Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

Thu Biệt Ly - Sáng Tác Quách Nam Dung




Sáng Tác: Quách Nam Dung

Nỗi Buồn Anh




Em có biết lòng anh như nắng mới
Hồn bâng khuâng nhìn những lá cây vàng
Những chùm hoa đỏ màu chưa hái tới
Trên nẻo đường man mác gió thu sang

Hồn anh mộng giữa mùa mưa rét cũ
Nhớ mơ hồ em trẻ tuổi về đâu
Anh sao thấy mắt dài em đã úa
Tay đã gầy xơ xác lúc xa nhau

Anh gởi lại chút hương nồng trên tóc
Để mai còn hiu hắt nếu cô đơn
Em thấy đó tình anh run rẩy khóc
Sợ lửa sầu ngun ngút tuổi yêu đương

Như trăm ngã đời anh em cắt đứt
Lòng ngây ngô van vỉ những khuya dài
Nên buổi về nghe chim rền giọng hót
Chút buồn tênh anh biết tặng riêng ai

Lâm Hảo Dũng

Biên Giới Xanh

      Một thuở cạnh bờ sông thuộc sân trường Nguyễn trường Tộ, tôi đứng nhìn sóng xô dạt vào bờ đá rong rêu mà nghe dòng đời vỗ về trong tiếng "phạch, phạch" bâng quơ. Đời là những giòng sông, là những phù sa, là những lục bình lênh đênh, là sóng vỗ, là những trôi đi mênh mông, là những thủy triều bất tận. Tôi, hiện diện ở đây, nơi này, cũng chỉ là một chiếc cọc mơ hồ đóng xuống bờ thời gian. Ngày mai, chiếc cọc này cũng nhổ neo lìa bến. Ngày mai, tà áo trắng trong khuôn viên, sau lưng tôi, cũng sẽ xa bờ. Có còn chăng là gác chuông và ngôi thánh giá. Họa hoằn là còn lại gốc me già. Giòng nước trôi đi, giòng tóc xuôi bề, giòng đời chia nhánh theo thủy triều miên tận.


      Chiều xuống. Mặt trời đang chết đuối trên mặt sông về hướng Mỹ Thuận mà không ai buồn cứu. Xa xa vài con đò tìm về bến, mặc cho mặt trời chới với trên giòng nước mênh mông. Đò dọc lang thang. Đò ngang vội vàng.

      Đò ngang, phía bên mặt tôi, là đò về cù lao An Thành. Tà áo trắng ngồi rũ trong khoang xa dần, là dáng người học trò buổi sáng vừa qua. Em qua đò, nhưng đừng dùng chữ sang ngang nhé em! Để cho tôi còn chút mơ màng, cho tôi còn thấy dịu dàng, để giòng sông tôi còn viết lên lời yêu thương, để giòng sông này là trang giấy mênh mông chứa những lời thì thầm. Trang giấy tôi sóng vỗ thủy triều, trang giấy tôi nét mực rong rêu, trang giấy tôi đầy bọt chữ viết hoài về một mái trường, về em. Trên chuyến đò ngang đó, em có thấy tôi chăng? Em có thấy mái trường rêu phong, ngôi thánh giá ngỡ ngàng và một người đang đứng lặng bên bờ tình ái?
      Nhìn những chiếc cọc nhà sàn, gần cổng trường mà niềm mong ước trở thành đôi chân tôi để mình được đứng đó chơ vơ mỗi buổi em đi, về, không có ai làm em ngại, không ai làm em che nghiêng vành nón. Tôi muốn mình như chiếc cọc buồn. Ở đó tôi sẽ được nhìn em thật trọn vẹn, hồn nhiên (Như chiếc cọc buồn).

Như những chiếc cọc buồn
Tôi cắm cạnh giòng sông
Em đi, về lẩn tránh
Mưa nắng phủ ngập hồn

Chiều rơi ngọn sóng vàng
Không còn ai trong sân
Nguyễn Trường Tộ ngơ ngác
Mình tôi đếm bước chân

Em đêm nay học bài
Chiếc cọc nào, có hay
Xin một lần ngủ gục
Viết giùm tôi nỗi say

Tôi như chiếc cọc buồn
Giòng sông hững hờ tuôn
Đò sang ngang em bước
Tôi lặng lẽ bên trường.


      Giòng sông đã trôi đi. Từng chiều, tôi quanh quẩn nơi đây làm chiếc cọc nhọn cắm lên một giao điểm thời gian. Chiếc cọc giữa sóng xô, giữa trang giấy lăn cuộn như chiếc bút lòng đang viết. Nét chữ bọt bèo. Lời như sóng gợn lăn tăn rồi chìm đục giữa phù sa vàng vuột.
Con đò ngang giờ đã sang ngang. Cù lao An Thành xa hun hút. Tiếng máy héo hon nổ giòn trong tôi những ký ức còn thơm mùi mực. Giòng Tiền Giang đã cách ngăn cuộc đời . Giòng Tiền giang là biên giới tình tôi. Tôi không thể vượt biên, em chẳng khi nào vượt giới. Chỉ còn con đò đi, về thản nhiên qua vùng giới tuyến. Nó chở buồn tôi sang sông nhưng không chở được bóng em về.
Bên kia bờ biên giới em có còn nhìn về mái trường rêu phong không em? Có còn nhìn lại ngôi thánh giá chơ vơ trên ráng chiều không em? Em có còn thấy chiếc cọc nhọn bên giòng sông còn cặm đó, từng buổi chiều lặng lẽ. Có lẽ là không! Bây giờ có lẽ tóc em thơm mùi lúa mạ, bóng em đẩm hương bưởi trắng tinh trong nồng nàn lối rẽ. Lối rẽ cuộc đời (Bên bờ biên cương).

Chuông rung chiều đổ ơ thờ
Trường rêu áo bạc bên bờ biên cương
Phù sa bó đắp vết thương
Một ngôi thánh giá tội nguồn hư hao
Bên này dấu tích chiêm bao
Bên kia tửu nguyệt yên câu mộng thường
Chiều rơi giữa bãi sân buồn
Tiếng chân cô lữ dội hồn tịch liêu


      Chiều xuống bên bờ Tiền Giang. Tôi trở về đây, ngỡ ngàng. Cuộc đời ở đây như bãi đất này, đầy cỏ dại. Những văn hóa của mái trường năm nào chỉ còn là sự hoang tàn như phong cảnh ở đây. Ngôi trường Nguyễn Trường Tộ chỉ còn là một bãi đất hoang, ngập lối. Ngôi thánh giá, có thấy chăng, chỉ là tượng hình của những bông cỏ dại như hình chữ "T" cao vừa gối. Bờ sông vẫn nằm đó, vỗ về như ơ thờ không đếm xỉa đến biến cố của cuộc đời. Biến cố chỉ là sóng vỗ chơi vơi mà nó chẳng cần réo gọi. Phù sa vẫn đắp đầy ký ức rong rêu. Em bây giờ qua nhánh sông nào, xuôi thuyền về đâu? Những hàng chữ của tôi vẫn còn in trên bọt sóng thẫn thờ mà nghe cảm giác loài người đã chết chìm từ lâu lắm. Cuộc đời chỉ là cái xác chết biết đi. Tôi giờ về đây để thấy mình như con cá thòi lòi buồn quảy giữa bùn lầy cô đọng.

Hoài Tử
(Ảnh của Trương Văn Phú cạnh bờ sông trường Nguyễn Trường Tộ và bến đò Vĩnh Long)


Phố Chiều


Cứ chiều xuống nỗi sầu không dứt 
Khiến tơ lòng bức-rức từng dây 
Buồn dâng theo gió cùng mây 
Lang thang phố vắng, hàng cây lạnh-lùng 

Xe mõi-mệt trong lòng đường vắng 
Lá thu nằm hóng nắng trên mui 
Đêm qua mưa gió ngậm-ngùi 
Một màu ảm-đạm cho lòng tái-tê 

Mây vẫn xám lê-thê xuống thấp 
Suơng trong ngần phủ khắp đồi thông 
Những con đường nhỏ song-song 
Bóng chiều lãng-đãng, xa trông mơ-hồ 

Chiều về  lạnh bơ-vơ chiếc lá 
Mấy nhành hoa buốc giá thê lương 
Chút gì nhớ nhớ thương thương 
Cánh chim bạt gió kêu sương cuối ngàn 

Thu hiu-hắt lòng càng sầu héo
Gió rợn người như réo tiếng nai 
Cho ai thổn thức thở dài 
Mây chiều như giục, u-hoài không vơi 

Trông chiếc lá vàng rơi trên cỏ 
Lòng bùi-ngùi biết tỏ cùng ai 
Có gì xanh mãi không phai?
Vô thường, vô ngả chẳng sai muôn đời 

 MaiLoc
Thu Cali 12-01-11

Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Bóng Giễu


Từ khi mở mắt làm người
là ta có bóng học đòi điêu ngoa
học làm một kẻ gian tà
săm soi sợi tóc chẻ ba bốn phần

Coi mình bổn mạng là lân
là sư tử chúa sơn lâm trên đời
quyền uy trên cả mọi người
dưới chân thảm đỏ từng lời ngọc châu

Bóng ta mỗi bữa rồng chầu
và đôi chim phụng đứng hầu hai bên
trải qua bão tố lênh đênh
chiều nghiêng tuổi lạnh bóng rên sự đời

Tự mình đốt đuốc tự coi
bùn nhơ vuốt mặt thân dòi thế gian
bóng đời cúi xuống mà than
soi gương hổ mặt bóng tàn chiều hôm

Trần Phù Thế

Mộng Tàn Phai - Tình Dang Dở




Tình lỡ ngân lên khúc nhạc trầm
Người đi năm tháng biệt hơi tăm
Vì ai vương lệ sầu muôn thuở
Để kẻ ươm tơ xót kiếp tằm
Trần thế gieo chi điều nghiệt ngã
Thói đời bạc bẽo lắm hờn căm
Ân tình chia cách đành ly biệt
Mộng ước tàn phai lỡ sắt cầm

Thiên Thu

2013

* * * 


 Tình Dang Dở

   (Từ Mộng Tàn Phai của Thiên Thu)

Cuộc đời dang dở lụy thăng trầm
Tình đã xa rồi vắng biệt tăm
Người bước phiêu bồng đời lữ khách
Tôi về ray rứt kiếp con tằm
Bao năm tri ngộ nhiều vui vẻ
Một chốc xa lìa lắm nghiệt căm 
Còn lại vần thơ buồn thương tưởng
Xót xa phận bạc đứt duyên cầm 

Hoàng Dũng

Suy Tưởng (Ái Hữu 72)




Thầm suy tưởng Noel năm năm nữa,
Chén trà tình lời ngọc có còn không?
Noel nay, Mai sống chết trong lòng?
Ngày nào sống ngỡ ngày kia đã chết!
Thầm suy tưởng Noel năm năm nữa,
Khóc đi về kêu gọi chén trà con!
Chén trà con hôn môi ấm đâu còn,
Còn hay hết?... nhạt phai mầu trăng trắng,
Thầm suy tưởng Noel năm năm nữa.
Đặt viết này như trang báo ngày xưa,
Báo ngày xưa năm cây viết không thừa,
Nhưng hôm đó thừa vì không ai đọc.

Mao Lư - Ái Hữu 4  Nguyễn Hùng Sơn 
( Trích Từ Nội San 3 -1974 của Lớp 11B3 - Niên Khóa 1972)

Hồ Sen



     
      (Tặng T.)
Phải hạ vừa sang đó không em?
Không sang sao nỡ để sen tàn
Nhìn cảnh hồ sen mưa lất phất
Ướt lối đi về, ướt cả sen…


Ngày du ngoạn hồ sen Hoa Thịnh Đốn
21 tháng7,2012
Bùi Thanh Tiên

Thơ Tranh: Thu


Thơ & Thơ Tranh: Nam Chi

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Như Một Lời Chia Tay - Trịnh Công Sơn - Nguyễn Đức Tri Ân


Đàn Hát và Trình Bày: Nguyễn Đức Tri Ân

Có Ông Già

       "Có ông già lên!"
      Tiếng lơ xe buýt vang lên từ cửa sau, tài xế cho xe dừng hẳn lại. Lơ xe nắm vai tôi kéo lên qua bậc cửa lọt vào trong. Giờ học sinh đi đến trường, những người đi buôn bán sớm nên đã có nhiều khách đi xe phải đứng. 
      "Thanh niên nhường chỗ cho ông già ngồi!"
      Vẫn tiếng vang dễ thương quen thuộc, nhắc tôi nhớ mình cũng thuộc loại ưu tiên đây. Mặc dù đội nón kết như lúc còn đánh tennis ở sân trường Tống Phước Hiệp, mặt bịt khẩu trang vì hệ miễn nhiễm đã yếu, mà sao người ngoài vẫn nhìn ra có ông già. Không biết mình đã lên hàng ưu tiên đó từ hồi nào nữa, chỉ thấy mỗi khi ra đường một mình có những phụ nữ cở bà ngoại, bà nội đưa mắt nhìn mình, có lúc cũng hỏi thăm :
      "Anh bệnh gì mà vào đây? Bị lâu chưa?Bao lâu tái khám một lần? Có ai đi theo chăm sóc? Được bao nhiêu tuổi rồi?"
      Hình như mình có lớn tuổi thiệt, có được hai cháu nội hơn hai tuổi thật là hạnh phúc. Chỉ có bây giờ khi bước một chân lên ghế đẩu làm việc nhà trên cao hoặc bước lên bậc cửa sau xe buýt, phải vận sức kéo chân kia mới chịu lên. Hồi mới ra Đại Học Sư Phạm Sàigòn về trường Tống Phước Hiệp, ở nhờ nhà bác lò bánh mì Phước Thành, phía sau chỗ lò đun bằng củi, có không gian rộng treo được bao da và trụ quấn dây để tập thái cực đạo tiếp tục lúc học ở Sàigòn. Mỗi sáng bốn giờ dậy, luyện tập xong nhảy xuống sông tắm. Lên nấu bếp điện pha một café phin với chút đường, soạn bài dạy bữa đó.

( Giờ Toán - Tống Phước Hiệp - 1973)
      Lúc đó dạy lớp Đệ Nhị, Đệ Nhất trường Nguyễn Trường Tộ thầy Giám học Phong rất quý mến tôi. Hôm đó đang dạy giờ chót buổi sáng lớp Đệ Nhị, vừa sửa xong bài tập là còn năm phút hết giờ, tôi cho học sinh xếp tập nghỉ chuẩn bị chờ tiếng trống tan học. Đang xóa bảng thì mấy đứa bàn chót dùng tay gõ nhịp lên mặt bàn. Chưa kịp rầy thì thoáng bóng thầy Phong ở cửa sau lớp, nhìn xem ai đang dạy. Thấy tôi ngưng xóa bảng đi xuống cuối lớp, thầy không nói gì, quay trở về lớp dạy kế bên. Trường nghèo nên vách ngăn phòng học bằng phên tre, tôi biết lỗi đã làm ảnh hưởng đến giờ dạy của thầy dù đã sắp ra về. Tôi đã đấm xuống mặt bàn, rầy mấy em  bàn chót và nói cả lớp nghe: "từ nay, các em sẽ không bao giờ được nghỉ trước tiếng trống như hôm nay nữa". Vậy mà sáng chủ nhật tuần sau đó, đang lái xe Honda gặp mấy em lớp Đệ Nhất Nguyễn Trường Tộ đang ngồi uống café ở lề đường ngã tư bệnh viện lớn Vĩnh Long ra đón mời thầy. Mấy đứa đưa thầy rít thử điếu thuốc thơm, tôi ho sặc sụa. Bọn nó cười quá :"Thầy không biết hút thuốc!". Tôi cũng cười. Một đứa nói: "thầy thay ghi đông cong đi, xe 72 của thầy để ghi đông có cây ngang, nói thầy đừng giận, tụi nó nói là cây sào quần". Tôi cũng cười, sau đó không thay. Một đứa: "nói hôm trước thầy rầy mấy đứa lớp Đệ Nhị, tụi nó kêu thằng H. đâm thuê chém mướn, hôm trước thầy có gặp nó rồi, sẽ đón đường lúc thầy dạy về, đâm cho một nhát dằn mặt. Tụi em nói tụi bây hết chuyện làm, đòi đâm sư phụ tụi tao, còn thằng H. đã kêu ổng bằng sư phụ rồi". Mấy đứa học trò đối với tôi thiệt tốt, luôn bênh vực thầy.

( Lớp 12 Nguyễn Trường Tộ - Niên Khoá 73-74)
      Bỗng nhiên tôi nhớ đến mình đã biết uống rượu từ lúc vào Đại Học Sư Phạm, khỏi đóng học phí còn được học bổng ba tháng lãnh một lần. Bọn tôi thay phiên nhau từng đứa một dẫn các bạn trong nhóm bảy tám đứa đến quán ăn nấu món đặc sản của quê hương mình. Mỗi đứa uống hai chai bia để thưởng thức kèm theo lời giới thiệu của bạn coi như là đã theo bạn về quê. Về trường Tống Phước Hiệp gặp những đàn anh như thầy Khỏe, thầy Kiệt, hàng tháng lúc lãnh lương tôi được cho đi theo đến vũ trường. Tôi chưa biết nhảy đầm nên ngồi uống rượu mạnh pha soda, ngắm các anh đang lả lướt theo điệu nhạc cùng người đẹp. Tôi tự nhủ chừng nào mấy đứa em tôi đã học xong, ra đời sống tự lập, lúc đó mình học nhảy mấy hồi. Tôi thích ngồi lai rai cùng các chú tôi quen trong xóm lao động, các phụ huynh học sinh rồi còn bạn đồng nghiệp, bạn lao động làm thuê vào ngày nghỉ dạy. Những lúc như vậy tôi hòa mình vào cuộc sống bình thường, không còn phải cộng trừ nhân chia rút căn,...,đứa học sinh nào biết lo học, đứa nào phải kiểm tra nhắc nhở thường xuyên.

(Học sinh Tống Phước Hiệp - Trại Hè Năm 1973)
      Tới vụ hút thuốc nữa. Đến lúc về trường Tống Phước Hiệp dạy, tôi vẫn không hút thuốc và không thấy quê chút nào.Sau 75, dẫn học trò đi đào kinh dẫn nước ở Trà Ngoa thuộc Trà Vinh cũ, cả tuần lễ. Tôi còn trẻ khỏe nên có lúc ở chỗ móc cục đất mới đào lên đưa cho em đầu dây chuyền đến chỗ đấp bờ. Khuya ngồi cùng các thầy hàn huyên, kể chuyện, tôi cũng bập thử điếu thuốc mấy ổng vấn giùm, sau đó thì hết ho sặc sụa. Khi bệnh, lúc nằm viện dĩ nhiên là không hút. Mới đây xuất viện về nhà bỏ luôn gần tám tháng không cầm điếu thuốc cũng không thấy khó khăn gì. Vợ tôi nói "hồi đang điều trị mới đây, hai lá phổi của tôi bác sĩ nói trắng hết sợ không hồi phục được kỳ nầy. Lần nầy về nhà mà còn uống rượu khi gặp bạn thân, dự đám cưới, rồi hút thuốc nữa thì vợ bỏ luôn không còn nuôi bệnh như thời gian qua".
      Tuần rồi ngồi uống café cùng bạn học thời trung học ở Long An, một bạn tâm sự "Từng tuổi nầy mà bà biểu tôi không uống rượu, hút thuốc cũng không thì sống không thấy vui. Thôi chết cho rồi". Tôi chưa từng dám nói như vậy với vợ, vẫn luôn biết vợ lo cho mình.
      Hình như khi gọi tôi bằng thầy, học trò không có gắn thêm chữ già khi đến thăm. Vẫn là thầy, thầy ơi. Giờ đây tôi mới dám vịn vai, bắt tay học trò nữ cũ sì. Hồi trẻ chưa vợ còn không dám nhìn lâu học trò nữ, nhất là mấy đứa được bạn coi là có duyên, còn tôi không nhìn lâu nên không biết.

      "Sắp đến Chợ Rẩy! Ai xuống bước ra cửa sau!".
      Xe buýt dừng hẳn lại, một bàn tay cứng cáp nắm giữ vai tôi, chờ tôi đặt chân sau trên mặt lộ, sau tiếng hô quen thuộc:
      "Có ông già xuống!".
Huỳnh Hữu Trí
Long An 01/01//2013

43 Năm Nhớ Bạn



( Nhớ Tống Hữu Ngọc Hùng Cảnh sát chết trước 75
Nguyễn Văn Long Nhảy dù chết trước 75
Lê Văn An chết năm 75)


Bốn thằng bạn học cùng chung lớp
Khốn khó thân nhau bởi cảnh nghèo
Ở trọ chen chân nhà nhỏ hẹp
Cơm chiều hết gạo ...gói mì khô

Đệ nhị năm nay thi tú tài
Mấy thằng chắc đậu nắm trong tay
Thằng đi Biệt động, thằng Cảnh sát
Có thằng mơ được Nhảy dù bay

Học tài thi mạng hên với rủi
Bốn thằng rớt hết đổ thừa xui
Đêm cuối xả buồn say khướt rượu
Xỉn rồi khóc ngất "tại vì yêu"

Đà Lạt năm sau đành lỗi hẹn
Thủ Đức kỳ nầy đã trượt thi
Đống Đế cánh gà thôi cũng tạm
Có thằng xuống tóc chọn qui y

Bỏ trường xa lớp nhớ người yêu
Năm nay chắc đã đẹp hơn nhiều
Nàng đậu giáo viên vào đại học
Chuông chiều buồn tủi chốn hậu liêu

Mỗi thằng mỗi ngả thời ly loạn
Kinh kệ cầu mong lửa đạn tàn
Trường xưa trở lại cùng thầy, bạn
Học tiếp thi hoài chắc cũng quan

Chiến tranh bỏ lại tiếng khóc cười
Người đi kẻ ở mãi trùng khơi
Rời chùa phố lạ tình không đợi
Bạn bè tản lạc khắp cùng nơi

Hương khói nhang cay ngày gặp lại
Mẹ già em dại bạn đành sao?
Hai thằng chết trận ngoài biên ải
Một đứa phơi thây biết chốn nào

Mỗi năm mưa bão nằm chờ sáng
Nhớ bạn đêm nào uống biệt ly
Rượu đắng khuya nay mình tôi cạn
Chếnh choáng trong mơ thấy bạn về

Phủ Hiền

 

Sài Gòn Của Tôi



Sài Gòn ơi! Sao thương nhớ quá!
Bao lâu rôi ta đã xa nhau?
Chia tay lưu luyến hôm nào
Con tim tan nát lệ trào hoen mi

Buồn da diết chẳng chi nói được
Mưa hạ buồn trút nước ban trưa
Lao xao xào xạt tàu dừa
Hàng cây phượng đỏ tiễn đưa gục đầu

Đời tha hương nỗi sầu viễn xứ
Quang âm ngày tháng cứ lặng trôi
Tà dương dần khuất ven đồi
Chân trời én liệng mình ngồi cô đơn

Chẳng buồn tủi giận hờn oán trách
Dẫu quê hương xa cách nghìn trùng
Cõi lòng tràn ngập nhớ nhung
Xin làm mây trắng không trung lững lờ

Về quê hương ấu thơ trước mắt
Nghe sáo diều hiu hắt trên đê
Xa xa tiếng quốc vọng về
Ểnh ương than khóc não nề trong mương

Lũy tre làng con đường ra ruộng
Bò tràn lan rau muống xanh xanh
Chim cu gáy tiếng trên cành
Con thuyền tam bản chòng chành trên sông

Khói lam quyện ngọn sầu đông
Tình hoài hương dậy đáy lòng thâm sâu
Quê hương còn nào đâu có mất
Cớ sao ta tất bật quê người?

Éo le xoay vận cơ trời
Khiến ta đành phải cuộc đời tằm tơ
Lòng vẫn nhớ ước mơ cố quận
Dẫu còn lưu lạc tận trời xa

Quê hương bốn biển cùng nhà
Đơn thân độc mã mình ta giữa trời

Lê Phạm Trung Dung

10 Lý Do Không Nên Bỏ Qua Mướp Đắng

      Dù có vị hơi đắng, nhưng mướp đắng (hay khổ qua) lại rất hữu ích với sức khỏe. Để có được lợi ích đó, hãy tìm mua và nấu ăn nó thường xuyên
1. Bệnh tiểu đường loại II

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng mướp đắng làm giảm lượng đường trong máu thông qua việc tăng cường trao đổi glucose. Uống một cốc nước ép mướp đắng mỗi ngày và trải nghiệm hiệu quả. Ngừng uống nếu bạn bị đau bụng, tiêu chảy hoặc sốt. Theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên và điều chỉnh thuốc khi cần thiết, với sự trợ giúp của bác sĩ.

2. Sỏi thận
Sỏi thận cực kỳ đau đớn. Mướp đắng có thể giúp bạn thoát khỏi căn bệnh này một cách tự nhiên. Mướp đắng làm giảm axit cao gây ra sỏi trong cơ thể. Hòa bột mướp đắng với nước để tạo thành một loại trà hữu dụng cho sức khỏe. Loại trà này có hương vị hấp dẫn và bạn có thể sử dụng mà không cần thêm đường.

3. Giảm lượng cholesterol
Mướp đắng giúp làm giảm lượng cholesterol, từ đó giúp bạn thoát khỏi nguy cơ mắc bệnh đau tim và đột quỵ. Cholesterol cao chỉ có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu. Ăn mướp đắng thường xuyên sẽ đem lại hiệu quả đáng ngạc nhiên.

4. Ung thư tuyến tụy
Một trong những lợi ích sức khỏe đáng ngạc nhiên nhất của mướp đắng là đặc tính chống ung thư. Mướp đắng đã được chứng minh có tác dụng làm gián đoạn việc sản xuất đường, có khả năng ức chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư tuyến tụy. Nó cũng có thể ức chế tế bào ung thư khác trong gan, đại tràng, vú, hoặc tuyến tiền liệt.

5. Tốt cho da
Mướp đắng rất có lợi cho da. Uống nước ép mướp đắng thường xuyên có thể làm làn da trắng và mịn màng, giảm mụn trứng cá. Mướp đắng thậm chí còn giúp điều trị bệnh vẩy nến và eczema... Hãy thử món canh mướp đắng để chữa các bệnh ngoài da hoặc cho làn da đẹp hơn.

6. Giảm cân
Mướp đắng rất ít calo và rất nhanh làm bạn cảm thấy no. Ăn mướp đắng thường xuyên giúp bạn giảm cân hoặc duy trì mức cân nặng lý tưởng. Loại quả này cũng chứa hàm lượng dinh dưỡng cao.

7. Bổ gan
Mướp đắng là thực phẩm bổ gan, hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện chức năng túi mật, và làm giảm tích trữ chất lỏng. Xơ gan, viêm gan, táo bón có thể thuyên giảm bởi mướp đắng. Bạn nên uống nước ép mướp đắng ít nhất một lần một ngày. Mướp đắng cũng hỗ trợ giảm cân và làm giảm triệu chứng ruột kích thích.

8. Chuyển hóa carbonhydrate
Đây là một lợi ích rất quan trọng đối với những người có bệnh tiểu đường loại II. Carbohydrate chuyển sang đường, và mướp đắng giúp chuyển hóa các loại đường. Chuyển hóa carbohydrate nhanh hơn có nghĩa là ít chất béo được lưu trữ trong cơ thể hơn dẫn đến giảm cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh. Chuyển hóa carbohydrate nhanh cũng hỗ trợ tăng trưởng và phát triển cơ bắp.

9. Nguồn Vitamin K dồi dào
Vitamin K giúp tăng cường sức khỏe của xương, chống đông máu, và là chất chống viêm. Vitamin K giúp cải thiện chứng viêm khớp, đau khớp. Việc bổ sung mướp đắng đáp ứng nhu cầu vitamin K hàng ngày cho cơ thể bạn. Ngoài ra, nó cũng là nguồn chất xơ tuyệt vời mà bạn không nên bỏ qua.

10. Tăng cường miễn dịch
Một hệ miễn dịch khỏe mạnh là quan trọng cho việc chống nhiễm trùng và bệnh tật. Mướp đắng giúp ngăn ngừa cảm lạnh và có lợi cho hệ tiêu hóa. Nó còn giúp ngăn chặn hoặc hạn chế dị ứng thực phẩm, loại bỏ các bệnh nhiễm trùng nấm men tự nhiên. Một lợi ích khác là giúp điều trị chứng trào ngược axit và chứng khó tiêu.

Lê Quan Vinh - Sưu tầm

Trắng Nuốt Màu Hoa



Đêm ngào ngạt hương thơm hoa bưởi
Trăng nguyên tiêu vằng vặc sáng trưng
Cám ơn em đã có lời thăm hỏi
Đông sắp tàn buốt lạnh đã nhường xuân

Cành nãy chồi non lá mướt non
Thợ trời chấm phá đẹp màu sơn
Hoa vườn rộ nở trăng đầy ắp
Óng ả vàng tơ gió lượn vờn...

Hoa chanh, hoa quýt cùng khoe sắc
Trắng một màu hoa trắng mẫu đơn
Lóng lánh sương buồn đêm yên lặng
Tình cách xa, tình thương nhớ hơn

Phải chi bước dạo vườn linh ảo
Ta có em cùng bước song đôi
Tay nắm bàn tay hương dạ thảo
Hoa cam, hoa bưởi ... Đẹp môi cười ...

Đêm tháng giêng lành lạnh trăng mơ
Trời xa em có ý mong chờ
Tình em ta gởi vào trang giấy
Ngàn chữ yêu đọng lại thành thơ

Thy Lan Thảo

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Odyssey - Nguyễn Đức Tri Tâm Soạn Hòa Âm và Trình Bày



Soạn Hòa Âm và Trình Bày: Nguyễn Đức Tri Tâm


Lá Thư Định Mệnh

    

    Từ bên trong song cửa nhìn ra sân, thấy thấp thoáng bóng một phụ nữ đang lui cui khoá chiếc xe đạp vào gốc cây mận trước nhà, Hồng tự hỏi “Không biết là ai mà sao dáng người trông quen quá!”. Đến khi cô ta bước vào gần bên thềm và lấy nón lá xuống, tươi cười chào, Hồng mới nhận ra là Tuyết, con gái riêng của mợ mình.
- Lâu quá mới gặp lại em, từ xa chị nhìn hoài nhưng đoán không ra là ai.
-Dạ! Từ khi toàn khu xóm của cô bị giải tỏa, nhà cô dời vào khu đất mới nên Tuyết không tiện để ghé thăm. Sẳn sáng nay ra chợ mua ít đồ nên Tuyết ghé ngang qua nhà chị, may mắn bửa nay có chị ở nhà.
Hồng mời Tuyết vào nhà, mở tủ lạnh rót cho Tuyết một ly trà lạnh trao cho Tuyết:
- Chị cũng rất vui mừng gặp lại em!
Hồng bảo Tuyết ra băng đá trước nhà ngồi cho mát để hai chị em tâm sự.
- Ừ! Cũng hơn mười năm rồi, căn nhà của má chị dời vào khu đất mới. May mắn nhà của chị không nằm cạnh mé sông nên vẫn còn đến nay.

      Hồng chỉ tay về công viên đối diện bên đường:
- Em thấy đó, từ chân cầu đến trường học trung học Nguyễn Tường Tộ bây giờ là khu công viên Sông Tiền; cái xui thành ra cái may đó em!
Tuyết ngạc nhiên:
- Sao vậy chị?
- Dọc mé sông đất lở sụp gần hết, còn vài căn nhà nữa là đến ngôi nhà của má chị rồi! Mấy người trong xóm đều dọn vào khu đất mới, xưa là đồng ruộng, tiền bồi thường chỉ vừa đủ xây một căn nhà nhỏ để ở. Lúc đó bà con lo rầu và than vãn hoài! Nhưng bây giờ khu đất đó có giá nhất ở tỉnh mình đó em!
- Dạ! Em có nghe qua!
- Bây giờ ai ở căn nhà của cô vậy chị?
Hồng trả lời:
- Thì mẹ con của con Cúc nó ở đó em!
- Còn anh Đức, Mai Thảo và Nguyệt Lan bây giờ ra sao hở chị?
- Ba đứa nó ở nước ngoài, cuộc sống bây giờ cũng ổn định. Thỉnh thoảng hai cô em có về thăm gia đình nhưng Đức thì chưa về bao giờ.
- Chị nhắc đến Nguyệt Lan làm cho em nhớ lại chuyện xưa khi mới quen chồng em. Lan có kể cho chị nghe không?

      Chợt Tuyết nhìn qua công viên đối diện. Xưa nơi đó có một căn nhà lầu nhỏ, trước nhà có hai cây me rợp bóng, phía sau là xóm nhỏ dọc theo sông Tiền Giang. Từ bờ nhìn qua bên kia là cù lao An Thành, xa hơn nữa thì nhìn thấy được bắc Mỹ Thuận. Tuyết nghe cô kể lại là sau khi dượng mất, khoảng năm 1960 từ tiệm tạp hóa cô sửa lại thành quán cà phê nho nhỏ, có đèn màu, nhạc yêu cầu, nhạc Việt, và nhạc Ngoại Quốc từ sáng cho đến 12 giờ khuya, từ đầu xóm đến cuối xóm ai cũng nghe. Lúc đó không nghĩ đến tiếng nhạc lớn quá sẽ làm phiền người trong xóm, mà từ lâu không nghe ai phàn nàn gì cả!
Tuyết buông tiếng thở dài….nhớ lại những ngày tháng xưa, nơi đã cho nàng biết bao là kỷ niệm.
***

      Tuyết là con riêng của người mợ thứ Sáu, trước khi gặp cậu của Hồng. Gia đình cậu mợ sống trong một xã nhỏ ở huyện Tam Bình-Vĩnh Long. Cậu thương Tuyết như con ruột nhưng vì nhà nghèo và sống xa huyện nên Tuyết không được đi học như các cô gái đồng lứa tuổi. Khi vừa qua mười tuổi Tuyết giúp mợ mang trái cây vườn ra bến đò hay chợ bán mỗi ngày. Sau đó Hồng và em trai là Đức tốt nghiệp sư phạm, được cử đi dạy học xa nhà vì thế cậu cho Tuyết lên nhà má Hồng để phụ giúp cho quán cà phê.

      Tuyết mới mười lăm tuổi, sống ở ruộng vườn nhưng nàng là cô gái quê duyên dáng, nước da trắng, đôi mắt đẹp đuôi mắt hơi xếng lên, sóng mũi dọc dừa, miệng nhỏ, môi son, hàm răng trắng đều đặn, nét đẹp tự nhiên không cần trang điểm, dễ gây thiện cảm với nhiều người.
      Thời gian đầu làm việc, Hồng dạy cho Tuyết giá tiền, tên gọi của các loại nước ngọt, cà phê đen (xây chừng) cà phê sữa (xây nạy), bạc xỉu phé, v. v… Với tính lanh lẹ, thông minh và nhớ dai nên Tuyết học rất nhanh.
Mỗi lần được tiền lương,Tuyết gởi một ít về quê cho cậu mợ và nhín lại chút đỉnh để mua quần áo. Vài tháng, Tuyết sắm thêm một cái áo bà ba bằng tơ và quần sa teng đen bóng; có lẽ đây là ước mơ của Tuyết từ lâu. Mỗi ngày trong tuần,Tuyết mặc một màu áo vì thế ai cũng nói Tuyết có cá tính đặc biệt. Khách của quán hường gọi Tuyết là “Cô Tuyết quán Cây Me”.

      Từ ngày có Tuyết quán đông khách hẳn lên! Buổi trưa khi các nam học sinh có giờ trống hoặc lúc tan trường thường ghé lại uống cà phê hoặc ngồi cạnh cửa quán để nhìn các cô nữ sinh tan trường về. Chiều cuối tuần quán thêm đông khách, đôi khi là các anh sinh viên từ Saigon về thăm nhà hay các anh lính, sĩ quan thường ghé quán, nơi đây cũng là điểm hẹn để bạn bè gặp nhau..Đăc biệt, có một khách hàng quen thuộc là một nam học sinh của ngôi trường gần quán , trưa nào cũng hay đến ngồi hàng giờ. Tuyết nghĩ anh chàng này có giờ trống hay cúp cua mà ngày nào cũng thế! Đến một ngày nhân lúc Tuyết đến bàn để tính tiền, anh ta len lén đưa cho Tuyết một cuốn tiểu thuyết và nói:
- Tôi vừa coi xong cuốn tiểu thuyết này thấy rất hay, muốn đưa cho Tuyết xem thử!
Tuyết nhận quyển sách nói thầm trong bụng: “Trời ơi! Làm sao mà mình đọc được đây!” nhưng miệng vẫn tươi cười:
-Tuyết cám ơn anh Dân. Khi đọc xong Tuyết sẽ trả lại anh!
Dân mỉm cười, đứng dậy trả tiền rồi ra về.
Tuyết vội vã cất cuốn tiểu tuyết vào ngăn tủ để chờ đến lúc vắng khách mở ra xem. Bên trong có một phong thơ với bao bì trang nhã, nét rất đẹp. Nhìn lá thơ Tuyết mãi phân vân: “Ừ, không biết Dân viết gì trong ấy!”.

      Đứng ngồi không yên nhưng đành phải đợi Nguyệt Lan tan học về mới nhờ đọc dùm. Cuối cùng Nguyệt Lan cũng về đến! Chưa kịp vào phòng thay áo dài và cất cặp vở, thì Tuyết vội vàng trao thư cho cô em nhờ đọc dùm. Nhỏ đọc xong và nói:
- Tuyết ơi, lá thư “tỏ tình” mà sao đưa cho Lan đọc chi vậy?
Từ lâu Nguyệt Lan cũng quên hẳn là Tuyết không biết đọc và viết. Nhỏ chợt nhớ lại trước đây má có kể cho gia đình nghe hoàn cảnh của Tuyết, lâu nay dường như trong gia đình ai cũng quên điều nầy!
Nhớ khi xưa Tuyết làm cho cả nhà ngạc nhiên về tài tính nhẩm nhanh nhẹn và chính xác. Có những lần trong quán có vài bàn đông khách từ tám đến mười người ngồi một bàn, ai gọi thức uống gì Tuyết đều nhớ rõ, khi dọn ra cho khách không bao giờ sai lệch!
      Lưỡng lự và có chút tò mò, Nguyệt Lan cười và nói:
- Ừ, xin lỗi! Vây để Lan đọc tỉ mỉ cho Tuyết nghe nha!
Theo lời yêu cầu của Tuyết, Lan đọc đi đọc lại lá thư không biết là mấy lần. Thấy gương mặt Tuyết rạng rỡ, nhỏ hỏi:
- Bây giờ Tuyết tính làm sao trả lời?
- Còn hỏi gì nữa? Sẳn đọc thư thì viết trả lời luôn giùm đi!
- Trời ơi, đâu có được!
- Ừ, thì viết đại khái là Tuyết cám ơn lá thơ và nhận lời mời đi “Vườn dưa gang” với Dân là được rồi!
- Tuyết biết khi nam nữ học sinh hẹn hò đi vườn dưa gang là để chi không?
Tuyết ngập ngừng giây lát, rồi nói:
- Bởi vì không biết nên Tuyết muốn đi thử cho biết!
Nguyệt Lan đùa:
- Ồ! Chỉ có ý nầy thôi sao?
Thấy Tuyết thẹn đỏ mặt, nên Lan cười thương hại:
- Vậy thì chờ Lan học bài xong thì sẽ viết thử!

* * *
      Như lời hứa và vì tò mò nên sau khi học bài xong, Lan lấy lá thơ ra đọc lại vài lần nữa. Nhỏ bắt đầu ngồi “thả hồn” viết thư hồi âm cho cô chị nầy.
      Viết thư xong Lan đọc lại cho Tuyết nghe, rất hài lòng lá thư hồi âm nên Tuyết yêu cầu Lan đọc đi đọc lại đến năm bảy lần! Cầm lá thư trên tay mà lòng Tuyết vô cùng hớn hở. Tuyết đâu có biết cô em này là dân ghiền chuyện “Hoa Tím”, kệ sách trong phòng đầy chuyện tình thơ mộng của tuổi hoa học trò mà Mai Thảo và Nguyệt Lan thay phiên nhau mua từ lúc bắt đầu bước vào Trung học.
      Tuyết xem đi xem lại lá thư miệng luôn khen Nguyệt Lan có chữ viết rất đẹp, nét nghiêng nghiêng thêm mực tím thật lãng mạn. Tuyết nhủ thẩm:“Chắc là Dân sẽ vui lắm khi nhận được lá thư này!”.

      Như thườnng lệ, Dân đến quán tìm vào góc bàn hay ngồi mỗi trưa. Khi quán hơi vắng khách, Tuyết trao vội quyển tiểu thuyết cho Dân mà gương mặt ửng hồng vì thẹn! Dân mỉm cười khi nhận lại quyển sách, ngồi nán lại thêm một vài phút, trả tiền cà phê rồi ra về.
      Ngày sau, Dân đến quán cũng gọi ly cà phê sữa đá như mọi ngày nhưng dường như vị cà phê trưa nay hương vị thơm ngon và ngọt lạ lùng! Đang lim dim phì phà khói thuốc thả hồn mơ mộng, Dân bỗng giựt mình khi nghe Tuyết đến cạnh bàn và hỏi:
- Anh Dân đọc lá thư của Tuyết chưa?
Có chút lúng túng, Dân trả lời:
- Rồi Tuyết ạ! Anh muốn hẹn với Tuyết trưa thứ Sáu mình đi được không?
Không chần chờ, Tuyết trả lời:
- Vậy cũng tiện, vì trưa thứ sáu quán sẽ vắng hơn buổi chiều, Tuyết có thể xin phép cô, ra ngoài vài tiếng, chắc là không sao!
***
      Ngày chờ đợi rồi cũng đến, Tuyết mặc áo bà ba mới màu hồng đào và quần sa teng đen bóng, chảy lại mái tóc rồi nhìn thoáng trong gương, mỉm cười hài lòng với chính mình! Tuyết xuống lầu thưa cô rồi rời nhà.
Dân đứng đợi Tuyết bên dốc cầu phía bên kia quán cà phê, dưới chân cầu có bóng mát của cây xoài hoang. Dân cười tươi khi Tuyết tiến lại gần, mời nàng lên Honda chở đến điểm hẹn. Dân cho xe ngừng lại trước một quán lá trong một đường nhỏ hơi xa phố, Dân nắm tay Tuyết bước vào quán và chọn một góc bàn trống.
Tuyết nhìn xung quanh có chút ngạc nhiên nên hỏi nhỏ Dân:
- Vườn dưa gang đâu sao không thấy mà anh dẫn Tuyết vô quán lá này vậy?
      Muốn cười thật lớn vì câu hỏi ngây thơ của cô quán cà phê đáng yêu nầy, Dân chỉ tay ra sau quán:
- Vườn ở phía sau của quán, nếu Tuyết quay lưng lại thì sẽ nhìn thấy!
Tuyết nhìn theo hướng Dân chỉ thì thấy nhiều luống đất thẳng hàng, các trái dưa gang được cẩn thận bọc lại bằng rơm khô nằm xen lẫn trong dây và lá xanh.
      Dân nói tiếp:
- Tuyết có biết tại sao học trò hay hẹn đi “vườn dưa gang” không?
- Dạ không!
Dân ngập ngừng trả lời:
- Vì nơi đây yên tỉnh, các cô cậu thường vào quán vắng ăn dưa gang và tâm tình!
      Dân ngừng giây lát, rồi nói tiếp:
- Vào mùa dưa chín, chủ vườn không hái dưa đem ra chợ bán nhưng chỉ bày bán tại quán cho khách đến ăn dưa tươi.
Tuyết nói:
- Người có ý kiến này cũng hay quá anh Dân há!
- Ừ, thật ra dưa gang không ngọt nhưng mình cho đường và đá sẽ thơm ngon và mát. Có người sang hơn thì cho thêm chút sữa đặc vào, khi ăn sẽ ngon hơn nhiều!
Cô bé hầu bàn đến hỏi:
- Anh chị dùng chi?
      Dân quay sang hỏi Tuyết, nhưng Tuyết để cho Dân quyết định dùm mình.
- Cho hai ly dưa gang đường, sữa và đá nhưng dùng đá đập chứ không dùng đá bào nhe em!
- Dạ, anh chị chờ một chút!
Ngồi chờ vài phút, thức uống mang đến, hai ly dưa gang thơm và mát lạnh. Dân thân mật khuấy ly thức uống cho Tuyết. Hai người vừa uống vừa nói chuyện cũng gần hai tiếng, đến khi hết ly dưa gang thứ hai thì mới tính tiền ra về.

      Chuyện Tuyết và Dân quen nhau, người trong gia đình của cô dường như ai cũng biết. Một buổi chiều sau sáu tháng liên tiếp hẹn hò, Tuyết xin phép cô cho về quê để gia đình của Dân đến coi mắt. Tuyết cũng ngỏ lời xin lỗi cô vì sợ bị rầy nên đã giấu cô mình mấy tháng qua. Tuyết đâu có biết là cô vui mừng khôn xiết vì cháu gái mình có người hỏi cưới đàng hoàng, mai nầy sẽ có một nơi nương tựa tốt.

* * *

      Ba tháng sau, Thảo theo mẹ về quê phụ mợ lo đám cưới cho cô chị này! Tuy ở quê nhưng tiệc cưới khá long trọng, các bà con trong xóm thức khuya, dậy sớm để phụ nấu đám. Người thì làm gà vịt, người lo ra chợ mua thịt heo, thịt bò và các nguyện liệu để nấu ăn. Bạn nam nữ trong xóm thì lo việc treo đèn kết hoa, có vài anh học sinh ở Tỉnh thành về nghỉ hè nên cũng họp nhau ca hát để giúp vui suốt đêm. Ai cũng mong để xem mặt chú rễ từ thành về cưới vợ quê!
      Chuẩn bị đâu vào đó, Tuyết nhờ Thảo pha trà, mang bánh ra để cúng trên bàn thờ ông bà và tiếp đãi họ hàng. Cậu mợ đang ngồi chờ Tuyết lạy xuất giá . Tuyết mặc chiếc áo dài màu hồng thêu bông, trên đầu cài một đóa hoa vải, thoa một tí son môi, ngắm mình sơ qua trước gương rồi bước ra chào ba má và họ hàng. Lễ lạy xuất giá bắt đầu, vừa dâng rượu cho ba má mà Tuyết khóc nức nở.
Sau khi xong lễ, Tuyết vào trong thay đồ, Thảo hỏi:
- Sao lúc lạy ba má Tuyết nhiều khóc vậy?
- Ừ, khi nào Thảo có chồng thì sẽ biết!

      Tuy là nguời tỉnh thành nhưng Dân thích làm lễ cưới theo miệt vườn. Thay vì xe đò, Dân thuê ba chiếc ghe lớn có hàng ghế hai bên để ngồi, đủ cho gia đình đi xuống quê rước dâu và mời họ hàng đàn gái lên thành dự tiệc. Buổi rước dâu cử hành khá trịnh trọng. Cậu của Tuyết thật vui mừng và hảnh diện với người trong xóm, tuy Tuyết không phải là con gái ruột của mình.
      Gia đình chồng của Tuyết không giàu nhưng cuộc sống cũng gọi là sung túc. Tuyết được sự thương yêu của ba má chồng và các em. Nghỉ học sau khi lập gia đình, Dân cùng vợ phụ giúp ba má lo chuyện bán buôn của tiệm tạp hóa trước nhà, hai vợ chồng son sống thật hạnh phúc.

Sống với nhau gần nửa năm thì Dân mới khám phá ra Tuyết không biết viết và biết đọc! Lòng mãi thắc mắc về lá thư hồi âm của Tuyết khi xưa, vì nó đã cho Dân nhiều ấn tượng về cô quán cà phê dễ mến. Sau bao ngày suy nghĩ, cuối cùng Dân quyết định hỏi vợ cho ra lẽ. Kể cho Dân nghe sự thật mà Tuyết không cầm được nước mắt.
      Sự thất vọng hiện lên nét mặt của chồng làm cho Tuyết lo lắng vô cùng! Riêng Dân miên man nghĩ ngợi đến những ngày tháng quen nhau, chuỗi ngày sống êm đềm sau ngày cưới, sự yêu thương của Tuyết dành cho mình, sự hiếu thảo với cha mẹ chồng, thương và chăm sóc đàn em như ruột thịt . Tất cả điều nầy đã bù đấp lại lỗi của Tuyết, bao nhiêu hờn giận dần tan biến trong lòng của Dân. Từ đấy hai vợ chồng vui sống hạnh phúc vài năm sau thì hạ sanh được một bé gái và một bé trai.

* * *

      Sau 1976, cuộc sống của gia đình ngày càng khó khăn, từ thành thị đến thôn quê nơi nào cũng đều gặp cảnh gạo châu củi quế, dường như số lượng người bán nhiều hơn người mua. Ba mẹ chồng sức khỏe ngày càng yếu, buôn bán không mang lại lợi nhuận nhiều nên hai vợ chồng Tuyết thay ba má lo chuyện cơm áo cho gia đình.
      Sau ngày ba mẹ chồng qua đời, Tuyết vất vã hơn nhiều! Đóng cửa tiệm tạp hóa, Dân chạy Honda ôm ngày hai buổi,Tuyết bán cơm và hủ tiếu trước nhà, quần quật suốt ngày. Vừa lo việc buôn bán, vừa chăm sóc con, vừa lo cho mấy đứa em chồng ăn học, trách nhiệm trĩu nặng đôi vai nhưng không bao giờ Tuyết than thở.
      Riêng Dân, chạy xe cũng ế ẩm, giang nắng suốt ngày mà tiền kiếm không được bao nhiêu. Sau đó bán đi chiếc Honda để đủ chi phí trong gia đình và mua một chiếc xe đạp đón đưa khách để tiếp tục phụ vợ kiếm cơm hai bữa. Nghề xe đạp ôm thật vất vả lại ít tiền làm cho Dân thất chí nên sau giờ nghỉ anh ta thường theo bạn bè trong xóm nhậu cho đến tối. Trách nhiệm kiếm tiền của Dân ngày càng thưa thớt, khi về đến nhà lúc nào cũng say bí tỉ.

      Nhớ đến đây Tuyết rưng rưng khóc, rút lấy khăn “mù xoa” ra lau mắt, nói tiếp:
- Chị có biết đôi khi em thấy chồng của người ta chết mà phát ham!
Hồng vội nói:
- Em không nên nói như vậy, tội chết đó cưng!
- Chồng em lúc đầu chỉ qua lại nhậu lai rai với bạn, riết thành ghiền! Lúc đầu chỉ vào buổi chiều, nay thì sáng sỉn chiều say!
Nghe Tuyết kể đến đây, Hồng khẻ thở dài và hỏi:
- Còn hai đứa con em bây giờ ra sao?
Nghe Hồng nhắc đến con mình, ánh mắt của Tuyết chợt sáng lên:
- Dạ! Hai đứa vẫn được em lo cho đi học đàng hoàng. Tụi nó học cũng khá vì trước đây chồng em thường xuyên kềm cho chúng mỗi tối!
Tuyết ngừng giây lát rồi nói tiếp:
- Đứa con gái của em có chồng cũng hơn năm nay rồi đó chị!
- Còn cháu trai thì sao?
- Dạ, nó đang học lớp mười một.

      Thấy Tuyết vui trở lại và vơi bớt nước mắt, Hồng bớt lo lắng! Thân mật nắm lấy bàn tay của cô em và nói:
- Chị thấy Tuyết giỏi giang lắm! Em vừa làm mẹ, vừa làm cha mà chu đáo lo cho hai con học hành. Bây giờ lại làm sui gia với người ta nữa chớ!
- Vì em không muốn cuộc đời của con bị khổ như em chị Hồng ạ!
      Nghe Hồng khen làm Tuyết thấy vui và ấm lòng vì đã lâu lắm rồi nỗi lòng của mình không dám tỏ bày cùng một ai cả!
      Tuyết nán lại chơi với Hồng vài phút rồi đứng dậy từ giã ra về, Hồng tiễn Tuyết ra cửa. Nhìn cô em ọp ẹp trong chiếc xe đạp cũ kỹ đang cố leo lên dốc cầu mà lòng của Hồng thật bùi ngùi cho số phận của cô em này!

Yên Dạ Thảo
Mùa Đông 2012

Mưa Học Trò - Từ Kế Tường

Sơ Lược Tiểu Sử:

      Từ Kế Tường tên thật là Võ Tấn Tước, sinh ngày 2 tháng 3 năm 1946, quê quán tại xã Phú Vang, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ông sống ở Sài Gòn từ trước năm 1975. Từ 1969 ông đã bắt đầu viết văn, làm báo. Tính đến 1975, ông đã xuất bản nhiều sách gồm: thơ, tập truyện ngắn, tiểu thuyết, trong đó có các sách viết cho thiếu niên và nhi đồng.
      Tháng 5 năm 1975, Từ Kế Tường gia nhập Hội Văn nghệ Giải phóng Sài Gòn – Gia Định. Từ 1979 đến 1986 ông làm việc trong ngành Văn hóa thông tin; từ 1986 đến 2003 làm Thư ký tòa soạn báo CA.Hiện nay, ông làm việc tại tuần báo Văn nghệ.
      Từ Kế Tường là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Ông còn có bút danh khác là Phan Tường Niệm.
Tác phẩm đã xuất bản:
* Tiểu thuyết : Huyền xưa – Đường Phượng bay – Mùa áo vàng – Con đường sỏi buồn – Áo tím qua đường- Còn những bóng mưa tan – Mối tình sương khói – Tuyệt vời khi giã từ nhau – Một chút hương thời gian – Tới một tuổi nào – Tình yêu có màu gì – Tìm nhau trong hương khói – Bông hồng cho tình đầu – Áo vàng qua ngõ – Bờ vai nghiêng nắng – Cánh hồng gai – Ngày vắng mưa thưa – Bầu trời màu trứng sáo – Hoa lưu ly không về…
* Thơ: Trên xác lá mùa hè – Thơ hồng – Khi bỏ trường mà đi – Tái hiện một giấc mơ – Nửa đời ta yêu em – Áo còn vướng lại – Có tên một dòng sông…

Cùng nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi. 



Hình như là lất phất mưa
Đủ cho hạt bụi lên vừa mắt em
Tiếng ve ru cánh phượng mềm
Cháy trong vòm lá nỗi niềm tháng năm

Tóc dài từ thủa xa xăm
Thả trên vạt nắng xưa nằm nghiêng nghiêng
Mộng về một khoảng trời riêng
Mắt xanh cửa lớp ưu phiền gửi theo

Tay lùa ngọn gió trong veo
Mới thương mùa hạ rơi vèo như không
Hàng me xanh đến nao lòng
Tiếc chi một nét môi cong với chiều

Em về khua guốc liêu xiêu
Áo bay cuối phố dài theo mắt người
Hình như mưa lất phất cười
Hồn nhiên làm tuổi hai mươi biết buồn.
  
Từ Kế Tường
( Suối Dâu sưu tầm)


Nghẹn Ngào


Đêm khuya ánh sáng muôn màu
Phố xưa lặng lẻ kề nhau mái đầu
Anh ca em hát vui câu
Đôi ta thề hẹn một màu yêu thương

Bông hoa lài nở tỏa hương
Cách nhau mấy khúc sông tương sum vầy
Rồi ngày qua tháng lặng nầy
Anh đi em ở không may lạc loài

Mất nhau một cõi nghẹn ngào
Để đâu hơi thở dìu nhau cuối đường
Còn đâu phố cũ tên đường
Mộng còn hay thật viễn phương thẩn thờ


Lục Lạc


Thơ Tranh: Bình Minh Trên Sông


Thơ &Thơ Tranh: Kim Quang

Thu Melbourne



Trời Melbourne vào Thu
Buổi sáng khoác sương mù
Ngồi đây nhớ Phố núi
Một thuở em và tôi

Buổi chiều chầm chậm trôi
Lặng lẽ trong ngậm ngùi
Nhớ em và Phố núi
Cuốn trôi một phận người.

Nguyễn Đức Tri Ân
Melb, 03/03/2014


Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Gia Đình Bác Bùi Văn Thân Cảm Tạ



Bác Bùi Văn Thân và con Bùi Thị Mỹ lệ,
Vô cùng xúc động với lòng ưu ái của mấy cháu, cùng đồng hành, chia sẻ,
phân ưu và cầu nguyện hương linh Hiền Nội của Bác là Nguyễn Thị Xinh,
Pháp danh Đức Sanh vừa từ giã cõi trần.
Bác xin ghi nhận nơi đây và thành thật tri ân sâu xa cùng mấy cháu.
Bác xin cảm tạ cháu Huỳnh Hữu Đức
Cảm tạ hai cháu Phụng & Nhung Lê Quang
Cảm tạ cháu Kim Phượng
Cảm tạ cháu Kim Oanh
Cảm tạ cháu Suối Dâu
Cảm tạ cháu Lục Lạc
Tang gia đồng cảm tạ



Những Lời Cho Người Nằm Xuống

Sinh ra trong ba vạn sáu ngàn ngày
Sinh thì hữu hạng, tử bất kỳ nào hay
Sống còn lặn hụp biển khổ trần thế
Thác đi rồi một kiếp nghiệp trả vay

Những tưởng phu thê xum hợp mãi
Nào ngờ đâu tan rã kiếp bèo mây
Đành đôi đường u hiễn kể từ đây
Một phút chia ly ngàn năm nhung nhớ!

Trăm năm sóng biển bạc đầu
Người thương đã mất biết đâu mà tìm
Từ nay tăm cá bóng chim
Vào ra hiu quạnh con tim thẩn thờ!

Quang Thân



Bùi Văn Thân

Thành Kính Phân Ưu Cùng Gia Đình Bác Bùi Văn Thân

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU



Kính Gửi Bác Thân cùng Trung và Mỹ Lệ
Chúng cháu vừa nhận được tin muộn, Bác Gái Bùi Văn Thân, nhũ danh Nguyễn Thị Xinh,Pháp danh Đức Sanh đã mãn phần.
- Bác Gái sinh năm 1923
- Qua đời  ngày 22-03 2014 - Nhằm ngày 22-02 năm Giáp Ngọ
- Tại Sydney - Australia
- Thượng Thọ 91 tuổi.
- Lễ an táng được tổ chức ngày 25-3-2014

Chúng cháu xin chia sẻ nỗi buồn mất mát với Bác Trai và Gia đình Trung, Mỹ Lệ.
Kính nguyện Hương Linh Bác Gái được sớm về Cõi Niết Bàn.

Đồng Kính Phân Ưu
Hai cháu Phụng, Nhung Lê Quang
Các cháu: Huỳnh Hữu Đức, Suối Dâu, Kim Phượng, Lục Lạc, Kim Oanh

Lên Chùa




Tinh sương bỏ bước lên chùa
Thấy con sông chảy giữa mùa xuân xanh
Chừng như hương bưởi hương chanh
Và hương thượng Phật trong manh áo vàng
Cỏ nằm đợi nắng sương tan
Tôi còn đợi tiếng chuông vang lên trời.

Lý Thừa Nghiệp


Lời Hay Ý Đẹp: Ấm Áp!



- Ấm áp không phải khi ngồi bên đống lửa, mà là ngồi bên cạnh người mà bạn thương yêu!
- Ấm áp không phải khi bạn mặc một lúc hai, ba áo, mà là khi bạn đứng trước gió lạnh, từ phía sau đến có ai đó khoác lên bạn một tấm áo.
- Ấm áp không phải khi bạn nói "ấm quá", mà là khi có người thì thầm với bạn:
"Có lạnh không?".
- Ấm áp không phải khi bạn dùng hai tay xuýt xoa, mà là khi tay ai kia khẽ nắm lấy bàn tay bạn.
- Ấm áp không phải khi bạn đội chiếc mũ len, mà là khi đầu bạn dựa vào một bờ vai tin cậy.

  Chúc bạn mỗi ngày đều tốt hơn ngày hôm.


  Về Chiều -Sưu tầm