Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

Thơ Tranh: Thắt Bím


Thơ:  Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Đường Xưa - Chốn Cũ


Ba mươi năm trở lại nơi nầy
Đường cũ hoang sơ cỏ mọc đầy
Bóng ai thấp thoáng bên hàng giậu
Có phải em chờ anh ở đây?

Mơ thấy em về trong tuổi thơ
Thẹn thùng chờ đón dưới trăng mơ
Thướt tha áo mộng vương mùi tóc
Luyến tiếc ngày xưa buổi hẹn hò

Thấm thoát thời gian không chờ đợi
Bóng hình thân ái vẫn quanh đây
Gió lay bụi mỏng vương vào mắt
Có lệ nào không đắng không cay...

Biện Công Danh
21/8/2014


   (Từ Đường Xưa của Biện Công Danh)

Ba mươi năm trước vẫn chốn này
Xôn xao hoa lá tỏa hương đầy
Rộn ràng đôi trẻ bên bờ giậu
Thì thầm lòng tỏ ở nơi đây

Hoa bướm tương tư cả vườn thơ
Những đêm hò hẹn nguyệt giăng mơ
Vấn vương lùa gió thơm hương tóc
Tương tư sáo trúc giọng ai hò

Thời gian qua vội lòng ngóng đợi
Nhớ quá  hình ai khắc tim đây
Mưa rơi ướt đọng sầu mi mắt
Nhỏ xuống hồn này giọt lệ cay…!

Kim Oanh
4/9/2014


Nỗi Niềm Tháng Chín


Sợ hết thu nên trút vội lá vàng.
Cây thay áo khoác lên màu mới lạ.
Mưa phố núi đang mùa lênh lang qúa.
Gõ lên trăng-con trẻ múa reo cười.
Trung thu qua rồi già dặn tuổi thơ tôi.
Dấu một ít trao nỗi niềm tháng chín.
Nào nắng, nào mưa chập chờn bịn rịn
Đăm đăm chiều ngơ ngẩn nhớ người xa....
Kìa dã qùi vàng! Mới nhú lên hoa.
Con ong mật ngỡ ngàng chưa dám đậu.
Nghe khúc dân ca" nẫu về xứ nẫu".
Để em buồn canh cánh một mình đêm.
Mai nữa rồi vồn vã trăng lên.
Vớt lại tàn thu se se áo lạnh.
Lo một nỗi muà lại mùa chóng vánh.
Chín chiều thương hao khuyết tuổi đang già.
( Tháng chín tàn thu - mưa và nắng.)

Hương Ngọc


J'entendsSiffler Le Train - Tiếng Còi Tàu


J'ai pensé qu'il valait mieux
Nous quitter sans un adieu
Je n'aurais pas eu le coeur de te revoir
Mais j'entends siffler le train
Que c'est triste un train qui siffle dans le soir

Je pouvais t'imaginer, toute seule abandonnée
Sur le quai, dans la cohue des au revoir
Et j'entends siffler le train et j'entends siffler le train
Que c'est triste un train qui siffle dans le soir

J'ai failli courir vers toi,
J'ai failli crier vers toi
C'est à peine si j'ai pu me retenir
Que c'est loin où tu t'en vas
Auras-tu jamais le temps de revenir ?

J'ai pensé qu'il valait mieux
Nous quitter sans un adieu
Mais je sens que maintenant tout est fini
Et j'entends siffler le train et j'entends siffler le train
J'entendrai siffler ce train toute ma vie
J'entendrai siffler ce train toute ma vie
Plante, Jacques

* * *

 Tiếng Còi Tàu

Anh nghĩ rằng lúc này
Là lúc mình chia tay
Không nói lời từ biệt
Dẫu lòng buồn da diết
Tiếng còi tàu hú vang
Giữa bóng đêm bàng hoàng

Anh nghĩ em đơn côi
Giữa sân ga đông người
Bao bàn tay đang vẫy
Tiễn đôi ngã xa xôi
Tiếng còi tàu vẫn hú
Trong bóng đêm lẻ loi

Anh như chạy về em
Tim gào thét gọi tên
Khổ đau lòng kìm nén
Tiễn em về quá xa
Và em không trở lại ?
Bóng đêm lệ sương nhòa

Anh nghĩ rằng bây giờ
Chia tay không tạ từ
Và thế là chấm hết
Tiếng còi tàu ngu ngơ
Vang suốt đời buồn bã
Hú tàn một giấc mơ


Trầm Vân ( dịch )

Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

Thơ Tranh: Nhớ


Thơ: Hhai
Thơ Tranh: Kim Oanh

Jamais - Không Bao Giờ


Jamais, je n’aurais rêvé d’un amour si grand
Jamais, je n’aurais pensé que je t’aimais tant
Et toi, croyais-tu vraiment, quand on s’est aimé
Q’un jour, nous ne nous pourrions nous quitter

Pour moi, tu étais le bon copain pour des vacances
Uu jour, on a trouvé, par un coup de chance
Tu étais à qui l’on parle en confiance
Celui qui sait partager la peine et la joie

Et puis, l’autre soir, soudain, j’ ais compris pourquoi
Mon coeur ne put supporter d’ être loin de toi
Jamais, je n’aurais pensé que je t’amais tant
Jamais, je n’aurais cru pleurer en te quittant

Pourtant c’est arrivé, je sais que je t’aime
Et que rien, plus rien, la malheur même
Ne peut nous séparer
À tout jamais, à tout jamais.

* * *
 
Không Bao Giờ

Chưa bao giờ em có ước mơ
Có một tình yêu vô bờ bến
Và nghĩ rằng yêu anh đắm đuối
Tình ta mãi mãi được vững bền

Anh là người bạn đời dài lâu
Rồi ngày nào sẽ thấy bên anh
Có người yêu trọn lòng chung thủy
Chia sẻ nhiềm vui và bất hạnh

Ngày nào ta sẽ hiểu vì sao
Em khóc nhiều khi phải xa anh
Vì em đã yêu anh vô tận
Rất đau lòng khi xa vắng anh

Khi biết rằng em đã yêu anh
Dù xảy ra muôn ngàn cay đắng
Tình ta không chia rời đôi ngả
Không bao giờ, không bao giờ cả

Phỏng dịch : Nguyễn Minh Châu 
 TĐ3 Soibien

Tình Nối Tình



Một ngày gặp gỡ cũng là duyên
Huống chi, mình đã là bạn hiền
Sát cánh bên nhau từng giây phút
Ngọt bùi, chia sẻ, hết ưu phiền
Tân Hưng, trường cũ, là điểm tựa
Chợ nổi Cái Răng giống cảnh tiên
Bao giờ có nhớ xin gọi gió
Kem chút hương xưa sẻ biết liền

Hồ Nguyễn
 4/9/2014
***Cũng Nhớ Liền

(Từ Tình Nối Liền của Hồ Nguyễn )

Chỉ một lần thôi... cũng có duyên
Đồng môn bạn cũ thật ngoan hiền
Nhớ xưa nhịp bước ngày hai buổi
Đưa đón ngày mưa chẳng thấy phiền.
Phan thanh Giản: thầy, cô, huynh, muội
Ninh Kiều: liễu rũ cảnh thần tiên
Tuổi già bất chợt còn tao ngộ
Dù cách trăm năm cũng nhớ liền.

Dương Hồng Thủy
 (04/09/2014)

Đêm Nghe Dạ Cổ Hoài Lang




Vẳng xa đưa từ đâu tiếng hát
Sao nghe lòng man mác buồn thương
Hoài Lang Dạ Cổ vấn vương
Ai người dong ruổi chiến trường xa xôi


Câu than thở bồi hồi ruột thắt
Nhớ mong chàng khoé mắt lệ tuôn
Đêm khuya vắng cảnh thêm buồn
Thân bên song lạnh lòng luôn theo chàng

Sông núi gọi dậm đàng tiến bước
Nối chí hùng ba thước gươm thiêng
Vì đất nước gác niềm riêng
Tím lòng thiếp giữ muộn phiền ai hay

Tàn canh lẻ sao mai lấp lánh
Suốt đêm dài cô quạnh mỏi mòn
Đó đây cách trở ngàn non
Thầm mong trăng khuyết lại tròn được chăng?

Quên Đi

Khóc Trần Thiện Chánh

      Trần thiện Chánh, nhà gia thế, thi đậu làm quan cuối triều Nguyễn. Khi Đại Đồn Kỳ Hòa thất thủ, ông theo nghĩa Cần Vương , cùng Lê Huy tập hợp được 6000 nghĩa binh, ủng hộ tướng Trần Trí, lúc đó rút về Biên Hòa .

      Hòa ước nhượng ba tỉnh, ông về miền Trung, sau thăng dần lên Kinh Kỳ Hiệp Lý Thủy Sư . Ông không làm được gì, có lẽ vì triều đình không có tiền đóng Tàu? Hay Khâm Sứ Pháp ở Huế không thích cái tên đã từng mộ nghĩa quân chống Pháp ở chức vụ này???
      Sau ông bị đổi ra Hà Nội, Sơn Tây. Chắc ông cũng chẳng thích cái ông Khâm Sai láo Hoàng Kế Viêm ( nước Nam có bồn anh hùng, Tường gian, Viêm láo, Khiêm Khùng, Thuyết Ngu ) và ngàn lần ông không thích "hợp tác" với giặc cờ đen để dẹp phỉ, chống Pháp!

      Trần Thiện Chánh ( ông nội của ca nhạc sĩ Nhật Trường ) những ngày ở Sơn Tây chắc buồn lắm. Cụ nhớ quê hương da diết ( mười năm biền biệt ... thức tới sao mờ gà gáy ... ).
      Sau cụ được lênh chuyển nhiệm sở Ninh Bình, tới nơi một thời gian ngắn thì cụ mất!

    
Cố hương xa vọng bồi hồi
Hùng tâm tráng chí ai người hiểu cho
Tân - Đình rượu tưới lệ khô
Cầm khiên ném bút trông chờ chi đây
Mười năm biền biệt trăng gầy
Sao mờ gà gáy lắt lay tim chùng
Chết chôn đất khách là xong
Hồn còn rẽ sóng vào trong Cân - Giờ

Chân Diện Mục
- Đêm ngủ cụ mơ ngồi trên tàu rẽ sóng vào cửa bể Cân Giờ đánh Pháp

* * *
Giới thiệu hai trong số bài thơ tiêu biểu của ông:

Phiên âm Hán-Việt:

Hạc Quan Loạn Hậu

Tự cổ đa tài thị hoạ côn (căn)
Hạc quan quá xứ ám tiêu hồn
Tịch gian ca vũ lai thương kiếm
Khôi lý lâu đài ngoạ tử tôn
Nha tháo hàn vân di bạch trú
Mã tê thu thảo nhập hoàng hôn
Thôn cơ loạn hậu vô nhan sắc
Toạ khiếp sài lang bán yểm môn.

Dịch nghĩa:

Tuần Hạc Sau Loạn

Từ xưa nhiều của cải vẫn là gốc tai vạ,
Qua nơi Tuần Hạc thầm thấy bàng hoàng.
Trên tiệc, đám ca múa toàn là súng gươm,
Trong tro, lâu đài ngổn ngang lớn nhỏ.
Quạ kêu, mây lạnh kéo đến giữa ban ngày,
Ngựa hí, cỏ thu chìm vào hoàng hôn.
Gái đẹp trong thôn sau loạn không ai còn nhan sắc,
Vì sợ sài lang nên một nửa làng đóng chặt cửa.

Phiên âm Hán-Việt:

Viễn Vọng Hữu Hoài

Khách lộ phong trần cận bạch đầu,
Bi sầu nan thượng Trọng Tuyên lâu.
Vân niêm vãn thụ thiên sơn trụng,
Vũ tẩy hàn sa bán thủy phù.
Quan tái chinh sầu văn lạc địch,
Càn khôn độc lập vọng quy chu.
Thập niên cố quốc Mai hoa tự,
Mộng lý mô hồ mịch cựu du.


Dịch nghĩa:

Nhìn Ra Xa, Cảm Hoài

Trải gió bụi ở đất khách, đã gần bạc đầu,
Buồn thương khó nỗi lên lầu Trọng Tuyên.
Mây giăng, cây chiều dày trên ngàn núi,
Mưa rửa, cát lạnh lửng lơ trên dòng nước.
Đang lúc sầu nơi quan ải, nghe tiếng sáo rụng,
Một mình giữa đất trời, ngóng bóng thuyền về.
Mười năm nhớ nhung chùa Hoa mai nơi quê cũ,
Trong giấc một mịt mờ tìm kiếm những bạn chơi xưa.

Phỏng dịch:

Gió bụi đường xa đầu đã bạc
Buồn lên lầu vắng nghĩ liên miên
Mây chiều giăng mắc trên ngàn thẳm
Mưa rửa phù sa bãi nổi lên
Tiếng sáo buồn vương lên quan ải
Mình ta đứng ngóng bóng con thuyền
Mười năm đất mẹ xa xôi quá
Nhớ bạn cùng chơi thuở thiếu niên


Chân Diện Mục

* * *
Các Bài dịch khác:

Ngắm Cảnh Cảm Hoài


Nhuốm bụi phương xa, chớm bạc đầu
Lên lầu không nổi bởi sầu đau
Mây giăng, cây phủ trên triền dốc
Mưa xuống, cát trôi dưới nước sâu
Tiếng sáo vọng buồn nơi cửa ải
Bóng thuyền trôi khuất nẻo giang đầu
Bao năm nhớ mái chùa quê cũ
Bạn hữu năm nào nay ở đâu?


Phương Hà phỏng dịch

* * *
Xa Trông Thương Cảm

Khách phong trần, mái đầu trắng xóa
Dằng dặc buồn, vất vã lầu cao
Chiều buông mây núi giăng sầu
Cát trơ bãi lạnh mưa rào cuốn trôi
Sầu quan tái, bồi hồi tiếng sáo
Đứng một mình đau đáu thuyền quây
Mười năm chùa cũ khôn khuây
Bạn xưa kỷ niệm mộng đầy nhớ thương


Mailoc phỏng dịch
7-15-14

Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

Sinh Nhật Em


19 là sinh nhật em
Mùa Thu tháng chín êm đềm nở hoa
Em xinh tựa dáng Hằng nga
Cho anh giọt nhớ xót xa cuộc tình.

Em đi từ buổi bình minh
Anh về lê bước lưu linh phong trần
Người xa – nhưng tình ở gần
Số anh là kiếp trầm luân thật buồn.

Chúc em sinh nhật mặn nồng
Tình ươm bóng nắng bên song bạc đầu
Ví dầu gặp mặt ngày sau
Xin em một phút cúi đầu vẫy tay.

Mùa Thu nắng cũng tàn phai
Tình anh vẫn nặng tháng ngày héo hon.

Dương Hồng Thủy
(Mừng sinh nhật DM San-Jose. CA)

Thơ Tranh:Đêm Trăng Cửu Long


Thơ: Nguyễn Đắc Thắng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Trong Cõi Ảo


Anh là mây bốn phương
Tôi như cơn gió ngược
Ta tìm chi chiếc cầu Ô Thước
Anh có thể nhìn trăng xây lầu vọng
Nhưng đừng nghĩ ngợi
chuyện cuồng ngông
Đừng hoài mơ lên tới cung hằng
Đường ta đi bây giờ còn rất ngắn
Anh đừng hỏi sao tôi như con nước lớn ròng
Khi thấy thật gần, lúc có cũng như không
Tôi như con đò ngược dòng lơ đãng
Anh đứng chờ gào mãi giọng khàn
Như con sóng lăn xăn rượt nhau không kịp thở
Bởi bọt bèo không trổ nụ ước mơ
Anh và tôi như những dòng sông
Ta trôi mãi không thể dừng lại được
Anh cứ nhìn trong mơ - bóng tôi tha thướt
Tôi cũng nhìn anh - cất cánh bay tuyệt vời
Bước chân trần nhìn lại cũng tả tơi
Trong tíc tắc ta về đâu không biết
Đã ngán ngẩm sự đời, còn có gì tha thiết
Xin giữ lại một chút gì … mãi mãi
Ngắm trời chiều… chim nhạn mõi cánh bay
Áng mây hồng lơ lửng ở trên cao
Ta thơ thẩn tìm về trong cõi ảo.


13/9/2014
Kim Quang

Trường Mầm Non 5 - Vĩnh Long

      Năm nay 2014 tôi cùng con gái đưa cháu ngoại đến trường, năm nay cháu được bốn tuổi nên vào lớp chồi, bỏ qua lớp mầm của trường mầm non. Nơi tôi ngụ khá gần cả hai trường mầm non, khi xưa khoảng năm 80, tên nơi dạy trẻ con là trường Mầm Non, thời gian sau đó đổi tên thành trường Oanh Vũ, vài năm nay trở lại tên Mầm Non có thêm tên phường, nên nơi trường tôi gởi cháu là Trường Mầm Non 5.


      Ngôi trường này, ngày xưa lắm là nhà của gia đình ông Giáo Cãi và vợ chồng người con trai thứ tám, anh chị Tám Thọ, sau ộng bà Giáo Cãi qua đời, kế tiếp người con trai thứ tám cũng mất, ngôi nhà được bán cho ông Ba Sáng, sau 75 ông Ba Sáng hiến nhà cho chính quyền địa phương. Ngôi nhà được sử dụng trong nhiều công vụ, đến khoảng năm 1980 được dùng làm trường mầm non. Hai đứa con gái của tôi chập chửng những bước chân đầu tiên- Đi học 
      Trong năm học 2014 này, trường nhận bán trú, chỉ nửa buổi sáng, đến trưa phụ huynh rước cháu về, vì chỉ có khoảng dưới 10 trẻ nên dường như chuyễn hẳn sang trường mầm non mới xây vừa xong, được đưa vào sử dụng với tiêu chuẩn cấp Quốc Gia.
      Như vậy con gái lớn tôi học trường mầm non mở đầu tiên cách nhà khoảng trăm thước, nay cháu ngoại tôi học trường cũng vừa mới mở cách nhà khoảng hai trăm thước.


      Trước năm 75, trường chỉ với một dãy lớp, nền tráng xi măng, vách xây tô, mái tôn nằm bên phải, tức nơi khu vực ba tầng cũng bên phải hiện tại trên hình, chung quanh là đất. Sau năm 75 vài năm, được cất ba dãy hình chử U, thành trường cấp một với năm lớp, hai đứa con gái tôi cũng học ở trường này, cô giáo dạy là số cô lớn tuổi lưu dụng lại và vài cô vừa mới ra trường. Mấy năm qua là trường mầm non bán trú, năm nay với tiêu chuẩn cấp quốc gia, dạy nguyên ngày. Gồm giữ trẻ dưới 36 tháng nơi căn trệt, còn khu vực ba tầng, trẻ lớp mầm 3 tuổi học dưới cùng, trẻ 4 tuổi lớp chồi học tầng hai (có cháu tui), trên cùng lớp lá trẻ 5 tuổi. Trong các lớp được trang bị như nhau, tắm nước nóng, phòng vệ sinh với dảy cầu bệt ( không ngồi chồm hỏm ) cho nhiều trẻ ( mắc buồn cùng lúc ). Sinh hoạt cho các lớp gồm, 7 giờ vào lớp ăn sáng thường là soup, sau ăn sáng là sinh hoạt chung trong lớp, được phân thành nhiều tổ và trẻ rất nhớ sinh hoạt tổ của mình, 10 giờ sáng ăn trưa, khoảng 11 giờ trẻ ngủ, sau thời gian ngủ nghĩ cùng cô giáo nằm kèm, các trẻ thức được tắm và uống nước trái cây, học lớp tiếp đến 3 giờ ăn cơm chiều, 4 giờ bảo vệ trường mở cửa, phụ huynh vào rước con. Thông thường trẻ chơi các trò chơi vận động dưới sân do trường thiết lập dành cho lớp mẩu giáo, trước khi cùng phụ huynh đưa về nhà. Điều đặc biệt phòng ngừa kẻ gian trà trộn trong nhóm phụ huynh, các cô giáo bắt buộc người đưa trẻ về phải được báo trước là ai, và được cô nhận dạng cùng sự mừng của trẻ thì cô mới giao trẻ. Nhìn ngôi trường này, nếu..lại nếu có dành cho trẻ từ độ tuổi 60 đến 70 tui cũng xin đi học...hì…hì

Mời xem tiếp những ảnh tiếp theo.

 Ngôi trường rất gần sông Tiền, bên trái là chợ Vĩnh Long cùng cầu Bạch Đằng




Thực đơn dành cho các cháu

Trương Văn Phú

Yêu Mến


Bao nhiêu sầu, ôi sầu biết bao nhiêu,
Khi yêu tình, khi theo mãi tình yêu !
Một phút gặp thôi là muôn buổi nhớ,
Vài giây trông khơi mối vạn ngày theọ 
Mộng bay chơi nhằm một buổi trời chiều,
Gặp tóc biếc : tưởng sắc ngày xưa nở!
Nửa câu nói, một chút cười, đôi tiếng thở 
Tình cờ qua trên miệng nở quá xinh:
Ta ngây thơ vội tưởng họ yêu mình
Về dâng vội cả ân tình thứ nhất.
Đương vương chủ ta bỗng thành hành khất,
Chỉ vì nghe một lời hứa như chim.
Ôi đôi chân! sao mà chúng hay tìm!
Ôi cái ngực! sao mi thường đập mạnh.
Tỏa thương nhớ để ôm choàng bóng ảnh,
Những chiều thu góp lạnh giữa mù sương;
Những đêm đông giạt bước ở trên đường,
Gió khuya khoắt dậy cơn buồn lá úa;
Sao rải rác như lệ vàng đêm nhỏ,
Mưa lơ phơ như dạ khóc âm thầm!
Những mai mong, tối đợi, những trưa cầm,
Đến phong cảnh cũng mượn làm nỗi thảm ...
Bao nhiêu sầu! Ôi sầu biết bao nhiêu,
Khi yêu tình, khi theo mãi tình yêu?

Xuân Diệu


Suối Dâu sưu tầm

"Gió Đưa Cây Cải Về Trời..." Và Những Câu Chuyện.


        Trong kho tàng ca dao việt Nam chúng ta, không thiếu gì những câu mang tính thời sự, lịch sử...

Nói về lính thú có:                             
Thùng thùng trống đánh ngũ liên,
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa ...
Làm xâu :
Lấy chi mà trả ái ân,
Lấy chi mà nộp công ngân cho chàng ?
Phần thì quan bắt đắp đàng
Đào sông Câu Nhí, bòn vàng Bông Miêu ...

Hay tiếc cho người con gái đẹp như Huyền Trân Công chúa
Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng mán thằng mường nó leo  ...

Mỗi khi nhìn thấy những câu ca dao thế này, tôi luôn nhớ đến đến câu:
Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay
Câu ca dao mà cách nay hơn 50 năm, vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, có lần tôi được thầy dạy  kể lại câu chuyện liên quan, có thể nói là nguyên nhân hình thành câu ca dao này. Trong thời gian gần đây tôi được biết thêm vài câu chuyện về nguồn gốc của câu trên.

1 / Câu chuyện thứ nhất:

Đây là câu chuyện tôi nghe kể từ thuở còn đi học
:

     
        Dựa vào thế lực của người Pháp và Xiêm La, Nguyễn Ánh đánh tan triều đình Tây Sơn, lập nên triều đình nhà Nguyễn.
        Một cuộc trả thù tàn bạo nhất trong lịch sử Việt Nam được bắt đầu.
        Tất cả người trong gia đình từ vua đến quan cũng như bà con thân tộc bất kể già trẻ bé lớn của Tây Sơn bị bắt, hay bị chiêu dụ ra hàng, đều bị hành hình một cách man rợ, như lăng trì ( gọi nôm na là tùng xẻo, cứ một tiếng trống thì cắt một miếng thịt, cứ như thế cho đến khi tù nhân chết mới thôi), hay ngũ voi phân thây ( giống như ngũ mã phân thây, cột tứ chi và cái đầu vào 5 con voi, sau đó đuổi voi chạy 5 hướng, thân thể bị xé làm 5 mảnh).
         Đối với người đã chết như vua Quang Trung, Thái Đức...Gia Long cho đào mồ đốt tan xương cốt, cho vào súng đại bác bắn để không còn vết tích.
         Chỉ duy nhất có Hoàng phi Lê Ngọc Bình vợ của vua Cảnh Thịnh (Quang Toản) vốn là công chúa con vua Lê Hiển Tông nên được tha chết. Tuy nhiên cũng bị bắt phuc thị cho vua Gia Long nơi hậu cung.
        Có lẽ thương cho hoàn cảnh của Bà nên mới có câu ca dao:
Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay
        Ý ví vua Quang Toản là cây cải còn thân bà Hoàng phi như rau răm.
x X x

2 / Câu Chuyện Thứ Hai ( theo http://e-cadao.com ) 

        Ông Bút Chì ở tòa soạn đã giải thích (Làng Văn 26, trang 94), tôi xin đi sâu vào chi tiết hơn nữa:
Sách Việt Nam Phong Sử của Nguyễn Văn Mại (tủ sách Cổ Văn, phủ Văn Hóa, Sài Gòn 1972, trang 126), do Tạ Quang Phát phiên dịch, ghi như sau:
Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay

 "Thơ phong sử này thuộc tỷ. Cải rau cải có thể làm dưa, tháng mùa đông bắt đầu gieo hột mà trồng. Trời, thiên triều, triều nhà Thanh bên Tàu. Nước ta trải các đời đều chịu triều đình Trung Quốc phong cho, cho nên gọi Trung Quốc là thiên triều. Răm, thứ rau có vị cay, mọc ở chỗ đất thấp. Theo Sử ký, Nguyễn Thị Kim, người ở làng Tỳ Bà, huyện Lương Tài, là cung phi của vua Lê Mẫn Đế.

Lúc ấy quân Tây Sơn chiếm cứ thành Thăng Long, vua Lê Chiêu Thống và Hoàng Thái Hậu với cung phi chạy lên Cao Bằng, nếm mọi nỗi đắng cay.

"Đến khi vua Chiêu Thống sai người sang cầu cứu với nhà Thanh thì trước hết bí mật khiến người hộ tống Thái Hậu và Nguyên Tử (con trai trưởng của vua) đi sang Tàu.

"Còn Cung Phi Nguyễn Thị Kim đi theo không kịp, phải buồn hận trở về, âm thầm ẩn tránh trong dân gian lo việc làm ruộng nuôi tằm, dệt vải để sống bằng sức lực của mình.

"Ngày xưa sống với phấn sáp cung trang, ngày nay nàng trở thành người đàn bà quê với áo vải hoa gai, vua thì chạy đi, nước thì tan mất, nỗi đắng cay không xiết được, cho nên làm thơ phong dao để tự ví mình.

 Cải, là thứ rau có vị đắng, ví với Thái Hậu

Rau răm cũng có vị đắng, ví với Cung Phi

 “Ý nói là Thái Hậu đi xa sang Thiên Triều chưa biết kham khổ ra sao. Một mình Cung Phi ở lại trong đất giặc chiếm đóng phải chịu những nỗi cay đắng ấy. Đấy cũng là lời than thở.

“Về sau vua Chiêu Thống ở Yên Kinh bị bịnh mà chết.

Sau khi lấy được nước và định quốc đô, Triều Nguyễn ta xin nhà Thanh đưa linh cữu vua Lê Chiêu Thống về nước.

"Cung Phi Nguyễn Thị Kim đến trước linh cữu lạy khóc rồi uống thuốc độc mà chết. Thương thay! Trung thần liệt nữ từ xưa đều thế” (trích dẫn nguyên văn).

3 / Câu Chuyện Thứ Ba:
 

        Tôi có một người bạn trong dịp đi du lịch ngoài Côn Đảo, khi về  kể lại câu chuyện liên quan đến nguồn gốc câu ca dao:
Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay
        Câu chuyện đó nói về bà vợ của Nguyễn Ánh là bà Răm và đứa con trai tên là Cải. Thật ngạc nhiên, tôi không đồng ý vì cho rằng Nguyễn Ánh không hề ra Côn Đảo thì làm gì có chuyện này.
        Anh bạn quả quyết những ai đã có dịp ghé thăm Côn Đảo, đều được hướng dẫn vào thăm một ngôi miếu, ở đó, các hướng dẫn viên kể một câu chuyện và giới thiệu nơi đây đang thờ một bà vợ của vua Gia Long. Một  câu chuyện bi thương của một người phụ nữ tài sắc tên là Răm !. 
        Tức mình, tôi lên mạng internet để tìm hiểu. Quả thật, có rất nhiều trang web kể câu chuyện tương đối giống nhau như sau:

        Đó là vào năm 1783, sau khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Ánh mang cả vợ con cùng  đoàn tùy tùng của mình chạy ra đảo Côn Sơn ( Côn Đảo) . Nguyễn Ánh dự định gởi con cả là Hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện. Bà Phi Yến tên thật là Lê Thị Răm là vợ thứ của Nguyễn Ánh đã can ngăn chồng, đừng làm việc “ cõng rắn cắn gà nhà”. Nguyễn Ánh chẳng những không nghe lời khuyên của bà mà còn tức giận nghi bà thông đồng với Tây Sơn nên định giết bà, nhưng nhờ quân sĩ can xin ( !) nên Nguyễn Ánh nhốt bà vào một hang đá trên đảo; về sau ngọn núi tại đây  được gọi là núi Bà . Ít lâu sau, Nguyễn Ánh rời Côn Sơn, bấy giờ có một hoàng tử tên là Cải, còn  có tên là hoàng tử Hội An, con của bà Răm mới 4 tuổi đòi mẹ đi theo cùng. Trong cơn tức giận, Nguyễn Ánh đã ném con xuống biển. Xác hoàng tử trôi dạt vào bãi biển Cỏ Ông.,  được dân làng mang  chôn cất tử tế.  Bà Phi yến sau đó được một con vượn và một con hổ cứu  ra khỏi hang và về  chung sống với dân làng . Một lần, sau khi bị kẻ xấu xúc phạm, bà đã tự tử để thủ tiết với chồng…! (*)

Kết Luận.
 


 Miếu bà Lê thị Răm ở Côn Đảo, một cái miếu trông rất tầm thường. Cũng như câu chuyện hoàn toàn sai lệch. Sử sách đã chứng minh Nguyễn Ánh không hề đến Côn Đảo hay có bà phi nào như bà Răm trong câu chuyện trên.
        Mặc dù đã có rất nhiều bài báo cải chính về giai thoại này, nhưng hướng dẫn viên du lịch vẫn say sưa kể lể cho du khách nghe, cũng như nhiều trang web dùng câu chuyện này chứng minh cho sự ra đời của câu ca dao trên.
        
Chưa biết còn có câu chuyện nào khác hay không? Nhìn lại ba câu chuyện trên, nếu được phép chọn lựa hay bỏ thăm xem mẫu chuyện nào hợp lý nhất, tôi sẽ đồng tình và ủng hộ câu chuyện của công chúa Lê Ngọc Bình. Thứ nhất vừa khớp với lịch sử, thứ hai đúng với tình lẫn ý của câu ca dao.   
        Một câu ca dao thể ví thật sâu sắc, đậm đà tình cảm. Khi đọc đến, mọi người đều mường tượng đến cảnh người chồng chẳng may xa lìa nhân thế, bỏ lại người vợ chịu đựng với muôn ngàn khó khăn, cay đắng.


Huỳnh Hữu Đức
---------

(*)         Theo sách Nguyễn Phúc Tộc thế phả, Nguyễn Ánh có tất cả 21 bà vợ và 18 hoàng tử và 18 hoàng nữ, nhưng không thấy ai có tên là Răm hay Cải (Hội An) cả . Hơn nữa, Nguyễn Ánh sinh năm 1762, năm 1775 theo chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy vào Nam  trước  sự truy đuổi của quân Trịnh, lúc ấy Nguyễn Ánh mới chỉ là cậu bé 13 tuổi !Không có tài liệu nào nói Nguyễn Ánh đem theo một bà vợ nào trong khi chạy trốn cả.  Trong thời gian bôn tẩu, Nguyễn Ánh chưa ban tên thụy cho một ai, bởi lý do đơn giản là ông chưa phải là vua, vì thế không thể có chuyện ông đã ban tên thụy là Phi Yến cho bà Răm  được. Theo tác giả Đinh Văn Hạnh, nguyên Giám đốc Sở VHTT- BRVT trên một bài viết cũng phổ biến trên tạp chí Xưa và Nay đã chứng minh rằng: Nguyễn Ánh chưa bao giờ đặt chân đến Côn Đảo, mặc dù sự kiện Nguyễn Ánh đến tá túc tại Côn Đảo đã được các nhà viết sử nhà Nguyễn chép lại nhưng lại ghi thêm  là “ chỉ nghe kể chép lại “ !:

      “Sự nghi ngờ về sự kiện lịch sử ghi trong "Đại Nam thực lục" đã có từ những năm 40 của thế kỷ trước. Thời điểm đó tạp chí Tri Tân đặt ra tranh luận và giải quyết ( số 67-7 Octobre 1942)…Họ đã đưa ra được những chứng cứ thuyết phục, kể cả việc phủ nhận tên gọi núi Chúa ở Côn Đảo không liên quan gì đến Nguyễn Ánh cả. Nhưng các tác giả trên tạp chí Tri Tân cũng chỉ là người  đi sau. Sự nhầm lẫn của các sử gia triều Nguyễn chép lại quá trình bôn ba của Nguyễn Ánh đã được sử gia người Pháp Ch. Maybon đính chính rất rõ ràng trong cuốn Histoire moderne du pays d’Annam, 1582-1820 ( Paris. Plon, 1919 ), rằng đảo Côn Lôn vốn chỉ được "nghe kế chép lại" trong "Đại Nam thực lục" chính là đảo Cổ Long ( Koh Kong ), một hòn đảo nhỏ nằm phía biển Campuchia, gần vùng biển Hà Tiên – Phú Quốc chứ không phải đảo Côn Lôn - Côn Đảo mà mọi người đã biết- đây chỉ là sự nhầm lẫn khi chuyển chữ Koh Kong sang Hán tự. Trong gần 10 năm bị Tây Sơn truy lùng gắt gao nhất, Nguyễn Ánh chưa từng và cũng không thể đủ sức chạy ra Côn Đảo. Đến khi binh lực lớn mạnh thì ông lại bận rộn với việc truy kích quân Tây Sơn đến tận Phú Xuân và ở đó làm vua cho đến lúc qua đời mà chưa một lần đến Côn Đảo…” (http://sachxua.net)