Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

Thơ Tranh: Nhớ Thu


Thơ: Quên Đi
Thơ Tranh: Hữu Đức


Lá Bay



Bên thềm thu khắc khoải
Nhớ lại chuyện ngày qua
Giọt thương rơi lên má
Giọt buồn phơi sương pha

Tình đi vào cổ tích
Một thoáng mộng mơ say
Như một trang huyền thoại
Thu cúc vàng lá bay...

Em xướng thơ anh họa
Như tình bướm say hoa
Em đóa vàng tươi nở
Anh vờn quanh vờn qua

Thêm một lần trăng tỏ
Thêm một mùa yêu thương
Tình nồng đêm sương lạnh
Hiu hiu gió sau vườn

Một thu rồi thu nữa ...
Bướm oải cánh đường xa
Vườn mơ hoang vắng lạ!
Hoa lá rơi la đà

Từ bướm kia xếp cánh
Mây bay bay về đâu
Thơ buồn như lá úa
Cuốn theo cánh gió sầu ...


Yên Dạ Thảo
Mùa Thu - 2013

* Hình phụ bản của tác giả trình bày

Chiều Hậu Giang (Xướng)




Bên sông ráng đỏ đẹp phù sa
Sóng lặng trời êm thôn xóm xa
Trôi mãi lục bình không quay lại
Bến phà đứng lặng đợi người qua
Lấp vò qua mộ thương ông Nguyễn (1)
Lưu luyến hồn ai bóng xế tà
Đế lại văn chương khuyên lũ nhỏ
Học hành cố gắng tránh phù hoa


Ch
ân  Diện Mục
 (1) - Mộ cụ Nguyễn Hiến Lê ở Lấp Vò

Về Vĩnh Long (Họa)



(Họa bài Chiều Hậu Giang của Chân Diện Mục)

Ban sớm sông Tiền bóng nguyệt sa
Sương mờ Mỹ Thuận bến đò xa
Bộ hành hối hả dồn chân bước
Xe khách vội vàng chuyển bánh qua
Đất Vĩnh quê nhà ơn cụ Giản (*)
Ngôi đền Văn Thánh (**) cảm lòng tà
Thi đàn hiếu học còn lưu dấu
Văn Các (***) đời đời dệt gấm hoa.

                                      Quên Đi

(*) - Cụ Phan Thanh Giản
(**) - Văn Thánh Miếu do Kinh lược sứ Phan Thanh Giản cùng Đốc học Nguyễn Thông đề xướng và xây dựng.
(***) Văn Xương Các còn gọi là Tuỵ Văn Lâu nằm bên trong Văn Thánh Miếu.

Nhớ Về Cần Thơ (Họa)


       
      ( Họa bài Chiều Hậu Giang của Chân Diện Mục)

Bên trời sông Hậu phủ mưa sa
Nhìn lại ngày đi đã cách xa!
Thuở trước phà ngang đưa bến đợi
Bây giờ cầu dọc lắm xe qua
Đường lên Bình Thủy  thương Đồ Chiểu
Xuôi xuống Cái Răng nhớ nắng tà
Vườn tược Phong Điền cây trái ngọt
Trường Phan dạy học thật tài hoa 

Song Quang
Ảnh phụ bản của Trương Văn Phú

Trời Hải Ngoại (Họa)



     (Họa từ Chiều Hậu Giang của Chân Diện Mục)

Dõi cánh chim trời giọt lệ sa
Quê hương ngàn dặm
 bóng mờ xa
Người xưa đã khuất còn đâu nữa
Cảnh cũ tiêu điều mấy lượt qua
Hậu thế lưu danh người nước Việt
Tiền nhân đánh đuổi kẻ gian tà
Dốc lòng nối gót người đi trước
Bén rể cây đời đã trổ hoa 


Kim Phượng


Đồng Tháp Quê Tôi










Phủ Hiền
2014

Hướng Đạo Việt Nam Melbourne - Úc Châu

Thiếu Sinh - Pleiku 1968
Áo Lửa Trại 
Liên Đoàn Sài Gòn  - Melbourne, Úc Châu -1984-1985

Liên Đoàn Quang Trung-Sinh hoạt tại Sandown Park - Melbourne(1994-2000)
Liên Đoàn Lam Sơn - Melbourne,Úc Châu
Tráng Đoàn Lam Sơn  - Melbourne, Úc Châu

Trại Thẳng Tiến V - Glenfield, Sydney - 1995-1996



Nguyễn Đức Tri Ân

Xuân Vi Diệu




Rất cảm động những ân tình thật lớn
Của những con tim đầy ấp tình thương
Những đóa hoa sen bát ngát chốn Phật đường
Đang kết nối, đưa nhau_ tìm về bất diệt

Ơn trời đất, tiếp cận hương thuần khiết
Bao ân sũng nghiệm chứng được vô vi
Nhờ hộ pháp, bất thối tâm hành trì
Vượt gian khó, nghe tràn đầy pháp hỉ

Bởi huyền vi nên bất khả tư nghị
Thanh thoát vô biên, bồ tát gia trì
Ban mùa Xuân thơm ngát hạnh từ bi
Tâm tri kiến thấm nhuần vi diệu pháp

Xuân đón nhận từ trái tim nóng bỏng
Một chút tình chút nghĩa thật diệu kỳ
Hương thánh thiện lan tỏa khắp mênh mông
Trăng soi sáng hành trình về Chân Lý

Kim Quang

Người Vẫn Trong Mơ




Thuyền đã xa rồi bến có hay
Trăm năm thề hẹn đợi duyên may
Rừng thu còn ủ hơi sương lạnh
Lá Thu tàn gió lả lơi bay

Em giờ xa tít nẻo mù khơi
Ngóng trông mới biết phủ sương hơi
Vết xưa tích cũ không còn nữa
Nàng chẳng về đây hỡi nàng ơi

Đón gió ngỡ là hương nguyệt động
Lặng nhìn mái ngói cũ rêu phong
khép hờ ô cửa nghe se lạnh
Nghìn trùng muôn nẽo biệt tâm trông

Ta chợt lang thang dệt mộng hờ
Người xa xưa ấy vẫn trong mơ
Muôn đời không thể trao hội ngộ
Tỉnh giấc mơ đầu ta bơ vơ


Lục Lạc

Về Thăm Mẹ


Đã lâu quá không về thăm Mẹ!
Đường về quê vời vợi gót chân
Lòng xúc cảm làm sao tả hết
Thương lắm thay ! mắt Mẹ thâm quầng

Tóc sương trắng lơ thơ mấy lọn

Vầng trán nhăn phủ bụi thời gian
Nhìn bóng Mẹ hao gầy thể xác
Lệ lòng con cứ mãi tuôn tràn.

Tay khẳng khiu da sần Mẹ vuốt
Nâng cằm con mà lệ rưng rưng
Qua hơi thở thều thào Mẹ nói
Con về đây xiết đổi vui mừng .

Thấy tấm áo Mẹ già sờn rách
Chấp vá nhiều bạc thếch màu vôi
Bao năm tháng ước gì đánh đổi
Miển Mẹ yêu mản nguyện nụ cười

Hôm nay con trở về thăm Mẹ
Đường làng quê lối rẻ thân quen
Niềm vui sướng những ngày êm ấm
Bên Mẹ yêu,không thể nào quên.


Song Quang

Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

Lời Đầu Cho Nhau … - Nội San Ái Hữu 72

Lời đầu cho nhau…
Các bạn mến,
      Chúng ta rất hân hoan khi đón nhận một nội san với sự góp mặt của tất cả. Nó ghi lại được mối thâm tình bằng hữu của chúng ta ngày hôm nay và sẽ khó phai mờ ở một tương lai xa cách nhau.
      Tờ nội san này cũng là một bước đầu hoạt động của hội trong tinh thần tìm hiểu lẫn nhau để càng ngày càng thắt chặt thêm dây thân ái. Hội “Ái Hữu” chúng ta thành lập được là nhờ tình thân cư xử với nhau suốt các niên học và những  ngày sinh hoạt. Chúng ta hy vọng rằng hội “Ái Hữu “nầy sẽ tồn tại mãi mãi để chúng ta có dịp sống lại những ngày xưa thân ái bên nhau. Vạn vật này có thể dâu bể nhưng tình bằng hữu của chúng ta thì vĩnh viễn bất diệt. Chúng ta sẽ sống trong chân tình tha thiết hôm nay và ở sự tương trợ ngày mai. Bên cạnh tờ nội san này, chúng ta cố gắng tổ chức những dịp sinh hoạt khác và mong rằng tất cả các bạn đều nhiệt liệt hưởng ứng. Giao tình bằng hữu này muốn tồn tại và khắng khít hơn thì cần phải có những hoạt động liên tục bên nhau./.
                                                                                               
Thay mặt Ban điều hành
Anh Cả Nguyễn Thái Sơn



      Lời nầy cho các con…     (Má TÙNG)
      Các con,
      Đây chỉ là một bức thư thật giản dị và chân thành ta gởi cho các con. Có lẽ phải thú thực với các con ta chẳng muốn viết cho các con kiểu này. Tình cảm đã chẳng là điều viết ra cho đủ và cho đúng, ta sợ lời làm hại ý, nhất là những lời có thể phổ biến, có thể được đọc bởi những người không phải là các con. Ta chẳng thích tí nào, nhưng các con cứ bắt buộc ta. Lại một lần ta chiều ý các con đó.
      Các con của ta!
      Những dòng này không phải chỉ viết cho hiện tại ta còn viết cho tương lai, cho một ngày mai đọc  lại, khi các con đã ra đời – cuộc đời, hơn một lần ta đã nói, vốn không phải như trường học, và ngoài đời, sẽ chẳng phải chỉ là bạn bè.. Lúc đó biết đâu những dòng chữ xa xưa này sẽ trở thành một loài hoa, sẽ tạo thành một bóng mát trong nóng bỏng cát bụi thế tình, vài giọt nước mắt của các con sẽ nhỏ xuống cho quá khứ đời mình sống dậy, dịu dàng và bùi ngùi…Phải, biết đâu trong nỗi nhớ xót xa và thanh thoảng đó, ta chẳng sẽ đem lại cho các con một cái gì.

      Các con những đứa học trò ta “cưng“ nhất trong sáu năm miệt mài tại cái tỉnh lẻ quạnh hiu này, có lẽ ta nên nhắc lại nơi đây những kỷ niệm của một thời quá vãng. Nó sống trong ta lộn xn…
      Những giọt nước mắt của thằng Quang trong tiệc đón Thành Sơn trở về. Thành Sơn lính hơn cả lính lúc nào cũng thấy nói tới lính – chẳng khác nào chưa chi Thái Sơn đã méo mó nghề nghiệp. Câu đầu lưỡi “Sinh hoạt cộng đồng“. Ta ít khi ngờ được nó trở thành một thứ giáo viên gương mẫu các con ạ! Hùng mập thường xuyên khỏe ăn, cũng như Hùng Sơn luôn luôn trầm tư mặc tưởng qua một bề ngoài thật babilac-nhắc tới babilac ta lại nhớ tới Lương văn Trường, chẳng bao giờ dám đi chơi, có nên chia buồn với thằng nhỏ không? Còn chú Hải thì y như “chú Hải “”cụ Hải “ thì đúng hơn các con nhỉ?...Đặng Phùng Ích hay liên lạc có thể tới bất cứ nhà bạn gái nào mà không bị nghi ngờ thiện chí, hắn có bề ngoài ngây thơ vô tội đó chứ ? Nhưng sự thực thiên hạ đồn rằng..
      Thật thiếu sót nếu ta không nói tới “hồi chánh viên “Dũng – hắn tốt lắm và ngoan nữa - đó là môt đứa con có hạng. Còn thằng mười ba chữ xấu như gà bới nhưng viết văn được  Thằng Tánh, tên học trò nhảy dù một lớp, thằng Hồng hiền nhưng đa tình, Hữu Phước ba hao xo với các cô giáo, ham mê đá gà  thường thiếu tiền nên…
      Còn bọn con gái thật nhu mì và cũng vì hiền quá nên chăm học vô cùng, thường đứng đầu lớp. Thủy Tiên, Tâm, Sương, Kim Hà. Ngọc Yến, Duyên… bên cạnh mấy đứa con trai đã tạo nên một thế giới muôn màu sắc, ta coi là của riêng ta, vì chỉ ta mới biết rõ từng đứa, ta biết mà ta ít nói ra, thành thử …
      Trong số các con, có đứa mới học ta năm ngoái (71-72) có nhiều đứa chứng kiến ngày đầu tiên ta  chính thức đi dạy (26-9-67)… Mỗi đứa hoặc ít nhiều, đều gợi lại cho ta vài kỷ niệm khi ta vô tình gặp lại ở một nơi nào đó trong Vĩnh Long bé nhỏ này.

      Các con ở đây đã tụ họp với một số khác tạo thành cái lớp 11B3, cái lớp mà mỗi khi bước vào ta sẵn sàng chửi mắng, la hét, giận dữ, cho số không, (có ngày ta đã ghi tới 26 hột vịt đó các con ạ!). Có lần ta tưởng ta khóc được vì các con. Tuổi trẻ đã thúc đẩy các con chọc phá, đập bàn đập ghế  nói năng bừa bãi, đôi khi tới vô lễ, lười học làm ta bực mình. Nhưng có điều ta biết các con nghịch ngợm không ác ý, đùa một cách vô tâm, nếu có ác ý thì chỉ là vô tình, ta hiểu rõ nguyên nhân sâu xa đã khiến đứa này làm thế này, đứa kia nói thế nọ, cho nên ta sẵn lòng tha thứ và bao giờ cũng hết lòng dạy dỗ, hơn nữa ta vẫn đọc thấy trong mắt các con, cảm thấy trong thâm tâm các con một điều các con không ghét ta lắm đâu- có phải thế không?
      Ta vui vì sự kiện này. Ta cảm thấy được đền bù lẫn an ủi các con ạ! Trong những dịp đi chơi đây đó, đi ăn uống chung với các con ta càng cảm nhận rõ điều này, nào những lần đi lội cồn, buổi chèo thuyền vào Ngã Tư, lần ăn thịt bò nhúng dấm, ba các con hộ tống ta ra Bắc Mỹ Thuận về Sàigòn, lần về Chợ Lách phải xách dép dò dẫm từng bước, bữa tất niên ở nhà Kim Hà… trong ta xôn xao những rộn ràng của một cô giáo biết rằng mình được các con thương mến chiều chuộng.
      Sống gần các con ta nhận thấy rõ rệt là các con thương yêu nhau rất chân thành, rất tự nhiên đến chính các con không biết không nhận thấy như vậy. Dù có nhiều khi nói bậy, nói bạ (chẳng hạn như Lộc) các con vẫn dễ thương vì các con rất ngay thẳng, ngây thơ đến độ đáng ngạc nhiên nếu căn cứ vào bề ngoài to đầu của các con. Một nữ giáo sư có dịp tham dự một buổi du ngoạn của chúng ta đã nhận xét như vậy  và ta đã hết sức tán đồng… Các con dễ mến và đáng yêu vô cùng…

      Nói như thế không phải ta không biết một vài  “tật xấu“ của các con, từ Thái Sơn cho tới Hữu Phước sang Lộc, Hùng mập… Ta biết rõ là đằng khác, nhưng ta không chú ý tới điều đó - bao giờ các con cũng là những đứa học trò thông minh, nghịch ngợm , thỉnh thoảng lười và phá phách trong sự kính mến thầy cô.. các con là những tia sáng của cuộc đời dạy học buồn tẻ, là những học trò đặc biệt của ta ở đây, làm ta vui nhiều và thấy rằng mình đã không chọn lầm nghề, các con là niềm an ủi của ta giúp ta tin tưởng rằng vẫn có những bông hoa trên một thân cây có thừa gai góc.. Vậy các con hãy cố gắng là các con bây giờ và cả sau này nữa…
      Ta không viết văn ở đây, ta cũng chẳng cần đến những câu chuyển ý hay thi ca dẫn chứng, ta muốn gởi đến cho mỗi  đứa một đóa hồng của lòng ta thắm thiết.
      Rồi đây, chúng ta sẽ mỗi người một ngả, thời gian sẽ hằn lên chúng ta những đổi thay về thể xác, cuộc đời sẽ khiến cho ta vô vàn mỏi mệt và chán chường trong tâm hồn. Chúng ta nhìn nhau sẽ thấy khác và đối với nhau sẽ chẳng như bây giờ, các con và ta có lẽ đều không muốn thế, nhưng ai ngăn được nhân sinh trở về với cát bụi???
      Sự xa cách cũng như cơn gió, tình bạn tình thầy trò như ngọn lửa, gió sẽ thổi tắt những đóm lửa nhỏ nhưng làm bùng cháy các ngọn lửa lớn (ta muốn thay đổi câu danh ngôn một chút như vậy..) hy vọng rằng chúng ta sẽ làm cho ngọn lửa nhỏ bừng sáng, bừng sáng để chiếu tỏa một quảng đời các con trẻ dại và sưởi ấm những ngày có thể là tẻ lạnh sau này…
      Các con, các con phải cảm ơn lẫn nhau vì sự có mặt của kẻ này cho kẻ khác. Cảm ơn sự hạnh ngộ một đời các con trân trọng…

      Các con của ta ơi, ta gửi đến các con những trìu mến đang bồi hồi trong ta và lần đầu ta bộc lộ…Tình thương yêu trong sáng cho các con là thứ tình cảm không đi kèm với đau khổ, băn khoăn. Ta hãnh diện vì các con./..C.T
Giáo Sư Việt Văn DƯƠNG VƯƠNG THỊ TÙNG  
(Phan Thị Sương gửi đăng)
 
* Chị Sương quý mến
      Chúng em chân thành cảm ơn chị đã gửi đến em bài viết của Cựu Giáo Sư Văn Dương Vương Thị Tùng, Lời mở đầu cho quyển Nội San 72
      Một kỷ vật vô cùng quý giá cách nay hơn 40 năm.
     Chúng em sẽ giữ gìn và trân quý như những gì chị đã trân quý.
      Năm Mới kính chúc Cô và quý anh chị cùng gia đình Một Mùa Xuân Quý Tỵ 2013, nhiều sức khoẻ, hạnh phúc và thịnh vượng
     Hy vọng Cô ở phương trời xa sẽ được đọc lại những lời Cô gửi gấm cho các "Con của Má Tùng".

* * Chị Sương ơi.
Thắm thoát một năm trôi qua.
Xuân Giáp Ngọ 2014 được chị báo tin vui  có anh Tùng, anh Tánh từ nước ngoài đã tìm về với Ái Hữu 72/
Một điều em bất ngờ anh Kim Hội của em cũng là bạn học cùng lớp với các anh chị.
Kính chúc Má Tùng và tất cả  con của Má Tùng sẽ đoàn tụ một ngày không xa, nguyện cầu Cô và anh chị luôn an vui và dồi dào sức khoẻ.
Em Kim Oanh


     

Thi Sĩ Nguyễn Bính - Huy Tâm Biên Soạn & Diễn Đọc


Radio VNHN - Chương Trình Tác Giả & Tác Phẩm.- Kỳ 2
Thi Sĩ Nguyễn Bính.
Bi
ên soạn và Diễn đọc:Huy Tâm  
Thủy Gia Trang 3/2014



Cũng Chỉ Là Mơ



Ngày xưa còn bé học ...u ... ơ
Thương quá một thời của tuổi thơ
Chỉ biết học hành nào có nghĩ
Cuộc đời sóng dữ có ai ngờ

Lớn lên tí nữa tập làm thơ
Ươm những vu vơ với đợi chờ
Cái thuở tập tành mơ mộng đó
Cũng ham dệt ước nối ươm tơ

Từ đó mỗi chiều lại thắm mơ
Theo chân Áo Trắng mộng vu vơ
Cổng trường đứng đợi cùng EM bước
Ươm nụ hôn yêu đến thẫn thờ

Mê mải học hoài một chữ YÊU
Học mờ chẳng hiểu được bao nhiêu
EM đi xa vắng, tình đà vỡ
Để cổng trường xưa ngóng đợi nhiều

Anh biết tình xa cách biệt rồi
Bao Thu nhắc nhở, vấn vương thôi
Trang thơ anh gởi về phương đó
Cũng chỉ là mơ, ướp cuộc đời

Hoàng Dũng


Lạc Giữa Địa Đàng

    
     (Tặng em Lê Thị Kim Oanh)

Ta gặp em trong cảnh đời lưu lạc
Mắt nai đen, thoạt thấy đã say rồi.
Mặt hồ thu trong suốt để anh soi
Anh nhìn thấy quê hương trong đáy mắt

Ôi đẹp quá! Bầu trời xanh trước mặt,
Vườn Eden, cảnh trí tựa bài thơ
Có tình yêu trời đất đẹp như mơ
Có suối mát trong veo hai mình tắm

Dưới chân em thảm cỏ xanh tươi thắm
Mời em nằm, anh sẽ hát ru em
Tay anh đây, cho giấc ngủ êm đềm,
Ngủ em nhé! Mặc đời nhiều dâu bể.

Mình yêu nhau, yêu một đời chưa đủ,
Hẹn yêu nhau, yêu đến cả kiếp sau,
Có muôn chim đua hót ở trên cao
Sẽ chứng kiến cảnh thề non hẹn biển.

Trời mùa hạ, nắng vàng, ôi đẹp đẽ!
Khi tình yêu đã chễm chệ trên ngôi
Cuộc đời nầy, riêng hai đưá mình thôi.
Tình đẹp mãi, đẹp muôn đời em nhé!


7/6/2009
Anh Vân ( Sinh 1938 - Đã mãn phần 2010)


Phiên Tòa Ngày Ba Mươi

        Theo âm lịch hôm đó là ngày 30 Tết. Sáng mai sẽ là ngày Tân Niên. Người Á Đông vào ngày cuối năm này, không ai muốn ra tòa cả. Họ còn lo dọn cửa nhà, bày bàn thờ tổ tiên để đón năm mới. Nhưng người Mỹ thì ngày nào cũng là ngày làm việc, trừ ngày lễ và ngày cuối tuần. Ngày 30 Tết của mình không phải ngày lễ lạt nào của dương lịch cả. Và phiên xử đã định ngày. Muốn hay không cả bị cáo lẫn nguyên đơn đều phải ra đôi chứng trước tòa.

      Phiên tòa “Dân Sự Tố Tụng” ngoài luật sư, chánh án, còn có cả người ngoài vào tham dự. Những người Việt ở thành phố này háo hức đi xem vì bà Hằng là một khuôn mặt quen thuộc trong cộng đồng, một người ở đây từ năm 1975 và tương đối có một cuộc sống dung dị, khiêm nhường, nhất là sau khi chồng bà qua đời thì bà lại ít giao thiệp hơn. Phần đông họ biết bà là người có nhà cho thuê phòng. Bốn người ở trọ trong nhà bà thì một người, con chở tới, để làm nhân chứng thưa bà Hằng, ba người kia cũng chở nhau hoặc nhờ người khác chở đến xem phiên tòa xử bà Hằng.


      Bà Nguyễn Thị Hằng bị ông Trần Văn Định, con trai của ông Trần Văn Nam thưa về tội bà lợi dụng bố ông để làm chuyện vợ chồng và đòi số tiền bồi thường là ba trăm ngàn. Đây là số tiền tương đương với căn nhà bà Hằng đang sở hữu. Nếu thua kiện, bà Hằng có thể phải bán đi ngôi nhà này.

       Sau đây là lời khai của bà Nguyễn Thị Hằng:

- Tôi năm nay đã ngoài năm mươi. Góa chồng mười năm, không con cháu. Chồng tôi mất để lại cho tôi tiền hưu bổng, quỹ an sinh của anh cộng vào của riêng tôi, cũng giúp tôi sống thoải mái tuổi già. Tôi có một ngôi nhà khá rộng, nhà bốn phòng ngủ ba phòng tắm. Ngôi nhà này chúng tôi mua sau khi ở Mỹ được mười năm. Bây giờ chồng mất, một mình tôi ở cũng thấy trống trải quá. Bạn bè khuyên tôi nên bán đi mua một căn chung cư ở cho tiện, khỏi phải lo sân trước vườn sau. Nhưng tôi cứ tiếc bao nhiêu kỷ niệm đã có với ngôi nhà này nên không bán. Hai năm sau ngày chồng mất, tôi sửa lại nhà, thêm hai buồng nữa và một buồng tắm rộng, xây theo kiểu cho người già có thể đẩy xe lăn vào tắm. Đã tám năm nay, tôi cho thuê phòng. Tôi cho những người già trên 50 tuổi thuê, phải là không có bệnh tật, tự lo cá nhân được, chỉ muốn ở riêng không phiền con cháu. Nếu ai không thích nấu nướng, tôi cũng nấu ăn cho ngày hai bữa: bữa điểm tâm và bữa cơm chiều. Nhà sáu phòng, cho thuê bốn. Tôi ở một phòng, một phòng làm thư phòng, để sách vở, báo chí, máy truyền hình. Trong tám năm có kẻ ra người vào. 
       Có cặp vợ chồng già, giận con tưởng bỏ đi được, đến xin ở. Vài tháng nhớ cháu lại làm lành với con xin về. Có người được con đưa đến gửi vì cả ngày con cháu đi làm, đi học không có ai nói tiếng Việt, họ nói: gửi mẹ cháu ở đây cho có bạn, cuối tuần đón về. Một hai tháng đầu còn đón, sau quên luôn. Có người ở tiểu bang khác tới chưa kiếm được nhà, nói ở tạm, rồi ở luôn. Trong tám năm không lúc nào có buồng trống cả. Khách trọ có người làm thân với nhau nhanh chóng, có người ở cả tháng không nói với nhau câu nào. Cũng có người ở được một tháng rồi dọn ra ngay, nói là, không quen chung đụng với người lạ. Họ đến và đi như thế, người này ra thì người kia vào. Cũng có một hai người qua đời vì tuổi già.

      Cuối năm thứ bảy bước sang năm thứ tám, tôi nhìn vào danh sách khách trọ:
      Cả bốn người đều là đàn ông không có vợ, một ông 68, một ông 70, một ông 72 và một người còn trẻ, mới ngoài 20. Cả bốn người này không có bệnh gì trầm trọng, đã ở thuê trong nhà tôi được từ hai đến bốn năm.

      Có một điều đáng nói là cả bốn người này họ có một điểm giống nhau là khi ngủ họ hay mê sảng và kêu hét. Ban đầu thì chỉ có một người mê sảng, sau không hiểu sao mà dần dần cả bốn người thay nhau la hoảng suốt đêm. Có khi một tối hai, ba người cùng mê sảng. Nhưng cơn mê của họ phải gọi là ác mộng vì họ la hét hoặc khóc lóc. Có hôm cả đêm tôi phải dậy đập cửa từng phòng, nơi phát ra tiếng động để kéo họ ra khỏi cơn ác mộng.
     Sáng hôm sau, người mê hoảng đêm trước thường không nhớ gì về giấc mơ cả, hoặc có nhớ thì chỉ nhớ rất mơ hồ hoặc có thể họ nhớ nhưng vì ngượng ngùng họ không muốn nhắc lại. Tôi coi như họ đã quên hết những giấc mơ đêm trước.

      Lần đầu nghe một khách trọ mê sảng như thế, tôi không chịu nổi vì mất ngủ suốt đêm theo họ. Rồi kế tiếp cả bốn phòng đều thay nhau, người đêm này, kẻ đêm khác cất tiếng khóc, nói mê ban đêm xảy ra rất thường. Tôi đã có ý định mời họ dọn ra. Nhưng khi mở hồ sơ của họ thì một người không có họ hàng thân thích, một người con bỏ vào đây rồi dọn đi tiểu bang khác. Một người con ở  gần nhưng may ra một năm gọi hay thăm một lần. Muốn mời họ dọn ra không dễ, hình như con cái họ muốn giao họ cho tôi làm vú già như kiểu ở Việt Nam ngày xa xưa. Họ vẫn gửi tiền tháng nhưng không liên lạc, nếu cha mẹ họ chưa chết. Không lẽ chỉ đuổi một người thứ tư là người trẻ nhất, không vợ, không con.

Chánh Án:
- Theo đơn khởi tố của ông Trần Văn Định thì bà có vào giường của bố ông ấy là: Trần Văn Nam sáng ngày mồng 8 tháng 4. Bà lợi dụng ông già 70 để làm chuyện vợ chồng và ông Định bắt gặp tại chỗ. Có đúng không?

Nguyễn Thị Hằng:

- Tôi có vào giường ông Trần Văn Nam để dỗ ông ta, vì ông ta khóc rống lên rất thống khổ. Tôi phải trèo vào giường ôm ông ấy nằm xuống, vì ông ta hốt hoảng nhổm dậy như muốn đập đầu vào tường. Mới kéo được ông ấy nằm xuống và đang ôm cho ông ấy hạ cơn mê thì ông Định mở cửa ló đầu vào.

Trần văn Định:

- Bố tôi ở đó đã hơn ba năm, tôi không đón bố tôi về nhà chơi thường được vì vợ chồng tôi bận làm ăn; chỉ trừ dịp Tết, nghỉ lễ, nếu tôi không bận công việc. Có đến hơn một năm rồi tôi mới quay lại đây, tối hôm trước tôi có gọi cho bà Hằng, nói, tôi sẽ đến sớm để đón Bố tôi cho ra tiệm ăn sáng vì tôi rất bận và tôi không thể đón bố tôi về chơi được. Bấm chuông mãi không thấy bà Hằng ra mở cửa, tôi xoay xoay tay cầm thì thấy cửa không khóa, ngó đầu vào thấy nhà không thắp đèn, trời mới mờ mờ sáng. Tôi đi thẳng vào buồng có tên bố tôi, khẽ đẩy cửa ló đầu vào thì thấy bà Hằng nằm trên giường cùng với bố tôi, bà ôm bố tôi như người vợ ôm chồng và đang nói nho nhỏ: “Không sao, không sao, ngủ đi, em đây, em đây.” Bà ấy cứ lặp đi lặp lại nho nhỏ như thế và không để ý đến sự có mặt của tôi. Tôi nghĩ là bà ấy đang lợi dụng bố tôi để làm chuyện không đẹp. Tôi tiếc là quên không lấy phôn ra chụp hình làm bằng chứng.

Chánh Án:

- Bà Hằng, những lời ông Trần Văn Định vừa nói có đúng không?

Nguyễn Thị Hằng:

- Đúng hoàn toàn, hôm đó tôi khó ngủ, thức giấc từ 3 giờ vì ông Trần Văn Nam mê sảng cả đêm, tôi phải chạy sang lay ông và dỗ cho ông ngủ lại, gần 5 giờ mới hơi yên. Biết là ông Định sẽ đến vào sáng sớm, nên trước khi về phòng mình, tôi mở khóa sẵn cho ông Định, cửa chỉ đóng nhưng không khóa vì tôi không muốn mới ngủ lại mà bị đánh thức. Nhưng ông Nam đâu có để tôi yên, khoảng một giờ sau ông ấy lại mê sảng khóc rống lên, gọi tên bà Vân (tôi đoán là vợ ông, vì mỗi lần mớ ông đều gọi tên bà Vân này.)
Tôi phải chạy sang và nằm luôn vào giường ôm ông ấy dỗ như dỗ một người chồng bệnh tật.

Chánh Án:

- Tại sao bà lại dỗ như dỗ một người chồng? Ông ấy đâu phải chồng bà. Bà làm như thế này mấy lần rồi?

Nguyễn Thị Hằng:

- Tôi làm nhiều lần rồi. Không phải chỉ với một mình ông Nam mà còn với cả ba người khách trọ kia nữa.
Cả phòng xử nhao nhao lên một tiếng “Ồ” thật to. Ông Lê Văn Thành, ông Nguyễn Anh Tuấn, Ông Bùi Văn Lai đều giật mình đánh thót lên. Cả ba ông khách trọ còn lại thảng thốt nhìn nhau như tự hỏi: “Bà Hằng vào nằm ôm mình lúc nào mà mình không biết nhỉ?” Ông Bùi Văn Lai trẻ nhất, ngồi im lặng, tính anh vẫn ít nói nhưng hai ông già ngoài 70 tuổi thì cúi đầu vào nhau thì thầm, mặt co lại vì suy nghĩ.

Trần Văn Định:

- Ồ đấy, cả tòa đã nghe rõ chưa, bà Hằng không phải chỉ ngủ với bố tôi mà còn ngủ với tất cả khách trọ của bà. Thật là tội lỗi.

Chánh Án:

- Xin bà nói lại cho rõ. Bà cho khách thuê nhà, ngoài việc nấu cho ăn, bà không có dự phần chăm nom cá nhân gì cho những người ở trọ, tại sao bà lại vào giường ôm người ta ngủ?

Nguyễn Thị Hằng:

- Đúng, tôi chỉ là một người chủ cho thuê nhà, nhưng không biết từ lúc nào tôi trở thành: người vợ, người mẹ và ngay cả người con của mấy người khách trọ này. Đây là tình trạng những người hiện tại tôi cho thuê phòng trong nhà tôi:

     Ông Lê Văn Thành, 72 tuổi, con mang tới bốn năm rồi, không hề ghé lại thăm ngoài việc gửi tiền đều đặn hàng tháng và một năm đôi lần gọi, hỏi một câu ngắn ngủi xem cha mình còn sống hay không? Ông Thành là một sĩ quan pháo binh, đi cải tạo, sang Mỹ theo diện H.O. Ông mang vào nhà tôi một gánh ký ức ở những trại tù Bắc Việt Nam, vợ chết từ khi ông đi tù về. Trong những cơn ác mộng ông gọi tên người con trai duy nhất, rồi khóc nức nở, rồi cười hực hực.

     Có khi tôi làm vợ ông, vào nằm đưa tay mình ra nắm lấy bàn tay gầy guộc của ông trong đêm tối, rồi nhận là vợ ông. “Anh ơi ngủ đi, khuya rồi, ngủ đi mai dậy mình mang con về nội”. Có khi tôi làm người con trai, tôi kéo ông nằm thấp xuống cho ngả đầu vào vai tôi rồi dỗ: “Ba tựa vào vai con nè, con đến đón ba về nhà chơi với mấy đứa nhỏ nè.” Tôi lừa ông một lúc thì ông ngủ. Ông ngủ say rồi mà tôi vẫn thức, tôi thương ông quá đỗi, tôi không dám kéo cái vai gầy của tôi ra, tôi thấy giận người con trai của ông đã bỏ rơi người bố khốn khổ. Tôi đóng vai con ông, vợ ông không phải một mà rất nhiều lần rồi.

     Ông Nguyễn Anh Tuấn, 68 tuổi. Vượt biển năm 1985, vợ và hai con gái chết ngoài khơi trước khi thuyền kéo được vào bờ. Ông cuối cùng vào được Mỹ, tưởng rằng có việc làm, chốn ở, ông sẽ làm lại đời mình. Nhưng không, ông vẫn sống với những ám ảnh kinh hoàng đó. Ông phải đi điều trị tâm thần. Tuy hồ sơ bệnh lý của ông không trầm trọng, nhưng ông sống vật vờ như xác không hồn, ông có đi làm việc một thời gian dài rồi nghỉ việc, rồi lại đi làm, rồi lại nghỉ. Ông đi ở trọ nhiều nơi, chính phủ cũng đã có lần cấp nhà cho ông. Bây giờ ông đi qua cả tuổi hưu trí rồi mà vẫn không biết xếp hồ sơ của ông vào tình trạng nào vì có lúc đầu óc ông rất sáng suốt, thông minh, có lúc ông hoàn toàn như vuông vải mục bị ngâm thuốc tẩy lâu ngày. Ông đến thuê trọ nhà tôi ba năm nay.

      Những đêm mê sảng ông gọi tên vợ, gọi tên hai cô con gái, giọng ông như người đang chết ngạt trong nước. Không phải nước biển mà là nước mắt.
Tôi ôm ông, có khi nhận là vợ, nói: “Em đây, mình ngủ đi.” Có khi nói: “Ba ơi, con gái ba đây, ba ngủ đi nghe.” Ông hơi khó dỗ, ông hay hỏi lại tôi: Bé Mi hay Bé Na đấy? Khi ông ngủ là lúc tôi nằm khóc ướt cả cái gối của ông. Nhập vào trong cơn mê sảng đau thương của ông, nhiều đêm tôi tưởng mình là con gái ông thật, mặc dù tôi chỉ kém ông mươi tuổi.

      Ông Bùi Văn Lai, trẻ tuổi nhất, lai Mỹ đen thì lúc nào cũng cần mẹ. Anh bị mẹ cho vào cô nhi viện từ khi còn bé, đến khi anh lớn thì cô nhi viện đem bán anh cho một gia đình để làm con nuôi. Cả gia đình đó sang Mỹ theo diện con lai. Sang đến Mỹ được hơn một năm, đời sống gia đình họ ổn định, họ không muốn có một người con Mỹ đen trong nhà, anh bị đuổi khéo. Anh lang thang, tự kiếm việc và tìm nơi dung thân mình từ lúc 15 tuổi. Anh vào nhà tôi được hai năm. Năm nay anh hai mươi.

      Anh thèm mẹ lắm, tôi tin như thế vì khi anh mê sảng, anh cứ khóc rống lên gọi mẹ.
Tôi bắt đầu còn đứng ở đầu giường anh lay lay vai anh, sau phải trèo vào giường anh, ôm cái đầu tóc quăn quăn của anh vào bộ ngực còm cõi của mình dỗ dành: “Mẹ đây, mẹ đây, ngủ đi con, ngủ đi con” và nước mắt tôi cũng ứa ra làm ướt cả mấy sợi tóc quăn đó. Tôi ôm anh cho đến khi anh chìm vào giấc ngủ vì tin mình có mẹ nằm bên.

     Ông Trần Văn Nam, bố của ông Trần văn Định cũng là một người thèm con, nhớ vợ. Mặc dù ông Định ở không xa nhưng lúc nào ông cũng nói là công việc làm ăn rất bận. Vợ con ông thì tôi chưa hề gặp bao giờ. Tối hôm đó tôi phải vào với ông hai lần, tôi mất ngủ cho đến sáng. Và ông Nam đã khóc trong lòng tôi, ông gọi tên Định vì tưởng con đến đón ông về. Sau ông lại mê sảng gọi tên bà Vân, tưởng tôi là bà Vân, vợ ông. Tôi dỗ dành mãi ông mới yên và tôi cũng mệt quá, vừa thiếp đi thì ông Định đến.

      Bà Hằng ngưng một lúc, nhìn xuống bốn người khách trọ trong nhà mình, nói như chỉ để nói với bốn người đó:
- Tại sao cả bốn ông không cùng đem tôi ra tòa, cùng thưa tôi đòi bồi thường một thể? Có phải các ông sau những cơn ác mộng ban đêm, sáng ra đã nhìn tôi như nhìn một người vợ, một người con và một người mẹ hay không? Tôi không nghĩ là các ông hoàn toàn quên hẳn giấc mơ đêm trước.

     Cả phòng xử im lặng, người ta có cảm tưởng nghe được cả tiếng tim đập nhanh trong lồng ngực của cả bốn người đàn ông trước mặt.
Phiên tòa đến đây tạm ngưng vì hết giờ. Chánh Án không hỏi thêm câu nào nữa và vụ kiện sẽ được xử tiếp vào một ngày khác.
Đêm ba mươi hôm ấy, bà Hằng không nghe thấy một tiếng mê sảng nào phát ra từ buồng ngủ của khách trọ.

     Sáng mồng một Tết, bà Hằng bày hương hoa trên bàn thờ chồng, làm một mâm cơm cúng tân niên mời bốn người ở trọ tham dự. Họ vui vẻ chúc Tết nhau. Không ai nhắc đến chuyện ngày hôm qua nữa.
      Và cả những đêm kế tiếp sau đó mọi người hình như được uống thuốc ngủ. Họ ngủ yên lành, không mê sảng nữa. Họ yên lặng đến nỗi bà Hằng phải thắc mắc tự hỏi: Liệu trước đây họ có thật sự mê sảng không? Hay họ chỉ cần một vòng tay, một tình thương yêu của người vợ, người con, người mẹ mà họ bật lên những tiếng kêu đó, để gọi bà vào?
     Sau đó hai tuần bà Hằng nhận được giấy của luật sư ông Trần Văn Định, báo tin ông Định đã bãi nại, xin rút lại đơn khởi tố bà Nguyễn Thị Hằng, nên vụ kiện được xếp lại hoàn toàn.

      Có người biết chuyện, kể lại rằng: Ông Trần Văn Định, sau đó coi như giao luôn bố cho bà Hằng, không thấy đến và cũng không thấy gọi nữa. Cả bốn người đó cùng ở với bà Hằng cho đến cuối đời như trong một gia đình: ông Lê Văn Thành, ông Trần Văn Nam thì đến khi qua đời, mới được con đến nhận xác của cha trong bệnh viện về chôn cất, ông Nguyễn Anh Tuấn không có thân nhân thì được bà Hằng kêu gọi bạn bè phụ với bà ma chay. Người trẻ nhất, ông Bùi Văn Lai là người cuối cùng ở lại, anh săn sóc bà Hằng khi bà già yếu và đã chôn cất bà như một người mẹ.

      Trước khi bà Hằng mất, bà giao ngôi nhà đó cho anh và anh tiếp tục công việc cho thuê phòng, đặc biệt cho những người già Việt Nam bị con bỏ rơi trên quê người.

Trần Mộng Tú - Xuân Giáp Ngọ/ 2014