Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Gởi Gió Lời Trăng


Em là trăng lạnh treo đầu súng
dõi bóng theo anh từ thu phai
soi đường binh lửa đêm quan tái
lặng lẽ trăng nghiêng xuống chỗ nằm
từ đó lòng em luôn rộn rã
theo bước anh đi mọi chiến trường
A sao  A lưới về Quảng trị
Bình long An lộc chẳng thiếu em
thậm chí Đắc tô hay Bình giã
trăng em dẫu khuyết vẫn như tròn
mà sao em ngỡ như anh vẫn
chẳng biết có em chẳng thấy em
em đã bao lần như nguyệt khuyết
nhưng chẳng bao giờ thôi nhớ anh

Đêm nay thu lạnh hồ thu lạnh
ngọn gió lạc đường quậy sóng xanh
in bóng trăng soi và trăng vỡ
cũng tại vì anh
anh biết không!

Trăm con sông nhỏ về biển lớn
mây tụ mây tan có lạ gì
vậy mà em vẫn lòng rách nát
vì lỡ thương anh lính chiến ơi!
tàn cuộc binh đao anh xếp giáp
vứt súng buông dao vượt biển xa
dẫu biết anh đi không trở lại
trăng lạnh mình em vẫn theo mà

Ba mấy năm qua gần bốn chục
trăng già vẫn khuyết nhớ anh xa
đơn lẻ thu phong hình thiếu bóng
nhưng lòng bất hối
anh biết không

Thư viết gởi vào nơi gió cát
ba ngàn thế giới một niềm tin
sẽ có một ngày anh trở lại
em vui hấp hối cũng thỏa lòng

Anh ơi trăng lạnh treo đầu súng
ngàn năm khuyết tật chẳng phôi pha.

HT.Nguyệt Khuyết

Cầu Phạm Thái Bường (Khưu Văn Ba cũ) - Tỉnh Vĩnh Long



Cầu Phạm Thái Bường (Khưu văn Ba cũ)

Nhìn về hướng đường Trưng nữ Vương.



Nhìn về đường Phạm Thái Bường (đường Khưu Văn Ba cũ)

Cầu Công Xi Heo (Nay là cầu Mậu Thân) nhìn về hướng ngã ba Chiều Tím, nay là đường Mậu Thân (xưa là đường Ngô Tâm Thông)

Cầu Công Xi Heo (Nay là cầu Mậu Thân) nhìn về đường Đồng Khánh cũ (nay là đường 2 tháng 9)

Huỳnh Hữu Đức

Ta Hiểu Rằng Ta Không Cô Độc


(Tặng K. Hồng)

Em yêu dấu sao mà xa lạ
Duyên kiếp nào nay kết nợ ba sinh
Tìm em chốn cô liêu hay phương trời vô định?
Tìm em nơi bờ hoặc hay ở bến vô minh?...

Đi tìm mãi tìm hoài mà không thấy!

Anh tìm em chốn phồn hoa vừa mới dậy
Tìm em nơi giọt nắng cuối chiều phai
Sớm thu về, ta nghe đắng hương cay...

Ta tìm em đâu quản ngại đường dài
Dù cho nắng, cho mưa hay tuyết phủ...
Lần cuối hay lần đầu, biết sao là đủ ?
Bên bờ suối lúc trăng vừa mới nhú

Ta hôn nhau trong mê đắm tuyệt vời...

Trong tiếc nuối nghe hồn lên chới với
Đường ta đi quyện chiếc bóng đơn côi
Ta bất chợt thấy em đang ngồi khóc...

Ta chợt hiểu rằng ta không cô độc
Một góc trời... bỗng lồng lộng đầy sao
Nhìn em đấy, lòng ta ôi xao xuyến
Rằng từ nay, ta đã có nhau rồi...

Bùi Thanh Tiên (VA, ngày 30- 8- 07)

Thơ Tranh: Đôi Dòng Tản Mạn


Thơ: Trần Bang Thạch & Kim Quang
Thơ Tranh: Kim Quang

Chén Rượu Trần Ai


(Tặng ANH VÂN)

Lều thu chuốc rượu mê hồn trận
Chẳng ở cao lầu, chẳng có hoa đăng
Trời trong veo lồng lộng một vầng trăng
Trăng với rượu tìm nhau nơi đáy cốc

Không hoa đẹp, không sắc hương người ngọc
Không trống kèn, không mỹ vị cao lương
Một chút gió ngàn, một chút hơi sương
Giữa lều thơ ngập tràn tình bằng hữu

Tiếng sáo trúc như lời tình quyến rũ
Thơ diễn ngâm để nuối tiếc một thời
Của đời người sinh tử giữa cuộc chơi
Bạn đàn, hát bài thơ vừa phổ nhạc

Rượu với thơ phải là niềm khao khát
Như bạn với ta từng đói lòng nhau
Rót rượu mời như chẳng có ngày sau
Phà khói thuốc đem mây trời xuống thấp.

Ta gánh thơ ngàn cân đời vùi vập
Bạn gánh tâm tình lính trận, xa quê
Mộng sẽ oằn vai tìm lại lối về
Dù chỉ để tìm về nơi ký ức

Chí lớn đời trai trôi cùng vận nước
Rượu hóa thành trăng trải bạc mái đầu
Bạn đàn, ta hát thức trắng canh thâu
Thơ với rượu ru mùa thu ngủ lại

Sáng mai ta với mùa thu thức dậy
Giữa màu vàng hoa cúc nở ngàn năm
Bạn, ta, thơ, rượu bốn cõi thăng trầm
Cười ngất ngưởng, trần ai còn có bạn.

Phạm Tương Như
Aug. 29 09

Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

Bến Đỗ


Anh bây giờ là nỗi nhớ trong em
chiều khép lại thêm một lần quay quắt
tiễn ngày đi người vẫn còn xa khuất
gót phong trần sợ lạc bước trong đêm

Giữa dòng đời em như con thuyền nhỏ
dập dềnh theo thác lũ cuốn dòng trôi
bao xót xa lận đận một góc đời
lạc hướng đậu neo tình nơi bến lở

Trái tim buồn với cô đơn nặng trĩu
ngủ im lìm cho ngày tháng dần phai
nhưng sâu thẳm trong em còn vọng lại
nhận ra mình khao khát một niềm yêu 

Anh làm sao hiểu được những nhớ nhung
em dấu kín không thể nào nói hết
anh đâu biết khi vần thơ cạn kiệt
nghiêng phương anh mưa giăng hạt rưng rưng

Ta gặp nhau phiên chợ đời dẫu muộn
anh trao em bến đỗ rất yên bình
và anh ơi một nỗi rất thường tình
hai  tâm hồn thôi không còn khoảng trống

Trần Thị Dã Quỳ

Đừng Nên Để Dành Những Thứ Quý Giá.


Đừng nên để dành những đồ dùng quý giá đến một ngày đặc biệt nào đó mới sử dụng, mỗi ngày bạn đang sống đều là ngày đặc biệt.

Nhiều năm trước, có một lần tôi nói chuyện với một người bạn ở Sydney. Lúc đó, vợ anh ấy mới qua đời. Anh ấy kể cho tôi nghe, khi thu dọn đồ đạc của vợ, anh tìm thấy một chiếc khăn bằng lụa tơ tằm. Trong chuyến đi du lịch NewYork, họ đã mua chiếc khăn này ở một cửa hàng nổi tiếng. Đó là một chiếc khăn hàng hiệu rất đẹp và sang trọng, chiếc tem ghi giá vẫn còn chưa được bóc. Vợ anh cứ để dành, cô ấy muốn chờ đợi một dịp đặc biệt nào đó mới sử dụng. Kể đến đây anh dừng lại. Tôi im lặng chờ đợi. Một lúc sau anh nói tiếp: Đừng nên để dành những đồ dùng quý giá đến một ngày đặc biệt nào đó mới sử dụng, mỗi ngày bạn đang sống đều là ngày đặc biệt.

Sau này, mỗi khi nhớ đến câu nói của anh, tôi lại gác những công việc vặt sang một bên, tìm một cuốn tiểu thuyết, nằm trên ghế sofa đọc, tranh thủ tận hưởng thời gian của mình. Tôi đứng cạnh cửa sổ ngắm nhìn cảnh sắc thành phố, mặc kệ bụi bẩn bám trên khung kính. Tôi đưa vợ ra ngoài ăn cơm mỗi khi hứng chí cho dù vợ đã nấu xong cơm canh.

Tôi chia sẻ câu chuyện này với một đồng nghiệp nữ. Sau này, khi gặp mặt, cô ấy nói với tôi, bây giờ cô ấy không giống như trước nữa, cất những chiếc bát sứ đẹp vào trong tủ kính. Trước đây, cô ấy cũng để dành đến một ngày đặc biệt nào đó mới lấy ra sử dụng, nhưng bây giờ cô ấy nhận thấy cái ngày đặc biệt ấy chưa từng một lần xuất hiện.
Những từ chẳng hạn như “sẽ có một ngày”, “trong tương lai” không còn tồn tại trong cuốn từ điển của cô nữa. Nếu có điều gì đáng vui mừng, thì ngay bây giờ cô muốn nghe thấy nó, muốn nhìn thấy nó, muốn tận hưởng nó.

Chúng ta rất muốn gặp lại bạn bè cũ, nhưng luôn nói:”để đến dịp nào đó”.
Chúng ta thường muốn ôm hôn đứa con khôn lớn đã trưởng thành, nhưng luôn chờ đợi tới dịp thích hợp.
Chúng ta thường muốn viết thư cho một nửa còn lại của mình để thổ lộ tình cảm chân thành được giấu kín trong lòng hoặc muốn cho anh ấy biết rằng bạn rất ngưỡng mộ và khâm phục anh ấy, nhưng bạn luôn tự nhủ đi đâu mà vội.

Thực ra mỗi buổi sáng, khi thức giấc, chúng ta nên tự nhủ với bản thân, hôm nay là một ngày đặc biệt. Mỗi giờ, mỗi phút trong cuộc sống đều rất đáng quý.
Một nhà tâm lý học đã đưa lời khuyên:
Bạn hãy nhảy hết mình, giống như không có người xem vậy.
Bạn hãy yêu hết mình giống như trước đây bạn chưa từng bị tổn thương vậy.
Tôi cũng cần phải nhảy, phải yêu hết mình.
Còn bạn thì sao? Có phải bây giờ công việc đầu tiên của bạn muốn làm là chia sẻ với bạn bè những ý tưởng này không?

Sau khi đọc xong bài viết này, bạn có thể lập tức đứng dậy lau ghế hoặc rửa bát đĩa, hoặc có thể tắt máy tính, nhắm mắt lại trầm tư suy nghĩ một lát, cũng có thể share bài viết này cho những người bạn. Đương nhiên là tôi hy vọng bạn làm công việc cuối cùng. Biết đâu, bạn sẽ thay đổi cuộc đời của rất nhiều người.

Võ Thị Kim Đính Sưu tầm

Thơ Tranh: Tiếng Thở Dài


Thơ: Suối Dâu
Thơ Tranh: Kim Oanh

Mất Tích Ngôi Trường Xưa


Sau lưng chuông đổ xa mờ
Trước mặt sóng vỗ mấy bờ tình đau
Sông còn in bóng tường cao
Nguyễn Trường Tộ đã chìm sâu trong hồn

Tiền giang nước lũ nỗi buồnÔi! 
Thời áo trắng chỉ còn bọt sông
Người về se sắt cõi lòng
Người đi tắt nghẹn đôi dòng nhớ thương

Chiều nay mây nước bị thương
Chiều nay một kẻ lạc đường bơ vơ
Cỏ xanh phủ lấp ngày thơ
Mái trường mất tích đâu ngờ. Hỡi ôi!

(Hình phụ bản của Trương Văn Phú - Bờ Sông cạnh trường Nguyễn Trường Tộ)
Hoài Tử
 

Bán Túy - 半醉

       Chập chờn cơn tỉnh cơn mê...
      Là trai gái ngày xưa khi mới gặp nhau kìa, vì hiếm khi có dịp gặp gỡ, cũng như Kim Trọng và Thúy Kiều vậy, phải gặp tuần đố lá, hay nhằm tiết Thanh Minh, thì mới... thỏa lòng tìm hoa được! Còn tuổi già thì chỉ " Chập chờn vì... dở tỉnh dở say " mà thôi! Ngày xuân bên chén rượu tiêu dao ngày tháng, nhìn cuộc đời bằng con mắt nửa tỉnh nửa say là... chuyện Thường....
       Dưới đây là hai bài " Bán Túy " , một của Lý Quần Ngọc ( Ngũ Ngôn ), một của Hàn Ốc (Thất Ngôn). Mời Quý Vị cùng đọc cho vui!....


1. BÁN TÚY của LÝ QUẦN NGỌC:

  李群玉(约813~约860) 唐代诗人。字文山。澧州(今湖南澧县)人。性情淡泊,一度应进士举,不第,即弃去。裴休为湖南观察使时,对他很器重,并加延致。大中八年(854)游长安,上表献诗300篇。其时裴休为宰相,荐授宏文馆校书郎。不久,弃官回乡。

Lý Quần Ngọc ( khoảng 813-860 ). Thi nhân đời Đường. Tự Văn Sơn. Người đất Phong Châu ( là Phong huyện của tỉnh Hà Nam hiện nay ). Tính tình đạm bạc, từng đi thi Tiến Sĩ một lần, không đậu, bèn bỏ luôn. Khi Bùi Hưu làm Quan Sát Sứ đất Hồ Nam, rất coi trọng ông ta, từng tiến cử với triều đình. Năm Đại Trung thứ tám( 854 ), Quần Ngọc đến tràng an,dâng lên Vua 300 bài thơ. Lúc đó Bùi Hưu đang là Tể Tướng, mới tiến cử ông nhậm chức Hoằng Văn Quán Hiệu Thư Lang. Nhưng chẳng bao lâu, ông lại từ quan về quê.

《半醉》
處俗常如病,
看花亦似秋。
若無時復酒,
寧遣鎮長愁。   
漸覺身非我,
都迷蝶與周。
何煩五色藥,
尊下即丹丘。
李群玉:半醉
Bán Túy

Xử tục thường như bệnh,
Khán hoa diệc tự thu.
Nhược vô thời phục tửu,
Ninh khiển trấn trường sầu.
Tiệm giác thân phi ngã,
Đô mê điệp dữ Châu
Hà phiền ngũ sắc dược,
Tôn hạ tức đan khâu.

Lý Quần Ngọc

Chú thích:
1. Xử 處 :( Động từ ) là giải quyết. Vd : Xử lý, xử trí.
là cách. Vd : Xử thế : là cách ở đời.
là Ở ( trong ). XỬ TỤC : Ở trong cỏi trần tục.
Đọc là XỨ( danh từ ), thì có nghĩa là NƠI CHỐN. Vd : Xứ xứ : là Nơi nơi. " Xứ xứ tà dương thảo tự đài ".
2. Nhược 若 : là Nếu, Nếu như. Nhược Vô : là Nếu như không, là cảm thấy trống rổng như không có gi. Cảm thấy chán nản.
3. Ninh 寜(寕): là Chắc, vững. Vd : An Ninh.
Ninh là giới từ thì có nghĩa : Thà , thà rằng , chẳng thà. NINH KHIỂN :
là Thà chịu ( thà tiêu khiển trong việc... )
4. Trấn 鎮 : Danh từ , Trấn là THỊ TRẤN.
Động từ , Trấn là Đè, Nén. Vd : Trấn áp. Trong bài thơ có nghĩa là Chịu đựng.
5. Điệp dữ Châu ( Chu ) : Bướm và Trang Chu : Trang Chu ( Châu ) là Trang Tử, thường nằm mơ thấy mình hóa bướm, dạo chơi cùng khắp. Khi tỉnh dậy còn mơ hồ không rõ là mình hóa ra bướm, hay là bướm hóa ra mình.
6. Ngũ sắc dược : Thuốc 5 màu của các đạo sĩ ngày xưa luyện nên, uống vào để tu thành Tiên.
7. Đan Khâu : là Những đan ( đơn ) dược được luyện thành, uống vào để lên Tiên, cũng như ngũ sắc dược ở trên, samething ,chỉ khác cách nói.

Dịch xuôi:
Ở trong cỏi trần tục nầy, thường cảm thấy như là đang bệnh ( xuống tinh thần ). Ngắm hoa cũng không thấy vẻ xuân mà lại buồn như mùa thu. Khi cảm thấy ( tâm hồn ) trống không, thì lại uống rượu. Thà rằng tiêu khiển như thế nầy ( uống rượu ) để nén cơn sầu dài dằng dặc. Dần dần cảm giác thân ta không còn là ta nữa, tất cả đều mơ hồ như bướm với trang Chu vậy.( Thôi thì ) , cần chi phải làm phiền đến thuốc ngũ sắc,( Ý nói không cần phải có thuốc ngũ sắc ). Dưới chay rượu của ta( tôn hạ ) tức là thuốc đan dược để thành tiên đó !( Ý nói : Uống một bầu rượu vô rồi thì nửa tỉnh nửa say, lâng lâng như lên tiên vậy ! )

Diễn nôm:

Dở Say
Cỏi tục thường như bệnh
Ngắm hoa cứ ngỡ thu
Khi buồn lại uống rượu
Thà sống mãi với sầu
Ta ngỡ không ta nữa
Cứ tưởng bướm Trang Châu
Chẳng cần đan ngũ sắc
Chỉ thích rượu một bầu!
Đỗ Chiêu Đức

2. BÁN TÚY của HÀN ỐC :

中国唐代诗人。乳名冬郎,字致光,号致尧,晚年又号玉樵山人。陕西万年县(今樊川)人,生于唐开成五年(840年)。自幼聪明好学,10岁时,曾即席赋诗送其姨夫李商隐,令满座皆惊,李商隐称赞其诗是“雏凤清于老凤声”。龙纪元年(889年),韩偓中进士,初在河中镇节度使幕府任职,后入朝历任左拾遗、左谏议大夫、度支副使、翰林学士。

Hàn Ốc ( 840-923 ). Thi nhân đời Đường TQ. Nhũ danh Đông Lang, tự là Trí Quang, hiệu là Trí Nghiêu, về già lại có biệt hiệu là Ngọc Tiều Sơn Nhân. Người huyên Vạn Niên tỉnh Thiểm Tây( nay là Phàn Xuyên ). Sanh vào năm thứ 5 Khai Thành nhà Đường. Từ nhỏ thông minh, hiếu học. Khi 10 tuổi, đã làm thơ ngay trong tiệc để tặng cho dượng rể là Lý Thương Ẩn, làm mọi người trong tiệc đều kinh ngạc. Lý khen thơ của ông là " Sồ phụng thanh vu lão phụng thinh " , có nghĩa " Tiếng của con phụng trẻ hót thanh hơn là tiếng của con phụng già ". Năm đầu của Long Kỷ ( 889 ). Hàn Ốc đậu Tiến Sĩ . Lúc đầu nhậm chức Mạc Phủ cho Tiết Độ Sứ ở Hà Trung Trấn. Sau vào triều với các chức Tả Thập Di, Tả Giám Nghị Đại Phu, Độ Chi Phó Sứ, và Hàn Lâm Học Sĩ.

《半醉》
水嚮東流竟不回,
紅顔白發遞相催。
壯心暗逐高歌盡,
往事空因半醉來。
雲護雁霜籠澹月,
雨連鶯曉落殘梅。
西樓悵望芳菲節,
處處斜陽草似苔。
韓偓:半醉

Thủy hướng đông lưu cánh bất hồi,
Hồng nhan bạch phát đệ tương thôi
Tráng tâm ám trục cao ca tận
Vãng sự không nhân bán túy lai
Vân hộ nhạn sương lung đạm nguyệt
Vũ liên oanh hiểu lạc tàn mai
Tây lâu trướng vọng phương phi tiết
Xứ xứ tà dương thảo tự đài!

Hàn Ốc

Chú thích:
1. Ốc 偓 : Đúng ra phải đọc là ÁC, chữ nầy không có nghĩa , chỉ dùng để đặt tên. Đây là tên của một vị tiên đời xưa. Có thể các Cụ ta thấy chữ Ác nghe không tao nhã, cho nên đọc trại thành Ốc, vì chữ nầy có Bộ Nhân 人và chữ Ốc 屋, nên mượn âm chữ Ốc để đọc luôn nghe cho hay mà thôi.
2. Cánh 竟 ; là Xong, Hết, Hoàn thành . Vd : Vị cánh : chua xong , chưa hoàn thành. Khi là PHÓ TỪ thì có nghĩa là : Lại, Mà, Mà lại. tỏ ý bất ngờ về cái gì đó. Vd : Cánh nhiên như thử : Không ngờ lại thế. Khi là ĐỘNG TỪ thì có nghĩa CHẮC CHẮN. Vd : Hữu chí cánh thành ( Có chí thì chắc chắn sẽ thành công, ta nói CÓ CHÍ THÌ NÊN ! ). Trong bài thơ là... Cánh bất hồi : chắc chắn không trở lại !
3. Đệ 遞, giản thể : 递: Động từ nghĩa là CHUYỂN GIAO. Vd : Đệ trình, Đệ đơn., Truyền đệ . Là Phó Từ thì có nghĩa là : Dần, dần dần. Trong bài thơ Đệ tương thôi : Dần dần thôi thúc nhau, thay thế nhau.
4. Trục 逐 : là Đuổi, Xua đuổi. Vd : Trục khách : đuổi khách. Trục xuất : đuổi ra ngoài. Phó từ có nghĩa : Từng bước, lần lượt. Trong bài thơ là ÁM TRỤC : Lặng lẽ từng bước, lần lượt âm thầm.
5. Đạm 澹: Khi đọc là Đạm thì đồng nghĩa với chữ Đạm 淡 là Nhạt, loãng, mỏng. Đạm Nguyệt : là ánh trăng nhàn nhạt, ánh trăng mơ huyền ( mờ ). Đạm còn có nghĩa là Yên tĩnh, Lặng lẽ. Vd : Đạm đạm Trường giang thủy : Nước sông Trường giang lặng lẽ trôi. Khi đọc là ĐÀM thì là Họ của ai đó.
6. Hiểu 曉 : là Biết, vở lẻ. Vd : Hiểu đắc là biết được( điều gì đó ). Khi là Danh Từ thì có nghĩa là BUỔI SÁNG , Vd : Hiểu phong tàn nguyệt : là trăng tàn gió sớm. Trong bài thơ là Oanh Hiểu ; là chim oanh hót buổi sáng sớm.
7. Phương Phi ; là mùi thơm của hoa cỏ, cũng dùng để chỉ Hoa Cỏ mà thôi. Trong bài thơ là Phương Phi Tiết : là Tiết trời của hoa cỏ, là chỉ tiết của mùa xuân đó.

Dịch nghĩa:
Nước chảy về biển Đông chắc chắn sẽ không bao giờ trở lại rồi, cũng như từ trẻ rồi trở về già phải lần lượt như thế thôi.Những hùng tâm tráng chí khi xưa cũng lặng lẽ chấm hết như lời cao ca đã kết thúc. Nên dở tỉnh dở say của hôm nay cũng không phải do chuyện cũ mà ra. Mây như che chở cho chim nhạn bay trong sương làm lung linh ánh nguyệt. Tiếng mưa như hòa với tiếng hót của chim oanh buổi sáng làm rụng mấy cánh mai tàn. Đứng trên lầu Tây bồi hồi nhìn tiết xuân của hoa cỏ, thấy khắp nơi trong ánh nắng chiều cỏ mọc tựa như rêu.
Theo ý tôi thì vì ở trong tình trạng BÁN TÚY, nên tác giả mới thấy cỏ tựa rêu, cũng như thấy chim nhạn bay trong sương làm lung linh ánh trăng mờ.....

Diễn nôm:

Nửa Tỉnh Say

Nước chảy về đông không trở lại
Đầu xanh tóc trắng cũng đổi thay
Hùng tâm nào thuở ngân cao giọng
Chuyện cũ thôi rồi nửa tỉnh say
Mây nhạn nương sương mờ bóng nguyệt
Mưa oanh rựng sáng rụng tàn mai
Lầu tây buồn ngắm chiều nghiêng nắng
Khắp chốn rêu xanh ngỡ cỏ dài !

Đỗ Chiêu Đức

Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

Phút Yên Bình












Biện Công Danh

Thơ Tranh: Dốc Xưa

(Từ Lối Xưa của Khiếu Long)

Lối Cũ
Về tìm em lối cũ
Con tim đầy bâng khuâng
Lối xưa vùng kỷ niệm
Bước chân sao ngại ngần

Vầng trăng xưa còn đó
Hàng liễu rũ bên trời
Em vẫn ngồi sầu mộng
Buồn vương nào chơi vơi

Không còn gì ngăn cách
Tình yêu của chúng mình
Vòng tay trao nồng ấm
Sau tháng ngày linh đinh

Thôi ngậm ngùi tiếc nhớ
Dấu yêu xưa nồng nàn
Quên đi đời phiền muộn
Gió xuân về mênh mang


Thơ: Khiếu Long
Họa Thơ: Tiểu Vũ Vi
Thơ Tranh: Kim Oanh


Tiếc Cuộc Tình - Tiếc Chi


( Riêng về một người…)

Cuộc sống tưởng như chẳng bận lòng
Duyên đâu đưa đẩy biết ai trông
Nỗi buồn trắc trở hoài vương vấn
Tình muộn trái ngang bạc má hồng
Thôi thế từ nay xin giã biệt
Đọa đày chi lắm để mà mong
Đành đem trả lại lời thề cũ
Tàn cuộc tình xưa tiếc cõi lòng

06/2014
Thiên Thu


* * *
Tiếc Chi

(Từ Tiếc Cuộc Tình của Thiên Thu)

Tình xưa đã cũ, tiếc mà chi?
Thôi thì trả lại hết hẹn thề,
Trắc trở má hồng phận ngang trái,
Vương vấn nỗi buồn thuở si mê,
Duyên đã không thành, đành giã biệt,
Thương tiếc đọa đày, tủi phận thêm!
Cuộc sống vẫn trôi, đời vẫn đẹp,
Chôn chặt đáy lòng, cố lãng quên!!!

Nam Chi

Xướng Hoạ: Nếu..! Lỡ..! Xin..! Cho...



Bài xướng: Nếu...!

Nếu đừng thao thức những đêm thâu
Nếu cõi lòng vơi hết giọt sầu
Nếu chẳng xót xa người đến muộn
Nếu thôi day dứt mộng qua mau
Nếu màu hoa thắm như ngày cũ
Nếu cuộc tình say tựa buổi đầu
Nếu tấm thân ta là đá sỏi
Thì tim đâu có nhói cơn đau!

Nguyễn Gia Khanh
* * *
Các Bài Hoạ:
Lỡ...!


Lỡ đắng cay xin thời khắc thâu
Lỡ tim yếu đuối vướng u sầu
Lỡ câu hò hẹn lòng chôn kín
Lỡ khúc ân tình tim vỡ mau
Lỡ nhắc tàn tro giây phút cuối
Lỡ khơi hoa mộng buổi ban đầu
Lỡ duyên mai trúc xin an phận
Nếu bước chung đường e khổ đau!

Kim Phượng
* * *
 
 Xin...!

Xin đừng trằn trọc suốt canh thâu
Xin chớ đầy vơi giọt lệ sầu
Xin hãy nhớ rằng duyên đã muộn
Xin ngừng tiếc nuối mộng tàn mau
Xin hoa mãi nụ dù phai nắng
Xin tóc còn hương đến bạc đầu
Xin được một lần tha thiết ngỏ
Rồi thôi, im lặng giữ niềm đau !...

Phương Hà
* * *
Cho


Cho cả cuộc đời cũng chẳng thâu
Cho nhiều như thế chuốc thêm sầu
Cho tình để đó còn suy nghĩ
Cho bạc ừ đây sẽ nhận mau
Cho hết thiết gì thân ốm đói
Cho thêm nào kể trọc trơ đầu
Cho hoài mới thấy vui trong dạ
Nếu mãi như vầy khó hết đau

Quên Đi
* * *
Vì...!


Vì ai trằn trọc suốt canh thâu
Vì vướng tình si để khổ sấu
Vì nỗi xót xa tình chín muộn
Vì lòng ray rứt mộng tan mau
Vì hoa quỳnh thiếu vầng trăng bạc
Vì trái tim phai nguyện ước đầu
Vì trót mang thân là hạt bụi
Nên đành trôi nổi giữa dòng đau !...

Lộc Mai
* * *
 
 Vẫn ....

Vẫn nhớ tình em đã tiếp thâu
Vẫn dòng dư lệ lúc ưu sầu
Vẫn mang day dứt khi lầm lở
Vẫn muốn ân tình trả được mau
Vẫn "nếu" còn yêu đừng lỗi hẹn
Vẫn "xin"giữ trọn mối duyên đầu
Vẫn nuôi mộng ước dù hư ảo
Để trái tim hồng bớt khổ đau.

Song Quang
* * * 
Nếu... !

Nếu cõi lòng bình thản tiếp thâu,
Nếu đừng thao thức dạ thôi sầu.
Nếu không day dứt người ly biệt,
Nếu chẳng xót xa mộng vỡ mau.
Nếu cuộc tình say như mới gặp,
Nếu màu hoa thắm tựa ban đầu.
Nếu lòng thanh thản thôi vương vấn,
Thì trái tim tình chẳng nhói đau!

Đỗ Chiêu Đức.
* * *
Thà


Thà rớt mồng tơi khỏi tóm thâu
Thà nghe gió lộng giữa đồng sầu
Thà nguyên bản chất dù xuân muộn 
Thà vẹn linh hồn dẫu kiếp mau 
Thà mặc Bà Ba gìn nếp cũ 
Thà ăn đậu hủ diệt ma đầu 
Thà chân chai cứng đi mòn sỏi 
Chẳng chịu cúi lòn để tránh đau.

Cao Linh Tử
* * *
Chớ....!


Chớ buồn đối diện với đêm thâu
Chớ hoảng rơi nhằm cái vũng sầu
Chớ thấy điềm may mà sướng vội
Chớ xem điều rủi để sầu mau
Chớ nhìn quần áo truy lòng dạ
Chớ ngắm dung nhan đoán bụng đầu
Chớ có vội vàng lời phán xét
Trách người lầm lẫn hẳn mình đau

KyGan
* * *
Đừng...!


Đùng mơ bóp nát mảnh trăng thâu
Đừng đắm chìm trong bể khổ sầu
Đừng tự dày vò khi đến chậm
Đừng cười cay đắng lúc quên mau
Đừng trông cánh nhạn mờ chân núi
Đừng khóc mưa ngâu ướt mái đầu
Đừng vướng đa mang mà chuốc lụy
Vì đời đã quá đủ thương đau !

Phương Hà
* * *

Không…!

Không buồn sao biết được đêm thâu
Không nhớ ai đâu hiểu nỗi sầu 
Không nợ sao lòng hoài thổn thức
Không yêu đời sẽ lụn tàn mau 
Không nghĩa nào xui hai đứa gặp
Không duyên chẳng khiến kết đôi đầu
Không nói không thưa lòng khắc cốt
Xa rồi mới biết trái tim đau!

Kim Oanh
* * *
 
 Có

Có cà phê thức trắng đêm thâu 
Có giặc hăm he nghĩ cũng sầu 
Có nợ ngày đêm lo phải trả 
Có tiền xài bậy chỉ già mau 
Có tình yêu nước không theo giặc 
Có nghĩa rèn tâm chớ cúi đầu 
Có bạn kết đoàn đồng tâm sức 
Có ngày mở mặt chẳng còn đau

Chân Diện Mục
* * *
Khi..

Khi buồn nên thức mãi canh thâu
Khi nhớ người ta mới khổ sầu
Khi nợ nên lòng luôn khắc khoải
Khi yêu đời đẹp rất là mau (biết là bao)
Khi duyên đã đến xui mình gặp
Khi nghĩa tiêu tan khiến đối đầu
Khi mộng không tròn sao cứ ước?
Thời gian đâu xóa hết niềm đau!

SongQuang
* * *
Phải

Phải chi...đừng thức suốt canh thâu
Phải chẳng yêu đương khỏi lụy sầu
Phải nợ nên tình thêm gắn bó
Phải duyên ràng buộc sẽ thương mau
Phải hoa tươi thắm không tàn úa
Phải níu thời gian há bạc đầu
Phải trẻ được hoài...Xuân bất tận
Thì đâu cay đắng với niềm đau.

Lý Lệ MAI
Michigan 1/11/2016

Phạm Ngũ Lão

Thuở còn cấp sách đến trường, khi học về lịch sử, chúng ta không thể quên tựa đề một bài học:
"Ngồi Đan Sọt Mà Lo Việc Nước, Phạm Ngũ Lão"



Phạm Ngũ Lão ( 范五老; 1255-1320) là tướng Nhà Trần trong lịch sử Việt Nam . Ông là người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào ,Hải Dương (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên . Theo sách Tông phả kỷ yếu tân biên của Phạm Côn Sơn dẫn gia phả họ Phạm, ông là cháu 8 đời của tướng Phạm Hạp thời Nhà Đinh .
Đến đời Phạm Ngũ Lão gia cảnh sa sút cha mất sớm, mẹ già yếu, Phạm Ngũ Lão phải kiếm sống bằng nghề đan sọt. Nhưng ông phụng dưỡng mẹ chu đáo, hiếu thảo. Ông nổi tiếng thông minh, ham đọc sách và chịu luyện rèn nên đã tinh thông võ nghệ.

Chuyện kể rằng, một hôm đoàn quân của Đức ông Trần Hưng Đạo kéo ngang qua, dân chúng hết thảy đều dẹp sang 2 bên, nhường đường, riêng Phạm Ngũ Lão vẫn ngồi xếp bằng tròn, điềm nhiên đan sọt bên vệ đường còn mãi suy nghĩ "việc nước" vô ý không đứng dậy, mặc cho quân lính quát, thét thế nào cũng không nghe, đâm giáo vào đùi đến máu chảy đầm đìa cũng không biết. Thấy sự lạ, Hưng Đạo Vương xuống voi, cúi nhìn chàng thanh niên đang đan sọt mà như vô hồn, vô cảm. Ông hỏi:
- Nhà ngươi quê ở đâu, bị giáo đâm như thế không biết đau sao mà vẫn ngồi như vậy? Bấy giờ, Phạm mới giật mình, sực tỉnh, kính cẩn nhìn người hỏi, vội thưa:
- Bẩm Đức Ông, tôi họ Phạm... tôi mãi nghĩ mấy câu trong binh thư, không biết có quân của Đức Ông trẩy qua, làm trở ngại việc quân, xin Đức Ông xá tội cho.
- Hẳn tráng sĩ biết quân Mông Nguyên đã chinh phục hàng chục nước ở Đông - Tây, nhà Tống cũng bị đẩy xuống phía Nam... nay chúng đang gấp rút xâm lược nước ta một lần nữa.
- Bẩm Đức Ông, kẻ thứ dân này, tuy ở nơi thôn dã, song cũng biết được giặc Mông Nguyên đã động binh, rắp tâm xâm lược nước ta.
- Tráng sĩ đã tỏ ra là người thao lược, ta rất quý trọng. Ta muốn đưa về trang Ấp Vạn Kiếp giúp ta huấn luyện quân sĩ, mong tráng sĩ vui lòng (Bách khoa trí thức phổ thông, trang 233).

... Hưng Đạo Vương rất hài lòng về chí khí, hoài bão, sự hiểu biết của chàng nông dân khôi ngô, tuấn tú, có dáng người chắc khỏe, mới chừng ngoài 20 tuổi này. Nhờ có đức độ hơn người lại có tài võ nghệ, Phạm Ngũ Lão được Trần Hưng Đạo vừa trọng dụng vừa thương như con. Ông được Trần Hưng Đạo gả con gái (giả làm con gái nuôi của Trần Hưng Đạo vì nhà Trần có quy định chỉ gả con gái trong dòng tộc) là quận chúa Anh Nguyên, đồng thời đem tiến cử cho vua Trần coi quân cấm vệ, bảo vệ vua và Cấm thành. Vua Trần phong ông đến chức Điện suý thượng tướng quân, cho lập phủ đệ ngay trong vương cau của triều đình tại kinh thành.
“Ngũ Lão xuất thân trong hàng quân ngũ nhưng rất thích đọc sách, sống phóng khoáng, có chí lớn, thích ngâm thơ, xem qua có vẻ như không để ý đến việc võ bị nhưng quân do ông chỉ huy thực là đội quân trên dưới như cha con, hể đánh là thắng". (Đại Việt sử ký toàn thư)

Thuật hoài

Hoành sóc giang sơn kháp kỷ thu,
Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu(*).
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu(**). 
                             Phạm Ngũ Lão

Dịch nghĩa : Tỏ lòng

Cắp ngang ngọn giáo gìn giữ non sông đã mấy thu,
Ba quân như hổ báo, khí thế hùng dũng át cả sao Ngưu. 
Thân nam nhi nếu chưa trả xong nợ công danh,
Thì luống thẹn thùng khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu.

Dịch Thơ : Tỏ Lòng

Bao năm múa giáo giữ quê nhà 
Hùng phủ sao Ngưu chiến sĩ ta 
Nam tử nợ danh chưa trả đủ 
Thẹn khi nghe chuyện Vũ Hầu Gia

Tự Hoạ

Vung giáo bao thu giữ nước nhà 
Khí trùm Ngưu Đẩu thế quân ta
Nam nhi nợ nước còn chưa đáp 
Ắt thẹn khi bàn tích Vũ Gia 

Quên Đi

Đây quả là bài thơ có hàm ý sâu sắc, thể hiện cái uy dũng của một đấng Nam Nhi

Lê Quý Đôn từng nói: "Phạm Ngũ Lão là người trong trẻo, cứng rắn, cao thượng, thanh liêm, có phong độ như kẻ sĩ quân tử đời Tây Hán, thật không phải người tầm thường có thể theo kịp được. Bởi vì nhà Trần đãi ngộ sĩ phu rộng rãi mà không bó buộc, hòa nhã mà có lễ độ, cho nên nhân vật trong một thời có khí tự lập, hào hiệp cao siêu, vững vàng vượt ra ngoài thói thường, làm rạng rỡ trong sử sách, trên không hổ với trời, dưới không thẹn dưới đất".

(*) Hán Ngữ có thành ngữ Khí thôn Ngưu Đẩu 氣吞牛斗 - hùng khí có thể át cả sao Khiên Ngưu và sao Bắc Đẩu
(**) Vũ Hầu Gia Cát Lượng tức Khổng Minh quân sư của Lưu Bị thời Tam Quốc.                                   
Hết
Huỳnh Hữu Đức (Theo "Hùng Ca Sử Việt Phần Cuối" )

Thứ Bảy, 7 tháng 6, 2014

Nhân Hình Phụ Bản "Sao Dám Hẹn"

      Bài thơ ngắn của Chs Nguyễn Trường Tộ, tên khai sanh là "Sao Dám Hẹn" có hình phụ bản. Ảnh tả như sau, đóa hoa lục bình tím đẹp mênh mang, rất mỏng manh, và người con gái áo dài trắng cũng đẹp lắm, mắt không nhìn ngay mà liếc, tôi mở trang xem có gì mới không, thì y như rằng tôi vào ảnh minh họa này, cứ như bị "vũ vô cương tỏa năng lưu khách" vậy, chỉ bởi cú nhìn liếc mà ra, phải đổ thừa mới được, lý do đáng là chính lắm chứ.


      Này nghen!- người xưa nói chớ không phải tui nói (Nhất kiến khuynh nhân thành phố, tái kiến khuynh đa huynh đệ.. thiên kiến thì chết thiên hạ…hè ). Thử nghĩ xem, người đã đẹp rồi, thay vì dợm bước đi, thì đi luôn cớ gì ngoái cổ nghiêng đầu, mắt liếc có đuôi đính kèm nụ cười như hoa hàm tiếu có thêm chút tình lưu lại…có anh tài nào mà không xỉu, chí ít cũng hồi hộp bủn rủn rồi đăng ký xin gởi tấm thân bồ tượng..
Tui cũng có người bạn, cứ có nụ cười thêm cú liếc là rớt cái đuội, mà rớt hoài mới lạ, rồi ham rớt nhiều nhiều thêm thêm, để khi buồn buồn nằm võng toong ten đàn thâu đêm suốt sáng.


Cũng có chàng vốn trên bờ lại sắm thuyền lang thang sông nước cũng vì nụ cười rơi rớt ghi mãi trong lòng đẩy anh vào sông nước lênh đênh, mà cảnh này lại là men sống hùng sống mạnh.. tôi ngắm mà thương…

Rồi gia đình quá đông bởi cái nhìn xưa còn đeo đẳng mà phải ngày ngày hai con nước cùng chiếc xuồng hết xuôi rồi ngược tìm thêm chút sống cho đại gia đình
Hai năm trước ông này không còn chày nữa, hỏi thăm mới biết lao khổ đã rảnh nợ rồi gánh đời trao lại cho con trai cũng lại xuống sông, nhưng chiếc xuồng lành lặn hơn, thì cũng là xuồng với chày
Nếu như ngày xưa đôi bên đều (chù ụ - chầm dầm ) thì tui cũng chẵng có ảnh để mời bà con xem.







Trương Văn Phú

Bài Thơ Cùng Khổ


Đừng than thở ưu phiền vì số phận
Hay trách mình lận đận giữa trần gian
Chớ bi quán hãy tìm Chúa nương nhờ
Tình yêu Chúa vô bờ không kể siết

Thơ tôi viết tặng riêng người cùng khổ
Như mùa hè đang đổ những giọt mưa
Như buổi trưa có gió mát lượn vòng
Để xoa diệu nỗi lòng ai rên siết

Thơ tôi viết hiền hòa tình nhân loại
Mỗi một lời mời gọi yêu thương nhau
Nén đớn đau hiệp nhất lời kinh cầu
Chúa ban sức đương đầu cùng khúc chiết

Thơ tôi viết không cầu kỳ văn vẻ
Nhưng đong đầy lời lẽ nghĩa Tình Thân
Bạn băn khoăn... tôi rối rắm nỗi niềm
Ta dâng Chúa để tìm Tình Thương Chúa

Thơ tôi viết còn lắm điều ngượng ngập
Bạn nơi nào có gặp được ý thơ?
Lúc bơ vơ xin nhớ ở góc trời
Tôi đây cũng dâng lời trong kinh nguyện

Thôi chào nhé! Bạn đồng hành cùng khổ
Con đường dài gian khổ sẽ đi qua
Chớ kêu ca ta tìm Chúa van nài
Xin che chở những ngày theo chân Chúa

Đỗ Hữu Tài


Cầu Lầu - Vĩnh Long

Rời cầu Phạm thái Bường (Khưu Văn Ba) rẽ phải đi theo đường 2-9 (Đồng Khánh cũ) đến cuối đường là nơi giao nhau của hai cầu đó là Cầu Lầu và Cầu Thiềng Đức. Quẹo phải là Cầu Lầu.

Cầu Lầu
Đường Tống Phước Hiệp Cũ nhìn từ cầu Lầu
Đường Tống Phước Hiệp Cũ nhìn từ cầu Lầu
Nhìn về hướng kho dầu Văn Thánh

Huỳnh Hữu Đức

Còn Nỗi Ngậm Ngùi


Tình đã hằn trên đỉnh đời nhau
Người vẫn xa xôi lòng vẫn sầu
Duyên quá trễ tràng duyên dứt đoạn
Thôi đành lỡ dở chuyện trăng sao

Nẻo về bóng đổ mưa chiều bay
Thân mềm thấm lạnh lệ nồng cay
Buồn ươm môi mắt buồn giăng kín
Tình thoắt rời xa giữa mộng ngày

Người đi kẻ ở xót đau chăng
Một chút hương xưa dẫm nát lòng
Dõi mắt trông về nơi thăm thẳm
Mây đùn ngàn phiến nhớ long đong

Thôi thế đành thôi giã biệt rồi
Một thời ước hẹn một thời vui
Đời vơi nửa cuộc hồn mù lối
Tình chỉ còn trong nỗi ngậm ngùi 
Vĩnh Trinh

Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

Ai Buồn Hơn Ai? - Hoàng Thi Thơ - Kiều Nga

      Những người đang yêu nhau thấm thiết nhưng phải chia lìa, thì nỗi buồn đó không đo không đếm được để mà so sánh xem trong hai người, ai buồn hơn ai ?.
       Chỉ khi lúc xa nhau chợt nhớ về kỹ niệm nồng ấm thời xa xưa.Chính những lúc ấy nỗi buồn mới làm cho con người ta buồn nhất mà thôi!


Sáng tác: Hoàng Thi Thơ
Tiếng Hát Kiều Nga
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Thơ Tranh: Mùa Đông Chia Xa


Trích Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Suối Dâu

Mùa Đông Chia Xa - Thơ Kim Phượng - Hương Nam Diễn Ngâm



 Thơ: Kim Phượng 
 Diễn Ngâm: Hương Nam

Mùa Đông Chia Xa


Hồn em treo lững ngoài song cửa
Đón lấy hương lồng trong gió đông
***
Những ngày tháng Sáu vẫn mưa rơi
Mưa tiễn chân đi chẳng hết đời!
Chiếc lá thu phai về chốn cũ
Như người ru mộng tìm biển khơi
Thôi người đi
Cứ hẹn nhau trong ngỡ ngàng
Đưa lần tách bến một chuyến sang
Bằng hương hoa ngát len trong gió
Phủ trắng đầy hoa nắp áo quan
Áo tím đêm nay đến
Ôi lạ thường!

Rưng rưng lệ vướng mắt người thương
Chìm sâu khoảnh khắc ngày xưa ấy
Khơi tro tìm lại mộng tình đầy
Người đi
Cành hoa trắng
Gửi người trong áo quan
Mùa đông còn đây
Hồn bạc trắng mây ngàn

Những ngày tháng Sáu mưa rơi rơi
Nhớ nhung lòng dậy sóng tơi bời
Nghìn thu vọng tiếng hồn tượng đá
Giữ lại cho người kẻ khuất xa
Những ngày tháng Sáu mưa rơi nhanh
Trong làn mưa lạnh nước mắt quanh
Chuyến đi dài mãi
Không về nữa
Rèm tựa đêm này ánh sao thưa
Những ngày tháng Sáu mưa không thôi
Lời cuối bên nhau thoáng bồi hồi
Bóng ai ẩn khuất màn sương đục
Mưa bên đời
Tuôn
Chẳng trôi hết tình tôi

Kim Phượng

Melbourne 06/06


Ba Lần Khóc


(Viết cho một cuộc tình)

Hồn thơ thẩn với cơn mưa tháng sáu
Những giọt buồn gợi nhớ chuyện ngày xưa
Có thiếu phụ lệ mờ tim thổn thức
Thấy quanh mình dĩ vãng hiện đong đưa.

Nàng đã khóc mừng vui tình ái đến
Trong vòng tay âu yếm của người thương
Mắt và mắt nhìn tương lai trước mặt
Cả đường hoa nở rộ ngát trầm hương.

Nức nở khóc khi yêu đương trắc trở
Không thể nào níu kéo kẻ vong tình
Những hy sinh thiết tha và âu yếm
Dành cho anh vẫn ngoảnh mặt làm thinh.

Ai biết được cuộc đời nhiều bất trắc
Lại mùa mưa tháng sáu chuyện không ngờ
Rơi nước mắt tiển anh về với đất
Đời vô thường mờ ảo tựa cơn mơ.

Ba lần khóc vì anh, anh có biết?
Một… vì vui với mật ngọt tình yêu
Hai… vì khổ bởi phũ phàng phụ bạc
Ba… tiển anh về thế giới phiêu diêu!

Anh Tú
June 5, 2010


Em Đến Chiều Mưa


Em đến một chiều - mưa lất phất bay
tóc em từng giọt - ướt sũng chảy dài
tim quặn thắt – thấy thương em nhiều quá
nhưng vẫn ngại ngùng sợ… nắm bàn tay.

Ước gì trời mưa – mưa mãi thật lâu
để được nhìn nhau giã biệt u sầu
tháng Mười đêm đến chừ sao nhanh quá
giận cơn gió lùa… thời gian qua mau.

Anh đưa em về… cùng chung áo mưa
áo nhỏ che chung sao vẫn thấy vừa
nửa đường bất chợt – trời không mưa nữa
áo bỗng thênh thang trống trải dư thừa.

Lối cũ quay về phố đã lên đèn
co ro trên đường ngập gió đêm đen
bước vào phòng vắng ngổn ngang tâm sự
vương vấn mắt huyền tình tứ của em !

Bóng tối kinh hoàng đơn độc ngẩn ngơ
cửa sổ xa trông ngàn ánh sao mờ
phân nửa hồn chiều tràn đầy hạnh phúc
một nửa giờ đây thao thức dật dờ!

Dương Hồng Thủy

Sinh Nhật Phan Văn Huệ Kết Hợp Du Ngoạn Biển Thạnh Phú Phần 3

Sau khi các cháu tắm xong, chúng tôi bắt đầu mừng sinh nhật Huệ

Chiếc bánh được chúng tôi mang từ Vĩnh Long đến để mừng Sinh Nhật người Bạn cũ Phan Văn Huệ.



Đứng : Vân (Bến Tre), Chí Thanh, Liên, Sanh, Duyên, Điệp Lê, Anh (Bến Tre), Sương, Thơ
Ngồi : Xuân, Huệ (nhân vật chánh), Đức.


Điệp Lê, Huệ
Bàn tiệc của các cháu nhỏ ưu tiên don trước vì sau khi tắm biển các cháu đã đói



Hết phần 3

Huỳnh Hữu Đức