Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

Ngày Buồn Ta



Ngày buồn ta đi tìm tới người
Tìm tới người thắp một nụ cười
Một nụ cười bàn tay biển vắng
Tìm nụ cười thơ trong mắt vui

Ngày buồn ta mưa mù đất trời
Buồn như cây ngủ ngày bên đồi
Thèm nụ cười người xanh cỏ biếc
Đường dốc cao ta bước yêu đời

Ngày buồn qua đâu tìm thấy người
Người như mây bay xa phương trời
Nụ cười người là hoa mùa trước
Nụ cười người theo sóng ra khơi

Ngày buồn ta hỏi lại quanh đời
Đời quanh ta còn buồn ngàn lần
Ngàn lần buồn tìm ra biển vắng
Người âm thầm như biển mênh mông

Ngày buồn ta hỏi người một lần
Cuộc tình qua u tình nhạt dần
Những chuyện tình làm mưa làm gió
Ngày buồn ta sao người bâng khuâng

Ngày buồn ta có làm buồn người
Chuyện tình xa qua chuyện tình gần
Những chuyện tình mồi thêm củi lửa
Cháy muộn màng một đêm chiếu chăn


Lâm hảo Khôi
(tháng 3-2014)


Thuyền Trăng




Thuyền trăng tôi dồn sóng mây trôi mãi
Mây dập dềnh nên thuyền mãi lênh đênh
Thuyền vô lái phù trầm cơn định mệnh
Một mái chèo định hướng giữa vô biên ?

Thầy trao mái chèo - Thắp lại ngọn nến tâm
Tự đó yêu em như yêu mây mù đen đủi
Ngày tức đêm - Giải thoát tức buộc ràng

Trong thuyền trăng em nhè nhẹ tựa đầu
Trong tịnh mặc em thấy đời ơn phước
.....Cũng bởi em chính là tôi....
Muôn trùng thời trước không tận cùng thời sau

Trương Văn Phú

 * Ảnh phụ bản của tác giả chụp

Thơ Tranh: Kiếp Người




Thơ: Thích Nữ Hiền Thông
Thơ Tranh: Kim Oanh

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

Có Những Lúc




Có những lúc lòng chập chùng như sóng
Vỗ xôn xao trên kỷ niệm hôm nào
Em về đâu theo dòng đời biền biệt
Còn yêu không mà hồn mãi xanh xao

Có những lúc lòng mênh mông như gió
Vượt trùng dương về hoà nhập cùng em
Còn nhớ không những ngày yêu thương đó
Tóc em bay quấn quít rất dịu mềm

Có những lúc lòng loạn cuồng như bão
Phá tan hoang vùng chứng tích ngọt ngào
Tình yêu ta đớn đau trong rạn vỡ
Nhìn lại đời chỉ đầy những hư hao

Có những lúc lòng hiền như bờ cát
Nhìn lại nhau hai đứa chẳng còn gì
Em hóa thân trở thành loài ngư nữ
Ta trăng sầu trên biển mảnh tình si

Khiếu Long


Kỷ Niệm




Dù chỉ là kỷ niệm
Bất chợt nhìn thấy mưa
Ở bất cứ nơi nào
Lòng em luôn chao đảo

Tình chúng mình thánh thiện
Nỗi nhớ mãi khôn nguôi
Theo đuổi em suốt đời
Tim em luôn buốt giá

Suối Dâu

Tơ Mành - Thơ Khúc Giang - Hương Nam Diễn Ngâm



Thơ: Khúc Giang (Cựu Học Sinh Nguyễn Trường Tộ)
Diễn Ngâm: Hương Nam (Cựu Học Sinh Kỹ Thuật Thủ Đức)

Khúc Hát Sai Mùa





Gửi ai khúc hát sai mùa
Nương theo lá gió thu khua cửa thiền
Gỏ chuông quấy động điềm nhiên
Vàng phai sắc tía trượt triền dốc mê
Phù sinh một cõi đi về
Giấc mơ lòng rụng trăng thề hư vô
…..
Thả tâm hồn vô thinh lá đổ
Ngơ ngác đời bể khổ mù bơi...
Chuông ngân thanh thoát nhẹ rơi...
Cửa thiền mở rộng luân hồi.... nhân sinh.

Kim Oanh

Khúc Hát Sai Mùa 2



  
     (Từ Khúc Hát Sai Mùa của Kim Oanh)  

Anh yêu khúc hát sai mùa
Dù cho lá gió thu khua cửa thiền
Dù chuông khuấy động điềm nhiên
Dù cho trọn kiếp trượt triền dốc mê
Phù sinh ư? Cõi đi về...
Giấc mơ nào rụng trăng thề hư vô?
....
Ai thả hồn vô thinh lá đỗ?
Ai ngác ngơ bể khổ mà bơi?
Tiếng chuông thanh thoát nhẹ rơi
Cửa thiền có mở cứu đời nhân sinh?

Mặc Thái Thủy
Gilbert, Arizona- May 25, 2011

Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014

Lá Thư Gửi Đến Học Trò

      
      Mới đây mà đã hai tuần nằm trên giường bệnh, dây nhợ truyền thuốc thường xuyên, có thêm bệnh nhân cùng giường, vợ kề bên chăm sóc mà sao tôi thấy quá cô đơn. Đã quen lao động trong nền nếp giáo dục của gia đình, tôi không chịu nổi sự bất công mà tôi đang buộc người thân phải gánh chịu.

      Rồi cũng những học trò cũ từ đất Vĩnh xa xưa, lâu lâu hỏi thăm thầy đang khỏe? Đang ở đâu? Vợ tôi trả lời thay tôi "Thầy lại bị nhiễm trùng, đang điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy". Sau này tôi không báo tin cho những trò ngày xưa, sau đó đã thường thăm tôi lúc bệnh. Tôi không muốn. Các em giờ cũng đã lớn, có đứa lên hàng bà nội, ngoại rồi, lại có đứa cũng đẹp, danh phận đâu kém ai mà vẫn sống một mình, nay phải bận bịu thêm một ông thầy cũ, không biết ngày xưa đã dạy em nên người đến mức nào.

      Cách bốn năm ngày trước khi xuất viện, cũng từ hỏi thăm thầy, Hoa Thu ghé vào bên giường bệnh ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Em cũng đang chăm sóc ông xã bệnh ở nhà, vậy mà cũng đi xe máy đến thăm, tôi nằm rầy em, (thầy mà), "sao không thấy áo khoác, chút về là tối rồi." Trưa hôm sau đến lượt Ánh Thùy, Diệu, Bé Phương điện thoại đã đến khoa huyết học rồi, vợ tôi đi ra chỉ đường lên. Mấy em đứng kề bên, tôi vẫn nằm với dây truyền trụ sinh vào mạch máu, còn thêm máy khử sắt đeo ở bụng, nghiêng qua là nó ngưng bơm, nằm êm hơn mười giờ mới hết thuốc.

      Mấy đứa nói thầy ráng ăn được nhiều hơn, tinh thần sáng suốt, ý chí mạnh mẽ, mau hồi phục để bọn em còn có người thầy hằng yêu quý. Tôi quay đầu vào trong nhưng không che được giọt nước mắt. Tôi nói các em đến thăm, giúp thầy mau lành bệnh lẫn vật chất, thầy rất cảm ơn, rất là hạnh phúc. Ánh Thùy còn căn dặn lúc nào xuất viện thì điện cho em, có xe bốn chỗ đưa thầy cô về nhà Long An.

Làm thầy thật là hạnh phúc!

Huỳnh Hữu Trí
6/2013
 * Lá thư cuối cùng trước khi thầy qua đời.

Nỗi Nhớ Mênh Mông - Sáng tác Dương Thượng Trúc



Sáng tác: Dương Thượng Trúc
Tiếng Hát: Quang Minh

Tìm Em


  

Bẻ khóa động đào nơi cõi tiên 
Lung linh huyền ảo xót xa tìm 
Trăm con thỏ ngọc lung linh nguyệt 
Rảo khắp non bồng – không có em. 
  
Có lắm nàng tiên ríu rít cười 
Vẫy tay chào gọi nét xinh tươi 
Tưởng em đâu đó nhưng nào thấy 
Nặng nợ thư sinh nhẹ kiếp người. 
  
Mưa buồn sực tỉnh đào tiên mộng 
Gối lạnh phơi sương lạc bến mê 
Réo rắt cung đàn trong đêm vắng 
Lơ thơ tơ liễu ngỡ em về! 
  
Hay em đâu đó nơi trần thế 
Không phải là hằng nga cõi trên 
Vượt biển em đi chưa trở lại 
Nên anh ray rức mãi ưu phiền. 
  
Lâu lắm em đi bỏ Cần Thơ 
Vàng Thu gục chết bỡi mong chờ 
Bao năm cách biệt nhưng anh vẫn 
Nhỏ giọt lệ tình xuống ý thơ. 
  
Biển rộng trời cao cách biệt nhau 
Tình xa vẫn đượm buốt niềm đau 
Em ơi! anh gởi về bên ấy 
Nét mực đen pha… chút máu đào! 

Dương Hồng Thủy


Thăm Hòn Đá Dựng




Tham quan du lịch lại hành hương,
Bầu bạn thê tử thấy mà thương.
Đá dựng vượt hòn trông mau đến,
Đứng dạ lòn hang lại khẩn trương.
Leo lên tuột xuống mong đến đỉnh,
Chân chồn mỏi gối cũng ráng bương.
Du sơn chạnh nghĩ vì đâu nhỉ?
Có phải lòng người khéo vấn vương!

Dương Hồng Hưng
(Trích tập thơ " Hà Tiên Phong Cảnh " )


Ái Hữu 72 Họp Mặt Tại Sài Gòn

1/1/2006 tại nhà Ái Hữu 18 Trường, Sài Gòn
Bửu Hội, Sương, Tiên, Duyên, Tâm,Oanh,Trường,Dũng,Cử 

Xưa là Ái hữu, sau là đồng nghiệp (Sương, Tiên, cháu Chánh  ngày nhà giáo VN 20/11)

Phan Thị Sương

                                                            

Lá Thơ Đầu Năm Học Trò Gửi Thầy Huỳnh Hữu Trí

Cầu Mới - Ngày đưa ông Táo -2013
alt
      Thầy kính.
      Đầu thư, em gởi đến Thầy và gia đình lời chúc lành của em.
     Mới đây, xem trên trang m
ạng, thấy Thầy cô ngồi tiếp học trò cũ ghé thăm. Thấy thầy sắc diện có “đẹp hơn” em cũng mừng. Thế này là có thể đi xe buýt một mình nhiều năm nữa.
     Hôm nọ có đọc mẫu chuyện ngắn Thầy viết, em có nhận định Thầy đã vượt qua khá xa bệnh tật. Biểu hiện rõ nét qua ý tứ độc đáo và sâu sắc của bài viết.
     Hồi còn đi học, bạn bè nó cũng thường nói với em (lúc bấy giờ văn em giỏi, toán em chỉ thường dùng bậc trung mà thôi):  Giỏi Toán thì có thể giỏi Văn (mà chắc chắn là có thể), còn giỏi Văn chưa chắc giỏi Toán được. Nó lý giải Toán là môn khoa học có logic, từ những tư duy thực tế khiến người ta suy nghĩ sâu sắc, viết ra để thuyết phục người đọc,. . .
     Thuở ấy em không chối nhận định nầy. Hôm đọc xong bài viết của thầy em thấy những điều bạn em nói quá đúng.
     Với một trang viết ngắn, Thầy đã ví von sự việc, đưa ra được tình huống cuối truyện bất ngờ, ”tự truyện” đã vừa động viên mình sắp khỏe vừa nhắc bạn điều nhân nghĩa mà Thầy đã đi qua.
     Cũng như những mẫu chuyện trước, nó mang một chút gì đó đạo đức, rất người, nó được suy gẫm nhiều và chắc chắn đuợc viết ra từ ngòi bút của người được giáo dục trong nề nếp lễ giáo. Bà cụ đã yên nghỉ nhưng có l
những lời Bà dạy đã ẩn hiện trong từng con chữ của Thầy.

alt

      Thầy kính.
     Em bây giờ ngồi đây viết khen Thầy, có “ngố” quá không? Không đâu, em nói thế để động viên Thầy đấy. Thầy đã vượt qua bạo bệnh, đầu óc rất tỉnh táo, ý nghĩ rất sâu sắc để viết những lời viết ngắn, có nghệ thuật và mảy miếng hẳn hoi.
     Những chữ, lời văn đó không thể xuất phát từ đầu óc mục mị, đau yếu.
     Em mừng, chúc Thầy vui, khỏe, sống lâu.
     Em.

Gương ( CHS Nguyễn Thông)


Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Liêu Trai


Nửa đêm rượu cạn, ánh trăng mờ
Mòn mỏi gục đầu bên án thơ
Thoang thoảng làn hương theo gió quyện
Mơ hồ hình bóng lẫn sương đưa
Hồng nhan tri kỷ, duyên kỳ ngộ
Thi hữu tri âm, bạn bất ngờ
Đối ẩm ca ngâm say túy lúy
Sáng ra còn thấy chiếc hài xưa...

Phương Hà
 

Bóng Đời




một hôm cái bóng dứt tình
thổi qua cơn gió tan tành thịt da
bóng đời ngã xuống hồn ta
trăm năm rồi cũng mặn mà nín căm

biết đâu từ cõi âm thầm
đóa hoa muôn kiếp về thăm hương nồng
bóng đời trôi bóng mênh mông
biết nhau từ thuở bóng không trở về

coi như tiền kiếp u mê
trăm năm còn nhớ lời thề chiêm bao
khổ tình hạnh phúc bay cao
bóng ai che khuất niềm đau mỏi rời

buồn lòng phơi ánh lửa soi
lênh đênh ngoài cõi mù khơi mịt mùng
tình người ướt đẫm lệ rưng
thấy trong nước mắt khốn cùng trái tim

bóng đời có lúc nằm im
như trong khổ nạn nổi chìm có nhau
như trong cùng tận nỗi đau
thì như số kiếp ngày sau trả dần

lần đi cuống quít cuồng chân
nghe cơn ớn lạnh chảy rần sau lưng
đêm đen phủ xuống chập chùng
phải chăng mạng tuyệt tàn hung bóng mình

bóng đi chưa chắc xa hình
bóng tan chưa chắc tử sinh luân hồi
còn ta ôm bóng một đời
hai tay gỗ mục chia đôi cuộc tình

Trần Phù Thế

Nếu Khóc Được Chắc Làm Em Vui Lắm


Nếu khóc được chắc làm em vui lắm
Đôi hàng mi say khước rượu tình già
Tóc khinh đời tóc kiêu sa bỏ lững
Như kiếp người gồng gánh những phong ba

Nếu khóc được tôi đâu cần chạy trốn
Thời điêu tàn mạt lộ của quê hương
Nếu khóc được trên con tàu nghiêng ngửa
Những hồn hoang còn thấy được thiên đường

Nếu khóc được chắc làm em vui lắm
Áo đầm bay đùa giởn nắng quê người
Tay vốn gầy từ thuở mới đôi mươi
Sẽ run rẩy như kim đo địa chấn

Nếu khóc được chắc làm em vui lắm
Tôi năm mươi buồn thiếu phụ không chồng
Ở cuối đời tim mệt trí bon chen
Tôi cũng sẽ như là mây bảng lảng

Nếu khóc được chắc làm em vui lắm
Thời trung niên hay thời của muộn màng
Tôi bất cần ai định nghĩa yêu đương
Cho và nhận đầy tay tham tội lỗi

Nếu khóc được xin em đừng sám hối
Cứ yêu đi vì mộ tối đang chờ
( Cứ yêu đi đời tận thế bây giờ)


Lâm Hảo Dũng


Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng - Trịnh Công Sơn - Khánh Hà


Nhạc Sĩ: Trịnh Công Sơn
Ca Sĩ: Khánh Hà
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Kỷ Niệm Êm Đềm

    

      Trải qua Biên-Hòa, Nha-Trang; năm 1970 tôi đến đơn vị mới; căn cứ 92KQ ở Cao Nguyên giá lạnh trong sự tình nguyện. Máu khai phá nổi lên, muốn tìm một cái gì đó nơi xứ " khỉ ho cò gáy ", mà tôi nghe thoang thoáng là nơi bị đì, bị đày trong thời chiến.(tôi là Hướng đạo sinh và sau này sinh hoạt trong Kha đoàn Xuyên Sơn đạo Gia-Lai, Pleiku.)
      Tránh cái lạnh, cái buồn trong phi trường Cù-Hanh; lang thang khắp phố Pleiku, tìm mướn một nơi trú ngụ mới để tiện cho những sinh hoạt về sau. Hầu như là một qui luật, phải đóng tiền nhà ít nhất một tháng trước khi vào ở. Lương chưa được truy lãnh, bị lắc đầu hoài là cái chắc.
Rốt cuộc;" lù khù có thằng cù độ mạng "; chàng khách lạ được một gia đình vui vẻ cho mướn một căn gác phía sau nhà 42/21 đường Lê-Lợi, mà không phải đóng tiền trước,với lý do:
- Bị cậu là người ở Vĩnh-Long, xứ sở miệt vườn Nam bộ.
      Rất ngạc nhiên và đầy thích thú về câu nói quá đơn giản của bà chủ nhà; buộc phải biết dạ trước rồi sẽ suy gẩm sau.
      Căn gác tuy nhỏ nhưng ngăn nắp, xinh xắn, cửa sổ hướng đông nam, tràn ngập ánh nắng ban mai, đôi khi lẩn ít sương mù, làm cho căn phòng huyền ảo và long lanh hơn, xa dưới là thung lũng có dòng suối róc rách, cạnh những hàng thông reo vi vu về đêm. Ôi! quyến rủ tuổi trẻ, vui vẻ chấp nhận xa nhà.
      Thắm thoát sáu tháng trôi qua, bà chủ nhà bảo không nhận tiền thuê nhà nữa; ngỡ ngàng lo sợ sẽ không còn được ở lại đây. Có lẻ thấy được vẽ mặt trong tâm trạng lo âu; bà vội tiếp lời.
- Bị cậu là người Vĩnh-Long, ở Vĩnh-Long nên cậu xứng đáng được hưởng, từ bây giờ cậu không phải đóng tiền nhà nữa. 

      Tiếp tục một ngạc nhiên lớn; lúc đầu không phải trả tiền trước, nay không lấy tiền mãi về sau. Chẳng lẻ ở Vĩnh-Long là được ưu ái đến thế!
      Thường mỗi sáng khi xuống ca trực, được mời ăn sáng chung với ông bà, dù chỉ là bánh đa Bình-Định nhúng nước, gói bánh nướng, thêm một ít tóp mở, chấm nước mắm chanh tỏi ớt, cay xé lưỡi, nhưng ngon và ngọt tình!
      Ngay cả gần hai mươi người bạn cùng đơn vị, luôn tham dự những bữa tiệc và những ngày Tết hằng năm của gia đình ông bà.

      Đầu năm 1973, rời Pleiku đột ngột, cho một nhiệm vụ mới, không kịp từ biệt bạn bè và người thân, hành trang đầy ắp kỷ niệm cũng để lại Pleiku. Mang theo câu nói của bà chủ nhà, mà cố gắng giữ gìn bản thân, tự hào là người Vĩnh-Long; xem đó là lời dạy dỗ của người Mẹ vậy!
      Không biết " Vĩnh-Long là thằng lù khù, Pleiku là thằng cù " hay "Vĩnh-Long là thằng cù, Pleiku là thằng lù khù "
      Thôi! Hãy dùng dây Tơ- Hồng cột chặt lại, thì gọi sao cũng được! 
      Vĩnh-Long - Pleiku
      Cao-Nguyên - Đồng-Bằng

Lê Kim Hiệp
VĩnhLong 7-2009

Lá Gói Lệ




Phố nghiêng mưa rơi rơi
Ta nghe tiếng chân người
Lá bây giờ gói lệ
Chiếc bóng từ xa xôi

Sợi tóc nào trên môi
Giọt đắng có xa người
Tóc mùa thu có trắng
Dĩ vãng chắc đã vơi

Chiếc lá trên tóc xưa
Chợt rụng . Tay ta vừa
Đã gửi ngàn ý niệm
Mái đầu nào xa xưa

Bây giờ lá gói mưa
Ta đẩm ướt những mùa
Tiếng chân từ ký ức
Mờ mờ dáng năm xưa

Ta nghe đường phố say
Chân nghiêng ngỏ thuông dài
Rượu thời gian uống mãi
Cất từ lệ thu bay

Phố nghiêng nghiêng mưa bay
Đời vất vưỡng qua ngày
Thu đi rồi thu lại
Lá nằm gói lệ ai?

Hoài Tử


Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

Nhạc Phim Schinder's List

  
      Mấy năm trước sở tôi có nhận vài người mới ra trường vào làm. Có thể vì chân ướt chân ráo nên vài tháng sau nhóm của họ đưa ra một cái poll(thăm dò ý kiến), với tựa đề là "Làm quen với đồng nghiệp".
Trong việc thăm việc thăm dò ý kiến đó có vài câu hỏi như bạn thích màu gì, món ăn nào, bản nhạc nào, thích du lịch ở đâu, thích phim nào ...
      Nếu trả lời qua loa cho xong chuyện thì dễ chứ trả lời đàng hoàng cũng mất nhiều thì giờ để suy nghĩ và so sánh.

     Tôi đã chọn phim "Schindler's list" là phim tôi thích nhất. Mặc dù không phải ghi lý do tại sao nhưng tôi thích phim này vì những lý do sau:
- Phim trắng đen (ngoại trừ một cô bé áo đỏ xuất hiện hai lần, một lần ở Warsaw's ghetto và lần thứ nhì lẫn lộn trong những xác người ở trại Auswitch). Phim này về holocaust trong đệ nhị thế chiến, có lẽ vì thời gian tính nên theo tôi phim trắng đen hay hơn. Mỗi khi chúng ta ôn lại kỷ niệm, hồì tưởng quá khứ qua những tấm hình cũ, hình như những tấm hình đen trắng có ấn tượng sâu đậm nhất.

- Bản nhạc chính trong phim nghe rất buồn. Tiết tấu và âm hưởng của bản nhạc này gợi cho tôi nhiều cảm xúc giống như khi nghe đoản khúc "mặc niệm chiến sĩ trận vong".

- Dân tộc tôi chịu nhiều đau khổ vì chiến tranh và cũng lưu lạc nhiều nơi trên thế giới sau khi chiến tranh chấm dứt.

- Phim dựa trên câu chuyện có thật về Oscar Schindler, người đã cứu gần 2000 người Do Thái trong thời gian đó, trong khả năng của ông ta.

      Gần nhà tôi có một công viên rộng, có hồ, có con lạch uốn khúc chảy qua. Dân trong vùng thường đi bách bộ trong công viên và có nhiều người dẫn chó đi theo nên vợ chồng tôi đặt tên công viên là công viên "chó".
      Cách nhà chúng tôi chừng chục căn có hai ông bà già người Hung Gia Lợi. Hầu như ngày nào họ cũng dẫn một con chó nhỏ màu trắng, loại terrier, đi xuống công viên. Thỉnh thoảng gặp hai ông bà, tôi chỉ chào hỏi bâng quơ, xã giao cho có lệ.

      Một hôm tôi đang lụi cụi tháo bình điện xe hơi vào nhà để xạc thì thấy bà cụ dẫn chó đi chơi một mình.
Tôi chào bà và hỏi:
- Ông đâu ?
- Chồng tôi không khỏe. Bịnh. Dù sao tôi cũng còn khỏe để lo cho ổng.
      
      Mà nhìn tướng bà thì khỏe cái gì. Thấy bà lò mò chống gậy qua đường nên tôi dẫn bà qua đường. Hôm đó trời nóng nên bà bận áo cụt tay. Tôi thấy lờ mờ cánh tay phải của bà có nhửng vết xâm với những con số ...
- Bà là người Do Thái ?
- Ừ. Sao anh biết ?
- Vì vết xâm trên tay bà.
- Tôi bị giam từ năm 1943 đến 1945. Lúc đó tôi mới 15 tuổi. Năm nay tôi 80 tuổi rồi.
- Rồi người Mỹ hay người Nga "liberate" bà ?
- Người Mỹ. Trại cuối cùng là Auswitch. Trước đó tôi ở Dachau rồi Krakow. Cha mẹ, anh chị em tôi ... gần chục người đều chết cả. Nhưng tôi không biết họ chết ở đâu ?
      Nhìn ánh mắt đau khổ của bà, tôi lặng người, không dám hỏi tiếp.
- Mà thôi anh à. Tôi không muốn nhớ tới chuyện đó nữa.

      Bà chậm chạp đi về hướng công viên. Con chó nhỏ vẫn quanh quẩn gần mấy gốc cây chờ bà. Bóng bà trải dài làm giải có xanh mùa Xuân có màu xám xit.

      Vài chục năm nữa chắc vợ chồng tôi cũng vậy, cũng lần mò dẫn chó đi xuống công viên ....

Wed 29/Oct/2008
ktk

Bên Kia Bờ Tro Than



Trái tim chùng chưa đốt đã thành tro
Dù nỗi nhớ, niềm đâu không muốn giữ
Lời hẹn thề đầu môi ai ướm thử
Mà như trăng tròn khuyết giữa hiên đời

Tình nhúm lửa un khói cay một thời
Đâu ai biết lệ hoài rơi nhức nhối
Là mãi vá vết thương tơ chỉ rối
Người xa người ai nối được thời gian?

Bóng dáng người âm ỉ ấm tro than
Bài thơ gửi thay nhạc đàn rung cảm
Tiếng hát xưa vọng gió ngàn buồn thảm
Lạnh điệu mưa rót chạm chỗ không bờ

Phạm Tương Như
Mar.08 2014


Thu Vàng Bên Sân Vắng - Melbourne - Úc Châu

       Mỗi chặng đường đời đi qua cũng như mỗi mùa phơi lá, xanh tươi mơn mởn xuân thì... rồi theo tháng ngày vàng ...  phai hương sắc. Nhưng vàng phai cũng có nét quyến rũ riêng.
       Nhìn qua ô cửa kính lá vàng phai trên sắc nắng, lồng vào khoảng trời xanh.  Khác gì bức tranh đầy sức sống?!
       Đẹp lắm! Ngày Thu chan hòa nắng mới! Lòng cũng chợt an bình, thanh tịnh một góc riêng!

Gửi ai khúc hát sai mùa
Nương theo lá gió thu khua cửa thiền!










Kim Oanh
Thu Vàng Melbourne 2014 

Tháng Hai




Đã đành sau tết giêng hai
Rét lộc rồi lại rét đài hoa dâu
Biết mình có lúc xa nhau
Mà sao nhớ cứa nát nhàu con tim
Tháng hai mình vẫn một mình
Mơ say chiếc bóng tội tình mơ thôi!
Sài Gòn nắng gió lên rồi
Còn xuân người bỏ cuộc chơi lỡ làng

(Sài Gòn, tháng 2- Giáp Ngọ)
Hương Ngọc


Ta Vẫn Ngồi Đây!

      Cùng Bạn ,
      Tôi có một anh bạn dạy cùng trường ngày trước, giáo sư Lý Hóa, anh đã ngoài thất thập nhưng vẫn còn độc thân lại bị parkinson đang sống cô độc trong một căn apt. miền đông bắc Hoa Kỳ. Năm rồi anh có sang Cali thăm chúng tôi và các em học sinh cũ. 
      Nhìn hoàn cảnh anh ai cũng mũi lòng. Tháng rồi trong một email ngắn ngủi anh kể sơ về những trận bão tuyết liên tiếp bên ấy khiến tôi vô cùng xúc động, tôi rất thông cảm cảnh cô đơn cùng cực của anh vì tôi cũng đã từng nếm mùi tứ cố vô thân trong suốt 8 năm dài nơi vùng tuyết giá trước khi được đoàn tụ với vợ con .
      Xúc động với hoàn cảnh của anh tôi có tặng anh một bài thơ, nay chuyển đến các bạn dọc để thông cảm cảnh cô đơn vào mùa đông nơi xứ lạnh. Cám ơn
       Thân mến
       Mailoc



Ta Vẫn Ngồi Đây!

Ta vẫn ngồi đây ngắm tuyết trời
Mấy ngày tuyết đổ vẫn không ngơi
Tùng hồi gió rích qua khung cửa
Nặng trĩu hồn ta nhớ tơi bời

Ta vẫn ngồi đây mắt chẳng rời
Khung trời nho nhỏ tận xa xôi
Cánh đồng chói lọi chiều băng giá
Cơm nước bơ vơ lạnh cả rồi

Ta vẫn ngồi đây vẫn chiếc phòng
Tháng năm lặng lẽ vẫn giường không
Thời gian chầm chậm như dày xéo
Một mảnh đời ai vẫn lạnh lùng!

Ta vẫn ngồi đây bạn với đèn
Ngày ngày tắt vặn đã thân quen
Ai đâu tri kỷ nào ai thấu
Một phút hàn huyên bớt nỗi niềm

Mailoc


Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

Giấc Mơ Tuyệt Vời - Quách Nam Dung Sáng Tác



Sáng Tác: Quách Nam Dung
(Cựu Học Sinh Trường Trung Học Vũng Tàu - Melbourne , Úc Châu)
Tiếng hát: Vân Đức

Dòng Sông Ảo




Trái tim yêu kêu gào khao khát
Mối tình đầu tan nát từ lâu
Tắt lửa yêu tự phút ban đầu
Đồi hoa tím chìm sâu hoang giấc

Bầu trời đen giật mình chuyển Bấc
Thấm lạnh dần mỏng mảnh tim đau
Lần đôi tay đêm tối quơ quào
Trăng sao nhạt len vào sương khói

Nghĩa ba sinh cõi trời mây nước
Ước hẹn lời trơ trụi đứng trông
Dòng sông chảy qua đường gió bụi
Giọt mát lòng trở tuổi Xuân xanh

Sớm bình minh bừng quang mây tạnh
Đôi chim vàng hạnh phúc líu lo
Hát câu tao ngộ cho mùa cưới
Cưỡi hạc Trời về động thiên thai.... 

Tỉnh cơn say....sông đâu miền núi
Cuối cuộc đời tiếp tục khổ đau!

Pleiku 24-7-2011
Lê Kim Hiệp

Tình Thiên Thu



 

Lặng thầm nghe tiếng mưa rơi
Giọt mưa tí tách buồn ơi là buồn
Con đường tràn ngập nước tuôn
Theo dòng trôi mãi về nguồn xa xăm

Cuộn trong dòng chảy trăm năm
Kiếp người cô phụ muôn phần xót xa
Một đời người đã can qua
Xế chiều vương vấn phôi pha đoạn trường

Trước sau rồi cũng vô thường
Hư vô một cõi âm dương trở về
Ân tình còn lại câu thề
Ngàn năm mãi gọi vọng về thiên thu

03/2014
Thiên Thu


Thơ Tranh: Về Thôi


Thơ: Phương Hà
Trình Bày: Kim Oanh

Một Số Vấn Đề Về Ca Khúc Hôm Nay



      Ngày nay, âm nhạc là một loại hình nghệ thuật không thể thiếu trong đời sống xã hội hiện đại. Nhu cầu tìm hiểu và sáng tác đã trở nên cần thiết đối với người yêu âm nhạc, nhất là giới trẻ.

      Có nhiều thể loại âm nhạc. Trong đó, có một số thể loại điển hình như: hình thể Ca khúc (Canto), hình thể Dạ khúc (Serenata), hình thể Biến tấu (Varasione), hình thể Nhạc kịch (Opera)… Tuy nhiên, đối với đại đa số quần chúng Việt Nam ta, có lẽ Ca khúc là loại hình thể âm nhạc được mọi người biết đến và yêu thích nhiều nhất!

      Danh từ “ca khúc” quen thuộc và đơn giản ấy lại bao hàm một khái niệm rộng lớn. Trong đó, có cả những sáng tác tự phát của người dân (Dân ca), những tác phẩm của các nhạc sĩ chuyên nghiệp (Ca khúc Nghệ thuật). Gần đây nhất lại còn xuất hiện những hình thái mới phục vụ cho thị trường quảng cáo, tiếp thị, biểu diễn thời trang (Kỹ nghệ Thương nhạc)…

      Nét đặc trưng của “ca khúc” là một tác phẩm thanh nhạc chủ yếu khai thác triệt để âm điệu của tiếng nói con người. Khi tiếng nói được nâng lên thành tiếng hát thì nó trở thành một thứ nghệ thuật thanh nhạc. Và nếu như tiếng nói con người mà trong đó sự lên hay xuống giọng được thể hiện một cách tự phát, thì trong một ca khúc vấn đề lại khác hẳn! Ở đây, việc “lên giọng, xuống giọng” được hệ thống và trật tự hóa trên cơ sở một sự sắp xếp hài hòa theo chủ tâm của tác giả. Có một giai điệu được tiến dẫn theo quy luật về hòa thanh cộng với tiết tấu phù hợp với tâm lý nghe của đa số mọi người. Đây chính là nguyên nhân vì sao người ta hay dùng thơ ca làm lời ca thay cho văn xuôi! Chính yếu tố gieo vận trong thơ là tiền đề nảy sinh ra giai điệu!

      Trong phạm vi nhỏ của bài viết này, người viết xin mạn phép bàn đến một số vấn đề của ca khúc. Đây là một trong những hình thái nghệ thuật tương đối đơn giản, nhưng lại có tầm bao quát rộng lớn trong đời sống âm nhạc hôm nay.

      Nhìn chung, nền âm nhạc Việt Nam đương đại là một nền âm nhạc không cân đối. Nó rất mạnh về ca khúc phổ thông và rất yếu về hoạt động khí nhạc (trong khi trong thực tế, cả hai thể loại này đều rất quan trọng: một loại nhằm phục vụ cho đại đa số quần chúng, còn một loại cần thiết cho việc nâng cao và cách tân nghệ thuật đỉnh cao).

      Trong lĩnh vực ca khúc hôm nay, chúng ta có thể phân chia ra làm ba loại:

1- CA KHÚC NGHỆ THUẬT (ART MUSIC):

      Là những tác phẩm của các tác giả có tâm huyết với sự phát triển của nền âm nhạc nước nhà. Họ chịu khó nghiên cứu, học hỏi sâu về các thủ pháp đặc thù cũng như khéo léo sử dụng các chất liệu dân ca có sẵn trong dân chúng. Đồng thời, áp dụng các thang âm ngũ cung một cách nhuần nhuyễn trên một nền tiết tấu được tiếp nhận từ âm nhạc phương Tây: ngôn ngữ được nghiên cứu, đầu tư rất sâu và mang tính triết lý cao, nói lên được tâm tư tình cảm sâu lắng của con người mà chúng ta có thể thấy qua một số tác phẩm điển hình của một số tác giả đã thành công trong lĩnh vực này như: Văn Cao, Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Trần Hoàn, Nguyễn Văn Tý, Hoàng Việt, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy… Đây là những tên tuổi mà tác phẩm của họ đã đi sâu vào lòng người hâm mộ!

      Đã có một thời gian dài, có một số ca khúc đã vượt khỏi phạm vi quốc gia, vươn lên ngang tầm với những tác phẩm âm nhạc quốc tế đương thời, nơi ngự trị của một “thế giới âm nhạc đa văn hóa” mà trong đó, “tính cách Việt Nam” đan quyện với dòng thác phương Tây hiện tại” một cách hết sức tinh tế. (Trường hợp ca khúc “Diễm xưa” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hay “Biến tấu độc huyền” của giáo sư Trần Văn Khê đã minh chứng hùng hồn cho lĩnh vực này!)

2- CA KHÚC PHỔ THÔNG (POPULAR MUSIC):

      Đây là một loại ca khúc mà khi sáng tác không đòi hỏi tác giả phải nỗ lực đưa ra những tìm tòi sáng tạo về kỹ thuật cũng như mỹ thuật nhạc học. Trong ca khúc phổ thông, người sáng tác không cần phải trang bị cho mình một kiến thức âm nhạc đồ sộ gì, chỉ cần am tường về kết cấu khúc thức, nhạc lý phổ thông cộng với vốn liếng văn học có sẵn trong đầu hoặc từ những bài thơ của chính mình hay người khác, người sáng tác có thể thoải mái sử dụng những yếu tố kỹ thuật sẵn có về kết cấu hòa thanh, tiến dẫn giai điệu (những điều này đã có từ trước và được đại đa số quần chúng nghe đến quen tai). Tác giả chỉ cần xáo đi, trộn lại cộng thêm một chút ngẫu hứng sáng kiến về cường độ, trường độ là đã định hình được một sườn giai điệu đơn giản, dễ nghe, dễ cảm. Loại ca khúc này thường được  khai triển trên một nhạc đề chính. Sau đó, dùng kỹ thuật phỏng tạo để tiến dẫn giai điệu với những điểm phân đoạn trên các quãng thuận 1, 2, 4 nghe rất êm tai. Phần ngôn ngữ chủ yếu khai thác các đề tài hầu như đã được sử dụng đến cạn kiệt. Nào là chủ đề tương tư, thất tình hoặc kể lể thân phận… Còn chất lượng ca từ thường sáo mòn và nghèo nàn tư tưởng. Nhìn chung, thể loại này hầu như hội tụ các tính chất để hình thành một ca khúc hoàn chỉnh, ngoại trừ tính sáng tạo!

      Thế nhưng, loại ca khúc này lại có một lượng khán, thính giả rất đông, bởi vì trong thực tế, đa số tâm lý người thưởng thức chỉ dừng lại ở cấp độ giải trí mà thôi! Sau một ngày làm việc mệt nhọc, người ta tìm một chút thư giản nhẹ nhàng cho tâm hồn khi mở một đĩa nhạc với những ca khúc phổ thông. Chẳng ai hơi sức đâu để ý đến kỷ xảo nghệ thuật làm gì! Nó là nhu cầu thiết yếu của đại đa số quần chúng, kể cả những người trí thức ở các lĩnh vực khác ngoài lĩnh vực âm nhạc. Tác giả bài viết này từng biết có nhiều người trí thức nhưng rất yêu thích các ca khúc thuộc dòng nhạc Rumba, Boléro, Slow… Khi giải thích lý do họ có sở thích như thế, họ đã trả lời một cách hết sức đơn giản: “Ồ, suốt cả ngày tôi đã suy nghĩ nhiều quá rồi! Đối với âm nhạc, tôi chỉ cần ở cấp độ giải trí để nghe cho vui tai và giải sầu mà thôi!”

      Chính các yếu tố này mà ca khúc phổ thông nước ta đã phát triển với số lượng rất lớn. Thế nhưng, nó lại tỷ lệ nghịch với chất lượng nghệ thuật! Hiện nay, thể loại ca khúc này đang phát triển song song với dòng nhạc hải ngoại đang du nhập vào nước ta và được phổ biến rộng rãi trong các phòng trà ca nhạc, các tụ điểm hát với nhau, các cửa hàng băng đĩa…

      Khi được hỏi tại sao dòng ca khúc phổ thông ở nước ta lại phát triển mạnh hơn dòng ca khúc nghệ thuật như thế, các nhà lý luận phê bình về âm nhạc đã có câu trả lời rất chính xác: đã có một thời gian dài, môn Giáo dục Âm nhạc trong hệ thống giáo dục phổ thông bị xếp vào hàng thứ yếu(!) Từ đó, dẫn đến việc kiến thức và trình độ thưởng thức âm nhạc của giới sinh viên, học sinh của nước ta rất thấp. Hiện nay, vẫn còn tồn tại nhiều em sinh viên, học sinh học rất giỏi, nhưng khi được hỏi về kiến thức âm nhạc, các em lại không thể trả lời được nốt “Đô” nằm ở vị trí chỗ nào trên năm dòng kẻ ở khóa Sol (một khóa nhạc phổ cập nhất). Đó chính là lý do tại sao dòng nhạc bác học (tức Art Music) không phát triển mạnh ở nước ta!

      Cũng may là hiện nay nước ta đang cải cách giáo dục, môn Âm nhạc đã được đầu tư khá kỹ ở cấp I và cấp II. Hy vọng, trong tương lai gần giới trẻ nước ta sẽ có được trình độ thưởng thức âm nhạc ngang tầm với cấp độ phát triển nhạc học hiện đại trên toàn cầu!

3- KỸ NGHỆ THƯƠNG NHẠC:

      Thật khó lý giải để biết nó từ đâu đến và đã khởi nguồn từ đâu? Chỉ biết nó xuất hiện và bùng phát theo hướng phát triển đa chiều của kinh tế thị trường.

      Một tràng âm thanh dữ dội với phần trống và bass được nâng cao cường độ cực mạnh nghe dồn dập đến tức ngực, nghẹt thở… Chỉ có một giai điệu thật thô mộc, ngắn ngũi được lập đi, lập lại theo một trình tự nhất định. Tiếng ai đó, hay một vật gì đó rơi loảng xoảng…Tiếng hơi thở dồn dập, tiếng rên rĩ… Giọng người nói một tràng liên tục ngang ngang như một kẻ lên đồng… Đây là đặc thù của “kỹ nghệ thương nhạc”. Sản phẩm này thường không có ký âm văn bản. Nó được lập trình bởi các tay nhạc công điện tử lành nghề, được phổ biến rộng trong các chương trình khiêu vũ rap rock, discothèque hoặc biểu diễn thời trang. Với thể loại này, nếu có lời hát thì thường rất đơn giản trong giai điệu. Ca sĩ diễn tả chẳng cần có chất giọng điêu luyện chi cả vì đã có kỹ thuật chỉnh giọng qua vi tính(!) Tuy nhiên, nó rất quan trọng về hình thức bên ngoài: ca sĩ phải ăn mặc thật quái lạ, hoặc bắt chước các hình thái của ca sĩ nước ngoài như Đài Loan, Hàn Quốc, Âu Mỹ… Đặc biệt, họ phải có vũ đạo thật táo bạo, phù hợp với cường độ âm thanh được khuếch tán đến cực đại! Hình thức vũ đạo minh họa hành động gợi dục ở các sân khấu ca nhạc, cộng với hàng trăm ánh đèn màu chớp lóe rực rỡ, mục đích tạo cảm giác mạnh, chinh phục được trong nhất thời một thành phần không nhỏ lớp trẻ thích ăn chơi, đua đòi theo kiểu cách Tây phương. Những người đến với loại hình này không phải để thưởng thức nghệ thuật âm nhạc mà chỉ để thỏa mãn trí tò mò với các màn phô diễn xác thịt cơ bắp hòa quyện cùng với những âm thanh cuồng loạn. Dòng nhạc này là bạn đồng hành cộng hưởng cho những cơn say ma túy, thuốc lắc…

      Hiện nay, điều đáng lo ngại là “kỹ nghệ thương nhạc” này đang được hầu hết giới trẻ hâm mộ. Trong thực tế, dưới sự bảo trợ của các bầu sô chuyên kinh doanh văn nghệ phi nghệ thuật, nó len lõi vào trong cả giới sáng tác âm nhạc nghệ thuật! Có nhiều tác khúc được sáng tác vội vàng theo nhu cầu thị hiếu cấp thấp phổ biến khắp nơi mà chẳng cần thông qua một khung kiểm duyệt nào! Kết quả gần đây đã có khá nhiều hiện tượng tiêu cực được công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng về vấn nạn ăn cắp, sao chép nhạc ngoại, cướp bản quyền… Tệ trạng kinh doanh âm nhạc đã phát sinh thêm một tầng lớp “nhạc sĩ thương nhạc” bị vong thân trong cơn lốc thị trường, trục lợi phi văn hóa. Đồng thời, nó cũng đã nhấn chìm biết bao tên tuổi một số nhạc sĩ một thời vang danh! Điều đáng tiếc này, là nguyên nhân hạ thấp thẩm mỹ nghệ thuật của quần chúng, làm giảm sút niềm tin của quần chúng đối với nền âm nhạc nước nhà! 


THAY LỜI KẾT:

      Nước Việt Nam chúng ta có rất nhiều điều kỳ diệu về Văn hóa-Nghệ thuật, mà trong đó có cả lĩnh vực âm nhạc truyền thống nữa!
      Có khi nào, trong một đêm thanh vắng, lòng thật bình lặng, tình cờ bạn nghe được một câu vọng cổ Nam Bộ, hoặc một làn điệu ca Huế, hay một giai điệu tưng bừng sức sống của Tây nguyên, bạn bỗng giật mình trước sự sâu lắng, phong phú đậm đà bản sắc dân tộc hay chăng?
      “Mở cửa” -một khái niệm rất đáng trân trọng trong thời đại chúng ta hiện nay- để thấy được một khung trời mới với biết bao sáng tạo đỉnh cao, cũng như để tiếp cận, học hỏi, có điều kiện vươn lên ngang tầm với sự tiến bộ toàn cầu trên mọi lĩnh vực, mà trong đó, có có cả lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật nữa! Đây là điều hết sức bức thiết cần phải thực hành cấp thời. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên bình tâm cân nhắc, chớ nên mở nhầm cánh cửa chẳng những không có hoa thơm, cỏ lạ như điều ta mong ước, mà chỉ toàn là rác rưởi, các mớ hổ lốn quái tượng âm nhạc thời đại kỹ thuật số, làm tạp nhiễm cho nền âm nhạc nước nhà!

Tín Đức

Thất Tịch



Thất tịch kỳ hạn Ngâu
Qua sông thước xây cầu
Ngưu Lang cùng Chức nữ
Quyến luyến suốt canh thâu

Tâm sự buổi ban đầu
Vui buồn xen lẫn nhau
Nỗi niềm khôn tả xiết
Khắc lụm canh tàn mau

Đêm thu sương giá lạnh
Gà thôn dục đã lâu
Chia tay cùng nức nở
Lệ tràn thành mưa Ngâu

Dân gian nhớ tích cũ
Thương tiếc vợ chồng Ngâu
Thời gian một năm chẵn
Mới lại được gần nhau

Vậy có thơ rằng:

Ngân Hà một giải vắt ngang sông
Dấu vết Ngưu Lang, cặp vợ chồng
Kỳ hạn mỗi năm lần tái ngộ
Ngàn đời còn mãi cặp tinh đông

Hoàng Cúc

Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

Tranh Câu Đối : Mộng Si



Câu Đối : Quên Đi
Tranh Câu Đối : Hữu Đức

Chiếc Khung Cửa Và Bài Học Làm Người


Một đôi vợ chồng trẻ vừa dọn vào một căn nhà mới.
Sáng hôm sau, vào lúc ăn sáng, cô vợ thấy nột người phụ nữ láng giềng đem phơi quần áo vừa giặt.
Cô bảo:  “Quần áo còn bẩn quá, rõ bà này chẳng biết giặt. Có lẽ bà ta cần loại xà-phòng khác tốt hơn”.
Anh chồng nhìn qua rồi im lặng.

Và rồi cứ mỗi lần thấy người láng giềng phơi quần áo thì người vợ lại có lời phê phán...
Một tháng sau, vào một buổi sáng, cô vợ ngạc nhiên khi thấy quần áo người láng giềng đem phơi sạch sẽ và cô nói với chồng:  “Anh xem kìa, bà ta đã học được cách giặt giũ! Không biết ai đã dạy cho bà ấy?"
Anh chồng đáp:  “Không... sáng nay anh dậy sớm và lau khung cửa kiếng nhà mình ấy chứ!

* * *
Cuộc đời cũng thế.

Tất cả tùy thuộc vào mức độ sạch của khung cửa sổ mà qua đó ta nhìn các sự kiện.
Trước khi phê phán, trước tiên nên xác định lại cái nhìn của chúng ta.
Như thế, chúng ta sẽ nhìn thấy rõ ràng sự trong sáng của tâm hồn người khác.
Ồ, không khéo tôi lại quên...
Ngay hôm nay, tôi nhìn bạn lạc quan hơn hôm qua.
Còn bạn thì sao?

Vũ Thị Bạch Hằng sưu tầm

Nụ Hôn... Nỗi Nhớ... Tình Yêu




Chong đèn khuya soi bóng in vách trắng
Rớt giọt lăn theo từng góc ngậm ngùi
Lạnh bên thềm chát bờ môi thấm mặn
Hiên vắng hững hờ đọng giọt sương rơi

Ngồi đối diện đêm đen hồn bỏ ngỏ
Đợi chờ người còn ngút ngát trời xa
Lần hạnh ngộ cửa trái tim chợt mở
Nhịp rộn ràng bối rối đón người qua

Trong chếnh choáng men tình em dâng hiến
Chút mảnh hồn còn lại với tang thương
Từ bao lâu quấn khăn tang khâm liệm
Giữa chợ đời ngửa nhận những long đong

Vòng tay ấm và nụ hôn vội vã
Dẫu nhẹ nhàng khắc họa một niềm tin
Em chợt hiểu … tình yêu là tất cả
Ta bên nhau … chỉ thế cũng đủ rồi…

Trần Thị Dã Quỳ


Vĩnh Long Một Thời Gắn Bó - Phần 2

     Vĩnh Long 1970 


(Ngã Ba Cần Thơ - Vĩnh Long 1971)

       Sự thâm nhập vào xã hội và con người Vĩnh Long.
      Ở Cầu Cái cá được một năm .. mình cũng đã quen nước quen cái rồi, cuối tuần nào thứ Bảy, Chúa Nhật nếu không có ca trực thì lính muốn làm gì thì làm, ngoài ra có biến động gì thì họ gõ cái kẻng để binh sĩ tập họp công tác. Sáng cuối tuần cuốc bộ tư Cầu cái ca ngang qua trường Nguyễn Trường Tộ, tà tà theo con đường nhỏ nếu thích ăn món Huế thì ghe vô quán Hương Bình còn không thì nhàn nhã tiến ra phố nhìn người dân sinh hoạt, ghé vô tiệm bán sách vở báo chí Minh Trí mua vài cuốn tuần báo hay đặc san, hoặc truyện tuổi học trò, người Vĩnh Long thật vô tư và lạc quan, rất lịch sự và hòa nhã.

      Tôi ngồi trên cậu Cái cá hóng gió từ sông thổi vào, ngắm nhìn mấy có thiếu nữ đi ngang qua cầu ôi thật là đẹp. Thấy cô Nam (cô Nam dạy ở trường Nguyễn Trường Tộ, còn thầy làm ở bệnh viện Vĩnh Long), cô mở một tiệm cho mướn sách truyện ngay dọc cậu Cái Cá đường vô xóm Bún, nơi đây có căn nhà cỗ của Tây sát bờ sông ( bây giờ thấy vẫn còn do anh Phú chụp),thầy cô rất thương mình coi như con cháu trong nhà thỉnh thoảng anh Dũng con thầy, đi linh Không Quân về phép, thấy cô hay mời mình qua ăn cơm, nhiều khi mình cũng không biết lấy gì để đền đáp lại tấm lòng tốt của Thầy Cô.
      Đối diện với trại lính bên kia đường là nhà dân, có nhà dì Sáu ban cóc,ổi, có quán chè, nước đá nhận tên là quán cây Mận, không có việc làm mình qua nhà dì Sáu mua cóc,ổi. Mình suy nghĩ, dì con đông, nhà lôp bằng lá, mưa nhiều khi cũng dột trên bàn nghe lộp độp, tuy gia đình dì nghèo mà thấy dì và 2 cô con gái L và T. cười nói vui vẻ. hai cô không đẹp nhưng có duyên lúc nào cũng thảo ăn, mời mình ăn món này món nọ. Biết họ cũng có cảm tình với mình nhưng lại làm lơ(thiệt là bức rức) vì mình không muốn họ sẽ khổ vì mình.
      Hôm nọ mình ra bờ sông tắm gặp một chàng thanh niên đang ngồi giặt quần áo của quân đội Mỹ, làm quen biết tên là Thạch Khang, Khang là con nuôi của Ông Trung Sĩ Thach C., lúc nào cũng có hiếu với cha mẹ nuôi, tuy không kết nghĩa nhưng mình coi Khang như là một người bạn nối khố rồi, sau này mình dọn về sống chung với Khang ở Trại lính, nơi đây mới biết thế nào là cách sinh hoạt của họ. Mẹ Khang là người Miền Vĩnh Bình, nên món ăn lúc nào cũng có mùi mắm Bò Hốc làm mình ghiện cho tới bây giờ, bữa ăn nhiều khi thấy thương quá vỏn vẹn mấy con Khô, con Mắm, tô canh mắm bò hốc, mình muốn rớt nước mắt nhưng trong gia đình gia đình họ không tỏ vẻ gì buồn có lẽ họ chấp nhận cuộc sống của Lính là như vậy, mình không ăn cơm ở nhà bếp lính nữa mà đưa tiền cho mẹ Khang mua đồ ăn hàng ngày, có gì ăn đó.
      Khang có người em gái tên Ph, là người Miên học ở Nguyễn Trường Tộ, thấy Ph. có mấy chiếc áo dài trắng ngã màu (vì ít Xà bông, giặt ở sông bị phèn)thấy mà thương nhưng không giúp được gì cho Ph., nhiều lúc trò chuyện dưới ánh đèn dầu thấy tình cảm của Ph, cũng đành cho mình nhưng biết sao bây giờ...

      Tóm lại sau thời gian sống ở khu gia binh, đa số họ là người Vĩnh Long, Sa Đéc, Cần Thơ, lúc nào họ cũng cởi mở những lúc mình đến chơi, nhà họ không có gì ngon để ăn, nhưng họ cũng vui về mời mình ăn cơm, thiệt là xúc động với tình cảm của con người Vĩnh Long.
      Mình không đẹp trai nhưng mấy người Mẹ có còn gái đều muốn gả con gái cho mình, lúc còn ở Sam( ohòng dànhh cho binh sĩ độc thân) nấu một nồi thịt kho hột vịt như thằng chổng chết trôi, Các dì ở trại gia binh nói "con làm rể má đi má sẽ lo cho con tất cả" ( muốn khóc) đến bây giờ mình còn nhớ rõ và nhớ từng người phụ nữ đó, quá tốt với mình mà mình đã làm được gì cho họ. Thiệt là buồn!

      Ông Xóa, Đại Đội Trường gọi mình lên bảo"Qua thấy em còn trẻ, lanh lợi yêu con nít, có khu gia binh nên Qua cử em đi đến Đại Chủng Viện, tìm các sư Huynh để học làm Hướng Đạo Sinh, về dạy lại mấy đứa con nít lêu lổng ở khu gia binh" . Chúa Nhật nào cũng phải mặc đồng phục Hướng Đạo Việt Nam, áo ka ki vàng quần soọc, đến Đại Chủng Viện thụ huấn với mấy Sư Huynh. Nhớ hoài ngày đầu mấy Sư Huynh hát bài Beautiful Sunday quá thích, các sư huynh hướng dẫn về mưu sinh, tập  những bài hát sinh hoạt ngoài trời, phải ghi đầy đủ và học thuộc lòng. Hai tháng sau Đại đội thành lập một đoàn Hướng Đạo Quân Đội khoản 15 em, mình là Huynh trưởng các em là Sói con, thiệt là oai nhe, có xe quân đội đưa đi cắm trại ở Văn Thánh Miếu, Long Hồ, Thiềng Đức.

      Những lúc mình rảnh thì phải gặp các Sư Huynh chỉ dạy thêm. Các Sư Huynh lúc nào cũng hăng hái giúp đỡ cho mình, nhờ họ mà mình được thêm mớ kinh nghiệm và kiến thức của một người Hướng Đạo, thật là ngưỡng mộ và cảm phục. Họ giúp người mà không nghĩ tới mình là đều khó có ai làm được?!
      Các phụ huynh ở khu gia binh ai nấy đều cảm ơn Đại Đội và mình đã dạy dỗ con cái họ không còn lêu lổng như trước.
      Ngỏ lời cảm ơn các Sư Huynh đã truyền thụ võ nghệ cho mình, nhưng họ khiêm cung và bảo "đây chỉ làm theo ý Chúa mà thôi". Thật cảm động vô cùng.

( Sinh Hoạt Người dân ở Vĩnh Long 1973)
      Trở lại gia đình Khang. Có một đêm không thể nào quên được, mình đi gác đêm về đã 11 giờ, mà nhà Khang mình không có gì để ăn, mình ước phải chi bây giờ có tổ cháo cá hay tôm gì ăn thiệt là hết ý luôn, Khang nói : "Tui với bồ đi ra bờ sông ngay chân cầu Cái cá bắt vài con tôm, cá về nấu cháo" mình từ chối. Đang đêm không dám làm phiền vã lại nguy hiểm lắm, Khang nói : "Bồ biết mình là vua lặn rồi phải không, chuyện đó là chuyện nhỏ vả lại tui cũng thèm ăn cháo tôm" (Khang nói để mình không ngại). Khang đi lặn 30 phút sau, bắt được bốn con tôm to bằng cườm tay, ra sau vườn cắt rau rậm, quế, tía tô, hành, ngò thế là có nồi cháo tôm quá ngon, thật trong đời mình khó có người bạn nào đối xữ như vậy với mình như Khang.
      Sau này năm 1977 mình có trở lại Vĩnh Long tìm lại thăm trại gia binh và căn nhà của Khang ở nhưng chỉ còn vài ba căn nhà hoang tàn xơ xác, Vĩnh Long vắng vẻ những người xưa, chốn cũ đã không còn náo nhiệt như xưa nữa. Người Vĩnh Long, những người mình thọ ơn, quý mến thương yêu tất cả đâu hết rồi?.
      Hỏi thăm ra thì sau vài tháng 1975, Khang đã trở về Vĩnh Bình vì bị bệnh mà qua đời (viết đến đây mà lòng mình quặn đau, buồn và tức giận). Nếu cuộc đời cứ yên trôi có lẽ mình đã an cư lạc nghiệp, có gia đình và làm rễ Vĩnh Long rồi.

      Trời ơi là Trời. Viết đến đây mình chỉ biết than Trời! Người Vĩnh Long là thế đó, mình viết ra chỉ là tâm sự của một người không phải là người Vĩnh Long nhưng tâm tư tình cảm của mình là người của Vĩnh Long.
      Mong các bạn gần xa Trang Long Hồ Vĩnh Long đừng cười và thông cảm dùm mình...

Hết Phần Hai


Người xa xứ - 8/3/2014
Thái Lâm