Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

Hôm Nay Từ Phụ

Hôm nay là ngày lễ Cha
Cha đâu đễ lễ Mẹ đâu để mừng
Quanh tôi bóng tối chập chùng
Dông đời gió bão muôn trùng nổi trôi
Tôi như phiến lá vàng rơi
Vào trong cơn lốc tả tơi phận người
Nửa đời chưa trọn nụ cuời
Có chăng mưa lệ vẫn rơi muôn chiều
Xanh xao hơi thở tịch liêu
Khói lam quê cũ đã diều vợi xa
Những đứa con cách xa nhà
Những nguời tình lỡ cũng đà sang sông
Lễ Cha mùa Hạ như Đông
Biết ai trăng lạnh nghiêng lòng xuống tôi
Chiếc bóng xiêu theo hình rơi
Vào muôn trùng nhớ vào nơi vô cùng.
Lễ Cha giọt nước mắt mừng
Hay là hờn tủi lên từng phút giây
Bên đời mưa tạt gió lay
Một mình đối bóng mắt cay lệ nhòa.
Còn thêm tình mây với cây
Tôi cây đứng lại mây bay ngang trời.
Túy Hà


Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

Ơn Cha Như Trời Biển-Sáng tác La Tuấn Dzũng-Diệu Hiền



Sáng Tác: La Tuấn Dzũng
Tiếng Hát: Diệu Hiền

Nguồn Gốc Ngày Của Cha


Công Cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồi chảy ra
Một lòng thờ Mẹ kính Cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

      Đã quen với ngày lễ của Mẹ, ngày quốc tế phụ nữ (08/03), ngày phụ nữ Việt Nam (20/10),… vậy còn những ngày lễ cho “đấng mày râu” thì sao nhỉ? Những ngày lễ để tôn vinh “phái mạnh” không nhiều bằng “phái đẹp”. Thế nên, “Ngày của Bố” thực sự là dịp để vinh danh những ân nghĩa của người cha.

      Tuổi đời non trẻ nhưng “Ngày của Bố” là ngày lễ tôn vinh một nửa dân số thế giới. Đây là dịp để các bà mẹ, con cái thể hiện sự quan tâm, chia sẻ về người chồng, người bố của mình rõ ràng nhất.
“Ngày lễ của Bố” được tổ chức lần đầu tại nước Mỹ vào năm 1972. Kể từ đó tới nay nó gần như đều được diễn ra ở hầu hết các nước vào ngày chủ nhật thứ ba của tháng 06 hàng năm.

      Năm nay 2014 tháng 6 có đến 5 ngày chủ nhật. Ngày chủ nhật thứ ba trong tháng sẽ là ngày 15 - 6 - 2014
Lịch sử
      Thực tế, “Ngày của Bố” đã được diễn ra đầu tiên ở Fairmont, Tây Virginia vào ngày 05/07/1908. Nó được tổ chức bởi bà Grace Golden Clayton, người muốn kỷ niệm cuộc sống của 210 người đàn ông (họ đều đang làm bố) đã bị hy sinh trong thảm họa khai thác mỏ Monongah vài tháng trước đó tại Tây Virginia. Clayton đã chọn ngày chủ nhật gần nhất, ngày sinh nhật người bố của bà vừa mới qua đời để tổ chức buổi lễ. Thật không may, ngày lễ đó đã bị lu mờ bởi các sự kiện khác trong thành phố. Tiểu bang Tây Virginia cũng không chính thức đăng ký cho buổi lễ, từ đó nó không được tổ chức trở lại.

      Sau sự kiện ở Tây Virginia 2 năm, cô Sonora Louise Smart Dodd, sống tại Shokane, Washington, nghĩ ngay đến một ngày để vinh danh các người bố khi nghe bài thuyết giáo ngày của mẹ năm 1909. Sonora là con gái lớn nhất trong sáu chị em. Bố cô là ông William Jackson Smart, còn mẹ cô qua đời trong lúc sinh. Sonora yêu quý và kính trọng bố vì đã một thân nuôi gia đình.

      Năm 1910, Sonora đã chọn ngày 19 tháng 6 là “Ngày của Bố” vì ngày đó là sinh nhật của bố cô. Với sự giúp đỡ từ Hội Bộ trưởng Spokane và YMCA (Young Men’s Christian Association — Hiệp hội thanh niên Thiên chúa giáo), “Ngày của Bố” đầu tiên được tổ chức vào ngày 19 tháng 6 năm 1910.

Lễ kỷ niệm
      Năm 1966, Tổng thống B. Johnson (Mỹ) đã đưa ra lời loan báo đầu tiên tôn vinh bố, ông chỉ định chủ nhật thứ ba trong tháng sáu là “Ngày của Bố”. Sáu năm sau, ngày kỷ niệm ý nghĩa này đã được thực hiện một cách trang trọng như một kỳ nghỉ lễ thường xuyên hàng năm tại Mỹ khi Tổng thống Nixon đã ký nó thành luật vào năm 1972.

      Từ đó, “Ngày lễ của Bố” dần dần được phổ biến rộng rãi và được tổ chức khắp thế giới, đặc biệt là tại châu Mỹ và châu Á. Tuy nhiên, ở một số nơi thời điểm tổ chức và hình thức lại không đồng nhất, nó mang những nét đặc trưng riêng của từng quốc gia và sự sáng tạo đặc trưng trong các buổi lễ.

      Năm nay 2014 tháng 6 có đến 5 ngày chủ nhật. Ngày chủ nhật thứ Ba trong tháng sẽ là ngày 15 - 6 - 2014

Mỹ
Đây là quốc gia tổ chức “Father’s Day” rộn ràng nhất thế giới. Một ngày được nghỉ lao động, trẻ em được ra đường vui chơi như ngày quốc tế thiếu nhi. Báo đài, các quan chức chính quyền luôn đề cập về ngày lễ đặc biệt này. Đồng thời rất nhiều quà cáp, thư từ và điện thoại được chuyển đi để bày tỏ sự quan tâm về người bố trong ngày lễ. Ở Mỹ, ngày lễ của bố được tổ chức vào ngày chủ nhật thứ ba của tháng 06 hàng năm.

Việt Nam

Ngày lễ tri ân người thân trong gia đình như Ngày của Cha là một món quà ý nghĩa chứa đựng tấm lòng của con cái đối với cha mình. Đây vừa là nét đẹp trong cách đối nhân xử thế, vừa là ngày gắn kết tình cảm giữa những người thân trong gia đình với nhau, giúp gia đình thêm yêu thương, và hiểu nhau hơn.
“Ngày lễ của Bố” mới được du nhập vào Việt Nam những năm gần đây. Hiện nay, giống như một số nước, Việt Nam kỷ niệm ngày lễ của bố vào ngày chủ nhật thứ ba của tháng sáu hàng năm
Tại nước ta, đây không phải là ngày được nghỉ lễ, tuy nhiên vẫn có những sự thăm hỏi, quan tâm bằng thư từ, điện tín được truyền đi rất nhiều trong ngày này. Đa số ngày lễ chỉ được tổ chức với các buổi sum họp gia đình, bạn bè, người thân.

Đức
Tại đất nước châu Âu này, “Ngày của Bố” được tổ chức trùng với ngày lễ Thăng Thiên. Lễ được kỷ niệm vào ngày thứ năm gần nhất sau 40 ngày kể từ ngày lễ Phục Sinh
Ở Đức “Ngày của Bố” còn được gọi là “Lễ quý ông”. Đây là một lễ hội liên bang và là dịp để mọi người thực hiện các chuyến du lịch thiên nhiên (đa số là đàn ông).

Thái Lan
Tổ chức “Ngày của Bố” vào ngày sinh nhật của vua Bhumibol, đó là ngày 05/12.

Hàn Quốc
Lễ được tổ chức vào ngày 08/05 ngày “Lễ của Bố – Mẹ”.

Thụy Điển
Người ta bắt đầu làm Lễ Cha năm 1930. Lễ này được phổ biến rộng rãi vì nhà trường lẫn nhà thờ đều ủng hộ ý kiến này. Lễ Cha ở Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan đều được tổ chức vào Chúa nhật thứ 2 của tháng 11.

Ý
Ngày Lễ Cha (Festa del papa) rơi nhằm ngày Thánh Giuse, ngày 19 tháng 3. Ngày này học sinh vẫn đi học, gia đình không làm gì đặc biệt nhưng các con thì mua bánh, kẹo ăn với nhau và mua những món quà nhỏ tặng cha, như cà vạt, ví đựng tiền, xâu đựng chìa khóa... Họ thường ăn bánh zeppole, làm bằng bột chiên rải đường lên, giống bánh thèo lèo của nước ta.

Pháp
Ngày lễ Cha (Fête des pères) theo truyền thống người Mỹ, rơi nhằm ngày Chúa Nhật thứ 3 của tháng 6.

Anh Quốc
Ngày lễ Cha, bắt nguồn từ thế kỷ 17, nó cũng được tổ chức vào ngày Chúa nhật cách ngày lễ Phục Sinh 40 ngày. Vào ngày này, dù ở đâu đi nữa, những đứa con cũng sẽ về thăm lại gia đình.

Ai-len
Quốc gia chủ yếu là Công giáo và ngày của Cha là 19.06. Cho mục đích này, đặc biệt từ vài tuần trước đó đã được trang trí với những món quà cho đàn ông trong nhiều siêu thị .

Áo
Khác với Đức, ngày Lễ Cha tại nước Áo được tổ chức vào ngày chủ nhật thứ hai của tháng sáu và đặc biệt thường được tổ chức giữa những người có đức tin nên mang tính cách tôn giáo nhiều hơn. Tương tự như Ngày Lễ Mẹ, đây là dịp mà con cái người Áo đi mua bông, mua quà nho nhỏ để tặng Cha. Lần đầu tiên ngày Lễ Cha được tổ chức vào năm 1956 tại Áo.

Ba Lan
Ngày của Cha ( Dzień Ojca ) được tổ chức vào ngày 23 Tháng Sáu

Bỉ 
Chủ Nhật thứ hai trong tháng sáu ( ngoại trừ tại Antwerp ) là Ngày của Cha tại Bỉ.


Bồ Đào Nha
Bồ Đào Nha tổ chức Ngày của Cha (Dia do Pai ) vào ngày 19 Tháng Ba

Bulgaria
 Ngày của Cha được tổ chức Ngày 26 tháng Mười Hai tại Bulgaria.

Croatia
Tổ chức Ngày của Cha ( Očev dan) vào ngày 19 Tháng Ba

Đan Mạch 
Tại Đan Mạch, Ngày của Cha được tổ chức vào 05 tháng 6 , cũng là ngày của Hiến pháp Đan Mạch

Hòa Lan
Ngày Lễ Cha được du nhập vào Hòa Lan kể từ năm 1936. Tại đây, những người cha tụ họp lại tổ chức buổi tiệc dành riêng cho đàn ông có ca nhạc và nhảy múa. Ngày của Cha ( vaderdag ) ở Hòa Lan đã được tổ chức kể từ thập niên 70er/80er vào ngày Chủ nhật thứ ba trong tháng Sáu. Trong ngày này thường thì người Cha được mang đồ ăn sáng đến tận giường, nhận những "Quà Tặng điển hình cho đàn ông " (ví dụ , Cà-Vạt, vớ , xì gà , dao cạo râu , đồ điện hoặc thậm chí quà tặng tự làm làm bằng tay) .
Hungary
Tại Hungary, Ngày của Cha được tổ chức vào ngày chủ nhật thứ ba trong tháng Sáu. Tuy nhiên trong xã hội, trái ngược với Ngày của Mẹ được tổ chức vào Chủ nhật đầu tiên trong tháng Năm, và nhiều hơn nữa cho ngày Phụ nữ 08 tháng 3, không quan trọng.

Nga

Ngày 23 tháng Hai là ngày của người đàn ông nhưng không chính thức

Phần Lan
Ngày của Cha được tổ chức vào ngày Chủ Nhật thứ hai trong tháng Mười Một.

Romania
Ngày của Cha được chính thức tổ chức vào ngày 05 tháng 5 kể từ năm 2008 . Quyết định năm 2007, bởi các sáng kiến của hãng sản xuất bia Interbrew SA Romania với thương hiệu "bia núi".

Tây Ban Nha
Vào ngày 19 tháng Ba, người Tây Ban Nha ăn mừng Ngày của Cha El Día del Padre Đây là ngày đã được lựa chọn bởi vì đó là Joseftag, ngày Saint José (cha của Chúa Giêsu) . Tại Tây Ban Nha , phong tục là người cha nhận được quà tặng của trẻ em, thường sơn hoặc làm thủ công trong trường. Tạo ra ngày lễ hội này là giáo viên Manuela Vicente Ferrero với trường học của bà ta gần Madrid. Lễ hội tại trường học đã được tổ chức năm 1948 trong đó người cha của học sinh được "giải trí". Lễ hội này là một sự cân bằng đối với Ngày của Mẹ (Ngày Từ Mẫu) hầu xoa dịu sự " ghen tị " của những người cha.

Úc
Ngày của Cha được tổ chức vào Chủ nhật đầu tiên trong tháng Chín.

Tân Tây Lan
Ngày của Cha , giống như ở Úc được tổ chức vào chủ nhật đầu tiên trong tháng Chín.

Rất nhiều thời gian và hình thức tổ chức khác nhau diễn ra để kỷ niệm “Ngày của Bố”. Nhưng mục đích chung cuối cùng là thể hiện sự biết ơn về những cống hiến của người bố trong gia đình.

Huỳnh Hữu Đức Sưu Tầm và Biên Soạn

Thăm Cha Ở Nhà Dưỡng Lão


(Nhân dịp Father's Day)


Một ngày mùa đông, từ Georgia đi Connecticut,
Tôi vào thăm một nhà dưỡng lão ở Stamford.
Xe ngoằn ngoèo qua cánh rừng thưa thớt,
Thấp thoáng vài nơi: biệt thự đẹp như mơ.

Nhà dưỡng lão ẩn mình trong khu rừng vắng vẻ,
Kiến trúc hai tầng mở rộng cánh hình V.
Cửa ra vào nằm dưới portico,
Với bốn cột cao như thời Hi-lạp cổ.


Hai dãy hành lang chạy dài nhưng chật chội,
Nhiều xe lăn tay trên có những cụ già.
Tôi hăm hở tìm cha: chỗ nào đâu đó?
Chẳng thấy gì nên dạ thật nôn nao.


Rồi như ánh bình minh vừa ló dạng,
Con muốn oà lên như đứa trẻ lên ba.
Ô kìa cha ! ngồi một chiếc xe lăn,
Trong góc nhỏ sát căn phòng ngoạn cảnh.


Mặc áo len dày mũ choàng cao kín cổ,
Cha gục đầu im lặng ngủ lim dim.
Không thể nén niềm vui, con nắm vội
Lấy bờ vai gầy guộc của cha yêu.


Cha lơ đãng nhìn con, chưa nhận biết,
Một người con ngàn dặm đến thăm cha.
Đang mùa lạnh tuyết rơi buồn da diết,
Những cành cây ủ rũ nhuộm màu tang.


Như các lần thăm, con vẫn thường ca hát,
Và đệm dương cầm những nhạc khúc cha ưa.
Bản Ngày về tả đàn chim tung cánh,
Từ bốn phương trời về tổ ấm quê hương


Cha chợt tỉnh, nhạt nhoà đôi mắt lệ,
Dĩ vãng hiện về như sống lại chuỗi ngày qua.
Con cũng nhớ từ khi còn bé dại,
Được vòng tay ấp ủ bởi tình cha.


Công cha mẹ, đấng sinh thành dưỡng dục,
Như non cao, đất rộng, biển vô bờ.
Trở lại Georgia sau lần thăm ngắn ngủi,
Có ngờ đâu lần chót gặp cha già.

Ôi buồn quá những cụ già trong nhà dưỡng lão,
Suốt ngày đêm ngóng đợi những người con,
Trải bốn mùa Xuân Hạ lẫn Thu Đông,
Sống cô quạnh, âm thầm cho đến khi về cõi chết.


ChinhNguyen/H.N.T. 
GA/USA 2011-14
* Ảnh do tác giả phác họa

Ba Ơi!


Thơ & Thơ Tranh: Trầm Vân

Lễ Cha

     

         Ta thường gọi ngày LỄ MẸ là NGÀY HIỀN MẪU, nên khi đến ngày LỄ CHA thì rất nhiều người theo thói quen, thay chữ MẪU bằng chữ PHỤ, và gọi ngày Lễ Cha bằng NGÀY HIỀN PHỤ !!!...
   
          Trong văn chương không thiếu những áng văn những bài thơ ca tụng mẹ hiền, có thể sự dịu dàng hòa ái của bà mẹ gần gũi với con cái hơn là bộ mặt lúc nào cũng " Lập nghiêm " của ông cha. Cha thì lo việc lớn hơn, ngoài việc duy trì và nuôi sống gia đình, lắm ông còn phải chăm lo việc nước, việc ngoài xã hội... Nhưng cũng có những người cha có máu " giang hồ ", thích lang bạt rày đây mai đó... Ta hãy cùng đọc một bài Ngũ Ngôn Tứ Tuyệt của Đỗ Mục đời Đường để thắm thía hơn với cái máu " giang hồ " của các ông cha ngày trước...
                                歸家                           QUY GIA
                          稚子牽衣問,            Trỉ tử khiên y vấn
                          歸來何太遲。            Quy lai hà thái trì ?
                          共誰爭歲月,            Cộng thùy tranh tuế nguyệt
                          贏得鬢如絲。            Doanh đắc mấn như ti
                          杜牧                                               Đỗ Mục
Thích nghĩa :
                      QUY là về, GIA là nhà, QUY GIA là Về Lại Nhà.
   1. Câu 1 : Trỉ là non, Tử là Con. TRỈ TỬ : không phải là con non mà là Con Thơ. Khiên : là nắm , là níu, là dắt. Y là Áo, Vấn là Hỏi. Nghĩa toàn câu là :
                     " Con thơ níu áo hỏi "
   2. Câu 2 : Quy là Về, LAI là Xu hướng Động từ, chỉ sự di chuyển gần đến người viết hoặc nói. QUY LAI là Về lại, là Về " đây ". QUY KHỨ là Về " đi "(
          KHỨ chỉ di chuyển Xa người nói hoặc viết ). Hà là Sao?. Thái là Quá
 .        Trì là Trễ, muộn. Nghĩa cả câu :
                      " Sao muộn quá mới về nhà ? ".
   3. Câu 3 : Cộng là cùng, chung. Thùy là Ai? Tranh là dành, giựt. Tuế là Tuổi, là Năm. Nguyệt là Tháng. Nghĩa cả câu : Cùng với ai dành giựt năm
                       tháng, ý nói :
                    " Cùng với ai sống đua chen trong những năm tháng đó ?."
   4. Câu 4 : Doanh là Lời, thắng, Ăn, thu hoạch. Đắc là được. Mấn là Tóc mai .Như là giống, giống như. Ti là Tơ. Nghĩa cả câu :
                               ( chỉ ) lời được hai
                                bên tóc mai trắng như tơ.
Diễn nôm : 
                                       VỀ LẠI NHÀ

                                   Con thơ trì áo hỏi
                                   Sao đi mãi đến giờ ?
                                   Cùng ai ngày tháng ấy
                                   Mà tóc đã bạc phơ !
Lục bát :
                                Con thơ níu áo hỏi ba
                                Đi sao lâu quá, bỏ nhà bỏ con !
                                Cùng ai ngày tháng mõi mòn ?
                               Sương pha tóc trắng chẳng còn như xưa !

             Hai câu đầu là lời chất vấn, thắc mắc, thơ ngây nhưng lắc léo của con thơ. Nhưng hai câu sau... Hình như là lời than van, oán trách, khúc mắc, thở than của bà... nội tướng đã biết bao ngày khoắc khoải, mòn mõi đợi chàng về !.

             Trong ngày LỄ CHA, mong rằng các ông cha luôn luôn trân quí sự sum họp và tình cảm gia đình để gắn bó hơn với con cái và các thành viên trong đó , nhất là với người đầu gối tay ấp, sao cho...

                              Một nhà sum họp trúc mai,
                      Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông !
                                                                   (  Truyện Kiều )

Đỗ Chiêu Đức.
* * * 
Cám ơn anh Chiêu Đức cho đọc lại bài Qui Gia của Đỗ Mục kèm thêm phần giải nghĩa cặn kẽ. Rất thú vị . Rất quí. Tôi ngồi chuyển dịch lại để góp vui theo cảm nhận cá nhân, có thể đã không đúng ý của nguyên tác. PKT  

Qui Gia -Đỗ Mục (803 - 852)

Trĩ tử khiên y vấnQui gia hà thái trì
Cộng thùy tranh tuế nguyệt
Doanh đắc mấn như ti

Dịch Xuôi : Trở Về
Mây Tần

Cháu con níu áo mừng thăm hỏi
Sao ông trở về nhà quá muộn vậy ôngỪ nhỉ , ta đã cùng ai đua tranh quên năm thángĐể lời được gì ngoài hai bên tóc mai, giờ đã trắng như tơ?

Qui Gia
Mây Tần  

Con cháu níu áo hỏi,Sao về muộn vậy ông.Tháng, năm qua được, mất?Cười tóc mai như bông.

Phạm Khắc Trí
2/6/2014

Bến Đợi - Nhạc Sĩ Thuận Yến -Ca Sĩ Trọng Tấn

      Anh đã đem hình bóng em ở bến sông lúc chia tay theo suốt cả đời phiêu lãng và mong ngày nào đó anh sẽ quay vế bến sông cũ khi mùa hoa gạo đỏ trổ bông. Ở đó vẫn còn có người con gái luôn dõi mắt chờ anh.Em nhé anh sẽ về. . . sẽ về. . .để em không còn đợi trông. .

      Bài hát sử dụng giai điêu buồn của điệu hò xứ Huế, cái làn điệu hò nghe buồn làm sao và sầu thảm làm sao ấy, nên người nghe rất dễ thấm và dễ đồng cảm từng từ từng chữ của bài hát. . .


Sáng Tác: Thuận Yến
Ca Sĩ: Trọng Tấn
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Giây Phút Ân Tình



Em gái mắt đen buồn xa lạ
Dáng Kiều muôn thuở tiếng ai ca
Mà nghe trăng trở giấc bồn chồn
Hồn anh tương tư buồn cúi mặt

Em từ phương xa làn tóc xỏa
Chợt hiên về sưởi ấm hồn anh
Em đi chân sáo hài hoa gấm
Anh ngỡ ân tình động long lanh

Đêm nay trăng tỏa hương thơm mát
Dịu dàng chuyên chở ái ân say
Tình reo hơi ấm nồng muôn thuở
Khúc nhạc tưng bừng với gió lay

Lục Lạc

Cầu Hưng Đạo Vương - Cầu Mới Ở Nội Ô Vĩnh Long

Cầu Hưng Đạo Vương được xây dựng ngay vị trí ngã ba Hưng Đạo Vương và đường Đồng Khánh cũ (chỗ nền Huỳnh Tá cũ), nằm song song và ở khoảng giữa của Cầu Lầu và Cầu Khưu Văn Ba.
Cầu Hưng Đạo Vương
Cầu được nhìn từ đường Hưng Đạo Vương.3

Từ Cầu nhìn về đường Hưng Đạo Vương 


Từ Cầu nhìn về đường mới mở. Tuy đường chưa hoàn chỉnh, nhưng nhà, quán đã được xây dựng đều ở hai bên đường.
Từ Cầu nhìn về Cầu Lầu
Huỳnh Hữu Đức

Nói Về Tôi, Cái Đáng Ghét


      Hồi nhỏ tôi cũng là người như bao nhiêu người khác. Rồi tôi cũng lớn lên.
Đọc được những bài viết của học sinh các trường ở Vĩnh Long, sao tôi thấy trong đó có mình.Thì ra là mình cũng viết được cái của mình như lời một học trò cũ đã nói.

      Tôi học không giỏi nhưng được cái là thầy cô thương, như mấy học trò đã kể. Nhà tôi có bà dì Bảy,dì ruột, bán ăn sáng bánh hỏi thịt quay. Lần đó thầy dạy sinh vật lớp đệ ngũ (lớp 8 bây giờ) vào ăn sáng, tôi trốn luôn phía sau bếp không dám ra giúp bán như thường ngày. Đúng là "ông thầy", theo tôi nghĩ, vì thầy yêu cầu bà dì kêu tôi ra tiếp khách xem như không có thầy ở đó.

      Tưởng vậy là xong,nào ngờ hôm sau có giờ thầy theo thời khóa biểu, thầy vào lớp như thường lệ rồi gọi “em Trí lên bảng”. Tôi không hề sợ, vì tôi luôn cố gắng chuẩn bị bài vở trước khi giúp việc nhà. Nhưng thật bất ngờ khi thầy bảo tôi vẽ lên bảng hình con ốc cắt dọc như trong sách tôi đang học, để thầy dạy tiếp bài mới. Sao thầy lại biết tôi rất thích vẽ hình, có lẻ thầy đã thấy tập học của tôi đầy hình vẽ sao lại trong sách sinh vật.
      Tôi hơi dài dòng một chút để kể chuyện này. Tôi đang vẽ hình trên bảng cho thầy, không hiểu sao tự nhiên mồ hôi tôi ra thoải mái đến nỗi đầu, cổ, toàn thân tụ lại chảy ướt cả quần tây, rồi tụ lại thành một vũng nước nhỏ dưới chân. Dĩ nhiên trong lớp không bạn nào dám cười chế nhạo, điều đó khác hẳn học trò trường tư thục tôi đang dạy bây giờ.

      Còn thầy, tôi nghĩ rằng thầy đã thấy, mà vẫn tỉnh queo chờ tôi hoàn thành tác phẩm của mình trên bảng. Phải công nhận là thầy đã giáo dục, rèn luyện cho tôi bằng hành động, không bằng lời nói. Từ sau lần đó, tôi không còn phải bị một vũng nước dưới chân khi lên bảng nữa, mặc dù tôi đã từng là học trò, như những học trò tôi đã dạy, có lúc chưa thuộc bài hay chưa làm hết bài tập..
Cũng như khi mới ra trường về dạy học, tôi cũng không khiếp sợ trước những học trò nhỏ tuổi hơn, nhìn thấy dễ thương nhưng vẫn phải coi chừng.

      Cách đây chừng vài tháng. Có những học trò nữ cũ nơi trường Tống Phước Hiệp gọi hỏi thăm tôi, để chuẩn bị kéo nhau đến nhà ở Long An, vì có nghe tin tôi bị bệnh. Thật mắc cười khi các em nhắc đến tên một bạn học chung lớp, giờ đang ở Mỹ với chồng con, hỏi tôi còn nhớ không? Tôi sực nhớ ra liền. Tôi nói thầy đã quên lâu lắm rồi sao mấy em còn nhớ. Chẳng là lúc đang dạy các em cùng lớp, tôi có thương em đó nhiều hơn, nên có ghé nhà xem có gì thì thầy giúp. Có thế mà thôi, không hề ảnh hưởng gì đến lớp dạy cũng như đến tương lai tốt đẹp của học trò.

      Cũng chính vì thế đó mà mấy em mới hỏi bây giờ thầy còn nhớ bạn ấy không? Tôi đã trả lời qua điện thoại rằng thầy đã "quên lâu", nhưng khi mấy em nhắc tới thì "nhớ ngay".
Sao đến giờ nầy tôi cũng sống theo kiểu, yêu thương người khác thì mình thấy không hề mang tội, còn được người khác yêu thì cũng chẳng tội lỗi gì, miễn là sống phải chân tình.

      Khi nghe đứa học trò nào đó sống chưa hạnh phúc, tôi lại thấy bất bình.
      Mặc dù tôi cũng là con người như người khác.

Nhớ tháng 11,
Huỳnh Hữu Trí

Hôn - Phùng Quán


Trời đã sinh ra em
Để mà xinh mà đẹp
Trời đã sinh ra anh
Để yêu em tha thiết!

Khi người ta yêu nhau
Hôn nhau trong say đắm
Còn anh, anh yêu em
Anh phải đi ra trận!

Yêu nhau ai không muốn
Gần nhau và hôn nhau
Nhưng anh, anh không muốn
Hôn em trong tủi sầu!

Em ơi rất có thể
Anh chết giữa chiến trường
Đôi môi tươi đạn xé
Chưa bao giờ được hôn!

Nhưng dù chết em ơi
Yêu em anh không thể
Hôn em bằng đôi môi
Của một người nô lệ!

Phùng Quán
(Hhai sưu tầm)


                      * * * 

Thuở học trò tôi thuộc một bài thơ có cùng đề tài trên, tiếc không biết tác giả là ai.
Chia sẻ cùng các bạn. Nếu ai rõ xin bổ túc thêm. Cảm ơn!

Môi em còn trong trắng
Như một tờ giấy trắng
Môi anh còn trắng trong
Như một vì sao rơi

Một hôm trang giấy trắng
Hứng được vì sao rơi
Hai đôi môi trong trắng
Lần đầu tiên trong đời

Sao rơi trên giấy trắng
Không biết gọi gì hơn
Hai đôi môi trong trắng
Gặp nhau gọi là hôn.

(Không rõ tên Tác giả)

Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2014

Thơ Tranh: Trầm Vân


Thơ & Thơ Tranh: Trầm Vân

Chiếc Áo Dài Việt Nam

      

      Chiếc áo dài dù có thay đổi, biến thái ít nhiều theo thời gian nhưng tựu trung vẫn còn giữ nét cổ truyền, quốc hồn quốc túy của dân tộc. 
      Tôi yêu chiếc áo dài vì nó gợi cho tôi nhiều kỷ niệm. 
      Má tôi kể rằng khi các chị của tôi vào trung học, nhà nghèo nên má chỉ may cho mỗi chị một chiếc áo dài. Các chị trân quí nó lắm, đi học về là thay áo ngay. Hôm nào trời mưa, các chị thay phiên nhau quạt cho mau khô để ngày mai có áo mặc đi học kẻo ốt dột. Má nói: "Về sau cảm ơn cụ Diệm. Năm đó chính phủ có quỹ cho học sinh nghèo nên má may thêm vài cái áo nữa cho các chị". 

      Lúc tôi còn nhỏ, mỗi lần có khách đến thăm đột ngột, má tôi sai tôi ra tiếp khách, pha trà ... để má vào mặc áo dài cho đàng hoàng. Những ngày giỗ hay tết nhất, khi nào má cũng bận áo dài khi van vái trước bàn thờ. 
      Trong tủ áo, gần nửa tủ là những chiếc áo dài của má tôi. Vợ tôi nói hay là cất chỗ khác cho rộng chỗ ,nhưng tôi gạt phăng đi vì mỗi sáng khi mở tủ lấy áo mặc đi làm, tôi thấy hình ảnh má tôi trong quá khứ qua những chiếc áo dài đó.

Ktk

Dư âm


Biết bao giờ chim về lại vườn xưa
Ơi! bầy chim thời chúng ta bé nhỏ
Rất vô tư mãi tha rơm làm tổ
Quên thời gian theo nhịp bước qua mau

Biết bao giờ ta dạo dưới hàng cau
Để nghe trời tháng giêng hay tháng chạp?
Áo em vàng bâng khuâng màu cỏ úa
Là lúc trăng hò hẹn khuất sau hè

Em vào đời mãi mơ mộng tiếng ve
Giận nhánh sông vô tình chia đôi ngã
Anh vô tình rời tổ chim hối hả
Em vô tình theo thuyền lá sang sông

Có bao giờ thèm về lại mái nhà không?
Hay ngơ ngác trên bước đường dong ruỗi?
Cánh chim xưa trông tìm nhau đã mỏi
Biết bao giờ cho biết đến bao giờ?

Ngọc Hải
Vĩnh Long

Tập Thơ:Tình Yêu Và Biển Nhớ,Tống Ngọc Nhan - Phần Cuối

  Lời Giới Thiệu: Cựu Học Sinh Tống Ngọc Nhan
      Tống Ngọc Nhan là cháu nội của Ông Tống Hữu Định, cựu nữ học sinh lớp 6/7, trường Tống Phước Hiệp, niên khóa 1973 -1974 Vĩnh Long, Việt Nam.
      Từ khi còn đi học, Ngọc Nhan đã sưu tầm, chép lại những bài thơ xưa. Trong những tài liệu ấy, Ngọc Nhan đã lưu giữ một Tập Thơ:
Tình Yêu Và Biển Nhớ của các cựu học sinh Tống Phước Hiệp Vĩnh Long chép tay.
- Do Nguyên Thảo xuất bản Trung Tuần Tháng Tư, năm 1971.
- Phụ bản 
T.Đức
- Bià và trình bày : LTĐ
     Quyển thơ nằm trong tiệm bán ve chai được 20 năm, Ngọc Nhan mang về ấp ủ 20 năm nữa.Thế là quyển thơ nay đã tròn 40 tuổi.  Ngọc Nhan đã gìn giữ một gia tài vô giá này trong suốt những năm qua.
      Chị Kim Oanh thay mặt longhovinhlong.blogspot.com chân thành cảm ơn Ngọc Nhan đã lưu giữ những bài thơ hiếm quý từ xa xưa để lưu truyền mãi về sau,
 một gia tài quý báu mà Ngọc Nhan đã trân quý.

Thương mến
Chị Kim Oanh

1/Trang 8
2/ Trang 9
3/ Trang 10
 4/ Trang 11
5/ Trang 12

Tống Ngọc Nhan

Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

Mùa Đông Chia Xa-Thơ Kim Phượng-Hương Nam Diễn Ngâm


Thơ: Kim Phượng
Diễn Ngâm: Hương Nam
Thực Hiện: Kim Oanh

Vẫn Là Nắng Gió Xôn Xao


Con sâu đo mãi mê đo đời lá
Mà lại quên đo chính đời mình
Như anh mãi đo đời em lặng lẽ
Mà quên đo đời tất bật của riêng anh
Con sâu đo là hình – lá bóng
Em là hình anh bóng biết không
Nên cứ mãi một đời vất vưỡng
Mắt lạc thần theo ảo ảnh bay

Chút tình yêu trên trang mạng ảo
Khác gì đâu khói sóng phù du
Bước chân nghiêng từ lâu đã mỏi
Vẫn lê la trong cõi hồng trần
Có đôi lúc muốn mình là hạt bụi
Bám lên tà áo khép của riêng em
Nhưng gió chướng ngược chiều lên tóc rối
Thổi đời anh bay khắp tứ phương
Giọt nắng rưng rưng
Khóc anh hờn tủi
Tan tác một đời e khó lai sinh.

Con sâu đo một ngày rơi xuống
Lá lìa cành theo gió bay xa
Anh một ngày chân xiêu gối ngả
Níu đời em
Mây vẫn ngang trời
Tự trách mình sao tay quá ngắn
Đâu dám trách em mây chín tầng cao

Thôi thì đành gởi em lời gió
Gió xôn xao thổi suốt xuân thì
Thôi thì đành gởi em lời nắng
Nắng quái chiều hôm khóc một mình.

Ơi em- anh tạ ơn đời
Hình em là thật-bóng rơi cũng đành.

Túy Hà

Xướng Hoạ: Bến Chiều - Xót Xa




            Bến Chiều

Kỷ niệm một thời nặng dấu yêu
Hoàng hôn bến nhỏ gợi bao điều
Lăn tăn mặt sóng hoa chen nở
Thưa thớt đò ngang vẳng khách kêu
Nước đổ sông dài xuôi mấy nẻo
Tơ buông tình cũ rối trăm chiều
Đôi bờ nhung nhớ thuyền lang bạt
Bến cũ ôm sầu cảnh tịch liêu.
                                 Quên Đi
* * *
          Xót Xa

(Họa từ “Bến chiều” của QĐ)

Lặng buồn hoài niệm thuở đang yêu
Ngày mới gặp nhau chuyện đủ điều
Quán đợi mưa chiều rơi nặng hạt
Chờ ai đêm tối tiếng mưa kêu
Ngẩn ngơ lối mộng buồn chân bước
Thơ thẩn đường mây nhạt nắng chiều
Chẳng biết giờ đây người có nhớ
Mình ta còn lại nỗi cô liêu
                        Thiên Thu
6/2014

Tống Hữu Nhân - Lý Bạch (701 - 762)




Tống Hữu Nhân


Thanh sơn hoành bắc quách
Bạch thủy nhiễu đông thành
Thử địa nhất vi biệt
Cô bồng vạn lý chinh
Phù vân du tử ý
Lạc nhật cố nhân tình
Huy thủ tự tư khứ
Tiêu tiêu ban mã minh

Lý Bạch
* * *
Dịch Xuôi : Tiễn Bạn - Phạm Khắc Trí


Dãy núi xanh chắn ngang vòng tường ngoài thành mặt bắc
Dòng sông trắng bao quanh thành ở mặt đông
Từ một lần chia tay nhau ở chốn này
Chiếc thân rồi như sợi cỏ bồng lang bạt ngoài ngàn dặm xa
Lòng người đi như mây trời phiêu lãng đây đó
Tình bạn cũ theo nhau như ánh nắng tà lưu luyến vấn vương
Vẫy tay chào từ đây ta xa nhau
Tiếng ngựa lìa đàn kêu nghe thê thiết

Tiễn Bạn
Mỗi chữ, mỗi tình, tình tôi, gửi người

Núi xanh ngoài quách bắc,
Sông trắng quanh thành đông.
Từ một lần chia cách ,
Là muôn dặm cỏ bồng.
Người đi mây tối nổi ,
Bạn cũ nắng chiều vương.
Tay vẫy chào từ biệt ,
Ngựa kêu nghe xé lòng.


Seeing Off A Friend
Red Pine - Poems Of The Masters


Dark hills stretch beyond the north rampart
Clear water circles the city's east wall
From this place where farewell begins
A tumbleweed leaves on a thousand-mile journey
Drifting clouds in a traveler's thought
The setting sun in an old friend's heart
As we wave and say goodbye
Our parting horses neigh
Phạm Khắc Trí
31/05/2014

* * *
Thầy kính mến
Em xin cảm ơm thầy cho em được tiếp nối dòng thơ của thầy giảng dịch
Kính chúc thầy cuối tuần vui khoẻ
Em Kim Oanh
Tiễn Bạn

Thành bắc núi xanh bao bọc
Vòng quanh sông trắng chảy dọc mặt đông
Chốn này từ biệt đôi lòng
Chiếc thân như sợi cỏ bồng bềnh trôi
Ngàn trùng phiêu lãng mậy trời
Luyến lưu vương vấn bạn tôi chiều tà
Chia tay từ tạ…biệt xa
Thê lương ngựa hí kêu ca xé lòng
Kim Oanh
1/6/2014
* * *
送友人            TỐNG HỮU NHÂN
青山橫北郭, Thanh sơn hoành bắc quách,
白水繞東城。 Bạch thủy nhiễu đông thành.
此地一為別, Thử địa nhất vi biệt,
孤蓬萬里征。 Cô bồng vạn lý chinh.
浮雲游子意, Phù vân du tử ý,
落日故人情。 Lạc nhật cố nhân tình.
揮手自茲去, Huy thủ tự tư khứ,
蕭蕭班馬鳴。 Tiêu tiêu ban mã minh.
李白                 Lý Bạch.
Chú Thích:
Hoành: là Ngang. Ở đây được sử dụng như Động Từ, có nghĩa là : Nằm Vắt Ngang.
Nhiễu: là Vòng quanh, uốn quanh. 
Cô Bồng: Cỏ Bồng, là loại cỏ nhẹ, khi khô thì bay theo gió, nên Cô Bồng là Cọng cỏ Bồng lẻ loi, cô độc.
Tiêu Tiêu: Diễn tả tiếng ngưa hí một cách bi ai. Từ nầy lấy tích ở Kinh Thi, chương Xa Công, có câu " Tiêu Tiêu Mã Minh "蕭蕭馬鳴.
Ban Mã: Ở đây không phải là Ngựa Rằn, vì Ngựa Rằn là 斑馬( có bộ VĂN 文 ở giữa chữ Ban để chỉ Cái Vằn trên mình ngựa ). Còn đây là BAN MÃ 班馬, chữ Ban có bộ ĐAO 刂(刀) ở giữa để chỉ ý Tách rời ra, nên Ban Mã ở đây có nghĩa là : Ngựa Lìa Đàn.

Nghĩa Bài Thơ:
Dãy núi xanh nằm vắt ngang qua phía bắc của thành quách, và dòng nước trắng xóa thì uốn quanh phía đông thành. Chính nơi nầy, ta cùng bạn tiễn biệt nhau, bạn nhẹ nhàng bay bổng như cánh cỏ bồng cô đơn ra ngoài ngàn dặm. Đám mây trôi nổi dật dờ kia như ý của người du tử không biết sẽ đi về đâu, còn tình của ta đối với bạn thì như vầng kim ô sắp tắt mà ánh nắng còn lưu luyến mãi trên đồi. Vẫy tay nhau từ đây giã biệt, hai con ngựa như cũng cãm thông với nỗi buồn ly biệt của con người mà cất lên tiếng hí vang vang buồn bã.
Bài thơ nầy nổi tiếng bất hũ với 2 câu :
Phù vân du tử ý,
Lạc nhật cố nhân tình.
.... để chỉ sự lang bạc không định hướng của người du tử và tình cảm quyến luyến của cố nhân như ánh nắng chiều còn lưu luyến mãi với buổi hoàng hôn! 

Diễn Nôm: Tiễn Bạn

Núi xanh vòng phía bắc,
Nước chảy uốn thành đông.
Nơi đây ta giã biệt,
Ngàn dặm cánh cỏ bồng.
Phù vân ý du tử,
Nắng luyến tình cố nhân.
Vẫy tay nhau giã biệt,
Thê lương ngựa hí rân.


Lục bát :
Núi xanh vòng phía bắc thành,
Bên đông dòng nước uốn quanh lượn lờ.
Nơi nầy giã biệt bạn thơ,

Cỏ bồng vạn dặm,dật dờ biết đâu.
Ý người mây trắng ngàn thâu,
Tình tôi quyến luyến nghe sầu hoàng hôn.
Vẫy tay giã biệt chiều hôm,

Thê lương tiếng ngựa buồn buồn hí vang!
Đỗ Chiêu Đức
* * *
Thưa Thầy và các bạn,
Phương Hà đọc bài TỐNG HỮU NHÂN do Thầy gởi đến và được anh Chiêu Đức diễn giải tỉ mỉ, cảm thấy thật cảm phục. PH cố gắng dịch mà không sao diễn tả được một phần cái hay của nguyên tác và cũng rất khó bám sát với nguyên tác. .Sửa tới sửa lui vẫn chưa ưng ý, PH đành gởi bài phỏng dịch này đến Thầy và các bạn, mong được góp ý cho hoàn thiện hơn. Xin cám ơn Thầy và các bạn:
Bài phỏng dịch

I-Thơ Đường luật: 
Tiễn Bạn
Xanh xanh núi chắn ngang thành bắc
Trắng xóa sông nằm ôm phía đông
Kẻ ở phương trời, lòng quyến luyến
Người theo cánh gió, ý phiêu bồng
Mây trôi, bạn tiếp đời lang bạt
Chiều xuống, ta ôm nỗi nhớ nhung
Giã biệt nhau đây, sầu chất ngất
Thê lương, ngựa hí giọng trầm ngân...
Phương Hà  

II- Thơ Ngũ ngôn: 
Tiễn Bạn
Thành bắc, chắn núi xanh
Phía đông, lượn sông trắng
Nơi đây từ biệt bạn
Nhẹ xa như cỏ bồng
Người đi, bước phân vân
Kẻ ở, tình quyến luyến
Chia tay, sầu dâng nghẹn
Ngựa hí, giọng buồn ngân.
Phương Hà  
* * *
Tiễn Bạn

Non xanh một dãy xây thành bắc
Dòng nước lững lờ uốn lượn đông
Phiêu bạc bốn phương đời lữ khách
Lang thang ngàn dặm kiếp thân bồng
Lòng người trôi dạt như mây trắng
Tình bạn vấn vương tợ ráng hồng
Tay vẩy chào nhau người mỗi ngả
Lạc đàn tiếng ngựa não nùng trông

Kim Phượng


Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Gởi Gió Lời Trăng


Em là trăng lạnh treo đầu súng
dõi bóng theo anh từ thu phai
soi đường binh lửa đêm quan tái
lặng lẽ trăng nghiêng xuống chỗ nằm
từ đó lòng em luôn rộn rã
theo bước anh đi mọi chiến trường
A sao  A lưới về Quảng trị
Bình long An lộc chẳng thiếu em
thậm chí Đắc tô hay Bình giã
trăng em dẫu khuyết vẫn như tròn
mà sao em ngỡ như anh vẫn
chẳng biết có em chẳng thấy em
em đã bao lần như nguyệt khuyết
nhưng chẳng bao giờ thôi nhớ anh

Đêm nay thu lạnh hồ thu lạnh
ngọn gió lạc đường quậy sóng xanh
in bóng trăng soi và trăng vỡ
cũng tại vì anh
anh biết không!

Trăm con sông nhỏ về biển lớn
mây tụ mây tan có lạ gì
vậy mà em vẫn lòng rách nát
vì lỡ thương anh lính chiến ơi!
tàn cuộc binh đao anh xếp giáp
vứt súng buông dao vượt biển xa
dẫu biết anh đi không trở lại
trăng lạnh mình em vẫn theo mà

Ba mấy năm qua gần bốn chục
trăng già vẫn khuyết nhớ anh xa
đơn lẻ thu phong hình thiếu bóng
nhưng lòng bất hối
anh biết không

Thư viết gởi vào nơi gió cát
ba ngàn thế giới một niềm tin
sẽ có một ngày anh trở lại
em vui hấp hối cũng thỏa lòng

Anh ơi trăng lạnh treo đầu súng
ngàn năm khuyết tật chẳng phôi pha.

HT.Nguyệt Khuyết

Cầu Phạm Thái Bường (Khưu Văn Ba cũ) - Tỉnh Vĩnh Long



Cầu Phạm Thái Bường (Khưu văn Ba cũ)

Nhìn về hướng đường Trưng nữ Vương.



Nhìn về đường Phạm Thái Bường (đường Khưu Văn Ba cũ)

Cầu Công Xi Heo (Nay là cầu Mậu Thân) nhìn về hướng ngã ba Chiều Tím, nay là đường Mậu Thân (xưa là đường Ngô Tâm Thông)

Cầu Công Xi Heo (Nay là cầu Mậu Thân) nhìn về đường Đồng Khánh cũ (nay là đường 2 tháng 9)

Huỳnh Hữu Đức

Ta Hiểu Rằng Ta Không Cô Độc


(Tặng K. Hồng)

Em yêu dấu sao mà xa lạ
Duyên kiếp nào nay kết nợ ba sinh
Tìm em chốn cô liêu hay phương trời vô định?
Tìm em nơi bờ hoặc hay ở bến vô minh?...

Đi tìm mãi tìm hoài mà không thấy!

Anh tìm em chốn phồn hoa vừa mới dậy
Tìm em nơi giọt nắng cuối chiều phai
Sớm thu về, ta nghe đắng hương cay...

Ta tìm em đâu quản ngại đường dài
Dù cho nắng, cho mưa hay tuyết phủ...
Lần cuối hay lần đầu, biết sao là đủ ?
Bên bờ suối lúc trăng vừa mới nhú

Ta hôn nhau trong mê đắm tuyệt vời...

Trong tiếc nuối nghe hồn lên chới với
Đường ta đi quyện chiếc bóng đơn côi
Ta bất chợt thấy em đang ngồi khóc...

Ta chợt hiểu rằng ta không cô độc
Một góc trời... bỗng lồng lộng đầy sao
Nhìn em đấy, lòng ta ôi xao xuyến
Rằng từ nay, ta đã có nhau rồi...

Bùi Thanh Tiên (VA, ngày 30- 8- 07)

Thơ Tranh: Đôi Dòng Tản Mạn


Thơ: Trần Bang Thạch & Kim Quang
Thơ Tranh: Kim Quang

Chén Rượu Trần Ai


(Tặng ANH VÂN)

Lều thu chuốc rượu mê hồn trận
Chẳng ở cao lầu, chẳng có hoa đăng
Trời trong veo lồng lộng một vầng trăng
Trăng với rượu tìm nhau nơi đáy cốc

Không hoa đẹp, không sắc hương người ngọc
Không trống kèn, không mỹ vị cao lương
Một chút gió ngàn, một chút hơi sương
Giữa lều thơ ngập tràn tình bằng hữu

Tiếng sáo trúc như lời tình quyến rũ
Thơ diễn ngâm để nuối tiếc một thời
Của đời người sinh tử giữa cuộc chơi
Bạn đàn, hát bài thơ vừa phổ nhạc

Rượu với thơ phải là niềm khao khát
Như bạn với ta từng đói lòng nhau
Rót rượu mời như chẳng có ngày sau
Phà khói thuốc đem mây trời xuống thấp.

Ta gánh thơ ngàn cân đời vùi vập
Bạn gánh tâm tình lính trận, xa quê
Mộng sẽ oằn vai tìm lại lối về
Dù chỉ để tìm về nơi ký ức

Chí lớn đời trai trôi cùng vận nước
Rượu hóa thành trăng trải bạc mái đầu
Bạn đàn, ta hát thức trắng canh thâu
Thơ với rượu ru mùa thu ngủ lại

Sáng mai ta với mùa thu thức dậy
Giữa màu vàng hoa cúc nở ngàn năm
Bạn, ta, thơ, rượu bốn cõi thăng trầm
Cười ngất ngưởng, trần ai còn có bạn.

Phạm Tương Như
Aug. 29 09