Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

Thanh Minh Và Phùng Nhập Kinh Sứ

                                  Thanh minh trong tiết tháng ba
                                   Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.

          Một năm có 4 mùa, mỗi tháng có 2 tiết, Thanh Minh 清明 là tiết đầu của tháng 3, thường nằm ở cuối tháng 2 và giữa tháng 3 trở lại. Tiết Thanh Minh năm nay nhằm vào ngày 6 tháng 3 ( Thứ Bảy , 5 tháng Tư dương lịch  2014 ).
          Thanh 清 là trong, Minh 明 là sáng. Tiết Thanh Minh 清明節 là ngày tiết trời trong sáng của cuối xuân sau những ngày mưa xuân phơi phới làm lạnh lẽo lòng người !. Sau những ngày rét mướt của mùa đông, thì đây là dịp để ra thăm lại mồ mả ông bà, nên mới có lễ Tảo Mộ, Tảo 掃 là quét dọn, Mộ 墓 là mồ mả. Tảo Mộ 掃墓 là quét dọn lại mồ mả ông bà cho sạch sẽ khang trang, đồng thời cũng làm Lễ cúng bái như trình cho ông bà Tổ Tiên biết để cùng bắt tay vào vụ mùa sắp đến. Sẵn dịp trời quang mây tạnh, sau những ngày mưa phùn rét mướt, giờ đây thì :
                                     Cỏ non xanh rợn chân trời,
                              Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

               nên  .... nam thanh nữ tú lại có dịp du xuân, đạp lên cỏ non mà dạo khắp núi đồi gò đống. Đạp Thanh 踏青 là đạp lên trên những cỏ non xanh biếc, " Xuân du phương thảo địa " mà...

            Nói thì nói thế, chứ thời tiết cũng còn lạnh lắm, không phải cái lạnh hiu hắt của gió thu, cũng không phải cái lạnh buốt da của mùa đông , mà là cái lạnh dễ chịu của mưa xuân phơi phới, ta hãy nghe nhà thơ ĐỖ MỤC tả cảnh Thanh Minh như sau :

                               清 明                       唐 · 杜 牧
                        清明時節雨紛紛,路上行人欲斷魂。
                        借問酒家何處有?牧童遙指杏花村。

                  THANH MINH                          ĐƯỜNG. ĐỖ MỤC

      Thanh minh thời tiết vũ phân phân              清明時節雨纷纷
      Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn           路上行人欲断魂
      Tá vấn tửu gia hà xứ hữu?                          借問酒家何處有?
      Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa Thôn !            牧童遥指杏花村!

Ghi Chú :
       1. Phân Phân : Là Liên tục không dứt, là Phơi Phới, là Phơn phớt.
       2. Dục Đoạn Hồn : là Muốn đứt cái hồn ra , là buồn thúi ruột.
       3. Tá Vấn : là Ướm hỏi, là Hỏi thăm ( việc gì hoặc cái gì đó... ).
       4. Mục Đồng : là những đứa bé chăn dê, chăn cừu hoặc chăn trâu....
       5. Hạnh Hoa Thôn : Có 2 nghĩa :
             * Là cái Thôn tên là Hạnh Hoa, Xóm Hạnh Hoa.
             * Là Cái xóm ở phía sau rừng hoa Hạnh.

         Như trên đã nói, Thanh Minh là dịp để quét tước lại mồ mả ông bà, là hội Đạp Thanh  để nam thanh nữ tú du xuân... Nhưng, Đỗ Mục lại bảo là " dục đoạn hồn ". À , thì ra , tác giả đang xa nhà, ta hãy đọc lại cả câu xem sao...
                      Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn...

         Người lữ khách xa nhà đi trên đường một thân một bóng, thay vì cùng người nhà đi tảo mộ hoặc đạp thanh, nên càng cảm thấy thấm thía hơn với nỗi buồn xa xứ trong cảnh mưa phùng lất phất....Cho nên mới muốn tìm ly rượu để sưởi ấm cỏi lòng tha hương chiếc bóng.....

Diễn nôm :
                    Thời tiết Thanh minh lất phất mưa
                    Trên đường lữ khách muốn say sưa
                    Rượu ngon ướm hỏi nơi đâu bán?
                    Xóm Hạnh, Mục đồng chỉ trỏ thưa!
         Theo Giai Thoại Văn Chương VN của Thái Bạch thì : Các cụ ta ngày xưa muốn tỏ rỏ cái tinh thần độc lập, cái đầu óc cầu tiến , không quá lệ thuộc vào cổ nhân, nên đã " chê " bài thơ Thất ngôn Tứ tuyệt nầy của Đỗ Mục là : Mỗi câu dư 2 chữ. Các Cụ lý luận như thế nầy : " Thời tiết vũ phân phân " thì biết là thời tiết của Thanh Minh rồi, nên không cần phãi có 2 chữ Thanh Minh nữa. " Hành nhân dục đoạn hồn " là đủ nghĩa rồi, không cần phải có 2 chữ Lộ Thượng, đi trên đường chớ không lẽ đi " dưới nước " ?!. " Tửu gia hà xứ hữu? " đã là câu hỏi rồi, cần chi phãi có từ " Tá Vấn "?. " Dao chỉ Hạnh Hoa Thôn " đủ nghĩa rồi, ai chỉ mà chả được, cần gì phải " Mục đồng " chỉ mới được ! Nên bài thơ Thất Ngôn trên nên viết lại thành Ngũ Ngôn cho nó gọn, như sau :
                       Thời tiết vũ phân phân
                       Hành nhân dục đoạn hồn
                       Tửu gia hà xứ hữu ?
                       Dao chỉ Hạnh Hoa thôn!

         Nói thì nói thế, chứ thơ Ngũ ngôn và Thất ngôn âm điệu và tiết tấu vẫn khác nhau xa, nhưng đây cũng là một gợi mở của Cha Ông để cho con cháu đừng quá bị lệ thuộc vào cổ nhân mà thôi ! Âu cũng là một sáng kiến hay đó !....
                         .......................................................................

       Học theo gương của người xưa, nhớ hồi còn trẻ ( khoảng 15- 16 tuổi gì đó ), khi vừa đọc được bài viết trên của Thái Bạch, cũng vừa là lúc thầy đang cho đọc bài " Phùng Nhập Kinh Sứ " của Sầm Tham như sau :

     逢入京使                PHÙNG NHẬP KINH SỨ

  故園東望路漫漫,   Cố viên đông vọng lộ man man,
  雙袖龍鐘淚不幹。   Song tụ long chung lệ bất can.  
  馬上相逢無紙筆,   Mã thượng tương phùng vô chỉ bút,
  憑君傳語報平安.     Bằng quân truyền ngữ báo bình an!
                      岑参                                           Sầm Tham.

Tranh Minh họa cho bài thơ trên.

NGHĨA BÀI THƠ :

                        GẶP NGƯỜI SỨ GIẢ ĐI VỀ KINH THÀNH.

           Cố viên là cố hương, là quê nhà ở mãi tận phương trời đông với đường xá xa xôi diệu dợi ( lộ man man !). Hai tay áo già nua lụm cụm ( Song tụ long chung ) không lau sạch hết dòng lệ nhớ quê hương không lúc nào khô cạn ( lệ bất can ). Gặp nhau giữa đường trên ngựa đây, lại không có bút mực giấy viết gì cả !. Chỉ nhờ anh nhắn miệng lại dùm là : Tôi rất khỏe mạnh bình an mà thôi !

DIỄN NÔM :
                                     GẶP SỨ LAI KINH

                         Vườn xưa diệu dợi mõi mòn trông,
                         Lụm cụm khôn ngăn lệ nhỏ ròng.
                         Trên ngựa gặp nhau không giấy viết,
                         " Bình an " nhờ báo kẽo nhà mong!

          Bắt chước tiền nhân, lúc đó tôi cũng lí luận với thầy rằng : Trông ngóng về hướng đông, vì quê nhà ở nơi đó, cho nên chỉ nói : " Đông vọng lộ man man " là đủ rồi, đâu cần phải có từ " Cố Viên "?! Già nua lụm cụm nên lau không khô dòng lệ nhớ quê hương, lau bằng gì mà chả được, đâu cần phải lau bằng 2 tay áo, nên câu 2 cũng không cần phải có từ " Song Tụ ", chỉ " Long chung lệ bất can " là đủ. Tương tự câu 3 cũng vậy, gặp nhau ở đâu cũng được, không nhất thiết là gặp nhau trên ngựa mới không có giấy bút, nên chỉ " Tương phùng vô chỉ bút " là đủ rồi ! Câu chót thì lại lịch sự đến khách sáo, gặp anh, không nhờ anh thì nhờ ai đây ?, nên đơn giản là " Truyền ngữ báo bình an " cũng gọn gàng và lịch sự lắm rồi !. Nên, bài thơ Thất ngôn trên sẽ trở thành bài thơ Ngũ ngôn như sau :

                                 Đông vọng lộ man man,
                                 Long chung lệ bất can.
                                 Tương phùng vô chỉ bút,
                                 Bằng ngữ báo bình an!

         Thầy giáo lúc bấy giờ khen lấy khen để, cho là học sinh có Ý kiến và suy nghĩ hay ho, không đọc thơ một cách cứng ngắt bài bản.... Thầy đâu có biết rằng, cái thằng học trò ranh mảnh nầy chỉ bắt chước và làm theo " Giai Thoại Văn Chương Việt Nam " của Thái Bạch mà thôi, chớ cũng chẳng hay ho gì hơn ai hết !
        Chuyện qua đã hơn 50 năm, bây giờ nhắc lại, lại cảm thấy bồi hồi xúc động, thời gian không chờ đợi ai cả, thoáng cái mà tuổi đã gần 70 rồi ! Muốn nói cho Thầy biết là mình chỉ nhại lại cái việc làm của người đi trước mà thôi, thì Thầy đã không còn nữa !... Thầy ơi !...


Đỗ Chiêu Đức


*THẦY :
              Ở đây là Bác Sáu 六伯 ( Lặc-Bệ , theo âm Phúc Kiến  ), có bằng Cao Đẳng Tiểu Học thời Pháp Thuộc, nên đứng tên làm Hiệu Trưởng về Mặt Hành Chánh cho trường Tiểu học TÂN TRIỀU Cái Răng, trước nhiệm kì của cô NGUYỄN KIM QUANG. Ông là anh ruột của bà Hiệu Trưởng họ THI 施 ( Bà Sứ ) sau này. Ông không có trực tiếp đứng lớp, chạy loạn từ Trung Hoa đại lục sang, nhưng nói tiếng Việt rất sỏi như người bản xứ, giỏi Văn Chương Văn Học Hán Việt. Ông ở trọ hẵn trong trường học, rất thân thiện và hòa đồng với học sinh, chúng tôi thường đến phòng ông chơi, học thơ Đường, Tản văn, làm câu đối.... và thường gọi ông là Bác Sáu ( Lặc Bệ ) cho thân mật, chớ không có gọi bằng Thầy, hoặc Hiệu Trưởng gì cả!

Thơ Tranh : Hình Bóng Má



Thơ Quên Đi
Tranh Thơ Hữu Đức

Răng Khểnh!




Tình không trọn nên là tình hận.
Mất nhau rồi mà vẫn chẳng quên.
Nhớ chiếc răng khểnh làm duyên.
Nụ cười má lúm đồng tiền tôi yêu.

Dương Thượng Trúc


Tuân Lệnh!


        


Nghe Bé gọi anh vội vàng thức dậy
Nắng ban mai rực rỡ trước hiên nhà
Ty hiện ra trong sắc áo hoa cà
Đan quyện lấy tấm thân ngà mảnh dẻ

Anh mở cửa, Ty ngập ngừng e lệ
(Ai lại đến nhà người ta sớm thế hỡi cô tiên?)
Có lẽ trong đêm mơ thật giấc mơ hiền?
Nên muốn kể cho chàng nghe lập tức?

Ty bước vào nhà, mùng mền chưa kịp gấp
Bàn chải răng, khăn mặt vẫn còn khô
Anh phân vân chẳng biết bắt Ty chờ?
Thì Ty đã giục anh đi rửa mặt

(Măt mũi thế kia sao dám ngồi tiếp khách?
Cái ông này vô lịch sự quá đi thôi! )
Mấy phút qua mau đâu đó đã xong rồi
Ty lên giọng nữ hoàng ban mệnh lệnh:

Điều thứ nhất hãy thi hành ngay công việc
Đem quà Gíáng sinh đến tặng Út Ty Còm
Rồi tối mai trong Đêm Thánh Vô Cùng
Hãy làm tài xế cùng Ty đi dự lễ.

(Lạy Chúa tôi!) Xin cúi đầu tuân lệnh Bé
Để ngày sau chắc Bé sẽ nhường ngôi
Ty trở về làm hoàng hậu của riêng tôi
Mà Hoàng hậu phải tuân theo Hoàng đế.

ChinhNguyen/H.N.T./H.N.
SG,23.1.78


Thơ Tranh: Bên Suối

Thơ & Thơ Tranh: Yên Dạ Thảo

Suối Ca



       (Từ thơ tranh Bên Suối của Yên Dạ Thảo)

Suối nguồn nước chảy về đâu
Rì rào tiếng nhạc điệu sầu vang vang
Lang thang khắp nẽo không gian
Thiên thai tấu khúc mơ màng bay bay…!

Anh Tú
19.03.2014


Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Mưa Đêm




Thao thức đêm dài thương nhớ ai
Bên hiên mưa giọt ngắn giọt dài
Có nghe cô quạnh lòng em gọi
Một cánh hoa đêm nỡ lạc loài

Mấy độ Đông về tim se thắt
Mơ hương tình cũ mắt môi xưa
Tiếng lòng em hòa lẫn tiếng mưa
Như cố gọi tình xưa trở lại

Em vẫn đứng bên lề ngang trái
Vẫn âm thầm gọi mãi cố nhân
Như mưa đêm sùi sụt ngoài sân
Anh có biết bao lần mưa khóc.

Biện Công Danh
29-12-2013


Có Cười



Vào lớp Thầy có cười chưa ?
Lúc học có đứa vẫn cười.
Vướng đâu sao mang vào lớp ?
Hay toán còn nở nụ tươi.
Hồi dạy Thầy có cười không ?
Ở đâu ra điều nghiêm nghị.
Nụ cười tuổi trò hằng có,
Thầy đừng lấy đó làm lo.
Gặp em! Ước quên ngày cũ,
Ít cười không phải là nghiêm.
Em, Thầy ai bày đặt trước?
Nay Thầy bắt chước... Cười bù.

Huỳnh Hữu Trí



Hình Ảnh Nguyệt Thực Chụp Từ Vĩnh Long


 Trời Vĩnh Long ( 10/12/2011) mây nhiều quá, nhưng cũng ráng chụp được từ khi Nguyệt thực bắt đầu đến lúc xuất ra.










Ảnh Chụp của Trương Văn Phú

Thích Vũ - 聽雨

     Đêm qua Cali mưa suốt đêm , tôi nhớ những đêm mưa ở quê nhà mà lòng bùi ngùi khôn tả. Xin gởi đến các bạn bài thơ của cụ Nguyễn Trãi. Đọc giải khuây đôi phút. Cám ơn 
    Thân kính
    Mailoc



聽雨 Thính Vũ - 阮廌 Nguyễn Trãi


寂寞幽齋裏, Tịch mịch u trai lý
終宵聽雨聲。 Chung tiêu thính vũ thanh
蕭騷驚客枕, Tiêu hao kinh khách chẩm
點滴數殘更。 Điểm trích sổ tàn canh
隔竹敲窗密, Cách trúc xao song mật
和鐘入夢清。 Hoà chung nhập mộng thanh
吟餘渾不寐, Ngâm dư hồn bất mị
斷續到天明。 Đoạn tục đáo thiên minh.

Dịch nghĩa : Nghe mưa

Vắng vẻ trong phòng tối tăm,
Suốt đêm nghe mưa rơi.
Tiếng não nùng làm kinh động gối khách,
Giọt thánh thót suốt mấy canh tàn.
Cách bụi trúc tiếng khua nhặt vào cửa sổ,
Lẫn tiếng chuông vẳng vào giấc mơ nhẹ nhàng.
Ngâm rồi mà vẫn không ngủ được,
Nghe đứt nối cho đến trời bình minh.

Dịch Thơ:

Đêm tối tăm trai phòng lặng lẽ
Suốt đêm trường mưa mãi không ngưng.
Não nùng gối khách run run,
Giọt mưa tí tách lạnh lùng năm canh.
Tiếng lào xào trúc cành chạm cửa,
Chuông ngân nga lạc giữa mơ mòng.
Ngâm thơ không dỗ giấc nồng,
Chập chờn đứt nối, vừng hồng sáng ra.


Mailoc phỏng dịch

Mưa, Tiếng Chuông và Mộng
Thư phòng ngồi nhìn đêm tối
Não người thánh thót mưa rơi
Trăn trở tiếng vọng bên gối
Tàn canh lòng vẫn bồi hồi
Ngoài song lao xao cành trúc
Chuông chùa theo mộng mơ trôi
Thơ ngâm hồn say khôn ngủ
Chập chờn trời sáng lại rồi
                                 C.D.M.


***
Nghe Mưa

Lạnh lẽo phòng im vắng
Đêm trường mưa gió lay
Xuyến xao choàng tỉnh giấc
Rỉ rả suốt canh chày
Ngoài cửa mưa xào xạc
Vào mơ chuông vọng dài
Ngâm nga tìm giấc ngủ
Trằn trọc đã sang ngày
                       Quên Đi

***


Lắng Tiếng Mưa Rơi


Trong trại buồn hiu hắt,
Suốt đêm nghe mưa nhanh.
Tầm tả bên gối khách,
Rả rít suốt tàn canh.
Tre xạc xào kẻo kẹt,
Chuông ngân nga mong manh.
Trầm ngâm không ngủ được,
Dai dẳng suốt đêm thanh!
                Đỗ Chiêu Đức.


***
Đêm Nghe Tiếng Mưa Rơi


Đêm khuya vắng thư phòng thêm quạnh quẻ
Suốt canh chầy lặng lẻ giọt mưa rơi!
Nghe não nùng, làm dạ khách chơi vơi
Tiếng tí tách rơi đều như nức nở
Cành tre trúc đập khua khung cửa sổ
Chuông vẳng đưa vào ảo mộng nhẹ nhàng
Trầm ngâm hoài,giấc ngủ vẫn đi hoang
Mưa không dứt, bình minh vừa ló dạng
                                          Song Quang

***


Nghe Tiếng Mưa Đêm


Một mình vò võ suốt trong đêm
Im lặng nghe mưa trước mái thềm
Thê thiết, não nùng run gối chiếc
Lạnh lùng, giá buốt gợi sầu riêng
Xạc xào ngọn trúc khua song cửa
Văng vẳng hồi chuông lắng nỗi niềm
Trằn trọc năm canh không chợp mắt
Giọt buồn dai dẳng não lòng thêm.
                   
Lộc Mai (Phương Hà)

Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

Nhớ Thầy Xưa



        (Từ bài thơ Ta Vẫn Ngồi Đây của Mailoc)

Đàm Quang Kiên ấy phải không thầy?
Lý Hóa người từng dạy ở đây
Cao Lãnh môn sinh còn quyến luyến
Kiến Phong tình nghĩa vẫn vương vây
Tha phương nỗi xót cô đơn ấy
Nan bệnh lòng đau thắc thỏm  này
Mượn blog đôi vần em nhắn gởi
Thăm thầy cung kính gởi nhờ mây !

Cao Linh Tử
(Cựu Học Sinh Trung Học Kiến Phong)
16/3/2014

Ngậm Ngùi




Non cao mấy dãy chập chùng,
Ngàn thông réo gọi, mịt mùng mây trôi.
Phố đông du khách ngược xuôi,
Cô đơn ta chợt ngậm ngùi riêng ta.
Nhớ em, nỗi nhớ nhạt nhòa,
Thương em mấy độ trăng già lung linh.

Vail, Colorado - 1988
Mặc Thái Thủy


Lục Bát Thơ Tình - Bốn




Hạ
Em,
Nắng cháy lưng đèo.
Thu
Ta,
Gió lũ
Mưa reo phương người.
Ðông
Như những hạt tuyết trôi.
Sầu
Muôn năm vẫn rụng rơi bên này.

Phạm Hồng Ân
 

Bước Khởi Đầu

         
Sau khi mọi người ổn định chỗ ngồi, Thầy Bằng Hiệu trưởng mở đầu :

- Thưa các Thầy Cô, buổi họp bất ngờ hôm nay là theo đề nghị của cô Phương, giáo sư hướng dẫn lớp 9. Cô Phương sẽ trình bày lý do ngay sau đây. Mời Cô Phương.
- Thưa các Thầy Cô, đối với những giáo sư đang dạy lớp 9 của tôi hướng dẫn, chắc các bạn không lạ gì lớp này, tình trạng chia rẽ thật trầm trọng. Lớp chỉ có 40 em, nhưng lại chia năm chia bảy, thường xuyên xích mích. Những chuyện không đáng cũng đưa đến gây gỗ, cải vã làm to chuyện.
Nay trong buổi họp này, tôi nhờ các đồng nghiệp góp ý, giúp lời để tạo sự đoàn kết và vui tươi trong lớp. Xin cám ơn anh chị em.
- Qua những lời cô Phương vừa nói, các Thầy Cô có ý kiến gì xin đưa ra, chúng ta cùng thảo luận.Thầy Bằng tiếp lời.
...........................
- tổ chức cấm trại.
- tổ chức văn nghệ.
- làm báo...
...........................
Rất nhiều ý kiến nêu lên.....
............................
- Tổ chức cấm trại, thời gian quá ngắn, không thể đưa các em đến gần với nhau để thông cảm và hiểu nhau.
- Tổ chức văn nghệ, số tham dự tập dượt không nhiều.
Cuối cùng tất cả đều đồng ý cho các em viết báo. Nhưng làm báo gì? với các em có hai hình thức đó là Bích Báo và Đặc San
- Bích Báo tuy gọn, dễ làm, nhưng sự tham gia của các em cũng không bao nhiê
- Làm Đặc San sẽ thu hút các em nhiều hơn vì đòi hỏi nhiều bài viết.
Thế là tất cả Giáo Sư đều đồng ý cho các em làm Đặc San của lớp. Mọi trở ngại hay khó khăn sẽ được bàn vào buổi chiều sau giờ tan học.
..............................................................
Buổi họp tiếp tục, thầy Bằng khơi mào:
- Chào Thầy Cô, Chúng ta bàn tiếp về việc hướng dẫn các em lớp 9 làm Đặc San.Trong các thầy cô ở đây, người thì xuất thân từ Đại học SP Sài Gòn, người thì Đại Học SP Cần Thơ, người thì tốt nghiệp trường SP Vĩnh Long, nói chung chúng ta không lạ gì các loại báo của trường học. Bây giờ mời Thầy Cô .


Đây là lần đầu tiên Nhà Trường hướng dẫn các học sinh làm Đặc San, chúng ta phải nắm rõ điều kiện ắt có và đủ để hình thành một tờ Đặc San.

1 - Số lượng?

Tất cả đều đồng ý sẽ in khoảng trên trăm quyển, để chia cho các học sinh lớp 9 và số còn lại để tặng...

2 - Tài chính. Chi phí không phải ít ?

Có ý kiến học sinh đóng, nhưng thầy Bằng không đồng ý và sẽ xuất quỹ của Trường cho mọi chi phí này.
Một gút đã được tháo.

3 - Bài viết? Phải nhiều, không thể như Báo Tường.

Đây là vấn đề rất khó khăn. Chúng ta đều biết với trình độ lớp 9, có rất ít học sinh viết được những đoạn văn hay, hoặc những bài thơ tương đối hoàn chỉnh....thì làm sao có đủ bài vở? trong khi chính các thầy cô cũng chưa hẳn viết đã đạt !!.
Có Thầy Cô đề nghị mỗi Giáo Sư viết một, hai bài cho nội dung thêm phong phú...
Cuối cùng thầy Đoàn, Giáo Sư dạy giờ, tốt nghiệp trường SP Vĩnh Long góp ý :

- Tôi đề nghị tất cả bài vở phải là của học sinh. Mặc dầu từ trước đến giờ các em chưa hề viết văn. Ta có thể khuyến khích và bắt buộc mỗi em viết ít nhất một bài từ văn, thơ, sưu tầm, vui cười cho đến những câu châm ngôn...những bài viết này chúng ta chia nhau chỉnh sửa cho các em, để mỗi em có ít nhất một bài viết đăng trên Đặc San. Có như thế các em mới hăng hái tham gia viết bài
Sau một lúc bàn bạc, mọi người đều chấp nhận giải pháp của thầy Đoàn.

4 - In ấn và đóng cuốn..?

Hiện tại Trường chỉ có hai máy đánh chữ nhưng không có máy in Ronéo. Trở ngại cuối cùng.
- Sau khi sửa và chọn bài xong, chúng ta gởi đi in và đóng cuốn?
- Không được chi phí rất cao, thầy Đoàn phản đối và tiếp :
- Chúng ta sẽ tập cho các học sinh làm, tất cả các em sẽ hoà đồng làm chung với nhau, rất có lợi cho sự đoàn kết trong lớp. Không biết các anh chị học ở các trường Đại Học thế nào, chớ ở trường SP Vĩnh Long, chúng tôi được đào tạo để về dạy những vùng quê xa xôi hẻo lánh, nơi cơ sở vật chất, cũng như mọi phương tiện giảng dạy hầu hết đều thiếu thốn. Để có học cụ giảng dạy, chúng tôi phải tự làm, vì vậy có môn học Dụng Cụ Giáo Khoa Thính Thị nhằm hổ trợ kỷ năng, giúp chúng tôi phần nào giải quyết những khó khăn, tự làm đồ dùng dạy học, trong đó có dạy kỹ thuật in lụa cũng như tự đóng khung lụa...Tôi có thể hướng dẫn các em in lụa cũng như làm bản in trên giấy sáp Stencils, kể cả in bìa.

Còn việc đóng cuốn, việc này cũng dễ, để hạn chế tốn kém, chúng ta sẽ tự đóng cuốn và dán gáy, sau đó đem mướn cắt tề cho ngay ngắn.
Sau phát biểu của thầy Đoàn, mọi việc êm xuôi, ai nấy đều vui vẻ tán thành.
Việc làm Đặc San lớp 9 giao cho thầy Đoàn toàn quyền.
Bất ngờ, Thầy Hiệu Trưởng đưa ra thông báo làm mọi người sững sờ:
- Cô Phương sẽ hướng dẫn lớp 8 của thầy Dân, vì thầy Dân sắp có Sự vụ lệnh về Sài Gòn. Thầy Đoàn sẽ hướng dẫn lớp 9 của cô Phương.
Cô Phương thở phào nhẹ nhỏm, vì tránh được lớp đã gây cho Cô không biết bao nhiêu phiền phức.

Thầy Đoàn thì có ý kiến :

- Như các Thầy Cô đều biết, tôi là một Giáo Học Bổ Túc mới ra trường, được đào tạo để dạy bậc Tiểu Học. Nơi trường Trung Học Công Lập này tôi chỉ là một Giáo Sư dạy giờ, không phải là một Giáo Sư Trung học chính thức, thì làm sao làm Giáo Sư hướng dẫn lớp?
Thầy Đoàn vừa dứt lời, Thầy Bằng đã cười và nói:
- Thầy nào cũng thầy, Sư nào cũng Sư, Sư Tiểu cũng như Sư Đại, đều là Sư cả.
Tôi có ý định này từ khi biết thầy Dân sắp chuyển nhiệm sở. Vả lại, các em học sinh lớp 9 này cũng mến thầy, cộng thêm chuyện làm Đặc San.
Tôi hy vọng thầy đừng phụ lòng kỳ vọng của tôi và mọi người, nhất là cố tạo sự đoàn kết cho lớp.
Giờ các Thầy Cô còn ý kiến gì không?
Như vậy buổi họp đến đây chấm dứt, chúng ta có thể ra về.

Huỳnh Hữu Đức

Vu Vơ



Giận nhau, giận để làm chi?
Trăm năm hồ đã dễ gì gặp nhau!
Thời gian còn được bao lâu ?
Sao đành lạc dấu chân nhau, khôn tìm,

Bao điều chất chứa trong tim,
Biết đem tâm sự trao truyền cùng ai?
Những khi thao thức đêm dài,
Những khi vất vưởng, lạc loài, trơ vơ.

Dẫu rằng phố ảo, mộng vờ
Cũng còn có một chút gì nhớ nhau,
Như khi mới gặp lần đầu,
Câu cười, tiếng hát trước sau rộn ràng,

Bây giờ ngồi đếm thời gian,
Mộng tan, ảo tỉnh muôn ngàn thiết tha,
Ước chi như những ngày qua,
Cứ mơ, cứ mộng , cứ pha tiếng cười

Rồi cũng qua một kiếp người,
Chẳng còn lưu dấu, cuộc đời vẫn trôi,
Vu vơ giận dỗi, than ôi,
Chi cho uổng phí một thời cười vui.

Ngày qua, ngày lại tàn rồi,
Bao nhiêu lâu nữa, là thôi còn gì?
Giận nhau, giận dỗi mà chi?


Nam Chi
                            

Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

Nhớ Làm Sao



Đẹp làm sao chữ Thảo Sương
Viết ngàn chữ nhớ má hường biết không?
Tình anh vết tận đáy lòng
Mơ hoa nở đẹp nắng hồng ươm duyên

Lòng ta vẫn ước tư riêng
Ôm em đằm thắm dịu hiền dễ yêu
Bé thương ơi! Bé diễm kiều
Từng đêm trăn trở nhớ nhiều về em

Ngoài song cửa, giọt sương đêm
Mơn man hoa nở dịu êm mặt đời
Trong mơ ta thấy em cười
Nửa đêm tỉnh giấc thật vui trong lòng

Má hồng ơi hỡi má hồng
Phương trời xa đó có trông có chờ
Nhớ anh em có làm thơ
Gởi từng con chữ mộng mơ chung tình

Nhớ làm sao...Bé thật xinh


Thy Lan Thảo

Thơ Tranh: Đóa Quỳnh


Thơ: Suối Dâu
Thơ Tranh: Kim Oanh


Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

Áo Trắng Giờ Đâu


Đêm rồi mưa ghé gợi thêm sầu
Nắn nót đôi dòng gởi mấy câu
Nhớ quá tình thơ hồng thuở nọ
Nhờ mưa quen biết mộng duyên đầu

Những tưởng phượng hồng vui bước chân
Đón đưa chung lối ướp tình thân
Thu đi Thu đến đầy lưu luyến
Kỷ niệm đong đầy bao nét xuân

Nhớ mãi trại hè đậm mến thương
Thầy cô bè bạn họp liên trường
Thi đua văn nghệ cùng vui sống
EM hát anh đàn bao vấn vương

Từ đó ta cùng dệt ước mơ
Ru đời xinh đẹp tựa bài thơ
Nào hay khói lửa mùa chinh chiến
Hai ngã lạc loài nhớ vẩn vơ

Đêm mưa đất khách vọng lòng ai
Giọt ngắn giọt dài theo gió bay
Kỷ niệm nhắc hoài theo nét chữ
EM ơi, còn đó vấn vương hoài .


Hoàng Dũng 

 

Sơ Lược Trường Sư Phạm Vĩnh Long Qua Các Giai Đoạn


Vài nét về Tác Giả:

       Thầy Nguyễn Thành Sơn (Cựu Học Sinh Nguyễn Thông ).Trước 1975 là Giáo Sư các trường Trung học Chợ Lách, Trường trung học Tống Phước Hiệp và Trường trung học Thủ Khoa Huân. Sau biệt phái về, Thầy Sơn dạy tại Trường Bán Công Nguyễn Thông và là Giám Học Trường Nguyễn Thông từ năm 1973-1975.
       Đồng thời 1973-1975 Thầy dạy môn Việt Văn tại trường Sư Phạm Vĩnh Long. Hiện nay Thầy đang định cư tại San Francisco, Hoa Kỳ.
       Với trí nhớ của Thầy, Thầy đã ghi lại sơ lược lịch sử trường Sư Phạm giai đoạn 1958-1962.

       Nếu Tất cả Quý Thầy Cô và  Quý Giáo Sinh còn nhớ những giai đoạn kế tiếp xin vui lòng bổ túc, để trường Sư Phạm Vĩnh Long có những chi tiết về lịch sử của trường được đầy đủ hơn.
      Chân thành cám ơn.

      Trân trọng.
      Kim Oanh

alt

      Thể theo lời đề nghị của một số anh chị Giáo Sinh trường Sư Phạm Vĩnh Long, Thầy Nguyễn Thành Sơn đã ghi chú lại sơ lược về  ngôi trường này qua các thời đại như sau:
      Trường Sư Phạm Vĩnh Long được thành lập vào Tháng 8 Năm 1958.

      Những Vị Hiệu Trưởng  từ năm 1958 - 1975.

     . Ông Bửu Trí
     . Ông Lâm Phi Điểu
     . Ông Phan Công Minh
     . Ông Nguyễn Văn Lượm

Khoá Một :1958-1959

      Lớp một sư phạm đầu tiên được khai giảng vào tháng 8/1958 có khoảng 50 giáo sinh, và được học tại Phòng Khánh Tiết Trường Nguyễn Thông (lúc bấy giờ chưa đổi tên Tống Phước Hiệp).

      Hiệu Trưởng:

      . Ông Lý Chánh Đức.

      Các Giảng Viên gồm có:

      . Ông Trần Văn Xường
      . Ông Phan Văn Diệp
      . Ông  Phạm Văn Tệt
      . Ông Nguyễn Văn Điếu
      . Ông Nguyễn Ngọc Trạch
      . Ông Hồ Văn Trai
      . Ông Lê Văn Sĩ

Khoá Hai :1959-1960

      Lớp một sư phạm khoá 2 cũng được học tại Phòng Khánh Tiết Trường Nguyễn Thông ( chưa đổi tên Tống Phước Hiệp).

Khoá Ba: 1960-1961

      Năm này thì trường đổi về địa điểm chính thức Trường Sư Phạm Vĩnh Long toạ lạc tại đường Nguyễn Huệ.

      Hiệu Trưởng:
     . Ông Bửu Trí

      Giám Học:
      . Ông Đinh Xuân Thọ

      Năm 1961-1962 Lớp cấp tốc được tăng lên 4 lớp, lớp bổ túc cũng được 4 lớp. 
      Muốn thi vào lớp giáo học bổ túc, thí sinh cần phải có Tú Tài I trở lên. Chương trình học gồn hai năm. Ban Giảng Huấn gồm có:

      . Ông Võ Thành Châu
      . Ông Đặng Ngọc Diệp
      . Ông Phan Văn Diệp
      . Ông Nguyễn Văn Điếu
      . Ông Lê Văn Hoà 
      . Ông Châu Kim Đính
      . Ông Nguyễn Quốc Hùng
      . Cô Phan Kiêm Loan
      . Ông Võ Hoà Hài
      . Ông Nguyễn Triết Lý
      . Ông Nguyễn Trí Năng
      . Ông Phan Đình Ngẫu
      . Ông Nguyễn Tử Quý
      . Ông Dương Văn Tường
      . Ông Trần Viết Sáu
      . Ông Đinh Văn Thiệt
      . Ông Forest Gerb, người Mỹ phụ trách môn Anh Văn.

 Thầy Nguyễn Văn Điếu  
(Hình ảnh của anh Song An Châu gửi)


Nguyễn Thành Sơn
(Cựu Giám Học Trường Bán Công Nguyễn Thông 1973-1975)

-------o0o------

Phần Bổ Túc thêm chi tiết về Trường Sư Phạm



(Hình ảnh Kim Oanh ghi lại 1995)

      Kính thưa Thầy Nguyễn Thành Sơn,
      Kính thưa quí Thầy Cô Cựu Giáo Sinh Sư Phạm Vĩnh Long,

      Tôi là Huỳnh Hữu Đức Khoá 8 Sư Phạm Vĩnh Long,Xin được góp đôi lời về trường SP Vĩnh Long.
Trường Sư Phạm Vĩnh Long được thành lập rất sớm có thể nói là ngôi trường đầu tiên ở Miền Tây.Khởi đầu trường thu nhận Giáo Sinh đào tạo theo ngạch GIÁO VIÊN TIỂU HỌC hệ 1 năm.Nhưng không biết vào năm nào thì chấm dứt hệ đào tạo này (Dường như khoá cuối cùng của hệ này là NK 62-63 theo lời kể của một đàn anh ở chung trong xóm)

      Trường Sư Phạm Vĩnh Long được hoàn thành vào năm 1962,Và cũng trong niên khoá 62-63 khai giảng khoá 1 ngạch GIÁO HỌC BỔ TÚC hệ 2 năm.Từ đó, những khoá tiếp theo là khoá 2,3,4....đến Khoá 12 ra trường vào năm 1975.
     Rất mong được nhận thêm nhiều đóng góp liên quan đến trường của Cựu Giáo Sinh Sư Phạm Vĩnh Long.

      Riêng cá nhân ,tôi chân thành cảm ơn thầy Nguyễn Thành Sơn về sơ lược trường Sư Phạm Vĩnh Long để các Cựu Giáo Sinh chúng tôi có thể tìm lại hình ảnh,kỷ niệm thân yêu về ngôi trường Sư Phạm xa xưa.Ngôi Trường Sư Phạm đầu tiên của Miền Tây.

Chân thành cảm ơn.
Kính chào
Huỳnh Hữu Đức

Tạ Ơn Đời




“ Hữu mai vô tuyết bất tinh thần
Hữu tuyết vô thi tục liễu nhân”


Câu thơ cổ vẫn còn trên vách đá
Sổ tơ hồng chẳng tròn kiếp đôi ta
Hữu tuyết, hữu mai, mai gầy vóc liểu
Ngẩn ngơ nhìn tha thướt dáng em qua

Em e thẹn cuối đầu hồng đôi má
Vội vàng che nón lá giấu tình yêu
Nhưng em đâu giấu được nét mỹ miều
Che cảm xúc trên bờ vai rung động

Cảm ơn em vì em làm nên mộng
Nếu không em, anh nào biết làm thơ
Đời thiếu em, anh đâu biết đợi chờ
Sao hiểu được diệu huyền đêm trăn trở

Em ngây thơ, tình ấm từng hơi thở
Em dịu dàng, vũ trụ hoá thành thơ
Cảm ơn em cho niềm thương , nỗi nhớ
Tạ ơn đời ta có những ngày mơ

Lê Kim Thành
 


Cái Cân Thủy Ngân


      Ngày xưa, có một nhà làm nghề buôn bán, gian tham chế ra một cái cân cán rỗng, trong đổ thủy ngân, hai đầu bịt đồng, không ai biết. Khi cân hàng bán cho người ta thì dốc cán về đằng móc, còn khi cân hàng mua của ai thì dốc cán cân về đằng quả. Như vậy một cái cân vừa nặng vừa nhẹ được, và bao giờ phần lợi cũng về mình.

      Không bao lâu nhà ấy trở nên giàu có, vì buôn bán lọc lừa. Nhà này sinh ra được hai đứa con mặt mũi khôi ngô, học hành thông thạo. Thiên hạ ai nấy đều khen là nhà có đại hồng phúc. Một hôm hai vợ chồng ngồi bàn với nhau: "Nhà ta bây giờ đã giàu có nhiều, lại được hai đứa con khôn ngoan học giỏi. Bây giờ ta đem phá bỏ cái cân điên đảo kia đi, để dành đức lại cho con về sau".
Bàn xong hai vợ chồng thuận tình làm lễ sám hối, trên thì cúng Phật, dưới cáo cùng tổ tiên, rồi đem cái cân ra chẻ. Khi chẻ ra, thì thấy trong cái cân có đọng một cục máu đỏ.
       Từ đó hai vợ chồng bảo nhau ăn ở tu nhân tích đức, tránh điều dữ, làm điều lành. Nhưng cách đó hai tháng, bỗng một hôm một đứa con lăn ra chết, rồi không bao lâu, đứa con còn lại cũng lăn ra chết nốt. Hai vợ chồng kêu gào khóc lóc thảm thiết, nghĩ rằng mình đã có bụng cải ác vi thiện mà Trời Phật không chứng quả. Rồi hai vợ chồng rầu rĩ khổ sở, cứ ngồi than dài thở vắn, không buồn động đến việc gì nữa.
       Một đêm, hai vợ chồng cùng nằm mơ có ông Bụt đến bảo rằng: "Vợ chồng hãy nên lo toan làm ăn tu tỉnh lại, chớ vội ngồi vậy mà trách Trời không có mắt. Trước Trời thấy chúng mày buôn bán lọc lừa, Trời đã sai hai con quỷ xuống đầu thai phá tan cho hết những của phi nghĩa chúng mày chắt bóp nhặt nhạnh bao nhiêu năm nay. May mà chúng mày sớm biết hối hận, cải tà quy chánh, tránh dữ làm lành, Trời mới sai bắt hai con quỷ ấy về. Đừng thương tiếc chúng nó làm chi nữa. Chúng mày cứ ăn ở ngay lành rồi Trời lại đền cho hai đứa con khác để ngày sau mà nhờ".
       Hai vợ chồng biết thế, không thương khóc con nữa, lại làm ăn như cũ, và lúc nào cũng tâm tâm niệm niệm, cố gắng làm bao nhiêu điều từ thiện, phúc đức. Quả nhiên sau lại sinh được hai đứa con trai khác. Hai đứa con hiền lành tử tế, văn hay chữ tốt, rồi sau lớn lên, làm cho cha mẹ được vẻ vang sung sướng trong cảnh già.

(Theo http://vanhoc.xitrum.net)
Huỳnh Hữu Đức sưu tầm