Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

Nguồn Gốc Lễ Vu Lan Trong Văn Hóa Dân Gian


Lễ Vu Lan chính thức được bắt nguồn từ một bản kinh ngắn của Phật giáo Đại Thừa: “Phật Thuyết kinh Vu Lan Bồn” do ngài Trúc Pháp Hộ dịch từ chữ  Phạn sang chữ Hán vào đời Tây Tấn (khoảng năm 750-810 sau CN) và được truyền vào Việt Nam không rõ năm nào! Được xuất phát từ giáo lý nhân sinh của Phật Giáo, mục đích thể hiện chữ hiếu của con người. Đồng thời, cũng thể hiện tấm lòng vị tha đối với những linh hồn bơ vơ, không nơi nương tựa.
Chữ “Vu Lan” có nguồn gốc từ chữ Phạn “Ulambana”, dịch ra chữ Hán là “Giải đảo huyền”. Giải: có nghĩa là gỡ ra khỏi vướng mắc, cởi trói buộc, giải mê lầm; đảo: ngược, (còn có nghĩa là những hành động điên đảo, sai lầm); huyền: treo. “Giải đảo huyền” có ý nghĩa sâu xa là giải thoát khỏi những nỗi phiền não, những dây luyến ái đã từng trói buộc tham sân si.
Lễ Vu Lan còn có tên là “Vu Lan Bồn”. Chữ “bồn” có nghĩa là chậu, dùng để diễn nghĩa chậu thc ăn dâng cúng. Lễ “Vu Lan” hay “Vu Lan Bồn” có nghĩa là lễ dâng cúng thức ăn lên Tam bảo để xin chú nguyện cho ông bà, cha mẹ, những người quá cố trong bảy đời (tức là cửu huyền thất tổ). Truyền thuyết dân gian cho rằng, khi còn sống ở trần gian, nếu ai đã làm điều gì tội lỗi, thì khi chết đi sẽ bị đọa vào địa ngục. Thế nhưng, nếu như được sự dâng cúng, chú nguyện, người đó sẽ được nhờ ân đức Tam bảo, thoát ra khỏi địa ngục, sanh về cõi trời an lành khác.
Cũng theo truyền thuyết dân gian, Bồ tát Mục Kiền Liên tìm mẹ dâng cơm nơi địa ngục vào ngày rằm tháng bảy. Mẹ của Ngài là bà Thanh Đề liền chụp ngay bát cơm khi Ngài dâng lên, một tay che không cho người khác thấy vì sợ bị giật, một tay bốc cơm ăn. (Hình ảnh này, nói lên cái tâm mê muội, tham lam của con người. Và hình ảnh khi bà đưa tay bốc cơm thì cơm hóa than hồng, bụng đói mà không ăn được nói lên cảnh giới địa ngục). Với lòng hiếu thảo của mình, Bồ tát Mục Kiền Liên đã thấu động đến lòng trời, cứu mẹ thoát khỏi cảnh đọa đày! Thế cho nên, vào ngày rằm tháng bảy hàng năm, người ta tin rằng nếu với lòng từ bi, người ta cúng vật phẩm cho các vong hồn ấy được ăn uống, sẽ có nhiều vong hồn được ra khỏi địa ngục sau nhiều ngày bị giam cầm, phải đói khát khổ sở!


Ngày rằm tháng bảy này có tên là ngày “xá tội vong nhân”. Trong ngày này, việc cúng kiến bao giờ cũng được tổ chức đầu tiên tại chùa, rồi mới đến tại nhà. Việc cúng kiếng này, phải được tổ chức vào ban ngày và tránh vào ban đêm, khi mặt trời đã lặn.
       Hình thức buổi lễ cúng tại nhà được thể hiện như sau: một mâm cơm cúng tổ tiên trên bàn thờ và một mâm cơm cúng chúng sinh ở trước sân nhà.
 Trên mâm cơm cúng tổ tiên, người ta bày lên một mâm cỗ mặn, có tiền, vàng, vật dụng dành cho người cõi âm làm bằng giấy (như quần áo, giày dép…) để mong người cõi âm cũng có được cuộc sống tiện nghi như khi còn sống trên dương thế.
Trên mâm cơm cúng chúng sinh, lễ vật gồm có quần áo đủ màu sắc, thức ăn gồm khoai, bắp, chè, kẹo, bánh quế, cháo trắng, tiền, vàng, nước lã, gạo muối…
Ngày nay, tập tục cúng cô hồn vào ngày xá tội vong nhân vẫn còn tồn tại trong dân gian, tùy theo khả năng kinh tế của mỗi gia đình. Người khá giả thì dâng cúng mâm cao cỗ đầy, kém hơn thì mâm cơm thường hoặc cháo trắng, nhưng trong mâm cúng lúc nào cũng có đủ các loại bánh trái, giấy tiền vàng mã. Đặc biệt, ở nông thôn miền Tây nước ta, người ta thường bày mâm cúng trên các bè được kết bằng các thân cây chuối hay bập dừa nước thả trên sông. Theo đó, gia chủ thắp nhang khấn vái, mời vong hồn các chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn, hà sa ngạ quỷ, thập loại cô hồn về nhận lễ và dùng cây gõ lên gáo dừa. Sau đó, người ta đốt vàng mã, rải gạo muối rồi dùng sào đẩy bè ra giữa dòng rồi để bè tự trôi theo dòng nước.


Cũng vào dịp rằm tháng bảy -tức là lễ Vu Lan-, dù nghèo túng đến đâu, con cháu cũng có một thứ gì đó để bày tỏ tấm lòng. Người ta dâng thức ăn ngon, biếu quần áo mới cho cha mẹ. Nếu cha mẹ đã khuất, thì làm lễ cúng kiếng gởi xuống suối vàng. Đây là tục lệ tốt, nét đẹp của văn hóa dân tộc, nên cần được bảo tồn.

2/8/2014
Hà Nguyên

Gởi Người Tháng Bảy


Lại sang mùa mưa ngâu ướt lên em
Ngày dài hơn và đêm mòn vết đợi
Chức nữ-Ngưu lang đôi bờ vời vợi
Khóc Ngân Hà lai láng lệ sầu tuôn

Tháng bảy về rồi lòng thêm bương vương 
Trời u ám bảo em cười sao được!
Mình vẫn xa nhau tình không hẹn trước
Trăng dỗi hờn tha thẩn ngó sau mây

Nghe khát thèm hơi ấm một vòng tay
Của Mẹ ngày xưa vỗ chiều bé bỏng
Em quay quắt bên đời ôm chiếc bóng
Mùa Vu Lan nhớ ơn nghĩa cao dày

Cầm chiếc lá vàng đầu thu trên tay
Chợt se lòng với tóc mình sợi bạc
Leo lẻo con tim - vui buồn vẫn hát
Khúc yêu thương và khát vọng quay về! 



Hương Ngọc

Thơ Tranh: Du Tử Ngâm


Thơ: Phạm Khắc Trí
Thơ Tranh: Kim Oanh

Nhạc Thơ Ru Mộng


Buổi “chiều thơ nhạc” ai ngờ gặp
Tiếng nhạc du dương ngất điệu tình
Em hát đam mê, đàn réo rắt
Hồn ta hư nát bỗng hoàn sinh

Ngắm em uyễn chuyễn chân khiêu vũ
Duyên dáng điên mê ánh nguyệt tròn
Bước gió giao mùa Thu liễu rũ
Ngập ngừng cười nụ, ướt môi son

Tâm tình như thể xanh mùa biếc
Nhánh lá ru đời, tóc áo bay
Ta thấy nơi em toàn ngọc bích
Cầu vòng ngũ sắc nối chân mây

Ta từ thân nhện buông mình xuống
Căng lưới quấn vòng eo nhỏ em
Hơi thở thơm môi mềm khát muốn
Trăng tà, nguyệt tận cuốn hương đêm

Ta như ngủ giấc tròn thơ mộng
Nhạc đẩy hồn đưa bóng cuộn hình
Tiếng sắt, lời vàng chen nhịp trống
Ai về huyễn hoặc những hồn linh?

Nhạc thơ ru mộng ôi là nhớ
Vũ nữ thân gầy tóc ủ sương
Ướt mật thềm trăng hồn ta vỡ
Em về thiếp ngủ giữa vần thương

Phạm Tương Như

16  /  07  /  2014

Đêm tàn Bến Ngự - Dương Thiệu Tước - Ca sĩ Hà Thanh


Thơ: Trầm Vân
Thơ Tranh: Kim Quang


Sáng Tác: Dương Thiệu Tước
Tiếng Hát: Hà Thanh
Thực Hiện: Trucxinh Nguyen

Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

Thành Kính Phân Ưu Cựu Hiệu Trưởng Trường Giồng Ké Nguyễn Trung Tâm



THÀNH KÍNH PHÂN ƯU

Chúng em vừa hay tin chẳng lành, Thầy Nguyễn Trung Tâm
Cựu Hiệu Trưởng trường Tiểu Học. Giồng Ké, Tĩnh Vĩnh Long
. Sinh năm 1925
. Mệnh chung lúc 10 giờ 55 ngày 25 tháng 7 năm 2014
.Nhằm 29 tháng 6 năm Giáp Ngọ
.Hưởng thọ 89
. Lễ hoả táng tại chùa Mới Phường 6 Thành Phố Trà Vinh.

Chúng em vô cùng đau đớn hay tin này. 
Thành kính phân ưu, chia buồn cùng Cô và Tang quyến.
Nguyện cầu Hương Linh Thầy sớm về Miền Cực Lạc.


Đồng Kính Phân Ưu

- Châu Thị Mỹ Hạnh
- Lê Thị Kim Phượng
- Huỳnh Thiên Trung


Một Thời Đã Qua


(Vài cảm-nghĩ và kỷ-niệm về Đời Thầy)
 Trong một lớp học, SG
      Như tiếng vọng âm vang trong lòng núi, Tiếng Nói Của Thầy âm vang trong đáy thẳm hồn tôi. Nếu thể xác tôi được nuôi bằng giòng sữa mẹ, bằng mồ hôi nước mắt của cha, thì trí óc tôi đã lớn lên trong Tiếng Nói Của Thầy...Thầy ơi! Tiếng Nói Của Thầy sao thiêng liêng và quí báu! Khi nào trên thế giới này còn có những bầy học sinh cắp sách đến trường, khi nào dưới mái học đường còn vang lên tiếng đọc ê a, thì tâm hồn tôi vẫn còn vang lên Tiếng Nói Của Thầy. (Tiếng Nói Của Thầy).

      Biết tôn kính thày ngay từ lúc theo bước chân cha tôi dẫn giắt đến trường. Dần dần lớn lên cho đến ngày nay, công ơn giáo dục của Thầy (chữ chỉ chung thày cô giáo) vẫn luôn luôn được giữ trong lòng tôi, mặc dù đường đời không hoàn toàn bằng phẳng và nghề thày hoàn toàn không phải là ước mơ đầu đời. Ta đứng bên nàng, ôi người yêu khoa-học/ Những hoàng hôn tím lạnh cả không gian/ Hay đêm khuya học dưới ánh đèn vàng/ Đôi làn sóng giao thoa tìm ánh mắt.(TìnhKhoaHọc). Nhiều lần đi qua mấy công thự xây dựng từ thời Pháp, nhìn thấy ở chỗ cao nhất của mặt tiền toà nhà có tượng bà đầm Tây đứng sau một câi cân tượng trưng cho công lý, tôi có một ước mơ khác. Thực vậy, tôi đã bước vào nghề Thầy trong một hoàn cảnh bất đắc dĩ, do thời thế đẩy đưa, hay nói theo quan niệm cổ, là do số phận. Nhưng dù ước mơ của chúng ta đạt được hay không, hoặc đường đời không hiện ra đúng như kỳ vọng ta đặt vào hiệu quả của những người làm công tác giáo dục, chúng ta vẫn phải biết nhớ ơn Thầy. Không thể làm Thầy nếu không biết tôn kính, nhớ ơn Thầy. Có lẽ nên coi đó là phương châm đối với những ai muốn chọn nghề Thầy. Ngay cả dù không có ước vọng làm thày, tôi đã trang trọng lưu giữ một đề mục đăc biệt trên computer ghi tên tất cả những Thầy cô giáo cũ ở quê hương từ lớp vỡ lòng lên tới lớp cao (kể cả người ngoại quốc), và những thày cô giáo ở đất nước tôi đang ngụ cư: Vinh danh những người Thầy của tôi. Về kỷ niệm với các Thầy thì mỗi chúng ta đều có nhiều không kể xiết nhưng ngày nay mỗi khi nhắc lại mấy hình ảnh độc đáo đã từng chứng kiến thời dĩ vãng xa xôi, tôi thường có cảm tưởng muốn cười hơn là khóc, vui vui hơn là hờn giận: 
[1]-Cây thước kẻ (eo ôi!) của Thầy vào thời gian học các lớp dự-bị, sơ-đẳng và trung-đẳng 1&2 trường cơ bản tiểu học (hồi xưa, gọi là pre'paratoire, e'le'mentaire. moyen un & deux) khiến học trò tái xanh tái xám mặt mày. 
[2]-Lời phán deux ze'ro hoặc deux zeros kèm theo un, deux, trois, quatre, cinq consignes (suỵt!) của thày ở trường trung học. [3]-Khung cảnh thoải mái, tự do thảo luận giữa thày và trò của lớp cao học chỉ loe ngoe có 1 Thầy và 5,6 trò ngồi hai bên một cái bàn dài thường dùng để họp cho hội đồng giáo sư... Hình ảnh đời thày của các thầy cô giáo chẳng bao giờ phai mờ trong trí nhớ của tôi, một kẻ làm  thầy hậu sinh (rất may tôi không bao giờ phải lãnh hình phạt nặng nào), ngày nay đang góp một phần không nhỏ vào nguồn lửa sưởi ấm tâm hồn tôi trong cuộc sống đời thường nơi xứ lạnh. 
      Thế là dù muốn hay không, như một định mệnh, tôi đã chính thức bước qua ngưỡng cửa Đời Thầy, với những thăng trầm của nó, nhưng nói chung nó như một bản nhạc ở cung trầm. Giờ đây, nhớ lại một thời đã qua, tiếc nuối cũng có nhưng bù lại gặp khá nhiều cơ hội nghề nghiệp đã cho tôi được mở rộng gót phiêu du trên những nẻo đường đất nước để những hình ảnh kỷ niệm còn in đậm trong tâm hồn tôi mãi.

Chùa Thiên-Mụ, Huế
      Vào một mùa Hè, khi mới vào nghề, tên tôi lọt vào danh sách đi dự một khoá tu nghiệp tại Viện ĐH Huế trong vòng nửa tháng. Mừng, bởi sẽ có dịp đến thăm Huế. Lo, bởi hồi đó, nghe nhiều giáo chức thì thầm về sự nghiêm ngặt của Toà Đại-diện GD Miền Trung. Thay vì đi Huế bằng xe hoả, tôi đã chọn xe hàng để có dịp ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ từ trên đỉnh đèo Hải-vân xuống Đà-nẵng và dọc đường qua những thành phố biển Nha-trang, Qui-nhơn, Quảng-ngãi. Trú tại cư xá SVĐH Huế, trong khu vực thành phố mới ở hữu ngạn sông Hương, nơi có các cơ quan chánh quyền, hai trường Quốc-học và Đồng-Khánh, viện Đại-học... Việc học tập, trái với nỗi lo từ trước, đã diễn ra rất thoải mái. Tất cả thày trò, từ các giảng sư xuống các học viên đã coi nhau như một gia đình. Ngoài giờ học, học viên tự tổ chức đi thăm cảnh cổ thành Huế, chùa Thiên-mụ và các lăng tẩm. Một số ít ảnh đen trắng rất mờ được chụp ở Cửa Ngọ-môn, điện Thái-hoà, khu cung nữ, mấy cỗ pháo đại thần công, dãy đỉnh đồng cao lớn hơn đầu người, dãy tượng quan đại thần, hồ Tịnh-tâm và mấy lăng tẩm ở gần thành phố như lăng Tự-Đức, Khải-Định, Minh-Mạng... Có ngày Huế mưa dầm kéo dài lê thê như lệ đổ tràn mi cũng không ngăn khỏi bước chân kẻ lãng du, như Lưu Nguyễn nhập Thiên-thai, lần đầu được thấy đất Thần-kinh. Không quên thăm khu Gia-hội, phá Tam-giang, bãi biển Thuận-an, chợ Đông-ba và cửa hàng cơm gạo tám thơm, hay đi dạo đêm trên cầu Tràng-tiền và bên bờ sông Hương thơ mộng: Nàng Tiên Huế ngủ say dưới ánh trăng ngà ngọc/ Giòng sông Hương: giải lụa bạc vắt ngang thân/ Cầu Tràng-tiền: mảnh lược thưa cài trên tóc/ Núi Ngự-bình: ôi vòm ngực giai nhân... (NàngTiênHuế) 

      Trong thời gian ngắn ngủi làm việc tại miền Trung, nỗi buồn nhớ thủ đô Sài-gòn hoa lệ đã trùng trùng phủ lên ước mơ tuổi trẻ của tôi: Giấy vàng xanh trắng đỏ nét hoa bay/ Trống gõ nhịp bản trường ca xây đời nguyện ước/ Hỡi Thành-đô ta yêu Người tha thiết/ Hỡi Thành-đô ta trọn gửi tương lai./ Ta sẽ về xây đắp lại ngày mai...(MộngĐẹpMùaHoa). Rồi trở về thủ đô thật, tôi miệt mài cố gắng thực hiện ít nhiều mộng-đẹp-mùa-hoa theo hình ảnh ước mơ thứ nhì và chính nó đã thi vị hoá cuộc sống của tôi từ đó về sau. Nhưng có đi xa mới biết được nhiều phong cảnh nước mình trong đó có nơi tuyệt đẹp không kém Huế, như Đà-lạt chẳng hạn, nhân dịp một kỳ đi chấm thi. Thật hồ hởi vì đó là lần đầu tiên tôi đến một thành phố cao nguyên, một thắng cảnh nổi tiếng. Con tàu hoả có bánh răng cưa đưa khách leo đồi núi trập trùng. Ngụ tại cư xá trường trung học Trần-hưng-Đạo trong một dãy lầu có cửa sổ kính nên giữ được độ ấm so với cái lạnh bên ngoài. Nhưng mặc áo len dày đi dạo phố ngoài trời lạnh mới là một thích thú độc đáo: khu phố chợ Hoà-bình, hồ Xuân-Hương, hồ Than-thở, thác Cam-ly... Một thú vị đáng nhớ khác là trong lúc ngoài trời lạnh lẽo, ngồi ăn trong cửa hàng cơm tám thơm phưng phức, hay ngồi trong quán cà phê T nhâm nha ly cà phê phin nóng và thưởng thức nhạc nhẹ. Lần đi ĐL thứ nhì nằm trong 2 chuyến công tác binh nghiệp vào mười năm sau, qua 3 thành phố Nha-trang, Đà-lạt, Ban-mê-thuột lại ghi thêm vào kho tàng kỷ niệm của tôi nhiều địa danh nổi tiếng khác ở mỗi chặng dừng chân. Thoải mái ngồi trên chiếc zeep dành riêng cho chuyến công tác bên cạnh một bạn đồng hành phụ tá kiêm tài xế lái xe đi đó đi đây. Này đây là bãi biển Nha-trang-miền-cát-trắng, Hải-học-viện, tháp Chàm và Phật-đài trên ngọn đồi cao nhìn xuống thành phố dưới chân. Kia là Suối-đá, tượng Đức Maria, Buôn Pê-lâm ở ven đường ra phi trường BMT với hình ảnh người phụ nữ miền cao, đẹp như ngôi sao điện ảnh Ấn-độ, đang lên dốc từ bờ suối dưới thung lũng huyền ảo như thung lũng người cùi trong phim Ben Hur. 
 
Hồ Xuân-Hương,ĐL(chụp lại từ postcard cũ)
      Chuyến đi Đà-lạt nào cũng để lại nhiều ấn tượng đẹp, nhất là hình ảnh những nữ sinh trong tấm áo dài trắng muốt và chiếc áo len mang màu sắc vàng, đỏ, tím, xanh, hồng của tờ giấy nháp làm bài thi. Nhìn những thiên thần áo trắng đang cắm cúi làm bài, rồi sau đó như hoa tươi bừng nở, toả ra khắp phố phường thì làm sao một thày giáo trẻ có thể quên được. Đà-lạt thơ mộng lắm. Hàng nửa thế kỷ sau, hình ảnh đó vẫn còn vương vấn trong tôi: Gió nhè nhẹ se lòng ta cô quạnh/ Nhớ hồ xưa Than-thở sớm sương mờ..(DạoKhúcBênHồ).

      Rồi đời thày của tôi trải qua những giai đọan thăng trầm, khi vui khi buồn, khi đều đặn khi ngất quãng, khi êm ái ngọt ngào, khi đắng cay chua chát... Như tiếng-nói-của-thầy trong quá khứ đã gieo vào lòng tôi muôn vàn kiến thức và âm hưởng còn vang vang trong tâm hồn tôi mãi mãi/ Ánh mắt học trò là hình ảnh bất tử trong đời sống của thầy. (ÁnhMắtHọcTrò). Đúng, quên sao được những tháng ngày đứng trên bục giảng trước đám học trò được coi là đông nhất trường vì thày bao suốt 7 cấp lớp, những buổi hùng hồn diễn tả và so sánh 2 định chế chính trị: dân chủ của Hoa-kỳ và độc tài của Liên-xô, bên cạnh tổng thống chế của VNCH đương thời. Cũng quên sao được buổi picnic của mấy thày trò tại Bửu-long-sơn ở Biên-hoà, nhất là chuyến giang hành đầy thích thú bằng tàu Hải-quân, dọc sông Sài-gòn ra bải biển Long-hải-Vũng-tàu. Tôi rất hăng hái tham dự chuyến đi này cùng hàng trăm em học sinh của trường mặc dầu mới 3 ngày trước vừa thoát khỏi một phen bở vía trong chuyến hải hành đầy sóng gió cùng với vài người thân cũng bằng tàu Hải-quân từ Rạch-giá đi đảo Hòn-sơn. Tưởng cứ như thế mãi. Ai ngờ đời tôi thật éo le với 3 dấu ấn sâu đậm: 

*Thứ nhất là những kinh nghiệm của một nhà mô phạm được đúc kết lại với sự hợp tác của một bạn đồng nghiệp để cho ra đời đứa con tinh thần mang tên Luyện thi Trắc nghiệm Công-dân TT2 với số thu nhập đúng một nửa cho phần mình ngót nghét 5 trăm ngàn được cất kỹ nguyên xi dưới đáy chiếc va li sắt trong thời gian không được phép đứng trên bục giảng tiếp sau biến cố 75 mà không có cơ hội mở ra đem đi đổi lấy bạc mới nên đã trở thành mớ giấy lộn. Thôi thế là xong, nhà giáo tay trắng lại hoàn toàn trắng tay.
*Thứ nhì là trong thời gian đời Thầy đang diễn tiến êm ả thì phải dã biệt bảng đen phấn trắng: Cũng dã biệt bày học sinh nam nữ của thày. Lúc thày ra đi, phượng vĩ đỏ rực sân trường. Nay hoa phượng đã đổi màu bao lần mà thày vẫn chưa về. Chưa chắc thày được trở về để trường lại có dịp vang lên tiếng-nói-của-thày. Nếu thày còn được trở về trường thì tiếng nói của thày sẽ không còn âm vang như trước vì bấy giờ là tiếng nói của một người thày mang thân phận kẻ tội lỗi (ThưViếtTừTTCT). 

*Thứ ba là tưởng gặp may mắn từ năm 79 tay nghề được luyện lại qua khoá học bồi dưỡng để dạy chéo môn, nhưng chỉ ít lâu sau đã có một lần, mặc dầu biết tuổi tác và thể lực không còn phù hợp với tiêu chuẩn nghĩa vụ quân sự, tôi vẫn dại dột vác mặt đến địa điểm kê khai lý lịch, lúc trở về trường thì có một cuôc đối đáp nhỏ-mà-thành-chuyện-lớn. Chuyện như thế này: sau khi nghiêm trọng nói xin thông báo rằng tôi có tên trong danh sách quân dịch trừ bị, thì bị tới tấp xả cho một trận như cuồng phong bão tố rằng anh không có quyền nói thông báo, vì anh không ở cấp ngang hàng, mà phải nói là báo cáo...Ôi! một sự thật chua chát để đời cho một nhà mô phạm được tái sinh không gặp thời!

Trong một ngày picnic, BH
      Cuối cùng, cũng lại như một định mệnh, tôi vĩnh biệt nghề Thầy vào đầu thập niên 90. Buồn vui lẫn lộn, được người thân bảo lãnh đặt chân lên miền đất hứa vào đúng 2 ngày sau Lễ Độc-Lập của Hoa-kỳ. Thấm thoát đến nay đã 20 năm sống tha hương, nhớ lại biết bao kỷ niệm của một thời dĩ vãng, trải qua nửa thời gian cuộc đời của một kẻ làm thày, tôi làm sao ngăn khỏi nỗi ngậm ngùi tưởng nhớ quê hương: Ngăn cách đôi bờ của đại dương/ Tìm đâu thấy được bóng quê hương/ Mây cho ta gởi niềm thương nhớ/ Hai chục năm rồi vẫn vấn vương. (VọngCốHương). Và đôi lúc trầm tư, nhìn thấy hình ảnh quãng đời còn lại của mình, trong hồn tôi như đang vang lên âm điệu trầm trầm của bài thơ Tàng cây, Mái đầu và Tuyết trắng (2013):
Con đường xưa thăng trầm/ mờ phai vào dĩ vãng/ còn lại đây những gì/ tàng cây vừa gục ngã/ đổ xuống bên đường đi/ ôi mái đầu tuyết trắng ! 

*Phụ lục một bài thơ về một thời đã qua:

Tàng Cây, Mái Đầu Và Tuyết Trắng

Trong nhà hơi ấm toả,
Ngoài trời bông tuyết bay.
Không gian chợt bừng sáng,
Cây cối phủ tơ mây.

Rừng rực lò sưởi cháy,
Hừng hực men rượu say,
Chút hồng lên đôi má,
Cho hồn nhẹ đắng cay.

Cảnh vật im phăng phắc,
Thời gian lạnh lùng trôi,
Cuộc đời đang rút ngắn,
Mong manh một kiếp người.

Con đường xưa thăng trầm,
Gập ghềnh hay bằng phẳng,
Tủi nhục lẫn vinh quang,
Mờ phai vào dĩ vãng.

Còn lại đây những gì?
Tàng cây vừa gục ngã,
Đổ xuống bên đường đi :
Ôi mái đầu tuyết trắng
 

(Chinh Nguyen/H.N.T. 
USA,Jan 2013)

Vu Lan Mùa Của Hương Hoa


Liên hoa vẫn nở trong hồ đục
Tâm trắng đời đen có lạ gì
Vu lan báo hiếu mùa sen dục
Hiếu để tâm thành ơn khắc ghi

Người còn cha mẹ tâm khẩu phục
Tôi chẳng còn ai để cúi đầu
Dâng trà kính rượu mời phụ mẫu
Lòng thành tự phạt nát lòng đau

Cha mẹ tôi đâu mà báo hiếu
Hai chữ vu lan vẫn khắc sâu
Vào trong tâm thức từ thuở biết
Ơn cha nghĩa mẹ tận ngàn sau

Có người đã bảo là xin đổi
cả một thiên thu lấy nụ cười
chỉ của mẹ thôi là cũng đủ
cho thế giới vui bất tận đời

Vu lan lệ đã ngàn năm cũ
riêng tôi vẫn mới dẫu tàn hơi
nhớ cha mất xác  thời chinh chiến
mẹ đã vong thân ngoài biển khơi

Mỗi năm lễ đến lòng quặn thắt
cha mẹ còn đâu báo hiếu đời
thôi đành cạn chén đời mặn chát
cắt máu rưới thêm tế đất trời

Kính mẹ thờ cha đền miếu nát
vu lan báo hiếu lệ đầy vơi.

Túy Hà

Thơ Tranh: Em Sẽ Về


Thơ: Hồ Việt Kim Chi
Thơ Tranh: Kim Quang

Thơ Duyên - Xuân Diệu


Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên
cây me ríu rít cặp chim chuyền
đổ trời xanh ngọc qua muôn lá
thu đến - nơi nơi động tiếng huyền

con đường nho nhỏ gíó xiêu xiêu

lả lả cành hoang nắng trở chiều
buổi ấy lòng ta nghe ý bạn
lần đầu rung động nỗi thương yêu

em bước điềm nhiên không vướng chân

anh đi lững đững chẳng theo gần
vô tâm - nhưng giữa bài thơ dịu
anh với em như một cặp vần

mây biếc về đâu bay gấp gấp

con cò trên ruộng cánh phân vân
chim nghe trời rộng giang thêm cánh
hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần

ai hay tuy lặng bước thu êm

tuy chẳng bằng nhân gạ tỏ niềm
trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy
lòng anh thôi đã cưới lòng em

1940

Xuân Diệu
Suối Dâu sưu tầm

Nuối Tiếc - Thơ Thérèse Nguyễn, Nhạc Quách Vĩnh Thiện




Thơ : Thérèse Nguyễn
Nhạc : Quách Vĩnh Thiện
Tiếng hát : Hương Giang


Tiếc thương lãng đãng bừng thương nhớ,
Đưa ta về một thuở mộng mơ,
Tình yêu rực nắng từng hơi thở,
Chút vấn vương là một chút thơ.

Có lẽ nào ai lấp trời tưởng niệm,
Những bông hoa đẹp, những vần thơ,
Hoàng hôn lắng sâu vào quên lãng,
Chuông giáo đường xưa nức nở mơ hồ.
Ta khát thèm ôm mùa trẻ dại,
Tuổi đời đeo nặng trĩu hai vai.

Tiếc thương lãng đãng bừng thương nhớ,
Đưa ta về một thuở mộng mơ,
Tình yêu rực nắng từng hơi thở,
Chút vấn vương là một chút thơ.

Ngẩng lên tóc trắng màu sương tuyết,
Cảnh cũ người xưa còn những ai !
Chỉ có ta với người yêu dấu,
Mỗi người thương cuối mỗi chân trời,
Đêm đêm ngóng chờ sao bắc đẩu,
Thấy lại môi ai một nét cười.

Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Hiên Chiều


Sao còn ngồi đây chiều quá xa xăm
con dốc trần gian mệt mỏi âm thầm
sao còn ngồi đây hỏi ta tiền kiếp
cánh chim nào nhớ biển lặng căm

Sao còn quanh đây đời sắp trăm năm
ta có u mê bờ bến trăng rằm
em có u mê một thời nhẹ dạ
những u tình còn đau bến sông

Sao còn chiều nay không còn chiều qua
quán thưa buồn một kẻ không nhà
ai người ngủ bụi bên hiên trống
tay thuốc tay đàn tóc trắng hoa

Ta còn chiều nay nắm tay ngày tháng
lòng đã tàn phai bảo cát chập chùng
ta còn chiều nay vói tay tìm lại
cánh mai vàng đầm ấm nở bao dung

Ta còn chiều nay nhúm lại chiều qua
hong áo ly hương ngọn lửa xa nhà
đốt ta ly tách sầu trăm họ
có cháy buồn em ở rất xa

Ta còn bao lâu nói chuyện đời nhau
gom lá quanh cây thấy nụ lê sầu

Lâm Hảo Khôi

(Cuối tháng 7-2014)

Thơ Tranh: Nụ Cười Còn Đó


Thơ: Hoàng Dũng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Nhớ Về Anh


Định mệnh trớ trêu em yêu một người
mà người đó không phải là anh
trong khi con tim em
mãi vấn vương người cũ
gặp lại anh chợt ngẩn ngơ do dự
lý trí - tình yêu, xung đột mãi sao đành!
Nhớ ngày nào hai chỏm tóc còn xanh
nay bạc mái đầu, mắt mờ, tai nghễnh
còn chút gì đọng lại sau hàm răng khểnh
để bây giờ tiếc nuối ngày xưa!
Em yêu một người đón cánh hoa thừa
về ủ ấm sau cơn mưa héo úa
kể từ đó - chuyện tình hai đứa
trôi theo dòng dĩ vãng mù khơi.
Em gọi là chồng - che chở cuộc đời
trong cuộc sống mấy chục năm hạnh phúc
không hiểu sao đôi khi màn chiều bao phủ
vẫn nhớ anh từng phút buổi Thu về…

Dương Hồng Thủy


Thiên Trường Vãn Vọng



     天長晚望          Thiên Trường Vãn Vọng
村後村前淡似煙,
Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên 
半無半有夕陽邊。Bán vô bán hữu tịch dương biên
牧童笛裡歸牛盡,
Mục đồng địch lý quy ngưu tận
白鷺雙雙飛下田
    Bạch lộ song song phi hạ điền

Dịch Xuôi : 
Xa Trông Cảnh Quê Lúc Chiều Xuống Ở Thiên Trường


Ngoài xa, thôn sau, thôn trước , nhìn thấy lờ mờ qua màn sương chiều
Ẩn hiện, thấp thoáng, như có, như không, dưới ánh nắng cuối ngày
Tiếng sáo mục đồng đã đưa trâu về chuồng hết
Một đàn cò trắng, từng đôi , bay liệng đậu xuống ruộng

Dịch:
Thiên Trường Vãn Vọng
Thôn xa, sau trước, qua màn sương ,
Như có, như không, chiều nắng vương.
Trẻ dẫn trâu về trong tiếng sáo ,
Từng đôi cò liệng, trắng đồng không.

Chú Thích :
(1) Thiên Trường , thuộc tỉnh Nam Định , Bắc Việt,  là quê nhà của vua Trần Nhân Tôn.
(2) Tôi đã chuyển dịch chữ "hữu"la` "có"  và chữ "vô" là "không" trong câu "bán vô bán hữu tịch dương biên" theo ý nghĩa chữ "hữu" và chữ "không" trong bài kệ "Hữu Không" của Thiền sư Từ Đạo Hạnh (1072 - 1116) , đời nhà Lý : "Tác hữu trần sa hữu / Vi không nhất thiết không / Hữu không như thủy nguyệt/ Vật trước hữu không không". Dịch Xuôi : bảo là có thì hạt cát là có / bảo là không thì tất cả là không / có không như bóng trăng trong nước/ chớ nhất quyết là có hay là khộng.
Lời Thêm :Vua Trần Nhân Tông, 1 nhà vua có 1 không 2 của nước ta. Là 1 vị anh quân 2 lần thắng Nguyên Mông . Là 1 bậc chân tu sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Và , còn là một nhà thơ yêu đời yêu người. Bài Thiên Trường Vãn Vọng , có lẽ, được nhà vua sáng tác khoảng thời gian về nghỉ ở quê ,trong một buổi chiều , từ hành cung Thiên Trường , nhìn ra ngoài xa , ngắm cảnh đồng quê thanh bình của đất nước. Còn lúc bấy giờ , nhà vua đang nghĩ gì thì thật tình , ngoài lòng tôn kính, ngưỡng mộ và biết ơn , kẻ hậu bối này không dám lạm bàn. 
Phạm Khắc Trí
07/13/2014 
* * *
        Buổi chiều ở Thiên Trường
 
   Thôn trước sau khói mờ vương vấn,
    Bóng chiều tà nửa ẩn nửa không.
        Trâu về tiếng sáo mục đồng,
Xuống đồng cò trắng song song là là.
                                         Mailoc
* * *
              Chi
ều Về

Thôn xóm bềnh bồng dưới khói mây
Hoàng hôn chệnh choạng ánh tà say
Một đàn cò trắng sà nương lúa
Tiếng sáo trâu về tha thiết bay

                                          CDM

* * *
Cảnh Chiều Ở Thiên Trường

Xóm thôn mờ mịt khuất màn sương
Ẩn hiện trong chiều dưới nắng vương
Trâu nhẩn nha về theo tiếng sáo
Trên đồng, cò trắng cánh chao buông...
                           Phương Hà phỏng dịch
* * *
         Ngắm cảnh Chiều

Trước xóm lẫn sau như khói nhạt
Ánh tà dương tựa có mà không
Vẳng trong sáo trẻ trâu về hết
Cò trắng từng đôi xuống ruộng đồng
                                   Quên Đi

Ta Lập Hội (Ái Hữu 72)


   

Chúng mình lập hội nầy
Bây giờ mới thấy hay
Tình thân còn thắm thiết
Ái Hữu: ôi!!! kỳ thiệt
Chúng mình lập hội nầy
Mai đây mình trăm ngã
Cng cố hợp một nhà
Ái Hữu; À!!! của ta
Chúng mình lập hội nầy
Một năm rồi đấy nhé
Tiến trin xem phẻ re
Tương lai tồn tại nè

Nguyễn Văn Tùng
(Trích từ Nội San 72- Lớp 11B3 - Niên khoá 1972)

Hoa Trang Trước Ngõ


Bụi trang trước ngõ màu tươi thắm
Thoáng dịu hương trong ủ lá cành
Chạnh nhớ mùa xưa trên lối mộng
Hoa cài mái tóc đẫm tình anh!

Giọt nhớ sương chiều vương mắt em
Gió ru hồn lạc chốn xa miền
Nắng rơi nghiêng cánh hoa thềm cũ
Mưa có thấm lòng... anh nhớ em?


Yên Dạ Thảo
Hình phụ bản của tác giả

Xướng Hoạ "Tình Ngâu"


Xướng: Tình Ngâu

Mưa nhớ thu buồn những giọt ngâu
Đôi bờ lưu luyến phút ban đầu
Se duyên hai bến mong tương ngộ
Ô Thước sông Ngân kết nhịp cầu
Quên Đi
* * *
Hoạ: Tình Ngâu

Nhịp cầu Ô Thước đón mưa Ngâu
Hai bến sông Ngân thắm mộng đầu
Hẹn ước phút giây ngày tái ngộ
Ngưu Lang Chức Nữ đoái mong cầu

Mùa Vu Lan 2014
Thiên Thu

Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

Mưa Tình Tháng Bảy



Dìu dặt tiêu đưa áo não sầu
Nặng lòng đau trổi khúc bi thương
Ước nguyền tơ tóc bao ngang trái
Đôi lứa trời đày mỗi ngả chia

Tháng Bảy về mưa tình giọt ngâu
Ngọt bùi làn nước mắt rơi mau
Dòng sông ngăn cách xa vời vợi
Ô Thước cầu đau nối nhịp buồn

Giây phút tương phùng thôi nhớ mong
Bóng đêm đày đọa những ngày trông
Mưa tình ray rức giờ ly biệt
Tháng Bảy sông Ngân lạnh bến chờ


Kim Phượng
13.8.2013

Ca Khúc Qua Sông - Thơ Lý Thừa Nghiệp - Nguyên Thông Văn Giảng Phổ Nhạc


Thơ: Lý Thừa Nghiệp
Nhạc: Nguyên Thông Văn Giảng
Tiếng Hát: Trang Mỹ Dung

Tháng Bảy Nhỏ Lệ Tình Ngâu


Chiều tháng bảy sụt sùi suối lệ Ngâu
Mưa lầy bước em trên dốc tình sầu
Ngọn gió vô tình lùa bay hương tóc
Thổi hạt mưa buồn đọng hoen mắt nâu

Mưa tháng bẩy dầm dề nỗi nhớ nhung
Cho hồn tê tái niềm đau khắc khoải
Giọt sầu vụn vỡ mảnh cắt lạnh lùng
Lòng em mưa đổ người nào đâu thấu

Như Chức Nữ bên dòng sông định mệnh
Tiếng đàn nỉ non oán khúc sầu mưa
Tơ lòng thổn thức ngàn cung phím nhớ
Não nùng trong đêm xót những âm thừa

Hỏi trời sao đành rẻ thuý chia uyên
Cho trăm năm bến vẫn mãi đợi thuyền
Cho tương tư sầu riêng em nặng gánh
Chờ đàn Ô Thước nối vòng nợ duyên

PTMC

Tiểu Vũ Vi
15/07/08


Tình Ngâu


Mưa nhớ thu buồn những giọt ngâu
Đôi bờ lưu luyến phút ban đầu
Se duyên hai bến mong tương ngộ
Ô Thước sông Ngân kết nhịp cầu

Quên Đi

Thơ Tranh: Quá Giang Nỗi Buồn



Thơ: Trầm Vân
Thơ Tranh: Kim Quang

Dạ Khúc Mưa - Từ Kế Tường


Một lần bất chợt nghe mưa
Cố tình để chút âm thừa dội lên
Tiếng khua động bóng hình em
Ngời ngời viễn cách đêm đêm bước về

Cúi đầu thương ngọn gió se
Thương ta kiếp trước đâu dè ngày nay
Gõ đàn lên kịp mấy dây
Khóc trong dạ khúc, lòng đầy hương xưa

Ai ngoài cây cỏ xa mờ
Trăm năm mắt lệ nằm chờ ánh trăng
Ta ngồi trong cõi nhân gian
Búng tay mấy nhịp nghe tràn nỗi đau

Thôi đành như nước chân cầu
Ngược, xuôi cũng một bóng câu qua trời
Một lần tạ hạt mưa rơi
Vờ quên đóng cửa gọi chơi bóng người. 

Từ Kế Tường
Suối Dâu sưu tầm

Ngưu Lang Chức Nữ - Từ Huyền Thoại đến Hiện Thực

1 - Huyền Thoại


Câu chuyện cảm động lòng người từ cổ chí kim truyền lại về chuyện tình ngang trái của đôi nam nữ trên cung đình, dựa trên các ngôi sao có thật trên bầu trời. Nhân dịp sắp đến ngày mùng 7 tháng 7 âm lịch, chúng ta hãy tìm hiểu về câu chuyện này và các ngôi sao này trên bầu trời nhé.
Ngưu Lang - Chức Nữ hay Ông Ngâu - Bà Ngâu là câu Truyện Cổ Tích, có hai phiên bản, một của Việt Nam và một của Trung Quốc. Truyện cổ tích này có liên quan đến các sao Chức Nữ(Vega) và sao Ngưu Lang (Altair), dãy Ngân Hà và hiện tượng mưa Ngâu diễn ra vào đầu tháng Bảy âm lịch ở Việt Nam. Trong truyện cổ tích Trung Quốc cũng có nhắc tới Ngưu Lang (牛郎) vàChức Nữ (織女) nhưng nội dung câu chuyện cũng như các dị bản thì không giống với truyện của Việt Nam.

Phiên bản Trung Quốc
Chàng chăn bò trẻ tuổi có tên gọi Ngưu Lang (chàng chăn bò, là sao Ngưu Lang) nhìn thấy bảy cô tiên xinh đẹp đang tắm trong hồ và đang đùa giỡn vui vẻ với nhau. Được cổ vũ bởi người bạn đồng hành tinh quái là một con bò đực, chàng đã lấy trộm váy áo của họ và chờ đợi xem điều gì sẽ xảy ra. Các nàng tiên đã cử cô em út và xinh đẹp nhất có tên gọi là Chức Nữ (hay cô gái dệt vải) ra để lấy lại váy áo. Nàng đành phải làm theo, nhưng do Ngưu Lang đã nhìn thấy thân thể trần tục của Chức Nữ nên nàng đành chấp thuận lời cầu hôn của chàng (đúng như câu "Nam nữ thụ thụ bất thân" của lễ giáo phong kiến). Nàng đã chứng tỏ mình là một người vợ tuyệt vời, còn Ngưu Lang là một người chồng tốt và họ đã sống bên nhau hạnh phúc. Nhưng Thiên Hậu (trong một số dị bản là mẹ Chức Nữ) nhận ra rằng một kẻ tầm thường (tức Ngưu Lang) lại dám cưới một nàng tiên đẹp và bà đã điên tiết (trong các dị bản khác, Thiên Hậu bắt Chức Nữ quay lại làm công việc dệt các đám mây ngũ sắc trên bầu trời vì nàng đã không làm công việc đó kể từ khi lấy chồng). Rút cái kẹp tóc của nàng ra, Thiên Hậu đã vạch ra một con sông rộng trên bầu trời để chia cắt đôi tình lang mãi mãi (vì thế tạo ra sông Ngân và trên thực tế người ta nhìn thấy các sao Ngưu Lang và Chức Nữ nằm ở hai bên của Ngân Hà).
Chức Nữ phải vĩnh viễn ngồi trên một bờ sông, buồn bã dệt vải, còn Ngưu Lang chỉ nhìn thấy vợ mình từ xa và phải chịu trách nhiệm nuôi hai con (tức hai ngôi sao bên cạnh nó là Aquila -β và -γ).
Nhưng có một ngày, tất cả các con quạ cảm thấy thương hại họ và chúng bay lên trời để làm cầu (Ô kiều) để đôi vợ chồng có thể gặp nhau trong một đêm, là đêm thứ 7 của tháng 7 âm lịch .Tuy nhiên vì thương tiếc cho đôi vợ chồng Ngọc Hoàng đã đặc xá cho Ngưu Lang và Chức Nữ mỗi tháng được gặp nhau một lần và đồng thời cũng trong thời gian đó Ngưu Lang đã tìm được quả "Hoa Tiên" (là quả mà Hằng Nga đã từng ăn) vì vậy Ngọc Hoàng cùng với Vương Mẫu đã cho Ngưu Lang và chức Nữ cùng ở bên nhau nuôi con mãi mãi không bao giờ chia lìa. Truyền thuyết này có thể là gốc cho thành ngữ Tắm Tiên(theo Wikipedia)

Truyện Cổ Việt Nam

Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng Thượng đế, vì say mê một tiên nữ phụ trách việc dệt vải tên là Chức Nữ nên bỏ bê việc chăn trâu, để trâu đi nghênh ngang vào điện Ngọc Hư. Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của Ngưu Lang nên trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng giận dữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người đầu sông Ngân, kẻ cuối sông

Sau đó, Ngọc Hoàng thương tình nên ra ơn cho hai người mỗi năm được gặp nhau một lần vào đêm mùng 7 tháng Bảy âm lịch. Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành cơn mưa và được người dưới trần gian đặt tên là mưa ngâu.

Thời bấy giờ sông Ngân trên thiên đình không có một cây cầu nào cả nên Ngọc Hoàng mới ra lệnh cho làm cầu để Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau. Các phường thợ mộc ở trần thế được vời lên trời để xây cầu. Vì mạnh ai nấy làm, không ai nghe ai, họ cãi nhau chí chóe nên đến kỳ hạn mà cầu vẫn không xong. Ngọc Hoàng bực tức, bắt tội các phường thợ mộc hóa kiếp làm quạ lấy đầu sắp lại làm cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau. Vì thế cứ tới tháng bảy là loài quạ phải họp nhau lại để chuẩn bị lên trời bắc Ô kiều. Khi gặp nhau, nhớ lại chuyện xưa nên chúng lại lao vào cắn mổ nhau đến xác xơ lông cánh. Ngưu Lang và Chức Nữ lên cầu, nhìn xuống thấy một đám đen lúc nhúc ở dưới chân thì lấy làm gớm ghiếc, mới ra lệnh cho đàn chim ô thước mỗi khi lên trời làm cầu thì phải nhổ sạch lông đầu. Từ đó, cứ tới tháng bảy thì loài quạ lông thì xơ xác, đầu thì rụng hết lông.

Có dị bản khác cho rằng tên gọi của Ô kiều là cầu Ô Thước do chim Ô (quạ) và chim Thước (chim Khách) kết cánh tạo ra.
2 - Trên Thực Tế
Hình chụp quầng khí quanh sao Chức Nữ
Sao Chức Nữ (α Lyr / α Lyrae / Alpha Lyrae hay Vega hoặc Vêga) là ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Thiên Cầm (Lyra), và là sao sáng thứ 5 trên bầu trời đêm. Nó là sao sáng thứ 2 ở bầu trời phía bắc sau Arcturus, và thông thường có thể nhìn thấy ở gần thiên đỉnh khi quan sát ở các vĩ độ trung bình (40-50) về mùa hè ở bắc bán cầu.
Nó là "ngôi sao gần" cách hệ Mặt Trời chỉ có 25,27 năm ánh sáng, và cùng với Arcturus và sao Thiên Lang (Sirius), là những ngôi sao "hàng xóm" của Mặt Trời sáng nhất. Sao Chức Nữ là một đỉnh của Tam giác mùa hè.
Lớp quang phổ của nó là A0V (Sao Thiên Lang là A1V, tức là ít mãnh liệt hơn một chút) và nó là sao thuộc chuỗi chính với các phản ứng hạt nhân chuyển hiđrô thành heli trong lõi của nó. Vì các sao càng mạnh thì sử dụng nguồn nguyên liệu nhiệt hạch càng nhanh, thời gian đang tồn tại của sao Chức Nữ chỉ khoảng 1 tỷ năm, bằng 1/10 của Mặt Trời. Sao Chức Nữ có bán kính 2,5 lần lớn hơn, 3 lần nặng hơn và 50 lần bức xạ mạnh hơn Mặt Trời.
So sánh kích thước Sao Chức Nữ bên trái và Mặt Trời
Sao Chức Nữ có một lớp bụi và khí hình chiếc đĩa vây quanh nó, được phát hiện bởi IRAS vào giữa những năm thập niên 1980. Nó hoặc là dấu hiệu của sự hiện diện của các hành tinh hoặc là các hành tinh của nó sẽ sớm được tạo ra. Đĩa mẫu hành tinh, như có thể suy ra từ tên gọi của nó, được tin là sẽ dẫn đến sự hình thành của các hành tinh nhưng cũng có thể tồn tại một thời gian dài sau khi các hành tinh đã hình thành nếu không có các hành tinh khí khổng lồ giống như sao Mộc.
Vào khoảng năm 14.000, sao Chức Nữ sẽ trở thành Sao Bắc cực, do hiện tượng tuế sai của các điểm phân. Xem bài Polaris để có thêm thông tin.
Các nhà thiên văn học chuyên nghiệp sử dụng sao Chức Nữ để xác định thang độ sáng tuyệt đối. Khi thang độ sáng được quy định thì giá trị cường độ sáng của sao Chức Nữ rất gần với 0. Vì thế độ sáng biểu kiến của Chức Nữ, theo định nghĩa, được chọn là bằng 0 trên mọi bước sóng (nó không được sử dụng gần đây do độ sáng biểu kiến ngày nay chủ yếu được định nghĩa theo thuật ngữ của thông lượng chiếu xạ từ sao). Nó cũng có phổ điện từ tương đối phẳng trong vùng ánh sáng (các bước sóng từ 350 đến 850 nanomét, phần lớn các bước sóng này mắt người có thể cảm nhận được), vì thế thông lượng là xấp xỉ bằng 2000-4000 Jy. Thông lượng bức xạ của Chức Nữ giảm nhanh chóng trong khu vực hồng ngoại, và nó xấp xỉ 100 Jy ở bước sóng khoảng 5 micromét.
Sao Chức Nữ là chủ thể của nhiều cái 'đầu tiên' trong Thiên văn học; năm 1850 nó là ngôi sao đầu tiên được chụp ảnh, năm 1872 nó là ngôi sao đầu tiên có quang phổ được ghi lại. Nó cũng được tranh cãi có phải ngôi sao đầu tiên được đo lại biến đổi vị trí góc của mình, trong các thực nghiệm đầu tiên của Friedrich Struve năm 1837. Cuối cùng, nó là ngôi sao đầu tiên có loại xe ô tô được đặt tên theo, khi Chevrolet sản xuất xe 'Vega' năm 1971.
Trong tiếng nước ngoài, tên gọi Vega có nguồn gốc từ tiếng Ả Rập - từ waqi có nghĩa là "rơi rụng", trong thành ngữ نسر الواقع an-nasr al-wāqi‘ có nghĩa là "chim kền kền rơi". Là một phần của chòm sao Thiên Cầm (Lyra) nó tượng trưng cho chuỗi ngọc quý trên thân cây đàn cầm.
Sao Chức Nữ ở tọa độ 18h 36m 56.3364s, +38° 47′ 01.291″ đấy nhé
... thế còn phu quân của ngôi sao này thì thế nào nhỉ ?
Sao Ngưu Lang (α Aql / α Aquilae / Alpha Aquilae / Atair) là ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Thiên Ưng (Aquila) và là sao sáng thứ 12 trong bầu trời đêm, với độ sáng biểu kiến 0,77.
Thể tích của Ngưu lang lớn gấp đôi mặt trời! Bề mặt Ngưu lang nóng tới 9.000 độ C (mặt trời: 7.000 độ C) và cường độ ánh sáng mạnh gấp 10 lần của mặt trời. Cách Chúng ta khoảng 16 năm ánh sáng
Sao Ngưu Lang là một đỉnh của Tam giác mùa hè. Nó là sao dạng "A" hay sao trắng cách Trái Đất 17 năm ánh sáng và là một trong những sao gần nhất có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Trong một số ngôn ngữ nước ngoài, chẳng hạn như trong tiếng Anh, nó có tên là "Altair" hay "Atair" có nguồn gốc từ tiếng Ả Rập để chỉ "con chim đang bay", từ thành ngữ نسر الطائر an-nasr aţ-ţā?ir "đại bàng bay".


Đáng chú ý nhất của sao Ngưu Lang là tốc độ tự quay cực nhanh của nó; bằng cách đo độ rộng các quang phổ vạch của nó, người ta đã xác định là ở khu vực xích đạo của nó thì nó tự quay một vòng hết khoảng 6 1/2 giờ (các tài liệu khác đôi khi cho là 9 hay 10,4 giờ). So sánh với ngôi sao của chúng ta, tức Mặt Trời, thì nó phải mất hơn 25 ngày một chút để tự quay hết một vòng. Với sự tự quay nhanh như vậy, sao Ngưu Lang có lẽ có hình cầu dẹt: đường kính tại xích đạo ít nhất khoảng 14% lớn hơn so với đường kính tính theo hai cực.
Sao Ngưu Lang, cùng với Beta Aquilae và Gamma Aquilae, tạo thành một đường nổi tiếng các sao, đôi khi được nói đến như là mỏ của con đại bàng (tức chòm sao Thiên Ưng).

So sánh kích cỡ sao Ngưu Lang và Mặt Trời
Sao Ngưu Lang ở tọa độ 19h 50m 46.9990s, +08° 52′ 05.959″ nhé
Đôi nam nữ này cùng với Sao Deneb tạo nên một tam giác mùa hè đấy. Vậy tam giác mùa hè là gì nhỉ ? Tìm hiểu thêm luôn nào

Tam giác mùa hè trên bầu trời
Tam Giác Mùa Hè là một mảng sao (asterism) gồm các sao tạo ra một tam giác tưởng tượng của bầu trời nửa Bắc bán cầu, với các sao ở đỉnh là sao Ngưu Lang (Altair), sao Deneb, và sao Chức Nữ (Vega). Tam giác này nối ba ngôi sao sáng nhất của ba chòm sao: chòm sao Thiên Ưng (Aquila), chòm sao Thiên Nga (Cygnus) và chòm sao Thiên Cầm (Lyra).

Thuật ngữ tiếng Anh này được nhà thiên văn Anh Patrick Moore phổ biến trong những năm của thập niên 1950, mặc dù ông không phát minh ra điều này. Nhà thiên văn Áo, Oswald Thomas, miêu tả các sao này như một Tam Giác Lớn (Grosses Dreieck) vào cuối thập niên 1920, về sau ông gọi là Tam Giác Mùa Hè (Sommerliches Dreieck) vào năm 1934. Mảng sao này (asterism) đã được Joseph Johann Littrow để ý đến, ông miêu tả nó như là "tam giác dễ thấy" trên các tài liệu trong bản đồ của ông (năm 1866), và Johann Elert Bode đưa chùm sao này vào sách bản đồ của ông năm 1816, mặc dù chưa có tên gọi.

Tam Giác Mùa Hè vào các tháng hè, nằm trên đỉnh đầu của người quan sát đứng ở Bắc bán cầu tại các vĩ độ bắc 40-50 độ, nhưng cũng có thể nhìn thấy vào mùa xuân hay mùa thu. Từ nửa Nam bán cầu, nó xuất hiện phía trên, lộn ngược trên bầu trời, nhưng rất thấp trong các tháng mùa đông.

Và đây là hình ảnh tưởng tượng về các chòm sao tam giác mùa hè nè
(Trích theo http://thienvanhoc.jimdo.com)
(vutrutrongtamtay.com)
Kết luận
Qua những bài sưu tầm trên, nếu theo huyền thoại của Trung Hoa, Ngưu Lang và Chức Nữ sau thời gian xa cách, lại được gần nhau mãi mãi. Còn trên thực tế, Chàng Ngưu và Ả Chức cách nhau đến 16,5 triệu năm ánh sáng. Nếu cả hai muốn đến với nhau bằng tốc độ của ánh sáng, cũng phải mất hơn 8 năm mới gặp nhau. Còn nếu cả hai di chuyển với vận tốc 100 km/giờ thì than ơi phải gần 60 triệu năm mới gặp lại nhau. Như thế thì tội nghiệp cho hai kẻ yêu nhau quá phải không Quý Vị. Thôi thì chúng ta đồng ý cho Ngưu Lang và Chức Nữ vẫn có phép tiên, để mỗi năm hai người được gặp nhau một lần như truyện cổ tích Việt Nam, cho những nhà thơ còn thả hồn vào chuyện tình mưa ngâu tháng 7. Một chuyện tình đẹp, buồn trong hồn thơ Việt.

Huỳnh Hữu Đức Tổng Hợp và Biên Soạn