Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

Mùa Thu Tháng Tám


Lá vàng úa vào mùa Thu tháng Tám
Như đầu xanh nhuốm bạc buổi hoàng hôn
Thu về chi cho đất trời ám đạm
Cho lòng người thêm trống trải, cô đơn.

Sen tàn tạ bên hồ Thu tháng Tám
Tiễn Hè đi theo giọt nắng tàn phai
Mây mỏi cánh lửng lơ đầu non thẳm
Nghe gió mưa than thở suốt đêm ngày.

Bóng trăng lu trời mùa Thu tháng Tám
Dỗ giác nồng bên bờ suối âm u
Nai ngơ ngác về núi đồi hoang vắng
Nhìn đường xưa, lối cũ ngập sương mù.

Nhớ người đi một chiều Thu tháng Tám
Lệ ta rơi theo lệ nến đêm tàn
Tiếng mưa khuya rì rào ngoài ngỏ vắng
Tưởng bước em đang giẫm lá khô vàng.

Ôi tháng Tám mùa Thu buồn man mác
Âm thầm trôi theo nước chảy mây trôi
Mang tất cả mộng mơ thời Xuân sắc
Vào điêu tàn theo chiếc lá Thu rơi.
Quang Tuấn

Nắng Hạ - Sáng Tác Nguyễn Trung Cang Ca sĩ Trần Thái Hòa

      Đôi tình nhân đã có một mùa Hạ với tình yêu say nồng như cơn say của ánh nắng Hạ,đừng sầu,đừng mộng mơ vì chắc chắn hạnh phúc rồi sẽ đến với chúng ta.
      Những giọt nước mắt hạnh phúc đem lại một hay vọng tươi đẹp cho cuộc tình của họ trong tương lai.

Sáng Tác: Nguyễn Trung Cang    
Ca sĩ; Trần Thái Hòa
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Một Lần Nữa Đó


Em sang bên ấy lần nữa đó
Có đón loài chim, dám hay không
Tôi cố giang tay choàng. Ngập gió
Tiếng hót ai rơi xót trong lòng

Khi tiếng mưa thành tiếng chim kêu
Đời vàng như lá những buổi chiều
Giang hồ tung cánh từ nam bắc
Chim ghé rừng nào? Tôi hẩm hiu

Khi tiếng gió thành tiếng hẹn em
Hàng cây trụi lá chờ hương mềm
Gió chẳng quấn cây, tung lá rụng
Tựa bước người qua không nhịp tim

Em sang bên ấy lần nữa đó
Ảo ảnh nào theo lá rơi rơi
Tôi đón lời em từng lá đỗ
Xếp lại hồn tôi bóng chim trời

Hoài Tử

Thiền Sư Vạn Hạnh (932 - 1018)

      Thiền sư họ Nguyễn, quê châu Cổ Pháp (古法, nay thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), từ thuở nhỏ đã thông minh, học thông Nho, Lão, Phật và nghiên cứu hàng trăm bộ luận Phật giáo

Thiền Sư Vạn Hạnh là pháp danh (tên hiệu đặt khi xuất gia , còn tên tục là Lý Khánh Vạn (người đời suy tôn la Thánh Vạn ), em trai là Lý Khánh Văn ..Sinh trưởng trong cự tộc Lý ở kẻ Báng (Dịch Bảng) – một gia đình thuộc diện ” Danh Gia Vọng Tộc ” nhiều đời thờ Phật.


      Vạn Hạnh xuất gia đã vào tuổi trưởng thành.  Năm 21 tuổi xuất gia ( vào khoảng năm quý sửu- 953 đời Hán Ân đế, thời Đinh Bộ Lĩnh mới khởi binh ở Hoa Lư , đang là triều Ngô do anh em Ngô Xương Văn , Ngô Xương Ngập trị vì ) thuộc dòng thứ 10 của Thiền phái Tì Ni Đa Lưu chi mà Sư Pháp Thuận (925-990) đã từng giữ một vai trò quan trọng trong việc củng cố phát triển chính quyền cho Vua Lê Đại Hành.

    Vạn Hạnh cùng với Sư Đinh Hụê ( họ Khúc quê ở Cảm Điền – Phong Châu ) thờ Thiền Ông ở chùa Lục Tổ trong làng hầu hạ Thầy . Trong mọi lúc hầu hạ Thầy , Sư tranh thủ học tập quên cả mệt mỏi . Sau khi Thiền Ông mất (năm 979) , Sư chuyên tập môn ” tổng chì tam ma địa ” lấy đó làm việc riêng của minh . Bấy giờ Sư nói ra lời nào tất đều là phù sấm ( tiên tri) đối với thiên hạ . Thiền Sư Lý Khánh Văn trụ trì chùa Cổ Pháp ( chùa Dận), còn Thiền Sư Van Hạnh ở chùa Tiêu ( còn gọi là chùa Trương Liêu , chùa Thiên Tam , Tiêu Sơn tự hay chùa Ba Sơn - trên núi Tiêu, làng Tiêu nay là xã Tương Giang (cũng là nơi Phạm Thị sau khi sanh ra Lý Công Uẩn , làm Thủ Hộ ) .

      Sinh thời , sư Vạn Hạnh cùng với Khuông Việt Đại Sư (Ngô Chân Lưu – 933- 1011) là những vị tăng thống được vua Lê Đại Hành kính trọng . Nhà vua coi các vị là Quốc Sư. Năm Thiên phúc thứ nhất (981) Hầu Nhân Bảo của nước Tống đem quân sang xâm lược nước ta , đóng quân ở Cương Giáp (Lạng Sơn) Vua mời Sư Vạn Hạnh đến đem chuyện thắng bại ra hỏi . Sư đáp ” trong ba bảy ngày thì giặc phải lui”. 
Sau quả nhiên thư thế . Vua muốn đi đánh Chiêm Thành , cùng triều thần bàn bạc mà chưa quyết , Sư tâu Vua xin hãy cấp tốc xuất quân , không để lỡ cơ hội . Sau đánh quả nhiên toàn thắng .

      Qua những tiên đoán , tham gia ý kiến để Nhà Vua ( Lê Hoàn ) tin tưởng ra quyết tâm quyết chiến với quân giặc . Sư Vạn Hạnh đã chứng tỏ vai trò Quốc Sư tài ba nỗi lạc của Triều Đinh Tiền Lê, được Vua tin cậy và kính trọng . Về mặt chính trị xã hội , Sư Vạn Hạnh đã “cố vấn” cho Vua về hoạt động Phật giáo (Quốc giáo) như gửi thư cho nhà nhà Tống xin ” Đại Tạng kinh ” nhằm tăng cường độ giao hảo giữa hai nước, đáp ứng yêu cầu học tập nghiên cứu của Phật tử ở nước ta lúc bấy giờ .

      Vạn Hạnh đã ” khởi ” đi vào đời ( xuất thế) bằng Nho , ở lại với đời bằng Lão và đã vươn lên tất cả bằng Phật Giáo. Ở Sư là sự kết tinh tổng hòa nhuần nhuyễn tam giáo để hành sử , thích ứng với đời mà Sư đã sống .

      Theo truyền sử, Vạn Hạnh đến với Phật Giáo qua ngõ tam học ( 3 học) tức lối ngõ nguyên thủy mà yếu chỉ tu tập là Giới – định – tuệ . Lối ngõ tam học này có thể dẫn người học lạc vào nẻo Giáo điều tiêu cực nhăm mắt buông xuôi với thế sự để ẩn nhấn đợi chờ giác ngộ , qua trương kỳ khổ luyện . Nhưng Sư đã không làm như vậy , Sư đã từ tam học để tiên thêm một bứớc nữa trên con đường tu chứng . Bước mới đó là tam luận , là thập nhi môn , trung quán và bách luận , đó là những con đường phá chấp toàn triệt , giải phóng toàn diện kẻ tu hành khỏi những vứớng mắc , chấp trứớc vê tri cũng như về hành . Đó cũng là con đường Vạn Hạnh hội nhập với khuynh hứơng nhập thế tu chứng của dòng Ty Ni Đa Lưu Chi .

Sử sách kể là ; Sau khi Thầy ” tịch” Vạn Hạnh còn chuyên hành một Pháp môn khác là Tổng trì tam ma địa ( Đà Na Ni tam muội – một lối thiền định bằng cách đọc các khẩu quyết Phạn Ngữ . Nhờ đó Vạn Hạnh đã xuất Thần thông Sấm ký để hành đạo cứu đời , xây dựng nên Vương nghiệp Nhà Lý dài tới 216 năm .

      Phật giáo với Vạn Hạnh đã có tác dụng vừa như một động lực cho Sự tiến tới trên con đường hoằng hóa,lại vừa như một chất xúc tác làm cho Sư tổng hòa với đời , với đạo , cũng như chinh với bản thân Sư…

      Ngày Rằm tháng Năm năm Thuận Thiên thứ 9 (tức 30 tháng 6 năm 1018), khi công hạnh đã viên mãn, Thiền sư gọi đồ chúng lại dặn dò, đọc bài kệ rồi thị tịch. Vua Lý Thái Tổ và tất cả triều thần nhà Lý đến làm lễ Trà tỳ, thỉnh Xá lợi của ngài về thờ tại chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh).

Bài kệ như sau:

        示弟子                     Thị Đệ Tử
 

身如電影有還無
   
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô 
 
萬木春榮秋又枯。Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô    
任運盛衰無怖
    Nhậm vận thịnh suy vô bổ úy 
 
盛衰如露草頭鋪。Thịnh suy như lộ thảo đầu phô


Dịch Nghĩa : Nhắn Nhủ Đệ Tử
 

Đời người như ánh chớp có đó rồi mất đó,

Muôn thứ cây mùa xuân tốt tươi đến mùa thu khô héo.
Hiểu được lẽ thịnh suy thì không có gì phải sợ hãi nữa
Lẽ thịnh suy ví như giọt sương trên đầu ngọn cỏ.

Dịch Thơ
 
Đời như tia chớp có rồi tan
Cây tốt vào xuân thu úa vàng
Hiểu lẽ xoay vần giờ chẳng ngại
Mất còn tựa cỏ động sương tàn

                               Quên Đi


Huỳnh Hữu Đức Sưu Tầm và Biên Soạn.

Khúc Trầm Tư


Chạnh lòng nhớ đến cuộc tình xưa
Một khúc trầm tư thoáng ngậm ngùi
Ân tình lạc hướng sao hoài nhớ
Đọng lại trong nhau thưở dại khờ

Năm tháng trôi qua thật hững hờ
Dòng đời đưa đẩy tựa giấc mơ
Chợt nghe trong gió niềm hiu quạnh
Lặng đếm tàn canh lá rụng rơi

Người đã xa rồi dạ ngẩn ngơ
Biệt khúc ly tan nỗi thẫn thờ
Đèn khuya hiu hắt thềm cô tịch
Sao mờ mây nhạt ánh trăng tan

Bóng người chìm khuất đắm miên man
Chờ đợi ai đây suốt canh tàn
Ngẩn ngơ buông tiếng đàn xao xuyến
Cung bậc sầu than lệ chứa chan

Thiên Thu

Xướng Họa: Một Chiều...


Xướng: Một Chiều...

Một chiều về ngang con sông
Bến xưa sóng lượn bềnh bồng
Con đò ai neo nỗi nhớ
Bờ lau cỏ úa vàng mong

Một chiều qua góc phố quen
Thoảng thoảng mùi hương tóc mềm
Chạm nhẹ bờ vai kỷ niệm
Cây nghiêng cành đợi dài thêm

Một chiều quán lạnh chỗ ngồi
Nhớ ly xí muội chia đôi
Ly kem bốn màu chia nửa
Bao giờ hết ngọt người ơi

Một chiều về ngang trường xưa
Áo bay lồng lộng gió mùa
Nỗi nhớ đỏ đầu điếu thuốc
Cháy bừng ngàn tiếng guốc khua

Một đêm hoài vọng thu qua
Vầng trăng xưa vẫn chưa già
Ngấn tròn đôi môi huyền ảo
Nụ hôn từ tạ xót xa

Trầm Vân

* * *
Họa: Kiếp Giang Hồ

Ta, kẻ giang hồ núi sông
Chí trai ngang dọc tang bồng
Rong ruổi một đời phiêu lãng
Không màng kẻ nhớ người mong.

Bao nhiêu cô gái vừa quen
Long lanh mắt biếc môi mềm
Nào đã có gì kỷ niệm
Mà mong ngày tháng dài thêm?

Chiều mưa quán nhỏ ta ngồi
Ghế tre sắp thành cặp đôi
Một mình gác chân hai ghế
Cảm thông nhé chủ quán ơi !

Mưa có về ngang chốn xưa
Chắc giờ gió đang chuyển mùa
Lành lạnh hơi sương buổi sớm
Bếp nhà, củi lửa vừa khua ?

Tháng ngày vùn vụt trôi qua
Cội mai thềm cũ đã già ?
Em còn đợi bên song cửa
Mắt buồn dõi phía trời xa ?

Phương Hà

* * *
Họa: Gọi Người

Nhớ mà chi kẻ sang sông
Tội thân tay bế tay bồng
Lỗi vẹn thề thời thơ dại
Cám ơn tình khắc khoải mong

Nồng nàn sao thuở mới quen
Trộm hương suối tóc nhung mềm
Vai gầy ấm hơi hướm lạ
Ngượng ngùng hồng má em thêm

Phút bên nhau thinh lặng ngồi
Chia tình xí muội chung đôi
Kem màu khát khao vị ngọt
Quên làm sao được ai ơi

Cây đời trơ gốc phượng xưa
Thảm thiết ve tiếng gọi mùa
Nắng vàng thôi lay dáng hạ
Xa rồi guốc vọng tiếng khua

Ngày tháng mãi hững hờ qua
Sương tuyết phơi tuổi chớm già
Bao kỷ niệm còn nguyên đó
Gọi người tận chốn trời xa

Kim Phượng

Trung Thu Nguyệt

         Đêm Trung Thu, người người bày trà bánh thưởng thức ánh trăng trong sáng và đẹp nhất trong năm. Nhưng đâu phải tất cả đều mang tâm trạng hồ hởi thưởng trăng. Mang mặc cảm kẻ sa cơ thất thế, đã qua rồi những mùa trăng huy hoàng, không còn được trọng dụng, không còn được ân sủng, nhìn trăng càng thêm đau xót.

          ...
Lầu đãi nguyệt đứng ngồi dạ-vũ
         Gác thừa-lương thức ngủ thu-phong,
             Phòng tiêu lạnh ngắt như đồng
        Gương loan bẻ nửa, giải đồng xẻ đôi,
...
                                      (Cung Oán ngâm Khúc )   

Còn lòng dạ nào vui trăng trong lòng người chinh phụ. Còn cái vui nào cho kẻ chinh phu

      ... Chàng từ đi vào nơi gió cát
       Đêm trăng này nghĩ mát phương nao... 
                                            (Chinh Phụ Ngâm)


Trung Thu Nguyệt chính là tiếng lòng của Bạch Cư Dị trong thời gian tham chính.
Trung Thu Nguyệt - Bạch Cư Dị

中秋月

萬里清光不可思
添愁益恨繞天涯。
誰人隴外久徵戍
何處庭前新別離。
失寵故姬歸院夜
沒蕃老將上樓時。
照他幾許人腸斷
玉兔銀蟾遠不知。

白居易

Trung Thu Nguyệt
Vạn lý thanh quang bất khả ty (tư)
Thiên sầu ích hận nhiễu thiên nhai.
Thuỳ nhân lũng ngoại cửu chinh thú
Hà xứ đình tiền tân biệt ly.
Thất sủng cố cơ quy viện dạ
Một phiên lão tướng thướng lâu thì.
Chiếu tha kỉ hứa nhân trường đoạn
Ngọc thố ngân thiềm viễn bất tr
i.

Bạch Cư Dị

Dịch Nghĩa: Trăng Trung Thu

Từ muôn dậm, ánh trăng thật trong không thể trong hơn nữa
Ngàn nỗi hận sầu bao lấy cả một góc trời
Vùng đất ngoài xa bao người đi lính đã lâu
Trước sân từ phương nào có cuộc chia tay mới
Đêm nay, người cung phi già không còn được ân sủng quay về cung điện
Cũng vào lúc này viên tướng già không còn được trọng dụng lên lầu
Ánh trăng chiếu rọi, khiến lòng họ đau như đứt từng đoạn ruột.
Thỏ ngọc và Cóc bạc trên cung trăng xa xôi làm sao biết được

Dịch Thơ:

Muôn dậm ánh trăng soi sáng rực
Ngàn sầu chồng chất góc trời đông
Ngoài biên bao kẻ còn lưu trấn
Sân trước nơi nao lại tiễn chồng
Phai sắc cung phi hờn điện vắng
Mòn hơi lão tướng chán lầu không
Nhìn trăng đẹp sáng thêm đau thắt
Cóc thỏ trên trăng khó hiểu lòng 


Quên Đi

Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Tình Thiên Thu - Thơ: Lê Kim Thành - Phổ Vọng Cổ: Nguyễn Bá Nguyên




Thơ: Lê Kim Thành-Cựu Học Sinh Trường Trung Học Tống Phước Hiệp,Vĩnh Long
Phổ Vọng Cổ: Nguyễn Bá Nguyên- Cựu Giáo Sư Trường Trung Học Tống Phước Hiệp,Vĩnh Long 
Tiếng Hát: Lê Tứ
Nhạc Sĩ:
Trường Giang: Đàn Sến
Ba Tu: Đàn Kìm
Hoàng Phúc: Lục Huyền Cầm
Văn Út: Vĩ Cầm  

Thơ Tranh: Giọt Lệ


Thơ: Kim Oanh
Thơ Tranh: Suối Dâu

Để Đặt Tựa Cho Một Dòng Sông


 

(Tặng Lệ Hà – dòng sông nước mắt Bến Tre)

Có thể hôm qua tôi sống thảnh thơi
Biết đâu ngày mai đời đeo xiềng xích
Có thể dòng thơ tự nói nên lời
Khi ngâm nga sẽ trở thành bất lực.

Cây bưởi vườn tôi cành lá xum xuê
Lúc tượng bông chưa chắc cho trái ngọt
Trăm mối ngổn ngang tình nghĩa phu thê
Là hạnh phúc là thơ tôi lay động.

Thơ không phải là đời – đời không phải là thơ
Thơ chỉ vuốt ve lứa tuổi học trò
Người có hình dung trong từng mạch đất.
Mỗi giọt mồ hôi ứa mỗi ước mơ.

Tôi có thể bỏ thơ, bỏ tình, bỏ xứ…
Nhưng làm sao bỏ được cuộc đời
Ðời đẹp đời vui đời sầu đời khổ
Chẳng qua vì ta trân trọng quá thôi.

Tháng rồi ba mươi nước tràn đầy ruộng
Làm mượt xanh từng bông lúa đòng đòng
Tháng ba gió tây thổi về khô nóng
Ðất ôm đồng chia xẻ những giọt sương.

Có thể ngữ ngôn vừa viết quanh co
Sẽ không cao hơn lá cỏ bơ vơ
Nhưng người muốn – thì đôi dòng bề bộn
Xin tặng người đặt tựa những bài thơ.

Phạm Hồng Ân


Hình Bóng Nụ Cười


Em đi rồi, có còn chi nữa
Mưa trong lòng che cả lối chân em
Chuyện mùa yêu, dĩ vãng êm đềm
Anh giữ mãi nụ cười hình bóng cũ

Cây còn đó cành trơ còn quyến rũ
Mà trong anh mãi mãi một chiều đông
Trời còn xanh cho môi má em hồng
Trên lối cũ cõi lòng anh lạnh giá...

Em đi rồi gió còn theo hỏi lá
Đã bao mùa hòn đá vẫn bơ vơ?
Cuộc tình xưa nay đã chép thành thơ
Hình bóng của nụ cười không thể xoá.

Biện Công Danh
August 2014

Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

Lệ Buồn Đưa Tiễn

Thương kính tiễn đưa anh Nguyễn Hồng Lạc, Cựu học sinh Tống Phước Hiệp
Niên khóa 1961 - 1967
Đã vĩnh viễn ra đi ngày 26 tháng 8 năm 2014.


Lệ Buồn Đưa Tiễn

Sau cơn mưa hương chiều thưa nhạt nắng
Giọt u hoài đọng lắng lá vàng phai
Tiễn người đi nức nở bóng trăng gầy
Bên thềm cũ đầy vơi niềm thương nhớ
Tím hoàng hôn phủ buồn lên con phố
Tiếng thời gian chậm gỏ nhịp canh tàn
Gió lạnh lùng thổi ngang bến Tiền Giang
Biệt ly chi để sầu trên vạn lối!

Nhớ bóng ai sóng vỗ bờ đêm tối
Hạ vừa qua, anh vội vã đi rồi!
Kỷ niệm xa mang theo trái tim côi
Lệ ngậm ngùi tiễn đưa người phút cuối!...


Yên Dạ Thảo

28.08.2014



Ai Đi Trách Nắng Tàn


Vắng bóng em chia hai đầu nỗi nhớ
Tháng mấy rồi còn vẳng khúc nhạc xưa?
Cố lòng quên môi ngọt đêm cuối mùa
Êm như tiếng nghẹn ngào hơi em thở..

Rừng thay áo, hình như em còn nhớ?
Đưa nhau về con đường cũ ướt mưa
Đợi chiều lên,bên lối mòn gót nhỏ
Cuối cùng rồi.. vạt nắng cũng đong đưa..

Trong ngất ngây, yêu biết mấy cho vừa
Ta chỉ tiếc lòng người hay lạc hướng!
Đêm trăng thanh mối u hoài vọng tưởng
Cõi lòng ta thấm lạnh ..chuỗi ngày qua..

Chút luyến thương theo ngõ hồn xa lạ
Tiếng bơ vơ hiu quạnh chốn trần gian
Tự ngàn xưa ai đi trách nắng tàn
Rừng còn đó.. nhưng tình người đã nhạt!..

VA, đêm nghe lại bản nhạc Trách Người Đi của Lê Trạch Lựu
Bùi Thanh Tiên



Thu Về - Thơ Vĩnh Tuấn - Phổ Nhạc & Trình Bày Dương Thượng Trúc


Thơ: Vĩnh Tuấn 
Phổ Nhạc & Trình Bày: Dương Thượng Trúc

Nẻo Chánh

1/

     Hai Thời bập bập điếu thuốc rê trên môi đã gần tắt, mắt ngó lung ra ngõ như trông đợi ai, hắn ngồi như thế đã hơn một tiếng đồng hồ, lộ vẻ sốt ruột. Trong nhà, nơi cánh phản cũ kỹ, một mâm đồ nhắm đã dọn sẳn với bình rượu đầy …
     Hai Thời sống trơ trọi ở làng Tân Hào nầy gần mười năm rồi, nhà hắn nằm riêng biệt gần ven đường đầu xóm, chung quang có hàng cây dâm bụt bao phủ. Không ai rõ gốc tích hắn, chỉ biết nhà nầy ngày xưa của ông Năm Hợp – bà con xa với hắn – Ngày hắn khăn gói về đây là lúc ông Năm Hợp đang bịnh nặng, ở lại săn sóc ông một thời gian thì ông Năm Hợp qua đời, tứ cố vô thân Hai Thời ở lại căn nhà nầy cho đến ngày nay. Hai Thời rất được cảm tình với lối xóm, ai mượn làm việc gì hắn cũng nhận và làm rất nhanh nhẹn, thù lao là vài xị đế với một vài món nhắm, thỉnh thoảng hắn cũng được lối xóm mời qua nhậu trong những bữa giổ, bữa tiệc. Đối với trẻ nhỏ trong làng thì Hai Thời là hề là bạn, đùa chơi với chúng nó cả buổi, hoặc ngồi tỉ mỉ chuốt tre làm từng chiếc diều, từng cái lồng đèn để rồi phát cho trẻ nhỏ trong làng. Thỉnh thoảng những đêm trăng sáng, hắn vẻ mặt đóng tuồng hát bội, hắn khoái đóng vai Trương Phi múa quyền, phi cước giữa đám trẻ nhỏ mà tưởng tượng như giữa chốn ba quân, có lúc cao hứng hắn vói lấy cây sào phơi quần áo múa đường quờn “ lưu thủy “, thách tụi nhỏ lượm đá chọi vào người hắn và đặt giải thưởng là nếu đứa nào chọi trúng thì sẽ được năm con diều và một lồng đèn kéo quân vào dịp Tết Trung Thu, nhưng từ đó đến nay chưa đứa nào được lảnh giải thưởng cả. Tánh hắn vui vẻ, chơn thật, ưa giúp người nên ai ai cũng quý mến và cũng không ai thắc mắc hay tò mò khi thấy mỗi năm vào ngày đưa ông Táo về trời thì nhà hắn thường có những người lạ mặt đến vui chơi nhậu nhẹt ..

     Nhưng hôm nay hắn trông đứng trông ngồi mà đám bạn kia vẫn chưa thấy đến. Vấn đến điếu thuốc thứ năm thì bổng nghe tiếng chó sủa xa xa ngoài đầu ruộng, Hai Thời bật dậy như lò xo, đôi mắt hiện lên nét vui vui khi nhìn thấy vài bóng người quen thuộc đang tiến về phía nhà mình. Dán điếu thuốc gần tàn lên vách cột, hắn khoát vội chiếc áo dài thâm đã bạc màu, hấp tấp bước ra tận ngõ chờ đón.
- Mừng các chú đến chơi.
- Dạ, mừng anh Hai mạnh giỏi.
     Cả bọn chắp tay cung kính chào lại Hai Thời, người đàn ông đi đầu dẫn cả bọn bốn người vào trong sân. Cả bốn người tướng tá trông thật lực lưỡng, khỏe mạnh, người đàn ông đi đầu là Ba Hổ, khoảng gần bốn mươi tuổi, tay chơi nổi tiếng miệt vùng Hốc Môn, Bà Điểm - địa danh một thời đã từng nỗi tiếng với những tay võ nghệ siêu quần, chọc trời khuấy nước – Với chiếc khăn rằn luôn luôn quấn trên cổ, trông Ba Hổ như một anh nông dân hiền lành Nam Bộ. Người thứ hai là Tư Thiệt, tuổi xấp xỉ Ba Hổ, tay cầm cây roi đi rừng - cũng là một tay chơi hào hoa phong nhã – cặp bài trùng với Ba Hổ, người thứ ba là Năm Trọn, người thứ tư là Sáu Đực, cả hai là đàn em của Ba Hổ. Nguyên Ba Hổ đang cầm đầu một đảng cướp nghĩa hiệp, sống lăn lộn giang hồ như những anh hùng Lương Sơn Bạc trong truyện Thủy Hử. Mấy năm gần đây được dân chúng dành cho nhiều cảm tình, tên tuổi Ba Hổ -Tư Thiệt nỗi tiếng như cồn trong làng tay chơi. Riêng bọn thực dân Pháp và đám tay sai thì điên đầu không biết đâu mà lường, chúng được lệnh bắn bỏ tại chổ và treo giải thưởng cho ai cung cấp về bọn Ba Hổ, nhưng nhóm Ba Hổ như con rồng, thấy đầu mà không thấy đuôi. Bọn thực dân Pháp tung rất nhiều tiền để mướn những tay thám tử mật vụ theo dõi nhưng đều hoài công bởi có vài tên ra đi rồi không thấy ngày về. Nhưng ai có ngờ đâu, mỗi năm vào ngày hăm ba tháng Chạp, nhóm Ba Hổ - Tư Thiệt thường hợp mặt tại nhà gã nhà quê Hai Thời ….

Hai Thời niềm nở:
- Các chú vô nhà rửa mặt cho mát nghen, tôi chờ các chú từ sáng đến giờ, lo quá .
Ba Hổ cảm động :
- Dạ, thưa anh Hai, tụi em kẹt chút việc khi qua chiếc phà .
Hai Thời đưa mắt như ngầm hỏi, Ba Hổ thưa tiếp :
- Dạ, có hai thằng lính Tây và một người lính Việt mình áp bức mấy em nhỏ bán hàng rong trên phà …
Hai Thời nhỏ nhẹ:
- Thế các chú có làm gọn không ?
- Dạ, thưa anh Hai, gọn ! Chú em Tư Thiệt mới quơ vài đường roi là cả bọn té xuống sông hết .
Tư Thiệt đang ngồi vấn điếu thuốc rê, nghe nói đến đây cũng góp lời :
- Anh Ba sao ưu nói cái mửng đó quá, nếu anh không lấy khăn thâu hai khẩu súng trường quăng xuống sông thì làm sao em dám vô.
Hai Thời mỉm cười :
- Thôi, chú Tư đừng có khiêm nhường, hai khẩu súng quèn đó cũng không làm gì được với cây roi “ như ý “ của chú đâu. Mình dẹp chuyện đó qua một bên đi, tôi mời mấy chú vô nhà dùng chút rượu cho ấm bụng ….
2/

     Ngược dòng thời gian gần hai mươi năm về trước, Hai Thời là đầu đảng của đảng “ bồ câu trắng “ biểu hiệu của hòa bình an lạc. Suốt mười năm tung hoành với cây roi không đối thủ, biết bao huyền sử bao quanh con người ấy, các tay chơi miền Hậu Giang đều kính phục cả tài lẫn đức, tuy làm cướp nhưng Hai Thời không bao giờ động chm đến tài sản dân chúng, đối tượng của đảng bồ câu trắng là bọn thực dân Pháp đang đô hộ nước Việt, các quan viên tham nhũng và bọn buôn lậu đang làm thêm xáo trộn đất nước. Đối với anh em giang hồ thì Hai Thời là thần tượng, còn đối với dân thì Hai Thời là cán cân công lý, nơi đâu có tiếng ta thán của sự áp bức thì vài ngày sau sẽ có nhóm bồ câu trắng tới can thiệp, cho nên nơi đâu có sự hình bóng đảng bồ câu trắng người ta ít thấy những chuyện trái tai gai mắt. Cho đến ngày kia, vì quá hăng say đeo đuổi trừng trị một nhóm buôn lậu phạm luật giang hồ, Hai Thời đã giết lầm ba người buôn lậu vô tội. Một trong ba người nầy là trưởng toán, trước khi nhắm mắt, anh ta thều thào nói với Hai Thời:
- Anh giết tôi mần chi, tôi là trưởng đoàn tiếp vận cho Nghĩa Binh, bấy lâu nay Nghĩa Binh cần một số tiền lớn để mua vũ khí chống Pháp, nên tôi đành đi buôn lậu để gây quỹ, không ngờ đây là lần đầu cũng là lần cuối tôi đành bỏ xác nơi rừng thiêng nước độc vì nghề oái oăm nầy, chỉ buồn là công việc còn dở dang ….

     Hai Thời lặng người trước lời nói không hận thù trách móc của anh trưởng toán nọ, một niềm hối hận trào dâng, hai hàng nước mắt lần đầu tiên chảy dài trên gương mặt phong trần của Hai Thời rớt xuống thân xác anh trưởng toán. Hai Thời thấy mình quá tầm thường so với những hành động yêu nước và hy sinh đời trai của Nghĩa Binh, cắn chặt môi, Hai Thời tự hứa sẽ thay thế người Trưởng Toán vắn số kia, tiếp tục sứ mạng còn bỏ dở của anh nầy. Từ đó, Hai Thời giải tán đảng cướp, sau khi hoàn lại số tiền cho Nghĩa Binh với tất cả tài sản riêng của mình. Khi về sống nơi làng Tân Hào nầy hơn một năm, Hai Thời nghe tin một đảng cướp Ba Hổ đang lộng hành quá, cướp bóc đủ thứ, bất kể quyền lợi dân chúng. Máu giang hồ nỗi dậy, Hai Thời muốn làm một việc giúp ích cho đời sau khi ẩn cư, nên lặn lội đơn thân độc mã theo dấu bọn Ba Hổ. Sau mấy tháng theo dõi, Hai Thời đụng độ bọn ba Hổ nơi cánh rừng vắng.
     Một hôm, sau khi đánh cướp xong chuyến hàng, Ba Hổ dẫn đồng bọn xuyên rừng trở về thì gặp Hai Thời đứng chống nạnh giữa đường mòn, không muốn mất thì giờ, Ba Hổ nạt ngang:
- Ai đứng chận đường đó! Biết điều tránh ra cho các quan đi.
Hai Thời nhỏ nhẹ:
- Dạ, các quan muốn đi qua cũng được, nhưng xin để đồ vật lại.
Nghe giọng xách mé của Hai Thời, trong bọn có một tên nóng mặt, xách cây mai nhảy ra thị oai:
- Hừ, nghe giọng nói của mi chắc có gan nuốt búa, xem quan phóng “ bút chì “, nhìn cây chuối kia làm gương, quan lấy một thước .
Dứt lời, hắn vung tay phóng ngọn “ bút chì “ ra – bút chì là cây mai, một vũ khí lợi hại của nông dân Việt Nam, hình dáng giống như cái xẻng, cuối tay cầm có lỗ để xỏ dây mềm, chắc, người xử dụng nó phải có cánh tay thật khỏe, nắm đầu dây còn lại phóng ra, thu vào rất lợi hại - “ xoẹt “ thân cây chuối to gần bằng bắp đùi bị tiện đứt ngang chưa kịp ngã xuống thì cây “ bút chì “ đã nằn gọn trong tay hắn từ lúc nào, nhìn lại thân cây chuối bị chặc đứt ngọn còn trơ thân cây khoảng chừng một thước đứng trên mặt đất. Hai Thời vẫn nhỏ nhẹ:
- Môn phóng “ bút chì “ của quan lợi hại lắm, tuy nhiên phải để đồ vật lại mới đi qua đây đưọc.

     Bừng giận, Tư Thiệt – tên vừa phóng bút chì – vung tay, ngọn “ bút chì “ bay thẳng vào vai Hai Thời, bình tĩnh Hai Thời khẻ xoay người vừa đủ cho cây “ bút chì “ trúng …. không khí, Tư Thiệt thu dây rồi phóng liên tiếp ba phát, chỉ thấy Hai Thời nhích người tránh, chân vẫn đứng yên nơi cũ. Tư Thiệt giận run khi thấy ngọn “ bút chì “ của mình vô hiệu quả trước kẻ lạ mặt, Ba Thời cũng giật mình, thầm phục công phu định lực của đối phương cao tay, hắn bèn múa thiết lĩnh nhảy vô trợ chiến, Tư Thiệt cũng đổi qua ngọn roi hợp với Ba Hổ một cương một nhu tấn công Hai Thời tới tấp. Bên ngoài, mấy tay đàn em tự động đứng thành hình cánh cung bao Hai Thời đâu lưng vào rừng. Hai Thời bình tĩnh cung tay bái tổ, chân xoạc trảo mã, tay phải vòng cung trước mặt, tay trái thủ ngang lưng quần trong tư thế chờ đợi rất đẹp mắt. Bên nầy, Ba Hổ chống thiết lỉnh tung người lên, hét một tiếng lớn theo thế “ độc long xuất động “ đá vào mặt Hai Thời, bên kia Tư Thiệt quất một đường roi “ bạch xà tróc điểu “ ngang lưng Hai Thời, đinh ninh phen nầy địch thủ phải lùi lại ba bộ mới tránh được hai thế công nầy. Nhưng không, Hai Thời bỏ một chân qua phải trai trái vẫn để nguyên ngã người qua bên phải tay đở đầu tay che hạ bộ theo thế “ xạ tiễn “, chờ ngọn roi lướt qua và ngọn cước hết đà, Hai Thời đứng bật dậy lấy khăn rằn đang quấn quanh cổ xoắn lại quất dứ vào hai bên mặt Tư Thiệt “ chát chát “, hốt hoảng vì đòn bất ngờ của Hai Thời, Tư Thiệt nhảy lùi lại ba bộ múa roi thủ thế. Bật cười ha hả, Hai Thời xoay người lại tung ngọn cước đá trả lại Ba Hổ, cả ba quân quần đấm đá nhau đã ba mươi hiệp mà chưa phân thắng bại, Hai Thời vẫn giữ nụ cười trên môi, chiếm thế thượng phong, ung dung tránh đở, chiếc khăn len lỏi giữa hai cây thiết lỉnh và roi như rồng bay phượng múa, thỉnh thoảng quấn lấy cây thiết lỉnh kéo lại đở đường roi và ngược lại, làm hai gã kia không biết đường đâu mà lường. Trên lưng Ba Hổ, Tư Thiệt đã ước rịn mồ hôi , hơi thở bắt đầu nặng, như đo lường được tài nghệ đối phương, không muốn kéo dài thêm trận đấu, Hai Thời phản công tới tấp, hai tay múa vun vút, chân đá liên hoàn bắt Ba Hổ và Tư Thiệt phải trở về thế thủ. Tấn công thêm ba đòn, Hai Thời vuốt chiếc khăn vào mặt địch thủ kêu chan chát. Ba Hổ và Tư Thiệt bị đuôi chiếc khăn quất trúng vào gò má rát như lửa phỏng, tối tăm cả mặt mày cả hai bắt đầu hoảng với lối đánh khăn thần sầu quỹ khóc của địch thủ. Hai Thời đấm dứ vào mặt Tư Thiệt một quyền làm gã hoảng hốt nghiêng người né tránh, chỉ chờ có thế, Hai Thời quay người quét ngọn cước “ hoành xà triệt địa “ vào ống quyển hất Tư Thiệt lăn cù xuống đất, trằn người thật lẹ, Tư Thiệt múa roi bảo vệ lấy người, nhưng Hai Thời lẹ hơn một bực, dùng khăn cuốn lấy ngọn roi, một tay vung trảo xỉa thẳng hai ngón tay phóng thẳng vào đôi mắt Tư Thiệt thật lẹ, Tư Thiệt rú lên một tiếng hãi hùng nhắm mắt chờ chết, nhưng hai ngón tay địch thủ vừa chạm vào vào hai mí mắt gã thì bổng rút lại ngay. Mở bừng mắt ra, Tư Thời tưởng mình về từ cõi chết, cách hắn ba bước Hai Thời đang đứng sừng sững, miệng mỉm cười, chiếc khăn rằn đã quấn lại trên cổ từ lúc nào, tay thì mân mê cây roi vừa đã giật được từ tay hắn, chuyện xãy ra quá lẹ, Ba Hổ chưa kịp cứu bạn thì Hai Thời đã đoạt được roi. Cảm động trước hành động mã thượng của Hai Thời, Tư Thiệt tung người đứng dậy chưa biết tính sao thì ngọn roi của Hai Thời bắt đầu vung lên. Phải công nhận đường roi của Hai Thời cao tay hơn Tư Thiệt một trời một vực, ngọn roi khi ẩn khi hiện loang loáng như sấm sét không biết đâu mà dò. Ba Hổ,Tư Thiệt nhảy tránh loi choi không còn tâm trí đâu mà phản công lại, chỉ một thoáng mà cả hai bị trên mười roi rêm cả người, biết địch thủ còn nương tay, Ba Hổ vội la lên :
- Xin ông bạn ngừng tay lại .
Hai Thời giả như không nghe, tay cứ tiếp tục vung lên vèo vèo, bị trúng thêm hai roi nữa, Ba Hổ càng núng thế vì thấm đòn nên lại hét lên:
- Xin đàn anh ngừng tay .
Lúc đó Hai Thời mới chịu ngừng tay lại, chống roi xuốn đất miệng mỉm cười, hơi thở vẫn điều hòa. Ba Hổ và Tư Thiệt nhảy né thêm mấy cái nữa mới dừng chân đứng lại thở dốc, bổng một tiếng xé gió phóng thẳng lại phía Hai Thời.
- À, “ bút sắt “ .
Miệng la, Hai Thời bình tĩnh nhảy lùi quay đầu lại điểm ngọn roi vào đầu ngọn mác làm giảm tốc độ của sức phóng tới, lùi nhanh thêm mấy bộ ghìm ngọn roi vào đầu ngọn mác, hướng dẫn cho chúi xuống đất, việc xãy ra chỉ trong tíc tắc, “xoạt” một cái, cây mác cắm xuống đất cách hai Thời ba gang tay. Tưởng cũng nên nói sơ qua về môn “ bút sắt “, đây là ngọn giáo hoặc mác uốn cong rồi bắn đi, “ bút sắt “ là môn ám khí ngầm, rất là lợi hại và bất ngờ, sức công phá mạnh hơn tên nhiều, muốn bắn đi người xữ dụng chỉ việc chống xuống đất, dùng sức ấn cho cây mác cong lại, buông tay bắn thẳng ra như ý mình, thời đó người ta gọi đây là môn “ bút sắt “. Thấy ngọn mác đang đà bay thẳng nay bị ngọn roi điều khiển bắt quẹo cắm xuống đất, Ba Hổ kinh hãi trước tài nghệ siêu đẳng của địch thủ, vội khoát tay la lên:
- Ngừng tay lại tất cả.
Đoạn vòng tay lại, Ba Hổ hỏi Hai Thời:
- Xin đàn anh cho biết danh tánh, thiết nghĩ chúng ta như nước sông với nước giếng, chưa một lần gặp mặt hoặc có oán thù, mình có thể thương lượng …
Hai Thời mân mê cây roi:
- Ta không có oán thù hay thương lượng gì với bọn ngươi, có điều ta không thích những hành động của bọn ngươi bấy lâu nay….
Tư Thiệt xen lời:
- Vậy, theo ý đàn anh muốn nói gì?
Hai Thời quắc mắt:
- Ý ta muốn nói uổng cho tấm thân nam nhi của bọn ngươi, làm trai trong thời loạn mà các ngươi chỉ biết dùng võ nghệ đi cướp bóc dân lành ….
Ba Hổ nén giận :
- Xin đàn anh thông cảm cho, trong thời nhiễu nhương nầy , đất nước bị đô hộ, trên thì lũ quan tham nhủng hèn hạ làm tôi đòi cho Tây, dưới thì mạnh ai nấy sống, cùng đường chúng tôi mới làm nghề ăn cướp để mưu sinh ….
Tư Thiệt tiếp lời:
- Vã lại làm nghề cướp, chúng tôi vẫn còn liêm sỉ hơn những đứa đi làm mọi cho Tây, hầu hạ Tây …
Hai Thời giận dữ:
- Kiến thức tụi ngươi thật là hạn hẹp. Lại giỏi tài ngụy biện, chớ có vơ đủa cả nắm mà mang tội lộng ngôn. Làm cướp thì cũng có năm ba đường, ta hỏi bọn ngươi tại sao cũng là cướp mà đảng “ bồ câu trắng “ lại được lòng dân, khiến bọn Tây hãi sợ và trong giới giang hồ ai cũng vị nể?
Ba Hổ, Tư Thiệt nhìn nhau cứng họng, cúi đầu xuống đất không biết đường đâu trả lời. Một niềm xấu hổ theo từng lời nói của Hai Thời thấm từ từ vào lòng, trước dáng dấp uy nghi của Hai Thời, từng lời nói chắc nịch như từ người anh bao dung đang khiển trách những đứa em lạc lối. Bọn Ba Hổ Tư Thiệt cảm thấy nể nang, thầm phục đối phương, thấy những lời nói của mình có hiệu qu, Hai Thời bồi thêm:
- Các ngươi có biết người cầm đầu đảng “ bồ câu trắng “ không?
Ba Hổ chớp mắt :
- Dạ, biết !
- Biết người hay là chỉ nghe nói đến?
- Dạ, chỉ nghe nói, chưa từng gặp mặt.
- Nếu gặp các ngươi có dám thử tài?
- Với người đó, tụi tôi chỉ là đàn em nào dám thử tài, trong giới giang hồ người đó là thần tượng đầy uy vũ ...
Hai Thời nghiêm nghị :
- Vậy mà các ngươi đã thử rồi đó!
Ba Hổ giựt mình :
- Thế ra đàn anh đây là …..

     Hai Thời lẳng lặng bước tới nhặc cây mai lên, bất thần xoay người lại phóng thẳng liên tiếp vào cây chuối mà Tư Thiệt đã tiện đứt nửa thân cây khi nãy, chỉ thấy ngọn “ bút chì “ bay loang loáng, những tiếng “phập phập “ nỗi lên ngọt xớt. Nhìn kỹ lại ngọn chuối đã bị “ tiện “ tận gốc, chung quanh năm khúc chuối nằm lăn lóc, mỗi khúc dài độ hai tất, bằng nhau như đã đo rồi mới cắt , chẳng nói chẳng rằng Hai Thời bỏ cây mai xuống đất, bước tới lượm năm khúc chuối chất lên tay, vận sức tung bổng lên cao, rồi lấy chiếc khăn rằn cầm nơi tay xoắn lại thủ thế, chờ cho những khúc chuối rơi đúng tầm, Hai Thời hét lên một tiếng thị oai, vung khăn quất lia lịa “ chát, chát, chát, chát “ bốn tiếng vang lên, bốn khúc chuối bị văng ra hai bên, còn khúc chót khi rơi gần xuống đất, Hai Thời tung khăn quấn lại hất văng lên cao rồi lẹ làng nhảy lại cầm chiếc mác khi nãy uốn cong lại, nhắm theo khúc chuối “ vút “ một tiếng xé gió “ bút sắt “ bay theo cắm vào giữa thân khúc chuối, một tiếng “ phập “ vang lên giữa sự ngỡ ngàng hò reo của bọn Ba Hổ. Viết ra thì chậm chứ sự thể xãy ra rất lẹ, cái nầy tiếp nối cái kia quá nhanh đưa bọn Ba Hổ từ thán phục nầy đến kinh ngạc khác trước kết quả kỳ diệu y như biến hóa thần thông. Hai Thời đứng sừng sững một cách ngạo nghễ trước những đôi mắt đầy khâm phục của bọn Ba Hổ. Biễu diễn xong những môn võ cỗ truyền Việt Nam, Hai Thời mặt không biến sắc, hơi thở vẫn điều hòa ( xin một lần nhắc lại các môn “ bút chì “ , “ bút sắt “, “ đánh khăn “, “ múa roi “ đều là những môn võ thuật nỗi tiếng trong những môn võ thuật cỗ truyền Việt Nam, từng vang danh trước và trong thời kỳ Pháp thuộc ) .
Ba Hổ vòng tay cung kính:
- Té ra đàn anh đây là đảng trưởng của đảng “ bồ câu trắng “ ngày nào, người mà tụi em đây từng ngưỡng mộ, mong có ngày gặp mặt, hầu được về dưới trướng.
Tư Thiệt bước tới vòng tay, nói tiếp:
- Những lời nói của đàn anh như khuôn vàng, thước ngọc, xin đàn anh bỏ qua chuyện vừa rồi, tụi nầy vì không có người dẫn dắt nên đi sai đường, từ nay xin theo bước đàn anh …
Đối với bọn Ba Hổ lúc nầy Hai Thời là một thần tượng, một bực đàn anh hào hiệp mà bấy lâu nay họ mong được sống gần. Biết lời nói mình có ảnh hưởng đến cuộc đời bọn Ba Hổ sau nầy, Hai Thời chậm rãi nói:
- Chúng ta là trai trong thời loạn, đất nước bị đô hộ, nếu không làm được những việc lớn như những vị Nghĩa Binh cao cả thì chúng ta cũng đừng làm cho rối thêm, đất nước điêu linh, dân tình ta thán, hãy hàn gắn lại vết thương lòng đó, xây dựng lại những gì đổ nát. Đối tượng để chúng ta dùng võ nghệ trừng trị là bọn thực dân đô hộ, bọn quan tham nhũng, bán nước cầu vinh, bọn sâu bọ vong quốc cõng rắn cắn gà nhà, bọn đã gây cho đất nước chúng ta phải sống trong cảnh điêu linh loạn lạc. Tuy nhiên cũng thận trọng điều tra trước khi thanh lọc phần tử bất hảo vì chính ta đây trong giây phút hấp tấp đã giết lầm người vô tội …
     Ngừng một chút như ngậm ngùi nhớ lại chuyện đã qua, Hai Thời dịu giọng nói tiếp:
Giỏi võ để mà chi nếu chúng ta không đi đúng đường của người võ sĩ chân chính, tôi theo dõi các chú từ lâu, nhận thấy các chú tuy đi lầm đường nhưng chưa mất hn thiên lương, hãy dừng tay tội ác mà quay về với bản chất anh hùng của chàng trai đất Việt. Làm người ai cũng bị lầm lẫn trong đời, nhưng biết được cái lầm lẫn của mình mà sửa sai đi để trở về chân thiện mỹ, đó mới đáng quý …

     Giọng nói Hai Thời đều đều vang lên trong rừng vắng, từng lời như từng giọt mật rót vào người bọn Ba Hổ, như từng luồng nắng ấm soi sáng vào bóng đêm lạnh lẽo. Tâm hồn Hai Thời , Ba Hổ , Tư Thời càng lúc càng gần nhau hơn, và cũng từ đó đảng cướp bọn Ba Hổ đã lột xác để trở thành kẻ thù chính của bọn Pháp. Sống đúng với bản chất cũa những chàng trai đất Việt trong thời tao loạn, học theo cách đảng “ bồ câu trắng “ cầm cán cân công lý. Ngày càng ngày, đảng Ba Hổ thực sự lớn mạnh, trưởng thành trong tình tương thân “ tứ hải giai huynh đệ “ cho đến ngày nay. …

3/

Hai Thời cảm khái lẩm bẩm:
- Tứ hải giai huynh đệ ! “ chậc “, thời gian trôi qua mau thật.
Ba Hổ đang chiêu ngụm rượu nghe không rõ, hỏi lại :
- Anh nói gì, anh Hai ?
Hai Thời giật mình :
- À không! Tôi đang nhớ lại hồi tám năm về trước, ngày tôi và mấy chú gặp nhau nơi cánh rừng vắng, nghĩ lại cái “ duyên “ đó mà cảm khái.
Ba Hổ cười khà :
- Mỗi lần nhớ lại hành động của mình ngày xưa, em cảm thấy xấu hổ, nếu không có anh cảm hóa dẫn dắt thì không biết cuộc đời tụi nầy ra sao? Phải không chú Tư?
Tư Thiệt gật gù:
- Dạ, ý nghĩ của em cũng na ná như anh Ba, nhiều lúc suy nghĩ em thấy mình có phước lớn được anh Hai chỉ cho con đường sáng, lại tận tâm truyền dạy võ nghệ để rồi anh em chúng mình tạo được chút hư danh như ngày nay …
Hai Thời bùi ngùi :
- Đó cũng là phần lớn do tài trí của mấy chú, bây giờ tôi thấy mình già rồi mà con đường mình đi chưa đi đến đâu, mấy tháng nay tôi suy nghĩ nát nước, thấy tình trạng đất nước chưa có gì khả quan sáng sa mà tui tác mình ngày thêm chồng chất, tôi sợ mai một đi những tinh hoa võ thuật Việt Nam mà tôi may mắn được Thầy tôi truyền dạy. Tôi đã quyết định rồi, các chú hãy tự chọn cho tôi một người ở lại đây để tôi dốc túi chỉ lại những gì tôi biết về võ thuật cỗ truyền, mấy năm nay tôi lĩnh hội thêm ít nhiều bí quyết, các chú ra sân xem tôi dẫn giải.

     Hai Thời dẫn cả bọn ra sân, cầm cán mai trên tay và chậm rãi nói:
- Môn phóng “ bút chì “ nầy rất lợi hại nếu ta biết tận dụng đến nơi đến chốn như ý muốn, nghĩa là phóng ra nhanh nhẹn chắc chắn, đưa tâm ý vào trong cánh tay để điều khiển uyển chuyển theo ý mình. Trước phải tập treo sợi chỉ trước tấm vải, ta tập phóng cho đến khi nào làm đứt sợi chỉ mà tấm vải không bị sướt hay bị động thì lúc đó mới đạt được trọn vẹn môn phóng bút chì nầy.
     Hai Thời chỉ vào hàng chuối nằm dọc theo bờ rào đã cụt nửa thân dùng đ luyện tập hàng ngày, nói tiếp:
Các chú nhìn kỹ cây kế chót, bên phải …
Hai Thời vung tay phóng liên tiếp theo thế liên hoàn năm phát vào thân cây chuối, năm khúc chuối ngã lăn ra nhưng còn dính liền nhau bởi một làn bẹ mỏng. Nhìn lên cây ổi góc vườn, thấy con tắc kè nằm trên đó, Hai Thời nói:
- Chú Tư Thiệt đuổi con tắt kè trên cây ổi giùm tôi, tôi sẽ lấy khúc đuôi nó …
     Tư Thiệt lấy cây roi gõ vào thân cây ổi, làm con tắt kè giật mình chạy vọt lên, thì liền khi đó cây “ bút chì “ trong tay Hai Thời bay loáng lên cắt đứt khúc đuôi trước khi nó chui vô kẹt cây, nhìn lại thân cây ổi không có dấu vết gì chứng tỏ cây mai chạm phải cả.
Hai Thời mân mê cây “ bút chì “ nói chậm rãi:
- Phóng “ bút chì “ ta phải biết kềm giữ nó lại, đó là cả một nghệ thuật cần phải cố gắng trau dồi tập luyện, cũng như môn đánh khăn, múa roi, lấy nhu thắng cương lấy mềm thắng cứng. Thắng đây là thắng bằng cách uốn nắn địch thủ theo ý mình chứ phông phải trực diện đốn ngã, để hợp với bản tính hiếu sinh của người Việt Á Đông của mình, ví như con ngựa bất kham phóng thẳng tới, nếu ta ỷ sức mạnh đứng trực diện chống lại thì sẽ bị va chạm mạnh, sao bằng lừa thế né tránh rồi nhảy lên mình nó rồi điều khiển theo ý mình. Có điều nhảy được lên mình nó và kềm giữ là cả một nghệ thuật cần phải có sự luyện tập, then chốt dùng nhu thắng cương là chổ đó.

     Ba Hổ, Tư Thiệt, Năm Trọn, Sáu Đục nghiền ngẫm những lời chỉ dạy của người anh, một người đã gánh chung niềm đau dân tộc, một người đang cố gắng giữ lại những tinh hoa võ thuật cỗ truyền Việt Nam và truyền lại cho thế hệ mai sau. Nhìn nhau như dọ hỏi, Ba Hổ ngập ngừng nói:
- Thưa anh Hai, tụi em chọn chú em Sáu Đực ở lại với anh.
Sáu Đực chớp mắt :
- Thưa anh Ba, xin để anh Năm ở lại, em sợ không đủ sức.
Năm Trọn cười thân mật :
- Sao chú Sáu nói gì kỳ vậy, chú còn trẻ chưa vướng bận gia đình, còn nhiều thời gian học hỏi hơn, đừng có cãi lời làm các anh buồn, ở lại gắng công học hỏi để khỏi phụ lòng anh Hai.
Hai Thời hài lòng:
Các chú biết nhường nhịn nhau như vậy là tốt lắm ! Tin đây tôi chỉ dạy thêm những tinh yếu về môn đánh khăn cho chú Ba, còn chú Tư thì Tôi cũng chỉ thêm những biến ảo về đường quờn “ lưu thủy “ để chú tận dụng cây roi thêm phần đắc dụng, riêng chú Năm thấy chú ưa dùng môn phóng “ bút chì “ tôi sẽ truyền dạy môn đó cho hợp với tài năng của chú. Kỳ nầy tôi hy vọng mấy chú có đủ thì giờ để học thêm những môn cầm nả, cùi chỏ chuyên dùng để đánh cận chiến nhập nội, và thủ thuật điểm huyệt làm tê bại dây đường kinh của địch thủ ….

     Hai Thời nói nhiều lắm, lâu lắm mới thấy hắn vui vẻ như ngày hôm nay. Bên ngoài trời đã về chiều, vài cuộn khói lam đang tỏa lên từ những mái tranh hiền hòa của làng Tân Hào, và vẫn như mọi năm, trong sân vắng nhà Hai Thời, không còn ai chú ý đến những người lạ mặt thường hợp mặt cuối cùng nhau nhậu nhẹt.
Xa xa, văng vẳng tiếng đùa giỡn vô tư của trẻ thơ …
     Lại một ngày nữa sắp sửa trôi qua ….

Hoàng Dũng 
Cuối Đông 1987