Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

Ghen


Xin cơn gió ngưng lùa qua mái tóc
Ngưng mơn man áo trắng dịu dàng bay
Hãy để yên gót ngọc đẹp đường dài
Ngưng xóa vết chân nàng trên lối vắng
Đừng hong má nàng hồng thêm, cơn nắng
Đừng soi thêm cho môi thắm thêm tình
Để những người qua lại thấy em xinh
Ta ghen lắm. Nắng vàng ơi có biết?
Trong giấc mơ không để người thân thiết
Hay những người khách lạ chợt thoáng qua
Dù chợt thoáng qua, nếu chẳng phải là
Một hình ảnh trọn đời: Anh. Em nhé!
Yêu thương lắm, vẫn thường ghen tương lắm
Em tôi ơi! Hiểu được khối tình si?
Nụ hoa yêu tròn kiếp vẫn xuân thì


1962
Lê Kim Thành
 

Thơ Tranh: Trăng Huế Xưa


Thơ Và Thơ Tranh: Nam Chi


Tháng Tư


Gió lang thang thơ thẩn chốn giao mùa
Ve gióng giả khúc gọi mùa xưa cũ
Tháng tư về rồi, cây cành trĩu quả
Em chợt buồn nỗi sớm nắng, chiều mưa
Mãi khung đời thăm thẳm một quê xa
Hương cỏ dại cọ mài sâu nỗi nhớ
Chim sẻ đồng mái hiên tre lợp tổ
Cánh cò chao lơi lả đồng chiều
Tháng tư - tuổi thơ - dòng sông thân yêu
Phượng lấp ló đầu mùa nhen đỏ lửa
Chín lòng nhau tuổi học trò trang lứa
Thương vu vơ chật chội cả sân trường
Ta ru mình giấc hoài cỗ mờ sương
Tháng tư người ơi! Bằng lăng tím phố
Có chiều hôm oi nồng cơn mưa đổ
Và bâng khuâng trông bóng dáng ai về !..

Hương Ngọc

Đong Đầy Kỷ Niệm


Ta đón Thu về một thoáng say
Bao năm vương vấn cõi mê này
Thân thương kỷ niệm ngày xưa đó
Đếm lá Thu vàng nương gió bay


Anh vẫn đan hoài giấc mộng xa
Ươm trong nỗi nhớ những ngày qua
Quê hương vời vợi ngàn lưu luyến
Khắc khoải ru lòng bao thiết tha


Thu ghé về đây gợi nhớ mong
Heo may lãng đãng lạnh trong lòng
Nhớ EM áo trắng sân trường cũ
Chừ bóng thời gian mãi ruổi rong


Viết vần thơ nhỏ nhớ nhung ơi
Anh gởi về EM ướp những lời
Kỷ niệm vương buồn bao nhắc nhở
Ru đêm vơi lạnh với sao trời


Thu về rồi đó, mộng vu vơ
Nắn nót đôi dòng gói ghém mơ
Ươm những niềm vui còn sót lại
Chất đầy kỷ niệm một vần thơ


Hoàng Dũng 

Mùa Thu Tân Tây Lan









Biện Công Danh



Việt Nam Sử Lược : Thượng Cổ Thời Đại Chương III

CHƯƠNG III

XÃ-HỘI NƯỚC TÀU

VỀ ĐỜI TAM ĐẠI VÀ ĐỜI NHÀ TẦN

1. Phong-kiến
2. Quan-chế
3. Pháp-chế
4. Binh-chế
5. Điền-chế
6. Học-hiệu
7. Học-thuật
8. Phong-tục

Khi Triệu Đà sang đánh An-dương-vương thì ở bên Tàu nhà Tần đã suy, nhà Hán sắp lên làm vua, nước Tàu đang vào lúc đại loạn, phong-tục, chính-trị đều đổi khác cả. Vả lại Triệu-Đà là người Tàu, làm quan nhà Tần, cho nên đến khi lấy được Âu-lạc, gồm cả các quận ở phương nam, lập làm một nước tự-chủ, bèn đem chính-trị, pháp-luật nước Tàu sang cai-trị đất Nam-việt[1]. Vậy trước khi nói đến chuyện nhà Triệu, ta nên xét-xem xã-hội nước Tàu lúc bấy giờ là thế nào.

1. PHONG-KIẾN. Nguyên về đời thái-cổ, nước Tàu chia ra từng địa-phương một. Mỗi một địa-phương thì có một người làm thủ-lĩnh, lập thành một nước, gọi là nước chư-hầu 諸 侯, phải triều cống nhà vua.

Số những nước chư hầu ấy thì mỗi đời một khác. Xem như khi vua Đại-vũ 大 禹 nhà Hạ 夏, hội các nước chư-hầu ở núi Đồ-sơn, kể có hàng vạn nước. Đến khi vua Vũ-vương nhà Chu 周 đi đánh Trụ-vương nhà Ân 殷 紂 王, thì các nước chư-hầu hội lại cả thảy được 800 nước.

Đánh xong nhà Ân, vua Vũ-vương 武 王 phong cho hơn 70 người làm vua chư-hầu, chia ra làm 5 bậc là: công, hầu, bá, tử, nam. Nước phong cho tước công, tước hầu thì rộng 100 dặm gọi là đại-quốc; nước phong cho người tước thì rộng 70 dặm, gọi là trung quốc; nước phong cho người tước tử, tước nam thì rộng 50 dặm, gọi là tiểu quốc. Những nước không đủ 50 dặm, thì gọi là nước phụ-dung 附 庸.

2. QUAN-CHẾ. Nhà Hạ đặt tam-công 三 公, cửu-khanh 九 卿, 27 đại-phu 大 夫, 81 nguyên-sĩ 元 士.

Nhà Ân đặt hai quan tướng 二 相, sáu quan thái 六 太 là: thái-tể, thái-tông, thái-tử, thái-chúc, thái-sĩ, thái-bốc; năm quan 五 官 là: tư-đồ, tư-mã, tư-không, tư-sĩ, tư-khấu; sáu phủ 六 府 là: tư-thể, tư-mộc, tư-thủy, tư-thảo, tư-khí, tư-hóa; sáu công 六 工 là: thổ-công, kim-công, thạch-công, thủy-công, thú-công và thảo-công.

Đến nhà Chu, ông Chu-công đặt ra sáu quan 六 官 gọi là: thiên-quan 天 官, địa-quan 地 官, xuân-quan 春 官, hạ-quan 夏 官, thu-quan 秋 官, đông-quan 冬 官. Mỗi một quan lại có 60 thuộc-quan, cộng cả lại là 360 người.

Người làm đầu thiên-quan 天 官, gọi là trủng-tể 冢 宰, thống cả việc chính-trị trong nước, việc thu-nạp cả năm và mọi việc ở trong cung. Người làm đầu địa-quan 地 官 gọi là đại-tư-đồ 大 司 徒 giữ việc nông, việc thương, việc giáo-dục và việc cảnh-sát. Người làm đầu xuân-quan 春 官 gọi là đại-tông-bá 大 宗 伯, giữ việc tế, tự, triều, sính, hội-đồng v.v... Người làm đầu hạ-quan 夏 官, gọi là đại-tư-mã 大 司 馬, giữ việc binh-mã và việc đi đánh-dẹp. Người làm đầu thu-quan 秋 官 gọi là đại-tư-khấu 大 司 寇, giữ việc dân, việc hình và việc kiện-tụng. Người làm đầu đông-quan 冬 官 gọi là đại-tư-không 大 司 空 giữ việc khuyến-công, khuyến nông và việc thổ-mộc v.v...

Trên lục-quan lại đặt tam-công 三 公, là: thái-sư 太 師, thái-phó 太 傅, thái-bảo 太 保; tam-cô 三 孤 là : thiếu-sư 少 師, thiếu-phó 少 傅, thiếu-bảo 少 保, để bàn xét việc trị nước yên dân, chứ không dự vào việc hành-chính.

3. PHÁP-CHẾ. Về đời thái-tổ thì có năm hình, ngoài năm hình lại có phép đánh bằng roi da và tội lưu. Đến đời nhà Hạ, nhà Ân và nhà Chu thì lại đặt phép chặt chân, gọt đầu và tội đồ. Đến cuối đời nhà Chu thì đặt ra tội bêu đầu, xé thây lăng-trì, mổ, muối v.v...

4. BINH-CHẾ. Binh-chế nhà Hạ và nhà Ân thì không rõ, đến đời nhà Chu thì đặt 5 người làm một ngũ 伍; 5 ngũ tức là 25 người thành một lượng 兩; 4 lượng tức là 100 người làm một tốt 卒; 5 tốt tức là 500 người làm một lữ 旅; 5 lữ tức là 2500 người làm một sư 師; 5 sư tức là 12500 người tức là một quân 軍.

Quân thì đặt quan mạnh-đan làm tướng, sư thì đặt quan trung đại-phu làm súy, lữ thì đặt quan hạ đại-phu làm súy, tốt thì đặt quan thượng-sĩ làm trưởng, lượng thì đặt quan trung-sĩ làm tư-mã.

Thiên-tử có 6 quân; còn những nước chư-hầu, nước nào lớn thì có 3 quân, nước vừa có 2 quân, nước nhỏ 1 quân.

Trong nước chia ra làm tỉnh 井, mỗi tỉnh 8 nhà, 4 tỉnh làm một ấp 邑, 32 nhà; 4 ấp làm một khâu 邱, 128 nhà; 4 khâu làm một điện 甸, 512 nhà. Cứ mỗi điện phải chịu một cỗ binh-xa, bốn con ngựa, 12 con bò, 3 người giáp-sĩ, 72 người bộ tốt, 25 người để khiêng-tải những đồ nặng. Cả thảy là 100 người.

5. ĐIỀN-CHẾ. Về đời thái-cổ thì không biết cách chia ruộng đất ra làm sao. Từ đời nhà Hạ trở đi thì chia 50 mẫu làm một gian 間, 10 gian làm một tổ 組. Cứ 10 nhà cày một lô ruộng, hoa-lợi được bao nhiêu chia làm 10 phần, nhà-nước lấy một, gọi là phép cống 貢.

Nhà Ân và nhà Chu thì dùng phép tỉnh-điền, nghĩa là chia đất ra làm chín khu hình chữ tỉnh (井). Những khu ở chung quanh làm tư-điền, khu ở giữa để làm công-điền. Mỗi một tỉnh cho 8 nhà ở, đều phải xuất lực cày-cấy công điền rồi nộp hoa-lợi cho nhà vua.

Về đời nhà Ân thì mỗi tỉnh có 630 mẫu, mỗi nhà được 70 mẫu; phép đánh thuế gọi là phép trợ 助. Đến đời nhà Chu thì mỗi tỉnh có 900 mẫu, mỗi nhà 100 mẫu, phép đánh thuế gọi là phép triệt 徹.

Nhà Chu lại đặt ra lệ cứ 20 tuổi thì được 100 mẫu ruộng, đến 60 tuổi thì trả lại cho nhà nước. Nhà nào có con thứ nhì gọi là dư phu 餘 夫 đến 16 tuổi thì được lĩnh 25 mẫu ruộng.

Nhờ có phép chia ruộng như thế nên lúc bấy giờ không có người nào nghèo lắm mà cũng không có người giàu lắm. Về sau đến đời Chiến-quốc 戰 國, ngươi Lý Khôi 李 悝 làm tướng nước Ngụy 魏, bắt dân hết sức làm ruộng, không định hạn như trước nữa; ngươi Thương Ưởng 商 鞅 làm tướng nước Tần 秦, bỏ phép tỉnh-điền 井 田, mở thiên-mạch 阡 陌, cho mọi người được tự tiện làm ruộng. Phép chia đất từ đó mới mất dần dần đi.

6. HỌC-HIỆU. Nhà Hạ đặt nhà Đông-tự 東 序 làm đại-học, nhà Tây-tự 西 序 làm tiểu-học. Nhà Ân đặt là Hữu-học 右 學 làm đại-học, nhà Tả-học 左 學 làm tiểu-học. Những nhà đại-học, tiểu-học ấy, là chỗ để tập bắn, để nuôi những người già-cả và để tập văn nghệ.

Nhà Chu thì đặt Tích-ung 辟 雍 hoặc nhà Thành-quân 成 均 làm nhà đại-học, để cho con vua, con các quan và những người tuấn-tú tuyển ở các thôn-xã đến học; còn ở châu, ở đảng[2] thì đặt nhà tiểu-học gọi là Tự 序 và nhà Tường 庠 để cho con dân-gian vào học. Lại đặt lệ cứ từ 8 tuổi đến 14 tuổi làm niên-hạn cho tiểu-học, từ 15 đến 20 tuổi, làm niên-hạn cho đại-học. Đại-học thì dạy lễ, nhạc, thi, thư; tiểu-học thì dạy cách kính trên nhường dưới và cách ứng đối, v.v.

7. HỌC-THUẬT. Học-thuật ở nước Tàu về đời nhà Chu đã thịnh lắm, cho đến đời Xuân-thu 春 秋 có nhiều học-giả như là Lão-tử 老 子 bàn đạo; Khổng-tử 孔 子 bàn hiếu, đễ, nhân, nghĩa; Mặc Địch 墨 翟 bàn lễ kiêm-ái, nên chuộng sự tiết-kiệm bỏ âm-nhạc; Dương Chu 楊 朱 thì bàn lẽ vị-kỷ, nên tự-trọng thân mình và không chịu thiệt mình để lợi người.

Lại có những pháp-gia như Thân Bất-Hại 申 不 害, Hàn Phi 韓 非 bàn việc trị thiên-hạ thì chỉ nên dùng pháp-luật, chứ không nên dùng nhân-nghĩa. Còn những người như Quỉ Cốc 鬼 谷, Thi Giảo 尸 狡, Điền Biền 田 騈, v.v..., mỗi người đều xướng một học-thuyết để dạy người đương thời.

8. PHONG-TỤC. Nước Tàu lấy sự cày ruộng làm gốc, nhưng mà việc nuôi tằm, dệt lụa, việc họp chợ, việc buôn-bán cũng phát-đạt cả.

Dân trong nước chia ra làm 4 thứ: sĩ, nông, công, thương, nhưng mà con người làm quan lại làm quan, con người làm ruộng cứ làm ruộng, chứ con người làm ruộng không được làm quan. Tuy vậy, đến đời Xuân-thu những người thứ dân lên làm tướng văn tướng võ cũng nhiều.

Trong gia-đình thì già trẻ trên dưới phân-biệt nghiêm lắm. Con phải theo cha, vợ phải theo chồng, con-trai con-gái từ 7 tuổi trở đi, là không được ăn một mâm, nằm một chiếu nữa. Con trai 30 tuổi mới lấy vợ, gái 20 tuổi mới lấy chồng mà hai người cùng họ không được lấy nhau.

Nước Tàu về đời Tam-đại 三 代 cũng sùng sự tế-tự lắm. Thường cúng-tế thiên, địa, nhật, nguyệt, sơn, xuyên, lâm, trạch. Nhà vua lập đàn Nam-giao để tế Thượng-đế. Lại có nhà Xã-tắc để tế Thổ-thần và Hậu-tắc. Còn sự thờ-phụng tổ-tiên thì từ vua cho đến thứ-dân đều lấy làm một việc rất quan-trọng trong đời người.

Xem như thế, thì xã-hội nước Tàu về đời Tam-đại đã văn-minh lắm, nhưng sau đến cuối đời nhà Chu, vì nhà vua suy-nhược, cho nên chư-hầu, người xưng hầu, kẽ xưng vương rồi tranh nhau, đánh nhau như Ngũ Bá đời Xuân-thu, Thất-hùng đời Chiến-quốc, làm cho trăm họ lầm-than khổ-sở.

Sau nhà Tần thống-nhất được thiên-hạ, mới bỏ lệ phong-kiến, lập ra quận huyện; bỏ phép tỉnh-điền, lập thiên-mạch; cấm nho-học đốt sách-vở, việc chính-trị thì cốt dùng pháp-luật, để lấy quyền-lực mà áp-chế.

Đang khi phong-tục nước Tàu biến-cải như thế, thì Triệu Đà lập ra nước Nam-việt[3], đem văn-minh nước Tàu sang truyền-bá ở phương nam, cho nên từ đó về sau người nước mình đều nhiễm cái văn-minh ấy.

Viet Nam Su Luoc 1.djvu
   






Chú thích cuối trang


  1. Xin đừng lầm nước Nam-việt ngày xưa với Nam-Việt của nước Việt-nam hiện nay.
  2. Cứ 12 500 nhà một châu, và 500 nhà làm một đảng thì có nhà Tự, ở đảng thì có nhà Tường.
  3. Xin đừng lầm nước Nam-việt ngày xưa với Nam-Việt của nước Việt-nam hiện nay.
 Huỳnh Hữu Đức sưu tầm

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Đến Từ Cát Bụi Hay Vô Thủy


Đốt nén trầm hương, suối lệ tràn
Trách đời sao tạo cảnh ly tan
Chị từ cát bụi hay vô thủy
Hóa kiếp làm người, nợ thế gian?

Hơn nửa cuộc đời vai trĩu gánh
Trái ngang, toan khổ, chịu âm thầm
Đàn con thưở nhỏ, hồn trong trắng
Có hiểu gì đâu cảnh một thân

Mười bảy năm dài nào chị biết?
Mặc cho thế sự, mặc trầm thăng
Sống đời quên lảng không phiền não
Cái mặc, cái ăn cũng chẳng màng

Ôi xót xa! Dẫu tâm chị tịnh
Biết gì đâu khi hưởng thanh nhàn
Bên con hiếu hạnh chăm lo mẹ
Trọn đạo báo đền công dưỡng sanh

Lần cuối giữa thu sang viếng chị
Chạnh lòng, nhòa lệ cảnh thương tâm
Bao năm đột quỵ hành thân xác
Mệnh bạc hồng nhan quá bẽ bàng!

Chị từ cát bụi hay vô thủy?
Hóa kiếp làm người, nợ thế gian
Tạo duyên, kết oán, hay vay mượn
Trải kiếp trầm luân … xóa nợ trần.

Khúc Giang
23/11/2013  


Thơ Tranh: Huế Thương Yêu


Thơ: Kim Hương
Thơ Tranh: Kim Oanh

Cố Gắng Tạo Nụ Cười


Nhớ thuở hai chúng mình cùng đi dạo
Gió phân luồng bay tóc xỏa bên tôi
Chỉ một thoáng mà nghe hồn điên đảo
Em mĩm cười – tôi rạo rực bờ môi !..

Mắt em to - lọn tóc huyền buông thả
Da em mềm phơi phới một màu mây
Chưa chạm tay nên xem chừng xa lạ
Dù tình như... sông gợn sóng dâng đầy.

Quên sao được những ngày còn thơ dại
Em đi guốc vong mặc chiếc áo dài
Tôi có lúc diện đồ bà ba trắng
Bước chân chim dưới ánh nắng ban mai.

Bây giờ chúng mình xa nhau thăm thẳm
Nhớ chuyện ngày xưa tóc đã bạc rồi
Thôi giã biệt một thời yêu say đắm
Nếu gặp nhau cố gắng tạo nụ cười…

Dương Hồng Thủy


Cầu Vòng - Tỉnh Vĩnh Long


Rời cầu Tân Hữu đi về hướng Cần Thơ khoảng 30 m là ngã tư, rẽ trái đi về hướng cầu Vòng (đường đi Trà Vinh)

 Ảnh 2 và 3 : nhìn về hướng ngã tư bến xe(rẽ trái là đường đi về Cần Thơ)

Ảnh 4 và 5 : nhìn về hướng Trà Vinh ( ngã ba Chiều Tím)

Huỳnh Hữu Đức

Giấc Mơ Thu


Trăng xuống lững lờ một bóng thơ
Tình xưa anh mòn mỏi đợi chờ
Đêm thu hò hẹn người chưa đến
Anh vẫn tìm em trong giấc mơ

Rồi có khi nào em trở lại
Mang hương tình cũ mắt môi xưa
Cho anh vui nỗi buồn hạnh phúc
Bên lá thu vàng theo gió đưa

Em hỡi thu về trong tiếng mưa
Có nghe tình trở giấc mơ xưa
Hay chỉ mình anh trong cô quạnh
Đêm nghe tiếng lá rớt theo mùa...

Biện Công Danh
Autumn 2014

Trúc Mai



      Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn diễn tả lúc nàng Kiều bán mình chuộc cha, đành lỗi ước với Kim Trọng, nàng than thở có câu:

Tái sinh chưa dứt hương thề
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai. 

 Và, đoạn diễn tả cảnh của Kiều lúc sống đầm ấm với Thúc Sinh: 

Một nhà xum họp trúc mai, 
Càng sâu nghĩa bể, càng dài tình sông.

      "Trúc mai" là cây trúc và cây bương. 
      Trúc thuộc một loại tre nhỏ. Bương là một giống tre to ở rừng. Lá to có thể dùng gói bánh. Thân to dùng làm cột nhà. Cây bương già có hoa, gần giống bông lau nhưng dài hơn, người ta gọi là bông mai, thường bó làm chổi, gọi là chổi bông mai. Mai này không phải cây mơ, nở hoa trắng về mùa xuân.
      Măng bương to và mập, người ta gọi là măng mai. Trong ca dao "Lính thú ngày xưa" có câu: 
Miệng ăn măng trúc măng mai,
Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng.

       "Trúc mai" ở đây chỉ người bạn tình chung thủy. Vì trúc và mai là giống cây có đốt thẳng lóng ngay (tiết thẳng); và suốt đời không thay đổi đốt, lóng ấỵ Người ta mượn "trúc mai" để chỉ người bạn suốt đời giữ được trọn tiết (tiết nghĩa đen là đốt, như đốt trúc), không thay lòng đổi dạ, không nghĩ quanh co (tre bao giờ cũng thẳng) tức là người giữ trọn được lời thề. 
      Hai người thề bồi với nhau, người này không giữ được lời thề, tức là mang nợ (lời thề) với người kia. 
      Và, theo thuyết luân hồi của đạo Phật: người mắc nợ kiếp này thì kiếp sau phải làm trâu ngựa để trả cái nợ cho người chủ nợ, như thế là tức là người giữ trọn lời thề. 
      Hình dung bằng cây trúc, cây mai là những người trọn đời giữ vững lòng ngay tiết thẳng. 
      Nhưng "Trúc mai" còn có một nghĩa khác hơn. 
      Đây không phải là cây tre và cây mơ (bamboo et abricotier), cũng không phải là cây tre và cây bương.
      Mà chính do tiếng "Mai trúc" đảo ngược. Nghĩa là Tre làm mai mối. 
      "Mai trúc" do điển tích chép trong sách "Lưỡng ban thu vũ am tùy bút": 
      Ở cửa sông Liêu Khê, huyện Long Môn, tỉnh Quảng Đông có một cái đầm (hồ), tên là "Đỗ Phụ đàm" (nghĩa là đầm đánh đố được vợ). 
      Tương truyền ngày xưa có một cậu và một cô bé trạc tuổi nhau, thường ngồi chơi bên mé đầm. Hai trẻ rất thân. Một hôm cả hai bảo nhau: 
- Chúng ta bây giờ chơi thân nhau nhưng không biết có được thân với nhau mãi chăng? Đây rồi khi lớn lên, kẻ nơi người ngã. 
Hai trẻ đều buồn. Nhưng rồi lại nghĩ ra một cách đánh đố nhau, chẻ một lóng tre ra làm đôi, mỗi người cầm một mảnh liệng xuống dòng nước, nguyền với nhau rằng: hể hai thanh tre ấy mà trôi khép lại làm một thì hai bên kết làm vợ chồng. Có thế mối tình thân mật, gần gũi nhau được mãi mãi. 
      Cả hai thực hành, quả nhiên hai mảnh tre trôi xuôi và khép liền nhau như lóng tre chưa chẻ. 
      Thế là cô cậu lấy nhau làm vợ chồng. Và, đầm ấy có tên là "Đỗ Phụ đàm". Giống tre mọc ở trên bờ đầm gọi là "Mai trúc" nghĩa là giống tre làm mai mối. 
Đời Thanh (1644-1909), thi hào Khuất Ông Sơn có thơ vịnh trúc mai:
Một đôi thanh trúc khép như in
Thanh trúc xe nên duyên bách niên.
Mai trúc trên đầm nay vẫn tốt,
Rườm rà cành nhánh cháu con hiền. 
(Bản dịch của Vân Hạc Lê Văn Hòe.) 
Nguyên văn: 
Lưỡng biên sinh trúc hợp vô ngần,
Sinh trúc năng thành phu phụ ân.
Đàm thượng chí kim mai trúc mỹ,
Chi chi từ hiếu cánh đa tôn. 

     "Một nhà xum họp trúc mai" là mai trúc ở chung nhau tức là vợ chồng xum họp. 

Trích Điển Hay Tích Lạ Kim Phượng sưu tầm

Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

Lời Hay Ý Đẹp: Luật Sống - Phần 1










Yên Đỗ sưu tầm

Em Tôi - Thuận Yến - Trọng Tấn

      Bài hát có 4 câu ,chỉ có 3 câu chính thôi,nhưng với tài nghệ sáng tác của mình nhạc sĩ Thuận Yến đã cho ta một giai điệu thật gần gủi đễ nghe và dễ cảm nhận, với giọng hát của dòng nhạc thính phòng Trọng Tấn bởi cách luyến láy nhả chữ và đặc biệt làn hơi thật dài cao vút thì nghe rất tuyệt.


Sáng Tác Thuận Yến
Ca Sĩ: Trọng Tấn
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Phút Cuối



Chầm chậm đời đi
hai màu tóc
tháng đếm ba mươi
lẻ một ngày
và chậm ngày đi
ngày sắp khóc
bởi ngày tháng đó
vuột tầm tay

Mù trong tăm tối
đời thua mỏi
tiếng nấc bi thương
lạ tháng ngày
giọt lệ chảy mòn
hai khoé mắt
nguội dần sức níu
những bàn tay.

Ra đi là dứt
không hề lại
tử biệt điềm nhiên
có một ngày
nấp ván linh thiêng
nào khép kín
còn gì siết chặt
nữa bàn tay

Hởi ơi trăm nẽo
u minh đó
chắc hẳn nhân sinh
có một ngày
từ giã cuộc đời
khi nhắm mắt
đâu bàn tay ấm
ấm bàn tay.

Đôi mắt lạnh tanh
còn nhuốm lửa
lòng như cháy rụi
đến muôn ngày
ánh chớp thiên thu
màu mắt chết
đốt tàn tâm vọng
của bàn tay.

Bàn tay yêu dấu
bàn tay lạnh
như nhánh hồn linh
tiếc tháng ngày
giây phút biệt ly
còn cố bám
hơi tàn vương víu
một bàn tay.

Trần Phù Thế

Thơ Tranh: Niềm Vui Chôn Kín


Thơ & Thơ Tranh:Nguyễn Đức Tri Ân

Bên Biên Giới Xanh

      Một thuở cạnh bờ sông thuộc sân trường Nguyễn trường Tộ, tôi đứng nhìn sóng xô dạt vào bờ đá rong rêu mà nghe dòng đời vỗ về trong tiếng "phạch, phạch" bâng quơ. Đời là những giòng sông, là những phù sa, là những lục bình lênh đênh, là sóng vỗ, là những trôi đi mênh mông, là những thủy triều bất tận. Tôi, hiện diện ở đây, nơi này, cũng chỉ là một chiếc cọc mơ hồ đóng xuống bờ thời gian. Ngày mai, chiếc cọc này cũng nhổ neo lìa bến. Ngày mai, tà áo trắng trong khuôn viên, sau lưng tôi, cũng sẽ xa bờ. Có còn chăng là gác chuông và ngôi thánh giá. Họa hoằn là còn lại gốc me già. Giòng nước trôi đi, giòng tóc xuôi bề, giòng đời chia nhánh theo thủy triều miên tận 


(Cây me Nguyễn Trường Tộ)


      Chiều xuống. Mặt trời đang chết đuối trên mặt sông về hướng Mỹ Thuận mà không ai buồn cứu. Xa xa vài con đò tìm về bến, mặc cho mặt trời chới với trên giòng nước mênh mông. Đò dọc lang thang. Đò ngang vội vàng. 
      Đò ngang, phía bên mặt tôi, là đò về cù lao An Thành. Tà áo trắng ngồi rũ trong khoang xa dần, là dáng người học trò buổi sáng vừa qua. Em qua đò, nhưng đừng dùng chữ sang ngang nhé em! Để cho tôi còn chút mơ màng, cho tôi còn thấy dịu dàng, để giòng sông tôi còn viết lên lời yêu thương, để giòng sông này là trang giấy mênh mông chứa những lời thì thầm. Trang giấy tôi sóng vỗ thủy triều, trang giấy tôi nét mực rong rêu, trang giấy tôi đầy bọt chữ viết hoài về một mái trường, về em. Trên chuyến đò ngang đó, em có thấy tôi chăng? Em có thấy mái trường rêu phong, ngôi thánh giá ngỡ ngàng và một người đang đứng lặng bên bờ tình ái?
      Nhìn những chiếc cọc nhà sàn, gần cổng trường mà niềm mong ước trở thành đôi chân tôi để mình được đứng đó chơ vơ mỗi buổi em đi, về, không có ai làm em ngại, không ai làm em che nghiêng vành nón. Tôi muốn mình như chiếc cọc buồn. Ở đó tôi sẽ được nhìn em thật trọn vẹn, hồn nhiên (Như chiếc cọc buồn).

Như những chiếc cọc buồn
Tôi cắm cạnh giòng sông
Em đi, về lẩn tránh
Mưa nắng phủ ngập hồn
Chiều rơi ngọn sóng vàng
Không còn ai trong sân
Nguyễn Trường Tộ ngơ ngác
Mình tôi đếm bước chân
Em đêm nay học bài
Chiếc cọc nào, có hay
Xin một lần ngủ gục
Viết giùm tôi nỗi say
Tôi như chiếc cọc buồn
Giòng sông hững hờ tuôn
Đò sang ngang em bước
Tôi lặng lẽ bên trường.



      Giòng sông đã trôi đi. Từng chiều, tôi quanh quẩn nơi đây làm chiếc cọc nhọn cắm lên một giao điểm thời gian. Chiếc cọc giữa sóng xô, giữa trang giấy lăn cuộn như chiếc bút lòng đang viết. Nét chữ bọt bèo. Lời như sóng gợn lăn tăn rồi chìm đục giữa phù sa vàng vuột.
      Con đò ngang giờ đã sang ngang. Cù lao An Thành xa hun hút. Tiếng máy héo hon nổ giòn trong tôi những ký ức còn thơm mùi mực. Giòng Tiền Giang đã cách ngăn cuộc đời . Giòng Tiền giang là biên giới tình tôi. Tôi không thể vượt biên, em chẳng khi nào vượt giới. Chỉ còn con đò đi, về thản nhiên qua vùng giới tuyến. Nó chở buồn tôi sang sông nhưng không chở được bóng em về.

      Bên kia bờ biên giới em có còn nhìn về mái trường rêu phong không em? Có còn nhìn lại ngôi thánh giá chơ vơ trên ráng chiều không em? Em có còn thấy chiếc cọc nhọn bên giòng sông còn cặm đó, từng buổi chiều lặng lẽ. Có lẽ là không! Bây giờ có lẽ tóc em thơm mùi lúa mạ, bóng em đẩm hương bưởi trắng tinh trong nồng nàn lối rẽ. Lối rẽ cuộc đời (Bên bờ biên cương). 

Chuông rung chiều đổ ơ thờ
Trường rêu áo bạc bên bờ biên cương
Phù sa bó đắp vết thương
Một ngôi Thánh giá tội nguồn hư hao
Bên này dấu tích chiêm bao
Bên kia tửu nguyệt yên câu mộng thường
Chiều rơi giữa bãi sân buồn
Tiếng chân cô lữ dội hồn tịch liêu


Chiều xuống bên bờ Tiền Giang. Tôi trở về đây, ngỡ ngàng. Cuộc đời ở đây như bãi đất này, đầy cỏ dại. Những văn hóa của mái trường năm nào chỉ còn là sự hoang tàn như phong cảnh ở đây. Ngôi trường Nguyễn Trường Tộ chỉ còn là một bãi đất hoang, ngập lối. Ngôi thánh giá, có thấy chăng, chỉ là tượng hình của những bông cỏ dại như hình chữ "T" cao vừa gối. Bờ sông vẫn nằm đó, vỗ về như ơ thờ không đếm xỉa đến biến cố của cuộc đời. Biến cố chỉ là sóng vỗ chơi vơi mà nó chẳng cần réo gọi. Phù sa vẫn đắp đầy ký ức rong rêu. Em bây giờ qua nhánh sông nào, xuôi thuyền về đâu? Những hàng chữ của tôi vẫn còn in trên bọt sóng thẫn thờ mà nghe cảm giác loài người đã chết chìm từ lâu lắm. Cuộc đời chỉ là cái xác chết biết đi. Tôi giờ về đây để thấy mình như con cá thòi lòi buồn quảy giữa bùn lầy cô đọng. 

Hoài Tử
Ảnh của Trương Văn Phú & Huỳnh Hữu Đức


Biệt Ly Sầu



Không còn ai vuốt tóc đêm nay
Ủ hương cho gió mong tin chàng
Mấy mùa hoa nở vàng thân áo
Một kiếp phù sinh trót mênh mang

Tư bề vắng vẻ nàng mong nhớ
Khúc nhạc tình ca lắm ngây thơ
Chàng đi theo gió trôi muôn hướng
Nàng chẳng còn chi để nhớ thương

Hồn em chết lịm ngàn khốn khổ
Một mảnh tình xưa dạ xót xa
Chiếc cầu đã gãy chia đôi hướng
Còn gì mong đợi để vấn vương

Lục Lạc

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

Thành Kính Phân Ưu Cùng Gia Đình Chị Bạch Tuyết

   THÀNH KÍNH PHÂN ƯU


 Được tin trễ Cụ Bà  Huỳnh Thị Mừng, Thân Mẫu của chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp Niên Khoá 1962 - 1969. 
. Từ trần ngày 17 - 04 - 2014 tại Thủ Đức 
. Hưởng thọ 93 tuổi. 
. Lễ Động quan lúc 5 giờ ngày 21-04-2014.
. An táng tại đất nhà thuộc xã Phú Phụng huyện Chợ Lách Tỉnh Bến Tre
      Ban Biên Tập Trang Long Hồ Vĩnh Long đồng kính phân ưu cùng chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết.
      Kính nguyện Hương Linh Cụ Bà Sớm về Cõi Niết Bàn.

Đồng Kính Phân Ưu
Ban Biên Tập longhovinhlong.blogspot.com

Thành Kính Phân Ưu Cùng Chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết



Được tin trễ Cụ Bà Huỳnh Thị Mừng, Thân Mẫu của chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp Niên Khoá 1962 - 1969.
. Từ trần ngày 17 - 04 - 2014 tại Thủ Đức
. Hưởng thọ 93 tuổi.
. Lễ Động quan lúc 5 giờ ngày 21-04-2014.
. An táng tại đất nhà thuộc xã Phú Phụng huyện Chợ Lách Tỉnh Bến Tre.
Các Bạn Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp Niên Khoá 62-69 đồng chia buồn cùng chị Bạch Tuyết và Gia Đình.
Kính nguyện Hương Linh Bác Gái Huỳnh Thị Mừng sớm tiêu diêu Cõi Phật.

Đại diện Các Bạn CHS Tống Phước Hiệp NK 62-69
Nguyễn Thị NgọcSương
Đỗ Thị Chí Thanh
Hoàng Thị Thơ
Lê Ngọc Điệp
Huỳnh Hữu Đức

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

Túc Tấn Xương Đình Văn Kinh Cầm

 
Phút giây hồi tưởng về tuổi-thơ-tôi. Nhạt nhòa, những năm tháng bão loạn, trôi giạt, và một tối ngủ đình.  
Túc Tấn Xương Đình Văn Kinh Cầm -Lý Thương Ẩn (813 - 858)

Ky tự quan quan dạ cảnh xâm
Cao song bất yểm kiến kinh cầm
Phi lai khúc chử  yên phương hợp
Quá tận nam đường thụ cánh thâm
Hồ mã tê hòa du tái địch
Sở viên ngâm tạp quất thôn châm
Thất quần quái mộc tri hà hạn
Viễn cách thiên nhai cộng thử tâm


Ngủ Đỗ Ở Đình Tấn Xương Nghe Tiếng Chim Hót Hoảng

Trời tối dần, lòng kẻ ngủ đình nơi đất khách, ngổn ngang trăm mối 
Qua cánh cửa sổ trên gác không khép, nhìn thấy một con chim bay hoảng
Bay lạc lõng xuyên qua đám khói vừa tụ lại ở đầu bến sông
Rồi mất dạng, khuất vào bụi cây rậm trên bờ đê ở phía nam
Văng vẳng nghe như tiếng ngựa Hồ hí, xen với tiếng sáo từ ải Du
Tiếng vượn Sở hú, lẫn trong tiếng chầy giặt quần áo ở thôn Quất
Lạc bầy,lìa tổ, đêm phải ngủ treo ở trên cành cây, cho đến bao giờ đây
Chim ạ, ven trời xa cách, thân ta lúc này cũng như chim mà thôi

Một Tối Ngủ Đình 
 
Chiều tối, ngủ đình, dạ vấn vương,
Cánh chim lẻ bạn, thoáng trong sương.
Xuyên quàng đám khói thưa đầu bến,
Chúi lủi bụi cây rậm cuối đường.
Khúc sáo ải xa, sầu viễn xứ,
Tiếng chầy thôn vắng, hận tha phương.
Lạc bầy, đất lạ, đời phiêu bạt,
Vò võ ven trời, ôi cố hương.
 
                  Phạm Khắc Trí
*** 

Ở Tạm Đình Tấn Xương    

Đêm tối cô đơn càng héo hắt
Ngoài song chim hoảng sợ  vô cùng 
Bay qua bãi khói sương dầy phủ
Vượt khỏi đê cây cỏ bịt bùng
Sáo ải ngựa Hồ văng vẳng tiếng
Chày thôn vượn Sở cảnh mông lung
Lạc đàn ở tạm bao giờ dứt
Ngăn cách trời xa thật não nùng 
                                    Quên Đi 

*** 
Cảm Tác Trong Đêm Ngủ Đình  

Lỡ bước, ngủ đình, dạ ngổn ngang 
Thấy ngoài cửa sổ cánh chim hoang 
Lạc bầy, hoảng loạn trong màn khói 
Chấp chới, bơ vơ giữa bụi tàn 
Ngựa hí, sáo ngân nơi cửa ải 
Chầy khua, vượn hú chốn thôn trang 
Ta đây, chim đó cùng đơn độc
Đất khách thân côi, phận bẽ bàng. 
                              Phương Hà
 

Sự Tích Con Muỗi

 

Có hai vợ chồng nhà nọ yêu nhau rất mực. Ngày mới lấy nhau, họ đã từng ăn thề hẹn không bỏ nhau. Nếu không may một trong hai người chết đi thì người kia sẽ chết theo để xuống âm ty cho có bạn. Sau đó không bao lâu, người vợ trẻ tự nhiên bị chết mang đi một cách đột ngột. Không ai có thẻ tả được hết tình cảnh đau thương của người chồng. Anh chàng đã mấy lần toan tự tử, nhưng bị người nhà ngăn trở và canh phòng ráo riết. Hôm sắp sửa cất đám bỗng có một đạo sĩ đến bày cho chàng phép cải tử hoàn sinh mà theo lời ông ta, đã từng có nhiều người dùng rất ứng nghiệm. Phép của ông ta chẳng có gì khó, chỉ cần người sống gan dạ và kiên trì một chút là được. Nghĩa là người sống mỗi ngày ba lần ôm ấp và truyền hơi ấm của mình vào cho tử thi. Làm luôn như thế không nghỉ ngày nào thì chỉ trong khoảng ba tháng mười ngày là người chết sẽ sống lại. Người chồng cảm ơn đạo sĩ và làm đúng như lời dặn, hi vọng đưa người yêu trở lại cõi thế. Ngày ngày chàng ôm ấp vợ, truyền sức nóng, hơi thở của mình vào cái xác đã lạnh toát. Nhưng sau đó ba ngày, mùi thối của tử thi bay ra khắp xóm làm cho mọi người không chịu được. Họ kéo nhau đến nhà bắt chàng phải chôn lập tức. Bất đắc dĩ, người chông nhờ xóm giềng chặt nứa làm giúp một cái bè để mình đưa xác vợ đi một nơi khác. Nhiều người vui lòng giúp anh chàng trong việc này. Chỉ trong nửa ngày, hắn đã chở xác người yêu đi biệt. Chiếc bè theo dòng nước trôi mãi. Người chồng vẫn ngày ngày ấp ủ vợ không thôi. Cái tử thi đó trông vẫn như người nằm ngủ. Lòng anh chàng tràn trề hy vọng. Đến một nơi kia, hắn cắm bè lại kề một bãi cỏ rộng, lên bộ nấu ăn. Tình cờ trong khi đi nhặt củi chàng ta gặp một cụ già. Nhìn thấy ông cụ chống gậy đi một mình giữa cảnh trời nước hoang vu, lại râu tóc trắng xóa, hình dung không có gì là lam lũ, chàng trẻ tuổi lấy làm ngạc nhiên. Hắn đang suy nghĩ thì thoáng  cái ông cụ đã đứng trước mặt. Hiểu ngay đó là bậc Tiên Phật, hắn vội phục xuống chân cụ già rồi kể lể sự tình, cuối cùng không quên cầu khẩn ông cụ sinh phúc giúp cho vợ mình sống lại. Cụ già đó chính là đức Phật, thấy anh chàng nài nỉ hết sức, bèn thương tình, đi theo xuống bè, bảo hắn chích máu ngón tay nhỏ ba giọt vào miệng vợ. Tự nhiên người đàn bà mấp máy môi rồi từ từ ngồi dậy như vừa tỉnh một giấc mơ. Trước khi ra về đức Phật có hỏi người vợ: - Anh chàng này cho vay ba giọt máu để ngươi được hồi sinh. Vậy nhà người có yêu anh ta chăng? Trước câu thề thốt chắc nịch của người đàn bà, đức Phật bảo: - Không can gì. Nếu không yêu nữa thì chỉ việc trả lại ba giọt máu cho anh ta là đủ!
bọn họ nóng lòng muốn trở về quê hương, đức Phật gọi một con cá sấu khổng lồ từ vực sâu lên bảo chở họ đi. Cá sấu vượt sông được nửa ngày đường thì bụng đã đói. Nó bảo hai vợ chồng lên bộ nghỉ ngơi để cho nó đi tìm cái ăn. Hai vợ chồng dắt nhau vào quán cơm. Trong quán hôm đó có một người khách thương sang trọng. Hắn ta thấy nhan sắc người vợ diễm lệ ít ai sánh kịp thì bỗng nảy tà dâm, mưu toan chiếm đoạt. Hắn lân la lại gần, đưa các mẫu hàng tơ lụa và đồ trang sức ra vờ chào khách, kỳ thực là để tán tỉnh người đàn bà đẹp. Hắn nói trong thuyền hắn đậu ở gần đấy còn có nhiều món hàng nữa rất quý và rẻ, muốn mời họ xuống xem. Nhưng người chồng thì chẳng thiết một tí nào. Cơm nước xong, bỏ mặc người khách thương, dắt vợ ra bến vắng, ở chỗ hẹn với cá sấu, ngồi đợi. Họ ngồi dưới bóng cây trò chuyện một chốc rồi vì mệt quá, ngủ quên lúc nào không biết. Họ cũng chẳng ngờ sau lưng họ, người khách thương kia vẫn theo hút không rời. Khi thấy hai người nằm ngủ, hắn đi nhẹ đến thức riêng người vợ dậy, mời nàng xuống thuyền đậu kề đó để hắn biếu một món trang sức; - "Thuyền của tôi chỉ cách đây mươi bước. Bà không phải đợi lâu đâu!". Nghe nói thế, lòng người đàn bà bỗng thấy lay chuyển. Nàng đứng lên, đi theo người khách thương xuống thuyền. Chỉ trong nháy mắt, theo ám hiệu của chủ, bọn thủy thủ chiếc thuyền buôn nhổ neo và giong buồm cho thuyền chạy mất.   Lại nói chuyện cá sấu lúc ngoi lên chỗ hẹn thì thấy chỉ có một mình người chồng, bấy giờ vẫn đang ngủ say. Cá sấu thức chàng dậy hỏi chuyện. Anh ta ngơ ngác không hiểu thế nào. Một mất mười ngờ, hắn đổ tội cho cá sấu đã ăn thịt mất vợ. Để giải mối ngờ, cá sấu mới bảo hắn kiếm cây luồn qua miệng mình, khua trong dạ dày xem thử cho biết. Anh chàng làm theo, chỉ thấy trong bụng cá sấu toàn là xương cá và đá cuội, mới biết mình ngờ sai. Tìm khắp mọi nơi chẳng thấy vợ, hắn trở về bến, ôm đầu kêu khóc rất thảm thiết. Cá sấu thương tình bèn bảo hắn cưỡi lên lưng rồi phóng đi, đuổi theo những chiếc thuyền vừa qua lại để dò tìm tung tích. Sau mấy lần dò hỏi, người ta cho biết một chiếc thuyền buôn vừa đi qua, trong đó có một người đàn bà trẻ và đẹp. Họ tả nét mặt và hình dạng thì đúng là vợ chàng. Cá sấu bèn cố công đuổi riết.   Khi nhìn thấy vợ ngồi trong thuyền khách thương, người chồng nói với vào: - Nàng cứ nhảy ra đây... Tôi không thể sống xa nàng được... Tôi sẽ làm cho nàng sung sướng... Nhưng người vợ trả lời chồng: - Chàng về đi! Em đành phụ chàng. Chàng tha thứ cho em vậy. Rồi đưa cho chồng một gói vàng: - Chàng hãy nhận lấy vật này và coi như em đã chết từ hôm nào rồi. Vừa bực tức vừa thất vọng, chồng ném gói vàng xuống nước rồi nhờ cá sấu đưa mình trở lại tìm đức Phật. Khi đức Phật gặp bọn họ, liền giục cá sấu hối hả rượt theo chiếc thuyền khách thương để cho anh chàng thất tình đòi lại ba giọt máu của mình. Lại nói chuyện người đàn bà sau khi chích máu ở tay để lấy ra ba giọt trả nợ cho chồng thì ngã vật xuống chết ngay. Người khách thương hết sức chữa chạy nhưng vô hiệu. Rồi sau đó hắn ném xác nàng xuống biển. Nhưng do phép màu của đức Phật, người đàn bà ấy hóa thành con muỗi. Vì thiếu máu, nên lúc nào muỗi cũng lén lút đi chích trộm của mỗi người một tí để sống[1].
  KHẢO DỊ

                                                     


Việt-nam còn có truyện Lương Nhân có lẽ cũng từ truyện Sự tích con muỗi phát triển ra.
Lương Nhân quê ở Vĩnh-yên, lấy vợ là Thị Xuân. Vợ chết, Lương Nhân quá thương cõng xác vợ theo mình không rời. Phật thương tình hiện lên phun ba ngụm nước cho Thị Xuân sống lại. Một hôm vợ chồng có việc đi xa, ngủ nhờ ở thuyền. Trong lúc Lương Nhân ngủ say thì vợ bỏ chồng theo ông chủ thuyền. Lương Nhân gặp lại đức Phật. Phật bảo đến đòi ba ngụm nước. Thị Xuân phun xong lăn ra chết.

Sau đó Lương Nhân gặp Hán Chân. Hai người lấy nhau, kiếm ăn rất chật vật. Một hôm Lương Nhân đi vắng, một người khách lạ thấy Hán Chân có sắc đẹp liền ve vãn nhưng bị nàng cự tuyệt. Để mua chuộc, người khách xin hai miếng trầu và đưa cho nàng hai trăm lạng bạc. Hán Chân nhận và khi chồng về kể lại sự thật. Lương Nhân ngờ vợ và định giết vợ. Vợ trốn đi, cải trang làm con trai vào học ở một ngôi chùa tại Sơn-tây. Đã đẹp lại học giỏi nên sư nữ Thị Vân đâm mê Hán Chân, hẹn hò làm vợ chồng.

Được mấy năm Hán Chân đội tên Lương Chân đi thi đỗ trạng, được vua gả công chúa. Hán Chân xin phép về quê mở hội làm chay. Lương Nhân bấy giờ làm nghề nông, nghe có hội, đem rau đến bán. Vợ chồng gặp nhau. Phật hóa phép cho Lương Nhân thành một chàng trai đẹp đẽ thông thái. Hán Chân đưa chồng về triều tâu rõ sự thật. Vua gả công chúa cho Lương Nhân làm vợ hai. Thị Vân cũng được đón về làm vợ ba[2].

Truyện Sự tích con muỗi tương tự với một số truyện cổ tích phương Tây. Trước hết là cổ tích Đức do Grim (Grimm) sưu tập:
Xưa có một người lính can đảm lấy vợ là một nàng công chúa. Ngày mới lấy nhau, hai bên cùng hẹn sống chết có nhau. Nếu vợ chết trước chồng thì chồng sẽ tự chôn sống với người yêu. Ngược lại, nếu chồng chết trước vợ thì vợ cũng sẽ làm như vậy.

Ít lâu sau người vợ mang bệnh qua đời. Người chồng quyết chết theo vợ, chàng tự chui vào huyệt nằm bên cạnh cái xác. Trong lúc đợi chết, chàng bỗng thấy một con rắn bò đến gần vợ, bèn ngồi dậy giết chết con vật. Sau đó, một con rắn khác đến tìm, thấy đồng đội đã chết, liền trở về mang ba cái lá cây đến làm cho sống lại. Người đàn ông bèn nhặt lấy ba lá và bắt chước phương pháp cứu chữa của con rắn làm cho vợ mình cũng sống. Đoạn, chàng đưa vợ về nhà, giao ba cái lá cây quý báu kia cho một người đầy tớ tin cậy giữ.

Từ khi sống lại, người vợ trẻ tự nhiên thay đổi tình cảm đối với chồng. Nàng không yêu chồng nữa. Một lần vợ chồng đi tàu trên biển, người vợ phải lòng viên cai tàu. Giữa lúc chồng đang ngủ say, nàng cùng viên cai tàu nâng bổng người chồng vứt xuống biển. Nhờ được người đầy tớ trung thành vớt lên và dùng ba lá cây cứu sống lại, người đàn ông mới thấy lòng dạ bạc bẽo và gian ác của vợ. Cuối cùng hắn đã trị tội vợ đến chết.

Trong kho cổ tích của người Ý (Italia) cũng có hai truyện nói đến việc người chồng làm cho cô vợ trẻ của mình sống lại, Ở truyện thứ nhất, người chồng ban đêm ngồi gác tại một ngôi đền, trong đó có quan tài của vợ. Bỗng dưng thấy một con rắn bò đến cạnh quan tài, bèn giết đi. Nhưng con rắn lại sống lại, nhờ có một con rắn khác đưa đến một thứ cỏ "cải tử hoàn sinh". Anh ta bèn dùng cỏ ấy cứu sống vợ. Ở truyện thứ hai, người chồng giết chết một con thằn lằn đến gần quan tài của vợ nhưng con vật đã được mẹ nó cứu sống nhờ có một thứ hoa hồng. Anh bèn cứu vợ bằng hoa hồng ấy.

Một truyện cổ tích Pháp cũng có nội dung gần giống những truyện đã kể:
Một chàng trai trẻ tuổi tên là Hoa Hồng lấy vợ nhưng không may hai tháng sau khi cưới, vợ chàng bị bạo bệnh rồi qua đời. Thương nhớ vợ hết sức, anh chàng cứ chiều chiều đến khóc ở mộ vợ. Một hôm, theo lệ thường anh bước vào nghĩa địa, bỗng có con ma hiện ra trao cho một cái hộp bằng bạc trong có một đóa hoa hồng. Ma bảo anh muốn cho vợ sống lại thì cứ nạy quan tài ra rồi ghé đóa hoa vào mũi vợ ba lần. Anh làm theo lời, vợ bèn sống lại.

Ít lâu sau, người chồng có việc phải đi Paris gặp người em ruột. Lúc đến nơi thấy em đau nặng, anh bận chữa chạy cho em, quên cả việt viết thư cho vợ như đã hứa. Vợ lấy làm lạ, chắc chồng đã chết. Cũng lúc đó, có một viên quan ba ở đội quân "đầu rồng" làm một bức thư giả báo tin là người chồng đã chết. Rồi hắn âm mưu lấy được người đàn bà kia làm vợ.

Qua một thời gian, bệnh tình của em có phần đỡ. Hoa Hồng bèn trở về thì vợ đã bỏ nhà đi lấy chồng. Anh rất buồn, bỏ ra tỉnh đầu quân. Anh không ngờ mình trở thành một người lính đầu rồng và càng không ngờ trở thành thư ký riêng cho viên quan đã đoạt vợ mình. Khi gặp mặt vợ cũ, anh biết vợ không yêu mình nữa.

Một hôm Hoa Hồng được viên quan mời ăn tiệc và trong lúc ăn người ta lén bỏ và túi anh một bộ thìa nĩa bằng bạc. Tiếp đấy, anh bị người ta lục soát và kết án xử tử vì tội ăn trộm. Trong ngục, anh chàng đút lót tiền cho một người lính già, đưa cho hắn cái hộp bạc của con ma ngày trước, dặn hắn phương pháp làm cho mình được sống lại sau khi bị bắn. Sau khi anh chết, người lính già tiêu hết tiền rồi mới nghĩ đến việc cứu anh, nhưng anh vẫn sống lại khi đóa hoa đặt vào mũi.

Bấy giờ ở một tòa lâu đài gần bên có một nàng công chúa đêm đêm biến thành quái vật giết chết những người lính gác. Hoa Hồng đến cứu nàng thoát khỏi phép độc của mụ phù thủy. Anh lấy nàng làm vợ và sau đó được thừa kế ngai vàng.

Ông vua mới đi khắp nước để duyệt đội ngũ. Duyệt đến đội lính "đầu rồng" cũ, vua bảo họ còn thiếu một người. Khi người ta dẫn người lính già, ân nhân của mình đến, vua tháo lon của viên quan ba, người đã đoạt vợ mình ngày trước, gắn cho người lính già. Đoạn vua bắt viên quan ba cùng với vợ hắn lên giàn hỏa[3].

Người Ả-rập (Arabes) có truyện Sự gian dối của đàn bà:
Một người Ít-xra-en (Issrael) có người vợ đẹp, hắn yêu hết sức. Bỗng nhiên vợ chết, hắn đến ở bên mộ không rời. Chúa Jê-su thấy hắn khóc lóc luôn cạnh bèn hỏi chuyện. Khi nghe hắn kể nỗi lòng, Chúa bảo: "Có muốn làm cho nàng sống lại không?". Thấy hắn nói không muốn gì hơn thế, Chúa bèn làm cho một người da đen sống lại. Hắn vội nói: - "Ô không phải, vợ tôi ở mộ kia". Chúa lại làm cho người da đen chết mà hà hơi cho vợ hắn sống lại. Hắn mừng quá, sau đó bảo vợ: - "Tôi canh mộ mình bấy lâu quên ăn quên ngủ, bây giờ mệt quá cho nghỉ một tí". Rồi hắn gối đầu lên chân vợ chuyện trò, dần dần ngủ quên. Trong khi đó, một hoàng tử xinh trai cưỡi ngựa đi qua, người đàn bà đặt đầu chồng xuống đất, đi theo. Hoàng tử cho ngồi sau lưng.
Chồng tỉnh dậy không thấy vợ bèn theo dấu, đuổi kịp gót ngựa. "Đây là vợ tôi, hắn nói, xin ngài làm ơn bỏ lại cho!". Vợ hắn nói: - "Tôi thuộc về nhà vua rồi". Hoàng tử dừng ngựa, nói: "Anh ghen với vợ ta ư?" - "Không. Đây là vợ tôi. Chúa vừa mới giúp tôi làm cho nàng sống lại". Bỗng Chúa Jê-su hiện ra, hắn reo lên: - "Có phải Chúa vừa làm sống lại người này cho tôi không?". Vợ hắn lấp liếm: - "Láo, ta là vợ hoàng tử". Chúa hỏi: - "Có phải ngươi là kẻ do ý Chúa mới được sống lại không?" - "Vâng, nhờ hơi thở của Chúa" - "Vậy thì trả lại cho ta cái mà ta cho". Người đàn bà thở ra và chết ngay. Chúa phán: - "Nếu ai muốn thấy một người lần trước chết bất nghĩa, được cứu sống và lần sau chết có nghĩa thì nhìn người da đen kia; còn muốn thấy người lần trước chết có nghĩa, được cứu sống và lần này chết bất nghĩa thì nhìn người đàn bà này". Người chồng thề sẽ không lấy vợ nữa, sau đó ở lại sa mạc tu hành cho đến chết[4].
Trong Liêu trai chí dị có truyện Ông hiếu liêm họ Vũ phần nào giống với Sự tích con muỗi. Ở đây kẻ bạc tình lại là người đàn ông. Hắn đi kinh đô tìm công danh, bị bệnh thổ huyết, lại bị đầy tớ lừa đảo, sắp chết dọc đường. Nhờ có một người đàn bà - vốn là một hồ ly chung tình - cho một viên thuốc thần khỏi bệnh và từ đó trở nên giàu có, danh giá. Hai người thành vợ chồng. Nhưng sau hắn chê vợ già, đi lấy một người đàn bà họ Vương làm thiếp. Lâu rồi vợ cũng biết tin, bèn tìm đến, kết chị em thân mật với họ Vương. Thấy chồng bạc bẽo lại mưu toan giết mình, vợ đòi lại chồng viên thuốc. Hắn nôn ra xong, thì bệnh cũ dần tái phát rồi chết.
Người Khơ-me (Khmer) cũng có truyện Sự tích con muỗi nhưng nội dung khác hẳn:
Ngày xưa loài muỗi được thần Xi-va sáng tạo, mình như mình chim, mõm như mõm chó. Chúng bay hàng đàn, chuyên ăn thịt người làm cho người chết mòn chết mỏi. Một hôm có nàng tiên mách cho loài người đốt lửa xung quanh chỗ ở để ngăn không cho muỗi đến. Không làm gì được người, muỗi bèn nhờ thần Xi-va làm cho mình trở nên thật bé để tiện lén lút ăn thịt. Nhưng cũng không làm gì được người vì hể thấy ở đâu bị cắn đau là người đánh ngay vào đấy. Muỗi lại đi kêu nài thần Xi-va lần nữa. Thần cho mỗi con một cái vòi thay cho mõm để hút máu vừa lanh lẹ vừa không ai biết. Từ đó mà có giống muỗi ngày nay[5].

( Theo http://maxreading.com )

Huỳnh Hữu Đức sưu tầm