Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

Đêm Sâu








Biện Công Danh


Tình Phai


Chiều hôm ngã bóng rớt trên vai
Ngơ ngẩn lạc chân nẻo dặm dài
Nỗi nhớ từ đâu tràn ngập lối
Niềm thương lắng đọng nét hồng phai
Ngày đi lặng lẽ lời từ biệt
Trở lại vấn vương dấu mộng hoài
Có nhớ có thương thôi đã lỡ
Xót xa chôn chặt mối tình ai

7/2014
Thiên Thu

Bến Xưa


Đò ai neo bến cô liêu
Buông chèo có chở bao chiều nhớ qua ?
Bến xưa từ độ em xa
Một vùng cỏ dại rối nhòa vết sương

Lục bình trôi tím hoàng hôn
Đôi bờ cây đứng nghiêng buồn về đâu
Mảnh trăng vàng rách ai khâu
Làn mây chùng trắng bạc đầu bóng đêm

Bao ngày triều xuống triều lên
Nổi chìm thương nhớ quanh miền mộng du
Phù vân khuất nẻo sương mù
Mỏi mòn sóng vỗ ơ hờ tình không

Thời gian lặng lẽ xuôi dòng
Thương con gió ngược qua lòng tình xưa
Gầy hao giọt nắng làn mưa
Mòn con mắt đợi người chưa trở về

Bến xưa neo lại câu thề
Môi ai gió rối vân vê nụ cười
Tóc buồn rẽ lệch đường ngôi
Cho tình rẽ lệch phương trời nhớ nhau


Trầm Vân

Tình Yêu Toán Học


Để “định hướng” tình yêu không thay đổi
Dù không gian có “tịnh tiến” hay “quay”
Mặt cho em “dời đổi” tháng năm dài
Anh quyết giữ tình yêu cho “đối xứng”

Em thường bảo anh như là “con lắc”
Nên khó tìm “mạch số” của tình yêu
Nhưng em ơi dù “lắc kép” hay “lắc đơn”
Anh cũng chỉ chuyển mình trong “biện số”

Chưa hiểu anh em cho là “vị tướng”
Nên tình ta khó thể giống “chu kỳ”
Vì tình anh là một vạn trình “sin”
Em muốn biết hãy dùng “dao động ký”

Anh không thể gắn mình trên “tọa trục”
Đã là trai nên anh phải “tung hoành”
Thì tình ta cũng lúc “chậm” lúc “nhanh”
Muốn khảo sát hãy tìm ra “quỷ đạo”

“Hiện tượng” tình anh em cần biết rõ
Để tìm xem có “giới hạn” hay không
Với tình anh “biện luận” đôi dòng
Em sẽ thấy tình anh qua “cực đại”

“Tự cảm” chỉ vì em mềm yếu
Phải ra công, cố sức “phân tích nhiều”
Mới hiểu rõ “gia tốc” của tình yêu
Như thế tình ta mới mong “khai triển”

(Khuyết Danh)
Tống Ngọc Nhan sưu tầm

Già Sao Cho Sướng


Già thì khổ, ai cũng biết. Sanh lão bệnh tử! Nhưng già vẫn có thể sướng. Muốn sống lâu thì phải già chớ sao! Già có cái đẹp của già. Trái chín cây bao giờ cũng ngon hơn trái giú ép. Cái sướng đầu tiên của già là biết mình… già, thấy mình già, như trái chín cây thấy mình đang chín trên cây. Nhiều người chối từ già, chối từ cái sự thật đó và tìm cách giấu cái già đi, như trái chín cây ửng đỏ, mềm mại, thơm tho mà ráng căng cứng, xanh lè thì coi hổng được.

Mỗi ngày nhìn vào gương, người già có thể phát hiện những vẻ đẹp bất ngờ như những nếp nhăn mới xòe trên khóe mắt, bên vành môi, những món tóc lén lút bạc chỗ này chỗ nọ, cứng đơ, xơ xác… mà không khỏi tức cười! Quan sát nhìn ngắm mình như vậy, ta mới hiểu hai chữ “xồng xộc” của Hồ Xuân Hương:

“Chơi xuân kẻo hết xuân đi.
Cái già xồng xộc nó thì theo sau!” .

Có lẽ nữ sĩ lúc đó mới vào lứa tuổi 40! Thời ta bây giờ, 40 tuổi lại là tuổi đẹp nhất. Phải đợi đến 80 mới gọi là hơi già. Trong tương lai, khi người ta sống đến 160 tuổi thì 80 lại là tuổi đẹp nhất! Tuy vậy, thực tế, già thì khó mà sướng. Con người ta có cái khuynh hướng dễ thấy khổ hơn. Khổ dễ nhận ra còn sướng thì khó biết! Một người luôn thấy mình… sướng thì không khéo người ta nghi ngờ hắn có vấn đề… tâm thần! Nói chung, người già có ba nỗi khổ thường gặp nhất, nếu giải quyết được sẽ giúp họ sống “trăm năm hạnh phúc”: 

* Một là thiếu bạn!

Nhìn qua nhìn lại, bạn cũ rơi rụng dần… Thiếu bạn, dễ hụt hẫng, cô đơn và dĩ nhiên… cô độc. Từ đó dễ thấy mình bị bỏ rơi, thấy không ai hiểu mình! Quay quắt, căng thẳng, tủi thân. Lúc nào cũng đang như:

“Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài nghe ngày tháng dần qua…!”
(Thế Lữ).

Người già chỉ sảng khoái khi được rôm rả với ai đó, nhất là những ai “cùng một lứa bên trời lận đận”… Gặp đựơc bạn tâm giao thì quả là một liều thuốc bổ mà không bác sĩ nào có thể biên toa cho họ mua được!
Để giải quyết chuyện này, ở một số nước tiên tiến, người ta mở các phòng tư vấn, giới thiệu cho những người già cùng sở thích, cùng tánh khí, có dịp làm quen với nhau. Người già tự giới thiệu mình và nêu “tiêu chuẩn” người bạn mình muốn làm quen.
Nhà tư vấn sẽ “matching” để tìm ra kết quả và làm… môi giới…Dĩ nhiên môi giới cho họ kết bạn. Còn sau này họ thấy tâm đầu ý hợp tiến tới hôn nhân (nếu còn độc thân) thì họ ráng chịu! Đó là chuyện riêng của họ. Ngày trước, Uy Viễn tướng công mà còn phải than:

Tao ở nhà tao tao nhớ mi
Nhớ mi nên phải bước chân đi
Không đi mi bảo sao không đến

Đến thì mi hỏi đến làm chi
Làm chi tao có làm chi đựơc
Làm được tao làm đã lắm khi…
Nguyễn Công Trứ

Rồi họ dạy người già học vi tính để có thể “chat”, “meo” với nhau chia sẻ tâm tình, giải tỏa stress… Thỉnh thoảng tổ chức cho các cụ họp mặt đâu đó để được trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, dòm ngó, khen ngợi hoặc… chê bai lẫn nhau. Khen ngợi chê bai gì đều có lợi cho sức khỏe! Có dịp tương tác, có dịp cãi nhau là sướng rồi.
Các tế bào não sẽ đựơc kích thích, được hoạt hóa,sẽ tiết ra nhiều kích thích tố. Tuyến thượng thận sẽ hăng lên, làm việc năng nổ, tạo ra cortisol và epinephrine làm cho máu huyết lưu thông, hơi thở trở nên sảng khoái, rồi tuyến sinh dục tạo ra DHEA (dehydroepiandosterone), một kích thích tố làm cho người ta trẻ lại, trẻ không ngờ!
…Dĩ nhiên phải chọn một nơi có không khí trong lành. Hoa cỏ thiên nhiên. Thức ăn theo yêu cầu. Gợi nhớ những kỷ niệm xưa… Rồi dạy các cụ vẽ tranh, làm thơ, nắn tượng… Tổ chức triển lãm cho các cụ. Rồi trình diễn văn nghệ cây nhà lá vườn. Các cụ dư sức viết kịch bản và đạo diễn. Coi văn nghệ không sướng bằng làm … văn nghệ!

* Cái thiếu thứ hai là thiếu… ăn !


Thực vậy. Ăn không phải là tọng, là nuốt, là xực, là ngấu nghiến …cho nhiều thức ăn! Ăn không phải là nhồi nhét cho đầy bao tử! Trong cuộc sống hằng ngày có nhiều thứ nuốt không trôi lắm!
Chẳng hạn ăn trong nỗi sợ hãi, lo âu, bực tức; ăn trong nỗi chờ đợi, giận hờn thì nuốt sao trôi? Nuốt là một phản xạ đặc biệt của thực quản dưới sự điều khiển của hệ thần kinh. Một người trồng chuối ngược vẫn có thể nuốt được dễ dàng! Nhưng khi buồn lo thì phản xạ nuốt bị cắt đứt!
Nhưng các cụ thiếu ăn, thiếu năng lựơng phần lớn là do sợ bệnh, kiêng khem quá đáng. Bác sĩ lại hay hù, làm cho họ sợ thêm! Nói chung, chuyện ăn uống nên nghe theo mệnh lệnh của… bao tử:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên…”
(Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền…)
Trần Nhân Tông

“Listen to your body”. Hãy lắng nghe sự mách bảo của cơ thể mình! Cơ thể nói… thèm ăn cái gì thì nó đang cần cái đó, thiếu cái đó! Nhưng nhớ ăn là chuyện của văn hóa ! Chuyện của ngàn năm, đâu phải một ngày một buổi. Món ăn gắn với kỷ niệm, gắn với thói quen, gắn với mùi vị từ thuở còn thơ! Người già có thể thích những món ăn…kỳ cục, không sao.
Đừng ép! Miễn đủ bốn nhóm: bột, đạm, dầu, rau…Mắm nêm, mắm ruốc, mắm sặc, mắm bồ hóc, tương chao… đều tốt cả. Miễn đừng quá mặn, quá ngọt…là được. Cách ăn cũng vậy. Hãy để các cụ tự do tự tại đến mức có thể đựơc. Đừng ép ăn, đừng đút ăn, đừng làm “hư” các cụ! Cũng cần có sự hào hứng, sảng khoái, vui vẻ trong bữa ăn. Con cháu hiếu thảo phải biết … giành ăn với các cụ. Men tiêu hoá được tiết ra từ tâm hồn chớ không chỉ từ bao tử.

* Cái thiếu thứ ba là thiếu vận động! 


Già thì hai chân trở nên nặng nề, như mọc dài ra, biểu không chịu nghe lời ta nữa! Các khớp cứng lại, sưng lên, xương thì mỏng, giòn, dễ vỡ, dễ gãy…! Ấy cũng bởi cả một thời trai trẻ đã “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…” (TCS)! Bác sĩ thường khuyên vận động mà không hướng dẫn kỹ dễ làm các cụ ráng quá sức chịu đựng, lâm bệnh thêm.

Phải làm sao cho nhẹ nhàng mà hiệu quả, phù hợp với tuổi tác, với sức khỏe. Phải từ từ và đều đều. Ngày xưa người ta săn bắn, hái lượm, đánh cá, làm ruộng, làm rẫy… lao động suốt ngày. Bây giờ chỉ ngồi quanh quẩn trước TV !. Có một nguyên tắc “Use it or lose it!” . Cái gì không xài thì teo! Thời đại bây giờ người ta xài cái đầu nhiều quá, nên “đầu thì to mà đít thì teo”. Thật đáng tiếc!
Không cần đi đâu xa. Có thể tập trong nhà. Nếu nhà có cầu thang thì đi cầu thang ngày mươi bận rất tốt. Đi vòng vòng trong phòng cũng được. Đừng có ráng lập “thành tích” làm gì! Tập cho mình thôi.. Từ từ và đều đều… Đến lúc nào thấy ghiền, bỏ tập một buổi … chịu hổng nổi là được! Nguyên tắc chung là kết hợp hơi thở với vận động.
Chậm rãi, nhịp nhàng. Lạy Phật cũng phải đúng… kỹ thuật để khỏi đau lưng, vẹo cột sống. Đúng kỹ thuật là giữ tư thế và kết hợp với hơi thở. Đó cũng chính là thiền, là yoga, dưỡng sinh… ! Vận động thể lực đúng cách thì già sẽ chậm lại.
Giảm trầm cảm, buồn lo. Phấn chấn, tự tin. Dễ ăn, dễ ngủ…Tóm lại, giải quyết đựơc “ba cái lăng nhăng” đó thì có thể già mà… sướng vậy!

Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Nguyễn Lữ Sưu tầm

Võ Trường Toản Một Nhà Giáo Dục Lớn của Nam Kỳ



Xử Sĩ, Nhà giáo dục thời Nguyễn sơ, hiệu là Sùng Đức, quê huyện Bình Dương, phủ Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh).

 Tìm hiểu từ tư liệu bằng chữ hán "Đại Nam Nhất Thống Chí" có ghi : Tổ tiên Võ Trường Toản có nguồn gốc từ miền Trung, Việt Nam, rồi di cư vào Nam theo làn sóng chung, được khởi phát mạnh mẽ kể từ năm 1623. Đây cũng là năm mà người Việt chính thức vào xứ  Đồng Nai, Gia Định lập nghiệp. Và địa chí Bến Tre cũng ghi lại: Võ Trường Toản là người huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, không ai rõ năm sinh, không rõ gốc gác, chỉ biết cụ là một nhà nho lớn, một nhà giáo đức độ tài ba, lỗi lạc ở miền Nam, Việt Nam ở thế kỷ 18.  Trong thời chiến tranh Tây Sơn - Nguyễn Ánh, ông ở ẩn nơi quê, mở trường dạy học, từ chối mọi điều ban phát, không tham gia vào chính sự. Trong hàng trăm học trò do ông đào tạo, có những người nổi tiếng như Trịnh Hoài Đức, Lê Bá Phẩm... Những nho sĩ tiết tháo thuộc thế hệ sau như Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị cũng chịu ảnh hưởng về đạo đức, học phong, sĩ khí của nhà giáo họ Võ.

Trong một bài văn bia bằng chữ Hán do Cụ Phan Thanh Giản soạn năm Đinh Mão (1867), tạm dịch ra như sau: "Tiên sinh họ Võ, húy Trường Toản. Đời trước hoặc nói là người Thanh Kệ (Quảng Đức), hoặc nói người Bình Dương (Gia Định), trước thọ nghiệp cùng ai chưa biết rõ. Chỉ biết sở học của tiên sinh đã tới bậc dày dặn, đầy đủ, chất thật có thuật nghiệp thâm uyên thông đạt. Xảy hồi loạn Tây Sơn, tiên sinh ở ẩn mở trường dạy học, thường học trò đến mấy trăm. Ông Ngô Tùng Châu là môn sinh cao đệ nhất. Thứ đến là các ông Trịnh Hoài Đức, Phạm Ngọc Uẩn,Lê Quang Định, Lê Bá Phẩm, Ngô Nhơn Tịnh. Bậc danh sĩ là ông Chiêu, ông Trúc đều ẩn dật. Ngoài ra không kể hết được...Các ông ấy đều gặp hồi phong vận, thời trung hưng triều Gia Long đức bậc tôi hiền, có người hoặc sát thân để làm nên điều nhân, hoặc quên mình để trọng tiết nghĩa, thảy đều nên công nghiệp lớn...Lúc ngự vào Gia Định, đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế hằng triệu tiên sinh tới đối ứng...Tiên sinh không khứng ra làm quan, nên đại khái không thấy được sự nghiệp. Từ thuở tiên sinh lấy lối học nghĩa lý để giáo hóa, chẳng những đương thời đào tạo được nhiều bậc nhân tài, mà còn truyền thuật, giảng luận, trau dồi về sau" 


Nguyễn Phúc Ánh vẫn thường vời ông đến giảng sách, bàn luận chính trị, bàn luận chính trị, muốn trọng dụng ông, nhưng ông một mực từ chối. Giới trí thức đương thời đều cảm phục tôn kính ông, gọi ông là "Gia Định xử sĩ"(Người tài giỏi ở Gia Định không thích ra làm quan).
Ai cũng biết cụ Võ Trường Toản là một nhà nho, nhưng cụ không rơi vào lối dạy máy móc, giáo điều của nho học lạc hậu, cổ hủ. Cụ chủ trương, lấy lối học "Nghĩa lý để giáo hóa". Khi giảng với học trò về sách Đại học, một sách trong Tứ thư, cụ nói rõ: "Sách Đại học một nghìn bảy trăm chữ, tán ra gồm vô số sự vật, tóm lại còn 200 chữ, tóm nữa thì còn một chữ, tóm lại nữa một chữ cũng không". Đại ý cụ căn dặn học trò cần thấu triệt nội dung của cuốn sách, chứ không nên học vẹt từng câu, từng chữ, cách dạy ấy thường gọi là “Tri ngôn dưỡng khí”, tri ngôn là hiểu lời, còn dưỡng khí là nuôi dưỡng khí phách, muốn có được khí phách phải tập nghĩa, tức là làm việc nghĩa, cống hiến hết mình cho nghĩa lớn.

Ngoài một nhà giáo, ông còn là một nhà thơ khi chữ Nôm đang trên đà phát triển. Thơ văn ông phần lớn đã thất lạc, còn lại bài "Hoài cổ phú". Với bài phú này, ông đã chứng minh một cách hùng hồn cho khả năng đại chúng của chữ Nôm (tiếng Việt), trong khi chữ Hán vẫn còn là một thứ văn tự quyết định cho văn chương.
Võ Trường Toản mất ngày mồng 9 tháng 6 năm Nhâm Tý, tức 27-7- 1792. 
 Nguyễn Ánh ban hiệu cho ông là Gia Định xử sĩ Sùng Đức võ tiên sinh.
Để tưởng nhớ công đức của thầy, học trò cũ mà ông đã tặng đôi liễn:

"Sinh tiên giáo huấn đắc nhân, vô tử nhi hữu tử
Một hậu thịnh danh tại thế, tuy vong giả bất vong"
 Dịch nghĩa: 
             Lúc sống dạy dỗ được người, không con cũng như có. 
             Chết, tiếng tăm còn để, tuy mất mà chẳng mất.

Sau khi giặc Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, Phan Thanh Giản cùng với Nguyễn Thông ( Đốc Học Vĩnh Long) và nhiều sĩ phu yêu nước khác đứng ra lo việc cải táng Võ Trường Toản  với ý nghĩa là không để mộ thầy nằm trong vùng giặc chiếm. 

Năm Tự Đức thứ 18, hài cốt của cụ Võ Trường Toản được rước về cải táng tại làng Bảo Thạnh, thuộc tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Di hài vợ cùng ấu nữ cũng được cải táng cạnh mộ của cụ. 


 Mộ của cả ba xây theo hướng Đông - Bắc ngó về Tây Nam, xây dựng theo dạng voi phục. Khu mộ nằm trên một gò đất cao ráo, trong khuôn viên thoáng rộng, có cây che bóng mát, chung quanh mộ được trồng nhiều loại cây như đào, vẹt,... tạo nên cảnh quan thanh thoát, vừa trang nghiêm, vừa tươi mát nhẹ nhàng, hài hòa giữa công trình và cảnh quan thiên nhiên.

Huỳnh Hữu Đức Tổng Hợp từ:
-  http://www.bentre.edu.vn
- http://vi.wikipedia.org
- http://www.bentre.gov.vn

Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

Về Miền Quê Anh



Hôm qua xe đến Bình Minh
 
Cua vòng quốc lộ chuyển mình lên cao
Cầu giăng lấp lánh đèn màu
Cần Thơ sông rộng đón chào em sang.

Xe lùa gió cuốn dịu dàng
Dưới cầu sóng lượn lăn tăn cợt đùa
Ngày nào trìu mến đón đưa
Hôm nay tủi phận duyên thừa lẻ loi.

Xe về Đông Thạnh bóp còi
Quẹo qua tay mặt về nơi quê mình
Ơ mà ! quê của người tình
Bến sông chợ nổi Lê Bình đông vui.

Có lần từ vườn Nàng Tiên
Đón em về xóm Bà Vèn, Cái Chanh
Xe qua mấy lớp nhà tranh
Ngoài vàm Rạch Chiếc vây quanh xóm chùa.

Cái Răng nhóm chợ quá trưa
Dập dìu ghe « bẹo » bốn mùa trái cây
Thạnh Mỹ con gái khéo tay
Quết nem, giò chả đong đầy mùi hương.

Xuống xe xa lạ phố phường
Không ai thân thiết, người thương thuở nào
Anh ơi ! anh ở nơi nao
Em về nhớ thuở ngọt ngào hàn huyên.

Đêm nay em đi du thuyền
Ninh Kiều rời bến về miền hạ lưu
Qua Xóm Chài dưới trăng Thu
Cái Sâu đom đóm phập phù xa xa.

Lệ buồn từng giọt thiết tha
Vắng anh vắng cả chuyến phà thủy chung
Đêm nay sóng nước nghìn trùng
Trăm năm nỗi nhớ lạnh lùng bơ vơ.

Sương giăng phủ kín đôi bờ
Chút ân tình cũ vỡ òa tâm tư
Du thuyền trôi nhẹ êm ru
Mà sao khắc khoải mộng du lưng trời.

Sông quen nước chảy thảnh thơi
Nhưng lòng cãm thấy một trời bể dâu
Khuya nay em biết về đâu?
Thu phong chưa trọn Đông sầu đã sang!

Dương Hồng Thủy

Thơ Tranh: Thầm Hỏi


Thơ & Thơ Tranh: Kim Quang

Mùa Xuân Xưa


Bên nhau bao tháng ngày
Lời ân tình em ngỏ
Không uống lòng anh say
Nụ cười, bờ vai nhỏ

Bên nhau tay nắm tay
Quỳ hoa thay áo mới
Mãi nhớ đến ngàn đời
Bên nhau tình trao vội

Thời gian dần dần trôi
Bao mùa Xuân đã tới
Em ơi! Em xa rồi
Một trời anh tiếc nuối!

Suối Dâu

Tháng giêng 2011

Xướng Hoạ Thơ Mới : Một Chiều


Bài xướng:
      Một Chiều...


Một chiều về ngang con sông
Bến xưa sóng lượn bềnh bồng
Con đò ai neo nỗi nhớ
Bờ lau cỏ úa vàng mong
            Một chiều qua góc phố quen
            Thoảng thoảng mùi hương tóc mềm
            Chạm nhẹ bờ vai kỷ niệm
            Cây nghiêng cành đợi dài thêm
Một chiều quán lạnh chỗ ngồi
Nhớ ly xí muội chia đôi
Ly kem bốn màu chia nửa
Bao giờ hết ngọt người ơi
            Một chiều về ngang trường xưa
            Áo bay lồng lộng gió mùa
            Nỗi nhớ đỏ đầu điếu thuốc
            Cháy bừng ngàn tiếng guốc khua
Một đêm hoài vọng thu qua
Vầng trăng xưa vẫn chưa già
Ngấn tròn đôi môi huyền ảo
Nụ hôn từ tạ xót xa

                           Trầm Vân
* * *


Các bài Hoạ


     Kiếp Giang Hồ

Ta, kẻ giang hồ núi sông
Chí trai ngang dọc tang bồng
Rong ruổi một đời phiêu lãng
Không màng kẻ nhớ người mong.
                    Bao nhiêu cô gái vừa quen
                    Long lanh mắt biếc môi mềm
                    Nào đã có gì kỷ niệm
                    Mà mong ngày tháng dài thêm?
Chiều mưa quán nhỏ ta ngồi
Ghế tre sắp thành cặp đôi
Một mình gác chân hai ghế
Cảm thông nhé chủ quán ơi!
                    Mưa có về ngang chốn xưa
                    Chắc giờ gió đang chuyển mùa
                    Lành lạnh hơi sương buổi sớm
                    Bếp nhà, củi lửa vừa khua?
Tháng ngày vùn vụt trôi qua
Cội mai thềm cũ đã già ?
Em còn đợi bên song cửa
Mắt buồn dõi phía trời xa?
                         Phương Hà

* * *
      Bến Sông Xưa

 
Em còn nhớ đến dòng sông
Lục bình xuôi nước trôi bồng
Hoa tím đơn sơ thầm gợi
Ta nhìn ngơ ngẩn chờ mong
                    Phù sa nước đỏ thân quen
                    Ngọt ngào tựa má môi mềm
                    Của cô em thời thơ dại
                    Khiến ta nỗi nhớ dầy thêm
Tìm quanh bến cũ nơi ngồi
Thuở nào ta luôn có đôi
Bên nhau từng giây rung động
Làm sao quên được em ơi
                    Bao lần hồi tưởng chuyện xưa
                    Tháng Bảy nước nổi theo mùa (*)
                    Bên bờ Cửu Long yêu dấu
                    Khoan nhặt nhịp guốc ai khua
Thời gian lặng lẽ trôi qua
Sông quê vẫn mãi không già
Tóc ta giờ sương trắng phủ
Nhưng bóng cũ chẳng rời xa
                                       Quên Đi

(*) Ở Miền Tây, vào tháng 7 Âm lịch, nước sông Cửu Long từ thượng nguồn đổ về, Người dân ở đây thường gọi là "Mùa Nước Nổi"

* * *

       Gọi Người   

Nhớ mà chi kẻ sang sông    
Tội thân tay bế tay bồng  
Lỗi vẹn thề thời thơ dại   
Cám ơn tình khắc khoải mong 
                    Nồng nàn sao thuở mới quen  
                    Trộm hương suối tóc nhung mềm 
                    Vai gầy ấm hơi hướm lạ 
                    Ngượng ngùng hồng má em thêm 
 
Phút bên nhau thinh lặng ngồi   
Chia tình xí muội chung đôi   
Kem màu khát khao vị ngọt   
Quên làm sao được ai ơi 
                    Cây đời trơ gốc phượng xưa 
                    Thảm thiết ve tiếng gọi mùa 
                    Nắng vàng thôi lay dáng hạ 
                    Xa rồi guốc vọng tiếng khua 
 
Ngày tháng mãi hững hờ qua 
Sương tuyết phơi tuổi chớm già   
Bao kỷ niệm còn nguyên đó   
Gọi người tận chốn trời xa
                     Kim Phượng

Mộng Vàng - Phạm Duy - Lệ Thu (HL)


Thơ Cảm Tác: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh


Sáng Tác: Phạm Duy
Tiếng Hát: Lệ Thu
Thực Hiện: Hong Lien


Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Tình Buồn



Em ngồi vàng võ đợi chờ
Bên hiên sân cũ đã mòn nhớ nhung
À ơi tiếng hát lời thương
Nửa đêm em đợi bước chân anh về

Cuộc chơi chấm dứt bể dâu
Người về muôn hướng lấy đâu sum vầy
Em đi ngõ vắng tiếc thay
Em về chia xẻ buồn thay mặn nồng

Nở đành cây lá rêu phong
Ta xa cũng thể hết mong trùng phùng
Ngỡ ngàng người hết thủy chung
Chơ vơ năm tháng nét hương đâu còn

Lục Lạc
12 - 02 - 2011

Hoa Rừng Xứ Thượng


- Chú Dín à, đắp mô hoài. Dzô cái đi rồi tôi kể chuyện bùa ngãi, chuyện ma cho anh em nghe ...
- Hồi nhỏ ra chợ thấy mấy bà người Hời, má tôi gọi là người Hời nhưng tôi nghĩ họ là người Chàm, hay đưa tay ngoắc ngoắc, vẫy gọi nhưng tôi sợ không dám lại vì nghe nói người Hời, người Thượng có bùa ngãi, biết "thư". "Thư" là dùng ma thuật bỏ một vật nào đó vào thân thể của người mình muốn hại.

Tôi ra trường rồi làm việc ở nhiều nơi, chỗ cuối cùng là một quận lỵ ở vùng Cao Nguyên. Ở đây người Việt mình cũng hay đồn đãi, thêu dệt những câu chuyện "thư" của người Thượng nhưng tôi không tin. Nghe nói có mấy bộ lạc bán khai ở đảo Mindanao, Phi Luật Tân cũng biết thư nhưng về sau các phóng viên Tây Phương quay phim lại thì khám phá rằng khi bà phù thủy lấy đồ trong bụng người bị thư thì bà đã giấu trước những thứ đó trong mấy móng tay dài ngoằng rồi dùng xảo thuật mà mắt người xem.
Lính của tôi có mấy thằng độc thân, phá như quỷ. Rảnh là vào mấy buôn Thượng xem con gái, đàn bà tắm. Họ thì tự nhiên, để ngực trần tắm, mấy cha nội tha hồ chiêm ngưỡng. Tụi nó hay nói với nhau là nếu có bồ bịch, có ăn nằm với gái Thượng thì phài lấy chứ bỏ ngang không bồi thường trâu bò thì coi chừng bị thư.

Một hôm có người lính nhờ xem tại sao trên mặt anh ta có một vật lạ, tuy không làm đau đớn nhưng cộm cộm khó chịu. Anh ta nghĩ là bị thư. Tôi giỡn: "Chắc lại "bắt cái nước" một em "Hoa rừng xứ Tạng" nào rồi ? Mấy lẩn trước chỉ xin Penicillin thôi mà !"
Nhìn gò má bên trái không thấy sưng, không cộm nhưng lúc lấy hai ngón tay nắn thì rõ ràng có một vật cứng nằm giữa da mặt và thịt, dài và bự cở cây tăm xỉa răng. Tôi nói anh ta ngồi xuống ghế, chích cho một mũi thuốc tê. Một tay bóp hai đầu vật này, tay kia cầm con dao giải phẫu bằng Inox sửa soạn rạch. Nhưng lạ thiệt, cứ mỗi lần đưa con dao vào gần gò má anh ta thì vật đó biến mất tiêu, hai ngón tay giống như đang bóp vào thịt. Thử đi thử lại nhiều lần mà lần nào cũng vậy. Hễ đưa con dao ra xa thì bóp thấy nó mới tức chứ !

Anh lính ngồi đó một hồi rồi bỏ đi, tôi thì tức tối vì không biết tại sao. Vài hôm sau anh ta quay lại, khoe là đã nhờ người lấy được vật đó ra. Mân mê nó trên tay, thấy giống như một cái xương gà nhỏ, cũng cở cở như lúc tôi nắn gò má anh ta hôm nọ.
Còn chuyện ma thì tôi không tin. Lúc mới ra trường, có một đêm tôi lái xe xuống gần Phú Bổn lấy xác người mình. Hơn chục người, già trẻ lớn bé bị đâm, chặt, bầm bằng giáo, mác bởi đám Fulro, rồi thức luôn đến sáng giảo nghiệm tử thi để viết báo cáo cho Ty Y Tế, sau này tôi được biệt phái qua Quân Y. Gần gủi với nhiều xác chết mà vẫn chưa thấy ma, có thấy mới tin. Nhưng rồi ...

Năm đó vợ chồng tôi có con đầu lòng. Trong dân y viện cũ của chi khu, lính tráng, sĩ quan chia nhau ở. Tụi tôi xin được một phòng nhỏ, gọi là phòng nhưng chỉ có hai bức tường, hai bức vách còn lại được che bằng gỗ và tấm rèm cửa.
Cái giường đôi kê sát vách nhìn ra cái nôi của cháu ở chân giường. Trên đầu giường là chỗ móc chìa khóa xe Jeep lùn, cạnh đó là cái nón sắt. Trên bức tường bên trái, gần lối ra vào có treo cái đồng hồ, quà cưới của vợ chồng tôi. Khẩu Colt 45 thì lúc nào tôi cũng bỏ dưới gối khi ngủ.
Cháu gần 1 tuần thì tôi thấy nó hay khóc đêm. Nghe khóc là vợ tôi bật dậy, rồi bồng, dỗ nó. Mấy đêm trước nó ngủ ngon lành sao dạo này hay quậy, khóc dữ vậy ! Có đêm nó khóc cả mấy lần làm vợ chồng tôi mất ngủ, phờ phạc.
Một đêm nọ cháu lại khóc, vợ tôi chắc vì mệt nên chưa choàng dậy. Tôi mở mắt ra thì thấy hai đứa bé, một trai một gái, tuổi khoảng 10, 12 tuổi. Cháu gái lớn hơn, bận áo len vàng, còn cháu trai mặc áo len màu đỏ. Tụi nó nhìn tôi cười cười, tay đong đưa cái nôi. Tưởng chúng là con của gia đình binh sĩ nên tôi nói: "Đừng phá ... để nó ngủ". Hai đứa tỉnh bơ, vẫn đong đưa cái nôi: "Tụi cháu đói lắm, chú có gì cho tụi cháu ăn" rồi hai chị em từ từ đi ra cửa.

Nhìn lên đồng hồ treo tường thấy khoảng 3 giờ sáng, vợ vẫn nằm bên cạnh. Không biết mình có nằm mơ không nhưng nhớ rõ là ngước mắt lên vẫn thấy chùm chìa khóa và cái nón sắt. Thò tay dưới gối thì chạm vào khẩu súng Colt. Cháu lúc này đã hết khóc.

Hôm sau má tôi lên thăm cháu nội, bà nằm ở một cái giường lính nhỏ cạnh giường vợ chồng tôi. Đêm đó, cũng khoảng giờ đó, hai cháu bé lại đến. Bán tín bán nghi vì 3 giờ sáng có đứa con nít nào còn thức, vả lại con em gia đình binh sĩ tôi biết mặt hầu hết ... nhưng tôi vẫn chưa chịu cúng và không kể chuyện này cho má hay vợ hay vì ngại họ sợ.
Chiều hôm sau từ quân y viện về thấy má mang hoa quả, bày bàn thờ cúng.
- "Cúng gì, cúng ai vậy má ? Vợ con và cháu đâu rồi ?"
- Nó bồng cháu đi dạo. Má cúng ....
Má tôi kể lại những gì bà thấy, chi tiết gần giống như tôi đã thấy, cũng hai cháu bé, một trai một gái, mặc áo len vàng, đỏ ...
Tôi lạnh người, đi ra ngoài kiếm vợ con.
Vợ tôi đang bồng cháu đi thơ thẩn gần sân bóng chuyền.
- Anh nè, mấy đêm nay em thấy .... "
Chi tiết cũng y chang. Tối hôm đó, má và vợ chồng tôi cúng trong nhà xong còn cúng ngoài trời nữa.

Gọi bác sĩ giám đốc dân y viện xong, tôi lái xe đi gặp ông ta để hỏi về chuyện này. Ông ta mới chuyển về vài năm nên không biết và gọi một người y tá già vào. Theo lời người y tá này, khoảng hơn mười năm trước, một góc trong khu trẻ em của dân y viện cũ, ngay chỗ phòng vợ chồng tôi ở, bị cháy vào khoảng 3 giờ sáng, có hai chị em chết.
Trong phòng lưu hồ sơ bịnh lý, tôi lục lọi chồng hồ sơ trẻ em năm đó thì quả thật có hai chị em trạc tuổi đó nhập viện vì bị ban sởi.
Từ đó cháu ít khóc đêm và vợ chồng tôi cũng không nằm "mơ" thấy 2 cháu bé nữa.

Ktk

Cựu Học Sinh - Cựu Giáo Sinh Vĩnh Long Viếng Phần Mộ Nhà Giáo Võ Trường Toản

Vào Tháng 7- 2014 nhân đi dự sinh nhật chị Dương Thị Anh ở Ba Tri Bến Tre, Cựu Giáo Sinh Sư Phạm Vĩnh Long. 
Chúng tôi đến viếng Đền thờ và Mộ cụ Võ Trường Toản



Đăng cháu nội của Đức đứng trước đền thờ Cụ Võ Trường Toản
Từ trái sanh phải : Đăng, Hoàng (Bến Tre) hướng dẫn viên của nhóm
Huệ, Thể (Bến Tre), Điệp Lê, Sanh, Duyên, Anh Minh trước bàn thờ Cụ Võ Trường Toản
Vinh (đeo kính), Đan( Dâu Chí Thanh, áo đỏ), Chí  Thanh bị che
 Chí Thanh (đi ra), Hữu Đức (người thắp nhang sau cùng)
Hữu Đức đứng bên bàn thờ  Nhà Giáo Võ Trường Toản 

Ngôi Mộ của Nhà Giáo Võ Trường Toản và Vợ
Hàng phía trước :  Chí Thanh, Thơ, Khang (Cháu Nội Thơ), Điệp Lê, Anh Minh, Sanh, Đăng (cháu Nội Đức).
Hàng phía sau : Hoàng (BT), Chánh (cựu giáo sinh),Thể (BT), Xuân, Vinh (CGS), Huệ (CGS)

Hình Ảnh : Huỳnh Hữu Đức - Huỳnh Bảo Đăng

Vĩnh Long Thân Thương!


Vĩnh Long mình, Vĩnh Long mình tên gọi thân thương
Hàng cây xanh đón đưa khoảng trời em về học
Nhớ nhịp guốc khua  giòn thời con gái
Áo trắng lụa mềm khiến lòng ai say?

Vĩnh long mình lất phát mưa bay
Nhớ quán cà phê, nhớ ly chè ngọt
Tiếng đàn ai trong đêm thánh thót
Để người đi còn hẹn buổi quay về

 Vĩnh Long mình tên gọi một miền quê
Thì làm sao xa mà không thấy nhớ!
Người lỡ xa, quay đi sao nỡ
Công viên chiều, tán dù ru bến sông

Ai cũng có một thời mong nhớ mong
Trăm kỷ niệm ùa về khi nhắc đến
Bước chân nhau dù có xa vời vợi
Áo trắng lụa mềm khiến lòng thương nhớ thương

Ngọc Hải

Nụ Cười tuyệt vời


       Giá một nụ cười rẻ hơn giá tiền điện, thế nhưng nụ cười lại tỏa sáng nhiều hơn hàng trǎm bóng đèn điện. Không ai nghèo đến nỗi không thể mỉm một nụ cười, cũng không ai đủ giàu để sống mà không cần đến nụ cười của người khác. Một nụ cười - vốn liếng tuy nhỏ bé nhưng lại sinh hoa lợi nhiều, nó làm giàu cho kẻ đón nhận nó mà không hề làm kẻ trao tặng nó phải nghèo đi. Ngược lại, có khi người ta sẽ còn mãi mãi ghi nhớ.

      Không ai đủ giàu mà bỏ qua không nhận lấy một nụ cười. Nụ cười tạo được hạnh phúc trong gia đình. Nụ cười là dấu hiệu của nhân ái. Nụ cười làm cho kẻ nhọc nhằn tìm được sự thoải mái dễ chịu. Nụ cười đem lại sự can đảm cho người nản chí, hoang mang.
Nếu có một lúc nào đó trong đời, bạn gặp một ai đó không cho bạn được một nụ cười như bạn đáng được nhận, thì bạn hãy quảng đại mà nở một nụ cười với người đó. Bởi vì không ai cần đến nụ cười cho bằng người không bao giờ biết cười.

      Có một câu chuyện kể rằng: Saint Exupery từng là phi công tham gia chống phát xít trong Đệ nhị Thế chiến. Chính từ những nǎm tháng này ông đã viết ra tác phẩm "Nụ Cười".. Không biết đây là một tự truyện hay một truyện hư cấu, nhưng tôi tin rằng nó có thật. Trong truyện, Saint Exupery là một tù binh bị đối xử khắc nghiệt và ông biết nay mai có thể bị xử bắn như nhiều người khác. Ông viết: "Tôi trở nên quẫn trí. Bàn tay tôi giật giật, cố gắng rút trong túi áo một điếu thuốc. Nhưng tôi lại không có diêm. Qua hàng chấn song nhà giam, tôi trông thấy một người cai tù. Tôi gọi: "Xin lỗi, anh có lửa không?"...  Anh ta nhún vai rồi tiến lại gần. Khi rút que diêm, tình cờ mắt anh nhìn vào mắt tôi. Tôi mỉm cười mà chẳng hiểu tại vì sao lại làm thế. Có lẽ vì khi muốn làm thân với ai đó, người ta dễ dàng nở một nụ cười. Lúc này dường như có một đốm lửa bùng cháy nhanh qua kẽ hở giữa hai tâm hồn chúng tôi, giữa hai trái tim con người. Tôi biết anh ta không muốn, nhưng do tôi đã mỉm cười nên anh ta phải mỉm cười đáp lại. Anh ta bật que diêm, đến gần tôi hơn, nhìn thẳng vào mắt tôi và miệng vẫn cười. Giờ đây trước mặt tôi không còn là viên cai ngục phát xít mà chỉ là một con người. Anh ta hỏi tôi: "Anh có con chứ?". Tôi đáp: "Có" và lôi từ trong ví ra tấm hình nhỏ của gia đình mình. Anh ta cũng vội rút trong túi áo ra hình những đứa con và bắt đầu kể lể về những kỳ vọng của anh đối với chúng.
      Đôi mắt tôi nhoà lệ. Tôi biết mình sắp chết và sẽ chẳng bao giờ gặp lại được người thân. Anh ta cũng bật khóc. Đột nhiên, không nói một lời, anh ta mở khoá và kéo tôi ra khỏi buồng giam. Anh lặng lẽ đưa tôi ra khỏi khu vực thị trấn chiếm đóng, thả tôi tự do rồi quay trở về. Thế đó, cuộc sống của tôi đã được cứu rỗi chỉ nhờ một nụ cười".
 
      Từ khi đọc được câu chuyện này tôi nghiệm ra được nhiều điều. Tôi biết rằng bên dưới mọi thứ vỏ bọc chúng ta dùng để thủ thế, để bảo vệ phẩm giá và địa vị, vẫn còn đó một điều thật quý giá mà tôi gọi là tâm hồn. Tôi tin rằng: nếu tâm hồn bạn và tâm hồn tôi nhận ra nhau thì chúng ta chẳng còn gì phải sợ hãi hay cǎm thù oán ghét nhau. Nếu bạn từng có một khoảnh khắc gắn bó với đồng loại qua sức mạnh của nụ cười, thì tôi tin rằng bạn cũng đồng ý với tôi, đó là một phép lạ nho nhỏ, một món quà tuyệt vời mà chúng ta có thể dành cho nhau.

       Một nữ tu ở Calcutta đã cảm nhận được điều này trong cuộc sống, và bà đưa ra lời khuyên chân thành: "Hãy mỉm cười với nhau, mỉm cười với vợ, với chồng, với con cái bạn và với mọi người dù đó là ai đi nữa, vì điều này sẽ giúp bạn lớn lên trong tình yêu của nhau..."

( Khuyết danh)

Kim Oanh sưu tầm

Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

Dạ Khúc - Phạm Duy - Lệ Thu

Bài hát là nỗi nhớ của người tình trong đêm vắng, mối tình đã xa rồi vĩnh viễn.Trong bóng đêm u tịch chỉ còn thương nhớ mà thôi.



Serenade: Franz Schubert
Lời Việt: Phạm Duy
Ca Sĩ: Lệ Thu
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Kỷ Niệm Ơi! Áo Trắng Ơi ...



Còn vương vấn
Tình hồng muôn vạn sắc
Túi hành trang
Trĩu nặng
Những chờ mong

Áo trắng ơi
Ta xa rồi cách mặt
Có còn chăng
Nhung nhớ
Ủ trong lòng

Thu lại đến
Mang về bao nỗi nhớ
Lá vàng rơi
Nhắn nhủ
Thuở mờ xa

Dư âm cũ
Ru sầu vương òa vỡ
Kỷ niệm ơi
Lãng đãng
Thuở tình hoa

Hoàng Dũng 


Thơ Tranh: Ngõ Trúc Trăng Về


Thơ & Thơ Tranh: Túy Hà

Vũ Hối Thư Họa - Tri Kỷ, Thơ Kim Oanh


Thơ: Kim Oanh
Thư Họa: Vũ Hối


Việt Nam Sử Lược Phần II Chương II : Trưng Vương


1. TRƯNG-THỊ KHỞI BINH. Năm giáp-ngọ (34) là năm Kiến-võ thứ 10, vua Quang-vũ sai Tô Định 蘇 定 sang làm thái-thú quận Giao-chỉ.

Tô Định là người bạo-ngược, chính-trị tàn-ác, người Giao-chỉ đã có lòng oán-giận lắm. Năm canh-tí (40) người ấy lại giết Thi Sách 詩 索 người ở quận Châu-diên 朱 鳶 (phủ Vĩnh-tường, trước thuộc về Sơn-tây, nay thuộc về tỉnh Vĩnh-yên).

Vợ Thi Sách là Trưng Trắc 徵 側 con gái quan lạc-tướng ở huyện Mê-linh 麋 泠 (làng Hạ-lôi, huyện Yên-lãng, tỉnh Phúc-yên) cùng với em gái là Trưng Nhị 徵 貳 nổi lên đem quân về đánh Tô Định. Bọn Tô Định phải chạy trốn về quận Nam-hải.

Lúc bấy giờ những quận Cửu-chân, Nhật-nam và Hợp-phố cũng nổi lên theo về với hai bà Trưng-thị. Chẳng bao lâu quân hai bà hạ được 65 thành-trì. Hai bà bèn tự xưng làm vua, đóng đô ở Mê-linh, là chỗ quê nhà.

2. MÃ VIỆN SANG ĐÁNH GIAO-CHỈ. Năm tân-sửu (41) vua Quan-vũ sai Mã Viện 馬 援 làm Phục-ba tướng-quân 伏 波 将 軍, Lưu Long 劉 隆 làm phó-tướng cùng với quan Lâu-thuyền tướng-quân 樓 船 将 軍 là Đoàn Chí 段 志 sang đánh Trưng-vương.

Mã Viện là một danh-tướng nhà Đông-Hán, lúc bấy giờ đã ngoài 70 tuổi, nhưng vẫn còn mạnh, đem quân đi men bờ bể phá rừng đào núi làm đường sang đến Lãng-bạc 浪 泊, gặp quân Trưng-vương hai bên đánh nhau mấy trận[1]. Quân của Trưng-vưng là quân ô-hợp không đương nổi quân của Mã Viện, đã từng đánh giặc nhiều phen. Hai bà rút quân về đóng ở Cấm-khê 禁 谿 (phủ Vĩnh-tường, tỉnh Vĩnh-yên). Mã Viện tiến quân lên đánh, quân hai bà vỡ tan cả. Hai bà chạy về đến xã Hát-môn 喝 門, thuộc huyện Phúc-lộc (nay là huyện Phúc-thọ, tỉnh Sơn-tây), thế bức quá, bèn gieo mình xuống sông Hát-giang (chỗ sông Đáy tiếp vào sông Hồng-hà) mà tự tận. Bấy giờ là ngày mồng 6 tháng 2 năm quí-mão (43).

Những tướng của hai bà là bọn Đô Dương 都 陽 chạy vào giữ huyện Cư-phong 居 封 thuộc quận Cửu-chân. Sau Mã Viện đem quân vào đánh, bọn Đô Dương đều phải ra hàng.

Hai bà họ Trưng làm vua được 3 năm, nhưng lấy cái tài-trí người đàn-bà mà dấy được nghĩa lớn như thế, khiến cho vua tôi nhà Hán phải lo sợ, ấy cũng là đủ để cái tiếng thơm về muôn đời. Đến ngày nay có nhiều nơi lập đền thờ hai bà để ghi-tạc cái danh-tiếng hai người nữ anh-hùng nước Việt-nam ta[2].

Sử-gia Lê văn Hưu 黎 文 休 nói rằng: « Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn-bà nổi lên đánh lấy được 65 thành-trì, lập quốc xưng vương dễ như giở bàn tay. Thế mà từ cuối đời nhà Triệu cho đến đời nhà Ngô hơn một nghìn năm, người mình cứ cúi đầu bó tay làm tôi-tớ người Tàu, mà không biết xấu-hổ với hai người đàn-bà họ Trưng! »

Huỳnh Hữu Đức sưu tầm