Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

Chút Ý Nhân Phật Đản


      Phật thuyết chúng sanh có 84.000 trần lao, thì cũng có 84.000 pháp môn để thâm nhập vào tâm Phật từ tâm mỗi chúng sanh, nhưng vào bằng cách nào, GIỚI- ĐỊNH – HUỆ, còn tôi chẳng có chút nào trong tam tịnh tu tôi khoái lang thang trong tâm thức, chẳng ở nơi nào, nên cũng chẳng nơi nào chứa. Tôi nhớ lại đâu khoảng tháng 5 năm 75 tôi xin quy-y sau 3 năm lý luận cùng vị sư cũng không già lắm, nhưng tư tưởng thì tuyệt, rất tinh nghiêm trong giới luật. Một buổi sáng nọ tôi vào Tịnh Xá xin quy-y.
- Bạch sư nay con nghĩ chính rồi xin sư quy-y cho con, vị thầy vẫn ngồi xếp bằng thanh thản đưa bàn tay hướng về chánh điện.
- Trò vào lễ Phật rồi xin giữ một giới.
   
      Tôi vâng lời xá thầy, đứng lên đi về hướng chánh điện, vừa đi vừa nghĩ không biết trong ngũ giới mình xin thọ giới nào đây, thầm nghĩ mình hay uống rượu quá, thôi thì xin giới tửu vậy. Lễ Phật xong tôi trở xuống gặp thầy, rồi thầy cho một pháp danh, tôi nhận, xá lễ sư tôi về nhà, bụng thơ thới từ nay mình với giới này đã nhận thì giữ cho tròn.
      Trên đường sắp đến nhà, thằng Mão nhỏ tuổi hơn tôi nhiều cũng chờ học tập, trước thềm ngoắc tôi lia lịa vừa réo:
- Anh Hiếu, vô đây có tụi nó chờ anh nè, bước vào nhà nó thấy quần hùng ba ông đang nhắm nháp, mùi rượu đầy nhà.
- Anh Hiếu vào đây, ngồi xuống chơi cùng tụi em chút.
      Theo thói quen, tôi cũng vào vài ly, chợt nhớ ra, mình mới từ thầy ra, lỡ rồi, tôi nói thiệt,
- Tao mới xin giữ giới uống rượu đây, thôi tao về.
- Phật chứng anh lúc đó rồi, ra đây thì anh nhậu có chút xíu ổng đâu có thấy mà anh lo
      Kể từ đó đến giờ tôi gần như ngày nào cũng phạm cả, giờ không còn trẻ nữa nên đôi bữa nửa tháng mới phải phạm, thì cũng tốt lắm rồi, đối với tôi thuở đó...
      Mãi về sau tôi rõ ra. Giới chính là giới hạn, càng nhiều giới hạn càng tốt vậy thôi…
      Trong Phật đạo có ba đường để hành giả chọn- PHẬT PHÁP TÔNG- PHẬT TƯỚNG TÔNG- và PHẬT TÂM TÔNG, tôi chọn TÂM TÔNG làm mũi nhọn mà mình cần thiết chuyên vào, cũng đã gần 40 năm….hỏi thấy gì không, thưa thật lúc trước thấy bộn bề, nay thì hơi yên không còn vọng tưởng nên cũng chẳng thấy gì cả…


      Theo dòng lịch sử, đạo Phật truyền vào nước ta từ nguyên gốc Ấn do ngài Mahajivaka vào trung hoa rồi truyền sang nước ta khoảng năm 188 trước công nguyên, về sau một thiền sư đắc đạo với Tứ tổ Tăng Xán là ngưới ấn, thiền sư Vinitaruci (Tì ni đa lưu chi), là dòng Thiền đầu tiên ở nước ta
      Không rõ sự hưng thịnh, hay suy tàn của đạo Phật theo dòng thời gian từ trước đến nay, song tôi cũng nhận ra điều này- Không phải cứ chùa cao viện lớn tuần tự mọc lên là Phật giáo thịnh, cũng không phải chùa viện rêu phong không có đồ chúng vang rân là Phật giáo suy- Suy thịnh tự tâm Phật trong mỗi cá nhân sai biệt căn tánh, nhưng rõ tánh Phật thì đã về nhà rồi vậy
      Trong thế kỷ 20 có hai vị, một là người Đức – Ông Lama Govinda. Hai là người Pháp – Bà Alexandria David-neelin
      Đã thực tu và thực chứng, và trở về Đức truyền bá Mật tông Tây Tạng, ở Pháp cũng có trường dạy về pháp tu thực hành, phần giáo lý rất gần phái thiền hiện tại, kể cả những tụng văn 

Đạt Lai Lạt Ma cùng Mẫu Thân Krishnamurti 

      Cũng trong thế kỷ 20 này, Ấn Độ phát sinh vị Krishnamurti chi du thuyết và đuổi đệ tử tình nguyện theo chân thầy như đuổi tà, ông này, theo tinh thần Phật học thuyết toàn bộ TÁNH KHÔNG như một căn bản giáo thuyết mà không có giáo điều, người châu Âu nghe và hâm mộ rất đông mà không có đệ tử nào, đến là ổng đuổi, biết được là nhờ người nghe ghi lại, toàn người tây phương cả
      Nhật có giáo sư Daisetz teitaro Suzuki chuyên nghiên cứu thiền và nổi tiếng với bộ THIỀN-LUẬN, người xem bình phẩm, bộ sách đã dắt dẫn người ta đến tận cửa, mở được hay không do các vị tạm xem như hành giả vậy
      Thân chúc quí vị cùng các bạn an bình trong cuộc sống nhân Phật Đản năm 2013.


Suzuki 
Krishnamurti 


Viết xong đêm 21 tháng 5 năm 2013
Trương Văn Phú

Phật Đản Sinh



Rằm tháng Tư hương lành toả ngát
Đấng Như Lai giáng cõi Ta Bà
Trần gian chốn chốn mừng khai hội
Nhân thế nơi nơi rộn múa ca
Bảy đoá bạch liên nâng gót Thánh
Bốn phương cõi tạm nhớ lời Ta(*)
Ngàn năm đạo pháp luôn ngời sáng
Giáo lý từ bi Phật Thích Ca
                                        Quên Đi

(*) Vừa chào đời, thái tử Tất Đạt Đa bước đi 7 bước, hiện 7 đoá sen trắng, nâng lấy bàn chân Người. Tay phải của Người chỉ trời, tay trái chí đất cất tiếng : 
       Thiên thượng thiên hạ. Duy ngã độc tôn...
( khắp nơi trên dưới cõi trời, chỉ có ta là hơn cả...)


Thơ Tranh : Sắc Thị Không


Thơ: Quên Đi
Thơ Tranh: Hữu Đức


Phan Vũ Bình CHS Tống Phước Hiệp, Lớp11/7 - Niên Khoá 1981-1982

Chào tất cả các Bạn
Đây là những tấm hình toàn thể cựu học sinh Tống Phước Hiệp - Lớp 11/7 - Năm học 1981-1982 
Bạn "KIM CHỈ" đã lưu lại sau 30 năm.




Kim Chi,Võ Thiện Khiêm, Phan Vũ Bình


Tôi Trở Về


Tôi trở về vùng đất cũ thương quen
Giữa một chiều mưa lất phất bay buồn
Con nắng chói chang của ngày rơi hẫng
Gieo vào lòng người bao nỗi tơ vương

Tôi trở về sau quãng đời cách ngăn
Sau quãng đời như đánh mất hơi tăm
Sau quãng đời tưởng xuôi vào im vắng
Quãng đời trôi ru nỗi chết âm trầm

Tôi trở về để hiểu rõ tôi hơn
Cả đời tôi như đã dần khánh kiệt
Nửa hồn xưa khói sương niềm hạnh phúc
Nửa hồn giờ như váng vất như mơ

Tôi trở về sao vẫn cứ chơ vơ
Từng bước chân đi giữa chiều hiu hắt
Đất quê xưa với trăm điều rất thật
Sao lẻ loi tôi đến đổi không cùng

Tôi trở về như một thoáng không dưng
Tôi trở về như từ trong bất chợt
Tôi trở về để thấy lòng rất lạ
Giữa chung quanh huyên náo giữa rộn ràng

Tôi trở về riêng một cõi tình mang
Chỉ có tôi chỉ mình tôi duy nhất
Tôi trở về để nghe hồn bật khóc
Cho một thời tuổi trẻ hóa hư không 

Vĩnh Trinh

Mình Ơi!



   ( Con Kính tặng Ba Má )

Chữ Mình là ý nghĩa chi
Sao nghe Ba gọi Má hoài
Mình ơi!
Thiết tha Má vội đáp lời
Mình à!
Ngọt lịm như là miá lau
Chữ Mình sao quá khít khao
Không buộc không thắt ngọt ngào
Mình ơi!
Dẫu đời sống gió lao đao
Chữ Mình chắn gió ba đào
Lặng im!
Chồng chành thuyền những vỡ chìm
Chữ Mình chèo chống nối liền
Má Ba!

Kim Oanh
Melbourne10/5


Mình Ơi


(Từ bài Mình Ơi! của Kim Oanh... 
    Tiếng Mình của miền Nam quả là ngọt lịm ...)

Chữ MÌNH tuyệt diệu lắm, EM ơi
Nghe mát lòng nhau cả cuộc đời
Cho dãu cuộc đời đầy sóng gió
Mình ơi ... ngọt lịm thấm bao lời

Mình ơi, hai tiếng thật thân thương
Gói ghém tình thâm suốt đoạn đường
Ngày tháng êm đềm theo tiếng gọi
Cùng chung tâm ý nguyện lòng vương

Mình ơi, thỏ thẻ những chiều xuân
Trang trải lòng yêu đến vạn lần
Sương gió vui buồn cùng một dạ
Gọi mình là đủ, đẹp muôn phần ...

Hoàng Dũng
11/5/2014

Thơ Tranh: Chùm Gởi


Thơ: Nguyễn Diêu Anh
Thơ Tranh: Kim Oanh

Mùa Hè Nồng Cháy - Heinrich Heine



Sơ Lược Tác Giả:
Heinrich Heine là nhà thơ Đức rất nổi tiếng cùng thế kỷ với Petofi.
Sinh: Ngày 13 tháng 12 năm 1797 tại Düsseldorf
Mất: Ngày 17 tháng 2 năm 1856 (tuổi 58) tại Paris, Pháp
Ông là nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà phê bình văn học

Thế kỷ 19 là những năm nhân loại được đón nhận những nhà thơ mà cái tên và những thi phẩm của họ đã trở thành bất hủ và là tài sản chung như Byron ở Anh, Victor Hugo ở Pháp, Michkievich ở Balan, Lecmontop, Puskin ở Nga, Sandor Petofi ...và Heine, Goether ở Đức. Mùa hè nồng cháy là một bài thơ tình rất hay.

"Es liegt der heiße Sommer"

Es liegt der heiße Sommer
Auf deinen Wängelein;
Es liegt der Winter, der kalte,
In deinem Herzchen klein.

Das wird sich bei dir ändern,
Du Vielgeliebte mein!
Der Winter wird auf den Wangen,
Der Sommer im Herzen sein.

Heinrich Heine 

Bài Dịch:
Mùa Hè Nồng Cháy

Mùa hè nồng cháy.
Ở trên má em.
Mùa đông lạnh lẽo.
Ở trong tim em.

Nhưng có một ngày.
Hỡi em!
Mùa đông sẽ trên má.
Mùa hè sẽ trong tim.

Tế Hanh dịch
(Hhai sưu tầm)

Hỡi Em



Đọc thơ em thấy nhớ
Trường xưa, nhà cũ, bạn thuở nào
Trôi theo dòng sông ra biển
Biết thuyền nhỏ về nơi nao?

Bao nhiêu kỷ niệm êm đềm
Ngày xưa hạnh phúc biết bao
Bây giờ nhớ lại
Hãy nói mình phải làm sao?
Hỡi em!

Huỳnh Hữu Trí
Long An2010

Cái Ăn Của Người Xưa

    

      Người Việt mình sống trên địa bàn khí hậu nhiệt đới, với đặc thù nông nghiệp lúa nước, nên thực phẩm, ăn uống cũng xuất phát trên cơ sở đó.

      Hỏi vậy tới nay ta có bao nhiêu món ăn tất cả?
      Theo thống kê sơ bộ, thì ta có độ trên 3000 món ăn từ Bắc vô Nam; trong đó có những món đặc thù của ta, có những nón vay mượn của người Tàu, Miên, Ấn và các nước Âu Châu.
      Vậy trong lịch sử từ xưa đến nay có sách nào của mình nói về ăn uống không ?
Thật không có sách viết về ăn uống của người mình với tánh cách là “văn hóa”, nhìn dưới dạng “dân tộc học”, như ngày nay.
      Phải chăng người mình có thói quen cho rằng ăn uống là việc bếp núc, đàn bà con gái!



      Nay thử tìm cội nguồn sự biến đổi của món ăn, để thấy đâu là quốc hồn quốc túy.
      Theo dòng lịch sử nước nhà thì đến thể kỷ XV mới thấy ông Nguyễn Trãi (1380-1442) nói đến một ít về lương thực, thực phẩm, ăn uống nói chung của ta trong cuốn “Địa Dư Chí ” (1435).
Thuở đó ông chỉ nêu một số món nổi tiếng quanh Hà Nội như là “đặc sản” lúc bấy giờ. Đó là rượu cúc, rượu sen ở làng Hoàng Mai, rượu nếp làng Đông Thái, trái vải ở Quang Liệt, cá rô ở Đầm Sét . . .
      Đến thời Lê Quý Đôn (1726-1784) có kể thêm các món ăn nổi tiếng của ta, và cũng liệt kê các địa phương gắn liền với đặc sản đó, trong tác phẩm “Vân Đài Loại Ngữ ” (4 quyển).
Như Trà Bang nơi bán các loại trà nổi tiếng, dưa hấu Hà Đông, cà Đại Lữ, khoai ở làng Đông Dư, mít ở Cổ Loa, bưởi ở Đông Lao.
      Mãi đến nhà Nguyễn, qua cuốn “Đại Nam Nhứt Thống Chí” (1882) sử quan đã thống kê các món ăn dựa vào hai tác giả trước như là Nguyễn Trãi và Lê Quý Đôn, nên chủ yếu là các món ăn ở miền Bắc mà thôi.




      Còn trong dân gian, người mình nhìn ăn uống ra sao?
Qua ca dao, tục ngư, thấy được dân mình ăn uống đạm bạc, và ăn cốt để sống mà thôi. Như các câu sau đây:

-Bữa cơm, bữa cháo.
-Bát cơm rau mát, rau sam,
Yêu nhau chẳng nở thở than nửa lời.
-Ăn mắm lắm cơm.
-Ăn cơm không rau, đánh nhau không gỡ.
-Ta về ta sắm cần câu,
Câu lấy cá bống nấu rau tâp tàng.
Hoặc chê bai, dèm pha người thích ăn ngon !
-Ăn thì chọn những miếng ngon,

Làm thì chọn việc cỏn con mà làm.


      Đối với người dân, đời sống thường thiếu ăn, nên khi có dịp giỗ chạp, cưới hỏi, người ta mới chú trọng, quan tâm đến ăn uống.
      Đến khi người Tây Phương can thiệp vào nước ta làm cho đời sống xã hội mở cửa, thông thoáng hơn, góp phần giúp cho các món ăn của ta giao lưu, sàn lọc, khẳng định để rồi có vài món đã trở thành tiêu biểu, lưu truyền đến nay như là món ăn quốc hồn quốc túy.
      Trong từ điển của ông cố đạo A. De Rhode xuất bản năm 1651 có kể ra các món ăn thông dụng của ta ngày xưa mà vẫn còn lưu truyền đến nay, đó là: cơm, xôi, cháo, cốm, bún, chè, chả, nem, dồi, gõi, chao, tương, mắm . . .
      Sau đó trong từ điển của ông Huỳnh Tịnh Của (1895) rồi ông Génibrel (1898) có ghi thêm 44 món ăn như : bánh chưng, bánh khoái, bánh rán (bánh tráng), bún, chả, giò lụa, tiết canh, canh riêu, đậu hủ, hủ tiếu, lạp xưởng, lẩu trong đó có nhiều món du nhập của người Tàu . . .
Vậy có thể lấy cái mốc từ thời ông A. De Rhode vào thế kỷ thứ 17 để tìm hiều về ẩm thực của ta từ thời đó, hầu dung bồi cho nó trở thành món ăn quốc hồn quốc túy của dân tộc.





      Do đặc thù của lịch sử, ngày nay chúng ta có các vùng ẩm thực tiêu biểu, như Hà Nội, Huế, Saigon, Cần Thơ, Gò Công. Các nơi đó có những món ăn vừa ngon, vừa được biết như là quốc hồn quốc túy vì đã thử thách qua thời gian, được nhiều người tiêu dùng chấp nhận.
Ngoài Hà Nội, Huế ,Saigon; Cần Thơ là tiêu biểu cho lối ăn uống của Lục Tỉnh, phản ảnh triết lý “good to eat”, ăn ngon vì nó ngon thật.
      Còn Gò Công vì là quê hương của bà Từ Dũ, bà Nam Phương, nên món ngon Gò Công đã được đưa ra       Huế để tiến cung, dâng lên vua và từ đó phổ biến đi nhiều nơi khác trong cả nước, được nhiều người chấp nhận.
      Trên 3000 món ăn của ta suốt từ Bắc vô Nam có những món được gọi tên khác nhau, hoặc gọi giống nhau nhưng vật liệu làm nên khác nhau, hương vị cũng khác nhau.
Theo thống kê hiện có 137 món gọi tên khác nhau giữa Bắc và hai miền Trung, Nam, đó là trường hợp các món có xuất xứ ở miền Bắc.
      Thí dụ như món Giò : Giò ở Bắc là món làm bằng thịt heo thái mỏng (hoặc giã nhỏ) bó chặt bằng lá rồi đem luộc chín; trong miền Trung và miền Nam thì gọi là Chả. Chả ở Trung và Nam còn bao gồm các món được làm bằng thịt, cá, tôm giã nhỏ đem nướng, hấp, luộc và chiên ( tất cả cũng gọi là chả).
Có món từ nước Tàu vào miền Bắc, miền Trung, miền Nam đều gọi khác nhau. Như “món bột đậu nành hấp chín như miếng bánh” (từ điển Huỳnh Tịnh Của), thì trong Nam gọi là “đậu hủ”, miền Trung gọi là “đậu khuôn”, miền Bắc gọi là “đậu phụ”
      Món “hủ tiếu Tiều” vào Đàng Trong thì đã thay đổi nội dung đến cái tên gọi như “hủ tiếu Mỹ Tho”, hủ tiếu Nam Vang”, “hủ tiếu Bà Năm Sa Đéc” có thịt bầm, giò heo, tôm chiên, trứng cúc ăn kèm theo giá sống, rau cải tần ô, khác hẳn hủ tiếu Tiều.





      Đại cương các món ăn người mình được chia ra mấy nhóm căn bản sau đây:
1.Món cơm : cơm nấu, hấp, cơm chiên, cơm dương châu, cơm rang, cơm khô . . .
2.Món canh : canh rau cải, canh chua, canh khoai, canh bột, canh ngọt (bí, chuối) và lẩu
3.Món kho : Cá kho, thịt kho, tôm kho, kho khô, kho quẹt, kho tộ, kho lạt, kho ngót . . .
4.Món xào chung với rau cải
5.Món chiên, nướng, chưng, hấp
6.Món gỏi, món cuốn, chả, nem, giò . . .
7.Món chấm : nước mấm cá biển, cá đồng, cá nước lơ, muối ớt, muối tiêu. . .

      Ăn uống của người mình còn phản ảnh phong cách sống của tổ tiên nữa. Như tục ngữ:
- No mất ngon, giận mất khôn.
- Ăn cơm thiếu đũa.
- Giã gạo dư chày.
- Ăn cháo đá bát.
- Cha ăn mắm, con khát nước.

      Ngày nay dưới cái nhìn văn hóa thì ăn uống cần phải thanh lịch nữa, nên mới gọi là văn hóa ẩm thực.
Trong ăn uống người mình chịu ít nhiều ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Nhiệm vụ của các nhà văn hóa, các nhà dân tộc học, là tìm hiểu nguồn gốc các món ăn, làm cho ẩm thực Việt Nam trở thành một bộ phận của văn hóa Việt.
      Trước tình hình nhân loại đi vào hội nhập, cái “quốc hồn quốc túy” cần phải được khẳng định, và ăn uống sẽ góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc vậy.

Nam Sơn Trần Văn Chi  


Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

Mẹ!




Con về thăm lại xóm xưa
Vẫn con đường nhỏ nắng mưa hai mùa
Nhà ai chiếc võng đong đưa
Con sông còn đó người xưa đâu rồi
Qua sân chỗ mẹ thường ngồi
Nhìn băng đá cũ bồi hồi xót xa
Bao mùa mưa nắng trôi qua
Bao mùa nước nổi con xa xứ mình
Con như bóng, Mẹ như hình
Còn đây chiếc bóng nhưng hình mẹ đâu
Cho con về lại ban đầu
Nhặt từng kỷ niệm ép vào lòng con
Mẹ ơi tình mẹ vẫn còn
Dù bao năm tháng trăng tròn vẫn quay.

Biện Công Danh
Tháng 6 / 2011.

Ngày Lễ Mẹ


Ngoài kia ánh nắng vừa đi vắng
Đêm đến nhẹ nhàng như tối qua
Nghe gió rì rào bao nhắc nhở
Những ngày xưa cũ đẹp như hoa

Bên tách trà khuya còn bốc khói
Mùi thơm nhè nhẹ thoáng đam mê
Nơi đây xứ lạ lòng mong mỏi
Đất Mẹ xa xôi lạc bước về

Từng buổi Xuân về bao khắc khoải
Mấy lần lỡ hẹn viếng Quê Hương
Mẹ ơi ! Năm tháng hoài xa mãi
Lần lữa xuân tàn, ôi nhớ thương

Giờ đây nắn nót vần thơ nhỏ
Xin gởi về quê những vận son
Mong có một ngày hạnh phúc đó
Gia đình sum họp, giấc mơ tròn ...

** Viết cho ngày lễ Mẹ, và chúc đến những ai còn Mẹ hay xa vắng Mẹ được hưởng ngày Lễ MẸ thật là đầm ấm, thân thương.

Hoàng Dũng

Buồn Thiu


Nhịp võng đong đưa giấc ngủ trưa
Ầu ơ mẹ hát khúc giao mùa
Cho con khôn lớn theo ngày tháng
Chợt nhớ mẹ hiền – mơ dáng xưa.

Tôi ngồi nhìn lại nhũng hàng cây
Bờ sông, con rạch nước dâng đầy
Trên cao những cánh diều đi lại
Mặc gió tung hoàng thổi lắt lay.

Tôi nhìn tóc mẹ phủ khăn choàng
Quần vo áo vận mẹ lang thang
Bán từng quả khế, chanh, cóc, ổi
Quang gánh đầu thôn đến cuối làng.

Gần nhà cô bạn thích me keo
Dù gai chơm chỡm cũng ráng trèo
Chùm me chín mộng màu đo đỏ
Em chép miệng cười – tôi ngó theo.

Có lúc em khen nhánh phượng hồng
Tôi leo bị té xuống dòng sông
May sao con nước rong vừa lớn
Nâng đở thằng cu sớm bốc đồng.

Những buổi âm u đến sân chùa
Trầm tư cô tịch nắng lưa thưa
Mẹ đi buôn bán em đi học
Lặng lẽ tôi ngồi đếm giọt mưa.

Bây giờ tóc đã úa màu tiêu
Mẹ đã đi xa một buổi chiều
Em bỏ làng quê đi mất biệt
Còn tôi thơ thẩn mặt buồn thiu.

Dương Hồng Thủy
( Ngày của Mẹ 11/05/2014)


Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

Chúc Mừng Ngày Hiền Mẫu

Nhân Ngày Hiền Mẫu Suối Dâu thân kính chúc quí anh chị, thân hữu và các bạn một Ngày Hiền Mẫu thật Hạnh Phúc và An Lành.


Suối Dâu

Đượm Tình Mẹ Cha - Thơ Lê Kim Hiệp - Phổ Nhạc NPTịnh Hiếu&NPĐăng Khoa





Thơ: Lê Kim Hiệp
Phổ Nhạc&Hát:NPTịnh Hiếu
Hoà Nhạc:NPĐăng Khoa

Vầng Thơ "Mừng Ngày Lễ Mẹ Chủ Nhật 11-5-2014"




Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp đậu (một) như đường mía lau

Nhớ Mẹ
Kính dâng hương linh Từ Mẫu
nhân ngày Lễ Mẹ

Nhớ Mẹ ! Mẹ ơi ! nhớ suốt đời !
Không riêng ngày Lễ Mẹ mà thôi.
Thương con nào kể thân kham khổ
Vì trẻ thiết gì chuyện nghỉ ngơi.
Ôi nghĩa sinh thành đâu báo đáp
Mà ơn dưỡng dục chửa đền bồi.
Sụp đầu lạy tạ tuôn trào lệ
Có thầu lòng con hỡi Mẹ ơi?

Mother's Day 11 /5/ 2014
Quang Tuấn
***
Mẹ Và Lời Ru

Từ khoảng trống bước vào rừng
Mát rợp
Từ dòng đời về bên mẹ
An tâm
Mẹ là cây cả, bóng râm
Gốc to treo võng con nằm thảnh thơi
Xuyên qua kẽ lá, nhìn trời
Thấy màu xanh thẳm rạng ngời niềm tin
Bên tai ríu rít tiếng chim
Như lời của mẹ êm đềm ru con
Bao năm nước chảy đá mòn
Lời ru của mẹ mãi còn khắc ghi
" Đố ai biết lúa mấy cây
Biết sông mấy khúc, biết mây mấy tầng ? "
Cánh cò bay lả trên đồng
Nhịp gàu tát nước bên sông trăng đầy
Cho con yêu mảnh đất này
Yêu từng con suối, ngọn cây, khoảng rừng
" Đêm qua chớp bể mưa nguồn
Hỏi người tri kỷ có buồn chăng ai ? "
Nhớ thương suốt mấy canh dài
" Thiếp trong song cửa , chàng ngoài chân mây "
Nỗi lòng gởi bóng trăng gầy
Thủy chung muối mặn gừng cay một đời
Dù bao vật đổi sao dời
Lời thề non nước ngàn đời sắt son
Lời ru thấm đẫm hồn con
Dù cho núi cạn sông mòn, chẳng quên
Tình yêu chung thủy vững bền
Tình chung đất nước, tình riêng vợ chồng
Gia đình cùng với non sông
Nghĩa tình sâu đậm một lòng chẳng phai
Đời con sắp trọn đường dài
Lời ru của mẹ bên tai mãi còn...

Phương Hà
( Ngày Mẹ 11/5/2014 )
Ghi chú: Những dòng chữ trong ngoặc kép là trích trong Ca Dao hoặc Chinh Phụ Ngâm

Mẹ Tôi - Nhị Hà - Phạm Đăng Hưng

     
 Tôi sẽ tặng cho bạn một bông hồng màu đỏ, vì bạn là người hạnh phúc nhất trần gian còn có mẹ.
      Bây giờ hãy yêu thương và lo phụng dưỡng tuổi già của mẹ.  Nếu ở xa bạn hãy nhanh trở về để ôm mẹ trong vòng tay và nói rằng con yêu mẹ lắm mẹ ơi!
      Còn tôi, tôi tự cho mình một bông hồng màu trắng vì tôi không được diễm phúc như bạn, tôi đang hối hận vì trước đây không ở gần để chăm sóc và phụng dưỡng cho mẹ. 
      Bây giờ chỉ tôi còn biết đốt nén nhang nhìn làn khói tỏa, để mà tưởng, để mà nhớ, mà thương, mà tiếc . . .mẹ mà thôi!!!


Sáng Tác: Nhị Hà
Ca Sĩ: Phạm Đăng Hưng
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Ơn Má

    
   
      - Má! Sao hồi đó má cắt tóc con trai cho con vậy má?
      - Tại con muốn.   
      - Lúc đó con được bao nhiêu tuổi vậy má?
      - Con được ba tuổi?
      - Ba tuổi! Chỉ ba tuổi, sao con muốn mà má cho?
     - Con không biết đâu! Vì tính con cương nghị, nói một là một hai là hai. Con biết hôn, lúc con học lớp Năm, dượng Bảy bảo má cho con nghỉ học, giúp má lo công việc nhà. Nhưng má không chịu, đời của má, má không được học nhiều, còn tụi con, muốn học đến đâu má cho học đến đó.
      - Sao dượng Bảy lại chọn con, bắt con nghỉ học hả má?
      - Vì anh chị con đã đi học xa hết rồi. Với lại, con là đứa chịu cực, chịu khổ.

       Đó là cuộc đàm thoại ngắn ngủi của hai má con, trong những ngày cuối đời của bà. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi được nghe qua về cá tính của mình lúc còn nhỏ và sự quyết định cao cả của má. Nhờ quyết định sáng suốt đó, tôi có được như ngày hôm nay.

      Hai má con chỉ nói được chừng ấy, bà trở mệt, thở gấp, hổn hển, yếu dần rồi im lặng. Trong im lặng xót xa đó, tôi thấy bà đưa mắt nhìn lên bức ảnh má chụp chung với ba lúc sinh thời. Rồi má hướng về cây thánh giá gỗ đặt cạnh khung ảnh, được ông anh rễ mang từ Gia Nã Đại sang. Lặng người đi một lúc, lòng tôi chùng xuống như thể vượt quá sức chịu đựng. Một cảm xúc bật trào dâng, thôi thúc, tôi đưa tay nắm lấy bàn tay gầy xương của má và vuốt nhẹ lên lưng bàn tay. Cử chỉ ve vuốt, cứ thế được lặp đi lặp lại. Vẫn giữ chặt bàn tay xanh xao, lạnh giá của má... “ Con cám ơn, vì má không nghe lời dượng Bảy. Má mà cho con nghỉ học, giờ này con dốt, chắc con tức chết.”
      Những ngày liên tiếp, bao câu chuyện xa xưa, hằng đêm được tôi gợi lại. Về phần má, được nhắc nhớ, nên say sưa kể và hình như bà quên cơn đau. Cảm giác được nằm cạnh má thủ thỉ, đưa tôi trở về thời bé dại. Hạnh phúc dù muộn màng, đau thương, nhưng đã đưa hai má con êm ả đi vào giấc ngủ.

      Một người ngoại đạo như má, bà giữ việc thờ cúng tổ tiên làm trọng. Vậy mà, má bảo tôi thưa với Cha cho câu kinh để má học. Cha biết thời gian còn lại của má không bao lâu, chỉ một tuần nữa thôi, nên Cha chọn lời kinh thật ngắn. Đồng thời chuẩn bị tâm lý cho má, hàng đêm tôi cùng má nghe đài phát thanh Việt Ngữ SBS lúc 7 giờ. Đến 8 giờ, má lắng nghe lời giảng về lý vô thường trong cuồn băng được thu lại. Mười lăm phút sau, má bắt đầu học kinh… “ Lạy Chúa con xin ký thác…”. “Má có tiền không mà ký thác?” Mỗi lần má đọc sai như thế, tôi thường trêu ghẹo cho má vui. Má vui thật! Tiếng cười trong như trẻ thơ của má vang lên. Tôi cười theo, không quên dặn dò “ má cố gắng thuộc để đọc cho Cha nghe nhe má.” Như bỏng phải nước sôi “ ý…ý Cha đến con đừng nhắc nghe, chừng nào má thuộc kinh, má sẽ đọc cho Cha nghe. Không biết Cha có biết thầy giáo Phụng không? Hồi đó má đi học, đứa nào không thuộc bài bị thầy đánh dữ lắm.” Kể từ đó, sau mỗi lần đọc xong câu kinh má tôi ngủ trong bình yên mà không dùng đến thuốc an thần như trước đây.

      Hồi tưởng như đang trở về, nét mơ màng được hiện rõ trên khuôn mặt má. Bà đang sợ Cha!? Thật ra, Cha chỉ vào tuổi con trai út của bà thì cách chi Cha biết đến thầy giáo Phụng. Ba hôm sau bà đã thuộc lào “Lạy Chúa con xin phó thác hồn xác trong tay Ngài”. Chỉ mỗi việc thuộc bài thôi mà mắt môi bà trở nên rạng rỡ. Bà xin thêm lời kinh thứ hai để học tiếp. Nhưng rất tiếc, má chỉ thuộc một nửa và muôn đời không còn cơ hội để học tiếp một nửa còn lại. Tuy nhiên, bà ra đi chậm hơn một tuần, không như lời dự liệu của bác sĩ.

        Trong những ngày cuối đời của má, hằng đêm sau lời kinh má đọc, tôi thường hay ve vuốt bàn tay bà. Bởi vì, lần đầu tôi cảm nhận được, khi tôi xoa xoa bàn tay gầy guộc. Những lúc ấy, má im lặng, nhưng hình như có một sợi dây thiêng liêng nồng nàn yêu thương nào đó, kết chặt qua sự tiếp xúc của “tay trong tay”. Điều đó muôn đời, tôi khó mô tả hết cảm xúc. Thật ra, sự ve vuốt này, tôi lấy từ bài học Hướng Dẫn Con Vào Đời, về phương cách dạy con đã học được và đem áp dụng với bà. Qua bài học yêu thương trẻ con..."Thương con không phải chỉ bằng lời nói mà còn cần cử chỉ âu yếm vuốt ve..."
      "Tay má đẹp quá hà…vừa thon lại vừa mềm. Còn tay con, ngón cứng ngắt.” Má mỉm cười, “Tại con cực quá!" nhưng " Má còn cực hơn con nữa, mà tay má mềm xèo”, giọng nói nũng nịu của tôi và má hòa đồng nên đáp lại bằng tiếng cười khúc khích trẻ thơ.

        Đến khuya, má lên cơn đau dữ dội, bà hết ngồi lên rồi lại nằm xuống, trăn trở. Tôi ứa lệ, câm lặng và cùng đồng hành với những động tác của má. Má đau thân xác, còn tôi, một tâm hồn tan nát, không gánh giùm được nỗi đau cho má. Trong cơn đau đớn thế kia, má vẫn không quên lo lắng cho con gái mình “Con thức như vầy rồi làm sao sáng mai đi làm cho nổi!”
       Bà lại ngồi bật dậy và thều thào “ôm má đi con”. Tôi ôm má với đôi mắt ứa lệ, vòng tay tôi siết nhẹ, từ từ chặt hơn. “ Má có sợ chết không má?”. Bằng một giọng cố gắng bình thản, nhẹ như hơi sương, tôi hỏi má. Thật ra hơn tuần nay, tôi biết rõ, ngày này sẽ không tránh khỏi, nên tôi đã cùng bà thực tập an lạc hầu giúp má thanh thản trong lúc ra đi. Với giọng bình thản " Má không sợ chết. Má chỉ sợ không ai lo cho con Ngân”. Ngân là đứa cháu nội đi du học, đang ở chung với bà.

         Trong im lặng, tôi đứng yên và ôm má, siết nhẹ thật lâu. Được một lúc, má lại thều thào “ Má hơi mệt, cho má nằm xuống đi con và con cũng ngủ đi để ngày mai còn đi làm.”
         Đến 6 giờ sáng, em tôi đến thay tphiên để tôi đi làm. Nội nhật hôm đó, má được đưa vào bệnh viện trở lại khi cơn đau dữ dội hơn.
      Đến chiều về, tôi vào thăm má, thoáng chút ngạc nhiên khi anh chị em tôi yên lặng quá. Bước vào phòng bệnh, tôi nghiêng mình hỏi “ Má biết ai đây không má?” Giọng của bà thật yếu “Con Phượng chớ ai”. Tôi nhoẻn miệng cười và vờ vô tư trò chuyện, nhưng má im lặng. Tôi nghĩ có lẽ má cần nghỉ ngơi. Bỗng chốc, tôi thấy mắt má nhướng lên, rồi chìm sâu, khép nhẹ. Một phản ứng tự nhiên, tôi gọi với ra ngoài “vào nhanh…nhanh lên”.
       Các con má đang đứng đó, má đã thanh thản ra đi đúng 8giờ 30 tối ngày 23 tháng 9 năm 2002. Và “con Phượng chớ ai” là lời nói cuối cùng của má.

      Tám năm trôi qua, mỗi lần đến Ngày Nhớ Ơn Mẹ, như một thói quen cố hữu, tôi lại nhìn xuống đôi bàn tay mình, rồi hướng tầm mắt xa xăm, như tìm kiếm trong cõi mênh mông kia một bóng hình…muôn đời có nhau. Má qua đời, tôi còn rất nhiều điều để nuối tiếc. Nhưng tôi không hối hận hay đau lòng, ngược lại rất hài lòng về cách ứng dụng bài học hướng dẫn con mà tôi đã học từ một vị Linh Mục và đem áp dụng với má. Yêu thương không phải chỉ bằng lời... Thương má không phải là một bổn phận, ngọt ngào tình thương cho và nhận bằng cử chỉ âu yếm vuốt ve. Tôi đã ve vuốt được đôi bàn tay má khi bà còn sống, còn biết, còn nghe được…

     “ Tay của má đẹp quá hà…!”

Kim Phượng
 9/5/2010

Thơ Tranh: Mẹ Yêu


Thơ: Lục Lạc
Thơ Tranh: Kim Oanh

Má Ơi Con Đã Mồ Côi

  
       (Kính dâng Hương hồn Má thân yêu)

Má ơi, con đã mồ côi
Còng vai gánh nặng một trời tiếc thương
Chiều nay đất Mỹ bão giông
Khi hung tin xé nát lòng con ra

Ðường từ Chương Thiện mù xa
Chín năm con mãi bôn ba xứ người
Chín năm chẳng thấy Má cười
Chỉ nghe tiếng khóc bồi hồi chờ mong

Bây giờ Má đã hư không
Bây giờ nước đã bỏ sông ra nguồn
Con về hai nhánh tay buông
Dài như thân phận lưu vong tù đày

Con về bước đắng bước cay
Dẫm chân đi giữa chông gai cuộc đời
Má ơi, con đã mồ côi
Còng vai gánh nặng một trời tiếc thương.

Phạm Hồng Ân

Chiếc Lá Lìa Cành - Thơ Yên Dạ Thảo - Hương Nam Diễn Ngâm



Mỗi độ thu về buồn khắc khoải 
Nhớ mẹ hiền lệ mãi tràn tuôn 
Biệt ly mẫu tử đoạn trường 
Lệ sầu lưu luyến hòa dòng Mê kông 

Cha qua đời, cô phòng gối chiếc 
Mẹ hẩm hiu trăm việc lo toan 
Miếng cơm, manh áo vẹn toàn 
Đôi vai trĩu nặng tảo tần nuôi con 

Thương mẹ già sớm hôm vất vả 
Bao năm trường mệt lã thân gầy 
Tóc xanh sớm điểm bạc phai 
Đêm tay gát trán, thở dài nhẹ buông … 

Lại thêm trẻ tha hương viễn xứ 
Bước vào đời bao thứ đắng cay 
Ưu phiền chồng chất năm dài 
Mẹ như chiếc lá vàng bay lìa cành 

Mùa thu mẹ an lành giấc ngủ 
Con nửa vòng hoàn vũ khóc thương 
Xa xôi cách trở dậm trường 
Trầm hương tưởng niệm lệ buồn nhớ nhung!

Yên Dạ Thảo

Trên Sông Cổ Chiên


                 (Tặng Lâm Hảo Dũng)               

Mái chèo khuấy nước trên sông lặng
Hay khuấy động ngàn mây trắng phau?
Êm êm thuyền lướt trong sương mỏng
Tưởng lướt trong trời quê thuở nào.

 Bãi sậy bờ lau phơi trắng bông
Bờ xa, lò gạch nắng nung hồng
Bóng soi bao thuở dòng năm tháng
Mờ tỏ theo con nước lớn ròng.

Ơi, dãy cồn bần nằm gối giấc
Dưới trời đầm ấm buổi thanh bình
Đợi chờ một bóng buồm mang lại
Câu chuyện thần tiên có chúng mình.

Ơi, lò rèn nép bên rìa sóng
Có thấy buồn giăng lưới tịch thôn?
Tiếng búa tháng ngày khua tịch mịch
Vọng dòn buổi sáng, nện hoàng hôn.


Thuyền ghé vườn cau, thăm bến dừa
Chuyến về ghé lại khúc quanh xưa
Trên dòng ký ức muôn hình bóng
Khỏa lớp sương mù, thắp nắng trưa.

Quán vắng trên vàm rạch cũ ơi!
Đêm đêm leo lét ánh sao trời
Ngọn đèn khí đá soi lành lạnh
Xao xác ba canh tiếng nói cười.

 Bè gỗ xa giang đầu tít tắp
Chiếc sào chống nhẹ, lướt phăng phăng
Đỏ hồng ánh lửa, đêm neo lại
Thả mộng ao nhà, cá đớp trăng.

Châu thổ, vòng tay âu yếm đón
Tôi về uống nước ngọt sông xuân
Vàm khơi dẫu gửi bao âm vọng
Tâm tưởng dần im sóng hải tần.
 
Hồ Trường An


Chợ Quê


Nhọc nhằn nặng trĩu đôi vai
Chợ quê mẹ gánh nắng mai đường về
Đầu làng mẹ rẽ chân đê
Tiếng reo con trẻ, quà quê chia phần
Đường đời chìm nổi bao lần
Nhặt trong nỗi nhớ đánh vần..." mẹ ơi!"...
Hình như ta đã đánh rơi
Đâu màu hoa cỏ một thời xưa xa
Ngỡ như còn mới hôm qua
Thoảng hương cau trắng... quê nhà thoảng hương...


Ngoc Hải

Du Tử Ngâm


    

Chúa Nhật thứ hai của tháng 5 hằng năm là ngày LỄ MẸ ( Mothers'day ) ở Mỹ. LỄ MẸ năm nay nhằm ngày Chúa Nhật 11 tháng 5 tới đây. VN ta không có ngày Lễ Mẹ chính thức, mọi người lấy ngày Lễ Vu Lan Bồn là ngày rằm tháng 7 Âm lịch làm ngày tưởng nhớ đến Mẹ Hiền. Trong thời Đệ Nhị Cộng Hòa ở Miền Nam, nhà sư Nhất Hạnh lấy ngày Rằm tháng 7 này làm ngày Bông Hồng Cài Áo. Ai còn Mẹ thì được cài một bông hồng màu ĐỎ, người nào chẳng may đã mất Mẹ rồi thì cài một bông hồng màu TRẮNG lên áo để tưởng nhớ đến Mẹ Hiền....

Nay, nhân ngày Lễ Mẹ ở xứ người, lại nhớ đến ngày Lễ Vu Lan ở xứ ta, xin chân thành gởi đến tất cả mọi người một Bông Hồng...Thơ, để tưởng nhớ đến Mẹ Hiền qua tâm tình của một Du Tử phiêu bạt phương trời : Bài thơ " DU TỬ NGÂM " của Mạnh Giao đời Đường...

DU TỬ NGÂM            遊 子 吟

Từ mẫu thủ trung tuyến    慈 母 手 中 
Du tử thân thượng y         遊 子 身 上 
Lâm hành mật mật phùng 临 行 密 密 
Ý khủng trì trì quy            意 恐 遲 遲 
Thùy ngôn thốn thảo tâm  誰 言 寸 草 
Báo đắc tam xuân huy      報 得 三 春 

Mạnh Giao                        孟 郊


    
Bài thơ có tựa là KHÚC NGÂM của NGƯỜI DU TỬ, người lãng du phiêu bạt giang hồ nhớ về Mẹ như sau:

Sợi chỉ trong tay bà mẹ hiền, khâu nên chiếc áo ở trên mình người du tử. Lúc ra đi, mẹ đã từng mũi từng mũi một khâu thật chắc, ý sợ rằng con mình mê mãi thú giang hồ mà nấn ná dần dà trễ tràng trở về quê cũ. Ai bảo rằng tất lòng của cọng cỏ non kia, có thể báo đáp được ánh nắng ấm áp của ba tháng mùa xuân.( Trong mùa đông, cỏ chết rụi cả, chỉ sống lại nhờ ánh sáng của mùa xuân mà thôi !).

Ôi, nỗi lòng thương con của bà mẹ thật tỉ mỉ, chi li, nhưng lại bao la sâu rộng vô cùng. Bà không trách con đi lâu, cũng không buộc con phải về sớm, vì bà biết tánh lãng tử của con mình. Bà chỉ âm thâm chắc chiu từng mũi kim cho thật chặc, chỉnh e khi ở xứ lạ quê người, áo của con bị sứt chỉ đường tà sẽ không có ai khâu hộ. Việc tuy nhỏ nhặt, nhưng lại hàm chứa biết bao nỗi thương yêu lo lắng của Mẹ Hiền. Tác giả đã kết bằng cách mượn nỗi lòng của một tấc cỏ nhỏ nhoi, thì làm thế nào có thể báo đáp cho được ánh nắng ấm áp của 3 tháng mùa xuân đã mang sức sống và xanh tươi đến cho vạn vật muôn loài cho được !

Khi diễn tả cô Kiều cân nhắc giữa tình và hiếu, rồi quyết định bán mình chuộc tội cho cha. Hành động bán mình là việc làm cao cả, vĩ đại, nhưng đối với công lao trời biển, sanh thành dưỡng dục của cha mẹ thì Nguyễn Du vẫn cho là chưa đủ, cho nên ông đã dùng chữ " Liều " một cách rất tài tình:

Hạt mưa xá nghĩ phận hèn
LIỀU đem TẤC CỎ quyết đền BA XUÂN!


Sự thật, bán mình chuộc cha thì cô Kiều có thể nói đã hoàn toàn trả được chữ hiếu rồi !( hết đời rồi , còn gì nữa ! ): " Bán mình là hiếu, cứu người là nhân " mà, và như Sư Tam Hợp đã nói : " Bán mình đã động hiếu tâm đến trời ". Nỗi lòng " tấc cỏ " của cô Kiều khả dĩ nói là đã đáp đền được " ánh nắng của ba xuân " rồi hay chưa ?

DIỄN NÔM:

Kim chỉ trên tay từ mẫu,
Khâu nên áo lãng du nhân.
Khi đi chắc chiu từng mũi,
Sợ ngày về lắm lần khần.
Ai bảo nỗi lòng tấc cỏ,
Báo đền được nắng ba xuân ?!

LỤC BÁT:

Đường kim mũi chỉ mẹ hiền,
Khâu nên chiếc áo trên mình lãng du,
Chắc chiu từng mũi từng khâu,
Sợ e con trẻ đi lâu chửa về
Ai rằng tấc cỏ bên lề,
Báo đền được ánh nắng về ba xuân?!


Đỗ Chiêu Đức

GIỚI THIỆU TÁC GIẢ: 
MẠNH GIAO 孟郊 ( 751- 814 )

Mạnh Giao tự là Đông Dã, người đất Võ Khang. Lúc nhỏ ở ẩn trong núi Tung Sơn, tánh tình thầm lặng, làm thơ hay thiên về lý trí, lại chắt lọc từng chữ một. Hàn Dũ rất mến tài ông mà kết thành bạn vong niên. Mãi đến năm 50 tuổi ông mới đậu Tiến Sĩ ở niên hiệu Trinh Nguyên đời nhà Đường. 

Ngoài bài Du Tử Ngâm được nhiều người biết đến, Mạnh Giao còn nổi tiếng với bài Liệt Nữ Tháo. Cả hai bài đều làm theo thể Ngũ ngôn Cổ phong.( Mỗi câu năm chữ, có thể gieo cả vần Bằng lẫn vần Trắc và không hạn định số câu của một bài.). 

Xin cầu chúc tất cả mọi người đều có một ngày Lễ Mẹ tuyệt vời! 

Đỗ Chiêu Đức.
* * *
Anh Chiêu Đức thân mến,
Trước đây, tôi có có xem qua bài Cổ Phong "Du Tử Ngâm" của Mạnh giao, bài thơ này đã mang đến cho tôi rất nhiều rung động.Chính vì thế nên tôi đã cảm tác nên bài thơ sau đây:

Hình Bóng Má

Áo con sứt chỉ sờn vai
Má ngồi vá lại đêm ngày quản chi
Thương con chẳng ngại điều gì
Sớm hôm sáng tối cũng vì con thơ
Cho dù mắt Má đã mờ
Đường kim mũi chỉ là tơ cõi lòng
Đến giờ con vẫn ước mong
Được nhìn lại Má...nhưng không nữa rồi!

Quên Đi
***
Tôi xin gởi đến các bạn bài phỏng dịch của tôi qua bài Du Tử Ngâm, như là một nén nhan lòng cho người mẹ thân yêu đã khuất núi.
Thân mến 
Mailoc.

Bản dịch của MaiLộc

Đường kim chỉ trên tay hiền mẫu 
Tấm áo nầy con bận ngày đi 
Mẹ khâu thật nhặt chi li 
Sợ con mê mải có khi muộn về 
Dù cho tấc cỏ ủ ê 
Cũng không đáp nổi một trời nắng xuân

Mai Lộc
* * *
Kính các huynh Đỗ Chiêu Đức,Quên Đi cùng các bạn thơ trong "vườn thơ thẩn cho vui'.
Đến ngày lễ Mẹ (Mother 's day) Song Quang cũng mượn ý của bài tho cổ "Du Tử ngtâm" của Mạnh Giao cùng bản dịch của quý huynh và có thêm 2 câu chót cho đủ 8 câu của bài "Thất ngôn bát cú".
Đây không hẳn là bản phỏng dịch mà chỉ là niềm cảm xúc nhân ngày "Lễ Mẹ" mà thôi. Mong quý thi hữu đọc giải khuây trong lúc nhàn lãm.
Chúc quý thi huynh sức khoẻ và vui trong ngày Lễ Mẹ.
Song Quang

KHÚC NGÂM CỦA NGƯỜI LÃNG TỬ 

Đường kim mũi chỉ Mẹ hiền khâu
Chiếc áo cho con "lãng tử sầu"
Chăm chút,chắc chiu từng nét một
Nhắc chừng con trẻ chớ đi lâu
Nổi lòng tất cỏ ai hay biết ?
Nguyện trả ơn dày nặng nghĩa sâu
Đền đáp ba xuân đâu chỉ lễ
Một ngày nhớ Mẹ....đủ hay sao???

Song Quang
***
Thùy ngôn thốn thảo tâm, báo đắc tam xuân huy. Ai nói tấc lòng cỏ mọn có thể báo đáp được ánh nắng trời ba tháng mùa xuân. Mồ côi mẹ từ lúc 9 tuổi cho đến nay đã bao vật đổi sao dời, đã là ông lão ở tuổi 80, nhưng mỗi lần nhớ đến mẹ, lòng vẫn không khỏi xót xa. Tôi xin được góp phần cùng với mọi người thân quí tôn vinh Mẹ trong ngày lễ Nhớ Ơn Mẹ 12/05/2014 năm nay ở đây. 
Cầu chúc an lành. PKT 

Dịch Xuôi : Khúc Ngâm Của Người Con Xa Nhà
PKT 05/09/2014

Nhớ ngày con lên đường gần kề, Mẹ cặm cụi ngồi may tấm áo này cho con, chắt chiu từng mũi kim đường chỉ khâu sao cho được thật lâu bền, để kịp ngày con đi, và phòng khi con chậm trễ lỡ hẹn trở về nhà thì áo vẫn còn chưa rách và còn có thể mặc được. 
Ai nói rằng tấm lòng của cỏ mọn có thể báo đáp được ánh nắng trời ba tháng mùa xuân, Mẹ ơi!

Du Tử Ngâm

Mẹ cặm cụi may áo,
Cho con kịp đi xa.
Kim chỉ khâu thật chắc,
Sợ con chậm về nhà.
Xót xa lòng cỏ mọn, 
Nắng trời xuân bao la.

Phạm Khắc Trí


Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

Nhìn Lại Thời Gian

Ba lăm năm thời gian quay nhìn lại
Vắng hoe chiều về muộn gõ màu rêu
Cuộc trần gian dòng đời thân củi mục
Lòng hoa tàn mấy độ kiếp lêu bêu.

Ba lăm năm nhân gian đầy hổn loạn
Góc thiên nhai ta đứng đó riêng mình
Sông trường hận khoang buồn từ trận địa
Buộc miệng cười thế thái cõi nhân sinh.

Ba lăm năm chiếm đi đời quá nửa
Lòng mộ buồn nghe tiếc nuối xa xưa
Và từng đêm từng đêm rưng rức nhớ
Để nghe sầu đổ trút ngập hồn thơ,

Ba lăm năm nghêu ngao lời vạn đại
Rồi một ngày…bất chợt cuộc đầy vơi
Và em đến ru ta từng giấc ngủ
Thạch ngục giờ …xiêm áo lạc miên du.


Vĩnh Trinh

Bã Trầu Cay




Còn đây cái ống ngoáy trầu
Má từng ngồi ngoáy ví dầu ầu ơ
Lời ru mấy lượt con thơ
Tay run xỉa thuốc mắt mờ tóc phai

Mớm cơm trộn bã trầu cay
Mòn răng con lớn xệ vai ẵm bồng
Chát cao thuốc đắng vôi nồng
Ẵm con nằm lửa lưng còng gối lay

Đàn con khôn lớn xa bay
Giàu sang quên miếng cơm nhai mẹ nghiền
Đêm qua mẹ bỏ trầu ghiền
Bỏ bao cay đắng ưu phiền xuôi tay

Con về têm miếng trầu cay
Nuốt đắng bã trầu khóc lạy ăn năn 


Phủ Hiền

Tình Mẹ Thiêng Liêng - Sáng Tác La Tuấn Dzũng - Quốc Đại Ca



Sáng Tác: La Tuấn Dzũng
Tiếng Hát: Quốc Đại

Có Thể Em Chưa Hề Nghĩ



Có thể em không hề nhớ đến
Những trưa hè lúc hãy còn thơ
Kẽo kẹt võng đưa hoà tiếng ầu ơ
Giọng của Má ru em vào giấc ngũ.
Có đêm vần vũ
gió bấc về
Ôm con vào lòng sưởi ấm với âu lo
Hay trái gió trở trời những khi em bịnh
Mòn mỏi sớm hôm Má chẳng thiết đến mình
Chỉ mong sao con được bình yên
Là tất cả những gì Má nguyện

Có thể em chưa hề để ý
Khi em dần lớn với thời gian
Má thêm vàng võ cùng năm tháng
Em vui khoẻ trưởng thành
Má cằn cỗi mong manh
Nhưng từ tận đáy lòng
Má tràn đầy hạnh phúc
Tình Má thật mênh mông
Biết lấy gì đong đếm
Biết lấy gì so đo...

Có thể em chưa hề nghĩ
Một ngày kia Má vĩnh viễn ra đi
Em sẽ thế nào
Khi cứ vùi đầu vào chén cơm manh áo
Khi cứ mãi tất bật bôn chen
Để rồi mỗi đêm về bóng đen phủ kín
Chỉ còn em trong yên tịnh
Sẽ nghe lòng ray rức nhớ khôn ngơi
Ôn lại khoảng thời gian thuở thiếu thời
Thật sung sướng trong vầng quang của Má.

Sao không nhân lúc Má còn tại thế
Dành thật nhiều mỗi khi em có thể
 

Khoảng thời gian bên Má thường xuyên
Để Người vui trong hạnh phúc triền miên
Được như thế
Má vô cùng mãn nguyện.


Quên Đi