Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Tịnh Ngọc Xá - Vĩnh Long












Trương Văn Phú

Trở Về Mái Nhà Xưa


     (Nhân ngày Father’s Day)

Con trở lại ngôi nhà xưa lạnh lẽo
Nhìn dòng sông in bóng nước phù vân
Ba thật sự trở thành người thiên cổ
Bình hương tro nằm đựng xác thân tan.

Con đứng giữa gian từ đường hoang phế
Lòng sắt se tưởng nhớ thuở vàng son
Ba đã sống trọn niềm đau thế hệ
Và bạc đầu theo từng bước chân con.

Ba để lại bình trà vàng sĩ khí
Sùng sục sôi tiết tháo một nhà nho
Mùi trà bay thơm tận cùng ý chí
Sáu mươi năm con giữ vẹn từng giờ.

Ba như gốc bách tùng cổ thụ
Che đời con khỏi nắng dữ mưa thâm
Cây bao giờ cũng vươn cành hy vọng
Làm bóng râm cho thành tựu nẩy mầm.

Ba là gió cho tình con lồng lộng
Là mây xanh cho ước mộng con bay
Là dòng sông cho thuyền con xuôi sóng
Là núi cao cho ngất ngưỡng thân trai.

Ba là sách gối đầu con vinh hiển
Là nước nguồn làm trong sạch đời con
Là ca dao đưa con về nguồn cội
Là quê hương vang dội tiếng hò khoan.

Con trở về ngôi nhà xưa dột nát
Bới tàn tro để tìm lại dư hương
Chỉ còn đây di ảnh ba nhòa nhạt
Ôi mất rồi một mái ấm yêu thương.

(Escondido, 18/06/2011)

Phạm Hồng Ân

Thơ Tranh: Nhớ Mẹ


Thơ: Lục Lạc 
Thơ Tranh: Kim Oanh

Chút Kinh Nghiệm Trồng Thanh Long Ở Melbourne

      Chào các bạn,
     Thật ra tôi trồng Thanh Long chẳng có bài bản gì duy có chút kinh nghiệm của con nhà vườn rồi làm đại thôi Tuy nhiên tôi thấy kết quả không tệ. 
      Trước khi bắt tay trồng Thanh Long phải có một vài chuẩn bị, đầu tiên chọn hom, có hai cách chọn hom là cây giống hoặc trồng bằng hạt giống.
      Chọn hạt thì thời gian ra trái sẽ lâu hơn. Đối với cây giống (hom) ở Việt Nam, khí hậu nóng có thể trồng từ 8 tháng đến 18 tháng cho trái đầu tiên. 

      Riêng tại Melbourne khí hậu lạnh tôi trồng đến 3 năm mới ra trái.  
      Chọn hom lấy cành có tuổi độ 1 năm, theo sách vở thì cắt từ 50 cm đến 70 cm.
      Riêng tôi cắt từ  30 - 50 cm là lý tưởng rồi (vì thật ra hiện tại giống còn ít cắt dài làm sao có đủ tặng bạn bè)
      Kế đến chuẩn bị đất sau khi trồng trụ tôi chọn cây red gum 
- Cao 2.4 m chôn khoảng 0.6 m cao còn 1.8 m . 
- Cuốc đất chung quanh trụ đường kính từ 1 - 1.5 m sâu khoảng 20 cm , 
- Đổ top soil loại trồng cỏ cho có nhiều cát (Thanh Long thích đất cát trái ngon hơn đất phù sa ).
-  Rải một lớp phân dynamic từ 0.5-1 kí hay Super lân, 
- Một ít phân lạnh urê và một bao phân chuồng gà hay bò, phân gà Thanh Long thích hơn. 

      Hom có thể trồng liền hay ươm trước cho ra rể. Nên ốp sát vào bề mặt của trụ từ 2-4 hom mỗi trụ . Khi cắm trồng không sâu quá 5 cm, nếu sâu quá cây giống dễ bị thúi. 
      Khi cây đã đâm chồi mình có thể pha phân lạnh tưới dưới gốc cả thân cây để cây phát triển nhanh. 
     Thỉnh thoảng pha phân cá tưới cũng rất tốt.Mỗi năm mình cho phân khoảng 3 lần, riêng phân chuồng 1 lần trong năm là đủ.
      Thanh long tuy chịu khô hạn được nhưng không phát triển tốt, vì thế nên giữ đất hơi ẩm nhưng không bị đọng nước.

      Khi Thanh Long có  trái, khô quá hay nước đọng dễ bị rụng. Trong thời kỳ Thanh Long mang trái nên bón thêm phân NPK, KCL cho trái thêm hương vị ngon ngọt. 
      Nên dùng dây cột hom vào trụ để giữ cho hom không bị lung lay và rể non mau bắt đất. Ở Việt Nam người ta dùng đèn kích thích cho trái theo ý muốn, nơi nầy mình trồng mua vui nên đâu cần tốn điện. Nhưng Thanh Long ra trái lủc chưa mưa bao giờ cũng ngon ngọt hơn lúc mùa mưa.

      Các bạn thân mến,
     Tôi chỉ có chút hiểu biết ít ỏi về Thanh Long mà thôi, đối với những người chuyên nghiệp như ếch ngồi đáy giếng
       Thân mến

Một vài hình ảnh mời các bạn xem:

Giàn Thanh long này có trái mùa thứ nhất sau khi
trồng được 3 năm. Thanh long ngoài cách trồng xuống đất cũng có thể trồng trong chậu bằng những
thùng rượu vang cắt đôi 
Thanh Long trồng trong chậu năng suất không thua gì trồng dưới
đất mà có ưu điểm :
- Đở choáng chỗ, dễ chăm sóc, cho trái nhiều.
Mời các bạn ngắm nhìn các chậu Thanh Long đã trưởng thành và những chậu vừa trồng 1 năm tuổi

Phong Điền
Melbourne, Australia

Vịnh Bốn Mùa


Xuân
          Chim én ríu-rít về 
          Mơn-mởn lá sum-sê 
          Ngàn hoa khoe sắc thắm 
          Liễu rũ cành lê-thê 

Hạ
          Hồ sen xanh bát ngát 
          Lựu đỏ rực lá cành 
          Ve sầu kêu ra-rả 
          Nắng đổ khắp đồng xanh 

Thu
          Hiu-hắt gió heo may 
          Sông nước nhuộm màu mây 
          Vịt trời lanh-lãnh gọi 
          Lá đổ từng lớp dầy 

Đông
          Trắng xóa khắp đồng hoang 
          Ngấn lệ tuyết vương cành 
          Rừng cây trơ-trụi lá 
          Đào cười gió đông sang 

  MaiLoc
12-12-11

Một Mai Em Đi - Trường Sa -Thùy Dương

      Bài hát Một Mai Em Đi nói về cuộc chia tay sắp xảy ra làm cho người ở lại ,người sắp ra đi biết trước lần chia tay này sẽ khó mong gặp lại và họ cũng biết rằng rồi sau này sẽ có ngày hối tiếc..
      Giọng ca Thùy Dương hơi lạ ,nhưng nó cũng có sức truyền cảm,và phần phối âm cũng rất hay,dễ cho chúng ta thấy thích bản nhạc này..Sau này Thùy Dương cũng hát lai bài này nhưng trên nền phối âm mới,theo tôi bản phối âm cũ cách nay khoảng 20 năm nó vẫn rất hay


Sáng Tác: Trường Sa
Tiếng Hát: Thùy Dương
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Ánh Mắt Còn Đây


        (Từ thơ tranh “Nụ Cười Còn Đó” của Hoàng Dũng)
Ánh mắt người trao ngời sáng tươi
Theo ta trên khắp nẻo đường đời
Mỗi khi đêm xuống luôn hoài nhớ
Hay lúc ngày lên lại ghé chơi
Tâm sự đầy vơi, sầu mắt biếc
Nỗi niềm sâu lắng, tái tê người
Dòng đời xuôi ngược lòng lưu luyến
Ánh mắt còn đây tri kỷ ơi…

Thiên Thu

Sự Tích Cái chân Sau Của Chó




Ngày xưa có một người đàn bà tên là Thanh Đề rất sùng đạo Phật. Bà ta sùng Phật đến nỗi cho rằng những cơm bánh do lúa gạo người ta trồng ra ở đồng ruộng thì không thể nào tinh khiết được, nên không một thứ nào đáng đem lễ Phật. Vì thế, hằng năm bà ta trồng lúa nếp trong những cái gáo dừa đựng đất sạch. Luôn luôn bà treo cái gáo đó lên một chỗ cao vì sợ có người bước qua. Khi lúa chín, bà thận trọng rứt từng hạt một, giã nó bằng một cán dao mới tinh, rồi mới đưa nắm gạo đó đựng vào bát thờ mà dâng lên chùa. Một hôm, ở một ngôi chùa lớn trong vùng có mở hội đón tiếp khách thập phương. Vị hòa thượng chùa ấy cắt đặt một số sư tiếp nhận những lễ vật của thiện nam tín nữ đem đến cúng Phật. Bà nghe tin không quản đường xa, vội đưa nắm gạo nếp tinh khiết của mình tìm đến cúng ở chùa đó. Không ngờ mấy vị sư kia chỉ chú ý đến lễ vật hậu hỷ của những người khác, mà chả ai tưởng đến bà và nắm gạo của bà. Chờ suốt một ngày không thấy ai nhận, người đàn bà nọ tức mình, ném nắm gạo xuống đất rồi bỏ ra về. Ít lâu sau, bà ta sửa một lễ cúng Phật tại nhà mình rồi mời hòa thượng và các sư chùa đó đến tụng kinh. Theo lệ thường, trước khi ra về chủ nhân phải làm bánh tặng họ ăn đường. Để làm nhục bọn sư bất lương, bà ta giết một con chó lấy thịt băm nhỏ với các thứ rau thơm làm nhân bánh. Sau bữa cơm chay, bà ta đem bánh do tặng mỗi người một chiếc. Đoán được mưu mẹo của người đàn bà, vị hòa thượng dặn các nhà sư cầm bánh về chứ đừng ăn. Họ đều vâng lời, duy chỉ có một nhà sư là quên mất. Dọc đường thấy bánh thom ngon, sư ta bèn bóc ăn kỳ hết. Những người khác khi đưa bánh về biết là nhân thịt chó đều quẳng cả vào gốc cây bồ đề ở trước chùa. Tất cả những việc đó đều thấu tai đức Phật. Trước hết, đức Phật trị tội bọn sư bất lương và tham lam. Bọn họ bị bắt xuống địa ngục. Con chó chết oan được sống lại. Nhưng vì nó đã bị nhà sư kia ăn mất một chân nên lúc trở về cõi thế chỉ còn có ba chân. Đức Phật thấy thế chắp cho nó một chân giả khác để nó tiện đi lại[1]. Những thứ rau thơm làm nhân bánh bị vứt dưới gốc bồ đề cũng như phép Phật mọc lại xanh tốt. Đó là ba cây rau om, hành và sả. Vì những loại cây ấy bị nhà chùa coi là đã uế tạp cho nên sau này những người xuất gia đều kiêng không dùng. Vê phần người đàn bà cũng bị tội nặng: Phật bắt bà ta bỏ vào tầng ngục thứ mười. Có người bảo đó là bà mẹ ông Mục Liên, sau này ông ta từng xuống dưới đó thăm mẹ.



Truyện bà mẹ Mục Liên đại khái như sau : Xưa có ông La Bốc mồ côi cha rất có hiếu với mẹ... Nhưng mẹ ông ta lại tham lam quỷ quyệt. Ông chịu khó làm ăn được nhiều tiền gửi cho mẹ. Mẹ phung phí hết nhưng lại nói dối với con là đem cúng Phật. Mẹ chết, La Bốc theo đức Phật tu hành, lấy tên là Đại Mục Kiên Liên (hay Mục Liên). Trong một chuyến đi vào nơi âm hồn ở, Mục Liên chỉ gặp bố không thấy mẹ, hỏi Phật thì Phật cho biết vì gian tham nên bị đày xuống địa ngục. Mục Liên xin phép xuống thăm. Qua ngục Hung-giao, ngục Khôi-hà, hết ngục này đến ngục khác, được xem hàng nghìn cách hành hạ tội nhân, nhưng ông vẫn chưa gặp mẹ. Mãi sau một tên quỷ đưa đến ngục A-tỳ mới gặp. Thấy mẹ kêu cứu, ông thương quá toan đưa mẹ đi nhưng quỷ không cho. Sau xin mãi với Phật, Phật biến người mẹ thành chó cái đi theo Mục Liên. Sau đó, Mục Liên hóa phép cho mẹ thành người và khuyên phải sửa đổi tính xấu. Bà mẹ nghe lời và nhờ đó, một hôm, vào ngày rằm tháng Bảy được Phật cho lên trời. Từ đó vào ngày rằm tháng Bảy, người ta quen cụng lễ người chết, nhà chùa thường làm chay "phá ngục cho tội nhân, cũng gọi là ngày "vong nhân xá tội" 

Theo http://maxreading.com/

Huỳnh Hữu Đức sưu tầm

Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

Mẹ Xưa - Thơ Khánh Hà - Phổ Nhạc Võ Tá Hân


Thơ: Khánh Hà
Phổ Nhạc & Thực Hiện Youtube: Võ Tá Hân
Ca sĩ Hạnh Nguyên

Vu Lan Ân Nghĩa Một Đời





Vu lan báo hiếu một mùa
Riêng tôi trả hiếu lũy thừa nhân lên
Trả một đời cũng chưa đền
Ơn cha nghĩa mẹ tạo nên thân này

Vu lan những cánh hồng bay
Vào trong tiềm thức người hay, kẻ hiền
Mặc dông bão, thời đảo điên
Đời hư tâm tịnh còn nguyên nghĩa tình

Vu lan đâu phải riêng mình
Mùa chung từ thuở binh minh loài người
Dầu khác nhau tiếng nói cười
Vẫn chung hai chữ ơn đời nghĩa nhân

Vu lan nở nụ từ tâm
Thành sen ngàn đóa trong đầm ngát hương
Dâng lên trời đất thập phương
Mượn hoa hiến Phật cúng dường trai tăng

Vu lan Mẹ như trăng rằm
Cha như minh nhật thăng trầm vẫn vui
Cho con tất cả ngọt bùi
Đắng cay cam chịu ngậm ngùi riêng mang.

Vu lan hai chữ nhẹ nhàng
Một đời ơn nặng tận ngàn thu sau.
Công Cha nghĩa Mẹ nhiệm mầu
Vu Lan báo hiếu khắc sâu đáy lòng.

Túy Hà

Thơ Tranh: Mùa Hiếu Hạnh


Thơ & Thơ Tranh; Yên Dạ Thảo

Đi Tìm Cội Nguồn Tục lệ "Bông Hồng Cài Áo"


Mỗi năm mỗi thắp đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.  
Ca Dao
Trong ngày lễ Vu Lan, đến chùa thắp nhang cúng Phật, nghe kể câu chuyện "Mục Liên Tìm Mẹ".
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một (đậu), như đường mía lau. 

Ca Dao
Chúng ta không khỏi bùi ngùi cảm động
Mẹ già như trái chín cây
Gió đưa mẹ rụng con rày mồ côi
 
Ca Dao

      Vu Lan mùa Báo Hiếu, tục lệ có từ ngàn xưa, ai cũng đều biết rõ, chỉ riêng chuyện đoá hoa Hồng và Trắng cài trên áo, biểu tượng cho người còn hay mất mẹ có nguồn gốc từ đâu, tự bao giờ thì ít được đề cập đến. Chúng ta cùng tìm hiểu về cội nguồn của Tục lệ này.

      Vào những năm đầu của thập niên 60 của thế kỷ 20, Thiền Sư Nhất Hạnh có viết một bài hồi ký mang tựa đề "Bông Hồng Cài Áo". Quyển hồi ký được in với kích thước khiêm tốn, có thể bỏ vào bao thư để gởi tặng nhau, phát hành khắp Miền Nam Việt Nam, rất được mọi người yêu thích, đón nhận nồng nhiệt, tái bản nhiều lần.

      Theo lời kể lại của Thiền Sư Nhất Hạnh trong quyển hồi ký "Bông Hồng Cài Áo" như sau:
"Vào năm 1962, trong chuyến đi Nhật nghiên cứu Phật Hoc, vào đúng dịp Ngày Của Mẹ mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.

Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan."...

 

      Sau đó, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã lấy ý từ quyển hồi ký này viết nên ca khúc "Bông Hồng Cài Áo" nổi tiếng, và sống mãi với thời gian như chúng ta đã thấy.
 
      Thiền Sư sau khi nghe bài hát của Phạm Thế Mỹ, Người có nhận xét:
- Phạm Thế Mỹ làm Bài Bông Hồng Cài Áo rất dễ dàng và tự nhiên như thở vào thở ra , tự nhiên như bước chân đi dạo, tự nhiên như khi nâng chén trà lên uống. Tôi không thấy tôi và nhạc sĩ là hai người khác nhau khi nghe ca khúc Bông Hồng Cài Áo, trước kia cũng vậy và bây giờ cũng vậy.

      Sau này, khi được hởi về tại sao Thiền sư lại chọn hoa hồng mà không phải là loài hoa nào khác? Phải chăng đơn thuần chỉ vì hoa hồng là loài hoa biểu trưng cho tình yêu?
Thiền Sư trả lời:

- Mình nên hiểu chữ hồng trong bông hồng là đỏ. Cài hoa hồng thì cài hoa hồng đỏ. Cài hoa khác như hoa cẩm chướng thì cẩm chướng màu cũng đỏ, không nhất thiết là phải có hoa hồng (rose). Và khi Mẹ không còn, Cha không còn thì được cài hoa trắng . Các đệ tử người Hoa của tôi khi làm lễ Bông Hồng Cài Áo đầu tiên tại Đài Loan năm 1995 thì họ dùng hoa cẩm chướng màu đỏ và trắng cho buổi Lễ Cài Hoa tưởng nhớ Mẹ Cha. Mẹ Cha còn thì cài hoa cẩm chướng màu hồng. Mẹ Cha mất thì cài hoa cẩm chướng màu trắng. Bất cứ hoa gì cũng được kể cả hoa lan.

Nếu bạn là Phật tử, bạn phải biết giáo pháp đức Thế Tôn có công năng chuyển rác thành hoa, biến phiền não thành bồ đề, dựng lại tình thâm từ xác chết hận thù. Cha Mẹ là Bụt đó, đừng đi tìm Bụt nơi nào khác. Ngày hôm nay bạn nói được câu gì, làm được cử chỉ gì để Mẹ vui, để Cha vui thì làm ngay đi, đừng để tới ngày mai, sợ rằng muộn quá. Đọc Bông Hồng Cài Áo để nhớ điều đó. Tôi chúc bạn một ngày Vu Lan thật ngọt ngào, thật hạnh phúc, thực tập thành công.
Nếu bạn được cài bông trắng, nên quán chiếu là Cha hoặc Mẹ vẫn còn trong bạn và có mặt trong từng tế bào của cơ thể bạn. Đưa bàn tay lên nhìn, bạn sẽ thấy bàn tay ấy của bạn mà cũng là bàn tay của Cha, của Mẹ. Trong bàn tay bạn, có bàn tay của Cha, của Mẹ. Bạn hãy đưa bàn tay ấy đặt lên trán và sẽ thấy, đó là bàn tay của Mẹ hay của Cha đang đặt trên trán bạn. Thật là nhiệm mầu.

      Xin Thiền sư cho biết lần đầu tiên phong trào này được phát động là vào mùa Vu Lan năm nào, tại đâu? Thiền sư có gặp sự trở ngại nào chăng khi đưa ra một nét văn hóa tuy đẹp đẽ song cũng rất mới lạ này?
- Tôi không hề có ý định phát động phong trào Cài Hoa Hồng để tưởng niệm về công ơn mẹ.
Phong trào ấy tự động phát khởi một cách tự nhiên mà thôi. Điều đó cũng làm cho tôi ngạc nhiên.
 

      Theo Thiền sư, giữa Ngày lễ của Mẹ trong văn hóa Nhật và ngày Vu Lan Báo hiếu trong văn hóa Việt Nam có những nét tương đồng và khác biệt nào?
- Khác truyền thống Nhật. Lễ này không những để vinh danh người Mẹ mà cũng để tưởng nhớ và vinh danh người Cha nữa. Mỗi người được cài hai chiếc hoa hồng, một dành cho Mẹ và một dành cho Cha. Chiếc hoa dành cho Cha nằm hơi cao lên một chút để phân biệt với hoa cho Mẹ. Và anh sẽ cài một hoa hồng cho Cha khi Cha còn sống, một hoa hồng cho Mẹ khi Mẹ còn sống...
 

Kết Luận
 

       Theo như quan điểm của Thiền Sư Nhất Hạnh, trong ngày BÁO HIẾU, chúng ta sẽ có hai bông hồng một cho cha và một cho mẹ. Vị trí cao thấp để phân biệt. Nếu có một người mất thì sẽ được thay là một đoá hoa trắng.
       Thế nhưng trên thực tế, trong ngày lễ Vu lan, chúng ta chỉ có một đoá hoa dành cho Mẹ. Có phải ảnh hưởng từ bài hát của Phạm Thế Mỹ:
Một bông Hồng cho em
Một bông Hồng cho anh
Và một bông Hồng cho những ai
Cho những ai đang còn Mẹ
Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn
...


     Cho dù ai đi chăng nữa, Bông hồng cài trên áo trong ngày Lễ Vu Lan, đã trở thành một mỹ tục. Chúng ta không thể quên công ơn của Thiền Sư Nhất Hạnh và Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, những người đã khởi xướng, đã tạo nền móng, để từ đó có được một ngày hội hiếu thảo của người Việt.

    Việt Nam không có Ngày Của Mẹ, Ngày Của Cha như Tây Phương, việc cài bông hồng trên áo trải qua 50 năm vào dịp lễ Vu Lan, đến nay đã thành một tục lệ tốt đẹp mang nét đẹp riêng, một nét văn hoá mới hoàn toàn Việt Nam. Là người Việt, chúng ta cần phải duy trì tuyền thống tốt đẹp này mãi mãi.

Huỳnh Hữu Đức Mùa Vu Lan 2014
(Có thêm tư liệu từ http://langmai.org)

Hoa Tím Bằng Lăng


Hoa bằng lăng mỗi mùa vẫn nở
Người gặp người một thuở quen nhau
Bằng lăng nở tím vườn sau
Nhìn hoa bắt gặp mộng sầu quẩn quanh

Ta bỗng thấy xuân xanh trở lại
Một thoáng thôi … tê tái cả lòng
Con chim lẻ bạn từng không
Tiếng kêu khắc khoải, chạnh lòng xiếc bao

Nghe có chút nghẹn ngào giăng mắc
Người nhớ người se thắt người ơi
Gió rung hoa tím buồn rơi
Nghe giọt đắng rụng xuống đời … chiều nay!


Yên Sơn

Bóng Đơn Đi Giữa Đường Chiều


Em ơi gió lạnh thu vừa
Tàn bao xác lá gọi mùa sang đông
Mai đây nắng đã thôi hồng
Chiều nhìn tuyết đổ chạnh lòng tha hương.
Tuyết rơi trắng cả con đường
Nghe buồn cô lữ dặm trường mình ta
Thẩn thơ dưới bóng chiều tà
Nhìn mây dạ hỏi quê nhà nơi đâu.
Gió đang trở ngọn đông sầu
Chiều mây xám ngắt một màu quạnh hiu
Bóng đơn đi giữa đường chiều
Bên kia em có ít nhiều nhớ ta ?. 


Vĩnh Trinh

Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Thơ Tranh: Có Một Đêm Rằm Không Trăng


Thơ: Hồ Việt Kim Chi
Thơ Tranh: Kim Quang

Hối Tiếc


  (Từ Hiên Đời Vắng Mẹ của Yên Dạ Thảo)

Từ lúc bên hiên vắng mẹ
Má ơi ! Con biết mồ côi !
Từ lúc vắng cha bên đời
Ba ơi ! Con thèm giọng nói !
Sao con không hiểu sớm hơn?
Sao con không cần sớm hơn?
Chỗ ngồi bên hiên để trống
Tiếng tằng hắng cũng không còn !
Đêm về trước sau vắng lặng
Mành treo buồng giũ gió khuya.

Phong Tâm
(Đêm Vu Lan 2014)

Mother In The Dream(Mongolian) - Uudam - Phụ Đề Việt Ngữ



Mùa Hè Đến Thăm Em


Đến thăm em vào mùa hè rực rỡ
Hè Cali không phượng đỏ ve sầu
Lần đầu tiên gặp em, vui òa vỡ
Quen lâu rồi! Mình muôn kiếp quen nhau

Hàng phượng tím chúi đầu hôn nhau đó
Nhỏ và anh, mình bắt chước không nào
Hè nắng gắt nhìn nhỏ anh ngây ngất
Mầu tím buồn tim anh thấy lao chao

Tay nắm tay hai ta cùng đi dạo
Con đường tình mình rảnh bước rong chơi
Ngày mai nhé, em đưa anh ra biển
Thái Bình Dương, mây tím ở chân trời
Tối hôm nay mình lên đồi hóng gió
Đèn lập lòe thành phố đẹp như mơ
Dẫy kim tuyến đủ mầu ta đứng ngó
Em, em à, trăng sao đẹp nên thơ

Đời đẹp quá, đẹp như những bài thơ,
em đã làm gửi anh đầy nhung nhớ
Anh đang ở thiên đàng nơi hạ giới
Ở bên em, anh chới với, chơi vơi….
Anh yêu quá tiếng em cười hớn hở
Mắt cũng cười, tình tứ quá em ơi!
Em nhắm mắt hai vành môi hé mở
Cúi hôn em…tan biến với mặt trời…

Quách Như Nguyệt
8/8/2014

Một Đường Link


Một trái tim
nhỏ nhoi lặng lẽ
Nhịp đập đều dòng máu luân lưu
chảy đong đưa lan tỏa ở trong người
mang sức sống làm hồng môi mắt

Nhưng trái tim
không chỉ là nhịp đập
mà yêu say tha thiết chập chờn
Như mây trời cõng nắng vàng hanh
Như mưa nắng lang thang trên phố nhỏ

Một trái tim
nhỏ nhoi thủ thỉ
Đường link xuyên cảm xúc ánh mắt ngời
Một vườn hồng bất chợt ngát đầy hương
Ôi! Ngớ ngẩn dõi về nơi vô định

Một trái tim
nhỏ nhoi điên đảo
bởi virus yêu gậm nhấm đường link
Như ru hời trong giấc ngủ mê say
Như tia sáng vụt qua rồi chợt tắt

Đường link thoạt vô hình vạn trạng
Nghiêng qua tim khe khẻ gọi miên man
Giọt nắng giọt mưa giọt buồn sâu lắng
Làm cách nào delete được một đường link.

Đông An
 

Lằn Ranh Vô Tình


(Từ Một Đường Link của Đông An)

Có một lằn ranh chập chờn lặng lẽ
Giữa hai người cùng thế hệ tìm nhau
Ánh mắt đong đưa lời nói ngọt ngào
Nhịp đập buồng tim máu đào dậy sóng.

Hai con tim
Không cùng dòng huyết thống
Thế mà nhớ nhung trông ngóng thương yêu
Lừa dối mà chi cho đổ vở nhiều
Hai hướng đời chịu bùi ngùi ngăn cách.

Con tim em
Luôn mang dòng máu sạch
Con tim anh
Đôi lúc lại chập chờn
Thế cho nên hai người mãi cô đơn
Em dỗi hờn anh hững hờ luyến tiếc.

Tình chưa trọn còn so đo hơn thiệt
Con tim ta chưa phân biệt sắc màu
Người đứng nhìn - người nhẹ bước đi mau
Lằn ranh vô tình nghẹn ngào hơi thở.

Mừng em chối từ mây ngàn bỡ ngỡ
Mạnh dạn không còn sợ một đường link
Mắt môi em đằm thắm nụ cười xinh
Anh chợt thấy con tim mình ngơ ngần

Dương Hồng Thủy
(09/08/2014)

Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Vu Lan Tưởng Nhớ


Hoa hồng trắng con cài lên áo
Mà nghe lòng xa xót nao nao

Nhìn người nét mặt rạng ngời
Hồng hoa đỏ thắm nụ cười thương yêu
Ngậm ngùi mong ước một điều
Xin chung góp chút ít nhiều niềm vui
Song thân còn với những ai
Hạnh phúc viên mãn nở hoa lòng người
Công ơn dưỡng dục đời đời
Muôn vàn sắc thắm tuyệt vời hôm nay
Và xin chia sẻ buồn này
Đóa hoa hồng trắng được cài ngực ai
Nỗi lòng tưởng nhớ mẹ cha
Đã xa khuất nẻo trầm kha vô thường
Bây giờ còn lại tủi hờn
Trong lòng con trẻ nhớ thương vô vàn
Tới ngày xá tội vong nhân
Nghẹn ngào thương tiếc mẹ cha chốn nào
Về đâu trong cõi ta bà
Hay là đã được vãng sanh cõi trời
Hôm nay tâm nguyện với đời
Hương trầm tỏa khắp muôn lời nguyện trao
Thập phương chư Phật trên cao
Xin đưa tay dẫn độ vào mẹ cha
Theo chân Đức Phật Di Đà
Về nơi cực lạc an vui Niết Bàn

Mùa Vu Lan 2014
Thiên Thu

Tình Mẹ - Thơ:Thérèse Nguyễn Nhạc:Quách Vĩnh Thiện


Thơ : Thérèse Nguyễn
Nhạc : Quách Vĩnh Thiện
Tiếng hát : Mai Thảo


Giang cánh ấp của tình thương vô lượng,
Cây nhân sinh èo uột đã tươi mầm,
Mẹ dâng hiến trải cõi lòng độ lượng,
Yêu tha nhân không vướng chút vị thân.

Tình mẫu tử ôi mênh mông biển cả,
Dưỡng mầm non hoa cỏ trở cây xanh,
Hiếu với mẹ có khi nào con đã,
Trả ơn cây đã lấy máu nuôi cành,
Ôi nước mắt có bao giờ chảy ngược ?
Nghĩa vị tha ngất ngất đỉnh trời.

Giang cánh ấp của tình thương vô lượng,
Cây nhân sinh èo uột đã tươi mầm,
Mẹ dâng hiến trải cõi lòng độ lượng,
Yêu tha nhân không vướng chút vị thân.

Vắt cạn sữa chỉ suốt đời mơ ước,
Mong các con thật xứng đáng làm người,
Rồi đến lúc cây già nua bóng xế,
Vòng từ sinh lửa leo loét cuối đời,
Thương các con mắt mẹ còn rơi lệ,
Đâu quản thân mình sinh tử đầy vơi.

Paris, le 25 Aout 2009

Thơ Tranh: Giọt Lệ Vu Lan



Thơ: Trầm Vân
Thơ Tranh: Kim Oanh

Chút Tình Buồn Gởi Lại Ba Xuyên


Ở trời nam. nhớ đất phương nam
trời với đất xa nhau mấy biển
con đường xưa xe đạp trắng bông tràm
áo mới nôn nao mùa gió Tết

Em ngóng trời nam ba mươi năm
chiếu đất màn sương đầy hoa sao nở
chút buồn gởi lại Ba Xuyên
ta phiêu bạt như người tình l
Biết có mai này giữa ghế bàn xưa
tay phấn trắng vẻ em buồn như phượng
chút tình gởi lại Ba Xuyên
ta thất trận dẫu không là quân tướng

Quen rồi café quán Sydney
mưa Vancouver ướt người bên Starbucks
bạn bè gọi nhau quán Lú Cali.
nhắc tách café đen thơm mùi thuốc bắc

Chút tình buồn gởi lại Ba Xuyên
đôi mắt đệ tam hàng sao già đệ nhất
chiều tan hoang chưa gặp lại bao giờ
đêm sóng gọi.thấy sông tràn nước mắt

Chút tình buồn gởi lại Ba Xuyên
đi mới thấy ngôi trường đã mất
lòng như đất y nguyên
đem dấu kín mối sầu trang sách

Biết có mai này phố chợ bừng lên
xe đạp cũ cầu Quay vàng kỷ niệm
chút tình buồn gởi lại Ba Xuyên
chút tình cũ. thắp cùng em ngọn nến

Biết có mai này. biết có còn nhau
đôi mắt đệ tam hành lang đệ nhất
biết sẽ mai này
biết chẳng còn nhau
khăn gói ra đi. còn gì em để mất

Lâm Hảo Khôi
(tháng 8-2014)

Thưa Rằng...


    v(Từ "Xin Câu Trả Lời" của Đỗ Hữu Tài)

Thưa rằng những lúc gió sương
Nhìn trăng anh nhớ người thương chứ gì?
Rằng xưa kia em chẳng kiêu kỳ
Tại ai thích ngắm cây si bên đường

Rằng thưa “không” nói mà “thương”
Thương mà không nói lòng vương vấn hoài!
Tiếng “Ừ” ngại nói cùng ai
Thôi thì cứ để thêm ngày đợi mong!

Được lòng thì phải nhọc công
Được tình ắt phải đi vòng quanh quanh
Thở dài nở lớn gan anh
Để mời em bước theo anh chung đường

Cây si trồng trước cổng trường
Biệt ly sầu khúc em thường lắng nghe
Gió ru êm ả chiều hè
Tiếng thơ em ngọt... tiếng ve lạc rồi!

Thắm tình ươm mộng đầy vơi
Thề non hẹn biển trao lời cùng nhau
Hỏi rằng duyên nợ cau trầu
Tu bao nhiêu kiếp tình trao nghĩa đầy?

Duyên thơ mộng mị gió mây
“Sum vầy” hai chữ kiếp nầy có không?
Thuyền xưa ngược gió xuôi dòng
Sông tương bến đổ qua đông hẹn về

Biết rằng ngày tháng cận kề
Mà nghe xa vắng bộn bề nhớ nhung
Người mơ hai chữ “tương phùng”
Em mơ hai chữ “thủy chung” thuyền tình!

Yên Dạ Thảo
03.08.2014

Xin Câu Trả Lời


Đố em trong lúc gió sương
Anh thường nghĩ ngợi nhớ thương điều gì
Đố em ai đã kiêu kỳ
Cho anh ngơ ngẩn đứng lì đợi trông
Đố em ai cứ nói " không "
Cho anh lẽo đẽo chờ mong tiếng " ừ "
Đố em ai vẫn chần chừ
Cho anh xuôi ngược lừ đừ đi theo

Đố em đường xá cong queo
Mà sao anh vẫn cố đeo đuổi hoài
Đố em nhìn dáng trang đài
Mấy ai gan dạ thở dài bỏ đi
Đố em trồng được cây si
Có ai hát khúc biệt ly vẫy chào
Đố em nghe giọng ngọt ngào
Hồn ai không lạc đường vào ngô nghê

Đố em tình thắm cơn mê
Ai không mộng mị ủ ê mong chờ
Đố em ai dám hững hờ
Khi tình hò hẹn đến giờ gặp nhau
Đố em duyên nợ trầu cau
Ai không mong muốn mau mau tới ngày
Đố em nghiã đẹp tình đầy
Ai không hạnh phúc xum vầy yêu đương

Đố em trên bến sông Tương
Thuyền nào không vượt trùng dương quay về
Đố em hạnh phúc tràn trề
Tình nào không ngọt cận kề ấm êm
Đố em những lúc về đêm
Ai cùng em sẽ ngồi xem sao trời
Đố em đi hết cuộc đời
Ai nhìn âu yếm nói lời yêu em ...


Đỗ Hữu Tài(Thế Thôi)

26.07.2014

Lương Xuân Việt - Người Mỹ Gốc Việt Đầu Tiên Thăng Chức Chuẩn Tướng



      Ông là con trai duy nhất trong gia đình có 7 chị em gái, họ đều thành công trên đất Mỹ. Ông còn thân mẫu năm nay 77 tuổi (2014) sinh sống tại Los Angeles, và thân phụ ông là cựu Thiếu tá Sư đoàn Thủy quân Lục chiến Quân lực Việt Nam Cộng hòa Lương Xuân Ðương, đã qua đời năm 1997 tại California. 

      Khi tới Mỹ vào năm 1975, cậu bé Lương Xuân Việt chưa đầy 10 tuổi và gia đình ông đã chọn thành phố Mountain View, California để sinh sống. Sau khi tốt nghiệp cử nhân sinh học và cao học (thạc sĩ) khoa học quân sự tại Đại học Nam California, ông tình nguyện vào quân đội, mang cấp bậc Thiếu úy Bộ binh, năm 1987 và được chọn vào danh sách sĩ quan hiện dịch. Ðồn trú tại Colorado, ông lần lượt giữ chúc vụ trung đội trưởng rồi đại đội phó Bộ binh. 

     Ông có khả năng chỉ huy và được đề bạt sang Sư đoàn 101 Biệt kích dù, lần lượt giữ các chức vụ đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng rồi lữ đoàn trưởng. Ông lần lượt giữ các chức vụ tác chiến cấp Trung đội, Đại đội, Tiểu đoàn, cũng như Tham mưu và Huấn luyện. Trước khi được thăng cấp Đại Tá và được bổ nhiệm vào chức vụ Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 3, Sư Đoàn 101 Không kỵ, ông đã làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2, Trung Đoàn 505 Bộ Binh Nhảy Dù Hoa Kỳ vào năm 2005 và chiến đấu tại chiến trường Iraq với cấp bậc Trung Tá để phục vụ "Chiến Dịch Người Iraq Tự do". 

      Thăng cấp Đại Tá, ông trở thành lữ đoàn trưởng cho chiến trường Afghanistan. Năm 2012, ông được cử về đại học Stanford để tham gia huấn luyện chính trị cao cấp.

      Ông được Chính Phủ và bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ thăng cấp bậc Chuẩn Tướng Lục quân quân đội Hoa Kỳ ngày 20 tháng 5 năm 2014 (chính thức tấn phong ngày 6 tháng 8 năm 2014), trở thành tướng Mỹ gốc Việt đầu tiên trong quân lực Hoa Kỳ. Chức vụ hiện tại của ông là Tư lệnh phó Sư đoàn Kỵ binh số 1 (Hoa Kỳ), phụ trách hành quân tác chiến


      Sáng ngày 6 tháng 8 năm 2014, lần đầu tiên trong quân sử Hoa Kỳ, một người Việt tị nạn được vinh thăng Chuẩn tướng.

      Ông là Đại tá Lương Xuân Việt, Phó tư lệnh đặc trách hành quân của Sư đoàn I Thiết kỵ. Chức vụ vừa được gắn lên chiếc nón Thiết kỵ đã đưa ông vào danh sách người Việt Nam đầu tiên vinh dự có tên trong hàng tướng lãnh Hoa Kỳ vốn là nơi xét duyệt một cách nghiêm ngặt chức vụ này trong quân đội của họ.

      Vinh quang của Chuẩn tướng Lương Xuân Việt cũng là niềm tự hào của người Việt tại Hoa Kỳ. Hàng trăm đồng hương đã lặn lội đến tận Cooper Field, tiểu bang Texas nơi tổ chức gắn lon cho ông để chia sẻ những gì mà một đứa con trong gia đình có đến bảy chị em gái, theo cha mẹ sang Mỹ lúc ông mới 10 tuổi. Cha ông là Thiếu tá Thủy quân lục chiến Quân lực VNCH và do đó ông đã thấm sâu ba chữ Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm.

      Trong bài phát biểu bằng tiếng Việt, Chuẩn tướng Lương Xuân Việt nhắc lại truyền thống này một cách tự hào và cũng không quên cám ơn đồng ngũ với cha của ông, người từng mang trên người trọng trách bảo vệ quốc gia như ông đang làm trong vai trò một tướng lãnh:

      "Nhìn những bộ quân phục lòng tôi thật bùi ngùi xót xa. Những người đã làm con tim tôi rung động vì ba chữ Danh dự, Trách nhiệm, Tổ quốc và những ý nghĩa của các câu dặn dò do cha ông để lại như. “Nam quốc sơn hà nam đế cư”… Chính là thân phụ tôi, đồng đội của các anh, vì vậy ngọn lửa trong tim tôi lúc nào cũng hướng về đất mẹ dù đã 30 năm xa cách. Không có sự hy sinh xương máu của các anh thì chúng tôi chắc chắn không có ngày hôm nay. Tổ quốc mãi mãi ghi ơn, vì vậy tôi xin các anh nhận cái chào của tôi!"


Yên Đỗ
Sưu tầm từ Internet.

Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2014

Bông Hồng Cài Áo - Phạm Thế Mỹ - Chùa Hoằng Pháp



Nhạc: Phạm Thế Mỹ

Ca Dao Mẹ


Lẫn vào giữa tiếng mưa đêm
Lời ru của mẹ êm đềm đưa nôi
Gió rung phên lá bồi hồi
Như thương thân mẹ một đời gian nan

Ngược xuôi thân mẹ nhọc nhằn
Tháng năm chèo chuyến đò ngang một mình
Sóng trôi, thuyền mẹ chông chênh
Cánh cò thầm lặng giữa mông mênh đời

Đêm đêm cất tiếng ru hời
Thương con ngọt giọng à ơi dịu dàng
Lời êm như gió khẽ khàng
Như tay mẹ quạt mơn man giấc nồng

Bao lần xuân đến tàn đông
Bao lần than mẹ bão giông hao gầy
Thương sao vẫn tiếng ru này
Khao khao giọng đục lạc loài đêm sâu

Vẫn ca dao ấy… Ví dầu
Đường đời lắc lẻo bắc cầu con sang
Mẹ già như nắng chiều tàn
Mà lời ru mãi thênh thang giữa đời…

Trần Thị Dã Quỳ

Thơ Tranh : Câu Đối Vu Lan


Câu Đối : Huỳnh Hữu Đức
Thơ Tranh: Kim Oanh


Mùa Vu Lan Nói Chuyện Mâm Cơm Đôi Đũa.

      Tự ngàn xưa, không biết từ thuở nào, tổ tiên chúng ta đã ý thức việc thờ Trời. Chúng ta thấy các nhà ở thôn quê cũng như các tỉnh nhỏ, trước nhà thường có cái bàn ông Thiên. Ông Thiên là ông Trời. Mỗi đêm, thường là bà chủ nhà đốt vài nén hương, ra trước bàn Trời cầu nguyện cho cha mẹ, gia đình được bình yên, hưởng được nhiều lộc Trời:
           “Mỗi đêm mỗi thắp đèn Trời,
             Cầu cho cha mẹ sống đời với con.”
       Ngày xưa, Tồ tiên chúng ta đã biết kính sợ Trời, biết kêu cứu ông Trời mỗi khi hoạn nạn, giống như đứa trẻ mỗi lần gặp điều gì nguy hiểm thì gọi Cha.


        Theo Kinh Dịch, Trời nói về sự bắt đầu sinh ra, cho nên Âm ở trên Dương ở dưới. Ấy là cái nghĩa giao thái. Đất là nói về sự đã thành cho nên Dương ở trên, Âm ở dưới.
Các số lúc đầu chỉ là một âm, một dương. Tượng của Dương tròn, tượng của Âm vuông. Hình vẽ tròn, giống Trời, nghĩa là trời tròn mà xoay, bao bọc ngoài đất. Hình vẽ vuông giống đất, nghĩa là đất vuông mà đứng im, bị nhốt trong trời. Hình vẽ tròn là đạo Trời, có Âm có Dương. Hình vẽ vuông là đạo Đất, có cứng có mềm. 
Đạo Đất phải theo đạo Trời. Trời tròn, đất vuông.
Vì vậy khi đàn bà sắp sinh nở, người thân hay chúc phúc. “Chúc cho mẹ tròn con vuông.” Nhiều người cho câu chúc nầy lạ tai, vì không hiểu bốn chữ “mẹ tròn con vuông.” là gì? 
Đó là câu chúc hết sức tốt lành, là chúc cho mẹ con đều lành lặn, khoẻ mạnh, thuận theo ý muốn của Trời Đất.
        Chúng ta hãy đi vào chuyện mâm cơm. Tổ tiên chúng ta ngày xưa đã biết qua về Kinh Dịch nghĩ là Trời tròn, nên làm cái mâm hình tròn. Trên cái mâm được bày biện thức ăn, ý nghĩa của nó là các thức ăn trong mâm là lộc Trời ban cho. Có thể một số người đọc đến đây sẽ không đồng ý và nói rằng: “Chúng tôi phải làm việc đổ mồ hôi trên, mồ hôi dưới mới có tiền để nua thức ăn, thử không làm việc Trời nào mà cho?” 
Nói thế nghe cũng hợp lý nhưng nếu Trời không cho bạn được khoẻ mạnh thì sức đâu bạn làm việc để có thức ăn? 
Tổ tiên chúng ta biết được điều đó nên thường cầu Trời để có miếng ăn.
         “Lạy Trời mưa xuống
           Lấy nước tôi uống
           Lấy ruộng tôi cày
           Lấy đầy bát cơm
           Lấy rơm đun bếp.”

         Uống nước Trời, ăn hạt cơm Trời nhưng thử hỏi trong chúng ta có ai biết nói tiếng cám ơn Trời không? Và trong ngày, chúng ta dành bao nhiêu phút để cám ơn Trời đã giữ gìn chúng ta trong đôi tay bình yên của Ngài. Làm việc gì thất bại, chúng ta hay than Trời. Bị vợ đánh cho một bạt tay thì ôm đầu máu kêu Trời, nhưng những lúc vui vẻ, cơm no bò cỡi thì chẳng nhớ ông Trời ở đâu.
          Các bạn hãy làm thử xem.
        Trước khi ăn cơm, các bạn hãy nói câu: “Cám ơn Trời đã cho con một bữa cơm ngon.” hoặc những người lớn tuổi thử nói rằng: “Cám ơn Trời cho con khoẻ mạnh để ăn còn biết ngon.” Các bạn thử xem! Tôi nghĩ, không ai chê cười các bạn đâu. Đôi khi người ta còn nghĩ bạn không phải là một kẻ vô tình, biết sống xứng đáng với lượng bao dung của Trời Đất.

        Trở lại chuyện mâm cơm, nhìn mâm cơm, chúng ta thấy được trách nhiệm của người chồng cũng như người vợ trong gia đình. Chồng làm việc vất vả để có tiền mua thực phẩm, vợ ở nhà chế biến thực phẩm thành những món ăn ngon miệng cho cả gia đình cùng ăn vì vậy chúng ta hay nói “của chồng công vợ.” 
          Vợ chồng sống phải biết thương yêu nhau, có trách nhiệm với nhau, chia sẻ gánh nặng hay niềm vui nỗi buồn với nhau để hằng ngày vợ chồng con cái quây quần bên mâm cơm hưởng lộc Trời cho. Thật là hạnh phúc!  
          Trong gia đình tôi có lần thằng con trai sắp lập gia đình, hỏi:
“Ba dạy, muốn gia đình hạnh phúc thì vợ chồng phải biết nhường nhịn nhau. Thí dụ, chồng nóng thì vợ phải nguội, còn vợ nóng thì chồng nguội. Còn con vợ nóng hoài thì mình làm sao đây?
           “Thì con phải nguội hoài chớ sao?
             Thằng con còn trẻ, tính tình nóng nảy, phản đối:
           “Vậy đâu được ba?”
           “Sao không được. Ở nước Mỹ, nổi nóng, đánh đàn bà là cảnh sát còng tay cho.”
           Thằng con bất mãn, hỏi:
           “Thế không có giải pháp nào bảo vệ đàn ông sao?’’
           “Sao không? Chuá tạo cho con cặp giò để làm gì?”
           “Để chạy hả ba?”
           “Còn phải hỏi!”
            Từ đó thằng con bỏ ý định cưới vợ.
          Bây giờ chúng ta hãy bàn qua đôi đũa. Chúng ta thử nghĩ, nếu ngày xưa ông bà chúng ta dùng đũa chỉ có một chiếc thì việc lấy thức ăn vào chén không phải dễ và dùng một chiếc đũa đưa thức ăn vào miệng cũng khó vô cùng nên ông bà chúng ta phải dùng hai chiếc đũa, tức là đôi đũa để gắp thức ăn cho dễ.


          Đôi đũa cũng tượng trưng cho đôi vợ chồng. “Vợ chồng như đũa có đôi”. Đũa lúc nào cũng có đôi, thì vợ chồng lúc nào cũng như hình với bóng, sống thỉ chung với nhau cho đến lúc chết. Vợ chỉ biết có chồng và chồng khi ra đường gặp gái đẹp thì phải mau mau nhắm mắt lại đưa tay cho vợ dẫn đi thì gia đình mới được êm ấm.

         Qua bên Mỹ nầy chúng ta thấy bao nhiêu người đã già vẫn còn bước thêm bước nữa. Té lên té xuống cũng không tởn, té xong, lồm cồm ngồi dậy bước nữa.
Nhiều bà mồm miệng đã móm sọm, mấy ông nha sĩ thấy đã lắc đầu nhưng vẫn mò lên internet tìm bạn bốn phương, email qua lại tìm chồng cho đỡ cô đơn. Về với nhau rồi, đêm đêm chỉ còn biết nhìn nhau thở dài. “Than ơi! Thời oanh tạc nay còn đâu!” Mồm miệng móm sọm, muốn cạp cũng chẳng còn răng để cạp, có ráng cũng chẳng nên cơm cháo gì, cùng lắm đưa lưng ra gãi vần công cho đỡ ngứa, đỡ buồn. Nửa đêm thức giấc, quay qua bên cạnh, thấy một bà già đang nằm ngủ, dáng nằm như con tôm, mặt mũi nhăn nheo, miệng thở phì phò hôi hám, nước dãi trong miệng chảy ra. Hình ảnh trông chẳng đẹp mắt chút nào nhưng cũng tạm yên lòng ngủ tiếp. Còn nửa đêm thức giấc thấy mình trơ thân cụ trên chiếc giường rộng, đôi khi buồn quá không ngủ tiếp được.
         Nhà thơ Anh Vân đã từng than thở:
          “Ta sợ lắm những đêm dài trăn trở
            Đời vắng em giấc ngủ cũng đeo sầu.”
         Có lẽ vì hoàn cảnh:
        “Nàng ở Melbourne,
         Ta ở đây
          Xa nhau cách khoảng
         Trời mây chập chùng.” 
         Nên chàng mới có cảm hứng làm câu thơ trên.
         Hoàn cảnh nghe ra thật đáng ngậm ngùi. Yêu nhau nhưng chẳng được gần nhau, ai lại chẳng buồn. Với chàng thì:
          “Đêm nằm tơ tưởng bâng khuâng
           Chiêm bao thấy bậu, lâng lâng cõi lòng.”  
          Còn phần nàng:
         “Đêm nằm tơ tưởng, tưởng tơ,
           Chiêm bao thì thấy, dậy sờ thì không”
         Tội nghiệp thì thôi!
          Vì sợ buồn, sợ cô đơn nên mới có cảnh:
        “Bà già đi chợ Cầu Đông,
          Bói xem một quẻ, lấy chồng lợi chăng
         Ông thầy xem quẻ nói rằng
          Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn.”
       Răng chẳng còn thì húp cháo mà sống nhưng sống “cu ky” một mình quả tình buốn lắm nên những người goá vợ, mất chồng thường tìm đến với nhau cho đũa có đôi, cho đời sống bớt đi những khó khăn, buồn thảm. Trường hợp nầy gọi là góp gạo thổi cơm.

        Đàn bà rất quan trọng trong đời sống người đàn ông. Chúng ta thấy sự thành công hay thất bại trong gia đình phần lớn do người vợ biết khuyến khích và chia sẻ gánh nặng với chồng. Một nhà tư tưởng nào đã nói: “Sau lưng một ông chồng thất bại, tất có một bà vợ cà chớn.
         Các bạn muốn biết sự lợi hại của đàn bà ra sao không?
         Một ông bác sĩ dẫn ông Giám Đốc bịnh viện tâm thần đi thăm viếng bịnh nhân. Ông Giám Đốc chỉ một người đàn ông đang ngồi ủ rũ, hỏi:
         “Anh nầy tại sao điên?”
        “Thưa, bị vợ bỏ.”
         Ông Giám Đốc chỉ tay vào một bệnh nhân khác đang nhảy múa ở góc phòng, hỏi tiếp:
       “Còn anh kia, tại sao điên?”
        Vị bác sĩ đáp”
        “ Thưa, người vợ bỏ anh nầy và lấy anh kia.”
        Vì vậy khi chọn vợ, chúng ta hãy cầu xin ý Trời trước rồi hãy quyết định.
       Đũa chỉ có một chiếc, gắp thức ăn sẽ gặp khó khăn, trở ngại. Loài người sống một mình cũng sẽ gặp những khó khăn tương tự.
        Trong Kinh Thánh, sách Sáng Thế Ký có câu: “Giê-hô-va Đức Chuá Trời phán rằng: Loài người sống một mình thì không tốt, ta sẻ làm một kẻ giúp đỡ giống như nó.”(Sáng Thế Ký 2: 17)
         Đũa phải có đôi, loài người phải có vợ có chồng, đời sống sẽ dễ dàng hơn.
        Những gia đình thành công thường là gia đình có những cặp vợ chồng biết thương yêu nhau, đoàn kết nhau. Tránh cảnh, ông nói, ông nghe, bà nói, bà nghe. Ông bà cùng nói cho lối xóm nghe, thì trước sau gì cũng sập tiệm.
         Đôi đũa tốt phải có những yếu tố sau đây:
        1- Cùng tính chất:
        Nhà giàu ăn đũa ngà, trung lưu ăn đũa gỗ, gỗ mun, gỗ đước, nhà nghèo ăn đũa tre nhưng loại đũa nào cũng vậy, phải cùng một tính chất. Đũa ngà thì cả hai chiếc phải bằng ngà. Không ai dùng một chiếc đũa ngà, một chiếc đũa tre.
        a- Vợ chồng cũng thế, muốn sống hạnh phúc, vợ chồng cần có trình độ hiểu biết tương đương để dễ hiểu nhau, tránh cảnh trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Nếu gặp phải người vợ ít học thì vợ phải biết vâng lời chồng.
        b- Một thể chất khoẻ mạnh tương đương. Ông bà chúng ta có câu: “tốt mái hại trống.” hay “khoẻ trống hỏng mái.” Người đàn bà mạnh quá trong khi ông chồng yếu xìu, kim đồng hồ cứ chỉ sáu giờ mà đêm nào bà vợ cũng bán giấy ép, đòi ông chồng phải đóng thuế đầy đủ thì chỉ còn nước kêu ambulance chở ông chồng vào nhà thương hay ngược lại ông chồng khoẻ quá, bà vợ yếu quá thì bà vợ cũng sớm khăn gói vào nghĩa địa nằm dưỡng thương. 
         2- Ngay thẳng:
         Đôi đũa cả hai chiếc phải ngay thẳng thì việc gắp thức ăn mới dễ dàng. Đạo vợ chồng cũng vậy, sống phải ngay thẳng, thật thà với nhau thì tình vợ chồng mới bền bĩ. Sống mà đêm đêm vợ chồng phải chịu cảnh đồng sàng dị mộng thì còn nỗi khổ nào hơn.
         “Đêm nằm vuốt bụng thở dài
           Nhớ chồng thì ít, nhớ trai thì nhiều.”
        Lâm vào trường hợp nầy thì trước sau gì, đầu của ông chồng cũng mọc cả chục cái sừng, và cái cảnh “vợ nhà thương, chồng khám lớn” có thể sẽ xảy ra.
          3- Một đời sống tâm linh giống nhau.
          Vợ chồng cùng đời sống tâm linh thật khó có hạnh phúc nào bằng. Bằng không sẽ có chuyện tranh cãi: ‘Đạo ông là chính giáo, đạo bà là tà giáo hay ngược lại.
           Người viết bài nầy từng chứng kiến nhiều lần cảnh mỗi buổi tối, gia đình gồm vợ chồng con cái hiệp nhau cầu nguyện và cám ơn Trời đã đổ ơn phước xuống gia đình họ và giữ gìn họ trong đôi tay bình yên của Ngài. Thật là cảm động!
           Mùa Vu Lan nói lan man chuyện mâm cơm đôi đũa cho thấy tổ tiên chúng ta đã dạy con cháu phải biết ơn Trời, phải biết cầu nguyện ông Trời để có miếng ăn, để cả gia đình được sống bình an. 
           Ông Trời gần gũi với dân tộc của chúng ta lắm nhưng tiếc rằng tổ tiên chúng ta đã không đi xa hơn để biết ông Trời là ai. Vậy quý bạn đọc muốn biết Ông Trời là ai chăng?
          Xin thưa, đó là Đức Chuá Trời của chúng ta đó, Đấng đã tạo ra vũ trụ và loài người. Nếu quý vị nào đọc xong bài nầy và có ý muốn tốt, muốn tìm hiểu Đức Chuá Trời là ai, xin tìm đến bất cứ Hội Thánh Tin Lành nào, sẽ có người cung cấp tài liệu cho quý vị
          Muà Vu Lan, kẻ viết bài nầy xin kính chúc tất cả quý đồng hương ở hải ngoại hưởng được nhiều ơn phước Chúa.

Quách Tố Vương ( Anh Vân )
Mùa Vu Lan 2009