Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Thành Kính Phân Ưu Cùng Gia Đình Đỗ Đình Tiến

Vừa nhận được tin buồn muộn của Tuấn gởi qua điện thoại.
Phú, Thu, Hiền cùng các bạn học ở Vĩnh Long Thành Kính Phân Ưu cùng gia đình Đỗ Đình Tiến.
Chúng tôi xin chung lời cầu nguyện cho Linh Hồn Mẹ của Tiến được an vui Vĩnh Hằng nơi đất Chúa

Thành Kính Phân Ưu
Phú, Thu, Hiền
 

Tình Phai


Tình đã dần phai theo tháng năm
Lặng buồn trên mi mắt nâu đen
Tóc che nửa mái hồn phiêu bạt
Nửa mái âm âm nhuốm bụi đời

Em đi nghiêng khuất chiều xa xứ
Lạc cánh chim ngàn quên nhánh xưa
Phố lạ chân hoang mùa tiễn biệt
Bước buồn khua gợi lối rong mơ

Chỉ tay đan những đường tan vỡ
Để mộng mơ nào chợt vắng tăm
Em - búp sen hồng trông bé nhỏ
Ru đời anh giấc ngủ trăm năm

Anh biết lòng em như quán khách
Em đi bỏ lại chút hương nồng
Bỏ lại tình phai mùa thơ dại
Một thời chân sáo bước tìm nhau.

Tín Đức
* Hình phụ bản là tranh vẽ của chính tác giả

Bông Hoa Nhỏ…


Mừng ngày Giao Thủy chào đời 05/09/2014

Một bông hoa nhỏ vừa hé nụ.
Góp chút hương thơm với cuộc đời.
Hàng cây rũ lá trong nắng Hạ.
Chợt bừng sức sống ánh xuân tươi.

Một bông hoa nhỏ vừa hé nụ.
Dìu dặt thinh không khúc nhạc mừng.
Ríu rít chim muông hòa cung bậc.
Vi vi làn gió góp vui chung.

Một bông hoa nhỏ vừa hé nụ.
Rộn rã hồn ta vạn tiếng cười.
Niềm vui òa vỡ trong ánh mắt.
Hạnh phúc ngập tràn trên nét môi.

Một bông hoa nhỏ vừa hé nụ.
Sức sống trào dâng ngập cõi lòng.
Gia trang rộn rã trong ngày hội.
Giao Thủy chào đời, thỏa đợi mong.

Dương Thượng Trúc
Thủy gia Trang 5/9/2014

*Gần bẩy mươi mới làm ông nội.
Vui nên gieo vần gởi khắp nơi.
Xin hãy chia xẻ cùng tôi.
Hạnh phúc ấm áp cuối đời lãng du.
(dtt.)

Bóng Chiều Tà


Số già Trời định, thoát không ra
Nay tôi, mai bạn, có chi mà!
Dù sao, tôi cũng đầy mãn nguyện
Chẳng thẹn lương tâm, lúc tuổi già
Gom hết tàn hơi, tôi sáng tác
Vài hàng tặng bạn, để gọi là
Xin chúc mọi người tươi trẻ mãi
Nụ cười che lấp, ánh chiều tà

Hồ Nguyễn 4/9/2014

* * *
Chút Hơi Thừa


Chẳng phải duyên trời... không lối ra
Bạn thân xum họp để vui mà
Ngành y, nhà giáo chung tâm sự
Lóng ngóng thầm quên tuổi đã già.
Còn chút hơi thừa vui gặp gỡ
Hàn huyên thân mật phải chăng là
Mai kia từ giã đời cô quạnh
Tiếc nuối dư hương bóng xế tà!

Dương Hồng Thủy 
(04/09/2014)

Đèn Kéo Quân

      Tôi đi sau một người đàn bà gánh hàng rong. Vai bà oằn xuống. Khi bà đổi vai, tôi nhìn thấy qua cổ áo hở làn da bầm tím. Trong tù cải tạo, tôi quen nhìn những vết thương trên thân thể mình và thân thể bạn tù, nhưng chưa bao giờ nhìn một vết bầm trên vai một người đàn bà. Hình như bà còn trẻ. Và có thể đẹp nữa. Và yếu đuối. Tôi cũng đang vác một cần xé soài cát, và bỗng thấy vai nặng hơn. Tôi phân vân, nửa muốn vượt qua bà đi cho nhanh lên bắc, để nghỉ, nửa ngại ngùng vì cái cảm giác phải bước qua một người đồng hành bị thương. Tôi để cho một vài người từ sau chen lên trước. Họ vượt qua tôi và vượt qua người đàn bà. Nhiều người vượt qua tôi rồi khựng lại sau người đàn bà có cái gánh cồng kềnh. Xe cộ rầm rập lên phà. Đoàn người chen chúc lên xuống. Trong khi chân bước đi, tôi để cho đầu óc nghỉ ngơi trong cơn bập bềnh của nắng trộn lổn ngổn với gió sông, và nhịp hổn hển của cả dòng người lam lũ xung quanh. Rồi người đàn bà vai bầm biến đi lúc nào tôi không để ý. 
      Tôi leo lên tầng trên, kiếm được một chỗ đặt cần xé và một chỗ ngồi trên băng. Khi nhìn xuống tầng dưới phía bên kia, gần cầu thang, tôi lại thấy người đàn bà. Bộ đồ đen. Đúng rồi. Mầu đen lúc này khiến tôi liên tưởng tới một người xưa kia chuyên mặc đồ đen – Lan Ngọc.


* * * 
Không biết ai khéo nghĩ ra cái biệt danh ‘Tiểu Thư’, nhưng thiên hạ ‘bắt’ liền và chẳng bao lâu cả thành phố gọi như thế. Có người gọi với giọng hài hước, có người với giọng ngưỡng mộ, nhưng mọi người đều thừa nhận nàng đẹp siêu phàm. Nước da trắng hồng như ngọc. Người ta đồn là cha mẹ nàng không cho con đụng ngón tay vào một vật gì ngoài đôi đũa và cái bút viết. Nhà thuốc Phước Lộc Đường lớn nhất Miền Tây và giầu nhất tỉnh. Dân trong tỉnh đồn cha mẹ nàng không để cho một hạt bụi bám vào chân con. Riêng tôi, tôi chưa thấy một vật nào trên thế gian đẹp bằng bàn tay Lan Ngọc khi cầm bút. Lan Ngọc thường tới hỏi bài anh chàng dạy Việt văn trọ chung nhà với tôi. Khi ra về, có lần nàng để quên một bài thơ lãng mạn, mà do đó anh chàng dạy Việt văn cho rằng cô nữ sinh có tình ý với mình.
Lan Ngọc trổ mã và vượt hẳn lên giữa đám con gái trong trường ngay từ năm học đệ tứ, đúng vào lớp tôi dạy môn thể dục. Nữ sinh thời đó mê không quân, sinh viên y khoa v.v. Có cô nào để ý giáo sư thì phải là giáo sư Việt văn, giáo sư triết miệng trơn như cháo chảy; chắc không có cô nào điên mà để ý ông thầy vai u thịt bắp, tối ngày cầm còi thổi reng réc như tôi. Tôi luôn tự nhắc cho mình biết thân phận, không mơ mộng tới Tiểu Thư của cả thành phố, cho dù đó là học trò ngoan của tôi, và dù trong giờ thể dục, cô bé nhìn tôi có vẻ tha thiết. Những khi cần chỉ vẽ, điều chỉnh động tác tập luyện, tôi cũng tránh đụng vào người Lan Ngọc.
Tôi chỉ còn chút oai phong vào ngày thi thể dục, một môn thi bắt buộc học sinh phải đủ điểm để được đi thi trung học phổ thông. Ba món đầu Lan Ngọc đậu cả. Nhảy cao được 105 cm. Con gái khỏi phải ném tạ, tôi lấy phấn vẽ mười cái vòng tròn, thí sinh đứng cách mười mét, thảy banh quần vợt, mỗi trái trúng vào vòng tròn được hai điểm. Lan Ngọc thảy trúng hết mười trái. Tôi mừng hết sức. Đến môn chạy 100 mét, Lan Ngọc chạy lẹt bẹt như con vịt, hết 25 giây, tôi ghi 20 giây, để em đủ điểm đậu. Hai mươi năm qua, mà tôi còn nhớ những điều vụn vặn này, lạ thật.
Tới môn leo giây, tôi lo lắm. Tôi đứng gần để phòng bất trắc. Lan Ngọc leo một cách khó nhọc được ba mét thì đuối sức, ngưng lại.
Tôi vội nói:
“Thôi, được rồi, xuống đi!”
Lan Ngọc tuột xuống như một trái mít rụng.
Tôi đỡ được em, nhưng hai lòng bàn tay em đã trầy trụa, đầy máu. Tôi bồng em vào phòng cứu thương. Đó – đôi mắt đắc ý của Lan Ngọc khi em nằm vạ trong cánh tay tôi. Khi cầm bàn tay mềm mại để băng bó, tim tôi như bị trầy xước.
“Ráng giữ cho mau lành, để còn... cầm bút, nghe không?” tôi dặn.
“Thầy biết tại sao con ném banh trúng mười không?”
“Giỏi thôi?”
“Không phải. Tại con hình dung đó là trái tim một người...”
Tôi làm bộ không hiểu, hỏi sang chuyện khác:
“Thế sao leo giây thì té cái bụp như trái mít ướt?”
“Để có người đỡ.”

Lan Ngọc đang học lớp đệ nhị thì tôi nhận được giấy gọi động viên. Tan học, nàng làm như tình cờ gặp tôi trên sân trường. Chúng tôi đi song song giữa hai hàng cây phượng vĩ.
“Bao giờ thầy đi?”
“Đầu tháng.”
“Con muốn tới dọn đồ đạc cho thầy.”
Anh chàng dạy Việt văn đã dọn sang nhà khác. Tôi chỉ còn ở một mình. Nếu Tiểu Thư tới nhà tôi thì hôm sau cả thành phố sẽ biết. Nhưng tôi không thể từ chối được. Không có can đảm từ chối. Vả lại, tôi cũng sắp giã từ thành phố này. Kệ, tới đâu thì tới!
“Đồ đạc tôi có gì đâu? Nhưng em cứ tới chơi.”
Rồi tôi thêm cho tự nhiên:
“Cũng có mấy em khác tới từ giã.... Làm như tiễn Kinh Kha.”
Nàng cố đi chậm lại khi nhìn thấy xe hơi nhà đang chờ trước cổng trường. Một trái banh bay tới gần trúng Lan Ngọc, tôi bắt và quăng trả lại trước vẻ biết ơn của thằng học trò ham chơi.
“Chiều mai có chị nào tới không?”
“Thầy không biết.”
“Con tới.”
Hôm sau, mưa như trút nước suốt buổi chiều. Tôi nghĩ Lan Ngọc tới lúc này thì thật là... ướt át. Và nàng tới thật. Nàng không mặc áo dài trắng đồng phục nữ sinh, mà mặc chiếc áo dài lụa đen, tương phản với nước da trắng trong như bông hoa lan. Một tay nàng che dù, một tay cầm một cái bao lớn.

“Có cho con vô không?” nàng mỉm cười.
“Mời vào... Lan Ngọc vào đi.”
Tôi vội vàng đỡ cây dù và tránh sang một bên cho nàng vào.
Bỗng chốc ngôi vị bị đảo ngược: tôi trở thành khờ khạo trước cô học trò khoan thai đài các. Lan Ngọc thản nhiên ngồi vào ghế sa-lông tôi mới biết mình quên mời. Tôi khớp trước nhan sắc của Lan Ngọc. Nàng lấy trong bao ra một cỗ đèn kéo quân đặt trên bàn. Tôi ngạc nhiên không hiểu cái đèn cũ này sẽ đóng vai trò gì trong buổi giã từ.
“Cây đèn này....? Tính đốt để tiễn tôi đi... kéo quân đây, chắc?” tôi hỏi.
“Thầy còn nhớ cây đèn này không?” Lan Ngọc hỏi lại.

Tôi ngồi xuống chiếc ghế còn lại, ngắm cây đèn phất giấy trắng đã ngả màu ngà, lốm đốm nước mưa. Tôi đã làm nhiều cái đèn tương tự như cái này, cũng có thể là cái đèn Lan Ngọc mua ở chợ, nên không thể nhớ nó có liên hệ gì tới tôi. Tôi đưa tay quệt một giọt nước mưa còn bám vào một khung tre. Dựa vào ký ức mơ hồ và nhất là vào chính câu hỏi của Lan Ngọc, tôi trả lời cầu âu:
“Cây đèn của lớp đệ tứ hồi đó.”
“Thầy... giỏi quá!” Lan Ngọc phê.
“Sao em còn giữ được?”
“Những gì... như thế này... con giữ hết.”
Tôi lặng người một lúc lâu mới lên tiếng:
“Em mang đèn tới đây làm chi?”
Lan Ngọc làm vẻ hào hứng:
“Con nhờ thầy sửa lại. Nó không quay nữa.”
Bỗng cái đèn trở thành cần thiết để chân tay tôi khỏi thừa thãi, và để chúng tôi tránh chạm vào một cái gì nghiêm trọng hơn, mong manh hơn lớp giấy phất đèn. Tôi uốn lại các nan quạt bằng kẽm, và điều chỉnh vị trí trục quay một chút, xong, tôi thắp nến. Tôi lấy ngón tay trỏ xoay nhẹ các nan quạt, cái cốt bắt đầu quay đều, và quay mãi. Các đốm nước phai dần.
Trong lúc nhìn những bóng hình nhân cỡi ngựa đuổi nhau trong cái vòng tròn vô tận, Lan Ngọc kể cho tôi nghe cha mẹ đã ép gả cho một người con trai tên Huỳnh.
“Huỳnh nào? Huỳnh công tử?”
“Dạ, chính anh ta.”
Huỳnh là con trai duy nhất của tiệm vàng Huỳnh Kim, nổi tiếng không những trong tỉnh, mà khắp miền Tây. Tiểu Thư với Công Tử xứng đôi vừa lứa quá rồi, tôi nghĩ, với một thoáng cay đắng. Nhưng liền sau là nỗi tội nghiệp cho Lan Ngọc. Người thanh niên tối ngày lái xe mui trần đi tìm gái đẹp đó không thể là một người chồng tốt được. Nếu vì môn đăng hộ đối thì thà Lan Ngọc lấy chàng bác sĩ trẻ con ông Tầu chủ vựa gạo còn hơn. 
“Tôi tưởng Lan Ngọc với ông bác sĩ ?” Tôi hỏi.
“Con nghe hai bên nói hai đứa kỵ tuổi sao đó.”
Tôi đứng dậy, nói một cách vụng về:
“Để tôi đi mua nước đá cho em uống nhé?”
“Dạ, khỏi cần. Thầy ở lại nói chuyện với con. Những phút này... không bao giờ tìm lại được nữa.”
Mưa ngưng bặt như để lắng nghe, rồi lại sầm sập đổ xuống.
Tôi ngồi xuống. Nhũn ra như một người đô vật vừa thua trận. Lan Ngọc sắp vĩnh viễn xa tôi. Tôi biết trong hoàn cảnh này, mình không làm gì được. Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ chỉ có thể làm cho hoàn cảnh rắc rối thêm, Lan Ngọc khổ thêm. Chúng tôi im lặng nhìn nhau, tôi thấy hình ảnh Lan Ngọc nhạt nhòa. Quệt mắt, tôi thấy mặt nàng cũng giàn dụa nước mắt.
Nến cháy hết, quân đèn ngưng lại. Lan Ngọc lấy trong bóp ra, tặng tôi vài bảng tên thêu tay thật đẹp. Những ngón tay nhỏ thuôn dài nuột nà vuốt trên tên tôi, miếng vải oằn lên. Nàng nói: 
“Để thầy khâu vào đồng phục khi vào quân trường.”
Chúng tôi nói chuyện vu vơ cho tới khi mưa tạnh. Lan Ngọc nói:
“Con phải về. Thầy đi bình an.”
“Lan Ngọc ở lại hạnh phúc.”
Nàng nhìn tôi trách móc, rồi đứng lên. Tôi cầm cây đèn đưa cho nàng, nói tiếp:
“Còn cỗ đèn này!”
“Thầy giữ giùm con. Con muốn nó quay hoài, mà con thì không biết giữ gìn, và con không tiện giữ nữa.”
Tôi ôm cỗ đèn trước ngực, nói:
“Tôi sẽ giữ nó cẩn thận. Mãi mãi.”
Lan Ngọc cố tươi nét mặt. Nhưng rồi lại bậm môi. Nước mắt dàn dụa, nàng định nói một câu gì, nhưng nghẹn lời. Nàng nặng nề xuống lầu, như bị áp giải đi.
Nàng đến, nói để dọn đồ đạc cho tôi, mà ra đi chỉ làm cho lòng tôi ngổn ngang.

* * *

Tôi vào quân trường Thủ Đức, đem gởi cỗ đèn kéo quân ở nhà người quen. Ra trường, đi đơn vị tôi mang theo cỗ đèn; lấy vợ, dọn nhà, đi đâu tôi cũng na cỗ đèn theo.
Duyên, vợ tôi, đề nghị:
“Cái đèn rách đó, anh tha về nhà mới làm gì? Vất đi cho rồi!”
“Đâu có được. Để sau này... con nó chơi chứ!?”
Tôi cảm thấy hổ thẹn vì một lời nói dối.
Nhưng Duyên hài lòng. Duyên luôn luôn lạc quan về cuộc đời như thế.
Duyên đón tôi trước cửa, âu yếm:
“Anh mệt không? ”
“Có gì mà mệt, em?”
“Khuân vác mà không mệt sao? ”
Tôi cởi áo đưa cho vợ. Duyên cầm chiếc áo lính dầy cộm đẫm mồ hôi áp vào mặt.
“Xấp nhỏ đâu, em?”
“Dạ, chúng đi chơi đâu đó. Chắc chúng cũng sắp về... Anh uống miếng nước dừa Xiêm này rồi đi tắm ngay nhé. Em pha nước xong rồi.”
 Người phu khuân vác kiêm cựu tù nhân tôi đã lấy lại một vài tật xấu tiểu tư sản như tắm nước nóng buổi chiều và uống cà-phê buổi sáng. Ngoài ra, khoai sắn thế nào cũng xong.
Đang tắm, tôi nghe tiếng trẻ con chí chóe ở nhà trên. Ba đứa con, gái lớn mười tuổi, trai thứ nhì tám tuổi, trai út năm tuổi, không đứa nào tôi phải nuôi cả. Hai đứa đầu ông bà ngoại nuôi. Đứa thứ ba, sanh ra lúc tôi ở trong tù. Bây giờ cả ba đứa, không học hành gì cả, ra ngoài đường kiếm ăn như chó hoang. Tôi cấm chúng ăn mày, con lớn nói ba yên chí, chúng con ‘cứu nhơn độ thế’, được đền ơn, đủ ăn. Sau tôi biết việc ‘cứu nhơn độ thế’ của chúng là xách đồ giùm khách qua lại. Hai đứa lớn phụ mang đồ cho khách qua bắc. Chúng ‘ăn khách’ không phải vì sức mạnh mà vì ‘thân chủ’ muốn trả công thế nào cũng được, đồng bạc, cái bánh, trái chuối, trái quít. Cái gì nặng quá sức, hai đứa lớn hè nhau khiêng. Con lớn tay lại giắt theo thằng bé năm tuổi, ai thấy cũng tin tưởng, biết rằng chúng không phải loại ăn cắp vặt, chuyên giựt hành lý. Thế là bá tánh nuôi ba đứa nhỏ hai bữa, sáng và trưa. Bữa chiều trông vào Duyên; nàng đi bắt ốc bán, lấy tiền đong gạo. Được ít lâu, tôi sợ con cái sẽ trở thành bọn đá cá lăn dưa, bèn bắt ở nhà hết. Nhưng tôi chẳng kiếm được việc làm nào khác ngoài việc như ba đứa trẻ đã nghĩ ra, tức là đi khuân vác.
Tắm xong, tôi hỏi:
“Tụi con làm chi mà ồn ào quá vậy?”
“Thằng Hưng đá con đó, ba!” đứa con gái tên Tư Ngọc tố.
“Ai biểu chị Ngọc lấy hết tiền mua kẹp tóc?” thằng Hưng tự bào chữa.
Tôi bồng thằng út lên lòng, mắt nhìn con bé đen đúa, khẳng khiu, chẳng ngọc ngà tí nào. Tất cả là lỗi ở tôi bất lực, không lo được cho các con. Tôi phân giải:
“Ba sẽ đền tiền cho Hưng. Để cho chị Ngọc giữ cái kẹp tóc. Tóc nó dài rồi.”
“Thôi, tụi con cám ơn ba, rồi đi ăn cơm.”
Duyên hài lòng về sự phân xử gọn gàng của tôi.
Bé Ngọc nhảy lên, moi cái kẹp bằng nhựa đỏ kẹp vào mớ tóc đen dầy của nó. Trong bữa cơm có tép cháy và canh bầu, tôi nói với vợ:
“Từ ngày mai, em đừng đi bắt ốc nữa, ở nhà dạy các con học.”

*

Hôm sau tôi lại thấy người đàn bà áo đen. Lúc bỏ một cần xé trái cây cho người chủ trước một quán cơm bình dân, tôi thoáng thấy bà áo đen ngồi bên kia đường bên gốc cây me, một cây me con èo uột, tàn cây chưa đủ che bóng mát. Bà ngồi trước một nồi nước gì đó, khói bốc nghi ngút. Giấc mơ đêm qua thấy Lan Ngọc trong chiều mưa, mặc áo dài đen, khiến tôi có cảm giác gần gũi với người đàn bà này.Vác được chừng năm sáu chuyến, tôi đói bụng, tìm tới bà xem có cái gì ăn được không. Tới gần, tôi biết là bà bán bún riêu. Và khi bà ngước mặt lên, thì tôi buột miệng:
“Lan Ngọc!” tôi gọi như trong mơ.
Người đàn bà ngước lên, nheo mắt ngơ ngác:
“Ăn bún hả?”
Giọng nói cũng quen thuộc. Nhưng tôi đâm nghi ngờ. Hay là mình nhìn lầm? Và tôi có thể lầm lắm, bởi vì trước mắt tôi là một người đàn bà tiều tụy xơ xác, tình cờ có vài nét tương tự Lan Ngọc. Tôi ngồi xuống một trong hai hòn gạch đặt làm ghế, chăm chú nhìn bà. Càng nhìn,thị giác tôi càng mơ hồ, ký ức và hiện thực chập chùng. Nhưng trực giác bảo tôi đây là Lan Ngọc. Vầng trán nhăn, mái tóc điểm nhiều sợi bạc phiền muộn, da mặt xạm nắng, đôi môi khô, nhưng đúng là Lan Ngọc.
“Lan Ngọc! Em nhận ra tôi không? Hải đây...” tôi tha thiết.
Người đàn bà trố mắt nhìn, rồi reo lên mừng rỡ:
“Thầy Hải? Con nhận không ra.... thầy.”
“Nhưng tôi nhận ra em. Em... vẫn thế.”
Ngọc co người,bắt chéo tay trên ngực, như dáng người đi trong gió bão. Tôi cảm thấy như đang đứng giữa cơn bão lốc.
“Bán cho tô bún!” Một thằng bé vừa tới, nói. Nó ngồi xuống hòn gạch còn lại.
Lan Ngọc tay run rẩy gắp bún, rau muống chẻ, rau thơm, bỏ vào cái tô chiết yêu, rồi chan nước riêu cua lên. Tôi nhận ra một vài dáng điệu sang trọng trong những cử chỉ tầm thường của Lan Ngọc. Ông khách tí hon làm thinh, ăn xoẹt một cái hết nhẵn tô bún, chùi mép, trả tiền. Tôi nghĩ tới ba đứa con tôi, biết đâu cũng đã có lần chúng sà vào đây ăn bún.
“Thầy... Thầy đói bụng không, con làm một tô cho thầy ăn, nghe?”
“Khỏi, tôi không đói...”
“Thầy đi đâu mà tới đây?”
“Đừng xưng thầy nữa... Gia đình tôi trốn kinh tế mới, về đây được hai tháng nay... Còn em? Gia đình em ra sao?”
Lan Ngọc nhìn lên tàn cây thưa. Cái cằm nhỏ tròn hất lên, gợi một nét xa xưa, trẻ trung. Rồi nàng lại quay ngang như tránh nhìn vào một vật vô hình trước mặt. Tôi biết câu hỏi của tôi vừa chạm vào một vết thương, tôi muốn nói một câu để khỏa lấp. Nhưng đôi mắt nàng đã từ từ mọng nước. Nàng gục mặt vào hai đầu gối. Tôi thấy vai nàng rung. Đoàn xe do chuyến bắc vừa đổ xuống ầm ì chạy qua, tung bụi mù mịt cả vùng Mỹ Thuận.

* * *

Mỗi ngày tôi ra Bắc khuôn vác độ nhật, và giúp Lan Ngọc gánh hàng bún riêu sang bên kia sông, những buổi chiều cùng ngồi trên chuyến bắc cuối cùng trong hoàng hôn đỏ lênh láng, trở về bên này sông, tôi nghe Lan Ngọc kể về cuộc đời nàng bằng một giọng nhẫn nhục. Câu chuyện thiếu mạch lạc, như những mảnh thủy tinh vỡ.
“Gia đình nhà chồng con bị tịch biên toàn bộ tài sản. Huỳnh chỉ tiếc chiếc xe ăn chơi của anh ta. Tối ngày thất thểu ngoài đường, thấy xe hơi chạy qua là xông ra đòi trả xe cho tao. Con sai hai đứa con lớn đi theo coi chừng ba chúng nó. Nhưng cái hôm đó, anh thấy chiếc xe bộ đội bỏ mui, bèn ra cản trước mũi, đòi xe. Tên bộ đội bóp còi đuổi đi, anh ta làm dữ, đập rầm rầm trên đầu xe, tên bộ đội quát ‘đồ phản động’ và phất tay cho tài xế cứ việc cho xe chạy. Anh Huỳnh bị cán, đưa vào nhà thương thì chết, chết về tội cản trở cách mạng. Con bồng con bé út đi ra chợ, bán quần áo cũ. Toàn quần áo của con và của mấy đứa con. áo dài đen con tiếc lắm, cũng phải bán, chỉ giữ dăm cái.”
Lan Ngọc đỏ mặt. Tôi hỏi:
“Còn các bác?”
“Ông bà già chồng con tự vẫn chết. Bên gia đình con, tại mấy tấm hình ba con chụp chung với các ông tướng, ông tá treo trong phòng mạch hồi đó, cũng bị bắt điều tra.”
“Sao không đem cất hình đi?”
“Cất, nói làm gì. Còn đốt đi nữa. Nhưng nhà con, khách ra vào hà rầm. Có người nhớ được chuyện cũ đem làm quà với công an. Nhà thuốc bị trưng dụng làm trạm y tế nhân dân kiêm nhà thuốc dân tộc. Ba con được cách mạng khoan hồng tạm bổ ngồi cắt thuốc, lương 59 đồng một tháng. Thuốc thì toàn cây cỏ khô, làm gì có thuốc thiệt. Ông bà đem con và xấp nhỏ xuống Rạch Giá vượt biên, bị gạt và bị bắt, mất nhà mất hết vốn liếng còn lại. Hiện ông bà ở chung với con để coi các cháu. Nhưng má con bị tê liệt nằm một chỗ, còn ba con đi bán thuốc tễ ngoài bến xe.”
Tôi thấm thía với hai chữ đổi đời thiên hạ thường nói ngày nay. Tôi cũng kể cho Ngọc nghe cuộc đổi đời của gia đình tôi. Tôi kể hết, trừ chi tiết tôi cho là rất quan trọng thì giấu - tôi yêu vợ tôi.
Thế mà tôi lại hỏi:
“Em có được hạnh phúc không?”
“Không, thầy ạ.”
“Đừng gọi thầy nữa.”
Lan Ngọc nhìn tôi, ánh mắt tha thiết. Rồi lắc đầu thở dài tiếp:
“Về nhà chồng, con mới biết một điều là chồng không hề yêu con.”
“Anh ta lấy ai chẳng được, tại sao phải đi lấy người mình không thương?”
“Anh ta lấy con chỉ để chứng tỏ muốn lấy ai cũng được.”
Cái ý tò mò muốn biết một con người trăng hoa như Huỳnh có bao giờ yêu không, khiến tôi đi quá xa:
“Huỳnh có yêu ai không? Ví dụ một mối tình đầu?” 
“Anh ta thương một cô gái quê.”
“Tại sao lại có chuyện lạ như thế?”
“Cô ta là bạn thiếu thời của Huỳnh, thời gia đình Huỳnh còn hàn vi ở bên Chợ Lách. Cái chuyện tại sao cha mẹ Huỳnh trở thành chủ bảy tám cái tiệm vàng Huỳnh Kim, là một huyền thoại, chắc ngày xưa thầy cũng có nghe rồi, con không cần kể. Nhưng chắc thầy chưa nghe tin về cô gái tự tử sau đám cưới của Huỳnh với con?”
“Các cô uống thuốc chuột như cơm bữa. Tôi không nhớ.”
“Dạ, cô gái này uống thuốc độc tự vận chết. Huỳnh cuồng điên lên. Anh ta tuyên bố thẳng đó là tình đầu của anh. Mỗi ngày anh ta ra thăm mộ người yêu, cắm hoa, thắp nhang. Rồi lái xe đi uống rượu, trác táng. Hành vi trác táng công khai của Huỳnh là một sỉ nhục cho gia đình hai bên, nhất là gia đình con. Ba má con khuyên lơn, anh ta không nghe, lại còn nói hỗn. Ba má con phải nhờ ông bà Huỳnh Kim can thiệp. Cha mẹ Huỳnh rầy con, hắn không ăn chơi ở trong vùng nữa, mà lên thẳng Sài Gòn. Đồng thời hắn trút nỗi giận hờn lên con. Mỗi cú đấm, cú đá, hắn chửi thề và rủa ‘Tiểu Thư nè!’ Mặt mày con lúc nào cũng bầm tím. Con không dám ra khỏi nhà, không dám đi chợ, không dám về thăm cha mẹ, lánh mặt cả kẻ ăn người ở trong nhà.”
“Ông bà già chồng để như thế sao?” tôi hỏi.
“Họ không ưa con. Họ gọi con là Con Ma Trắng không con, mặc dù con bị hư thai hai lần vì bị chồng đánh đập. Cuối cùng con cũng sinh được một đứa con gái. Rồi hai đứa. Hai đứa con gái là hai cái phao trong những ngày đọa đày của con. Thêm vào đó, hy vọng có một đứa con trai khiến cho những trận đòn có phần thưa bớt, và nhẹ tay hơn. Huỳnh cũng thôi, không đi thắp nhang và cắm hoa trước mộ người yêu nữa. Nhưng anh ta vẫn ngang nhiên để hình người yêu trên bàn thờ trong nhà.”
“Thật là bất công!” tôi xen vào.

Tôi vẫn gánh hàng cho Lan Ngọc lên xuống phà. Tôi đã thoáng thấy làn da trên vai Lan Ngọc trắng ngần, không còn bầm tím. Chúng tôi vẫn kể cho nhau về quá khứ vui buồn trên chuyến phà chót trong hoàng hôn trên sông rộng. Má nàng đỏ ửng và giọng ấp úng:
“Không hẳn là bất công đâu, thầy... Trong lòng con cũng có nơi riêng...”

* * *

Tôi về nhà, như thường lệ, vợ con mừng đón từ ngoài ngõ. Duyên ôm chiếc áo mồ hôi đưa lên mũi. Các con níu kéo khoe bài vở. Duyên phải nhắc tôi đi tắm, thoa nắn những nơi nàng cho là tôi bị nhức mỏi.
Trong bữa chiều có cơm trắng và bầu luộc chấm nước mắm trứng vịt luộc, Duyên khoe một tin mừng lớn:
“Ông y tá kiêm bác sĩ của xã vừa vượt biên, người ta đang cuống lên tìm một y tá thay thế.”
“Em muốn xin chỗ đó, chắc?” tôi hỏi, nhưng nghĩ rằng trong tình trạng cư trú bất hợp pháp của chúng tôi, Duyên không dám nghĩ tới việc đó.
Nhưng Duyên đã hí hửng:
“Dạ, em lên thẳng huyện xin việc. Gặp nữ hộ sinh quốc gia ngụy một trăm phần trăm, họ mừng quá, chỉ hỏi chứng chỉ nghề nghiệp, quên hỏi chứng chỉ cư trú.”
“Nhưng đào đâu ra chứng chỉ cư trú để nạp hồ sơ lương bổng? Mình chường mặt ra, chẳng bao lâu lộ tẩy cái hộ khẩu giả.”
“Em đã mua được hộ khẩu thiệt luôn. Em còn xin luôn cho các con đi học,” Duyên hãnh diện.
“Tiền đâu ra vậy?” tôi ngạc nhiên.
“Em bán đôi bông.”
Đó là đôi bông tôi tặng Duyên dịp đám hỏi.
Suốt đêm đó, tôi thao thức không ngủ, một bên vì câu nói “Trong lòng em cũng có nơi riêng”, một bên vì Duyên, đang nằm bên cạnh.

Tôi không phải là tình đầu của Duyên. Nhưng từ ngày gặp nhau, nàng yêu tôi tha thiết, chung thủy. Như thế chẳng đủ hay sao? Bốn năm sáu tháng tôi bị tù, nàng một mình nuôi ba con. Nhịn ăn nhịn uống để tiếp tế thuốc men và thực phẩm cho tôi trong tù. Mỗi lần đi thăm nuôi, nàng lặn lội đi bộ mười cây số, gặp những đoạn đường bùn lầy tới đầu gối, đi một bước kêu cầu Chúa một bước, vai cũng chảy máu, chân cũng trầy trượt, không một ai gánh đỡ. Muốn có thuốc men cho tôi nàng phải giả đau đủ thứ bệnh. Tôi ghẻ nàng khai nàng bị ghẻ lác. Tôi sốt rét nàng khai mình bị sốt rét. Tôi kiết lị nàng khai mình bị kiết lị.
“Đúng là một xuơng một thịt.”
Mẹ tôi trêu như thế. Mẹ tôi cũng đã kể lại sự chống trả cao thượng của nàng như thế nào với sự cám dỗ của những người đàn ông khác trong lúc tôi vắng mặt. Khi tôi được phóng thích, và bị đuổi đi kinh tế mới, nàng theo tôi cuốc đất tới phồng tay mà cứ cười tươi, chỉ vì sợ tôi buồn. Tôi trốn về vùng đất xa lạ này, nàng đi theo, mò ốc nuôi con. Lúc nào cũng tươi cười.
Bên kia là Lan Ngọc, người đã cho tôi những rung cảm đầu tiên của con tim. Tuổi trẻ và cái quá khứ tươi đẹp của tôi ngưng tụ trong đôi mắt Ngọc. Chỉ ở trong đôi mắt đó, tôi mới còn là tôi. Nhưng nghĩ lại, khi xưa Ngọc chua xót bao nhiêu khi chồng tôn thờ một người tình đã chết, thì ngày nay vợ tôi sẽ thất vọng biết bao khi tôi còn dây dưa với một người tình cũ. Ngọc đang đau khổ, cần nâng đỡ, vâng, nhưng quả tình tôi không có trách nhiệm gì về những bất hạnh nàng phải chịu trong quá khứ. Đó là cái phần số của một người đàn bà đẹp, quá đẹp.
Có điều cái phần số đã trở nên rắc rối do cuộc tái ngộ tình cờ này. Từ khi gặp lại tôi, Lan Ngọc đã phần nào được phục hồi tinh thần và thể chất; tôi không yên lòng nếu sau này nàng lại thất vọng và lại khóc một mình.
Duyên cựa mình, ôm vai tôi, nói mớ:
“Vai anh nổi chai như vai trâu!”
Lúc sau, nàng vẫn còn trong giấc mơ đó:
 “Không được! Đại úy huấn luyện viên mà đi đội thúng cho mấy mẹ bạn hàng!”
Gần về sáng tôi chợp mắt được một lát thì lại nghe Duyên nói mớ nữa:
“Con mẹ kia! Không được bắt anh ấy vác cái cần xé dơ dáy đó!”

Tôi thức dậy trễ, chắc Duyên đã đi nhận việc và các con đi học.
Tôi ra gian trước, thấy trên bàn một ly cà-phê đen và tờ lịch với nét chữ của Duyên:
“Anh uống cà-phê, rồi ở nhà phất lại cái đèn kéo quân cho con. Hôm nay là trung thu đó! Anh hứa gì cách đây mười hai năm?”
Tôi uể oải ra chuồng gà lấy cái đèn kéo quân. Giấy rã rời. Quân xiêu vẹo.
“Con này tự vẫn,” tôi nói.
“Con này bị xe cán.”
“Con này trầy trượt.”
“Con này lao đao.”
“Con này tơi tả”
 Tôi cầm cái đèn rách đi quần quần trong vườn như một quân đèn bị lửa hơ trong ruột.

Tâm Thanh

Thơ Tranh: Hồ Sen


Thơ: Bùi Thanh Tiên
Thơ Tranh: Kim Oanh

Giã Từ


Giã từ, thành phố có anh
 một sớm mai chan hòa bóng nắng.
Trời lấp lánh mây bay.
Trên muôn trùng diụ vợi  biển dưới kia xanh thẳm mêng mang.
Ôi!...biển sao biết khóc?
Sóng xô bờ từng vạt trắng rưng rưng.
Em đi rồi ai có nhớ nhung?
Gởi lại anh con đường mới diù nhau qua mà như thân quen lắm.
Thu vừa sang lá vội đổi màu.
Gởi lại anh biển lộng gió chiều sâu,
nắm nhẹ tay nhau run run như thuở đầu đời khờ khạo.
Gió bay tà áo,
gió cuốn trôi những hờn giận vu vơ.
Đi bên anh em tìm lại tuổi mộng mơ,
 thời con gái ngại ngần e ấp.
Gởi cho anh chút tình rất thật, như hải âu lưu luyến biển xanh.
Nhớ không anh?
Buổi tạ từ tưởng chừng êm ả,
không âu sầu buồn bã giọt mi phai.
Nụ hôn gió lốc run rẩy bờ vai,
đợt sóng ngầm dạt xô đáy biển.
Gởi lại anh khung trời âm vang kỷ niệm,
gởi lại con đường tình tự hôm qua.
Em đi rồi đôi ngã chia xa.
 Hai nẻo đời mỗi người một hướng….

HT.Thanh Nga

Sinh Hoạt Quê Nhà

Kỷ Niệm 49 ngày mất hiền nội của một đồng môn Sư Huynh Collège PTG – Cần Thơ.
Thật là muôn ngàn ưu ái cho chúng tôi, khi được hân hạnh mời tham dự kỷ niệm 49 ngày mất của chị Đặng ngọc Thu (sinh 1940), phu nhân của đồng môn sư huynh Phan tấn Muôn tại vườn ẫm thực Hồ Sen (cạnh dinh Tỉnh Trưởng Cần Thơ cũ – phía bờ sông Cái Khế).

Sư huynh Phan tấn Muôn là chs Collège Phan thanh Giản, vào lớp Đệ Thất niên khóa 1952-1953. Sư huynh là bạn cùng lớp với quý Thầy : Cao văn Kiêm, Trịnh thái Phẩm, Vương văn Nhàn, Nguyễn cao Đàm, Nguyễn San, Nguyễn trung Quân (Mỹ) và Phạm trung Ái (Úc).

Hôm nay lúc 7giờ 30 ngày 07/09/2014, tại khu ẫm thực Hồ Sen, chúng tôi thấy có sự hiện diện của các vị Sư huynh cùng lớp với thầy Muôn :
- chs/Ls/Gs Trần văn Nở
- chs Phan tấn Muôn
- cậu Lê hoàng Phương ( rễ chs Nguyễn tiến Pháp)
- cô Nguyễn hồng Đào (con gái chs Ng. tiến Pháp)
- chs Nguyễn tiến Pháp
- chs Nguyễn ngọc Lưu
- chs Lưu văn Xuân
- chs/Ds Nguyễn công Đức
- chs Đào thanh Tòng
- chs Vương thủy Tùng
- chs Nguyễn văn Trương
- chs Nghê hữu Chí
- chs Huỳnh phước Duyên
- chs Nguyễn thị Khâm
- chs Hồ hữu Hậu
- chs /Gs/nhà văn Trần nghĩa Trọng…

Đa số các chs tham dự đều có tuổi đời trên 75 và là những môn sinh ưu tú của mái trường Phan thanh Giẩn Cần Thơ. Các vị nầy, chúng tôi thấy đa số là giáo sư, luật sư, dược sĩ, nhà thơ, nhà văn…rất thành đạt và có danh vọng, dịa vị trong xã hội.
Dù sự hiện diện khá đầy đủ, nhưng vì sáng nay trời Cần Thơ mây đen vần vũ, mưa nhẹ nên có vài vị vắng mặt và số khác thì quá xa xôi không về được gồm :

- chs Nguyễn văn Cang, cụt 2 chân CT
- chs Nguyễn trường Khanh CT
- chs Hàng ngọc Tường Q10/Sg
- chs Trần minh Lệ Q.10/Sg
- chs Lê văn Bê Sg
- chs Bùi thế Thượng CT
- chs Nguyễn văn Bảo CT
- chs Châu hữu Thành Cờ Đỏ CT
- chs Nguyễn phú Nhuận Sg…

Nhân dịp nầy, sư huynh Phan tấn Muôn ôn lại quá khứ vàng son thuở học trò trường PTG của các lớp Đệ thất B + C + D… niên khóa 1952-1953 …đã cách đây trên 60 năm. Sư huynh cũng có lời cãm ơn các bạn đã nhín chút thì giờ quý báu về đây tham dự khá đầy đủ để tưởng nhớ người bạn đời của mình….
Riêng Thầy Nguyễn tiến Pháp có biệt danh Tổng thơ ký của nhóm, cũng đứng lên chào mừng các bạn về tham dự và nhắc nhở các bạn nhớ về họp mặt đông đủ ngày mùng 4 Tết Nguyên đán hàng năm cũng tại địa điểm nầy lúc 8 giờ sáng, theo thông lệ. 

Thầy cũng mời các bạn bỏ ra một phút mặc niệm những người “bạn mình” đã quá vãng gồm có : chs Nguyễn văn An, chs Nguyễn quang Hoài, chs Châu hữu Thành, chs Quách trung Tín, chs Trần công Khanh, chs Nguyễn văn Chơi, chs Lê văn Tư (Tịnh), chs/ds Nguyễn thành Lân, chs Phan long Thành…
Lần đầu tiên chúng tôi dự phút mặc niệm cãm động nhất trên cõi đời nầy.
Được sự giới thiệu của sư huynh Hồ hữu Hậu và sư huynh Tổng thơ ký nhóm, không đừng được, chúng tôi có vài lời như sau :” 

Kính thưa quý vị sư huynh,
Chúng tôi là đàn em của quý vị vì nhập học PTG sau 3 năm. Hôm nay, thật vô cùng vinh dự được góp mặt nơi nầy. Trong số các sư huynh hiện diện có nhiều nhà giáo đáng kính. Trên trang Nhà của trường PTG chúng tôi có đề nghị mở mục “ Nhớ Ơn Thầy Cô “ nhân dịp ngày nhà giáo VN, ngày 05 tháng 10 hàng năm (lấy ngày nhà giáo quốc tế làm tiêu chuẩn).
Hôm nay, xin quý vị sư huynh cho phép chúng tôi thay mặt anh em của nhóm chs PTG lớp sau, xin chia buồn trễ đến sư huynh Phan tấn Muôn và gia đình. Và cũng nguyện cầu ơn trên cho hương linh chị Đặng ngọc Thu sớm về miền tiên cảnh.

Sau cùng, kính chúc quý vị sư huynh sức khỏe và nếu không gì thay đổi, chúng tôi sẽ cố gắng tham dự với quý vị ngày mùng 4 Tết Nguyên đán năm tới….”
Sau đó, mọi người dùng điểm tâm và nước uống tùy nghi gọi. Ông Tổng thư ký còn mang mấy hộp bánh Trung Thu để cho có chút vị ngọt đậm đà của tình bạn đồng môn mà đã hơn 60 năm chưa bao giờ phai nhạt.
Hàn huyên, bin rịn mãi đến hơn 10 giờ sáng mới tan hàng.

Sau đây là vài hình ảnh được ghi nhận:

Từ trái : Hậu - Nở - Muôn - Phương - Đào - Lưu - Xuân - Đức 
Từ phải : Khâm – Duyên – Pháp – Chí – Trương – Tùng – Tòng
Từ trái đứng : Hậu – Đào – Xuân – Nở - Muôn – Lưu – Đức – Phương.
Ngồi : Tòng – Tùng – Trương – Chí – Pháp – Duyên – Khâm
Khu ẩm thực + Cà Phê Hồ Sen
(chs/Ds Đức - Honda giữa - đang chuẩn bị ra về)

Dương Hồng Thủy
( 07/09/2014 )

Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

Hiệp Nguyện Cùng Gia Đình Đỗ Đình Tiến & Lê Thị Kim Nhi


Toàn thể gia đình hay tin Bác Gái Marie Aurelien Trần Thị Hạnh Lan (Bà quả phụ Đỗ Đình Duy)
Là Thân Mẫu của Đỗ Đình Tiến và Lê Thị Kim Nhi, Cựu Học Sinh Nguyễn Trường Tộ Vĩnh Long vừa được Chúa gọi về.
- Ngày Chúa Nhật 7/9/2014
- Lúc  9giờ sáng 
- Tại Ottawa, Canada.
- Hưởng thọ 95 tuổi
- Thánh Lễ cử hành tại  Our Lady of Lavang church, lúc 11am, ngày Thứ Ba, 9/9/2014

Trong niềm tin tưởng vào Chúa Kitô, cầu xin Ngài đón nhận Linh hồn Bác Marie Aurelien Trần Thị Hạnh Lan sớm được về hưởng nhan Thánh Chúa và Mẹ Maria.
Toàn thể anh chị em cùng đồng hành với sự mất mát lớn lao này, hiệp dâng lời nguyện cầu cùng Tiến Nhi và Tang quyến.

Hiệp Nguyện!  
                           
GĐ Chị Lê Kim Xuyến, Lê Kim Phương
GĐ Anh Lê Kim Thành
Các em: 
GĐ Lê Thị Kim Phượng 
GĐ Lê Kim Hiệp 
GĐ Lê Kim Hội, 
GĐ Lê Thị Kim Oanh,  
GĐ Lê Thị Kim Diệp
GĐ Lê Kim Hữu

Chung Lời Cầu Nguyện Cùng Gia Đình Đỗ Đình Tiến



Xin chung lời cầu nguyện cho Linh Hồn
Marie Aurelien Trần Thị Hạnh Lan (Bà Quả phụ Đỗ Đình Duy)
Thân Mẫu của bạn Đỗ Đình Tiến K4 Chính Trị Kinh Doanh
Bà đã từ trần lúc 09:00 
Ngày 07 tháng 9 năm 2014 
Thọ: 95 tuổi
Tại Ottawa, Canada

Đặng Anh Tuấn

Về Đâu


Con mình hỏi:  “Ngày Của Cha” sắp đến! (*)
Thiệp chúc mừng con sẽ gởi về đâu?
Thuở bé, cha thương con rất dạt dào
Nơi quê cũ, ở phương nào mẹ có biết?

Nghĩa phu thê, bao năm tình đoạn tuyệt
Chốn quê nhà anh vui bấy năm dài?
Cuộc đời em trãi bao nổi đắng cay
Và trĩu nặng thêm vai trò “Phụ Tử”

Em xót xa biết con mình nhung nhớ
Hỏi lòng:  “Anh đành đoạn cắt tình thâm?”
Mẹ con em lay lất sống âm thầm
Mái gia đình, hai mẹ con hủ hỉ

Đời sống sao quá ư là vô vị!
Ánh mặt trời chỉ thấy lúc Hạ sang
Chuỗi ngày dài xin chớ vội chóng tàn
Sợ đêm tối chỉ còn em và chiếc bóng.

Khúc Giang
 (*) Father Day

Ơn Cha



Cha là bóng mát tàng che
Ấp yêu những lúc nắng hè ban trưa
Tình Cha suối nước cơn mưa
Thấm lòng đất trẻ hạt vừa ươm cây

Công Cha sánh tựa sông dài
Đầy vơi con nước chẳng hoài công lao
Nuôi con mòn vóc hư hao
Chỉ mong khôn lớn trước sau nên người

Buồn vui theo tiếng khóc cười
Âu lo giấc ngủ con lười biếng ăn
Đầu đời bập bẹ khó khăn
Ba…ba…cất tiếng Cha rằng ngoan… ngoan…

Bóng Cha nay đã biệt ngàn
Nghìn năm phụ tử đôi đàng cách xa
Cao vời núi Thái ơn Cha
Tôn thờ mãi mãi chẳng nhòa trong tim

Kim Phượng
Ngày Nhớ Ơn Cha 

Anh Về Đêm Mưa Gió - Thơ Quách Như Nguyệt - Phổ Nhạc:Mai Phạm


Anh về, cơn bão tố
Nhìn lại đời phôi phai
Anh về, đêm mưa gió
Tìm em, em nào hay

Anh về, anh thật ư
Chẳng phải chiêm bao chứ?
Anh về, anh đó hở
Chờ anh tự bao giờ

Anh về trong giấc mộng
Đánh thức tình mông lung
Anh về, dăm ba phút
Quậy sóng cõi muôn trùng

Anh về trong giấc ngủ
Đánh thức tình thiên thu
Ngỡ ngàng em khóc ngất
Về từ cõi sương mù

Anh về như thác lũ
Khơi lại tình xa xăm
Anh về trong thoáng chốc
Rồi xa dần, trăm năm

Anh về từ địa ngục
Hay từ chốn thiên đàng?
Đừng về thăm em nữa
Về chi, quá ngỡ ngàng!

Anh về trong phút chốc
Khóc mừng khoảnh khắc thôi
Tỉnh rồi, cơn lốc dữ
Mộng mà… thôi đành thôi!

Anh về anh đó hở
Nhắc nhở tình bao năm
Hãy ngủ yên, yên nghĩ
Đừng về, xin đừng thăm

21/11/2010
Thơ: Quách Như Nguyệt
Nhạc:Mai Phạm
Hòa Âm: Võ Công Diên
Ca sĩ: Tâm Thư


Cái Lồng Đèn Kéo Quân

    

       Năm đó tôi học lớp nhì (lớp 4), trường tôi tổ chức liên hoan mừng Trung Thu, có lửa trại, văn nghệ và thi lồng đèn đẹp. Cái vụ thi lồng đèn này làm tôi khốn khổ. Mất gần cả tuần làm cái lồng đèn ngôi sao 5 cánh nhưng nó xấu ơi là xấu, giấy bóng không căng, góc cạnh méo xệch ... May thay có ông anh đi học xa về thăm nhà làm giùm cái lồng đèn ngôi sao khác, bự hơn, đẹp hơn.
      Ảnh chi cho tôi cách dán giấy bóng kính, cách hơ lửa cho giấy căng. Mười thanh tre phải cắt cho bằng nhau, đỉnh cao nhất nên dùng giây kẽm buộc lại thay vì dây thun vì sức nóng của đèn cầy làm chỗ đó nóng nhất, vị trí của đèn cầy, độ dày của lồng đèn phải tùy thuộc vào chiều dài của cạnh ngôi sao, ...

      Dĩ nhiên là cái lồng đèn anh tôi làm giùm không được giải gì cả, ngay cả giải an ủi, vì đèn ngôi sao thường quá. Giải nhất là cái lồng đèn kéo quân. Thầy hiệu trưởng, sau khi trao giải, mang cái đèn này treo trước cửa văn phòng. Từ xa tôi thấy nó đẹp, những đám quân quay vòng vòng, màu xám của bóng quân nổi trên nền giấy đượm màu vàng trông thật huyền ảo... xứng đáng được giải nhất. Tối liên hoan mừng Trung Thu năm đó sau 10 giờ đêm mới mãn tuồng.
      Về đến nhà, tôi ngạc nhiên khi thấy cái một cái lồng đèn kéo quân, giống như cái được giải nhất ở trường, treo ở ngoài hiên phòng học của anh em tôi. Hỏi ba, ba nói: "Thầy hiệu trưởng tặng ". Bây giờ mới thấy rõ đám quân là những hình nhân cưởi ngựa, đám cưới nhà quê ...
      Anh tôi:
- Nếu thay đèn cầy bự hơn sẽ quay lẹ hơn. Anh không biết làm loại đèn này, nếu biết làm cũng mất mấy tuần ...
- Thay bóng đèn điện được không anh? Đèn cầy cứ phải thay hoài!
- Đèn điện không đủ sức nóng em à! Nhưng tại sao thầy tặng cho ba?
- Mấy tháng trước, thầy gửi giấy biểu em mang về nhà. Trường thiếu cọc sắt làm hàng rào nên nhờ phụ huynh đóng góp, mỗi học sinh 3 cọc sắt. Em đưa giấy cho ba, ba nói: "Để ba nhờ bác X, bên công binh cả khối !".
- À, mình có cái lồng đèn này vì vậy .... Đáng lý ba không nên nhờ bác X và thầy hiệu trưởng cũng không nên tặng cái đèn kéo quân cho ba mà phải giữ cho trường. Năm sau em đừng làm lồng đèn nữa, mất thì giờ!

      Những dịp Noel tôi chỉ gửi thiệp, tặng quà cho bạn bè. Tôi chưa bao giờ tặng quà cho sếp mặc dù những sếp của tôi có tặng quà cho tôi, vì họ thay mặt công ty! Nếu họ tặng quà cho tôi vì tình cảm riêng thì tôi sẽ tặng lại nhưng cái họ tặng cho tôi không phải là mấy cái cọc sắt và cái tôi tặng lại cho họ không phải là cái lồng đèn kéo quân!
      Tôi không biết vào dịp Giáng Sinh, Năm Mới các bạn có tặng quà cho sếp không? Nếu có thì không nên làm nữa trừ trường hợp mang ơn người ta. Nhưng tại sao mình phải mang ơn? Làm như vậy có ý cầu cạnh, làm đồng nghiệp nghi ngờ, làm sếp kiêu căng và có thể tâm hồn bạn sẽ không thanh thản!

Ktk

Ấm Trà Cô Đơn


Trăng tròn gió mát vi vu 
Có cô hàng xóm lu bu bên nhà 
Muốn nhờ pha hộ ấm trà
Cùng nhau ngồi uống đậm đà ngắm trăng
Mà sao chẳng chịu nói năng
Chỉ nghe đám trẻ tung tăng nô đùa
Mỗi năm vỏn vẹn một mùa
Cô ơi , đừng để gió lùa trăng đi

Để tôi ôm lấy cây si
Như là chú Cuội cụng ly một mình
Gió ơi thổi khúc tâm tình
Cho cô hàng xóm ngước nhìn sang đây
Bàn tay tìm lấy bàn tay
Uống ly trà nóng hồn say đêm này
À ơi hỡi ánh trăng đầy
Hình như cô ấy đang đầy đọa ta

Hai nhà khoảng cách đâu xa
Nhưng chưa có cớ bước qua thăm nàng
Làm sao tìm phút nồng nàn
Làm sao ngắm ánh trăng vàng trung thu
Trăng mờ gió mát vi vu
Nhưng cô hàng xóm im ru bên nhà
Trung thu có ánh trăng ngà
Có chàng hàng xóm pha trà ngắm trăng

Đỗ Hữu Tài
 ( Aug. 28 - 2014 )

Trung Thu Mơ Màng


      (Cảm tác từ Ấm Trà Cô Đơn)

Mơ màng tiếng sáo vi vu
Cùng nhau nhớ xóm đêm Thu năm nào
Đôi bên chỉ cách hàng rào
Bánh trà pha sẳn muốn chào mời ai
Ngượng quá nào người có hay
Đành như Cuội vậy ôm cây mơ Hằng
Dệt mơ se mộng tơ giăng
Ai ơi, đừng để ánh trăng thu nhòa

Mươi năm sau tình vẫn bền
Mỗi năm lùa gió sang bên kể rằng
Ai ơi sao chẳng nói năng
Để cùng lũ trẻ tung tăng hát hò
Hạt dưa bánh mứt thơm tho
Đèn lồng thắp sáng chớ đầy đọa nhau
Tay trong tay lòng thầm trao
Lan truyền hơi ấm quên mau khối sầu

Đây tách trà xin khơi mào
Mời ai thấm giọng cạn bầu tâm can
Lắng nghe ca khúc nồng nàn
Cùng nhau ngắm ánh trăng vàng Trung Thu
Cuội vui hạnh phúc êm ru
Hằng say khúc hát vi vu cung hòa
Đêm nay dưới ánh trăng ngà
Đôi bên hàng xóm nhấp trà làm thơ...

Kim Oanh
Trung Thu 2014

Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

Thơ Tranh: Tìm Kiếm


Thơ & Thơ Tranh: Kim Quang

Đêm Quê


Đêm về gió tản phương trời ?
Cỏ cây yên giấc ngủ vùi vườn sau
Khóm hoa xếp cánh rũ sầu
Chờ gà gọi sáng, đón chào bình minh

Dế mèn trổi khúc ru tình
“Giăng đèn” đom đóm, xinh xinh cạnh nhà
Ểnh ương bớ bạn từ xa
Ra đồng lúa chín, nhảy ca vui mừng

Sông say, dòng nước cũng ngưng
Trăng say, tỏa ánh sáng bừng đêm quê
Sao say, sao xẹt không về
Mây say, gọi gió trở về “phong vân”

Xóm giềng vui tụ mấy canh
Hát hò, chén cạn, chén nâng say mềm
Thiên nhiên sống động về đêm
Cái vui mộc mạc êm đềm miền quê

Khúc Giang

Cuội Với Trăng: Nói Dối Về Sự Thật Đã Dối

Ngửa mặt nhìn trời, nước mắt chảy không ướt môi
Tài hoa như Lý Bạch, không tả hết ánh trăng đẹp
Ai chưa từng thấy trăng
Ai chưa từng khóc một lần
nhưng nhìn trăng rồi khóc, có mấy ai?
Đó là chuyện Chú Cuội Với Mặt Trăng:

1.
Ngày xưa, có gã tiều phu, tên Cuội.
Những đêm mây phủ, sương mù, không trăng, dưới ánh đèn dầu, Cuội dùng rìu đấu với bóng mình, nghênh ngang bất tử trên vách lá. Mãi về sau, có kẻ xác nhận: Thắng người rất dễ. Thắng mình mới khó.
Những đêm mưa, trời không có trăng, Cuội dùng dao nhọn vạch lên nền đất, những tâm sự cô đơn theo điệu mưa lúc lớn lúc nhỏ dội lên mái nhà. Mãi về sau, có kẻ gọi là thơ. Cuội không mơ làm thi sĩ.
Những đêm mùa giông bão, không trăng, Cuội đắp chiếu nằm đối đầu hiu quạnh. Bắp thịt đốn ngã cổ thụ cao lớn giữa rừng nhưng co rút trước nỗi buồn lặng lẽ. Trí tuệ am tường qui luật rừng rú nhưng bất lực không thể làm gì khi hồn trống rỗng. Mãi về sau có kẻ cho biết: Thượng Đế tuyệt đối cô đơn. Hình ảnh giống Thượng Đế, con người cô đơn tương đối. Có nghĩa, đôi khi không cô đơn, gọi là hạnh phúc. Thật mong manh có ngụ ý.

Cuội chưa biết Cô Đơn. Tự hỏi, cái gì ghê gớm đang chấn ngang ngực? Khó chịu như muôn vạn côn trùng kêu than trong tai. Bức xúc như trăm viên đá chận nghẹt dòng suối đang chảy rấm rứt. Xụi lơ như con thú trúng tên chảy gần hết máu. Cảm giác chán chường. Cái gì đang lạc lõng trong tim như con cú mắt mù bay giữa nắng trưa.

Ngày xưa, có gã tiều phu, tên Cuội.
Vào hang cọp, bẻ chân cọp con, học cọp mẹ trồng cây “Chữa Lành Bá Bệnh.” Tiều phu đổi mệnh lương y. Trước đốn cây, sau chặt thần chết.
Cuội nói dối đứng đầu huyền thoại, nói dối thần kỳ. Biết nói bậy, người nghe vẫn tin. Dân lũ lượt đến xin chữa bệnh. Về sau, lưu truyền đông y quảng bá một viên thuốc chữa hết bệnh từ đau nhức đến ung thư. Sữa ong chúa hóa yếu thành mạnh, hóa xấu thành đẹp. Cuội là tổ phụ môn phái thần dược, đã bị lãng quên.
May mắn hóa Cuội nên anh hùng, hóa thành từ mẫu. Chiếc lá rơi xuống gặp gió, bay lên; lộng gió, bay cao. Người đời bắt chước thả diều nhưng cột dây điều khiển. Lá rơi từ đó mất tự do.
Cuội chưa biết May Mắn. Tự hỏi, cái gì khoái trá đang đẩy dưới chân. Phải chăng, đôi hia bảy dặm? Tự dưng mọi chuyện suôn sẻ: Vợ đẹp tự hiến dâng. Công đức tự dựng cổng. Tiền bạc tự chạy đua vào nhà. Cảm giác bừng bừng chiến thắng. Thất bại dành cho kẻ thiếu đức kém tài. Mãi về sau, có kẻ thấu hiểu: Hết thịnh rồi suy, hết suy rồi thịnh. Không có mệnh tốt mệnh xấu, chỉ có mệnh thăng trầm. Tùy thăng cao hoặc trầm thấp mà định số mỗi người lúc có lúc không. Bậc trí giả giữ mình không suy không thịnh, không thăng không trầm. Gọi là đạo.
Rồi có lúc Cuội biết được: Hia bảy dặm cũng mòn rách. Vợ đẹp chưa chắc là điềm lành. Công đức khiến tâm can giả tạo. Tiền bạc quyến rũ tiểu nhân. Giữa nhiễu nhương bất tận, họa hãm bốn bề, Cuội tìm thấy trăng.

2.
Ngày xưa, có vị lương y, tên Cuội.
Chữa bệnh bằng lá cây. Ông nói hay. Có người tôn làm thần thánh. Ông nói dối. Có người tin làm sư phụ.
Có nhiều cách nói dối: Nói gian. Nói gạt. Nói xạo. Nói láo. Nói thiếu. Nói khéo. Nói giả. Nói mua lòng. Nguy hiểm nhất, nói sai mà tin rằng đúng. Lấy gì bảo đảm lời thánh nhân là thật?
Viết là một cách nói. Viết gian. Viết gạt. Viết xạo. Viết láo. Viết thiếu. Viết giả. Viết mua lòng. Viết sai mà tin rằng đúng. Lấy gì bảo đảm sách thánh nhân là đúng? Lão Tử khuyên: Đừng nói. Nghĩa là đừng viết. Ông viết Đạo Đức Kinh.

Trăng dạy Cuội sự im lặng.
Trăng theo Cuội từ lúc sinh ra cho đến tuổi già. Xưa nay mấy ai để ý trăng. Đa số quên trăng tròn ngày nào, nói chi trăng đẹp hay xấu.
Trăng một mình trong đêm, thấm thấu cô đơn. Trăng một mình trên cao, kinh nghiệm hiu quạnh. Buồn bã như Cuội, nhìn trăng tức thì cảm thông. Phải chăng trăng chỉ có giá trị khi lòng sâu thẳm? Mãi về sau có người hiểu ra: Khi hồn đen tối, là lúc cần trăng sáng.

Chỉ có ông Lý Bạch chơi với trăng rất hả hê: Cử bôi yêu minh nguyệt, Đối ảnh thành tam nhân . . . Ngã ca nguyệt bồi hồi, Ngã vũ ảnh linh loạn (1) . . . Trăng dành cho thi sĩ mọi thời đại: Homer, Hocrate, William Shakespeare, Edgar Allan Poe, Walt Whitman, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Rabindranath Tagore, George Byron, Nguyễn Du, Bùi Giáng, Matsuo Basho, Yosa Buson, Kobayashi Issa . . . đều chơi với trăng.


Trước đó, lâu lắm, trăng chơi với Cuội.
Những đêm không mưa, không sương mù, trăng đến. Nheo mắt, mở mắt, mắt tròn xoe, trăng lục lọi những hồn lãng mạn. Trái tim cô đơn phản chiếu ánh trăng. Cuội dùng rìu múa với bóng mình. Dưới trăng bóng linh hoạt diệu thường, khiến Lý Bạch sau này bắt chước.
Những đêm trong sáng, trăng gọi tên từng cảnh vật, cây cỏ thức dậy bày tỏ sức huyền bí tuần hoàn. Luân hồi phát sinh từ tuần hoàn nhưng phải hẹn đời sau. Trăng gọi hồn mỗi côn trùng thưa thốt, dàn âm thanh được đất trời dùng làm nhạc đệm, cho hơi thở của người chiêm bao. Chỉ có kẻ thức đêm mới thán phục sự hòa âm tự phát. Cuội thức rất nhiều đêm, lắng nghe. Viết lại trên nền đất để khi mưa đến, xóa nhòa.
Không phải ai cũng hiểu trăng. Không phải ai cũng nghe trăng nói. Hàn Mặc Tử lắng nghe trăng: Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu. Trời mơ trong cảnh thật huyền mơ! Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt. Như đón từ xa một ý thơ. Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều, Để nghe dưới đáy nước hồ reo, Để nghe tơ liễu run trong gió, Và để xem trời giải nghĩa yêu (2).

Trước đó, lâu lắm, Cuội và trăng đã chuyện trò.
Cuội học trăng sự lắng đọng. Nhìn chăm chăm mặt trăng vài canh giờ, chợt như tan vào thinh không. Tìm những nơi ánh trăng đậu sâu thấp, cúi xuống càng nhiều càng nhẹ hẫng làm người. Hít thật đầy ánh trăng rằm, bật thở phào những ưu tư sáng chói. Về sau có người viết sách truyền bá Nguyệt Thiền.
Cuội cảm trăng.
Trăng cảm Cuội.
Trăng chân thành.
Cuội muốn ngưng nói dối.

Như người cầm cây quạt: Quạt mạnh, sẽ mau mệt. Quạt chậm, sẽ nóng nực. Quạt vừa đủ, hiu hiu, sẽ quạt lâu dài. Cuội cầm đời mình như cầm quạt mo nhưng thiên hạ tưởng Cuội là Bờm. Đành thôi, nhận lấy hòn xôi, tránh phiền hà trao đổi.
Những kẻ nói dối về sự thật, không đứng chung với Cuội.
Những kẻ tự tin nói thật về sự thật đã dối, không tin Cuội.
Người nghe nói dối nói thật, không biết dối hay thật, chê cười Cuội.
Người nói dối chuyện thật. Người nói thật chuyện dối. Không ai tin ai.
Nhưng nhân loại cần xử tội “Nói Dối,” tội nhân thiên cổ là Cuội.
Chuyện trăng nói, người không nghe. Chuyện Cuội kể lời trăng, người cho là dối. Chuyện người dối với nhau, họ cho rằng thật. Cuội chán nản.
Như một người cầm quạt, dù quyết tâm, dù cây quạt lớn, không cản được gió thổi, nhất là gió mạnh.
Trăng trên trời, Cuội dưới đất, cách xa vời vợi, cả hai cùng cô đơn. Đêm ngửa mặt nhìn trăng, nước mắt chảy không ướt môi. Cuội chán nản.

Người ta kể lại:
Cuội leo lên cây Chữa Lành Bá Bệnh
Ngồi rất lâu
Ngửa mặt nhìn trời
Chảy nước mắt
Bất chợt ướt cả quần
Cây rúng động, bật gốc, bay lên cung trăng

3.
Người muốn Cuội mãi mãi là Bờm, đổ tội cho vợ tiểu tiện gốc cây.
Người muốn Cuội muôn đời nói dối, cho lên trăng cao, không bao giờ trở lại.
Cuội là ai?
Ngày xưa, có người ngửa mặt nhìn trăng rồi khóc, tên Cuội.

Ngu Yên

Ghi:
(1) Trích “Nguyệt Hạ Độc Chước 1” của Lý bạch:
Cất chén mời trăng sáng, Mình với bóng là ba . . . Ta hát, trăng bồi hồi, Ta múa bóng rối loạn . . . (Tương Như dịch)
(2) “Đà Lạt Trăng Mờ,” thơ Hàn Mặc Tử