Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Môt Số Nhận Xét Về Phật Giáo Nam Tông Và Phật Giáo Bắc Tông



Trước đây, người ta thường cho rằng giáo lý Nguyên Thủy là giáo lý Tiểu Thừa không đưa đến quả vị tối hậu thành Phật, mà chỉ có giáo lý Đại Thừa mới là giáo lý chân chính của Phật giáo. Ngược lại, một số khác lại cho rằng giáo lý Nguyên Thủy mới chính truyền là của Phật, còn giáo lý Đại Thừa là ngoại đạo. Sự bất đồng quan điểm ấy đã làm băng giá mối quan hệ cả hai truyền thống đến hàng ngàn năm!
Ngày nay, với những phương tiện tiến bộ, quan điểm như thế về Tiểu Thừa và Đại Thừa đã không còn thích hợp! Phần lớn các nhà nghiên cứu Phật giáo đều chấp nhận một số tư tưởng Đại Thừa là những tư tưởng của Phật giáo Nguyên Thủy. Nếu chúng ta chịu khó so sánh bốn tập A Hàm của Trung Quốc với các tập Pàli Nikàya tương đương, chúng ta sẽ thấy có nhiều đoạn văn A Hàm lại nguyên thủy hơn các đoạn văn Pàli.
Thái độ của một số Phật tử Đại Thừa xem tư tưởng Tiểu Thừa là thiển cận, nhỏ hẹp, không đáng học hỏi, cũng như phủ nhận ba tạng Pàli, bốn bộ A Hàm và các Luật, Tạng không phải là những tinh hoa tốt đẹp và nguyên thủy nhất của lời Phật dạy, cũng là một thái độ nguy hiểm, nông nổi, nếu không phải là ngây thơ, phản tri thức!
Trong lịch sử Phật giáo, thời kỳ Phật giáo Nguyên Thủy cho đến thời kỳ Bộ Phái (sau Thích Ca Mâu Ni 400 năm) chưa có danh từ Đại Thừa hay Tiểu Thừa! Hai danh từ này xuất hiện đồng thời với kinh điển Đại Thừa khoảng thế kỷ I trước hoặc sau Công nguyên. Các danh xưng Tiểu Thừa và Đại Thừa chỉ là sự tranh chấp về đường lối hành đạo do lúc bấy giờ người ta quá chú trọng về lý luận và hình thức.
Vào năm 1950, Hội Phật tử Thân hữu Thế giới (World Fellowship Buddhists) đã họp tai Colombo (Tích Lan-Sri Lanka ngày nay-) đã nhất trí quyết nghị loại bỏ danh từ “Tiểu Thừa” khi nói đến Phật giáo Nam Tông. Từ đó đến nay, Phật giáo được phân thành hai truyền thống: truyền thống Nguyên Thủy (Phật giáo Nam Tông) và truyền thống Phát Triển (Phật giáo Bắc Tông). Từ ngữ “Nguyên Thủy” và “Phát Triển” khi sử dụng, đã nói lên tính xuyên suốt, giống như một cây đại thọ (tức giáo lý Phật giáo) mà với phần gốc rễ là Nguyên Thủy và phần thân cành là Phát Triển! Không một cây nào có thể gọi là cây khi không có gốc hay ngọn! Sự nhất quán trong hệ thống giáo lý phải được thiết lập và không ra ngoài hai hệ thống Nguyên Thủy và Phát Triển, bởi vì cả hai đều cần thiết phải bổ sung cho nhau! Nói cách khác, mọi tư tưởng của Phật giáo Phát Triển đều phải mang tính kế thừa giáo lý Nguyên Thủy; nếu không, giáo lý Phát Triển sẽ mất đi giá trị của nó!

Với nhận định trên, khi học tập và nghiên cứu, chúng ta cần phải thoát ra khỏi những tượng đài quá lớn của các học giả có một bề dày nghiên cứu, nhưng chưa có quá trình tu tập; cần phải có sự độc lập trong nhận thức để tránh tình trạng nô lệ kiến thức -bởi một con sư tử được làm bằng vàng thì râu hay đuôi, cũng đều có giá trị như nhau trong mắt của người thợ kim hoàn- và cũng bởi vì Phật giáo là một tôn giáo “khi tìm đến để nắm bắt chứ không phải để chiêm ngưỡng”!


(26/11/2014)
Hà Nguyên

Về Mùa Nước Nổi - (Quê Nghèo, Phạm Duy)


Nhạc Đệm: "Quê Nghèo"
Sáng Tác: Phạm Duy, 
Đàn bầu: Phạm Đức Thành
Hình ảnh & Thực hiện: Khúc Giang

Xướng Họa Ẩn Dật




Càn qua gió bụi nhuộm thêm sầu
Áo rách vẫn còn Khảm dạ châu
Ngược gió lỏi luồn mà chạy Cấn
Xa nơi Chấn động để ngồi câu
Nuôi thân gạo Tốn ngày hai bữa
Dưỡng khí thân Ly tháng một chầu

Khôn dại thường lên voi xuống chó
Tôi Đoài mạc kiếp được gì đâu ?


Cao Linh Tử

13/11/2014
***
Số Kiếp 


Càn quét địch quân, thấy thảm sầu,
Chẳng qua họ Khảm hạt minh châu.
Mang thai em bé nghe như Cấn,
Bung chửa làm sao Chấn lưới câu.
Nếu biết buông ra mà Tốn của,
Nào hay thất thủ bị Ly thân.
Khôn ngoan một chút đừng nghe họ,
Số kiếp tôi Đoài chạy được đâu!


Mai Xuân Thanh
Ngày 17 tháng 11 năm 2014

** *
Bát Tiên

Lộn xác ăn xin Thiết Quảy sầu (1)
Tiên Cô rực rỡ tựa minh châu
Hàn Tương truyền sấm khuyên ông chú (2)
Trương Quả tướng người giống lão câu
Lam Thái trẻ trung hay nhảy múa
Chung Ly quan lớn chán đi chầu
Hoàng thân Quốc Cữu không màng đến
Chó cắn Đồng Tân chẳng có đâu.(3)

Quên Đi

- (1) Lý Thiết Quảy xuất hồn đi gặp Lão Tử, căn dặn học trò quá 7 ngày mới được chôn. Nhưng vì mẹ bệnh nặng nên người học trò phải chôn sớm. Khi hồn Thiết Quảy về không thấy xác, đành phải nhập vào xác ăn mày bị chết đói.

- (2) Hàn Tương Tử khuyên chú là Hàn Dũ đi tu đạo. Nhưng Hàn Dũ chê mê tín. Hàn Tương mới tặng cho Hàn Vũ 2 câu thơ : 
Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại (Mây giăng Tần Lĩnh nhà nơi đâu) 
Tuyết ủng Vân Quan mã bất tiền ( Tuyết phủ Vân Quan ngựa không đi tới được) 
Hàn Dũ không hiểu. Sau đi nhậm chức ở Triều Châu đếm Lam Quan thì gặp cảnh y như 2 câu thơ trên. Bấy giờ mới hiểu ra. 

- (3) - Câu " Cẩu Yểu Lữ Đồng Tân" dựa vào câu chuyện của Cẩu Yểu và Lã Đồng Tân, ý nói không biết lòng người tốt, nghĩ xấu cho lòng tốt của người khác. Vì chữ Cẩu Yểu đồng âm với "cẩu giảo" (chó cắn) nên truyền tới truyền lui thành ra "Chó cắn Lữ Đồng Tân"

Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

Chỉ Là Dường Như


Dường như giọt nhớ
Vô cớ buộc ràng
Lỡ làng ngày nọ
Đầy đọa tình này

Dường như giọt nắng
Chìm lắng môt thời
Dòng đời hoang vắng
Bạc trắng đường mơ

Dường như bóng tối
Đang trói cuộc tình
Bóng hình sương khói
Nhức nhối từng đêm

Dường như mưa đổ
Nhánh trổ trái sầu
Đậm mầu cây khổ
Làm tổ tương tư

Dường như lầm lỡ
Trăn trở trong lòng
Bềnh bồng nức nở
Nhắc nhở tim đau

Dường như mơ mộng
Rung động nơi nào
Ngọt ngào lắng đọng
Khát vọng chìm sâu

Dường như môi mắt
Hương sắc mặn mà
Đậm đà ngây ngất
Vừa mất hôm qua

Dường như hoa nở
Luôn ở bên người
Tiếng cười khờ dại
Ở lại bên ta

Đỗ Hữu Tài 
( Nov.17-2014 )

Dường Như


(Nối tiếp vần thơ 4 chữ của Đỗ Hữu Tài)

Dường như giọt nhớ vấn vương
Vô cớ buộc ràng sợi thương kết chuỗi
Lỡ làng ngày nọ ngậm ngùi
Đầy đọ tình này thui thủi năm canh

Dường như giọt nắng mong manh
Chìm lắng một thời tuổi xanh đánh mất
Dòng đời hoang vắng chồng chất
Bạc trắng đường mơ khuyết tật đôi tim

Dường như bóng tối im lìm
Đang trói cuộc tình chìm vào quên lãng
Bóng hình sương khói bãng lãng
Nhức nhối từng đêm lãng vãng quanh ta

Dường như mưa đổ lệ sa
Nhánh trổ trái sầu hóa đá thiên thu
Đậm màu cây khổ âm u
Làm tổ tương tư ngục tù chôn kín

Dường như lầm lỡ giết mình
Trăn trở trong lòng chỉ biết lặng thinh
Bềnh bồng nức nở khối tình
Nhắc nhở tim đau bóng hình ngự trị

Dường như mơ mộng lỡ thì
Rung động nơi nào khắc tỳ lưu vết
Đậm đà ngất ngây vụt hết
Vừa mất hôm qua lại chết hôm nay

Đường như hoa nở trắng bay
Luôn ở bên người đọa đày suốt kiếp
Tiếng cười khờ dại nối tiếp
Lại ở bên ta trùng điệp khổ đau

Kim Oanh
21/11/2014

Cũng Là Dường Như


( Cảm tác từ Chỉ Là Dường Như của Đỗ Hữu Tài)

Dường như sợi nhớ
Se thắt tim lòng
Chiều đông lạnh vắng
Nỗi buồn mênh mông

Dường như sợi nắng
Lặng lặng rơi rơi
Hoàng hôn rũ bóng
Mây gió lả lơi

Dường trong bóng tối
Che khuất nẻo đời
Đường mờ sương khói
Một bóng chơi vơi

Dường mùa lá đổ
Vườn trổ sầu đâu
Thu nhường đông đến
Gió chướng đêm sâu

Dường trên lối mộng
Xanh biếc trời mây
Mơ đời muôn sắc
Hồn nửa tỉnh say

Dường trong khóe mắt
Rưng giọt lệ buồn
Tàn canh tỉnh giấc
Tình vương vấn vương

Dường hoa tuyết nở
Phủ trắng đồi thông
Đồng thơ gió lộng
Buốt giá đêm đông!

Yên Dạ Thảo
21.11.2014

Đăng Cao

 " Đây là bài thơ bày tỏ cảm xúc lúc trèo lên cao vào ngày tết Trùng Cửu (mồng 9 tháng 9 âm lịch, còn gọi là tết Trùng Dương). Tào Phi trong bài “Cửu nhật dữ Chung Do thư” có viết: “Năm qua tháng lại, bỗng tới mồng 9 tháng 9. Chín là số dương (số nhiều), mà tháng và ngày cùng ứng thì tục lệ đón mừng là để hợp với sự trường cửu, cho nên bày tiệc hội”. Ở Trung Hoa tục lệ có từ cổ xưa là đến ngày lễ tết này thì trèo trên đồi cao và cắm cánh thù du lên đầu hoặc mình nhằm tránh nạn dịch ". 

 Cả bài thơ mang đến một nỗi buồn diệu vợi, sự chán nản ê chề toát lên trong từng lời thơ,gieo vào lòng người đọc cảm giác yếm thế khi tuổi già bóng xế. Chúng Ta cùng thưởng thức "Đăng Cao" của Đỗ Phủ

     
登高
風急天高猿嘯哀
渚清沙白鳥飛回
無邊落葉蕭蕭下
不盡長江滾滾來
萬里悲秋常作客
百年多病獨登臺
艱難苦恨繁霜鬢
潦倒新停濁酒杯

              Đăng cao

Phong cấp thiên cao viên khiếu ai
Chử thanh sa bạch điểu phi hồi
Vô biên lạc diệp tiêu tiêu hạ
Bất tận trường giang cổn cổn lai
Vạn lý bi thu thường tác khách
Bách niên đa bệnh độc đăng đài
Gian nan khổ hận phồn sương mấn
Lạo đảo tân đình trọc tửu bôi



Dịch nghĩa: Lên cao


Gió thổi gấp trời cao,tiếng vượn kêu nghe thật buồn thảm
Bãi nước trong xanh, làn cát trắng,chim bay trở về
Không biết bao nhiêu lá rụng nghe xào xạc
Sông dài ngút ngàn nước cuồn cuộn chảy đi
Muôn dậm thu buồn khi thân cứ mãi nơi đất khách
Trăm năm tuổi hạc nhiều bệnh lại một mình lên đài cao
Hận vì khổ sở khó khăn nên mái tóc bạc màu sương gió
Ốm yếu chán nản đến rượu thường rượu đục cũng đành ngưng không uống

Dịch Thơ
:

Gió lộng trời cao vượn khóc than
Vũng trong cát trắng chim về đàn
Vô vàn lá úa lao xao rụng
Cuồn cuộn sông đi tận ngút ngàn
Muôn dặm thu buồn thân đất khách
Trèo cao trăm tuổi bệnh đa mang
Hận sầu tóc nhuốm màu sương bạc
Rượu đục đành ngưng  sức lực tàn

                                   Quên Đi
 


Thơ Tranh An Nhàn


Thơ: Quên Đi
Tranh Thơ: Hữu Đức

Sự Tích Nhà Bè ( Truyện Thủ Huồn)



Ngày xưa ở Gia-định có một người tên là Thủ Huồn. Hắn xuất thân làm thơ lại. Trong hơn hai mươi năm luồn lọt trong các nha các ti, hắn đã làm cho bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu người bị oan uổng; do đó hắn đã vơ vét được bao nhiêu là tiền của. Vợ hắn chết sớm lại không có con cho nên tiền bạc của hắn không biết tiêu đâu cho hết. Ngoài số chôn cất, hắn đem tiền tậu ruộng làm nhà. Ruộng của hắn cò bay thẳng cánh, mỗi mùa thu hoạch kể hàng ngàn "giạ" lúa. Khi thấy cuộc sống quá thừa thãi, hắn bèn thôi việc về nhà, sống một cuộc đời trưởng giả. Một hôm, có người mách cho Thủ Huồn biết chợ Mạnh-ma ở Quảng-yên là chỗ người sống và người chết có thể gặp nhau. Muốn gặp người chết, người sống phải chờ đến mồng một tháng Sáu, mang một món hàng vào chợ hồi nửa đêm mà đi tìm. Thủ Huồn là người rất yêu vợ. Tuy vợ chết đã ngoài mười năm nhưng hắn vẫn không lúc nào quên. Hắn bèn giao nhà lại cho người bà con rồi làm một chuyến du lịch ra Bắc, mong gặp lại mặt vợ cho thỏa lòng thương nhớ bấy lâu. Khi gặp vợ, Thủ Huồn không dám hỏi vì thấy vợ ăn mặc rất đài các. Sau cùng người đàn bà ấy cũng nhận ra được. Thủ Huồn mừng quá vội dắt vợ ra một chỗ kể cho vợ nghe cảnh sống của mình từ lúc âm dương cách biệt. Rồi hắn hỏi vợ:   
- Mình lâu nay làm gì?
 - Tôi làm vú nuôi trong cung vua. Cuộc đời của tôi không có gì đáng phàn nàn. Tôi có một gian nhà riêng trong hoàng cung, cái ăn cái mặc được chu cấp đầy đủ. Hắn nói: 
- Tôi nhớ mình quá. Tôi muốn theo mình xuống dưới ấy ít lâu có được không? 
- Đi được. Nhưng chỉ trong vài ngày là cùng, nếu quá hạn sẽ nguy hiểm. Thủ Huồn và vợ cùng đi. Qua mấy dặm đường tối mịt, chả mấy chốc đã đến cõi âm. Hắn rùng mình khi lọt qua bao nhiêu cổng trước lúc vào thành nội, qua những tên quỷ gác cổng có những bộ mặt gớm ghiếc. Nhờ có vợ nên chỗ nào cũng vào được trót lọt. Đến một gian nhà thấp, vợ bảo chồng: 
- Đây là nhà bếp, đằng kia là nhà ngục, trước mặt là cung hoàng hậu, chỗ tôi túc trực hàng ngày. Qua khỏi đấy là cung vua. Cứ ẩn tạm trong buồng vắng này vì không thể lên buồng tôi trên kia được. Tôi sẽ kiếm cách cho chàng đi xem một vài chỗ, nhưng rồi phải về ngay. Chiều hôm đó người vợ về trao cho Thủ Huồn một mảnh giấy phép và nói: 
- Chỉ có cung vua và cung hoàng hậu thì đừng có vào còn mọi nơi khác chàng cứ đi xem cho thỏa thích. Hắn lượn mấy vòng xung quanh nhà bếp rồi tiện chân đến nhà ngục. Chưa lọt khỏi cổng mà những tiếng kêu khóc, tiếng la hét ở phía trong làm cho hắn bồn chồn. Qua mấy phòng chuyên mổ bụng, móc mắt, cắt tay, v.v... hắn thấy đây quả là nơi hành hạ tội nhân kinh khủng, đúng như lời đồn ở trên trần thế. Sau cái bàn xẻo thịt là cả một kho gông. Trong đó có một cái gông đặc biệt: nó vừa to vừa dài, làm bằng những thanh gỗ nặng như sắt. Thủ Huồn lân la hỏi người cai ngục: 
- Thứ gông này để làm gì? 
- Để chờ một thằng ác nghiệt ở trần xuống đây. Bao nhiêu những cái gông trong này đều đã có chủ cả. Cứ xem gông to hay nhỏ thì biết tội ác của nó. Thủ Huồn lại hỏi: 
- Thế cái thằng sẽ đeo cái gông vừa to vừa dài đó là ai? Lão cai ngục thủng thỉnh giở một cuốn sách vừa to vừa dày chỉ vào một hàng chữ, đọc: "Hắn là Võ Thủ Hoằng[1] tức là Thủ Huồn". Rồi nói tiếp: 
- Thằng cha đó ở Đại-nam quốc, Gia-định tỉnh, Phúc-chính huyện... Nghe nói thế, Thủ Huồn giật mình mặt xám ngắt. Nhưng hắn vẫn giữ được vẻ bình tĩnh. Hắn hỏi thêm: 
- Thế nào? Hắn có tội gì? Lão cai ngục mắt vẫn không rời quyển sách. 
- Khi làm thơ lại hắn bẻ mặt ra trái làm bao nhiêu việc oan khốc đến nỗi tội ác của hắn đen kín cả mấy trang giấy đây. Này nghe tôi đọc này: năm Ất sửu hắn sửa hai chữ "ngộ sát" thành "cố sát" làm cho hai mẹ con thị Nhân bị chết để cho người anh họ chiếm đoạt gia tài. Việc này Thủ Huồn được mười nén vàng và mười nén bạc, một trăm quan tiền. Cũng năm đó, hắn làm cho ông Ngô Lai ở thôn Bình-ca bị hai mươi năm tội đồ chỉ vì trong nhà có cái áo vải vàng, để đoạt không của ông ta mười hai mẫu ruộng. Năm... Thủ Huồn tái mặt, không ngờ mỗi một cái cất tay động chân của mình trên kia, dưới này đều rõ mồn một. Hắn ngắt lời đánh trống lảng. 
- Thế vợ hắn có cùng đeo gông không hở ông? 
- Ồ! Ai làm người ấy chịu chứ! Vợ hắn nghe đâu là người tốt đã xuống đây rồi. Thủ Huồn lại hỏi gặng: 
- Ví thử hắn muốn hối cải thì phải làm thế nào? Lão cai ngục hạ sách xuống bàn, đáp: 
- Đã vay thì phải trả! Nếu hắn muốn thì phải đem những thứ của cải cướp giật được đó bố thí và cúng lễ cho hết đi. Từ biệt lão cai ngục và những hình cụ khủng khiếp, Thủ Huồn không còn bụng dạ nào để đi xem nơi khác nữa. Vợ thấy chồng đòi về, lại đưa chồng ra khỏi hoàng cung của Diêm vương và ra khỏi mấy dặm đường tối tăm mù mịt. Lúc sắp chia tay hắn bảo vợ: 
- Tôi về trang trải công nợ có lẽ ba năm nữa tôi lại xuống. Mình nhớ lên chợ đón nghe! Về tới Gia-định. Thủ Huồn mạnh tay bố thí. Hắn tập hợp những người nghèo khó trong vùng lại, phát cho họ tiền, lúa. Hắn đem ruộng đất của mình cúng cho làng, cho chùa, chia cho họ hàng thôn xóm. Hắn mời hầu hết sư, sãi các chùa gần vùng tới nhà mình cúng đơm, tốn kém kể tiền vạn. Người ta lấy làm lạ không hiểu tại sao một tay riết róng như hắn bây giờ trở nên hào phóng một cách lạ thường. Ai xin gì được nấy. Có những người trước chửi hắn bây giờ lại đâm ra thương hại hắn. Nhiều người bảo nhau: - "Thứ của vô nhân bất nghĩa ấy không trước thì sau thể nào cũng đội nón ra đi mà thôi!" hay là: - "Có lẽ hắn không con, biết để của cũng chả làm gì nên tự làm cho vợi bớt". Thủ Huồn có nghe rất nhiều lời đàm tiếu về mình, nhưng hắn chẳng nói gì sất, cứ việc quẳng của không tiếc tay. Cứ như thế sau ba năm, Thủ Huồn tính ra đã phá tán được ba phần tư cơ nghiệp. Nhớ lại lời hẹn, hắn lại khăn gói ra Bắc tìm đến chợ Mạnh-ma. Ở đây, hắn dỗ khéo được vợ cho hắn xuống thăm cõi âm một lần nữa. Khi trở lại nhà ngục. Thủ Huồn thấy quang cảnh vẫn như cũ. Lão cai ngục vẫn là lão cai ngục ba năm về trước. Cách bố trí y hệt như xưa: cũng có nơi mổ bụng, nơi móc mắt, cắt tay: v.v... Duy chỗ để gông thì có ít nhiều thay đổi. Bên cạnh những cái vẫn còn nguyên hình như xưa thì lại có những cái trước bé nay đã lớn lên, có cái trước lớn, nay nhỏ hẳn đi. Đặc biệt cái gông mà Thủ Huồn chú ý nhất thì bây giờ đã rút ngắn lại tuy vẫn còn to và dài hơn các thứ gông thường một tý. Hắn lân la hỏi lão cai ngục: 
- Cái gông để ở nơi này trước kia tôi nhớ hình như to lắm thì phải. 
- Đúng đấy! Lão đáp. Có lẽ gần đây ở trên dương thế thằng cha ấy đã biết chuộc lỗi nên nó đã nhỏ lại. Nếu hắn gắng hơn nữa, thì rồi sẽ có phúc lớn. Thủ Huồn lại lên đất, trở về Gia-định. Hắn lại làm tiếp công việc bố thí cúng dàng. Lần này hắn bán hết tất cả những gì còn sót lại, kể cả nhà của của mình. Hắn đến Biên-hòa dựng một ngôi chùa lớn để cúng Phật. Hắn xuôi sông Đồng-nai để làm một việc nghĩa cuối cùng. Hồi đó ở ngã ba sông Đồng-nai và sông Gia-định việc đi lại rất bất tiện. Cũng vì thế mà bên kia sông Đồng-nai người ta còn ngần ngại chưa dám di cư sang để sinh cơ lập nghiệp. Thủ Huồn liền quyết định ở lại đây. Hắn kết một cái bè lớn, trên bè có nhà ở, có đủ chỗ nghỉ, có sẵn nồi niêu, đồ dùng và tiền gạo. Những thứ ấy hắn dùng để tiếp rước những người qua lại, nhất là những người nghèo khó. Hắn cho họ trú ngụ tại bè của mình kẻ năm ba ngày, người một đôi tháng mà không lấy tiền. Hắn làm công việc đó mãi cho đến ngày xuống âm phủ thật sự.
*

Sau đó khá lâu, có lần một ông vua tên là Đạo Quang (*) bên Trung-quốc lúc mới lên ngôi có cho sứ sang Việt-nam hỏi lai lịch một người ở Gia-định. Số là khi nhà vua mới sinh, người ta thấy trong lòng bàn tay vua có mấy chữ: "Đại-nam, Gia-định, Thủ Hoằng", nên nhà vua cần biết rõ gốc gác Thủ Hoằng là ai. Sau khi sứ giả cho biết rõ lai lịch Thủ Huồn, vua Trung-quốc có cúng vào ngôi chùa Biên-hòa ba pho tượng vàng. Do việc đó người ta bảo Thủ Huồn nhờ thành thực hối lỗi, chẳng những làm tiêu mất cái gông chờ hắn ở coi âm, mà còn được Diêm vương cho đi đầu thai làm vua Trung-quốc. Ngày nay, một ngôi chùa ở Biên-hòa còn mang tên là chùa Thủ Huồn: chỗ ngã ba sông Đồng-nai và Gia-định còn gọi là sông Nhà-bè để kỷ niệm lòng tốt của Thủ Huồn đối với khách hộ hành Nam Bắc qua con sông đó[2]. Có câu tục ngữ:
  Nhà bè nước chảy phân hai,
Ai về Gia-định Đồng-nai thì về.
 
KHẢO DỊ
Truyện trên giống với truyện Người đi dạo âm phủ cũng do Jê-ni-bren (Génibrel) sưu tập: Có hai vợ chồng một người ở Nam-định, nhà giàu có lớn. Họ sinh được một cô con gái rất xinh và khôn ngoan tên là Trần Thị Xuân. Đặc biệt là mỗi bàn tay có sáu ngón. Không may năm nàng mười ba tuổi thì bị lên đậu trời mà chết. Thương nhớ con gái, hai vợ chồng không thiết làm ăn gì nữa. Nghe nói ở Quảng-yên có chợ Mạnh-ma, ở đấy dương gian và âm phủ có thể gặp nhau được, hai vợ chồng bèn tìm đến, mong được gặp con. Họ có mang theo một cái quả bằng bạc sắm cho cô gái lúc còn sống. Nhằm ngày mồng một tháng Sáu họ đến chợ giả bày hàng ra bán. Lát sau, người con gái đến hàng mua trầu, trông thấy cái quả của mình liền hỏi chuyện. Cha mẹ nhận ra con nhờ có bàn tay sáu ngón của cô và được con mời đi dạo cảnh âm phủ. Chồng của cô là một viện quan giám thành, đưa cha mẹ vợ đi coi các cửa ngục. Khi đến cửa thứ nhất, hai vợ chồng thất kinh thấy tên tuổi của họ có yết ở cửa ngục. Họ vờ hỏi chàng rể tại sao có tên yết ở cửa, thì hắn bảo: - "Hai người đó ở dương gian cho người ta vay nợ một lớp vốn năm bảy lớp lời làm cho người ta phải bán vợ đợ con nên yết lên để chờ làm tội". Hai vợ chồng lại hỏi: - "Vậy chúng nó muốn khỏi tội thì phải làm thế nào?" - "Phải làm chay bố thí cho hết của đó, mới mong khỏi được". Trở về làng cũ hai vợ chồng dốc của cải ra đón sư làm chay và mạnh tay bố thí. Sau khi hết của họ lại lần mò ra chợ Mạnh-ma tìm con gái và định đòi xuống âm phủ xem thế nào. Nhưng cô gái vừa gặp cha mẹ đã bảo: - "Cha mẹ đã sạch tội rồi, không còn thấy tên ở cửa ngục nữa. Vậy chả cần xuống làm gì". Cả hai truyện trên có lẽ chịu ảnh hưởng từ một số phật thoại ngoại lai trong đó có truyện Mục Liên thăm mẹ ở địa ngục khá phổ biến ở Việt-nam (xem cuối truyện số19).
  Phần cuối truyện Thủ Huồn tương tự với Sự tích sư ông Huyền Chân Truyện bà Hiếu. Sự tích sư ông Huyền Chân: Xưa, ở chùa Quang-minh, xã Hậu-bổng (Hải-dương) có một hòa thượng nổi tiếng chân tu. Lúc về già, Phật Di-đà hiện lên báo mộng rằng: -"Nhà người có công với đạo Phật, kiếp sau sẽ cho giáng sinh làm vua Trung-quốc". Khi hòa thượng chết, đệ tử vâng lời thầy viết vào vai mấy chữ "Hòa thượng Huyền Chân chùa Quang-minh".
Về sau có lần sứ bộ Việt-nam sang Trung-quốc. Khi yết kiến, chánh sứ Nguyễn Tự Cường được vua Minh Hy Tông cho biết là mình sinh ra trên vai có mấy chữ, rửa mấy cũng không sạch, không biết đầu đuôi vì sao. Nguyễn Tự Cường về dò hỏi mới biết câu chuyện sư Huyền Chân, vội mang nước giếng chùa Quang-minh sang cho vua Trung-quốc. Kết quả, nước rửa đến đâu chữ mất đến đấy[3].  
Truyện bà Hiếu: Ở làng Linh-chiểu Đông (Gia-định) có người đàn bà tên là Hiếu nhà giàu, không có con cái. Bà bèn lập chùa Hòa-nghiêm bao vây một khoảng đất rộng để cho kẻ nghèo chôn cất làm phúc. Nhờ có công đức đó nên khi chết được đầu thai làm con gái vua Trung-quốc. Công chúa khi đẻ ra có chữ son "Gia-định, Linh-chiểu Đông, chùa Hoa-nghiêm" vua Trung-quốc cho là sự lạ, gửi giấy sang hỏi bên ta. Sau đó vua sai cúng vàng bạc vào chùa và xin đưa bài vị sang để thờ. Làng không chịu, chỉ làm một bài vị khác đưa sang cho vua Trung-quốc[4].

 ( theo http://maxreading.com)
 

(*) Đạo Quang ( 1782 - 1850 ) là vị vua thứ 8 của Nhà Thanh bên Tàu Hiệu là Tuyên Tông lên ngôi năm 1821, mất 1850.
 ( Huỳnh Hữu Đức Sưu Tầm )

Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

Ta Về


Ta về lại quán ven sông
Mà nghe kỷ niệm chất chồng bủa vây
Em giờ đâu... ta ngồi đây
Lang thang trong cõi mộng đầy tìm nhau

Ta về quán hẹn tình đau
Đếm từng chiếc lá úa màu vào thu
Nhớ quên trong những lời ru
Xanh xao một thuở giam tù tình ta

Ta về lòng vẫn thiết tha
Chung quanh ảo ảnh vẫn là bóng em
Lạnh lùng nghe gió buồn len
Ngoài song hoa rụng bên thềm nhẹ rơi

Ta về nỗi nhớ chơi vơi
Áo em ngày ấy bên đời vương bay
Ta về nhớ một vòng tay
Hắt hiu ngày tháng lưu đày lẻ loi

Khiếu Long

Mưa Cali Nhớ Mưa Sài Gòn - NhạcNguyễn Tuấn - ThơTrần Việt Hải


Thơ: Trần Việt Hải
Nhạc: Nguyễn Tuấn
Tiếng Hát:Thụy Long


Lời Hội Ngộ


Bạn từ nơi cách nửa vòng trái đất
Trở về đây thăm lại chốn quê nhà
Biển trời bao la …
Tình quê chất ngất.
Đường dài vạn dặm …
Cảm chén quan hà.

Người bạn hữu …
Băm mấy năm xa cách
Dáng người xưa in đậm nét thời gian
Lời mail trao không bằng giờ gặp mặt
Tay xiết tay hơi ấm tỏa lan ran.

Cuộc sống ly hương
Cuộc đời ở lại
Rượu lạt quê nghèo
Vị đắng - men cay
Ly cụng ly nhắc chuyện qua dầu dãi
Mừng thật mừng uống mãi chẳng hề say.

Trời quê hương mênh mông mà bé nhỏ
Đón người về vài góc xó đơn sơ
Làng quê xưa,
Mái trường thân yêu cũ
Thay đổi nhiều vẫn còn giữ nét xưa.

Tình quê hương thiết tha mà bình dị
Tiệc rượu xuề xòa đãi ngộ người thân
Tâm sự lan man
Lời không trọn ý
Hoài vọng bình thường một chuyến về thăm.

Tuổi chúng ta buổi chiều tà bóng xế
Kiếp ly hương an phận với gia đình
Đời ở lại chuỗi ngày qua lặng lẽ
Gậm nhấm niềm thất bại nỗi buồn tênh.

Nguyễn Đắc Thắng

Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

Ta Về Nhúm Lửa Cho Nhau


Đi tiếc đời nhau sông nước cũ
Ta về nhúm lửa đợi cơm sôi
Nhớ em đầy chén thơm trong khói
Tình nở xanh khua chạm đáy nồi

Ngày em lúa trổ ta xuôi ngược
Chim chóc kêu bầy lung nước trong
Em thơm trái chín cây bình bát
Tình nở xanh mùa em biết không

Về đây hơ ấm lòng chăn chiếu
Củi cháy kêu than đỏ mắt chiều
Đâu nụ cười em môi chín bói
Bên giàn bếp cũ mái nhà xiêu

Cho ta mồi lửa em ma quái
Đốt ngọn đèn hoa cháy ngọt ngào
Thấy mưa về ướt hai lồng ngực
Chạnh ấm vai ta nước mắt nào

Chờ ta mồi lửa em âm ĩ
Nhúm lại đời nhau sắp tối trời
Còn giữ nụ cười môi chín bói
Tình xanh đâu dể bạc em ơi!

Lâm Hảo Khôi

Qua Xóm Nhỏ - Mạnh Phát - Minh Thư

Đây là câu chuyên tình buồn nơi một làng quê, chàng trai ra đi thời gian dài, rổi trở lại quê nhà thì người con gái đã bước xuống thuyền hoa sang bến khác,còn lại một mình cô đơn trống trải anh chàng ngồi ôn lại kỹ niệm mà cõi lòng tan nát . . .

Sáng Tác:Mạnh Phát 
Tiếng Hát:Minh Thư
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Nối Lại Vườn Thơ Cũ


Trót mấy ngày qua"vườn"* vắng tanh!
Không ai thăm viếng mốc rêu xanh
Một thời ngọn bút cây thêm nhánh
Mấy thuở vần văn nụ nảy cành
Chẳng lẽ hồn thơ đà cạn ý??
Hay là thi tứ đã tàn canh??
Tri âm nối lại thời gian cũ
Xướng họa cùng nhau chẳng độc hành!

Song Quang

***
Các Bài Họa:

Khơi Lại Nguồn Cảm Hứng

Xa em trống trải thấy buồn tanh,
Cơm nước ai lo đói ốm xanh.
Mới thấy cây xinh nhờ có nhánh,
Cho hay lá biếc tỏa trên cành.
Nàng thơ mộng đẹp buồn vô ý,
Thi sĩ nằm mơ tưởng hết canh.(đêm năm canh, ngày sáu khắc)
Khuấy động tâm tư còn ngái ngủ,
Khơi nguồn cảm hứng khúc quân hành.

Mai Xuân Thanh
***
Vườn Thơ Hoa Vẫn Nở

Đông đến bên thềm gió lạnh tanh
Nhưng "Vườn Thơ" vẫn nẩy chồi xanh
Thu qua khởi sắc bao cung điệu
Bấc đến đơm hoa khắp mọi cành
Ánh sáng luôn ngời trong cảnh tối
Vầng dương mãi hiện lúc tàn canh
Ưu phiền chi lắm nầy thi hữu
Có có không không tự vận hành

Quên Đi
***
Khơi Lại Vườn Thơ

Quả thật nhìn vào thấy vắng tanh
Cũng e vườn cỏ mất màu xanh
Đông sang dù đã gây khô nhánh
Tiết lạnh có đâu bắt chột cành
Thi sĩ xót xa chiều lá úa
Tình thơ đau đáu phút tàn canh
Thời gian luân chuyển theo mùa quý
Một thoáng nghỉ ngơi để vận hành.

Nguyễn Đắc Thắng

***
Hồn Thơ


Đời có lúc nồng, lúc lạnh tanh
Cỏ cây đâu phải mỗi màu xanh !
Xuân sang tươi thắm đâm chồi nhánh
Đông đến xác xơ rụng lá cành
Thỉnh thoảng lòng vui , vui suốt buổi
Nhiều khi dạ tủi, tủi năm canh
Hồn thơ dù vẫn tràn lai láng
Lực bất tòng tâm, khó tốc hành...

Phương Hà
***
Gặp Lại Người Xưa


Đói bụng làm sao bếp lạnh tanh,
Ra ngòai lẫu cá với rau xanh.
Trời quang thóang đãng hoa tươi nhánh,
Gió lạnh Đông về lá úa cành,
Gặp lại người xưa mừng suốt buổi,
Chia tay tri kỹ lúc tàn canh.
Có duyên không nợ đời cô quạnh,
Lỡ phận tình nhân luống độc hành...

Mai Xuân Thanh
Ngày 12 tháng 11 năm 2014

***
Họa Nương Vận
.
Giữ ảo mà thôi khỏi sợ tanh
Hồn thơ bao tuổi vẫn nguyên xanh
Mười đầu gieo chữ bền như cỏ
Một khoảnh ươm com vững gốc cành
Gia chủ dựng lều đêm tối đợi
Hảo bằng lên tiếng sáng ngày canh
Khéo cho thanh nhã đừng thô ý
Rổn rảng đôi tai kẻ khác hành.

13.11.14

Tú Xuân
***
Đêm Đồng Quê

Đêm đến đồng quê đâu lạnh tanh
Trên trời lấp lánh ánh sao xanh
Hạt sương tí tách khua trên cỏ
Làn gió lanh chanh lướt chéo cành
Phía trước quạt than lo nướng cá
Mé bên thổi lửa vội đun canh
Mùi thơm điếc mũi bay cùng xóm
Là ruột trai phi nấu cháo hành

Hat Cat Dieu Sinh
***
Thơ Rượu

Thơ phải nhập trần quyện chút tanh
Rượu mồi đạm bạc miễn tươi xanh
Bạn bè tương hợp thuyền neo bến
Huynh đệ cảm thông cánh nối cành
Men bốc tình cao xuyên sáu khắc
Ý tràn nghĩa đậm suốt năm canh
Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu
Chỉ ngại hồn quay xác nó hành

Nha Trang
13.11.2014
***
Đường Tình Lạc Lối

Đêm tàn lắng đọng nỗi buồn tanh
Nhớ mối tình thơ thuở tuổi xanh
Nguyện ước bên nhau cùng một nhánh
Nào ngờ đôi ngã lá xa cành
Trăm thương ngàn nhớ hồn đau đáu
Bạc mái đầu xanh dạ cánh canh
Ai biết về đâu đời dâu bể
Vô thường một kiếp chẳng song hành
2014

Thiên Thu

Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

Xướng Họa: Tiếng Thơm Muôn Thuở

Bài Xướng:

    Tiếng Thơm Muôn Thuở

Dòng sông dẫu nước trong hay đục
Thì bến bờ kia vẫn mướt xanh
Mái tóc người chèo dù đã bạc
Con thuyền tri thức mãi trôi nhanh
Học trò bao kẻ nên cơ nghiệp
Thầy giáo một đời chẳng lợi danh
Cuộc sống thanh bần, lòng rộng mở
Tiếng thơm thiên hạ dám đâu giành.

Phương Hà

Các Bài Họa:

      Vinh Danh Nhà Giáo

Sông dài chảy mãi dòng trong đục
Cuộc sống in màu sắc lá xanh
Thời trẻ an nhiên vùng đất hẹp
Tuổi già thư thả bước chân nhanh
Tình yêu gieo hạt xa quan lộ
Lý tưởng trồng người gạt lợi danh
Bụi phấn ngày qua vương tóc trắng
Niềm vui thanh bạch chẳng tranh giành!

Nguyễn Đắc Thắng
***
Mừng Ngày Nhà Giáo


Tang thương bến nước, dù trong , đục
Biển động, ngàn dâu vẫn ngát xanh.
Thiên chức yêu nghề đầu đã bạc,
Mái trường, đỗ đạt, cũng qua nhanh.
Thầy yêu, đào tạo bao nhân sĩ,
Nhà giáo thanh cao, ghét lợi danh.
Phấn bảng niềm tin vào trí thức,
Một đời mô phạm đố ai giành.

Mai Xuân Thanh 
Ngày 13 tháng 11 năm 2014
***Cảm Khái "Tết Thầy"

Thời binh lửa nhưng tình sâu đậm
Không "Tết Thầy" mà nghĩa vẫn xanh
Trên bục giảng lời lời chậm thoáng
Dưới bàn nghe khắc khắc trôi nhanh
Bao đời Giáo sống trong đạm bạc
Suốt nghiệp Thầy nào kể lợi danh.
Khi đến buổi màu mè nở rộ
Tiếng "Lương Sư" ảo quá ai giành

Quên Đi
***
Một kiếp hoa

Mười hai bến nước dù trong đục
Kiếp má hồng từ thuở xuân xanh
Bao mộng đẹp ươm mầm nụ biếc
Giấc nồng say khép nhẹ mi nhanh
Dòng đời phiêu dạt thân bèo bọt
Nước chảy hoa trôi chẳng phận danh
Một đóa phù dung buồn héo rũ
Mộng tàn phai úa chẳng ai giành

2014
Thiên Thu

Làm Thơ Yêu Em


Bằng tất cả con tim
Anh làm thơ tình ái
Ðể suốt đời nhắc mãi
Rằng anh rất yêu em!

Anh làm thơ yêu em
Nhớ thương tràn giấy trắng
Những ngày em xa vắng
Sầu ngập bút mực đen.

Làm thơ yêu em mãi
Chẳng cạn hồn anh say
Bàn tay đà viết mỏi
Chưa thấm chuyện tình dài.

Thơ làm mãi chẳng xong
Bởi tình anh vời vợi
Không đủ lời để nói
Có nói cũng khôn cùng 

Thơ anh gởi khắp cùng
Lời lời vang sông núi
Không gian nào chứa nổi
Tình anh quá mênh mông!

Yêu em anh làm thơ
Tình mong lưu vạn thuở
Em có đọc bao giờ
Lời anh thương, anh nhớ?
Anh kể hết nông nổi
Tình thầm kín bấy lâu
Quá vô tình em hỏi
Người ấy là ai đâu?

Quang Tuấn

Tháng Mười Một Em Về


Tôi chợt nghĩ rằng, đó … chính em!
Nghiêng nghiêng chiếc bóng đổ bên thềm
Xa nhau từ độ mùa ly loạn
Băm mấy năm rồi vẫn khó quên!

Em về như một vì sao sa!
Khung cửa bên hiên chợt sáng lòa
Giá lạnh tiết đông lan nhè nhẹ
Bâng khuâng hoài niệm chuỗi ngày qua.

Em về cùng với vết thời gian
Khóe mắt chân chim nét phũ phàng
Mái tóc pha sương đời khoáng đạt
Thân tình pha chút nét bàng quan!

Tháng mười một còn chút heo may!
Chiếc lá tàn thu rụng lối ngoài
Đời sẽ mong manh như chiếc lá
Niềm vui dâng trọn những ngày này.

Đắc Thu 
11/2014

Hồng Ân Tháng Mười Một


(Cảm Tác Tháng Mười Một Em Về của Đắc Thu)

Tháng mười một đó của riêng em
Bóng trăng xuyên lá đỗ qua thềm
Hẹn người năm cũ quay trở lại
Mòn mỏi canh dài cớ sao quên!

Bao mùa bão táp với mưa sa
Nhớ nhung bạc tóc mắt đã lòa
Lục trong rương cũ hương mùi áo
Dẫu tình ngắn ngủi thoáng vụt qua

Phủ phàng tình dối với lòng gian
Đau thương vò nát cánh hoa tàn
Chân không đứng vững thân gục ngã
Cuối trời ngời tỏa ánh hồng quang

Tạ ơn Chúa ban đến vận may
Ánh sáng loé lên từ hố ngoài
Nhìn ra chân lý tìm đường mới
Phó thác hồn con trọn tâm này

Kim Oanh

20/11/2014

Khổng Tử " Người Thầy Của Muôn Đời"

Tư Mã Thiên trong phần thuật lại cuộc đời của Khổng Tử đã viết: “Tôi đọc sách họ Khổng, tưởng tượng như trông thấy cách làm người của Thầy. Sang nước Lỗ xem nhà thờ Khổng Tử với nào xe, nào áo, nào đồ thờ, nào các học trò thời thường đến đó tập lễ, tôi bồi hồi ở lại không về được. Nhiều vua chúa và những người tài giỏi khi sống rất vẻ vang nhưng khi chết rồi là hết, chẳng còn gì để lại cho đời sau. Thầy Khổng Tử thì áo vải đạm bạc vậy mà khi mất đi rồi lời dạy của thầy truyền hơn 10 đời mà học giả vẫn còn tôn trọng. Từ Thiên Tử đến vương thần ở nơi xứ Trung Quốc này, hể nói đến Sấm Kinh đều phải lấy thầy làm đích. Thật đáng là bậc chí thánh vậy.”
Cuộc đời của Khổng Tử là cuộc đời của một nhà giáo dục chân chính, một bực thầy vĩ đại không phải là chỉ riêng Trung Hoa mà còn cho cả thế giới loài người nữa. Với Khổng Tử địa vị của ông thầy đã được người đời xưa nâng lên trên cả địa vị của ông cha trong gia đình . “ Quân, Sư, Phụ” sau ông vua là đến ông thầy rồi sau hết mới đến ông cha. Người cha cũng có bổn phận dạy dỗ, giáo dục con cái của mình, nhưng trong xã hội xưa người dạy dỗ con mình  nhiều nhất, người theo dõi san sóc vun xới cái vườn kiến thức và đạo đức của con mình biến nó thành một vườn hoa tươi tốt người đó chính là ông thầy nó. Làm cho một người trở thành một người có kiến thức có đạo đức sống xứng đáng với ý nghĩa cao đẹp của con người đó là công của ông thầy, của người biết mang trong mình cái trọng trách “hối nhân bất quyện” (dạy người không biết mệt). Khổng Tử đã ý thức được sứ mạng cũng như thiên chức cao quý của một lương sư. Sứ mạng cũng như thiên chức đó là truyền bá cho người đời đạo làm người hay lề lối sống thế nào để cho cá nhân, gia đình, quốc gia, xã hội loài người được tốt đẹp, trật tự, hòa bình. Hậu thế đã tôn sung Ngài như bậc thầy của muôn đời, bậc “vạn thế sư biểu”, bởi chủ trương, đường lối, mục tiêu, phương pháp giáo dục của Ngài chứa đựng nhiều giá trị mà người đời sau phải công nhận và học hỏi.
Giáo dục là phải đổi mới. Nhưng đổi mới ở đây không phải cắt đứt hẳn với quá khứ để khoác lên mình một bộ mặt hoàn toàn mới lạ không liên hệ gì tới dĩ vãng. Giáo dục không phải là cách mạng để có thể xóa bỏ hết những gì đã có dù tốt, dù xấu. Sự đổi mới của giáo dục có tính cách liên tục và chọn lọc. Người làm giáo dục phải nghiên cứu học hỏi cái cũ, chọn lấy cái hay cái đẹp của quá khứ để từ đó thêm vào cái tốt đẹp của cái mới. Một phần quan trọng của cuộc đời Khổng Tử đã được dâng hiến cho việc sưu tầm, nghiên cứu, chọn lọc, san định kinh sách để lưu truyền di sản tinh thần tốt đẹp đó của cố nhân cho thế hệ sau nầy. Khổng Tử đã từng khiêm nhượng bảo là Ngài chỉ “thuật nhi bất tác” (có nghĩa là chỉ thuật lại những gì người xưa đã nói chớ chính mình không có sáng tác gì mới mẻ), nhưng ngay trong việc thuật lại đó cũng đã có phải sáng tác lớn lao của Ngài rồi. Vì thuật lại ở đây không có nghĩa là ghi chép lại trọn vẹn y như cũ mà là nghiên cứu, sưu tập, chọn lựa, sắp xếp làm thành hệ thống. Đó là một hình thức sáng tác vậy… Vả lại Khổng Tử không phải chỉ đào sâu vào quá khứ thôi mà Ngài còn bổ sung cho quá khứ đó nữa. Cho nên một ông thầy giỏi, theo Khổng Tử phải là người biết những cái mới bằng cách ôn lại những cái cũ. Biết “Ôn cố nhi tri tân” là có thể dạy được người khác vậy. Trong chủ trương trên người ta thấy có tinh thần khiêm nhường để học hỏi cái hay xưa cùng với tính cách liên tục từ trước đến giờ và mãi mãi về sau. Nó không phải là một thứ cách mạng cắt đứt hoàn toàn với quá khứ để tạo ra cái gì mới mẻ lạ lùng. Nó bao hàm ý nghĩa của sự tiến bộ, đổi mới, thực hiện một cách chắc chắn vững chãi, tựa trên sự tiếp nối liên tục với quá khứ.
Những suy tư về giáo dục cũng như phương pháp học tập của Khổng Tử tuy rãi rác ở nhiều chỗ trong Tứ Thư nhưng phần chính yếu được cô đọng trong quyển Đại học. Ngày nay chúng ta dùng danh từ đại học để chỉ bậc học cao nhất trong ba bậc học quen thuộc là tiểu học, trung học và đại học. Bậc đại học là bậc tiếp theo và cao hơn bậc trung học. Ngày xưa ở thời đại của đức Khổng Tử, giáo dục chưa được tổ chức có hệ thống và qui củ như ngày nay thành ra chưa có sự phân định rõ ràng về ba bậc tiểu – trung – đại học như bây giờ. Tuy nhiên danh từ “Đại Học” mà Khổng Tử dùng làm nhan đề cho quyển sách của Ngài cũng mang ý nghĩa của cái học ở bậc cao. Thật sự thì cũng chẳng có tiêu chuẩn nào ấn định rõ rệt thế nào là bậc cao vì vậy nên nhiều học giả cho rằng đại học ở đây chỉ cái học của bậc cao nhân quân tử (hay đại nhân) tức là cái học của những người có tài có đức để kẽ sĩ ra sức gánh vác việc quốc gia, xã hội. Nhưng dù hiểu thế nào đi nữa thì việc giáo dục của đức Khổng Tử cũng có tính cách mở rộng cho mọi người chớ không phải giới hạn cho một loại người nào lúc bắt đầu. Không phải là bậc đại nhân rồi mới được lựa chọn để theo học. Không có vấn đề thi tuyển hay khảo sát gì cả, và cũng không có một chính sách kỵ thị nào trong vấn đề thu nhận người vào học. Đối với Khổng Tử mọi người khi sanh ra đời đều mang trong mình bản tánh tốt tự nhiên ai cũng như ai. Nhưng khi lớn lên vì ảnh hưởng của xã hội, của hoàn cảnh xung quanh và môi trường sinh sống mà người ta thay đổi khác nhau. Người ta khi sanh ra đời ai cũng có bộ óc, có đời sống trí thức, hay cái “minh đức” như Khổng Tử gọi, cho nên ai cũng có thể được giáo dục để trở nên tốt đẹp hơn.
Vì ai cũng như ai, lúc bắt đầu, ai cũng mang trong mình bản chất và giá trị của con người, nên cần phải có cơ hội đồng đều cho mọi người trong vấn đề học vấn, giáo dục. Tính cách nhân bản của một nền giáo dục bắt đầu từ chỗ đó. Dịch vụ giáo dục phải được đem đến cho mọi người một cách đồng đều không có vấn đề sàng sãi, lựa chọn, thứ nhất là bằng lý lịch của gia đình hay tổ tông, bằng màu da, bằng nơi sanh đẻ bằng tình trạng kinh tế xã hội (social economic status) hay bằng bất cứ những yếu tố gì khác. Nền giáo dục được coi là nhân bản phải bắt đầu từ chỗ mở rộng cửa ngay từ đầu để đón nhận mọi người như nhau. Vấn đề chuyên môn hóa ở trên đại học ngày nay có thể đưa đến sự giới hạn, chọn lọc sinh viên trong một số ngành chuyên môn nào đó. Nhưng sự hạn chế số sinh viên trong một ít ngành chuyên môn trên đại học không phải là sự đóng kín cửa các đại học không cho người ta được đi học vì một lý do nào đó (như vì cha ông thuộc thành phần chánh trị khác với nhóm người đang cầm quyền chẳng hạn.) Nền giáo dục nhân bản phải bắt đầu từ chỗ xem mọi người là con người như nhau, nghĩa là cùng mang bản chất người và cùng có giá trị của con người.
Giáo dục của đức Khổng Tử bắt đầu từ chỗ đó. Đối tượng của nó là con người với tất cả giá trị của con người. Mở đầu quyển Đại học Khổng Tử bảo: “Đại học chi đạo tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện.” Câu này có nghĩa là : “Con đường của đại học là ở chỗ làm sáng cái đức sáng ở nơi con người, ở chỗ làm mới người dân, ở chỗ dừng lại ở nơi thật đẹp.” Ý nghĩa thật sự của câu nói này cần được khai triển thêm cho rõ. Nó nói lên mục tiêu của sự học hỏi của bậc đại nhân. Mục tiêu đó là học hỏi để làm cho tâm trí của mình được sáng tỏ, và khi tâm trí mình được sáng tỏ mở mang thì hãy đem sự hiểu biết của mình mà giúp đỡ khai hóa người dân làm cho dân chúng được tiến bộ mới mẻ, và tiếp tục giúp đỡ người đời và quốc gia xã hội đưa quốc gia xã hội đến chỗ thật tốt đẹp. Mọi người ai cũng như ai, đều mang sẵn trong người một cái “đức sáng” (minh đức) khi sanh ra đời. Tuy nhiên vì hoàn cảnh xã hội, vì môi trường sinh sống khác biệt của mỗi người mà cái đức sáng đó không được phát huy hoặc bị lu mờ như một tấm gương bị bám bụi. Công việc của giáo dục là làm sao phát huy được đức sáng đó, cũng như luôn luôn lau chùi tấm kiếng đừng cho bám bụi để làm cho nó trở nên sáng sủa sẵn có từ trước chớ không làm cho sự sáng sủa của nó gia tăng. Ngược lại cái đức sáng ở nơi con người nếu được trao dồi cẩn thận sẽ được phát huy và trở nên sáng sủa hơn trước rất nhiều.
Nhưng đức sáng ở con người là cái gì?
Trong địa hạt tâm lý, nhất là khi liên hệ tới giáo dục, người ta thường nói đến trí tuệ (intelligence), là khả năng thu nhận những tin tức những dữ kiện những kiến thức cũng như khả năng giải quyết các vấn đề một cách khéo léo nhanh chóng. Nó là đầu não, là bộ óc là tâm trí hiểu theo nghĩa thông thường. Cái minh đức mà Khổng Tử nói đến trong quyển Đại học của Ngài là trí tuệ của con người, là đầu não là bộ óc hay tâm trí của con người vậy. Tự nó, tuy đã mang cái mầm sáng sủa, nhưng chưa đủ sáng, nó cần phải được rèn luyện trao dồi thêm. Học vấn, giáo dục là công trình giúp tâm trí con người được phát triển mở mang đầy đủ. Mục tiêu kế tiếp là làm mới người dân. Có người nào cho rằng chữ “tân dân” ở đây phải đọc và hiểu là “thân dân” mới đúng. Thân dân là gần gũi với dân, thương yêu giúp đỡ người dân. Thân dân mới hàm chứa được lòng nhân mà Nho giáo luôn luôn nhấn mạnh. Tân dân chỉ là làm mới người dân, mà làm mới người dân vì lợi ích của kẻ thống trị, thì chưa chắc đã bao hàm ý nghĩa gần gũi, thương yêu dân chúng. Thật sự thì đối với dân, nhà Nho thường đặt trọng tâm vào ba việc là “thứ, phú, giáo” tức là làm cho dân đông, làm cho dân giàu và dạy dỗ giáo dục người dân. Thương dân, lo cho đời sống của người dân được phát triển đầy đủ. Nhà Nho lúc nào cũng nghĩ đến dân, ý dân là lòng trời theo quan niệm của Nho giáo. Cho nên theo thiển ý, tân dân hay thân dân gì cũng được vì đối với Nho giáo tinh thần nhân bản vẫn được đề cao, và người dân là cứu cánh chớ không phải là một phương tiện trong hệ thống triết lý này.
Mục tiêu sao hết là dừng lại ở chỗ thật tốt đẹp (chỉ ư chí thiện). Có lẽ đây là mục tiêu không bao giờ đạt được bởi có bao giờ đi tới chỗ chí thiện đâu. Thành ra có thể đây là mục tiêu để người ta luôn luôn hướng tới vậy thôi chớ sự chí thiện thì chắc chắn chẳng bao giờ có được. Chúng ta có thể hiểu mục tiêu này như là sự luôn luôn hướng đến chỗ toàn thiện toàn mỹ. Chi tiết hơn và với một hiện biện chứng chặt chẽ hơn Khổng Tử nói đến những giai đoạn ứng dụng của học vấn giáo dục như sau: Tu thân, tề gia, trị quốc bình thiên hạ, tức là sửa mình cho tốt đẹp, sắp đặt việc nhà cho đâu vào đấy, góp phần vào việc xây dựng quốc gia, và đóng góp vào việc làm cho thế giới hòa bình yên ổn. Học vấn giáo dục phải được dùng vào việc làm cho tốt đẹp từ cá nhân đến gia đình đến quốc gia và đến cả thế giới loài người ở trên trần gian.
Tu thân là sửa mình, là biến con người từ chỗ sai lầm khiếm khuyết đến chỗ đúng đắn, tốt đẹp. Tu thân đòi hỏi phải có học vấn giáo dục để mở mang trí tuệ, phát triển óc suy tư, nhận biết được cái gì đúng, cái gì sai, giữ lấy cái đúng, cái tốt và hành động theo những tiêu chuẩn đúng và tốt đó. Học vấn giáo dục ứng dụng vào trường hợp mỗi cá nhân là như thế. Khi cá nhân được tu sửa, con người trở nên tốt và đúng, thì người ta có thể dùng ảnh hưởng tốt của mình cộng thêm những kiến thức mình đã học hỏi được để dùng vào việc sắp đặt lo lắng cho gia đình được yên ấm đâu vào đó, trên dưới có ngăn nắp có trật tự. Lo cho gia đình yên ổn được rồi thì có thể đem tài đức của mình phụng sự  cho quốc gia, góp phần dựng nước và trị nước. Trong một quốc gia, nếu từ người lãnh đạo ở trên cao như vua, tổng thống, thủ tướng, quốc trưởng cho đến những cấp lãnh đạo ở dưới như tổng, bộ trưởng đến đổng lý, tổng thư ký, tổng giám đốc và xuống dưới nữa như chánh sự vụ, trưởng ty, chủ sự…đều có học vấn giáo dục, đều biết sửa mình để trở nên đúng và tốt đều biết làm hết bổn phận và trách nhiệm của mình đối với quốc gia dân tộc thì bộ máy chính quyền sẽ vô cùng tốt đẹp và công việc trị nước và dựng nước rất hữu hiệu và kết quả sẽ thật mỹ mãn. Nhà cửa yên ổn, quốc gia hùng mạnh tốt đẹp thì có thể mở rộng ảnh hưởng đi đến cảnh thanh bình an lạc cho cả thế giới loài người. Lý tưởng hơn nữa là nếu quốc gia nào cũng có được những người có kiến thức tốt, biết sửa mình để hành động đúng thì cảnh thanh bình an lạc cho mọi người trên cõi đời này chắc chắn sẽ thực hiện được như vậy.
Nhưng phải học như thế nào để có thể đạt được kết quả tốt? Trong quyển Đại học thầy Khổng Tử bảo phải “thành ý, chánh tâm, trí tri, cách vật”. Thành ý là lòng thành thật, thành thật nhận thấy mình biết hay không biết, hiểu hay không hiểu, và thành thật muốn học hỏi. Muốn học hỏi cho đến nơi đến chốn thì trước hết phải nhận biết tình trạng của mình và có tấm lòng thành muốn học hỏi thật sự. Đó là điều kiện cần phải có cho việc học. Nhưng thành ý chỉ mới là điều kiện cần thôi chưa phải là điều kiện đủ. Chánh tâm mới là điều kiện đủ. Chánh tâm là lòng mình phải ngay thẳng. Làm cho lòng mình ngay thẳng ở đây có nghĩa là phải dứt bỏ mọi định kiến, mọi hiểu biết sai lầm đã có từ trước vì tất cả những cái đó có thể làm cho cái nhìn của mình thiên lệch, thiếu vô tư. Sự thiên lệch (bias), thiếu vô tư, thiếu khách quan sẽ rất dễ đến những nhận xét hay những hiểu biết nông nỗi, không chính chắn. Làm cho lòng mình ngay thẳng chính chắn để đừng bị chi phối bởi những định kiến, những hiểu biết sai lầm từ trước, để cho mình có được cái nhìn trung thực, chính chắn về mọi sự, mọi vật. Đó là điều kiện đủ để cho sự học hỏi có kết quả thực sự. Khi đã có những điều kiện cần và đủ rồi thì người ta có thể đi đến chỗ “trí tri” tức là hiểu biết đến nơi đến chốn, bằng phương pháp “cách vật” tức là mổ xẻ phân tích sự vật. Vật ở đây không chỉ giới hạn ở vật thể mà nên hiểu rộng là mọi sự việc và mọi vật hay một cách tổng quát là tất cả những gì có thể trở thành đối tượng của sự nghiên cứu học hỏi. Một vật như máy điện thoại, máy tính, cái dây, cái hoa, con chim, con cá cho đến các sự việc như một hiện tượng xã hội hay một hiện tượng thiên nhiên…đều có thể là đối tượng của sự nghiên cứu. Hãy phân tích, mổ xẻ đối tượng, tìm hiểu sâu xa các chi tiết liên hệ để đi đến sự hiểu biết đầy đủ đến nơi đến chốn đó là “trí tri tại cách vật” vậy.
Trên đây là đường lối, phương cách học hỏi, còn phương pháp giảng huấn thì như thế nào?
Phương pháp giảng huấn mà đức Khổng Tử đã áp dụng trong cuộc đời dạy học của Ngài cho đến ngày nay vẫn còn được khoa sư phạm (pedagogy) lưu ý học hỏi để áp dụng, nhất là ở những nước có tự do dân chủ và nền giáo dục mang nhiều tính chất nhân bản. Phương pháp giảng huấn của Khổng Tử không được ghi chép thành văn nhưng người đời sau có thể suy ra từ những gì mà các đệ tử của Ngài ghi lại về cuộc đời dạy học của Ngài. Có thể tóm tắt những nét chính trong phương pháp giảng huấn của ông thầy vĩ đại này như sau:
1. Thương từng người học trò; hiểu rõ từng cá nhân mỗi người; giúp mỗi cá nhân phát triển tựa trên hoàn cảnh và điều kiện của mỗi người. Đây là một điểm tâm lý sư phạm rất đáng được lưu ý. Ngày nay nhiều nhà tâm lý sư phạm vẫn đề cao đường lối “cá nhân giáo huấn” (individualized instruction) vì người ta thấy rằng mỗi người có một đời sống tâm lý (nhất là tính tình, nhân cách, trí tuệ…) cũng như một môi trường sinh sống (hoàn cảnh gia đình và xã hội) đặc biệt của mình, không ai hoàn toàn giống ai cả. Do đó khi áp dụng một chương trình học duy nhất, cứng rắn cùng một cách giảng dạy như nhau cho cùng một số đông người thì kết quả của công trình giảng dạy, học tập (teaching / learning process) sẽ không được tốt đẹp lắm. Đáng lý ra người ta phải có một chương trình học và một phương pháp giảng dạy thích hợp cho mỗi cá nhân học sinh nhưng việc đó không thể nào thực hiện được cho nên người ta phải tạm dùng cách chuyên môn hóa (specializing) phân chia các ban, phân chia học sinh ra từng lớp hay từng nhóm có trình độ gần nhau để công việc giảng dạy / học tập có kết quả hơn. Tạo cơ hội đồng đều (equal opportunity) để mọi người đều được hưởng quyền giáo dục, tức là không kỳ thị, không loại bỏ một ai là điều cần phải có trong một nền giáo dục nhân bản, nhưng điều đó không có nghĩa là phải xem tất cả các người đi học đều giống hệt như nhau và đều bằng nhau về phương diện khả năng thu nhận và học tập.
2. Vai trò của người thầy không phải là tạo ra những bộ óc cho người đi học, cũng không phải là để nhồi vào đầu óc người đi học một mớ kiến thức nào đó một cách máy móc và cũng không nên xem bộ óc con người như một tờ giấy trắng mà mình muốn vẽ cái gì lên đó cũng được.
Vai trò thực sự đúng nghĩa của người thầy là người hướng dẫn, giúp đỡ cho người đi học có cơ hội và biết đường hướng để phát triển con người toàn diện. Ở bên trời Tây, và cũng xấp xỉ đồng thời với Khổng Tử, nhà hiền triết Socrates cũng có quan niệm tương tự như Khổng Tử về vai trò của giáo dục hay của người làm giáo dục. Socrates dùng một hình ảnh cụ thể hơn để nói rõ vai trò của kẻ làm thầy. Người làm thầy cũng làm công việc tương tự như người hộ sinh (đỡ đẻ). Người đó giúp cho đứa trẻ ra khỏi bụng mẹ để vào đời chớ người đó không phải là người sanh ra đứa bé.
3. Phương pháp giảng huấn của đức Khổng Tử đòi hỏi phải dựa trên thực tế và có phần thực hành trong việc học chứ không phải chỉ có tính cách lý thuyết suông. Phương pháp đó dùng lối đối thoại, dùng cách hỏi và trả lời giữa trò và thầy khiến cho sự học vấn giáo dục trở nên linh động, gần gũi đi liền với cuộc sống thật sự ở ngoài đời. Với mỗi đệ tử trong mỗi hoàn cảnh, Khổng Tử có câu trả lời khác về cùng một vấn đề, vì phải tùy lúc, tùy người, tùy hoàn cảnh mà có cách giải đáp cho sát với thực tế. Lý thuyết và thực hành cần phải đi đôi với nhau thì cái học mới hữu dụng.
Giáo dục ngày nay còn bao gồm nhiều vấn đề quan trọng khác như vấn đề quản trị, việc phát triển trường sở, thiết lập chương trình học, đào tạo giáo chức, soạn và in sách giáo khoa, tổ chức thi cử và lượng giá, vấn đề tu nghiệp và hội thảo v.v…ngoài những gì liên hệ tới triết lý giáo dục như mục tiêu, đường hướng, phương pháp.
Lẽ dĩ nhiên là ổ thời đại của Khổng Tử có những vấn đề chưa được đặt ra vì việc giáo dục ở thời đại đó chưa có lớn lao, phức tạp như bây giờ. Tuy nhiên với mục tiêu cao cả, đường lối tốt đẹp, phương pháp hữu hiệu, giáo dục của Khổng Tử mang nhiều tính cách nhân bản và khoa học khiến cho người đời sau phải tôn thờ Ngài như bậc thầy của muôn đời “VẠN THẾ SƯ BIỂU”
Ngày đản sanh của đức Khổng Tử có một thời đã được chọn làm ngày biết ơn thầy (teacher’s day) ở Trung Hoa. Giáo dục của đức Khổng Tử mới là giáo dục thật sự có ý nghĩa và làm người thầy trong “nền giáo dục có ý nghĩa đó mới xứng đáng với địa vị  “quân, sư, phụ” vậy.

Huỳnh Hữu Đức  trích http://namkyluctinh.org/ntliem/ntliem-khonggiao.htm