Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

Cơn Mưa Hạ


Cơn mưa hạ đưa ta vào nỗi nhớ
Ngàn yêu thương cháy rực cả con tim

Lòng mênh mang tha thiết buổi chiều im
Bao hình bóng yêu kiều nơi viễn xứ...


Hạt mưa nào quyện chân người lãng tử
Butchart Gardens(1) mộng thơ đầy quyến rũ

Khăn quàng cổ tặng em, hương quá khứ
Vườn cây xinh nghe tiếc má hồng phai...


Dàn hoa tươi đầy lối, vẻ trang đài
Môi em thắm tô thêm bờ cung ái

Tay đan tay như trao gởi nụ tình
Gió biển nhẹ lâng lâng màu kỷ niệm...


Cơn giông tới bất ngờ, chân mây tím
Đợt mưa chiều mở dấu lớp son môi

Nét hoang vu hiu hắt đã lâu rồi
Cành mai núi (2) ... nhớ em... mưa mùa hạ!


Sóng trong lòng bỗng mềm hơn lệ đá
Em nhìn tôi âu yếm thoáng mùi hoa

Hơi thở ấm... tình dâng lên ngây ngất
Uống môi em... nghe man mác niềm say...


VA, tháng 5, 06 (kỷ niệm đi tầu thăm đảo Victoria/Canada, tháng 5, 05).
Bùi Thanh Tiên
(1) Vườn hoa đẹp nổi tiếng ở Victoria
(2) Sau Vườn Butchart có núi rừng, con suối cao nước đổ trắng xóa.

Hương Thừa - Dư Hương



Thơ: Kim Oanh
Họa Thơ: Phạm Tương Như
Thơ Tranh: Tiểu Vũ Vi
* * *
Hương Thừa

Người đi Thu lá vàng bay
Sương rơi mù lối gầy vai hơi người
Xa xôi quên phút bồi hồi
Gió buồn ngưng thổi lệ rơi mấy mùa…

Người đi đông lạnh giá lùa

Tuổi đời chồng chất tóc thời úa phai
Mịt mùng mây phủ đường bay
Chim chiều kêu bạn năm dài … thê lương

Người đi khuất bóng mù sương
Gương xưa mặt lạ người thương xa lòng
Tỏ tường tình cũ hoài mong
Hỏi người còn giữ hương trong áo ngày…..


Kim Oanh
* * *
Dư Hương

(T thơ Kim Oanh)



Dư hương lạ gió vù bay
Hồn tôi vàng nắng ôm vai áo người
Nhớ thương rồi cũng đến hồi
Tim côi rung nhịp tình rơi xuống mùa

Người qua thả vạt áo lùa
Phấn son, mùi tóc rối đùa hương phai
Vườn thơm con bướm vờn bay
Hoa ngàn khoe sắc tình dài hoàn lương

Chừ anh ngọn cỏ mơ sương
Gối đêm ủ tóc sầu thương ngất lòng
Bên này đếm nỗi nhớ mong
Em ơi! Kỷ vãng còn trong tháng ngày

Phạm Tương Như
29/05/2014

Dư Vang - Bùi Giáng


Sáng nay chim hót lạ lùng
Tưởng từ mộng tưởng núi rừng xa xôi
Sáng nay mây gíó đầy trời
Vườn Xuân lá lục em ngồi ngắm hoa

Sáng nay tình tự ngọc ngà
Người yêu ở lại giang hà tuổi xanh
Ngàn dặm em đi cùng anh
Dừng chân bến nước long lanh mây vàng

Ta ngồi ngóng mãi dư vang
Kéo dài giữa cuộc tân toan sinh bình
Dư vang từ những bình minh
Phương trời cổ lục kiên trinh đợi người

Bùi Giáng
(Suối Dâu sưu tầm)

Tuổi Già


      Bạn có bao giờ ngắm kỹ một con hạc trắng chưa? Nó trông thật mảnh mai; chân dài, người mỏng, trong một bộ lông trắng muốt. Trông nó thanh cao như một người luống tuổi mà vẫn giữ được phong cách ung dung.. Con hạc được coi là một con vật sống lâu cho nên người ta gọi tuổi của các cụ là tuổi hạc.
      Ðầu tháng năm vừa qua, tôi sang chơi với vợ chồng người anh ở bênVienna, D.C. Ðằng sau nhà anh tôi có một con đường mòn dẫn tới một công viên. Con đường mòn vào cuối Xuân chớm Hạ thật là đẹp. suối róc rách chẩy, cây cỏ xanh mướt, những bông hoa núi nở trắng xóa. Chúng tôi mỗi buổi sáng dắt theo con chó đi bộ, vừa đi vừa trò chuyện. Tôi bất giác hỏi:
- Sao con người không giống cây cỏ, vào mùa đông héo, úa, rụng, đến xuân, hạ lại hồi sinh nhỉ?
Anh tôi cười, nói:
- Cứ giữ mãi được Xuân, Hạ trong lòng mình là tốt rồi.
      Chúng ta những người ở lứa tuổi đang bước vào tuổi già hay đã già. Tinh thần và thể xác không còn như hai mươi năm, mười năm về trước hay thậm chí như mới năm ngoái nữa.

      Thông thường bất cứ người mang quốc tịch nào, sinh sống ở phần đất hay hoàn cảnh nào thì khi về già hay ngồi gậm nhấm lại quá khứ. Chúng ta là những người từ một quê hương mất mát đến ở trọ một quốc gia khác, chúng ta còn nhiều điều gậm nhấm hơn nữa.

      Ở tuổi già, không có phương tiện di chuyển, bị trở ngại ngôn ngữ đã làm một số người sống một cuộc sống tẻ nhạt, từ tẻ nhạt đưa tới trầm cảm, khép kín. Từ đó sinh ra bao nhiêu bệnh, và khi có bệnh, sự chạy chữa xem chừng không có hiệu quả lắm cho những người này.

      Bác Sĩ Ornish, tác giả cuốn sách Love & Survival, nói rõ: Tách lìa tình thân gia đình và bạn bè là đầu mối cho mọi thứ bệnh từ ung thư, bệnh tim đến ung nhọt và nhiễm độc. Tình thương và tinh thần là gốc rễ làm cho chúng ta bệnh hay khỏe.
      Ba mươi năm trước mà nghe ai nói cô đơn sinh ra các chứng bệnh thì người ta sẽ chỉ cười nhẹ.. Nhưng bây giờ điều này đã được nhiều bác sĩ công nhận là đúng.
      Những buổi tĩnh tâm chung, có cầu nguyện, có tịnh niệm (tùy theo tôn giáo của mỗi người) chia sẻ những buồn vui, lo lắng của mình cùng người khác cũng giúp khai thông được những tắc nghẽn của tim mạch như là ăn những thức ăn rau, đậu lành mạnh vậy.
Nếu không nói ra được những gì dồn nén bên trong thì chính là tự mình làm khổ mình. Khi nói ra, hay viết ra được những khổ tâm của mình thì hệ thống đề kháng được tăng cường, ít phải uống thuốc.
Theo Bác Sĩ Ornish, khi bị căng thẳng cơ thể sẽ tiết ra một hóa chất làm cho mọi sinh hoạt ứ đọng, ăn không ngon, đầu không suy nghĩ, mạch máu trì trệ,
mất sức đề kháng, dễ cảm cúm.
      Như vậy sự cô đơn cũng là chất độc như cholesterol trong những thức ăn dầu mỡ, mà chỉ có tình thương mới cứu rỗi được.
      Nếu bạn không mở tâm ra cho người khác thì bác sĩ bắt buộc phải mở tim bạn ra thôi. Tuổi như thế nào thì gọi là già, chúng ta biết khi một người qua đời ở tuổi 60 thì được gọi là 'hưởng thọ'. Vậy sau tuổi 60 mỗi ngày ta sống là một bonus, phần thưởng của Trời cho.
     Chúng ta nên sống thế nào với những ngày 'phần thưởng' này. Lấy thí dụ một người lớn tuổi, sống cô đơn, biệt lập, không đi ra ngoài, không giao thiệp với bạn hữu, thế nào cũng đi đến chỗ tự than thân trách
phận, bất an, lo âu, ủ dột và tuyệt vọng. Từ đó bắt nguồn của bao nhiêu căn bệnh.
      Trong Những Lời Phật Dậy có câu: Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình. Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng.. Chắc trong quý vị không ai muốn rơi vào hoàn cảnh này.
Gặp gỡ bè bạn thường xuyên trong những sinh hoạt thể thao là điều tốt lành nhất cho thể lý. Ði tập thể thao như Tài Chi, Hồng Gia, nhẩy nhẹ theo nhạc, tắm hơi, bơi lội v.v... đã giúp cho người lớn tuổi giữ được
thăng bằng, ít ngã, và nếu có bệnh, uống thuốc sẽ công hiệu hơn, mau lành hơn.
      Gặp bạn, nói được ra những điều phiền muộn cho nhau nghe, ngồi tĩnh tâm, đến nhà thờ, chùa cầu nguyện giúp được làm chậm lại sự phát triển của bệnh. Bác Sĩ Jeff Levin giáo sư Ðại Học North Carolina khám phá ra từ hàng trăm bệnh nhân, nếu người nào thường xuyên đến nhà nguyện họ có áp suất máu thấp hơn những người không đến nhà nguyện, ông bỏ ra hàng đêm và nhiều cuối tuần để theo dõi, tìm hiểu những kết quả cụ thể của 'Tín Ngưỡng và Sức Khỏe'. Cuốn sách ông phát hành gần đây nhất có tên là God, Faith and Health. Trong đó ông cho biết những người có tín ngưỡng khỏe mạnh hơn, lành bệnh chóng hơn, ít bị nhồi máu cơ tim, gặp sự thăng trầm trong đời sống họ biết cách đối diện, họ luôn luôn lạc quan.
Lạc quan là một cẩm nang quý vị nên luôn luôn mang theo bên mình. Ðừng bao giờ nói, hay nghĩ là 'Tôi già rồi, tôi không giúp ích được cho ai nữa' hoặc 'Tôi vụng về, ít học, chẳng làm gì được'.
      Tôi xin kể câu chuyện Hai Con Ngựa của thầy phó tế George A.Haloulakos.
     Cạnh nhà tôi có một cánh đồng cỏ, hàng ngày có một cặp ngựa, con nọ lớn hơn con kia một chút thong thả ăn cỏ ở đấy. Nhìn từ xa chúng là đôi ngựa binh thường giống những con ngựa khác. Tuy nhiên nếu bạn đến gần, bạn sẽ khám phá ra là có một con mù.
     Chủ nhân của nó chắc thương nó không nỡ bỏ đi, mà còn cho nó một chỗ ở an toàn. Chính điều này đã thành một câu chuyện tuyệt vời.

     Ðứng bên chúng, bạn chợt nghe có tiếng chuông rung, phát ra từ cái đai nhỏ vòng quanh cổ con ngựa nhỏ hơn, chắc là một con cái.. Tiếng chuông
báo cho con bạn mù của nó, biết là nó đang ở đâu mà bước theo. Quan sát kỹ một chút bạn sẽ thấy cái cách con ngựa sáng chăm sóc con ngựa mù, bạn nó chu đáo như thế nào. Con ngựa mù lắng nghe tiếng leng keng mà theo bạn, nó bước chậm rãi và tin rằng bạn nó không để nó bị lạc. Trên đường trở về chuồng mỗi chiều, con ngựa nhỏ chốc chốc lại ngoái cổ lại nhìn bạn, muốn biết chắc bạn mù của nó vẫn đi theo tiếng chuông của nó để lại đằng sau..
Cũng giống như chủ nhân của đôi ngựa có lòng nhân từ, Thượng Ðế không bao giờ vứt bỏ bạn vì bạn kiếm khuyết, hoạn nạn hay gặp khó khăn. Người luôn luôn đem đến cho chúng ta những người bạn khi chúng ta cần được giúp đỡ.
       Ðôi khi chúng ta là con ngựa mù, được dẫn dắt bởi tiếng chuông mầu nhiệm mà Thượng Ðế đã nhờ ai đó rung lên cho chúng ta. Những khi khác chúng ta là con ngựa dẫn đường, giúp kẻ khác nhìn thấy.
      Bạn hiền là như vậy. Không phải lúc nào ta cũng nhìn thấy họ, nhưng họ thì luôn hiện diện đâu đó. Hãy lắng nghe tiếng chuông của nhau. Hãy tử tế hết sức mình, bởi vì có một người mà bạn gặp trên đời, biết đâu cũng đang ở trong một hoàn cảnh khó khăn nào đó họ phải phấn đấu để vượt qua.
       Không gì hơn là tuổi già nương dựa vào nhau trong tình bạn. Luôn luôn nghĩ bao giờ mình cũng có cái cho đi mà người khác dùng được. Trong một lần đến thăm Viện Dưỡng Lão, tôi thấy một cụ ông 70 tuổi, đút thức ăn cho một cụ bà 80 tuổi. Hỏi ra thì họ không có liên hệ gì với nhau cả.
Chỉ là một người có khả năng cho và một người vui vẻ nhận.
      Tính hài hước, làm cho người khác cười cùng với mình là những liều thuốc bổ. Nữ thi sĩ Maya Angelou vào sinh nhật thứ 77, trong trương trình phỏng vấn của Oprah, hỏi về sự thay đổi vóc dáng của tuổi già, bà nói: 'Vô số chuyện xẩy tới từng ngày... Cứ nhìn vào bộ ngực của tôi xem. Có vẻ như hai chị em nó đang tranh đua xem đứa nào chạy xuống eo trước'. Khán giả nghe bà, cười chẩy cả nước mắt.
Sinh, bệnh, lão, tử. Con đường đó ai cũng phải đi qua. Nhưng đi như thế nào thì hầu như 80% chính mình là người lựa chọn.
Những vấn đề chính ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn qua tinh thần là:
Sự cảm thông giữa cha mẹ và con cái, giữa ông bà với các cháu.
Tinh thần chấp nhận và lạc quan.
Nghĩ đến những điều vui nhỏ mỗi ngày.
Tham gia những sinh hoạt nào phù hợp với sức khỏe.
Làm việc thiện nguyện.
Nhóm bạn: Ðọc sách, kể chuyện, đánh cờ, chơi bài (không phải ăn thua).
      Tham gia các lớp thể dục: Như Yoga, lớp dậy Hồng Gia, ngồi thiền, khí công v.v... Và ngay cả chỉ đi bộ với nhau 30 phút mỗi ngày cũng giúp cho tinh thần sảng khoái, sức khỏe tốt hơn là ở nhà nằm quay mặt vào tường.
Hãy thỉnh thoảng đọc lên thành tiếng câu ngạn ngữ này:
'Một nét mặt vui vẻ mang hạnh phúc đến cho trái tim và một tin vui mang sức khỏe cho xương cốt.'
Chúc quý vị luôn cảm thấy vui khoẻ và trọn vẹn an lành trong tâm hồn !

Trần Mộng Tú

Tình Khúc Cho Người Sang Sông - Sáng Tác Dương Thượng Trúc - Tiếng Hát Xuân Phú



Sáng Tác: Dương Thượng Trúc 
Tiếng Hát:  Xuân Phú

Buồn Vào Đông


Buồn nào hơn hôm nay
Khi mùa đông đã đến
Gió lùa mang hơi lạnh
Mây chiều lặng lẽ bay 
Cuộc tình xưa ngở dứt 
Nhưng người vẫn quanh đây
Trong sương chiều lạnh giá
Một mình tôi đắng cay!

Biện Công Danh
NZ1/6.2014

Chờ Ai


Chờ ai mỏi cổ, mòn giày
Đi lui, đi tới, đất cày, cỏ bung
Hiên nhà mưa nắng ngập ngừng
Áo khô, áo ướt, mấy tuần đứng đây
Người đi đóng xập tháng ngày
Kẻ chờ lật mở đắng cay trong lòng
Cửa đời còn mấy chấn song
Hay là cửa ngục nhốt hồn vì ai
Chờ ai một kiếp lưu đày
Ngóng trông gió lạnh lùng bay bốn mùa

Hoài Tử

Bà Triệu

      "Tôi chỉ muốn cỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển đông , đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chớ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người" 

        Một câu nói bộc lộ khí phách của bậc Anh Thư. 
        Tuy chỉ xuất hiện trong lịch sử với khoảng thời gian rất ngắn. Nhưng Bà Triệu là một điểm son, một tấm gương sáng, là niềm kiêu hãnh của dân tộc nói chung và phụ nữ Việt nói riêng. Chúng ta cùng tìm đến với Bà Triệu qua những trang sử, sách. 

        Bà Triệu, Triệu Trịnh Nương hay Triệu Thị Trinh đều là tên các đời sau để gọi người nữ anh hùng dân tộc hồi thế kỷ thứ III.           
      Theo dã sử, Bà Triệu sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (256), tại một vùng sơn thôn nay thuộc địa phận huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa. Mồ côi sớm, cô gái nông thôn sống với người anh Triệu Quốc Đạt, một hào mục khá giàu có. 
      Vợ Triệu Quốc Đạt bản tính ác nghiệt nên người em chồng không được đối xử tử tế. Cô gái lớn lên tại một vùng bìa rừng hẻo lánh, nên không có điều kiện học hành chu đáo, nhưng được đền bù bằng sự thông minh và sức lực thiên bẩm nên mới được 17, 18 tuổi đã nổi tiếng khắp vùng là có mưu lược và bản lãnh hơn người.
       Do thế người thôn nữ chưa xuất đầu lộ diện mà đã có uy tín đáng kể tại địa phương. 
       Đến năm 20 tuổi, Triệu Thị Trinh lỡ tay đánh chết người chị dâu nên phải chạy trốn vào ở trong núi Nưa (nay thuộc xã Tân Ninh huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá), sống tự lập để khỏi lệ thuộc vào người anh nữa.  
   Nhưng một phần nhờ ở sẵn có nhiều người mến phục và phần khác nhờ ở tình hình địa phương mà trong thời gian rất ngắn người thôn nữ bôn đào đã thu hút được cả ngàn trai tráng chạy theo mình vào rừng sâu, để nghiễm nhiên trở thành người điều khiển một lực lượng võ trang khả dĩ đương đầu với quân Đông Ngô và vùng vẫy ở địa phương ấy.
        Ở đó cho đến nay vẫn còn lưu truyền nhiều truyền thuyết về thời kỳ bà chuẩn bị khởi nghĩa chống giặc Ngô.
        Đó là chuyện Bà Triệu thu phục được con voi trắng một ngà, chuyện "Đá Biết Nói" rao truyền lời thần nhân mách bảo từ trên núi Quan Yên.

       Thôn Cẩm Trướng thuộc xã Định Công có truyền thuyết "Đá biết nói" như sau: Vùng núi này có con voi trắng một ngà rất dữ tợn hay về phá hoại mùa màng, mọi người đều sợ. Để trừ hại cho dân, Bà Triệu cùng chúng bạn đi vây bắt voi, lùa voi xuống đầm lầy (vùng sông Cầu Chầy ngày xưa còn lầy lội) rồi dũng cảm nhẩy lên cưỡi đầu voi và cuối cùng đã khuất phục được con voi hung dữ. Chú voi trắng này sau trở thành người bạn chiến đấu trung thành của Bà Triệu. Nghĩa quân Bà Triệu, những ngày đầu tụ nghĩa, đã đục núi Quân Yên, bí mật cho người ngồi trong hốc đá, đọc bài đồng dao:

Có Bà Triệu tướng
Vâng lệnh trời ra
Trị voi một ngà
Dựng cờ mở nước
Lệnh truyền sau trước
Theo gót Bà Vương....


         Nhờ đó cả vùng đã đồn ầm lên rằng núi Quân Yên biết nói, báo hiệu cho dân chúng biết Bà Triệu là "thiên tướng giáng trần" giúp dân, cứu nước. Vì vậy hàng ngũ nghĩa quân thêm lớn, thanh thế thêm to. Họ kéo nhau xuống Phú Điền dựng căn cứ.

        Trung tâm tụ nghĩa là vùng núi Tùng Sơn (Phú Điền). Đây là một thung lũng nhỏ nằm giữa hai dãy núi đá vôi thấp, dãy phía bắc (Châu Lộc) là đoạn núi chót ngăn cách hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình cũ, dãy núi phía nam (Tam Đa) là đoạn chót của dải núi chạy dọc sông Mã. Chân phía bắc núi Châu Lộc là sông Lèn, chân phía nam núi Tam Đa là sông Âu, xưa là một dòng sông lớn. Thung lũng mở rộng cửa về phía đồng bằng ven biển và bị chặn ngang về phía tây bởi dòng sông Lèn. ở căn cứ này, ngược sông Lèn có thể liên lạc với miền quê Bà Triệu. Là địa điểm gần biển, lại là cửa ngõ từ đồng bằng miền bắc vào Thanh, đó là một vị trí quân sự hiểm yếu, thuận lợi cả công lẫn thủ.
       Ở đây còn có núi Chung Chinh với 7 đồn lũy tương truyền là quân doanh của Bà Triệu, nơi đã từng diễn ra trên ba chục trận đánh với quân Ngô. Dưới chân núi Tùng, còn có cánh đồng Lăng Chúa (lăng Bà Triệu), đồng Vườn Hoa, đồng Xoắn ốc... tương truyền là tên cũ còn lại khi Bà Triệu đắp lũy xây thành. ở đây còn lưu hành rộng rãi truyền thuyết về ba anh em nhà họ Lý đi tìm Bà Triệu, rước Bà từ quê ra đây dựng doanh trại, sửa soạn khởi nghĩa và tôn Bà làm chủ tướng.

        Mến mộ bà, nghĩa quân ngày đêm mài gươm luyện võ, chờ ngày nỗi dậy:
          "Ru con con ngủ cho lành
   Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi
           Muốn coi lên núi mà coi
Coi bà Triệu Tướng cỡi voi đánh cồng".


     Triệu Quốc Đại lúc đầu vốn chủ trương cầu an nên đã tìm  khuyên em trở về với kiếp sống bình thường của một thôn nữ, lập gia đình. Nhưng Triệu Thị Trinh đã khẳng khái: 

"Tôi chỉ muốn cỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển đông , đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chớ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người"        

        Bị câu nói của em gái khích động, Triệu Quốc Đạt quyết cùng em chiêu mộ tướng sĩ dựng cờ khởi nghĩa.


 

        Lúc bấy giờ bọn quan lại Đông Ngô cai trị ngày càng tàn ác, khiến dân chúng vô cùng khổ cực, oán than thấu trời. Vừa phẫn nộ vừa cho rằng thời cơ đã thuận lợi, Triệu Quốc Đạt đột ngột mang quân đánh dinh quận Cửu Chân. 
         Bị bất ngờ dồn vào thế không thể trì hoãn được nữa. Triệu Thị Trinh đành mang quân đi giúp anh. Triệu Quốc Đạt vẫn tự biết không bằng em, quân sĩ dưới cờ ông lại khâm phục người nữ tướng có tài lãnh đạo, mọi người liền nhất trí suy tôn Triệu Thị Trinh chỉ huy lực lượng khởi nghĩa
          Năm Mậu Thìn (248) nghĩa quân bắt đầu tấn công quân Ngô. Các thành ấp của quân Ngô đều bị đánh phá tan tành. Bọn quan cai trị kẻ bị giết, kẻ chạy trốn hết. Từ Cửu Chân, cuộc khởi nghĩa lan rộng nhanh chóng. Thứ Sử Châu Giao hoảng sợ bỏ chạy mất tích. Sử sách của nhà Ngô phải thú nhận:"Toàn thể Châu Giao chấn động".
        Mỗi lần ra trận, Triệu Thị Trinh thường mặc áo giáp đồng, đi guốc ngà, cài trâm vàng, cưỡi voi dẫn quân xông trận, oai phong lẫm liệt. Quân Ngô kinh hồn, bạt vía đã phải thốt lên:

         Hoành qua đương hổ dị
         Đối diện Bà Vương nan
Nghĩa là:
         Vung giáo chống hổ dễ
         Giáp mặt Bà Vua khó
         Với tư cách đó, người thôn nữ mới ngoài 20 tuổi đã sớm chứng tỏ là không phụ công lòng tin của mọi người. Bà đánh đâu thắng đó, chỉ trong vòng một tháng trời là lực lượng khởi nghĩa tiêu diệt và đánh đuổi hết quân Tàu trên toàn bộ lãnh thổ quận Cửu Chân.  
     Phần vì sợ phép dùng binh sấm sét, phần vì cảm phục độ lượng của người nữ tướng trẻ tuổi, bại binh Tàu đều gọi Bà là Lệ Hải Bà Vương.
        Rất nhiều câu chuyện về tình dân với khởi nghĩa Bà Triệu.             Đây là một ông già mù miền núi đã đi khắp nơi, dùng tiếng đàn, giọng hát của mình để ngâm ngợi cổ vũ dân chúng đứng dậy cứu nước; kia một bà cụ hàng nước cố xin cho con gái được theo quân giết giặc, còn mình thì giúp cả chõng chuối với chum nước chè xanh cho nghĩa binh đang trẩy quân qua giải khát. 

      Dọc sông Mã, vùng Cẩm Thạch có truyền thuyết và di tích về một bà nữ tướng cưỡi voi đánh giặc Ngô. Vùng Khang Nghệ có truyền thuyết nói rằng: thời xưa sông Mã có một nhánh chảy từ đầm Hàn về cửa Lạch Trường. Đó là nơi quân Ngô chiếm giữ, chiến thuyền san sát như lá tre. Một chàng trai đã ăn trộm ngựa chiến của quân giặc trốn về với Bà Triệu và trở thành dũng tướng của nghĩa quân. Trong một trận giao tranh trên sông nước, vì anh đi chân vòng kiềng nên đã vấp phải dây chằng mà tử trận. Giặc Ngô đang ăn mừng thắng lợi thì hai bờ sông chuyển động. Đất trời nổi cơn giận dữ, hắt rừng cây núi đá xuống lấp cạn dòng sông, chôn vùi cả mấy vạn xác thù...
          Lại có câu chuyện đền Cô Thị ở xã Hà Ngọc (Hà Trung). Một cô gái rất thích quả thị, chờ đợi người yêu đi đánh giặc và khi chết biến thành cây thị. Cây thị này chỉ có một quả, không ai hái được, vì hể ai thò tay bẻ thì cành thị lại tự dưng vút hẳn lên cao. Cành ấy đời đời ngả về phía đông nam theo hướng người yêu của cô đang ở trong quân dinh Bà Triệu. Một ngày thắng trận, chàng trai được phép Bà Triệu về thăm làng xóm thì cành cây mới chịu sà xuống và quả thị rơi vào ống tay áo của chàng....

         Hay tin có khởi nghĩa ở Cửu Chân và thứ sử Châu Giao mất tích, vua Ngô hốt hoảng phái ngay Lục Dận (anh em họ của danh tướng Đông Ngô là Lục Tốn) một tướng từng kinh qua trận mạc, lại rất quỷ quyệt sang làm thứ sử. Lục Dận đem 8.000 quân tinh nhuệ sang đàn áp. Lục Dận vừa đánh vừa đem của cải chức tước ra dụ dỗ mua chuộc các thủ lĩnh người Việt. Một số kẻ dao động mắc mưu địch.

         Cũng theo truyền thuyết dân gian, về sau có kẻ phản bội, mách với Lục Dận rằng Bà là nữ tướng "ái khiết úy ô" (yêu cái trong sạch, ghét cái nhơ bẩn). Quân Ngô liền trần truồng tiến đánh Bà. Bà hổ thẹn, giao binh cho 3 tướng họ Lý, lên núi Tùng tự vẫn.
        Trên núi Tùng hiện có mộ Bà Triệu và dưới chân núi Tùng là đền thờ chính của Bà Triệu. Hội đền hằng năm ngày trước vào ngày 21 tháng hai âm lịch.
         Khởi nghĩa Bà Triệu thất bại, nhưng hình ảnh người con gái kiên trinh bất khuất, người nữ anh hùng dân tộc siêu việt quyết nối chí Bà Trưng "giành lại giang san, cởi ách nô lệ" muôn thuở không mờ trong tâm trí phụ nữ và dân tộc Việt Nam.
     Tùng Sơn nắng quyện mây trời,
Dấu chân Bà Triệu rạng ngời sử xanh.
                           (thơ ca dân gian)
 

Bấy giờ bà mới 23 tuổi. Dân địa phương lập đền thờ. 
           Về sau, vua Lý Nam Đế khen ngợi là người trung dũng, sai lập miếu thờ, phong là:"Bật Chính Anh Liệt Hùng Tài Trinh Nhất Phu Nhân". 
         Tinh thần yêu nước và dũng khí của Bà Triệu vẫn mãi được truyền tụng cho dù đã gần 2000 năm: 

- Cửu Chân trăm trận gan hơn sắt,
  Lục Dận nhiều phen mắt đã vàng.
 

- "Trông bành voi, Ngô cũng lắc đầu, sợ uy Lệ Hải Bà Vương, những muốn bon chân về Bắc quốc;
-  Ngồi yên ngựa, khách đi hoài cổ, tưởng sự Lạc Hồng nữ tướng, có chăng thẹn mặt đấng nam nhi."                       
                               Khuyết Danh                                                        - Một đầu voi chống chọi với quân thù, sau Trưng Vương  rạng danh bà Lệ Hải;
  Ba thước vú tử sinh cùng đất nước, cho Ngô Hoàng biết mặt gái Giao Châu. (Dương Bá Trạc)
          Triệu Nữ Vương

 Đạp sóng biển đông diệt cá kình  

Má hồng vì nước quyết hy sinh
Hiên ngang chống bạo tàn phương bắc
Hậu thế gương truyền "Triệu Thị Trinh"
                                       Quên Đi
***
Chú Thích: 
- Sách Giao Chỉ chí chép:
          Trong núi ở quận Cửu Chân có người con gái họ Triệu, vú dài ba thước, không lấy chồng, họp đảng cướp bóc các quận, huyện, thường mặc áo ngắn màu vàng, chân đi giày mũi cong, ngồi đầu voi mà chiến đấu, sau chết làm thần. 
- Sách Những trang sử vẻ vang... giải thích:
         Phụ nữ khổng lồ, vú dài… là huyền thoại về bà Mẹ-Đất (terre-Mère, Déesse-Mère). Sau hình tượng đó được khoát cho bất kỳ một phụ nữ hiệt kiệt nào (tr. 129).

- Các tác giả sách Lịch sử Việt Nam (tập I) cũng đều cho rằng:
          Huyền thoại về một người phụ nữ có "vú dài ba thước" vốn rất phổ biến ở Phương Nam, từ Hợp Phố đến Cửu Chân. Như truyện "Tẩy thị phu nhân", "Tiểu quốc phu nhân" đều nói họ là những phụ nữ cao to và có vú dài đôi ba thước...Có thể, vì bà Triệu cũng là một người phụ nữ kiệt xuất, nên dân gian đã dùng hình tượng này khoác lên cho bà.

Huỳnh Hữu Đức Tổng hợp và Biên soạn

Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

Chiếc Lá Cuối Cùng


Hoài mong chiếc lá cuối cùng
Ân tình sâu đậm ngại ngùng biếng rơi
Phất phơ theo gió lả lơi
Phơi mình đón hạt sương trời bâng khuâng
Đã yêu xa lại hóa gần
Cho nồng thắm chẳng nợ nần chi nhau
Ước mơ chấp cánh bay cao
Phủ phàng cuống lá nao nao chuyển mình

Kim Phượng

Mưa...Vẫn Chờ


Mưa vẫn rơi rơi đều trên phiến lá
Mưa vẫn buồn buồn đá cứ mãi trơ
Mưa vẫn rơi rơi sâu vào nỗi nhớ
Mưa vẫn buồn buồn xót cuộc tình xa

Mưa thương ai ai xuôi về dĩ vãng
Mưa thương đời đời lắm kẻ cô đơn
Mưa thương ai ai tìm vào quên lãng
Mưa thương đời đời bao cảnh trái ngang

Mưa chờ ta ta nhoà trong mộng tưởng
Mưa chờ người người thiếu vắng tình thương
Mưa chờ ta ta chìm trong đêm lạnh
Mưa chờ người người lại đợi tàn canh.

Quên Đi

Thơ Tranh: Nghệ Sĩ: Cung Tiến


Cảm Tác Thơ: Ktk
Thơ Tranh: Kim Oanh


Sáng Tác: Hương Xưa
Nhạc Sĩ: Cung Tiến
Ca Sĩ: Lệ Thu
Thực Hiện: Trinhlys


Hỏi Lòng


Nếu vắng em thành phố nầy vẫn thế,
Hoa lá vẫn xanh, xe cộ dập dìu...
Con phố hiền hòa chẳng bớt đìu hiu,
Cũng tiếng còi tàu từng đêm nảo nuột,
Nghĩa là nơi đó dòng đời vẫn thức...
Chỉ có riêng ta lịm cả tâm hồn,
Chỉ có đời ta tím cả hoàng hôn,
Vạn đóa hoa sầu đơm đầy khối óc.

Ta không biết nên cười hay nên khóc?
Ôi, suốt đời làm một gã tình si!
Ta yêu người để người bỏ ta đi
Rồi nối tiếp ta làm thân thua thiệt.
Đời cướp của ta bao điều thân thiết:
Nào người yêu, nào bằng hữu, quê hương!
Giờ trong ta chỉ còn nỗi chán chường,
Nhưng ta sẽ nở nụ cười khinh bạc!!!

Garden City, Kansas 1994

Mặc Thái Thủy

Thơ Tranh: Bước Chân Xa Lạ


Thơ & Thơ Tranh: Kim Quang

Lời Mẹ Dặn - Phùng Quán

Sơ Lược Tiểu Sử:
      Phùng Quán, sinh tháng 1 năm 1932 (1930?), tại quê xã Thuỷ Dương, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
      - Năm 1945, ông tham gia Vệ quốc quân, là chiến sĩ trinh sát Trung đoàn 101 (tiền thân là Trung đoàn Trần Cao Vân). Sau đó ông tham gia Thiếu sinh quân Liên khu IV, đoàn Văn công Liên khu IV.
      - Đầu năm 1954, ông làm việc tại Cơ quan sinh hoạt Văn nghệ quân đội thuộc Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam (tiền thân của Tạp chí Văn nghệ Quân đội).
      - Ông mất ngày 22 tháng 1 năm 1995 tại Hà nội. Năm 2010, sau khi vợ ông là nhà giáo Vũ Thị Bội Trâm mất, thể theo nguyện vọng của ông lúc sinh thời, gia đình và bạn bè đã đưa hài cốt ông bà về án táng tại quê nhà: xã Thủy Dương, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.


Lời Mẹ Dặn

Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.

Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn.
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc

- Con ơi
trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.

- Mẹ ơi, chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt

- Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu

Từ đấy người lớn hỏi tôi:
- Bé ơi, Bé yêu ai nhất?

Nhớ lời mẹ tôi trả lời:
- Bé yêu những người chân thật.

Người lớn nhìn tôi không tin
Cho tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không! những lời dặn đó
In vào trí óc của tôi
Như trang giấy trắng tuyệt vời.
In lên vết son đỏ chói.

Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.
Người làm xiếc đi giây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêụ

Tôi muốn làm nhà văn chân thật
chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá. 

Phùng Quán
1957
( Kim Oanh sưu tầm)

Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Biết Bao Giờ Trở Lại - Ngô Thụy Miên - Nguyên Khang

      Anh ra đi bỏ lại quê hương, bỏ lại Sài gòn,bỏ lại người yêu. Trong nỗi nhớ em ở xứ người, anh mong sẽ có ngày trở lại để cùng em rong chơi như thuở xưa, để tìm lại những gì mà tháng năm qua hạnh phúc trong tay mình mà mình không biết giữ lại.
     Trong giấc mơ anh thấy anh và em đi trên con đường đầy lá me bay, đó là những lối xưa cũ mà chúng mình đã từng dìu nhau qua những buổi chiều êm ả .Giấc mơ rồi sẽ thành hiện thực khi anh về lai Sài gòn dấu yêu        
     Em hãy chờ anh nhé em yêu. . .


Sáng Tác: Ngô Thụy Miên
Ca Sĩ: Nguyên Khang
Thực Hiện:Nguyễn Thế Bình

Kỷ Niệm... Ngược Chiều


Xe em phanh không ăn.
Còn xe anh không có thắng.
Bất ngờ đụng nhau quẹo cua đường vắng.
Em mới hay, mình đã ngược chiều.
Biết nói gì đây, dù chỉ một điều.
Giờ đi làm ai mà chẳng vội.
Ngập ngừng chia đôi, một lời xin lỗi.
Và thế là quen nhau...
Rồi năm tháng qua đi trong những buổi chiều.
Khi anh hẹn em, chỗ quẹo cua lần ấy.
Mỗi tuần một lần thôi_thứ bảy.
Để hai xe, quay lại một chiều.
Con đường thường đi không nhớ tên, nay được nhắc suốt mùa.
Chúng tôi nhớ từng gốc cây, từng ổ gà thiếu nhựa.
Xin cảm ơn ai đặt bảng cấm ngược chiều.
Để tên con đường, được ký ức nâng niu.

Hhai

Thơ Tranh: Dấu Hài


Thơ: Suối Dâu
Thơ Tranh: Kim Oanh

Đừng Như Cơn Gió


Đừng như cơn gió, anh
Hôn cánh hoa buổi sáng
Ấp ôm mây buổi chiều
Ru tình trong buổi tối

Hoa sẽ rụng khi gió làm bão nổi
Mây tím buồn và gió mãi lang thang
Đêm muộn phiền trăng vàng vọt không gian
Gió đen bạc, Anh, đừng như cơn gió

Hoàng Lam

Lời Tình Xưa


Cám ơn em về thăm Cao Nguyên
gởi lại đây bao lời ru êm
dẫu cảnh cũ lặng trầm hoang phế
tình vẫn còn vương trong mắt em

Dấu chân xưa còn ven Thác Mơ
qua bao Thu sóng réo đợi chờ
mimosa râm ran nhịp thở
vọng âm buồn tím buốt trang Thơ

Em nghe không tiếng hát rừng thông
điệp khúc buồn trôi trong chiều Đông
trộn lời anh thì thầm nhắn gọi
dấu yêu ơi ! môi có còn hồng ?

Chậm một ngày rồi đi nghe em
ngồi bên nhau trong sương Thu mềm
tim nhẹ rung theo dòng ký ức
trăng ngời lên trên bờ môi đêm
 
Cám ơn em về thăm Cao Nguyên
Thu qua đi mang theo buồn phiền
nồng nàn em rơi trong đáy mắt
lời tình xưa ngân sâu trong tim !

Cao Nguyên


Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Nguồn Gốc Và Ý Nghĩa Tết Đoan Ngọ Mùng 5 Tháng 5 Âm Lịch

Ý Nghĩa Và Nguồn Gốc
Truyền Thuyết Tại Việt Nam


      Vào một ngày sau vụ mùa, nông dân chúng đang ăn mừng trúng mùa, nhưng sâu bọ năm ấy kéo dày ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Nhân dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm đơn giản gồm có bánh gio, trái cây sau đó ra trước nhà mình mà vận động thể dục. Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau đó sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượt. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng. Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày "Tết diệt sâu bọ", có người gọi nó là "Tết Đoan ngọ" vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

Ý Nghĩa

      Với người Việt, Tết Đoan Ngọ là thời điểm giữa năm, thời tiết chuyển mùa nên dễ sinh bệnh dịch, do đó có các nghi thức trừ tà, tránh bệnh như tắm nước lá mùi, treo cây ngải cứu trừ ma quỷ, đeo "bùa tui bùa túi", nhuộm móng tay, móng chân rồi uống các nước giải độc (nấu từ lá ích mẫu, vối, cối xay, gừng…), uống rượu xương bồ, ăn rượu nếp và các loại quả có vị chua, chát để cho bệnh tật tiêu trừ, trùng độc, sâu bọ sẽ chết… Cho nên tết này còn gọi là Tết giết sâu bọ, là một nghi thức nhằm cân bằng âm dương.
  
      Theo phong tục cổ truyền Việt Nam, Tết Đoan Ngọ mồng 5 tháng Năm là một trong những ngày lễ tưởng nhớ tới tổ tiên do đó trong số các vật phẩm dâng cúng không thể thiếu bánh tổ (tổ tiên). Đặc biệt, đây còn là ngày lễ thiêng liêng trong tâm thức người Việt Nam, đó là ngày giỗ Quốc mẫu Âu Cơ. 
       Ăn rượu nếp và các loại quả có vị chua, chát để cho bệnh tật tiêu trừ, trùng độc, sâu bọ sẽ chết… 
Nếu như mồng 7 tháng Giêng là ngày tế mẫu với câu ca:
“Mồng Bảy trong tiết tháng Giêng 
Dân hiền tế lễ trống chiêng vang trời 
Anh em Bách Việt ta ơi 
Ngày xuân thong thả tới nơi xem tường 
Ấy ngày hội tế Mẫu Vương 
Người sinh nòi giống Nam phương đó mà”
thì cứ đến gần ngày mồng 5 tháng 5 dân gian lại nhắc nhau bằng câu ca dao:
“Tháng Năm nhớ Tết Đoan Dương 
Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang”.

      Tết Đoan Ngọ còn là ngày lễ thể hiện tính nhân văn giữa người với người, sự biết ơn của con cháu với ông bà, cha mẹ, người bệnh với thày thuốc, học trò với thày giáo nên có tục học trò đi tết thày, con rể đi tết bố mẹ vợ… Trong dân gian có câu ca dao rằng:
“Mồng 5 ngày Tết không đáo đến cửa nhà thờ 
Còn hiếu trung chi nữa mà chờ rể, con”.
      Dân gian còn cho rằng vào ngày này, các loài rắn đều lẩn trốn đi hết nên mới có câu thành ngữ “len lét như rắn mồng 5”.
      Vì sao Tết Đoan Ngọ còn gọi là Tết giết sâu bọ? 
      Một số nghi thức trong Tết Đoan Ngọ của người Việt cũng mang dấu ấn của văn hóa nông nghiệp, có thể thấy qua một số tục lệ như tục khảo cây lấy quả được tiến hành đúng giờ Ngọ (12 giờ trưa). Một người leo lên cây, một người đứng dưới gốc cầm dao tra hỏi tại sao cây ra ít quả (hoặc không ra quả), nếu cứ như vậy sẽ bị chặt hạ. Người trên cây giả giọng van xin, hứa trong mùa tới sẽ ra thật nhiều quả. Sau đó người ở dưới hỏi số lượng quả mà cây sẽ sinh trưởng, người phía trên đại diện cho cây trả lời nhiều hay ít tùy theo loại cây và ước vọng của người trồng… 

      Đoan Ngọ là tết Ta hay Trung Quốc? 
     Ngay người Trung Quốc đến nay vẫn chưa thống nhất trong việc giải thích nguồn gốc của ngày tết này, có người cho rằng một số lễ tết của Trung Quốc như mồng 2/2 âm lịch (Lễ Đầu Rồng), mồng 5/5 (Tết Đoan Ngọ)… liên quan đến sự sùng bái thiên văn thời nguyên thủy. Cụ thể là chòm sao Thương long, vào ngày hạ chí mọc ở chính nam (thuộc dương vị) nên có tục tế Thương long, đây là phát khởi của Tết Đoan Ngọ. 
      Theo sách Các ngày lễ tết và sự bắt nguồn của các ngày lễ tết ở Trung Quốc cho biết, trước thời Tần, Hán thì ngày Tết Đoan Ngọ không cố định vào ngày mồng 5/5 mà vào ngày hạ chí, ngày dương khí cực thịnh nên còn được gọi là Tết Đoan Dương… 
      Thực ra Tết Đoan Ngọ có từ trước khi xảy ra câu chuyện của Khuất Nguyên, và xuất phát từ văn hóa của cộng đồng người Bách Việt cổ mà người Lạc Việt, tổ tiên của chúng ta là một bộ phận cấu thành của cộng đồng đó. 

      Chúng ta có thể thấy được điều này từ chính tên gọi của Tết Đoan Ngọ. “Đoan” nghĩa là “nhất”, “Ngọ” được hiểu giữa trưa vì thế Tết Đoan Ngọ thường được cử hành vào giữa trưa. Nếu theo thuyết âm dương ngũ hành thì nước ta nằm ở phương Nam, vùng đất nóng nên “Ngọ” được xếp vào quẻ Ly, thuộc hành Hỏa và trong một ngày thì dương khí cao nhất là giờ Ngọ (thời điểm giữa ngày); trong một tháng, dương khí cao nhất vào những ngày Ngọ, nhất là ngày Ngọ thượng tuần (đầu tháng). 
     Trong một năm, dương khí cao nhất vào tháng Ngọ (tháng giữa năm, tức tháng 5). Như vậy, dương khí đạt cực điểm vào giờ Ngọ của ngày Ngọ đầu tiên trong tháng Ngọ, đây chính là thời điểm giữa năm vì thế trong dân gian nó còn được gọi là Tết giữa năm. 
      Điều thú vị là nếu xét theo âm lịch mà Việt Nam, Trung Quốc… vẫn đang sử dụng như hiện nay thì giữa năm phải là một ngày của tháng 6 âm lịch chứ không thể ngày là ngày mồng 5 tháng 5 được. Vì vậy nguồn gốc của ngày giữa năm mồng 5 tháng Năm chính là theo một loại lịch cổ của người Bách Việt được xây dựng trên cơ sở văn hóa nông nghiệp.

Một sự tích theo Người Hoa:

      Thời Chiến quốc ở Trung quốc, Khuất Nguyên (*) là bầy tôi trung thành thờ Vua nước Sở. Gặp phải ông vua ngu tối, hay yêu kẻ gian nịnh mà ghét người trung nghĩa. Khuất Nguyên sợ nhà Vua cứ như thế mãi thì nước sẽ loạn, tìm lời can gián nhưng Vua không nghe lại còn bị đày ra làm quan ở biên ải. Khuất Nguyên làm bài phú Ly Tao, dâng lên hy vọng Vua sẽ nghĩ lại nhưng Vua cũng chẳng sửa chữa. Tức mình, ngày 5 tháng 5 Khuất Nguyên buộc đá vào người nhảy xuống sông Mịch La tử tiết. Đời bây giờ ai cũng thương cho Khuất Nguyên là trung thần mà phải chết, nên từ đó, hễ đến ngày 5 tháng 5 người ta lại chở đò đem bánh thả xuống sông để cúng Khuất Nguyên. 

     Cho đến nay nhiều người vẫn nhầm lẫn Tết Đoan Ngọ có nguồn gốc từ Trung Quốc và xuất phát từ việc tưởng nhớ đến cái chết của Khuất Nguyên - một vị quan của nước Sở cách đây hơn 2.000 năm. Chính vì thế mà nhà thơ trào phúng Hồ Trọng Hiếu (Tú Mỡ) từng viết rằng: “Cái cụ Khuất bên Tàu/ Chết từ hồi tam tổ/ Có quan hệ gì ta/ Mà sao phải ăn giỗ/ Mồng 5 khỏe ăn càn/ Mồng 6 ốm nhăn nhó/ Có lỡ chết bỏ đời/ Thì lại cho tại số”. 
      Ở Việt Nam, ít người biết chuyện Khuất Nguyên, mà chỉ coi mùng 5 tháng 5 là "Tết giết sâu bọ" - vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Người ta quan niệm, trong ngày này, các loài sâu bọ đều hoảng hốt, trốn chạy vì nhà ai cũng có bữa cỗ "giết sâu bọ" vào sáng sớm, với hoa quả đầu mùa. Đào mịn lông tơ, mận đủ mùi chua ngọt, chuối ta mập mạp, dưa hấu bổ dọc thành những chiếc thuyền rồng sơn son mịn cát lóng lánh như lân tinh, dứa còn nguyên cái mũ miện xanh rờn óng bạc, nhưng cái lòng nó vàng tươi khêu gợi. Và đương nhiên không thể thiếu món rượu nếp. 
Thành lệ, cứ đến sáng sớm ngày mồng 5, người ta cho trẻ ăn hoa quả, rượu nếp, trứng luộc, kê, bánh đa, mận, muỗm, dưa hấu, uống nước dừa... bôi hồng hoàng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để giết sâu bọ. Người lớn thì uống rượu hòa ít tam thần đơn hoặc bôi phẩm hồng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để trừ trùng. 
      Trẻ em giết sâu bọ xong khi còn ngồi trên giường, rồi rửa mặt mũi, chân tay xong bắt đầu nhuộm móng tay móng chân, đeo chỉ ngũ sắc. Em gái đến độ tuổi xâu lỗ tai cũng chọn ngày này mà xâu. 
Nhiều người mua bùa chỉ đeo cho trẻ con. Bùa kết bằng chỉ ngũ sắc, kết theo hình hoa sen, quả đào, quả ớt... Lại may áo lụa mang đến các cửa chùa, cửa tĩnh in dấu vẽ bùa rồi mặc cho trẻ, có ý trừ ma tà cho khỏi quấy. 

      Giữa trưa hôm ấy thì làm cỗ cúng gia tiên, rồi đi hái lá mồng năm. Tục hái thuốc mồng 5 cũng bắt đầu từ giờ Ngọ, đó là giờ có Dương khí tốt nhất trong cả năm, lá cây cỏ thu hái được trong giờ đó có tác dụng chữa bệnh tốt, nhất là các chứng ngoại cảm, các chứng âm hư. Người ta hái bất kỳ loại lá gì có sẵn trong vườn, trong vùng, miễn sao đủ trăm loại, nhiều ít không kể, nhất là lá ích mẫu, lá cối xay, lá vối, ngải cứu, sả, tử tô, kinh giới, lá tre, lá bưởi, cam, chanh, quýt, mít, muỗm, hành, tỏi, gừng, chè, ổi, trầu không, sài đất, sống đời, bồ công anh, sen, vông, lạc tiên, nhọ nồi... đem về ủ rồi phơi khô, để sau đem nấu uống cho rằng uống thế thì lành. 
      Lại có nhiều người đi lấy lá ngải cứu, năm nào thì kết hình con thú nǎm ấy như năm Tý thì kết con chuột, năm Sửu kết con trâu, năm Dần kết con hổ... treo ở giữa cửa, để trừ ma quỷ và về sau ai có bệnh đau bụng thì dùng làm thuốc sắc uống. 
Trong những tục lễ của ngày Tết Đoan Ngọ, có lẽ tục người ta chú ý nhất là tục lễ sêu - một tục lệ mang đầy tính nhân văn giữa người với người, con cháu với ông bà, cha mẹ, người bệnh với thày thuốc, học trò với thày giáo. Những chàng trai đã dạm vợ hoặc hỏi vợ nhưng chưa cưới thường đi sêu bố mẹ vợ nhân ngày Tết Đoan Ngọ. 
      Lễ sêu trong dịp này bao giờ cũng có đậu xanh mới hái vào tháng Tư, gạo nếp của vụ chiêm. Ngoài ra tháng Năm cũng là mùa ngỗng và mùa chim ngói, cùng với gạo nếp, đậu xanh, bao giờ cũng có một đôi ngỗng và một, hai chục chim ngói. Kèm thêm là cân đường cát, trái dưa hấu, nghĩa là toàn những sản phẩm trong mùa. 
      Chỉ những chàng rể chưa cưới vợ mới đi lễ sêu, còn những chàng rể đã cưới vợ rồi thì hết lễ sêu, nhưng trong dịp tết Đoan Ngọ, các chàng rể dù nghèo vẫn cố chạy món quà nhỏ để biếu bố, mẹ vợ. Lễ biếu này nhiều, ít tuỳ tâm và không quan trọng bằng lễ sêu. 
      Các ông đồ xưa dạy học thường không lấy học phí. Hàng năm vào dịp mồng 5 tháng 5, các học trò đều có đồ lễ tết thầy. Thúng gạo, đôi ngỗng, phong chè, gói bánh hoặc túi hoa quả, tùy tâm bố mẹ học trò. Những gia đình giàu có thường phong bao một số tiền. Học trò cũ đã làm nên danh vọng cũng không quên thǎm thầy vào dịp này. 
     Các con bệnh được các ông lang chữa khỏi bệnh, mặc dù đã trả tiền thuốc, nhưng cũng không quên ơn cứu mệnh cho mình, nên trong dịp tết Đoan Ngọ (còn gọi là tết hái thuốc) cũng mang quà tết thầy lang. Đồ lễ cũng gồm: đậu xanh, gạo nếp, ngỗng, chim ngói... như đồ lễ học trò tết thầy học. 
Dẫu qua bao biến đổi về thời cuộc, song tết Đoan Ngọ vẫn tồn tại trong lòng người dân đất Việt như một phong tục đẹp, với ý nghĩa thiêng liêng về đạo lý làm người.

Nét Văn Hoá Ẩm Thực Tết Đoan Ngọ của Người Việt


     Nửa năm tròn trịa
     Xuất phát từ ý nghĩa trọn vẹn, đoàn viên, trải qua nửa năm tròn trịa, trong ngày mùng 5 tháng 5 dân Việt có món cơm rượu và chè trôi nước để dâng cúng ông bà. Theo quan niệm xưa, ăn cơm rượu để diệt sâu bọ (giun sán) trong đường ruột. Ở hai miền Nam – Bắc cơm rượu cũng khác nhau. Cơm rượu miền Bắc làm bằng nếp lức có màu nâu đất, dạng tơi và hạt cơm rượu vẫn còn đủ cứng để khi ăn có thể nhấm nháp từng hột cơm thấm đẫm vị rượu. Còn cơm rượu miền Nam được làm bằng nếp dẻo, sắc trắng đẹp được rắc men rồi vò viên tròn. Riêng cơm rượu Gò Công thì được nắn theo dạng khối vuông hoặc hình chữ nhật, mang ý nghĩa vuông tròn. Cơm rượu thường ăn kèm với xôi vò. Ở Sài Gòn, muốn ăn món gì ra chợ mua là có. Nhưng, với những người lớn tuổi thường tự tay làm cơm rượu ở nhà để tạo không khí gia đình và cũng để con cháu gìn giữ truyền thống.
     Món chè trôi nước miền Nam được làm từ bột nếp, nhân đậu xanh trộn dừa nạo, thêm chút hành lá và mỡ heo. Trẻ con thì lại thích nhất là những viên nhỏ xíu, tròn vo. Ngày xưa, ông bà nấu chè trôi nước bằng đường thẻ, chè có màu vàng mượt mà. Ngày nay, chè trôi nước nấu bằng đường cát trắng nên chè có màu trắng tươi cũng khá hấp dẫn. Một số người muốn giống vị xưa thì nấu bằng đường thốt nốt. Chè trôi nước ăn với ít mè rang, giới trẻ thích béo thì chan thêm nước cốt dừa.

Dân dã hồn quê



      Tết Đoan Ngọ người Hoa hay người Việt đều có món bánh ú lá tre. Nhưng, bánh ú lá tre của người Hoa có nhân thịt, hột vịt muối, lạp xưởng… không có hương vị chân chất, thấm đẫm hồn quê như bánh ú nước tro của người Việt.
      Bánh ú nước tro của người Việt nho nhỏ, gói bằng vài chiếc lá tre đơn sơ bên ngoài. Nếp gói bánh được ngâm với nước tro, khi nấu chín, hạt nếp hoà thành bột, tạo thành khối vàng nâu trong suốt. Bánh có hai loại, loại nhân đậu và loại không nhân chấm với đường. Kiểu ăn bánh ú không nhân chấm với đường thể hiện rõ nét văn hoá ẩm thực dân dã của người Việt. Những người lớn tuổi kể rằng, ngày xưa tay cầm miếng bánh ú cắn một miếng, tay kia cầm miếng đường thẻ nhấp một chút, vị bánh hoà với đường, ngon sao lạ kỳ. Ngày nay, thời đại của công nghệ, người ta ăn bánh ú chấm đường cát trắng. 

     Cứ đến tháng 5 âm lịch là rộ mùa ốc gạo. Có lẽ vì vậy mà ốc gạo cũng trở thành món ăn truyền thống trong ngày diệt sâu bọ. Hai nơi có ốc gạo nổi tiếng ngon là cồn Phú Đa (Bến Tre) và cồn Tân Phong (Tiền Giang). Con ốc ở hai nơi này vào đúng mùa độ béo, giòn hơn hẳn các nơi khác. Ở cồn Phú Đa, không hổ danh xứ dừa, chỉ với một loại nguyên liệu là ốc gạo mà người dân nơi đây chế biến ra không biết bao nhiêu là món. Đầu tiên là món gỏi cuốn ốc gạo. Thịt ốc gạo, rau thơm, bún tươi, dừa vừa nám vỏ nạo sợi, cuốn bánh tráng chấm tương xay, thiệt đơn sơ mà ngon lạ lùng. Để món ăn có hương thơm vị béo của dừa hơn nữa, người ta còn cho thêm nước cốt dừa vào tương chấm. Kế đến là ốc gạo um nước dừa, ốc xào củ hũ dừa, bánh xèo nhân ốc gạo củ hũ dừa... mang đậm sắc thái đặc trưng vùng Phú Đa.
Còn người dân Tân Phong lại có món ốc gạo luộc đơn sơ, ăn hoài không ngán. Bởi con ốc gạo vùng này vốn đã ngon sẵn rồi, chỉ cần luộc vài phút, thêm vài cọng sả, canh cho con ốc vừa chín tới là đã có món ốc gạo thơm ngát. Ăn kiểu thôn quê thì ra vườn tuốt vài cọng lá dừa hoặc bẻ gai bưởi làm kim lể ốc, chấm nước mắm gừng, nhai chầm chậm để tận hưởng vị giòn ngọt, đậm đà của thịt ốc.

     Ngoài ra, dân miệt trái cây Tiền Giang còn có món ốc gạo trộn gỏi đu đủ hoặc món cháo ốc gạo hành nóng hổi, thơm phức. Thành thị hơn có món ốc gạo chấy tỏi, ốc gạo tiềm thuốc Bắc… thiệt thèm!

***
(*) Khuất Nguyên (chữ Hán: 屈原; bính âm: qū yúan), tên Bình, biệt hiệu Linh Quân (340 TCN - 278 TCN) là một chính trị gia, một nhà thơ yêu nước nổi tiếng của Trung Quốc. Ông là người trong hoàng tộc nước Sở, làm chức Tả Đồ cho Sở Hoài Vương. Ông học rộng, nhớ dai, giỏi về chính trị, lại có tài văn chương. Lúc đầu ông được vua yêu quý, sau có quan lại ganh tài ông, tìm cách hãm hại. Vua Sở nghe lời gièm pha nên ghét ông. Ông âu sầu, ưu tư viết thiên Ly Tao để tả nỗi buồn bị vua bỏ.

     Ngoài tập Ly Tao là tập thơ bất hủ của ông để lại, ông còn có nhiều sáng tác thơ khác như Sở từ, Thiên Vấn (Hỏi trời).v.v.

    Đến cuối đời ông bị vua Tương Vương (người nối ngôi Sở Hoài Vương) đày ra Giang Nam (phía nam sông Dương Tử). Ông thất chí, tự cho mình là người trong sống trong thời đục, suốt ngày ca hát như người điên, làm bài phú "Hoài Sa" rồi ôm một phiến đá, gieo mình xuống sông Mịch La tự tử.

     Ông cũng chính là nhân vật trong sự tích tết Đoan Ngọ (Đoan Dương). Theo truyền thuyết này, để tưởng nhớ về con người và cái chết bi ai của ông, hàng năm người ta tổ chức vào ngày mồng năm tháng năm là ngày tết Đoan Dương ở Trung Quốc và một số nước khác ở Châu Á. 

Huỳnh Hữu Đức Sưu Tầm và Biên Soạn

Theo : vietgle.vn - chudu24.com - vn.answers.yahoo.com - kenh7.vn

Thay Lời Tiễn Biệt


                                  
 (Kính tặng Hương Linh Anh Huỳnh Hữu Trí)
      Hôm qua vừa lên mạng, Kim Oanh viết cho tôi trong Skype: "Em buồn quá, khóc sưng mắt rồi". Tôi hốt hoảng hỏi chuyện chi. Oanh trả lời  "vào Sân Trường anh sẽ biết". Tôi vào ngay.
      Tin Anh (xin phép cho tôi xưng hô như thế Anh dù tôi chưa một lần quen biết) đã mất làm tôi sửng sốt. Mới đó mà, tôi vừa mới đọc đâu đó  lời Anh viết "Lá Thư Gửi Đến Học Trò" chưa ráo mực....
     Đọc phần Cáo Phó trong trang Sân Trường, có nhiều sai sót. Tôi hiểu học trò đã quá xúc cảm nên khi gõ chữ không thể tránh nhầm lẫn. Tôi nhắc Oanh vô sửa lại. Oanh nhờ tôi giúp. Tôi sẵn sàng ngay nhưng không quên nhắc Oanh hãy bảo trọng, đừng quá xúc động.
     Thơ tranh "Hành Lang Ấy" của Anh, Kim Oanh làm. "Nhớ Mẹ" thơ Thanh Tồn. Bài thơ Khóc Thầy của Lương Minh Điều cũng để tặng Anh. Hy vọng Anh sẽ xem và đọc được cả ba. Tôi tin chắc như vậy!
      Tôi cũng đồng nghiệp với Anh. Tôi rất hãnh diện "Huỳnh Hữu Trí, Người Của Thân Giáo" như lời chị Kim Phượng nhận xét.
      Tôi còn nghe học trò anh kể nhiều về Anh với sự kính trọng và tiếc nuối, không tin Anh đã ra đi. Về cung cách của Anh khi cuộc sống đổi thay sau 1975. Cơm áo không làm Anh cúi lưng. Anh! Tôi xin chào Anh với sự kính trọng dù muộn màng.
      Tôi hát bài "Buồn Đến Bao Giờ" và được đăng lên Trang nhà. Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Oanh vừa nghe vừa hỏi tôi: Buồn đến bao giờ???.Tôi chỉ biết trả lời: Nỗi đau nào cũng có giới hạn của nó, mong học trò anh hãy nguôi ngoai.
      Tôi mong tất cả mọi người thương yêu Anh, học trò Anh hãy nguôi ngoai, nhưng tôi biết không phải dễ một khi lòng đã mãi kính yêu và tưởng tiếc một Người Thầy đúng nghĩa.
Suối Dâu (Cựu Học Sinh Pleiku)
29/06/13