Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

Người Chết Theo Mùa Đông

      Ngày 26-12-2013, báo điện tử ABC News, vừa mới công bố trong bản tin có tiêu đề: “Bão tuyết làm mất điện, khiến cho nhiều người chết vì khí độc Carbon Monoxide…” (Ice Storm Power Outages Lead to Carbon Monoxide Deaths”. Và cũng tuyên bố rằng: “Hằng năm tại Hoa Kỳ, có hơn 400 người chết vì sự rủi ro bởi khí độc carbon monoxide” (More than 400 people a year die in the U.S. from accidental carbon monoxide poisoning)
      Trong đời sống hằng ngày, không có điều bất trắc nào giống nhau, và cũng không có cái “dại” nào giống cái “dại” nào. Do đó người viết quảng bá bài viết này mỗi năm để nếu quý độc giả nào thấy nó có ích cho người khác, xin tiếp tay quảng bá đến mọi người. Chân thành cảm ơn quý vị. (HQB)
***
     Tiêu đề bài viết nầy không dính dấp gì đến nhạc phẩm “Tình Chết Theo Mùa Đông” của Nhạc Sĩ Lam Phương, nhưng là những điều mà người viết xin được nêu ra để chúng ta cùng nhớ vào mỗi mùa đông, hầu cho hằng năm số “người chết theo mùa đông” được giảm đi.
     Ít ai ngờ, tại quốc gia văn minh như Hoa Kỳ, có đầy đủ tin tức, vậy mà mùa đông nào cũng có hằng trăm người chết vì sự bất cẩn hay do thiếu hiểu biết về một loại khí độc, giết người một cách nhẹ nhàng. Khí độc nầy có tên gọi “Carbon Monoxide” mà người Mỹ cho đó là “The Silent Killer”, tạm dịch: “sát thủ thầm lặng”

     Khí “Carbon Monoxide” hay “The Silent Killer là gì?: Khí Carbon monoxide rất độc, không màu sắc, không có mùi. Cho nên mắt người không thấy được và mũi người không ngửi được. Ai hít khí nầy vào buồng phổi trong vài phút, có thể chết một cách nhẹ nhàng. Khí Carbon monoxide được tạo ra từ các khí đốt như ga, xăng, dầu nhớt, dầu lửa, củi, hoặc than đá khi được đốt lên. Lò ga trong nhà bếp được chế biến đúng tiêu chuẩn, nên số lượng khí carbon monoxide thường không nguy hiểm. (1)
     Người chết vì khí Carbon Monoxide: Hằng năm tại Hoa Kỳ đã có hằng trăm người bị chết đột ngột bởi khí carbon monoxide. Khí nầy được thả ra từ các loại máy chạy bằng nhiên liệu bị hư, hoặc sử dụng than đá nướng thịt (BBQ) không đúng cách, đúng nơi. Số người chết và suýt chế nhiều nhất từ ống khói của các loại xe hơi và than đá trong các trường hợp sau đây:

- Vào mùa đông để trong nhà xe (garage) và cho máy chạy để tạo độ ấm trong nhà khi bị cúp điện hoặc, hoặc làm nóng máy xe trước khi lái.
- Lái xe đường dài, ngừng xe nghỉ mệt, cho máy xe chạy để giữ độ ấm trong xe vì ngoài trời nhiệt độ lạnh. Khí độc Carbon Monoxide lẻn vào xe từ đầu máy xe hay phía sau xe (car’s trunk). Trường hợp nầy mở hí cửa kính cũng không xong mà đóng kín lại cũng tai hại.
- Lúc lái xe để hệ thống thông hơi (vent) ở vị trí tắt (off), nhưng cửa xe đóng kín, khí độc từ máy xe lẻn vào bên trong mà không thoát được. Người lái xe hít khói độc rồi từ từ lịm đi và xe trở nên “không người lái” và…
- Trời lạnh, nướng thịt trong nhà, hoặc nướng thịt ngoài trời còn dư than hồng, vì tiếc nên mang vào nhà sưởi ấm cho đỡ tốn điện; sử dụng lò sưởi (fireplace) để đốt củi, hoặc đốt than đá luộc bánh tét, hoặc sử dụng lò sưởi loại chỉ dành cho ngoài trời (outdoor)…

      Những vụ suýt chết và những cái chết thương tâm: Nhiều tài liệu chứng minh là khí carbon monoxide có thể tích tụ nhanh đến mức các nạn nhân bị ngất đi trước khi họ có thể kêu cứu.

- Năm 1993, tại San Jose- California vào ngày Tết, người viết bài nầy giúp gia đình ngồi canh nồi thức ăn lớn được nấu bằng lò ga (propane) đặt trong nhà xe. Cửa nhà xe được mở toang 100%, nhưng chỉ 3 phút sau, tôi thấy đầu óc choáng váng. Cũng may vì tôi có chút hiểu biết về khí độc carbon monoxide nên vội chạy nhanh ra ngoài và vài phút sau đó trở vào tắt lò.
- Năm 1986, tại Seattle WA, một gia đình quen thân với tôi. Cuối tuần họ nướng thịt ngoài trời bằng lò BBQ nhỏ. Các con ăn xong có chuyện đi ra ngoài. Ông Bà Ngoại và các con cháu nhỏ ở nhà. Ông ngoại thấy than hồng còn dư, ông tiếc và mang cả lò BBQ vào để giữa nhà sưởi ấm cho đỡ tốn điện. Cũng may các con lớn về kịp và phát giác cả nhà đều trong tình trạng hôn mê. Nếu họ về trễ chừng vài phút, chắc chắn cả nhà sẽ chết hết.
- Khoảng năm 1988 một tàu đánh cá của người Việt tại thành phố Monterey- California, gồm tất cả bốn người. Vì khí hậu bên ngoài quá lạnh nên họ đóng kín các cửa sổ trên tàu và cho chạy một máy sưởi bằng nhiên liệu để sưởi ấm lúc nghỉ đêm. Một chiếc tàu khác phát giác tàu nầy trôi lênh đênh trên biển và chỉ duy nhất một người sống sót, nhưng trong tình trạng hôn mê, đầu nạn nhân ở vị trí nửa phần ngoài của sổ.
- Năm 2006, có trận bão tuyết trước ngày lễ Giáng Sinh tại Tiểu Bang Washington. Nhật báo Seattle Times ngày 19-12-2006, loan tin, một gia đình Việt Nam sinh sống tại vùng Burien, phía Nam thành phố Seattle, Washington. Cả bốn người gồm vợ chồng và 2 con trai đều chết bởi khí carbon monoxide từ máy phát điện loại xách tay chạy bằng xăng, được cẩn thận đặt trong nhà xe. Ba người chết trong tư thế đang ngủ. Người cha chết ngay cầu thang gần máy phát điện. Cảnh sát đoán, có lẽ ông định xuống tắt máy nhưng chưa đến nơi thì đã ngã gục…

      Ngay trong thời điểm nầy và cũng ngay tại tiểu bang nầy, hai người thuộc các sắc dân khác cũng bị chết vì khí carbon monoxide. Một người đặt máy phát điện trong phòng khách, người kia sử dụng một lò đốt than ngay trong phòng ngủ. Cũng có những trường hợp tương tự, có ít nhất 100 người khác cũng có các triệu chứng hôn mê bởi khí độc carbon monoxide, nhưng được cứu chữa kịp thời.
      Triệu chứng khi hít khói độc carbon monoxide: Nếu ở mức ngộ độc trung bình, nạn nhân có thể cảm thấy đau đầu dữ dội, chóng mặt, thần kinh rối loạn, muốn nôn mửa, hoặc ngất xỉu.
      Khi phát giác các triệu chứng trên: Việc cần phải làm là lập tức mở các cửa chính và cửa sổ, tắt các lò ga, lò sưởi, hoặc đồ dùng đang đốt bằng nhiên liệu. Chính mình hay người trong gia đình phải nhanh chóng ra khỏi nhà và gọi xe cấp cứu do dù chưa ai tắt thở. Thà tốn tiền cho xe cứu thương còn hơn tốn nhiều tiền sau đó 
(Sơ đồ từ những nguồn có thể sinh ra khí độc carbon monoxide)

Để giảm thiểu thiệt hại về nhân mạng, chúng ta cần tuyệt đối lưu ý ít nhất 6 KHÔNG sau đây: 
• Không bao giờ để xe hơi nổ máy trong nhà xe (garage) cho dù cửa được mở 100%.
• Không bao giờ chạy máy phát điện trong nhà, trong nhà xe hay tầng hầm (basement).
• Khi chạy máy phát điện ngoài trời, cần để cách xa cửa sổ và cửa chính, khi các của đang mở.
• Không bao giờ đốt than trong nhà, trong lều, trong xe hoặc trong nhà xe.
• Không bao giờ dùng khí đốt, lò nướng hoặc máy sấy để sưởi ấm.
• Không bao giờ ngủ trong xe trong lúc để máy chạy với mục đích cho máy sưởi hay máy lạnh hoạt động, nhất là để trẻ con ngủ trên car seat, dù có người lớn canh giữ. 

      Làm sao để phát hiện khí độc carbon monoxide?:

    Có những chiếc máy phát hiện trong không khí có khí độc “carbon monoxide “ với vài tên gọi như “Carbon Monoxide Alarm”, “ hoặc “Carbon Monoxide Detector”… Mỗi tư gia, văn phòng làm việc nên có ít nhất một cái, hoặc vài cái. Có những chiếc máy chỉ cần cắm vào ổ điện trong nhà là xong. Mỗi chiếc máy khoảng 20-30 Mỹ kim. Nếu mua chừng vài cái hầu đề phòng chuyện rủi ro thì giá tiền của nó rẻ hơn giá mua một chai rượu Tây, hay một vé vào cửa cho một dạ tiệc, khiêu vũ… nhưng nó lại cứu được sinh mạng nhiều người.

      (Hình chiếc máy báo động có khí độc “Carbon Monoxide”) 

    Mua máy báo động có khí độc “Carbon Monoxide” ở đâu?: Các tiệm bán dụng cụ kim loại và điện (Hardware) như: Home Depot, Lowe’s… 

Kết luận:
     Chúng ta đừng nên để “mất trâu rồi mới làm chuồng”. Hãy mua ngay vài chiếc máy nêu trên để chuẩn bị cho mùa đông và trọn năm. Hãy làm ngay trước khi quên. Hãy xem mạng sống của mình và người thân mình quý hơn vật chất đời nầy. Có nhiều tiền trong nhà băng, tư gia sang trọng bậc nhất, xe đẹp hay loại luxury đắc tiền, nữ trang đắc giá, quần áo toàn là đồ hiệu, bóp da vài ngàn một cái… Không cứu được mạng sống chúng ta trên cõi đời nầy chứ đừng nói là linh hồn chúng ta được vào Thiên Đàng hay Niết Bàn.

Ghi chú: 1. Tôi viết bài nầy dựa trên tài liệu của “Washington State Department of Health” (http://www.doh.wa.gov/); và một số dữ kiện từ những cơ quan có thẩm quyền bảo đảm sự an toàn cho công chúng.

Huỳnh Quốc Bình

Mẹ Ơi Con Về - Thơ Khánh Hà - Phổ Nhạc Võ Tá Hân


Thơ Khánh Hà 
 Phổ Nhạc Võ Tá Hân
Tiếng Hát: Khắc Dũng

Tình Kỹ Nữ


“Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương”
Nguyễn Du

Thêm phấn son không che đời hiu hắt
Gấm lụa là đâu giấu được điù hiu
Mộng ngày xanh không còn trên ánh mắt
Em cố cười nhưng còn đó buồn thiu!


Em một thuở ngọt ngào lời rót mật
Gió xuân hồng phơn phớt nụ cành tơ
Dáng e ấp diụ dàng bên bóng Phật
Khách vương tình, gối mộng, vướng rừng mơ

Em cũng có một thời xuân sắc
Bóng tình quân réo rắc tiếng tơ lòng
Ngày thương trộm nhớ thầm, đêm quay quắt
Hoa u mê vụng nở thiếu hương nồng!
Tiếc nuối khôn nguôi lỡ đời con gái!

Ngày qua đi, chẳng trở lại bao giờ
Tu mấy kiếp một thời em trót dại
Cánh hoa tàn, nhụy rữa, phiếm chùng tơ
Mắt đưa tình, xé lòng đau cùng khách

Giọng lã lơi, lời lạt lẽo, đải bôi
Môi cười mà đổ lệ bờ lau lách
Xác thân trao lạnh ngắt bãi sông bồi
Cuộc mua vui vội vàng trong chốc lát
Một đời dài tình bạc trắng như vôi

Chiếc thuyền mơ chở đầy trăng vỡ nát
Bến đò xưa có nhớ nước sông trôi?

Lê Kim Thành

Nguyễn Thông




     Nguyễn Thông là một trí thức cuối mùa sáng giá, đậu cử nhân, trải các chức quan ... Đốc Học Gia Định ... Khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông, ông dời theo Phan Thanh Giản xuống Vĩnh Long. Khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây, ông tỵ địa ra miền Trung ... Nguyễn Thông không bao giờ nguôi nghĩ đến nước, đến dân và quê hương miền Nam.

          THƯ HOÀI THỊ DOANH ĐIỀN PHÓ SỨ BÙI BÁ XƯƠNG

Ngưu Chử vô đoan tác chiến trường
Trấp niên giang hải túy vi hương
Đồng lai cố quận duy quân tại
Quán xúc nguy cơ tiếu ngã cuồng
Triều luân không văn đàm ngũ lợi
Vân phàm hà nhật hạ trùng dương
Chỉ kim yên triệu bi ca khách
Nhiệt huyết điền ưng lữ mấn sương


 Nguyễn Thông


  Phỏng dịch:

              Nỗi Lòng Gửi Bạn

Đất mẹ bỗng dưng hóa chiến trường
Hai mươi năm say khóc quê hương
Gặp nhau lỡ ngỡ kìa ai đó
Chỉ mặt cười khan nói tớ cuồng
Vua chúa ngồi bàn chia mối lợi
Buồm mây dáo dác chuyện trùng dương
Bi ca khẳng khái nào chí sĩ
Thao thức đêm dài tóc trắng sương

Chân Diện Mục.

   Nguyễn Thông có bài Đàn Anh Vũ. Có nhà nghiên cứu cỡ cũng ... khá lớn ! Dịch là tiếng hát chim Anh Vũ. Chắc ông ta nghĩ rằng con két nó không có tay thì nó không đàn được, vậy chắc là nó hát (!) Rõ khổ, nếu có nhiều người như thế thì thật là ... thảm họa cho văn học!
     Đàn Anh Vũ là đàn hặc chim két, kể tội chim két! Những vị quan lớn ở triều đình chỉ biết nói như két!
Vậy có thơ rằng:

                      Loài Vẹt

Vẹt địa phương với vẹt kinh đô
Ba điều bốn chuyện kẻ trầm trồ
Nói như là thực , ồ tài nhỉ
Ai luyện nhà mi khéo thế ư
Vẹt địa phương lương bèo cũng sướng
Vẹt kinh đô bổng lộc kếch sù
Khác nhau bộ mã mà tâm địa
Chẳng nghĩ phân mình đáng bỉ ru!

Chân Diện Mục
.

Căn Nhà Ngọai Ô - Sáng Tác Anh Bằng - Kim Loan


Thơ Cảm Tác: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh


Sáng Tác: Anh Bằng
Tiếng Hát: Kim Loan
Thực Hiện Youtube: Vanchus

Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

Xóm Nhỏ Ta Về


Xóm nhỏ ta về chiều tắt nắng
Đứng cạnh hàng dừa của bến sông
Sóng vờn nhè nhẹ lao xao gợn
Lặng ngắt hồn quê thấy đắng lòng.

Em gái ngày xưa giờ vắng bóng
Khi ta gối mõi về quê hương
Còn đâu giọng nói như chim hót
Lúc học cùng nhau một mái trường.

Sa kê mé bãi không còn nữa
Đầu doi đất lở chắc lâu rồi
Mấy hàng bông bụp quanh bờ nhỏ
Chỉ còn ảo ảnh khói sương thôi.

Tóc bạc mắt mờ ta trở lại
Thăm dòng sông bến nước làng quê
Không biết người em đôi bím nhỏ
Về đâu bến hẹn lúc ta về.

Dương Hồng Thủy

Thơ Tranh: Mộng Vỡ


Thơ & Thơ Tranh: Thế Thôi (Đỗ Hữu Tài)
Phỏng Dịch: Thu Lê

Cách Làm Giá Bằng Hộp Sữa


Thực Hiện: Papa Cool
Sưu Tầm: Lê Quan Vinh

Bắc Chợ Gạo Xưa Và Nay

      Người Gò Công xưa nay vẫn gần gũi Sài Gòn hơn Mỹ Tho, mặc dầu Mỹ Tho gần Gò Công hơn Sài Gòn. Do vậy từ lâu người Gò Công biết nhiều đến địa danh Bắc Cầu Nổi hơn Bắc Chợ Gạo! Gò Công về hành chánh qua nhiều thời kỳ trực thuộc tỉnh Mỹ Tho Tiền Giang cho tới nay.

Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa;
Gởi thơ thăm hết nội nhà,
Trước là thăm ba má, sau là thăm em.

(Ca Dao Mỹ Tho)

Kinh xáng cạp Chợ Gạo

(Kinh Chợ Gạo)

      Dài hơn 28km, kinh Chợ Gạo nối liền sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây, là tuyến giao thông thủy quan trọng giữa đồng bằng sông Cửu Long với Sài Gòn.
Con kinh nầy do xáng cạp nhưng người dân quen gọi là Sông Chợ Gạo. Hồi đó kinh Chợ Gạo xuồng ghe qua lại nhiều nhưng đa số đều dùng sào để chống, mỗi chuyến hàng phải mất trên 10 ngày mới tới Sài Gòn.
Sở dĩ có tên gọi Chợ Gạo, vì tại đây có một ngôi chợ trao đổi buôn bán gạo do ông Trần Văn Nguyệt làm chủ. Nay Chợ Gạo là một huyện thuộc tỉnh Tiền Giang. Huyện có diện tích 235 km2 và dân số hơn 178,000 người. Thị trấn Chợ Gạo cách thành phố Mỹ Tho 10 km và cách Gò Công 35 km.

      Theo sử liệu, năm Gia Long thứ 8 đã cho dân đào kinh Bảo Ðịnh để nối liền Mỹ Tho với sông Tiền. Khi đào xong, con kinh được đặt tên là Bảo Ðịnh Hà. Sau nầy được chính quyền Pháp nạo vét và mở rộng nối dài thêm bằng xáng cạp và đặt tên kinh nầy là Canal Duperré. Kinh nối liền sông Tiền tại rạch Kỳ Hôn, cách Mỹ Tho 4 km với sông Vàm Cỏ Tây tại rạch Lá và chảy ngang qua địa phận huyện Chợ Gạo Tiền Giang và huyện Châu Thành (Long An), có bề dài tổng cộng 28.5 km.

      Ngay từ lúc kinh Chợ Gạo mới đào, đời sống của cư dân đã bắt đầu sung túc, náo nhiệt nhất là từ năm 1902, thương thuyền qua lại tấp nập. Công ty giang vận (Messageries Fluriales) cũng sắm tàu đưa khách chạy trên tuyến kinh nầy. Ðể tránh tai nạn và tránh sự chen lấn, giành giật, nhà cầm quyền đã đặt một đồn kiểm tra và một chiếc đò đưa khách qua sông, gọi là “Bắc Chợ Gạo.”
      Tên Bắc Chợ Gạo tồn tại trong ký ức người dân cho tới nay dù không còn chiếc Bắc nữa.
      Năm 1912, Pháp thành lập quận Chợ Gạo, cho đến năm 1939 thì Chợ Gạo trở thành một trong 5 quận trọng yếu của tỉnh Mỹ Tho. Sau ngày 30 tháng 4, 1975, huyện Chợ Gạo thuộc tỉnh Tiền Giang.
Bước xuống Bắc Mỹ Tho thấy sóng xô nước nảy,
Bước lên bờ Rạch Miễu thấy nước chảy cây xanh.
Anh biết chắc đây là đất Châu thành,
Sao tìm hoài không thấy trong đám bộ hành có em...
(Ca Dao Mỹ Tho)
      Ngoài giá trị lưu thông, kinh Chợ Gạo còn đem lại lượng phù sa phong phú cho ruộng đồng, xổ phèn, giúp cho hàng ngàn dân thoát nghèo. Hai bên bờ kinh dần dần mọc lên nhiều ngôi chợ, nhiều nhà máy sản xuất nước mắm, lại còn nuôi sống hàng ngàn thương lái, tiểu thương, trong đó ngày càng xuất hiện nhiều thương nhân thành đạt, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế nước nhà.
      Nhiều nhà lưu dân ở cạnh bên bờ kinh bồi sống nhờ, sống theo những chiếc ghe chài chở hàng để bán hàng xén mà gia đình mới khá lên và nuôi được con cái ăn học thành tài. Kinh Chợ Gạo còn mở ra một hệ thống kinh đào cùng với mạng lưới thủy lợi giúp cho nội đồng canh tác được quanh năm.
      Nay kinh Chợ Gạo đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, mỗi năm chuyển tải hàng chục triệu tấn gạo, nông sản thực phẩm, cát đá... từ miền Tây lên Sài Gòn và các tỉnh Nam Trung bộ, đồng thời cũng chuyển ngược về miền Tây nhiều mặt hàng chủ lực như phân bón, thức ăn gia súc, vật liệu xây dựng.
Và kinh Chợ Gạo trở nên quá tải, bị ách tắc nhất là ở đoạn cầu Chợ Gạo quá hẹp, sạt lở, có nơi lở sâu vô 15 mét. Chánh quyền Tiền Giang chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu khả khi!

Bắc Chợ Gạo

(Bắc Chợ Gạo)
      Bắc Chợ Gạo theo tài liệu ra đời năm 1902 nhằm lúc đầu chỉ và một chiếc đò ngang đưa khách qua sông, gọi là “Bắc Chợ Gạo.”
Rồi không biết từ lúc nào Bắc Chợ Gạo được cải tiến, điều khiển qua lại nhờ bằng dây cáp nối hai bờ.
Tất cả xe cộ và người muốn đi từ Mỹ Tho về Chợ Gạo, Gò Công - và ngược lại đều phải bắt buộc phải lên con Bắc này.
      Con Bắc được giữ cho không bị trôi bằng hai sợi dây cáp to căng nối hai bờ. Bắc di chuyển qua lại bằng sức kéo tay của các công nhân chuyện nghiệp thay vì đẩy bằng máy.
Những người công nhân dùng một khúc gỗ một đầu được khoét sâu làm cái móc cho vào dây cáp mà kéo. Cái dụng cụ đặc chế nầy gọi là “cái Guốc.”
Công nhân phà đứng thành hàng trên sàng Bắc, móc guốc gỗ vào sợi dây cáp không vội vàng mặc cho bao người ai cũng nóng lòng muốn sang sông.
Chỉ có xe đò chạy suốt Mỹ Tho-Gò Công-Mỹ Tho mới được xuống Bắc sang sông, còn các loại xe chở khách khác như xe “Lam” thì phải đậu lại bên này sông.
Phải nói nhờ thời gian theo học Trung học Nguyễn Ðình Chiểu mà tôi có dịp biết đến chiếc Bắc Chợ Gạo cũng như cái thị trấn bên đường nầy!
      Vào khoảng măm 1970, Công Binh VNCH cùng Công Binh Ðại Hàn hoàn tất công trình cầu Chợ Gạo thay thế Bắc Chợ Gạo.
Bấy giờ xe qua cầu Chợ Gạo phải đóng lệ phí là 65 đồng cho tỉnh Ðịnh Tường (Mỹ Tho) và tỉnh Gò Công, hai bên đầu cầu thuộc hai tỉnh khác nhau.

Chợ Gạo thị trấn giữa đường

      Chợ Gạo cách Mỹ Tho 10km về phía Ðông, dầu là trọng điểm thông thương với các vùng đồng bằng Quốc lộ 50 và kinh Chợ Gạo, nhưng dưới con mắt nhiều người - kể cả người địa phương - Chợ Gạo chỉ là thị trấn giữa đường!

    Lúc tôi học Nguyễn Ðình Chiểu Mỹ Tho bấy giờ Chợ Gạo mới có trường trung học, được thành lập từ năm 1961. Trường lúc đó được xây dựng hai phòng học đầu tiên trên mảnh ruộng do ông chủ điền nào đó tốt bụng hiến tặng. Trường chỉ có môầt lớp Ðệ Thất với khoảng trên 40 học sinh. Ðến năm 1965, trường có sáu phòng học do phụ huynh đóng góp tiếp tục xây dựng thêm. Năm 1972, nhà trường bắt đầu có học sinh thi tú tài I. Năm 1973 có học sinh thi tú tài II.
     Từ ngôi trường trung học đến cái Cầu Chợ Gạo Mới được khởi công từ tháng 6, 2011 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành do thiếu vốn. Mặc cho Trung ương yêu cầu Bộ Giao Thông Vận Tải đôn đốc chủ đầu tư sớm hoàn thành dự án đầu tư xây dựng cầu Chợ Gạo, đảm bảo yêu cầu mở rộng khoang thông thuyền trên tuyến kênh Chợ Gạo.

      Tổng vốn đầu tư dự án là 200 tỷ đồng, cầu Chợ Gạo mới bắc qua kênh Chợ Gạo có chiều dài 595m, rộng 12m nhưng do thiếu vốn nên đã ngưng thi công từ nhiều tháng qua. Cầu Chợ Gạo mới bị ngưng thi công kéo theo tuyến đường tránh quốc lộ 50 qua thị trấn Chợ Gạo cũng bị dừng.
Trong lúc các đoạn kè, bờ xung yếu tiếp tục sạt, lở và hoạt động giao thông vận tải trên tuyến kênh Chợ Gạo phải tiếp tục.
Bước xuống bắc Mỹ Tho thấy sóng xô nước nảy,
Bước lên bờ Rạch Miễu thấy nước chảy cây xanh.
Anh biết chắc đây là đất Châu thành,
Sao tìm hoài không thấy trong đám bộ hành có em...
(Ca Dao Mỹ Tho)
     Chuyến đò ngang qua kinh Chợ Gạo nay chỉ là kỷ niệm thân yêu đối với ai sinh ra và lớn lên ở đây. Và chính nhờ con kinh này đã mang hương nhớ quê hương, làm cho chúng ta chờ đợi một ngày về...
Kinh Chợ Gạo với nét đẹp từ ngàn xưa cho tới nay vẫn chỉ là những ký ức về quá khứ cho bất cứ ai từng chờ đợi qua lại con Bắc nầy mỗi ngày.

Nam Sơn Trần Văn Chi


Xướng Hoạ : Đồi Thông Hai Mộ

Bài Xướng

      ĐỒI THÔNG HAI MỘ

 

Đồi thông hai mộ, chỉ riêng nàng!
Theo gió mơ hồ tiếng khóc than
Một mối tơ duyên nhiều trắc trở
Một thiên tình sử lắm đa đoan
Ai chia đôi lứa trên trần thế ?
Ai tách uyên ương dưới suối vàng ?
Thân xác dẫu đành hai lối rẽ
Ngàn năm hồn thiếp vẫn bên chàng .

                                   Phương Hà
        ( Cảm tác trước Đồi Thông Hai Mộ
                             ở Đà Lạt- Tháng 5/2014 )


                Các Bài Hoạ

Họa " ĐỒI THÔNG HAI MỘ "

Đồi Thông Hai Mộ xót cho nàng,
Vi vút mơ hồ gió thở than.
Võ bị mượn đường mong giải thoát,
Văn khoa chung lối lắm đa đoan.
Bền lòng không phút quên tơ tóc,
Chặc dạ ngàn thu giữ đá vàng.
Chia rẻ mặc người phân đôi lứa,
Đồi thông muôn kiếp thiếp theo chàng!

                                     Đỗ Chiêu Đức.


          Bên Hồ Than Thở 


Cung nước Sương Mai (*) luỵ xót nàng 
Đồi thông rên rỉ tiếng kêu than 
Bên hồ đôi bóng từng minh thệ 
Dưới nguyệt một lòng giữ ước đoan 
Hộ đối chia lìa duyên mộng thắm 
Môn đăng tan vỡ giấc mơ vàng 
Chuyện tình cay đắng đành ôm hận 
Than Thở hồ xưa đến với chàng. 
                                 Quên Đi 

(*) Sương Mai là một tên gọi của hồ Than Thở.


Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Này Em Có Hay Rằng - Quách Nam Dung Sáng Tác



Sáng Tác: Quách Nam Dung
Tiếng Hát: Anh Đào

Giang Thôn Thu Vọng - 江村秋望 g


裴宗灌 - Bùi Tông Quán (Việt Nam) 

      江村秋望             Giang Thôn Thu Vọng 

衣獨自立江阡         Phi y độc tự lập giang thiên 
秋色誰將到眼邊         Thu sắc thuỳ tương đáo nhãn biên 
旅雁行行過別浦         Lữ nhạn hàng hàng quá biệt phố 
客帆点点絡晴天         Khách phàm điểm điểm lạc tình thiên 
溪頭佛寺依紅葉         Khê đầu phật tự y hồng diệp 
竹外人家隔淡煙         Trúc ngoại nhân gia cách đạm yên 
日暮誰知凝佇處         Nhật mộ thùy tri ngưng trữ xứ 
菉雲暗野看豐年         Lục vân ám dã khán phong niên. 

Dịch Nghĩa:

 Ngắm Thu Nơi Xóm Ven Sông 

Khoác áo một mình đứng ở ven sông
Ai đem vẻ đẹp của mùa thu đến trước mắt
Chim nhạn từng hàng bay đi qua bến sông
Cánh buồm khách từng chấm giữa trời quang đãng
Nơi đầu khe ngôi chùa phật tựa vào đám lá hồng
Ngoài bụi tre nhà dân chúng bị che bởi khói mờ
Trời đã về chiều ai biết được ta đứng lặng rất lâu nơi đây
Đám mây xanh tuy che tối nhưng vẫn thấy cánh đồng rộng được mùa

Bản dịch của Mailoc 

Ven sông một bóng áo bay bay
Ai rắc thu vàng trước mắt ai
Nhạn lướt hàng hàng trên bến vắng
Buồm dong lớp lớp giữa trời say
Đầu khe chùa ẩn cây hồng nhuộm
Sau trúc nhà chìm khói xám xây
Chiều xuống có người còn đứng ngắm
Đồng xanh lúa gợn gió cùng mây 
 
                                   Mailoc 
                                Cali 6-6-14   
* * *

Ngắm Thu Nơi Xóm Ven Sông 

Một mình khoát áo đứng ven sông
Trước mắt màu thu đẹp cả lòng
Nhạn xếp từng hàng ngang bến cũ
Buồm gương bao cánh giữa trời trong
Đầu khe chùa phật nương cây rậm
Cạnh trúc nhà dân ẩn khói lồng
Lặng ngắm cả ngày ai có biết
Xanh trời ruộng trúng chẳng hoài công

                                         Quên Đi
* * *

Ngắm Thu  Trên Xóm Ven Sông

Khoát áo bờ sông cảm xúc nhiều,
Ai đem thu sắc trải đìu hiu.
Nhạn bay lớp lớp sang bờ khác,
Buồm chạy xa xa dưới nắng xiêu.
Thấp thoáng cửa chùa trong lá đỏ,
Chơi vơi làn khói quyện lam chiều.
Trời hôm đứng lặng nhìn mây xám,
Đồng tối được mùa bớt tịch liêu.
                     Đỗ Chiêu Đức.  
* * *

Thu Về Trên Xóm Ven Sông

Khoác hờ chiếc áo, bước ra sông
Ngắm cảnh trời thu nhuộm khoảng không
Đàn nhạn hàng hàng qua xứ lạ
Cánh buồm thấp thoáng giữa mênh mông
Đầu khe, chùa lẫn rừng phong đỏ
Sau trúc, nhà vương bụi khói hồng
Ngơ ngẩn trong chiều buông bảng lảng 
Vụ mùa hứa hẹn trĩu trên đồng.
                    Phương Hà phỏng dịch
* * *

    Vào Thu Nơi Bến Sông  

Một mình khoát áo đứng ven sông
Hương sắc vào thu khiến chạnh lòng
Chim nhạn từng đàn bay chốn khác
Cánh buồm ẩn hiện giữa chiều loang
Đầu khe Phật tự chen rừng lá
Dưới xóm nhà dân khói tỏa lồng
Đứng lặng ngẩn ngơ ai biết nhỉ ??
Được mùa lúa trổ hạt xanh đồng 
                                  Song Quang
* * *

Ven Sông Lặng Ngắm

Áo vác vai ven ngoài bến vắng
Ngắm màu thu chuyển sắc vàng thay
Nhạn trời tiếp nối mờ xa lướt
Buồm khách đua nhau thấp thoáng lay
Cửa Phật đầu khe cành rậm phủ
Mái nhà cạnh trúc khói mờ bay
Hoàng hôn sắp tắt chưa rời bước
Dưới áng mây mờ lúa trĩu sai
                            Kim Phượng

Escultura: George Lundeen - Tác Phẩm Điêu Khắc George Lundeen

       (Ảnh Gusz Damyjcz Cohene)
Escultura: George Lundeen
Hay una pasión…
En esta noche…
Extraviada…
Sin nombres…
Ya que se tiene…
Que llamar de a dos…
Esa pasión…
Que pide gemidos…
Que impide sin sentidos…
Que llama…
Como fuego…
Un destino…
Serán sudores…
Malas palabras…
Al oído…
Amores de amantes…
Uniones de almas…
Pero pasiones…
Entre artes…
Y el vidrio empañado…
De tarde…
Cuando lo deseado…
Se hace sabor…
Sensación…
Rubor…
Hacer el amor…
Hacer pasión…
Gusz.
Virreyes.
Tác Phẩm Điêu Khắc: George Lundeen

Đó là một niềm đam mê...
Vào đêm này...
Bị mất...
Mà không có tên...
Kể từ khi bạn có...
Gọi hai...
Niềm đam mê mà...
Yêu cầu moans...
Ngăn chặn mà không có cảm giác...
Gọi điện thoại...
Như cháy...
Một điểm đến...
Họ sẽ ra mồ hôi...
Từ nghĩa xấu...
Ở tai...
Yêu thương những người yêu thích...
Công đoàn của linh hồn...
Nhưng niềm đam mê...
Giữa nghệ thuật...
Và fogged thủy tinh...
Buổi chiều...
Khi mong muốn...
Nó là hương vị...
Cảm giác...
Đỏ mặt...
Quan hệ...
Làm cho niềm đam mê...


Lê Phạm Trung Dung Dịch

Thùy Dương


Thơ: Phạm Hồng Ân
Thơ Tranh: Kim Oanh


Sáng Tác: Trúc Hồ
Tiếng Hát: Thùy Dương

Mưa Sài Gòn


Trời Sài gòn chiều nay cơn mưa lũ
Mưa chập chùng trên phố vắng người qua
Những cơn mưa của một thời rất nhớ
Áo em xưa mưa đẫm ướt nhạt nhoà

Dưới cơn mưa em đi về đơn độc
Mưa có làm buốt giá trái tim em
Hạt mưa rơi thầm thì trên vai áo
Mưa dấu yêu từng giọt vẫn dịu mềm

Chiêu nơi đây cũng mưa buồn tầm tã
Quán bên đường tí tách giọt cà phê
Anh cúi đầu nhớ em từng kỷ niệm
Những chiều mưa ta dìu bước nhau về

Mưa vẫn rơi bâng khuâng trên xóm nhỏ
Gởi lại em dòng nhớ vẫn dâng tràn
Đi dưới mưa sao nghe lòng buốt giá
Hồn trôi vào niềm tiếc nuối mênh mang

Khiếu Long


梁祝姻緣 - Lương Chúc Nhân Duyên

      Nhớ xưa, khi khoảng 14, 15 tuổi, khi mới vừa lỏm bỏm học chữ Nho với Bác Sáu ( Lặc Bệ 六伯 ) trong trường Tiểu học Tân  Triều, Cái Răng. Một hôm, Bác kể cho nghe về chuyện tình của Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài, thì anh bạn học Liêu Chương Cầu (Hiện là thầy giáo dạy cho Trung Tâm Ngoại Ngữ của Đại Học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn ) đã nổi hứng  làm một bài Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú như sau:



     梁祝姻緣                      Lương Chúc Nhân Duyên

千秋梁祝此姻緣,        Thiên thu Lương Chúc thử nhân duyên,
悲慘兩同共筆硯。        Bi thảm lưỡng đồng cộng bút nghiên.
竹綠流風分折斷,        Trúc lục lưu phong phân chiết đoạn,
梅黃借雨泣纏綿。        Mai Hùynh tá vũ khấp triền miên.
三年求學情如海,        Tam niên cầu học tình như hải,
一旦相離恨似天。        Nhất đán tương ly hận tự thiên.
欲請高天頒旨意,        Dục thỉnh cao thiên ban chỉ  Ý,
如何薄待此良緣?        Như hà bạc đãi thử lương duyên ?
            廖其(章求)                  Liêu Kỳ
( Chương Cầu )

        Bài thơ tuy còn ngô nghê, sử dụng nhiều từ trùng lặp, nhưng Ý tứ cũng liền lạc và đúng niêm luật, nên đọc lên nghe cũng rất xuôi tai. Lúc đó chúng tôi đều mới bắt đầu học Hán Văn nên tôi phục ông bạn tôi quá chừng chừng, và cũng vì vậy mà cho đến ngày hôm nay tôi vẫn còn nhớ thuộc lòng bài thơ nầy. Đọc lại vẫn còn thấy hay hay, nên xin giới thiệu với các Thầy Cô và Thân Hữu cùng các em học sinh thân mến.

Nghĩa Bài Thơ:

         Cho đến ngàn năm sau thì chuyện tình của Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài nầy vẫn là chuyện tình bi thảm của lứa đôi trong lúc cùng chung đèn sách bút nghiên. Như cây trúc xanh trước gió bị gãy ra làm nhiều đoạn, và như mai vàng mượn hạt mưa làm giọt lệ để khóc triền miên. Ba năm cùng học hành với nhau tình sâu như biển, trong một ngày lại phải chia tay nhau thì cái hận cũng cao ngút trời. Muốn hỏi Trời già rằng sao không ban ra cái chỉ Ý tốt, mà lại đối sử tệ bạc với mối lương duyên nầy ?!
         Đọc câu số 4: " Mai Hùynh tá vũ khấp triền miên ", làm ta nhớ đến một vế thơ của Thế Lữ trong bài " Giây Phút Chạnh Lòng " là :

          ....  Em đứng nghiêng mình dưới gốc mai,
                Vin ngành sương đọng lệ hoa rơi.
                Cười nâng tà áo đưa lên gió,
                Em bảo : Hoa kia khóc hộ người ! ....

Diễn Nôm:

             Mối Duyên Lương Chúc

            Ngàn năm Lương Chúc mối tơ duyên,
            Bi thảm làm sao nợ bút nghiên.
            Trúc gãy thôi xanh sầu gió thảm,
            Mai vàng mượn lệ khóc triền miên.
            Ba năm đèn sách tình như biển,
            Một buổi chia lìa hận tựa thiên.
            Dám hỏi cao xanh sao khắc nghiệt,
            Vì đâu bạc đãi mối lương duyên ?!


Đỗ Chiêu Đức.

Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014

Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn - Văn Phụng - Hà Thanh


Sáng Tác: Văn Phụng
Tiếng Hát Hà Thanh
Hình Ảnh: Trương Văn Phú  (Sông Tiền Giang Vĩnh Long Tháng 7/ 2014)
Thực Hiện: Kim Oanh

Em - Sài Gòn


Mỗi khi ngồi nhớ Sài Gòn
giọng em thánh thót mãi còn vọng ngân
hát tặng anh khúc tình hồng
là em gởi cả tấm lòng về anh!

Dòng-thời-gian có thoáng nhanh
tình còn tiết tấu âm thanh ấm nồng
khi trao em một đóa hồng
là anh muốn giữ giữa lòng dáng em!

Giờ còn nỗi nhớ rong đêm
lay anh trở giấc gọi em-sàigòn!

Cao Nguyên


Hành Trình Cuộc Sống


Cuộc sống là một hành vừa động vừa tĩnh, mang nhiều sắc màu, nhiều tiết tấu. Bắt đầu cuộc đời từ khi hình thành sự sống trong lòng Mẹ, và ngày Mẹ khai hoa nở nhụy là lúc Mẹ sinh ra ta, Mẹ vui vì bắt đầu mùa Xuân của con, nhưng có khi Mẹ cũng quan ngại hoặc lo buồn vì những mùa khác của con... Vâng, hành trình cuộc sống không hề đơn giản!
Đức Khổng Tử xác định: “Đời người cần có 5 đức: Ôn, Lương, Cần, Kiệm, Chính”.
Sống là đấu tranh, là vươn lên không ngừng, dù sống ở cương vị nào cũng vậy. Mỗi người là một cá thể riêng biệt nhưng vẫn hài hòa trong một tổng thể.
ÔN – “Ôn” là ấm, nghĩa là ôn hòa chứ không cực đoan. Không ôn hòa, người ta sẽ thiên lệch, buông thả hoặc cuồng nhiệt. Người Việt có câu: “Khôn cho người ta rái, dại cho người ta thương, dở dở ương ương chỉ tổ cho người ta ghét”. Ôn ở đây là một động thái dứt khoát và nghiêm túc, không khô khan, không nửa vời, không tiêu cực, nếu là người có tôn giáo thì không cuồng tín.
LƯƠNG – “Lương” là tốt lành, chân thật. Con người vốn dĩ có xu hướng vị kỷ, do vậy mà luôn phải nỗ lực sống tốt hơn. Leo dốc thì rất khó, thả dốc thì rất dễ. Sống tốt không chỉ là tránh điều ác (tiêu cực) mà còn phải hăng say làm điều thiện (tích cực).
CẦN – “Cần” là siêng năng, chịu khó. Tinh thần thì linh hoạt nhưng thân xác luôn nặng nề. Có những điều mình muốn thì mình không làm, mà điều mình không muốn thì mình lại làm. Con người là vậy, rất yếu đuối, mâu thuẫn với cả chính mình.
KIỆM – “Kiệm” là tiết kiệm, không hoang phí. Kiệm ở đây không giới hạn theo nghĩa vật chất mà còn bao hàm các nghĩa khác, nghĩa là không hoang phí thời gian cho các hoạt động vô bổ, không hoang phí ánh mắt, không hoang phí lời nói, không hoang phí thái độ, không hoang phí tình cảm,… Cuộc sống luôn phải chừng mực. St. Francois de Sale so sánh: “Ít nói không là nói ít, mà là không nói những điều vô ích”.
CHÍNH – “Chính” là ngay thẳng, đứng đắn. Thánh Giuse là người công chính nhờ khiêm nhường và tuân phục. Người ít nói hoặc ít cười chưa hẳn là người nghiêm trang và đứng đắn. Không thành kiến với người khác cũng là động thái ngay thẳng, sống nghiêm túc. Phải có tình yêu thương thực sự mới khả dĩ “vui với người vui, buồn với người buồn”.
Đời người như viên đá cuội lăn mòn trên những con dốc đời, rồi một ngày nằm chết lẻ loi bên vệ đường mà vẫn trăn trở không nguôi, vì bao mơ ước chưa trọn vẹn! Khi tư tưởng chín muồi thì thân xác bắt đầu rã rời… Đó là một nghịch lý, nhưng là nghịch-lý-thuận. Cũng có thể đó là sự nghiệt ngã của cuộc đời. Cũng là con người, nhưng có người sung sướng từ trong trứng nước, có người lại đau khổ và thiếu thốn suốt cuộc đời, không chút thanh thản.

Làm sao hiểu được triết lý cuộc sống? Beethoven nói: “Cảm ơn Chúa, tôi viết được nhạc, còn ngoài ra tôi chẳng làm được gì”. Shakespear nói: “Có người sinh ra được sự nổi tiếng rơi vào mình, có người tìm mãi cũng thấy, nhưng có người tìm cả đời cũng không thấy”. Thật bí ẩn, con người không thể hiểu thấu! Hát Xẩm (Việt Nam) có câu: “Một đời đánh phấn đeo hoa, một đời khổ ải cũng qua một đời”. Vậy đó!
Thánh Catarina khuyên: “Cuộc đời là chiếc cầu, hãy đi qua chứ đừng dừng lại trên đó”. Giá trị cuộc đời không được đo bằng “chiều dài” mà đo bằng “chiều sâu”. Và Pithagore cảnh báo: “Đừng thấy bóng mình to mà tưởng mình vĩ đại”.

Trầm Thiên Thu
Vũ Thị Bạch Hằng sưu tầm

Đời Bỗng Vắng Im


Trăng khuất về đâu buỗi sáng này
Chỉ còn trơ trọi một rừng cây
Gió đi xa tắp ngoài muôn dặm
Có chở theo giùm những áng mây

Mười năm như thể ta về lại
Quảng đời thơ ấu chốn quê xưa
Vườn xanh ngào ngạt hương hoa cỏ
Buồn ơi xao xác tiếng gà trưa

Mười năm như thể ta đi lại
Con đường hai buỗi đến trường vui
Những tà áo trắng vờn trong gió
Mùa hạ ve ngân khúc ngậm ngùi

Tưởng tượng một ngày đời vắng im
Về đâu bằn bặt một bóng chim
Mười năm thôi chỉ là cơn mộng
Mây bay nước chảy biết đâu tìm

Khánh Hà 
Ảnh phụ bản của Biện Công Danh - Đường đến trường,Vĩnh Long  

Tân Toàn Quyền Gốc Việt Ông Lê Văn Hiếu - Bang Nam Úc


Tân Toàn Quyền Gốc Việt Ở Úc hết lời ca ngợi khí huyết Tổ Tiên Việt Nam
Trả lời phỏng vấn Radio Australia, ông Lê Văn Hiếu, Toàn quyền vừa được bổ nhiệm của bang Nam Úc nói: “Tôi xin dành vinh dự này cho cộng đồng Việt Nam…”

Thay vì trả lời câu hỏi vì sao được bổ nhiệm làm Toàn quyền , ông Lê Văn Hiếu đã giành khá nhiều thời gian để kể về cách mà nước Úc lựa chọn một Toàn quyền.
Được Nữ hoàng Elizabeth II trực tiếp bổ nhiệm
Ông Hiếu cho hay, các ứng viên phải trải qua một một quá trình chọn lọc rất rộng rãi. Trước đó Nội các tiểu bang đề nghị một số thành viên trong cộng đồng mà họ cảm thấy đã “đóng góp một cách thiện nguyện. Đóng góp ở đây là ngoài công ăn việc làm của bản thân, người đó còn đóng góp ngoài mức bình thường của một người làm việc”. Trong việc chọn lọc, nội các cũng phải tính tới các yếu tố khác như quan sát công ăn việc làm, cách cư xử của những người này trong quá trình làm việc với cộng đồng và xã hội…
Sau đó nội các thảo luận về những người mà Nội các nghĩ là các ứng viên có xác suất cao để đề nghị Nữ hoàng Elizabeth II xem xét.
Trong giai đoạn này Thủ hiến sẽ tiếp tục tham khảo một số nhân vật trong chính quyền cũng như xã hội. Cuối cùng đề nghị sẽ được chuyển sang cho Nữ hoàng.
Sau đó một thời gian, bí thư của Nữ hoàng báo cho Thủ hiến biết người được đề cử đã được sự đồng ý của Nữ hoàng. Tuy nhiên, sự đồng ý này vẫn chưa được chính thức hóa. Sau đó, Úc phải cung cấp thêm mọi dữ kiện và tài liệu cần thiết để Nữ hoàng xem xét lần cuối.
Ông cho biết chức vụ Toàn quyền các bang ở Úc là “do chính Nữ hoàng trực tiếp bổ nhiệm”.

Ông Lê Văn Hiếu (phải) và Toàn quyền đương nhiệm của bang Nam Úc Kevin Scarce


“Hãy nhớ mình thuộc một dòng giống hết sức thông minh, cần cù…”

Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn với Radio Australia, nói về việc là người gốc Việt đầu tiên được bổ nhiệm Toàn quyền ở Úc, ông Lê Văn Hiếu xúc động cho biết: “Tôi xin dành vinh dự này cho cộng đồng Việt Nam, cho khí huyết của tổ tiên ông bà mình, cho dân tộc Việt, chứ cá nhân tôi chỉ là người mang những cái đó thôi”.
Theo ông Hiếu, dân tộc và tổ tiên người Việt có những tính cách quý báu như “rất bất khuất, kiên cường, chịu khó nhẫn nại, dễ hòa hợp, hiếu khách”.
Ông nói rằng việc ông được bổ nhiệm làm Toàn quyền là “sự ghi nhận không phải dành cho một cá nhân tôi mà là ghi nhận sự đóng góp của toàn thể cộng đồng Việt Nam ở Úc”.
Ông ngỏ lời khuyên các bạn trẻ phải “ghi nhớ trong tâm khảm là mình đang mang trong máu của mình một sức sống hết sức mãnh liệt, một sự chịu khó, chịu đựng hết sức cao. Đồng thời luôn nhớ rằng mình thuộc về dòng giống hết sức thông minh và cần cù”
Theo ông Hiếu, nếu “đặt tình tự dân tộc như một niềm an ủi lớn lao, như một động lực để động viên mình thì tôi tin chúng ta sẽ vượt qua được nhiều khó khăn”.

Giấc mơ hơn mọi giấc mơ


Vị tân Toàn quyền 60 tuổi từng tâm sự, khi đặt chân đến Úc hơn 36 năm trước, ông không mang theo bất cứ vật gì ngoại trừ một chiếc va li vô hình chất đầy ước mơ. Nhưng việc được vinh dự nhận chức Toàn quyền là điều hoàn toàn vượt ra ngoài mọi giấc mơ “dù ngông cuồng nhất” của ông. Không chỉ là người gốc Việt đầu tiên trở thành Toàn quyền ở bang Nam Úc, ông còn là người châu Á di cư đầu tiên nắm giữ chức vụ này trong lịch sử của bang.
Ông Lê Văn Hiếu sinh năm 1954 tại tỉnh Quảng Trị, Việt Nam. Năm 1977, ông và phu nhân, bà Lan, đến Úc.
Ông bà có hai con trai, Don (27 tuổi) và Kim (23 tuổi), được đặt tên theo tên hai vận động viên cricket nổi tiếng của Úc là Don Bradman và Kim Hughes.
Tân Toàn quyền Lê Văn Hiếu sẽ chính thức nhậm chức ngày 2/9 năm nay. Ông cho biết, ở cương vị mới, ông sẽ tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế và văn hóa giữa bang Nam Úc với các nước Đông Nam Á.

Trong bài có sử dụng tư liệu của ban tiếng Việt, Radio Australia, hãng tin Úc ABC.

Đỗ Đình Tiến Sưu Tầm

Đàn Cò


Đàn cò tóc bạc như vôi
Mặn nồng hương lửa, trọn đời bên nhau
Đàn cò tóc bạc phau phau
Cùng chung bờ mẫu, ruộng sâu, đầm lầy
Đêm về chung một tàn cây
Cùng nhìn sông chảy: lớn đầy, ròng vơi
Đàn cò soải cánh giữa trời
Thế gian sao lại lắm người ghét nhau?
Đàn cò vỗ cánh bay mau
Hoá thân hạc trắng, bay vào bồng lai

Lê Kim Thành


Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

Nói Với Học Trò


(Tặng các em ở Nguyễn Cảnh Chân, thời xưa)

Thầy trở về nhìn các em lần nữa
Những đầu xanh thơm bút vở học trò
Những chiếc áo viền đường bay quá khứ
Những màu môi sáng rực tuổi ngây thơ.


Thầy trở về ôm nỗi buồn chiến trận
Nghe chim kêu tự thành cổ rêu vàng
Xếp trang sách dâng đời cho bom đạn
Trái tim sầu mang trời đất tan hoang.


Thầy trở về hình đã đen hơn trước
Râu thì dài, bóng thì lụn ưu tư
Và ngậm ngùi nhìn các em lần lượt
Vơi dần đi như lá rụng mùa thu.


Thầy trở về dẫm dấu giày lang bạt
Trên thềm xưa đếm từng bước thương đau
Các em có những ước mơ khao khát
Giờ tiêu tan mây khói giữa trời cao.


Thầy đứng đây vụng về trong cách nói
Có nỗi buồn xin dấu kín tâm tư
Các em sớm đeo tuổi đời mệt mỏi
Trĩu oằn vai những gánh nặng suy tư.

Phạm Hồng Ân


Thơ Tranh: Nguồn Cội


Thơ & Thơ Tranh: Nguồn Cội