Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Dòng Sinh Tồn





Chim sẻ già, dòng sinh tồn đang thoát nhanh qua toàn bộ lông không đủ sức che thân




Chụp Ảnh: Trương Văn Phú

Tháng Sáu Thiêng Liêng


Lại về tháng Sáu mưa bay
Ru lòng con nhớ bao ngày bên cha
Ấu thơ bập bẹ tiếng ba
Bước đi chập chững quanh nhà lon ton
Ba bồng ẵm nhẹ nựng con
Nụ hôn âu yếm chưa mòn dấu thương
Bàn tay ba dắt đến trường
Rịn mồ hôi, rịn mùi thơm an lành
Bên ba mưa cũng nghiêng xanh
Có ba che chở dỗ dành bão giông
Tấm lòng độ lượng khoan dung
Nuôi con vất vả tận cùng hy sinh
Niềm thương thắp nến lung linh
Soi đường trong sáng con mình bước đi
Đôi khi ba cũng ra uy
Làn roi quất mạnh con khi lỗi lầm
Nhìn cha ánh mắt đau thầm
Mắt con ngấn lệ ăn năn trôi dài
Đàn con nặng gánh trên vai
Nuôi con khôn lớn da chai thân gầy
Con xanh sắc lá trên cây
Ba vàng nụ úa vết trầy thời gian
Một chiều mây chít khăn tang
Ba về Tiên Cảnh, con hàng lệ đau
Trái tim gục cạnh mộ sầu
Ơn sâu trời biển làm sao đáp đền ?

Lại về tháng Sáu thiêng liêng
Ngày Từ Phụ đến bên thềm mưa giăng
Nhớ ba dòng lệ trào dâng
Nén nhang thắp khói hương trầm xa bay
Bóng ba phảng phất đâu đây
Thịt da chợt ấm bàn tay cha hiền

Trầm Vân

Việt Nam Sử Lược : Phần 2 - Chương I - Bắc Thuộc Lần Thứ Nhất

CHƯƠNG I
BẮC-THUỘC LẦN THỨ NHẤT
(111 tr. Tây-lịch – 39 sau Tây-lịch)



Các Phần Đã Đăng:


1. Chính trị nhà Tây-Hán
2. Tích Quang và Nhâm Diên

1. CHÍNH-TRỊ NHÀ TÂY-HÁN. 
Năm canh-ngọ (111 tr. Tây-lịch) vua Vũ-Đế nhà Hán 漢 武 帝 sai Lộ bác Đức 路 博 德 và Dương Bộc 揚 僕 sang đánh nhà Triệu 趙, lấy nước Nam-việt, rồi cải là Giao-chỉ-bộ 交 趾 部, và chia ra làm 9 quận, là những quận này:

1. Nam-hải 南 海 : (Quảng-đông).
2. Thương-ngô 蒼 梧 : (Quảng-tây).
3. Uất-lâm 鬱 林 : (Quảng-tây).
4. Hợp-phố 合 浦 : (Quảng-đông)
5. Giao-chỉ 交 趾 (Bắc Việt và mấy tỉnh ở
phía bắc Trung Việt).
6. Cửu-chân 九 眞
7. Nhật-nam 日 南
8. Châu-nhai 珠 崖 : (đảo Hải-nam).
9. Đạm-nhĩ 儋 耳 : (đảo Hải-nam).

Mỗi quận có quan thái-thú 太 守 coi việc cai-trị trong quận và lại có quan thứ-sử 刺 史 để giám-sát các quận. Ở trong quận Giao-chỉ thì có những lạc-tướng hay lạc-hầu vẫn được thế-tập giữ quyền cai-trị các bộ-lạc tựa hồ như các quan lang ở mạn thượng-du đất Bắc-Việt bây giờ.

Quan thứ-sử trước tiên là Thạch Đái 石 戴, đóng phủ trị ở Long-uyên 龍 淵(?). Có sách chép là phủ trị thủa ấy đóng ở Lũng-khê 隴 溪, thuộc phủ Thuận-thành bây giờ.

Từ đời vua Vũ-đế cho đến hết đời nhà Tây-Hán không thấy sử nói gì đến đất Giao-chỉ nữa. Mãi đến năm kỷ-sửu (năm 29 Tây-lịch) là năm Kiến-võ thứ 5 đời vua Quang-vũ 光 武 nhà Đông-Hán 漢 東 thì mới thấy chép rằng thứ-sử Giao-chỉ là Đặng Nhượng 鄧 讓 sai sứ về cống nhà Hán. Bởi vì khi Vương Mãng 王 莽 cướp ngôi nhà Hán, bọn Đặng-Nhượng 鄧 讓, Tích Quang 錫 光 và Đỗ Mục 杜 穆 ở Giao-chỉ giữ châu quận, không chịu phục Vương Mãn. Đến khi vua Quang-vũ trung-hưng lên, bọn Đặng Nhượng mới sai sứ về triều cống.


2. TÍCH QUANG VÀ NHÂM DIÊN. 
Về đầu thế-kỷ đệ-nhất có hai người sang làm thái-thú trị dân có nhân-chính. Một người tên là Tích Quang 錫 光 làm thái-thú Giao-chỉ, một người tên là Nhâm Diên 壬 筵 làm thái-thú quận Cửu-chân.

Tích Quang sang làm thái-thú quận Giao-chỉ từ đời vua Bình-đế 平 帝 nhà Tây-Hán, vào quãng năm thứ hai thứ ba về thế-kỷ đệ-nhất. Người ấy hết lòng lo việc khai-hóa, dạy dân lấy điều lễ-nghĩa, cho nên dân trong quận có nhiều người kính-phục.

Nhâm Diên thì sang làm thái-thú quận Cửu-chân từ năm Kiến-võ nhà Đông-Hán. Bấy giờ dân quận ấy chỉ làm nghề chài-lưới và săn-bắn, chứ không biét cày-cấy làm ruộng-nương. Nhâm Diên mới dạy dân dùng cày bừa mà khai-khẩn ruộng đất, bởi vậy chẳng bao lâu mà quận ấy có đủ thóc gạo ăn. Người ấy lại dạy dân làm lễ cưới hỏi trong khi lấy vợ lấy chồng, và bắt những lại-thuộc trong quận lấy một phần lương-bổng của mình để giúp cho những kẻ nghèo đói để lấy vợ lấy chồng.

Nhâm Diên ở Cửu-chân được 4 năm thì được thăng chức về Tàu đi làm quan chỗ khác. Dân-sự quận ấy ái-mộ Nhâm Diên, làm đền thờ. Có người vì được nhờ quan thái-thú cho nên sau sinh con ra, lấy tên Nhâm 壬 mà đặt tên cho con, để tỏ lòng biết ơn.


Huỳnh Hữu Đức sưu tầm

Đồi Mây


Chập chùng đồi núi mây vô ngại
Thênh thang trang giấy nốt nhạc trầm
Bùn sen ngan ngát trăng đại hải
Cánh cửa xuân thì đương mưa râm.


Ào ào lau sậy đàn theo gió
Máu tim say mãi cuộc sum vầy
Người về đâu đó sương lan tỏa
Bồng bềnh vạn pháp trắng đồi mây.

Người bơi qua biển, bơi qua lửa
Bờ bến như lai gió xạc xào
Bát cơm ai thổi thơm từng bữa
Sóng bủa nghe ra cũng ngọt ngào.

Em ạ! Chiều nay mưa rơi nhẹ
Mình về thắp lại ngọn đèn xưa
Dưới ánh trăng khuya màu quạnh quẽ
Tấc dạ chìm theo với gió lùa.

Lý Thừa Nghiệp


Thoáng Nhớ Vĩnh Long

                     
( Trường Tống Phước Hiệp)

      Khi tôi và Huệ chọn một góc vắng trong quán Café. Com, tọa lạc tại ngã ba đường, ngồi đợi các bạn hữu của trang mạng “tongphuochiep “  thì những vạt nắng chiều đang gãy vụn, rắc đầy đường phố. Thi thoảng mới có ngọn gió thổi dạt những hạt nóng, hất nhiệt độ oi bức từ mặt đường vào mặt người. Gió cũng cuốn những phiến lá cong queo và bụi mù chạy ù trên mặt lộ. Con lộ có hai chiều thuận nghịch như những lý lẽ, ý sống đời thường và dòng xe cộ đang luân lưu, đường khá nhiều xe qua lại được chia cách bởi các bờ cỏ và hàng cây lúng liếng lá xanh. Tiếng chim hót đâu đó vọng lại âm thanh rời rạc như lời gọi khan, than thở tình hè. Hai con đường lạ tên chéo nhau thành điểm hẹn cho những tâm hồn yêu văn thơ, từng học chung trường Mẹ Tống Phước Hiệp, Vĩnh Long, từng cho đi và nhận về những cảm xúc mềm, từng được sức hút nam châm của tình đồng môn có chung niềm yêu thích, mang trên vai chút hành trang chữ nghĩa để đến với nhau, níu kéo ký ức một thuở học trò, mấy thuở tình yêu hầu tô vẽ sắc màu cho cuộc đời thêm dễ thương và ý nghĩa.

     Cô giáo Vĩnh vừa từ sân nhà bước qua, nụ cười nở sẳn trên môi, Cô ngõ lời chào bằng đuôi mắt biết nói. Ở đó tôi đọc được niềm vui. Cô hỏi thăm về chuyến bay dài chồng chéo nhau suốt nửa vòng trái đất có làm tôi mệt ? Tôi cười khoe với cô rằng tôi có bùa, chỉ cần môt quyển giấy tập và cây bút mực là tôi thâu ngắn được đường xa và thời gian cũng quên làm tôi bạc tóc. Tôi thức ngủ với những ý nghĩ vụn vặt kết lại thành vần. Tội nghiệp mấy cô tiếp viên hàng không xinh đẹp bị tôi thôi miên, ngủ quên luôn trên những trang giấy bởi ngòi bút “viết quanh viết quẩn” của tôi. Cô giáo cười nửa môi thông cảm, nửa nụ nghi ngờ (?) Cô lăng xăng với cái máy điện thoại, nhắc khéo bạn bè phải mau đến chơi, kẻo thiếu thì giờ chung vui với nhau. Tôi ngõ lời thông cảm, nói rằng trời đang nóng quá, bóng nắng còn phải ngất ngư, ngay cả lòng mong chờ, náo nức gặp lại bạn bè của tôi cũng đến trễ nữa đó Vĩnh ơi!. Cô Giáo còn khoe hồi sáng nay, tại sân quán café này đã có hơn ba mươi anh chị em họp mặt, đa số là những nhà giáo có tâm hồn nghệ sĩ, muốn trải lòng mình ra ngoài những giáo án đã đóng thành khuôn. Họ là hương sắc đã tạo nên vuờn hoa, một sân trường đẹp, quyến rũ ngàn ong bướm tìm về. “ Nhiều bạn mong gặp anh” cô Giáo nói “ nhất là L.A. cứ thắt thẻo đợi chờ tội nghiệp lắm!”. Tự nhiên tôi thấy lòng mình phong lưu như màu lá, cơn gió mạnh vừa thổi xuyên hàng cây, sà xuống bám sát mặt đường. Hình như gió cố tình đưa tôi tìm về phố cũ và đường mây chiều cũng thả rong những cụm kỷ vãng của thuở nào mới biết rung động  tim yêu… 
     Tôi gọi một trái dừa ướp lạnh vừa để chống nắng, vừa ướp ngọt vị giác, lại thêm đậm tình quê hương. Có tàng dừa nào đó đang căng lá che dù cho lòng tôi dịu mát! Huệ gọi chai cam vắt màu vàng! Tôi biết bạn tôi rất vô tình, đâu ngờ chai cam vàng chạm mạnh hồn tôi rất ngộ nghĩnh. Ký ức bị đánh thức, trí nhớ òa vỡ như bị bới tung bởi cơn gió, tro bụi mù bay một thời học trò áo trắng. Hồi đó, sau nhiều ngày tháng ươm mơ, gieo  mộng, vườn tình trổ được trái thương yêu. Hồi đó, dễ chừng đã gần nửa thế kỹ mà chỉ ở phố thị Vĩnh Long mới gọi thức được lòng tôi, ngăn ký ức mở ra tiểu thiên đường chật những mùa thương quá khứ.

( Mưa Vĩnh Long - Ảnh Phan Vũ Bình)

      Chiều hôm đó, vẫn là buổi chiều hè mưa đi nắng đến như những chu kỳ chiều nhiệt đới sông nước miền Tây.  Lòng tôi rộn rã hơn tiếng ve gọi phượng và những lao xao cành lá. Sau cơn mưa, nắng vén những chùm mây, thả vạt vàng sơn phết óng ánh tơ lụa lên mặt đường sạch, còn lốm đốm những vũng nước mưa có chứa bóng mây đang chết chìm. Tôi quên bẵng những ngày tháng “gạo bài” cho mùa thi tú tài toàn sắp tới và đậu rớt gì tôi cũng phải đi xa…. Con đường Đồng Khánh rẽ phải qua Trưng Nữ Vương chỉ giản dị với những tàng cây cổ thụ chưa hề được gọt tỉa. Vậy mà chiều đó lá biếc mây xanh đến độ dị thường. Chừng như cỏ bổng trổ hoa và nắng gió đang chúc tụng tình tôi ngát thơm mùa trái chín. Tôi hẹn cô bé học trò lớp Đệ nhị Ban A nơi quán nhỏ và khuất cạnh rạp hát Lạc Thanh như thể đang giấu giếm một điều gì đó chưa định nghĩa được. Tôi dựng chiếc xe Honda một cách khó khăn đến cả tôi cũng phải giật mình. Tôi ngồi lên yên xe và nghe rõ nhịp tim, không biết đó là hòa âm hay lỗi nhịp?  Hình như trái tim tôi muốn phô trương điều gì đó mà hệ tuần hoàn chưa bao giờ mạo hiểm và hiểu được ! Có một vườn hoa dịu dàng sắc màu đang chớm nở khi “bé “ yêu dấu của tôi xuất hiện ở ngã tư đường. Mộng và thực cứ quấn lấy nhau làm lòng tôi chao đảo. Hai con bướm vàng song song lượn lờ cùng nắng gió, bay ngang qua mặt đường, nhởn nhơ vờn hoa nơi sân nhà hàng xóm như một điềm lành trời ban. Bé mặc áo bà ba màu xanh thật nhạt, một vạt áo có thêu hai đóa hoa hồng cũng phớt ửng nhẹ nhàng. Chúng tôi chào nhau bằng niềm vui của mắt và nụ mĩm của môi. Bé lí nhí “ Cậu đợi Bé lâu hông?” “ Cậu đợi từ lúc ngõ lời mời hồi tuần trước”… Hình như Bé cả tin nên Nàng hơi lung túng… Bây giờ tôi mới thấy bộ dạng run rẩy rất tội nghiệp của nàng…. Tôi khỏi phải kể với bạn về món nước uống của tôi. Và chắc bạn cũng đoán rằng người đẹp của tôi gọi ly cam vắt màu vàng ! Tối đó tôi mơ rất nhiều, học hành cũng chẳng được bao nhiêu. Những ngôi sao trên trời đều hóa thành trăng và mây giăng giăng cho lòng tôi phiêu lãng. Tiếng sáo trúc của tôi bỗng du dương ngất gió lạ thường ! Có giấc mơ hoa gấm hóa thành chữ thơ, trong bài thơ đó có 2 câu mà rất lâu sau Nàng gọi là 2 câu thơ “ chết người”, như tiếng chuông ngân trong khẳng định, đánh thức, trói buột tim và đời nàng vào cuộc đời lênh đênh sấp ngửa của tôi:
  “ Mời em ly nước cam vàng. Còn anh vừa uống cả ngàn bùa mê…”

      Tỉnh lỵ Vĩnh Long yêu dấu của tôi cũng giống như những phố thị đồng bằng Cửu Long khác, nghĩa là nằm cạnh bờ sông cái, nước phù sa hai mùa trong đục, gió mát trăng thanh, sông rạch lượn quanh , ngoại ô là  vườn đầy cây trái và ruộng đồng mỏi cánh cò bay. Nhưng thiên nhiên tuyệt đẹp ấy sẽ không là gì nếu thiếu bóng dáng dịu dàng thư nữ và tình tự yêu người, dung dị cùa người dân Nam Bộ, “áo trắng trắng trong hồn con gái, nón lá làm nên dáng học trò “ và “ Cổ Chiên yêu dấu của tôi ơi, gió chuyển, sóng xô, nước ngõ lời, em chứa bao trăng mà dịu mát, hay là em chiếm nửa hồn tôi?”
     Phải rồi !  “Tôi thầm nhớ nước sông con gái, vẫn lửng lờ qua trái tim tôi, trong ánh mắt mạch đời ngây dại, tiếng lòng tôi vỗ sóng bồi hồi”. Làm sao tôi có thể quên một đời sông bến ấm, em bên tôi nghe sóng vỗ thì thầm, sóng là tình nước trăm năm, ai bỏ đi để mưa dầm gió giạt? Tôi nhớ con đường tình mang tên em có những quán cà phê thật tình tứ, nhạc dịu êm như tiếng hát ca dao, có khi ngũ cung, quê mùa chân chất như tiếng rao đêm của người bán dạo. Những khi như vậy em thường nhìn thật sâu vào mắt tôi và chờ một lời thơ.  Hình như em thích ướt mưa và hương đêm. Em thường tựa vào cánh tay tôi để cùng bước lên bờ nắng gió. Hương nước phù sa Cổ chiên và hương đất thoảng mùi hoa nở về đêm làm lòng em tê dại. Em đứng lại cho
 cõi thơ tôi kịp lắng đọng một lời tình. Tôi chọn tặng em những vò lan cánh mỏng, những đài lan xòe ra như cánh bướm bay, tỏa hương nhẹ nhàng cùng mùi áo em đang dạo gió. Tôi tản bộ cùng em theo những bước đi mưa phùn và đứng lại cùng em khi mưa mù tối mặt. Tôi cảm nhận như thời khắc bên em đang cùng trời cuối đất….Khi dòng sông và những cơn mưa lũ ùa về, nước sẽ chảy xiết và sóng sẽ trải nghiệm qua mùa gió chướng…
        Có một đời thơ sầu lắng, mềm và lãng mạn như suối tóc chảy suông khẽ khàng bảo với tôi rằng Nàng ngỡ mình sẽ khóc khi gặp tôi. không ngờ nàng rất vui và cứ mĩm cười ngồi bên tôi để nghe bạn bè trêu chọc. Chỉ là một bến thơ chờ thuyền trăng ghé lại phải không? Hương tóc  và những tâm tình chân thật như anh em cùng tiếng nói nhẹ như thơ của nàng khiến tôi ngồi sau xe, chưa biết vịn vào đâu mà vẫn vững hơn những ý nghĩ đang nghiêng xiêu trong lòng…
        Một vườn đời khác thì ngược lại, Nàng rỉ rả qua phone là khi gặp tôi tự nhiên bị ứa nước mắt, cũng may nhờ cặp kiếng râm, nàng loay quay giả bộ tìm chỗ đậu xe và lau khô hạt lệ “ nhạy cảm”. Chắc thơ tôi mang khá nhiều hình ảnh học trò đã làm trái tim nàng trùng nhịp một hình ảnh man man nào đó chưa quên được ! Những chùm hoa đỏ và màu mận chín vẫn miên man trên môi má  nàng.  Lòng nàng và những cành lá cùng lao xao trong gió, ánh trăng vẫn trao nàng kỷ vãng vằng vặc những ngảy xưa.
         Tôi vẫn mong được gặp Nàng thơ bút hiệu là tựa một bài hát, măc dầu không dám mời và cũng chẳng nói cùng ai. Khi diện kiến nàng tôi giả vờ tỉnh bơ để phút giây chao đảo theo quạt gió cuốn đi. Tôi lấy làm lạ là dáng vóc nàng có giống những tưởng tượng của tôi. Tự nàng đã tỏa hương thơ, chất thơ và dáng Nàng có chung nét đài các rất riêng mà hình như chỉ cõi thơ lặng lẽ, sâu sắt của Nàng mới đặt cảm xúc người đối diện đúng mức thôi.
     Tôi nhớ hình ảnh Đào Hoa Viên và công trình sáng tạo của chủ nhân, cũng như những bửa cơm thân mật với bạn bè. Chuyến đi Tam Bình cho tôi cảm giác thật lạ vì là lần đầu tôi đến vùng đất có cuộc khởi nghĩa chống Tây thời Pháp thuộc. Tôi cũng nhớ giàn hoa thiên lý có tổ ong mật mà chủ nhân T. Th. cho tôi tha hồ hái bông xanh mang về B.H.P. Tôi không phải dặn dò “…người bạn pháo binh . Anh rót cho khéo nhé kẽo lầm nhà tôi…”. Tôi được làm anh Hai vì T. Th. đã có anh Ba Phú Xuân, tính trừ cọng một chút, tôi ngẫu nhiên là anh của thằng bạn học năm nào ! ” Anh dệt thơ tình, em cũng thơ, thơ anh như suối chảy tuôn trào, hồn em say đắm chìm tận đáy, nhưng biết bao giờ anh mới hay?”. Trời đất ơi ! Nói hổng biết làm thơ thì ai tin đây?
(Chợ Vĩnh Long -ảnh Phan Vũ Bình)
     Rồi một sáng nắng vẫn dòn trên lá, sương đêm đã theo gió bay đi, sinh hoạt đời thường theo dòng định mệnh qua những chông chênh sỏi đá  kiếp người. Chiều nay trong số bạn bè sẽ có hai cõi lòng vấp bóng  nghiệt cảnh và thời gian, sẽ khép lòng rời Vĩnh Long tiếp nối chuyến đời lênh đênh xa xứ. Tiệc cà phê trở thành bàn rượu tiễn. Đối diện tôi là  Kh. Th. D., nàng gọi sinh tố mãng cầu “ em yêu sinh tố mãng cầu, võ xanh như áo thắm màu lá non, môi ai chín, má hồng dòn, người đi chắc nhớ vết son môi chờ “ ; L.A. thì ưa món kem dâu, “ môi người ngọt lịm kem dâu, dáng thơ ai thả những câu ân tình, giết người khi cứ lặng thinh, nắng mưa tỉnh lẻ riêng mình ướt mi” ; Th. H. dù rất bận rộn cũng đến từ giả bạn bè, nàng tự thưởng công mình bằng nước dừa tươi Vĩnh Long “ tâm tình ngọt nước dừa tươi, người đi kẻ ở nụ cười gửi trao, phố xưa  chưa vẫy tay chào, mà mưa với lệ trộn vào khăn tay”…Tôi không nhớ những khúc thơ khác riêng cho các bạn Trinh, Ng. Thúy, T. Thanh, Vĩnh, B. Tuyết , H. H. Tấn Trên, Huệ  và L. K.Hiệp. Riêng những khúc thơ ứng khẩu ở nhà Ng. H.thì bị tự kiểm duyệt, cấm phổ biến. Khi nghe tôi phát biểu cảm tưởng bằng những lối thơ không định hướng như vậy Kh. Th. D. đùa với tôi rằng “ Anh T. N. thả thơ nhanh và trữ tình như vậy chắc có nhiều phụ nữ khổ vì anh lắm?”. Tôi đáp lời nàng bằng nụ cười ỡm ờ thay vì phải nói thật lòng mình “ khi anh khổ trước rồi, bị sét đánh trúng tim thì chữ thơ mới thành lời đó Nàng thơ ơi!”.
      Cám ơn đất lành Vĩnh Long trường tồn trong trí nhớ, mái trường xưa với những tấm lòng thủy chung Huynh Muội, bạn bè và những lần hội ngộ làm dầy thêm quyển lưu bút ký ức đời tôi.

Phạm Tương Như (  CHS Tống Phuớc Hiệp / VL)
Hạ 2014

Đậy Nắp Bồn Cầu Trước Khi Giật Nước


Lý do phải đậy nắp bồn cầu khi giật nước:

Mỗi lần không đậy nắp bồn cầu khi giật nước, bạn sẽ khiến cho cả đám mây vi khuẩn độc hại bung ra ngoài, bám lên các bề mặt gần đó, một giáo sư người Anh vừa tuyên bố.
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy một điều rõ ràng là cái nắp bồn cầu có lý do tồn tại của nó", giáo sư Mark Wilcox, giám đốc lâm sàng vi sinh học tại Bệnh viện đào tạo Leeds, cho biết.

Không đậy nắp bồn sẽ làm tăng nguy cơ lây truyền các loại virus bệnh từ người này sang người khác.
Giáo sư Wilcox và cộng sự từ Đại học Leeds đã thực hiện khảo sát để xem việc sử dụng nắp bồn cầu có ảnh hưởng tới sự lây lan bệnh tật hay không, đặc biệt trong bệnh viện.

Thử nghiệm được thực hiện với một bồn cầu vô trùng, và chất thải nhiễm siêu vi khẩn C của bệnh viện.

Nhóm nghiên cứu phát hiện khi nắp bồn cầu mở, vi khuẩn này bay lên độ cao 25cm so với bệ ngồi toilet, và tiếp tục được phát hiện trong không khí đến tận 90 phút sau đó.

Ngược lại, khi đậy nắp bồn cầu, không có vi khuẩn C nào được tìm thấy trên bất kỳ bề mặt nào xung quanh, như bể chứa nước, sang bên trái và phải của toilet cũng như trên sàn nhà.

"Bằng việc quay phim có sử dụng chất nhuộm màu, chúng tôi nhận thấy toilet có thể văng ra 50 giọt nước nhiễm khuẩn trong mỗi lần giật nước", giáo sư Wilcox nói.

Điều đáng lưu ý là rất nhiều toilet bệnh viện không có nắp đậy, trở thành điều kiện lý tưởng để lây nhiễm chéo bệnh từ người này sang người khác.

"Lời khuyên của chúng tôi là hãy hạ nắp bồn cầu nếu có và rửa sạch tay sau đó".

Nam Chi Sưu tầm

Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

Gần Như Niềm Tuyệt Vọng - Trịnh Công Sơn - Tiếng Hát Suối Dâu




Sáng Tác: Trịnh Công Sơn
Đàn và Hát: Suối Dâu

Đợi Chờ


Tiễn anh đi em về qua phố nhỏ
Ngọn đèn vàng ủ rũ đứng gục đầu
Soi bóng lẻ hồn se buồn bỏ ngỏ
Gõ nhịp buồn chân lạc lõng canh thâu

Căn phòng vắng lạnh lùng mưa giăng rắc
Vách trắng in lặng lẽ bóng em ngồi
Bước anh xa góc trời mây che khuất
Giọt đắng nào rưng nhỏ giữa hồn côi

Anh làm sao hiểu hết những yêu thương
Em dấu kín trong mắt nhìn thinh lặng
Anh đâu biết cồn cào như ngọn sóng
Gửi theo anh nụ hôn ngất nồng nàn

Là em đấy … là tình yêu vời vợi
Về nơi anh xa thăm thẳm phương trời
Em khắc khoải vẫn nhủ lòng “cứ đợi”
Tháng năm dài…"người hẹn – sẽ về thôi !” 

Trần Thị Dã Quỳ

Thơ Tranh: Xuân Tàn Hạ Tới


Trích Thơ: ChinhNguyen/H.N.T.
Thơ Tranh: Kim Oanh

Nguyện Ước


Những ngày tháng vai đeo buồn triũ nặng
Gió ơi! Xin ban tặng chiếc quạt tiên
Quạt dùm vai trút bỏ những nỗi niềm
Nhè nhẹ buồn thay phiên nhau rơi rụng

Ngày tháng qua chồng chất những sầu chung
Nắng ơi! Xin soi sáng nỗi khốn cùng
Sưởi lòng ấm trùng phùng khi chia biệt
Trút sầu vơi đừng tự giết niềm yêu

Ngày tháng qua đôi môi nụ cười thiếu
Mưa ơi! Xin tuôn ân xuống trần nhiều
Đem tâm hồn tươi mát cánh hoa thêu
Rửa sạch vết thương lắm điều đau nhức

Mong sớm mai khi mặt trời vừa thức
Một ngày vui như vạn những ngày sau
Lau nước mắt chào nhau bằng lời mới
Lòng giao lòng đến trọn với tình chân

Kim Oanh


Nguyện Uớc


          (Cảm xúc từ Nguyện Ước của Kim Oanh)

Lòng vẫn biết, thời gian đi hoài nào trở lại
Mà mãi chờ từng xuân đến hoài mong
Từ chốn xa xăm bóng người ngày xa mãi
Nhuộm héo buồn năm tháng mỏi mòn trông

Từng cơn gió mùa đông buồn rũ rượi
Thấm lạnh lòng theo chân bước mỗi chiều hoang
Phố xá lung linh bao ngọn đèn khoe sắc
Như ghẹo đùa theo nhịp bước lang thang

Chiều phố cũ, còn vương đầy kỷ niệm
Những nụ cười đâu đó ngỡ còn vương
Mà giờ đây phố buồn như xa lạ
Đã lạc rồi từng góc nhỏ mỗi con đường

Lòng heo hắt theo tiếng nhạc buồn vẳng lại
Vờn bên tai như nhắc nhở chuyện tình qua
Cố nhân ơi thôi ta đành xa nhau mãi
Nụ cười buồn, khép lại giấc mơ hoa ....


Hoàng Dũng

Ước Nguyện


           (Họa tặng Muội Kim Oanh)

Mây mù gánh mỏi sầu ai chở nặng
Cát bụi hồng trần quạt gió tay tiên
Quẳng gánh nhẹ vai, vơi nỗi cạn niềm
Vô vi vị sắc ưu phiền rớt rụng

Trăm năm nguyện ước đôi lứa tình chung
Triền sống nhân gian vực khổ khôn cùng
Thương ít, hờn nhiều, tương phùng, ly biệt
Muôn trùng vết xước dìm chết tim yêu

Vui buồn thế sự tình đời dư thiếu
Cũng chỉ trăm năm thấu hiểu ít nhiều
Mộng đời cưu mang lớp áo dệt thêu
Cởi bỏ sân si, quên điều buồn, nhức

Chuông Thánh, mõ chùa ai vừa đánh thức
Cát bụi lưu hồn  đến được đời sau
Thức dậy sớm mai chào ngày rất mới
Hạnh phúc, yêu người từng mỗi bước chân!

Phạm Tương Như
06/17/2014



Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

Michael Jackson On Beer Bottles

Mời thưởng thức và chúc cuối tuần vui vẻ!


Yên Đỗ sưu tầm

Mấy Đông


Trời lập đông âm thầm nỗi nhớ

Vành môi chờ khép lại xôn xao
Buồn ơi biết đến bao giờ nữa
Hồn tựa trăng treo lơ lững sầu

Ôm đớn đau đưa vào giấc ngủ
Giọt tình sầu cuồng lũ con tim
Lá bên thềm gió còn lay động
Hay bước chân từ vọng cõi âm

Vỗ giấc nằm nghe mưa tháng Sáu
Tiếng buồn rơi áo não đêm thâu
Màu thời gian tháng năm chưa nhạt
Khúc phượng hoàng đành lạc phím tơ

Tháng Sáu còn đây mưa nỗi nhớ
Người xa người trở giấc chiêm bao
Mấy đông tàn kiếp hoa lần lựa
Trái tim côi im khép nửa đời

Bên đèn soi nằm nghe mưa tháng Sáu

Kim Phượng


Những Đường Vòng Quẩn Quanh



Em có còn thơ thẩn
Ngắm mặt nước hồ êm
Trái tim thèm say khước
Men rượu đắng tình nồng

Em bây giờ thiếu phụ
Lãng mạn còn hơn tôi
Những chiều thu quẳng áo
Đo kích thước mây trời

Những chiều đông xếp áo
Rét mướt khóc tìm tôi
Em bây giờ thiếu phụ
Giữa tuổi gần bốn mươi

Tay hao gầy nỗi nhớ
Mắt buồn gương kính soi
Tóc mơ hồ gỉa biệt
Những ngày xanh cuộc đời

Ôi chiếc vòng quẩn quanh
Gặp nhau chiều viễn xứ
Hồn anh em hãy ngủ
Đong đưa tiếp cuộc tình

Lâm Hảo Dũng

Thơ Tranh: Phố Cũ


Trích Thơ: Vĩnh Trinh
Ảnh Chụp: Thuy Hien
Thơ Tranh: Kim Oanh

Lúc Em Đi


Khuya em đi nhớ tắt dùm ngọn nến
Ta đâu cần ánh sáng nói chia tay
Tay khép cửa tay dài sâu cách biệt
Quẩn quanh đây khăn áo mỏng phơi bày

Đêm còn lại sẽ hỏi đời ta trước
Đời thấp cao địa ngục thiên đường
Em cổ tích của rừng sâu núi thẳm
Ngựa già nghe mỏi nắng biên cương

Đêm còn lại ta hỏi người đi khỏi
Bước phong ba sông biển thở âm thầm
Mưa là nước theo mây về lại
Sao người đi nến tắt rất xa xăm

Khuya em đi nhớ tắt dùm ngọn nến
Để ta chìm trong tối một thiêu thân

Lâm Hảo Khôi
(Tháng 3-2014)


Bóng Mù


Rồi ta xuống núi về đồng
rừng thiêng bỏ lại cái lòng rưng rưng
trên vai quảy gió theo cùng
mây ngàn heo hút mấy tầng núi xanh

Xuống đồi xuống núi nhẹ tênh
đồng bằng lạ lẫm đông ken cõi người
bão lòng tan nhẹ lá rơi
vết thương tươm máu hồn phơi nắng chiều

Bóng mù lẫn bước chân xiêu
nghe trong tình lạnh vương theo tiếng thầm
đời còn một chút dư âm
thì coi như đã biệt tăm bóng mình

Đêm sâu nuốt trửng niềm tin
lòng sâu cạn bến cái tình người xưa
tối hù mưa gió lưa thưa
đất trời cũng vậy cũng vừa xa nhau

Dò tìm bước thấp bước cao
đi trong đêm tối đường nào tới đây
bóng mù khuất nẻo đông tây
hồn rung tiếng khóc đêm dài nghìn năm

Trần Phù Thế

Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Hoa Tím Ngày Xưa - Thanh Sơn - Vũ Khanh


      Tình yêu anh dành cho em nhiều lắm, với kỷ niệm con đường anh và em đi về sớm trưa, đã cho anh biết bao hạnh phúc êm đềm trên con đường có hoa tím phủ đầy lối đi mà chúng mình đã dành cho nhau thuở nào.       Bây giờ em đã sang bến đỗ khác, hoa tím ngày ấy không còn chờ nữa, nhưng trong anh vẫn yêu mãi hình dáng em và con đường hoa tím không bao giờ quên của những ngày xưa đầy kỷ niệm đã qua


Sáng Tác: Thanh Son
Tiếng Hát Vũ Khanh
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Nếu Tôi Là Thiếu Phụ


Có ai nào hiểu được
Một tâm hồn cô đơn
Những đêm đông rét mướt
Những chiều hè bôn chôn

Ngày trôi qua vội vã
Trên từng ô cửa buồn
Trái tim tôi rộn rã
Đợi người chưa biết tên

Chàng ơi tôi còn lại
Chút hương nồng đôi mươi
Chàng ơi tình tự hái
Ý đẹp một hoa đời

Khi rừng phong thay lá
Đã bao mùa ly hương
Nếu tôi là tượng đá
Chắc sẽ không biết buồn

Nếu tôi là sóng cả
Muôn đời nhớ đại dương
Nếu tôi là thiếu phụ
Thà chết với yêu đương

Lâm Hảo Dũng

Sau Cơn Mưa


Trưa hôm nay sau cơn mưa trời nắng
Băng đá ngoài vườn vắng bóng hình em
Nhớ chiều nào trời chập choạng màn đêm
Ngồi bên nhau êm đềm bên lối nhỏ.

Bàn chân êm dìu nhau trên thảm cỏ
Ru thời gian lời thỏ thẻ mây chiều
Để bây giờ cơn gió thoảng hắt hiu
Hình bóng cũ mỹ miều không còn nữa.

Bến đợi riêng em về đâu một thuở ?
Bỏ lại cô đơn bến nước mong chờ
Sóng tình dâng theo ngọn gió hững hờ
Ta im lặng cho em tròn giấc ngủ.

Định ngừng viết bãi buôi lời tâm sự
Không hiểu sao ngàn ý nghĩ tràn về
Sau cơn mưa trời nắng ấm đam mê
Chiều xuống chậm mà tái tê niềm nhớ.

Dương Hồng Thủy

Lời Cuối Cho Người Thầy Kính Thương Huỳnh Hữu Trí

Melbourne 28/6/2013



       Thầy kính mến.
      Em bàng hoàng khi hay tin thầy rời xa chúng em, xa mái trường Tống Phước Hiệp thân yêu và  đồng nghiệp của thầy.
      Cách nay 2 tuần Thầy còn gửi lá thư cho học trò, dù Thầy vừa về từ bệnh viện.
      Thầy lúc nào cũng nghĩ đến học trò trước hết. Nhất là học trò bất hạnh phải không thầy.
      Em vừa làm bức tranh cho Thầy hôm kia, chưa kịp gửi thầy thì Thầy đã không còn nữa.
      Dù căn bệnh Thầy dần dần yếu nhưng sự đột ngột ra đi, em không cam tâm và không cầm được lòng khi nghe Cô kể trong nước mắt về Thầy trước phút chia xa. Em may mắn được nói lời tiễn Thầy giây phút sau cùng về Thầy trước phút chia xa. Em may mắn được nói lời tiễn Thầy giây phút sau cùng trước khi liệmnhưng đau xót lắm Thầy ơi.
      Từ nay em không còn được nghe lời Thầy khuyên nhủ mỗi khi em điện thoại về. Không còn nghe tiếng nói trìu mến và lạc quan để nâng đ tinh thần học trò lúc khổ đau, hoạn nạn. Không còn …..

      Tạm biệt Thầy! Vâng vì em chưa muốn nói lời Vĩnh Biệt vì Thầy đã, đang và sẽ mãi mãi bên cạnh học trò và nhất là mái gia đình thương yêu của Thầy Cô.
       Mãi mãi nhé Thầy!
      Nguyện cầu Hương Linh thầy được yên giấc nơi Cõi Vĩnh Hằng và luôn phù hộ cho Cô, Con, Cháu của Thầy luôn an lành và hạnh phúc Thưa Thầy.
       Cô và hai Em ơi! Cô và hai em hãy giữ gìn sức khoẻ, em luôn đồng hành, chia sẻ với  Cô và các em trong nỗi đau buồn này nhé Cô.
       Kính chúc Thầy ngủ ngon. Thầy Huỳnh Hữu Trí suốt cuộc đời tận tụy với học trò, Người Thầy, em mãi  kính trọng thương yêu!
         
         Học trò của Thầy
         Em Lê Thị Kim Oanh

   

Tôi Từng Mơ - Heinrich Heine



Mir Träumte Einst Von Wildem Liebesglühn

Mir träumte einst von wildem Liebesglühn,
Von hübschen Locken, Myrten und Resede,
Von süßen Lippen und von bittrer Rede,
Von düstrer Lieder düstern Melodien.

Verblichen und verweht sind längst die Träume,
Verweht ist gar mein liebstes Traumgebild'!
Geblieben ist mir nur, was glutenwild
Ich einst gegossen hab in weiche Reime.

Du bliebst, verwaistes Lied! Verweh jetzt auch,
Und such das Traumbild, das mir längst entschwunden,
Und grüß es mir, wenn du es aufgefunden -
Dem luft'gen Schatten send ich luft'gen Hauch.

Heinrich Heine 
* * *
Bài Dịch:
Tôi Từng Mơ 

Tôi từng mơ những cơn mơ say đắm
Mơ tóc mây, mơ lá, mơ hoa
Làn môi đẹp, những lời chua chát
Điệu đàn buồn và những bài ca

Những giấc mơ bây giờ tan biến
Cùng ảnh hình đẹp nhất thân yêu
Tôi chỉ còn câu thơ tha thiết
Ghi lại tình tôi một buổi chiều

Lời ca còn lại cũng tan thôi!
Hãy đi theo những giấc mơ đã mất
Chào giùm tôi, nếu như có gặp
Tôi gửi lời theo bóng mây trôi

Tế Hanh dịch
Kim Oanh sưu tầm

Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

Thành Kính Phân Ưu Gia Đình Chị Như Hoa & Anh Tương Như


longhovinhlong.blogspot.com Thành Kính Phân Ưu Cùng Gia Đình Anh Phạm Tương Như




Như Hoa & Phạm Tương Như Báo Tin Buồn


Chúng tôi Như Hoa và Phạm Tương Như báo tin buồn Nhạc Mẫu của tôi, 
Cụ Bà Trần Như Ý. Nhủ danh Võ thị Nhơn. Pháp danh Diệu Hương 
Sanh năm 1920 
Tại Minh Đức - Vĩnh Long
Tạ thế ngày 23 tháng 6 Dương Lịch năm 2014
Tại Bình Hòa Phước - Vĩnh Long
Hưởng thọ 94 tuổi
Di quan và an táng tại nghĩa trang gia đình, thuộc xã Bình Hòa Phước Vĩnh Long ngày 26 tháng 06 năm 2014

Chân thành cám ơn sự quan tâm, thăm hỏi của quý văn thi hữu và thân bằng quyến thuộc cùng nguyện cầu Hương Linh ngưới quá vãng sơm tiêu diêu lạc cảnh.

Thay thiệp tang

Phạm Tương Như & Như Hoa



Xướng Hoạ: Lang Biang

Bài Xướng:

        Lang Biang 
Máu lệ ai tuôn khắp núi đồi 
Biến thành sương khói mịt mù trôi 
Nhuộm hồng giải đất trên triền dốc 
Phủ trắng không gian dưới cổng trời 
Số phận trớ trêu dù buốt nhói 
Mối tình chung thủy vẫn trong ngời 
K'lang chàng hỡi, ngàn muôn kiếp 
Hồn thiếp H'biang mãi cạnh người. 
                                  Phương HÀ
                                Tháng 5/ 2014  

Các Bài Họa:  


       Đà Lạt Nhớ Người   

Mù mịt sương giăng núi tiếp đồi
Tình ta theo khói gió buồn trôi
Nhớ người thấp thoáng bên thông lạnh
Khỏa lấp niềm riêng trắng khoảng trời
Một tiếng chim bay vù cảnh đẹp
Ẩn trong ngàn lá sắc xanh ngời
Dựa non hè đẹp nghe chiều xuống
Lượm được vần thơ lại nhớ người 
                            Chân Diện Mục

        Thành Phố Sương Mù
 
Sương giăng phủ kín khắp nương đồi  
Đà Lạt mơ màng năm tháng trôi  
U  tịch Trúc Lâm lòng hướng Phật 
Lang Biang vòi vọi núi ngang trời 
Đồi thông Hai Mộ tình ai oán 
Thung lũng Tình Yêu cảnh rạng ngời 
Thành phố sương mù bao quyến rũ 
Lâm Viên luôn mãi đẹp lòng người  
                                   Quên Đi



Thơ Tranh: Tình Thơ


Thơ: Biện Công Danh
Thơ Tranh: Kim Oanh

Mơ Lại Tuổi Xưa


Ngày xưa áo trắng nhuộm đường
Trông em trìu mến như dường thiết tha
Một lần ghé bến ta qua
Như đôi hài nhỏ nàng mang chân người

Dễ thương thương quá là thương
Nhún nhường trong gió cho vừa trưa nay
Thẹn thùng ở tuổi ô mai
Về đây góc phố vui vầy thuở xưa

Đêm nay ta thấp nến chưa
Sao đành giấu mặt tình hờn trăm năm
Nặng lòng ta lắm nghe em
Đừng hờn ta nhé yêu em mất rồi

Lục Lạc

Con Kiến Mà Kiện Củ Khoai


      Ngày xưa, có một anh chàng sinh trưởng trong một gia đình giàu có. Nhà hắn có ao thả cá, có trâu bò, ruộng vườn khá nhiều. Ngày ấy ở gần làng hắn có một cô gái nết na, nhan sắc xinh đẹp, chỉ phải cái tội nghèo. Hàng ngày cô gái phải làm thuê làm mướn kiếm ăn. Anh chàng nhà giàu kia từng ngây ngất vì nhan sắc của cô. Mặc dầu không môn đăng hộ đối, nhưng hắn ao ước được cùng nàng kết làm bạn trăm năm. Sau đó nhờ có một người đàn bà làm mối, hắn được gặp nàng nhiều lần và chỉ non thề bể quyết lấy nàng làm vợ. Nghe hắn nói thế, cô gái vô cùng sung sướng và hiến thân cho hắn không tiếc gì nữa. Nhưng người đàn bà mối lái vốn là người chỉ biết có đồng tiền. Được tiền của anh nhà giàu cho, mụ vẫn chưa thỏa mãn. Đối với cô gái nghèo, mụ không “xơ múi” gì. Bấy giờ ở gần vùng đó có một cô gái nhà giàu ế chồng. Mụ bèn tìm tới tỉ tê với cô nọ bảo nếu cho mình nhiều tiền, mình sẽ đánh tiếng cho anh chàng nhà giàu kia. Cô gái nọ nghe nói mừng lắm, đút tiền cho mối để mụ ta liệu bề tác thành cho mình. Từ đó mụ mối luôn luôn buông lời gièm pha cô gái nhà nghèo. “Con này -mụ nói -thế mà không được đoan chính. Đã nhiều lần tôi bắt gặp nó tằng tịu với Đồ Vân. Đồ Vân học giỏi nay mai sẽ đỗ đạt…”.
      Thế rồi mụ ta nhen nhóm thêm lòng ghen tuông và tức giận của anh chàng, đồng thời nói tốt cho cô con gái mà mụ bòn lần hồi khi năm quan, khi ba quan không biết mỏi. Và mưu kế của mụ có hiệu quả: anh chàng kia từ ghen tức đến chán ghét người tình cũ. Cuối cùng anh chàng cho người đưa trầu cau dạm hỏi cô gái nhà giàu kia làm vợ. Ngày cưới của hai bên, cô gái nhà nghèo nọ bị tình phụ, lòng đau như cắt. Trong một phút tủi phận hờn duyên, nàng nhảy xuống sông tự tử. Cái chết của nàng đã làm cho cặp vợ chồng mới trở nên hối hận và lo sợ. Nhất là mụ mối thì như sét đánh ngang tai.
* * *
      Khi tất cả mấy người đó lần lượt chết xuống âm phủ, Diêm vương đã đọc hồ sơ, hiểu rõ nỗi oan uổng cũng như tội trạng của từng người và bắt họ phải trở lại dương thế để đền “nợ” hay báo “oán” của chính mình một cách xứng đáng. Mụ mối được thác sinh vào nhà một phú ông, anh chàng phụ tình lại thác sinh làm một người học trò nhưng không đất cắm dùi. Còn người bạc mệnh thì được ở lại cõi âm để theo dõi chúng mà báo thù. Cái Kiến, cô con gái phú ông rất đẹp và thông minh. Nhưng cha của nàng thì tính khí biển lận, ông ta chỉ biết có tiền tài và danh vọng, còn ngoài ra ông chả coi ai ra gì. Chàng thư sinh rất khôi ngô, học giỏi, văn hay, nhưng nghèo rớt mồng tơi. Chàng đã từng vác lều chiếu đi thi. Văn tài của chàng nổi tiếng khắp kinh kỳ, thế mà cứ hể vào trường nhất hay giỏi lắm vào đến trường nhì là bị loại ra ngay. Không làm cho đau bụng thì cũng bắt phạm “trường quy”, oan hồn của người bạc mệnh quyết không cho hắn đỗ. Mỗi lần không đỗ là một lần sự buồn bực kèm thêm với sự khốn khó dằn vặt anh chàng. Thế nhưng chàng vẫn lọt vào mắt xanh của cô Kiến. Cô gái phú ông vẫn tin tưởng rằng người học trò đó sẽ làm nên. Nàng ao ước sẽ được sánh duyên với chàng mới phỉ dạ. Hai người đã gặp nhau và thề bồi với nhau quyết giữ một lòng son sắt. Khi nghĩ đến cha mình, cô gái phú ông rất buồn vì biết ông khó tính. “Không đời nào ông ấy lại gả con gái cho một người nghèo xơ nghèo xác”. nam
      Nghĩ thế, nàng lập mưu ăn trộm tiền bạc của cha, mua vàng đúc thành một khối hình củ khoai. Không gặp nhau được, nàng nhắn người yêu giả làm người ăn xin đến nhà mình xin khoai, nàng sẽ tận tay trao cho món ấy để dùng làm sính lễ. Anh chàng y hẹn đã cải trang, mang bị gậy đến nhà phú ông xin ăn. Cô con gái mang khoai ra cho, trong đó có giấu củ khoai bằng vàng. Rồi đó, người mối của anh chàng xin chạm ngõ cái Kiến. Phú ông nghe nói sính lễ là một củ khoai bằng vàng mười thì ngạc nhiên. Nhưng rồi ông cũng nhận lời. Đến ngày cưới, khi họ nhà trai bưng sính lễ đến, họ nhà gái đổ xô ra xem để biết chàng rể của phú ông giàu có ngầm như thế nào. Củ khoai vàng được gói ba bốn tầng vải hồng điều. Không ngờ khi mở ra xem thì chả thấy vàng đâu cả mà chỉ là một củ khoai lang luộc thực sự. Oan hồn cô gái cố ý làm ra như vậy cho bõ ghét. Cả hai họ bật cười. Phú ông tức giận chửi mắng om sòm. Rồi để chế nhạo, ông cắt khoai biếu mỗi người một miếng. Chàng học trò không ngờ có sự lạ lùng ấy, vừa buồn rầu vừa xấu hổ đi luôn một mạch không trở về nhà nữa. Còn cái Kiến tưởng người yêu là một tay đại bợm: đã lấy mất vàng lại bày ra trò giễu cợt đó nên tức tối thành bệnh mà chết. Lúc xuống âm phủ lần này, nàng kiện với Diêm vương về việc củ khoai vàng, nhưng Diêm vương đã giở sổ vạch cho hắn biết những tội lỗi kiếp trước.

( Theo truyencotich.vn)
Huỳnh Hữu Đức

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Tóc Tiên


Thơ Cảm Tác: Võ Phan Trung
Thơ Tranh: Kim Oanh


Sáng Tác: Phúc Trường
Tiếng Hát Tóc Tiên

Lời Hay Ý Đẹp: 8 Bệnh Do Tức Giận Mà Ra


Mọi người đều biết tức giận sẽ ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe nhưng cụ thể là những bệnh gì và nó gây hại ra sao?

1. Nám da
Khi tức giận, một lượng máu lớn sẽ dồn lên não, nguyên nhân là do lượng ô-xy trong máu giảm, độc tố tăng cao. Độc tố sẽ kích thích nang lông phát triển, dẫn đến viêm quanh nang lông ở các mức độ khác nhau, từ đó xuất hiện các vết nám trên mặt.
Lời khuyên: Khi gặp phải những chuyện không vui, bạn hãy hít một hơi thật sâu, dang hai tay ra để điều tiết cơ thể để loại bỏ các độc tố.

2. Lão hóa tế bào não
Khi một lượng máu lớn dồn lên não, nó sẽ tạo sức ép cho động mạch. Lúc này hàm lượng độc tố trong máu tăng mạnh, lượng ô-xy giảm xuống mức thấp nhất. Các tế bào não sẽ giống như như bị trúng thuốc độc vậy.
Lời khuyên: Như trên

3. Loét dạ dày
Tức giận dẫn đến các dây thần kinh giao cảm bị kích thích hưng phấn, ảnh hưởng trực tiếp đến tim và động mạch, khiến cho lượng máu lưu thông trong đường tiêu hóa bị giảm, quá trình lưu thông diễn ra chậm, gây kém ăn, dần dần sẽ dẫn đến bệnh loét dạ dày.
Lời khuyên: Mát-xa vùng bụng khi căng thẳng

4. Thiếu máu cơ tim
Một lượng máu lớn dồn lên não và toàn bộ khuôn mặt, khiến cho lượng máu về tim giảm gây thiếu máu cơ tim. Trong khi đó, hoạt động của tim vẫn phải đảm bảo nên lúc này sẽ phải làm việc hơn bình thường gấp nhiều lần, dẫn đến nhịp tim đập bất thường.
Lời khuyên: Nhớ lại những kỷ niệm vui đã có trước đây để nhịp tim trở lại bình thường.

5. Gan bị tổn thương
Khi tức giận, cơ thể sẽ tiết ra một chất có tên là Catecholamine. Chất này tác động đến hệ thần kinh trung ương khiến cho huyết áp tăng cao, tăng cường phân hủy axit béo, các độc tố trong máu và gan cũng tăng theo tương ứng.
Lời khuyên: Hãy uống 1 cốc nước khi tức giận. Nước sẽ “rửa trôi” các axit béo tự do trong cơ thể, giảm bớt độc tố.

6. Kích thích tuyến giáp
Khi tức giận, hệ thống nội tiết trong cơ thể sẽ bị rối loạn, khiến cho hormone tuyến giáp tăng tiết, theo thời gian sẽ dẫn đến bệnh ở tuyến giáp.
Lời khuyên: Hãy ngồi xuống và thư giãn, nhắm mắt lại, hít thở thật sâu.

7. Hại phổi
Khi tâm trạng bị xúc động, nhịp thở sẽ rất gấp, phế nang liên tục mở rộng, ít co giãn, đồng thời cũng không thể thư giãn và nghỉ ngơi.
Lời khuyên: Tĩnh tâm, từ từ hít-thở sâu 5 lần, để cho phổi được nghỉ ngơi và thư giãn.

8. Tổn thương hệ thống miễn dịch
Khi tức giận, cơ thể sẽ theo mệnh lệnh của não tạo ra chất cortisol, hormone stress. Nếu như chất này bị tích lũy quá nhiều trong cơ thể, nó sẽ cản trở các tế bào của hệ thống miễn dịch hoạt động, làm giảm sức đề kháng của cơ thể.
Lời khuyên: Nghĩ lại những hồi ức đẹp trước đây mình đã có, cố gắng lấy lại trạng thái cân bằng lúc đầu.

Võ Thị Kim Đính sưu tầm