưởng ngoạn rất đông.

* Vườn du lịch Thủy Tiên: Nằm trên Quốc lộ 91 đi hướng về An Giang, cách trung tâm Cần Thơ 15 cây số. Tại đây cây trái sum suê quanh năm, không khí trong lành khiến lòng du khách dễ cảm mến vị ngon ngọt của nhiều loại trái cây đồng bằng và các món ăn dân dã đồng quê miền Nam.

* Mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa: thuộc phường An Thới, quận Bình Thủy. Mộ xây bằng đá ong vào năm 1872. Toàn bộ khu vực mộ rộng 530 m2. Cách ngôi mộ chính về phía sau khoảng một thước là ngôi đền thờ cụ Bùi Hữu Nghĩa. Lễ giỗ của cụ tổ chức linh đình hàng năm vào ngày 21 tháng giêng. Khu bia mộ của nhà thơ Bùi Hữu Nghĩa được xếp hạng Di tích văn hóa.

* Đình Bình Thủy: thuộc quận Bình Thủy, Đình ra đời cách đây trên 150 năm, Đình Bình Thủy là cách gọi của dân gian, còn có tên chính thống là "Long Tuyền cổ miếu" với khuôn viên khang trang rộng rãi. Đình Bình Thủy được xem là một di tích có lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo.

* Hội Linh Cổ Tự: Chùa còn có tên gọi khác là Hội Long Tự hay Chùa Xẻo Cạn, thuộc phường An Thới, quận Bình Thủy. Hội Linh Cổ Tự được xây cất năm 1907, sau đó được trùng tu lại năm 1914. Chùa Hội Linh là một công trình kiến trúc mang nhiều giá trị nghệ thuật cổ kính.

* Chợ cổ Cần Thơ: Chợ còn gọi là chợ Hàng Dương hay "chợ lục tỉnh", nằm trên đường Hai Bà Trưng. Chợ nay đã hơn trăm tuổi. Chợ mang một nét rất cá biệt, rất độc đáo của đồng bằng châu thổ. Với nhà lồng chợ cổ Cần Thơ, thành phố có thêm một địa điểm tập họp mua bán nhờ ngành du lịch, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước thăm viếng mua sắm khi đến thăm vùng đất Tây Đô.

* Chùa Ông: tọa lạc số 32 Đường Hai Bà Trưng, Phường Tân An, quận Ninh Kiều. Tên Hán tự là Quảng Triệu Hội Quán (theo càc đại tự được ghi ở tiền điện). Chùa thờ Quan Thánh Đế quân (tức Quan Công) ở chính điện nên người dân địa phương quen gọi là Chùa Ông. Ngôi chùa được xây dựng vào năm Quang Tự thứ 20 (1894) và tồn tại cho đến ngày nay với lối kiến trúc cổ xưa vẫn còn nguyên vẹn từ hình dáng bên ngoài đến nét trạm trổ công phu nội điện. Chùa Ông được xem là di tích văn hóa mang tính cách lịch sử, một điểm du lịch nổi bật của Cần Thơ.

Nét Đẹp Sông Nước Cần Thơ

* Bến Ninh Kiều: bến sông nhìn thẳng ra ngã ba sông Hậu, sông Cần Thơ mỗi buổi bình minh lên, mặt trời mọc trên dòng sông tuyệt đẹp. Bạn có bao giờ thức thức những bữa cơm chiều tại bến sông và để ngắm buổi chiều tà khi hoàng hôn buông xuống, từ bến Ninh Kiều cho không gian thơ mộng hay một buổi ăn trên thuyền rồng thả trôi lững lờ trên dòng Hậu Giang, tôi nghe thanh âm bài vọng cổ mà lòng bồi hồi:

"Người ta đã có đôi rồi

Chiếu chăn đâu ấm bằng người tình chung,

Để mình vác cặp chiếu bông
Chờ đợi chi nữa uổng công đợi chờ"


Phải chăng bài vọng cổ hôm nào "Tình Ca Anh Bán Chiếu" của soạn giả Viễn Châu chạnh lòng lữ khách vì làn ngân du dương, mượt mà. Bến Ninh Kiều là nơi neo đậu, tàu thuyền mang khách đến và đi thật tấp nập, thật nhộn nhịp. Bến Ninh Kiều là nơi du lịch để khách phương xa đến thăm viếng với sự hiếu kỳ và rồi ra đi với kỷ niệm xao xuyến với thiên nhiên bến nước sông ngòi mênh mông trong mộng nhớ về vùng Tây Đô.
Nhạc sĩ Lâm Hoàng sáng tác nhạc phẩm "Ninh Kiều Em Gái Cần Thơ", âm điệu ca phát âm giọng miềnn Nam, bài ca khi người trai nhớ về người em gái Ninh Kiều cho anh xao xuyến nhớ về kỷ niệm:

"Ai về miệt dưới Hậu Giang

Cho tôi nhắn gửi đôi hàng ước mơ

Ninh Kiều em gái Cần Thơ
Bao năm anh vẫn thương chờ đợi mong
Anh giờ ngàn dặm xa xăm
Thương em gái nhỏ bên hàng dừa xanh
Ninh Kiều là của riêng anh
Nũng nịu mà duyên đáng bên bờ Tây Đô
Nhớ ngày xưa bắt bước lên đường
Tặng em bài hát đến trường
Kỷ niệm hai đứa bên nhau
Mơ ngày nói chuyện trầu cau
Đôi mình tình nặng trăm năm
Chung vui pháo đỏ rượu hồng ngày xanh
Ninh Kiều là của riêng anh
Nũng nịu càng duyên dáng, chân thành của anh"


Tôi tham khảo sách Cần Thơ Xưa của tác giả Huỳnh Minh, trang 206 đến 218, thì bến Ninh Kiều khi xưa có tên là bến Lê Lợi vì bến nằm dọc theo đường Lê Lợi, nó còn có tên khác là bến Hàng Dương, vì dưới thời Pháp thuộc, những hàng được trồng dọc theo vệ đường trông rất thẫm mỹ. Về nếp dân sinh thì bến Lê Lợi là nơi tập trung các ghe thương buôn, dần dà bến được chỉnh trang lại, những cây dương được đốn bỏ. Kế hoạch kiến thiết đô thị để đem nét mỹ quan, làm đẹp thành phố, đến ngày 4 tháng 8, năm 1958, bến Ninh Kiều được khánh thành rất khang trang với công viên ghế đá. Theo tôi được kể lại thì đây là sáng kiến được ông Trưởng ty Công chánh Trương Thành Kháng đề xướng. Khi phác họa ra dự án xây dựng bến Ninh Kiều thời Đốc phủ sứ Đỗ Văn Rước, dự án đem cho Cần Thơ có bến Ninh Kiều, mà thơ hay nhạc đều ghi nhận nét đặc trưng của nó:

"Phong Dinh có bến Ninh Kiều

Có dòng sông đẹp có nhiều giai nhân

Cuộc đời luồng những phù vân
Trở về bến cũ cố nhân xa vời!"


Kể chuyện về nguồn gốc bên Ninh Kiều từ một bến ghe thương buôn tầm thường ở bờ sông Cần Thơ đến một bến Ninh Kiều tượng trưng cho một địa danh kiểu mẫu của quốc gia, hẳn rằng người dân Cần Thơ yêu quý nó lắm.

"Cần Thơ có bến Ninh Kiều

Mỗi chiều thứ bảy ngưới nhiều như nêm

Đẹp xinh cảnh sắc về đêm
Nhìn sông thấy nước nhớ thêm tình người"


Với tôi, Việt Hải, năm 1959 khi bác tôi, thiếu tá Trần Cửu Thiên, về nhiệm chức tỉnh trưởng Cần Thơ, đã kể rằng những dự án công chánh do ông Trưởng ty Thành Kháng đóng góp như thiết lập lộ 19, lộ 20, lấp Rạch Sáu Thanh, xây cầu Rạch Ngỗng, xây Bến Xe Mới và lấp khu đầm lầy để xây dựng Quân Y Viện Cần Thơ. Nói như vậy để thấy rằng ông Trương Thành Kháng thực hiện nhiều điều công ích cho Cần Thơ, ngồi đây viết bài này tôi không biết ông bây giờ ở đâu. Những lời này như để cám ơn ông.
Bến Ninh Kiều 1966

Như vậy thì tên bến Ninh Kiều phát xuất từ đâu? Nguồn gốc là vì bến nằm dọc theo đường Lê Lợi, nên người ta đã đặt cho nó cái tên quá đẹp, là bến "Ninh Kiều" như để nhắc nhở một chiến tích oai hùng của Bắc Bình Vương Lê Lợi tại bến Ninh Kiều ở đất Bắc xa xưa.

"Tuy Động thây phơi đầy đất

Ninh Kiều máu chảy thành sông"

Trận ác chiến tại bến Ninh Kiều ghi dấu sự vẻ vang quân Việt chiến thắng quân Minh. Cũng theo dòng sử ký, tại sao chúng ta có tên Cần Thơ ? Ngày xưa chuyện kể tương truyền rằng khi vua Nguyễn Phúc Ánh bị quân đạo quân của vua Quang Trung đánh đuổi, ông chạy vào miền Nam ẩn náu ở Cần Thơ, nhận thấy con sông Cần Thơ quá mỹ miều ông bèn đặt tên cho nó là "Cẩm Thi Giang", mang ý nghĩa con sông của vẻ đẹp thi ca đàn hát. Rồi trong dân gian người ta nói trại đi chữ "Cẩm Thi" thành chữ "Cần Thơ".
Qua phần trình bày từ lịch sử, địa lý về Cần Thơ, hay một Tây Đô của vùng đồng bằng sông Hậu, đến những địa danh của Phong Dinh, mà trong đó có bến Ninh Kiều được ôn về kỷ niệm hình thành và phát triển, Chúng tôi muốn gởi bài viết này đến những người bạn thân hữu Cần Thơ, đặc biệt đến đặc san liên trường Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm 2009.
Riêng tôi, Việt Hải, xin kính gởi đến bác ruột của tôi, chính là người cho tôi dịp gần gũi với Cần Thơ của thuở thiếu thời, để rồi trong trí nhớ đó của tôi, tôi mãi yêu Cần Thơ như yêu người tình.

Việt Hải & Mindy Hà