Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

Nhớ Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương




Nhân ngày giỗ tổ Hùng Vương
Chúng ta nên nhớ Tổ tiên giống nòi
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày quốc tổ mùng mười tháng ba
Dù ai xa xứ xa nhà
Nên nhớ ngày đó chúng ta khấn nguyền
Cúi xin dâng nén hương thiêng
Ghi ơn quốc tổ Rồng Tiên - Lạc Hồng
Ngàn năm dựng nước trời Đông
Nước non thiên hạ vui trong thanh bình
Giang sơn luôn được phồn vinh
Giặc ngoài bình định dân tình ấm no
Chỉ lo bảo vệ cơ đồ
Núi sông một dãi sông hồ non cao
Vua quan cho đến đồng bào
An bình thạnh trị dưới trào Hùng Vương
Nay ta con cháu ta phương
Nhớ ơn quốc tổ Hùng Vương muôn đời.

Song An Châu
Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 Giáp Ngọ (2014)


Lễ Kỷ Niệm Giổ Tổ Hùng Vương - Melbourne, Úc Châu









Hình Ảnh: Bùi Quốc Hùng


Giỗ Tổ Hùng Vương

Hình ảnh Lễ dâng hương Đền Hùng vào năm 1904. 

      Cứ theo tục truyền thì vua Đế-minh là cháu ba đời của vua Thần-nông, đi tuần-thú phương nam đến núi Ngũ-lĩnh (thuộc tỉnh Hồ-nam bây giờ) gặp một nàng tiên, lấy nhau, đẻ ra người con tên là Lộc Tục . Sau Đế-minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế-Nghi làm vua phương bắc, và phong cho Lộc Tục làm vua phương nam, xưng là Kinh-dương-vương , quốc-hiệu là Xích-quỷ 
      Bờ-cõi nước Xích-quỷ bấy giờ phía bắc giáp Động-đình-hồ (Hồ-nam), phía nam giáp nước Hồ-tôn (Chiêm-thành), phía tây giáp Ba-thục (Tứ-xuyên), phía đông giáp bể Nam-hải.
Kinh-dương-vương làm vua nước Xích-quỷ vào quãng năm nhâm-tuất (2879 trước Tây-lịch?) và lấy con gái       Động-đình-quân là Long-nữ đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc-Long-Quân.
     Lạc-Long-Quân lấy con gái vua Đế-lai tên là Âu Cơ, đẻ một lần được một trăm người con trai]. Lạc-long-quân bảo Âu Cơ rằng: « Ta là dòng-dõi Long-Quân, nhà ngươi là dòng-dõi thần-tiên, ăn ở lâu với nhau không được; nay được trăm đứa con thì nhà ngươi đem 50 đứa lên núi, còn 50 đứa ta đem xuống bể Nam-hải ».
      Lạc-Long-Quân phong cho người con trưởng sang làm vua nước Văn-lang , xưng là Hùng-vương 
      Hùng-vương đóng đô ở Phong-châu (bây giờ ở vào địa-hạt huyện Bạch-hạc, tĩnh Vĩnh-yên).

Đây là triều đại đầu tiên của Việt Nam., khởi nguồn của dân tộc Việt.
Trong dân gian ta có câu lục bát được lưu truyền từ xa xưa:


Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba.

      Ngày giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành ngày lễ truyền thống trọng đại của dân tộc. Đền Hùng dựng trên núi Hùng, tại sao 18 đời Hùng Vương lại chỉ có một ngày lễ? tại sao lại là mùng 10 tháng 3 mà không phải là ngày khác? Đây chắc không phải là ngày chọn lựa một cách tình cờ mà có dụng ý, chứa đựng thông điệp nhất định của tổ tiên. 
      Hùng Vương sinh ra từ Mẹ tiên và Cha rồng, tức là đức trời đất đã hàm ngụ ngay từ trong thân mẫu, đến ngày sinh thì được an định vào ngày mùng 10 tháng 3 cùng một ý đất trời lưỡng hợp vì mùng 10 là thập thiên can chỉ đức trời, còn tháng 3 là cung Dần chỉ đức đất. Tại sao lại lấy cung Dần? bởi vì Dần là con vật mạnh nhất trong thập nhị địa chi. Hùng ( là Gấu) cùng loài Dần đều hàm ngụ sức mạnh vô biên vì bao quát cả đức trời lẫn đất. Có thể nói Hùng Vương là một mẫu mực người viên mãn cũng như cân đối một cách siêu việt. Sự viên mãn còn được thể hiện ở sự hòa hợp đất trời như tích trầu cau nơi ba yếu tố là lá, đá, cây chỉ trời, đất, người (Tam Tài) hòa hợp nên một chất mới là màu đỏ tươi thắm. Rõ hơn nữa là truyện bánh Dầy, bánh Chưng. Bánh Dầy tròn chỉ trời, bánh Chưng vuông chỉ đất hai đàn chồng lên nhau chỉ một giao hòa mang đậm tính dân gian sự kết hợp tuyệt vời giữa đất và trời. 

      Sự kết hợp này thể hiện tên gọi đất nước thời sơ khai Văn Lang. Chữ Lang vừa có nghĩa là nước, vừa có nghĩa là người. Vậy Văn là gì? theo nguyên nghĩa Văn chỉ sự giao thoa của trời và đất như được biểu thị bằng cách vẽ lên mình hình rồng chỉ đất mang mẫu áo lông chim chỉ trời. Đối với truyền thông Việt, yếu tố Văn được đề cao vượt bậc bên trên yếu tố võ, nên nảy sinh một thứ tôn ti đó là sĩ nông công thương. Sĩ đại diện cho Văn, cho trời. Đất đặt trước nông đại diện cho đất cả hai xoắn xít với nhau trong mối tình tương thân tương trợ, quý trọng những giá trị tinh thần sống theo nhân nghĩa, sống theo tình người đây là tâm linh sử khoa của dân tộc, đó còn là đại cương ý nghĩa ngày Giỗ Tổ. 
      Ngày Giỗ Tổ phải là một ngày lễ trọng đại nhất của người Việt, bất cứ sống nơi nào cũng cần tổ chức để tỏ lòng sâu xa đối với tiên tổ đã xây dựng cho mình một mẫu người, một mẫu nước quý báu, như vậy không chỉ để tỏ lòng tri ân tổ tiên suông, không chỉ tưởng niệm một lúc, mà cần nhất phải cố gắng làm khơi dậy tinh thần Văn Lang, bằng cách học hỏi và hiện thực để mình mãi mãi xứng đáng là con Hồng, cháu Lạc. Hơn thế nữa để có thể đóng góp cho công cuộc xây dựng hình ảnh đất nước, đó cũng là tâm nguyện của tất cả người con dân tộc Việt. 
      Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm là một ngày lễ trọng đại của đất nước. Nhân dân ta tổ chức lễ hội nhằm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công lao xây dựng, gìn giữ và bảo vệ non sông gấm vóc từ ngàn đời. Trải qua biết bao thế hệ nối tiếp nhau, hoạt động tổ chức Ngày Quốc Giỗ góp phần giáo dục đạo lý "Uống nước nhớ nguồn". Lễ Giỗ Tổ là sự ghi nhớ và tôn vinh công lao dựng nước của tổ tiên và cội nguồn dân tộc. Ðây là biểu hiện của một truyền thống đạo đức tốt đẹp mà mỗi người Việt Nam chúng ta luôn tự cảm thấy mình có bổn phận phải thực hiện.
Theo những tài liệu hiện nay còn lưu lại, hình thức sơ khai của Ngày Giỗ Tổ đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử, cách đây hơn 2000 năm. Dưới thời Thục Phán - An Dương Vương, cột đá thề đã được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, ghi rõ:
"Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu nhạt hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập". 

      Trong suốt hàng nghìn năm lịch sử, nhiều vị vua có tên tuổi của các triều đại phong kiến Việt Nam ngay khi mới lên ngôi, đã từng bước xác lập "ngọc phả" về thời đại Hùng Vương, khẳng định vai trò to lớn của các Vua Hùng đối với non sông đất nước. Niên hiệu Thiên Phúc nguyên niên tức năm 986 dưới triều Lê Ðại Hành, có bản Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền, còn gọi là Cổ Việt Hùng thị thập bát thế thánh vương ngọc phả cổ truyền. Ðây là lần đầu trong lịch sử xuất hiện tài liệu ghi chép một cách tường tận, chi tiết về 18 đời Vua Hùng (sau được sao lại vào năm Khải Ðịnh thứ 4 năm 1919). Ðến năm 1470 (niên hiệu Hồng Ðức nguyên niên - triều Vua Lê Thánh Tông), Hùng Vương ngọc phả thập bát thế truyền được Hàn lâm viện Trực học sĩ Nguyên Cố phụng chỉ biên soạn. Kế tiếp là Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyền do Hàn lâm Học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572 - triều Vua Lê Anh Tông). Còn trong bản dịch tấm bia được lập ngày mồng 10 tháng 3 năm Canh Thìn (1940 - niên hiệu Bảo Ðại thứ 15) do Tham tri, lĩnh chức Tuần phủ Phú Thọ là Bùi Ngọc Hoàn soạn nội dung cho biết, ngày "quốc tế" (ngày tế do Nhà nước đứng ra tổ chức) của nước ta vốn diễn ra định kỳ vào mùa thu. Ðến năm Khải Ðịnh thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ lúc bấy giờ là Lê Trung Ngọc có tờ tư xin Bộ Lễ ấn định lấy ngày mồng 10 tháng 3 hằng năm làm ngày "quốc tế". Tương truyền ngày 11 tháng 3 là Ngày Giỗ Vua Hùng thứ 18 thì nay ngày "quốc tế" được chọn là trước đó một ngày. Ngày giỗ chính chỉ có dân sở tại làm lễ.


Huỳnh Hữu Đức sưu tầm và tổng hợp từ Internet

 

Tiễn Xuân

      Sáng nay vào blog Long Hồ, đọc được các bài thơ Xuân Tàn, Tàn Xuân của Phạm Khắc Trí, có chút chạnh lòng khi nghĩ đến tuổi đời theo thời gian qua mau. Yên Dạ Thảo  thoáng chút cảm xúc trong lòng.


Xuân đi, lòng chạnh, ngậm ngùi
Rượu mơ chưa cạn, say vùi bóng trăng
Canh tàn, tiếng lặng thời gian
Phù vân tan hợp, suối ngàn hoa trôi...
Hương xưa, tuổi ngọc, xuân thời
Hồn người viễn xứ mộng ngời tơ vương
Chiều tan, nắng tắt sau vườn
Sơn ca vắng tiếng, mưa buồn tiễn xuân!

Yên Dạ Thảo

Thơ Tranh: Tàn Xuân


Thơ: Phạm Khắc Trí
Thơ Tranh: Kim Oanh

Quê Hương Nỗi Nhớ - Mộng Về




Chim sáo ngày nào gợi tuổi thơ
Lòng ta xao xuyến đến bây giờ
Bên sông trưa vắng gà eo ốc
Dưới bến chiều êm nước lững lờ
Tiếng dế tỉ tê trong gió lạnh
Thôn làng huyền ảo dưới trăng mơ
Một trời thương nhớ ! ôi thương nhớ!
Thắm thoát tuổi già tóc xác xơ

Xác xơ làng cũ lắng trời mơ
Sáo vẳng trên sông trúc dật dờ
Lau lách đìu hiu chiều bảng lảng
Con thuyền chầm chậm tiếng ầu ơ
Trên cầu lặng lẽ ai mong ngóng
Dưới bến xôn xao khách đợi chờ
Man mác hôn hoàng trời sắp tắt
Người về sương khói giữa bơ vơ

Bơ vơ sầu nhớ khách bơ phờ
Da diết ngày về dạ ngẩn ngơ
Trằn trọc đêm tàn trăng chếch bóng
Âm thầm song lạnh nhện giăng tơ
Nhạc xưa phòng vắng hồn tê tái
Sách cũ đèn khuya chử nhạt mờ
Dằng dặc thời gian buồn viễn xứ
Vinh quang ngày ấy vẫn mong chờ

Mailoc
4-01-14


Hồi Nhỏ



Một đêm nào đó,
nhớ lúc ra trường,
về nơi tỉnh nhỏ.
Cô học trò mơ
căn nhà cuối đường,
làm toán dễ thương.

Giờ làm thơ hay,
không như hồi đó,
mái đầu nghiêng nhỏ
Nhìn chẳng dám hôn,
lên làn tóc xõa,
như hồi còn nhỏ.


Huỳnh Hữu Trí

Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

Mong Manh Tiếng Cười Chạm Thiên Thu - Sáng Tác Ngu Yên



Sáng Tác: Ngu Yên
Trình Bày: Julie Quang
Phối Nhạc: Nguyễn Quang

Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp - Lớp 8/5 & 11B3 - Niên Khoá 1972

 
Phan Thị Sương
Kim Hà
Lớp đệ tứ 5, ra về đứng trước lớp, em họ Hồng Minh Kim học Đệ Nhị chụp mà không hay, nên xem như Sương làm dáng Tâm đứng nhìn 
..., ..., Thúy, Sương, Thơ (học xong đến nhà bạn chơi)


Tuyết, Vân, Thơ, Sương, Tâm, Lan (học xong cả bọn đi chụp hình)

Phan Thị Sương

Tình Kỹ Nữ



“Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương”
                                                       Nguyễn Du

Thêm phấn son không che đời hiu hắt
Gấm lụa là đâu giấu được điù hiu
Mộng ngày xanh không còn trên ánh mắt
Em cố cười nhưng còn đó buồn thiu!


Em một thuở ngọt ngào lời rót mật
Gió xuân hồng phơn phớt nụ cành tơ
Dáng e ấp diụ dàng êm bóng Phật

Khách vương tình, gối mộng, vướng rừng mơ

Em cũng có một thời xưa xuân sắc

Bóng tình quân réo rắc tiếng tơ lòng
Ngày thương trộm nhớ thầm, đêm quay quắt
Hoa u mê vụng nở thiếu hương nồng!


Tiếc nuối khôn nguôi lỡ đời con gái!
Ngày qua đi, chẳng trở lại bao giờ
Tu mấy kiếp một thời em trót dại
Cánh hoa tàn, nhụy rữa, phiếm chùng tơ


Mắt đưa tình, xé lòng đau cùng khách
Giọng lã lơi, lời lạt lẽo, đải bôi
Môi cười mà đổ lệ bờ lau lách
Xác thân trao lạnh ngắt bãi sông bồi


Cuộc mua vui vội vàng trong chốc lát
Một đời dài tình bạc trắng như vôi
Chiếc thuyền mơ chở đầy trăng vỡ nát
Bến đò xưa có nhớ nước sông trôi?

Lê Kim Thành


Xuân Tận - Hàn Ốc (842 - 923)

      Thực tình không biết Xuân còn hay hết, tôi ngồi chép lại bài Xuân Tận và các bản chuyển dịch vừa mới được sửa lại ,để mọi người thân quí đọc cho vui thôi. Cầu chúc an lành. PKT 03/29/2014



Xuân Tận - Hàn Ốc (842 - 923)

Tích xuân liên nhật túy hôn hôn
Tỉnh hậu y thường kiến tửu ngân
Tế thủy phù hoa qui biệt giản
Đoạn vân tương vũ hạ cô thôn
Nhân gian dị đắc phương thời hận
Địa quýnh nan chiêu tự cổ hồn
Tàm quí lưu oanh tương hậu ý
Thanh thần độc vị đáo tây viên


Dịch Xuôi : Tàn Xuân
Tiếc xuân mấy ngày liền uống rượu ngủ say vùi
Tỉnh dậy thấy áo quần hoen ố đầy ngấn rượu
Không biết dòng nước nhỏ đưa hoa trôi về khe suối cách biệt nào
Trong lúc đám mây thưa đem mưa đổ xuống xóm nhà xa lẻ loi
Ở chốn nhân gian , con người dễ vướng hận một thời xuân đã qua
Thêm nữa, lại ở nơi chốn xa lạ này, thực khó mà gọi hồn xưa trở về
Cảm thấy hổ thẹn khi nghe tiếng chim oanh vì ai mà cất tiếng hót an ủi
Sáng sớm, một mình, tha thẩn bước ra ngoài vườn

Tàn Xuân
Mấy ngày say tỉnh cùng xuân tận
Áo mỏng hoen đầy ngấn rượu hoa.
Hoa nổi, suối trôi về núi vắng
Mây thưa, mưa đổ xuống thôn xa.
Tuổi xanh , người cũ giờ đâu mất
Xứ lạ, hồn xưa những nhạt nhòa.
Sáng sớm,vườn sau, thân khách lữ
Vì ai, lảnh lót, tiếng oanh ca.

Tàn Xuân

Xuân qua nuối tiếc, say vùi,
Tỉnh ra áo ố, ngậm ngùi rượu vương.
Hoa vàng khe suối, khói sương,
Mây thưa mưa đổ, bên đường thương ai.
Tuổi xanh một thuở, hận dài,
Chiêu hồn xưa dậy, cũng hoài công thôi.
Thẹn nghe oanh hót vang trời,
Hỏi người lữ thứ thấy đời vui không?

                                  Phạm Khắc Trí

                                  03/29/2014 
* * * 

Thầy kính mến.
Đọc được bài thơ của Thầy dịch, lòng bùi ngùi... Em xin được cùng thơ Thầy để gửi cảm xúc của em. 

              Xuân Tàn
Xuân đi! Nhấp chén ngậm ngùi
Áo màu phai sắc chôn vùi thơ ngây
Cánh hoa trôi nổi lất lây
Mưa sa thôn vắng tóc mây ủ tình
Tuổi xanh! Tiếc nuối bóng hình
Mở ngăn yêu cũ hương trinh nhạt nhòa
Vẳng nghe! Chim hót líu lo
Đành thôi gắng gượng để cho xuân tàn.
                                               Kim Oanh

* * * 
Đỗ Chiêu Đức tham gia với Bản chữ Hán cổ và bài Diễn nôm:

     1. Bản chữ Hán của bài thơ :

          春盡 
          惜春連日醉昏昏 
          醒後衣裳見酒痕
          細水浮花歸別澗
           斷雲含雨入孤村
          人閑易有芳時恨
          地勝難招自古魂
          慚愧流鶯相厚意
          清晨猶為到西園

                                         韓偓

    2. Diễn nôm :

                 Cuối Xuân

      Tiếc xuân ngày một gật gà say

      Tỉnh dậy áo quần vương rượu cay

      Nước cuốn hoa trôi dòng suối khác

      Mây bay mưa tạt xóm thôn ngoài

      Người nhàn dễ tiếc thời xuân sắc

      Đất tốt khôn gìn nét cũ phai

      Thẹn thấy oanh ca đầy hảo ý
      Vườn tây dạo gót sáng ban mai.
                                 Đỗ Chiêu Đức

* * * 
Mailoc xin góp vần cùng Thầy và Bạn 

          Xuân Tàn

Thương tiếc Xuân mấy ngày say sỉn 
Áo hoen nhoè khi tỉnh rượu ra 
Một dòng suối nhỏ cuốn hoa 
Mây đen mưa trút nhạt nhoà cô thôn 
Một thời Xuân hận lòng tê tái 
Hồn xưa đâu gọi mãi không thành 
Ý tình thêm thẹn cùng oanh 
Vì ta sớm hót trên cành vườn tây 
                       Mailoc phỏng dịch
                       Cali 3-29-14
* * * 
Phương Hà xin góp bài phỏng dịch gởi đến Thầy và các bạn:

               Xuân Tàn

Tiếc xuân, rượu uống ngủ say vùi
Áo thấm hoen nhòe giọt rớt rơi
Theo suối, hoa trôi vào nẻo khuất
Cùng mây, mưa giội xuống thôn côi
Hương xưa nhòa nhạt, lòng luôn nhớ
Đất khách bơ vơ, dạ chẳng nguôi
An ủi, vườn sau oanh cất tiếng
Thẫn thờ đếm bước, muộn đầy vơi.
                                    Phương Hà

Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

Biển Vắng - Ái Hữu 72


 
Dưới ánh trăng thanh trên biển vắng
Dư âm tiếng nhạc lẫn lời ca
Của loài chim nhỏ vang trong tiếng
Hút gió ra khơi rửa vết sầu

Dư âm vang dội trong lòng biển
Ngọn gió ba đào lại nỗi lên
Tâm sự trào dâng theo nước biếc
Hỡi loài chim nhỏ thấu lòng ta

Sóng vỗ tràn bờ trên biển vắng
Bấp bênh ngã ngốn dưới trăng sầu
Phải loài chim nhỏ cùng tâm sự
Thức trắng đêm thâu đáp biển lòng?

Hồn say trước gió lòng thêm nhớ
Biển vắng đêm ngày vẫn đợi mong
Lạnh buốt chim ơi ! lòng của biển
Hỡi loài chim nhỏ thấu lòng ta?

(Đêm 15/10/73 - Hồi Dương Hải thương tặng …)

Nguyễn Hữu Hải

Melbourne Vào Thu

   Melbourne bước vào Thu từ đầu tháng Ba và tùy theo thời tiết thay đổi mỗi năm, lá sẽ trở mình sớm hoặc muộn.
      Hàng năm khoảng tuần lễ thứ nhì của tháng Năm, đại gia đình chúng tôi thường tìm đến Bright. Lưu lại nơi này đôi ba ngày để đón nắng Thu và nhặt lá vàng bay. Cái lãng mạn, sức quyến rũ của lá Thu, khiến tôi chao đảo đến mấy ngày, sau khi rời khỏi nơi đây. Và lòng tự nhủ "Sẽ đem mùa Thu của Bright về sân sau nhà mình!". 
      Ước mơ đã thành hiện thực!

 Nghệ sĩ ơi! Lơi cung trầm bổng
Hồn thu trở giấc họa thanh âm









Kim Phượng
Thu Melbourne

Tình Thơ



 
Tương tư chiều tắt nắng
Mùa cũ tôi xa người
Lối hẹn hò xóm vắng
Nhớ người về tôi thương
Ngày ấy tôi lên đường
Hàng phượng thắm sân trường
Một thời thơ hoa bướm
Với mối tình tơ vương
Hẹn gặp người trong mơ
Còn đâu mà đợi chờ
Tóc xanh giờ đã trắng
Kỷ niệm mối tình thơ

Biện Công Danh
4/4/14

Cây Trứng Cá


Có những trưa hè nắng chói chang
Tôi buồn thơ thẩn dạo lang thang
Quanh cây trứng cá chân lần bước
Nghe tiếng ve sầu ca hát vang!

Nhớ về bạn dạ nao chi lạ
Thuở thiếu thời hai đứa thiết thân
Chung lớp học, chia nhau sách vở
Nô đùa tranh hái trái ngoài sân.

Đường đời sớm rẽ chia hai ngả
Bạn ở phương nào? Tôi vẫn đây.
Cây trứng cá chờ ai úa lá
Mỏi mòn mong có dịp sum vầy.

Anh Tú (AD)
August 2012

Thơ Tranh: Chiều Hậu Giang


Thơ: Chân Diện Mục
Thơ Tranh: Kim Oanh

Thanh Minh



Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Thanh minh trong tiết tháng Ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh...

Trên đây là những câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du đề cập đến Thanh Minh của Người Trung Hoa chớ không phải Việt Nam chúng ta. Vì nguyên bản là " Kim Vân Kiều Truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân. Do ở Việt Nam ngày Tảo Mộ chính thức là ngày 25 tháng Chạp Âm Lịch mỗi năm. 
Tuy nhiên với truyền thống Hiếu Nghĩa, dân tộc ta vẫn hoà đồng với dân tộc Hoa trong ngày lễ Thanh Minh.
Thanh minh là một khái niệm trong công tác lập lịch của các nước phương Đông chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa cổ đại. Nó là một trong số hai mươi tư tiết khí của các lịch Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên.
Tết Thanh minh Là tiết thứ năm trong "nhị thập tứ khí" và đã được người phương Ðông coi là một lễ tiết hàng năm. Tiết Thanh Minh đến sau ngày Lập Xuân 45 ngày. Theo nghĩa đen, thanh là khí trong, còn minh là sáng sủa. Khi tiết Xuân Phân qua, những cơn mưa bụi của trời xuân đã hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa là sang tiết Thanh Minh
.



Nguồn gốc tết Thanh minh 

Tết Thanh minh được bắt nguồn từ Trung Quốc. Có giả thuyết rằng, chuyện kể vào đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công, nước Tấn, gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, nay trú nước Tề, mai trú nước Sở. Bấy giờ có một hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi theo vua giúp đỡ mưu kế. Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cảm kích vô cùng.

Giới Tử Thôi theo phò Tấn Văn Công trong mười chín năm trời, cùng nhau trải nếm bao nhiêu gian truân nguy hiểm. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công, nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình làm được việc gì, cũng là cái nghĩa vụ của mình, chứ không có công lao gì đáng nói. Vì vậy, ông về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn.

Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm. Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn ra lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng, ý muốn thúc ép Giới Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không chịu tuân mệnh, rốt cục cả hai mẹ con ông đều chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm (khoảng từ mồng 3.3 đến mồng 5.3 âm lịch hàng năm). Từ đó ngày mùng 3.3 âm lịch hằng năm được coi là ngày Tết Hàn thực, nhằm tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục của những người đã khuất.

Từ thời Lý nhân dân ta đã tiếp nhận tết Hàn thực nhưng ý nghĩa của ngày tết này đã biến đổi và mang đậm màu sắc truyền thống, phù hợp với tâm lý cũng như cuộc sống thường nhật của người dân nước Việt. Vào ngày tết Hàn thực, người Việt không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn được thực hiện, chỉ có điều người Việt dùng bánh trôi - bánh chay cho tết Hàn thực với ý nghĩa tượng trưng đó là những thức ăn nguội - hàn thực. Vì vậy người Việt còn gọi tết Hàn thực bằng một tên gọi khác là tết bánh trôi - bánh chay.
 


Lễ Tảo Mộ và Hội Đạp Thanh

Thời tiết do ảnh hưởng của Mặt trời, nên ngày Thanh Minh là 04-05 tháng 4 dương lịch.Chính vì thế ngày Thanh Minh theo Âm Lịch cũng thay đổi hằng năm. Như năm trước 2013, Thanh Minh vào ngày 03- tháng 03 Quý Tỵ. Nhưng năm nay 2014, ngày chính Tiết Thanh Minh  vào mùng 06 tháng 03 năm Giáp Ngọ.
Tết Thanh Minh diễn ra vào ngày tiết Thanh minh. Tại Đài Loan, Hồng Công và Ma Cao  thì tết này là một ngày quốc lễ. Còn ở các khu vực khác ở Đông Á thì không. Nói đến Tết Thanh minh thì bao giờ người ta cũng nghĩ đến lễ tảo mộ và hội đạp thanh.

1- Lễ Tảo Mộ


Nhân ngày Thanh minh, người dân các nước có nền văn hóa tương đồng và chịu ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa đều có tục đi tảo mộ gia tiên và làm lễ cúng gia tiên sau cuộc tảo mộ.
Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên cho được sạch sẽ. Nhân ngày Thanh minh, người ta mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ mà theo suy nghĩ của họ là có thể phạm tới linh hồn người đã khuất. Sau đó, người tảo mộ thắp vài nén hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa cho linh hồn người đã khuất. Trong ngày Thanh minh, khu nghĩa địa trở nên đông đúc và nhộn nhịp. Các cụ già thì lo khấn vái tổ tiên nơi phần mộ. Trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này (có thể sớm hơn một, hai ngày vì nhiều lý do khác nhau) để tảo mộ gia tiên và sum họp với gia đình. Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, chăm sóc cẩn thận, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng. Những người đi viếng mộ thường cũng cắm cho các ngôi mộ này một nén hương.


2- Hội Đạp Thanh

Từ “đạp thanh” trong câu thơ: “Lễ là tảo mộ, Hội là đạp thanh”. Các sách chú thích nêu trên giải nghĩa: “Đạpgiẫm lên, thanh xanh, cỏ xanh, đời Đường có hội Đạp thanh” (Nguyễn Văn Anh); “Sau tiết Xuân phân 15 ngày có tiết Thanh minh tục có hội Đạp thanh, là đi tảo mộ xéo lên cỏ xanh (Bùi Khánh Diễn); “Đạp thanh là giẫm lên cỏ xanh, người tảo mộ ở ngoài đồng cỏ đông như hội nên gọi là hội Đạp thanh” (Nguyễn Quảng Tuân) v.v…

Thật ra từ “đạp” trong tiếng Hán có 10 nghĩa thông dụng: 1) giẫm lên; 2) đập nhịp; 3) lê chân; 4) bước qua; 5) du ngoạn; 6) đi theo; 7) tìm hiểu tại chỗ; 8) đá chân; 9) áp sát; 10) thứ lót chân như thảm.

Vậy chú thích cho từ “đạp” thì nên chọn nghĩa thứ 5 là du ngoạn, thưởng ngoạn.Có vậy mới hiểu được những từ thường thấy trong thơ cổ: đạp xuân (du xuân), đạp nguyệt (ngắm, thưởng ngoạn trăng), đạp đăng (đi hội xem đèn), đạp hồng (đạp hoa – đi chơi ngắm hoa), đạp lãng (ngắm sóng, giỡn sóng)… Tất nhiên chọn nghĩa thứ nhất là giẫm lên cũng đúng nhưng kết hợp với thanh xanh để chú rằng: người đi tảo mộ xéo lên cỏ xanh (như ông Nguyễn Văn Anh chú) thì không những mất vẻ đẹp của hội du xuân mà còn “phá hoại môi trường” nữa.

Từ “thanh” cũng có nhiều nghĩa, hàm ý rất rộng. Riêng từ “Đạp thanh” luôn gắn liền với tiết “Thanh minh” thì bao giờ cũng được hiểu là hội du xuân với nhiều hoạt động ngoạn cảnh, vui chơi rất phong phú. Giới văn nhân thi sĩ của Trung Quốc thời xưa rất thích dịp lễ hội này vì thường là dịp để khởi hứng làm thơ. Rất nhiều tác phẩm thơ hay được lưu lại. Chỉ riêng trong Toàn Đường thi Toàn Tống từ đã có 850 bài (theo Thanh minh thi ca số lượng - Phong tục võng).

Hội du ngoạn của 41 thi nhân đời Tấn với trò chơi thả thơ, từ đó ra đời bài Lan Đình tập tự với Thiếp Lan Đình nổi tiếng của Vương Hy Chi, và cuộc du chơi ăn uống xa hoa của chị em nhà Dương Quý Phi bên bờ Khúc giang mà Đỗ Phủ miêu tả trong bài Lệ nhân hành, đó đều được xem là các thi phẩm về lễ hội Thanh minh – Đạp thanh hoặc bài Thanh minh của Đỗ Mục rất nổi tiếng hầu như ai yêu thơ Đường cũng đều thích.

Trước đây, nam nữ thanh niên cũng nhân dịp này để du xuân nên mới có tên gọi hội đạp thanh . Ngày nay, ở Việt Nam lễ hội này có lẽ không còn, nhưng ở Trung Quốc thì một vài nơi vẫn còn duy trì được.
***
Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn
Theo :http://honvietquochoc.com.vn-http://vi.wikipedia.org-http://danviet.vn-http://www.cinet.vn