Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Biết Bao Giờ Trở Lại - Ngô Thụy Miên - Nguyên Khang

      Anh ra đi bỏ lại quê hương, bỏ lại Sài gòn,bỏ lại người yêu. Trong nỗi nhớ em ở xứ người, anh mong sẽ có ngày trở lại để cùng em rong chơi như thuở xưa, để tìm lại những gì mà tháng năm qua hạnh phúc trong tay mình mà mình không biết giữ lại.
     Trong giấc mơ anh thấy anh và em đi trên con đường đầy lá me bay, đó là những lối xưa cũ mà chúng mình đã từng dìu nhau qua những buổi chiều êm ả .Giấc mơ rồi sẽ thành hiện thực khi anh về lai Sài gòn dấu yêu        
     Em hãy chờ anh nhé em yêu. . .


Sáng Tác: Ngô Thụy Miên
Ca Sĩ: Nguyên Khang
Thực Hiện:Nguyễn Thế Bình

Kỷ Niệm... Ngược Chiều


Xe em phanh không ăn.
Còn xe anh không có thắng.
Bất ngờ đụng nhau quẹo cua đường vắng.
Em mới hay, mình đã ngược chiều.
Biết nói gì đây, dù chỉ một điều.
Giờ đi làm ai mà chẳng vội.
Ngập ngừng chia đôi, một lời xin lỗi.
Và thế là quen nhau...
Rồi năm tháng qua đi trong những buổi chiều.
Khi anh hẹn em, chỗ quẹo cua lần ấy.
Mỗi tuần một lần thôi_thứ bảy.
Để hai xe, quay lại một chiều.
Con đường thường đi không nhớ tên, nay được nhắc suốt mùa.
Chúng tôi nhớ từng gốc cây, từng ổ gà thiếu nhựa.
Xin cảm ơn ai đặt bảng cấm ngược chiều.
Để tên con đường, được ký ức nâng niu.

Hhai

Thơ Tranh: Dấu Hài


Thơ: Suối Dâu
Thơ Tranh: Kim Oanh

Đừng Như Cơn Gió


Đừng như cơn gió, anh
Hôn cánh hoa buổi sáng
Ấp ôm mây buổi chiều
Ru tình trong buổi tối

Hoa sẽ rụng khi gió làm bão nổi
Mây tím buồn và gió mãi lang thang
Đêm muộn phiền trăng vàng vọt không gian
Gió đen bạc, Anh, đừng như cơn gió

Hoàng Lam

Lời Tình Xưa


Cám ơn em về thăm Cao Nguyên
gởi lại đây bao lời ru êm
dẫu cảnh cũ lặng trầm hoang phế
tình vẫn còn vương trong mắt em

Dấu chân xưa còn ven Thác Mơ
qua bao Thu sóng réo đợi chờ
mimosa râm ran nhịp thở
vọng âm buồn tím buốt trang Thơ

Em nghe không tiếng hát rừng thông
điệp khúc buồn trôi trong chiều Đông
trộn lời anh thì thầm nhắn gọi
dấu yêu ơi ! môi có còn hồng ?

Chậm một ngày rồi đi nghe em
ngồi bên nhau trong sương Thu mềm
tim nhẹ rung theo dòng ký ức
trăng ngời lên trên bờ môi đêm
 
Cám ơn em về thăm Cao Nguyên
Thu qua đi mang theo buồn phiền
nồng nàn em rơi trong đáy mắt
lời tình xưa ngân sâu trong tim !

Cao Nguyên


Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Nguồn Gốc Và Ý Nghĩa Tết Đoan Ngọ Mùng 5 Tháng 5 Âm Lịch

Ý Nghĩa Và Nguồn Gốc
Truyền Thuyết Tại Việt Nam


      Vào một ngày sau vụ mùa, nông dân chúng đang ăn mừng trúng mùa, nhưng sâu bọ năm ấy kéo dày ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Nhân dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm đơn giản gồm có bánh gio, trái cây sau đó ra trước nhà mình mà vận động thể dục. Nhân dân làm theo chỉ một lúc sau đó sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượt. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng. Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày "Tết diệt sâu bọ", có người gọi nó là "Tết Đoan ngọ" vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

Ý Nghĩa

      Với người Việt, Tết Đoan Ngọ là thời điểm giữa năm, thời tiết chuyển mùa nên dễ sinh bệnh dịch, do đó có các nghi thức trừ tà, tránh bệnh như tắm nước lá mùi, treo cây ngải cứu trừ ma quỷ, đeo "bùa tui bùa túi", nhuộm móng tay, móng chân rồi uống các nước giải độc (nấu từ lá ích mẫu, vối, cối xay, gừng…), uống rượu xương bồ, ăn rượu nếp và các loại quả có vị chua, chát để cho bệnh tật tiêu trừ, trùng độc, sâu bọ sẽ chết… Cho nên tết này còn gọi là Tết giết sâu bọ, là một nghi thức nhằm cân bằng âm dương.
  
      Theo phong tục cổ truyền Việt Nam, Tết Đoan Ngọ mồng 5 tháng Năm là một trong những ngày lễ tưởng nhớ tới tổ tiên do đó trong số các vật phẩm dâng cúng không thể thiếu bánh tổ (tổ tiên). Đặc biệt, đây còn là ngày lễ thiêng liêng trong tâm thức người Việt Nam, đó là ngày giỗ Quốc mẫu Âu Cơ. 
       Ăn rượu nếp và các loại quả có vị chua, chát để cho bệnh tật tiêu trừ, trùng độc, sâu bọ sẽ chết… 
Nếu như mồng 7 tháng Giêng là ngày tế mẫu với câu ca:
“Mồng Bảy trong tiết tháng Giêng 
Dân hiền tế lễ trống chiêng vang trời 
Anh em Bách Việt ta ơi 
Ngày xuân thong thả tới nơi xem tường 
Ấy ngày hội tế Mẫu Vương 
Người sinh nòi giống Nam phương đó mà”
thì cứ đến gần ngày mồng 5 tháng 5 dân gian lại nhắc nhau bằng câu ca dao:
“Tháng Năm nhớ Tết Đoan Dương 
Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang”.

      Tết Đoan Ngọ còn là ngày lễ thể hiện tính nhân văn giữa người với người, sự biết ơn của con cháu với ông bà, cha mẹ, người bệnh với thày thuốc, học trò với thày giáo nên có tục học trò đi tết thày, con rể đi tết bố mẹ vợ… Trong dân gian có câu ca dao rằng:
“Mồng 5 ngày Tết không đáo đến cửa nhà thờ 
Còn hiếu trung chi nữa mà chờ rể, con”.
      Dân gian còn cho rằng vào ngày này, các loài rắn đều lẩn trốn đi hết nên mới có câu thành ngữ “len lét như rắn mồng 5”.
      Vì sao Tết Đoan Ngọ còn gọi là Tết giết sâu bọ? 
      Một số nghi thức trong Tết Đoan Ngọ của người Việt cũng mang dấu ấn của văn hóa nông nghiệp, có thể thấy qua một số tục lệ như tục khảo cây lấy quả được tiến hành đúng giờ Ngọ (12 giờ trưa). Một người leo lên cây, một người đứng dưới gốc cầm dao tra hỏi tại sao cây ra ít quả (hoặc không ra quả), nếu cứ như vậy sẽ bị chặt hạ. Người trên cây giả giọng van xin, hứa trong mùa tới sẽ ra thật nhiều quả. Sau đó người ở dưới hỏi số lượng quả mà cây sẽ sinh trưởng, người phía trên đại diện cho cây trả lời nhiều hay ít tùy theo loại cây và ước vọng của người trồng… 

      Đoan Ngọ là tết Ta hay Trung Quốc? 
     Ngay người Trung Quốc đến nay vẫn chưa thống nhất trong việc giải thích nguồn gốc của ngày tết này, có người cho rằng một số lễ tết của Trung Quốc như mồng 2/2 âm lịch (Lễ Đầu Rồng), mồng 5/5 (Tết Đoan Ngọ)… liên quan đến sự sùng bái thiên văn thời nguyên thủy. Cụ thể là chòm sao Thương long, vào ngày hạ chí mọc ở chính nam (thuộc dương vị) nên có tục tế Thương long, đây là phát khởi của Tết Đoan Ngọ. 
      Theo sách Các ngày lễ tết và sự bắt nguồn của các ngày lễ tết ở Trung Quốc cho biết, trước thời Tần, Hán thì ngày Tết Đoan Ngọ không cố định vào ngày mồng 5/5 mà vào ngày hạ chí, ngày dương khí cực thịnh nên còn được gọi là Tết Đoan Dương… 
      Thực ra Tết Đoan Ngọ có từ trước khi xảy ra câu chuyện của Khuất Nguyên, và xuất phát từ văn hóa của cộng đồng người Bách Việt cổ mà người Lạc Việt, tổ tiên của chúng ta là một bộ phận cấu thành của cộng đồng đó. 

      Chúng ta có thể thấy được điều này từ chính tên gọi của Tết Đoan Ngọ. “Đoan” nghĩa là “nhất”, “Ngọ” được hiểu giữa trưa vì thế Tết Đoan Ngọ thường được cử hành vào giữa trưa. Nếu theo thuyết âm dương ngũ hành thì nước ta nằm ở phương Nam, vùng đất nóng nên “Ngọ” được xếp vào quẻ Ly, thuộc hành Hỏa và trong một ngày thì dương khí cao nhất là giờ Ngọ (thời điểm giữa ngày); trong một tháng, dương khí cao nhất vào những ngày Ngọ, nhất là ngày Ngọ thượng tuần (đầu tháng). 
     Trong một năm, dương khí cao nhất vào tháng Ngọ (tháng giữa năm, tức tháng 5). Như vậy, dương khí đạt cực điểm vào giờ Ngọ của ngày Ngọ đầu tiên trong tháng Ngọ, đây chính là thời điểm giữa năm vì thế trong dân gian nó còn được gọi là Tết giữa năm. 
      Điều thú vị là nếu xét theo âm lịch mà Việt Nam, Trung Quốc… vẫn đang sử dụng như hiện nay thì giữa năm phải là một ngày của tháng 6 âm lịch chứ không thể ngày là ngày mồng 5 tháng 5 được. Vì vậy nguồn gốc của ngày giữa năm mồng 5 tháng Năm chính là theo một loại lịch cổ của người Bách Việt được xây dựng trên cơ sở văn hóa nông nghiệp.

Một sự tích theo Người Hoa:

      Thời Chiến quốc ở Trung quốc, Khuất Nguyên (*) là bầy tôi trung thành thờ Vua nước Sở. Gặp phải ông vua ngu tối, hay yêu kẻ gian nịnh mà ghét người trung nghĩa. Khuất Nguyên sợ nhà Vua cứ như thế mãi thì nước sẽ loạn, tìm lời can gián nhưng Vua không nghe lại còn bị đày ra làm quan ở biên ải. Khuất Nguyên làm bài phú Ly Tao, dâng lên hy vọng Vua sẽ nghĩ lại nhưng Vua cũng chẳng sửa chữa. Tức mình, ngày 5 tháng 5 Khuất Nguyên buộc đá vào người nhảy xuống sông Mịch La tử tiết. Đời bây giờ ai cũng thương cho Khuất Nguyên là trung thần mà phải chết, nên từ đó, hễ đến ngày 5 tháng 5 người ta lại chở đò đem bánh thả xuống sông để cúng Khuất Nguyên. 

     Cho đến nay nhiều người vẫn nhầm lẫn Tết Đoan Ngọ có nguồn gốc từ Trung Quốc và xuất phát từ việc tưởng nhớ đến cái chết của Khuất Nguyên - một vị quan của nước Sở cách đây hơn 2.000 năm. Chính vì thế mà nhà thơ trào phúng Hồ Trọng Hiếu (Tú Mỡ) từng viết rằng: “Cái cụ Khuất bên Tàu/ Chết từ hồi tam tổ/ Có quan hệ gì ta/ Mà sao phải ăn giỗ/ Mồng 5 khỏe ăn càn/ Mồng 6 ốm nhăn nhó/ Có lỡ chết bỏ đời/ Thì lại cho tại số”. 
      Ở Việt Nam, ít người biết chuyện Khuất Nguyên, mà chỉ coi mùng 5 tháng 5 là "Tết giết sâu bọ" - vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Người ta quan niệm, trong ngày này, các loài sâu bọ đều hoảng hốt, trốn chạy vì nhà ai cũng có bữa cỗ "giết sâu bọ" vào sáng sớm, với hoa quả đầu mùa. Đào mịn lông tơ, mận đủ mùi chua ngọt, chuối ta mập mạp, dưa hấu bổ dọc thành những chiếc thuyền rồng sơn son mịn cát lóng lánh như lân tinh, dứa còn nguyên cái mũ miện xanh rờn óng bạc, nhưng cái lòng nó vàng tươi khêu gợi. Và đương nhiên không thể thiếu món rượu nếp. 
Thành lệ, cứ đến sáng sớm ngày mồng 5, người ta cho trẻ ăn hoa quả, rượu nếp, trứng luộc, kê, bánh đa, mận, muỗm, dưa hấu, uống nước dừa... bôi hồng hoàng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để giết sâu bọ. Người lớn thì uống rượu hòa ít tam thần đơn hoặc bôi phẩm hồng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để trừ trùng. 
      Trẻ em giết sâu bọ xong khi còn ngồi trên giường, rồi rửa mặt mũi, chân tay xong bắt đầu nhuộm móng tay móng chân, đeo chỉ ngũ sắc. Em gái đến độ tuổi xâu lỗ tai cũng chọn ngày này mà xâu. 
Nhiều người mua bùa chỉ đeo cho trẻ con. Bùa kết bằng chỉ ngũ sắc, kết theo hình hoa sen, quả đào, quả ớt... Lại may áo lụa mang đến các cửa chùa, cửa tĩnh in dấu vẽ bùa rồi mặc cho trẻ, có ý trừ ma tà cho khỏi quấy. 

      Giữa trưa hôm ấy thì làm cỗ cúng gia tiên, rồi đi hái lá mồng năm. Tục hái thuốc mồng 5 cũng bắt đầu từ giờ Ngọ, đó là giờ có Dương khí tốt nhất trong cả năm, lá cây cỏ thu hái được trong giờ đó có tác dụng chữa bệnh tốt, nhất là các chứng ngoại cảm, các chứng âm hư. Người ta hái bất kỳ loại lá gì có sẵn trong vườn, trong vùng, miễn sao đủ trăm loại, nhiều ít không kể, nhất là lá ích mẫu, lá cối xay, lá vối, ngải cứu, sả, tử tô, kinh giới, lá tre, lá bưởi, cam, chanh, quýt, mít, muỗm, hành, tỏi, gừng, chè, ổi, trầu không, sài đất, sống đời, bồ công anh, sen, vông, lạc tiên, nhọ nồi... đem về ủ rồi phơi khô, để sau đem nấu uống cho rằng uống thế thì lành. 
      Lại có nhiều người đi lấy lá ngải cứu, năm nào thì kết hình con thú nǎm ấy như năm Tý thì kết con chuột, năm Sửu kết con trâu, năm Dần kết con hổ... treo ở giữa cửa, để trừ ma quỷ và về sau ai có bệnh đau bụng thì dùng làm thuốc sắc uống. 
Trong những tục lễ của ngày Tết Đoan Ngọ, có lẽ tục người ta chú ý nhất là tục lễ sêu - một tục lệ mang đầy tính nhân văn giữa người với người, con cháu với ông bà, cha mẹ, người bệnh với thày thuốc, học trò với thày giáo. Những chàng trai đã dạm vợ hoặc hỏi vợ nhưng chưa cưới thường đi sêu bố mẹ vợ nhân ngày Tết Đoan Ngọ. 
      Lễ sêu trong dịp này bao giờ cũng có đậu xanh mới hái vào tháng Tư, gạo nếp của vụ chiêm. Ngoài ra tháng Năm cũng là mùa ngỗng và mùa chim ngói, cùng với gạo nếp, đậu xanh, bao giờ cũng có một đôi ngỗng và một, hai chục chim ngói. Kèm thêm là cân đường cát, trái dưa hấu, nghĩa là toàn những sản phẩm trong mùa. 
      Chỉ những chàng rể chưa cưới vợ mới đi lễ sêu, còn những chàng rể đã cưới vợ rồi thì hết lễ sêu, nhưng trong dịp tết Đoan Ngọ, các chàng rể dù nghèo vẫn cố chạy món quà nhỏ để biếu bố, mẹ vợ. Lễ biếu này nhiều, ít tuỳ tâm và không quan trọng bằng lễ sêu. 
      Các ông đồ xưa dạy học thường không lấy học phí. Hàng năm vào dịp mồng 5 tháng 5, các học trò đều có đồ lễ tết thầy. Thúng gạo, đôi ngỗng, phong chè, gói bánh hoặc túi hoa quả, tùy tâm bố mẹ học trò. Những gia đình giàu có thường phong bao một số tiền. Học trò cũ đã làm nên danh vọng cũng không quên thǎm thầy vào dịp này. 
     Các con bệnh được các ông lang chữa khỏi bệnh, mặc dù đã trả tiền thuốc, nhưng cũng không quên ơn cứu mệnh cho mình, nên trong dịp tết Đoan Ngọ (còn gọi là tết hái thuốc) cũng mang quà tết thầy lang. Đồ lễ cũng gồm: đậu xanh, gạo nếp, ngỗng, chim ngói... như đồ lễ học trò tết thầy học. 
Dẫu qua bao biến đổi về thời cuộc, song tết Đoan Ngọ vẫn tồn tại trong lòng người dân đất Việt như một phong tục đẹp, với ý nghĩa thiêng liêng về đạo lý làm người.

Nét Văn Hoá Ẩm Thực Tết Đoan Ngọ của Người Việt


     Nửa năm tròn trịa
     Xuất phát từ ý nghĩa trọn vẹn, đoàn viên, trải qua nửa năm tròn trịa, trong ngày mùng 5 tháng 5 dân Việt có món cơm rượu và chè trôi nước để dâng cúng ông bà. Theo quan niệm xưa, ăn cơm rượu để diệt sâu bọ (giun sán) trong đường ruột. Ở hai miền Nam – Bắc cơm rượu cũng khác nhau. Cơm rượu miền Bắc làm bằng nếp lức có màu nâu đất, dạng tơi và hạt cơm rượu vẫn còn đủ cứng để khi ăn có thể nhấm nháp từng hột cơm thấm đẫm vị rượu. Còn cơm rượu miền Nam được làm bằng nếp dẻo, sắc trắng đẹp được rắc men rồi vò viên tròn. Riêng cơm rượu Gò Công thì được nắn theo dạng khối vuông hoặc hình chữ nhật, mang ý nghĩa vuông tròn. Cơm rượu thường ăn kèm với xôi vò. Ở Sài Gòn, muốn ăn món gì ra chợ mua là có. Nhưng, với những người lớn tuổi thường tự tay làm cơm rượu ở nhà để tạo không khí gia đình và cũng để con cháu gìn giữ truyền thống.
     Món chè trôi nước miền Nam được làm từ bột nếp, nhân đậu xanh trộn dừa nạo, thêm chút hành lá và mỡ heo. Trẻ con thì lại thích nhất là những viên nhỏ xíu, tròn vo. Ngày xưa, ông bà nấu chè trôi nước bằng đường thẻ, chè có màu vàng mượt mà. Ngày nay, chè trôi nước nấu bằng đường cát trắng nên chè có màu trắng tươi cũng khá hấp dẫn. Một số người muốn giống vị xưa thì nấu bằng đường thốt nốt. Chè trôi nước ăn với ít mè rang, giới trẻ thích béo thì chan thêm nước cốt dừa.

Dân dã hồn quê



      Tết Đoan Ngọ người Hoa hay người Việt đều có món bánh ú lá tre. Nhưng, bánh ú lá tre của người Hoa có nhân thịt, hột vịt muối, lạp xưởng… không có hương vị chân chất, thấm đẫm hồn quê như bánh ú nước tro của người Việt.
      Bánh ú nước tro của người Việt nho nhỏ, gói bằng vài chiếc lá tre đơn sơ bên ngoài. Nếp gói bánh được ngâm với nước tro, khi nấu chín, hạt nếp hoà thành bột, tạo thành khối vàng nâu trong suốt. Bánh có hai loại, loại nhân đậu và loại không nhân chấm với đường. Kiểu ăn bánh ú không nhân chấm với đường thể hiện rõ nét văn hoá ẩm thực dân dã của người Việt. Những người lớn tuổi kể rằng, ngày xưa tay cầm miếng bánh ú cắn một miếng, tay kia cầm miếng đường thẻ nhấp một chút, vị bánh hoà với đường, ngon sao lạ kỳ. Ngày nay, thời đại của công nghệ, người ta ăn bánh ú chấm đường cát trắng. 

     Cứ đến tháng 5 âm lịch là rộ mùa ốc gạo. Có lẽ vì vậy mà ốc gạo cũng trở thành món ăn truyền thống trong ngày diệt sâu bọ. Hai nơi có ốc gạo nổi tiếng ngon là cồn Phú Đa (Bến Tre) và cồn Tân Phong (Tiền Giang). Con ốc ở hai nơi này vào đúng mùa độ béo, giòn hơn hẳn các nơi khác. Ở cồn Phú Đa, không hổ danh xứ dừa, chỉ với một loại nguyên liệu là ốc gạo mà người dân nơi đây chế biến ra không biết bao nhiêu là món. Đầu tiên là món gỏi cuốn ốc gạo. Thịt ốc gạo, rau thơm, bún tươi, dừa vừa nám vỏ nạo sợi, cuốn bánh tráng chấm tương xay, thiệt đơn sơ mà ngon lạ lùng. Để món ăn có hương thơm vị béo của dừa hơn nữa, người ta còn cho thêm nước cốt dừa vào tương chấm. Kế đến là ốc gạo um nước dừa, ốc xào củ hũ dừa, bánh xèo nhân ốc gạo củ hũ dừa... mang đậm sắc thái đặc trưng vùng Phú Đa.
Còn người dân Tân Phong lại có món ốc gạo luộc đơn sơ, ăn hoài không ngán. Bởi con ốc gạo vùng này vốn đã ngon sẵn rồi, chỉ cần luộc vài phút, thêm vài cọng sả, canh cho con ốc vừa chín tới là đã có món ốc gạo thơm ngát. Ăn kiểu thôn quê thì ra vườn tuốt vài cọng lá dừa hoặc bẻ gai bưởi làm kim lể ốc, chấm nước mắm gừng, nhai chầm chậm để tận hưởng vị giòn ngọt, đậm đà của thịt ốc.

     Ngoài ra, dân miệt trái cây Tiền Giang còn có món ốc gạo trộn gỏi đu đủ hoặc món cháo ốc gạo hành nóng hổi, thơm phức. Thành thị hơn có món ốc gạo chấy tỏi, ốc gạo tiềm thuốc Bắc… thiệt thèm!

***
(*) Khuất Nguyên (chữ Hán: 屈原; bính âm: qū yúan), tên Bình, biệt hiệu Linh Quân (340 TCN - 278 TCN) là một chính trị gia, một nhà thơ yêu nước nổi tiếng của Trung Quốc. Ông là người trong hoàng tộc nước Sở, làm chức Tả Đồ cho Sở Hoài Vương. Ông học rộng, nhớ dai, giỏi về chính trị, lại có tài văn chương. Lúc đầu ông được vua yêu quý, sau có quan lại ganh tài ông, tìm cách hãm hại. Vua Sở nghe lời gièm pha nên ghét ông. Ông âu sầu, ưu tư viết thiên Ly Tao để tả nỗi buồn bị vua bỏ.

     Ngoài tập Ly Tao là tập thơ bất hủ của ông để lại, ông còn có nhiều sáng tác thơ khác như Sở từ, Thiên Vấn (Hỏi trời).v.v.

    Đến cuối đời ông bị vua Tương Vương (người nối ngôi Sở Hoài Vương) đày ra Giang Nam (phía nam sông Dương Tử). Ông thất chí, tự cho mình là người trong sống trong thời đục, suốt ngày ca hát như người điên, làm bài phú "Hoài Sa" rồi ôm một phiến đá, gieo mình xuống sông Mịch La tự tử.

     Ông cũng chính là nhân vật trong sự tích tết Đoan Ngọ (Đoan Dương). Theo truyền thuyết này, để tưởng nhớ về con người và cái chết bi ai của ông, hàng năm người ta tổ chức vào ngày mồng năm tháng năm là ngày tết Đoan Dương ở Trung Quốc và một số nước khác ở Châu Á. 

Huỳnh Hữu Đức Sưu Tầm và Biên Soạn

Theo : vietgle.vn - chudu24.com - vn.answers.yahoo.com - kenh7.vn

Thay Lời Tiễn Biệt


                                  
 (Kính tặng Hương Linh Anh Huỳnh Hữu Trí)
      Hôm qua vừa lên mạng, Kim Oanh viết cho tôi trong Skype: "Em buồn quá, khóc sưng mắt rồi". Tôi hốt hoảng hỏi chuyện chi. Oanh trả lời  "vào Sân Trường anh sẽ biết". Tôi vào ngay.
      Tin Anh (xin phép cho tôi xưng hô như thế Anh dù tôi chưa một lần quen biết) đã mất làm tôi sửng sốt. Mới đó mà, tôi vừa mới đọc đâu đó  lời Anh viết "Lá Thư Gửi Đến Học Trò" chưa ráo mực....
     Đọc phần Cáo Phó trong trang Sân Trường, có nhiều sai sót. Tôi hiểu học trò đã quá xúc cảm nên khi gõ chữ không thể tránh nhầm lẫn. Tôi nhắc Oanh vô sửa lại. Oanh nhờ tôi giúp. Tôi sẵn sàng ngay nhưng không quên nhắc Oanh hãy bảo trọng, đừng quá xúc động.
     Thơ tranh "Hành Lang Ấy" của Anh, Kim Oanh làm. "Nhớ Mẹ" thơ Thanh Tồn. Bài thơ Khóc Thầy của Lương Minh Điều cũng để tặng Anh. Hy vọng Anh sẽ xem và đọc được cả ba. Tôi tin chắc như vậy!
      Tôi cũng đồng nghiệp với Anh. Tôi rất hãnh diện "Huỳnh Hữu Trí, Người Của Thân Giáo" như lời chị Kim Phượng nhận xét.
      Tôi còn nghe học trò anh kể nhiều về Anh với sự kính trọng và tiếc nuối, không tin Anh đã ra đi. Về cung cách của Anh khi cuộc sống đổi thay sau 1975. Cơm áo không làm Anh cúi lưng. Anh! Tôi xin chào Anh với sự kính trọng dù muộn màng.
      Tôi hát bài "Buồn Đến Bao Giờ" và được đăng lên Trang nhà. Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Oanh vừa nghe vừa hỏi tôi: Buồn đến bao giờ???.Tôi chỉ biết trả lời: Nỗi đau nào cũng có giới hạn của nó, mong học trò anh hãy nguôi ngoai.
      Tôi mong tất cả mọi người thương yêu Anh, học trò Anh hãy nguôi ngoai, nhưng tôi biết không phải dễ một khi lòng đã mãi kính yêu và tưởng tiếc một Người Thầy đúng nghĩa.
Suối Dâu (Cựu Học Sinh Pleiku)
29/06/13

Nồi Canh Rau Choại


Thơ: Phong Tâm
Thực Hiện: Khúc Giang


Thâm Tạ


Xác thân mù bụi cát
mòn hồn nặng hạt sương
một giọng cười khắc bạc
lên hình hài tha hương

Muôn dặm trùng khói tỏa
tôi đâu muốn lên đường
muôn duyên cùng kế họ
vào cỏi dục yêu thương

Ngày lại ngày hút dạng
tôi quên mất quê xưa
ngày lại ngày liễu nạn
cuộc vui mấy cho vừa

Nắng dội gầy đá xám
mưa phủ đậm màu rêu
em cùng tôi kết bạn
nắng mưa cuộc giữa chiều

Em đã là cung quế
tôi chợt biết yêu thơ
vàng long lanh giáng hạ
tôi hôn mê thẩn thờ

Bốn mùa làm thời tiết
hạn cuộc sáu mươi năm
diệu dược nào tứ đế
tôi biết tôi lạc lầm

Mắt mờ trên thiên lý
sợi bạc lấn sợi xanh
tim người vẫn ủy mị
ảo vọng lửa khô cành

Ngày nào em rõ biết
tôi là ta phiêu du
hãy như ta đừng tiếc
vào giữa kiếp dặm mù

Đời muôn trùng gánh mỏi
đôi vai nặng làm vui
nặng nhẹ cùng là gánh
vui buồn sát na hơi


Trương Văn Phú

Giờ Vạn Vật Cuối Cùng!



     Thật sự tôi không phải là người Vĩnh Long hoàn toàn. Quê cha Saigon, mẹ Cái Tàu Hạ (quận Châu Thành của tỉnh Sa Đéc hồi xưa, bây giờ là tỉnh Đồng Tháp). Tôi sống ở Vĩnh Long (phường 8, gần bến xe bây giờ, trước là căn cứ của thiết đoàn 2 kỵ binh, khu cư xá dành cho quân nhân - công chức trước 1975, ba tôi là lính mà) từ năm 1966, học lớp ba đến lớp nhất với các Soeur (thường gọi là dì, không hiểu tại sao?) trường tiểu học Nhân vị, sát với Đại chủng viện Xuân Bích Vĩnh Long; thi vô Đệ Thất Tống Phước Hiệp rớt cái bịch (tôi học dở, đừng cười) vào học Nguyễn Trường Tộ thẳng một lèo từ Đệ Thất đến Đệ Nhất (6-12). Năm 1976 vào học Đại Học Cần Thơ (lần này thi đậu), ngành Chăn Nuôi - Thú Y (toàn là trâu, bò, heo, gà, không văn chương lãng mạn chút nào, thường bị bên Sư Phạm gọi là "đồ trâu bò"); năm 1981, tốt nghiệp được đưa về làm việc và sống tại An Giang cho đến giờ.

      Mỗi năm tôi về Vĩnh Long hai, ba lần thăm nhà (má tôi, đã mất cách đây vài năm, vẫn ở Vĩnh Long) mà không khi nào ghé trường. Tôi vẫn nghĩ không còn ai ở đó, không còn ai biết mình. Không ngờ vẫn còn nhiều người, nhiều thấy cô như vậy vẫn ở Vĩnh Long.
Ngày 30-04-1975 là ngày tôi học giờ cuối cùng, môn Vạn Vật cuối cùng, bài cuối cùng của ... cô Trang. Cô vừa chấm dứt bài học thì còi báo động hụ vang, mạnh ai nấy lủi. Sau đó, chỉ còn gặp cô Trang vài lần ở trường khi bị bắt đi học chính trị.

      Mỗi năm đến ngày 30-04 tôi đều nghĩ đến cô Trang, đến mọi cái cuối cùng trong giờ dạy của cô. Trước đây, khi nghĩ đến cô Trang, tôi vẫn không tìm được ngôn từ thích hợp để diễn tả phong thái của cô. Quả thật từ "TRANG NHÃ - ĐÀI CÁC" trong bài viết “ Lời Cuối Cho Cô” của chị Kim Oanh là phù hợp vô cùng. Các cô bạn trong lớp tôi đặc biệt ngưỡng mộ cách ăn mặc (dù chỉ luôn là áo dài) và cách trang điểm của cô, thật là tinh tế, đơn giản mà sang trọng. Đến bây giờ dường như vẫn chưa gặp ai có được phong thái nghiêm trang nhưng hòa nhã, vui mà vẫn như nghiêm trang, vừa gần mà vừa xa đối với đám học trò như chúng tôi.

      Giảng bài vạn vật với cô chỉ như đi dạo, trong khi lũ học trò ngồi căng mắt với các hình vẽ hệ thần kinh ... hoàng của cô và ... Cô! Tôi vẫn nghĩ người như cô không còn ở Việt Nam.
      Ở đại học, tôi cũng phải học lại về hệ thần kinh, hệ tuần hoàn ... và chợt nghĩ ông thầy tiến sĩ tốt nghiệp tại Pháp đàng hoàng mà vẽ hình xấu hơn cô Trang mình. Cười một mình. Hình như tôi cũng YÊU cô Trang (xin đừng nghĩ quấy) như mấy anh chàng trong lớp. Chàng quậy nhất lớp đến giờ cô Trang cũng im thin thít.
      Tin từ chị Kim Oanh, vài ngày cách đây thôi: cô đã ra đi từ năm 2007. Tôi thật không cam tâm. Dường như cô hơn tôi không quá mười tuổi mà. Tự an ủi: cô chỉ tìm nơi an lạc ngụ cư, bỏ đi nỗi nhọc nhằn dương thế; cô đã là "Người muôn năm cũ, hồn ở dâu...".


Cõi vô thường cô đã trọn vẹn.
Nguyện cho hương hồn cô siêu lạc cõi Vĩnh Hằng.
Thành kính phân ưu cùng gia quyến.
Lời tưởng niệm muộn màng.

CHS Nguyễn Trường Tộ
NK 1968-1975

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Giọt Lệ Cho Anh - Sáng Tác Quách Nam Dung




Sáng Tác: Quách Nam Dung
Tiếng Hát: Nghiêm Lệ

Bạc Tình


Nhân sinh lắm kẻ bạc tình
Bỏ ơn cha mẹ nuôi mình lớn khôn
Giàu sang mặc đẹp ăn ngon
Cơm gà cá gở vợ con đủ đầy

Quên đi cha yếu mẹ gầy
Đến khi tang chế ngật ngầy khóc than
Bảy ngày chay lạc rỡ ràng
Kèn tây trống mõ xóm làng chẳng yên

Khóc xong xúm xít đếm tiền
Kẻ nhiều người ít than phiền mẹ cha
Đến tình bằng hữu thâm giao
Đói nghèo chia xẻ cháo rau đỡ đần

Thức thời kẻ khó người quan
Nhìn nhau xa lạ bẽ bàng chẳng quen
Sang giàu lắm kẻ đê hèn
Tránh xa nguồn cội cơ hàn dân đen

Ngày nào chân đất lắm phèn
Hôm nay áo mão nghênh ngang họ hàng
Đã qua tủi nhục bần hèn
Mặc đời thế thái chê khen khật khùng

Phủ Hiền

Tưởng Nhớ Cô Trần Thị Mỹ Trang



      Em chưa bao giờ học với cô một giờ nào, nhưng cô đã để lại trong em những nét khó quên.
      Nụ cười cô rạng rỡ, ánh mắt thiết tha, mái tóc chấm vai quớt ra, cài chiếc kẹp hoa mai
     Dáng cô đài các trong những chiếc áo dài hoa to, màu nổi bật. Đấy là hình ảnh của cô Trần Thị Mỹ Trang dạy môn Vạn vật.
      Cô là thần tượng không chỉ riêng em mà là của các nam sinh nữa kia.
      Em còn nhớ, một ngày kia trong giờ học, em không khoẻ nên được đưa lên phòng Y tế. Đúng lúc giờ ra chơi, cô bước vào phòng để thăm hỏi sức khoẻ học trò của cô cũng đang nằm nghỉ nơi đây. Bỗng một nhóm nam sinh chạy ùa vào, la hớt hãi:
- Cô ơi, chúng em chết mất.
Anh ta ngồi quỵ xuống, thở hổn hển, cô cũng lo âu thăm hỏi nhiệt tình:
- Em sao vậy, có chuyện gì?
- Em cũng không biết cô ơi, tự nhiên vào đây tim em đập quá trời, có lẽ “ mặt trời” chói vô tim.
Các anh cùng nhau cười thích thú, cô cũng hồn nhiên cười bảo:
- Cô chạy các em luôn..

      Hôm ấy cô mặc chiếc áo dài hoa, màu đỏ rực rỡ như ánh mặt trời. Các anh khen không sai tí nào. Cô như ánh mặt trời soi ấm trái tim chúng em. Cô mang hương hoa trong màu áo tô điểm cho sân trường thêm sắc thắm.

      Một ngày tin từ phương xa mang đến ngày 1/3/2007 cô đã ra đi. Cô từ gĩa cõi đời trong lúc cô còn trẻ, trẻ mãi trong lòng chúng em. Dù chưa một lần học cô, nhưng em vẫn yêu cô. Yêu phong cách trang nhã, đài các, dễ thương và nhu mì của cô.
      Cô ơi! Cô là mặt trời, mang bao tia nắng ấm áp soi xuống sân trường Tống Phước Hiệp một lần để rồi nhớ mãi không quên.


       Em kính xin gửi lời chia buồn đến gia đình cô.
      Nguyện cầu, xin cô an nghỉ, một giấc ngủ êm đềm, như tình cô cũng êm đềm thắm sâu vào lòng của mỗi chúng em cô nhé!

      Kính Cô!
      Học trò của cô
      Lê Thị Kim Oanh 
      (Niên Khóa  1969-1976)
      Úc Châu 1/3/2007

Thơ Tranh: Bâng Khuâng


Thơ & Thơ Tranh: Yên Dạ Thảo

Mộng Trăng


Thuyền trăng chở đầy một bóng mơ
Trăng suông trăng sáng của ngày nào
Thuyền chở yêu về trong đêm tối
Cho lòng anh hết mộng xanh xao

Người ơi hởi kịp nhớ kịp thương
Đêm về ta ủ trắng hơi sương
Về đây em hỡi màu nhung nhớ
Cho vừa kẻo mộng tàn mùi hương

Sáng trong em đến như hơi thở
Nắng vừa tỏa ấm mộng nên thơ
Áo em chiếc áo màu xanh biếc
Như nhốt hồn anh trong giấc mơ

Lục Lạc

Vĩnh Long Sông Nước Quê Nhà- Phần 2

Em ở đâu hởi người em xứ Vĩnh
Để hồn anh chìm đắm giữa Tiền Giang

Cầu Cái Cá nhìn từ Cầu Lộ
Cầu Lộ
Cầu Kinh Cụt nhìn từ Cầu Lộ
Nhìn từ Đình Tân Giai
Những chiều êm đềm  
Đến sông Cái bao la (Sông Hậu với cầu đang xây)
 


Quê Tôi Có Nhũng Con Đò Nhỏ
Sông Cầu Kinh Cụt
Biện Công Danh


Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Vĩnh Long Một Trời Thương Nhớ-Thơ Lê Kim Thành-Phổ Nhạc Nguyễn Bá Nguyên


Thơ: Lê Kim Thành-Cựu Học Sinh Trường Trung Học Tống Phước Hiệp,Vĩnh Long
Phổ Nhạc: Nguyễn Bá Nguyên- Cựu Giáo Sư Trường Trung Học Tống Phước Hiệp,Vĩnh Long 
Tiếng Hát: Hoài Thanh
Nhạc Sĩ:
Trường Giang: Đàn Sến
Ba Tu: Đàn Kìm
Hoàng Phúc: Lục Huyền Cầm
Văn Út: Vĩ Cầm
Thực Hiện: Kim Oanh
-----------
* Em chân thành cảm ơn Thầy Nguyễn Bá Nguyên, các Nhạc sĩ, Ca sĩ, Nhiếp ảnh gia từ Internet và Cựu học sinh Vĩnh Long.
   Thương tặng chị Năm Kim Nhi và anh Tư Thành của em
   KimOanh


Phố Cũ


Đã lâu rồi ta về thăm phố cũ
Bước mỏi mòn trên những vỉa hè quen
Lòng miên man ta như người trong mộng
Ngơ ngác buồn lòng khẻ gọi tên em


Đời vốn thế cơn thác cuồng man dại
Ta đi xa.......mãi miết khoãng trời xa
Chiều ửng đỏ góc trời quê thương nhớ
Mái tóc ai có hình ảnh quê nhà


Như lữ khách ta cứ hoài lưu lạc
Bước giang hồ đâu chỉ để mà quên
Em trong ta như người xưa trong mộng
Em của đời mộng úa dệt thành thơ


Thu đi qua chiếc lá vàng lãng đãng
Ai đi qua năm tháng bỗng hao gầy

Về phố cũ lòng đau ta chợt hỏi?
Em là em hay là thoáng mây bay

Đôi mắt ấy sao vội quên vội nhớ
Phố của ai rưc rỡ vạn ánh đèn
Lòng như thế có vỗ về quá khứ

Con đường này còn in dấu chân em.

Vĩnh Trinh

Biển Xót Xa


Biển vắng tìm đâu dáng người yêu
Bãi cát xưa phơi nắng nửa chiều
Ngọn sóng tình xô xiêu bóng đổ
Gió ngàn trầm bổng tiếng ngân tiêu

Người đã xa rồi gieo nhớ thương
Sao đêm khêu đốt nỗi đoạn trường
Rưng rưng bạch lạp hai hàng lệ
Nhỏ giọt sầu, cây cỏ mù sương

Lá Thu rơi, trăng dõi bước đường
Đàn ai thổn thức nhịp sầu tương
Bài ca ai hát buồn thê thảm
Gió thổi vô tình lạnh buốt xương

Còn đó môi son, má ửng hường
Áo dài Hòang hậu kết uyên ương
Trầu cau sính lễ người đưa đón
Pháo đỏ rượu hồng…mãi vấn vương/như vết thương

Hồn lỡ chìm sâu nối mạch sầu
Sóng ngàn đưa bọt trắng về đâu?
Chỉ nghe trăng rụng mùa tang chế
Biển ở lòng ta mấy cõi đau!

Phạm Tương Như
Nov. 05 12

Thơ Tranh: Mơ




Thơ: Cao Linh Tử
Họa Sĩ: Tín Đức
Thơ Tranh: Kim Oanh
* * *
Kính chào anh Tín Đức và anh Cao Linh Tử.
Cảm ơn hai anh những tác phẩm đẹp qua tranh và thơ
Kim Oanh xin được gửi đôi dòng cảm xúc theo hai anh nha.

Một Kiếp Hoa

(Cảm tác thơ Cao Linh Tử)

Từ lúc người đi mắt nhạt nhòa
Niềm vui chôn kín chuyện tình ta
Áo xưa ủ cất dư hương cũ
Yêu người chinh chiến vạn nghìn xa
Dòng đời mờ mịt trời đất thảm
Cánh hoa tan tác buổi chiều tà
Người ơi chạnh nhớ nơi xa ấy?
Có tiếc thương về một kiếp hoa?

Kim Oanh
9/5/2014

Ông Lão Bán Vé Số

      Về hưu đã hơn một năm nay nhưng tôi vẫn chưa quen thuộc được lối sống nhàm chán của một người không có gì để làm. Cả ngày chỉ đi lên, đi xuống tìm những việc vớ va, vớ vẩn để làm hay đi thăm bạn bè, tán gẫu. Ngày nào cũng mua 2 hay 3 tờ báo đọc không còn một chữ, ngay cả những trang quảng cáo cũng không bỏ sót.

      Vợ chồng thằng con trai nhân dịp đi công tác Hà nội một tuần lễ nên thu xếp kéo cả vợ con đi theo, nhân tiện thăm họ hàng bên ngoại. Nhìn thấy bố rầu rĩ, lo sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ nên đề nghị bố đến trông coi hộ nhà cho nó và cũng chăm sóc vườn cây cảnh, coi như có tí công việc làm cho vui. Vì thương con và cũng nghĩ việc chăm sóc vườn tược cũng là công việc thích thú nên tôi đã khăn gói theo đề nghị của con. Nhưng chỉ sau vài ba ngày sống trong căn nhà rộng lớn, im vắng như chùa bà Đanh đã làm tôi thấy chán muốn bỏ về nhưng nghĩ đã hứa với con, hơn nữa cũng chẳng dài lâu gì nên đành cố vui mà ở lại. 

      Một hôm, sau khi ăn xong bữa trưa, ngủ một giấc đến khoảng 3 giờ chiều mới thức dậy. Đưa mắt nhìn ra bên ngoài thấy bầu trời mờ mờ mây che, hàng cây cảnh trong vườn lay động vì gió nhẹ từ mặt sông thổi lên. Cái nóng cháy người của Sàigon vào tháng 3 hình như đã biến mất. Muốn biết tí chút vể nơi con mình sinh sống, tôi nhờ bà người làm chỉ dẫn cho biết vài nơi xầm uất của khu vực để làm một cuộc đi dạo. Lang thang một lúc, tôi đến một chỗ tạm gọi là ồn ào nhất của khu vực, nhưng thật ra nó chỉ có vài con đường xen kẽ nhau, nếu có tí khác với những con đường khác là những con đường ở khu này có lề đường rất rộng, lát ghạch sạch sẽ. Hai bên đường những cây bàng xum xê, che phũ gần như hết cả mặt đường nhờ vậy không gian ở đây rất dễ chịu. Có lẽ vì mát mẻ như vậy nên phần lớn dân cư ngụ trên con đường này đều mở cơ sở kinh doanh. Nơi thì quán cà phê, nơi thì hàng ăn, quán nhậu… Khách thì đủ mọi thành phần từ trung tâm thành phố hẹn hò mà đến, nhưng cũng không ít dân cư ngụ trong khu vực đi hóng mát dọc theo giòng sông rồi ghé vào giải khát, nghỉ chân. 


      Đi được một lúc, đưa tay lên nhìn đồng hồ thấy vẫn còn sớm mà về nhà cũng chẳng có gì vui, nên tôi tìm một chỗ ngồi dưới gốc cây bàng của một quán nước giải khát. Gọi ly cà phê đá ngồi nhâm nhi đưa mắt bâng quơ nhìn sinh hoạt của con đường. Chưa uống xong nửa ly cà phê, thình lình từ quán ăn nhậu ở phía sau lưng vang lên vài tiếng chửi bới thô tục đã làm tôi tò mò quay lại. Một ông già tàn tật bán vé số với đôi nạng ép sát dưới nách, trên tay cầm một xấp vé số. Ông già đang run sợ tìm cách lùi xa cái bàn ngổn ngang đồ ăn thức uống. Ngồi chung quanh là bốn thanh niên mắt đỏ gay gắt vì rượu đang tức tối, la hét ông già. Nghe vài lời qua tiếng lại của bốn thanh niên và lời nói lí nhí, sợ hãi của ông già, đã cho tôi biết sơ sài sự việc. Vài ngày trước nhóm bốn người này đã đặt mua trọn một lô số nào đó, nhưng không biết vì lý do gì, hôm nay gặp lại, ông già lại không có như đã hứa nên họ tức giận, chửi mắng . Họ còn đe doạ bắt ông ta phải bồi thường bằng cách bán rẻ cho họ những tờ vé số khác loại. Dĩ nhiên ông lão không đồng ý nên gây ra to tiếng ! Nhưng có lẽ nhìn thân thể tàn tật của ông lão và cũng nhờ lời can gián của một người biết điều hơn trong nhóm, nên sự việc cũng trở lại im lặng.

      Ông lão lại lê tấm thân tàn tật trên cặp nạng đến các bàn khác trong quán nhậu, nhưng cũng chỉ được những cái lắc đầu, từ chối. Với vẻ bình thường dù không có ai mua vé số, ông lão chậm rãi khập khiễng ra khỏi quán, tiến đến chiếc xe lăn đang đậu bên cạnh đường trước quán ăn. Bằng nhiều động tác khó khăn nhưng rất thuần nhuyễn ông ta leo len chiếc xe lăn, gác hai cây nạng bên cạnh xe rồi dùng 2 tay lăn bánh cho xe di chuyển. Ông ta vượt qua quán cà phê mà tôi đang ngồi rồi dừng lại ở trước quán phở bên cạnh. Cũng với những động tác quen thuộc ông ta lại xuống khỏi xe lăn, với xấp vé số trên tay, cặp nạng dưới nách, dò dẫm từng bước một, chậm rãi tiến đến những các bàn có khách trong quán phở, sát bên với quán cà phê mà tôi đang ngồi

      Lúc này đây, tôi mới có dịp quan sát kỹ ông già. Có lẽ ông ta ở khoảng 65 hay 70 tuổi, một người già nghèo tàn tật, da xạm đen, mái tóc chưa bạc hết nhưng rất thưa nên hiện rõ những khoảng hói trên đầu. Đôi cánh tay dù xương xẩu nhưng coi vẻ còn cứng chắc tí chút. Có lẽ nhờ vậy mà ông ta còn có sức để lăn bánh xe khi di chuyển, cũng như chiụ đựng được sức nặng của cơ thể đè trên cặp nạng ở dưới nách. Thân thể tong teo, nhất là phần mông bị tóp lại nối với chiếc chân trái vô dụng như một cành cây nhỏ, lỏng thỏng buông xuống đất. Chân bên phải cũng tóp lại nhưng có vẻ còn cảm giác và sức lực để chống đỡ phần nào thân thể cùng với cặp nạng mỗi khi di chuyển. Chiếc quần ka ki mầu vàng đất cũ, quá rộng so với thân thể và cặp chân tê liệt của ông ta, đã được cắt ngắn cho không vướng víu khi di chuyển. Phía trên là chiếc áo rộng thùng thình, trên ngực áo có 2 chiếc túi. Túi bên trái lép xẹp, túi bên phải đầy đặn hơn. Trước ngực ông ta đeo một cái túi có quai vòng qua cần cổ, chắc là đựng vé số.

      Đến mỗi bàn ông xoè tập vé số ra mời khách, nếu ai muốn mua, ông đưa cả tập vé cho người mua tự lựa chọn theo ý muốn rồi tính tiền trả cho ông ta. Khách trả tiền ông nhận và cho vào túi bên phải, nếu cần trả lại tiền còn dư, ông cũng móc từ túi phải ra trả lại khách. Thỉnh thoảng có người khách mua xong, nhưng khi ông trả lại tiền thừa. Có thể vì quá ít hay vì muốn giúp đỡ ông ta, họ phất tay tỏ ý tặng ông ta, ông lão nhận và nói lời cám ơn. Nhưng ông ta lại bỏ món tiền đó vào túi bên trái. Ban đầu nhìn theo, tôi hoàn toàn không chú ý đến sự khác biệt của 2 loại tiền mà ông ta nhận từ khách mua xổ số. Tôi nghĩ rằng, đó chỉ là thói quen hay một cách phân biệt tiền giá trị lớn nhỏ mà thôi. Nhưng sự việc cứ lập đi lập lại đã làm tôi lạ lùng và càng chú ý dõi theo hành động kỳ lạ của ông lão. Tôi chắc chắn do ông ta cố ý và có mục đích gì đó.

      Cuối cùng ông ta đến quán cà phê, nơi tôi đang ngồi, dễ dàng cho tôi quan sát hơn. Ông ta đến cái bàn khá gần bàn của tôi, nơi đó có 3 người trẻ tuổi, hai trai , một gái, họ cũng ngồi uống cà phê như tôi. Cũng như các nơi khác, ông xoè tập xổ số ra trước mắt ba người trẻ nói câu mời chào. Cả ba người hình như không muốn ông ta làm gián đoạn câu chuyện mà họ đang say mê bàn luận nên họ chẳng thèm nhìn ông ta mà chỉ xua bàn tay ra ý đuổi ông ta đi chỗ khác. Ông ta im lặng đi sang bàn ngay bên cạnh tôi. Quanh bàn này có 4 người tuổi trung niên họ uống bia, trên bàn có vài đĩa cá khô nướng làm mồi nhậu. Ngay khi ông già xoè tập xổ số ra trước mặt họ, ông ta chưa kịp mời thì một người trong số họ đã cầm lấy xỉa từng tấm vé số ra xem, rồi quay sang bàn luận, hỏi ý ba người bạn khác cùng bàn. Sau một lúc tính toán, mỗi người nhận lấy 2 tấm. Tập vé còn lại họ trả cho ông gìa. Cả bốn người khách móc tiền ra thanh toán riêng biệt. Trong số họ có một người đưa cho ông ta tờ tiền giá trị lớn nên ông già phải thối lại cho người khách. Ông già lựạ chọn vài tờ tiền trong xấp tiền của 3 người kia vừa trả, nhưng cũng không đủ nên ông ta thò vào túi bên phải lấy thêm vài tờ nữa rồi đưa lại cho người khách. Trong khi ông khách mua vé số đếm món tiền trả lại thi ông già cho những đồng tiền vừa thu của khách vào túi bên phải. Người khách trả tiền giá trị lớn sau khi đếm xong, anh ta rút ra môt tờ nhét vào tay ông già và nói :
-Biếu ông vài ngàn coi như mua cái hên của ông nhe ! 

      Ông già mỉm cười, nói câu cám ơn người khách rộng rãi rồi nhận đồng tiền bỏ vào túi bên trái trước khi chậm rãi đi đến bàn của tôi. Kín đáo nhìn ông ta, tôi không đưa tay nhận lấy tập vé số mà ông ta đang xoè ra trước mặt. Tôi im lặng móc túi ra một tờ giấy 20 ngàn đồng, đưa tận tay ông ta. Ông lão đưa tập vé đến sát tôi hơn và nói : 
-Ông lựa vé đi !
Tôi vẫy tay ra vẻ không cần và nói với ông ta :
-Tôi có mua vé số bao giờ đâu! Xin biếu ông tí tiền để sinh sống mà thôi.
      Ông già ngước mắt nhìn tôi có tí cảm động nói câu cám ơn cùng với cái cúi đầu chào trước khi bỏ tờ giấy bạc tôi vừa cho vào túi bên trái rồi mới đi sang bàn khác. 

      Cứ như vậy, ông già tàn tật vào bán vé số cho khách trong 1 hay 2 quán rồi lại ra với chiếc xe lăn và di chuyển đến vài quán khác . Tôi vẫn ngồi nhâm nhi ly cà phê theo dõi hành động kỳ lạ của ông già khi thu tiền từ khách hàng. Cho đến một lúc tất cả khoảng 7, 8 quán trên khúc đường đã được ông già đi qua. Tôi nghĩ chắc ông ta sẽ trở lại vì đoạn đường kế tiếp không có hàng quán gì cả và có vẻ nhem nhuốc, nghèo hơn với những căn nhà lá lụp xụp. Nhưng ông già vẫn lăn xe tiếp tục, cho đến một nơi, dù xa chỗ tôi ngồi nhưng tôi vẫn có thể nhìn thấy ông ta rõ ràng. 

      Ông ta dừng lại, dùng đôi tay quay chiếc xe sang phải rồi lăn xe đến trước một căn nhà lá siêu vẹo sát bên lề đường. Thật ra phải nói đó là chiếc chòi lá mới đúng vì nó chỉ được cấu tạo bởi vài tấm liếp bằng lá xen kẽ vài miếng ván ép loang lổ sơn và dầu hắc ghép vào nhau. Mái nhà xập xệ bằng lá chen lẫn với vài tấm tôn hoen rỉ. Ông gìa đến sát căn chòi, gõ vài tiếng vào cửa liếp rồi cấ tiếng gọi, nhưng tôi không nghe rõ vì quá xa. Vài phút sau, tấm liếp căn nhà được mở, một ông rất già khập khiễng chống gậy đi không muốn vững hiện ra, tỏ vẻ mừng rỡ khi nhìn thấy ông già bán vé số. Họ nói với nhau vài câu gì đó rồi ông già bán vé số móc ở dưới gầm chiếc xe lăn ra một bịch giấy khá lớn, đồng thời móc túi bên trái, lấy hết tiền ra đưa cả bịch giấy và nắm tiền cho ông già kia. Sau đó họ lại nói với nhau một lúc rồi ông già bán vé số quay xe ra đường tiếp tục lăn xe đến một khúc quanh quẹo vào và biến mất. 

     Tôi ngồi, nhìn thấy tất cả hình ảnh đó. Tôi nghĩ rằng hai ông già có thể là anh em hay có liên hệ thân thiết gì đó, cả hai cùng sống trong cái chòi đó. Ông tàn tật còn khoẻ mạnh hơn nên đi bán xổ số để nuôi ông kia già yếu hơn. Với suy đoán hợp lý như vậy, tôi chẳng còn mang thắc mắc gì khi về nhà vào buổi chiều tối nữa. Nhưng nhớ lại cái không gian vừa đến có chút hoạt động đó đã cho tôi tí chút thích thú, ít ra trong mấy ngày vô vị còn lại mà tôi phải coi nhà cho thằng con như đã hứa. Ngày hôm sau, cũng sau bữa cơm và giấc ngủ trưa khá dài. Tôi lại chậm rãi đi dạo đến con đường đó. Cũng tìm một quán cà phê để nhâm nhi, thả lỏng tâm hồn và nhãn giới theo những diễn tiến hiện ra trước mắt mình.


      Một lúc sau, ông già bán vé số cũng đến, cũng chiếc xe lăn dừng dưới lề đường. Cũng với những động tác thành thạo nhưng khó khăn mỗi khi ông ta lên xuống và khập khiễng với đôi nạng kẹp dưới nách để đi đến từng bàn, với tập vé số trên tay mời chào khách. Rồi cũng với hành động khác thường, phân biệt đồng tiền khi nhận từ khách mua vé số khi cho vào túi áo. Tôi vẫn nhìn theo ông ta từ xa cho đến lúc ông ta đến sát bàn tôi đang ngồi. Tôi vẫn chú ý những động tác khác thường với đôi mắt tò mò thích thú. Không biết ông lão còn nhớ tôi, người khách không mua vé số mà chỉ biếu ông ta tiền chiều hôm qua hay không. Nhưng ông ta vẫn bình thản chìa tập vé số trước mặt tôi với câu mời hoàn toàn bình thường. Tôi cũng chẳng thèm để ý, im lặng lại rút ra tờ 20 ngàn đồng, đưa cho ông ta mà không nhìn, cũng không cầm lấy tập vé số. Hình như có tí ngạc nhiên với hành động của tôi, ông lão nhìn tôi, nói nhẹ :

-Tôi đi bán vé số, không muốn ép bất cứ ai, không mua mà vẫn phải cho tiền. Ông không muốn mua thì tôi đi, chẳng có gì buồn lòng cho tôi và áy náy cho ông cả! 
Nói xong, ông ta đưa tập vé số gần tôi hơn, nói tiếp :
-Thì ông cứ chọn lấy vài tấm, ít ra cũng vui cho ông và cả cho tôi nữa. Tôi khỏi phải thắc mắc vì nhận tiền của người khác một cách vô lý!
Tôi mỉm cười nhét đồng tiền vào tận tay ông ta, và nói :
-Tôi không mua vé số bởi vì tôi không có nhu cầu cần đến món tiền to lớn. Cuộc sống đơn giản của tôi vừa đủ với những cái tôi đang có! Ông nghĩ mà xem tôi có nên mua vé số không? Mua để làm gì nhỉ khi mình không cần đến nó! Còn tặng ông tí tiền nho nhoi này, vừa đủ mời ông một ly cà phê lề đường. Chẳng có gì để ông phải thắc mắc cho mất vui.

      Nghe tôi nói vậy, ông già nhìn tôi có vẻ cảm đông. Nói câu cám ơn kèm theo cái cúi đầu thân thiện, rồi cầm lấy tờ giấy bạc bỏ vào túi bên trái trước khi khập khiễng với đôi nạng đi sang bàn khác. Tôi vẫn đưa mắt nhìn theo ông già. Trực giác cho tôi biết từ con người nghèo khổ, tàn tật này có cái gì đó làm tôi tò mò, thích thú. Cuối cùng tôi cũng thấy ông ta đến căn chòi lá gặp và đưa cho ông già kia nắm tiền mà ông ta móc hết từ túi áo bên trái cùng một cái bịch khá lớn từ dưới sàn chiếc xe lăn, sau khi ông ta đã đi hết các quán trên con đường. Lần này nhờ cái bịch bằng ny lông, tôi lại ngồi ở quán nước khá gần căn chòi nên nhìn rõ hơn . Trong bịch ny lông có vài vật to, dễ nhận ra là bó rau, túi gạo khoảng 1kilô và một con cá bằng cán dao. Sau khi hai ông già nói chuyện gì đó một lúc, họ lại rời nhau, ông già kia lại trở vào chòi đóng tấm liếp cửa lại. Ông già bán vé số trở ra, cũng với những động tác như hôm qua rồi biến mất sau khúc quanh.

      Với khá nhiều suy nghĩ và đoán mò về liên hệ giữa hai ông già, cũng như hành động và lời đối đáp rất sơ sài với tôi vừa qua cho tôi biết ông lão bán vé số này không phải là người thấp kém. Tự nhiên tôi có cảm giác muốn biết rõ hơn về hai ông già đó. Nhưng ngày mai vợ chồng con trai tôi trở về, mà tôi thì cũng muốn mau mau xong công việc cho thằng con để trở lại nhà của mình, nó quen thuộc với tôi hơn. Sau một lúc suy nghĩ, tôi đứng dậy ra khỏi quán, hướng đến căn chòi lá với ý định gặp ngay ông già yếu đuối, chống gậy để hỏi chuyện và nếu cần cũng giúp đỡ họ tí chút. 

      Đưa tay gõ vào tấm liếp vài tiếng nhè nhẹ cùng với tiếng gọi chủ nhân. Tôi chờ đợi không lâu thì ông già chống gậy đi ra. Ngay khi nhìn thấy đôi mắt ông ta, với mầu trắng đục kèm theo dáng điệu nhìn không rõ người đối diện của ông ta. Tôi đoán ông ta chưa thực sự mù nhưng chắc chắn không thể nhìn được rõ ràng nữa. Trong vẻ lờ đờ vì nhìn không rõ đó , ông già có tí ngạc nhiên hỏi tôi :
-Ông tìm ai ? 
      Thành thật, tôi cũng bị luống cuống tí chút với câu hỏi của ông già chỉ vì tôi đã không có tí gì chuẩn bị khi gặp ông ta, một người mà tôi và ông ta chưa một lần quen biết. Ngập ngửng tí chút tôi trả lời :
-Tôi có chút quen biết ông già bán vé số, nên…. 
Chỉ nói được vậy, tôi lại rơi vào ngập ngừng vì không tìm được lý do. Cũng may là ông già vội vàng trả lời tôi:
-À! ông Khoa, ông ấy vừa đến đây mang cho tôi thức ăn, rau cỏ và cả tiền nữa… Có chuyện gì không ông ?!!
      Nhờ câu nói của ông già đã hoá giải lúng túng. Tôi đã có dịp trò chuyện với ông ta ! Cuối cùng tôi đã hiểu về họ. Họ chỉ là người bạn tàn tật bình thường, ngẫu nhiên gặp nhau trong việc tìm sống trên đường phố mà quen nhau, hoàn toàn không có liên hệ gì họ hàng cả. Ông Khu, tên ông già trước mặt tôi, dù vẫn còn đôi chân, nhưng bị bệnh tê liệt dần dần. Ban đầu mới bị bệnh ông ta còn có thể di chuyển được, nên cũng vào nghề bán vé số dạo kiếm sống. Vợ ông trước đây còn khoẻ mạnh ở nhà lo việc bếp núc cho hai người, đồng thời nhận quần áo từ khu công nghiệp về giặt ủi kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống của họ dù nghèo nhưng vẫn không đến nỗi cùng cực vì nhờ cả hai không vướng vào bất cứ tật ách nào. Chỉ đáng buồn là họ không có con cháu để nương tựa khi tuổi già. 

      Trong một lần đi nhận hàng giặt ủi bà Khu bị tai nạn xe cộ mà tê liệt toàn thân. Không lâu sau đó ông Khu cũng bị căn bệnh tê liệt tấn công mạnh hơn. Đồng tiền dành dụm cũng như tiền bồi thường do tai nạn đều đội nón ra đi với bệnh tật của hai người. Cuối cùng hai ông bà đành sống nhờ vào tiền giúp đỡ của hàng xóm hay cơ quan phường xã, đặc biệt từ ông Khoa. Người bạn quen nhau ngẫu nhiên trên đường phố đó đã cảm thông hoàn cảnh khốn khổ, không may của bạn mà giúp đỡ.

      Tình trạng ông Khoa thật ra cũng chẳng khá hơn gì. Ông bị bệnh sốt tê liệt từ bé, cha mẹ mất sớm, sống nhờ vào người anh trai duy nhất, nhưng người anh không may bị chết trong chiến tranh khi còn độc thân. Lúc người anh chết ông Khoa mới 17,18 tuổi đã phải bước vào việc kiếm sống với tấm thân tàn tật. Nhưng thời gian cũng qua dần, cuộc sống dù khốn khổ , ông Khoa vẫn cưới được vợ rồi có một đứa con trai. Gia đình tạm gọi là yên ấm cho đến khi vợ ông bị bệnh mà mất khi đứa con mới 15 tuổi. Trong hoàn cảnh thiệt thòi của kẻ tàn tật, nghèo túng đó, ông lại phải bù đầu vào việc kiếm sống nuôi bản thân và đứa con đang tuổi lớn khôn. Chính vì lo kiếm tiền sinh nhai, ông đã lơ là, không chú ý đến giáo dục cho con. Kết quả thằng con bị lôi kéo vào đường nghiện hút, sát nhân nên đã bị xã hội đào thải khi tuổi gần 30. Hiện nay ông Khoa vẫn sống nhờ vào vợ chồng của một người cháu họ xa trong một khu lao động không xa nơi vợ chồng ông Khu đang sống. Cả hai vợ chồng người cháu của ông đều làm công nhân thu gom rác trong khu vực. Để tránh ghánh nặng cho vợ chồng cháu, ông Khoa bước vào nghề bán vé số. 

     Hàng ngày tiền thu được từ việc bán vé số, ông Khoa coi như tiền công lao thực sự của mình, được dành cho cuộc sống của chính cá nhân ông và đóng góp cho vợ chồng người cháu tí chút, coi như đền bồi sự dung dưỡng của cháu. Còn những món tiền thu được từ khách mua vé số cho thêm vì thương hại thân thể tàn tật của ông hay tiền thối lại quá nhỏ bé nên khách cho tặng. Món tiền không trong danh sách này được ông để riêng vào chiếc túi bên trái, dành để cưu mang, giúp đỡ vợ chồng ông Khu, người bạn có cảnh ngộ bi thương hơn mình. Ái ngại cho bệnh tật và gần như mù loà của người bạn nên hàng ngày trên đường bán vé số, ông thường mua thức ăn cho vợ chồng ông Khu. Lòng tốt của ông đã kéo dài nhiều năm. Ông Khu rất cảm động, coi ông Khoa không những là người bạn chí thiết mà còn là một vị ân nhân vĩ đại của vợ chồng ông ta. Đã nhiều lần vì muốn tìm cách thoát ra khỏi lòng tốt bao la của người bạn, ông Khu cũng tính đi làm kẻ ăn xin. Nhưng lại vướng ngườ vợ bệnh hoạn ở nhà một mình không ổn, nên cuối cùng đành xấu hổ mà tiếp tục chấp nhận nhận sự giúp đỡ của bạn. 

      Hình như hiểu sự áy náy của bạn, ông Khoa đã nhiều lần an ủi và đề nghị ông Khu yên lòng ở nhà chăm sóc người vợ cho đến phút cuối đời để trả đủ nghĩa phu thê. Rồi sẽ tính đến việc tìm cách sinh nhai. Thấm thoát bà Khu đã liệt giường đã hơn 5 năm, sự giúp đỡ của người bạn tuyệt vời vẫn tiếp diễn.
      Nghe ông Khu tâm sự, tôi ngẩn ngơ, cảm phục tình bạn của họ. Trong trí nhớ tôi hình ảnh người đàn ông tật nguyền với chiếc xe lăn , hàng ngày thu gom từng đồng tiền bé nhỏ để giúp đỡ bạn đã làm tôi thẩn thờ suy nghĩ. Ngần ngại tí chút tôi nói với ông Khu muốn vào thăm vợ ông ta . Đúng như vậy, trên chiếc chõng tre cũ kỹ, đen đủi, khá rộng, đủ chỗ cho hai người nằm. Một người đàn bà thân thể mỏng dính như dán xuống mặt giường đang nằm sát nửa bên phần phía trong chiếc giường. Trên người bà ta một mảnh chăn mỏng dơ bẩn nhẹ nhàng lên xuống theo nhịp hô hấp. Góc bên kia phía trong căn chòi là chỗ nấu ăn luộm thuộm với vài dụng cụ nấu ăn cáu bẩn cùng với cái bếp xét rỉ. Khắp căn chòi vài chiếc quần áo lẫn lộn với giẻ lau treo lền khên trên vách, trên trần nhà … Tất cả chỉ có vậy, cuộc sống của một cặp vợ chồng già, bệnh tật đã làm tôi cúi đầu thương cảm. Đứng xững lại, đưa mắt nhìn bao quát một lúc, tôi đi nhẹ nhẹ tiến đến gần chiếc giường, có ý nói với người đàn bà bệnh hoạn đó vài lời hỏi thăm. Nhưng ông Khu buồn bã nói như muốn khóc với tôi:
-Hiện nay bà ấy chỉ là một khúc cây, ý thức hoàn toàn không còn nữa. Cám ơn ông đã có lòng đoái hoài. 
Nghe ông Khu nói như vậy, tôi dừng lại, bỏ ý định thăm hỏi bà vợ ông ta vì không muốn làm ông ta đau lòng hơn. Tôi nói với ông ta vài lời an ủi, rồi móc hết tiền trong túi ra, tế nhị đưa vào tay ông ta:
-Tôi chẳng biết bằng cách nào chia xẻ nỗi cơ cực và bất hạnh của bà, ngoài việc giúp đỡ ông tí tiền còn sót lại trong túi, mong ông nhận cho.
      Trên đường trở về nhà, hình ảnh ông già bán vé số tốt bụng luôn luôn chập chờn trong trí nhớ của tôi đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi tự hỏi, trong thế giới xô bồ, vật chất ngày nay vẫn còn có những con người tốt bụng một cách âm thầm, đáng kính nể như ông già tàn tật , nghèo khó và bất hạnh này sao? 
      Theo tính toán thì tối mai, con trai tôi sẽ trở về, nó sẽ chở tôi về lại nhà của tôi ở gần trung tâm Saigon. Với chương trình như vậy tôi dự tính chiều ngày mai, trước khi con trai tôi từ Hà nội trở về, tôi sẽ cố tranh thủ để gặp lại người đàn ông bán vé số tốt bụng mà tôi cảm mến đó thêm một lần nữa.

      Khác với 2 ngày trước, hôm nay, ngày cuối cùng tôi không ngủ trưa như thói quen mà nhờ bà giúp việc lo cho tôi một bịch trái cây, một tầy giò lụa nho nhỏ và dĩ nhiên có tí tiền bạc rồi tôi lại đến con đường, nơi mà tôi muốn gặp ông già bán vé số. Với dự tình tôi sẽ gặp ông già bán vé số trước rồi cùng với ông ta đến nhà ông già kia nói chuyện. Có lẽ vì không ngủ trưa và sốt ruột nên tôi đến hơi sớm so với 2 ngày trước. Khi vừa đến đầu đường tôi đã trông thấy ông già bán vé số đang gò mình với cặp nạng bước lên lề đường để vào cái quán đầu tiên ở góc đường, đó là một quán nhậu, khá đông khách. Ông già đến cái bàn dài đầu tiên, có khoảng 12, 13 người ngồi quanh. Hầu hết ở lứa tuổi trung niên, trang phục của nhóm khách này khá sang trọng, thể hiện đám khách là giới giầu có và trí thức. Trong nhóm có 5 người phụ nữ. Qua những lời nói khá to vang ra cả bên ngoài của nhóm khách. Cũng như những lời họ mời chào, xưng tụng, thách đố nhau ăn và uống, cho tôi biết họ là nhân viên có chức vụ của một công ty tài chánh hay ngân hàng nào đó.

      Ông già xoè tập vé số ra trước mặt người khách gần ông ta nhất, hình dung cũng bệ vệ nhất rồi nói lời mời mua vé số. Nhưng cũng đúng lúc đó ông khách này giơ cao chiếc ly ruợu lên hướng về nhóm bạn thách thức cạn ly! Có lẽ hành động xen kẽ của ông già bán vé số đã làm giảm hứng thú của kẻ mời rượu, nên ông khách lấy tay hất nhẹ tay ông già bán vé số rồi bực bội chửi :
-Thằng ăn mày! Đi chỗ khác! Đồ chó!
        Với cái gạt tay nhẹ của ông khách, ông già chỉ hơi mất thăng bằng tí chút, nhưng ông ta vẫn phải gượng lại để lấy thăng bằng và cũng chưa kịp phản ứng gì với câu chửi nặng lời của người khách. Ngay lúc đó, một phụ nữ trong nhóm ăn nhậu, ngồi gần với ông khách thô lỗ, vừa cười vừa nói lớn:
-“ Xếp Tổng “ ơi, xếp say rồi sao mà không nhìn thấy, đó là người bán vé số, chứ không phải là người ăn mày đâu !
      Lời nói đùa của bà ta đã làm cả nhóm khách cười. Vài người còn cất tiếng phụ hoạ với người phụ nữ nữa. Không biết đó là lý do càng làm cho ông khách thô lỗ bực tức hơn hay sao? Ông ta vổ nhẹ vai người phụ nữ vừa nói và hướng vào bà ta với giọng sai khiến: 
-Ôi! Thằng bán vé số hay thằng ăn mày thì có gì khác nhau đâu! Chỉ làm cho tao bực mình! Con Cúc, bố thí cho nó vài ngàn đề nó “biến” đi cho tao đỡ mất hứng!
      Lại một tràng cười vui cùng những lời nói lè nhè vì say rượu của đám khách vang lên đồng loã hay giỡn đùa với ông khách bệ vệ và người phụ nữ tên Cúc. Dù đùa giởn nhưng người phụ nữ có vẻ nể sợ ông khách thô tục, bà ta mở xách tay lấy ra một tờ giấy bạc, đưa truớc mặt ông già bán vé số với câu nói xua đuổi:
-Thôi cầm lấy! đi đi, đừng làm phiền người ta nữa!


      Đứng bên ngoài, vì quá xa và tiếng nói của ông già bán vé số quá nhỏ nên tôi không biết ông ta đã nói gì với bà khách. Nhưng chỉ thấy ông già lắc đầu, đưa bàn tay đang cầm vé số phất phất vào đồng tiền trên tay của người phụ nữ ,ý nói không muốn nhận, rồi khấp khểnh lui ra đằng sau! Người phụ nữ hình như bực bội vì câu trả lời gì đó của ông già hay thái độ không nhận tiền của ông ta. Bà ta nhét tiền trở lại túi xách, đưa mắt lườm, nguýt ông già, rồi nói lớn :
-Đồ ăn mày, nghèo rớt mùng tơi mà còn làm cao, sĩ diện! Cút đi cho người ta ăn uống!
      Tôi cũng không biết ông già có nghe thấy không. Nhưng ông ta im lặng dò dẫm bước đi rời xa đám khách, hướng đến chiếc bàn với nhóm khách khác trong quán. Đằng sau ông ta vẫn ồn ào tiếng cười nói đùa dỡn của nhóm khách. Tôi đã chứng kiến trọn vẹn diễn tiến không mấy vui đó. Trong lòng tôi chợt phát sinh một cảm giác bực bội với những câu nói, hành động bất nhã, vô giáo dục, đầy tính cách khinh người nghèo khó của đám khách sang trọng và chức vụ đang ồn ào trong quán. Tôi tự hỏi nếu họ biết và hiểu được con người mà họ vừa chửi bới, khinh rẻ đó, là một người rất chí tình vì bạn bè, có lòng nhân đạo đáng phục, họ sẽ nghĩ sao và có phản ứng thế nào với ông ta ? Tôi hy vọng trong đám khách khoảng 12, 13 người đó vẫn có người nào đó có con tim và khối óc để họ có được cái nhìn vào xã hội nơi họ đang sống một cách cảm thông và nhân bản hơn. Tôi không dám bi quan quá mức nhưng tôi nghĩ nếu có được 2 hay 3 người trong số họ thì đúng là một hiện tượng may mắn cho xã hội chúng ta ngày nay vậy. 

      Cũng với suy nghĩ đó, tôi cũng tự hỏi, những người khách với vẻ sang trọng, học vị cao, chức vị lớn đó. Họ mở miệng ra với những câu nói chửi bới khinh rẻ kẻ nghèo dốt hơn họ thì thực chất của những mảnh bằng cấp, chức vị cao của họ có chắc chắn đúng với giá trị của nó không? Theo tôi họ vẫn còn thua xa tư cách của ông già tàn tật bán vé số vừa bị họ khinh rẻ chửi bới !
      Sự việc không vui đó đã làm tôi mất hứng thú, không muốn gặp ông lão bán vé số nữa. Tôi không muốn gặp ông ta bởi vì tôi cảm thấy khó bình thản chuyện trò với ông ta và cả người bạn trong căn chòi lá nữa. Nhưng túi quà mang theo đã làm tôi khó nghĩ. Cuối cùng tôi lấy mảnh giấy viết vài chữ rồi kín đáo đến chiếc xe lăn của ông già đậu bên lề đường. Bỏ túi thực phẩm trên ghế ngồi của chiếc xe lăn cùng với mảnh giấy, tôi viết : “Tuỳ nghi xử dụng! “. 
      Lấy một tờ bạc 100 ngàn đồng cuộn trong tờ giấy khác với dòng chữ :” Tặng chiếc túi bên trái “ rồi tôi cột vào cái kệ để tay bên trái của chiếc xe lăn.

Lấy một tờ bạc 500 ngàn đồng, cuộn vào mảnh giấy khác, trên đó tôi viết dài hơn : “Tờ 500 ngàn này tặng riêng cho túi bên phải, xin nhận đừng chối từ !” rồi cột vào cần tay bên phải chiếc xe.

      Sau khi đã hoàn tất, tôi tìm một góc khuất, kín đáo theo dõi phản ứng của ông già bàn vé số. Không quá lâu, ông già khập khễnh từ quán ăn đi ra, tiến đến chiếc xe lăn. Có tí ngạc nhiên khi nhìn thấy bịch quà và sau khi đọc tờ giấy, ông ta mở gói quà ra nhìn bên trong , bên ngoài rồi im lặng tí chút bỏ nó xuống chiếc giỏ ở dưới yên xe. Rồi chậm rãi gỡ cuộn giấy bên tay trái ra xem! Không biết có phải vì tờ giấy 100 ngàn quá lớn với ông ta hay quá ngạc nhiên vì người cho tiền đã biết ý nghĩa của cái túi trái, túi phải của mình. Ông già thừ người ra, đưa mắt nhìn bông lung ra vẻ suy tư rồi ông cầm đồng bạc xoay qua, xoay lại vài ba lần. Chẳng biết nghĩ sao ông ta gấp đồng bạc lại rồi bỏ vào túi bên trái. Xong đâu đấy, ông lão gỡ cuốn giấy bên tay phải, mở ra nhìn thấy đồng bạc 500 ngàn đồng, đọc xong mảnh giấy. Ông ta thẩn thờ đến mức tôi đứng khá xa vẩn thấy được vẻ xúc động hiện rõ trên khuôn mặt xám đen, trong ánh mắt và cả trong vẻ lung túng khi cầm tờ giấy bạc. Sau một lúc quá xúc động, ông ta quay đầu nhìn chung quanh như muốn tìm người chủ nhân của những món quà đã làm ông ta thẩn thờ. Nhưng làm sao ông ta tìm thấy được khi tôi cố ý lánh mặt? 

      Sau một hồi đưa mắt tìm kiếm không kết quả, ông lão với tờ giấy bạc 500 ngàn đồng trong tay, đầu ông ta cúi xuống nhìn tờ giấy bạc ra chiều suy nghĩ rất mạnh. Một lúc sau hình như đã tìm được bình thản, ông ta gấp tờ giấy bạc đưa lên định bỏ vào túi áo bên phải. Nhưng khi bàn tay vừa chạm đến mép túi, ông ta dừng lại, bỏ tay xuống rồi lại cúi đầu, thờ thẫn suy nghĩ ra vẽ chưa thực sự tìm ra một quyết định . Mãi một lúc, có lẽ buông tiếng thở dài, ông ta đã tìm được quyết định, không cần lưỡng lự nữa, ông ta cầm đồng bạc lên bỏ vào túi bên trái! Rồi trở lại động tác thường nhật, xếp hai cây nạng vào bên cạnh chiếc xe lăn, rồi khó khăn leo lên ngồi vào chiếc yên và dùng tay lăn bánh cho xe di chuyển.

      Tất cả diễn biến của ông già bán vé số đã được tôi quan sát rất rõ ràng. Tôi đứng nhìn theo cho đến khi ông ta dừng lại trước một quán khác trên con đường để tiếp tục việc mời khách mua vé số, rồi tôi mới thủng thẳng ra khỏi chỗ nấp. Tôi đi chậm chạp trở lại con đường về nhà con trai tôi với một tâm trạng rất khó hiểu. Cái tâm trạng của một người mang cảm giác ngạc nhiên tột cùng cũng như lòng kính mến vì đã nhìn thấy tư cách ngay ngắn của một ông già tàn tật, nghèo đói. Rồi cũng chính trong cái cảm xúc ngẩn ngơ đó tôi tự hỏi nếu tôi rơi vào hoàn cảnh bi đát như ông già đó. Liệu tôi có can đảm, có lòng tự trọng và cả lòng nhân đạo để làm như ông ta không ? Tự hỏi như vậy, nhưng tôi quá rõ về tôi, cái tôi của tầm thường và mang khá nhiều tánh xấu thì làm sao tôi có thể làm được như ông già bán vé số tàn tật, nghèo đói và đáng nể đó được ?!

Hết

Lưu An ( Jan. 2013)