Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

Ngập Ngừng



Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé,
Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân.
Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần...
Tôi nói khẽ: gớm, làm sao nhớ thế !

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé.
Em tôi ơi, Tình có nghĩa gì đâu,
Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu ?
Thuở ân ái mong manh như nắng lụa,
Hoa bướm ngập ngừng, cỏ cây lần lữa,
Hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi,
Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi !

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé,
Tôi sẽ trách -- cố nhiên -- nhưng rất nhẹ;
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về,
Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở.
Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ,
Cho nghìn sau... lơ lửng... với nghìn xưa...

Hồ Dzếnh
(Suối Dâu sưu tầm)

Cõi Nhân Luân

 
(Ảnh chụp của tác giả)

Đến mà không hẹn
Đi chẳng tạ từ
Lục bình theo sóng nước
Hoa tím ngát lênh đênh
Thân người như dương diễm *
Nương khát vọng thọ sanh *
Gió thu phân khẽ lay mành
Trăng ngàn năm trước qua cành vô tâm
Sáng soi rõ bóng hôn trầm
Dáng xưa hiu hắt bên đầm nước trong

Trương Văn Phú
* Tụng ngôn trong kinh A Hàm


Vị Tình


Ngọt ngào thuở mới yêu nhau
Thơm ngon giọt mật xuyến xao tình đầu
Mặn mà ân ái không lâu
Chua ngoa toan tính cạn sâu lòng người

Gừng cay muối mặn mùi đời
Vị tình ai chẳng béo bùi trải qua
Lắm người sợ nếm tránh xa
Kẻ cay thè lưỡi thử năm ba lần

Hít hà chua chát ươn thân
Xót tình the đắng duyên phần chẳng may
Cơm tình đong đếm lỡ tay
Bỏ nhiều gia vị ớt cay tiêu nồng
Khuyên ai lỡ nếm lấy chồng
Nêm ngày dịu ngọt nêm nồng nàn đêm

Phủ Hiền


Thơ Tranh: Sông Trăng


Thơ & Thơ Tranh: Kim Quang

Tuổi Xa Người - Từ Công Phụng - Tiếng Hát Dung Mỹ



Sáng Tác: Từ Công Phụng
Tiếng Hát Dung Mỹ

Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

Từ Thân Cát Bụi



“Em từ lục bát bước ra”
Reo theo tiếng gió sắc hoa u buồn
Chim rừng quên lá vàng buông
Nơi miền quá khứ nghe tuồng thu rơi..


Nửa khuya nức nở chơi vơi
Đêm thanh tịnh, nhánh sông khơi dậy lòng
Thu về xác lá mênh mông
Qua cơn thao thức miền không về mình..


Cõi người, sa mạc vô minh
Từ thân cát bụi tự mình biến thân
Buồn tênh giữa kiếp dương trần
Thắp giùm ngọn đuốc, tự lần mà đi..


Tấm thân tứ đại nghĩa gì
Vô thường một đóa.. sá chi phận người!..


VA, mùng 1 th.7, Quý Tỵ (Aug.7- 13)
Nguyễn Hậu Bùi Thanh Tiên


Thơ Tranh: Muốn


Thơ: Hhai
Thơ Tranh: Kim Oanh

Rượu



      Trong cái ăn, cái uống của người Việt thì uống ít được nhắc nhiều. Thức uống của mình xưa chỉ có rượu và trà. Dầu vậy rượu-trà (chè) dẫn đầu trong tứ đổ tường: Rượu-chè, cờ-bạc, trai-gái, hút-sách.
      Từ vua quan đến thứ dân, từ thành thị đến thôn quê, rượu luôn luôn được đón nhận, đề cao như là một lối ăn chơi phong nhã, nhàn tản, điệu nghệ và phóng đãng!
- Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa,
Sang đâu đến kẻ say sưa tối ngày.
- Còn trời, còn nước, còn non,
      Còn cô bán rượu, anh còn say sưa.
      Uống rượu là thú vui, là lối ăn chơi xưa nay chỉ dành cho đấng nam nhi, mà cả quý bà, quý cô dầu không biết mùi rượu thế nào cũng tán đồng, vui vẻ và hãnh diện làm món ngon cho chồng uống rượu.

Đốt than nướng cá cho vàng,
Lấy tiến mua rượu cho chàng uống chơi.


      Rượu ở xứ mình có cả lịch sử lâu đời lắm. Sách Lĩnh Nam Trích Quái ghi: "Dân ta lấy gạo làm rượu", còn sứ nhà Tống bên Tàu trong bài sớ nói về Lê Hoàn (người khai sáng nhà tiền Lê) có ghi rằng "Hoàn... vừa hát vừa mời rượu...
Rượu là thức uống làm bằng gạo nếp lên men, được tổ tiên ta chế biến từ thuở lập quốc, lưu truyền từ Bắc vào Nam.
      Từ khi có mặt như là một thức uống, rượu đã đi vào văn hóa ăn uống của người mình, mang một cung cách, sắc thái vô cùng đặc biệt, ít có dân tộc nào sánh kịp.
      Rượu khởi thủy là sản phẩm của dân gian, do sự ngẫu nhiên của đời sống nông nghiệp lúa nước. Ai đó dùng gạo nấu thành rượu, có màu trắng trong như nước và gọi tên là rượu trắng. Đem pha mùi hoa thực vật để chế biến thành ra rượu mùi, như rượu sen, rượu cúc, rượu cau (ở miền Bắc).
      Ở miền Nam đa phần nấu ruợu bằng nếp, ngon hơn rượu gạo, độ nồng cao, mùi thơm, có hậu hơi ngọt gọi là rượu nếp. Dân nhậu quen gọi là rượu đế.

      Hiện nay rượu đế Hóc Môn -Gò Đen -Gò Công danh tiếng là ngon, cao chữ.
      Đến Gò Đen, vào các lò rượu nghe mấy ông lão kể chuyện thời Tây, họ cấm người mình nấu rượu Họ lập ra công ty độc quyền sản xuất và phân phối; lúc đó gọi là chế độ R.A (Régie Alcohol) mà người dân gọi là rượu Công Ty (Công Xi). Tây họ còn đếm đầu người dân trong làng để bắt đóng thuế tiêu thụ rượu công ty, ai nấu rượu lậu bị bắt bỏ tù, tịch thâu tài sản.
Rượu nếp muốn ngon phải lựa nếp. Danh tửu Gò Công được nấu bằng nếp hương hay nếp mở, tệ lắm cũng là nếp mù u.
      Các lò rượu thường mua nếp vào đầu mùa, đem về quạt sạch, phơi khô, chứa trong bồ, để dành nấu suốt năm.
      Nếp nấu rượu là nếp lức, chỉ xay bỏ vỏ trấu mà thôi, xay phải dùng cối xay tay, để giữ cho hột nếp không bể nát, không bị nóng. Trong nghề nấu rượu cho rằng nếp xay ở nhà máy sẽ cho rượu không thơm và sẽ làm mất rượu nữa.
      Cơm nếp lức nấu chín hơi nhão một chút gọi là “cơm da”, trải trên vỉ tre cho nguội thì rắc men lên, cho vào hủ vào lu hay khạp, ủ độ ba đêm thì nếp lên men và phân hủy tinh bột.
Sau đó chan nước cho ngập đậy kín thêm ba đêm nữa thì cho vào nồi mà nấu.

      Bí quyết của nghề nấu rượu là men, mỗi lò rượu cho người uống một hương vị riêng, làm cho bao nhiêu dân ghiền phải mềm môi, đảo điên, quen mùi, quen rượu, quen lò bỏ không được.
      Người chủ lò chăm sóc, theo dõi nồi rượu với tâm cảm thích thú, nghệ thuật, theo từng giọt rượu rơi xuống miêng chai.
      Rượu bọt là rượu ngon, uống vào chạy tới đâu, biết tới đó, cả người nóng rang, thật đã.
-  Rượu hồng đào, trút nhào vô nhạo,
Kiếm nơi nào nhơn đạo hơn anh.
- Rượu ngon chẳng nệ, be sành,
Áo rách khéo vá hơn lành vụng may
      Xưa, ngoài Bắc đựng rượu bằng be, loại bình nhỏ bằng sành, còn trong Nam đựng rượu trong hu và dùng cái nhạo để rót rựơu ra ly để uống trông rất tao nhã. Người ta còn dùng cái tỉn để chứa rượu, có người dùng hủ loại nhỏ. Sau này nhà lò chứa rượu trong thùng nylon, hoặc chai lít.

Rượu ngon trong hủ trút ra,
Để lâu cũng nhạt nữa là duyên em.

      Phong cách uống rượu của người Việt từ trần tục đến lễ nghi, quan cách, mà người uống rượu cần phải biết.
      Trước hết, rượu theo văn hóa phong tục người Việt là thuộc về lễ:
- Vô tửu bất thành lễ
      Trong phép lễ nghi như cưới hỏi, cúng giỗ, rượu xếp trên cả trầu và cau.
      Rượu mời luôn phải rót đầy để tỏ lòng quý khách. Người được mời phải uống cạn để tỏ lòng kính trọng gia chủ.
      Ta hãy xem cách đối nhơn xử thế của tổ tiên mình ngày xưa.
      Này nhé!

Ruợu tiễn đưa thì Nguyễn Du gọi là "chén quan hà"
Tiễn đưa một chén quan hà (Truyện Kiều)

Tế quân sĩ mình thì Tiền Quân Nguyễn Văn Thành gọi là “rượu đầu ghềnh”

Dưới trướng nức mùi chung đỉnh,
Sẽ nhớ khi chén rượu rót đầu ghềnh.


Đặng Đức Siêu gọi rượu tế người chết là “chén Tân Khổ”.

Chén Tân Khổ nhắp ngon mùi chánh khí
(tế Võ Tánh và Ngô Tùng Châu)

      Ruợu trong đời sống lứa đôi, bằng hữu cũng đầy bi tráng, hào hùng, lãng mạn, nên thơ biết bao.
- Rượu lưu ly chân quỳ tay rót
Cha mẹ uống rồi dời gót theo anh.
- Tửu phùng tri kỷ, thiên bối thiểu.
- Rượu ngon cái cặn cũng ngon,
      Thương em chẳng luận chồng con mấy đời.

      Xem ra, đến nay không có một lễ nghi nào của người Việt mà không có rượu. Rượu lể xứ mình là rượu trắng và nhớ là không ai dùng rượu thuốc để cúng.
      Trong dân gian có một mảng lớn "văn hóa uống rượu" của người bình dân, lao động.
     Uống rượu miệt quê gọi là nhậu. Nhậu chỉ lối uống rượu bình dân, ở vỉa hè, góc phố, quán bên đường.
      Nhậu với đa số người mình là tìm cái vui bên bạn bè, để nói điều muốn nói, nghe những điều người khác nói.
       Nơi bàn rượu, bữa nhậu, mạnh ai nấy nói như là một nhu cầu, thư giãn tâm hồn.

      Rượu cúng là rượu trắng, trong khi rượu để nhậu thì thôi đủ cả, từ rượu trắng chế biến ra thành rượu thuốc tức là rượu đế ngâm thuốc Bắc. Mỗi quán, mỗi tiệm ngâm một loại thuốc khác nhau mà cũng chẳng thấy dân nhậu nào tìm hiểu các toa thuốc Bắc đó là gì.
      Rượu thuốc tuy giá cao hơn rượu đế, nhưng không thành vấn đề, đó là chuyện lẻ tẻ đối với dân chơi.
      Dân nhậu rất điệu, xài xộp và hảo ăn, rộng rãi miễn tìm thấy vui là được rồi.
     Từ rượu ngâm thuốc người ta còn bày ra ngâm với trái cây như rượu sơ-ri, rượu nhào, rượu ngâm chuối; rồi ngâm rắn, cắc kè, hải mã... Cái gì cũng ngâm và cứ thế mà nhậu và cho là bổ, khỏe, không đau lưng.
 
      Ngày nay ở quê nhà có nhiều loại rựơu để nhậu, nào là bia, rượu Tây, rượu Mỹ... nhưng rượu đế, rượu thuốc vẫn còn được nhiều người ưa thích và gọi là "nước mắt quê hương".
Xưa trong thời chiến tranh, cái sống cái chết đến với bao thế hê thanh niên miền Nam bất cứ lúc nào, gặp nhau hôm nay rồi ngày mai không còn gặp lại !
      Chính sự thể đó đã đưa thanh niên đến với quán nhậu, tìm đến rượu đế, rượu thuốc nhiều hơn.
Ruợu vào lời ra, kể chuyện người yêu, chuyện mẹ già, chuyện tình đời và chuyện chiến tranh. Bao chàng trai trẻ mềm môi, chảy nước mắt bên ly rượu. Không biết khóc vì rượu hay vì thân phận của mình hay vì cả hai?
      Rượu đế gọi là nước mắt quê hương có từ đó, và được lưu truyền cho tới nay.
     Chia nhau ly rượu gọi là nước mắt quê hương, kẻ rót người uống, liếm môi, khề khà, nhăn mặt, nài ép "trăm phần trăm" là cung cách uống rượu dân giã quê mình.
"Dô-dô" cạn ly đầy, rồi rót đầy ly cạn.
Uống hết đánh đòn, uống còn mất vợ.

      Nay người Hà Nội cũng bắt chước cách nhậu của miền Nam, thích nhậu hè phố và nhứt là cách uống “trăm phần trăm”
      Đúng là "tửu nhập tâm như hổ nhập lâm"
      Cung cách uống rượu dân dã xưa nay là thế, và nay ra tận hải ngoại chúng ta còn mang theo cung cách uống "nước mắt quê hương" dầu bên lon Bud, hay chai Remy đắc tiến.

      Nhưng muốn thực sự tìm hương vị rượu đế, nước mắt quê hương, không gì bằng tìm về quê hương danh tửu Gò Đen, Bà Điểm, Gò Công và phải nhớ tìm đến tận lò rượu đế làm một chầu thì mới hiểu thế nào là "nước mắt quê hương".

Nam Sơn Trần Văn Chi

Nỗi Nhớ Không Phai




Chiều mùa đông “mặt trời đi ngủ sớm”
Cảnh vật đìu hiu khi nắng chết rồi
Ngoài song cửa sương đêm vừa mới chớm
Trong tâm tư hoài niệm chợt lên ngôi.

Ngày tháng trôi không xóa mờ hình bóng
Sự chia phôi càng nung nấu tình thương
“Nhỏ” ngày xưa vẫn ngự trong tâm tưởng
Tình yêu em càng bền tợ kim cương.

Nhớ mái tóc thề vương vương má thắm
Gió bình minh thơm hơi thở của ai
Sau “Nhỏ” : hàn sinh si tình say ngắm
Hồn buâng khuâng mơ mộng chuyện ngày mai.

Chuyện tuổi ô mai của thời con gái
“Nghề làm cái đuôi” của thuở con trai
Khắc khảm vào tim từng giây lãng mạn
Tình yêu học trò nỗi nhớ không phai.

Anh Tú
12. 12.2011

Bên Dòng Sông Kỷ Niệm



Tuổi ô mai của một thời con gái
Tình đầu đời tha thiết với hàn sinh
Thuở con trai, anh là kẻ si tình
“Làm cái đuôi” khổ năm dài ngày tháng!

Tình ta xưa ngỡ không là tình thoáng
Phút luyến thương trang lứa tuổi học trò
Ngày bâng khuâng đêm gối mộng dệt mơ
Nào dám nghĩ đến chuyện tình ngang trái

Em còn nhớ trên dòng sông êm chảy
Mình hẹn hò nơi bến vắng sớm, trưa
Đôi lần ta trên những chuyến đò thưa
Rẽ con nước viếng thăm vườn cây trái

Trước nhà ai có một giàn hoa giấy
Ngày đến trường len lén hái tặng em
Anh nâng niu từng lá mỏng cánh mềm
Hoa tim tím thế hồng nhung đỏ thắm

Anh hàn sinh nhưng chân tình say đắm
Em đáp tình ... sâu đậm mến yêu người
Ngày tháng qua tim chưa chút phai phôi
Nỗi nhớ nhung tâm tư thêm khắc khoải

Bến vắng xưa đôi lần ngang ghé lại
Tìm dư âm thuở hai đứa yêu đương
Bến còn đây … đò thiếu bóng người thương
Còn lại “Nhỏ” bên dòng sông kỷ niệm!

Yên Dạ Thảo
19.12.2011


Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Thi Sĩ Nguyên Sa - Huy Tâm Biên Soạn & Diễn Đọc





Thực Hiện: Dương Thượng Trúc

Tiếng Đàn Trong Đêm




Ngón tay hôn nhẹ phím ngà

Thanh âm quyện ánh trăng tà bay cao
Buồn vương thân dáng xanh xao
Gởi mây gởi gió bóng sầu thiên thu

Đường xưa mãi mộng phiêu du
Gót chân lãng tử mịt mù trùng khơi
Người đi người ở xa rời
Đại dương ngăn cách bời bời nhớ thương
Một bên sống kiếp tha hương
Một bên ở lại trăm đường đắng cay

Ngang trời một áng mây bay
Gió đưa trôi mãi trôi hoài về đâu
Phím đàn run rảy cung sầu
Tiếng tơ ai oán tình sâu ngút ngàn
Làm sao thu nhỏ không gian
Cho đàn nức nở âm vang về nguồn
Hoà tan giòng lệ đang tuôn
Để hai thành một tâm hồn đan nhau
Ước mơ mộng đẹp mai sau
Người xưa tái ngộ bên cầu sông Tương.

Chinhnguyen/H.N.T. Dec 2013
* Hình phụ bản do chính tác giả gửi

Đừng Làm Mùa Hạ



Dường như hạ không về thăm phố nhỏ
Bỏ con đường, xơ xác cỏ u du
Dấu chân xưa còn mọc những định từ
Mà sỏi đá thở dài theo mỗi bước

Phượng vẫn say màu môi hồng năm trước
Cánh cỗng trường ai khép lối đi riêng
Tà áo ai trong nắng bạc dịu hiền
Chiếc nón lá che đời hay giấu mặt

Ta vẫn nghe chút gì trong bóng mát
Mắt hải hồ chẳng rượu mà ta say
Rồi tự giam trong mộng thức lưu đày
Ngàn dấu hỏi như khoanh tròng xích sắt

Trở về đây tựa lưng tường vôi bạc
Nghe muôn trùng ký ức chảy vào da
Nghe tên em như Hạ đỗ chan hoà
Khoanh tay xiết bóng hiên dài năm tháng

Dường như Hạ không về nên phố vắng
Lâu lắm rồi mực nắng vết màu xanh
Ngòi lá tre ta viết một góc bàn
Ai thay đổi thay vào mùi mực mới

Nắng mưa quen mà như xa vời vợi
Hay cuộc đời quen thói đổi họ tên
Mái trường im che mãi những muộn phiền
Rong rêu phủ hay lấp ngàn tiếng khóc

Thôi ta đi, vẫy tay chào não nuột
Góc cuộc đời, góc Hạ bỏ nơi đây
Nắng mai sau đừng chiếu lại tháng ngày
Đừng đem Hạ làm mùa chân phiêu lãng

Hoài Tử

081707

Nỗi Nhớ Cơn Mưa Sài Gòn



 

Gởi lời chào cơn mưa Sàigòn
Qua kẽ tay hạt lên đầy nỗi nhớ
Mưa chưa ướt hết chiều dài phố nhỏ
Ướt lòng người nầy đứng đợi người kia

Từ lúc nào mưa nhả những lời thơ
Những con chữ chạy theo mưa ướt đẫm
Gió ghé qua tim ai chừng lóng ngóng
Cho Sàigòn nhỏ giọt khúc pha lê

Giá như đèn không sáng bên kia
Chắc gì ai biết ai còn đứng đợi
Chảy vào lòng ai hạt mưa nóng hổi
Lạnh lẽo bên ngoài, ấm lại bên trong!

Hỏi thăm Sàigòn,
Thơ còn ướt hay không?


Vĩnh Trinh

Thơ Tranh: Thu Xa


Thơ Và Thơ Tranh: Nguyễn Đức Tri Ân

Thương Cảm



Nắng tháng Tư ừ hoa phượng đỏ
Đong đưa cành mở ngõ bâng khuâng
Chân trời xa lững lờ mây trắng
Ửng sắc màu hoa nắng rưng rưng

Lời mộng đầu tràn dâng bút mực
Ghi thành dòng nhật ký ngu ngơ
Đôi dăm câu tỏ thư chờ đợi
Lòng Phượng ơi! Hoa rộn hạ về

Mờ lệ nhớ ai xui bối rối
Tim học trò thôi hết vô tư
Đời cuồng nộ chẳng tròn như ý
Cay nghiệt lần tan biến ước mơ

Nắng tháng Tư vuông thơ phượng đỏ
Từ Ba Mươi đó sắc phân ly
Cánh thiên di lạc đàn tìm lối
Phượng máu người hoa rụng tả tơi

Thời mực tím vun lòng kỷ niệm
Khúc nồng nàn đứt đoạn trường ca
Phượng mơ phượng nhớ lời thương hận
Ray rức buồn mỗi nắng tháng Tư

Kim Phượng


Một Thoáng Vĩnh Long 1992

 Chợ Vĩnh Long
 Lu nước sau nhà
 Đình Tân Ngãi
 Nguồn sử xanh
 Âm thầm vẫn sống
 Bến Bắc Mỹ Thuận
Bán hàng ở bến Bắc
Bến đò An Thành

Biện Công Danh


Chuyện Hợp Tan



Gặp giây lát rồi xa nhau vạn dặm
Vầng trăng nghiêng sẽ khuất dấu bên trời


Gặp một lúc rồi xa
Nỗi buồn dài vời vợi
Đã hết rồi những tháng ngày mong đợi
Đã qua rồi những xao xuyến, băn khoăn
Em về rồi, anh ở lại nhìn quanh
Nỗi trống vắng ngập tràn lên chăn gối
Anh thương em quá đỗi
Khi quay mặt, rời tay
Giấu đôi mắt đỏ hoe sau suối tóc dài
Bước vội vã cố đẩy lùi lưu luyến
Nhìn dáng em cuối hành lang lạnh vắng
Anh bồi hồi “thế là đã chia xa”

Tựa cửa sổ nhìn ra
Một vườn xuân xanh biếc
Nhìn hoa cỏ xanh tươi càng nuối tiếc
Đã không cùng em dạo bước chung đôi
Không đông tây mà mỗi đứa mỗi nơi
Trong tầm với nhưng muôn trùng ngăn cách

Mong em đừng hờn trách
Trái ngang rụng xuống đời
Tình chúng mình như đợt sóng trùng khơi
Dẫu xao động cũng chỉ đùa nắng gió
Dẫu nói nhau nghe những lời gắn bó
Rồi chia tay, mỗi đứa một phương về

Chiều qua dài lê thê
Đắm chìm trong quạnh vắng
Đời thản nhiên như gừng cay muối mặn
Chỉ riêng mình thắt thỏm một niềm đau
Đêm lạnh dài hơn cùng khối tình sầu
Và nỗi nhớ tràn lên vầng trăng khuyết



Đầu tháng 4/2014
Yên Sơn

Héo Hắt




Ta chợt nghe từng cơn sầu trổi dậy,
Đưa ta về vùng quạnh quẻ, hoang vu.
Gió cuối mùa, gió đổi sang Thu,
Ta hấp hối trong dòng đời mưa lũ...
Gió cuồng ngạo cuốn phăng hồn lữ thứ,
Ta bập bềnh trong nỗi nhớ đong đưa.
Hạnh phúc nào ta nắm trọn hay chưa,
Nay bỗng chốc chợt tan thành mây khói.
Hồn lịm ngất theo cơn đau nhức nhối,
Mất người rồi, ta mất cả tương lai.
Mất người rồi, ta mất cả ngày mai.
Ta còn lại một vùng trời ảm đạm,
Ta còn lại những hoàng hôn u ám.

Điếu thuốc tàn, đếm từng tuổi già nua,
Điếu thuốc tàn, ôn lại chuyện xa xưa,
Đời đơn độc, không ai cùng chia xẻ.
Đời đơn độc, ngày từng ngày lặng lẽ,
Ta bước dần về cõi chết hư không.
Ta lấy gì để nhớ, để chờ mong,
Ôi, những tháng, những năm dài lạnh lẻo...
Trời cay nghiệt cách ngăn người đôi nẽo
Nên chẳng hờn hay oán trách người đâu.
Đường người đi rực rỡ ánh muôn màu,
Ngàn hạnh phúc đang đón chờ người đó!
Ta trở lại con đường xưa mưa gió,
Lủi thủi đi tìm hình bóng cố nhân...

Garden City, Kansas 1994

Mặc Thái Thủy

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Chia Buồn Cùng Gia Đình Nguyễn Thị Ngọc Điệp


Lê Thị Kim Phượng & Lớp Vạn Vật 4
(Đại Học Khoa Học Cần Thơ 1974)

Huỳnh Hữu Đức - CHSTống Phước Hiệp (62-69), CGS Sư Phạm Khoá 8 (69-71)

Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp Vĩnh Long NK 1962 - 1969 . Cựu Giáo Sinh Sư Phạm Vĩnh Long Khoá 8 - NK 1969 - 1971.
Ảnh năm Đệ Thất (Lớp 6 bây giờ). Niên Học 1962 - 1963

Ảnh năm Đệ Ngũ (Lớp 8 bây giờ). Niên Học 1964 - 1965.

Ảnh năm Đệ Tam ( Lớp 10 bây giờ ). Niên học 1966 - 1967

Ảnh năm Nhất Niên trường Sư Phạm Vĩnh Long. Năm Học 1969 - 1970
Từ trái sang phải: Lượm, Ngỡi, Đức,Việt.

Tham dự lễ Phát Thưởng trường Tiểu Học Cộng Đồng Thới Hoà năm học 1971 -1972
Ảnh chụp tại trường Trung Học Công Lập Thới Bình năm 1972
Chuẩn bị Liên hoan cuối năm, năm học 1971 - 1972 trường Trung Học Công Lập Thới Bình

Huỳnh Hữu Đức

Cúi Xuống Thật Gần - Trịnh Công Sơn - ktk Đàn&Hát



Sáng tác: Trịnh Công Sơn
Đàn & Hát: ktk

Tình Muộn



Đời nhiệt ngã dã quỳ kia vẫn nở
Vẫn còn đây một lối đón em về
Vòng tay ấm chở che bao run sợ
Giông tố lùi dần nhường chỗ đam mê
Cuối con đường ta tình cờ hạnh ngộ
Hai tâm hồn rêu phủ đã xanh xao
Chợt ấm lại cho tình yêu hé mở
Dịu mát đời trăng rọi sáng vần thơ
Và anh nhé đêm không còn trăn trở
Vóc trang đài dù đã úa nhạt phai
Bước phong trần mệt nhoài bao nhịp thở
Vẫn tìm nhau chung bóng giữa khuya dài
Ngày đã hết hoàng hôn đời buông xuống
Mắt nhìn nhau dâng nước mắt rưng rưng
Khúc tình chiều quên bao ngày gió lộng
Gánh nặng đời xin trao trả sau lưng
Những muộn phiền thả theo cánh bèo trôi
Mây giăng mắc gom ân tình đến muộn
Ừ anh nhé trái tim thôi tù tội
Dấu lặng buồn thôi hết những khoảng không

Trần Thị Dã Quỳ


Vĩnh Long Một Thời Gắn Bó - Phần 3

      Vĩnh Long 1971
     Trong Đại đội của mình có gia đình của Ông Hội đồng tỉnh , Ông HDT có 2 gái 1 trai, ông bà lúc nào cũng tỏ ra người cao sang? Mình được may mắn họ tốt với mình, có lẽ vì con trai của ông bà tên T. cùng trang lứa nên mới như vậy ? Hai cô con gái dễ thương. nhứt là cô út tên T. 
      1970 gia đình nào mà có xe gắn mày Honda là khá giả, họ đã tậu cho đứa con trai xe Honđa 67 đen thật đẹp, chiều nào mình cũng thấy cậu ta luôn trên phố, một số các cô gái nhìn cậu với anh mắt mến mộ..
Riêng mình, không hiểu số mệnh hay có duyên gì đó, lúc nào cũng có cơ hội để quen với mấy cô Nữ sinh Vĩnh Long nhất là nữ sinh trường Tống Phước Hiệp và Nguyễn Trường Tộ
Vào một buổi trưa đang đứng trước cổng trại thì thấy một cô Nữ sinh đi qua, ôi sao mà đẹp và kiêu sa lạ lùng (đa số nữ sinh ở đó).Có phải mình được cái phước đó? đi tìm hiểu là mình biết có đó tên là MH, học trường Tống Phước Hiệp.


      Buổi chiều đang ngồi trên lan can cầu Cái Cá thì ..thấy T con của Ông HDT chở MH làm cho mình hỏi ngỡ ngàng, suy nghĩ lại cũng đúng. Đẹp trai, nhà giàu gặp gái đẹp cao sang là đúng, vì MH lúc đó là người con gái mình mến mộ và đang tìm cách để quen nhưng " vỡ mộng rồi .". Rồi cũng qua đi...

     Bước chân mình lần hồi đã di chuyển đến bên kia Cầu Cái Cá, quán café cây me lúc nào cũng đông khách bình dân, rôm rả bàn tán sự đời, thỉnh thoảng mình cũng qua đó nhâm nhi café, diện quần áo đẹp ghé quán em Duyên bên đường nghe nhạc Miên Đức Thắng, em Duyên không đẹp nhưng em có cái răng khểnh, giọng nói như mật rót vào tai đó, cây si trồng cả đống, thằng bạn của mình cũng là một cây si ở đó, đi lần lên chút nữa, có tiệm giặt ủi của chú Chệt , lính mà sang, toàn là mặc đồi ủi hồ.

      Nơi xóm Bún có tòa lâu đài cũ của Tây còn sót lại có nhiều gia đình ở trong đó, có anh hai may quần áo thiệt là đẹp và vừa ý mình lắm.
      Thời gian đó có những có những điều vui và cũng có những việc làm mình ray rức trong lòng, xóm bún có một em bé tên T, bị tật bẫm sinh hôm đó không hiểu vì sao T lai qua đời ở trong cầu ngoài bờ sông Cái Cá,từ dạo đó mình không dám đi qua xóm bún vào ban đêm nữa vì lính cũng sợ Ma .
      Ray rức là vì mấy hôm sau đó Đại đội đi xét tờ khai gia đình (ban đêm), trong nhà dân có một anh thanh niên không có giấy tờ tùy thân ở đang tuổi quân dịch, Ba má và anh thanh niên đó cũng khóc và năn nỉ Ông Trung si, xếp của mình thả cho họ, Ông TS vì công việc và an ninh nên đành phải giao anh thanh niên đó cho Tiểu khu, sau vụ đó,về đến đại đội trong lòng nặng trĩu và buồn, tại sao lúc đó mình không tha cho họ?

      Nơi Cầu Cái Cá hai năm mà sao lại có quá nhiều kỷ niệm đẹp của thằng con trai 19 tuổi, nhiều chuyện tinh cảm lặng nhăng mà đa số đó mấy cô gái VL họ đã gây nhiều cảm tình cho mình mà không tiện viết ra đây (Lính mà em).
Ngày mình rời khỏi Saigon đi lính ở miền tây cũng có nhiều chị nuôi,bạn gái thổn thức, tháng nào cũng có mấy lá thư của chị em gái ở hậu phượng gởi cho mình. 

      Cuối năm 1971 lệnh của Liên đoàn là đại đội mình phải đổi xuống kho xăng cũ ở Cầu Lầu, cuộc đời và tình cảm của mình sẽ thay đổi từ đấy vì ở nơi đó sẽ có những cảnh vật và con người mới? Lại phải bắt đầu từ nơi đó.
      Ngày nay mình suy nghĩ và ngẫm lại vì sao trường Tống Phước Hiệp lai có quá nhiều ngôi sao vậy? Nào là AH, N, KimL, MH, KO.. còn nhiều nữa và mình sẽ kể sau này vì những nhân vật này dù ít hay nhiều cũng có chút liên hệ và làm cho tình cảm mình giao đọng?!

Thái Lâm

Thơ Tranh: Có Những Đêm


Thơ: Đỗ Hữu Tài ( Thế Thôi )
Thơ Tranh: Khúc Giang

Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

Mừng Lễ Phục Sinh


Hân hoan mừng Chúa đã hồi sinh
Phép lạ bây giờ thấy hiển linh
Chịu chết nào hay người sống lại
Cứu đời thoát khỏi cảnh điêu linh

Mến Cha mến Chúa đạo làm con
Kinh thánh ngày thường đọc sớm hôm
Cầu nguyện Chúa Trời ban phước lộc
Tông đồ thế giới vẫn thường tôn

Thái Hanh

Nhớ Dòng Sông Quê Tôi


Từ khi rời mái trường làng
Là như xa chiếc đò ngang quê nghèo
Dòng sông nâng nhịp dầm;chèo
Đưa tôi đến lớp học theo bạn bè
Làm sao quên những ngày hè
Buộc thân cây chuối làm bè vượt sông

Lục bình giả vịt chạy đồng
Lặn sâu, rượt bắt lội sông tranh tài
Đua ghe thích thú mê say
Bơi xuồng cho cậu đi chài vui thêm
Dòng sông tựa cái võng mềm
Ôi ! sông kỷ niệm êm đềm tuổi thơ...
.....
Từ khi rời đất Cần Thơ
Là như xa bến sông mơ quê nhà
Nơi đây thành phố phồn hoa
Sông dài ít thấy, toàn là hồ bơi
Quê hương xa nửa bầu trời
Qua rồi cái thuở tuyệt vời mộng mơ

Tâm tư xin gởi vần thơ
Đi đâu vẫn nhớ Cần Thơ thật nhiều
Hừng đông dưới bến Ninh Kiều
Theo đò Sông Hậu thăm nhiều rạch; kinh
Sông Cái Cui đẹp thân tình
Ơi ! sông tuổi nhỏ quê mình nhớ thương...

Phượng Trắng
Canada, một ngày hè 7/2012

Anh Về Gom Lá Đem Phơi


(Từ Nhớ Dòng Sông Quê Tôi của Phượng Trắng)

Em xa mái lá trường làng
Đi lên Tỉnh học hàng bần quạnh hiu
Dưới sông dừa nước đăm chiêu
Trên bờ phượng cũng tiêu điều trổ hoa

Ngày nào anh hái hoa cà
Cài lên mái tóc kiêu sa - em cười
Những con nước lớn tháng Mười
Xuồng bơi anh rước sang chơi bên nầy

Hai ta liền luống ruộng cày
Nhưng nhà ngăn cách thành hai bến bờ
Tuổi ngây thơ – tình vu vơ
Bây giờ mới thấy bơ phờ nhớ em

Sông Cái Cui lúc chiều lên
Đàn chim lá rụng mông mênh trở về
Từng đêm đom đóm bốn bề
Chớp lên vầng sáng lê thê nỗi buồn

Bây giờ em ở ngàn phương
Xứ xa giàu đẹp phố phường đông vui
Anh về gom lá đem phơi
Để hong kỷ niệm nhớ người ngày xưa…

Dương Hồng Thủy
(18/03/2014)

Kỷ Niệm Cuối Tháng Tư



(Cảm hứng từ bài thơ Bất Chợt, mến tặng chị Kim Oanh)

Kỷ niệm năm nào cuối tháng tư
Học hành chẳng thiếu cũng không dư
Mái trường giao lại người xa lạ
Khăn gói quay về chỗ ngất ngư
Bè bạn tan hàng đi mỗi nẻo
Người yêu trở gót viết dăm từ
Mấy mươi lửa hạ đầu sương điểm
Cuối nẻo đường trần chân lắc lư.

Cao Linh Tử
28/4/2014


Bất Chợt...!



Bất chợt chiều nay... lá vàng rơi xuống
Không đặc dày sao lắm nỗi buồn hơn
Chiếc còn lại cố bám cành nặng trĩu
Gió đong đưa sầu.. Thu hỡi đìu hiu

Bất chợt chiều nay... mưa rơi nhè nhẹ
Giọt không đầy sao lắm chuyện phiền vây
Ngồi bên hiên nhìn sợi nước vơi đầy
Mi mắt bỗng cay cay rơi giọt tủi...

Bất chợt chiều nay... một mình thui thủi
Gom lá vàng từng chiếc xếp hồn nhiên
Đan thành thảm lụa chôn kín niềm riêng
Tháng Tư Hạ! Sao ta mùa Thu chết!?

Kim Oanh


Lối Nắng Đường Mây


Sớm mai mở cửa chờ lượm báo
Mới hay nắng đợi ở hiên ngoài
Nắng vờn lên tóc, nắng choàng vai
Lung linh cỏ lá, lung linh áo

Đất trời chào nắng, con chim hót
Cất giọng hoài hương rất dịu êm
Nắng tìm ai lặng lẽ leo thềm
Ừ ! Ta đó bốn mươi năm trước !

Ta như nắng nối đời xuôi ngược
Thuở tung mây xé gíó lưng trời
Giờ tha phương gãy cánh trùng khơi
Gặp lại nhau tơi bời nỗi nhớ

Gởi theo nắng cuộc đời dĩ lỡ
Cánh bướm bay, hoa nở sân ngoài
Câu thơ tình, điệp khúc nồng say
Còn vọng lại thời xưa trăng gió

Ừ! Ta đó kiếp này ở trọ
Ngọn tình em chung thủy nghĩa nhân
Cõi tâm ta, bè bạn chí thân
Vui được sống Tự Do Nhân Bản

Trời ngọt lịm thơm mùi nắng sáng
Hoa cỏ tươi vũ điệu Xuân thì
Mây hồn nhiên, gió thoảng mê ly
Hồn lãng tử hẹn kỳ tình tự

Phạm Tương Như
Nov  27   12

Thơ Tranh: Sân Hoa Sau Nhà


Thơ: Lê Kim Hiệp
Thơ Tranh: Kim Oanh

Khó, Dễ Trong Đời


DỄ là nói chẳng nghĩ suy
KHÓ là cẩn trọng những gì nói ra.

DỄ làm đau đớn người ta
KHÓ sao hàn gắn bao là vết thương!

DỄ là biết được Vô thường
KHÓ, lòng cứ vẫn tơ vương cuộc trần,

DỄ là độ lượng bản thân
KHÓ sao dung thứ tha nhân lỗi lầm!

DỄ là vong phụ ân thâm
KHÓ, câu tình nghĩa ngàn năm dạ hoài..

DỄ là phạm những điều sai
KHÓ, tâm học hỏi những ai hơn mình,

DỄ cho kẻ khác niềm tin
KHÓ là luôn giữ chính mình thẳng ngay.

DỄ là nói những điều hay
KHÓ thay Sống tựa trình bày ngữ ngôn.

DỄ là suy tính thiệt, hơn..
KHÓ lùi một bước nhịn nhường lẫn nhau.

DỄ là sống vội, sống mau
KHÓ dừng chân lại thở sâu, biết là...

DỄ là hứa hẹn, ba hoa..
KHÓ, lời tín nghĩa thiệt thà một khi.

DỄ là gieo rắc thị phi
KHÓ là nội quán, tự tri lại mình .

DỄ là chiến thắng, quang vinh
KHÓ lòng khiêm hạ, thấy mình nhỏ nhoi.

DỄ xin địa chỉ mọi người
KHÓ mà tìm được chỗ ngồi trong tim.

DỂ biết nói, khó biết im
KHÓ cùng ánh sáng, dễ tìm bóng đêm.

DỄ vụng chân ngã xuống thềm
KHÓ vùng đứng dậy vượt lên chính mình

DỄ biết trời đất rộng thênh
KHÓ là biết được '' ngôi đền tự tâm ''

DỄ vui sáu nẻo thăng, trầm
KHÓ lần ngán ngẩm âm thầm hồi hương.

DỂ khi mất, cảm thấy buồn
KHÓ, trong hữu Phúc biết thương, giữ gìn.

DỄ là vun quén quanh mình
KHÓ, tình trải rộng ánh nhìn vị tha.

DỄ cho ngày tháng đi qua
KHÓ là tỉnh thức trong ta vài giờ..

DỄ Sinh, dễ Tử mơ hồ..
KHÓ khi đối diện nấm mồ Tuệ tri!..

DỄ là viết những lời thi
KHÓ rằng mơ ước đời ni vẹn toàn.

Thôi, chừ tìm cái bồ đoàn
Dễ là ngồi xuống, Khó hàng phục tâm.
Dầu sao cũng quyết một lần
Bằng không khó, dễ.. lần khân nối dài.

Thích Tánh Tuệ
( Võ Thị Kim Đính sưu tầm)


Kỷ niệm ngày Phật Đại Niết Bàn.
Bodhgaya- 3-2014


Tập Thơ:Tình Yêu Và Biển Nhớ,Tống Ngọc Nhan - Phần 1

        Lời Giới Thiệu: Cựu Học Sinh Tống Ngọc Nhan
      Tống Ngọc Nhan là cháu nội của Ông Tống Hữu Định, cựu nữ học sinh lớp 6/7, trường Tống Phước Hiệp, niên khóa 1973 -1974 Vĩnh Long, Việt Nam.
      Từ khi còn đi học, Ngọc Nhan đã sưu tầm, chép lại những bài thơ xưa. Trong những tài liệu ấy, Ngọc Nhan đã lưu giữ một Tập Thơ:
- Tình Yêu Và Biển Nhớ của các cựu học sinh Tống Phước Hiệp Vĩnh Long chép tay.
- Do Nguyên Thảo xuất bản Trung Tuần Tháng Tư, năm 1971.
- Phụ bản
: T.Đức
- Bià và trình bày : LTĐ
     Quyển thơ nằm trong tiệm bán ve chai được 20 năm, Ngọc Nhan mang về ấp ủ 20 năm nữa.Thế là quyển thơ nay đã tròn 40 tuổi.  Ngọc Nhan đã gìn giữ một gia tài vô giá này trong suốt những năm qua.
      Chị Kim Oanh thay mặt longhovinhlong.blogspot.com chân thành cảm ơn Ngọc Nhan đã lưu giữ những bài thơ hiếm quý từ xa xưa để lưu truyền mãi về sau,
một gia tài quý báu mà Ngọc Nhan đã trân quý.

Thương mến
Chị Kim Oanh

A/Trang bìa
 B/ Trang mở đầu
 1/ Trang 1
 2/ Trang 2
3/ Trang 3


Tống Ngọc Nhan