Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

Yêu Sơ Giao - Sáng Tác Ngu Yên


Sáng Tác: Ngu Yên
Trình Bày: Julie Quang
Phối Nhạc: Nguyễn Quang


Áo Trắng Hồn Nhiên


Tình xa còn đó dẫu mờ phai
Nửa quả địa cầu đã cách hai
Bao luyến thương nồng ươm nỗi nhớ
EM ơi, vương vấn tháng năm dài

Vẫn nhớ vẫn thương tình áo trắng
Để chừ đan mộng chốn phương xa
Gom từng nét chữ vào đêm vắng
Gọi khẻ tên EM bao thiết tha

Làm sao quên được dáng thơ ngây
Ghi khắc trong tim đến ngập đầy
Có lẻ duyên phần không kết mộng
Nên giờ quay quắt với thơ say ...

Anh viết từng câu EM đọc nghen
Nơi đây đất khách kiếp bon chen
Đâu còn thơ mộng êm đềm nữa
Mất cả tình hồng thuở mới quen

Vẽ vời dăm nét mấy vần thơ
Trao đến tha nhân vốn hững hờ
Đành chịu, ru đời trong gió bụi
EM ơi, sao mãi vọng niềm mơ

Hoàng Dũng


Sự Dốt Nát Và Số Phận Của Đời Tôi

              (Viết cho những người bạn lớp 7P CVA)
 

            Bạn bè thân mến, thỉnh thoảng có dịp liên hệ riêng biệt với vài bạn bè nhóm CVA chuồng ngựa của chúng mình. Kể lể, tâm sự về những chuyện ngày xưa thời còn tuổi đánh đáo, tạt hình cho đến ngày nay bóng dáng những ông già ngấp nghé tuổi 70. Biết bao nhiêu vui buồn được nhắc lại trong trí nhớ. Tôi luôn luôn mong muốn tìm được nguồn cảm hứng, dành tí thời gian viết về những hoài niệm của tuổi hung hăng, phá phách đó. Đôi lần tôi định viết một đoản văn kỷ niệm, tôn vinh về vài người bạn thân thiết của mình trong thời gian ngh5ch ngợm nhưng không quên đó. Nhưng lại sợ đi quá sâu vào tiêng tư của đoàn nhóm, tạo ra những đụng chạm không đáng có . Rồi ngần ngừ, bỏ qua nên vẫn chỉ là dự tính.
 
            Hôm nay, rảnh rỗi, lại gặp buổi trời nắng tốt. Cái lạnh rơi rớt mùa hè của Thuỵ sĩ vừa đi qua. Ngồi một mình suy nghĩ vẩn vơ về mình, nhìn lại cái “ tôi “ rất bê bết ngày xa xưa ,hơn 55 năm về trước, thời tôi mới bước vào ngưỡng của CVA nhờ đó mà quen biết các bạn. Hoài niệm quá khứ lại kéo tôi về hiện tại, nhìn lại cái hiện hữu mà mình đang cầm giữ. Mang đến cho tôi một cảm giác rất ngỡ ngàng vì những đổi thay trong cuộc đời của chính tôi. Đúng thế, mọi sự thay đổi quá nhiều, đến nỗi tôi không thể tin đó là sự thực. Trong cái không gian vắng lặng yên lành, ngồi một mình đó, tôi muốn viết cái gì đó liên quan đến cái lớp 7P CVA của chúng mình. 
           
            Nhưng viết gì đây khi ký ức đầy ắp những chủ đề cùa những năm tháng mà chúng mình đã học với nhau ngày xưa nhỉ ? Thằng dốt, thằng giỏi. Thằng nghèo hèn mẹ cha lao động, bần cố nông. Đứa giầu có, thế thần cha ông một thời oai danh hiển hách .... Nhưng rồi, thời thế đổi thay, tất cả đã đi vào quá khứ mà hiện tại là những ngỡ ngàng. Đúng như vậy,ai trong chúng ta, ngày xưa lúc chúng ta còn học và chơi đùa với nhau, dám nghĩ rằng bạn bè trong lớp 7P với khoảng 60 đứa, hơn một nửa bất hạnh trở về với đất đá vì chiến tranh. Số còn lại phân tán gần khắp địa cầu với nhiều con đường, dạng thức khác nhau? Mỗi đứa trong chúng ta ôm lấy một hoàn cảnh buồn vui của riêng của số phận mình. Khi nói đến số phận, theo tôi nó hoàn toàn thoát ra khỏi những tính toán, khôn ngoan của chúng mình. Nó chi phối cho từng cá nhân chúng ta như một đưa đẩy vô hình mà chúng ta đành chấp nhận. Bởi vì tất cả 60 thằng của lớp 7P chúng ta, ngày nay nhìn lại  chúng ta quá tầm thường. Chẳng có người nào có tài năng, nội lực vượt trội để xoay chuyển  định số của mình theo một hướng mà chúng ta mong muốn.
 
            Cuối cùng trong cái không gian tĩnh lặng của ngày hè nắng tốt Thuỵ sĩ, tôi đã tìm ra chủ đề cho bài viết.  Viết về chính mình ( chẳng đụng chạm ai ) , cố gắng viết rất thật về hai lãnh vực dốt nát của chính tôi trong suốt  4 năm đầu tiên CVA chuồng ngựa. Dốt về ngoại ngữ và dốt về âm nhạc. Hai cái dốt này như một genes di truyền từ cha, ông của tôi truyền lại, đã theo suốt cuộc đời khá cực nhọc của tôi. Dốt đến nỗi, dù có quá chủ quan mà thương hại mình đến mức ngoan cố cũng không thể nào biện hộ, nói khác đi được. Nhưng rất lạ lùng, hai cái dốt này đã dính chặt lấy đời tôi, mang cho tôi rất nhiều thách đố tạo ra những biến thể lạ kỳ, ngỡ ngàng  trong suốt con đường kiếm sống sinh nhai của tôi.

&

            -Dốt về ngoại ngữ: nhưng rất kỳ lạ, suốt cuộc đời tôi lại vướng víu với cái môn học yếu kém và đầy rẫy thê lương trong hầu hết các cuộc thi cử và làm việc kiếm ăn này.
           
            Phần tóm tắt cuốn luận trình tốt nghiệp ngành Nông Nghiệp của tôi ngày xưa, phải viết bằng ngoại ngữ, tôi cũng không thể nào viết được dù chỉ một trang. Tôi đã phải viết ra tiếng Việt và cậy nhờ Nguyễn Đức Vinh dịch ra hộ.
           
            Rồi khi bước vào Đại học Cần thơ làm việc, có tí chút chức vị, chẳng biết vì sao, tôi được nhiều lần chỉ định đi tiếp đón, hướng dẫn các vị giảng sư hay khách ngoại quốc thăm viếng phân khoa hay vùng sông nước Cửu Long giang. Tôi đã phải nói tiếng Anh với khách, bằng tay, bằng ánh mắt và cả bằng cái vốn tiếng Anh vỡ bể, ăn đong thô thiển của mình. Sau những lần công tác, cần những bản tường trình, tôi phải gồng mình thông dịch cho các vị GS, khách thăm viếng hiểu đại khái nội dung, bằng tài năng ngoại ngữ xơ xác của mình, mong họ đồng ý ký nhận cho đúng thủ tục hành chánh trước khi chuyển đến cơ quan. Dù đã quá xa trong dĩ vãng, nhưng thỉnh thoảng ngồi nhớ lại “tài nghệ “ Anh ngữ của mình mà ngượng ngùng xấu hổ!
           
            Khi sang Nhật bản tu học.  Thì khỏi nói, ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Nhật của tôi đều coi như "hiện tượng ăn đong " ! Sau khoảng 5 tháng theo học khoá Nhật ngữ cấp tốc ở Osaka đại học, tôi là một trong số ít học viên bị bắt học lại mấy tuần lễ trước khi họ phát cho cái chứng chỉ tốt nghiệp tiếng Nhật sơ cấp dùng cho việc nhập học nghành chuyên môn. Sau đó tôi xuống miền nam Nhật, thực sự bước vào chương trình tu học. Chỉ vài ngày tiếp xúc với tôi,  ông giáo sư hướng dẫn đỡ đầu cũng như bạn bè trong phòng thí nghiệm đã phải lắc đầu " hết ý kiến, thở dài !"
           
            Ngày nay khi xem lại những cuốn sách chuyên môn bằng Anh Ngữ, Nhật ngữ  (Hoá học, Sinh hoá, kỹ thuật biến chế thực phẩm...)  đầy những chữ VN ghi chú đen đặc bằng bút chì mà ngán ngẩm! Cuốn tự điển Anh Việt của Nguyễn văn Khôn là người bạn thân thiết, giúp tôi tra khảo gần tất cả các từ ngữ tiếng Anh. Có lẽ chỉ trừ vài từ ngữ mà đứa bé lang thang trên trung tâm Sài gòn cũng biết, như: the, that, on , off..v..v.. thì tôi bỏ qua mà thôi. Đó!  Tài tiếng Anh đọc, viết của tôi nó khốn đốn như vậy.  Còn về  đàm thoại, đúng là “ điếc không sợ súng “! Tôi nói ào ào, nói đến nỗi chẳng cần biết thầy học và bạn bè có hiểu hay không. Thấy họ gật gù, mỉm cười ( có lẽ vì lịch sự), tôi nói càng hăng ! Nói cho sướng miệng chính mình còn họ hiểu hay không là chuyện của họ, cho qua !  
 
            Tôi còn nhớ một tên bạn Nhật nhưng hắn đã học 4 năm ban kỹ sư ở Mỹ, dĩ nhiên là hắn rất gỏi tiếng Mỹ, khỏi phải bàn. Ít hay nhiều hắn vẫn có cái gì “ Mỹ hoá “ trong con người hắn. Không có chuyện gật gù kiểu lịch sự, cho qua của dân Nhật đậm đặc, chưa phai. Hắn thấy tôi nói hăng quá nhưng có vẻ không thông! Một lần trong một cuộc trà dư tửu hậu, mỉm cười, hắn nói với tôi ( đến nay dù đã 40 năm qua nhưng tôi vẫn còn nhớ nụ cười và giọng nói rất nhẹ nhưng rất “đểu“ của hắn ) : 
             " Mày nói cái gì bằng tiếng Anh, mà chính mày  (hình như ! bố khỉ nó vẫn lịch sự dùng chữ mơ hồ, chưa muốn xác quyết ! )cũng không hiểu mày nói gì thì chúng tao làm sao hiểu cho nổi !"
 
            Đúng như vậy, hắn nói rất chính xác. Đôi lúc tôi hung hăng nói tiếng Anh mà quên đi cái “tài năng nhem nhuốc “ của mình mà phải nhận lấy những nụ cười, câu nói thấm đau từ người khác ! Đã phát âm dở, sai văn phạm lại còn mang cá tính ẩu tả nữa mới khổ. Nhiều khi đang đà “ diễn đạt “ tôi không tìm ra được từ ngữ nào đó trong tiếng Anh, tôi chẳng ngại ngần tống luôn tiếng Việt vào, với một tí uốn éo phát âm! Thế là xong! Thế là nguồn hứng cảm phát ngôn không bị cắt ngang bởi “ cái dốt “ của mình !
           
            Khi bước sang Thụy sĩ, gặp ngôn ngữ Đức phải nói là một trong vài ngôn ngữ khó nhất trên thế giới ! Tôi thực sự đã bị rơi vào mê hồn trận. Nhất là khi bước vào thế trận bát quái này ở tuổi đã khá già!  Gốc gác vốn dĩ là một anh chàng nhà quê, tế bào não bộ được nuôi dưỡng ngay từ lúc trong bào thai bằng gạo ẩm, khoai hư, thêm vào đó ông bố, bà mẹ thuộc gốc nông dân tay lấm chân bùn,chính hiệu “con nai vàng “. Thì làm sao mà thông minh , học một biết mười cho nổi ! Tế bào thần kinh vốn dĩ “ èo ọt “ như vậy, lại thêm trầy trụa với môi trường gió bão chiến tranh như VN thì làm sao mà phát triển bình thường cho nổi. Không gặp trớ trêu mới là điều rất lạ vậy !
 
            Ở cái xứ thanh bình, lạnh giá Thuỵ Sĩ, tôi đã phải luôn luôn xử dụng đủ trò láu lỉnh ( nhưng không lưu manh, bởi vì tôi tự nói với mình thà làm môt kẻ dốt thật thà còn hơn làm kẻ thông thái mà đầu óc lưu manh). Tôi cố dùng cái chân thành, phục thiện ( nếu cần thiết tôi sẵn sành nhận lỗi, sửa sai ) để chống kháng với thách đố liên miên trong cuộc đời tha hương kiếm sống của mình. Trong những cuộc họp về khoa học, các chuyến đi công tác trong Âu châu hay các nơi trên thế giới ! Nói rất thật với các bạn, chính tôi cũng phải bịt tai, che mắt mà " múa "! bằng tài tiếng Anh, tiếng Đức thô thiển, nghèo sát đáy của mình.  Nhưng gặp hoàn cảnh, cái khó nó bó lấy cái khôn, tôi đành “ hung hăng làm tất !“, nghĩ cho cùng, không làm thì ai làm cho mình đây ? Người ta giỏi thì chỉ cần một câu, vài chữ là đối tượng gật gù thoả mãn. Tôi dốt thì mười câu, 20 câu rồi họ cũng hiểu dần dần ! Nhưng cũng may là ngành khoa học thực nghiệm cho nên vấn đề lý luận và chính xác chỉ cần đến con số và dấu hiệu, không cần nhiều đến cái mềm mại, lãng mạn, hào hoa phong nhã của văn chương. Nhờ vậy cũng đỡ được phần nào cái dốt của ngôn ngữ truyền thế hệ của tôi. Đúng vậy chẳng có ai không hiểu những dấu hiệu toán học hay vài mũi tên chỉ dẫn hướng biến thiên của sự việc, của vật chất trong thí nghiệm, hay hướng đi của phản ứng. Mà đã hiểu rồi thì chẳng ai thắc mắc làm chi với cái  “ èo ọt “ ngôn ngữ của tên diễn giả chính gốc Á châu luộm thuộm nhưng trên miệng luôn luôn nở nụ cười thân thiện như tôi. ( các bạn có nghĩ như tôi, đây chỉ là cái khéo léo trong giao tế, hoàn toàn khác với cái lưu manh, lừa dối không ?)
           
            Ngày nay tôi đã thực sự đã " giã biệt vũ khí " , về hưu rồi. Không cần nhiều đến ngôn từ “cao cấp “ nữa, nên cũng đỡ rất nhiều cho việc xử dụng ngôn ngữ ở tuổi về hưu. Nhưng nói thật với các bạn , đôi khi ngồi một mình trong bóng tối, quay ký ức lại nhìn rõ về minh, mà buông tiếng thở dài như vừa thoát khỏi một chuyến đi khá nhiều chông gai, cực nhọc. Một chuyến đi với rất nhiều yếu kém bản thân nhưng đã nhờ may mắn và có tí chút láu lỉnh, lỳ lợm để bước qua ( dù tơi tả ) mà cười vang thích thú. Nhưng dù sao cũng là một dẫy dài kỷ niệm đáng nhớ, mặc dầu có chút đợm buồn nhưng cũng vẫn có chút sắc mầu vui ca, hoan lạc trong đời mình!
&

            Dốt về âm nhạc: Chắc các bạn còn nhớ, không quên, cái thời chúng mình học trung học đệ nhất cấp. Môn âm nhạc của thầy nhạc sĩ Thiên Phụng, Chung Quân với bài hát " Làng tôi " của thầy. Thầy luôn luôn dùng bản nhạc này làm tiêu chuẩn cho các kỳ thi lục cá nguyệt suốt 4 năm đầu trung học . Thầy dựa vào giọng hát hay, tay đánh đúng nhịp ..v..v.. để cho điểm. Tôi gần như thuộc hàng độn sổ trong lớp ! Chẳng có gì lạ lùng với một tên nhà quê ( từ gốc đến ngọn như tôi ). Một tên nhà quê đã vì khói lửa binh đao mà miển cưỡng lên Hà nội kiếm ăn, chẳng có một tố chất tốt đẹp nào thiên về nghệ thuật âm thanh. Thủa ấu thơ mới chỉ biết loanh quanh trong khu vườn, bụi chuối quanh nhà của vùng quê Nam Định. Lúc đó tôi chưa đủ lớn khôn để hưởng cái thú mục đồng ngồi trên lưng trâu nghêu ngao những bài hát đồng quê thì làm gì có được cái thuần nhuyễn ( dù chỉ là thuần nhuyễn ở mức ABC) trong thanh nhạc được ?
 
            Đến Hà nội, chốn ngàn năm văn vật cũng chỉ biết hàng ngày ngắm nhìn ông tây, bà đầm ôm nhau dập dìu trên phố, hay lang thang câu cá quanh hồ Gươm với lũ trẻ khố rách áo ôm như tôi, tư cách gì mà tiếp thu được cái ngọt bùi, trầm ấm, thanh thoát của âm nhạc. Huống chi bản chất thuộc dòng “ nông gia truyền kiếp “ làm sao có được cái "Cảm " trong tâm hồn để hoà mình với lời hát, điệu ca chất đầy lãng mạn trong các tác phẩm âm nhạc, mà dám nói đến chuyện hát đúng, hát hay ? Tóm lại tôi nhớ ngày đó, ngày còn học thầy Quân, trong các cuộc thi lục cá nguyệt về âm nhạc, nếu kiếm được điểm 7/20  hay 8 /20 đã là một kỳ tích, hoan hỉ lắm rồi .
 
            Nhưng thời gian vẫn trầm lặng trôi qua! Cái thằng TÔI với tài năng, tâm cảm trống không về âm nhạc vẫn theo thời thế mà bươn trải trong cái không khí khói mù chiến tranh, thời đó . Rồi cũng xong đại học, đi làm việc khoảng một năm, cũng như phần đông kẻ làm trai trong chiến loạn. Tôi giã từ sách đèn, đời sống dân sự bước chân vào quân đội, tổng cộng hơn một năm với khí giới chiến tranh. Nhiều hứng chí ngâm nga vài câu CHINH PHỤ NGÂM :
           
            Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt
            Xếp bút nghiên theo việc đao cung
            .............
            Chí làm trai dậm nghìn da ngựa
            Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao
            Giã nhà,đeo bức chiến bào
            Thét voi cầu Vị, ào ào gió thu
 
            Nhưng rồi nhờ vận may mà được trở về với chuyên môn, Sĩ quan biệt phái tiếp tục dậy học. Cái nghề trong thanh của xã hội. Đến ngày nay tôi vẫn còn ngỡ ngàng vì định số đã đưa tôi vào với nó. Cái nghề mà nhân gian coi như khuôn mẫu làm người, mà ngày còn bé cũng như suốt tuổi thanh niên, tôi (ngay cả ông bố bà mẹ của tôi) dù có nằm mơ cũng không ai tưởng tượng ra được. Thằng bé nhà quê, nghèo túng, xí trai rất nhiều tật ách, khiếm khuyết đủ chiều như tôi, chỉ vì thế thời đẩy đưa mà được đứng trước bục giảng làm phương tiện sinh nhai. Thế mới kỳ lạ ! Không phải là một ngẫu biến trong đời tôi sao?! ) 
 
            Cái dốt cảm nhận âm thanh đeo đuổi tôi mãi. Nhưng lạ kỳ lắm lắm! Xuống Cần Thơ làm việc khoảng hơn 1 năm, ngọn gió duyên phận nào đó lại cho tôi quen biết một cô gái. Cô ta chỉ biết sơ sài về dương cầm, nhưng lại khá giỏi về thưởng thức âm nhạc và tài năng rất tốt về ngôn ngữ ( hai lãnh vực mà tôi dốt đặc cán mai !) . Cô ta nghe và biết rất nhiều nhạc cổ điển cũng như nhạc tân thời Tây phương. Cô ta đã dẫn dắt tôi vào thế giới của âm thanh, giúp tâm hồn tôi có tí chút căn bản để làm quen với nhã thú của nghệ thuật âm nhạc . Cô ta đã xoá mờ đi phần nào ( dù rất ít ) vẻ thô thiển, cục mịch trong con người tôi. Dẫn tôi đi bằng những bước chân chập chững, ban đầu đến với cái âm vang chứa đầy tố chất lãng mạn, thi tứ đó . 
 
            Những ngày cuối tuần hay dịp lễ nghỉ việc trở về Saigon, chúng tôi đến thính phòng của hội văn hoá Pháp và Mỹ nghe những bản nhạc tân thời và cổ điển ( ban đầu , với tôi đúng là đàn gõ tai trâu! ). Cô ta giải thích cho tôi nghe ý nghĩa  của bản nhạc, suy tư và tâm hồn của người nhạc sĩ, tác giả khi sáng tác nhạc phẩm... Rất nhiều những bản nhạc nổi tiếng đương thời và cổ điển đã được cô ta tế nhị nhấn nhét khéo léo vào cảm xúc của tôi. Nào tiếng nước chẩy ồn ào trên thượng nguồn giòng sông Blue Danube  của J. Strauss . Tiếng chuông nhà thờ chen lẫn tấu khúc hoan ca của một đám cưới trong bản nhạc Yes, I do !..v..v.. Cứ như vậy, tâm hồn thô thiển của tôi đã có tí chút thăng hoa ( dù so với người bình thường, bạn bè cùng lứa, tôi vẫn còn thua xa !) Nhưng ít ra một tên nhà quê gốc cổ thụ như tôi đã có chút gì mà người ta gọi là ướt át !
           
            Rồi thời gian và định mệnh lại đưa tôi sang Nhật bản! Ngay khi xuống Kagoshima tu học, một tỉnh miền cực Nam của Nhật. Tôi khốn khổ gặp ông giáo sư hướng dẫn, thuộc giống dòng Samurai ngày xưa. Ông ta mang cái lạnh lùng, khắt khe và lý tưởng đôi khi có tí điên cuồng vào việc uốn nắn tôi. Một thằng nhà quê đến từ cái xứ nghèo khổ, đầy tật ách chiến tranh. Cũng ngẫu nhiên lạ kỳ, tôi và thằng con trai của ông ta có cùng ngày, tháng, năm sinh, cùng có sở thích câu cá. Vô tình, đó lại là một dữ kiện kéo sát tình thân của tôi và gia đình ông giáo sư lại với nhau. Bà Vợ của ông là một giáo sư đại học về nghệ thuật cắm hoa( Ikebana)  và  trà đạo ( O-cha ).Bà cũng thương yêu tôi như con trai của bà . Rất nhiều lần với những thái độ ân cần, săn sóc, bà dành cho tôi ( nhất là thời gian sau năm 1975 ) đôi khi đã làm tôi cảm động muốn chẩy nước mắt.
 
            Bà ta biết rất sâu về âm nhạc và nhạc khí cổ điển của Nhật ( như đàn koto, Samisen ...v..v.. ) ! Thỉnh thoảng vào những dịp lễ hội hay cuối tuần tôi vẫn đến thăm gia đình họ. Nhưng thật ra cũng muốn hưởng “ké“ cái không khí gia đình ấm cúng của họ, bù đắp cho những nỗi buồn tẻ luôn luôn hiện hữu trong tâm tưởng tôi sau năm 1975. Cũng chính nhờ những dịp đó tôi đã được thưởng thức khá nhiều những nghệ thuật cổ xưa của Nhật bản ( cắm hoa, trà đạo ) hay biết tí chút về kịch nghệ cổ xưa của Nhật như Kabuki..v..v.. Bà dậy cho tôi biết những thể thức tiếp nhận lễ dâng trà khi bà dâng trà cho tôi thưởng thức. Giải thích cho tôi hiểu ý nghĩa căn bản của các loại hoa cũng như chủ đề của những chậu hoa Nhật bản khi bà dậy cho các học viên tại gia do bà tổ chức.
           
             Bà thấy tôi tò mò thích thú với nền văn hoá cổ xưa của Nhật nên thỉnh thoảng cho tôi " đi ké " vào những buổi hoà nhạc của thành phố ! Vô hình trung, cái tâm hồn khô cằn, sỏi đá thô thiển của tôi đã lại có thêm một dịp thấm tí ướt át từ các cuộc thưởng thức văn hoá liên hệ nhiều đến nghệ thuật âm thanh đó. Lại một ngỡ ngàng đến với đời tôi. Sau này vào những rảnh rỗi tôi thường tự hỏi vì những tác động kỳ bí nào, hoàn toàn bước ra khỏi tính toán và khôn ngoan của tôi,đã cho tôi những hội ngộ rất lạ kỳ trong lãnh vực âm nhạc, lãnh vực  mà tôi dốt nát từ gốc rễ xa xưa. 
 
            Sau năm 1975,có lẽ phần lớn người VN của miền nam vĩ tuyến 17 đều bước vào một thực trạng mới. Đa phần là cực nhọc dù sống trong nước hay ngoại quốc, dĩ nhiên tôi cũng không ngoại trừ. Tôi phải lao động cật lực để kiếm tiền chi trả cho cuộc sống và việc học hành đang dang dở. Ngoài ra tôi còn phải dành dụm gửi tiền cưu mang gia đình bố mẹ ở trong nước. Trong hoàn cảnh " bước bỗng " đó, tôi lại có dịp quen với vài người bạn Nhật bản, họ có sở thích hay chuyên môn về âm nhạc ! Tôi im lặng theo họ trong các cuộc sinh hoạt âm nhạc. Giúp đỡ họ những công việc như khuân vác nhạc cụ, trang hoàng hay bắt đèn điện cho sân khấu trong những dịp họ trình diễn tại các cuộc vui, tiệc tùng hay phòng trà khiêu vũ... Thật ra cũng là dạng thức kiếm thêm tiền thêm trong công việc làm ăn dưới tình bạn bè mà thôi  .
 
            Với họ tôi chỉ là một kẻ sai vặt nhưng ít hay nhiều, tôi dần dần có thêm tí chút kiến thức, cảm nhận về âm vang . Chính nhờ thời gian theo họ tôi đã được khá nhiều dịp thưởng thức “nhạc sống “ những bản nhạc trữ tình lãng mạn rất thịnh hành thời bấy giờ . Chẳng hạn bản Shiroi iro wa kohibito no iro ( Mầu trắng là mầu của người yêu), một bản nhạc chứa đựng toàn là mầu sắc của hoa, biểu tượng cho những diễn tiến trong tình yêu.  Hay bản nhạc Seto no hanayome ( Vòng hoa cưới của vùng biển Seto) đã làm cả nước Nhật ngẩn ngơ thưởng thức, đến nay không một người Nhật nào không biết, nó mô tả tâm trạng buồn vui cùng với sự tự tin trong tình yêu của một cô gái khi phải xa cha mẹ, người thân để về nhà chồng trong lễ rước dâu bằng thuyền của vùng biển Seto.
 

            Một trong số những người quen biết của thời gian lang bạt văn nghệ đó tôi đã quen biết một cô bạn gái Nhật là vợ tôi sau này. Gia đình vợ tôi, một nhà giáo nhiều thế hệ. ông bố là thầy âm nhạc, vợ tôi là cô giáo nhưng cũng chuyên môn tay trái về âm nhạc, biết khá nhiều nhạc cụ. Trong tình huống quen biết, gắn bó đó, đương nhiên tôi cũng phải hoà nhập với vợ trong lãnh vực âm nhạc. Nhất là lúc mới gặp nhau, thời  gian chỉ biết làm tất cả cho vừa ý nhau. Dù thế nào thì tôi cũng phải cố làm ra vẻ cảm khoái âm thanh mà nhập cuộc trong những buổi hoà nhạc . Khi sang Âu châu (thành vợ chồng) cũng vì " cái vẻ đồng điệu miễn cưỡng"  đó. Tôi cũng đã nhiều lần tiếc rẻ, thở dài xót đau khi phải hộ tống, chi tiền cho vợ sang tận Wien ( đỉnh núi của nhạc cổ điển ) hay Paris, London... chỉ vì cái vé mời “ concert“  hay vì sự say mê âm nhạc của vợ mà bấm bụng nén đau .
           
            Sống ở Thuỵ sĩ, cũng vì liên hệ đến âm nhạc, gia đình chúng tôi quen biết với một ông nhạc sĩ gốc Đức chuyên về Piano. Ông ta thường trình diễn Piano cho các buổi tiệc hay hotel quốc tế tại thành phố Zurich, ông ta kéo vợ tôi theo làm một kẻ đồng nghiệp. Vì chiều vợ, tôi lại phải nhập cuộc với vai trò một người tài xế cũng như tham dự cuộc vui (trong hậu trường hay ăn ké !) . Vô hình trung, tôi lại thêm một lần được chui mình vào nhã thú của âm thanh. Cũng may mắn, gần như hầu hết các cuộc vui văn nghệ đó thường tổ chức vào cuối tuần hay buổi tối, nên tôi vẫn đi làm bình thường trong lãnh vực chuyên môn của mình.
 
            Sau một thời gian, ông nhạc sĩ bị bệnh và mất. Chúng tôi lại quen biết với một anh chàng Thuỵ Sĩ - Mỹ (2 quốc tịch) anh ta chuyên môn về Electron nhưng thiên về nhạc tân thời. Anh ta và chúng tôi cùng nhau mở một trường âm nhạc nho nhỏ ! Vợ tôi chuyên dậy trẻ con về Piano và Rittersport ( một dạng cử động theo âm nhạc dành cho trẻ con ở Thuỵ sĩ, giúp đứa trẻ hoà nhập cử động với âm nhạc trước khi thực sự học bất cứ nhạc khí nào ).  Anh ta và nhóm bạn nhạc sĩ, bạn của anh ta từ Mỹ sang , chuyên dậy các môn khác như trống,đàn guitar điện, electron..v..v.. chuyên môn về nhạc kích động! Được khoảng 2 năm trời, anh bạn Mỹ chuyển hướng làm ăn " dữ dội " hơn. Anh ta thuê cả một building trên trung tâm thành phố, chuyên dậy nhạc kích động, đồng thời làm dịch vụ chêm âm nhạc vào các phim quảng cáo để phát trên TV hay radio cho các công ty quảng cáo khắp Âu châu. Chúng tôi theo không nổi vì thiếu khả năng chuyên môn trong lãnh vực rộng lớn và đầy chuyên nghiệp, tài năng này.Vợ tôi rút ra làm riêng nho nhỏ là dậy piano (sau này kiêm luôn kindergarten) cho trẻ con Nhật bản hay lai Nhật bản ở Zurich và vùng lân cận. Trong công việc này chúng tôi lo luôn việc mua hay mướn những đàn piano cho tụi trẻ ! Thế là tôi lại việc chuyên chở, ký hợp đồng thuê mướn nhạc cụ cho các gia đình học viên..v..v.. 
 
            Đàn Piano, mỗi năm ít nhất 1, 2 lần phải gọi thợ điều chỉnh ( căng dây ). Mỗi lần điều chỉnh đó khá mắc ( khoảng trên 200 đến 300 USD /lần ) ! Chịu không nổi tốn kém và thấy công việc cũng chẳng có gì là khó khăn. Tôi ( lại giở cái trò láu lỉnh của tên nhà nghèo, dốt âm thanh nhưng giỏi học lóm! ) Tôi say sưa nhìn và kín đáo học hỏi cách chỉnh dây đàn của người thợ, cộng thêm sự chỉ dẫn của vợ về phân biệt âm thanh khi điều chỉnh. Không lâu sau đó, tôi đã có tí chút tự tin cũng như tính tò mò. Trong dịp về Nhật, tôi mua dụng cụ và nhờ người bán dụng cụ chỉ dẩn thêm, rồi tôi nhập cuộc dưới sự chỉ dẫn về âm thanh của vợ .
 
            Ban đầu với cánh tay bắp thịt cuồn cuộn chuyên dành cho đấm đá, võ biền, hay kìm giữ trâu bò trong nông trại của nghành thú y cũng như dùng cho việc vặn những con ốc to lớn của Honda, tầu thuyền! Tôi đã bao lần dùng quá sức làm cho dây đàn bị đứt, không những tốn kém tiền bạc mà còn ê mặt với vợ con. Nhưng có mấy ai qua được chữ “vạn sự khỏi đầu nan“ nhất là dạng người thô kệch như tôi !  Cuối cùng đầu đất, óc bã đậu cũng phải khôn! Bắp thịt boxing cũng phải biết kiềm chế nội lực mà nhẹ nhàng, khéo léo nếu không muốn tốn kém bạc tiền! Tôi đã nghiễm nhiên tự làm được việc điều chỉnh đàn piano một cách tàm tạm, và cũng được khen tặng của vợ. Nhưng cái khoái nhất vẫn là khỏi đau xót, tốn tiền vô lý cho thợ. Dành dụm tiền gửi về cho  cha mẹ, các em trong nước đang réo gọi cưu mang.  Đúng là một tên lý toét , quê mùa lại gặp thêm một kỳ tích trong đời trong lãnh vực âm thanh!
           
            Các bạn thân mến, nhiều khi tôi tự hỏi không biết nhạc sĩ THIÊN PHỤNG CHUNG QUÂN còn sống trên thế gian khốn khổ này không? Có lẽ nếu thầy mà biết được thằng học trò quê mùa, xí trai nhất lớp ngày xưa đánh nhịp như múa tay đấm đá. Giọng hát cất lên thì người nghe phải bịt tai, lắc đầu ... mà ngày nay, chính nó lại làm được chuyện điều chỉnh đàn dương cầm, phân biệt được âm giai cao thấp.  Càng kỳ lạ hơn, gần như suốt thời gian phiêu bạt kiếm ăn ở hải ngoại, nó đã có một thời kiếm sống, tiếp cận với âm thanh ( dù ở vị trí tên sai vặt ). Tôi chắc thầy cũng phải lắc đầu mà mà đội mồ sống dậy ( nếu thầy đã ra người thiên cổ !) mà cười vang với " cái lộn tùng phèo " của tưởng tượng, khó tin!
 &
            Để kết luận cho một bài viết kể lể về mình, tôi xin lấy vài câu thơ của Tản Đà để mô tả cái cảm giác buông xuôi, chán nản của ông khi về già nhìn thấy cái trống không, phi lý của danh và lợi :
 
            Vèo trông lá rụng đầy sân
            Công danh phù thế có ngần ấy thôi !
 
Với các bạn, tôi có một mong muốn là các bạn đọc xongnếu thích thú thì cho một nụ cười vui tình bạn ! Ngược lại, nếu không vui mà tìm được điều gì đáng trách trong bài viết của tôi thì cũng xin phẩy tay mà xí xoá bỏ qua.

Hết

            Vũ ngọc Ruẩn (Lưu An)
(Zürich, Cuối tuần tháng 7. 2014 )

Tự Tình Chiều


Chiều nay lạc bước về qua phố
Thềm cổng nhà em rêu phủ xanh
Lạc lõng hoa tàn vương trên cỏ
Thoáng chút buồn nào len đến nhanh

Về ngang chốn cũ mà cứ ngỡ
Đi giữa hoang vu chẳng bến bờ
Em giờ ngút ngát xa xa lắc
Sợi tình vương lại giữa bơ vơ

Ta về qua phố chiều mưa đổ
Tìm chút hương xưa biết có còn
Thấp thoáng áo ai cười trong gió
Để lại hồn ta chút ngẩn ngơ…


Trần Thị Dã Quỳ

Tháng Bảy - Tháng Bảy Em Về


Ở đây tháng bẩy một mình
Vẫn con phố cũ không hình bóng em
Những chùm phượng tím thân quen
Tiếng ve tháng hạ dịu hiền ru êm

Ở đây tháng bẩy buồn thêm
Lung linh giọt nắng bên thềm nhẹ rơi
Lặng nghe tình nhớ đầy vơi
Em về đâu giữa biển đời hư hao

Ở đây tháng bẩy xanh xao
Ngoài kia sóng vẫn dạt dào mênh mông
Em nơi nào có buồn không
Mình ta giữa trận mưa hồng lãng quên
Khiếu Long

* * *


Tháng Bảy Em Về

Em về phố nhỏ buồn tênh
Chập chùng lối cũ bóng hình của anh
Niềm đau như vẫn vây quanh
Phượng xưa còn đó anh đành sao quên

Mưa hồng chợt đổ buồn thêm
Sầu dâng tím đọng ngọt mềm giọt rơi
Trong vùng ký ức đầy vơi
Một lần yêu , nhớ trọn đời xanh xao

Em về tháng bẩy gầy hao
Nghe lời biển gọi nghẹn ngào đợi mong
Dù đời như gió duỗi rong
Trăm năm tình vẫn mặn nồng trong em
Tiểu Vũ Vi
07/07/07



Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Vũ Hối - Thơ Lê Kim Hiệp


Thơ: Lê Kim Hiệp
Thư Họa: Vũ Hối


Làm Quen


Trời cho mười ngón tay ngà
Thon thon xinh xắn nõn nà dễ thương
Mỏng manh như những giọt sương
Đôi bàn tay nhỏ mùi hương nồng nàn
Hiu hiu gió thổi nhẹ nhàng
Cô mơn từng sợi dịu dàng tóc mây
Mỗi chiều đứng ở bên đây
Tôi thường nhìn trộm đôi tay mượt mà

Trời cho mười ngón tay ngà
Mà sao cô lại lơ là với tôi
Nhìn chi những áng mây trôi
Để cho khoảng cách xa xôi tiêu điều
Tôi mơ qua đó mỗi chiều
Cùng cô trò chuyện đôi điều bên nhau
Dù cho nắng có tàn mau
Vẫn còn câu hẹn ngày sau đậm đà

Trời cho mười ngón tay ngà
Ngón dài ngón ngắn mượt mà làm sao
Mỗi chiều tôi cứ nôn nao
Nhìn cô hàng xóm xôn xao trong lòng
Ước gì dưới giọt nắng hồng
Có thêm ngọn gió thổi bồng tóc lên
Đôi bàn tay trắng lênh đênh
Cô mơn mái tóc ở bên kia nhà

Trời cho mười ngón tay ngà
Mong cô cho một món quà làm quen
Để lòng tôi khỏi rối ren
Mỗi chiều không phải mon men trộm nhìn
Cô ơi trước nghĩa sau tình
Láng giềng đừng để một mình tôi mơ
Mỗi chiều ra ngẩn vào ngơ
Nhìn cô hàng xóm ngây thơ cạnh nhà

Th
ế Thôi( Đỗ Hữu Tài )
 July 15-2014

Qua Rồi Tuổi Ngọc


     
          (Cảm tác từ Làm Quen của Đỗ Hữu Tài)

Tựa hồn năm cũ ngọc ngà
Búp măng thon nhỏ nuột nà trộm thương
Dãi dầu năm tháng gió sương
Thời gian thôi đã ngát hương nồng nàn
Còn đâu mười ngón nhịp nhàng
Mơn man suôi tóc dịu dàng xoã bay
Cố nhân người hỡi còn đây
Giữ ân tình cũ đôi tay nõn nà

Một thời tuổi ngọc tuổi ngà
Cảm người quân tử gọi là...cùng tôi
Dòng đời oan nghiệt lặng trôi
Duyên may thì chẳng xa xôi mọi điều
Lòng ai mặt nước thu chiều
Hồn đây liễu rũ nguyện điều có nhau
Hồ thu vàng nắng rơi mau
Lung linh dáng liễu kiếp sau la đà

Qua thời tuổi ngọc tuổi ngà
Đã yêu câm lặng thế mà...tại sao
Chuyện xưa nhấc lại nao nao
Muốn quên tình lại lao xao cõi lòng
Ông tơ vò sợi chỉ hồng
Vòng dây định mệnh bồng bềnh rối lên
Cây đời phận số lênh đênh
Tiếc không bám rễ cạnh bên hiên nhà

Mơ về tuổi ngọc tuổi ngà
Đôi dòng hoài cảm thay quà muốn quen
Ước gì lứa tuổi rủ ren
Rèm che mở lối say men ngắm nhìn
Đôi tim khắng khít rõ tình

Tri âm tri kỷ chúng mình dệt mơ
Làm sao trở lại ngu ngơ
Làm sao vờ rớt bài thơ bên nhà

Kim Phượng

Thơ Tranh: Ngàn Lời Tiếc Thương


Thơ & Thơ Tranh: Trầm Vân

Viên Đạn, Niềm Đau, Nước Mắt


Viên đạn

Vô tình viên đạn bay qua
một người gục ngã, thịt da khét mùi
hai bàn tay đã buông xuôi
trăm người tiếp nối cuộc đời chiến binh

Niềm đau

Trận tiền súng vẫn còn vang
hỏa châu lơ lửng soi vàng màu da
bao lần lỗi hẹn, xuân qua
chiến hào đọng nước, trăng tà quạnh hiu

Nước mắt

Cúi đầu lệ ướt bờ mi
một người khóc một người đi không về
trong vùng chiến địa tái tê
ai nằm nghe gió lê thê gọi hồn.

Lê Kim Thành

Yoga Cho Mọi Người - YOGA MASTER KAMAL - Từ Phần1 - 13

Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

Hãy Sống Trong Hạnh Phúc Dù Cuộc Đời Không Như Mơ

   
(Hellen Keller)
      Nữ nhà văn Mỹ Hellen Keller đã từng nói: “Tôi đã khóc vì không có giày để đi cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đeo giày.”

      Nếu bạn hỏng xe dọc đường, phải cuốc bộ vài dặm mới tìm ra được người giúp đỡ - Hãy nghĩ tới những ai liệt cả đôi chân, luôn khao khát được bước đi như bạn.
      Đó là lúc khó khăn của bạn, đôi chân của bạn có thể đưa bạn đến bất cứ nơi đâu, đó là hạnh phúc và may mắn khi bạn sinh ra trên đời được có quyền đứng trên đôi chân của mình để đi. Khi không may đôi chân phải nặng nề hơn trên con đường đang bước thì hãy chớ vội nản lòng, khó chịu bởi đằng kia có rất rất nhiều người đang khao khát được bước và được đi như bạn dù chỉ một bước chân....
      Nếu bạn cảm thấy đời mình bị mất mát và băn khoăn về ý nghĩa kiếp người - Xin bạn hãy biết ơn cuộc sống vì có nhiều người đã không được sống hết tuổi trẻ của mình để có những trải nghiệm như bạn.
      Đừng bao giờ nghĩ rằng mình kém may mắn trong cuộc đời này, hãy biết trân trọng từng phút giây khi được sinh ra trên cuộc đời này.
      Nếu bạn cảm thấy mình là nạn nhân của những ai hay cay nghiệt, dốt nát, nhỏ nhen, nghi kỵ - Hãy nhớ rằng việc đời có khi còn tệ hại hơn thế rất nhiều.
      Sống là động nhưng lòng không dao động.
      Mỗi sớm mai thức dậy việc đầu tiên mà ta phải làm là hãy nở một nụ cười thật tươi để trả lại cho cuộc sống đã cho ta được sinh ra trên cuộc đời này, có được một đôi chân vững chãi để bước đi, có được một đôi tay lành lặn để ôm ấp những người mà ta yêu thương, có được một đôi mắt sáng để nhìn ngắm thế giới xung quanh, có được niềm tin và nghị lực trong mỗi chặng đường đời để cảm thấy mình hạnh phúc dù ở trong hoàn cảnh nào. Hãy biết nâng niu và trân trọng từng phút giây mà bạn đang có để biết yêu thương được đong đầy như thế nào trong cuộc đời mình.

          HIỆN TẠI CỦA BẠN ĐANG LÀ MỘT NIỀM MƠ ƯỚC CỦA NHIỀU NGƯỜI, XIN HÃY TRÂN TRỌNG VÀ SỐNG TRỌN VẸN NGAY THỰC TẠI, BÂY GIỜ VÀ Ở ĐÂY


Thơm Nguyễn
Vĩnh Trinh sưu tầm

Thơ Tranh: Mimosa


Thơ: Khánh Hà
Thơ Tranh: Kim Oanh

Con Gái, Con Trai


Em một thời làm con gái
Tôi một thuở là con trai
Quê hương chỉ một nào hai
Tình không xăm cũng đầy vai nhuộm màu

Em muôn đời vẫn thắc mắc
Tôi một đời hỏi tại sao
Nỗi buồn chẳng phải chiêm bao
Giật mình rên rỉ niềm đau lạc nguồn

Em rón rén ngược tháng năm
Tôi dong ruỗi giữa âm thầm
Tương lai, quá khứ không cầm
Đôi tay hệ ước ôm chầm vết thương

Em đào từng hố nhật ký
Tôi chôn vùi vạn phân ly
Giòng sông hay mạch tôn ti
Từ tim triều thủy còn chi đi, về

Em muôn đời là con gái
Tôi một kiếp là con trai
Quê hương sụp đổ lâu đài
Tình rơi mộng thực xác hài bơ vơ

Hoài Tử

Phôi Phai


(Cảm tác bài Con Gái, Con Trai của tác giả Hoài Tử )

Anh một thời làm con trai
Em một thuở là con gái
Trái tim chỉ một nào hai
Tình không nhuộm nên phôi phai mái đầu

Sông chia đôi bờ ngăn cách
Anh lội lách cuộc thăng trầm
Em lặn chạm khối đá ngầm
Lạc nguồn âm ỉ ôm chầm vết đau

Em lỡ làng vùi quá khứ
Anh lữ thứ giữa nhân gian
Tương lai hệ luỵ không màng
Bước chân đi tới sang trang sử đời

Em chôn từng trang nhật ký
Anh lấp vùi rương hành lý
Chòng chành vươn thuyền tri kỷ
Vượt đại dương bao hải lý tạm dung

Anh muôn đời làm con trai
Em vẫn hoài thân con gái
Quê hương là suối tóc dài
Thơm trinh ủ mộng hoa lài ngát hương

Kim Oanh
4-2010


Nguyệt - Trần Nhân Tôn (1258 - 1308)

Nguyệt - Trần Nhân Tôn (1258 - 1308)

Bán song đăng ảnh mãn sàng thư
Lộ trích thu đình dạ khí hư
Thụy khởi châm thanh vô mịch xứ
Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ
 
Dịch Xuôi : Trăng
 
Bóng đèn chiếu sáng, bên song cửa nửa mở, sách đầy giường 
Sương thu rơi ngoài sân vắng , khí trời đêm thoáng mát 
Ngủ dậy , tiếng chày văng vẳng , không biết từ thôn xóm nào 
Vầng trăng vừa lên trên cành hoa mộc tê
 
Các Bản Dịch
 
Trăng
Nửa song, đèn sáng, sách đầy giường,
Hiên đọng sương thu, đêm nhẹ buông.
Thức giấc, tiếng chày đâu đó động,
Trăng lên, chùm quế, nguyệt lồng gương.

Chú Thích:

(1) Châm thanh = tiếng chày giặt quần áo. Ngày xưa , giặt quần áo , nhúng nước rồi lấy chày đập cho sạch.

(2) Mộc tê hoa = hoa mộc tê , còn gọi là hoa quế , thường thấy ở các đình chùa và ở nơi ẩn dật của các thiền giả.


Lời Thêm: 

Vua Trần Nhân Tôn chẳng những còn là một vị anh quân , đời Trần, lãnh đạo toàn dân, 2 lần đại thắng Nguyên Mông, mà còn là sư tổ dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử nước ta, để lại cho đời 4 câu kệ : "Cư trần lạc đạo thả tùy duyên/ cơ tắc xan hề khốn tắc miên/gia trung hữu bảo hưu tầm mịch/ Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền ". Dịch xuôi : Sống đời vui đạo hãy tùy duyên/ ăn ngủ hòa theo lẽ tự nhiên/ Phật ở trong tâm, đừng kiếm nữa/ an nhiên tự tại hỏi chi thiền .Thiển nghĩ , nói một cách giản dị , nếu tu là để tìm cách sao cho được sống vui, thì tin là chỉ cần cố gắng sống theo 4 câu kệ này là đủ. Cầu chúc sống vui.
Phạm Khắc Trí
07/11/2014
* * * 
 Trăng

Song khép nửa,đèn soi giường sách 
Sương Thu rơi phủ lạnh màn đêm 
Tiếng chày vọng đến bên thềm 
Cành hoa quế đón trăng lên Nguyệt lồng
Song Quang
* * *
Trăng

Đèn soi nửa cửa, sách đầy giường
Sân thu thoáng mát, đẫm hơi sương
Giữa đêm nghe tiếng chày xa vẳng
Ngọn quế vương đầy ánh nguyệt buông.
Phương Hà phỏng dịch
* * *
Trăng

Cửa hờ chỏng sách đèn soi
Đêm thu sân vắng mát trời trăng sao
Tiếng chày ai vọng xóm nào
Rung cành hoa quế cồn cào vầng trăng
Trầm Vân
* * *
           月
半窗燈影滿床書,
露滴秋庭夜氣虛。
睡起砧聲無覓處,
木樨花上月來初。
      Nguyệt

Bán song đăng ảnh mãn sàng thư,
Lộ trích thu đình dạ khí hư.T
hụy khởi châm thanh vô mịch xứ,
Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ.

Dịch Nghĩa: Trăng
Cửa sổ nửa khép nửa mở, ánh đèn chiếu chiếc gường để đầy sách
Sương rơi ngoài sân khiến đêm thu như hư ảo
Mới thức dậy đã nghe tiếng chày giặt giũ không biết từ nơi đâu
Trăng vừa lên nằm trên cành hoa quế

Dịch Thơ:
                 Trăng
Chỏng sách đèn soi nửa cửa hờ
Đêm thu sân lạnh phủ sương mờ
Vẳng đâu tỉnh giấc chày ai vọng
Cánh quế đùa hương đón trăng tơ. 
 Quên Đi

* Xin bàn thêm về câu:Bán song đăng ảnh mãn sàng thư
Theo như tựa bài thơ là Nguyệt, ý của câu trên có thể là:- Qua cửa sổ nửa khép nửa hở, ánh trăng như ngọn đèn chiếu vào chiếc giường đầy sách.
* * *
Trăng

Cửa hé đèn soi sách lộ bày
Sân thu đêm ảo hạt sương bay
Vẳng xa chày nện trong thanh vắng
Vắt vẻo trăng treo ngọn quế ngoài
Kim Phượng


Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

Đêm Sâu








Biện Công Danh


Tình Phai


Chiều hôm ngã bóng rớt trên vai
Ngơ ngẩn lạc chân nẻo dặm dài
Nỗi nhớ từ đâu tràn ngập lối
Niềm thương lắng đọng nét hồng phai
Ngày đi lặng lẽ lời từ biệt
Trở lại vấn vương dấu mộng hoài
Có nhớ có thương thôi đã lỡ
Xót xa chôn chặt mối tình ai

7/2014
Thiên Thu

Bến Xưa


Đò ai neo bến cô liêu
Buông chèo có chở bao chiều nhớ qua ?
Bến xưa từ độ em xa
Một vùng cỏ dại rối nhòa vết sương

Lục bình trôi tím hoàng hôn
Đôi bờ cây đứng nghiêng buồn về đâu
Mảnh trăng vàng rách ai khâu
Làn mây chùng trắng bạc đầu bóng đêm

Bao ngày triều xuống triều lên
Nổi chìm thương nhớ quanh miền mộng du
Phù vân khuất nẻo sương mù
Mỏi mòn sóng vỗ ơ hờ tình không

Thời gian lặng lẽ xuôi dòng
Thương con gió ngược qua lòng tình xưa
Gầy hao giọt nắng làn mưa
Mòn con mắt đợi người chưa trở về

Bến xưa neo lại câu thề
Môi ai gió rối vân vê nụ cười
Tóc buồn rẽ lệch đường ngôi
Cho tình rẽ lệch phương trời nhớ nhau


Trầm Vân

Tình Yêu Toán Học


Để “định hướng” tình yêu không thay đổi
Dù không gian có “tịnh tiến” hay “quay”
Mặt cho em “dời đổi” tháng năm dài
Anh quyết giữ tình yêu cho “đối xứng”

Em thường bảo anh như là “con lắc”
Nên khó tìm “mạch số” của tình yêu
Nhưng em ơi dù “lắc kép” hay “lắc đơn”
Anh cũng chỉ chuyển mình trong “biện số”

Chưa hiểu anh em cho là “vị tướng”
Nên tình ta khó thể giống “chu kỳ”
Vì tình anh là một vạn trình “sin”
Em muốn biết hãy dùng “dao động ký”

Anh không thể gắn mình trên “tọa trục”
Đã là trai nên anh phải “tung hoành”
Thì tình ta cũng lúc “chậm” lúc “nhanh”
Muốn khảo sát hãy tìm ra “quỷ đạo”

“Hiện tượng” tình anh em cần biết rõ
Để tìm xem có “giới hạn” hay không
Với tình anh “biện luận” đôi dòng
Em sẽ thấy tình anh qua “cực đại”

“Tự cảm” chỉ vì em mềm yếu
Phải ra công, cố sức “phân tích nhiều”
Mới hiểu rõ “gia tốc” của tình yêu
Như thế tình ta mới mong “khai triển”

(Khuyết Danh)
Tống Ngọc Nhan sưu tầm

Già Sao Cho Sướng


Già thì khổ, ai cũng biết. Sanh lão bệnh tử! Nhưng già vẫn có thể sướng. Muốn sống lâu thì phải già chớ sao! Già có cái đẹp của già. Trái chín cây bao giờ cũng ngon hơn trái giú ép. Cái sướng đầu tiên của già là biết mình… già, thấy mình già, như trái chín cây thấy mình đang chín trên cây. Nhiều người chối từ già, chối từ cái sự thật đó và tìm cách giấu cái già đi, như trái chín cây ửng đỏ, mềm mại, thơm tho mà ráng căng cứng, xanh lè thì coi hổng được.

Mỗi ngày nhìn vào gương, người già có thể phát hiện những vẻ đẹp bất ngờ như những nếp nhăn mới xòe trên khóe mắt, bên vành môi, những món tóc lén lút bạc chỗ này chỗ nọ, cứng đơ, xơ xác… mà không khỏi tức cười! Quan sát nhìn ngắm mình như vậy, ta mới hiểu hai chữ “xồng xộc” của Hồ Xuân Hương:

“Chơi xuân kẻo hết xuân đi.
Cái già xồng xộc nó thì theo sau!” .

Có lẽ nữ sĩ lúc đó mới vào lứa tuổi 40! Thời ta bây giờ, 40 tuổi lại là tuổi đẹp nhất. Phải đợi đến 80 mới gọi là hơi già. Trong tương lai, khi người ta sống đến 160 tuổi thì 80 lại là tuổi đẹp nhất! Tuy vậy, thực tế, già thì khó mà sướng. Con người ta có cái khuynh hướng dễ thấy khổ hơn. Khổ dễ nhận ra còn sướng thì khó biết! Một người luôn thấy mình… sướng thì không khéo người ta nghi ngờ hắn có vấn đề… tâm thần! Nói chung, người già có ba nỗi khổ thường gặp nhất, nếu giải quyết được sẽ giúp họ sống “trăm năm hạnh phúc”: 

* Một là thiếu bạn!

Nhìn qua nhìn lại, bạn cũ rơi rụng dần… Thiếu bạn, dễ hụt hẫng, cô đơn và dĩ nhiên… cô độc. Từ đó dễ thấy mình bị bỏ rơi, thấy không ai hiểu mình! Quay quắt, căng thẳng, tủi thân. Lúc nào cũng đang như:

“Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài nghe ngày tháng dần qua…!”
(Thế Lữ).

Người già chỉ sảng khoái khi được rôm rả với ai đó, nhất là những ai “cùng một lứa bên trời lận đận”… Gặp đựơc bạn tâm giao thì quả là một liều thuốc bổ mà không bác sĩ nào có thể biên toa cho họ mua được!
Để giải quyết chuyện này, ở một số nước tiên tiến, người ta mở các phòng tư vấn, giới thiệu cho những người già cùng sở thích, cùng tánh khí, có dịp làm quen với nhau. Người già tự giới thiệu mình và nêu “tiêu chuẩn” người bạn mình muốn làm quen.
Nhà tư vấn sẽ “matching” để tìm ra kết quả và làm… môi giới…Dĩ nhiên môi giới cho họ kết bạn. Còn sau này họ thấy tâm đầu ý hợp tiến tới hôn nhân (nếu còn độc thân) thì họ ráng chịu! Đó là chuyện riêng của họ. Ngày trước, Uy Viễn tướng công mà còn phải than:

Tao ở nhà tao tao nhớ mi
Nhớ mi nên phải bước chân đi
Không đi mi bảo sao không đến

Đến thì mi hỏi đến làm chi
Làm chi tao có làm chi đựơc
Làm được tao làm đã lắm khi…
Nguyễn Công Trứ

Rồi họ dạy người già học vi tính để có thể “chat”, “meo” với nhau chia sẻ tâm tình, giải tỏa stress… Thỉnh thoảng tổ chức cho các cụ họp mặt đâu đó để được trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, dòm ngó, khen ngợi hoặc… chê bai lẫn nhau. Khen ngợi chê bai gì đều có lợi cho sức khỏe! Có dịp tương tác, có dịp cãi nhau là sướng rồi.
Các tế bào não sẽ đựơc kích thích, được hoạt hóa,sẽ tiết ra nhiều kích thích tố. Tuyến thượng thận sẽ hăng lên, làm việc năng nổ, tạo ra cortisol và epinephrine làm cho máu huyết lưu thông, hơi thở trở nên sảng khoái, rồi tuyến sinh dục tạo ra DHEA (dehydroepiandosterone), một kích thích tố làm cho người ta trẻ lại, trẻ không ngờ!
…Dĩ nhiên phải chọn một nơi có không khí trong lành. Hoa cỏ thiên nhiên. Thức ăn theo yêu cầu. Gợi nhớ những kỷ niệm xưa… Rồi dạy các cụ vẽ tranh, làm thơ, nắn tượng… Tổ chức triển lãm cho các cụ. Rồi trình diễn văn nghệ cây nhà lá vườn. Các cụ dư sức viết kịch bản và đạo diễn. Coi văn nghệ không sướng bằng làm … văn nghệ!

* Cái thiếu thứ hai là thiếu… ăn !


Thực vậy. Ăn không phải là tọng, là nuốt, là xực, là ngấu nghiến …cho nhiều thức ăn! Ăn không phải là nhồi nhét cho đầy bao tử! Trong cuộc sống hằng ngày có nhiều thứ nuốt không trôi lắm!
Chẳng hạn ăn trong nỗi sợ hãi, lo âu, bực tức; ăn trong nỗi chờ đợi, giận hờn thì nuốt sao trôi? Nuốt là một phản xạ đặc biệt của thực quản dưới sự điều khiển của hệ thần kinh. Một người trồng chuối ngược vẫn có thể nuốt được dễ dàng! Nhưng khi buồn lo thì phản xạ nuốt bị cắt đứt!
Nhưng các cụ thiếu ăn, thiếu năng lựơng phần lớn là do sợ bệnh, kiêng khem quá đáng. Bác sĩ lại hay hù, làm cho họ sợ thêm! Nói chung, chuyện ăn uống nên nghe theo mệnh lệnh của… bao tử:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên…”
(Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền…)
Trần Nhân Tông

“Listen to your body”. Hãy lắng nghe sự mách bảo của cơ thể mình! Cơ thể nói… thèm ăn cái gì thì nó đang cần cái đó, thiếu cái đó! Nhưng nhớ ăn là chuyện của văn hóa ! Chuyện của ngàn năm, đâu phải một ngày một buổi. Món ăn gắn với kỷ niệm, gắn với thói quen, gắn với mùi vị từ thuở còn thơ! Người già có thể thích những món ăn…kỳ cục, không sao.
Đừng ép! Miễn đủ bốn nhóm: bột, đạm, dầu, rau…Mắm nêm, mắm ruốc, mắm sặc, mắm bồ hóc, tương chao… đều tốt cả. Miễn đừng quá mặn, quá ngọt…là được. Cách ăn cũng vậy. Hãy để các cụ tự do tự tại đến mức có thể đựơc. Đừng ép ăn, đừng đút ăn, đừng làm “hư” các cụ! Cũng cần có sự hào hứng, sảng khoái, vui vẻ trong bữa ăn. Con cháu hiếu thảo phải biết … giành ăn với các cụ. Men tiêu hoá được tiết ra từ tâm hồn chớ không chỉ từ bao tử.

* Cái thiếu thứ ba là thiếu vận động! 


Già thì hai chân trở nên nặng nề, như mọc dài ra, biểu không chịu nghe lời ta nữa! Các khớp cứng lại, sưng lên, xương thì mỏng, giòn, dễ vỡ, dễ gãy…! Ấy cũng bởi cả một thời trai trẻ đã “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…” (TCS)! Bác sĩ thường khuyên vận động mà không hướng dẫn kỹ dễ làm các cụ ráng quá sức chịu đựng, lâm bệnh thêm.

Phải làm sao cho nhẹ nhàng mà hiệu quả, phù hợp với tuổi tác, với sức khỏe. Phải từ từ và đều đều. Ngày xưa người ta săn bắn, hái lượm, đánh cá, làm ruộng, làm rẫy… lao động suốt ngày. Bây giờ chỉ ngồi quanh quẩn trước TV !. Có một nguyên tắc “Use it or lose it!” . Cái gì không xài thì teo! Thời đại bây giờ người ta xài cái đầu nhiều quá, nên “đầu thì to mà đít thì teo”. Thật đáng tiếc!
Không cần đi đâu xa. Có thể tập trong nhà. Nếu nhà có cầu thang thì đi cầu thang ngày mươi bận rất tốt. Đi vòng vòng trong phòng cũng được. Đừng có ráng lập “thành tích” làm gì! Tập cho mình thôi.. Từ từ và đều đều… Đến lúc nào thấy ghiền, bỏ tập một buổi … chịu hổng nổi là được! Nguyên tắc chung là kết hợp hơi thở với vận động.
Chậm rãi, nhịp nhàng. Lạy Phật cũng phải đúng… kỹ thuật để khỏi đau lưng, vẹo cột sống. Đúng kỹ thuật là giữ tư thế và kết hợp với hơi thở. Đó cũng chính là thiền, là yoga, dưỡng sinh… ! Vận động thể lực đúng cách thì già sẽ chậm lại.
Giảm trầm cảm, buồn lo. Phấn chấn, tự tin. Dễ ăn, dễ ngủ…Tóm lại, giải quyết đựơc “ba cái lăng nhăng” đó thì có thể già mà… sướng vậy!

Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Nguyễn Lữ Sưu tầm