Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Chia Buồn Cùng Gia Đình Nguyễn Thị Ngọc Điệp


Lê Thị Kim Phượng & Lớp Vạn Vật 4
(Đại Học Khoa Học Cần Thơ 1974)

Huỳnh Hữu Đức - CHSTống Phước Hiệp (62-69), CGS Sư Phạm Khoá 8 (69-71)

Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp Vĩnh Long NK 1962 - 1969 . Cựu Giáo Sinh Sư Phạm Vĩnh Long Khoá 8 - NK 1969 - 1971.
Ảnh năm Đệ Thất (Lớp 6 bây giờ). Niên Học 1962 - 1963

Ảnh năm Đệ Ngũ (Lớp 8 bây giờ). Niên Học 1964 - 1965.

Ảnh năm Đệ Tam ( Lớp 10 bây giờ ). Niên học 1966 - 1967

Ảnh năm Nhất Niên trường Sư Phạm Vĩnh Long. Năm Học 1969 - 1970
Từ trái sang phải: Lượm, Ngỡi, Đức,Việt.

Tham dự lễ Phát Thưởng trường Tiểu Học Cộng Đồng Thới Hoà năm học 1971 -1972
Ảnh chụp tại trường Trung Học Công Lập Thới Bình năm 1972
Chuẩn bị Liên hoan cuối năm, năm học 1971 - 1972 trường Trung Học Công Lập Thới Bình

Huỳnh Hữu Đức

Cúi Xuống Thật Gần - Trịnh Công Sơn - ktk Đàn&Hát



Sáng tác: Trịnh Công Sơn
Đàn & Hát: ktk

Tình Muộn



Đời nhiệt ngã dã quỳ kia vẫn nở
Vẫn còn đây một lối đón em về
Vòng tay ấm chở che bao run sợ
Giông tố lùi dần nhường chỗ đam mê
Cuối con đường ta tình cờ hạnh ngộ
Hai tâm hồn rêu phủ đã xanh xao
Chợt ấm lại cho tình yêu hé mở
Dịu mát đời trăng rọi sáng vần thơ
Và anh nhé đêm không còn trăn trở
Vóc trang đài dù đã úa nhạt phai
Bước phong trần mệt nhoài bao nhịp thở
Vẫn tìm nhau chung bóng giữa khuya dài
Ngày đã hết hoàng hôn đời buông xuống
Mắt nhìn nhau dâng nước mắt rưng rưng
Khúc tình chiều quên bao ngày gió lộng
Gánh nặng đời xin trao trả sau lưng
Những muộn phiền thả theo cánh bèo trôi
Mây giăng mắc gom ân tình đến muộn
Ừ anh nhé trái tim thôi tù tội
Dấu lặng buồn thôi hết những khoảng không

Trần Thị Dã Quỳ


Vĩnh Long Một Thời Gắn Bó - Phần 3

      Vĩnh Long 1971
     Trong Đại đội của mình có gia đình của Ông Hội đồng tỉnh , Ông HDT có 2 gái 1 trai, ông bà lúc nào cũng tỏ ra người cao sang? Mình được may mắn họ tốt với mình, có lẽ vì con trai của ông bà tên T. cùng trang lứa nên mới như vậy ? Hai cô con gái dễ thương. nhứt là cô út tên T. 
      1970 gia đình nào mà có xe gắn mày Honda là khá giả, họ đã tậu cho đứa con trai xe Honđa 67 đen thật đẹp, chiều nào mình cũng thấy cậu ta luôn trên phố, một số các cô gái nhìn cậu với anh mắt mến mộ..
Riêng mình, không hiểu số mệnh hay có duyên gì đó, lúc nào cũng có cơ hội để quen với mấy cô Nữ sinh Vĩnh Long nhất là nữ sinh trường Tống Phước Hiệp và Nguyễn Trường Tộ
Vào một buổi trưa đang đứng trước cổng trại thì thấy một cô Nữ sinh đi qua, ôi sao mà đẹp và kiêu sa lạ lùng (đa số nữ sinh ở đó).Có phải mình được cái phước đó? đi tìm hiểu là mình biết có đó tên là MH, học trường Tống Phước Hiệp.


      Buổi chiều đang ngồi trên lan can cầu Cái Cá thì ..thấy T con của Ông HDT chở MH làm cho mình hỏi ngỡ ngàng, suy nghĩ lại cũng đúng. Đẹp trai, nhà giàu gặp gái đẹp cao sang là đúng, vì MH lúc đó là người con gái mình mến mộ và đang tìm cách để quen nhưng " vỡ mộng rồi .". Rồi cũng qua đi...

     Bước chân mình lần hồi đã di chuyển đến bên kia Cầu Cái Cá, quán café cây me lúc nào cũng đông khách bình dân, rôm rả bàn tán sự đời, thỉnh thoảng mình cũng qua đó nhâm nhi café, diện quần áo đẹp ghé quán em Duyên bên đường nghe nhạc Miên Đức Thắng, em Duyên không đẹp nhưng em có cái răng khểnh, giọng nói như mật rót vào tai đó, cây si trồng cả đống, thằng bạn của mình cũng là một cây si ở đó, đi lần lên chút nữa, có tiệm giặt ủi của chú Chệt , lính mà sang, toàn là mặc đồi ủi hồ.

      Nơi xóm Bún có tòa lâu đài cũ của Tây còn sót lại có nhiều gia đình ở trong đó, có anh hai may quần áo thiệt là đẹp và vừa ý mình lắm.
      Thời gian đó có những có những điều vui và cũng có những việc làm mình ray rức trong lòng, xóm bún có một em bé tên T, bị tật bẫm sinh hôm đó không hiểu vì sao T lai qua đời ở trong cầu ngoài bờ sông Cái Cá,từ dạo đó mình không dám đi qua xóm bún vào ban đêm nữa vì lính cũng sợ Ma .
      Ray rức là vì mấy hôm sau đó Đại đội đi xét tờ khai gia đình (ban đêm), trong nhà dân có một anh thanh niên không có giấy tờ tùy thân ở đang tuổi quân dịch, Ba má và anh thanh niên đó cũng khóc và năn nỉ Ông Trung si, xếp của mình thả cho họ, Ông TS vì công việc và an ninh nên đành phải giao anh thanh niên đó cho Tiểu khu, sau vụ đó,về đến đại đội trong lòng nặng trĩu và buồn, tại sao lúc đó mình không tha cho họ?

      Nơi Cầu Cái Cá hai năm mà sao lại có quá nhiều kỷ niệm đẹp của thằng con trai 19 tuổi, nhiều chuyện tinh cảm lặng nhăng mà đa số đó mấy cô gái VL họ đã gây nhiều cảm tình cho mình mà không tiện viết ra đây (Lính mà em).
Ngày mình rời khỏi Saigon đi lính ở miền tây cũng có nhiều chị nuôi,bạn gái thổn thức, tháng nào cũng có mấy lá thư của chị em gái ở hậu phượng gởi cho mình. 

      Cuối năm 1971 lệnh của Liên đoàn là đại đội mình phải đổi xuống kho xăng cũ ở Cầu Lầu, cuộc đời và tình cảm của mình sẽ thay đổi từ đấy vì ở nơi đó sẽ có những cảnh vật và con người mới? Lại phải bắt đầu từ nơi đó.
      Ngày nay mình suy nghĩ và ngẫm lại vì sao trường Tống Phước Hiệp lai có quá nhiều ngôi sao vậy? Nào là AH, N, KimL, MH, KO.. còn nhiều nữa và mình sẽ kể sau này vì những nhân vật này dù ít hay nhiều cũng có chút liên hệ và làm cho tình cảm mình giao đọng?!

Thái Lâm

Thơ Tranh: Có Những Đêm


Thơ: Đỗ Hữu Tài ( Thế Thôi )
Thơ Tranh: Khúc Giang

Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

Mừng Lễ Phục Sinh


Hân hoan mừng Chúa đã hồi sinh
Phép lạ bây giờ thấy hiển linh
Chịu chết nào hay người sống lại
Cứu đời thoát khỏi cảnh điêu linh

Mến Cha mến Chúa đạo làm con
Kinh thánh ngày thường đọc sớm hôm
Cầu nguyện Chúa Trời ban phước lộc
Tông đồ thế giới vẫn thường tôn

Thái Hanh

Nhớ Dòng Sông Quê Tôi


Từ khi rời mái trường làng
Là như xa chiếc đò ngang quê nghèo
Dòng sông nâng nhịp dầm;chèo
Đưa tôi đến lớp học theo bạn bè
Làm sao quên những ngày hè
Buộc thân cây chuối làm bè vượt sông

Lục bình giả vịt chạy đồng
Lặn sâu, rượt bắt lội sông tranh tài
Đua ghe thích thú mê say
Bơi xuồng cho cậu đi chài vui thêm
Dòng sông tựa cái võng mềm
Ôi ! sông kỷ niệm êm đềm tuổi thơ...
.....
Từ khi rời đất Cần Thơ
Là như xa bến sông mơ quê nhà
Nơi đây thành phố phồn hoa
Sông dài ít thấy, toàn là hồ bơi
Quê hương xa nửa bầu trời
Qua rồi cái thuở tuyệt vời mộng mơ

Tâm tư xin gởi vần thơ
Đi đâu vẫn nhớ Cần Thơ thật nhiều
Hừng đông dưới bến Ninh Kiều
Theo đò Sông Hậu thăm nhiều rạch; kinh
Sông Cái Cui đẹp thân tình
Ơi ! sông tuổi nhỏ quê mình nhớ thương...

Phượng Trắng
Canada, một ngày hè 7/2012

Anh Về Gom Lá Đem Phơi


(Từ Nhớ Dòng Sông Quê Tôi của Phượng Trắng)

Em xa mái lá trường làng
Đi lên Tỉnh học hàng bần quạnh hiu
Dưới sông dừa nước đăm chiêu
Trên bờ phượng cũng tiêu điều trổ hoa

Ngày nào anh hái hoa cà
Cài lên mái tóc kiêu sa - em cười
Những con nước lớn tháng Mười
Xuồng bơi anh rước sang chơi bên nầy

Hai ta liền luống ruộng cày
Nhưng nhà ngăn cách thành hai bến bờ
Tuổi ngây thơ – tình vu vơ
Bây giờ mới thấy bơ phờ nhớ em

Sông Cái Cui lúc chiều lên
Đàn chim lá rụng mông mênh trở về
Từng đêm đom đóm bốn bề
Chớp lên vầng sáng lê thê nỗi buồn

Bây giờ em ở ngàn phương
Xứ xa giàu đẹp phố phường đông vui
Anh về gom lá đem phơi
Để hong kỷ niệm nhớ người ngày xưa…

Dương Hồng Thủy
(18/03/2014)

Kỷ Niệm Cuối Tháng Tư



(Cảm hứng từ bài thơ Bất Chợt, mến tặng chị Kim Oanh)

Kỷ niệm năm nào cuối tháng tư
Học hành chẳng thiếu cũng không dư
Mái trường giao lại người xa lạ
Khăn gói quay về chỗ ngất ngư
Bè bạn tan hàng đi mỗi nẻo
Người yêu trở gót viết dăm từ
Mấy mươi lửa hạ đầu sương điểm
Cuối nẻo đường trần chân lắc lư.

Cao Linh Tử
28/4/2014


Bất Chợt...!



Bất chợt chiều nay... lá vàng rơi xuống
Không đặc dày sao lắm nỗi buồn hơn
Chiếc còn lại cố bám cành nặng trĩu
Gió đong đưa sầu.. Thu hỡi đìu hiu

Bất chợt chiều nay... mưa rơi nhè nhẹ
Giọt không đầy sao lắm chuyện phiền vây
Ngồi bên hiên nhìn sợi nước vơi đầy
Mi mắt bỗng cay cay rơi giọt tủi...

Bất chợt chiều nay... một mình thui thủi
Gom lá vàng từng chiếc xếp hồn nhiên
Đan thành thảm lụa chôn kín niềm riêng
Tháng Tư Hạ! Sao ta mùa Thu chết!?

Kim Oanh


Lối Nắng Đường Mây


Sớm mai mở cửa chờ lượm báo
Mới hay nắng đợi ở hiên ngoài
Nắng vờn lên tóc, nắng choàng vai
Lung linh cỏ lá, lung linh áo

Đất trời chào nắng, con chim hót
Cất giọng hoài hương rất dịu êm
Nắng tìm ai lặng lẽ leo thềm
Ừ ! Ta đó bốn mươi năm trước !

Ta như nắng nối đời xuôi ngược
Thuở tung mây xé gíó lưng trời
Giờ tha phương gãy cánh trùng khơi
Gặp lại nhau tơi bời nỗi nhớ

Gởi theo nắng cuộc đời dĩ lỡ
Cánh bướm bay, hoa nở sân ngoài
Câu thơ tình, điệp khúc nồng say
Còn vọng lại thời xưa trăng gió

Ừ! Ta đó kiếp này ở trọ
Ngọn tình em chung thủy nghĩa nhân
Cõi tâm ta, bè bạn chí thân
Vui được sống Tự Do Nhân Bản

Trời ngọt lịm thơm mùi nắng sáng
Hoa cỏ tươi vũ điệu Xuân thì
Mây hồn nhiên, gió thoảng mê ly
Hồn lãng tử hẹn kỳ tình tự

Phạm Tương Như
Nov  27   12

Thơ Tranh: Sân Hoa Sau Nhà


Thơ: Lê Kim Hiệp
Thơ Tranh: Kim Oanh

Khó, Dễ Trong Đời


DỄ là nói chẳng nghĩ suy
KHÓ là cẩn trọng những gì nói ra.

DỄ làm đau đớn người ta
KHÓ sao hàn gắn bao là vết thương!

DỄ là biết được Vô thường
KHÓ, lòng cứ vẫn tơ vương cuộc trần,

DỄ là độ lượng bản thân
KHÓ sao dung thứ tha nhân lỗi lầm!

DỄ là vong phụ ân thâm
KHÓ, câu tình nghĩa ngàn năm dạ hoài..

DỄ là phạm những điều sai
KHÓ, tâm học hỏi những ai hơn mình,

DỄ cho kẻ khác niềm tin
KHÓ là luôn giữ chính mình thẳng ngay.

DỄ là nói những điều hay
KHÓ thay Sống tựa trình bày ngữ ngôn.

DỄ là suy tính thiệt, hơn..
KHÓ lùi một bước nhịn nhường lẫn nhau.

DỄ là sống vội, sống mau
KHÓ dừng chân lại thở sâu, biết là...

DỄ là hứa hẹn, ba hoa..
KHÓ, lời tín nghĩa thiệt thà một khi.

DỄ là gieo rắc thị phi
KHÓ là nội quán, tự tri lại mình .

DỄ là chiến thắng, quang vinh
KHÓ lòng khiêm hạ, thấy mình nhỏ nhoi.

DỄ xin địa chỉ mọi người
KHÓ mà tìm được chỗ ngồi trong tim.

DỂ biết nói, khó biết im
KHÓ cùng ánh sáng, dễ tìm bóng đêm.

DỄ vụng chân ngã xuống thềm
KHÓ vùng đứng dậy vượt lên chính mình

DỄ biết trời đất rộng thênh
KHÓ là biết được '' ngôi đền tự tâm ''

DỄ vui sáu nẻo thăng, trầm
KHÓ lần ngán ngẩm âm thầm hồi hương.

DỂ khi mất, cảm thấy buồn
KHÓ, trong hữu Phúc biết thương, giữ gìn.

DỄ là vun quén quanh mình
KHÓ, tình trải rộng ánh nhìn vị tha.

DỄ cho ngày tháng đi qua
KHÓ là tỉnh thức trong ta vài giờ..

DỄ Sinh, dễ Tử mơ hồ..
KHÓ khi đối diện nấm mồ Tuệ tri!..

DỄ là viết những lời thi
KHÓ rằng mơ ước đời ni vẹn toàn.

Thôi, chừ tìm cái bồ đoàn
Dễ là ngồi xuống, Khó hàng phục tâm.
Dầu sao cũng quyết một lần
Bằng không khó, dễ.. lần khân nối dài.

Thích Tánh Tuệ
( Võ Thị Kim Đính sưu tầm)


Kỷ niệm ngày Phật Đại Niết Bàn.
Bodhgaya- 3-2014


Tập Thơ:Tình Yêu Và Biển Nhớ,Tống Ngọc Nhan - Phần 1

        Lời Giới Thiệu: Cựu Học Sinh Tống Ngọc Nhan
      Tống Ngọc Nhan là cháu nội của Ông Tống Hữu Định, cựu nữ học sinh lớp 6/7, trường Tống Phước Hiệp, niên khóa 1973 -1974 Vĩnh Long, Việt Nam.
      Từ khi còn đi học, Ngọc Nhan đã sưu tầm, chép lại những bài thơ xưa. Trong những tài liệu ấy, Ngọc Nhan đã lưu giữ một Tập Thơ:
- Tình Yêu Và Biển Nhớ của các cựu học sinh Tống Phước Hiệp Vĩnh Long chép tay.
- Do Nguyên Thảo xuất bản Trung Tuần Tháng Tư, năm 1971.
- Phụ bản
: T.Đức
- Bià và trình bày : LTĐ
     Quyển thơ nằm trong tiệm bán ve chai được 20 năm, Ngọc Nhan mang về ấp ủ 20 năm nữa.Thế là quyển thơ nay đã tròn 40 tuổi.  Ngọc Nhan đã gìn giữ một gia tài vô giá này trong suốt những năm qua.
      Chị Kim Oanh thay mặt longhovinhlong.blogspot.com chân thành cảm ơn Ngọc Nhan đã lưu giữ những bài thơ hiếm quý từ xa xưa để lưu truyền mãi về sau,
một gia tài quý báu mà Ngọc Nhan đã trân quý.

Thương mến
Chị Kim Oanh

A/Trang bìa
 B/ Trang mở đầu
 1/ Trang 1
 2/ Trang 2
3/ Trang 3


Tống Ngọc Nhan


Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

Này Em Cô Gái Việt


Em vẫn còn điệu lắm
Giữa những ngày đi lui
Một tâm hồn cháy nắng
Môi khinh bạc nụ cười
Em hãy còn hảnh tiến
Như ngày đầu quen tôi
Mắt thuyền không bến đổ
Nên kiêu bạt một đời
Này em không trẻ nữa
Đem tim mình rong chơi
Này em bông mắc cở
Khác gì hoa hổ ngươi
Này em cô gái Việt
Đang lưu vong xứ người
Tôi muôn đời chỉ biết
Cô là mẹ hiền thôi
Này em ngoan chút nữa
Cho rợp màu quê hương
Vì đêm nay tôi thấy
Trăng sáng đẹp mười phương

Lâm Hảo Dũng


Thành Phố Mẹ


      Từ thuở lững chững biết yêu, đến nay tóc đã nhuốm màu sương khói. Từ lúc mơn man vào hành trình chữ nghĩa, đến nay đường lãng du đã vượt ngàn hải lý. Khi có kẻ năm châu hỏi tôi: 
- Đi nhiều thế, thích nhất nơi nào? 
- Chẳng ngại ngần: vẫn xứ Việt Nam. 
- Đi nhiều thế có gì thương nhất? 
- Chẳng ngại ngần: tà áo dài em. 

      Chẳng thế mà tôi có một bộ sưu tập ảnh “Áo Dài Việt Nam” thời chưa bị biến tấu, chưa bị những thẩm mỹ viện cắt ráp vá khâu thêm những rẻo đời thời thượng! 
Tôi hãnh diện khoe sưu tập ảnh cùng kẻ năm châu mỗi khi có dịp . Như khoe mình là con cháu Văn Lang . Nên chi trong dòng thơ khoát danh “Thi Sử” tôi đã đưa tà áo dài em lên cùng với lịch sử Sài Gòn: 

Sài Gòn - Em, và chiếc áo dài 
Dựng trước anh chân dung mùa Hạ cũ 
… 
Sài Gòn ơi! thương quá tiếng Em, Anh 
biết dỗ ngọt suốt bốn mùa hoa, trái 
áo dài Mẹ, em vẫn còn giữ mãi 
từng đường thêu dấu ái vẫn còn xinh ... 

      Chân dung Sài Gòn, chân dung Áo Dài. Đẹp tuyệt vời, đẹp cả dáng và hồn. Hồn của trái tim Việt Nam trong biểu tượng Sài Gòn và chiếc Áo Dài. 
Nếu thuở ươm thơ vào đường tình, không có sức mê hoặc của tà áo dài, chưa chắc nét duyên Em hiện trên thực thể, chưa chắc mái tóc huyền Em dự lễ đăng quang trong ánh mắt thơ. 
Áo dài trắng, mái tóc đen . Đã làm nên một tuyệt tác ảnh đủ sức cảm rung từng con chữ trên cung bậc thơ ca. Vì thế mà tôi đã theo Áo Dài suốt bốn mùa với sắc màu thay đổi. Trắng: trinh nguyên, Tim: nhớ thương,Vàng: đam mê, Đỏ: kiêu hãnh … 


      Sài Gòn, Em và chiếc Áo Dài đều trong trái tim tôi. Luôn trong tầm nhớ thật gần, tưởng chừng chỉ vói tay là chạm được. Thật là thèm chạm vào hơi thở của mưa nắng Sài Gòn: 

Sài Gòn nắng chảy tràn đêm 
đường mê sảng nóng, Phố thèm giọng ca 
tiếc mùa luân vũ biệt xa 
gót sen rướm máu trượt qua nguyện cầu ... 

Thèm được nghe nhịp tim Em rung sau làn lụa nõn, để vào khuya thơ cất giọng ru mơ: 

Sài Gòn ru em 
khúc tình tháng hạ 
bóng cũ bên hiên 
buồn nghiêng hoá đá ...


      Ơi Sài Gòn! Ơi Áo Dài! Tiếng gọi trầm lắng trong mạch triều âm vỗ hai bờ Đông – Tây biển Thái Bình xanh thẩm. Điều kỳ diệu là thời gian không làm phai nhạt màu sắc của ký ức. Vẫn mãi nhớ ngày mới quen Em nơi bờ sông Quê Nội, nhìn qua gương nước lấp lánh màu sen hồng trên nền áo lụa xanh. 
Trời, Nước, Hoa và Áo Dài ... cùng một game màu thanh nhã. Từ đó mỗi lần cùng Em dạo trên những quãng đường chiều, tôi thích Em mặc áo dài màu xanh của biển. Nét tương phản giữa ánh hoàng hôn với màu xanh lung lình sóng biển, đẹp vô cùng. Nắng vàng tạo nên những gợn sóng hừng hực đam mê lăn tăn trên tà áo biển xanh. Không còn là màu ẩn dụ, mà là màu thơ, màu của trí tưởng phát họa nên sắc thái hài hòa giữa sự khắc chế của sinh tồn: 

ôi tôi đi giữa bồi hồi 
một khung trời nhớ đã đời giữa tâm 
như người tình cũ bao năm 
tưởng như biệt giữa thăng trầm, còn vương 
Sài gòn - nghe gọi mà thương 
Duy Tân, Nguyễn Huệ - con đường dư âm ...

      Sài Gòn đâu đó trong tiếng gọi - Hôm qua, mới đó, tức thời... Nghe gọi từ Phone, từ Radio, từ TV, từ nơi những con phố có người Việt lưu vong! Gọi như nỗi niềm thương nhớ, gọi như một sự khắc khoải trên dấu ấn của một phận người bị tách ra khỏi quê hương mình: 

Bẵng thật lâu hơn phần tư thế kỷ 
sống ở đâu cũng nghĩ đến Sài Gòn 
thế mới biết tấm lòng người viễn xứ 
còn thiết tha lời guốc mộc âm vang 
... 
Sài Gòn đâu đó trong tiếng gọi 
nên mãi chờ về lại lối xưa quen 
nhìn áo lụa vàng, nghe lời guốc mộc 
đẹp như thơ theo dòng nghĩ vào đêm! 

Có ai xa thành phố đó mà chưa một lần gọi nhớ Sài Gòn, của một thời Hòn Ngọc Viễn Đông: 

Sài Gòn đó, Sài Gòn bên kia biển 
không phải một thời, mà mãi ngàn đời 
trong tim người, Hòn Ngọc Viễn Đông 
trong Việt Nam, Sài Gòn bất diệt! 


      Thương vô cùng tiếng gọi Sài Gòn. Nhớ vô cùng tà áo dài một thuở đùa vui cùng hoa phượng đỏ, hay trong lất phất mưa rũ lá me bay trong chiều Thu cũ! 
Ngươi Sài Gòn xa Sài Gòn mà không vương lụy tình xưa mới là chuyện lạ. Cho dẫu Sài Gòn bất chợt nắng mưa, như có nắng chảy tràn đêm, có mưa trút nước bên hiên nắng hồng . Đẹp và lãng mạn quá chừng. 

tháng sáu Sài Gòn, trời xanh như ngọc 
ve rộn ràng cất tiếng hát rong trưa 
gió giục giã gọi em về hong tóc 
sợ chiều lên, buồn đuổi kịp theo mưa 
tháng sáu Sài Gòn, nắng mưa bất chợt 
như chợt cười, chợt khóc giữa lòng em ... 

      Sao chợt cười, chợt khóc! Có phải Sài Gòn đang ru em khúc tình tháng Hạ, có bóng cũ bên hiên buồn nghiêng hóa đá trong mùa chình phụ? Hay do Sài Gòn đổi chủ, những con đường buồn rũ đổi tên. Nét thanh nhã của Tự Do, Công Lý ... đã bị son phết lên những màu vẩn đục. Vẩn đục đến nỗi người Sài Gòn không còn nhận ra Sài Gòn thuở nọ! 

Sài gòn - nghe gọi mà thương 
Duy Tân, Nguyễn Huệ - con đường dư âm 
hẹn đời một bữa về thăm 
giữa lòng nôi Mẹ nghe trầm khúc ru ... 

      Cũng may ký ức còn thắp bùng lên một Sài Gòn rạng rỡ. Sự rạng rỡ của dáng ngọc Sài Gòn xưa, chứ không là sự rạng rỡ của những ánh đèn đêm làm khuất lấp một Sài Gòn nham nhở hôm nay với hổ lốn những kiến trúc chạy theo thời cơm áo: 

trong thành phố mười triệu dân 
những bàn chân nhỏ xíu 
luồn lách bám nuôi thân 
người làm sao thấu hiểu 
dòng xuôi ngược băn khoăn? 


      Nỗi băn khoăn lắng đọng trong lòng người Sài Gòn luyến tiếc những nét đẹp sử thi mà thơ ca không tiếc lời tôn vinh Sài Gòn trên hằng triệu trang giấy, trong hằng vạn lời ca. Dẫu gì trong trí tưởng người Sài Gòn vẫn còn long lanh từng góc cạnh kim cương của Hòn Ngọc Viễn Đông. Tạm quên những con đường nhầy nhụa, những bếp lửa trêu ngươi: 

khi tất cả những căn nhà lên đèn 
không còn thấy những con đường nhầy nhụa ...
...
từng góc cạnh kim cương lóng lánh 
sáng trên nền trời xanh thẳm Việt Nam! 

      Và trong tim người Sài Gòn lưu vong luôn mong một ngày về lại Sài Gòn để chiêm ngưỡng Thành Phố Mẹ yêu thương. Dĩ nhiên với những nét đẹp rất Sài Gòn: 

... khi những con tim Sài Gòn vụt sáng 
ta có đêm Sài Gòn rực rỡ yêu thương 
những ánh mắt vượt trùng dương say đắm 
tìm thấy nhau - đêm lãng mạn Sài Gòn! 

Từ đó, ký ức cũng làm sống lại Áo Dài Em: 

nhìn áo lụa vàng, nghe lời guốc mộc 
đẹp như thơ theo dòng nghĩ vào đêm! 

Vào những độ cuối Đòng, chờ Xuân mới . Ký ức còn rộn ràng vẽ Sài Gòn và Áo Dài Em . Tưởng như mình đang chạm mắt vào Sài Gòn trước mặt: 

lòng hăm hở giữa Sài Gòn quá rộng 
sợ chân đi không khắp những đường quen 
từ Da Kao xuống Bến Thành, Chợ Lớn 
phố cũ, đường xưa lẩm nhẩm gọi tên! 

tại nhớ quá, anh quên mình xa lắc 
lòng nôn nao nên mắt chạm Sài Gòn 
vừa tay vói qua nửa vòng trái đất 
kịp Giao Thừa hái cánh lộc đầu năm! 


      Thế nhưng, người Sài Gòn từ xa nhìn về Thành Phố Mẹ vẫn chỉ là hoài niệm. Một hoài niệm dễ thương thế nào cũng bị chùng xuống theo gót buồn thời gian gõ nhịp rong đời về phố cũ. Như tôi đã có lần đứng giữa Sài Gòn đổi mới mà ngỡ ngàng nghe những âm vang của một Sài Gòn xưa: 

cổng trường áo trắng tinh khôi 
ẩn trong ký ức bồi hồi ngắm đau 
ngoái nhìn lạ hoắc trước sau 
dẫm chân lên bóng rũ màu thời gian 

hẹn nhau đứng giữa chiều tàn 
để nghe từng chặp âm vang Sài Gòn 
của thời lá rắc thu vàng 
trên con đường gót đài trang gõ giòn!

      Không gặp Em với Áo Dài xưa. Chỉ gặp được thằng bạn một thời sống chết có nhau dưới chân dãy Trường Sơn trong mùa đỏ lửa. Kể cho nhau nghe chuyện của ngày xưa: 

ngày hai đứa tựa lưng rừng bốc lửa 
muốn vung tay đấm vỡ mặt trời 
cho mưa trút xuống phận người khốn khó 
mát niềm tin để ngước mặt làm người! 

      Biết đến bao giờ mới mát được niềm tin, để bạn và tôi khỏi trùng trùng xa cách.
      Bây giờ, nơi quan ngoại như California, Paris, Melbourne, Montreal ... Đã có những con phố Sài Gòn: 

vẫn lời nói Bắc-Trung-Nam 
vẫn xôi, phở, bún - tên hàng quán xưa 
vẫn cơm thơm gạo quê mùa 
vẫn cá kho tộ, canh chua, gỏi gà 
vẫn chị chiếc áo bà ba 
vẫn em guốc mộc kiêu sa thuở nào 
vẫn vui lời gọi, mời chào 
Cô, Dì, Chú, Bác... bữa nào ghé chơi... 


      Ghé chơi để tìm lại Sài Gòn qua khung cảnh được tái tạo giữ lại chút hương xưa. Để nếm lại những mùi vị đúng điệu Sài Gòn. Để nói với nhau ngôn ngữ Việt Nam. Một Tổ Quốc bên kia Thái Bình Dương: 

Chừ em bước trên một thành phố mới 
có những con đường mang tiếng nói Việt Nam 
(những con đường cũng chỉ là khuôn mặt 
tình những con đường ở trên đỉnh hồn ta!) 

Em hãy nhớ, thành phố mình đang sống 
cũng chỉ là một góc cuộc đời qua 
ngày luyến nhớ Paris, Cali, Newyork 
có bằng đêm em khóc nhớ Sài Gòn? 

thành phố Mẹ chúng ta bên kia biển 
những con đường Nguyễn Huệ , Hùng Vương 
những tên gọi Bạch Đằng, Bến Nghé... 
giữa đời ta là cả một trời thương! 

Dẫu có Sài Gòn trên xứ người. Nhưng người lưu vong vẫn nghe lòng buồn ray rức: 

Việt Nam tôi trên xứ người 
một thiên tình khúc viết từ nỗi đau 
Cuốc kêu sau rặng trâm bầu 
cố hương Nội, Ngoại lẽ nào mãi xa 

Sài Gòn phải thật giữa ta 
vui nay thấp thoáng chỉ là cõi dung 
chờ người một cuộc tương phùng 
rạng đông Bến Nghé hát mừng tuổi nhau! 

      Mong lắm một rạng đông Non Sông được phục hưng trong thái bình và hạnh phúc với tình người thân ái. 
Sài Gòn sống mãi với người Sài Gòn như chiếc Áo Dài sống mãi trong lòng người Việt Nam. 

Cao Nguyên
Washington.DC Jan 05, 2014

* Hình ảnh sưu tầm từ Internet.

Vĩnh Long Từ Những Nhánh Sông Nhỏ


 Từ Những Nhánh Sông Nhỏ

 Cầu Ván

 Xinh Đẹp
Mộc mạc
Nên thơ
 Từ bóng cây dừa
Từ mái tranh
Vang đọng trong lòng, chiều trên sông


Biện Công Danh

Vẫn Còn Thương Em…


* Gởi người có tên loài hoa Lài..

Thương em … dù ở cách xa
Nửa vòng trái đất, nhưng mà…vẫn thương.

Thương em…thương cả con đường
Ngày xưa đi học, em thường đi qua…
Nhớ hoài cái thuở chúng ta
Trên đường đi học hái hoa vệ đường.

Anh cài mái tóc … nói “thương!”
Cành hoa ngày ấy vấn vương anh hoài
Bao năm rồi…đến hôm nay
Anh xa quê mẹ vẫn hoài nhớ em.

Nhiều đêm trăng rụng bên thềm
Hương hoa ngày ấy phất lên…hương Lài
Nhớ hương mùa cũ thoáng bay
Mà sao trong mộng ngất ngây hương tình.

Thương em…thương nụ cười xinh
Ngày xưa trong lớp chúng mình bên nhau
Lòng anh cảm thấy dạt dào
Nhưng vì e thẹn không trao lời tình.

Thế rồi, chinh chiến điêu linh
Đâu ngờ đôi ngã chúng mình xa nhau
Giờ em đang ở nơi nao
Còn thương người cũ…ngày nào không em?

Song An Châu


Xin Em Giữ Mãi Bóng Hình Ngày Xưa


( Cảm nhận khi thăm trang nhà Long Hồ Vĩnh Long )

Ta đang lạc bước chốn nao ?
Ngàn hoa khoe sắc, ngọt ngào đưa hương.
Vần thơ trong sáng dễ thương,
Tâm tình em viết, như dường cho …ta!


Biết bao thương mến, đậm đà.
Đưa người về với tuổi ngà ngọc xưa,
Phố buồn, sáng nắng chiều mưa,
Con đường hai đứa đón đưa mỗi ngày…


Xa rồi, nhưng vẫn còn đây,
Những kỷ niệm cũ, nối dây thân tình.

Gởi em một nụ hoa xinh,
Xin em giữ mãi bóng hình ngày xưa.


Dương Thượng Trúc

Wichita, 04-04-2014


Mai Hương, Răng Khểnh Chi Lạ


Thơ Cảm Tác: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh
1/ Ước Hẹn Chiều Thu


Sáng Tác: Dương Thiệu Tước
Ca Sĩ: Mai Hương


Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

Hoài Vọng




Đêm vắng lặng nghe sầu cao chất ngất,
Gió lạnh về làm tê tái con tim.
Ngày tháng đong đưa nỗi nhớ êm đềm,
Thân lưu lãng phương trời nào đơn độc
Đêm buồn về lòng ta lên cơn khóc,
Tóc đổi màu mà sự nghiệp trắng tay!
Đường ta đi nào ai biết ngày mai?
Sầu cách biệt bao giờ nguôi nỗi nhớ?

Em phương đó, ta phương nầy cách trở,
Thương nhau nhiều chỉ dệt mấy vần thơ.
Biết bao giờ hai đứa hết bơ vơ
Để tối tối kề bên nhau tâm sự?
Ta nghe em những buồn vui quá khứ.
Ta âm thầm chia xẻ những niềm đau.
Ta cùng em, mình kể chuyện mai sau
Đêm trăng sáng dưới hàng cây đếm bước.
Gió thoảng nhẹ mơn man làn tóc mướt,
Ta ngất ngây mùi hương thoảng bay bay.

Rượu chẳng dùng mà sao chợt ta say,
Lòng ta bỗng tưng bừng ngày khai hội.
Ta quên hết những ngày buồn u tối,
Em cho ta vùng ánh sáng tương lai.
Ta hiên ngang và chẳng quản đường dài,
Xây mộng lớn ta tung hoành ngang dọc...
Bao giờ em? Để ta đừng đơn độc,
Đừng ưu sầu và đừng mất niềm tin?
Chỉ có em – vì sao sang lung linh
Đưa dẫn lối ta rời vùng tăm tối...

Liberal, Kansas 1987
Mặc Thái Thủy

Màu Kỷ Niệm - Phạm Đình Chương Và Nguyên Sa

      "Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc, áo nàng xanh anh mến là sân trường"
       Hai câu thơ trong bài hát đã nói lên nỗi lòng của anh hoc trò nhỏ dành hết yêu thương trìu mến cho người mình yêu. Rồi cuộc chiến nổ ra, anh học trò xếp áo thư sinh, đi vào chiến trận mang theo trong lòng mình hình bóng tà áo trắng thương yêu . . ..Đó là quảng thời gian theo tôi là đẹp nhất của thời đi học, cho những ai đã từng một thời đi theo một tà áo trắng những buổi tan trường. Nó đẹp và thi vị làm sao ấy, vì tôi chắc rằng, ai cũng phải chạnh lòng mỗi khi nhớ lại, cũng phải ngậm ngùi tiếc nuối. . .
      Kỷ niệm đó đẹp và như vậy đó, nhưng sẽ là 0 nếu thuở cắp sách đi học mà bạn không vương vấn trong mình một bóng hình người con gái nào đó, dù chỉ là tình yêu một chiều đi chăng nữa, thì bạn sẽ mất đi cái thi vị của cuộc sống ,của những nỗi nhớ nhớ, thương thương, đêm đêm cặm cụi nắn nót viết những dòng chữ cho những lá thư tình, cho tình yêu thời vụng dại. . .thì bạn sẽ không có một ký ức đẹp tuồi thiếu niên trong đời mình, và bạn sẽ không thể nào tìm lại được nữa đâu!


Sáng Tác: Phạm Đìng Chương và Nguyên Sa
Ca Sĩ: Vũ Khanh
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Cầu Thiềng Đức - Vĩnh Long





Huỳnh Hữu Đức