Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Tập Thơ:Tình Yêu Và Biển Nhớ,Tống Ngọc Nhan - Phần 2

  Lời Giới Thiệu: Cựu Học Sinh Tống Ngọc Nhan
      Tống Ngọc Nhan là cháu nội của Ông Tống Hữu Định, cựu nữ học sinh lớp 6/7, trường Tống Phước Hiệp, niên khóa 1973 -1974 Vĩnh Long, Việt Nam.
      Từ khi còn đi học, Ngọc Nhan đã sưu tầm, chép lại những bài thơ xưa. Trong những tài liệu ấy, Ngọc Nhan đã lưu giữ một Tập Thơ:
Tình Yêu Và Biển Nhớ của các cựu học sinh Tống Phước Hiệp Vĩnh Long chép tay.
- Do Nguyên Thảo xuất bản Trung Tuần Tháng Tư, năm 1971.
- Phụ bản 
T.Đức
- Bià và trình bày : LTĐ
     Quyển thơ nằm trong tiệm bán ve chai được 20 năm, Ngọc Nhan mang về ấp ủ 20 năm nữa.Thế là quyển thơ nay đã tròn 40 tuổi.  Ngọc Nhan đã gìn giữ một gia tài vô giá này trong suốt những năm qua.
      Chị Kim Oanh thay mặt longhovinhlong.blogspot.com chân thành cảm ơn Ngọc Nhan đã lưu giữ những bài thơ hiếm quý từ xa xưa để lưu truyền mãi về sau,
 một gia tài quý báu mà Ngọc Nhan đã trân quý.

Thương mến
Chị Kim Oanh

1/ Trang 4
2/ Trang 5
3/Trang 6
4/Trang 7

Tống Ngọc Nhan

Màu Hoa Nhớ - Thơ Lê Kim Hiệp - Hương Nam Diễn Ngâm


Thơ: Lê Kim Hiệp 
Diễn Ngâm: Hương Nam 

Màu Hoa Nhớ

Em về áo lụa màu hoa tím
Gợi giấc mơ xưa thuở vùng Cao
Se thắt buồng tim ngàn cây lịm
Phách nhạc lòng đẹp giấc chiêm bao

Mây buồn bừng dậy, nắng vàng hanh
Cửa hé tình yêu lén lọt vào
Góp vội duyên mành mộng yến anh
Ngang trái ngày xưa tím nhạt màu

Khoảnh khắc mênh mông lệ đã nhiều
Tâm hồn thêm lạnh ý cô liêu
Mộng tàn, lá rụng gây thương nhớ
Thơ thẩn lên đồi gió quạnh hiu

Lê Kim Hiệp

Pleiku 11- 2006


Khúc Tương Tư Chiều


Ai người thả lá xuôi dòng
Lỡ tôi nhặt được khiến lòng ngẩn ngơ
Ai người thả lá vàng mơ
Đêm về khó ngủ…tôi chờ đợi tôi
Ai người thả lá thu rơi
Để tôi nhặt lại kết thơ tặng đời
Thơ tôi hát khúc a ời!
Nửa xanh-vàng-tím rối bời tim yêu
Ai người thả lá thật nhiều
Thơ tôi hát mãi, khúc chiều tương tư

Ngoc Hải

Thơ Tranh: Lục Bình Tím


Thơ: Cao Nguyên
Thơ Tranh: Kim Oanh

Hương Duyên


Đời người lắm đoạn truân chuyên
Thoáng qua đã thấy con thuyền đón đưa.
Nhớ về dĩ vãng năm xưa
Cô em gái nhỏ, song thưa hé cười.
   
Người đâu nhỏ nhắn môi tươi
Tuổi em mười tám nụ cười mến yêu.
Lời chào với nụ hương duyên
Lộ đôi răng khểnh mắt huyền long lanh


Em đi anh choáng ngỡ ngàng
Lòng anh trăn trở bóng nàng ngóng theo.
Nghiệm rằng thế sự trăng treo
Thuyền không phải bến thoáng vèo vụt qua


Về Chiều

Sinh Nhật Phan Văn Huệ Kết Hợp Du Ngoạn Biển Thạnh Phú Phần 1


Vào ngày 15 - 5 - 2014, Chúng tôi, những cựu học sinh, giáo sinh Vĩnh Long, đến Bến Tre dự Sinh nhật của Phan Văn Huệ Cựu Giáo Sinh Sư Phạm Vĩnh Long.
Để tăng phần thú vị, Chúng tôi quyết định tổ chức ở bãi biển Thạnh Phú, vì tất cả đều còn xa lạ với nơi này.
Đúng 5 giờ sáng, chiếc xe 16 chỗ ngồi tuần tự đến tận nhà đón chúng tôi.

( Điêp Lê đang nôn nức trên xe)
Đầu tiên, xe ghé rước vợ chồng Xuân Sương ở quán "Phở 91". Tiếp tục xe đến cầu Cái Cá, ghé cửa hàng "Văn phòng phẩm Ngọc Điệp" đón Điệp Lê và Sanh. Thuận đường xe đi thẳng đến ngã ba Ông Cảnh vì Chí Thanh cùng gia đình hai đứa con trai đang chờ. Theo đường Lê Thái Tổ, xe qua cầu Lộ đi về đường Trung Nữ Vương . Qua cầu Phạm Thái Bường ( cầu Khưu Văn Ba ) đón Duyên và Cháu. Sau đó Xe quẹo vào quán "Karaoke Khánh Đăng" để đón vợ chồng tôi Đức -Liên và Đăng đứa cháu Nội. Thẳng theo đường Phạm Thái Bường, Xe ghé "Shop Baby" đón Thơ và đứa cháu nội.

Mọi người trên bến phà Đình Khao (Ngày trước gọi là Bắc Cổ Chiên)
Từ Trái sang phải : Đăng, Liên và Sương trên Phà
Thơ hồ hởi trên bến phà Đình Khao
Sương (nón đen), Liên (nón trắng)
Chí Thanh (áo xanh) cùng hai con dâu và cháu nội

Hết phần 1

Huỳnh Hữu Đức

Sinh Nhật Phan Văn Huệ Kết Hợp Du Ngoạn Biển Thạnh Phú Phần 2

Đến bãi biển Thạnh Phú, chúng tôi ghé quán Mỹ Xuyên. Sanh, Duyên, Chí Thanh... tiếp xúc với chủ quán để lo chuẩn bị cho buổi tiệc. Riêng các cháu nhỏ thì lăn xăn thay đồ đi tắm.
Đăng chuẩn bị thay đồ tắm biển

Bãi biển Thạnh Phú
Đăng bắt được một con Chù Ụ con mang đến khoe. (hình dáng từa tựa như con còng ở nước ngọt hay con Ba Khía vùng nước mặn)
Các cháu đang đùa nơi bãi tắm.

Hết Phần 2

Huỳnh Hữu Đức

Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Cầu Tân Hữu - Vĩnh Long


Đỗ dốc cầu Bình Lữ, đến Ngã Ba Cần Thơ rẽ phải, theo đường Nguyễn Huệ, đến cuối đường là cầu Tân Hữu.
H1
H2
Hình 2 và 3 : Đường Nguyễn Huệ nhìn từ cầu Tân Hữu
H4
Hình 4 và 5 : Đường về Cần thơ nhìn từ cầu Tân Hữu

Huỳnh Hữu Đức

Chơi Vơi


Ta bên nhau giữa dòng đời khuya lắc
Mưa thì buồn hiu hắt chơi vơi
Dưới mái hiên ta tìm kiếm sao trời
Chỉ có bóng tối và đêm sâu vời vợi
Ta với tay mà đâu có tới
Không chạm được trời nên hồn mộng chơi vơi.

Hoàng Lam

Thơ Tranh: Cắt Rời Nỗi Nhớ


Thơ: Phạm Hồng Ân
Thơ Tranh: Kim Oanh

Khuất Nguyên

      Ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, là Tiết Đoan Ngọ, mà ta thường đọc trại ra là Tết Đoan Ngọ, là Tết giữa năm, giữa mùa hè nóng nực, rắn rết xuất hiện nhiều, nên có lệ treo ngãi trước cửa và rắc hùng hoàng quanh nhà, để đề phòng rắn rết xâm nhập gia cư bất hợp pháp. Vì thế mà có sự tích Thanh xà Bạch xà rất ướt át, diễm tình trong văn học Trung Hoa....
      Mùng 5 tháng 5 có tục lệ ăn bánh ú, Ú lớn ú nhỏ ú mặn ú ngọt bày bán đầy chợ, khi còn ở VN và dạy ở Đại học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn, mùa nầy, tôi lãnh ít nhất là 10 cái bánh ú nhân thịt nấm đông cô loại lớn......Bánh chỉ dành riêng cho cá ăn, để chúng khỏi ăn thịt của nhà thơ cổ đại, vĩ đại của nền văn học Trung Hoa thời Chiến Quốc : KHUẤT NGUYÊN. Mời cùng xem tiểu sử và sự nghiệp văn thơ của ông ta dưới đây. Đây là ông Tổ của loại thơ 7 chữ sau nầy đó nhé ! Các từ TAO ĐÀN, TAO NHÂN MẶC KHÁCH.... đều do tập thơ LY TAO của KHUẤT NGUYÊN mà ra cả.....Xin mời cùng đọc ...


      Khuất Nguyên (chữ Hán: 屈原; qū yúan), tên Bình, biệt hiệu Linh Quân (340 TCN - 278 TCN) là một chính trị gia, một nhà thơ yêu nước nổi tiếng của Trung Quốc. Ông là người trong hoàng tộc nước Sở, làm chức Tả Đồ cho Sở Hoài Vương. Ông học rộng, nhớ dai, giỏi về chính trị, lại có tài văn chương. Lúc đầu ông được vua yêu quý, sau có quan lại ganh tài ông, tìm cách hãm hại. Vua Sở nghe lời gièm pha nên ghét ông. Ông âu sầu, ưu tư viết thiên Ly Tao để tả nỗi buồn bị vua bỏ.
Ngoài tập Ly Tao là tập thơ bất hủ của ông để lại, ông còn có nhiều sáng tác thơ khác như Sở từ, Thiên Vấn (Hỏi trời).v.v.
      Đến cuối đời ông bị vua Tương Vương (người nối ngôi Sở Hoài Vương) đày ra Giang Nam (phía nam sông Dương Tử). Ông thất chí, tự cho mình là người trong sống trong thời đục, suốt ngày ca hát như người điên, làm bài phú "Hoài Sa" rồi ôm một phiến đá, gieo mình xuống sông Mịch La tự tử.
Ông cũng chính là nhân vật trong sự tích tết Đoan Ngọ (Đoan Dương). Theo truyền thuyết này, để tưởng nhớ về con người và cái chết bi ai của ông, hàng năm người ta tổ chức vào ngày mồng năm tháng năm là ngày tết Đoan Dương ở Trung Quốc và một số nước khác ở Châu Á.
      Bây giờ mời tất cả cùng đọc bài thơ sau đây : Bài thơ của Thi Thánh Đỗ Phủ làm để tưởng nhớ đến Thi Tiên Lý Bạch, nhưng lại có liên quan đến ngày mùng 5 tháng 5 và Khuất Nguyên. bài thơ có tựa đề là : " Thiên mạt hoài Lý Bạch " ( Bên trời nhớ Lý Bạch ).....
      
                天末懷李白     THIÊN MẠC HOÀI LÝ BẠCH
                   (杜甫)                          (  Đỗ Phủ  )
               涼風起天末,    Lương phong khởi thiên mạt,
               君子意如何。    Quân tử ý như hà ?
               鴻雁幾時到,    Hồng nhạn kỷ thời đáo,
               江湖秋水多。    Giang hồ thu thủy đa.
              文章憎命達,    Văn chương tăng mệnh đạt,
               魑魅喜人過。    Si mị hỉ nhân qua.
               應共冤魂語,    Ưng cộng oan hồn ngữ,
               投詩贈汨羅。    Đầu thi tặng Mịch La.

【作者簡介】
        杜甫(公元712─770)字子美,唐代最有名的大詩人之一,與李白合稱“李杜”。他的詩風格多樣,而以沉鬱為主,最擅長古體詩和律詩。
Tiểu Sử Tác Giả : 
              Đỗ Phủ ( 712-770 ), tự là Tử Mỹ, là một trong các thi nhân lớn nổi tiếng của đời Đường, cùng với Lý Bạch hợp thành một cặp Lý Đỗ thời sơ Đường . Thơ của ông rất đa dạng, phong cách lấy trầm uất làm chủ, giỏi về thơ cổ thể và thơ luật.

【字句淺釋】
       題解:李白於公元758年流放夜郎,次年途中遇赦而還;杜甫於759年寫此詩懷念他(不知他已經遇赦)。天末:天邊。鴻雁:即大雁,古有“鴻雁傳書”的傳說。命達:命運好,有顯達的社會地位。魑魅:山林、澤地裡能害人的妖精。汨羅:汨羅江,發源於江西,流入湖南,大詩人屈原曾經自投此江而死。
 Chú Thích :
            1. Năm 758 Lý Bạch bị đày đi Dạ Lang, năm sau gặp đại xá được tha mà về. Năm 759 Đỗ Phủ làm bài thơ nầy để tưởng nhớ đến ông (  không biết ông đã được tha ).
           2. Thiên mạt : là bên trời, góc trời, chân trời.
           3. Hồng Nhạn : là loài chim nhạn lớn, Xưa có truyền thuyết " Hồng nhạn truyền thư ", nên Hồng nhạn là chỉ tin thơ.
           4. Mệnh Đạt : là Vận mệnh tốt, hiển đạt, có địa vị trong xã hội
           5. Si Mị : là 2 loài yêu tinh quỷ quái ở trong núi rừng, ao đầm, chuyên hãm hại người lành.
            6. Mịch La : là con sông tên Mịch La, phát nguyên ở tỉnh Giang Tây, chảy vào tỉnh Hồ Nam. Đại thi nhân Khuất Nguyên đã nhảy xuống đây để tự trầm. 

【全詩串講】
        天際秋風乍起,冷颼颼使人覺得悲涼。
遙望雲天,向朋友問一聲近來怎麼樣?
不知何時能看到捎來你書信的鴻雁,
江湖上風波險惡啊,你可要小心點。
文才出眾的人,命運中總是多磨難。
鬼怪喜歡害人,只要你走過它面前。
料想你會同屈原的冤魂互相訴委屈,
把你的詩歌投入汨羅江,贈送屈原。

        Bên trời chợt nổi trận gió thu hiu hắt, xin hỏi người quân tử gần đây như thế nào ? Không biết bao giờ mới có tin của bạn do hồng nhạn đưa sang. Người có văn tài xuất chúng thường hay gặp vận không may, những loài yêu ma quỉ quái thường hay bức hại những người qua lại. Nghĩ rằng bạn có thể cùng với oan hồn của Khuất Nguyên bày giải nỗi niềm, nên mới bỏ thơ nầy xuống sông Mịch La mà tặng cho Khuất Nguyên.

【言外之意】
        殷切的思念,細微的關注,發自內心的真摯情感,以及替友人作的聯想,一一道來,使讀者猶如展讀一封朋友的來信,倍感親切。
         Thương nhớ thiết tha, quan tâm chu đáo từng chút một, là tình cảm chân thành phát xuất từ nội tâm quan tâm tới bè bạn, mỗi một lời một chữ đều thân thiết như một bức thơ của bạn bè mở ra trước mắt.

 DIỄN NÔM :
                         Gió thu nổi ven trời,
                          Bạn hiền đã sao rồi?
                          Tin nhạn bao giờ tới,
                          Sông hồ nước vẫn trôi.
                          Văn chương bất đắc chí,
                          Yêu quái mặc rong chơi.
                          Oan hồn cùng yên ủi,
                          Mịch La thơ tặng người!

       Lục bát :
                          Gió thu hiu hắt bên trời,
                          Hỏi người quân tử độ rày ra sao?
                          Trông tin hồng nhạn biết bao,
                          Sông hồ giờ đã dâng trào nước thu.
                          Văn chương ghét kẻ ôn nhu,
                          Đầy đường ma quái như thù ghét ghen,
                          Oan hồn cùng tỏ nỗi niềm,
                          Mịch La thơ trút niềm riêng tặng người!

Đỗ Chiêu Đức diễn nôm.


Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

Cơn Mưa Hạ


Cơn mưa hạ đưa ta vào nỗi nhớ
Ngàn yêu thương cháy rực cả con tim

Lòng mênh mang tha thiết buổi chiều im
Bao hình bóng yêu kiều nơi viễn xứ...


Hạt mưa nào quyện chân người lãng tử
Butchart Gardens(1) mộng thơ đầy quyến rũ

Khăn quàng cổ tặng em, hương quá khứ
Vườn cây xinh nghe tiếc má hồng phai...


Dàn hoa tươi đầy lối, vẻ trang đài
Môi em thắm tô thêm bờ cung ái

Tay đan tay như trao gởi nụ tình
Gió biển nhẹ lâng lâng màu kỷ niệm...


Cơn giông tới bất ngờ, chân mây tím
Đợt mưa chiều mở dấu lớp son môi

Nét hoang vu hiu hắt đã lâu rồi
Cành mai núi (2) ... nhớ em... mưa mùa hạ!


Sóng trong lòng bỗng mềm hơn lệ đá
Em nhìn tôi âu yếm thoáng mùi hoa

Hơi thở ấm... tình dâng lên ngây ngất
Uống môi em... nghe man mác niềm say...


VA, tháng 5, 06 (kỷ niệm đi tầu thăm đảo Victoria/Canada, tháng 5, 05).
Bùi Thanh Tiên
(1) Vườn hoa đẹp nổi tiếng ở Victoria
(2) Sau Vườn Butchart có núi rừng, con suối cao nước đổ trắng xóa.

Hương Thừa - Dư Hương



Thơ: Kim Oanh
Họa Thơ: Phạm Tương Như
Thơ Tranh: Tiểu Vũ Vi
* * *
Hương Thừa

Người đi Thu lá vàng bay
Sương rơi mù lối gầy vai hơi người
Xa xôi quên phút bồi hồi
Gió buồn ngưng thổi lệ rơi mấy mùa…

Người đi đông lạnh giá lùa

Tuổi đời chồng chất tóc thời úa phai
Mịt mùng mây phủ đường bay
Chim chiều kêu bạn năm dài … thê lương

Người đi khuất bóng mù sương
Gương xưa mặt lạ người thương xa lòng
Tỏ tường tình cũ hoài mong
Hỏi người còn giữ hương trong áo ngày…..


Kim Oanh
* * *
Dư Hương

(T thơ Kim Oanh)



Dư hương lạ gió vù bay
Hồn tôi vàng nắng ôm vai áo người
Nhớ thương rồi cũng đến hồi
Tim côi rung nhịp tình rơi xuống mùa

Người qua thả vạt áo lùa
Phấn son, mùi tóc rối đùa hương phai
Vườn thơm con bướm vờn bay
Hoa ngàn khoe sắc tình dài hoàn lương

Chừ anh ngọn cỏ mơ sương
Gối đêm ủ tóc sầu thương ngất lòng
Bên này đếm nỗi nhớ mong
Em ơi! Kỷ vãng còn trong tháng ngày

Phạm Tương Như
29/05/2014

Dư Vang - Bùi Giáng


Sáng nay chim hót lạ lùng
Tưởng từ mộng tưởng núi rừng xa xôi
Sáng nay mây gíó đầy trời
Vườn Xuân lá lục em ngồi ngắm hoa

Sáng nay tình tự ngọc ngà
Người yêu ở lại giang hà tuổi xanh
Ngàn dặm em đi cùng anh
Dừng chân bến nước long lanh mây vàng

Ta ngồi ngóng mãi dư vang
Kéo dài giữa cuộc tân toan sinh bình
Dư vang từ những bình minh
Phương trời cổ lục kiên trinh đợi người

Bùi Giáng
(Suối Dâu sưu tầm)

Tuổi Già


      Bạn có bao giờ ngắm kỹ một con hạc trắng chưa? Nó trông thật mảnh mai; chân dài, người mỏng, trong một bộ lông trắng muốt. Trông nó thanh cao như một người luống tuổi mà vẫn giữ được phong cách ung dung.. Con hạc được coi là một con vật sống lâu cho nên người ta gọi tuổi của các cụ là tuổi hạc.
      Ðầu tháng năm vừa qua, tôi sang chơi với vợ chồng người anh ở bênVienna, D.C. Ðằng sau nhà anh tôi có một con đường mòn dẫn tới một công viên. Con đường mòn vào cuối Xuân chớm Hạ thật là đẹp. suối róc rách chẩy, cây cỏ xanh mướt, những bông hoa núi nở trắng xóa. Chúng tôi mỗi buổi sáng dắt theo con chó đi bộ, vừa đi vừa trò chuyện. Tôi bất giác hỏi:
- Sao con người không giống cây cỏ, vào mùa đông héo, úa, rụng, đến xuân, hạ lại hồi sinh nhỉ?
Anh tôi cười, nói:
- Cứ giữ mãi được Xuân, Hạ trong lòng mình là tốt rồi.
      Chúng ta những người ở lứa tuổi đang bước vào tuổi già hay đã già. Tinh thần và thể xác không còn như hai mươi năm, mười năm về trước hay thậm chí như mới năm ngoái nữa.

      Thông thường bất cứ người mang quốc tịch nào, sinh sống ở phần đất hay hoàn cảnh nào thì khi về già hay ngồi gậm nhấm lại quá khứ. Chúng ta là những người từ một quê hương mất mát đến ở trọ một quốc gia khác, chúng ta còn nhiều điều gậm nhấm hơn nữa.

      Ở tuổi già, không có phương tiện di chuyển, bị trở ngại ngôn ngữ đã làm một số người sống một cuộc sống tẻ nhạt, từ tẻ nhạt đưa tới trầm cảm, khép kín. Từ đó sinh ra bao nhiêu bệnh, và khi có bệnh, sự chạy chữa xem chừng không có hiệu quả lắm cho những người này.

      Bác Sĩ Ornish, tác giả cuốn sách Love & Survival, nói rõ: Tách lìa tình thân gia đình và bạn bè là đầu mối cho mọi thứ bệnh từ ung thư, bệnh tim đến ung nhọt và nhiễm độc. Tình thương và tinh thần là gốc rễ làm cho chúng ta bệnh hay khỏe.
      Ba mươi năm trước mà nghe ai nói cô đơn sinh ra các chứng bệnh thì người ta sẽ chỉ cười nhẹ.. Nhưng bây giờ điều này đã được nhiều bác sĩ công nhận là đúng.
      Những buổi tĩnh tâm chung, có cầu nguyện, có tịnh niệm (tùy theo tôn giáo của mỗi người) chia sẻ những buồn vui, lo lắng của mình cùng người khác cũng giúp khai thông được những tắc nghẽn của tim mạch như là ăn những thức ăn rau, đậu lành mạnh vậy.
Nếu không nói ra được những gì dồn nén bên trong thì chính là tự mình làm khổ mình. Khi nói ra, hay viết ra được những khổ tâm của mình thì hệ thống đề kháng được tăng cường, ít phải uống thuốc.
Theo Bác Sĩ Ornish, khi bị căng thẳng cơ thể sẽ tiết ra một hóa chất làm cho mọi sinh hoạt ứ đọng, ăn không ngon, đầu không suy nghĩ, mạch máu trì trệ,
mất sức đề kháng, dễ cảm cúm.
      Như vậy sự cô đơn cũng là chất độc như cholesterol trong những thức ăn dầu mỡ, mà chỉ có tình thương mới cứu rỗi được.
      Nếu bạn không mở tâm ra cho người khác thì bác sĩ bắt buộc phải mở tim bạn ra thôi. Tuổi như thế nào thì gọi là già, chúng ta biết khi một người qua đời ở tuổi 60 thì được gọi là 'hưởng thọ'. Vậy sau tuổi 60 mỗi ngày ta sống là một bonus, phần thưởng của Trời cho.
     Chúng ta nên sống thế nào với những ngày 'phần thưởng' này. Lấy thí dụ một người lớn tuổi, sống cô đơn, biệt lập, không đi ra ngoài, không giao thiệp với bạn hữu, thế nào cũng đi đến chỗ tự than thân trách
phận, bất an, lo âu, ủ dột và tuyệt vọng. Từ đó bắt nguồn của bao nhiêu căn bệnh.
      Trong Những Lời Phật Dậy có câu: Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình. Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng.. Chắc trong quý vị không ai muốn rơi vào hoàn cảnh này.
Gặp gỡ bè bạn thường xuyên trong những sinh hoạt thể thao là điều tốt lành nhất cho thể lý. Ði tập thể thao như Tài Chi, Hồng Gia, nhẩy nhẹ theo nhạc, tắm hơi, bơi lội v.v... đã giúp cho người lớn tuổi giữ được
thăng bằng, ít ngã, và nếu có bệnh, uống thuốc sẽ công hiệu hơn, mau lành hơn.
      Gặp bạn, nói được ra những điều phiền muộn cho nhau nghe, ngồi tĩnh tâm, đến nhà thờ, chùa cầu nguyện giúp được làm chậm lại sự phát triển của bệnh. Bác Sĩ Jeff Levin giáo sư Ðại Học North Carolina khám phá ra từ hàng trăm bệnh nhân, nếu người nào thường xuyên đến nhà nguyện họ có áp suất máu thấp hơn những người không đến nhà nguyện, ông bỏ ra hàng đêm và nhiều cuối tuần để theo dõi, tìm hiểu những kết quả cụ thể của 'Tín Ngưỡng và Sức Khỏe'. Cuốn sách ông phát hành gần đây nhất có tên là God, Faith and Health. Trong đó ông cho biết những người có tín ngưỡng khỏe mạnh hơn, lành bệnh chóng hơn, ít bị nhồi máu cơ tim, gặp sự thăng trầm trong đời sống họ biết cách đối diện, họ luôn luôn lạc quan.
Lạc quan là một cẩm nang quý vị nên luôn luôn mang theo bên mình. Ðừng bao giờ nói, hay nghĩ là 'Tôi già rồi, tôi không giúp ích được cho ai nữa' hoặc 'Tôi vụng về, ít học, chẳng làm gì được'.
      Tôi xin kể câu chuyện Hai Con Ngựa của thầy phó tế George A.Haloulakos.
     Cạnh nhà tôi có một cánh đồng cỏ, hàng ngày có một cặp ngựa, con nọ lớn hơn con kia một chút thong thả ăn cỏ ở đấy. Nhìn từ xa chúng là đôi ngựa binh thường giống những con ngựa khác. Tuy nhiên nếu bạn đến gần, bạn sẽ khám phá ra là có một con mù.
     Chủ nhân của nó chắc thương nó không nỡ bỏ đi, mà còn cho nó một chỗ ở an toàn. Chính điều này đã thành một câu chuyện tuyệt vời.

     Ðứng bên chúng, bạn chợt nghe có tiếng chuông rung, phát ra từ cái đai nhỏ vòng quanh cổ con ngựa nhỏ hơn, chắc là một con cái.. Tiếng chuông
báo cho con bạn mù của nó, biết là nó đang ở đâu mà bước theo. Quan sát kỹ một chút bạn sẽ thấy cái cách con ngựa sáng chăm sóc con ngựa mù, bạn nó chu đáo như thế nào. Con ngựa mù lắng nghe tiếng leng keng mà theo bạn, nó bước chậm rãi và tin rằng bạn nó không để nó bị lạc. Trên đường trở về chuồng mỗi chiều, con ngựa nhỏ chốc chốc lại ngoái cổ lại nhìn bạn, muốn biết chắc bạn mù của nó vẫn đi theo tiếng chuông của nó để lại đằng sau..
Cũng giống như chủ nhân của đôi ngựa có lòng nhân từ, Thượng Ðế không bao giờ vứt bỏ bạn vì bạn kiếm khuyết, hoạn nạn hay gặp khó khăn. Người luôn luôn đem đến cho chúng ta những người bạn khi chúng ta cần được giúp đỡ.
       Ðôi khi chúng ta là con ngựa mù, được dẫn dắt bởi tiếng chuông mầu nhiệm mà Thượng Ðế đã nhờ ai đó rung lên cho chúng ta. Những khi khác chúng ta là con ngựa dẫn đường, giúp kẻ khác nhìn thấy.
      Bạn hiền là như vậy. Không phải lúc nào ta cũng nhìn thấy họ, nhưng họ thì luôn hiện diện đâu đó. Hãy lắng nghe tiếng chuông của nhau. Hãy tử tế hết sức mình, bởi vì có một người mà bạn gặp trên đời, biết đâu cũng đang ở trong một hoàn cảnh khó khăn nào đó họ phải phấn đấu để vượt qua.
       Không gì hơn là tuổi già nương dựa vào nhau trong tình bạn. Luôn luôn nghĩ bao giờ mình cũng có cái cho đi mà người khác dùng được. Trong một lần đến thăm Viện Dưỡng Lão, tôi thấy một cụ ông 70 tuổi, đút thức ăn cho một cụ bà 80 tuổi. Hỏi ra thì họ không có liên hệ gì với nhau cả.
Chỉ là một người có khả năng cho và một người vui vẻ nhận.
      Tính hài hước, làm cho người khác cười cùng với mình là những liều thuốc bổ. Nữ thi sĩ Maya Angelou vào sinh nhật thứ 77, trong trương trình phỏng vấn của Oprah, hỏi về sự thay đổi vóc dáng của tuổi già, bà nói: 'Vô số chuyện xẩy tới từng ngày... Cứ nhìn vào bộ ngực của tôi xem. Có vẻ như hai chị em nó đang tranh đua xem đứa nào chạy xuống eo trước'. Khán giả nghe bà, cười chẩy cả nước mắt.
Sinh, bệnh, lão, tử. Con đường đó ai cũng phải đi qua. Nhưng đi như thế nào thì hầu như 80% chính mình là người lựa chọn.
Những vấn đề chính ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn qua tinh thần là:
Sự cảm thông giữa cha mẹ và con cái, giữa ông bà với các cháu.
Tinh thần chấp nhận và lạc quan.
Nghĩ đến những điều vui nhỏ mỗi ngày.
Tham gia những sinh hoạt nào phù hợp với sức khỏe.
Làm việc thiện nguyện.
Nhóm bạn: Ðọc sách, kể chuyện, đánh cờ, chơi bài (không phải ăn thua).
      Tham gia các lớp thể dục: Như Yoga, lớp dậy Hồng Gia, ngồi thiền, khí công v.v... Và ngay cả chỉ đi bộ với nhau 30 phút mỗi ngày cũng giúp cho tinh thần sảng khoái, sức khỏe tốt hơn là ở nhà nằm quay mặt vào tường.
Hãy thỉnh thoảng đọc lên thành tiếng câu ngạn ngữ này:
'Một nét mặt vui vẻ mang hạnh phúc đến cho trái tim và một tin vui mang sức khỏe cho xương cốt.'
Chúc quý vị luôn cảm thấy vui khoẻ và trọn vẹn an lành trong tâm hồn !

Trần Mộng Tú

Tình Khúc Cho Người Sang Sông - Sáng Tác Dương Thượng Trúc - Tiếng Hát Xuân Phú



Sáng Tác: Dương Thượng Trúc 
Tiếng Hát:  Xuân Phú

Buồn Vào Đông


Buồn nào hơn hôm nay
Khi mùa đông đã đến
Gió lùa mang hơi lạnh
Mây chiều lặng lẽ bay 
Cuộc tình xưa ngở dứt 
Nhưng người vẫn quanh đây
Trong sương chiều lạnh giá
Một mình tôi đắng cay!

Biện Công Danh
NZ1/6.2014

Chờ Ai


Chờ ai mỏi cổ, mòn giày
Đi lui, đi tới, đất cày, cỏ bung
Hiên nhà mưa nắng ngập ngừng
Áo khô, áo ướt, mấy tuần đứng đây
Người đi đóng xập tháng ngày
Kẻ chờ lật mở đắng cay trong lòng
Cửa đời còn mấy chấn song
Hay là cửa ngục nhốt hồn vì ai
Chờ ai một kiếp lưu đày
Ngóng trông gió lạnh lùng bay bốn mùa

Hoài Tử

Bà Triệu

      "Tôi chỉ muốn cỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển đông , đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chớ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người" 

        Một câu nói bộc lộ khí phách của bậc Anh Thư. 
        Tuy chỉ xuất hiện trong lịch sử với khoảng thời gian rất ngắn. Nhưng Bà Triệu là một điểm son, một tấm gương sáng, là niềm kiêu hãnh của dân tộc nói chung và phụ nữ Việt nói riêng. Chúng ta cùng tìm đến với Bà Triệu qua những trang sử, sách. 

        Bà Triệu, Triệu Trịnh Nương hay Triệu Thị Trinh đều là tên các đời sau để gọi người nữ anh hùng dân tộc hồi thế kỷ thứ III.           
      Theo dã sử, Bà Triệu sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (256), tại một vùng sơn thôn nay thuộc địa phận huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa. Mồ côi sớm, cô gái nông thôn sống với người anh Triệu Quốc Đạt, một hào mục khá giàu có. 
      Vợ Triệu Quốc Đạt bản tính ác nghiệt nên người em chồng không được đối xử tử tế. Cô gái lớn lên tại một vùng bìa rừng hẻo lánh, nên không có điều kiện học hành chu đáo, nhưng được đền bù bằng sự thông minh và sức lực thiên bẩm nên mới được 17, 18 tuổi đã nổi tiếng khắp vùng là có mưu lược và bản lãnh hơn người.
       Do thế người thôn nữ chưa xuất đầu lộ diện mà đã có uy tín đáng kể tại địa phương. 
       Đến năm 20 tuổi, Triệu Thị Trinh lỡ tay đánh chết người chị dâu nên phải chạy trốn vào ở trong núi Nưa (nay thuộc xã Tân Ninh huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá), sống tự lập để khỏi lệ thuộc vào người anh nữa.  
   Nhưng một phần nhờ ở sẵn có nhiều người mến phục và phần khác nhờ ở tình hình địa phương mà trong thời gian rất ngắn người thôn nữ bôn đào đã thu hút được cả ngàn trai tráng chạy theo mình vào rừng sâu, để nghiễm nhiên trở thành người điều khiển một lực lượng võ trang khả dĩ đương đầu với quân Đông Ngô và vùng vẫy ở địa phương ấy.
        Ở đó cho đến nay vẫn còn lưu truyền nhiều truyền thuyết về thời kỳ bà chuẩn bị khởi nghĩa chống giặc Ngô.
        Đó là chuyện Bà Triệu thu phục được con voi trắng một ngà, chuyện "Đá Biết Nói" rao truyền lời thần nhân mách bảo từ trên núi Quan Yên.

       Thôn Cẩm Trướng thuộc xã Định Công có truyền thuyết "Đá biết nói" như sau: Vùng núi này có con voi trắng một ngà rất dữ tợn hay về phá hoại mùa màng, mọi người đều sợ. Để trừ hại cho dân, Bà Triệu cùng chúng bạn đi vây bắt voi, lùa voi xuống đầm lầy (vùng sông Cầu Chầy ngày xưa còn lầy lội) rồi dũng cảm nhẩy lên cưỡi đầu voi và cuối cùng đã khuất phục được con voi hung dữ. Chú voi trắng này sau trở thành người bạn chiến đấu trung thành của Bà Triệu. Nghĩa quân Bà Triệu, những ngày đầu tụ nghĩa, đã đục núi Quân Yên, bí mật cho người ngồi trong hốc đá, đọc bài đồng dao:

Có Bà Triệu tướng
Vâng lệnh trời ra
Trị voi một ngà
Dựng cờ mở nước
Lệnh truyền sau trước
Theo gót Bà Vương....


         Nhờ đó cả vùng đã đồn ầm lên rằng núi Quân Yên biết nói, báo hiệu cho dân chúng biết Bà Triệu là "thiên tướng giáng trần" giúp dân, cứu nước. Vì vậy hàng ngũ nghĩa quân thêm lớn, thanh thế thêm to. Họ kéo nhau xuống Phú Điền dựng căn cứ.

        Trung tâm tụ nghĩa là vùng núi Tùng Sơn (Phú Điền). Đây là một thung lũng nhỏ nằm giữa hai dãy núi đá vôi thấp, dãy phía bắc (Châu Lộc) là đoạn núi chót ngăn cách hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình cũ, dãy núi phía nam (Tam Đa) là đoạn chót của dải núi chạy dọc sông Mã. Chân phía bắc núi Châu Lộc là sông Lèn, chân phía nam núi Tam Đa là sông Âu, xưa là một dòng sông lớn. Thung lũng mở rộng cửa về phía đồng bằng ven biển và bị chặn ngang về phía tây bởi dòng sông Lèn. ở căn cứ này, ngược sông Lèn có thể liên lạc với miền quê Bà Triệu. Là địa điểm gần biển, lại là cửa ngõ từ đồng bằng miền bắc vào Thanh, đó là một vị trí quân sự hiểm yếu, thuận lợi cả công lẫn thủ.
       Ở đây còn có núi Chung Chinh với 7 đồn lũy tương truyền là quân doanh của Bà Triệu, nơi đã từng diễn ra trên ba chục trận đánh với quân Ngô. Dưới chân núi Tùng, còn có cánh đồng Lăng Chúa (lăng Bà Triệu), đồng Vườn Hoa, đồng Xoắn ốc... tương truyền là tên cũ còn lại khi Bà Triệu đắp lũy xây thành. ở đây còn lưu hành rộng rãi truyền thuyết về ba anh em nhà họ Lý đi tìm Bà Triệu, rước Bà từ quê ra đây dựng doanh trại, sửa soạn khởi nghĩa và tôn Bà làm chủ tướng.

        Mến mộ bà, nghĩa quân ngày đêm mài gươm luyện võ, chờ ngày nỗi dậy:
          "Ru con con ngủ cho lành
   Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi
           Muốn coi lên núi mà coi
Coi bà Triệu Tướng cỡi voi đánh cồng".


     Triệu Quốc Đại lúc đầu vốn chủ trương cầu an nên đã tìm  khuyên em trở về với kiếp sống bình thường của một thôn nữ, lập gia đình. Nhưng Triệu Thị Trinh đã khẳng khái: 

"Tôi chỉ muốn cỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển đông , đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chớ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người"        

        Bị câu nói của em gái khích động, Triệu Quốc Đạt quyết cùng em chiêu mộ tướng sĩ dựng cờ khởi nghĩa.


 

        Lúc bấy giờ bọn quan lại Đông Ngô cai trị ngày càng tàn ác, khiến dân chúng vô cùng khổ cực, oán than thấu trời. Vừa phẫn nộ vừa cho rằng thời cơ đã thuận lợi, Triệu Quốc Đạt đột ngột mang quân đánh dinh quận Cửu Chân. 
         Bị bất ngờ dồn vào thế không thể trì hoãn được nữa. Triệu Thị Trinh đành mang quân đi giúp anh. Triệu Quốc Đạt vẫn tự biết không bằng em, quân sĩ dưới cờ ông lại khâm phục người nữ tướng có tài lãnh đạo, mọi người liền nhất trí suy tôn Triệu Thị Trinh chỉ huy lực lượng khởi nghĩa
          Năm Mậu Thìn (248) nghĩa quân bắt đầu tấn công quân Ngô. Các thành ấp của quân Ngô đều bị đánh phá tan tành. Bọn quan cai trị kẻ bị giết, kẻ chạy trốn hết. Từ Cửu Chân, cuộc khởi nghĩa lan rộng nhanh chóng. Thứ Sử Châu Giao hoảng sợ bỏ chạy mất tích. Sử sách của nhà Ngô phải thú nhận:"Toàn thể Châu Giao chấn động".
        Mỗi lần ra trận, Triệu Thị Trinh thường mặc áo giáp đồng, đi guốc ngà, cài trâm vàng, cưỡi voi dẫn quân xông trận, oai phong lẫm liệt. Quân Ngô kinh hồn, bạt vía đã phải thốt lên:

         Hoành qua đương hổ dị
         Đối diện Bà Vương nan
Nghĩa là:
         Vung giáo chống hổ dễ
         Giáp mặt Bà Vua khó
         Với tư cách đó, người thôn nữ mới ngoài 20 tuổi đã sớm chứng tỏ là không phụ công lòng tin của mọi người. Bà đánh đâu thắng đó, chỉ trong vòng một tháng trời là lực lượng khởi nghĩa tiêu diệt và đánh đuổi hết quân Tàu trên toàn bộ lãnh thổ quận Cửu Chân.  
     Phần vì sợ phép dùng binh sấm sét, phần vì cảm phục độ lượng của người nữ tướng trẻ tuổi, bại binh Tàu đều gọi Bà là Lệ Hải Bà Vương.
        Rất nhiều câu chuyện về tình dân với khởi nghĩa Bà Triệu.             Đây là một ông già mù miền núi đã đi khắp nơi, dùng tiếng đàn, giọng hát của mình để ngâm ngợi cổ vũ dân chúng đứng dậy cứu nước; kia một bà cụ hàng nước cố xin cho con gái được theo quân giết giặc, còn mình thì giúp cả chõng chuối với chum nước chè xanh cho nghĩa binh đang trẩy quân qua giải khát. 

      Dọc sông Mã, vùng Cẩm Thạch có truyền thuyết và di tích về một bà nữ tướng cưỡi voi đánh giặc Ngô. Vùng Khang Nghệ có truyền thuyết nói rằng: thời xưa sông Mã có một nhánh chảy từ đầm Hàn về cửa Lạch Trường. Đó là nơi quân Ngô chiếm giữ, chiến thuyền san sát như lá tre. Một chàng trai đã ăn trộm ngựa chiến của quân giặc trốn về với Bà Triệu và trở thành dũng tướng của nghĩa quân. Trong một trận giao tranh trên sông nước, vì anh đi chân vòng kiềng nên đã vấp phải dây chằng mà tử trận. Giặc Ngô đang ăn mừng thắng lợi thì hai bờ sông chuyển động. Đất trời nổi cơn giận dữ, hắt rừng cây núi đá xuống lấp cạn dòng sông, chôn vùi cả mấy vạn xác thù...
          Lại có câu chuyện đền Cô Thị ở xã Hà Ngọc (Hà Trung). Một cô gái rất thích quả thị, chờ đợi người yêu đi đánh giặc và khi chết biến thành cây thị. Cây thị này chỉ có một quả, không ai hái được, vì hể ai thò tay bẻ thì cành thị lại tự dưng vút hẳn lên cao. Cành ấy đời đời ngả về phía đông nam theo hướng người yêu của cô đang ở trong quân dinh Bà Triệu. Một ngày thắng trận, chàng trai được phép Bà Triệu về thăm làng xóm thì cành cây mới chịu sà xuống và quả thị rơi vào ống tay áo của chàng....

         Hay tin có khởi nghĩa ở Cửu Chân và thứ sử Châu Giao mất tích, vua Ngô hốt hoảng phái ngay Lục Dận (anh em họ của danh tướng Đông Ngô là Lục Tốn) một tướng từng kinh qua trận mạc, lại rất quỷ quyệt sang làm thứ sử. Lục Dận đem 8.000 quân tinh nhuệ sang đàn áp. Lục Dận vừa đánh vừa đem của cải chức tước ra dụ dỗ mua chuộc các thủ lĩnh người Việt. Một số kẻ dao động mắc mưu địch.

         Cũng theo truyền thuyết dân gian, về sau có kẻ phản bội, mách với Lục Dận rằng Bà là nữ tướng "ái khiết úy ô" (yêu cái trong sạch, ghét cái nhơ bẩn). Quân Ngô liền trần truồng tiến đánh Bà. Bà hổ thẹn, giao binh cho 3 tướng họ Lý, lên núi Tùng tự vẫn.
        Trên núi Tùng hiện có mộ Bà Triệu và dưới chân núi Tùng là đền thờ chính của Bà Triệu. Hội đền hằng năm ngày trước vào ngày 21 tháng hai âm lịch.
         Khởi nghĩa Bà Triệu thất bại, nhưng hình ảnh người con gái kiên trinh bất khuất, người nữ anh hùng dân tộc siêu việt quyết nối chí Bà Trưng "giành lại giang san, cởi ách nô lệ" muôn thuở không mờ trong tâm trí phụ nữ và dân tộc Việt Nam.
     Tùng Sơn nắng quyện mây trời,
Dấu chân Bà Triệu rạng ngời sử xanh.
                           (thơ ca dân gian)
 

Bấy giờ bà mới 23 tuổi. Dân địa phương lập đền thờ. 
           Về sau, vua Lý Nam Đế khen ngợi là người trung dũng, sai lập miếu thờ, phong là:"Bật Chính Anh Liệt Hùng Tài Trinh Nhất Phu Nhân". 
         Tinh thần yêu nước và dũng khí của Bà Triệu vẫn mãi được truyền tụng cho dù đã gần 2000 năm: 

- Cửu Chân trăm trận gan hơn sắt,
  Lục Dận nhiều phen mắt đã vàng.
 

- "Trông bành voi, Ngô cũng lắc đầu, sợ uy Lệ Hải Bà Vương, những muốn bon chân về Bắc quốc;
-  Ngồi yên ngựa, khách đi hoài cổ, tưởng sự Lạc Hồng nữ tướng, có chăng thẹn mặt đấng nam nhi."                       
                               Khuyết Danh                                                        - Một đầu voi chống chọi với quân thù, sau Trưng Vương  rạng danh bà Lệ Hải;
  Ba thước vú tử sinh cùng đất nước, cho Ngô Hoàng biết mặt gái Giao Châu. (Dương Bá Trạc)
          Triệu Nữ Vương

 Đạp sóng biển đông diệt cá kình  

Má hồng vì nước quyết hy sinh
Hiên ngang chống bạo tàn phương bắc
Hậu thế gương truyền "Triệu Thị Trinh"
                                       Quên Đi
***
Chú Thích: 
- Sách Giao Chỉ chí chép:
          Trong núi ở quận Cửu Chân có người con gái họ Triệu, vú dài ba thước, không lấy chồng, họp đảng cướp bóc các quận, huyện, thường mặc áo ngắn màu vàng, chân đi giày mũi cong, ngồi đầu voi mà chiến đấu, sau chết làm thần. 
- Sách Những trang sử vẻ vang... giải thích:
         Phụ nữ khổng lồ, vú dài… là huyền thoại về bà Mẹ-Đất (terre-Mère, Déesse-Mère). Sau hình tượng đó được khoát cho bất kỳ một phụ nữ hiệt kiệt nào (tr. 129).

- Các tác giả sách Lịch sử Việt Nam (tập I) cũng đều cho rằng:
          Huyền thoại về một người phụ nữ có "vú dài ba thước" vốn rất phổ biến ở Phương Nam, từ Hợp Phố đến Cửu Chân. Như truyện "Tẩy thị phu nhân", "Tiểu quốc phu nhân" đều nói họ là những phụ nữ cao to và có vú dài đôi ba thước...Có thể, vì bà Triệu cũng là một người phụ nữ kiệt xuất, nên dân gian đã dùng hình tượng này khoác lên cho bà.

Huỳnh Hữu Đức Tổng hợp và Biên soạn