Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

Dạ Khúc - Phạm Duy - Lệ Thu

Bài hát là nỗi nhớ của người tình trong đêm vắng, mối tình đã xa rồi vĩnh viễn.Trong bóng đêm u tịch chỉ còn thương nhớ mà thôi.



Serenade: Franz Schubert
Lời Việt: Phạm Duy
Ca Sĩ: Lệ Thu
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Kỷ Niệm Ơi! Áo Trắng Ơi ...



Còn vương vấn
Tình hồng muôn vạn sắc
Túi hành trang
Trĩu nặng
Những chờ mong

Áo trắng ơi
Ta xa rồi cách mặt
Có còn chăng
Nhung nhớ
Ủ trong lòng

Thu lại đến
Mang về bao nỗi nhớ
Lá vàng rơi
Nhắn nhủ
Thuở mờ xa

Dư âm cũ
Ru sầu vương òa vỡ
Kỷ niệm ơi
Lãng đãng
Thuở tình hoa

Hoàng Dũng 


Thơ Tranh: Ngõ Trúc Trăng Về


Thơ & Thơ Tranh: Túy Hà

Vũ Hối Thư Họa - Tri Kỷ, Thơ Kim Oanh


Thơ: Kim Oanh
Thư Họa: Vũ Hối


Việt Nam Sử Lược Phần II Chương II : Trưng Vương


1. TRƯNG-THỊ KHỞI BINH. Năm giáp-ngọ (34) là năm Kiến-võ thứ 10, vua Quang-vũ sai Tô Định 蘇 定 sang làm thái-thú quận Giao-chỉ.

Tô Định là người bạo-ngược, chính-trị tàn-ác, người Giao-chỉ đã có lòng oán-giận lắm. Năm canh-tí (40) người ấy lại giết Thi Sách 詩 索 người ở quận Châu-diên 朱 鳶 (phủ Vĩnh-tường, trước thuộc về Sơn-tây, nay thuộc về tỉnh Vĩnh-yên).

Vợ Thi Sách là Trưng Trắc 徵 側 con gái quan lạc-tướng ở huyện Mê-linh 麋 泠 (làng Hạ-lôi, huyện Yên-lãng, tỉnh Phúc-yên) cùng với em gái là Trưng Nhị 徵 貳 nổi lên đem quân về đánh Tô Định. Bọn Tô Định phải chạy trốn về quận Nam-hải.

Lúc bấy giờ những quận Cửu-chân, Nhật-nam và Hợp-phố cũng nổi lên theo về với hai bà Trưng-thị. Chẳng bao lâu quân hai bà hạ được 65 thành-trì. Hai bà bèn tự xưng làm vua, đóng đô ở Mê-linh, là chỗ quê nhà.

2. MÃ VIỆN SANG ĐÁNH GIAO-CHỈ. Năm tân-sửu (41) vua Quan-vũ sai Mã Viện 馬 援 làm Phục-ba tướng-quân 伏 波 将 軍, Lưu Long 劉 隆 làm phó-tướng cùng với quan Lâu-thuyền tướng-quân 樓 船 将 軍 là Đoàn Chí 段 志 sang đánh Trưng-vương.

Mã Viện là một danh-tướng nhà Đông-Hán, lúc bấy giờ đã ngoài 70 tuổi, nhưng vẫn còn mạnh, đem quân đi men bờ bể phá rừng đào núi làm đường sang đến Lãng-bạc 浪 泊, gặp quân Trưng-vương hai bên đánh nhau mấy trận[1]. Quân của Trưng-vưng là quân ô-hợp không đương nổi quân của Mã Viện, đã từng đánh giặc nhiều phen. Hai bà rút quân về đóng ở Cấm-khê 禁 谿 (phủ Vĩnh-tường, tỉnh Vĩnh-yên). Mã Viện tiến quân lên đánh, quân hai bà vỡ tan cả. Hai bà chạy về đến xã Hát-môn 喝 門, thuộc huyện Phúc-lộc (nay là huyện Phúc-thọ, tỉnh Sơn-tây), thế bức quá, bèn gieo mình xuống sông Hát-giang (chỗ sông Đáy tiếp vào sông Hồng-hà) mà tự tận. Bấy giờ là ngày mồng 6 tháng 2 năm quí-mão (43).

Những tướng của hai bà là bọn Đô Dương 都 陽 chạy vào giữ huyện Cư-phong 居 封 thuộc quận Cửu-chân. Sau Mã Viện đem quân vào đánh, bọn Đô Dương đều phải ra hàng.

Hai bà họ Trưng làm vua được 3 năm, nhưng lấy cái tài-trí người đàn-bà mà dấy được nghĩa lớn như thế, khiến cho vua tôi nhà Hán phải lo sợ, ấy cũng là đủ để cái tiếng thơm về muôn đời. Đến ngày nay có nhiều nơi lập đền thờ hai bà để ghi-tạc cái danh-tiếng hai người nữ anh-hùng nước Việt-nam ta[2].

Sử-gia Lê văn Hưu 黎 文 休 nói rằng: « Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn-bà nổi lên đánh lấy được 65 thành-trì, lập quốc xưng vương dễ như giở bàn tay. Thế mà từ cuối đời nhà Triệu cho đến đời nhà Ngô hơn một nghìn năm, người mình cứ cúi đầu bó tay làm tôi-tớ người Tàu, mà không biết xấu-hổ với hai người đàn-bà họ Trưng! »

Huỳnh Hữu Đức sưu tầm

Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

Vĩnh Long Cơn Mưa Đầu Mùa








Trương Văn Phú



Tháng Sáu Trời Mưa!


Tháng sáu trời sắp mưa nhưng dè dặt
Mùa cuối thu cành trơ chiếc lá buồn
Nhớ quê xưa những chiều mưa nặng hạt
Ai có về gữi hộ giọt sầu tuôn

Tháng sáu hè vui những ngày nhộn nhịp
Chiều ven sông đùa giởn tắm bên nhau
Hè vội qua ngày vui chưa bắt kịp
Mưa thu buồn gợi nhớ biết là bao

Tháng sáu đi về ta chưa gặp lại
Con đường xưa còn đợi đến bao giờ
Quê hương xa với nỗi buồn khắc khoải
Kỷ niệm nào cũng chỉ ở trong mơ.

Biện Công Danh 
June 2014
* Ảnh phụ bản của chính tác giả ghi lại

Thơ Tranh: Vô Đề


Thơ: Mặc Thái Thủy
Thơ Tranh: Kim Oanh

Mưa Tình


      Đời ai mà không có những lúc buồn bã muộn phiền, tôi thường tìm về những ngày tháng xa xưa để tìm quên những lúc thật không vui đó, trong một khoảng không gian của ngày cũ chập chùng tôi đã thấy những kỷ niệm thật đẹp của tôi vẫn còn đó, những kỷ niệm mà tôi cứ tưởng chừng đã phai nhạt theo thời gian vẫn còn đây với hình bóng em vẫn tràn đầy vùng ký ức ..... 

      Trong một đêm mưa ngày xưa tôi đã đưa em về dưới cơn mưa giá lạnh, con đường vẫn dài hun hút và tiếng nói em cứ hồn nhiên bên tai, nụ cười em vẫn tươi vui như những bong bóng mưa vỡ vụn , tôi không nói gì trong những giây phút chia tay nhưng trong tôi cái cảm giác như là tôi sẽ không bao giờ gặp lại em và sẽ xa em mãi mãi ...buồng ngực tôi như thật nhói đau ....cái đau dịu dàng nhưng cũng thật đậm sâu trong trái tim tôi vốn vô cùng yếu đuối ... 

      Bây giờ thì cũng thật xa rồi phải không em .. thật xa rồi cái ngày tháng cũ, và đêm nay trời cũng mưa như một đêm nào đó, con đường vẫn buồn tênh với những ánh sáng loang loáng phản chiếu từ những ngọn đèn vàng mỗi khi có những chiếc xe vụt thoáng qua. Tôi vẫn đi một mình lầm lũi dưới cơn mưa, những giọt mưa rơi trên thân thể như thấm vào tim như tạo cho tối cái cảm xúc dịu êm, nồng nàn của một ngày nào xa lắm ......

      Em thân yêu, giả sử có một ngày nào đó tình cờ ta lại gặp nhau dưới một cơn mưa, biết chúng ta còn có những cảm xúc như ngày xưa không em nhỉ? Hay là em đã cho rằng anh đã có nhiều thứ đã đổi thay, cái đổi thay theo thời gian và lòng người thường có ......Cũng có thể đó em, nhưng anh phải nói thật với em một điều, trong cái không gian này đây, trong giây phút này đây anh đang thật nhớ em hơn bao giờ hết, nhớ ánh mắt, nhớ nụ cười, nhớ tiếng nói dịu dàng nhớ cả vòng tay êm ái .....Ừ thì cứ quay lưng, nhưng hãy cho anh mang tất cả nỗi nhớ này vào giấc mơ của anh, giấc mơ của một người thật cô đơn đang đi dưới cơn mưa tình tầm tã .....

Khiếu Long

Về Thăm Phố Núi


Vẫn cứ thích về thăm Phố Núi
ngồi bên em nghe nước suối reo
nhìn tia nắng hoàng hôn rớt vội
thấy vàng ươm từng hạt sương treo

Vẫn cứ thích dạo qua những chỗ
đã cùng em trên con Phố xưa
chuyền tay nhau ly cà phê nóng
đi và đi trong đêm sương mưa

Vẫn cứ thích ngồi trên dốc sỏi
nhặt từng hòn đá cuội quăng xa
nghe tiếng rơi vọng từ xa thẳm
ngỡ như ai vừa gọi tên ta

Vẫn thích đi dầu chân đã mỏi
như có em từ trên dốc cao
tim rộn nhịp theo lòng bối rối
lời nào đây chút nữa sẽ trao?

Kỷ niệm đi chưa hề biết mệt
đuổi bám theo từng vết chân anh
yêu Phố hay yêu em chẳng biết
Phố Núi xưa vẫn thích về thăm.

Cao Nguyên

Nghệ Sĩ Đường Phố New York.


Thực Hiện: Xuân Vinh

Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

Phan Thanh Giản - Nỗi Oan 40 năm


THÂN THẾ PHAN THANH GIẢN
Phan Thanh Giản sinh Giờ Thìn, Ngày 12 tháng Mười, Bính Thìn (1796), đời Lê Cảnh Hưng; mất vào đêm mồng Bốn rạng ngày mồng Năm tháng 7 năm Đinh Mão (1867) sau khi tuyệt thực 17 ngày rồi uống thuốc độc tự vẫn; hưởng tho 72 tuổi. Linh cữu an táng tại làng Bảo Thạnh,Ba tri Bến Tre.
 Phan Thanh Giản lấy tên tự  là Tịnh Bá và Đạm; hiệu là Lương Khê; biệt hiệu là Mai Xuyên. Sau khi thi đậu, cụ cưới vợ người đầu tiên người làng Cần Giuộc. Bà này mất, cụ tục huyền với bà Trần Thị Hoạch ở Quảng Trị và đưa vợ về Kiến Hòa để lo phụng dưỡng cha mẹ. Trong dịp này, cụ làm một bài thơ để tạ ơn vợ đã thay cụ báo hiếu cha mẹ.

 Từ thuở vương xe mối chỉ hồng
 Lòng này ghi tạc có non sông
 Đường mây cười tớ ham dong ruổi
 Trướng liễu thương ai chịu lạnh lùng
 Ơn nước, nợ trai đành nỗi bận
 Cha già, nhà khó, cậy nhau cùng
 Mấy lời dặn bảo cơn ly biệt
 Rằng nhớ, rằng quên, lòng hỡi lòng
(tham khảo: Vĩnh Long Xưa và Nay của Huỳnh Minh, 1967)

 Tương truyền tổ phụ cụ Phan Thanh Giản là Phan Thanh Tập, hiệu là Ngẫu Cừ, sống dưới đời Nhà Minh.Sau đó Phan Thanh Tập di cư sang Việt Nam cư ngụ tại Phủ Hoài Sơn, Bình Định. Phan Thanh Tập có một con trai là Phan Thanh Ngạn tục kêu là Xán. Năm 1771, gia đình ông Ngạn di vào Nam, ngụ ở Thanh Trông, Định Tường. Sau dời về Mân Thích, Vĩnh Thanh, Vĩnh Long; rồi lại dời về Huyện Bảo An, Hoằng Trị, Vĩnh Long. Cuối cùng, ông lại dời về thôn An Hòa, Tân Thạnh, Vĩnh Bình., phủ Định Viễn, Trấn Vĩnh Thạnh; nay là xã Bảo Thạnh, Ba Tri, Bến Tre. Ông cưới vợ là bà Lâm Thị Bút sinh hạ ra Phan Thanh Giản. Năm 1802, Phan Thanh Giản được 7 tuổi thì bà mẹ qua đời. Bà mẹ kế là bà Trần Thị Dưỡng rất yêu quý ông và cho ông thụ giáo với nhà sư Nguyễn Văn Noa ở chùa làng Phú Ngãi. Năm 1815, cha của Phan Thanh Giản bị tù oan. Phan Thanh Gian xin với quan cho ông được ở tù thế cho cha. Quan không thể giúp được nhưng tạo cơ hội cho ông ở gần cha và trau giồi kinh sử. Sau khi cha mãn tù, Phanh Thanh Giản ở lại Vĩnh Long tiếp tục học để tạo sự nghiệp.

SỰ NGHIỆP
 Năm 1825, cụ đậu Cử Nhân Khoa Ất Dậu.Năm sau, cụ đậu Đệ Tam Giáp đồng Tiến Sĩ. Cụ là người đậu Tiến Sĩ khai khoa ở Nam Bộ. Cụ từng giữ nhiều chức vụ: dưới ba triều Minh Mạnh, Thiệu Trị, và Tự Đức: Lang Trung Bộ Hình, Tham Hiệp Quảng Bình và Giám Khảo Thi Hương Thừa Thiên; Hiệp Trấn Quảng Nam, Hàn Lâm Viện, Phó Sứ sang Nhà Thanh, Đại Lý Tự Khanh Cơ Mật Viện, Kinh Lược Trấn Tây, Bố Chánh Tỉnh Quảng Nam, Hộ Lý Tuần Phủ Quan Phòng, Nội các Thừa Chỉ, Tả Thị Lang Bộ Hộ, Thị Lang Bộ Hộ, Binh Bộ Tả Thị Lang, Tham Tri Bộ Binh, Chánh Chủ Khảo Trường Thi Hà Nội, Hình Bộ Thượng Thư, Lại Bộ Thượng Thư, Kinh Lược Sứ, Nam Kỳ Kinh Lược Phó Sứ, Gia Định Tuần Vũ (coi giữ Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, và Hà Tiên), Chánh Tổng Tài Quốc Sử Quán biên soạn bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Quốc Tử Giám Sự Vụ, được cử đi sứ tại Pháp, Trung Hoa, và nhiều nước khác. Năm 1852, Vua Tự Đức ban cho cụ tấm kim khánh khắc “Liêm, Bình, Cẩn, Cán” [Ngay Thật, Công Bằng, Cẩn Thận, Siêng Năng].
 Ngày 4 tháng Ba, năm 1863, để tìm cách chuộc lại 3 tỉnh Miền Đông, Vua Tự Đức bèn cử Phan Thanh Giản dẫn đầu phái đoàn đáp Tầu L'Européen qua Pháp điều đình với Hoàng Đế Napoleon III. Cùng đi với cụ Phan có Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản, và 53 tùy viên trong đó có Trương Vĩnh Ký làm thông dịch viên. 
Trước khi lên đường, cụ Phan làm bài thơ Thuật Hoài để giãi bày tấc lòng như sau: 

Chút nghĩa vương mang phải gắng đi
Tang bồng đành rõ chí nam nhi
Thuyền ngô phơi phới giăng hòn bạc
Khói đá phăng phăng lướt tích ti
La Hán dang tay chờ khách đến
Tướng quân ghé mắt hẹn ngày về
Phen nay miễn đặng hòa hai nước
Nỗi tớ xin đừng bận bịu chi!

 Đề nghị giảng hòa tố cáo tâm trạng tuyệt vọng của Tự Đức nếu không muốn nói đó là thái độ đầu hàng. Tình trạng hòa hoãn này làm cho các quan đầu tỉnh bó tay không dám động tĩnh gì. Lợi dụng tình thế đó, quân Pháp súc tiến chiếm đoạt Nam Kỳ.

 Cụ bị giáng chức 5 lần. Lần thứ nhất lúc cụ bị thất bại khi dẹp loạn Cao Gồng ở Chiên Đàn, phía bắc Quảng Nam. Lần thứ hai cụ bị giáng chức vì can gián Vua Minh Mạng trong chuyến ngự du Quảng Nam với lý do là dân tình Quảng Nam lúc đó đang đói kém. Lần thứ ba cụ bị giáng vì lỗi thuộc viên sơ ý không đóng dấu triện vào một tờ sớ. Lần thứ tư cụ bị giáng vì ông không ký vào bản án Cơ Mật Viện buộc tội Tổng Đốc Bình Định xin vua hủy bỏ bản tuồng Lôi Phong Pháp lý do vở tuồng có lời lẽ bôi bác, chế nhạo Trời, Đất, và các Thần Minh. Lần thứ năm, cụ bị kết tội bất cẩn khi ông làm Phó Chủ Khảo Trường Thi Thừa Thiên. Cuối cùng, cụ bị giáng cách vì thực dân Pháp tráo trở chiếm đoạt thành Vĩnh Long trong lúc còn đang diều đình. Thực tế, cụ xét thấy tình thế không thể cứu vãn được nữa và để cứu lê dân trước mắt khỏi bị nan binh đao, nên cụ trao thành cho Pháp rồi uống thuốc độc tự vẫn. Vua và một số quan lại xiểm nịnh lên án cụ nặng nề ... Nhưng tấm lòng son sắt của cụ đối với quốc gia và dân tộc đã được trời xanh soi sáng và ngày nay tên tuổi của cụ đã được phục hồi.
 Xét cuộc đời và sự nghiệp văn thơ, chính trị của cụ, cụ quả xứng đáng là một bậc đại trí, đại nhân, và đại dũng.
 Mặc dầu trên vai cụ nhiều gánh nặng quốc gia phải chu toàn, cụ Phan vẫn hoàn tất nhiều tác phẩm rất giá trị về văn học và chính trị như sau:
 Lương Khê Thi Thảo (454 bài thơ); Lương Khê Văn Thảo; Sứ Thanh Thi Tập; Tây Phù Nhật Ký; Ước Phu Thi Tập; Tích Ung Ca Hội Tập; Sứ Trình Thi Tập; Việt Sử Thông Giám Cương Mục; và Minh Mạng Chính Yếu.
 Năm 1864, lúc làm Kinh Lược trấn nhậm Vĩnh Long, cụ Phan và Nguyễn Thông phụ tá xây dựng Văn Thánh Miếu thờ Đức Khổng Tử và Văn Xương Các làm nơi hội họp xướng họa thi văn. Tại Vĩnh Long ngày nay, Tòa Văn Xương Các có thờ chân dung của cụ và bài vị của Võ Trường Toản.

GÁN GHÉP TỘI VÀ PHỤC HỒI DANH DỰ CHO PHAN THANH GIẢN.
Triều đình Nhà Nguyễn gán ghép tội cho cụ Phan như thế nào?
Trước hết phải kể tới sự kiện triều đình Tự Đức gán ghép tội cho cụ. Sau khi Pháp chiếm trọn 6 tỉnh miền Nam, Triều Đình Tự Đức trút hết trách nhiệm cho cụ về tội để mất thành với những lời buộc tội rất nặng nề như: “Xét phải tội chết chưa đủ che được tội.” và quyết định: “truy đoạt lại chức hàm và đẽo bỏ tên ở bia tiến sĩ, để mãi mãi cái án giam hậu.”
 Sự thật cụ Phan có đầu hàng Pháp và để mất thành không? Các nhà phân tích sử liệu sau này căn cứ vào tư cách và nhân cách cao quý của cụ Phan để đưa ra kết luận là: Trước họa xâm lược của Pháp, vua tôi triều Nguyễn tỏ ra rất bị động và lúng túng. Trong triều chia ra người chủ chiến, kẻ chủ hòa, người lo chống giữ lâu dài. Vua Tự Đức thì tỏ ra phân vân và có thái độ chủ hòa hơn là chủ chiến nên nhà vua đã cho lịnh “tư cho quan Kinh Lược không đánh nhau với quân Pháp, tự phải rút lui. Tư liệu lịch sử cho thấy Phan Thanh Giản không đầu hàng và không nộp thành cho giặc như miêu tả trong một số tư liệu của Pháp. Việc mất ba tỉnh Miền Tây là hậu quả của chủ trương sai lầm của Vua Tự Đức. Tuy nhiên, năm 1886, Vua Đồng Khánh cho khôi phục nguyên hàm và khắc lại tên cụ trên bia tiến sĩ.

 Tháng 10.1963, Tạp Chí Nghiên Cứu Lịch Sử công bố bài viết tổng kết của GS Trần Huy Liệu với nhan đề “Chúng Ta Đã Nhất Trí về Nhận Định Phan Thanh Giản”.
Qua bài đó, Trần Huy Liệu đã lên án cụ Phan rất gắt gao: “Công đức đã bại hoại thì tứ đức [bốn Đức của Vua Tự Đức ban cho cụ Phan: Liêm, Bình, Cẩn, Cán] còn gì là đáng kể?”; “Phan trước sau vẫn rơi vào thất bại chủ nghĩa, phản lại quyền lợi tối cao của dân tộc, của nhân dân.” và “Phan đã dâng hiến thành cho giặc”.
 Năm 1994, trước những dư luận nổi lên từ nhiều phía trong và ngoài nước yêu cầu phục hồi danh dự cho Phan Thanh Giản, một cuộc hội thảo được tổ chức tại Vĩnh Long có lẽ là vì nơi đây còn di tích của cụ để lại như Văn Miếu và Văn Xương Các (có chân dung của cụ đặt tại đây) trong khu đất Văn Thánh ở Long Hồ. GS Phan Huy Lê, Chủ Tịch Hội Khoa Học Lịch Sử VN, đọc bài tổng kêt có đoạn như sau: “Chúng ta đều nhất trí không nên quy kết cho ông cái tội “bán nước' hay “phản bội tổ quốc”.
 Ngày 16 tháng 8 năm 2003, một cuộc tọa đàm diễn ra tại Saigòn do Tạp Chí Xưa & Nay tổ chức với chủ đề - và cũng chính là nhan đề của cuốn sách :
- “Thế Kỷ thứ 19: Nhìn Về Nhân Vật Lịch Sử Phan Thanh Giản”. 
Khoảng trên một trăm nhân vật tham dự buổi tọa đàm này trong đó có  Võ Văn Kiệt, Trần Văn Giàu, và Trần Bạch Đằng. 
Tuy nhiên, sau đó, nguyên cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt viết một bài đăng với tựa đề “Những Suy Nghĩ  Sau hai cuộc Hội Nghị về Nhân Vật Phan Thanh Giản” trong có đoạn viết:

- Tôi khẳng định rằng Phan Thanh Giản là một người yêu nước, thương dân mà lo không tròn bổn phận, cụ đã tự làm bản án cho chính mình: đó là cái chết. Một cuộc đòi thanh sạch đáng để lại gương soi cho hậu thế. Sau cuộc tọa đàm tháng 8/2003, tôi đã về thăm mộ cụ PTG và thắp nhang lạy hương hồn cụ. Và tôi cũng quyết định sửa sang lại khu mộ phần và nhà thờ Cụ bởi mộ đã bị thời gian bào mòn quá nhiều.
(trích bài “140 Năm Sau” của Nguyễn Như Hùng (Santa Clara, CA) đăng trong Đặc San PTG & ĐTĐ Cần Thơ, tr. 23)

 Như vậy, phải chờ tới 40 năm kể từ cuộc hội thảo lần thứ nhất vào năm 1963 trong đó Trần Huy Liệu gắt gao lên án cụ PTG là “chủ bại”, “phản lại quyền lợi của dân tộc”, “dâng thành, hiến đất cho giặc”, đến năm 2003, Nguyên Thủ Tướng Võ Văn Kiệt nói lên lời cải tội cho cụ Phan rằng cụ là người yêu nướcthương dân.
                                      (Trích theo  http://cothommagazine.com)

Đã 141 năm, kể từ ngày 4/8/1867, cụ Phan Thanh Giản kết thúc đời mình bằng 17 ngày nhịn ăn và chén thuốc độc tự vẫn vì buồn đau, thương dân thương nước. Bi kịch đời cụ là bi kịch lịch sử cần được làm sáng tỏ. Chuyện ấy đã thành sự thật.

Khi thăm mộ và đền thờ Phan Thanh Giản, chúng tôi thấy rất nhiều vòng hoa đang còn tươi của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bến Tre, Huyện ủy, UBND, HĐND huyện Ba Tri, rồi các ban ngành, sở, xã Bảo Thạnh (Ba Tri) đến viếng nhân ngày giỗ của cụ ngày 4/8.
Nghĩa là đám giỗ cụ đã được tỉnh long trọng tổ chức, chỉ một tuần trước khi chúng tôi đến Bến Tre. Dịp này,  Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cũng đã tổ chức lễ rước và an vị tượng Phan Thanh Giản tại Khu Di tích Văn Thánh Miếu Vĩnh Long - nơi Kinh lược sứ đại thần Phan Thanh Giản tuẫn tiết.
Pho tượng do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt phụng hiến. Tượng đúc bằng đồng, cao 85 cm, nặng 250 kg, được tỉnh Vĩnh Long đặt trang trọng tại nơi thờ trong Văn Thánh Miếu.  
Thật vui khi được biết, ngày 24/1/2008, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Đặng Văn Bài vừa có công văn gửi UBND tỉnh Bến Tre, cho biết Cục đã làm việc với Viện Sử học và cơ quan này có công văn nêu rõ, các nhà sử học đánh giá cao công lao của cụ Phan Thanh Giản trên nhiều lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa.
Cụ nổi tiếng thanh liêm, đạo đức, có nhiều đóng góp lớn đối với lịch sử dân tộc trên các lĩnh vực văn học, sử học... Viện Sử học kết luận: “Với nhận thức mới trên quan điểm lịch sử cụ thể, nhân vật Phan Thanh Giản xứng đáng được tôn vinh bằng nhiều hình thức khác nhau”. Đó là sự phán quyết  công bằng. Như vậy Phan Thanh Giản đã được giải oan sau gần 150 năm mang tiếng “bán nước”. 

…Người dân Miền Tây hiểu rất rõ công tội của cụ Phan Thanh Giản, rằng thời kỳ đó, triều đình Huế là mới là nguyên nhân chính để mất lục tỉnh Nam Kỳ, vì đã quyết “chủ hòa”.
Cụ Phan Thanh Giản không thể tự mình làm trái ý vua. Nên không thể quy cho cụ tôi “bán nước” hay “phản bội Tổ quốc”. Mặc dù cụ vẫn ý thức được hoàn cảnh và trách nhiệm của mình.
Trong lá sớ gửi vua Tự Đức trước khi tự vẫn, cụ viết: “Nghĩ tôi đáng chết, không dám sống cẩu thả để cái nhục lại cho quân phụ”!
Đứng trước mộ cụ Phan Thanh Giản tôi cứ nghĩ miên man về nỗi niềm lịch sử. Hết lòng vì dân vì nước nhưng lại không được người đời hiểu mình.
Hơn ba chục năm qua, tất cả những đường phố, trường học mang tên Phan Thanh Giản đều bị gỡ bỏ. Tượng cụ ở Châu Thành, ở trường Trung học Cần Thơ cũng bị gỡ. Hẳn nhiên bức tượng nằm trong lòng dân mới là vĩnh cửu. 

Một tin vui nữa là tại kỳ họp lần thứ 13 HĐND tỉnh Bến Tre khóa VII (ngày 10 và 11/4/2008) đã thông qua việc đổi tên trường THPT Ba Tri thành trường THPT Phan Thanh Giản từ năm học 2008-2009. Sắp tới tỉnh sẽ dựng lại tượng cụ Phan Thanh Giản.

Rời Ba Tri, tôi cứ ước ao không chỉ ở Bến Tre, Vĩnh Long mà tên của Đại thần Phan Thanh Giản tài hoa, khí tiết sẽ được đặt cho nhiều trường học và đường phố miền Nam như trước đây. 
                                           (Trích theo  http://www.tienphong.vn)

Huỳnh Hữu Đức Sưu Tầm

Vũ Hối- Thơ Lê Kim Thành


Thơ: Lê Kim Thành
Thư Họa: Vũ Hối 

Hương Đồng


Nhìn con sáo nhỏ xổ lồng
Chợt thương em đã dứt lòng đi xa
Bỏ con sông nhỏ quê nhà
Bên bồi, bên lở phù sa ngọt ngào

Em đi quên vẫy tay chào
Aó em mờ nhạt lẫn vào trong sương
Tiễn em gốc rạ bên đường
Vấn vương gởi chút hương đồng theo chân

Mai này bao nẻo xa gần
Dòng đời cuốn xoáy bụi trần mênh mông
Lạc loài giữa chốn bão giông
Ngại than chim nhỏ lạc không thấy bầy

Nặng lòng gửi gió mây bay
Ngu ngơ tôi hát chiều lay mưa buồn
Thôi đành, sáo đã bt luôn
Em đi, gởi lại nỗi buồn chơi vơi…

Trần Thị Dã Quỳ

Thu Trực Cấm Cung - 秋值禁宮 - Trương Gia Mô

  

秋值(*)禁宮            Thu Trực(*) Cấm Cung

黯雲慘淡鎖長空, Ảm vân thảm đạm tỏa trường không,
月色無光秋色籠。 Nguyệt sắc vô quang thu sắc lung.
孔雀殿頭啼細雨, Khổng Tước điện đầu đề tế vũ,
梧桐枝角落初風。 Ngô đồng chi giác lạc sơ phong.
遠邊武檄來何急, Viễn biên vũ hịch lai hà cấp,
大內笙歌樂未終。 Đại nội sanh ca lạc vị chung.
寒透重簾眠不得, Hàn thấu trùng liêm miên bất đắc.
寂寥獨對一燈紅。 Tịch liêu độc đối nhất đăng hồng.
張家模                     Trương Gia Mô

Tiểu Sử Tác Giả Trương Gia Mô: 1866-1929


      Trương Gia Mô (1866-1929) hiệu Cúc Nông, tên tự lúc đầu là Sư Thánh, sau đổi là Sư Quản, biệt hiệu Hoài Huyền Tử, khi làm quan ở Huế, còn được gọi là Nghè Mô; là sĩ phu yêu nước, quan triều Nguyễn, và là nhà thơ Việt Nam ở những năm đầu thế kỷ 20.
      Trương Gia Mô, nguyên quán ở Gia Định nhưng sinh quán tại làng Tân Hào, chợ Hương Điểm, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long, nay thuộc huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
      Cha của ông là Trương Gia Hội (1822–1877), từng làm Tri phủ Hoằng Trị dưới thời Tự Đức, được thăng chức Lang trung bộ Binh, về sau làm Tuần vũ Thuận Khánh (Bình Thuận và Khánh Hòa).
      Cuối cùng, vào đêm ngày 2 tháng 11 (âm lịch) năm Kỷ Tỵ (1929), ông đã lao mình từ Pháo đài trên đỉnh núi Sam (Châu Đốc) xuống vực sâu để kết thúc đời mình.
( Trích từ Wikipedia)

Chú thích:

(*) 值: Trị 
Theo Tự Điển Hán Việt của Đào Duy Anh, còn đọc là Trực khi có nghĩa là Gặp 
 1- ( Động từ) có nghĩa là Trực. ◎Như: trị ban 值班 luân phiên trực, trị nhật 值日 ngày trực, trị cần 值勤 thường trực. 
2 - (Động từ) có nghĩa là Gặp. ◇Nguyễn Trãi 阮廌: Thiên trung cộng hỉ trị giai thần 天中共喜值佳辰(Đoan ngọ nhật 端午日) Tiết thiên trung (đoan ngọ) ai cũng mừng gặp ngày đẹp trời. 
3 - (Danh từ) Giá. ◎Như: giá trị 價值. 
4 - (Động từ) Đáng giá. ◎Như: trị đa thiểu tiền? 值多少錢 đáng bao nhiêu tiền? ◇Tô Thức 蘇軾: Xuân tiêu nhất khắc trị thiên kim 春宵一刻值千金 (Xuân tiêu 春宵) Đêm xuân một khắc đáng giá ngàn vàng.
5 - (Động từ ) Cầm, nắm giữ. ◇Thi Kinh 詩經: Vô đông vô hạ, Trị kì lộ vũ 無冬無夏, 值其鷺羽 (Trần phong 陳風, Uyên khâu 宛丘) Không kể mùa đông hay mùa hạ, Cầm lông cò trắng (để chỉ huy múa hát). 

Dịch Nghĩa:

Mùa Thu Gặp Nơi Cung Cấm


Mây xám u buồn che phủ không gian
Ánh trăng không chút ánh sáng khiến nét thu lung linh
Chim công ở đầu cung điện cất tiếng kêu dưới cơn mưa nhỏ
Nhánh trên ngọn cây ngô đồng rớt xuống trong trận gió ban đầu
Từ biên giới xa xôi thư tin chiến sự đưa đến rất gấp
Nhưng nơi cung đình vẫn vui chơi đàn hát chưa dứt
Hơi lạnh xuyên qua mấy lớp rèm nên không ngủ được
Trong cảnh vắng vẻ một mình đối diện với chiếc đèn đỏ
* * *                                             
Các Bản Dịch:


Ảm vân thảm đạm tỏa trường không
Nguyệt sắc vô quang thu sắc lung
Khổng tước điện đầu đềtế vũ
Ngô đồng tri giác lạc sơ phong
Viễn biên vũ hịch lai hà cấp
Đại nội sanh ca lạc vịchung
Hàn thấu trùng liêm miên bất đắc
Tịch liêu độc đối nhất đăng hồng

Trương Gia Mô

* * *
Dịch nghĩa:

 Mây mù buồn thảm phủ khắp không gian
 Trăng tối mù, sắc thu lồng
 Chim công ở đầu điện kêu dưới mưa nhỏ
 Lá ngô đồng rơi trước gió chớm thu
 Ngoài biên hịch về việc binh bay về tới tấp
 Trong cung ca múa vui vầy chưa dứt
 Lạnh thấu qua nhiều lớp rèm, ngủ không được
 Một mình cô đơn đối diện ngọn đèn hồng

Dịch thơ

Mùa Thu Vào Cung

Mây mù thảm đạm không trung
Trăng treo èo uột thu lồng bóng ma
Đầu cung chim nghẹn mưa sa
Lá rơi lác đác như là tiễn ai
Ngoài biên tới tấp sớ bay
Trong cung hoan lạc đêm dài lại đêm
Trước rèm lạnh thấu vào tim
Mình ta bạn với ngọn đèn âm u

Chân Diện Mục


* * *
Mùa Thu Vào Cung

Trời u ám mây giăng bàng bạc
Đêm thu lồng, mờ nhạt trăng thâu
Đầu cung tước khóc mưa ngâu
Ngô đồng lả tả gió sầu chớm thu
Sớ khẩn từ biên khu tới tấp
Trong hoàng cung tất bật lạc hoan
Xuyên rèm gió buốt tâm can
Một mình đối bóng đèn vàng suốt đêm

Mailoc phỏng dịch
Cali 6-14-14
* * *
Mùa Thu Nơi Cung Cấm

Mây mù ảm đạm khắp không gian
Thu nhuộm trời mây, bóng nguyệt tàn
Mưa bụi giăng mờ, chim cất tiếng
Ngô đồng rơi ngập, gió ngân đàn
Biên cương, hịch đến bao dồn dập
Cung điện, tiệc bày vẫn rộn vang
Lạnh thấm qua rèm không ngủ được
Cô đơn đối diện ngọn đèn vàng

Phương Hà phỏng dịch

* * *
Vào Cung Nhằm Lúc Mùa Thu

Mây mù sầu khóa không gian,
Trăng mờ lơ lửng thu càng mông lung.
Chim công gáy, mưa lạnh lùng,
Ngô đồng rơi rụng mịt mùng gió thu.
Hịch ngoài cấp bách biên khu,
Sanh ca đại nội vui thu chưa tàn.
Lạnh vào rèm, ngủ sao đang ?
Đèn tàn chiếc bóng bàng hoàng năm canh.

Đỗ Chiêu Đức
* * *
Thu Nơi Nội Cung

Mây u ám,không gian buồn che phủ
Mảnh trăng mờ, bàng bạc rủ hơi thu
Nơi đầu cung, chim khổng tước gáy ru
Gió đã thổi, lá ngô đồng tơi tả
Ngoài biên trấn, hệch truyền thù đánh phá
Trong cung vàng, điệu nhạc vẫn rền vang
Qua rèm thưa, hơi thu lạnh xuyên ngang
Ngồi đối bóng,ánh đèn vàng mờ tỏ!

Song Quang
* * *
Mùa Thu Nơi Cung Cấm

Mây xám buồn phủ không gian
Sắc thu lồng lộng trăng man man sầu
Mưa sa chim khóc điện đầu
Ngô đồng lá đ úa nhầu bi ai
Tới tấp biên ải tin bay
Trong cung hoan lạc hết ngày lại đêm
Chập chờn gió buốt xuyên rèm
Cô đơn đối bóng ngọn đèn hồng soi

Kim Oanh
* * *
Thu Nơi Cấm Cung

Không gian giăng kín xám mây sầu
Dáng thu thơ mộng bóng trăng đâu
Mưa nhẹ đầu cung chim công gáy
Ngô đồng nhánh ngọn gió đùa bay
Tin giặc ngoài biên về vội vã
Trong cung vọng mãi tiếng đàn ca
Gió lạnh xuyên rèm ngăn giấc mộng
Một mình thao thức với đèn hồng.

Quên Đi

Ngủ Nằm Nghiêng Bên Phải



Ngủ là một nhu cầu tất yếu và vô cùng quan trọng đối với sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của con người. Trong một ngày 24 giờ thì giấc ngủ chiếm trung bình trên dưới 8 tiếng đồng hồ, tức là 1/3 thời gian cuộc sống là dành cho giấc ngủ.
Theo các bác sỹ, trẻ em ở độ tuổi phát triển, trong khi ngủ cơ thể tiết ra các hormone tăng trưởng nên trẻ em chỉ phát triển tốt về thể trạng và trí tuệ nếu có được giấc ngủ đủ, sâu và thoải mái.
Đối với người làm việc lớn tuổi, giấc ngủ chính là thời gian để thần kinh nghỉ ngơi, cơ thể tái tạo lại sức khỏe, chuẩn bị cho một ngày làm việc mới. Thành ra, nếu thiếu ngủ, cơ thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, uể oải, kém minh mẫn, trí nhớ suy giảm, mất khả năng tập trung và năng lực làm việc kém hiệu quả.
Muốn có được một giấc ngủ ngon, sâu thì việc chọn tư thế ngủ là rất quan trọng. Trong Luật tạng Phật giáo, đức Phật dạy các đệ tử nên chọn thế ngủ bên phải mà không được ngủ với các tư thế khác. “Ngọa tu hữu hiếp, danh cát tường thụy, bất đắc ngưỡng ngọa, phúc ngọa, cập tả hiếp ngọa.” (Nằm phải nằm nghiêng hông bên phải gọi là ngủ “kiết tường”. Chẳng đặng nằm ngửa, nằm sấp, cùng nằm hông bên trái.)
Sở dĩ mà gọi thế ngủ như Sư tử vương là thế ngủ Cát tường. Bởi vì, khi nằm nghiêng hôn bên phải, thân không day trở, niệm không quên mất, ngủ chẳng ngủ nhiều, không mê, và không chiêm bao điềm dữ.
Một nghiên cứu mới đây của các chuyên gia tư vấn sức khỏe cho thấy rằng một vài tư thế ngủ không đúng cách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nội tạng của con người. Ví dụ: Nằm sấp: Với tư thế này, ngực sẽ bị ép vào, tim, phổi, các nội tạng cũng bị ảnh hưởng. Người ngủ sẽ dễ gặp ác mộng hơn. Khi nằm sấp, đầu sẽ phải nghiêng sang trái hoặc phải. Điều này ảnh hưởng tới sự lưu thông máu ở da mặt khiến da bị lão hóa nhanh, da cổ cũng bị nhăn do nghiêng đầu sang một bên. Bạn cũng dễ bị vẹo cổ, đau gáy, chảy nước miếng…
Nằm ngữa:
Nằm ngữa với hai chân duỗi thẳng dễ gây ra áp lực lên các cơ, khớp xương, dây chẳng ở lưng và cổ, dễ gây ra chứng đau lưng. Người lớn tuổi, béo phì nếu nằm ngửa dễ gây ngáy. Tuy nhiên, người bị cao huyết áp, tai biến mạch máu não nên chọn tư thế này vì rất có lợi cho tuần hoàn máu não và cơ thể.
Tư thế này cũng tốt cho trẻ nhỏ.

Nghiêng bên trái:
Đây là tư thế gây hại cho tim và nội tạng, vì tim nằm bên trái của lồng ngực, đầu ra của ruột non thông với ruột già đều nằm ở phía bên trái. Bạn dễ mắc các bệnh lý liên quan tới dạ dày hoặc làm bệnh về tim và dạ dày nặng hơn. Nếu bạn bị sỏi mật thì không nên chọn tư thế này vì sỏi sẽ bịt cuống mật gây đau đớn.

Nghiêng bên phải:
Với tư thế nà lục phủ, ngũ tạng sẽ nằm đúng vị trí giúp cho máu lưu thông tốt hơn. Đây là cách nhanh chóng xóa ta mệt mỏi và giúp bạn phục hồi được sức khỏe sau giấc ngủ ngon. Ngoài ra, tư thế này còn giúp cột sống được kéo giãn, giảm áp lực do sức nặng từ phần trên cơ thể đè lên.

Chúng ta nên biết:
Các nhà dưỡng sinh thời xưa cho rằng việc nằm nghiêng về bên phải và để cho hai chân, tay hơi co lại sẽ rất tốt cho cơ thể. Khoa học hiện đại cũng chứng minh rằng với tư thế này, các bó cơ bắp trên toàn thân sẽ được thư giãn nhiều nhất, giúp bạn có giấc ngủ ngon, sâu hơn.

Như vậy nằm nghiêng hông bên phải để ngủ theo Phật giáo gọi là thế ngủ Cát tường (Cát tường thụy). Thế ngủ này rất khoa học, giúp bạn ngủ sâu, ngủ ngon không chiêm bao điềm xấu, máu huyết lưu thông, luôn giữ chánh niệm không mê sảng trong khi ngủ

Thái Nguyễn Sưu tầm

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

Cựu Học Sinh - Cựu Giáo Sinh Vĩnh Long Viếng Đền Thờ và Phần Mộ Đại Thần Phan Thanh Giản

Vào Tháng 7- 2014 nhân đi dự sinh nhật chị Dương Thị Anh ở Ba Tri Bến Tre, Cựu Giáo Sinh Sư Phạm Vĩnh Long. 
Chúng tôi đến viếng Đền thờ và Mộ cụ Phan Thanh Giản.
Đền thờ và ngôi Mộ của cụ Phan hiện đang được người Cháu đời thứ Sáu trông coi.


Cổng vào khu Đền Thờ và Mộ Cụ Phan Thanh Giản
Thơ, Khang (Cháu nội Thơ), Minh, Điệp Lê, Đăng (Cháu nội Đức), Duyên,Sanh.
Bàn Thờ Cụ Phan Thanh Giản
Đức
Đăng, Anh Minh, Chánh, Huệ
Đức, Anh Minh, Huệ
Thơ, Đức, Chí Thanh
Điệp Lê,  Sanh
 Mộ Cụ Phan Thanh Giản
Hoàng (BT) Vinh(cựu giáo sinh), Chánh (cgs), Thể (BT), Thơ,Minh, Điệp Lê, Sanh, Chí Thanh, Duyên, Xuân, Đức

Hình Ảnh : Huỳnh Hữu Đức- Huỳnh Bảo Đăng

Thấy Bóng Chẳng Hình


Nhớ em thấy bóng chẳng hình
thấy trăng trước ngõ thấy mình bơ vơ
bỏ đi từ đó đến giờ
khi nào em nghĩ thằng khờ năm xưa

Thằng khờ đội gió đội mưa
đợi bao nhiêu khổ ngóng chờ ánh trăng
gió lay mờ tỏ bóng hằng
mà anh cứ ngỡ bước chân ai về

Nhớ mòn giấc ngủ cơn mê
thấy hình chẳng bóng nằm kề song song
đời anh mộng thực quay mòng
như con cá nược lội vòng theo ghe

Trần Phù Thế


Người Đàn Ông Kỳ Lạ


      Ông kể rằng ông cũng không biết cha mẹ mình là ai, và rằng ông ấy cũng từng sống ở cô nhi viện. 
      Năm 16 tuổi, tôi hoàn thành kỳ huấn luyện quân đội cơ bản và quyết định rời khỏi Florida, nơi tôi lớn lên trong một cô nhi viện, để tới thành phố khác tìm cơ hội.
      Khi tôi đến nhà ga tàu điện ngầm, tôi để ý thấy có rất nhiều người vô gia cư tụ tập ở đó - và đó cũng không phải là chuyện bất thường. Có một số người, tôi nghĩ mình từng gặp trước đây, bởi tôi cũng là một đứa trẻ đường phố vài năm trước khi sống ở cô nhi viện và được đào tạo những kỹ năng cơ bản để tự lập.
      Vì tôi chưa bao giờ có gia đình, nên tôi quyết định dừng lại một chút, nhìn quanh xem có người nào mà tôi từng quen từ ngày trước không. Khi nghe thấy có tiếng ồn ào cùng một đám đông, tôi lại gần và thấy có mấy thanh niên đang vừa chế nhạo, vừa xô đẩy một người bị dị tật. Người này thấp hơn hẳn mức bình thường, khuôn mặt hơi méo mó và chân đi khập khiễng. Thực ra, tôi đã từng nhìn thấy người đàn ông này nhiều năm trước, hồi tôi còn sống lang thang, nhưng tôi chưa bao giờ bắt chuyện với ông ta vì trông ông ta có vẻ đáng sợ.

      Ban đầu, tôi cứ thế bước tiếp bởi tôi không nghĩ rằng mình có thể làm gì để cản mấy cậu thanh niên kia. Tôi không đủ can đảm. Nhưng càng bỏ đi xa, tôi càng cảm thấy trong lòng mình không yên ổn. Cuối cùng, không chịu được nữa, tôi quay lại. Lúc này, mấy cậu thanh niên đã bỏ đi, còn người đàn ông dị tật thì bị đẩy ngã, ngồi bệt dưới đất, quần áo bẩn thỉu. Tôi nhìn ông ấy và chẳng biết nói gì. Thế rồi tôi cúi xuống, đỡ ông ấy dậy, dìu ông ấy tới ngồi ở một băng ghế, và bảo rằng tôi sẽ mua thứ gì đó cho ông ấy ăn, nếu ông ấy đói.
      Ông ấy nói rằng đang rất đói, nên tôi mở ví lấy ra một tờ 20 đôla. Đó là một khoản tiền lớn đối với tôi vì tôi chỉ được nhận 68 đôla/tháng trong kỳ huấn luyện quân đội. Khi tôi chào ông ấy rồi đi tiếp, ông ấy chợt gọi tôi lại và hỏi liệu ông ấy có thể mời tôi bữa tối được không.
      Chúng tôi vào tiệm ăn nhanh ngay trong ga tàu điện ngầm và gọi hai chiếc bánh burger cùng một phần khoai tây chiên. Chúng tôi nói chuyện với nhau một lúc. Tôi kể với ông rằng tôi đã sống một thời gian trong cô nhi viện và bây giờ tôi sẽ cố gắng đi tìm việc làm ở một thành phố khác.
      Ông ấy kể rằng ông ấy cũng không biết cha mẹ mình là ai, và rằng ông ấy cũng từng sống ở cô nhi viện. Sau khi ăn xong, tôi quyết định trả tiền bữa ăn để ông ấy có thể giữ lại 20 đôla.Thế rồi người đàn ông này bảo tôi đợi một lúc trong khi ông ấy đi lấy một thứ quan trọng. Vì cũng chẳng vội vàng gì nên tôi ra ghế ngồi đợi.
      Phải đến 30 phút sau, ông mới quay lại, đưa cho tôi một phong bì lớn và bảo tôi không được mở ra cho đến khi lên tàu. Tôi bắt tay ông ấy và nhìn theo cho đến khi ông ấy đi khuất. Thế rồi tôi gấp chiếc phong bì lại, cho vào túi và đi.


      Một lúc sau, tôi lên được chuyến tàu mình cần. Khi đã ngồi yên chỗ, tôi mới nhớ ra chiếc phong bì mà người đàn ông dị tật đưa cho mình. Tôi mở ra, trong đó là mười tờ 100 đôla còn mới tinh, một tờ giấy ghi chú, và một trang tạp chí.
      Trong tờ giấy đó có viết: “Tôi đã nói rằng tôi sẽ mời cậu ăn tối". Còn trên trang tạp chí là hình ảnh chính người đàn ông dị tật lúc nãy, ăn mặc trang trọng, với tiêu đề bài báo: "Người đàn ông dị tật từng sống trong cô nhi viện đã trở thành một trong những doanh nhân giàu có nhất". Ở dưới cùng của trang báo đó có thêm một dòng chữ viết tay: "Cậu hãy dùng số tiền này để ăn bữa tối thật ngon nhé! Mặc dù với tôi, bữa ăn trong tiệm ăn nhanh lúc nãy mới là bữa ngon nhất mà lâu lắm rồi tôi mới được thưởng thức".


Haley
(Dịch từ Inspirationstories)
Tiểu Thu sưu tầm


Cách Làm Cơm Cháy Giòn Trong Vòng 10 Phút


Yên Đỗ Sưu Tầm


Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

Đăng Bảo Đài Sơn - 登寶臺山



Thơ Trần Nhân Tôn (Trần Khâm)
  登寶臺山        Đăng Bảo Đài sơn

地寂臺逾古, Ðịa tịch đài du cổ,
時來春未深。 Thời lai xuân vị thâm
雲山相遠近, Vân sơn tương viễn cận.
花徑半晴陰。 Hoa kính bán tình âm.
萬事水流水, Vạn sự thủy lưu thủy,
百年心語心。 Bách niên tâm dữ tâm.
倚欄橫玉笛, Ỷ lan hoành ngọc địch
明月滿胸襟。 Minh nguyệt mãn hung khâm


Dịch nghĩa:

Vùng đất hẻo lánh càng khiến toà đài thêm xưa cũ
Mùa xuân đến chưa lâu
Mây núi thấy như xa như gần
Đường hoa nửa sáng lạng nửa mù mờ
Muôn việc như nước đẩy trôi  nước
Trăm năm lòng dặn với lòng
Tựa vào lan can cầm ngang cây sáo ngọc
Ánh trăng chiếu phủ vạt áo trước ngưc.



Dịch Thơ:

                     Lên núi Bảo Đài 
           Nơi tịch mịch đài trông thêm cổ
           Theo tiết trời xuân độ chưa lâu .
                Núi mây lồng lộng xa gần ,
   Đường hoa nửa rợp nửa vàng nắng xuyên .
       Muôn việc đời triền miên nước chảy ,
        Cuộc trăm năm lòng mãi nhủ lòng .
             Lan can sáo ngọc tay nâng ,
Ánh vàng đầy ngực một vầng trăng trong .
                                         Mailoc phỏng dịch

        Lên Núi Bảo Đài
Đền xưa cổ kính chốn hoang sơ
Xuân mới vừa sang, tiết chuyển mùa
Mây núi gần xa, hình bóng ẩn
Nắng râm đậm nhạt, ngõ hoa mờ
Việc đời tuần tự như dòng chảy
Tâm sự bời bời tựa giấc mơ
Đứng dựa lan can, nâng sáo ngọc
Ánh trăng bàng bạc khoảng trời thơ.
                              Phương Hà phỏng dịch

       Lên Núi Bảo Đài
Cảnh tịch liêu đài nhiều nét cổ
Đất trời chớm đổi tiết xuân sang
Gần xa mây núi trông mờ ảo
Sáng tối đường hoa tỏa dịu dàng
Muôn thuở sự đời con sóng nước
Trăm năm thế cuộc tấm trung can
Tay nâng sáo ngọc lùa âm vọng
Vạt hứng đầy trăng ngập ánh vàng

                                    Kim Phượng
 
    Lên Núi Bảo Đài 
Vùng hoang đài cổ kính
Xuân mới còn mong manh
Mây núi xa gần hiện
Đường hoa sáng tối tranh
Việc đời như nước chảy
Năm tháng với tâm lành
Sáo ngọc bên lầu thổi
Thân đầy ánh nguyệt thanh

                        Quên Đi