Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

Thơ Tranh: Trả Hết Cho Người


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Thơ Tranh: Xin Nhận Ơn Người


Thơ: Dương Hồng Thủy
Thơ Tranh: Kim Oanh

Thơ Tranh: Tiếc Nuối Tình Người


Thơ: Thiên Thu
Thơ Tranh: Kim Oanh

Đâu Phải Tự Nhiên Ta Nhớ Muội


Ta không phải giang hồ kiếm khách
Mài gươm thiêng bên suối ngắm trăng
Muội chẳng là con cưng sư phụ
Nuôi chí ta tình nghĩa đá vàng

Ta chưa múa chém vang ghềnh đá
Gió biển gào tóc áo muội bay
Dừng tay kiếm, mồ hôi lã chã
Muội kề,  âu yếm tặng khăn tay

Ta với muội chưa từng đối ẩm
Nâng chun trà ngọt lịm mời nhau
Chưa ngắm muội mắt nai, mặt nguyệt
Ôm tỳ bà tấu khúc ly tao

Ta đâu ở đầu sông thương nhớ
Muội chẳng cùng uống nước Tương giang
Chưa có phút ban đầu gặp gỡ
Thì làm sao cách cảm giao thần

Ta chỉ biết đề thơ trên lá
Thả hồn bay theo áng mây trôi
Vượt định mệnh, chưa mòn chí cả
Thiện, mỹ, chân đội đá vá trời

Ta như bướm, muội là hoa tươi thắm
Nhụy đài trang ướp mật ngọt môi ta
Họa thơ muội buông thả dòng xúc cảm
Hồn say sưa ru nắng gió chan hoà

Nét thư họa là đường gươm bén ngót
Cắm vào tim những rung động tuyệt trần
Ý của chữ nghĩa tình cao chót vót
Khiến thời gian đồng điệu với không gian

Vần điệu đẹp, văn thơ đâu biết tuổi
Nét thơ tranh giao cảm gợi tình người
Nên đâu phải tự nhiên ta nhớ muội
Hởi nàng thơ! Ta như thể ngỏ lời!

Phạm Tương Như
Nov  15  2011

Vịnh Tản Viên


    詠傘園山            Vịnh Tản Viên Sơn
             高伯适                   Cao Bá Quát

名山山上古今傳   Danh sơn sơn thượng cổ kim truyền 
四望團團若傘園   Tứ vọng đoàn đoàn nhược tản viên
雲邁重霄星可摘   Vân mại trùng tiêu tinh khả trích
地遙萬仞水無權   Địa dao vạn nhận (*) thủy vô quyền
煙霞長鎖無塵境   Yên hà trường tỏa vô trần cảnh
泉石閒棲不老仙   Tuyền thạch nhàn thê bất lão tiên
唐懿膽寒高束手   Đường Ý đảm hàn Cao thúc thủ (**)
巍然南極鎮南天   Nguy nhiên nam cực trấn Nam thiên. 


Dịch Nghĩa : Núi Tản Viên
 

Từ xưa truyền đến nay Tản Viên nổi tiếng hơn tất cả những núi nổi tiếng
Nhìn từ bốn phía tròn tròn giống như cái tán dù
Mây nhiều tầng cao tới trời có thể hái được sao
Đất rộng muôn nhận (*) nước không cách nào chạm đến
Mây và ráng khoá kín không thấy được cảnh dân gian
Suối và đá là nơi nghỉ thong dong của các tiên trẻ mãi không già
Đường Ý Tông sợ đến tái mật Cao Biền chịu bó tay
Sừng sững tận phương nam gìn giữ trời nam.

Dịch Thơ:

Núi Tản Viên
Từ xưa đứng nhứt danh non Tản
Tựa tán dù giương thật rỡ ràng
Mây chạm trời cao sao hái tới
Đất dang muôn nhận (*) nước khôn tràn
Cảnh trần khói ráng che mù mịt
Tiên trẻ đá khe hưởng thú nhàn
Đường Ý kinh hoàng Cao chịu phép
Phương nam sừng sững giữ trời nam
Quên Đi 


(*) 

Nhận : có lẽ đây là đơn vị đo ruộng đất ngày xưa. Nhưng khi tra tìm các đơn vị đo diện tích của Việt Nam ngày xưa, thì chỉ có Mẫu Sào Cao... Phân (分) còn đọc là Phấn # 0,24 m2 chớ không thấy nói đến "nhận". Có thể Phân là đơn vị Cao Bá Quát muốn nói.


(**) 

Đường Ý Tông ( 833 - 873 ) là vua thứ 17 của nhà Đường bên Tàu. Cao Biền tướng nhà Đường trấn giữ Giao Chỉ  từ năm 866 đến năm 868 thì Đường Ý Tông triệu về Trường An giữ chức Hữu Kim Ngô Đại Tướng Quân.

Vịnh Tản Viên Sơn
Đứng đầu núi lừng danh khắp chốn 
Một tán tròn từ bốn phía trông 
Khều sao , chót vót mây lồng 
Đỉnh cao vạn bậc đừng hòng nước vây 
Trần gian đâu ? khói mây che phủ 
Tiên không già vui thú suối mây 
Đường, Cao lạnh mật bó tay 
Trời Nam sừng sững phương nầy oai phong 
Mailoc phỏng dịch
Cali 10-23-14
***
Họa: Vịnh Tản Viên Sơn
(" Vịnh Tản Viên Sơn " theo bản dịch của Quên Đi)
Truyền thuyết sử lưu núi Tản Viên,
Tán tròn ghi dấu lọng rừng thiêng.
Bóng mây lấp lánh ngàn sao chớp,
Hình thể đỉnh cao nước dưới triền.
Đất dốc làm sao mà thấy nước,
Trời thanh khói tỏa khuất non tiên.
Vua Đường Ý sợ, Cao đành chịu, (Cao Biền, tướng Tàu)
Chống đỡ trời Nam thu tiếng chiêng,  ...
Mai Xuân Thanh  
***
Núi Tản Viên

Tản Viên nổi tiếng nhất xưa nay
Như tán dù tròn bốn phía xoay
Lớp lớp mây tầng, sao dễ chạm
Trùng trùng đất rộng, nước khôn bày
Ráng trời che phủ, trần gian khuất
Suối đá gọi mời, tiên nữ say
Đường Ý, Cao Biền đành trở gót
Núi thiêng trấn giữ cõi Nam này .
Phương Hà phỏng dịch 
***
Núi Tản Viên 
Xưa nay núi Tản danh vang nhất 
Vươn thẳng tầng không chiếc lọng tròn 
Đứng hái sao trời trong khoảng với 
Nằm sâu con nước quẩn triền non 
Khói mờ bóng ráng che trần thế 
Suối đá tiên đồng vui dáng son 
Đường Ý bàng hoàng, Cao trốn tránh 
Phương Nam uy trấn đất Nam còn 
Nguyễn Đắc Thắng 
20141025
***
Vịnh Núi Tản Viên 
Cổ kim nổi tiếng Tản Viên,         
Như dù tròn trịa che liền bốn bên.          
Hái sao mây phủ tầng trên,         
Đất liền vạn trượng mông mênh nước trời.         
Khói mây phủ kín trần đời,      
Suối len đá núi giữ người lên tiên.         
Vua Đường cùng với Cao Biền,         
Bó tay chùng bước núi thiêng Nam nầy.
Đỗ Chiêu Đức. 

Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

Bến Cũ


Ngỡ ngàng trở lại bến sông xưa 
Vẫn cánh cò bay, mấy bóng dừa 
Vẫn mảnh trời xanh in bóng nước 
Đâu rồi ngày cũ hoa đong đưa!

Chiều nghiêng nghiêng nắng nhạt bên cầu 
Tiếng guốc người xưa nay về đâu? 
Lao xao nghe tiếng lòng gợn sóng 
Ai đã qua cầu, nhớ sông sâu?

Đường xưa còn đó, ta với ta 
Đâu tà áo trắng bay thướt tha? 
Cây đa thay đã bao lần lá, 
Còn nhớ hôm nào em tôi qua?

Đâu những rộn ràng thuở đón đưa 
Sân trường vàng vọt nắng lưa thưa 
Bước chân ngày cũ còn in dấu 
Người xưa, thương biết mấy cho vừa!

Tập Vạn Vật em có lắm hình
Xưa tôi mượn tập, vẽ cho “mình” 
Vẽ bao con thú hiền như Bụt 
Lục diệp, chi hoa trĩu nặng tình.

Xuân nào tôi trao cành hoa trắng 
Ý ngầm tình tợ tuyết... non cao 
Ướp chút hương thơm thêm nồng thắm 
Thẹn thùng em vội bước đi mau.

Rồi một mùa hè, lạnh gió đông 
Em gởi cho tôi cánh thiệp hồng 
Em mang trời mộng về bên ấy 
Để lại lòng tôi nỗi trống không!

Ở Vĩnh Long mà mơ Vĩnh Long 
Chắt chiu kỷ niệm xót xa lòng 
Đêm trăng tôi thấy trăng ngày trước 
Em nhớ gì không, “cô má hồng”?

Nao nao lạc bước nợ tang bồng 
Canh cánh bên lòng nỗi nhớ mong 
Hương xưa, dáng cũ chừng quanh quẩn 
Son phấn nghe như nặng cõi lòng!

Lê Kim Thành

Em Mãi Là Cô Bé Của Tôi Yêu - Cô Bé Dễ Yêu




Em Mãi Là Cô Bé Của Tôi Yêu

Em mãi là cô bé của tôi yêu
Buổi gặp gỡ một chiều bên quán vắng
Ánh mắt trao nhìn nhau trong thầm lặng
Nhưng tiếng lòng đã nghe nặng con tim

Nhìn café từng giọt nhỏ êm đềm
Ôi nhớ lắm bàn tay mềm ngón nhỏ
Run run khuấy thẹn thùng đôi má đỏ
Bé yêu ơi! Nhớ lắm buổi hạ chiều

Em mãi là cô bé của tôi yêu
Ánh mắt đó một lần tôi bắt gặp
Chút e thẹn chút gì như ngượng ngập
Với tiếng cười trong vắt chuỗi pha lê

Bé yêu ơi! Cứ mỗi lúc đêm về
Là thoáng hiện dáng hình em trong mộng
Thương nhớ lắm ấp ôm hoài hình bóng
Của một người em gái nhỏ tôi yêu.

Bên quán xưa trong một buổi hạ chiều ...

Vĩnh Trinh

***
Bé Dễ Yêu Của Buổi Hạ Chiều

(Cảm xúc Em Mãi Là Cô Bé Tôi Yêu của Vĩnh Trinh)

Vẫn mãi hoài cô bé dễ yêu
Bên quán vắng buổi chiều gặp gỡ
Ánh mắt trao vương tình bỡ ngỡ
Tiếng lòng dồn dập thở ..đôi tim

Bé yêu ơi! Tiếng gọi êm đềm
Miền hạnh phúc đắm chìm riêng nhỏ
Bâng khuâng lắm run run môi đỏ
Ngập ngừng thưa lời khó vô cùng

Vẫn mãi hoài cô bé dễ yêu
Mắt chạm mắt những điều muốn nói
Tình e thẹn gói hoài chưa mở
Sao vội vàng…người nỡ ra đi

Bé yêu ơi! Tha thiết thầm thì
Tiếng yêu đáp xuân thì còn đó
Mà người yêu của nhỏ không về
Thương nhớ cạn câu thề quên lối

Bé dễ yêu của buổi hạ chiều…



Kim Oanh
***
(Cảm tác “…Bé Dễ Yêu …” của Vĩnh Trinh và Kim Oanh)

Này em! cô bé dễ yêu ơi!
Màu áo thơ ngây trắng giữa trời
Ánh mắt hồn nhiên nhìn ngổ ngáo
Nụ cười thánh thiện nở chơi vơi

Em đang nghĩ ngợi cái chi chi?
Hoa cỏ thân thương muốn nói gì?
Buổi hạ chiều tươi màu phượng đỏ
Cho em thư giãn một mùa thi.

Em hãy tập dần những ước mơ
Bầu trời xanh thẳm vẫn đang chờ
Thả hồn bay vút vào mây gió
Gói chút duyên thầm trong ý thơ.

Đắc Thu - 20141022 

Mùa Thu Bên Hiên - Mùa Thu Nhớ Người



Thơ; Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Họa Vần:
Mùa Thu Nhớ Người

Lòng ta trăm mối bời bời
Người đi để lại những lời chia ly
Bên hiên mưa gió thầm thì
Ta như chiếc lá trong khi lìa cành.

Tìm người nào thấy mối manh
Nhớ thương chi lắm cũng đành chia xa
Đường đời người vẫn bôn ba
Nhớ ai biền biệt trời xa, đau lòng

Quang Tuấn (20/10/14)

Gởi Bạn Phương Xa


Bài xướng:

Vườn thơ mở cửa đón thi nhân!
Gởi bạn phương xa, nếu rảnh chân
Đến viếng, trổ tài phô nét đẹp
Về thăm, trao đổi kết tình thân
Đường văn bát ngát, ai chùn bước?
Ngõ ý bao la kẻ ngại ngần?
Thời cuộc đổi dời ta vững chí
Kiếp tằm phải trả nợ cùng nần.

Song Quang
***
Bài họa 1:

Nở cánh hoa lòng gửi thế nhân
Tâm thành thiện chí góp về Chân
Xây đài hội hữu tình tha ái
Nhập cuộc tao đàn nghĩa thiết thân
Góp bút vào trang đời rộng khắp
Cho thơ thấm đất nước trong ngần
Hỡi người tri kỷ- tri âm đó
Đã trót đa mang gánh nợ nần!

Bài họa 2:
Từ lúc chia tay biệt cố nhân
Góc trời diệu viễn khách dừng chân
Mang theo nỗi nhớ dâng triều mến
Để lại niềm thương luống cảm thân
Đô thị tưng bừng ngồi thảng thốt
Phồn hoa trào lộng đứng tần ngần
Cuộc đời muôn vẻ nhiều màu sắc
Hỏi phải làm sao hết nợ nần

Sỹ Bình
***
Vườn Thơ Thẩn

Không là gác phượng của tao nhân
Mà chỉ vườn hoa đón bước chân
Bạn hữu mời chào câu xướng hoạ
Thầy trò trao đổi mối tương thân
Thơ văn chữ nghĩa, lời trong sáng
Tình cảm tâm tư, dạ trắng ngần
Từ bốn phương trời ta gặp gỡ
Cơ duyên, nào phải nợ hay nần.

Phương Hà

Chiếc Lá...


Có đôi khi tôi hỏi mình là ai
Từ đâu tới và còn đi đâu nữa?
Đêm hôm qua chắc ngoài trời nổi gió
Vì sáng nay nhiều chiếc lá vàng rơi

Nhìn lá rơi tôi lại thấy ngậm ngùi
Như đâu đó, vài người thân đã khuất
Đặt bàn tay lên trái tim thổn thức
Những gì qua không lấy lại bao giờ

Như trở về mình vẫn thấy dòng sông
Nơi bến cũ thuyền xưa không còn nữa
Tôi nhìn mãi từng đường cong lá úa
Nghĩ về Cha, về Mẹ, về Anh Em

Đường tôi đi sao chỉ thấy dài thêm
Những khắc khoải của một đời đã sống
Một nửa đời còn đong đầy nỗi nhớ
Một nửa đời còn lại để lãng quên
Một ngày nào sẽ không nhớ nổi tên
Của những người quen mà mình đã biết
Và như thế ...
Lá cũng có một ngày để chết
Cho cành khô lại hé những lộc non
Để cuộc đời sẽ mãi mãi xanh hơn
Thì lá rớt đâu phải điều đáng tiếc

Có một điều, chỉ một điều tôi biết
Khi ngước nhìn theo một áng mây trôi
Một cánh chim đang xoãi cánh chơi vơi
Bay mải miết dường như không biết mỏi
Tôi đã tự trả lời một câu hỏi
Đời vẫn còn đẹp tựa một bài thơ
Có gì đâu, sao ta phải hững hờ ?!!

Nguyên Nhung
***
Chiếc Lá
(từ Chiếc Lá của Nguyên Nhung)

Chồi xanh mơn mởn lông tơ
Cho con ong nhỏ ôm bờ lá cong
Sương bay ươm nhẹ nắng hồng
Sắc khoe màu biếc thong dong dịu dàng.

Bổng nhiên hoang vắng điêu tàn
Phất phơ từng đợt lá vàng nhẹ bay
Duyên thừa số phận lắt lay
Thu sang mưa đổ xác đầy bơ vơ.

Sang mùa như mối tình hờ
Lặng im lá ngủ bên bờ quạnh hiu
Lá bay khi gió đổi chiều
Vàng lên lá rụng dập dìu lối quen.

Thương cho chiếc lá lỡ làng
Tử sinh sớm tối nhọc nhằn riêng mang
Bên đường rộn tiếng chuông ngân
Tiển đưa về với mộ phần cỏ hoa.

Lá xanh cuộc sống chan hòa
Chiều nào mõi cánh cứ tà tà rơi
Lá còn quyến luyến cuộc đời
Hãy bay về phía chân trời nắng lên.

Dương Hồng Thủy

( 25/10/2014)

Bâng Khuâng Tháng Mười


(Trời tháng 10 chưa cười đã tối)

Nhẹ nhàng thu lướt sang đông.
Xun xoe áo lạnh ấm lòng mình ơi!
Lại thêm mùa cưới nữa rồi.
Niềm vui trao cả lên môi mọi người.

Dung dăng sương khói buông lơi
Sau mưa chợt nắng chơi vơi bóng chiều.
Tháng mười thoáng dáng thu yêu
Nghe rơi chiếc lá cô liêu nỗi mình.

Trăng mờ lấp ló buồn tênh
Năm , ba cánh nhạn quẩn quanh gọi bầy.
Đêm dài chưa vội tàn canh.
Ngẩn ngơ ngày ngắn - chưa xanh nụ cười!


(11 tháng 10- 2014).
Hương Ngọc

Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Cảm Thu


Đường chiều nắng lưa thưa 
Liễu rũ cành đong đưa 
Lào xào trong hoa lá 
Vai gầy lá thu mưa 

Nắng thôi rồi cũng phai ,
Mây xám buồn bay bay 
Thương nhớ ! ôi thương nhớ!
Một cánh chim lạc loài 

Vắng cung đàn tiếc thương 
Bao dĩ vãng mờ sương 
Tuổi vàng không trở lại 
Hiu hắt mộng thiên đường 

Dòng đời theo tháng năm 
Sỏi đá vết lăn trầm 
Lạnh lùng vầng trăng khuyết 
Nước dưới cầu như băng 

Lòng như mặt hồ thu 
Gió đâu về vi vu 
Thì thầm sương trên lá 
Trong bóng đêm mịt mù!

Mailoc
10-3-14
***
Bến Nhân Sinh

Dòng đời bóng tà thưa
Đò chiều nhộn nhịp đưa
Khách dồn chân bước vội
Heo may lất phất mưa


Sắc hồng đã nhạt phai
Trong gió bụi mù bay
Chiếc lá vàng chao đảo
Đến điểm cuối muôn loài

Nơi bến đổ yêu thương
Mờ dần giữa hơi sương
Biết bao người lỡ chuyến
Nhân sinh mấy nẻo đường

Từng năm lại từng năm
Tiếp nối những thăng trầm
Kia lữ hành cô độc
Đời như một tảng băng

Hồn tựa lá mùa thu
Lòng tựa cõi hoang vu
Bến nào nơi ẩu náu
Trong hư ảo mây mù


Quên Đi

Thơ Tranh: Nhặt Lá Thời Gian


Họa Vần: Gom Lá

Rả rích bên thềm mưa gió qua
Làm tan tác rụng lá Thu già
Buồn trong kỷ niệm ta gom lá
Chạnh nhớ người xưa xa cách xa.

Hững hờ năm tháng vội qua mau
Mái tóc xanh ta đã bạc màu
Gom lá mà thương đời lẻ bóng
Chỉ còn nuối tiếc với thương đau.


Quang Tuấn
(20/10/14)

Lẻ Loi


(Tặng Kim Oanh)

Thôi rồi nắng đã tàn trên góc phố,
Nghe tiếng chiều than thở ở đâu đây.
Người xa lắm, từ khuê ly có lẽ,
Bởi vì ta như kẻ đã xa bầy.

Chạnh nhớ lại tháng ngày xa xưa đó,
Một góc đời, một thuở đã bên nhau.
Ta xa cách rồi em như xa cách,
Lạc hướng lòng, buồn bã bước chân đau.

Chiều xám nặng thay màu trên lối cũ,
Những hàng cây tóc rũ đổi thay ca.
Người sao đến rồi người đi vội vã,
Để chiều nay thơ thẩn chỉ riêng ta?

Montreal, 04-05-2012
Nguyễn Đức Tuấn

Thơ Tranh: Quê Hương Vào Mùa Nước Nổi


Thơ: Phượng Trắng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Mùa Thu Cho Em

" Sống cho người mình yêu thương vẫn tốt đẹp nhất trần gian " 
  Richelieu 

Tôi bước vào giảng đường lớn của trường luật khoa Sàigòn thì đối diện ngay một thiếu nữ khả ái, có làn da trắng và tóc đen huyền ngang bờ vai. Tôi khẻ gật đầu chào nhẹ và nàng mỉm cười chào đáp lễ. Sau đó trong một sự tình cờ ngẫu nhiên tôi lại ngồi kế bên dãy ghế mà nàng ngồi. Chúng tôi nghe thầy Lê Ðình Chân thuyết giảng về môn Luật Hiến Pháp và các định chế chính trị. Tôi nghe thoáng qua những điều cơ bản mà giáo sư giảng về các quy tắc và định luật xã hội, sự phân biệt giữa quy tắc công pháp và tư pháp, và rồi ông giảng về những ý niệm chính trị do luật gia kiêm văn hào Montesquieu đưa ra và nhiều điều thuộc về lý thuyết chính trị làm nền tảng cho luật pháp. Thật ra ban nãy tôi chú ý đến người bạn gái ngồi gần tôi hơn là ngó về phía trên bục giảng mà giáo sư đang hùng biện diễn giảng cho những lý thuyết chính trị của môn này. 

Sau giờ học tôi đợi cô bạn học đi ra cùng với tôi, tôi bắt chuyện làm quen và biết được nàng tên là Thùy Trang, nhà nàng ở quận ba, đường Phan Ðình Phùng, cách trường luật không xa lắm. Tôi đọc thoáng trong ý nghĩ cái tên cuả nàng, tên thật hay, mà người lại đẹp, đúng với sự thùy mị và đoan trang mà tôi nhận xét trong buổi gặp gỡ này. Những ngày tháng sau đó chúng tôi mặc nhiên quen nhau và đồng ý quen nhau trên căn bản trao đổi bài vở và học hành chung với nhau. Tôi thường gạo bài trước để làm bản tóm tắt soạn bài cho Thùy Trang học. Ngược lại nàng có cái đức tính rất cẩn thận, tỉ mỉ khi ghi notes của thầy giảng trong lớp học. Mỗi người chúng tôi vui vẻ với cái nhiệm vụ riêng khi học chung với nhau. Sau khóa học chung đầu tiên, tôi đã quen thân với Thùy Trang hơn, tôi có cảm giác nàng đã mến tôi hơn. Mùa hè năm đó nàng rũ tôi về thăm cả quê ngoại và nội của nàng để cho biết đời sống ở các tỉnh lỵ. Tôi vui lòng chấp nhận. 

Quê ngoại nàng ở vùng Lái Thiêu thuộc tỉnh Bình Dương, nhà bà có vườn cây ăn trái bao la với trái dâu, bòn bon, măng cụt, chôm chôm, nhãn và sầu riêng. Trong vườn có ao nuôi cá mà tôi rất thích thú dạo quanh vườn và cùng nàng đạp xe đạp trên những con lộ hoang vắng vào buổi chiều. Vùng quê thật êm ả và có gió mát thổi tạo cho chúng tôi một cảm giác yêu đời hơn. Chiều hôm đó tôi leo lên cây hái nhãn và bị té trầy sướt tay trái, nàng tỏ vẻ lo lắng cho tôi. Tôi bất thần hôn nhẹ lên má nàng, nàng mắc cở đẩy nhẹ tôi ra. Tôi bảo rằng nàng phải đền tôi vì chính nàng mượn tôi hái nhãn cơ mà. Ở chơi tại nhà ngoại nàng 2 tuần lễ, nàng và tôi chuẩn bị đi Long An để thăm nội nàng. Bà nội lớn tuổi hơn, bà bị chứng mắt cườm nên thị lực rất kém. Nhà nội nàng ở khoảng giữa Bến Lức và châu thành Long An. Nhà bà Nội có cô Út làm mắm đồng rất ngon. Nhà Nội có vườn cây ăn trái xum xuê nhưng không rộng bằng vườn cây của Ngoại. Vườn nhà Nội có khóm, mía, xoài cát, mận hồng đào, bưởi khế, vú sữa và mãng cầu. 

Những năm đầu sang đến Mỹ, tôi nhớ lại vườn cây của Nội và Ngoại nàng, luyến tiếc kỷ niệm đi thăm vườn cây ăn trái, lòng thương con, cháu của hai Bà và nhất là nồi mắm kho của cô Út thết đãi: có tôm bạc thẻ, cá bông lau, cùng các loại rau thơm của đồng quê. Cô Út sống độc thân và lo cho bà Nội của Thùy Trang. Cô Út cũng rất thương mến con cháu. Bữa ăn đó tôi càng cảm mến nàng hơn. Nàng hầu như ăn rất ít mà lo cho tôi rất nhiều. Nàng thật vui khi thấy tôi sống hòa đồng với các thân nhân của nàng. Trong phòng khách của nhà Nội, có chưng những bức ảnh của Thùy Trang khi nàng được mười ba tuổi. Bức hình rất hồn nhiên, vô tư lự với đôi mắt tròn xoe đen huyền cạnh bên hai bím tóc cột nơ. Tôi ngắm mãi với nhiều thích thú. thảo nào ông thi sĩ Nguyên Sa lại ca tụng cái tuổi mười ba rất ư là đẹp và dễ thương. Cô Út thích âm nhạc, nàng bảo tôi hãy hát một bài để cảm ơn bữa ăn do cô Út làm. Tôi mượn cây đàn guitar cũ kỹ, có lẽ còn sót lại từ đời Pháp thuộc từ bên nhà hàng xóm. Tôi ngắm bức hình tuổi mừơi ba của Thùy Trang và ngâm bài thơ trước khi dạo đàn ca bài này: 

" Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng 
Mưa tôi trả về bong bóng vở đầy tay 
Trời nắng ngọt ngào tôi ở lại đây 
Như một lần hiên nhà nàng diụ sáng 
Trời hôm ấy 15 hay 18 
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ 13 
Tôi phải van lơn ngoan nhé! Ðừng ngờ 
Tôi phải van lơn ngoan nhé! Ðừng ngờ 
Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc 
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường 
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương 
Anh thay mực cho vừa màu áo tím 
Rồi trách móc trời không gần cho tay với 
Và cả nàng hư quá sao mà kiêu...? 
Nên đến trăm lần nhất định mình chưa yêu 
Nên đến trăm lần nhất định mình chưa yêu". 

Dứt tiếng hát thì nội, cô Út, các láng giềng, hàng xóm và Thùy Trang vỗ tay khen tặng tôi. Tôi bảo với họ ước gì có cô Thái Thanh ở đây để hát thế tôi. Bài nhạc "Tuổi 13" do nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc, với tôi chỉ có ca sĩ Thái Thanh hát mới lột hết những ý nhạc, lời thơ một cách tuyệt vời, vì giọng hát của cô hàm chứa một chút gì nủng nịu, một chút gì làm dáng trong sự nhõng nhẽo của tuổi mừơi ba của Thùy Trang. Tôi chỉ kết luận một điều về lứa "Tuổi 13" như sau: Thơ Nguyên Sa, nhạc Ngô Thụy Miên, tiếng hát Thái Thanh và bức ảnh Thùy Trang.


Những ngày tháng cuối niên khóa học ở trường luật, chúng tôi bận rộn với thi cử, hai đứa gặp nhau thường xuyên hơn. Nơi chúng tôi họp để học bài là thư viện Quốc Gia trên đường Gia Long. Chúng tôi đèo nhau trên chiếc xe honda hai bánh của tôi, chúng tôi thực sự như đôi chim liền cánh và như cây liền cành. Tôi còn nhớ đoạn đường từ trường luật khoa ở trên đường Duy Tân, xe chạy ra hướng Bưu Ðiện và nhà thờ Ðức Bà, rồi vào đường Tự Do, quẹo phải trên đường Gia Long để tới thư viện nằm bên trái. Ðoạn đường thật sự quen thuộc trong trí nhớ của tôi, đoạn đường có quá nhiều kỷ niệm êm đềm. Khi Thùy Trang cứ mãi hôn lên lưng của tôi khi tôi chở nàng, đoạn đường có những hàng cây cao ở Duy Tân hay hàng me rợp bóng mát ở Gia Long và trường luật có bài hát " Trả Lại Em Yêu" của nhạc sĩ Phạm Duy. Trả lại em yêu những yêu thương, những hẹn hò, những giây phút hồn nhiên nhưng rất thần tiên khi chúng tôi bên nhau, để chúng tôi uống nước dừa bên vệ đường và uống môi em ngọt ở một góc vắng thư viện Gia Long. Ôi, khung trời kỷ niệm cũ của tôi! 

Biến động tháng Tư năm 75 chia cách hai chúng tôi, duyên tình lỡ làng khi chia ly. Tôi ra đi cùng gia đình của người anh họ tôi, ông vốn là một sĩ quan không quân, theo máy bay xuống vùng 4 phi trường Trà Nóc. Tại Sàigòn, nàng bị kẹt lại với gia đình cha mẹ nàng. Tôi mường tượng cảnh nàng thiếu vắng tôi nàng sẽ vô cùng đau khổ và nàng sẽ khóc nhiều lắm. Tôi đợi phi cơ bay qua căn cứ không quân Mỹ ở Utapao bên TháiLan. Tôi thực sự đã ra khởi nước Việt Nam ngày 29/04 trong nỗi hoang mang và lưu luyến. Khi rời Cần Thơ tôi cảm thấy nỗi cô đơn và nước mắt ấm tự nhiên lăn dài. Tôi cố giữ bình tĩnh khi phi hành đoàn yêu cầu chúng tôi buộc dây lưng an toàn trên chiếc vận tải cơ C-130. Tôi nhớ ba mẹ, anh em tôi, tôi nhớ bạn bè tôi, tôi nhớ trường luật, tôi nhớ chợ Sàigòn và thư viện Quốc Gia. Bên cạnh đó, nổi nhớ nhung khủng khiếp nhất là hình ảnh Thùy Trang đã gặm nhấm tâm hồn của tôi từng ngày, từng giờ. Tôi đến Mỹ và định cư yên ổn tại California. Thùy Trang theo mẹ về quê ngoại nàng ở Lái Thiêu. Cha nàng bị lùa đi trại cải tạo như bao nhiêu quân nhân hay công chức của chính phủ VNCH. Nàng cố gắng liên lạc qua Pháp và viết thơ cho cô tôi. Khi đó cô đang đi du học tại Paris. Tôi vui lắm vì được biết gia đình nàng được bình yên. Những lá thơ nàng gởi, nàng viết rất dài kể lại kỷ niệm cũ và viết bằng nước mắt thương yêu. Nàng bảo tôi hãy chờ nàng vì đối với nàng, nàng không thể yêu ai khác ngoài bóng hình của tôi. Nàng trích hai câu nói mà ngày xưa nàng đã chép vào sách cho tôi như là: " Sống cho người mình yêu thương vẫn là điều tốt đẹp nhất trần gian " của một chính khách người Pháp Richelieu; Và câu nói thứ hai là: " Một tình yêu khi đã chết thì nó vẫn là tình yêu, vì một khi đã yêu nhau thì dù tình đã chết hay còn sống vẫn chỉ là một trạng thái yêu nhau mà thôi", lời nói của nhà thần học người Ðức GertrudVon Le Fort. Những lá thư tình của Thùy Trang gởi tôi tạo cho tôi một niềm tin yêu và một hy vọng sẽ gặp lại nàng. Vâng, hy vọng gặp lại nàng. Tôi đã hứa lòng sẽ chờ đợi nàng và tôi đã hứa nhiều lần trong những lá thơ gởi về quê nhà cho nàng. 

Bẵng đi một thời gian nàng bặt tin tức với tôi và thời gian đó đồng bào vượt biên bằng đường biển khá nhiều, tôi vẫn trông chờ tin tức của nàng và vô vọng vì nàng không còn liên lạc với tôi nữa. Tôi bỏ San Jose ở miền bắc Cali để dọn về nam Cali sinh sống vì công ăn việc làm. Hình ảnh của nàng từ từ được thay thế bởi những bận rộn của cuộc sống thường nhật ở đây. 
Tết Nguyên đán năm 87, tôi đi hội chợ Tết ở Orange County cùng với gia đình của người bạn thì tình cờ tôi xoay người đụng phải một người đàn bà, bà đánh rơi ly nước xuống đất. Tôi vội vàng xin lỗi bà. Kế bên bà ngẫu nhiên là người yêu của tôi, Thùy Trang trong một phút ngỡ ngàng nàng chợt ôm chầm lấy tôi và khóc thật nhiều. Tôi hôn lên tóc nàng. Ðã lâu lắm rồi tôi mới tìm lại cái hạnh phúc với người tôi đã chờ mong trong cuộc sống. Nàng xoay qua giới thiệu dì Minh Thảo, tôi gặp dì vài lần ở Sàigòn trước 75. Ngày nay dì thay đổi nhiều về trọng lượng. Thùy Trang lại ốm hơn vì nàng vừa trải qua một cuộc giải phẫu ruột dư. Tôi vuốt tóc nàng và lau nước mắt cho nàng. Trong tôi vẫn có cái cảm giác vui mừng thật khó diễn tả chẳng hạn như: 

" Trên đời có những ước mơ, 
Lòng tôi xao xuyến ngẩn ngơ gặp nàng." 

Thật đúng như vậy, nàng cho biết nàng đã lập gia đình, hiện ở Boston. Nàng sang Bắc Cali thăm dì Minh Thảo, gia đình dì Thảo xuống Nam Cali nghỉ tết âm lịch. Ðó là lý do chúng tôi trùng phùng hội ngộ mà chẳng hề biết trước. Tôi mời Thùy Trang và dì Thảo về nhà tôi thăm viếng cho biết cuộc sống của tôi. Hai dì cháu to nhỏ và thầm khen tôi sống độc thân, nhưng giữ nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp. Sau đó tôi đưa dì Thảo về nhà người bà con của dì. Thùy Trang theo tôi đi thăm một số bạn bè cũ ở trường Luật. Trên xe nàng thố lộ lý do nàng lấy chồng vì chồng nàng là người ân nhân đã bao thầu chuyến tàu cho cả gia đình nàng vượt biên, nàng có đứa con trai năm tuổi với người ân nhân này. Lòng tôi đau nhói vì ngày hôm nay tôi không thể tiến đến với nàng vì luật pháp và đạo lý. Tôi thông cảm với nỗi khổ tâm của nàng. Trong ba ngày gặp gỡ, chúng tôi tìm lại những giây phút vui tươi của cuộc sống phẳng lặng bấy lâu nay. Khi tiễn nàng và gia đình dì Minh Thảo lên chiếc Van trở lại San Jose, rồi từ đó nàng bay về Boston. Dì Thảo đã linh tính cho sự kiện "tình cũ không rủ cũng đến" này và dì khuyên lơn Thùy Trang nên dứt khoát với tôi, tôi nghe thoáng ý của dì. Ðây là điều làm tôi suy tư. 

Về lại Boston, nàng vẫn trao đổi liên lạc với tôi không chính thức. Nàng làm cho một công ty bảo hiểm rất lớn có văn phòng chính tại Boston. Thường thì nàng gọi tôi tại sở hay tôi gọi nàng tại văn phòng của nàng. Một hôm sáng Chủa Nhật nàng gọi tôi vì nàng định sang Cali dự đám cưới con gái dì Thảo, chồng nàng tình cờ nghe bên dây thứ hai và mọi việc đổ bể. Vợ chồng nàng xô xát nhau. Tôi tỏ ra ân hận vì những phiêu lưu về tình cảm này cứ tiếp diễn. Thùy Trang bỏ gia đình sang tạm trú tại nhà dì Thảo. Tôi từ Nam Cali lái xe lên rước nàng ở phi cảng San Francisco. Nàng bị bầm bên mắt trái tôi biết do hậu quả của xô xát, tôi ôm chầm lấy nàng trong nổi thông cảm, ngậm ngùi và quá bi thương. Ngày hôm nay chúng tôi vẫn yêu nhau vì tình yêu vẫn như Richelieu nói và tình yêu của chúng tôi vẫn chưa chết, vẫn yêu đương như GV Le Fort quan niệm. Ðiều tôi nghĩ đến trong cuộc tình của Thùy Trang và chồng nàng là đứa bé năm tuổi kia khi cháu vắng mẹ thì sẽ như thế nào. Chồng nàng gởi con cho mấy cô em chồng. Gia đình chồng nàng không có thiện cảm với nàng ngay lúc đầu vì những sự lo lắng thái quá của chồng đối với nàng. Tôi đưa nàng về San Jose vì ngày hôm sau là lễ cưới của Minh Thùy con gái dì Minh Thảo. Tiệc cưới lại tổ chức ở San Francisco gần nhà đàng trai. 

Chúng tôi trở lại cái thành phố nhiều đồi núi duyên dáng này. Tiệc cưới đông đúc người, thật lớn chiếm cả một lầu hai của nhà hàng khá sang trọng. Trong cái không khí cởi mở và vui nhộn của tiệc cưới, thân phụ cô dâu là dượng Toàn, chồng dì Thảo, kéo tôi lên sân khấu ca một bản chia vui với cô dâu và chú rễ. Tôi đáp lời dượng và ngỏ lời với quan khách tôi hát bài " Mùa Thu Cho Em " vì sáng nay trên đường đi đến San Francisco, lề đường có những cây có lá úa vàng nhất là hàng cây maple trụi lá vào mùa thu lưu luyến của thành phố San Francisco. Khi người ta yêu nhau thì mọi vật đều cho nhau từ kỷ niệm nhớ nhung, sính lễ cầu hôn, con tim trao nhau, và cho cả mùa thu rực rỡ yêu đương đang về với nhân loại và hôm nay là ngày cưới. Tôi nhìn về hàng ghế ở dưới có Thùy Trang, tôi muốn nói nhỏ cho nàng tôi đã gặp nàng vào mùa thu tại trường Luật khoa Sàigòn, bao nhiêu mùa thu tôi đã chờ đợi nàng rồi và hôm nay thu lại về tôi muốn hát cho nàng nghe khúc ca yêu đương muôn thuở là "Mùa Thu Cho Em" 

"Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ 
Em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương 
Và em có nghe khi mùa thu tới 
Mang ái ân mang tình yêu tới 
Em có nghe, nghe hồn thu nói 
Mình yêu nhau nhé 
Em có hay mùa thu mưa bay gió nhẹ 
Em có hay thu về hết dấu cô liêu 
Và em có hay khi mùa thu tới 
Bao trái tim vương mùa xanh mới 
Em có hay, hay mùa thu tới 
Hồn anh ngất ngây 
Em có mơ mùa thu cho ai nức nở 
Em có mơ, mơ mùa mắt ướt hoen mi 
Và em có mơ khi mùa thu tới 
Hai chúng ta sẽ cùng chung lối 
Em với anh mơ mùa thu ấy 
Tình ta ngát hương."


Tôi liếc thấy niềm vui hiện trên nét mặt của Thùy Trang vì khi xưa nàng thường yêu cầu tôi hát bài này khi đi picnic hay họp mặt cắm trại với bạn bè tại Sàigòn. Sau tiệc cưới trời bên ngoài đã khuya chúng tôi quyết định thuê khách sạn trú ngụ qua đêm tại San Francisco. Trời bên ngoài càng về khuya càng lạnh tôi ôm ngang vai của Thùy Trang đến chỗ đậu xe khá vắng vẻ ở dưới hầm. Tôi khuyên nàng hãy trở về với chồng con nàng. Ngày hôm nay chúng tôi thật sự sống với nhau những đêm cuối cùng. Nàng ôm tôi và bật khóc vì nàng đứng giữa hai sự chọn lựa đều khó khăn. Tôi hôn lên hai hàng mi đẫm lệ của nàng, rồi hôn môi nàng thật nhiều, siết chặt lấy nàng, tôi nói với nàng tôi vẫn yêu nàng tha thiết. Tuy nhiên, đứa bé thơ ngây có thể không muốn cha mẹ xa nhau. Tôi chấp nhận hy sinh tiếp tục và tôi đề nghị sẽ giữ sự liên hệ xa cách hơn trong những ngày sắp tới. 

Sáng hôm sau tôi đưa nàng ra phố Chinatown ăn điểm tâm và mua cho nàng những món quà lưu niệm và mua tặng phẩm cho con trai nàng. Chúng tôi ghé qua văn phòng công ty hàng không đổi vé máy bay cho nàng sớm về lại Boston. Nàng muốn ghé đến chụp hình lưu niệm tại cầu Golden Gate và Pier 39 Marina. Tôi đưa nàng đến thăm những thắng cảnh độc đáo này. Ðó là chiếc cầu treo màu đỏ bắc ngang vịnh Cựu Kim Sơn nối liền hai thành phố Sausalito và San Francisco, chúng tôi chụp nhiều hình. Tôi nhìn thẳng vào ánh mắt đắm đuối của nàng. Nàng thật đẹp trong tôi, giờ đây tôi muốn gởi những yêu đương trên đôi môi nàng và trả lại cho nàng những kỷ niệm cũ yêu thương qua bờ môi ngọt lịm của nàng. Chúng tôi tâm sự về những gì đã qua ở trường Luật, ở quê nội và quê ngoại nàng và bao nhiêu mùa thu của cuộc đời đã qua. Hình như nàng rất sợ đối diện những ngày nếu tôi chấm dứt hẳn sự liên lạc với nàng. Tôi cảm thấy điều tương tự như vậy trong những câu nói của nàng. Thùy Trang gọi cho dì Minh Thảo thông báo là nàng sẽ trở về Boston vào ngày mai nên sẽ ở lại San Francisco để tiện cho chuyến bay sáng ngày mai. 

Hôm sau đó tôi lái xe đưa nàng ra phi cảng. Trên đường đi tôi mở nhạc phẩm mà tôi rất thích trong số những nhạc phẩm của Ngô Thụy Miên "Giọt nước mắt ngà". Tiếng hát của ca sĩ Thanh Lan thật lưu luyến và buồn vời vợi, tôi thấy mắt Thùy Trang long lanh những dòng nước mắt. Có lẽ vì chúng tôi sắp phải xa nhau và có thể vì bài hát "Giọt nước mắt ngà" buồn vời vợi trong nổi xúc cảm của nàng: 

Em đứng bên song buồn 
Nhìn cuộc tình trôi qua và lòng người phôi pha 
Trên hai đóa môi hồng 
Nụ cười đã đi xa 
Ôi giọt nước mắt nào cho cuộc tình đầu 
Em ngỡ như cơn mộng người tình về bên em 
và gọi thầm tên em 
Nhưng trên đóa mi sầu ngày dài vẫn qua mau 
Em tựa lá úa mầu cho cuộc tình dài sau 
Thôi một giọt nước mắt này cho cuộc tình đam mê 
cho người tình trăm năm... 
Ôi giọt nước mắt ngà cho cuộc tình đầu tiên. 

Tôi ngước mắt nhìn lên trời cao, chiếc phi cơ DC-10 chở nàng vụt cánh trên không trung. Lòng tôi tràn ngập những vấn vương với hình ảnh của Thùy Trang và những giọt nứớc mắt ngà thương tâm. Tôi biết nàng đã cho tôi con tim trong ý tưởng của Richielieu và cũng như của Gertrud Von Le Fort đã quan niệm tình yêu của tôi với nàng là sự chấm dứt hay tiếp tục vẫn chỉ là một. Tôi sẽ bơ vơ, lạc lõng trong những giọt nước mắt ngà của người tôi yêu... 

Việt Hải - Los Angeles
(À ma chère amie T.)

Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

Bó Hoa Trắng Ngày Em Đi, Giản Dị


Bạn thân ơi, sáng nay nghĩ đến anh
Từng ngày qua, từng ngày qua rất nhanh
Nghĩ đến vô thường, nghĩ đến ngày nằm xuống
Nước mắt rơi nhưng tim em không lạnh

Thấy ấm nồng, đời đẹp lắm mầu xanh
Cảm ơn anh và bó hoa gửi tặng
Hoa hồng nhung tuần lễ cuối tháng Mười
Anh dễ thương và luôn nghĩ đến em
Bảo sao em không thỉnh thoảng mỉm cười

Luôn ước mình sẽ là người đi trước…
Vẫn mong anh đừng quá đỗi muộn phiền
Đời sống này ngắn ngủi, lắm phước duyên
Ta hãy sống từng phút giây hạnh phúc
Để đến lúc phải đi mình chúc phúc
Mừng cho nhau thoát khỏi kiếp hiện tiền

Em mất đi… đừng đau buồn anh nhé
Đừng đọc thơ rồi nhung nhớ muộn phiền
Đừng nhìn hình, đừng khóc, nhớ thương em!
Bó hoa trắng bỏ vào bình, giản dị

Em ra đi, chẳng cần ai đưa tiễn
Bó hoa trắng cắm vào bình cho tiện
Nếu thương tiếc, chỉ nửa giờ là đủ
Đừng kéo dài sầu khổ, nhớ nha anh

Lời trăn trối: chỉ mong anh vui mạnh
Em ra đi tâm an ổn, nghiệp lành
Ngủ một giấc thật bình an miên viễn!

Quách Như Nguyệt
Oct. 24th, 2014

Thú Đi Gác Cu

Tản mạn về thú vui đồng quê:


      Ai đã từng sống qua thời niên thiếu ở đồng quê mà không nhớ những kỷ niệm thời ấu thơ như: thả diều, bắt dế, đá gà, tắm sông, câu cá..v...v.? Với tôi, ngoài những thú vui vừa kể trên còn một thú vui độc đáo nữa mà tôi không bao giờ quên được, đó là thú :ĐI GÁC CU. Thú vui này "duyên nợ" với tôi nhiều lắm mà hôm nay tôi có thể ngồi nhớ lại vanh vách để viết thành hồi ký nho nhỏ này
      Câu chuyện như sau: nåm 13 tuổi học lớp nhứt trường làng, tôi vẫn thắc mắc câu tục ngữ này hoài mà không dám hỏi Thầy đang dạy mình:

Trên đời có bốn cái ngu:
Làm mai, lảnh nợ, gác cu, cầm chầu ..


      Ba cái ngu kia còn có thể hiểu được, còn cái ngu thứ ba là gác cu thì đành chịu thua . Bỗng một chiều kia khi đi học về tôi sực nhớ trong làng có Ông Ba Tàng mà ai cũng cho là người giỏi chữ nho và hiểu rộng nên tất cả dân trong làng đều kính nể,nhờ ông xem ngày lành tháng tôt để cất nhà, làm đám cuới hay chôn cất, ma chay v…v….…Hơn nữa tôi lại biết ông quen thân với Cha tôi , nên liền đánh bạo đến nhờ Ông giải thích hai câu này. Sau khi tôi hỏi, Ông vò đầu tôi mà nói rằng : "dễ quá mà cháu không hiểu sao ? Vì gác cu vất vả lắm mà hễ bắt được bao nhiêu thì người ta lấy hết chỉ chia phần cho mình một con là cùng. Suốt cả ngày nằm bờ núp bụi chỉ được hưởng chừng ấy, không phải ngu thì còn gì nữa ?
Tôi không thoả mãn lắm với lời giải thích này vì nhớ lại chú Tư Sữu ở xóm trên mỗi lần đi gác cu về ngang nhà, bắt được một con là cùng, chớ đâu có nhiều như ông Ba Tàng nói. À tại sao mình không trực tiếp hỏi thẳng chú Tư Sữu là người chơi cu và gác cu hạng chuyên nghiệp, nhà nghề mà ai cũng biết , có đúng chỗ hơn không ?
Cu Ngói
      Chiều hôm sau tôi lại nhà Chú Tư hỏi, thì được Chú giải thích rõ ràng như sau: người viết câu tục ngữ này không phải là dân sành điệu chơi cu nên nói trật lất, chơi cu khôn lắm chớ đâu có ngu. Còn Ông Ba Tàng giải thích cũng không đúng vì gác cu chớ đâu phải bẩy cu bằng lưới chụp mà bắt được nhiều con mỗi lần. Chú nói tiếp:gác cu là gác cái lục trên cây hòng bắt cu Đất hay cu Cườm sống riêng rẻ từng cặp. Còn bẩy cu là giăng lưới dưới đất để chụp Cu Ngói ăn từng bầy.
      Cháu cũng nên phân biệt hai loại cu khác hẳn nhau: gọi là cu Ngói vì có sắc lông phơn phớt đỏ giống như màu ngói lợp nhà; gọi là cu Ðất vì có sắc lông xam xám như màu đất. Cu trống Ðất có lông lốm đốm quanh cổ giống như vòng hạt cườm nên còn gọi là cu Cườm. Cu này quí nhứt vì tiếng gáy rất hay và bộ lông rất đẹp nghiã là thinh sắc đều vẹn toàn ! Cu ngói chỉ biết gù na ná như chim bồ câu gù : cu cù cu ! cu cù cu ! thế thôi chớ không thể gáy trầm bổng và ngân dài hơi như cu Cườm : Cục.. cú ...cu…. cu ! cu ! cu ! Vì tiếng cu Ngói gù giống hệt tiếng "cưa không được …cưa không được! " nên có người cho tiền kiếp nó là người thợ mộc cưa cây nay đào thai lên làm cu Ngói chớ gì!

      Cu có tiếng gáy lớn và trầm thì gọi là cu giọng sấm, còn thanh và cao vút gọi là cu giọng chuông. Nếu chấm dứt tiếng gáy bằng hai tiếng kéo dài cu…cu thì gọi là chầu đôi,
bằng ba tiếng kéo dài cu…cu….cu gọi là chầu ba. Tức nhiên chầu ba phải quí hơn chầu đôi vi hiếm có và tiếng gáy nghe hay hơn nhiều.
      Thấy tôi chăm chú lắng tai nghe, như được gải đúng chỗ ngứa, chú Tư liền cao hứng chỉ tôi mấy lồng cu treo lủng lẳng dưới nóc hiên nhà và say sưa nói tiếp: mấy con kia là cu rừng mới bắt về chưa được thuần hóa gọi là Cu Bổi còn riêng con này đã được thuần hóa, tập luyện và hay số một của chú dùng để làm mồi bắt cu rừng nên gọi là Cu Mồi . Nói xong chú hướng về cu mồi đoạn chúm hai đầu ngón tay giữa và ngón tay cái búng nghe bóc bóc và gật đầu lên gật đầu xuống nhái tiếng cu gáy . Cu mồi liền nổi hứng xù lông cườm lên và gật đầu lên xuống gáy liên hồi . Nó gáy một cách say sưa, hứng thú chẳng khác nào nghệ sĩ hát trên sân khấu làm tôi cũng phát mê luôn .Sau này lớn lên mỗi khi về quê cũ tôi không thích âm thanh nào hơn tiếng cu Đất gáy : nó âm vang trong hồn mình tất cả tiếng xa xưa của tuổi thơ, tiếng gọi của đồng quê, ruộng rẫy Nó còn gợi nhớ nhiều hơn cả tiếng chuông chùa , tiếng chim tu hú hay tiếng bìm bịp kêu nước lớn .
      Tưởng cũng nên nhắc: tất cả những người chơi cu trong vùng đều mặc nhiên coi chú Tư như “sư phụ” trong thú vui này .Thật đúng vậy ! Chú Tư đã sành chơi cu từ thuở còn bé với cha mình nên quá nhiều hiểu biết và kinh nghiệm về cu . Để đánh giá trị hay dở của Cu chú cho biết như sau : cu qúi là cu “ dầu nhỏ, mỏ đinh, mình băp chuối “ còn qúi hơn nữa là “ Cu đầu nhỏ, mỏ diều hiu hiu tự đắc “ loại cu này sừng sỏ, gan lì như một hiệp sĩ, một samourai kiên cường, vô địch.

Cu Cườm
      Cu cườm luôn có bộ ức tức là bộ ngực chim thật to để khỏe gáy, nên chàng trai nào trong làng có bộ ngực to được gọi là anh chàng ức cu!
      Không như các loài chim khác mỗi khi đậu trên cành thường nhảy nhót, xê dịch, cu Đất chỉ đứng yên một chỗ giống như một thiền sư đang nhập định. Khi nào cao hứng gáy lên để lâm trận đá nhau thì vênh váo như một võ sĩ thượng đài . Vì cu không xê dịch nhiều nên lồng cu luôn nhỏ hẹp hơn lồng các loai chim khác, thường làm bằng nan tre uốn cong lại thành hình trái bí đỏ đường kính của lồng cu khoảng hai gang tay trở lại mà thôi . Với những tay chơi có của thì lồng làm bằng gỗ quí, chạm trỗ tinh vi. Chum đựng nước va đựng thóc thi bằng đồ sứ Trung Hoa rất đắc tiền.
      Những cu quí thì vô giá, nhiều khi mua cả lương vàng cũng không bán. Thấy tôi thích cu, chúTư hẹn hôm nào sẽ cho tôi đi gác cu với chú một phen cho biết.

      Quê tôi là làng Vĩnh Lợi hay Chợ Giồng,quận Hoà Ðồng tỉnh Gòcông, sau năm 1975 được đổi tên là huyên Gòcông Tây tỉnh Mỹ Tho Tiền Giang . Phiá Ðông là đồng ruộng mênh mông giáp ranh với các làng Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trị, Đồng Sơn...Phiá Tây , san sát những vườn dừa và những loại cây ăn trái khác, giáp ranh với các làng Vĩnh Hựu, Thạnh Nhựt, Hòa Bình. ... Cu xuất hiện nhiều nhất khi muà gặt lúa Thu Ðông vừa xong, vào thời gian gần Tết . Lúc bấy giờ các cánh đông chỉ còn trơ cuống rạ, rải rác những hạt lúa còn sót lại đó đây sau mùa gặt, tha hồ cho cu đáp xuống kiếm ăn. Có lẽ vì vậy có câu ca dao này chång:

Cu kêu ba tiếng cu kêu
Mau mau tới Tết dựng nêu ån chè.

      Sau đó không bao lâu, tôi được chú Tư gọi theo Chú gác cu, tôi mừng thôi hết lớn. Chúng tôi lên đường thật sớm lúc trời lờ mờ sáng và còn đầy sương .Chú giao tôi xách một giỏ nhỏ đưng cơm vắt, một gói đựng mớ tép rang mặn làm thức ăn trưa và một bình nước uống . Còn Chú thì vai mặt gánh một cây sào dài treo lung lẳng ở đầu sào là một cái lồng bẩỵ. Tay trái Chú xách một lồng cu mồi được phủ kín vải chung quanh cho cu khỏi dao đông lúc đi đường. Lồng bẩy nhỏ như lồng cu thường nhưng được ngụy trang bằng lá xanh phủ kín mít phải chăng vì vậy lồng bẩy có cái tên là Cái Lục do màu xanh lá cây chăng? Bên ngoài lục, có một vòng sắt bọc lưới với hai tác dụng vừa bảo vệ cu mồi bên trong vừa làm bẩy chụp bắt cu rừng , hễ chạm nhẹ lên thành bẩy thì lưới chụp xuống ngay.
      Từ làng chúng tôi đến chỗ gác cu là Miễu Bà Nháp thuộc điạ phận làng Vĩnh Viễn chừng non bốn cây số. Nơi này là một vùng cây cối rậm rạp có những cây trâm bầu chen chúc với những bụi gai chùm lé và vài cây me thật cao . Toàn khu miễu nằm giữa vùng đồng lúa bao la giống như một ốc đảo nhỏ giữa sa mạc . Ðặc biệt là nơi này rất âm u ,vắng vẻ ít bóng người lai vảng, rất thuận tiện cho Cu rừng làm tổ và sinh sống.

      Thường thường loài cu sống một vùng nhất định như có phân vùng hẳn hoi mỗi con làm chuá tể một vùng riêng biệt nhu một lảnh chúa·. Nếu có cu lạ nào xâm phạm lảnh thổ mình thì "lảnh chúa " sẵn sàng tấn công ngay, giống như mỗi gà trống làm chúa sân chuồng của mình . Tiếng cu gáy dường như có hai tác dụng : một là để tán tỉnh cu mái , hai là để thị uy với cu trống tình địch khác. Cu đầu đàn thường to lớn, khỏe mạnh gáy hay và hiếu chiến . Ít khi người đi gác cu bạ đâu gác đó mà phải điều tra, săn lùng trước cu mình muốn bắt, phải là cu hay mới khỏi uổng công lặn lội. Lắm khi tốn công cả năm trường mà cũng chưa bắt được, nhất là Cu nào đã có lần vuột bẩy thì về sau càng khó bắt hơn
      Khi tới nơi, chú Tư bỏ cu mồi vào lục rồi dùng sào gác lên cây me thật cao . Sau đó chúng tôi tìm khóm trâm bầu có tàn lớn rậm rạp ẩn núp. Lâu lâu chú làm hiệu cho cu mồi gáy dụ địch . Nơi này quả thật thanh vắng chỉ nghe tiếng lá rì rào trong gió, tiếng chim ríu rít trên cành, giây lát tiếng cu mồi gáy lên làm vang động cả bầu không khí tĩnh mịch . Mặt trời đã chênh chếch về phiá Tây rồi mà chưa thấy bóng cu rừng đến. Bỗng chú Tư chỉ tay về phiá xa và nói thật khẽ: xem kià! Thì ra từ đâu cặp vợ chồng cu rừng bay về đáp xuống ngọn cây so đuả cách cây me treo bẩy chừng hai trăm thước . Chú làm hiệu giục cu mồi gáy hăng lên. Khoảng chừng năm phút sau Cu rừng phát gáy lên đáp lạị Sau đó hai bên tranh nhau gáy rân, gáy dồn dập, gáy liên hồi!
      Bên này như thách thức: có ta đến đây ai mà dám cản ngăn chớ?
      Bên kia như thị uy: sức mấy mà dám ngang nhiên xâm chiếm lảnh thổ ta? 

      Dù sao cu mồi cũng được huấn luyện thuần thục nên rất bản lỉnh, gan lì không nao núng chút nào trước kẻ lạ mặt muốn áp đảo tinh thần mình ! Có nhiều cu mồi "yếu bóng vía", trước đối phương hung hăng đâm ra khiếp sợ nín khe luôn, như vậy gọi là Cu Thụt giống như gà rót,thụt lùi cúp đuôi chạy mặt kẻ thù .
      Không dằn lòng được nữa rồi "chàng dũng sỉ rừng xanh" kia liền vỗ cánh bay sang cây me, để xem kẻ nào ngang ngược như vậy . Lúc này mặt chú Tư sáng rỡ ra , còn tim tôi đập nhanh lên : hồi họp ! khoái trá ! đợi chờ ! Đây là phút hào hứng nhứt mà người gác cu nào cũng say sưa theo dõi cuộc giao chiến sắp mở màn giữ hai địch thủ !
      Lập tức hai bên ngưng gáy rồi xù lông, ngốc mỏ gù lên ráo riết (gọi là cu bo) như thách nhau: cãi lộn làm gì vô ích, có giỏi thì nhào vô, biết tay ta ! Cu rừng nhảy qua, nhảy lại trước bẩy một hồi. Đột nhiên giang thẳng chân, thẳng cánh đá tung vào bẩy . Lưới bẩy sập xuống nghe cái bộp ! Thế là anh hùng sa lưới, vô phương vùng vẫy ! Chúng tôi từ trong bụi cây phóng ra mừng như được vàng và lấy sào hạ lục xuống . Thật không uổng công chút nào vì chàng cu rừng này không những có giọng sấm rất hay như đã nghe, to con, đẹp mã nữa mà chú Tư đã rình rập, mong đợi từ lâu rồi. Người chơi cu quả là một nghệ sĩ đi tìm cái hay trong tiếng gáy , cái đẹp trong hình dáng, sắc lông cuả loài chim qúi này . Hơn nữa thú vui này rất lành mạnh, tao nhã không sát sanh, hại vât như thú câu cá, bắn chim, đá gà…..

      Lúc chúng tôi ra về, mặt trời chiều sắp lặn sau rặng dừa cuối xóm xa để lại khung trời Tây đỏ ối mà bọn trẻ chúng tôi thường bảo nhau rằng đó là Ông Trời đang thổi lửa nấu cơm chiều .Dù qua một ngày lặn lội tuôn bờ, núp bụi nhưng tôi không thấy mệt mỏi chút nào cả. Ngoài vui mừng bắt được cu, tôi còn dịp hiểu được thú gác cu có ngu hay không để giải tỏa thắc mắc từ trước nay. Bây giờ tôi mới hiểu rằng nếu đi gác mà không bắt được cu chăng nữa, nghệ nhân vẫn thích thú như thường Vui trong cái thú đi gác cũng đủ rồi, giống như người đi câu đôi khi bắt được cá rồi gở ra thả lại xuống sông bởi vì vui trong cái thú đi câu hơn là thú bắt được cá . Tôi cũng nghĩ : giống như những thú vui khác của tuổi trẻ ở đồng quê, thú gác cu còn tạo ra dịp để tuổi trẻ gần gũi với thiên nhiên, muông thú, vạn vật trên mảnh đất mình sanh ra và lớn lên theo năm tháng hầu thấm nhuần dần tình yêu quê hương, đất nước, dân tộc…..!

Ai bảo gác cu là ngu ?
Gác cu khôn lắm chứ !


Quang Tuấn

Chuyện Tinh Buồn - Phạm Duy - Quốc Khanh

      Câu chuyện tình này buồn thật,vì hai người trong một xóm đạo yêu nhau đã từng có chúa chừng giám những lời thề thốt của họ,thế mà vì cuộc sống chàng trai ra đi chưa kip quay về cùng người yêu thì cô gái đã đi lấy chồng.
      Nhưng mãi năm năm sau vào một buổi chiều hắt hiu xóm đạo,nghe tiếng chuông giáo đường vang lẵng lẽ tìm về chốn cũ biết tin cô gái đã đi lấy chồng ,chàng trai vẫn yêu dù bây giờ em đã trở thanh góa phụ bên sông và . . .đã tay bế tay bồng . . không biết khi sáng tác bài hát này nhạc sĩ Phạm Duy có cho họ sum hop hay không.
      Tôi nghĩ chắc là không vì nếu như vậy thì chuyện tình đâu có buồn phải không các bạn..Nhưng với tình trạng chàng trai thì trở về chưa vợ còn nàng thì đã góa bụa cũng chưa biết chuyện gì xảy ra. ..


Sáng Tác: Phạm Duy
Tiếng Hát: Quốc Khanh
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Cung Đường Lặng


Tôi như say trong sương mù mờ ảo
Lần bước gập ghềnh sáng tối miên man
Gió nhẹ thổi xua mặt trời trốn biệt 
Mây lang thang bay lượn ngập cung đường

Sợi tình chợt rơi rơi theo gió thoảng
Thật dễ thương và ôm gọn vần thơ
Nước sông Tương tuôn dòng cuồn cuộn chảy
Khúc nhạc thần tiên chợt xuống hồng trần

Đứng lặng lẽ ngắm nhìn ngàn tinh tú
Mà tâm tư dìu dịu sóng âm thanh
Nghe sương ru như tiếng gọi xa xăm
Tôi bước nhẹ vào giấc mơ huyền thoại

Gởi cho thơ bao nỗi niềm hoài vọng
Ngọn gió mềm theo tia sáng tình mơ
Mang hồn ai qua điệu nhạc bổng trầm
Con sóng nhỏ lăn tăn hòa nhịp thở

Người là ngọn thủy triều theo trăng lên xuống
Là tiếng sáo ru êm trong vũ trụ vô biên
Tôi lang thang giữa thế giới vô thường
Bỗng lạc bước miền địa đàng miên viễn.

Đông An
Saigon, ngày 6 tháng 10 năm 2014 

Quên và Nhớ


        (Từ Cung Đường Lặng của Đông An)

Những lúc cố quên là âm thầm nhớ
Còn thương nhớ lại quên mãi trong lòng
Cũng như khóc lúc tình trường bỡ ngỡ
Còn nụ cười là buồn tủi mênh mông.

Kỷ niệm hôm nào chung trường nhịp bước
Cùng ra về say khước nắng ban trưa
Một con đường hai lối đi ngày trước
Ta bên nầy người ướt át trong mưa.

Tình chưa lên men - đành chia đôi ngả
Khép kín đau thương lấp những ngậm ngùi
Dù chạm mặt, không chắc gì xa lạ
Phải gật đầu. Chào hỏi để làm vui?

Chiều bên bến sông mắt nhìn thăm thẩm
Suy tư vô tình nghiền ngẫm cuộc đời
Chắc nhà người bến nước chiều nay ấm
Chỉ mình tôi - ngồi đếm lá Thu rơi!

Quên và nhớ lúc lòng đầy lãng mạn
Chôn kín niềm riêng ảo ảnh tình nầy
Chắc bên trời - không có ai cô quạnh
Chỉ mình tôi - hứng gió lạnh đầy tay!

Dương hồng Thủy
(12/10/2014)

Cổ Thi : Đề Trấn Vũ Miếu


題鎮武廟              Đề Trấn Vũ Miếu

惜遊無計復登樓 Tích du vô kế phục đăng lâu,
斜倚欗杆望碧流 Tà ỷ lan can vọng bích lưu. .
君亦多情到煙水 Quân diệc đa tình đáo yên thuỷ
我猶遺恨滿汀洲 Ngã do di hận mãn đinh châu
日斜天地雙蓬鬢 Nhật tà thiên địa song bồng mấn
春凈江湖一白鷗 Xuân tĩnh giang hồ nhất bạch âu
遙想當年行樂處 Dao tưởng đương niên hành lạc xứ
殘花猶自故宮頭 Tàn hoa do tự cố cung đầu.

高伯适                 Cao Bá Quát
***
Dịch Nghĩa: 
Miễu Trấn Vũ Đề Thơ

Không thể dạo chơi được thật là tiếc đành quay lên lầu
Nghiêng người dựa vào lan can nhìn dòng nước xanh
Với khách nhiều tình cảm thì đến vùng khói nước
Còn riêng ta mang oán hận phủ đầy doi đất
Giữa đất trời, ánh nắng nghiêng soi hai bên tóc mai phai rối
Trên sông hồ, mùa xuân về yên lặng chỉ có một con chim âu trắng
Giờ này sao lại tưởng đến thú vui nơi chốn xa kia
Bao cánh hoa phải chịu phai tàn cũng bắt nguồn từ cung điện xưa cũ đó.

Dịch Thơ:
Miễu Trấn Vũ Đề Thơ

Chẳng thể dạo chơi trở lại lầu
Lan can tựa ngắm nước xanh màu
Đa tình mây nước nhiều mơ mộng
Hờn oán bãi doi nặng gánh sầu
Chiều nắng xế nghiêng trơ mái tóc
Hồ xuân lặng lẽ đón chim âu
Nay còn tưởng đến miền vui thú
Điện cũ hoa từng đổ giọt châu.

Quên Đi

***
Miễu Trấn Vũ Đề Thơ

Bước lên lầu, dạo xa khó được 
Bên lan can mắt ngước nhìn dòng 
Đa tình khách ngắm khói sông 
Riêng ta sầu chất mênh mông bãi dài 
Đất trời chiều nhuộm phai làn tóc 
Trên sông xuân cô độc cánh âu
Vui xưa hồi tưởng hằng lâu 
Hoa tàn cung cũ nghe đau đớn lòng

Mailoc phỏng dịch
10 – 16 -14
***
Đề Thơ Ở Trấn Vũ Miếu


Dừng chân dạo bước, trở lên lầu
Đứng tựa lan can ngắm trước sau
Mặc kẻ say sưa nhìn khói sóng
Riêng ta phiền muộn ngó bờ dâu
Đất trời nắng nhuộm phai màu tóc
Sông nước xuân về lẻ bóng âu
Chạnh xót phận người cung nữ cũ
Hoa tàn trong điện ngọc cung lầu.

Phương Hà
( 17/10/2014 )
***

Miễu Trấn Vũ Đề Thơ


Tiếc quá làm sao dạo bước chơi
Tựa lan can ngắm nước dòng trôi
Khách đa tình cảm hòa mây khói
Ta nặng lòng sầu ngập bãi doi
Sợi tóc bạc màu bay lạc lỏng
Chim âu lẽ bạn đậu đơn côi
Thú vui nào để vào tâm tưởng
Cung điện pha nhiều máu lệ rơi.

Nguyễn Đắc Thắng


Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

Mưa Đêm


(Tặng Hoa Đăng)

Mưa đêm gieo xuống giọt buồn

Rơi trên mái lá chảy luồn qua hiên
Tí tách đùn đẩy ngả nghiêng
Linh hồn giá buốt vào miền đắng cay
Bóng đen là nỗi đọa đày
Nhẫn tâm đeo đuổi miệt mài đời tôi.

Anh Tú
October 16, 2014

Họa Thu Sơn Thủy & Về Đâu Hỡi Vầng Minh Nguyệt - Thơ Khúc Giang- Hương Nam Diễn Ngâm


Thơ: Khúc Giang
Diễn ngâm: Hương Nam 


Quê Hương Mùa Nước Nổi



Nhớ lại ngày xa mùa nước nổi
Sông Tiền tím bãi lục bình trôi
Xuồng ghe xuôi ngược ngày mưa nắng
Nước vượt ven bờ khỏa khắp nơi

Ngư dân sống dọc bờ sông Cửu
Những tháng được mùa đón cá linh
Nửa bán, nửa mang về ủ mắm
Còn tươi chế biến món quê tình

Nhớ lại miền quê mùa nước nổi
Ruộng vườn lênh láng nước phù sa
Vô tư trẻ nhỏ vui hò hẹn
Bắt cá, chuột đồng ... giúp mẹ cha

Nhớ lại quê tôi mùa nước nổi
Thương người nghèo khó sống lầm than
Nhà xiêu, mái dột ngày mưa lũ
Sông nước tràn dâng ngập xóm làng

Nhớ lại quê hương mùa nước nổi
Hàng cây điên điển nở đầy hoa
Sen hồng, súng tím.... ngầm ươm nụ
Đồng gió lao xao đợi đổi mùa!

Yên Dạ Thảo

Một Nửa Yêu Em


Xa em dăm phút đồng hồ
Lòng sao kỳ lạ ô hô khác thường
Dường như một nửa đã thương
Nửa kia chưa biết có thường lưu tâm

Đêm về một nửa lặng câm
Còn đâu nửa ấy trăng rằm có nhau
Hồn khuya gợi nhớ hôm nào
Một mình tỉnh giấc đi vào đi ra

Sợi tình một nửa thiết tha
Nửa kia có biết ấy là nửa tôi
Nửa hồn một mãi nổi trôi
Nửa ngơ nửa ngẩn nửa côi nửa buồn

Mộng rằng một nửa tình suông
Nửa tình nửa ấy nửa buông nửa vờ
Nửa này vẫn mãi làm thơ
Tình say tôi nữa thẩn thờ đắm say.

Việt Hải , Los Angeles