Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

Tranquillity - Nguyễn Đức Tri Tâm



Soạn Hòa Âm & Trình Bày: Nguyễn Đức Tri Tâm

Mẹ Là Những Nốt Nhạc Con


Mẹ ơi bao dấu tháng năm
Hằn trên gương mặt mà Xuân chẳng già
Nốt trầm rơi xuống vì cha
Nốt thăng ghi dấu con ta lớn rồi

Dòng nhạc trên trán mẹ phơi
Nắng sương tóc chải da mồi vì con
Mỗi ngày trôi một nốt Son
Đêm thầm thương trải héo hon nốt Đồ

Con yêu những nốt mẹ cho
Dâng đời con viết cả kho nốt tình
Mẹ ơi ơn nghĩa thành sinh
Con ôm cả mẹ của mình vào mơ
Tháng ngày mẹ vẫn là thơ
Cho con viết nhạc kéo tơ cho đời 


10-08-2014 
Phương Viên (Lê Phạm Trung Dung)

Đêm Trung Nguyên


Nước tro dừa lắng trong
Gội tóc, hong nắng chiều
Má cho Ba một thuở
Hương dầu dừa, hương cau.

Ngọn đèn đêm leo lét
Một đàn con vỡ vạc
Bà kể Lục Vân Tiên
Ông nghe đầu võng hát
Lụa mo cau vấn thuốc
Tàn khói lạc hương đồng…

Bây giờ sóng trên sông
Mưa trăng vàng nhấp nháy
Đêm Trung nguyên lặng thầm
Trôi theo dòng trôi mãi…
Mênh mông!…Mênh mông!…


Phong Tâm
(Mùa Vu Lan – 2014)

Thơ Tranh: Lá Bàng



Thơ: Hồ Việt Kim Chi
Thơ Tranh: Kim Quang

Bâng Quơ Nỗi Nhớ


Từ trong nỗi nhớ bâng quơ
Chợt nghe như có đâu đây điệu buồn
Mịt mùng trời đổ mưa tuông
Cố nhân ơi hởi! Đoạn trường dấu yêu.

Từ trong nỗi nhớ bâng quơ
Điệu buồn như chợt vật vờ đâu đây
Phố xưa áo trắng vai gầy…
Cố nhân ơi hởi! Mộng đầy tương tư.

Mặc Thái Thủy
Gilbert, June 19, 2011

Nguồn Gốc Bài Kèn Mặc Niệm Tử Sĩ

Đây là một câu chuyện chúng ta nên biết. Nhiều người chúng ta đều đã nghe bài Kèn Mặc Niệm Tử Sĩ làm ta tiếc thương những người chiến sĩ hy sinh cho tổ quốc. 

Nếu quý vị không biết nguồn gốc của bài kèn, thì quý vị sẽ rất cảm động khi đọc sau đây câu chuyện thật về lịch sử bài kèn đó.


Chuyện bắt đầu năm 1862 trong thời kỳ nội chiến Nam Bắc Mỹ (1861-1865)

Khi đội Bắc quân do đại uý Robert Ellicombe chỉ huy tới Harrison's Landing ở tiểu bang Virginia thì chạm địch, quân Nam đóng ở bên kia giải đất nhỏ hẹp ấy.

Đêm đó, đại uý Robert Ellicombe nghe thấy tiếng rên la của một binh sĩ bị thương nặng giữa trận tiền. 

Không biết là lính của quân mình hay của quân địch, đại uý Ellicombe không ngại nguy hiểm tới tính mạng bò ra chỗ người thương binh nằm để mang anh về cứu chữa. Dưới cơn mưa đạn của hai bên ông ta kéo được anh về phía quân mình đóng.

Khi bò về tới nơi, đại uý mới thấy rằng anh binh sĩ đó là quân địch, và anh lính đã chết.

Đại úy rọi đèn và trong ánh sáng lờ mờ đại uý nhìn mặt anh binh sĩ, nhận ra là con mình.

Con của đại úy Ellicombe đang là sinh viên học nhạc ở miền Nam thì chiến tranh Nam Bắc khởi sự, cậu sinh viên đăng vào lính quân Nam mà không cho cha biết.

Sáng hôm sau, lòng buồn rầu trái tim tan vỡ, ông trình thượng cấp biết và xin phép chôn con theo lễ nghi quân cách, mặc dầu con ông là địch quân. 

Ông cũng xin cho dàn quân nhạc cử hành tang lễ. 

Thượng cấp cho phép, nhưng hạn chế một phần. Thay vì toàn ban quân nhạc cử ai mặc niệm tiễn biệt tử sĩ thì thượng cấp chỉ cho một nhạc sĩ cử nhạc thôi.

Ông đại úy tuân lệnh trên và xin cấp trên cho một nhạc sĩ thổi kèn trận (clairon)

Đại úy nhờ anh nhạc sĩ thổi những đoạn nhạc ghi trên một mảnh giấy mà ông tìm thấy ở trong túi binh phục của con ông. 

Những đoạn nhạc đó kết thành bài Kèn Mặc Niệm Tử Sĩ mà chúng ta nghe thấy ngày nay mỗi khi có lễ Kỷ niệm binh sĩ trận vong ( như ngày 11 tháng 11 ở nước Pháp, 30 tháng 5 ở Mỹ).

Lê Quan Vinh - Sưu tầm


Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

Trong Tim Tôi


Vì Non Nước bước chân... xa xứ
Màu hoa Mua tím góc vườn quê
Níu ánh mắt si mê ngó lại
Nụ cười tươi gởi hẹn quay về.

Duyên số định ...đôi tim kết chặt
Thuở căm thù giặc ngoại dâng cao.
Vung cánh tay chàng đi đuổi giặc
Bên nhau cùng chia nỗi thương đau.

Nợ nước chàng đi, nàng ở lại
Trần ai nuôi trẻ lệ đôi hàng.
Cha...một, mẹ...hai ! Ôi vĩ đại!
Đôi hàng con viết đón Vu Lan.

Anh Tú
08.8.2014

Thơ Tranh: Trở Về Mái Nhà Xưa


Trích Thơ: Phạm Hồng Ân
Thơ Tranh: Kim Oanh

Mùa Đông Đơn Côi


Em ơi thôi đã xa một thời
Dĩ vãng xưa tuyệt vời
Còn đâu bóng em ngày qua

Cho em một tiếng yêu thật thà
Trong bóng đêm sân nhà
Nụ hôn xao xuyến lòng ta

Bao năm ta cách xa muôn trùng
Chân bước trong lạnh lùng
Muốn được thấy em một lần

Tìm vui nghe tiếng xưa ai cười
Ai nói ai những lời
Hai mảnh đời mình đơn côi!

Biện Công Danh
3/8/2014

Thơ Tranh: Nợ


Thơ & Thơ Tranh: Khúc Giang

Lời Chúc Diệu Kỳ

      Giới Thiệu Tác Giả:

      Tác giả Hồ Nguyễn tên thật là Nguyễn thị Khâm, cựu học sinh Đoàn Thị Điểm, cựu giáo viên môn Văn trường PTTH Nguyễn Việt Hồng và Châu Văn Liêm Cần Thơ đã nghỉ hưu.
     Phu quân chị là sư huynh Hồ Hữu Hậu, cựu học sinh Phan Thanh Giản, cùng lớp với GSHT Nguyễn Trung Quân…
      Bút hiệu Hồ Nguyễn là chị Khâm ghép 2 họ của 2 ông bà mà thành.
       Qua giới thiệu của một người bạn, chị Hồ Nguyễn gởi dến chúng tôi bài thơ: Lời Chúc Diệu Kỳ.
      Để được diện kiến, sáng Chủ Nhật 17/08/2014, chúng tôi hân hạnh mời được hai ông bà cùng 2 cựu học sinh Lương lệ Quỳnh và Nguyễn kim Quang ăn sáng tại Trạm dừng Chân chợ nổi Cái răng.
Nay kính giới thiệu nhà thơ nữ Hồ Nguyễn với quý Thầy Cô, Trang Nhà ptgdtdusa.com. và các bạn khắp nơi. 
Sức khỏe, thời gian, quan trọng nhất
Đã làm người, không mất niềm tin
Ta cần luyện tập dưỡng sinh
Tinh thần khỏe khoắn, thân hình dẻo dai.

Theo luân lý ngàn đời để lại
Khắp năm châu truyền tải luật điều
Người già cao tuổi phải yêu
Cần được chăm sóc với nhiều quyết tâm.

Càng lớn tuổi càng nhiều kinh nghiệm
Tích lũy qua từng điểm thời gian
Cây cao bóng cả bạt ngàn
Chở che con cháu, chỉ đàng tiến thân.

Xin chúc mừng tuổi già sống thọ
Hứa quyết tâm gắn bó tình thâm
Chúng ta sống được trăm năm
Cùng với con cháu mỗi năm vui hoài.

Chúc quý bạn luôn luôn vui sống
Đời đẹp tươi như mộng nở hoa
Để cùng thoải mái tuổi già
Bên đàn con cháu một nhà đoàn viên.

Chúc quý bạn cả đời sống khỏe
Tuổi tuy già nhưng trẻ tấm lòng
Nhìn đời toàn cảnh màu hồng
Xuân luôn ngự trị, mùa đông không còn.

Chúc quý bạn luôn sống có ích
Như đại thụ chỉ tích đức nhân
Mọi người xa cũng như gần
Một lòng yêu mến, tình thân không rời

Hôm nay có bấy nhiêu lời
Chúc mừng quý bạn trọn đời thăng hoa./.

An Bình, 10/8 2014
Hồ Nguyễn


 Anh chị Chs Hồ hữu Hậu và Nguyễn thị Khâm

Từ trái : Ông bà Hậu & Khâm và cô gái Út Viên An, Hai cựu hs Lệ Quỳnh và Kim Quang.

Dương Hồng Thủy

Một Thời Áo Trắng - Nguyễn Văn Hiên - Thiên Kim

Bất chợt thấy một tà áo dài trắng thóang qua,chợt nhớ lại tuổi học trò của mình,với những ánh mắt e lệ dịu dàng che trong vành nón lá,nụ cười mĩm như thôi thúc,của mối tình trong trắng nên thơ vung dại,lại nhớ những lúc nắn nót bài thơ chép bằng mực tím thưở nào,nhớ hết nhớ hết không quên được. Ôi Thuở học trò đẹp biết bao!


Sáng Tác: Nguyễn Văn Hiên
Tiếng Hát: Thiên Kim
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

Đêm Tháng Bảy


Trong xã hội nhiều bôn chen tất bật
Trong dòng đời nghiệt ngã hám lợi danh
Trong tim con Má dường như biến mất
Trong cõi lòng phai hình bóng của Ba
Vu Lan đến thấy bồi hồi trong dạ
Thầm trách sao con cứ phải đua tranh
Chẳng nhớ đến đấng sanh thành khuất bóng.

Đêm Tháng Bảy khiến lòng con thấm lạnh
Lạnh tâm hồn lạnh bởi vắng tình thương
Thiếu lời khuyên răn dạy của Song Đường
Mà mãi mãi con chẳng còn nghe thấy
Nay lại ước tất cả bao điều ấy
Má Ba ơi giờ biết nói gì đây
Khi nghĩ lại con càng thêm xấu hổ.

Để đêm nay ngồi đối diện với lòng
Nghe thương nhớ trào dâng trong huyết quản.

Quên Đi

Thơ Tranh: Vu Lan Nhớ Mẹ


Trích Thơ: Ngô Quang Diệp
Thơ Tranh: Kim Oanh

Ngày xưa con bé ngây thơ
Trong vòng tay mẹ ầu …ơ dỗ dành
Đêm trường mẹ thức thâu canh
Năm canh thức đủ bên vành nôi con
Tháng ngày trông mõi trông mòn
Con ơi khôn lớn chóng ngoan mẹ nhờ

Bây giờ ôn lại tuổi thơ
Trời ơi! thương nhớ mẹ giờ còn đâu
Qua bao mưa nắng dãi dầu
Tấm thân còm cõi một đời gian nan
Những hôm chạy chợ xa làng
Vượt cồn cát nóng nên làm bỏng chân
Trên vai một gánh “nợ nần”
Tảo tần mưa nắng vì con cực lòng
Thân cò mẹ mãi long đong
Hai sương một nắng nuôi đàn con thơ
Tuổi xuân mẹ ngắn tửng giờ
Con trông dáng mẹ bơ phờ xót xa

Lớn khôn mẹ đã đi xa
Nghìn thu vĩnh biệt con mà tìm đâu
Ngày xưa dưới ngọn đèn dầu
Mẹ ngồi vá áo còn đâu bây giờ
Mẹ đi bỏ lại con thơ
Trăm thương ngàn nhớ bơ vơ lạc loài
Tuổi thơ con vẫn nhớ hoài
Bờ tre giếng nước con đê đầu làng

Chiều thu chút nắng dịu dàng
Trong tay mẹ dắt con mang cánh diều
Mùa đông giá rét đìu hiu
Mẹ ôm ấp kín những chiều heo may

Lớn khôn con nhớ từng ngày
Từ khi mất mẹ lòng buồn mênh mông
Chiều về bến nước ngoài sông
Con đò cập bến mẹ không thấy về

Đời con từ ấy lê thê
U buồn nhớ mẹ chiều về ly tan
Ngày rằm tháng bảy VU LAN
Một nén nhang lòng dâng mẹ kính yêu.

Ngô Quang Diệp

Tháng Tám


Mặn mà tháng tám thu sang
Trăng vàng chín trái bưởi vàng cho nhau
Mênh mang gió thoảng bên cầu
Nước trôi hờ hững bạc màu thời gian

Nắng chưa kịp xóa sương tan
Đã mưa hiu hắt dọc ngang lối về
Người xa ngày cứ dài ghê!
Ai hay đắng chát cà phê một mình?

Ngoảnh đời tuổi hạc chênh vênh
Vàng thu lá rụng chạnh lòng hợp tan
Ai đi vớt mảnh trăng tàn
Thương câu hát cũ chứa chan nghĩa đời

Tuổi thơ xưa của tôi ơi!
Chưa trung thu đã sáng trời đèn hoa

( Phố núi, tháng 8/2014)
Hương Ngọc

Nguyễn Thượng Hiền - Hỏi Hoa

      Một giai thoại xướng họa thơ văn trứ danh trong chốn thiền môn xứ Huế vào đầu thế kỷ 20. Đó là cuộc xướng họa vào năm 1907, giữa một người dáng dấp thanh bai, tiên phong đạo côt, mang nỗi lòng nước non trăm mối, Nguyễn Thượng Hiền và Thiền sư thi sĩ Viên Thành tại chùa chùa Ba La Mật - Huế...
      Tuy đỗ đạt cao khoa nhưng Nguyễn Thượng Hiền không muốn ra làm quan, mà xin về ở vùng núi Nưa, Thanh Hóa mười năm “để ở nhà đọc sách”. Nhưng không bao lâu, lại bị triều đình gọi ra, trao chức Toản tu Quốc sử quán, thăng Đốc học tỉnh Ninh Bình, rồi Nam Định. Trong thời gian này, Nguyễn Thượng Hiền đã bắt đầu tìm đọc nhiều “tân thư” và đi nhiều nơi để tìm người cùng chí hướng, liên lạc với nhiều nhà yêu nước như Tăng Bạt Hổ, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, viết nhièu thơ văn kêu gọi lòng yêu nước và đả kích bọn tay sai cho thực dân Pháp.


      Nguyễn Thượng Hiền (1868 – 1925) hiệu là Mai sơn và Đỉnh Nam, người làng Liên Bạt, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây. Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, bố là ông nghè Nguyễn Thượng Phiên, lại vốn có tư chất thông minh học giỏi, mới 17 tuổi, Nguyễn Thượng Hiền đã đỗ Cử Nhân. Năm sau (1885) thi Hội, ông đỗ Đình nguyên, nhưng chưa kịp truyền lô thì Kinh đô thất thủ, kết quả khoa thi ấy bị xoá bỏ. Năm 1889, vì có tang mẹ, ông không ứng thí. Năm 1892 (25 tuổi), Nguyễn Thượng Hiền trở lại thi Hội, trúng nhị giáp Tiến sĩ, còn gọi là Hoàng Giáp. Cũng năm này, ông kết hôn với người bạn tri âm từng ước hẹn là Tôn nữ Thị Ẩn – con gái danh tướng yêu nước Tôn Thất Thuyết.
      Năm 1907, sau khi bố chết, ông từ quan, xuất dương sang Nhật, hưởng ứng lời kêu gọi “Đông du” của Phan Bội Châu. Chính trước lần đi xa này, trong những tháng ngày còn lại ở Huế, ông tranh thủ lên thăm lại Ba La Mật và đã lưu lại giai thoại văn học nổi tiếng ấy.
     Gặp Phan Bội Châu ở Quảng Đông, ông cùng Phan sang Nhật Bản gặp Cường Để, rồi lại về Trung Quốc. Hoạt động trong Duy Tân hội, ông đã cùng Phan Bội Châu góp phần quan trọng trong việc tổ chức và lãnh đạo phong trào này những năm 1908 – 1909.

      Năm 1912, Nguyễn Thượng Hiền tham gia Đại hội thành lập Việt Nam Quang Phục Hội cũng do Phan Bội Châu đề xướng. Năm 1914, khi Phan Bội Châu bị chính quyền quân phiệt bắt giam, Nguyễn Thượng Hiền được giao trọng trách của phong trào Việt Nam Quang Phục Hội. Một năm sau đó, ông được cử sang Thái lan liên hệ với 2 viên công sứ Đức và Áo, xin viện trợ tài chính để tổ chức lực lượng kháng Pháp. Nhưng việc đánh Pháp ở biên giới Trung - Việt mà ông đảm nhiệm lại bị thất bại và phong trào cách mạng ở hải ngoại trong thời gian này liên tiếp gặp nhiều bất lợi. Nguyễn Thượng Hiền phải bôn ba khắp nơi, khi đến Bắc Kinh, khi về Hàng Châu, Thượng Hải, Quảng Tây, Quảng Đông, … nhuệ khí bắt đầu giảm sút, cho đến khi được tin Đại chiến thế giới lần thứ nhất kết thúc với thắng lợi của Pháp - kẻ thù của cách mạng Việt Nam - thì ông trở nên thất chí.
      Bảy năm cuối đời, ông đã vào chùa Thường Tịch Quang Lan Nhã trên núi Vân Sơn Cư, ở Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc, xuất gia quy Phật. Ông sống và mất lại chùa này ngày 27 – 12 – 1925, hưởng thọ 58 tuổi.
      Một giai thoại thiền môn xứ Huế nổi tiếng:
     Tuy không có nhiều thành công quan trọng trong sự nghiệp chính trị nhưng Nguyễn Thượng Hiền đã để lại một sự nghiệp văn chương đáng kể: hơn sáu trăm bài thơ, văn bằng tiếng Việt và chữ Hán được sáng tác trong khoảng 30 năm từ 1878 đến 1918. Trong đó có những tác phẩm nổi tiếng như Bài phú Cải lương, Chiêu quốc hồn văn và Nam thi tập. Trong giới sĩ phu đương thời, Nguyễn Thượng Hiền nổi danh là thi sĩ tài hoa, hồn thơ thanh dật, lưu lợi, có giọng xuất trần. Trong Nam thi tập, đặc biệt còn lưu lại một thi phẩm bằng chữ Hán ghi lại tâm sự của mình mà Nguyễn Thượng Hiền sáng tác dành tặng riêng chủ nhân Ba La Mậ (Tổ khai sơn Chùa Ba La Mật, Huế) Viên Giác thượng nhân (Tổ Viên Giác), cũng vốn là một danh sĩ yêu nước, treo ấn từ quan về ẩn cư dưới cửa Thiền:

Tình cờ dạo chơi chùa cổ
Tóc xanh xoả tận trời xanh
Danh sĩ xưa nay đều thế
Giang sơn này để sao đành
Hỏi trời chừ khóc thảm thiết
Đất ngồi trải hát nghêu ngao 
Muốn rửa sạch lòng phiền não 
Chẳng nhiều giọt nước cành dương 
(Tặng Ba La Mật tự Viên Giác thượng nhân)

      Và đặc biệt là đã để lại một giai thoại xướng họa thơ văn trứ danh giữa hai người. Đó là vào năm 1907, một người dáng dấp thanh bai, tiên phong đạo cốt, mang nỗi lòng nước non trăm mối, lên thăm chùa Ba La Mật - Huế - và xướng hoạ:
Hỏi hoa xin mượn mùi hương
Hỏi trăng xin mượn gương vàng thử soi
Hỏi non xin mượn đá ngồi
Hỏi sông  mượn nước tắm chơi sạch mình

Ba La Mật thuở đó, có môn đệ của Viên Giác thượng nhân là Thiền Sư Thích Viên Thành đáp lại:

Hỏi trăng trăng chẳng đáp lời
Hỏi hoa  hoa chỉ mỉm cười làm ngơ
Hỏi sông sông lặng như tờ
Hỏi non non cứ trơ trơ một mình.

Cuộc xướng họa thơ văn giữa Mai sơn Nguyễn Thượng Hiền và Thiền Sư Viên Thành về sau trở thành một giai thoại văn chương rất nổi tiếng trong chốn thiền môn xứ Huế.

H.T
(Kim Oanh sưu tầm)
* * * 
Tôi xin phép hai cụ ăn theo mấy câu:

Hỏi sông sông chỉ lững lờ
Hỏi non ngạo nghễ trơ trơ một mình
Hỏi trăng nghiêng ngả đầu ghềnh
Hỏi hoa xin chút hương trinh hoa cười

Chân Diện Mục
* * *
Vọng Phu

Hỏi người người cứ hững hờ 
Hỏi mây sao lại lững lờ ngàn thu 
Hỏi thông sao mãi vi vu  
Hòi non non nói chinh phu chưa về!

Mailoc
***
Hỏi non non vững giữa trời
Hỏi nước nước mạnh dâng đời khát khao
Hỏi trăng trăng dịu nỗi đau
Hỏi hoa hoa sắt son màu nhân tâm

Kim Oanh

10 Câu Nói Bất Hủ Của Bill Gates



Trước khi về hưu, Bill Gates ông chủ của tập đoàn phần mềm lớn nhất thế giới Microsoft đã dành thời gian quý báu để đưa ra 10 lời khuyên dành cho các bạn thanh niên trên con đường lập nghiệp. Chúng tôi xin giới thiệu và mời các bạn tham khảo những lời khuyên bổ ích của người đàn ông giàu nhất thế giới này, vì có thể, một ngày nào đó, bạn cũng sẽ trở thành một Bill Gates thứ hai?
 
1. Thế giới vốn không công bằng. Bạn biết điều này chứ? Dù bạn có nhận thấy sự bất công trong xã hội hay không thì cũng đừng hy vọng làm thay đổi được nó. Việc cần làm là hãy thích nghi với nó!
(Sở dĩ như vậy, vì một mình bạn sẽ không thể nào làm thay đổi được sự bất công trong xã hội)
2. Mọi người sẽ không bao giờ ngó ngàng đến lòng tự trọng của bạn, điều mà họ quan tâm chính là thành tựu mà bạn đạt được. Do đó, trước khi có được những thành tựu, bạn đừng nên quá chú trọng hay cường điệu lòng tự trọng của bản thân mình lên!
(Lòng tự trọng quá cao sẽ tỷ lệ thuận với sự bất lợi trong công việc của bạn)
 
3. Thường thì bạn sẽ không thể trở thành CEO, nếu chỉ mới tốt nghiệp trung học. Nhưng khi bạn đã trở thành một CEO thì không còn ai để ý là bạn mới chỉ có tốt nghiệp trung học nữa.
(Lúc này người ta sẽ đánh giá và quan tâm nhiều đến năng lực hơn là bằng cấp của bạn)
 
4. Khi bạn gặp khó khăn hay bế tắc trong công việc, đừng có oán trách số phận! Điều bạn học được khi gặp trắc trở chính là kinh nghiệm và bài học, để lần sau không bao giờ mắc phải nữa.
(Điều cần làm lúc này là trấn tĩnh và bắt tay làm lại từ đầu)
 
5. Nên hiểu một điều rằng: Trước khi có bạn, bố mẹ bạn không phải là những người "chán ngắt, vô vị" như bạn của ngày hôm nay đã nghĩ. Đây chính là cái giá rất lớn mà bố mẹ đã phải trả cho sự trưởng thành của bạn.
(Bạn phải có nghĩa vụ đền đáp công ơn với những người đã dành cả cuộc đời mình cho sự sống và trưởng thành của bạn)
 
6. Khi đi học, bạn đứng thứ mấy trong lớp cũng không phải là vấn đề quan trọng. Nhưng khi đã bước chân ra xã hội thì mọi việc lại không đơn giản như vậy. Dù đi đâu hay làm công việc gì, bạn cũng nên tạo đẳng cấp cho mình.
(Luôn tự nhủ rằng, bạn sẽ luôn là người đứng đầu, như vậy bạn sẽ có động lực và tinh thần nhiều hơn cho sự nghiệp của bản thân)
 
7. Khi đi học, bạn luôn mong chờ đến ngày nghỉ lễ, Tết. Khi đi làm thì hoàn toàn không giống vậy, dường như là bạn sẽ không được nghỉ ngơi. Công việc sẽ cuốn bạn đi bất cứ lúc nào, kể cả ngày nghỉ.
(Nếu là một nhân viên luôn mong chờ ngày nghỉ lễ, thì bạn sẽ bị lạc hậu hơn so với những nhân viên khác. Sự lạc hậu này còn luôn đồng hành với sự đào thải và thất nghiệp)
 
8. Khi ngồi trên ghế nhà trường, lúc gặp khó khăn trong học tập thì có giáo viên giúp đỡ bạn. Tuy nhiên, nếu lúc đó bạn lại cảm thấy mọi khó khăn đều do những yêu cầu quá nghiêm khắc từ phía giáo viên, thì bạn đừng nên đi làm sau khi tốt nghiệp! Đơn giản nếu như không có những yêu cầu nghiêm khắc từ phía công ty, thì chắc chắn bạn sẽ không làm được gì và sẽ nhanh chóng thất nghiệp, hơn nữa, lúc này sẽ không có ai giúp đỡ bạn cả.
(Nên nhận thức được rằng: Công ty sẽ luôn yêu cầu cao hơn rất nhiều so với trường học. Vì ở trường học, dù bạn có học được hay không thì chỉ ảnh hưởng đến cá nhân bạn. Còn ở công ty bạn có làm được việc hay không thì lại ảnh hưởng đến rất nhiều người)
 
9. Mọi người đều thích xem phim truyền hình, nhưng bạn không nên xem nhiều, vì đó không phải là cuộc sống của bạn. Chính công việc ở công ty mới phản ánh cuộc sống thực của bạn.
(Bạn không nên xem phim nhiều, vì tư tưởng của bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi những bộ phim truyền hình đó. Cuộc sống của bạn nên do bạn quyết định)
 
10. Không bao giờ phê bình người khác sau lưng của họ, đặc biệt đừng bao giờ phê phán sếp là người không có năng lực, điều này là không đúng.
(Nếu bạn có thắc mắc gì trong công việc thì nên nói ý kiến của mình trước mặt mọi người. Còn nếu như bạn luôn giữ thái độ và hành động phản kháng sau lưng người khác, thì chỉ có bất lợi cho bạn mà thôi

 
9 Sự thật kinh ngạc về Bill Gates
 

Mỗi ngày Bill Gates kiếm được 20 triệu USD, nếu đổi tài sản của tỷ phú này thành tờ tiền 1 USD có thể làm con đường từ trái đất tới mặt trăng.
Đó là một vài ví dụ trong số 9 so sánh thú vị xung quanh tài sản khổng lồ của tỷ phú Bill Gates, người sáng lập hãng phần mềm Microsoft.
1. Bill Gates kiếm được 250 USD mỗi giây, khoảng 20 triệu USD mỗi ngày và 7,8 tỷ USD một năm.
 
2. Nếu ông ấy đánh rơi một USD, ông ấy sẽ không buồn nhặt lại vì như vậy sẽ mất 4 giây, tức khoảng 1.000 USD.
 
3. Nợ của nước Mỹ là 5,62 nghìn tỷ USD, nếu được giao trả món nợ này, Bill Gates sẽ trả xong trong chưa đầy 10 năm.
 
4. Bill Gates có thể làm từ thiện khoảng 15 USD cho mỗi người trên trái đất mà vẫn còn giữ lại cho riêng mình được 5 triệu USD.
5. Michael Jordan là vận động viên được trả lương cao nhất ở Mỹ. Nếu vận động viên này không ăn không uống, giữ lại toàn bộ thu nhập khoảng 30 triệu USD mỗi năm, thì phải đợi đến đến năm 227 tuổi mới giàu như Bill Gates hiện nay.
 
6. Nếu Bill Gates là một quốc gia, ông ấy sẽ là quốc gia giàu có thứ 37 trên trái đất.
 
7. Nếu bạn có thể đổi tất cả tiền của Bill Gates thành tờ 1 USD, bạn có thể làm con đường nối từ trái đất đến mặt trăng. Để làm con đường bằng các tờ tiền 1 USD này, bạn phải mất 1.400 năm và sử dụng 713 máy bay Boeing 747 để chở số tiền đó.
8. Năm nay, Bill Gates đã ở tuổi 54. Nếu giả dụ sống thêm 35 năm nữa, ông ta phải tiêu 6,78 triệu USD mỗi ngày mới hết số tiền ông ấy kiếm được hiện nay.
 
9. Nếu người dùng hệ điều hành Microsoft Windows có thể lấy được 1 USD với mỗi lần máy tính treo vì lỗi của hệ điều hành, Bill Gates sẽ phá sản chỉ trong 3 ngày.
10 việc làm có ích lợi nhất cho cộng đồng của Bill Gates
 

Từng là người giàu có nhất thế giới, nhà sáng lập Microsoft đã cùng vợ cho đi hàng tỷ USD, để góp phần cứu giúp hàng triệu người trên toàn thế giới.
Phải cảm ơn những công việc Bill Gates đang làm với quỹ từ thiện Bill và Melinda Gates, khi ông cho đi hàng tỷ USD của mình để chống lại sự lan tràn của dịch bệnh, và phát triển nguồn lương thực cho những người cần thiết nhất trên thế giới. Theo Business Insider, dưới đây là 10 dự án thiết thực nhất từ quỹ từ thiện của Bill Gates.
 
1/ Nghiên cứu chuối
 
 
Quỹ Gates đang tài trợ cho việc nghiên cứu để cho thêm chất sắt và Vitamin A vào chuối. Sau khi được biến đổi, giống chuối này sẽ được phân phối ở Uganda. Một nhà khoa học của trường Đại học Queensland, Australia đang thực hiện dự án trên, nói:
"Chuối cũng là một trong những thực phẩm cai sữa tốt nhất cho trẻ em. Chuối sẽ được đóng gói trong điều kiện vô trùng và không cần nấu chín”.
 
2/ Loại trừ bệnh bại liệt
 
 
Các ca bại liệt đã giảm xuống 99% và quỹ Gates muốn loại bỏ hoàn toàn căn bệnh này. Quỹ đã thực hiện một chương trình tiêm chủng tích cực và việc tiến hành đang được thúc đẩy cho một số khu vực còn lại trên thế giới.
 
3/ Làm giảm bệnh sốt rét
 
 
Quỹ Gates vừa giúp đỡ các ca nhiễm sốt rét ở Zambia bằng việc đầu tư vào một chương trình thử nghiệm. Theo đó, chương trình này giúp người dân nằm trong giường có màn trừ muỗi và giúp họ phun thuốc xịt muỗi trong nhà. Dự án này đã hoạt động tốt và hoàn thành ở các quốc gia khác. Ngoài ra, quỹ Gates cũng đầu tư vào việc tìm kiếm vắc-xin phòng bệnh sốt rét và các loại thuốc diệt muỗi mới.
 
4/ Biến phân thành năng lượng sinh học
 
 
Nhà khoa học Katarik Chandran nhận được 1,5 triệu USD tiền trợ cấp từ quỹ từ thiện của Bill Gates, để thực hiện dự án biến phân người thành năng lượng diesel sinh học. Nếu thành công, nó sẽ là cách tuyệt vời để biến chất thải cua người thành một thứ hữu dụng.
 
5/ Tăng 'sức khỏe' cho cây sắn
 
 
Quỹ Gates đã tài trợ cho một nhóm nghiên cứu nhằm làm giảm chất xyanua tự nhiên trong củ sắn. Ngược lại, nó làm tăng protein, sắt, kẽm, vitamin A và E để tạo sức đề kháng với những căn bệnh mới của cây sắn. Sắn là loại lương thực phổ biến với 800 triệu người trên toàn thế giới.
 
6/ Chi 42 triệu USD để sáng chế toilet
 
 
Bill Gates muốn giúp đỡ 40% người trên thế giới không có nhà vệ sinh cần thiết, bằng cách xây dựng những toilet độc lập mà không cần đường nước hoặc điện, để biến chất thải thành năng lượng, nước sạch hoặc các chất dinh dưỡng.
 
7/ Chi 2 tỷ USD để chống lại HIV
 
 
Quỹ Gates đã đóng góp một phần nhỏ làm giảm tỷ lệ nhiễm HIV mới từ năm 2001 đến 2008. Quỹ này bỏ tiền vào vắc-xin, ngăn chặn sự bùng phát của căn bệnh thế kỷ ở Châu Phi và làm giảm chi phí điều trị của người bệnh.
 
8/ 1,5 tỷ USD cho phụ nữ và các vấn đề sức khỏe trẻ em
 
 
Ngày 7/6/2010, bà Melinda Gates tuyên bố Quỹ Bill & Melinda Gates sẽ tài trợ 1,5 tỷ USD trong vòng 5 năm tới, để hỗ trợ các dự án của nước ngoài liên quan tới chăm sóc sức khỏe của bà mẹ và trẻ em. Khoản tiền này sẽ được đầu tư đến hết năm 2014 và phần lớn được hỗ trợ cho các chương trình nghiên cứu tại Ấn Độ, Ethiopia và một số nước có tỷ lệ phụ nữ và trẻ em tử vong cao.
 
9/ Nghiên cứu dùng muỗi tiêm vắc-xin
 
 
Năm 2008, quỹ từ thiện Bill và Melinda Gates thông báo tài trợ 100.000 USD cho các công trình nghiên cứu khoa học, nhằm phòng chống hoặc điều trị các bệnh lây nhiễm như HIV/AIDS và lao, tìm cách hạn chế sự kháng thuốc ngày càng tăng. Trong đó, có giải pháp của Hiroyuki Matsuoka ở Đại học Y khoa Jichi (Nhật Bản), biến muỗi thành loại “kim chich bay” để tiêm vắc-xin cho người.
 
10/ Kêu gọi các tỷ phú khác quyên tiền
 
 
Bill và Melinda Gates không chỉ muốn cho đi số tiền của mình, mà họ còn muốn các tỷ phúc khác làm điều tương tự. Càng nhiều tiền được đóng góp, cuộc chiến chống lại các căn bệnh trên toàn thế giới càng hiệu quả hơn. Nỗ lực này nhận được sự ủng hộ của tỷ phú, nhà đầu tư Warren Buffett. Đến nay, có ít nhất 40 gia đình và cá nhân giàu có nhất Hoa Kỳ, bao gồm ít nhất là 30 tỷ phú đã hứa hiến tặng ít nhất là một nửa số tài sản của họ cho việc từ thiện.
 
B.M
Thái Nguyễnsưu tầm

Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

Những Mùa Trăng Tháng Tám


Tôi về lại một mùa trăng tháng tám
má tôi buồn đôi mắt ướt bên song
hàng bông bụp trước nhà tôi xanh ngắt
nở đôi bông vừa đủ nhớ âm thầm

con sông nhỏ mừng tôi con nước đứng
vườn cây xanh hoa bưởi gọi hương về
tôi đứng ngó cuối con đường thanh vắng
những ngôi nhà đau phổi ở thôn quê

ôi chế độ bây giờ ưu việt quá
em bỏ trường theo chúng bạn đi xa
thương thằng út quê mùa như cỏ dại
nên chút mây giăng trên mắt mẹ già

tôi về lại một mùa trăng tháng tám
em đi rồi hoa cúc nở nhà ai
mơ nhãn chín thương bầy dơi lãng mạn
lượn quanh tôi ngàn cánh nhớ ưu hoài

tôi về lại một mùa trăng tháng tám
bếp cũ chiều nghiêng hoa khế bay
mẹ tôi mắt đỏ buồn trong khói
cười để mênh mông tiếng thở dài

Lâm Hảo Khôi

Thơ Tranh: Ngày Lễ Mẹ


Thơ: Hoàng Dũng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Chữ Hiếu Qua Ca Dao Của Người Đất Vĩnh


Nhân Mùa Báo Hiếu, chúng ta cùng đọc lại những câu ca dao đậm tình hiếu nghĩa có nguồn gốc từ Vĩnh Long


Ơn cha nặng lắm ai ơi
Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang

Không gì bằng cơm với cá
Không gì bằng má với con


Anh hiếu bao nhiêu gọi rằng hiếu nghĩa?
Em hiếu thế nào được gọi Hiếu – Ân?
Chớ qua đây Trung Hiếu vẹn toàn
Như sông Cổ Chiên ngày đêm xuôi chảy chẳng màng lợi danh!

Công cha nghĩa mẹ chưa đền
Hiếu trung chưa trả sao em ôm mùng mền theo trai?

Cái ngủ con ngủ cho lâu
Mẹ con đi cấy ruộng sâu chưa về

Cái ngủ con ngủ cho say
Mẹ con vất vả chân tay tối ngày


Anh thương nàng hết bảy, còn ba
Để thương cha mẹ già cùng với hai em

Bông ngâu rụng xuống gốc ngâu,
Em còn phụ mẫu dám đâu tư tình.
Bớ người khăn trắng hồ dương,
Lại đây kết nghĩa tình thương cho rồi.

Con ơi con ngủ cho lâu
Má còn nhiều việc bù đầu sớm khuya
Chiều chiều chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ (bạn) chín chiều ruột đau.

Thà tôi mặc rách, để cha mẹ mặc lành
Công cha mẹ sinh thành mới có con vợ của tôi

Chiều nay đi ra sông cái
Em tự ải cho rồi
Chớ sống làm chi biệt ly quân tử
Thà thác cho rồi được chữ hiếu trung

Tre già che bóng măng non
Tình sâu nghĩa nặng mãi còn ngàn nam

Chiều chiều ra ngõ hái rau
Thương cha nhớ mẹ ruột đau như dần

Có con, nghĩ mẹ thương thay
Chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau

Đạo mẹ cha mất đà khó kiếm
Nghĩa can thường chẳng hiếm chi nơi!

Lên non khấn vái Phật trời
Cầu mong cha mẹ sống đời với con

Lưu ly nửa nước, nửa dầu
Nửa thương cha mẹ nửa sầu lỡ duyên

Má ơi đừng đánh con hoài
Để con kho cá bầm xoài má ăn

Má ơi! đừng đánh con đau
Để con bắt ốc hái rau má nhờ
Má ơi đừng đánh con hoài
Để con bắt ốc gọt xoài má ăn.

Mẹ già ở túp lều tranh
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con

Ngồi buồn nhớ mẹ thuở xưa
Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương

Huỳnh Hữu Đức Sưu Tầm

Thơ Tranh:Giọt Buồn

Nỗi buồn từng giọt nhẹ rơi...

Thơ & Thơ Tranh: Suối Dâu


* * *
Chào bạn Suối Dâu,
Bạn cho ăn ké với. nhưng ké với bài Giọt Tình

Giọt Tình

Giọt tình rơi nhẹ bên hiên
Gợi buồn kỷ niệm triền miên ngập lòng
Trăng chơi vơi giữa dòng sông
Trong ta sương tỏa mênh mông nghẹn lời.

Thu sang vàng úa ngập trời
Để cho hoa nắng trùng khơi kéo về
Một mình bóng lẻ bên hè
Dòng sông nghe mõi lê thê đầu nguồn.

Hoa tàn sõi đá cũng buồn
Em đi cây lá con đường ngẩn ngơ
Ta về chép vội vần thơ
Gởi theo con sóng sang bờ bến xưa.

Nhìn màu nắng nhạt lưa thưa
Mà sao nghe lạnh như vừa mất em
Gió buồn gọi hạt mưa đêm
Nhớ em từng lúc bên thềm trăng khuya.


Dương Hồng Thủy
15/08/2014

***
Giọt Nhớ


Giọt Nhớ, chút cảm xúc khi đến Quebec trong một buổi chiều vàng rơi trên dòng sông, một mình .... đẹp và thơ mộng lắm.


Quebec một chiều nắng đẹp
Dòng sông mỉm cười con nước hồn nhiên
Nghe hơi thở thì thầm trò chuyện
Sóng trong lòng cũng chợt bình yên

Ly cà phê say hương gió quyện
Từ nơi nào lưu luyến đưa sang
Một chút chao nghiêng chút ngỡ ngàng
Hớp giọt cuối hồn mênh mang nhớ


Kim Oanh
Quebec2012
***
Chào Suối Dâu thương mến với vài câu tâm tình mộc mạc

Pleiku mình có suối dâu
Từ xưa suối vẫn một màu mộng mơ
Suối ơi! Kẻ đợi người chờ
Chảy đi biền biệt bao giờ gặp nhau
Ngàn dâu xanh biếc một màu
Suối ơi! Từ ấy xa nhau nghìn trùng


Ngô Quang Diệp

***
Giọt Buồn Không Tên

(Cảm tác từ “Giọt buồn” của Suối Dâu)

Nỗi buồn gặm nhấm phủ phê
Xót xa chìm đắm sầu tê tái về
Đâu rồi ngày tháng si mê
Lối mòn xưa cũ tìm về dấu yêu

Cuộc tình nắng sớm mưa chiều
Hắt hiu giọt đắng lặng thiu ru tình
Bóng đi còn lại mỗi hình
Tìm về kỷ niệm khắc in cuộc đời

Ngậm ngùi chiếc lá thu rơi
Cuốn theo chiều gió mộng ơi vỡ rồi
Còn chăng tiếc nuối mà thôi
Đò tình lỡ chuyến sầu rơi giọt buồn

8/2014
Thiên Thu

Túc Kiến Đức Giang - 宿建德江



宿建德江      Túc Kiến Đức giang
       Mạnh Hạo Nhiên (689 - 740)

移舟泊煙渚, Di chu bạc yên chử
日暮客愁新。 Nhật mộ khách sầu tân
野曠天低樹, Dã khoáng thiên đê thụ
江清月近人。 Giang thanh nguyệt cận nhân

                                           Mạnh Hạo Nhiên

Dịch Xuôi : Ngủ Qua Đêm Bên Bờ Sông Kiến Đức

Dời thuyền đến neo ở bến sông mịt mờ sương khói
Chiều xuống khơi dậy nỗi buồn xa nhà
Đồng vắng mênh mông, trời như sà xuống thấp đến ngọn cây
Dòng sông trong xanh , ánh trăng lấp lánh quẩn quanh bên người
 


Chú Thích : Sông Kiến Đức ở tỉnh Chiết Giang bên Tàu 

Dịch: Ngủ Đò Một Đêm Trăng

Bài 1 

Dời thuyền tìm bến đỗ 
Sương khói chiều xa nhà.
Đồng vắng ôm trời ngủ 
Riêng trăng thức với ta.
 
Bài 2
Thuyền ngủ bên sông vắng 
Chiều buông mờ khói sương.
Đồng hoang trời xuống thấp 
Trăng nước cũng tha phương. 

Phạm Khắc Trí 
07/22/2014


* * *
Các Bài Thơ Dịch: 


   Ng  Đò Trên Sông Trăng
Thuyền neo đậu ở bến sông 
Mịt mờ sương khói mênh mông khoảng trời 
Chiều buông chầm chậm xa khơi 
Lòng buồn man mác trông vời cố hương 
Bao la đồng vắng sầu vương 
Bầu trời sà thấp ngang đường ngọn cây 
Trong xanh dòng nước dâng đầy 
Tơ trăng lấp lánh vàng xoay quanh người. 
                        Phương Hà phỏng dịch
* * *
     Đêm Trên Sông Kiến Đức 
Thuyền neo bến lạnh khói sương 
Chiều buông khơi dậy nỗi buồn xa quê 
Mênh mông đồng vắng bốn bề 
Trời như xuống thấp lè tè ngọn cây 
Sông xanh trăng sáng chan đầy 
Cô đơn treo ánh trăng vây quanh người 
                                       Trầm Vân 
* * *
Tr Sông Kiến Đức 
1/
Ghé thuyền bên đảo vắng,
Chiều xuống khách sầu vương.
Đồng rộng trời như thấp,
Nước trong trăng tựa gương.


2/
       Buộc thuyền trong khói sóng mờ,
  Trời chiều lòng khách ơ hờ quạnh hiu.
        Cây cao trời thấp xuống nhiều,
Trăng soi mặt nước xiêu xiêu cạnh người.
                                Đỗ Chiêu Đức.
* * *
    Đêm Trên Sông Kiến Đức 
Sương khói mờ thuyền neo đỗ bến
Chiều dần buông khách dậy sầu lên
Đồng mông quạnh vắng trời như thấp
Trăng ngập quanh ta nước một dòng 
                          Kim Phượng 
* * *
   Ở Lại Sông Kiến Đức 
Nơi bến sương thuyền đỗ 
Chiều rơi khách não nề
Đồng hoang trời tiếp đất
Sóng nước khách trăng kề 
                        Quên Đi