Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Lục Bát Huệ Thu



Ta nằm ôm gió chờ mưa
Nắng Cali đốt buổi trưa mịt mù
Ðọc dòng LỤC BÁT HUỆ THU
Lòng trôi nổi giữa lời ru ban đầu
Cám ơn ngôn ngữ ca dao
Dẫn ta qua những ba đào cõi THƠ
Trái tim già bỗng bất ngờ
Ngu ngơ như thuở dại khờ biết yêu
Ta nằm ôm nắng chờ chiều
Trời Cali nhớ cánh diều quê hương
Ðọc dòng lục bát tha phương
ơi vần, ơi điệu, sáu thương, tám sầu...
Cám ơn Ðà Lạt sắc màu
Tặng đời một đóa hoa đào tinh khôi
Ta nằm đếm giọt mưa rơi
Còn đâu lục bát một thời vàng son?

Phạm Hồng Ân


Thiên Hương


Ngưỡng mộ vô cùng hai sắc hoa
Giai nhân tỏa sáng thật mặn mà
Điểm chút sương chiều thêm lộng lẫy
Thiên hương bát ngát tận phương xa

Trọng bậc anh thư chẳng kém ai
Văn chương thi phú rất biện tài
Tỉ muội khởi nguồn chung chí hướng
Lẫy lừng hữu xạ tự nhiên hương

Kim Quang


Trời Mơ


Cánh Phượng trên tay thôi em thả xuống
Ta cuối đầu nhặt lại ép vào thơ
Một năm mười năm trăm năm tình cờ mở lại
Vẫn thắm nồng rực rỡ cả trời mơ

Trương Văn Phú

Quỳnh Giao: Tiếng Ca Mở Nẻo Lam Kiều


      Tôi biết tiếng hát Quỳnh Giao từ khi tôi vào trường Cao Tiểu Vĩnh Long (Collège de Vinh-Long) vào năm 1950. Lúc đó cô chỉ là một cô ngọc nữ xinh tươi với cái tên là Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang, lấy cái tên Đoan Trang của mình làm nghệ danh. Cô hát chung với ông anh Bửu Minh của mình (lấy nghệ danh là Anh Minh). Cả hai là con chung của nữ danh ca mt và hoàng thân Nguyễn Phúc Ưng Quả. Ông Ưng Quả là thầy dạy của Thái tử Bảo Long, một bậc trí thức nổi bật trong hoàng tộc thuở đó, đã từng viết nhiều tờ báo tiếng Pháp do người Pháp chủ trương.
Quỳnh Giao là hậu duệ của ngài Tuy Lý Vương Miên Trinh. Vương cùng ông anh khác mẹ là ngài Tùng Thiện Vương nổi tiếng về thi ca. Dòng dõi của vương, về bên nữ có vài bà tôn nữ giỏi thơ văn như Công Tằng Tôn Nữ Tri Túc (bút hiệu là Cỏ May, Cỏ Tháng Giêng), Công Tằng Tôn Nữ Tri Thức (bút hiệu là Hoàng Du Thụy), Công Huyền Tôn Nữ Nha Trang (bút hiệu là Thanh Nhung). Riêng Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang khi đến tuổi cài trâm lại lấy nghệ danh là Quỳnh Giao. Và khi ra hải ngoại, cô bắt đầu cầm bút viết phê bình văn chương, viết những bài tưởng niệm các nhạc sĩ vừa qua đời hay vinh danh các nhạc sĩ còn tại thế.

Tôi đã say mê cô ngọc nữ Đoan Trang cùng cậu kim đồng Anh Minh song ca bài “Dưới Nắng Hồng” của Đoan Trang. Eo ơi, cả hai mới sáu bảy tuổi chứ mấy, khi hát mà còn ngân nga rựa ràng nào khác cặp song ca Bích Chiêu & Tuấn Ngọc vốn là hai chị em ruột (chị gái và em trai). Và khi Đoan Trang lớn lên để trở thành cô xuân kiều xinh tươi thì tôi quên hẳn cô vì lúc đó cô theo đuổi việc sách đèn và học môn dương cầm tại trường Quốc Gia Âm Nhạc. Đến khi cô trở thành thiếu nữ đoan trang thuỳ mị với nghệ danh Quỳnh Giao thì tôi được nghe cô hát trên đài Sài Gòn và đài Quân Đội, khi thì song ca với Mai Hương, khi thì tam ca với Mai Hương và Như Thủy (em gái Nhật Trường), và sau hết tam ca với Mai Hương và Phương Nga, Làm sao tôi quên được Mai Hương, Quỳnh Giao và Như Thủy tam ca bản “Hồ Lãng Bạc” của Xuân Tùng; ở điệp khúc cả ba ca thật xôn xao như sóng lớp lớp bủa vào mạn thuyền nghe đã hết sức!

      Vào năm 1971, tôi mới được diện kiến Quỳnh Giao tại đài Sài Gòn. Cô có dắt cháu Dương Ngọc Bảo Cơ (con gái duy nhất của cô) theo. Cô bé bước đi lẫm chẫm xinh xắn như một quả tim. Còn Quỳnh Giao thì giữ dáng dấp một cô thiếu nữ 16. Chiếc áo dài của cô bằng lụa tằm hơi dầy nhưng mềm mại ửng màu nguyệt bạch, cách tô chuốc son phấn quá phơn phớt, quá gượng nhẹ của cô làm tôi tưởng chừng đó là một nữ sinh viên hơn là một ca sĩ. Tuy nhiên ở chỗ giáp nhau ở cổ áo, cô có cài chiếc trâm nhỏ hình tròn cỡ cúc áo có nạm chuỗi hột lấp lánh. Trong cuộc phỏng vấn cô, tôi tán gẫu với cô nhiều hơn là đặt câu hỏi. Tuy nhiên khi bài phỏng vấn đăng trên tuần san Minh Tinh, cô rất hài lòng. Và cô mời tôi đến tư thất cô cho biết. Thuở đó cặp uyên ương DNH & Quỳnh Giao ở chung với dì cô là bà quả phụ Đỗ Thế Phiệt (giáo sư trường Quốc Gia Âm Nhạc). Tuy là sống dưới mái nhà với bà Đỗ, nhưng cả hai có giang sơn biệt lập với chỗ ở của bà. Cho nên những khi tôi đến viếng cô thì không bao giờ tôi gặp bà.

      Trước ngày 30/4/75 vài hôm, gia đình Quỳnh Giao di tản qua đảo Guam rồi định cư trên tiểu bang Virginia. Còn tôi, phải đợi đến hai năm sau mới định cư trên đất Pháp. Bên kia Đại Tây Dương, Quỳnh Giao dạy tư gia môn dương cầm. Trên đất Pháp, tôi làm báo, viết báo. Và mãi tới năm 1983, tôi bắt đầu viết văn trở lại. Tới năm 1986, nhờ nhà thơ nữ Vi Khuê cũng ở Virginia mà Quỳnh Giao và tôi nối lại giao du. Vào năm 1989, tôi qua bên Washington D.C. ra mắt quyển “Giai Thoại Hồng”, có ở chơi nhà vợ chồng cô một ngày một đêm. Thuở đó cô còn chung sống với anh DNH ở thành phố Annandale. Rồi sau đó, chín năm sau, tức là vào năm 1999, tôi trở qua Washington D.C. ra mắt quyển “Theo Chân Những Tiếng Hát” thì cô không còn ở Annandale nữa; cô đã ly dị anh H. từ lâu, hình như vào năm 1990 thì phải và đã thiên cư qua bên California.

      Vào một sáng giữa thu lành lạnh, nhưng nắng đẹp tuyệt vời như bạc lỏng, Quỳnh Giao lái xe đến nhà bạn của tôi tức là Tiến sĩ Phạm Văn Hải (khi viết văn ký bút hiệu Hải Vân Phạm Văn Hải) ở trong vùng thơ mộng nhất của thành phố Falls Church để đưa tôi đi ăn trưa tại tiệm mì Kim Sơn. Chúng tôi có nhiều chuyện để kể cho nhau nghe, chuyện ca giới lẫn chuyện văn giới, chuyện những văn nghệ sĩ còn kẹt ở quê nhà cho nên chẳng ai ăn hết tô mì. Sau đó cô đưa tôi về tư thất cô nằm trong khu tráng lệ của thành phố Fairfax. Nhà cô sạch bóng, cách chưng dọn thật trang nhã. Tại phòng khách có treo tấm ảnh phóng đại của cô chụp chung với người bạn lòng của cô. Đó là anh Nguyễn Xuân Nghĩa, một chính khách và cũng là một học giả.

      Cách xa nhau 9 năm, trong khoảng thời gian ấy, chúng tôi thư từ qua lại chỉ có vài lần. Nhưng khi thực hiện được dĩa nhạc nào, Quỳnh Giao cũng nhớ gửi tặng tôi. Gặp lại cô ở Virginia, tôi thấy cô đẹp dễ sợ. Trước đó, nhan sắc cô chỉ dễ coi mà thôi. Cô trội hơn các ca sĩ khác ở vẻ cao sang thanh thoát của một tôn nữ, ở kiến thức văn chương nghệ thuật theo truyền thống “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Nhưng bước vào tuổi ngũ tuần, cô hiện thân là một trung niên mỹ phụ. Thần thái cô sáng rực lên. Gương mặt với cặp má hơi thỏn của cô thuở nào thì giờ đây lại đầy đặn thêm ra. Cặp lưỡng quyền tuy thế vẫn không mất, vẫn còn rõ nét để tạo cho cô một vẻ duyên dáng nồng mặn. Bởi vì không có lưỡng quyền rõ nét, khuôn mặt người đàn bà sẽ trơ trẻn và phèn phẹt như tảng bánh đúc thế nào ấy! Cặp mắt cô được tô viền đen, sáng rờn rợn, sáng uy nghiêm.

      Trong lúc chuyện vãn về ca nhạc, Quỳnh Giao không dùng những danh từ chuyên biệt dành cho âm nhạc, mà dùng những ngôn từ rất là “bà già trầu” đã được tôi nạm lác đác trong quyển “Theo Chân Những Tiếng Hát” của tôi. Không hiểu có phải cô muốn làm đẹp lòng tôi mà nói những tiếng quê mùa? Hoặc là cô thấy ngôn ngữ chuyên biệt dành cho âm nhạc trở thành những pho cẩm thạch vô hồn khi bàn chuyện với một tác giả ưa viết truyện miệt vườn như tôi? Hay là trong lúc nói chuyện với người bạn cố tri, cô thấy ngôn ngữ “bà già trầu miền Nam” lại gợi cảm hơn? 

      Hồi còn ở quê nhà, trên Tivi tôi chưa thấy ai hát bản “Xuân Và Tuổi Trẻ” của La Hối (do Thế Lữ phổ lời) tươi vui rạng rỡ như Quỳnh Giao, dù khi diễn tả bài này cô không nhún nhẩy, không phô trương mắt liếc miệng cười. Hát mà lẳng nhức lẳng nhối, điệu đà, ỏn ẻn như mấy cô vợ bé nũng nịu với chồng là không có cô. Ở ngay tiếng hát cô, khán thính giả đã thấy mùa xuân tươi sáng và tuổi trẻ hạnh phúc ở trong đó rồi. Còn bản “Giòng Sông Xanh” của Johann Strauss (do Phạm Duy phổ lời Việt) nữa chi. Cô hát sao mà nhẹ nhàng, thênh thang, trơn ngọt, ngân bằng nguyên âm (vocaliser) thật sướng tai! Từng chuỗi ngân dài như dải lụa rập rờn trong gió tuôn ra không chút nắn nót.

      Thuở đó, Quỳnh Giao hơi gầy, hơi kiều nhược, nhưng giọng cô lại khá mạnh. Mỗi sáng cô uống một cốc nước cam vắt pha mật ong để cho trơn cổ mát họng trước khi tự luyện giọng bằng cách vocaliser từ thấp lên cao, từ cao xuống thấp những vần a, e, ê, i, o, ô, ơ, u, ư… Đó là lối luyện chân truyền của các ca sĩ Tây Phương.

      Quỳnh Giao hát thật là điêu luyện, ai cũng biết. Quỳnh Giao tốt nghiệp môn dương cầm trường Quốc Gia Âm Nhạc, có ngón đàn tươi và sành điệu, chắc chẳng ai quên. Nhưng mấy ai biết được sự thủy chung và ý tình thắm thiết của cô đối với ca hát? Ca hát là tôn giáo của cô, là mục đích mà cô đeo đuổi hơn ba phần tư cuộc đời, dù khách sành điệu của cô quá ít, dù kẻ biết được cái chân giá trị của giọng hát cô chẳng được bao người đi nữa.Ở ngoài đời, Quỳnh Giao có cung cách thật cao sang, cho nên cô giữ gìn tiếng hát cô quý phái theo. Cô đưa tình cảm vào giọng hát có chừng mực. Người chưa sành điệu khó cảm thông nổi giọng hát của cô vì đối với họ nó hơi làn lạt, chưa đủ ngọt say sưa như mật ong, mà cũng không đắng đậm như mật gấu. Tuy nhiên cô không hát quá chân phương như Mộc Lan hay như Anh Ngọc. Tình cảm trong giọng hát của cô phơn phớt và dịu nhẹ. Cô cũng dùng nét láy thật mềm để trang sức cho giọng hát mình thêm nét gợi cảm, để nữ tính cô được bộc lộ một phần nào. Hình như cho tới bây giờ, Quỳnh Giao vẫn giữ giọng thiếu nữ non mềm và tươi mươn mướt, một giọng trong ngần và trắng lóa như pha lê. Từ khi ra hải ngoại, khi hát ở những chỗ hơi trầm, tiếng cô hơi khào khào một chút, thật gợi cảm như giọng thiếu phụ. Tuy nhiên, rồi đâu cũng vào đó, tiếng hát cô cũng trở về cái giọng thánh thiện và trinh khiết gợi nên hình ảnh thiên thần cánh trắng.
      Giọng Quỳnh Giao thuộc loại kim (soprano). Khi hát ở những chỗ ngang ngang thì nó quá dịu mềm làm cho chúng ta nghĩ tới hình ảnh các cô khuê nữ kiều nhược. Khi lên cao, giọng cô tuy không xé lụa như giọng Ánh Tuyết, tuy không lảnh lót chuông ngân như giọng Thùy Nhiên năm nào, nhưng vẫn chắc, vẫn dẻo, vẫn thoải mái và thống khoái. Cô lại còn ưa chuyền hơi, từ tiếng chót câu đầu cô ngân nga thật dài rồi bắt qua tiếng đầu của câu sau với một làn hơi óng ả vóc nhung tơ và dồi như nước sông mùa lũ, nghe mà cảm thấy đã cái lỗ tai biết dường nào!


      Từ năm 1986 cho tới bây giờ, ngoài hai băng nhạc “Hát Cho Kỷ Niệm 1” và “Hát Cho Kỷ Niệm 2”, Quỳnh Giao thực hiện cho riêng mình những dĩa nhạc “Khúc Nguyệt Quỳnh”, “Tiếng Chuông Chiều Thu”, “Chiều Về Trên Sông”, “Ngàn Thu Áo Tím”, “Hành Trình Phạm Duy”. Lại còn dĩa nhạc “Tìm Nhau Bốn Mùa” mà cô hát chung với Kim Tước và Mai Hương nữa chi!

      Quỳnh Giao thường hát những bài chọn lọc, có phẩm chất cao. Cô không chiều theo thị hiếu của khán thính giả tạp nhạp. Cô nhắm vào khách sành điệu ít oi, dù nghìn người chỉ có một người đi nữa. Cô hát những bản có nhiều chỗ lên cao để cô có thể biểu diễn giọng kim cao vút và sáng nguy nga, sáng lồng lộng của mình như “Chiều Về Trên Sông” của Phạm Duy, “Tiếng Dương Cầm” và “Mưa Trên Phím Ngà” của Văn Phụng, “Hẹn Một Ngày Về” của Lê Hữu Mục, “Tiếng Thời Gian” của Lâm Tuyền, “Hoài Cảm” và “Thu Vàng” của Cung Tiến. Bản “Sao Đêm” của Lê Trọng Nguyễn và bản “Đường Chiều Lá Rụng” của Phạm Duy tuy không có chỗ lên quá cao nhưng vẫn là hai bản khó hát, các ca sĩ có kỹ thuật non kém sẽ hát tuột giọng, đâm hơi, lạc giọng… Nhưng vốn có kỹ thuật thâm hậu, Quỳnh Giao hát rất đúng giọng, không sai một bán cung, rất điệu nghệ, càng nghe càng khoái.

      Càng lớn tuổi, cô càng luyện giọng siêng chăm hơn nên làn hơi cô thêm mạnh, chuỗi ngân càng đẹp tuyệt vời. Rõ ràng là đây là rượu bồ đào càng để lâu càng nồng ngát say sưa.

      Tiếng hát cao vút không gợn đục bởi tình cảm sướt mướt của Quỳnh Giao một khi cất lên như đưa tâm hồn khán thính giả đến tận nẻo Lam Kiều in trên mây xanh nổi chập chùng mây trắng để họ bước vào cõi tiên.


Hồ Trường An
(Chân Dung Những Tiếng Hát)
Từ nguồn Cỏthơm

Thơ Tranh: Mưa Pleiku


Thơ:  Lê Kim Hiệp
Thơ Tranh: Nguyễn Đức Tri Tâm

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

Vẫn Còn Có Anh


Vẫn còn có anh bên đời
Dẫu mai anh bỗng xa xôi ngàn trùng
Còn anh trong nỗi nhớ nhung
Trong dài ngày tháng trong từng phút giây
Rong chơi  qua cuộc đời này
Hơp tan tan hợp bèo mây thôi mà
Trăm năm dài dược bao xa
Đôi khi khoảnh khắc cũng là thiên thu
Hai  nơi biền biệt xa mù
Trông vời gọi với cho dù đã xa

Khánh Hà

Khung Trời Nhỏ


Tiễn anh đi em gầy gò tuổi ngọc
Rạt rào lòng, nước mắt nhỏ âm-u
Ươm tình yêu cho tròn cuộc ngục tù
Ở nơi ấy anh nào đâu có biết
Nhìn phương anh, chim trời bay biền biệt
Gục đầu vào khuôn sáo nhỏ tình yêu
Ngập đường về hoa cỏ cũng đìu hiu
Gót chân nhỏ kéo mòn trên giốc đá
Ung dung bước trong ngút ngàn xa lạ
Yến xa rồi, con oanh nhỏ cô đơn
Em chờ anh trong năm tháng tủi hờn
Người yêu hỡi có bao giờ xa xót
Yến xa rồi, oanh buồn oanh thôi hót
Êm đềm nào trong kỷ niệm đôi ta
Những ngày vui anh mang cả đi xa
Mang theo hết những hình hài yêu dấu
Im lặng đứng giữa trời chiều nắng dột
Nguyện cầu cho anh mãi mãi bình an
Hãy nhớ về cô em nhỏ miền Trung
Đang vò-võ tháng ngày mong anh đó

Yên Sơn
081970
(Trích trong tập thơ: Cho Quê Hương – Tôi – Và Tình Yêu
Xuất bản 1998)

16 Cách Cột Khăn Choàng


Yên Đỗ sưu tầm

10 Bí Ẩn Thú Vị Về Hàn Quốc


Văn hóa Hàn Quốc từ ẩm thực cho đến âm nhạc, các chương trình truyền hình đang xâm chiếm châu Á. Tuy nhiên, không ai phải cũng biết những sự thật thú vị về nền văn hóa này.
1.  Văn hóa uống rượu 


Uống rượu là một phần quan trọng trong xã hội Hàn Quốc. Đó là cách mọi người giao tiếp và tìm hiểu lẫn nhau. Ít nhất mỗi tháng một lần, thậm chí mỗi tuần một lần, người Hàn Quốc đi ra ngoài ăn uống với đồng nghiệp của mình. Những sự kiện này được gọi là "hoesik" và thường uống nhiều rượu. Hàn Quốc có rất nhiều quy tắc khi nói đến uống rượu. Nếu một trưởng bối rót cho bạn bạn một ly rượu, bạn phải giữ chén thành kính bằng hai tay. Và nếu bạn rót rượu cho một người lớn tuổi hơn, bạn cũng phải giữ chai rượu bằng hai tay. Chỉ có người cao niên hoặc người có địa vị cao hơn mới có thể sử dụng một tay.
Luôn phải giữ lại một chút rượu trong chén, và không bao giờ đổ đồ uống xuống đất. Không có giới hạn cho một buổi "hoesik." Mọi người tiếp tục uống và uống và tất cả các trong khi la lớn: "Kon-Bay( có nghĩa là “Chúc mừng!") và thức dậy vào sáng hôm sau, để ăn một bát súp thịt heo được gọi là "haejangguk” để giải rượu.

2. Kiêng kị màu mực đỏ



Mọi đất nước đều có sự mê tín dị riêng của mình. Trong khi phương Tây lo lắng về con mèo đen, muối đổ, con số 13 thì Hàn Quốc lại sợ “mực đỏ”. Ở Hàn Quốc, người ta cho là nếu ai bị viết tên bằng bút màu đỏ thì là người không được may mắn và sẽ gặp nhiều tai ương, thậm chỉ sẽ chết.
Vì vậy, tại sao người Hàn Quốc lại sợ bút màu đỏ? Người Hàn Quốc tin rằng màu mực đỏ có thể xua tan ma quỷ và bảo vệ người chết, nhưng nếu viết tên của một người sống trong màu đỏ, sẽ có được tác dụng ngược lại. Vì vậy, người Hàn Quốc kiêng kị  ký hợp đồng, viết thư, hoặc viết thông báo bằng màu chữ đỏ mà thay vào đó sử dụng hoàn toàn bằng màu đen.
3.Tôn trọng cái bắt tay 


Người sáng lập tập đoàn Microsoft, Bill Gates đã bị một số phương tiện truyền thông Hàn Quốc chỉ trích khi ông vừa bắt tay Tổng thống Park Geun-Hye vừa để một tay trong quần. Ngay lập tức các tờ báo lớn của Hàn đã đăng bức ảnh này cùng với dòng chú thích: "Sự khác biệt văn hóa, hay một hành động thiếu tôn trọng?". “Cái bắt tay thiếu tôn trọng? Cái bắt tay bình thường?”.
Hàn Quốc là đất nước rất coi trọng nghi thức nho giáo và đặc biệt nhạy cảm đối với niềm tự hào dân tộc. Tại Hàn Quốc, bắt tay đôi khi cũng là một hành động bình thường trong giao tiếp nhưng trong một số trường hợp, họ có thể bao hàm sự vượt trội. Nếu bạn đang bắt tay với một người ngang hoặc ít tuổi hơn thì có thể hãy sử dụng một tay. Nhưng nếu bạn đang gặp gỡ một người nào đó nhiều tuổi hơn hoặc ở vị trí cao hơn, bạn phải sử dụng cả hai tay). Vì vậy, nếu bao giờ khi bắt tay với một ông chủ Hàn Quốc, bạn cũng phải đỡ bằng hai tay và mắt luôn phải nhìn thẳng

4. Giáo dục của Hàn Quốc 




Sinh viên Hàn Quốc được cho là rất thông minh. Hàn Quốc có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp cao khoảng 93 % ( trong khi Mỹ chỉ có 77 %) , và có hệ thống giáo dục tốt thứ hai trên thế giới. Tất cả điều này đều là nhờ các "hagwons” . Hagwons là các nhà quản lý và giáo viên công tác tại các trường học thêm tư. Giáo dục tư nhân trở thành một ngành công nghiệp khổng lồ trong suốt thập niên qua khi các bậc phụ huynh tìm mọi cách để tạo điều kiện cho con có lợi thế trong một xã hội mà sự thành công được định nghĩa rất hạn hẹp, thông thường chỉ là vào một trong ít trường nổi tiếng sau đó có sự nghiệp trong cơ quan chính phủ hoặc tập đoàn lớn.
Chính phủ nước này ước tính có 95.000 hagwons và 84.000 cá nhân cung cấp dịch vụ dạy kèm và còn nhiều người khác cung cấp các dịch vụ ngoài tầm kiểm soát của các nhà giám sát thuế. Các bậc phụ huynh thường chi khoảng 1.000 USD/tháng cho mỗi đứa trẻ ở hagwons và cũng thường xuyên, học sinh ở các học viện như vậy cho tới tận đêm. Phụ huynh sẽ nhận được tin nhắn thông báo khi con cái họ tới trường vào mỗi buổi chiều, sau đó lại là một tin nhắn khác thông báo sự tiến triển trong học tập của học sinh.

5. Cuộc đối đầu Hàn Quốc-Nhật Bản 

Trong quá khứ, Nhật Bản đã từng xâm lược bán đảo Triều Tiên và cai trị với một chế độ hà khắc. Đặc biệt trong chiến tranh thế giới lần thứ II quân đội Nhật bắt gần 200.000 phụ nữ Hàn Quốc làm nô lệ tình dục trong các nhà thổ trên khắp Trung Quốc và hàng ngàn người Hàn Quốc đã bị tra tấn trong các đơn vị 731 nổi tiếng.
Nhiều thập kỷ sau đó, nhiều người Hàn Quốc vẫn còn giữ mối hận thù và cảm thấy rằng Nhật Bản đã không xin lỗi về tội ác chiến tranh trên.Vấn đề phức tạp hơn bởi liên quan đến tranh chấp với một nhóm các hòn đảo ngoài khơi bờ biển của mà Hàn Quốc gọi là Dokdo còn Nhật goi là Takeshima. Năm ngoái, một công ty chuyên về khảo sát là Gallup đã có cuộc thăm dò để xem quốc gia nào bị người dân Hàn Quốc xem thường nhất. Kết quả cho thấy 44,1% người Hàn Quốc chọn Nhật Bản và chỉ 11,7% chọn Bắc Triều Tiên.
6. Đấu tranh váy




Hàn Quốc là một đất nước rất bảo thủ, vì vậy thời trang "không quần" đang thịnh hành ở đất nước này đã khiến nhiều người ngạc nhiên. Các cô gái thường xuyên mặc váy ngắn và quần short, ngay cả phụ nữ làm kinh doanh thường xuyên mặc váy ngắn để làm việc. Từ năm 1963 đến năm 1979, Hàn Quốc dưới quyền của Tổng thống Park Chung-hee, bố của Tổng thống hiện tại của Hàn Quốc Park Geun-Hye, quần áo của phụ nữ Hàn được quy định rõ ràng. Nếu ai mặc váy ngắn hơn 20cm hoặc cao hơn đầu gối sẽ bị coi là phạm pháp. Đặc biệt tại các trường học phải nghiêm chỉnh thi hành luật lệ này, các giáo viên thường xuyên phải đo váy trước khi đến lớp.
7. Công viên nhà vệ sinh



Du khách tới thành phố Suwon, phía Nam thủ đô Seoul sẽ phải “ngã ngửa” trước một trong những công viên chủ đề độc đáo nhất thế giới: công viên Văn hóa toilet. Công viên này được lấy ý tưởng xây dựng để tướng nhớ vị thị trưởng cũ của thành phố là Mr Toilet, ông Sim Jae-Duck. Ông là người nổi tiếng là một người đam mê mọi thứ liên quan đến nhà vệ sinh và đã dành cả cuộc đời thực hiện chiến dịch cải tiến nhà vệ sinh công cộng ở Hàn Quốc. Sự thật là ông đã được sinh ra ngay trong phòng vệ sinh nhà mình! Ông thậm chí còn xây ngôi nhà của mình với hình dáng của một chiếc… bồn cầu. Ngày nay, ngôi nhà này đã được sử dụng để làm khu bảo tàng trong công viên chủ đề có một không hai này, càng thu hút sự chú ý của du khách tới tham quan.
8. Phẫu thuật thẫm mỹ 

Theo một cuộc khảo sát năm 2009, cứ 5 người phụ nữ Hàn lại có 1 người phẫu thuật thẩm mỹ. Không giống ở nước khác, phẫu thuật thẫm mỹ là chuyện hết sức bình thường ở Hàn Quốc. Từ nữ sinh cho đến người mẫu, hoa hậu ở xứ Kim chi đều hài lòng với việc này. Ngay cả đàn ông ở Hàn Quốc cũng cho rằng, nếu xuất hiện với một dung mạo bắt mắt cũng có lợi cho sự nghiệp của họ hơn. Hầu hết phụ nữ Hàn Quốc đều muốn có một chiếc mũi nhỏ, cằm V-line, đôi mắt to long lanh. Nhưng cái gì cũng có giá của nó, ngoài chi phí đắt đỏ, những hậu quả, di chứng của việc phẫu thuật cũng đang làm phụ nữ Hàn Quốc lao đao.  


9. Đấu bò 

Đấu bò ở Hàn Quốc là một văn hóa truyền thống, nhưng khác với Tây Ban Nha, ở đây không áo choàng màu đỏ, không kiếm sĩ, chỉ có 2 con bò đực lực lưỡng so tài với nhau. Những con bò này đến từ 500 trang trại trên khắp Hàn Quốc, phải có sừng lớn, cổ dày và thân mình thấp. Chúng cũng có chế độ ăn đặc biệt bao gồm cá, bạch tuộc sống và rắn.  Trước khi vào đấu, các ông chủ thường cho con bò của mình uống rượi soju và vẽ tên hoặc ký hiệu của mình lên trên con bò. Trận chiến chỉ kết thúc khi một trong hai con bò bỏ đi. Khác với chọi trâu ở Việt Nam, con trâu thua cuộc thường bị xẻ thịt thì con bò thua cuộc ở Hàn Quốc chỉ bị cho uống rượu say mèm.

10.  Robot tiêu diệt sứa



Nghe như tên của một bộ phim khoa học viễn tưởng nhưng  đó là những gì đang xảy ra ngoài khơi bờ biển của Hàn Quốc. Mỗi năm, Hàn Quốc thiệt hại khoảng 300 triệu USD vì nhiều vụ sứa tấn công gây hại cho con người và các loài sinh vật biển. Chính vì vậy mà các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Cao Hàn Quốc (KAIST) đã phát triển Hệ thống Robot Loại bỏ Sứa (JEROS) có khả năng bắt gọn và tiêu diệt các đàn sứa.  Những con robot đầu tiên có thể tiêu diệt khoảng 400 kg sứa trong một giờ. Trong khi đó những con robot phiên bản mới có thể thực hiện tương tự với 900 kg sứa trong cùng khoảng thời gian đó.

Thái Nguyễn Sưu tầm

Tình Yêu ax2+bx+c=0


Em là dòng dõi bậc hai
Nhìn thêm duyên dáng tình ai nhạt hồng
Số một em sáng khác 0
Trãi bao năm tháng tấm lòng chẳng thay
A-B-C găp duyên may
Cũng không chứa x em nay hình thành
Delta lập tức đệ trình
Bê bình phương nhé! Khối tình đam mê
Đem trừ lại 4a-c
Xét Delta để tìm về với em
Số em thôi thật dịu mềm
Chuyện tình dang dở nổi niềm gạt ngang
Em không có nghiệm rõ ràng
Còn gì đâu nữa, chào nàng nàng ơi!
Số 0 nghiệm kép đây rồi
Trừ B hớn hở chia đôi ân tình
Từ đây chủ đứng một mình
Dầu em biến dạng ý tình như xưa
Trời dù gió lạnh gió đông
Mai trong nắng hạ vẫn đồng điệu ca
Âm B trừ cộng Delta
Chia cho tích số 2a xong rồi

(Khuyết Danh)
Tống Ngọc Nhan sưu tầm

Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Chiều Lên Chùa


Dạo:
Gập ghềnh sơn đạo nhỏ
Hiu hắt ánh dương tà
Mái chùa cong ngói đỏ
Chầm chậm bóng mây qua 

 * * *
Đến thăm chùa một chiều thanh vắng 
Trên triền cao mây trắng bay bay 
Trời hồng vạt nắng phai phai  
Thông ngàn vi vút, bóng dài lung linh 

Trông xa xa chập chùng rừng núi 
Lưng chừng đồi dòng suối uốn quanh 
Đầu non mây xám xây thành 
Hiu hiu cơn gió mong manh tơ trời 

Trên vách đá chơi vơi thông bám 
Cành la đà nắng ráng còn vương 
Dưới khe sâu thẳm mờ sương 
Nai con tai lắng tiếng rừng vang vang 

Mái chùa cong nắng vàng xao xuyến 
Trong chánh điện khói quyện hương lan 
Trên đài tượng Phật hào quang ,
Bâng khuâng giây phút lòng tràn cảm thương 

Tiếng chuông ngân hồn vương theo gió 
Khói nhang đèn , khánh mõ lâu lâu 
Bờ mê bến giác nơi đâu?
Ngậm ngùi năm tháng mái đầu như bông!

Kiếp nhân sinh mênh mông bể khổ 
Đời nổi chìm gót rỗ chông gai 
Tử sinh ly biệt lệ dài 
Mịt mù sương khói trắng tay đường về!

Hoàng hôn xuống tư bề quạnh vắng 
Tiếng chuông càng sầu lắng tâm tư 
Ô hay ! trước cảnh thực hư 
Hồn ta bay bổng phiêu du mây ngàn 

Mailoc
Cali 7-20-14

Nhớ Tiếng Chuông Xưa


        ( Cảm tác từ Chiều Lên Chùa của Mai Lộc)

Tiếng chuông nay reo vui giữa phố
Giục người công đức để chia nhau
Thả chim bệnh để ta bắt lại
Phật cầm tiền giúp! Được tiêu đâu?

Ta đi hết một vòng chùa lớn
Đẹp ôi chao ! xanh đỏ lắm màu!
Kìa là ông bồ tát hiện đại!
Thỉnh cầu ông phước lộc dài lâu?

Chuông nhộn nhịp tuyên truyền khắp nẻo
Lòng dân ta quay quắt trăm đường
Tiếng chuông xưa tỏa trùm thôn xóm
Như quyện hồn ấm áp niềm thương

Chân Diện Mục

Thơ Tranh: Chiều Lên Chùa - Chùa Xưa


Thơ: Mai Lộc, Quên Đi
Thơ Tranh: Kim Oanh

Giọt Buồn Tháng Bảy


Tháng bảy mùa ngâu rót giọt buồn
Hiên đời vắng mẹ một đời vương
Chắt chiu kỷ niệm thời niên thiếu
Man mác mưa lòng quyện gió sương!

Yên Dạ Thảo

24.07.2014

Tháng Bảy


Tháng bảy trở về nặng nỗi buồn

Đời con vắng bóng mẹ yêu thương
Phố Vắng Lá Đêm lòng chạnh nghĩ
Kiếp sống con người tựa giọt sương.

Anh Tú
20.07.2014

Vì Sao Nên Ăn Đậu Bắp


Lê Quan Vinh sưu tầm


Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Ngủ Trần


Tôi tự ru tôi
Hãy ngủ một giấc trần trụi
Như thiếu nữ khỏa thân trong góc tối
Như con thằn lằn đeo trên tường
Quần áo xếp trong rương
Như đứa trẻ tấm dưới mưa
Đừng bối rối
Chưa có cơn say
Vội gì tỉnh vội
Hãy quên hôm qua
Đừng nhớ ngày nay
Và đòi hỏi ở mai sau
Cứ để mặt trời từ từ
Chiều chầm chậm xuống
Những ánh sao khuya
Chẳng vì trăng mà ngượng
Căng thẳng chiêm bao lạc mất đời thường
Nhạc cuồng mê tầm ruồng mê hoặc
Hãy nhìn tận xanh
Lắng lòng
Và ngủ tiếp

Phong Tâm

Thơ Tranh: Triệu Nữ Vương



Thơ: Quên Đi

Thơ Tranh: Hữu Đức

Hoài Cổ - 懷 古 - Phạm Đình Hổ

                       Hoài cổ 
去歲桃花發, Khứ tuế đào hoa phát;
鄰女初學笄。 Lân nữ sơ học kê.
今歲桃花發, Kim tuế đào hoa phát
已嫁鄰家西。 Dĩ giá lân gia tê.
去歲桃花發, Khứ tuế đào hoa phát;
春風何凄凄。 Xuân phong hà thê thê.
鄰女對花泣, Lân nữ đối hoa khấp;
愁深眉轉低。 Sầu thâm mi chuyển đê
今歲桃花發, Kim tuế đào hoa phát;
春草何萋萋。 Xuân thảo hà thê thê
鄰女對花笑, Lân nữ đối hoa tiếu;
吟成手自題。 Ngâm thành thủ tự đề
Nguyên tác: Phạm Đình Hổ

Dịch Nghĩa:

Cảm Nhớ Chuyện Cũ

Năm ngoái hoa đào nở Cô láng giềng mới học cài trâm Năm nay hoa đào nở , Cô đã lấy chồng nhà láng giềng ở phía tây
Năm ngoái hoa đào nở Gió xuân sao lành lạnh Đứng trước hoa cô láng giềng khóc Buồn quá đôi lông mày sa xuống .
Năm nay hoa đào nở , Cỏ xuân sao mà xanh tươi Đứng trước hoa cô láng giềng tươi cười
Thơ làm xong tự tay cô viết

Các Bản dịch

(1)
Năm ngoái hoa đào nở
Em láng giềng bỡ ngỡ cài trâm
Năm nay hoa đào nở
Em lấy chồng nhà ở xóm trên

Năm ngoái hoa đào nở
Gió xuân ơi! Sao chở men sầu
Ngồi nhìn hoa rầu rầu lệ nhỏ
Em chau mày biết tỏ cùng ai!

Năm nay đào lại nở
Cỏ xuân xanh rực rỡ, lay lay
Trước hoa rộn rã lòng ai
Mấy vần thơ ngẫm qua tay em đề.

(2)
Năm ngoái hoa đào nở
Em mới học cài trâm
Năm nay đào lại nở
Bước theo chồng bâng khuâng

Năm ngoái hoa đào nở
Gió xuân sầu lê thê
Ngồi nhìn hoa, lệ nhỏ
Em chau mày ủ ê

Năm nay đào lại nở
Rực rỡ cỏ xuân tươi
Hoa cười , em hớn hở
Qua tay mấy vần thơ

Mailoc phỏng dịch

* * *
Nhớ Chuyện Xưa

Năm trước, hoa đào chớm nở
Em vừa bẽn lẽn cài trâm
Năm nay hoa đào rực rỡ
Thì em cất bước theo chồng

Năm trước hoa đào chớm nở
Gió xuân lành lạnh vừa sang
Nhìn hoa, mi sầu lệ ứa
Cong cong mày trĩu hai hàng.

Năm nay hoa đào lại nở
Cỏ xuân mơn mởn xanh tươi
Nhìn hoa, tủm tỉm em cười
Trải nỗi niềm vui, nắn bút.


Phương Hà phỏng dịch

* * *
Nhớ Xưa

Năm ngoái hoa đào nở
Cô hàng xóm cài trâm
Năm nay hoa đào nở
Cô em đã lấy chồng!

Năm trước hoa đào nở
Gió xuân vờn hây hây
Cô bé sầu hoa khóc
Ủ dột khép đôi mày!

Năm nay hoa đào nở
Mơn mởn cỏ xanh tươi
Thơ ngâm thành tay chép
Cô em nhoẻn miệng cười!


Đỗ Chiêu Đức

* * *
Nhớ Xưa
Năm rồi đào nở đầy sân
Em vừa độ tuổi phân vân trâm cài
Năm nay đào nở hồng vai
Em ra riêng lấy chồng ngoài thôn tây
Năm rồi đào nở sầu rây
Gió xuân lành lạnh chau mày cô em
Trước hoa rơi giọt lệ mềm
Cô đơn em thả buồn lên mái lầu
Năm nay đào nở thắm màu
Nụ cười em nở trên đầu cỏ xuân
Hồn say thơ thả mấy vần
Niềm vui mở cửa lâng lâng gió lùa

Trầm Vân

* * *
Nhớ Xưa

Năm ngoái hoa đào nở
Em mới học cài đầu
Năm nay hoa đào nở
Nhà người em làm dâu

Năm ngoái hoa đào nở
Man mác gió xuân sầu
Nhìn hoa em nức nở
Tê tái, đôi mày chau

Năm nay đào lại nở
Xanh tươi cỏ rực màu
Em cười xuân đang độ
Tay dệt mấy vần mau


Thanh Mai
Cali 7-1-14

* * *
Nhớ Xưa

Năm trước đào vừa nở
Em đến tuổi trâm cài
Năm nay hoa đào rộ
Nàng lấy chồng thôn tây

Năm qua đào mới nở
Xuân về lạnh tái tê
Nhìn hoa nàng đổ lệ
Sầu trĩu nặng đôi mày

Năm nay đào khoe sắc
Cỏ mượt đón xuân tươi
Cùng hoa em mỉm cười
Khe khẻ đề đôi câu.

Quên Đi
 

Việt Nam Sử Lược - Quyển 1 Chương III : Bắc Thuộc Lần Thứ Hai

CHƯƠNG III
BẮC THUỘC LẦN THỨ HAI
43 — 544
I. NHÀ ĐÔNG-HÁN 1. Chính-trị nhà Đông-Hán
2. Lý Tiến và Lý Cầm
3. Sĩ Nhiếp
II. ĐỜI TAM-QUỐC 1. Nhà Đông Ngô
2. Bà Triệu (Triệu thị Chinh)
3. Nhà Ngô chia đất Giao-châu
III. NHÀ TẤN 1. Chính-trị nhà Tấn
2. Nước Lâm-ấp quấy nhiễu Giao-châu
IV. NAM BẮC-TRIỀU 1. Tình thế nước Tàu
2. Việc đánh Lâm-ấp
3. Sự biến loạn ở đất Giao-châu



I. NHÀ ĐÔNG-HÁN (25-220)

1. CHÍNH-TRỊ NHÀ ĐÔNG-HÁN. Mã Viện đánh được Trưng-Vương đem đất Giao-chỉ về thuộc nhà Hán như cũ, rồi chỉnh-đốn binh-lương, đem quân đi đánh dẹp các nơi, đi đến đâu xây thành đắp lũy đến đấy và biến-cải mọi cách chính-trị trong các châu quận. Đem phủ-trị về đóng ở Mê-linh[1] và dựng cây đồng-trụ ở chỗ phân địa-giới, khắc sáu chữ: « Đồng trụ chiết, Giao-chỉ diệt. 銅 柱 折, 交 趾 滅 ». Nghĩa là cây đồng-trụ mà đổ thì người Giao-chỉ mất nòi.

Sử chép rằng người Giao-chỉ đi qua lại chỗ ấy, ai cũng bỏ vào chân cột đồng-trụ một hòn đá, cho nên về sau chỗ ấy thành ra núi, phủ mất cả, đến bây giờ không biết cột ấy ở vào chỗ nào.

Từ đó chính-trị nhà Đông Hán càng ngày càng ngặt thêm, mà những quan-lại sang cai-trị Giao-chỉ thường có lắm người tàn-ác, tham-nhũng, bắt dân lên rừng xuống bể để tìm những châu-báu. Dân ở quận Hợp-phố cứ phải xuống bể mò ngọc trai khổ quá, đến đổi phải bỏ xứ mà đi.

Triều-đình thì xa, quan-lại ra cai-trị thì tha hồ mà tung-hoành, tiếng oan-ức kêu không thấu vào đâu, cho nên thường hay có sự loạn-lạc, làm cho dân-gian phải nhiều sự khổ-sở.

2. LÝ TIẾN VÀ LÝ CẦM. Quan cai-trị đã tàn-ác, nhà vua lại bạc-đãi người bản-xứ. Đời bấy giờ người mình dẫu có học-hành thông-thái cũng không được giữ việc chính-trị. Mãi đến đời vua Linh-đế 靈 帝(168-189) cuối nhà Đông-Hán mới có một người bản-xứ là Lý Tiến 李 進 được cất lên làm Thứ-sử ở Giao-chỉ. Lý Tiến dâng sớ xin cho người Giao-chỉ được bổ đi làm quan như ở trung-châu bên Tàu. Nhưng Hán-đế chỉ cho những người đỗ mậu-tài 茂 才hoặc hiếu-liêm 孝 廉 được làm lại-thuộc ở trong xứ mà thôi, chứ không được đi làm quan ở châu khác. Bấy giờ có người Giao-chỉ tên là Lý Cầm 李 琴 làm lính túc-vệ hầu vua ở trong điện, rủ mấy người bản-xứ ra phục xuống sân mà kêu cầu thảm-thiết. Hán-đế mới cho một người Giao-chỉ đỗ mậu-tài đi làm quan-lệnh ở Hạ-dương 夏 陽 令 và một người đỗ hiếu-liêm làm quan-lệnh ở Lục-hợp 六 合 令. Về sau Lý Cầm làm đến quan Tư-lệ Hiệu-úy 司 隸 校 尉 và lại có Trương Trọng 張 重 cũng là người Giao-chỉ làm thái-thú ở Kim-thành 金 成 太 守. Người Giao-chỉ ta được làm quan như người bên Tàu, khởi đầu từ Lý Tiến và Lý Cầm vậy.

3. SĨ NHIẾP (187-226). Về cuối đời nhà Đông-Hán, giặc cướp nổi lên khắp cả bốn phương, triều-đình không có uy-quyền ra đến ngoài, thiên-hạ chỗ nào cũng có loạn. Đất Giao-chỉ bấy giờ nhờ có quan thái-thú là Sĩ Nhiếp 士 燮 cùng với anh em chia nhau giữ các quận huyện, cho nên mới được yên.

Tiên-tổ nhà ông Sĩ Nhiếp là người nước Lỗ 魯, vì lúc Vương Mãng 王 莽 cướp ngôi nhà Hán, mới tránh loạn sangở đất Quảng-tín 廣 信, quận Thương-ngô 蒼 梧, đến đời ông thân-sinh ra Sĩ Nhiếp là sáu đời. Ông thân-sinh tên là Sĩ Tứ 士 賜 làm thái-thú quận Nhật-nam 日 南, cho Sĩ Nhiếp về du-học ở đất Kinh-sư, đỗ hiếu-liêm được bổ Thượng-thư-lang, vì việc quan phải cách, rồi về chịu tang cha. Sau lại đỗ mẫu-tài được bổ sang làm Thái-thú ở quận Giao-chỉ.

Năm quí-mùi (203) là năm thứ 3 đời vua Hiến-đế 獻 帝, quan Thứ-sử là Trương tân 張 津 cùng với quan Thái-thú Sĩ Nhiếp dâng sớ xin cải Giao-chỉ 交 趾 làm Giao-châu 交 州. Vua nhà Hán thuận cho. Sau vì trong châu có lắm giặc-giã, Sĩ Nhiếp mới tâu xin vua nhà Hán cho mấy anh em làm Thái-thú quận Cửu-chân, quận Hợp-phố và quận Nam-hải. Sĩ Nhiếp giữ được đất Giao-châu khỏi loạn và vẫn giữ lệ triều cống như cũ, cho nên vua Hiến-đế lại phong cho chức An-viễn tướng quân 安 遠 將 軍 Long-độ đình-hầu 龍 度 亭 侯. Sĩ Nhiếp trị dân có phép tắc, và lại chăm sự dạy-bảo dân cho nên lòng người cảm-mộ công-đức, mới gọi tôn lên là Sĩ-vương.

Nhà làm sử thường cho nước ta có văn-học là khởi đầu từ Sĩ Nhiếp. Cái ý-kiến ấy có lẽ không phải. Vì rằng từ khi nhà Hán sang cai-trị đất Giao-chỉ đến đời Sĩ Nhiếp đã được hơn 300 năm, người Giao-chỉ đã có người học-hành thi đỗ hiếu-liêm, mậu-tài. Vậy nói rằng đến ông Sĩ Nhiếp mới có nho-học thì chẳng sai lắm ru. Hoặc-giả ông ấy là một người có văn-học rồi trong khi làm quan, lo mở-mang sự học-hành, hay giúp-đỡ những kẻ có chữ-nghĩa, cho nên về sau mới được cái tiếng làm học tổ ở nước ta, tưởng như thế thì có thể hợp lẽ hơn.

II. ĐỜI TAM-QUỐC (220-265)

1. NHÀ ĐÔNG-NGÔ (222-280). Nhà Đông-Hán mất ngôi thì nước Tàu phân ra làm ba nước: Bắc-ngụy 北 魏, Tây-thục 西 蜀, Đông-ngô 東 呉. Đất Giao-châu bấy giờ thuộc về Đông-ngô.

Sĩ Nhiếp ở Giao-châu được 40 năm, tuy thiệt có uy-quyền ở cõi Giao-châu, nhưng vẫn theo lệ triều cống nhà Hán, và đến khi nhà Hán mất thì lại triều cống nhà Ngô.

Năm bính-ngọ (226) là năm Hoàng-vũ 黄 武 thứ 5 nhà Ngô, Sĩ Nhiếp mất, con Sĩ Huy 士 徽 tự xưng làm Thái-thú. Ngô-chủ là Tôn Quyền 孫 權 bèn chia đất Giao-châu, từ Hợp-phố về bắc gọi là Quảng-châu 廣 州, từ Hợp-phố về nam gọi là Giao-châu 交 州. Sai Lữ Đại 呂 岱 làm Quảng-châu thứ-sử, Đái Lương 戴 良làm Giao-châu thứ sử, và sai Trần Thì 陳 辰 sang thay Sĩ Nhiếp làm thái-thú quận Giao-chỉ.

Bọn Đái Lương và Trần Thì sang đến Hợp-phố thì Sĩ Huy đem quân ra chống giữ. Thứ-sử Quảng-châu là Lữ Đại mới tiến quân sang đánh-dẹp, và cho người đến dụ Sĩ Huy ra hàng. Sĩ Huy đem 5 anh em ra hàng, Lữ Đại sai bắt Sĩ Huy đem chém đi, còn mấy anh em thì đem về Ngô-triều làm tội.

Ngô-chủ lại hợp Quảng-châu và Giao-châu lại làm một, và phong cho Lữ Đại làm Thứ-sử. Lữ Đại đem quân đi đánh quận Cửu-chân có công được phong làm Giao-châu-mục 交 州 牧.

2. BÀ TRIỆU (TRIỆU THỊ CHINH)[2]. Năm mậu-thìn (248) là năm Xích-ô 赤 烏 thứ 11 nhà Đông-ngô, Ngô-chủ sai Lục Dận 陸 胤 sang làm thứ-sử Giao-châu.

Năm ấy ở quận Cửu-chân 九 真 có người đàn-bà tên là Triệu thị Chinh khởi binh đánh nhà Ngô.

Sử ta chép rằng bà Triệu là người huyện Nông-cống bấy giờ. Thủa nhỏ cha mẹ mất cả, ở với anh là Triệu quốc Đạt 趙 國 達, đến độ 20 tuổi gặp phải người chị dâu ác-nghiệt, bà ấy giết đi rồi vào ở trong núi. Bà ấy là một người có sức mạnh, lại có chí-khí và lắm mưu-lược. Khi

Viet Nam Su Luoc 1.djvu

vào ở trong núi chiêu mộ hơn 1.000 tráng-sĩ để làm thủ-hạ. Anh thấy thế mới can bà, thì bà bảo rằng: « Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng-kình ở bể đông, quét sạch bờ-cõi, để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối, chứ không thèm bắt-chước người đời cúi đầu cong lưng để làm tì-thiếp người ta.»

Năm mậu-thìn (248) vì quan-lại nhà Ngô tàn-ác, dân-gian khổ-sở, Triệu quốc Đạt mới khởi binh đánh quận Cửu-chân. Bà đem quân ra đánh giúp anh, quân-sĩ của Triệu quốc Đạt thấy bà làm tướng có can-đảm, bèn tôn lên làm chủ. Khi bà ra trận thì cưỡi voi và mặc áo giáp vàng là Nhụy-kiều tướng-quân.

Thứ-sử Giao-châu là Lục Dận đem quân đi đánh, bà chống nhau với nhà Ngô được năm sáu tháng. Nhưng vì quân ít thế cô, đánh mãi phải thua, bà đem quân chạy đến xã Bồ-điền (nay là xã Phú-điền thuộc huyện Mỹ-hóa) thì tự-tử. Bấy giờ mới 23 tuổi.

Về sau vua Nam-đế nhà Tiền-Lý, khen là người trung-dũng sai lập miếu thờ, phong là: « Bật chinh anh-liệt hùng tài trinh nhất phu-nhân ». Nay ở xã Phú-điền, tỉnh Thanh-hóa còn có đền thờ.

4. NHÀ NGÔ CHIA ĐẤT GIAO-CHÂU. Năm giáp-thân (264) là năm Nguyên-hưng nguyên-niên, vua nhà Ngô lại lấy đất Nam-hải, Thương-ngô và Uất-lâm làm Quảng-châu 廣 州, đặt châu-trị ở Phiên-ngung 番 禺; lấy đất Hợp-phố, Giao-chỉ, Cửu-chân, và Nhật-nam làm Giao-châu 交 州, đặt châu-trị ở Long-biên 龍 編. Đất Nam-Việt của nhà Triệu ngày trước thành ra Giao-châu và Quảng-châu từ đấy.

Đất Giao-châu đời bấy giờ cứ loạn-lạc mãi, những quan-lại nhà Ngô thì thường là người tham-tàn, vơ-vét của dân, bởi vậy người Giao-châu nổi lên giết quan thái-thú đi rồi về hàng nhà Ngụy.

Năm ất dậu (256) nhà Tấn 晉 cướp ngôi nhà Ngụy, rồi sai quan sang giữ Giao-châu. Nhà Ngô sai Đào Hoàng 陶 璜 sanglấy lại. Đào Hoàng được phong là Giao-châu-mục. Năm canh-tí (280) nhà Ngô mất nước. Đào Hoàng về hàng nhà Tấn, được giữ chức cũ. Đất Giao-châu từ đó thuộc về nhà Tấn.

III. NHÀ TẤN (265-420)

1. CHÍNH-TRỊ NHÀ TẤN. Nhà Tấn 晉 được thiên-hạ rồi, thấy nhà Ngụy 魏 vì thế cô mà mất, bèn đại phong cho họ-hàng và sai ra trấn các nơi để làm vây-cánh cho nhà vua. Nhưng cũng vì lẽ ấy mà các thân-vương thường vì lòng tham danh-lợi cứ dấy binh đánh giết lẫn nhau, làm cho anh em trong nhà, cốt-nhục tương tàn, mà ngôi vua cũng thành ra suy-nhược.

Thời bấy giờ ở phía tây-bắc có những người nhung-địch thấy nhà Tấn có nội loạn, bèn lũ-lượt nổi lên chiếm giữ dần dần lấy cả vùng phía bắc sông Trường-giang 長 江 rồi xưng đế, xưng vương, như nước Triệu 趙, nước Tần 秦, nước Yên 燕, nước Lương 凉, nước Hạ 夏, nước Hán 漢 v. v... cả thảy trước sau đến 16 nước, gọi là loạn Ngũ-Hồ 五 胡 [3].

Nhà Tấn làm vua được hơn 50 năm thì mất cả đất ở phía tây-bắc. Dòng dõi nhà vua lại dựng nghiệp ở phía đông-nam, đóng đô ở thành Kiến-nghiệp 建 業 (tức là thành Nam-kinh bây giờ) gọi là nhà Đông-Tấn 東 晉.

Đất Giao-châu ta vẫn thuộc nhà Tấn. Những quan lại sang cai-trị cũng như quan-lại đời nhà Hán, nhà Ngô, thỉnh-thoảng mới gặp được một vài người nhân-từ tử-tế, thì dân-gian mới được yên-ổn, còn thì là những người tham-lam, độc-ác, làm cho nhân dân phải lầm-than khổ-sở. Cũng lắm khi bọn quan-lại có người phản-nghịch đánh giết lẫn nhau, làm cho trong nước cứ phải loạn-lạc luôn.

2. NƯỚC LÂM-ẤP QUẤY-NHIỄU GIAO-CHÂU. Đất Giao-châu lúc bấy giờ trong thì có quan-lại nhũng-nhiễu, ngoài thì có người nước Lâm-ấp 林 邑 vào đánh phá.

Nước Lâm-ấp (sau gọi là Chiêm-thành 占 城) ở từ quận Nhật-nam vào cho đến Chân-lạp, nghĩa là ở vào quãng từ tỉnh Quảng-bình, Quảng-trị cho đến đất Nam-Việt bây giờ. Người Lâm-ấp có lẽ là nòi-giống Mã-lai, theo tông-giáo và chính-trị Ấn-độ. Nước ấy cũng là một nước văn-minh và cường-thịnh ở phía nam lúc bấy giờ, nhưng không chắc rõ nước ấy khởi đầu thành nước từ lúc nào. Sách « Khâm-định Việt-sử 欽 定 越 史 » chép rằng: năm nhâm-dần (102) đời vua Hòa đế 和 帝 nhà Đông-Hán 東 漢, ở phía nam quận Nhật-nam có huyện Tượng-lâm 象 林, người huyện ấy cứ hay sang cướp phá ở quận Nhật-nam, bởi vậy vua nhà Hán mới đặt quan cai-trị ở huyện ấy, để phòng giữ sự rối-loạn.

Đến cuối đời nhà Hán có người huyện Tượng-lâm tên là Khu Liên 區 連 giết huyện-lệnh đi, rồi tự xưng làm vua, gọi là nước Lâm-ấp 林 邑. Dòng dõi Khu Liên thất truyền, bởi vậy cháu ngoại của Phạm Hùng 范 熊 lên nối nghiệp.

Trong đời Tam-quốc, người Lâm-ấp hay sang cướp phá ở quận Nhật-nam và quận Cửu-chân, bởi vậy khi nhà Tấn đã lấy được Đông-ngô rồi, ý muốn giảm bớt quân ở các châu quận, nhưng quan thứ-sử Giao-châu là Đào Hoàng 陶 煌 dâng sớ về tâu rằng: « Vua nước Lâm-ấp là Phạm Hùng thông với nước Phù-nam 扶 南 hay sang quấy nhiễu ở đất Nhật-nam, nếu lại giảm bớt quân ở Giao-châu đi, thì sợ quân Lâm-ấp lại sang đánh phá ».

Xem như vậy thì nước Lâm-ấp đã có từ đầu đệ-nhị thế-kỷ.

Phạm Hùng truyền cho con là Phạm Dật 范 逸. Phạm Dật mất, thì người gia nô là Phạm Văn 范 文 cướp mất ngôi. Phạm Văn truyền cho con là Phạm Phật 文 佛.

Năm quí-sửu (353) đời vua Mục-đế 穆 帝 nhà Đông-Tấn, thứ-sử Giao-châu là Nguyễn Phu 阮 敷 đánh vua Lâm-ấp làPhạm Phật, phá được hơn 50 đồn-lũy. Phạm Phật mất, truyền ngôi lại cho con cháu là Phạm hồ Đạt 范 胡 達. Năm kỷ-hợi (399) Phạm hồ Đạt đem quân sang đánh lấy hai quận Nhật-nam và Cửu-chân rồi lại đi đánh Giao-châu. Bấy giờ có quan thái-thú quận Giao-chỉ là Đỗ Viện 杜 瑗 đánh đuổi người Lâm-ấp, lấy lại hai quận. Đỗ Viện được phong làm Giao-châu thứ-sử.

Năm quí-sửu (413) Phạm hồ Đạt lại đem quân sang phá ở quận Cửu-chân. Khi bấy giờ con Đỗ Viện là Đỗ tuệ Độ 杜 慧 度 làm Giao-châu thứ-sử đem binh ra đuổi đánh, chém được tướng Lâm-ấp là bọn Phạm Kiện 范 健 và bắt được hơn 100 người.

Người Lâm-Ấp vẫn có hay tính đi cướp phá, cứ năm ba năm lại sang quấy nhiễu ở đất Nhật-nam. Đỗ tuệ Độ định sang đánh Lâm-ấp để trừ cái hại về sau, bèn đến năm canh-thân (420) cất binh mã sang đánh, chém giết tàn hại, rồi bắt người Lâm-ấp cứ hàng năm cống tiến: voi, vàng, bạc, đồi-mồi v.v. Từ đó mới được tạm yên.

Dòng-dõi Phạm hồ Đạt làm vua được mấy đời lại bị quan Lâm-ấp là Phạm chư Nông 范 諸 農 cướp mất ngôi. Phạm chư Nông truyền cho con là Phạm dương Mại 范 陽 邁.

Khi Phạm dương Mại làm vua nước Lâm-ấp, thì nhà Tấn đã mất rồi, nước Tàu phân ra Nam-triều và Bắc-triều. Phạm dương Mại lại nhân dịp đó mà sang quấy nhiễu ở Giao-châu.

NAM BẮC-TRIỀU (420-588)

1. TÌNH-THẾ NƯỚC TÀU. Năm canh-thân (420) Lưu Dụ 劉 裕 cướp ngôi nhà Đông-Tấn, lập ra nhà Tống ở phía nam. Lúc bấy giờ ở phía Bắc thì nhà Ngụy 魏 gồm được cả nước Lương 凉, nước Yên 燕, nước Hạ 夏. Nước Tàu phân ra làm Nam-triều 南 朝 và Bắc-triều 北 朝.

Bắc-triều thì có nhà Ngụy 魏, nhà Tề 齊, nhà Chu 周 nối nhau làm vua; Nam-triều thì có nhà Tống 宋, nhà Tề 齊, nhà Lương 梁và nhà Trần 陳 kế nghiệp trị-vì.

Lúc bấy giờ ở đất giao-châu phụ thuộc về Nam-triều.

2. VIỆC ĐÁNH LÂM-ẤP. Trong đời nhà Tống về năm quí-dậu (433) đời vua Văn-đế 文 帝, vua nước Lâm-ấp là Phạm dương Mại 范 陽 邁 thấy nước Tàu loạn-lạc, bèn sai sứ sang cống nhà Tống và xin lĩnh đất Giao-châu để cai-trị. Nhưng vua nhà Tống không cho.

Từ đó nước Lâm-ấp lại sang cướp phá ở mạn Nhật-nam và Cửu-chân. Vua nhà Tống bèn sai quan thứ-sử là Đàn hòa Chi 檀和 之 và Tông Xác 宗 愨 làm phó tướng đem binh sang đánh Lâm-ấp. Phạm dương Mại đem quân ra chống cự.

Đàn hòa Chi và Tông Xác tiến quân chém được tướng, phá được thành, quân Lâm-ấp vỡ tan, Phạm dương Mại cùng với con chạy thoát được. Đàn hòa Chi vào đất Lâm-ấp lấy được vàng bạc châu-báu rất nhiều. Sử chép rằng Đàn hòa Chi lấy được một cái tượng bằng vàng mấy người ôm không xuể, đem nấu-đúc được hơn 10 vạn cân. Từ đấy người Tàu biết Lâm-ấp có nhiều của, cứ chực sang lấy. Đàn hòa Chi cũng từ đấy mà bị gièm pha, phải cách chức đuổi về.

3. SỰ BIẾN-LOẠN Ở ĐẤT GIAO-CHÂU. Năm Kỷ-mùi (479) nhà Tống mất ngôi, nhà Tề kế nghiệp, trị-vì được 22 năm thì nhà Lương lại cướp ngôi nhà Tề.

Trong đời Nam Bắc-triều, đất Giao-châu không được mấy khi yên-ổn, vì quan Tàu sang cai-trị có nhiều người thấy bên Tàu loạn, cũng muốn tìm cách để độc-lập, bởi vậy quan lại cứ giết lẫn nhau.

Đời nhà Lương lại sai Tiêu-Tư 蕭 諮 sang làm thứ-sử Giao-châu. Tiêu Tư là một người tàn-bạo, làm cho lòng người ai cũng oán-giận. Bởi vậy ông Lý Bôn 李 賁 mới có cơ-hội mà nổi lên, lập ra nhà Tiền Lý 前 李.

   







Chú thích cuối trang


  1. Về cuối đời Đông-Hán lại dời về Long-biên 龍 編.
  2. Bà Triệu, các kỳ xuất-bản trước để là Triệu Ẩu. Nay xét ra nên để là Triệu thị Chinh.
  3. Ngũ-Hồ là 5 rợ: Hung-nô 匈 奴 và rợ Yết 羯 (chủng-loại Mông-cổ), rợ Tiên-ti 鮮 卑 (chủng-loại Mãn-châu), rợ Chi
  4. 氏 và rợ Khương 羌 (chủng-loại Tây-tạng).
Huỳnh Hữu Đức sưu tầm