Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Tóc Tiên


Thơ Cảm Tác: Võ Phan Trung
Thơ Tranh: Kim Oanh


Sáng Tác: Phúc Trường
Tiếng Hát Tóc Tiên

Lời Hay Ý Đẹp: 8 Bệnh Do Tức Giận Mà Ra


Mọi người đều biết tức giận sẽ ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe nhưng cụ thể là những bệnh gì và nó gây hại ra sao?

1. Nám da
Khi tức giận, một lượng máu lớn sẽ dồn lên não, nguyên nhân là do lượng ô-xy trong máu giảm, độc tố tăng cao. Độc tố sẽ kích thích nang lông phát triển, dẫn đến viêm quanh nang lông ở các mức độ khác nhau, từ đó xuất hiện các vết nám trên mặt.
Lời khuyên: Khi gặp phải những chuyện không vui, bạn hãy hít một hơi thật sâu, dang hai tay ra để điều tiết cơ thể để loại bỏ các độc tố.

2. Lão hóa tế bào não
Khi một lượng máu lớn dồn lên não, nó sẽ tạo sức ép cho động mạch. Lúc này hàm lượng độc tố trong máu tăng mạnh, lượng ô-xy giảm xuống mức thấp nhất. Các tế bào não sẽ giống như như bị trúng thuốc độc vậy.
Lời khuyên: Như trên

3. Loét dạ dày
Tức giận dẫn đến các dây thần kinh giao cảm bị kích thích hưng phấn, ảnh hưởng trực tiếp đến tim và động mạch, khiến cho lượng máu lưu thông trong đường tiêu hóa bị giảm, quá trình lưu thông diễn ra chậm, gây kém ăn, dần dần sẽ dẫn đến bệnh loét dạ dày.
Lời khuyên: Mát-xa vùng bụng khi căng thẳng

4. Thiếu máu cơ tim
Một lượng máu lớn dồn lên não và toàn bộ khuôn mặt, khiến cho lượng máu về tim giảm gây thiếu máu cơ tim. Trong khi đó, hoạt động của tim vẫn phải đảm bảo nên lúc này sẽ phải làm việc hơn bình thường gấp nhiều lần, dẫn đến nhịp tim đập bất thường.
Lời khuyên: Nhớ lại những kỷ niệm vui đã có trước đây để nhịp tim trở lại bình thường.

5. Gan bị tổn thương
Khi tức giận, cơ thể sẽ tiết ra một chất có tên là Catecholamine. Chất này tác động đến hệ thần kinh trung ương khiến cho huyết áp tăng cao, tăng cường phân hủy axit béo, các độc tố trong máu và gan cũng tăng theo tương ứng.
Lời khuyên: Hãy uống 1 cốc nước khi tức giận. Nước sẽ “rửa trôi” các axit béo tự do trong cơ thể, giảm bớt độc tố.

6. Kích thích tuyến giáp
Khi tức giận, hệ thống nội tiết trong cơ thể sẽ bị rối loạn, khiến cho hormone tuyến giáp tăng tiết, theo thời gian sẽ dẫn đến bệnh ở tuyến giáp.
Lời khuyên: Hãy ngồi xuống và thư giãn, nhắm mắt lại, hít thở thật sâu.

7. Hại phổi
Khi tâm trạng bị xúc động, nhịp thở sẽ rất gấp, phế nang liên tục mở rộng, ít co giãn, đồng thời cũng không thể thư giãn và nghỉ ngơi.
Lời khuyên: Tĩnh tâm, từ từ hít-thở sâu 5 lần, để cho phổi được nghỉ ngơi và thư giãn.

8. Tổn thương hệ thống miễn dịch
Khi tức giận, cơ thể sẽ theo mệnh lệnh của não tạo ra chất cortisol, hormone stress. Nếu như chất này bị tích lũy quá nhiều trong cơ thể, nó sẽ cản trở các tế bào của hệ thống miễn dịch hoạt động, làm giảm sức đề kháng của cơ thể.
Lời khuyên: Nghĩ lại những hồi ức đẹp trước đây mình đã có, cố gắng lấy lại trạng thái cân bằng lúc đầu.

Võ Thị Kim Đính sưu tầm

Biển Và Em...


Ai đong được lòng ta nhớ biển
Nhớ những trưa ngắm suối giữa rừng.
Hòn đá cuội nhắc ta nhớ đến
Tên người yêu chỉ nói nửa chừng
Ai đo được lòng ta nhớ biển
Dù trăm năm cũng chẳng vơi đầy
Ai biết được lòng thuyền nhớ bến
Anh nhớ em từng phút từng giây.

Hhai

Thơ Tranh: Nhặt Giùm Thương Nhớ


Thơ & Thơ Tranh: Trầm Vân

Cố Nhân


      Nhận được điện thư của bà chị dâu báo tin sức khỏe của mẹ không được tốt lắm, Mỵ Khanh bàn với chồng năm nay nàng về ăn Tết với mẹ một tháng. Nam, chồng Mỵ Khanh thì nhất định không về VN, khi mà đất nước vẫn còn dưới ách thống trị của Bắc quân!
       Với số tuổi tám mươi chín, bà Tân đã như ngọn đèn sắp hết dầu. Tuy chỉ hơi bị lẫn, nhưng bà vẫn ăn ngủ bình thường, nói cười sang sảng. Thỉnh thoảng lên cơn suyễn, nhờ có thuốc của người anh rể Mỵ Khanh từ Canada gửi về nên không có gì đáng ngại. Hai năm nay cặp chân yếu hẳn nên bà ngồi một chỗ. Mỵ Khanh đã gọi về bao nhiêu lần, nói mẹ phải đi lại thường xuyên thì các bắp thịt mới không bị teo. Bà nhất định không nghe vì bị té nhiều lần khiến bà sợ hãi.

Trước khi đi một tuần nàng ăn ngủ không yên. Viết giấy dán trên tủ lạnh dặn dò con gái một tuần hai lần tưới cây cối và chừng ba mươi giò lan cho mẹ. Con gái la trời vì mẹ cứ dặn đi dặn lại thứ nào một tuần hai lần, thứ nào một tuần một lần, thứ nào phải xịt nước lên lá. Còn một số cây kiểng để trong garage…vv…và vv…khiến con bé cứ lộn tùng phèo. Sau cùng Mỵ Khanh đành thở dài, tự an ủi đến đâu hay đến đó. Cây nào may mắn thì sống. Không đủ may thì nghẻo! Nam thì mỗi chiều chịu khó ghé nhà con gái ăn cơm. Nếu không anh ta dám nhịn ăn, vì tài nấu bếp chỉ hạn chế ở món trứng chiên ốp la (đôi khi khét!)! Thấy vợ lo lắng Nam chép miệng:
- Em cứ lo con bò trắng răng. Cưng quên là hồi xưa anh đi hành quân liên miên, khi trong rừng, lúc trên núi. Lính tráng đánh giặc ăn toàn lương khô khó nuốt, vậy mà anh vẫn sống hùng, sống mạnh. Em đi có một tháng mà cứ lo anh chết đói. Yên chí về thăm mẹ cho vui vẻ. Bảo đảm lúc em trở qua, anh vẫn còn sống nhăn. (Nam đổi giọng tếu), mà không chừng vắng cô Bắc Kỳ nho nhỏ (của ngày xửa ngày xưa!), không phải hằng ngày nghe cái điệp khúc “anh phải ăn cái này, anh phải uống cái kia. Ý, không được làm cái nọ, nguy hiểm cho sức khỏe lắm….” anh sẽ… trẻ ra cả chục tuổi!
Mỵ Khanh háy chồng, mắt có đuôi:
- Xí, tại người ta lo cho mình chứ bộ! Được rồi. Cho mấy người tự lực cánh sinh. Ít bữa coi có cần bà già này không. Chỉ sợ có lúc sẽ năn nỉ tui mau mau trở qua… Chừng đó biết tay tui nha!
Nam cười cầu tài:
- Đùa thôi. Anh lúc nào chẳng cần đến bàn tay ngà ngọc của em săn sóc.
Mỵ Khanh cười:
-Vậy mới là người thức thời! Các ông sổng vợ ra là… hỏng ngay!
- Thôi, thôi, biết rồi. Khổ lắm nói mãi! Anh chịu thua! 
          Vợ chồng Mỵ Khanh là thế. Hơi khắc khẩu nhưng yêu nhau thắm thiết. Ngày xưa Nam đã theo đuổi nàng khổ sở mới lấy được. Ở ngoại quốc trai thừa gái thiếu mà lị!

* * *

          Hai ngày trước khi lên đường, xem TV thấy bên New YorkBoston chìm ngập dưới tuyết. Bao nhiêu chuyến bay bị dời lại, Mỵ Khanh lo quá. Lần này phi cơ sẽ ngừng ở phi trường Chicago trước khi tiếp tục đi Hồng Kông và trạm cuối là Phi trường Tân Sơn Nhất. May mắn đến ngày cuối, Chicago nắng đẹp. Nhưng phải ra phi trường lúc ba giờ sáng khiến Mỵ Khanh lo lắng thức luôn không dám ngủ. Mỗi lần qua đoan Mỹ là bực mình hết sức. Mặt mày mấy anh chàng nhân viên lạnh tanh, không thua khí hậu ngoài trời bao nhiêu. Hình như nhìn ai họ cũng thấy toàn là dân… khủng bố. Tháng vừa qua, vợ chồng Mỵ Khanh sang Mỹ thăm người bạn bị bệnh nặng, Nam bị bắt đi qua máy scanner. Chàng bất mãn, vì mỗi lần qua cái máy này, trong người bị nhiễm không nhiều thì ít chất phóng xạ!
          Trước khi chia tay, Mỵ Khanh căn dặn chồng đủ thứ. Nam gật đầu lia lịa cho vợ an lòng. Ôi, đàn bà Việt Nam! Lúc nào cũng chỉ biết lo cho chồng con. Họ vui vẻ, hạnh phúc là các bà vui vẻ hạnh phúc!
          Phi trường Chicago rộng mênh mông, nhưng được chỉ dẫn chu đáo. Tìm đến phòng đợi, nàng gặp vài người quen cũng về Việt Nam ăn Tết. Người đến từ Florida, kẻ đến từ Minnisota. Trẻ con chạy rần rần, người lớn thì người nằm kẻ ngồi la liệt. Nói chuyện cười hỉ hả thoải mái. Mỵ Khanh nhớ lần chuyển máy bay từ phi trường Charles De Gaulle bên Pháp, nàng đã gặp những gia đình Việt nam đi lao động từ Bắc Âu về Việt Nam ăn Tết. Trẻ con độ ba đến sáu bảy tuổi rượt đuổi nhau, la hét ầm ĩ. Chúng giựt những chiếc điện thoại công cộng từ trên giá xuống chơi. Sau đó bỏ treo tòng teng. Thế mà bố mẹ chúng vẫn bình thản nhìn đàn con chơi đùa như đang ở nhà mình. Những người ngoại quốc ngồi đó thì cau mày khó chịu! Mỵ Khanh không còn ngạc nhiên khi thấy nhiều người Việt Nam không còn dám nhận mình là người Việt khi người ngoại quốc có hỏi!
          Đẩy xe hành lý ra ngoài trong cái nóng hầm hập, tuy đã là cuối tháng mười hai. Mỵ Khanh nhìn dáo dác. Những tiếng gọi mừng rỡ “Cô. Cô. Tụi con đây nè!” khiến nàng quên hết mệt nhọc, sau hai mươi tiếng đồng hồ ngồi trên ba chuyến bay. Các cháu, con người anh quá cố của Mỵ Khanh, chạy đến vây quanh cô. Nàng nhìn các cháu lòng rưng rưng. Khi nàng rời khỏi đất nước thì có đứa còn chưa ra đời. Thế mà giờ đây đứa nào cũng con cái đề huề. Mỵ Khanh lên chiếc taxis bảy chỗ ngồi cùng các cháu về nhà. Bà chị dâu ngoài bảy mươi, năm nay tóc đã bạc nhiều hơn bốn năm trước. Mỵ Khanh thương chị vô cùng. Không hiểu sao ông anh duy nhất của nàng lại ham con đến thế. Hai anh chị hợp đồng sản xuất cả thảy một chục mười hai! Nàng nhớ ngày xưa, chị lúc nào cũng đầu tắt mặt tối, không khi nào ngơi với đàn con mười hai đứa. Có món ngon vật lạ gì đều nhường cho chồng, cho con. Thế mà vẫn bị mẹ chồng bắt ne bắt nét. Mỵ Khanh thường bênh chị dâu cãi lại mẹ.
          Bà Tân mong con gái về, nên dù đã hơn mười một giờ bà vẫn còn thức để chờ. Mỵ Khanh xót xa khi thấy mẹ gầy hơn trước. Nàng ôm mẹ giọng nghẹn ngào:
- Lần này con thấy mẹ gầy hơn trước. Mẹ ăn ngủ không được sao?
Bà Tân cười móm mém:
          - Mẹ già rồi ăn ngủ ngày càng ít đi con ạ. Không sao đâu, mẹ khỏe lắm. Con về chơi được bao lâu?
          - Con về thăm mẹ một tháng. Đáng lẽ ở lâu hơn, nhưng cháu Mỵ Hoa sắp sinh, con phải về sớm.
Bà Tân nhìn sang chị Tiến, chị dâu Mỵ Khanh, cười sung sướng:
- Thế là tôi lại có thêm cháu cố. Phúc đức quá!
Chị Tiến hối con dọn phở gà cho cô ăn trước khi đi ngủ. Lần này đi hãng United Airline cho ăn tệ quá nên Mỵ Khanh ăn tô phở gà (nhất là gà đi bộ, da vàng ươm, thịt dai chứ không bở rệp như gà công nghiệp) một cách ngon lành. Cả nhà nói chuyện đến hơn một giờ đêm mới chịu đi ngủ. Mỵ Khanh ngủ một giấc ngon lành đến 7 giờ mới dậy. Lúc bước ra khỏi phòng, mùi thức ăn thơm phức khiến nàng thấy đói bụng cồn cào. Cả nhà đã thức từ lâu và đang dọn ăn sáng. Chị Tiến hỏi:
- Cô ngủ ngon không? Chắc trái giờ còn khó chịu lắm.
Mỵ Khanh suýt soa:
- Chà thơm quá! Mấy hôm trước khi về tới đây mất ngủ, nên đêm qua em ngủ ngon lắm. Chị làm món gì mà thơm thế hở chị?
Chị Tiến cười:
- Mẹ nói cô vẫn thích xôi lúa nên sáng nay chị thổi xôi lúa và bánh cuốn cho cô dùng. Cô ngồi xuống đi. Để chị làm cà phê rồi mời mẹ ra ăn sáng luôn. Năm giờ mẹ đã thức rồi.
Mỵ Khanh vội vàng nói:
- Chị để đó em tự pha được rồi. Em uống cà phê không đường. Sợ bị mắc bệnh tiểu đường thì khổ, nên giờ hạn chế chất ngọt tối đa.
Chị Tiến cười khanh khách:
- Buồn cười thật cô ạ. Người nào ở nước ngoài về cũng ăn lạt như nước ốc. Kiêng đường, kiêng muối tối đa. Chị thì chịu thôi. Kiêng quá cũng không tốt đâu. Có khi trong người thiếu chất mặn, ngọt thì bỏ xừ!
Mỵ Khanh cũng cười:
- Ông bà ta nói “có kiêng có lành” mà chị. Thôi để em vào mời mẹ ra ăn sáng.
Chưa kịp vào thì bà Tân đã lọ mọ đi ra:
- Gớm, mới sáng mà các cô nói gì rôm rả thế? Mỵ (trong nhà gọi Mỵ Khanh là Mỵ cho gọn) ăn chưa con?
Mỵ Khanh dìu mẹ ngồi vào bàn:
- Con chờ mẹ ra mới ăn. Đêm qua mẹ ngủ ngon không? Con thì ngủ một giấc thẳng cẳng đến sáng. À, chị Tiến ơi, chút nữa em cần liên lạc với một người quen. Cô ấy ở ngoại ô xa xa. Em chỉ mới liên lạc vài ngày trước khi về đây. Cô ấy tên Kim Ngân.
- Bạn của cô hở?
- Không. Em chưa từng gặp qua. Có vài người bạn bên Canada và Mỹ nhờ em mang tiền về giúp cho các anh em Thương phế binh đang sống trong hoàn cảnh khó khăn. Gọi là chút quà mọn giúp cho gia đình các anh ăn Tết ấy mà. Cô Kim Ngân biết những người này. Em liên lạc để cô ấy dẫn em đi thăm và tặng quà.
Chị Tiến gật đầu, mặt thoáng ngậm ngùi:
- Thế thì tốt quá. Thỉnh thoảng chị đi phố gặp những người cụt tay cụt chân lê lết ăn xin ngoài đường. Trông họ nhếch nhác, rách rưới, bệnh hoạn  mà muốn rớt nước mắt. Những lần đó chị đều giúp đỡ chút ít. Cô nghĩ, nhà mình lúc trước cũng đâu khá giả gì.
Bà Tân xen vào:
- Tội nghiệp họ. Con giúp họ là tích phước cho con cháu.
Mỵ Khanh cười:
- Con chỉ làm hộ cho các bạn con thôi mẹ à. Với lại “ thi ân bất cầu báo” mà mẹ!
Ba người vừa ăn vừa nhắc chuyện xưa. Anh Tiến của Mỵ Khanh mất trên mười năm rồi. Hồi xưa anh cũng ở trong quân đội một thời gian, bị thương nên được giải ngũ. Về sau anh mất vì viêm gan. Chị Tiến ở vậy nuôi đàn con và mẹ chồng. Vì thế Mỵ Khanh rất quý chị.
Ăn xong nàng gọi điện thoại cho Kim Ngân. Một giọng Huế nhẹ nhàng từ đầu giây bên kia:
- Dạ, em nghe đây!
- Kim Ngân hả? Biết ai đây không? Nghe giọng Huế nhẹ như thơ hay quá là hay! Thôi nói ngay khỏi thắc mắc nhé. Chị Mỵ Khanh đây.
Có tiếng reo vui ở đầu giây bên kia:
- Ô, chị Mỵ Khanh! Chị về hồi nào?
- Chị về tới tối hôm qua. Ngày mai em rảnh không? Chị em mình sẽ gặp nhau.
Giọng Kim Ngân ngập ngừng:
- Chị Khanh ơi, hôm trước em có báo cho các chị trường hợp anh Quân đang nằm nhà thương, hôm nay anh về nhà rồi vì bác sĩ chê. Anh bị lở loét hết cả người, máu mủ tùm lum chị ạ. Em vào thăm mà anh cứ chảy nước mắt! Nhưng hôm qua có người bên Mỹ gửi cho anh ấy ba trăm. Vì thế chị em mình không cần phải giúp cho anh ấy nữa. Em hỏi thật chị nhe. Các anh chị định giúp bao nhiêu tiền để em tính.
Sau khi nghe con số, Kim Ngân nói:
- Vậy chúng ta sẽ giúp cho 6 anh. Mà họ ở xa lắm, tận Biên Hòa lận. Chị có thể đi đến đó được không?
Mỵ Khanh sốt sắng:
- Được chứ em. Em cứ cho địa chỉ đi. Chị sẽ đi taxis đến đó.
Kim Ngân ngập ngừng:
- Chị ơi, nếu chị em mình đi làm từ thiện, mà chi ra 600 ngàn tiền taxis thì em thấy phí quá. Số tiền này một người có thể sống cả tháng đó chị ạ. Em nghĩ vậy nhưng còn tùy chị. À chị có thể đi xe gắn máy không chị? Từ đây lên đó độ ba mươi cây số. Đi về vị chi là sáu mươi cây.
Mỵ Khanh giật mình, tự thấy ngượng nên vội nói:
- Nếu vậy cách tốt nhất là Kim Ngân đến nhà, rồi chị sẽ đưa tiền. Tùy em muốn cho ai cũng được nhé.
- Thế thì độ hai tiếng nữa em đến chị nhé. Em phải nhờ người trông hai đứa cháu nội rồi mới đi được. Hôm nay con dâu em đi làm chị ạ. Mà chị ơi, chị đưa tiền cho em như vậy chị không sợ sao?
- Sợ gì cơ? Sợ em giật hả? Chị sẽ níu áo anh Hưng bên Mỹ.
Hai chị em cười dòn dã. Kim Ngân có người anh lớn bên Mỹ. Anh Hưng sang theo diện HO. Trong gia đình có hai người anh tử trận. Một người trận Bình  Giả, một người trận Bình Long nên Kim Ngân rất thương các anh thương phế binh. Lúc nào rảnh là cô đi tìm các anh để cho tiền. Khi thấy trường hợp nào thê thảm quá thì cô liên lạc với anh trai bên Mỹ, nhờ anh vận động bạn bè xin giúp. Vợ chồng Mỹ Khanh quen Hưng qua một người bạn thân của Mỵ Khanh. Nghe nàng về, cô bạn mừng quá, gửi điện thư nhờ Mỵ Khanh cầm tiền về. Nàng liên lạc vài lần với Kim Ngân. Thế là quen.
Lúc cô cháu gái mở cửa mời khách vào, Mỵ Khanh không khỏi ngạc nhiên vì Kim Ngân đứng trước mặt nàng trẻ và xinh đẹp hơn nàng tưởng tượng. Hai chị em tay bắt mặt mừng. Mỵ Khanh không khỏi ái ngại vì Kim Ngân phải đổi vài chuyến bus mới tới đây. Nghe Mỵ Khanh nói, Ngân cười hiền lành:
- Nếu được làm hơn thế nữa em cũng làm chị ạ. Nhìn các anh thương lắm cơ. Những người ở thành phố nhận được giúp đỡ thường, nhưng các anh ở xa, có người từ mấy chục năm qua vẫn không nhận được bất cứ sự giúp đỡ nào từ nước ngoài. Hôm qua em phải lên chùa Từ Quang tìm anh Thân. Anh cụt hai chân, một tay không xử dụng được. Hằng ngày anh xin ăn trong thành phố. Chỉ cuối tuần mới lên xin trên chùa. Chùa ở xa, anh lại cụt hai chân nên không đi bus được. Lần nào cũng đi xe ôm. Có ngày xin không đủ trả tiền xe ôm nữa đó chị. Thế là đói!
Mỵ Khanh kêu lên:
- Sao ông xe ôm không chở dùm mà lấy tiền?
Kim Ngân cười khổ:
- Chị ơi, ông xe ôm cũng phải sống chứ. Chở dùm lấy tiền đâu nuôi vợ con hở chị?
Mỵ Khanh thấy yêu tiếng “Chị ơi” của Kim Ngân quá. Nàng tò mò:
- Thế em có tìm ra anh Thân không?
- Có chị ạ. Em đã tìm ra và chụp hình để làm hồ sơ. Hy vọng anh được bên đó giúp đỡ. Chỉ có điều địa chỉ hơi rắc rối. Anh hiện được tá túc trong một góc sân của một gia đình. Không biết nếu xin được, tiền gửi về địa chỉ này, người ta có đưa cho anh không.
- Chắc có chứ em. Tình cảnh anh ai mà đành lòng!
- Chị ơi, mãnh lực đồng tiền lớn lắm. Ở đây giết người vì chút tiền không hiếm đâu ạ.
Mỵ Khanh nói:
- Bần cùng sinh đạo tặc phải không em. Bây giờ thế này. Chị đưa số tiền chị nói hôm qua cho em. Em cứ tự nhiên giúp ai thì giúp. Khi nào rảnh em đưa chị đi thăm vài anh ở gần đây. Chị sẽ giúp thêm em nhé.
Kim Ngân vui vẻ:
- Được chị ạ. Ngày mai nếu chị rảnh, em đưa chị đi thăm anh Vũ Tuân. Anh ở gần  nhà thương Thống Nhất. Là nhà thương Vì Dân cũ đó chị. Anh này bị thương nằm một chỗ từ tháng hai năm 75. Nửa người anh, từ thắt lưng trở xuống không còn cảm giác. Anh nằm một chỗ với chiếc ống nhựa nối bàng quang với một túi ny lông chứa nước tiểu. Đã ba mươi ba năm như thế. Tuy nhiên tinh thần anh rất vững. Anh sáng tác thơ, làm PPS… gửi lên mạng khắp thế giới. Ngày mai chị đến thăm chắc anh mừng lắm. Mấy khi có người từ ngoại quốc về thăm.
Mỵ Khanh vui vẻ:
- Vậy ngày mai chị em mình hẹn gặp nhau trước cửa bệnh viện Thống Nhất nhé. À, Kim Ngân thấy anh ấy cần gì để chị mua mang đến?
- Anh Tuân nằm một chỗ nên cần hai loại thuốc viên làm từ nguyên liệu thiên nhiên. Viên gấc và viên tảo. Theo em biết, viên tảo là một dạng rong biển giúp anh đi cầu thông. Anh Tuân nằm một chỗ nên ruột làm việc yếu lắm. Anh cần uống loại này hằng ngày.
- Chị sẽ biếu thêm cho vợ anh ấy một chai dầu gió xanh. Chị thấy bên này rất chuộng dầu gió xanh.
Giọng Kim Ngân bỗng ngậm ngùi:
- Tội nghiệp chị Cúc. Tiếng là lấy chồng chứ thật ra vì thương hoàn cảnh của anh Tuân mà chị ấy về ở chung để săn sóc cho anh ấy, chứ bại liệt như anh Tuân, chị Cúc còn trông mong gì nữa? Em nghe nói mấy hôm nay chị ấy về quê thăm mẹ bệnh. Nhà chỉ có đứa cháu trông nom anh Tuân. Ngày mai mười giờ chị nhé.
Kim Ngân đi rồi, Mỵ Khanh bỗng thấy bâng khuâng. Vũ Tuân! Cái tên này gợi cho nàng một trời kỷ niệm. Của thời con gái. Vũ Tuân là mối tình đầu của Mỵ Khanh. Hai người gặp nhau trong một buổi chiều mưa. Sài Gòn mưa tháng sáu. Năm bảy tư, Mỵ Khanh đang học Văn Khoa năm thứ nhất. Hôm đó nàng cần mua cuốn sách nên ghé nhà sách Khai Trí. Hai bàn tay cùng đưa tới một lượt, cầm cùng cuốn sách. Một cách bất ngờ. Một bàn tay với những ngón thuôn dài trắng nuột nà và một bàn tay gân guốc phong sương. Mỵ Khanh giật mình rụt tay lại, nhìn qua bên cạnh và bắt gặp một cặp mắt sáng rực đang nhìn nàng. Nụ cười lộ hàm răng trắng đều trên khuôn mặt rám nắng của chàng trai:
- Xin lỗi cô. Tôi thật vô ý!
Mỵ Khanh ngượng ngùng:
- Dạ không có chi. Hôm khác tôi mua cũng được.
- Hình như cô cần cuốn sách để học phải không? Cô lấy đi. Tôi mua chỉ để đọc thôi. Không có cuốn này thì cuốn khác.
Mỵ Khanh ngạc nhiên:
- Sao ông biết tôi mua để học?
Chàng cười ranh mảnh:
- Chiếc cặp của cô nói cho tôi biết đấy.
Mỵ Khanh đỏ hồng đôi má:
- Tôi… tôi…
Chàng nhìn sâu vào mắt người con gái xinh thật xinh. Trong tà áo dài lụa đơn sơ màu thiên thanh, mái tóc dài óng ả, nổi bật đôi mắt to mơ màng trên khuôn mặt bầu bĩnh chưa mất hết vẻ trẻ thơ. Chàng bỗng mỉm cười, đôi mắt nhìn nàng trở nên nồng ấm:
- Đợi tôi một tí nhé. Nhớ đừng đi trước khi tôi trở lại đấy.
Không đợi Mỵ Khanh trả lời, chàng cầm cuốn sách đi nhanh lại quầy trả tiền. Ít phút sau trở lại, đưa túi xách cho Mỵ Khanh:
- Cầm đi cô bé. Cố học cho thật giỏi nhé. Hy vọng một ngày nào đó chúng ta sẽ gặp lại. Xin chào.
Chàng quay gót và Mỵ Khanh đứng đó như trời trồng, ngẩn ngơ với cuốn sách trên tay. Không thốt được nửa lời. Trời ơi, cô bé kêu thầm, có chuyện này thật sao? Mình sẽ gặp lại chàng một ngày nào đó? Mỵ Khanh lắc đầu, chớp chớp cặp mắt để trấn tỉnh. Người đâu mà lạ quá, không giống bất cứ người con trai nào nàng quen trước đây. Rồi cô bé cũng mỉm cười, cặp mắt trở nên mơ màng và trái tim non bỗng đập những nhịp bất thường.
Mỵ Khanh còn đứng đó thì chàng bỗng lại hiện ra, bằng xương bằng thịt trước mắt, cười cười:
- Ông Trời không muốn tôi xa cô bé rồi.. Ngoài kia đang mưa to. Tôi lại không đem theo áo mưa. Chúng ta tiếp tục trò chuyện trong khi chờ cơn mưa dứt hạt nhé. Tôi tên Tuân. Còn cô bé?
Mỵ Khanh cắn môi, ngập ngừng vài giây rồi quyết định:
- Tôi tên Mỵ Khanh!
Tuân kêu lên, giọng vừa ngạc nhiên vừa thú vị và đầy ngưỡng mộ:
- Mỵ Khanh. Tên đẹp quá và thật hợp với cô bé.
Mỵ Khanh mím môi bất mãn. Dám gọi người ta là cô bé. Có lẽ đoán được tâm trạng người con gái trước mặt, Tuân mỉm cười:
- Xin lỗi… Mỵ Khanh. (Ừ nhỉ, tên đẹp như thế không gọi thì… phí quá. Chàng nghĩ thầm). Tôi là lính trong binh chủng Biệt Động Quân. Tôi được nghỉ phép ít hôm nên mới có mặt nơi này. Có lẽ hôm nay là ngày may mắn của tôi, vì được làm quen với một người con gái… xinh nhất thủ đô.
Mỵ Khanh cau mày, trách móc:
- Ông nói xạo! Tôi rất tầm thường…
Tuân cười xòa:
- Không nhất thì nhì vậy nhé. Nhưng thật tình đối với tôi, cô bé là người xinh nhất.
Tuy ngoài miệng phản đối, nhưng trong thâm tâm Mỵ Khanh thấy vui vui. Cô gái nào không vui khi được khen đẹp?
Thế là nhờ cơn mưa mùa hạ mà họ quen nhau, rồi yêu nhau. Những buồn vui, giận hờn, nhớ nhung nối tiếp. Tuân miệt mài với chiến trận và Mỵ Khanh vẫn cắp sách đến trường. Họ dự định khi nàng ra trường thì cưới nhau. Cả một tương lai ngọt ngào trước mặt. Nhưng Tháng Tư Bảy Lăm đã khiến họ chia lìa vĩnh viễn. Mỵ Khanh theo gia đình xuống tàu Đại Hàn ra khơi, trong khi đó Tuân đang kẹt ở miền Tây….

*

Hôm sau với tâm trạng bồn chồn, Mỵ Khanh đến nơi hẹn với Kim Ngân. Hai chị em đi vào con hẻm khá rộng. Kim Ngân bảo cô đến thăm Vũ Tuân hầu như hàng tuần, để mang hồ sơ của các thương phế binh đến nhờ Tuân chuyển bằng e-mail ra ngoại quốc. Vũ Tuân dù nằm một chỗ nhưng với tinh thần quyết đấu, anh đã mày mò học xử dụng máy vi tính thật thành thạo và giúp các đồng đội cũ với tất cả tấm lòng và nhiệt tâm của anh. Nhìn thấy con hẻm rộng với nhà cửa khang trang. Những ngôi nhà nhiều tầng khiến Mỵ Khanh không khỏi thắc mắc. Nếu Tuân nghèo sao lại có thể ở trong khu nhà cao cửa rộng này. Nhưng chưa kịp hỏi thì Kim Ngân nói:
- Mình đến rồi chị. Nhà anh Tuân bên kia.
Thì ra, chen vào giữa những căn nhà lầu đẹp đẻ còn có một căn nhà nho nhỏ, mái tôn. Kim Ngân tự động mở cửa mời Mỵ Khanh vào. Gian trước trống trơn, có một chiếc xe máy, nghe nói của cháu vợ Tuân. Vì cô ấy đi vắng nên nhờ cháu đến trông dùm. Nhưng hình như anh ta đã đi đâu đó. Kim Ngân và Mỵ Khanh đi vào căn phòng phía sau. Kim Ngân nói to:
- Anh Tuân ơi có khách phương xa đến thăm.
Trong ánh sáng lờ mờ hắt vào từ khuôn cửa sổ, Mỵ Khanh thấy hình dáng một người đàn ông rất gầy nằm trên chiếc giường nhỏ, nửa thân dưới đắp chiếc chăn mỏng. Thấy khách vào, ông với tay lên sợi giây phía đầu giường kéo chiếc mành cho căn buồng sáng hơn. Mỵ Khanh tiến đến bên giường, nghiêng đầu nhìn. Tim nàng nhói đau. Cũng cặp mắt ấy, tuy kém tinh anh, nhưng vẫn ánh lên nét thông minh. Vầng trán rộng, mái tóc bây giờ muối nhiều hơn tiêu. Đúng là Tuân của nàng ngày xưa. Chỉ khác là tấm hình hài quá tiều tụy. Mỵ Khanh không nhịn được, nghẹn ngào:
- Anh Tuân!
Người đàn ông giật mình, chăm chú nhìn, bỗng kêu lên thảng thốt:
- Mỵ Khanh! Phải Mỵ Khanh không?
Sự bất ngờ khiến chàng đưa cánh tay về phía Mỵ Khanh một cách vô thức. Như một người sắp chết đuối định với một chiếc phao. Mỵ Khanh ngồi thụp xuống, cầm bàn tay gầy gò của chàng, thổn thức:
- Sao anh ra tới nông nỗi này? Sau khi sang Canada, em đã hỏi biết bao nhiêu người quen, nhưng không ai biết tin tức gì của anh cả. Em nghĩ là anh đã…
- Đã chết phải không? Tuân cười buồn, tiếp lời Mỵ Khanh. Anh cũng tưởng mình chết biết bao nhiêu lần. Nhưng trời Phật vẫn còn thương nên anh mới sống tới ngày hôm nay. Coi kìa, đừng khóc. Sưng cặp mắt đẹp bây giờ. Anh không ngờ mình còn được may mắn gặp lại em.
Mỵ Khanh lau những giọt lệ đang lăn dài trên má:
- Em cũng vậy. Khi nghe Kim Ngân nói tên anh, em đã hy vọng là anh thật.
Kim Ngân từ trong bếp bước ra với khay nước mời khách. Thấy Mỵ Khanh đang cầm tay Tuân, cặp mắt đỏ hoe, vội hỏi:
- Ủa, hai anh chị quen nhau à?
Tuân cười:
- Mỵ Khanh và anh quen nhau trước bảy lăm.
Kim Ngân cười ranh mãnh:
- Thì ra là cố nhân!
Mỵ Khanh phân trần:
- Năm bảy lăm chị theo gia đình rời Việt Nam bằng tàu Đại Hàn. Sau đó sang định cư Canada và mất tin tức anh Tuân từ đó đến nay. Thật bất ngờ cho chị khi gặp lại anh trong tình cảnh này! Thú thật chị vừa mừng cũng vừa đau lòng quá em ạ!
Nói xong Mỵ Khanh lại rơm rớm nước mắt. Tay nàng vẫn nắm chặt bàn tay gầy gò của Tuân. Chàng để yên và nhìn Mỵ Khanh với cặp mắt thật thiết tha:
- Anh cám ơn trời Phật đã dun rủi cho em đến với anh hôm nay. Biết bao lần anh từng mơ thấy em. Được nắm tay em một lần như hôm nay là anh mãn nguyện. Anh nghĩ là em đã có một gia đình rất hạnh phúc phải không? Anh ấy thế nào?
Mỵ Khanh gật đầu:
- Nam là một người chồng tốt. Anh ấy rất yêu em. Chúng em có hai con. Một trai một gái. Khi em sang Canada, lúc đầu vừa đi học vừa đi làm. Cày cục mãi cũng lấy được mãnh bằng kế toán. Em đi làm cho một công ty kế toán lớn và nơi đây em đã gặp Nam. Em lập gia đình suýt soát ba mươi năm rồi.
- Thế mà vẫn trẻ trung và xinh đẹp như ngày xưa. Chỉ hơi đẫy người ra một tí. Nhưng càng đẹp!
- Anh không thay đổi tí nào. Vẫn miệng lưỡi ngọt như mật!
Tuân cười, nheo mắt:
- Vì thế ngày xưa mới có một cô bé tên Mỵ Khanh chịu yêu anh lính quèn phải không? (Và Tuân đổi giọng nghiêm nghị) Anh chỉ đùa cho vui thôi, em đừng hiểu lầm nhé. Thân phận anh ngày hôm nay chỉ là một kẻ tật nguyền, một người vô dụng.
Mỵ Khanh vội cướp lời:
- Không, anh đừng nói thế. Tuy không còn nguyên vẹn như xưa, nhưng dù nằm một chỗ, anh vẫn giúp được những bạn bè hoàn cảnh bi đát hơn anh kia mà. Em nghe Kim Ngân kể, có những anh vừa mất cả hai chân, vừa mù cả hai mắt, còn đeo thêm bệnh tâm thần. Anh như thế này phải kể là còn may mắn anh ạ.
Tuân kể, giọng uất nghẹn:
- Em chưa biết anh đã sống như thế nào sau ngày mất nước đâu. Những tù cải tạo như anh, có bị thương nặng cỡ nào cũng bị họ xem như đống giẻ rách. Anh đã từng chết đi sống lại hang trăm lần. Bị thương bầm dập từ thắt lưng trở xuống, nằm một chỗ đến nỗi lở loét cả người, máu mủ bê bết. Mà thôi, nhắc lại làm gì cho mất vui phải không em. Có ai ngờ chúng mình còn có cuộc hội ngộ ngày hôm nay.
Mỵ Khanh đau xót, nước mắt rưng rưng:
- Kể cho em nghe hoàn cảnh của anh sau ngày em ra đi...
Tuân mỉm cười, giọng đầy yêu thương:
- Vẫn mau nước mắt như xưa! Ừ, để anh kể lại em nghe khúc phim dĩ vãng đầy thương đau của anh…
… Sau ngày Quân đội miền Nam tan đàn rã nghé, Tuân đã luồn lách từ miền Tây về Sài Gòn và tìm đến nhà người yêu thì cửa đã đóng im ỉm. Hàng xóm cho biết cả gia đình đã ra đi hôm hăm tám tháng tư. Với cõi lòng tan nát, chàng về nhà trên khu Lăng Cha Cả tá túc với mẹ. Khi ra trình diện chàng bị bắt đi học tập cải tạo như tất cả quân cán chính của chế độ Việt Nam Cộng Hoà. Trong một lần đi gỡ mìn, trái mìn nổ tung khiến thân thể chàng bị thương trầm trọng. Hai người khác bị tử vong. Trong những ngày chiến đấu với tử thần, sự đau đớn khốc liệt khiến Tuân có ý nghĩ chẳng thà chết quách như hai người kia mà khỏe thân hơn. Nhưng rồi tất cả cũng qua đi. Giòng sông đời vẫn lạnh lùng trôi. Cuốn theo những mảnh đời bèo bọt. Không thể làm gì để thay đổi, chàng đành chấp nhận sống những tháng ngày khổ ải, chán chường. Cho qua ngày đoạn tháng. Cho hết một kiếp điêu linh. Mỗi khi hồi tưởng lại chàng không khỏi rùng mình. Dưới chế độ này, thân phận người Thương phế binh của chế độ cũ như chàng không hơn một con vật. Họ sống lây lất khắp hang cùng ngõ hẻm, nhờ vào lòng từ tâm của ông đi qua bà đi lại. Chàng không hề có ý định hỏi thăm bất cứ ai để tìm lại Mỵ Khanh, khi nhìn lại cơ thể tật nguyền của mình. Tìm làm gì? Yêu là hy sinh. Là mong cho người yêu được hạnh phúc. Vì thế chàng phải vĩnh viễn biến ra khỏi cuộc đời Mỵ Khanh.
Những giọt nước mắt nóng hổi rớt xuống bàn tay gầy guộc khiến Tuân choàng tỉnh. Chàng nhìn người thiếu phụ đang nắm bàn tay xương xẩu của mình, những giọt nước mắt vẫn tiếp tục rơi khiến chàng xót xa. Tuân cố cười thật tươi:
- Nhưng hôm nay anh vui lắm. Được gặp lại em, dù một lần là anh mãn nguyện. Càng vui hơn khi biết em hạnh phúc với chồng con. Mỵ Khanh, chuyện chúng mình đã là dĩ vãng. Em yên tâm, anh không hề đòi hỏi em bất cứ chuyện gì. Cứ xem nhau như bạn bè thân thiết và quên đi những ngày hoa mộng xưa.
Giọng Mỵ Khanh nghẹn ngào:
- Em cám ơn anh. Em cũng hiểu, những gì đã qua không thể quay lại. Vậy trong thời gian em còn ở đây, anh cho phép thỉnh thoảng em đến thăm anh. Về bên kia, em sẽ thường xuyên gửi E-mail. Nhưng không biết có phiền lòng chị ấy hay không?
Tuân cười, giọng bỗng reo vui:
- Mỵ Khanh đừng lo. Ngọc Điệp vì cám cảnh mà chịu lấy anh. Em xem, anh đem lại gì cho cô ấy? Điệp rất dễ thương, có tấm lòng Bồ Tát. Suốt đời anh chỉ biết cắn cỏ ngậm vành, tri ân cô ấy. Nếu không chê, Tết này em đến ăn một cái Tết nghèo với gia đình anh.
Mỵ Khanh nhìn Tuân, ánh mắt đầy trách móc:
- Phải nói là em được hân hạnh đến ăn Tết với anh chị. Anh yên tâm, em sẽ đến. Đây sẽ là cái Tết hết sức ý nghĩa đối với em.
Giọng Kim Ngân từ bếp vọng lên:
- Anh chị tâm sự xong chưa? Em đã hâm xong bánh cuốn rồi nè. Chúng ta ăn trưa nhé. Để mừng cuộc hội ngộ của anh Tuân và chị Mỵ Khanh. Không ngờ hai anh chị đã có một cuộc tình thơ mộng. Em rất ngưỡng mộ.
Tuân mắng yêu:
 - Cô đáng đánh đòn lắm nhé. Không chịu báo cho anh biết trước. Chỉ nói là có người từ phương xa về thăm.
Kim Ngân cười khanh khách:
- Em muốn dành cho anh một bất ngờ. Mà bất ngờ thật phải không anh? Không cám ơn mà còn mắng em. Thiệt tình!
Tuân và Mỵ Khanh nhìn nhau mỉm cười. Họ thấy không cần nói gì nữa. Mùa Xuân đang bước đến. Thật rộn ràng và ngọt ngào … 
                                  
Tiểu Thu
Mùa Xuân 2011

Thơ Tranh: Galveston Ngày Gió


Thơ & Thơ Tranh: T

Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

Giải Nghĩa Từ Hán Việt - Đôi Điều Cần Suy Gẫm


I / Xuất Xứ của Từ Hán Việt

      Từ thuở khởi đầu dựng nước, Tiền nhân ta đã hình thành và phát triển một nền văn minh rực rỡ. Đó là nền Văn Minh Lúa Nước, cùng lúc chữ viết cũng được hình thành. Chữ Viết này, ngày nay chúng ta gọi là chữ Việt Cổ, tượng Thanh có hình dáng như con nòng nọc, được thể hiện trên các Trống Đồng cũng như trên các di chỉ khảo cổ được tìm thấy (*).

      Qua hằng ngàn năm Bắc Thuộc, các vương triều phương bắc thực hiện mạnh mẽ chính sách đồng hoá dân bản địa, như trường hợp Sĩ Nhiếp đã  phá huỷ và cấm lưu hành chữ viết thời Hùng Vương, bắt dân ta học chữ Hán. Tuy không bị đồng hoá, nhưng nước ta vẫn bị ảnh hưởng nhiều về văn hoá học thuật của người Tàu. Chữ Việt Cổ đã dần mai một và đi vào quên lãng.
Sau thời gian dài Bắc thuộc, các triều đại của chúng ta hầu hết đều lấy chữ Hán làm chữ viết chính trong nước.
Để thuận tiện, Tiền nhân đã phiên âm chữ Hán theo giọng đọc của người Việt. Chữ hán phiên âm được viết ra theo chữ Quốc ngữ gọi là từ Hán Việt.

Chữ Việt Cổ Trên Trống Đồng
 
           II / Điều Cân Nhắc Khi Giải Nghĩa Từ Hán Việt.

      Cũng từ cách viết các phiên âm thành chữ Quốc ngữ, do không có chữ gốc là Hán Tự, nên đã xuất hiện những cách giải nghĩa từ Hán Việt khiến người xem đôi lúc phải dở khóc dở cười.
      Có 5 nguyên nhân khiến chúng ta thường giải nghĩa sai từ Hán Việt:
1 - Nghĩa chữ thay đổi :
Thí dụ như chữ "Lang Bạt: 狼跋 "
- " 狼跋其胡 Lang bạt kỳ hồ” là một câu trong “Kinh Thi” của Trung Hoa. “Lang” là chó sói, “bạt” là giẫm đạp, “kỳ” là một đại Danh từ thay thế cho danh từ “lang”, còn “hồ” là cái yếm da dưới cổ của một số loài thú.
Hầu hết Tự Điển ngày nay đều giải nghĩa là trôi dạt lang thang đó đây.
Theo Tự Điển Hán Việt của Đào Duy Anh:
- Lang Bạt Kỳ Hồ là con sói đạp cái bọc da ở trước cổ nó. Không thể đi được (ý chỉ sự lúng túng.). Người mình lại thường dùng mấy chữ ấy theo nghĩa trái hẳn .
Ngày nay từ Lang Bạt đã trở thành Từ Nôm mang nghĩa: Đi nơi này nơi khác không định chỗ nào.

2 - Một từ Hán Việt có nhiều Hán Tự khác nhau:
      Như chữ Phụ. Chỉ một chữ Phụ này thôi, Hán Tự có nhiều chữ khác nhau, mỗi chữ lại nhiều nghĩa:

3- Từ Hán Việt sử dụng thông dụng đã  trở thành  từ  Nôm:
- 鍾 chung : tụ họp, của chung.
- 鍾 Chung cư : chỗ ở chung.
- 贒
hiền
: hiền lành tốt bụng.

Vũ trụ, tạo hoá, thiên nhiên, tự nhiên...

4 - Cùng một từ Hán Việt nhưng nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau:
- Chữ Minh : chữ  Hán có nhiều cách viết, nhưng chúng ta vẫn đọc, viết là Minh
minh
: u ám tối tăm ; Minh Nguyệt : trăng mờ
明 Minh : Sáng sủa ; 明月 Minh Nguyệt : trăng sáng
Chúng ta thấy Minh Nguyêt nếu viết bằng chữ Hán là hai chữ khác nhau, nghĩa cũng khác nhau. Nhưng khi viết bằng chữ Việt, nếu đứng riêng rẽ, chúng ta sẽ không biết phải giải nghĩa thế nào cho đúng.

5 - Một Từ Hán Việt theo nghĩa Việt có nhiều nghĩa:
- Như chữ Phụ : 
-婦 phụ : người vợ; người đàn bà có chồng.
- phụ : ba , người sanh ra mình

 Chữ Phụ đi chung với chữ Hiền ; Hiền Phụ ta sẽ được hai cách giải nghĩa.  
: người vợ hiền
: Người ba hiền

      Ngoài ra, do xã hội ngày càng phát triển, có những tiện nghi mới phục vụ cho cuộc sống của con người. Ngôn ngữ cũng phải có nhiều từ mới để theo kịp sự tiến bộ của nhân loại. Chính vì thế đã xuất hiện nhiều từ ghép giữa Từ Nôm và Từ Hán Việt. Đó là qui luật phát triển ngôn ngữ, những từ mới này, nếu không hợp lý, sẽ tự đào thải, chúng ta không thể cho ra phán quyết đúng sai. Điều này cũng ảnh hưởng đến cách giải nghĩa của chúng ta.

      Qua những điều kể trên, khi muốn đinh nghĩa các từ Hán Việt, chúng ta cần cân nhắc kỹ lưỡng tránh tình trạng giải thích chỉ một chiều.
 ....
Giải Mã chữ Việt Cổ

      (*) Giới nghiên cứu trong nước và nước ngoài như Anh, Czech.. đã xác nhận: “Ngay từ trước Công nguyên, người Việt đã có chữ tượng thanh - loại chữ ghép chữ cái thành từ”. Điều này được thể hiện trên các di chỉ khảo cổ đồ gốm, đồ đồng của thời kỳ Đông Sơn như: lưỡi cày, đặc biệt là trống đồng… cùng các hình vẽ, chữ viết trên đá cổ Sa Pa, Xín Mần, Pá Màng… theo một hệ thống nhất quán, tất cả đều thể hiện đó là những chữ viết cổ từ thời kỳ tiền văn tự, phát triển và hoàn thiện dần thành bộ chữ Khoa Đẩu. Đây là loại chữ lưu truyền từ thời Vua Hùng, có hình dáng như những con nòng nọc. Chính loại chữ Khoa Đẩu này đã được nhiều học giả trong nước khẳng định như: Giáo sư Hà Văn Tấn, Lê Trọng Khánh, Giáo sư Bửu Cầm, Giáo sư Đỗ Quang Vinh…

Huỳnh Hữu Đức

Mộng Xa Nghìn Trùng



Đường chông gai gót mòn chân mỏi
Đời đắng cay không khỏi vướng sầu
Niềm vui níu được bấy lâu?
Chỉ mong quẳng gánh chôn sâu nổi buồn

Mơ về quê có nguồn sông Cửu
Nước ngọt phù sa chứa chan tình
Hương thơm đồng lúa bình minh
Ruộng vườn lam lũ an bình ngày qua

Ngô khoai sắn gạo cà dưa muối
Mắm khô rau quả buổi sáng chiều
Đêm về những khoảng đìu hiu
Vẳng trong tiếng gió sáo tiêu não nùng

Câu ca giọng cổ cùng hò lớ
Sẽ chạnh lòng kẻ bỏ phồn hoa
Dân quê mộc mạc hài hòa
Mộng bình thường ấy cách xa nghìn trùng

Khúc Giang

Thơ Tranh: Góc Khuất


Thơ & Thơ Tranh: Kim Quang

Giữa Một Chiều Mưa



Cơn mưa chiều đổ từ trong bất chợt
Hạt nhanh nhanh gợi ký ức xưa buồn
Ngày tháng nào bên trời cũ quê hương
Từng hạt mưa rơi trên vùng tóc ướt

Có những sớm mai rộn ràng đến lớp
Có những chiều về lất phất mưa giăng
Tà áo dài bay quất quýt lăng xăng
Dáng dấp chim non giữa vùng mưa suốt

Hương tóc ướt thơm vì mưa hong ướp
Mắt môi tươi nhem nhuốc bởi mưa rào
Lá trên cành từng chiếc cuốn lao xao
Mùi đất mới ngạt ngào xông khắp lối

Hồn thiếu nữ thanh tân hồn phơi phới
Mặc mưa giăng vẫn ấm áp xanh màu
Trí tưởng trong lành như ánh trăng thâu
Chân sáo tung tăng trên đường loang nắng

Mưa cứ đổ trên tàn phai nhung gấm
Bấy nhiêu năm mưa cứ đổ theo mùa
Buổi chiều buồn buồn hơn kiếp mưa thưa
Chớp khẽ đôi mi đời cũng vừa nửa phận 

Vĩnh Trinh

Xuồng Xưa - Thơ Anh Tú - Hương Nam Diễn Ngâm



Thơ: Anh Tú
Diễn Ngâm: Hương Nam
Thực Hiện: Khúc Giang

Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Các Trường Phái Ca Vọng Cổ - Của Các Nam Nghệ Sĩ Thuộc " Thế Hệ Vàng"

       Thập niên 60 đến cuối thập niên 80 của thế kỷ XX là thời kỳ phát triển và hưng thịnh nhất của Cải lương miền Nam. Trong giai đoạn hoàng kim này, có lúc Cải lương lấn át cả Tân nhạc. Theo thống kê, riêng trong thập niên 60 tại vùng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định đã có tới 39 rạp hát cải lương. Những đoàn hát nổi tiếng được mệnh danh là đại bang gồm: Thanh Minh Thanh Nga của bà bầu Thơ, Dạ Lý Hương của bầu Xuân, Kim Chung (gồm 7 đoàn) của bầu Long, Hoa Anh Đào Kim Chưởng của bà bảy Chưởng, Hương Mùa Thu của soạn giả Thu An… Các nam nghệ sĩ thượng thặng được gọi là “thế hệ vàng” gồm có: Út Trà Ôn, Thanh Hải, Hữu Phước, Hùng Cường, Thành Được, Thanh Tú, Thanh Sang, Tấn Tài, Chí Tâm, Dũng Thanh Lâm, Minh Cảnh, Minh Vương, Minh Phụng…

      Cái hay của các nghệ sĩ tài danh thuộc “thế hệ vàng” này là sự khổ luyện để tìm cho mình một nét riêng trong nghệ thuật ca diễn, để không ai có thể nhầm lẫn giữa một nghệ sĩ này với bất kỳ một nghệ sĩ nào khác được! Và theo sự nhận định của nhạc sư Trần Quang Hải, giọng ca của các nghệ sĩ tài danh này có thể được phân chia thành các trường phái như sau:

1- Trường phái Út Trà Ôn:

Soạn Giã Viễn Châu, Út Trà Ôn

      Tiêu biểu có Thành Được, Thanh Hải, Phương Quang, Thanh Sang. Những nghệ sĩ thuộc trường phái này ca chân phương, mùi mẫn, hùng tráng, âm vực rộng, khi hát họ không ngân mà thường “hơ”. Câu ca được phân nhịp độc đáo, kết hợp nhuần nhuyễn giữa ca và diễn. Đa số là giọng đồng, một số có giọng kim pha thổ. Đây là trường phái ca mẫu mực, không lạng bẻ, kiểu cọ, sang trọng và hay nhưng hơi xưa, so với thời nay. Những giọng ca trẻ ngày nay không theo trường phái này!

2- Trường phái Hữu Phước: 


      Gồm có Út Hiền (mặc dù là đệ tử của Út Trà Ôn), Hà Bữu Tân, Hoài Vĩnh Phúc. Những nghệ sĩ này có giọng ca rất mùi, chín, có hơi ngân như tân nhạc. Phân nhịp trong lòng câu thường là nhịp lẻ, nháy lót khi dứt câu nghe rất hay. Đa số là giọng kim pha thổ. Đây là trường phái có thể thích ứng với lớp trẻ sau này. Lối ca của Hữu Phước có xưa, những hậu duệ của ông theo trường phái này áp dụng cách ngân nga làm cho câu vọng cổ trở nên mùi hơn, êm hơn, mới hơn, ca tân cổ dễ quyến rũ người nghe một cách êm đềm, sâu lắng. Nghệ sĩ Trọng Phúc là đại biểu trẻ nhất của trường phái này.


3- Trường phái Minh Cảnh: 

Nghệ sĩ Minh Cảnh trên sân khấu Kim Chung xưa 

       Gồm có các nghệ sĩ Minh Vương, Minh Phụng, Giang Châu, Linh Vương, Tuấn Anh, Ngân Giang. Đây là trường phái ca mới, tuy là ca với giọng kim, giọng đồng nhưng có nhiều cách tân trong cách ca vọng cổ, khác hẳn hai trường phái trên. Sự xuất hiện của giọng ca Minh Cảnh như một làn gió lạ. Sau nhiều năm thưởng thức nghệ thuật ca chân phương, truyền cảm, trầm hùng, nay khán giả được nghe cách ca vọng cổ bay bổng, lả lướt, ẻo lả, trữ tình, sướt mướt hơn.

      Lúc nghệ sĩ Minh Cảnh mới nổi, những người yêu thích hai trường phái trên cho đây là giọng ca bóng rỗi, không nghệ thuật, không sang trọng, thuộc về khán giả bình dân. Nhưng dần dà, Minh Cảnh đã chứng minh ngược lại, trở thành giọng ca trẻ hay nhất, độc đáo nhất, mới lạ nhất, làm mẫu cho nhiều thế hệ nghệ sĩ cho đến tận bây giờ. Giọng ca của Minh Cảnh cao vút, êm ngọt, sắp nhịp rất hay, thường ca chẻ song lang nhịp 24. Minh Cảnh vừa ca điêu luyện trong cách nhấn nhá, bẻ giọng,lại vừa truyền cảm.

      Nói về ca vọng cổ, chính Minh Cảnh trong thời hoàng kim của mình, đã được sánh như người thay thế vị trí của Út Trà Ôn (tính theo sự ăn khách, ái mộ của khán giả thời ấy). Lối ca hò Huế, ca hơi dài chính là những sáng tạo mà nghệ sĩ Minh Cảnh đã tạo dấu ấn trong cách ca vọng cổ.

4- Trường phái Tấn Tài: 


      Đây là giọng ca lạ mà cho tới bây giờ vẫn chưa có người xứng đáng thay thế! Giọng ca Tấn Tài vừa ngọt, vừa cao, vừa nhẹ. Đặc biệt là khi nhấn dấu sắc rất êm, rất chín, khó bắt chước. Một số nghệ sĩ ca theo lối nhấn dấu sắc này gốm có Dũng Thanh Lâm, Phương Bình, Tài Bửu Bửu, Thanh Tài. Giọng ca Tấn Tài không xưa, vẫn rất hấp dẫn nhưng chỉ riêng Tấn Tài mới có thể đạt được. Trường phái này đang mai một.


5- Trường phái Thanh Tuấn: 


      Vào giữa thập niên 70, sự xuất hiện của giọng ca Thanh Tuấn như luồng gió mới, tổng hợp được những yếu tố của các trường phái trên. Thanh Tuấn có chất giọng đồng ngân vang của Út Trà Ôn, có hơi ngân độc đáo của Hữu Phước, có cách ca dài hơi ngọt ngào, lạng bẻ của Minh Cảnh, dấu sắc chót vót của Tấn Tài và đặc biệt là cách sắp nhịp độc đáo, chín chắn. Thanh Tuấn đã tạo ra một trường phái, một cách ca vọng cổ vừa sang trọng, ngọt ngào mãi mê, vững chắc trên cái nền cũ, bay bổng với những sáng tạo mới. Thanh Tuấn xứng đáng đứng đầu cho một trường phái ca vọng cổ hiện đại.

      Hiện nay, có nhiều nghệ sĩ trẻ đang bắt chước theo giọng ca của Thanh Tuấn, nhưng ca hay và đạt được chất giọng như Thanh Tuấn thì chưa có được ai! Thanh Tuấn có thể hát tình ca lẫn anh hùng ca rất hay. Giữ cao độ rất chuẩn, có thể lên cao vút hoặc xuống thật thấp, luyến láy rất ngọt. Có thể nói ca vọng cổ như Thanh Tuấn là đạt đến trình độ thượng thừa!

6- Trường phái Châu Thanh:

      Hiện nay lối ca này đang gây nhiều tranh cãi, người ủng hộ cũng nhiều vì cách ca mới lạ, phá cách, sử dụng nhiều luyến láy, pha tân nhạc cùng với cách sắp nhịp 128 lạ tai. Được giới trẻ rất yêu thích, nhất là khán giả miền Trung.Tuy ca không giống nhau, nhưng cách tìm hướng đi riêng cho mình của Châu Thanh phần nào giống như trường hợp của Minh Cảnh ngày trước -tìm cái mới-. Tuy nhiên, người trong nghề hay những người yêu thích lối ca chân phương lại không tán đồng cách ca này!

      Thật ra, trường phái này gợi ra một cách ca mới, tránh lập lại lối mòn. Một thực tế không thể phủ nhận là có những giọng ca theo lối chân phương mặc dù ngọt ngào nhưng lại không ăn khách, do có thể sao chép, minh họa lại cái đã có, không mới. Còn lối ca này, đòi hỏi người ca phải có làn hơi phong phú, mạnh mẽ, không rập khuôn, phải luôn tìm cách ca lạ, ngọt ngào, trẻ trung, bay bướm, phá cách. Đây cũng là lối ca khó, phù hợp với lớp khán giả bình dân.

Tín Đức

*Tài liệu tham khảo:
- Nhận định về Cải lương của Trần Quang Hải.