Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

Lời Đầu Cho Nhau … - Nội San Ái Hữu 72

Lời đầu cho nhau…
Các bạn mến,
      Chúng ta rất hân hoan khi đón nhận một nội san với sự góp mặt của tất cả. Nó ghi lại được mối thâm tình bằng hữu của chúng ta ngày hôm nay và sẽ khó phai mờ ở một tương lai xa cách nhau.
      Tờ nội san này cũng là một bước đầu hoạt động của hội trong tinh thần tìm hiểu lẫn nhau để càng ngày càng thắt chặt thêm dây thân ái. Hội “Ái Hữu” chúng ta thành lập được là nhờ tình thân cư xử với nhau suốt các niên học và những  ngày sinh hoạt. Chúng ta hy vọng rằng hội “Ái Hữu “nầy sẽ tồn tại mãi mãi để chúng ta có dịp sống lại những ngày xưa thân ái bên nhau. Vạn vật này có thể dâu bể nhưng tình bằng hữu của chúng ta thì vĩnh viễn bất diệt. Chúng ta sẽ sống trong chân tình tha thiết hôm nay và ở sự tương trợ ngày mai. Bên cạnh tờ nội san này, chúng ta cố gắng tổ chức những dịp sinh hoạt khác và mong rằng tất cả các bạn đều nhiệt liệt hưởng ứng. Giao tình bằng hữu này muốn tồn tại và khắng khít hơn thì cần phải có những hoạt động liên tục bên nhau./.
                                                                                               
Thay mặt Ban điều hành
Anh Cả Nguyễn Thái Sơn



      Lời nầy cho các con…     (Má TÙNG)
      Các con,
      Đây chỉ là một bức thư thật giản dị và chân thành ta gởi cho các con. Có lẽ phải thú thực với các con ta chẳng muốn viết cho các con kiểu này. Tình cảm đã chẳng là điều viết ra cho đủ và cho đúng, ta sợ lời làm hại ý, nhất là những lời có thể phổ biến, có thể được đọc bởi những người không phải là các con. Ta chẳng thích tí nào, nhưng các con cứ bắt buộc ta. Lại một lần ta chiều ý các con đó.
      Các con của ta!
      Những dòng này không phải chỉ viết cho hiện tại ta còn viết cho tương lai, cho một ngày mai đọc  lại, khi các con đã ra đời – cuộc đời, hơn một lần ta đã nói, vốn không phải như trường học, và ngoài đời, sẽ chẳng phải chỉ là bạn bè.. Lúc đó biết đâu những dòng chữ xa xưa này sẽ trở thành một loài hoa, sẽ tạo thành một bóng mát trong nóng bỏng cát bụi thế tình, vài giọt nước mắt của các con sẽ nhỏ xuống cho quá khứ đời mình sống dậy, dịu dàng và bùi ngùi…Phải, biết đâu trong nỗi nhớ xót xa và thanh thoảng đó, ta chẳng sẽ đem lại cho các con một cái gì.

      Các con những đứa học trò ta “cưng“ nhất trong sáu năm miệt mài tại cái tỉnh lẻ quạnh hiu này, có lẽ ta nên nhắc lại nơi đây những kỷ niệm của một thời quá vãng. Nó sống trong ta lộn xn…
      Những giọt nước mắt của thằng Quang trong tiệc đón Thành Sơn trở về. Thành Sơn lính hơn cả lính lúc nào cũng thấy nói tới lính – chẳng khác nào chưa chi Thái Sơn đã méo mó nghề nghiệp. Câu đầu lưỡi “Sinh hoạt cộng đồng“. Ta ít khi ngờ được nó trở thành một thứ giáo viên gương mẫu các con ạ! Hùng mập thường xuyên khỏe ăn, cũng như Hùng Sơn luôn luôn trầm tư mặc tưởng qua một bề ngoài thật babilac-nhắc tới babilac ta lại nhớ tới Lương văn Trường, chẳng bao giờ dám đi chơi, có nên chia buồn với thằng nhỏ không? Còn chú Hải thì y như “chú Hải “”cụ Hải “ thì đúng hơn các con nhỉ?...Đặng Phùng Ích hay liên lạc có thể tới bất cứ nhà bạn gái nào mà không bị nghi ngờ thiện chí, hắn có bề ngoài ngây thơ vô tội đó chứ ? Nhưng sự thực thiên hạ đồn rằng..
      Thật thiếu sót nếu ta không nói tới “hồi chánh viên “Dũng – hắn tốt lắm và ngoan nữa - đó là môt đứa con có hạng. Còn thằng mười ba chữ xấu như gà bới nhưng viết văn được  Thằng Tánh, tên học trò nhảy dù một lớp, thằng Hồng hiền nhưng đa tình, Hữu Phước ba hao xo với các cô giáo, ham mê đá gà  thường thiếu tiền nên…
      Còn bọn con gái thật nhu mì và cũng vì hiền quá nên chăm học vô cùng, thường đứng đầu lớp. Thủy Tiên, Tâm, Sương, Kim Hà. Ngọc Yến, Duyên… bên cạnh mấy đứa con trai đã tạo nên một thế giới muôn màu sắc, ta coi là của riêng ta, vì chỉ ta mới biết rõ từng đứa, ta biết mà ta ít nói ra, thành thử …
      Trong số các con, có đứa mới học ta năm ngoái (71-72) có nhiều đứa chứng kiến ngày đầu tiên ta  chính thức đi dạy (26-9-67)… Mỗi đứa hoặc ít nhiều, đều gợi lại cho ta vài kỷ niệm khi ta vô tình gặp lại ở một nơi nào đó trong Vĩnh Long bé nhỏ này.

      Các con ở đây đã tụ họp với một số khác tạo thành cái lớp 11B3, cái lớp mà mỗi khi bước vào ta sẵn sàng chửi mắng, la hét, giận dữ, cho số không, (có ngày ta đã ghi tới 26 hột vịt đó các con ạ!). Có lần ta tưởng ta khóc được vì các con. Tuổi trẻ đã thúc đẩy các con chọc phá, đập bàn đập ghế  nói năng bừa bãi, đôi khi tới vô lễ, lười học làm ta bực mình. Nhưng có điều ta biết các con nghịch ngợm không ác ý, đùa một cách vô tâm, nếu có ác ý thì chỉ là vô tình, ta hiểu rõ nguyên nhân sâu xa đã khiến đứa này làm thế này, đứa kia nói thế nọ, cho nên ta sẵn lòng tha thứ và bao giờ cũng hết lòng dạy dỗ, hơn nữa ta vẫn đọc thấy trong mắt các con, cảm thấy trong thâm tâm các con một điều các con không ghét ta lắm đâu- có phải thế không?
      Ta vui vì sự kiện này. Ta cảm thấy được đền bù lẫn an ủi các con ạ! Trong những dịp đi chơi đây đó, đi ăn uống chung với các con ta càng cảm nhận rõ điều này, nào những lần đi lội cồn, buổi chèo thuyền vào Ngã Tư, lần ăn thịt bò nhúng dấm, ba các con hộ tống ta ra Bắc Mỹ Thuận về Sàigòn, lần về Chợ Lách phải xách dép dò dẫm từng bước, bữa tất niên ở nhà Kim Hà… trong ta xôn xao những rộn ràng của một cô giáo biết rằng mình được các con thương mến chiều chuộng.
      Sống gần các con ta nhận thấy rõ rệt là các con thương yêu nhau rất chân thành, rất tự nhiên đến chính các con không biết không nhận thấy như vậy. Dù có nhiều khi nói bậy, nói bạ (chẳng hạn như Lộc) các con vẫn dễ thương vì các con rất ngay thẳng, ngây thơ đến độ đáng ngạc nhiên nếu căn cứ vào bề ngoài to đầu của các con. Một nữ giáo sư có dịp tham dự một buổi du ngoạn của chúng ta đã nhận xét như vậy  và ta đã hết sức tán đồng… Các con dễ mến và đáng yêu vô cùng…

      Nói như thế không phải ta không biết một vài  “tật xấu“ của các con, từ Thái Sơn cho tới Hữu Phước sang Lộc, Hùng mập… Ta biết rõ là đằng khác, nhưng ta không chú ý tới điều đó - bao giờ các con cũng là những đứa học trò thông minh, nghịch ngợm , thỉnh thoảng lười và phá phách trong sự kính mến thầy cô.. các con là những tia sáng của cuộc đời dạy học buồn tẻ, là những học trò đặc biệt của ta ở đây, làm ta vui nhiều và thấy rằng mình đã không chọn lầm nghề, các con là niềm an ủi của ta giúp ta tin tưởng rằng vẫn có những bông hoa trên một thân cây có thừa gai góc.. Vậy các con hãy cố gắng là các con bây giờ và cả sau này nữa…
      Ta không viết văn ở đây, ta cũng chẳng cần đến những câu chuyển ý hay thi ca dẫn chứng, ta muốn gởi đến cho mỗi  đứa một đóa hồng của lòng ta thắm thiết.
      Rồi đây, chúng ta sẽ mỗi người một ngả, thời gian sẽ hằn lên chúng ta những đổi thay về thể xác, cuộc đời sẽ khiến cho ta vô vàn mỏi mệt và chán chường trong tâm hồn. Chúng ta nhìn nhau sẽ thấy khác và đối với nhau sẽ chẳng như bây giờ, các con và ta có lẽ đều không muốn thế, nhưng ai ngăn được nhân sinh trở về với cát bụi???
      Sự xa cách cũng như cơn gió, tình bạn tình thầy trò như ngọn lửa, gió sẽ thổi tắt những đóm lửa nhỏ nhưng làm bùng cháy các ngọn lửa lớn (ta muốn thay đổi câu danh ngôn một chút như vậy..) hy vọng rằng chúng ta sẽ làm cho ngọn lửa nhỏ bừng sáng, bừng sáng để chiếu tỏa một quảng đời các con trẻ dại và sưởi ấm những ngày có thể là tẻ lạnh sau này…
      Các con, các con phải cảm ơn lẫn nhau vì sự có mặt của kẻ này cho kẻ khác. Cảm ơn sự hạnh ngộ một đời các con trân trọng…

      Các con của ta ơi, ta gửi đến các con những trìu mến đang bồi hồi trong ta và lần đầu ta bộc lộ…Tình thương yêu trong sáng cho các con là thứ tình cảm không đi kèm với đau khổ, băn khoăn. Ta hãnh diện vì các con./..C.T
Giáo Sư Việt Văn DƯƠNG VƯƠNG THỊ TÙNG  
(Phan Thị Sương gửi đăng)
 
* Chị Sương quý mến
      Chúng em chân thành cảm ơn chị đã gửi đến em bài viết của Cựu Giáo Sư Văn Dương Vương Thị Tùng, Lời mở đầu cho quyển Nội San 72
      Một kỷ vật vô cùng quý giá cách nay hơn 40 năm.
     Chúng em sẽ giữ gìn và trân quý như những gì chị đã trân quý.
      Năm Mới kính chúc Cô và quý anh chị cùng gia đình Một Mùa Xuân Quý Tỵ 2013, nhiều sức khoẻ, hạnh phúc và thịnh vượng
     Hy vọng Cô ở phương trời xa sẽ được đọc lại những lời Cô gửi gấm cho các "Con của Má Tùng".

* * Chị Sương ơi.
Thắm thoát một năm trôi qua.
Xuân Giáp Ngọ 2014 được chị báo tin vui  có anh Tùng, anh Tánh từ nước ngoài đã tìm về với Ái Hữu 72/
Một điều em bất ngờ anh Kim Hội của em cũng là bạn học cùng lớp với các anh chị.
Kính chúc Má Tùng và tất cả  con của Má Tùng sẽ đoàn tụ một ngày không xa, nguyện cầu Cô và anh chị luôn an vui và dồi dào sức khoẻ.
Em Kim Oanh


     

Thi Sĩ Nguyễn Bính - Huy Tâm Biên Soạn & Diễn Đọc


Radio VNHN - Chương Trình Tác Giả & Tác Phẩm.- Kỳ 2
Thi Sĩ Nguyễn Bính.
Bi
ên soạn và Diễn đọc:Huy Tâm  
Thủy Gia Trang 3/2014



Cũng Chỉ Là Mơ



Ngày xưa còn bé học ...u ... ơ
Thương quá một thời của tuổi thơ
Chỉ biết học hành nào có nghĩ
Cuộc đời sóng dữ có ai ngờ

Lớn lên tí nữa tập làm thơ
Ươm những vu vơ với đợi chờ
Cái thuở tập tành mơ mộng đó
Cũng ham dệt ước nối ươm tơ

Từ đó mỗi chiều lại thắm mơ
Theo chân Áo Trắng mộng vu vơ
Cổng trường đứng đợi cùng EM bước
Ươm nụ hôn yêu đến thẫn thờ

Mê mải học hoài một chữ YÊU
Học mờ chẳng hiểu được bao nhiêu
EM đi xa vắng, tình đà vỡ
Để cổng trường xưa ngóng đợi nhiều

Anh biết tình xa cách biệt rồi
Bao Thu nhắc nhở, vấn vương thôi
Trang thơ anh gởi về phương đó
Cũng chỉ là mơ, ướp cuộc đời

Hoàng Dũng


Lạc Giữa Địa Đàng

    
     (Tặng em Lê Thị Kim Oanh)

Ta gặp em trong cảnh đời lưu lạc
Mắt nai đen, thoạt thấy đã say rồi.
Mặt hồ thu trong suốt để anh soi
Anh nhìn thấy quê hương trong đáy mắt

Ôi đẹp quá! Bầu trời xanh trước mặt,
Vườn Eden, cảnh trí tựa bài thơ
Có tình yêu trời đất đẹp như mơ
Có suối mát trong veo hai mình tắm

Dưới chân em thảm cỏ xanh tươi thắm
Mời em nằm, anh sẽ hát ru em
Tay anh đây, cho giấc ngủ êm đềm,
Ngủ em nhé! Mặc đời nhiều dâu bể.

Mình yêu nhau, yêu một đời chưa đủ,
Hẹn yêu nhau, yêu đến cả kiếp sau,
Có muôn chim đua hót ở trên cao
Sẽ chứng kiến cảnh thề non hẹn biển.

Trời mùa hạ, nắng vàng, ôi đẹp đẽ!
Khi tình yêu đã chễm chệ trên ngôi
Cuộc đời nầy, riêng hai đưá mình thôi.
Tình đẹp mãi, đẹp muôn đời em nhé!


7/6/2009
Anh Vân ( Sinh 1938 - Đã mãn phần 2010)


Phiên Tòa Ngày Ba Mươi

        Theo âm lịch hôm đó là ngày 30 Tết. Sáng mai sẽ là ngày Tân Niên. Người Á Đông vào ngày cuối năm này, không ai muốn ra tòa cả. Họ còn lo dọn cửa nhà, bày bàn thờ tổ tiên để đón năm mới. Nhưng người Mỹ thì ngày nào cũng là ngày làm việc, trừ ngày lễ và ngày cuối tuần. Ngày 30 Tết của mình không phải ngày lễ lạt nào của dương lịch cả. Và phiên xử đã định ngày. Muốn hay không cả bị cáo lẫn nguyên đơn đều phải ra đôi chứng trước tòa.

      Phiên tòa “Dân Sự Tố Tụng” ngoài luật sư, chánh án, còn có cả người ngoài vào tham dự. Những người Việt ở thành phố này háo hức đi xem vì bà Hằng là một khuôn mặt quen thuộc trong cộng đồng, một người ở đây từ năm 1975 và tương đối có một cuộc sống dung dị, khiêm nhường, nhất là sau khi chồng bà qua đời thì bà lại ít giao thiệp hơn. Phần đông họ biết bà là người có nhà cho thuê phòng. Bốn người ở trọ trong nhà bà thì một người, con chở tới, để làm nhân chứng thưa bà Hằng, ba người kia cũng chở nhau hoặc nhờ người khác chở đến xem phiên tòa xử bà Hằng.


      Bà Nguyễn Thị Hằng bị ông Trần Văn Định, con trai của ông Trần Văn Nam thưa về tội bà lợi dụng bố ông để làm chuyện vợ chồng và đòi số tiền bồi thường là ba trăm ngàn. Đây là số tiền tương đương với căn nhà bà Hằng đang sở hữu. Nếu thua kiện, bà Hằng có thể phải bán đi ngôi nhà này.

       Sau đây là lời khai của bà Nguyễn Thị Hằng:

- Tôi năm nay đã ngoài năm mươi. Góa chồng mười năm, không con cháu. Chồng tôi mất để lại cho tôi tiền hưu bổng, quỹ an sinh của anh cộng vào của riêng tôi, cũng giúp tôi sống thoải mái tuổi già. Tôi có một ngôi nhà khá rộng, nhà bốn phòng ngủ ba phòng tắm. Ngôi nhà này chúng tôi mua sau khi ở Mỹ được mười năm. Bây giờ chồng mất, một mình tôi ở cũng thấy trống trải quá. Bạn bè khuyên tôi nên bán đi mua một căn chung cư ở cho tiện, khỏi phải lo sân trước vườn sau. Nhưng tôi cứ tiếc bao nhiêu kỷ niệm đã có với ngôi nhà này nên không bán. Hai năm sau ngày chồng mất, tôi sửa lại nhà, thêm hai buồng nữa và một buồng tắm rộng, xây theo kiểu cho người già có thể đẩy xe lăn vào tắm. Đã tám năm nay, tôi cho thuê phòng. Tôi cho những người già trên 50 tuổi thuê, phải là không có bệnh tật, tự lo cá nhân được, chỉ muốn ở riêng không phiền con cháu. Nếu ai không thích nấu nướng, tôi cũng nấu ăn cho ngày hai bữa: bữa điểm tâm và bữa cơm chiều. Nhà sáu phòng, cho thuê bốn. Tôi ở một phòng, một phòng làm thư phòng, để sách vở, báo chí, máy truyền hình. Trong tám năm có kẻ ra người vào. 
       Có cặp vợ chồng già, giận con tưởng bỏ đi được, đến xin ở. Vài tháng nhớ cháu lại làm lành với con xin về. Có người được con đưa đến gửi vì cả ngày con cháu đi làm, đi học không có ai nói tiếng Việt, họ nói: gửi mẹ cháu ở đây cho có bạn, cuối tuần đón về. Một hai tháng đầu còn đón, sau quên luôn. Có người ở tiểu bang khác tới chưa kiếm được nhà, nói ở tạm, rồi ở luôn. Trong tám năm không lúc nào có buồng trống cả. Khách trọ có người làm thân với nhau nhanh chóng, có người ở cả tháng không nói với nhau câu nào. Cũng có người ở được một tháng rồi dọn ra ngay, nói là, không quen chung đụng với người lạ. Họ đến và đi như thế, người này ra thì người kia vào. Cũng có một hai người qua đời vì tuổi già.

      Cuối năm thứ bảy bước sang năm thứ tám, tôi nhìn vào danh sách khách trọ:
      Cả bốn người đều là đàn ông không có vợ, một ông 68, một ông 70, một ông 72 và một người còn trẻ, mới ngoài 20. Cả bốn người này không có bệnh gì trầm trọng, đã ở thuê trong nhà tôi được từ hai đến bốn năm.

      Có một điều đáng nói là cả bốn người này họ có một điểm giống nhau là khi ngủ họ hay mê sảng và kêu hét. Ban đầu thì chỉ có một người mê sảng, sau không hiểu sao mà dần dần cả bốn người thay nhau la hoảng suốt đêm. Có khi một tối hai, ba người cùng mê sảng. Nhưng cơn mê của họ phải gọi là ác mộng vì họ la hét hoặc khóc lóc. Có hôm cả đêm tôi phải dậy đập cửa từng phòng, nơi phát ra tiếng động để kéo họ ra khỏi cơn ác mộng.
     Sáng hôm sau, người mê hoảng đêm trước thường không nhớ gì về giấc mơ cả, hoặc có nhớ thì chỉ nhớ rất mơ hồ hoặc có thể họ nhớ nhưng vì ngượng ngùng họ không muốn nhắc lại. Tôi coi như họ đã quên hết những giấc mơ đêm trước.

      Lần đầu nghe một khách trọ mê sảng như thế, tôi không chịu nổi vì mất ngủ suốt đêm theo họ. Rồi kế tiếp cả bốn phòng đều thay nhau, người đêm này, kẻ đêm khác cất tiếng khóc, nói mê ban đêm xảy ra rất thường. Tôi đã có ý định mời họ dọn ra. Nhưng khi mở hồ sơ của họ thì một người không có họ hàng thân thích, một người con bỏ vào đây rồi dọn đi tiểu bang khác. Một người con ở  gần nhưng may ra một năm gọi hay thăm một lần. Muốn mời họ dọn ra không dễ, hình như con cái họ muốn giao họ cho tôi làm vú già như kiểu ở Việt Nam ngày xa xưa. Họ vẫn gửi tiền tháng nhưng không liên lạc, nếu cha mẹ họ chưa chết. Không lẽ chỉ đuổi một người thứ tư là người trẻ nhất, không vợ, không con.

Chánh Án:
- Theo đơn khởi tố của ông Trần Văn Định thì bà có vào giường của bố ông ấy là: Trần Văn Nam sáng ngày mồng 8 tháng 4. Bà lợi dụng ông già 70 để làm chuyện vợ chồng và ông Định bắt gặp tại chỗ. Có đúng không?

Nguyễn Thị Hằng:

- Tôi có vào giường ông Trần Văn Nam để dỗ ông ta, vì ông ta khóc rống lên rất thống khổ. Tôi phải trèo vào giường ôm ông ấy nằm xuống, vì ông ta hốt hoảng nhổm dậy như muốn đập đầu vào tường. Mới kéo được ông ấy nằm xuống và đang ôm cho ông ấy hạ cơn mê thì ông Định mở cửa ló đầu vào.

Trần văn Định:

- Bố tôi ở đó đã hơn ba năm, tôi không đón bố tôi về nhà chơi thường được vì vợ chồng tôi bận làm ăn; chỉ trừ dịp Tết, nghỉ lễ, nếu tôi không bận công việc. Có đến hơn một năm rồi tôi mới quay lại đây, tối hôm trước tôi có gọi cho bà Hằng, nói, tôi sẽ đến sớm để đón Bố tôi cho ra tiệm ăn sáng vì tôi rất bận và tôi không thể đón bố tôi về chơi được. Bấm chuông mãi không thấy bà Hằng ra mở cửa, tôi xoay xoay tay cầm thì thấy cửa không khóa, ngó đầu vào thấy nhà không thắp đèn, trời mới mờ mờ sáng. Tôi đi thẳng vào buồng có tên bố tôi, khẽ đẩy cửa ló đầu vào thì thấy bà Hằng nằm trên giường cùng với bố tôi, bà ôm bố tôi như người vợ ôm chồng và đang nói nho nhỏ: “Không sao, không sao, ngủ đi, em đây, em đây.” Bà ấy cứ lặp đi lặp lại nho nhỏ như thế và không để ý đến sự có mặt của tôi. Tôi nghĩ là bà ấy đang lợi dụng bố tôi để làm chuyện không đẹp. Tôi tiếc là quên không lấy phôn ra chụp hình làm bằng chứng.

Chánh Án:

- Bà Hằng, những lời ông Trần Văn Định vừa nói có đúng không?

Nguyễn Thị Hằng:

- Đúng hoàn toàn, hôm đó tôi khó ngủ, thức giấc từ 3 giờ vì ông Trần Văn Nam mê sảng cả đêm, tôi phải chạy sang lay ông và dỗ cho ông ngủ lại, gần 5 giờ mới hơi yên. Biết là ông Định sẽ đến vào sáng sớm, nên trước khi về phòng mình, tôi mở khóa sẵn cho ông Định, cửa chỉ đóng nhưng không khóa vì tôi không muốn mới ngủ lại mà bị đánh thức. Nhưng ông Nam đâu có để tôi yên, khoảng một giờ sau ông ấy lại mê sảng khóc rống lên, gọi tên bà Vân (tôi đoán là vợ ông, vì mỗi lần mớ ông đều gọi tên bà Vân này.)
Tôi phải chạy sang và nằm luôn vào giường ôm ông ấy dỗ như dỗ một người chồng bệnh tật.

Chánh Án:

- Tại sao bà lại dỗ như dỗ một người chồng? Ông ấy đâu phải chồng bà. Bà làm như thế này mấy lần rồi?

Nguyễn Thị Hằng:

- Tôi làm nhiều lần rồi. Không phải chỉ với một mình ông Nam mà còn với cả ba người khách trọ kia nữa.
Cả phòng xử nhao nhao lên một tiếng “Ồ” thật to. Ông Lê Văn Thành, ông Nguyễn Anh Tuấn, Ông Bùi Văn Lai đều giật mình đánh thót lên. Cả ba ông khách trọ còn lại thảng thốt nhìn nhau như tự hỏi: “Bà Hằng vào nằm ôm mình lúc nào mà mình không biết nhỉ?” Ông Bùi Văn Lai trẻ nhất, ngồi im lặng, tính anh vẫn ít nói nhưng hai ông già ngoài 70 tuổi thì cúi đầu vào nhau thì thầm, mặt co lại vì suy nghĩ.

Trần Văn Định:

- Ồ đấy, cả tòa đã nghe rõ chưa, bà Hằng không phải chỉ ngủ với bố tôi mà còn ngủ với tất cả khách trọ của bà. Thật là tội lỗi.

Chánh Án:

- Xin bà nói lại cho rõ. Bà cho khách thuê nhà, ngoài việc nấu cho ăn, bà không có dự phần chăm nom cá nhân gì cho những người ở trọ, tại sao bà lại vào giường ôm người ta ngủ?

Nguyễn Thị Hằng:

- Đúng, tôi chỉ là một người chủ cho thuê nhà, nhưng không biết từ lúc nào tôi trở thành: người vợ, người mẹ và ngay cả người con của mấy người khách trọ này. Đây là tình trạng những người hiện tại tôi cho thuê phòng trong nhà tôi:

     Ông Lê Văn Thành, 72 tuổi, con mang tới bốn năm rồi, không hề ghé lại thăm ngoài việc gửi tiền đều đặn hàng tháng và một năm đôi lần gọi, hỏi một câu ngắn ngủi xem cha mình còn sống hay không? Ông Thành là một sĩ quan pháo binh, đi cải tạo, sang Mỹ theo diện H.O. Ông mang vào nhà tôi một gánh ký ức ở những trại tù Bắc Việt Nam, vợ chết từ khi ông đi tù về. Trong những cơn ác mộng ông gọi tên người con trai duy nhất, rồi khóc nức nở, rồi cười hực hực.

     Có khi tôi làm vợ ông, vào nằm đưa tay mình ra nắm lấy bàn tay gầy guộc của ông trong đêm tối, rồi nhận là vợ ông. “Anh ơi ngủ đi, khuya rồi, ngủ đi mai dậy mình mang con về nội”. Có khi tôi làm người con trai, tôi kéo ông nằm thấp xuống cho ngả đầu vào vai tôi rồi dỗ: “Ba tựa vào vai con nè, con đến đón ba về nhà chơi với mấy đứa nhỏ nè.” Tôi lừa ông một lúc thì ông ngủ. Ông ngủ say rồi mà tôi vẫn thức, tôi thương ông quá đỗi, tôi không dám kéo cái vai gầy của tôi ra, tôi thấy giận người con trai của ông đã bỏ rơi người bố khốn khổ. Tôi đóng vai con ông, vợ ông không phải một mà rất nhiều lần rồi.

     Ông Nguyễn Anh Tuấn, 68 tuổi. Vượt biển năm 1985, vợ và hai con gái chết ngoài khơi trước khi thuyền kéo được vào bờ. Ông cuối cùng vào được Mỹ, tưởng rằng có việc làm, chốn ở, ông sẽ làm lại đời mình. Nhưng không, ông vẫn sống với những ám ảnh kinh hoàng đó. Ông phải đi điều trị tâm thần. Tuy hồ sơ bệnh lý của ông không trầm trọng, nhưng ông sống vật vờ như xác không hồn, ông có đi làm việc một thời gian dài rồi nghỉ việc, rồi lại đi làm, rồi lại nghỉ. Ông đi ở trọ nhiều nơi, chính phủ cũng đã có lần cấp nhà cho ông. Bây giờ ông đi qua cả tuổi hưu trí rồi mà vẫn không biết xếp hồ sơ của ông vào tình trạng nào vì có lúc đầu óc ông rất sáng suốt, thông minh, có lúc ông hoàn toàn như vuông vải mục bị ngâm thuốc tẩy lâu ngày. Ông đến thuê trọ nhà tôi ba năm nay.

      Những đêm mê sảng ông gọi tên vợ, gọi tên hai cô con gái, giọng ông như người đang chết ngạt trong nước. Không phải nước biển mà là nước mắt.
Tôi ôm ông, có khi nhận là vợ, nói: “Em đây, mình ngủ đi.” Có khi nói: “Ba ơi, con gái ba đây, ba ngủ đi nghe.” Ông hơi khó dỗ, ông hay hỏi lại tôi: Bé Mi hay Bé Na đấy? Khi ông ngủ là lúc tôi nằm khóc ướt cả cái gối của ông. Nhập vào trong cơn mê sảng đau thương của ông, nhiều đêm tôi tưởng mình là con gái ông thật, mặc dù tôi chỉ kém ông mươi tuổi.

      Ông Bùi Văn Lai, trẻ tuổi nhất, lai Mỹ đen thì lúc nào cũng cần mẹ. Anh bị mẹ cho vào cô nhi viện từ khi còn bé, đến khi anh lớn thì cô nhi viện đem bán anh cho một gia đình để làm con nuôi. Cả gia đình đó sang Mỹ theo diện con lai. Sang đến Mỹ được hơn một năm, đời sống gia đình họ ổn định, họ không muốn có một người con Mỹ đen trong nhà, anh bị đuổi khéo. Anh lang thang, tự kiếm việc và tìm nơi dung thân mình từ lúc 15 tuổi. Anh vào nhà tôi được hai năm. Năm nay anh hai mươi.

      Anh thèm mẹ lắm, tôi tin như thế vì khi anh mê sảng, anh cứ khóc rống lên gọi mẹ.
Tôi bắt đầu còn đứng ở đầu giường anh lay lay vai anh, sau phải trèo vào giường anh, ôm cái đầu tóc quăn quăn của anh vào bộ ngực còm cõi của mình dỗ dành: “Mẹ đây, mẹ đây, ngủ đi con, ngủ đi con” và nước mắt tôi cũng ứa ra làm ướt cả mấy sợi tóc quăn đó. Tôi ôm anh cho đến khi anh chìm vào giấc ngủ vì tin mình có mẹ nằm bên.

     Ông Trần Văn Nam, bố của ông Trần văn Định cũng là một người thèm con, nhớ vợ. Mặc dù ông Định ở không xa nhưng lúc nào ông cũng nói là công việc làm ăn rất bận. Vợ con ông thì tôi chưa hề gặp bao giờ. Tối hôm đó tôi phải vào với ông hai lần, tôi mất ngủ cho đến sáng. Và ông Nam đã khóc trong lòng tôi, ông gọi tên Định vì tưởng con đến đón ông về. Sau ông lại mê sảng gọi tên bà Vân, tưởng tôi là bà Vân, vợ ông. Tôi dỗ dành mãi ông mới yên và tôi cũng mệt quá, vừa thiếp đi thì ông Định đến.

      Bà Hằng ngưng một lúc, nhìn xuống bốn người khách trọ trong nhà mình, nói như chỉ để nói với bốn người đó:
- Tại sao cả bốn ông không cùng đem tôi ra tòa, cùng thưa tôi đòi bồi thường một thể? Có phải các ông sau những cơn ác mộng ban đêm, sáng ra đã nhìn tôi như nhìn một người vợ, một người con và một người mẹ hay không? Tôi không nghĩ là các ông hoàn toàn quên hẳn giấc mơ đêm trước.

     Cả phòng xử im lặng, người ta có cảm tưởng nghe được cả tiếng tim đập nhanh trong lồng ngực của cả bốn người đàn ông trước mặt.
Phiên tòa đến đây tạm ngưng vì hết giờ. Chánh Án không hỏi thêm câu nào nữa và vụ kiện sẽ được xử tiếp vào một ngày khác.
Đêm ba mươi hôm ấy, bà Hằng không nghe thấy một tiếng mê sảng nào phát ra từ buồng ngủ của khách trọ.

     Sáng mồng một Tết, bà Hằng bày hương hoa trên bàn thờ chồng, làm một mâm cơm cúng tân niên mời bốn người ở trọ tham dự. Họ vui vẻ chúc Tết nhau. Không ai nhắc đến chuyện ngày hôm qua nữa.
      Và cả những đêm kế tiếp sau đó mọi người hình như được uống thuốc ngủ. Họ ngủ yên lành, không mê sảng nữa. Họ yên lặng đến nỗi bà Hằng phải thắc mắc tự hỏi: Liệu trước đây họ có thật sự mê sảng không? Hay họ chỉ cần một vòng tay, một tình thương yêu của người vợ, người con, người mẹ mà họ bật lên những tiếng kêu đó, để gọi bà vào?
     Sau đó hai tuần bà Hằng nhận được giấy của luật sư ông Trần Văn Định, báo tin ông Định đã bãi nại, xin rút lại đơn khởi tố bà Nguyễn Thị Hằng, nên vụ kiện được xếp lại hoàn toàn.

      Có người biết chuyện, kể lại rằng: Ông Trần Văn Định, sau đó coi như giao luôn bố cho bà Hằng, không thấy đến và cũng không thấy gọi nữa. Cả bốn người đó cùng ở với bà Hằng cho đến cuối đời như trong một gia đình: ông Lê Văn Thành, ông Trần Văn Nam thì đến khi qua đời, mới được con đến nhận xác của cha trong bệnh viện về chôn cất, ông Nguyễn Anh Tuấn không có thân nhân thì được bà Hằng kêu gọi bạn bè phụ với bà ma chay. Người trẻ nhất, ông Bùi Văn Lai là người cuối cùng ở lại, anh săn sóc bà Hằng khi bà già yếu và đã chôn cất bà như một người mẹ.

      Trước khi bà Hằng mất, bà giao ngôi nhà đó cho anh và anh tiếp tục công việc cho thuê phòng, đặc biệt cho những người già Việt Nam bị con bỏ rơi trên quê người.

Trần Mộng Tú - Xuân Giáp Ngọ/ 2014

Sinh Hoạt Cuối Năm Từ Gia Nghĩa Đài Loan - LM. Peter Dương Bá Hoạt


 Hang đá đơn sơ, nhỏ bé tại Giáo xứ thứ 2 do Cha Peter Dương quản nhiệm
 Hang đá tại bệnh viện Thánh Marti
Hang đá tại bệnh viện Thánh Marti do các Sơ Dòng Thánh Mẫu Trung Hoa điều hành.Cha Peter Dương đã từng cộng tác giúp các Sơ tại đây hơn 1 năm.
Sau Thánh lễ đầu năm tại giáo xứ kế cận. Cô Lucy Lâm Huệ Như lưu niệm ảnh với Cha Peter Dương
  Cô Vương Quân Ngọc (Trưởng ban Mục Vụ tại bệnh viện Giáo Phận 

Sau Thánh lễ Giáng Sinh ban sáng, lúc 9g30, D(GM GP. Gia Nghĩa dẫn 1 linh mục người Ấn sẽ phục vụ trong GP, cô thư ký Tòa Giám Mục và cô Angela (nấu cơm tại TGM) đi thăm viếng các giáo xứ gần TGM.
Giáo xứ đầu tiên Ngài ghé thăm là Gx Kitô Vua nơi Cha Peter Dương quản nhiệm.  

Hang đá tại  Giáo Xứ thứ 2 Cha Peter Dương quản nhiệm


Gia đình cô Cecilia ghé thăm và chúc mừng Giáng Sinh Cha Peter Dương. Cách nay 40 năm, Ba má của cô Cecilia đã ở vùng nầy, giúp các Cha truyền giáo và dạy tiếng Đài Loan cho các Cha Dòng Ngôi Lời. Chính vì vậy, khi có dịp, 2 ông bà lại về thăm giáo xứ nầy.


Cô Cecilia dẫn ông cậu (đoàn trưởng Cursillo tại 1 giáo xứ thuộc GP Đài Trung) và người em họ (y sĩ Đông Y) đến thăm Cha Peter Dương và hỏi qua tình hình đời sống tại Sydney (Úc Châu) vì họ dự tính mở phòng mạch Đông Y tại đây. Nghe rằng đã khai trương phòng mạch tại một thành phố cách Sydney 300 km hồi đầu tháng 12.2013.
Cha Peter Dương, Cô Cecilia, Chú em

Trong phòng khách, Cha Peter Dương nâng ly chúc mừng Giáng Sinh ĐC Thomas Chung
Sau Thánh lễ dùng cơm trưa: Cha Phu (người Hung Gia Lợi, Dòng Ngôi Lời), Cha Trần Ngọc Huynh (Dòng Ngôi Lời) và Cha Peter Dương 

LM Peter Dương Bá Hoạt
Cô Cecilia Huang (Thư ký của Cha và Thư Ký Tòa Giám Mục Giáo Phận Đài Trung)


Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2014

Vĩnh Long Một Thời Gắn Bó - Phần 1

VĩnhLong1969

(Vĩnh Long 1968-69)

      Đúng là định mệnh mà ông trời đã đặt sẳn, ngày mới ra trường huấn luyện ở Thất Sơnt Châu Đốc, là lính sửa mới18 tuổi được về Cần Thơ LD40CBCD, mới bước vô Liên Đoàn với gần 100 tân bình đứng lớ ngớ ngày sân cỏ, Thượng sĩ Châu nhìn qua lại để tìm người đại diện cho nhóm tân binh, tự nhiên TS chỉ ngày mình: Anh là người đại diện của 100 người này nhé ? Mình đồng ý ngay, ngồi viết lại danh sách tân binh...

      Một tuần sau đó Ông Trung tá (là bạn của Ông Dượng) gọi lên hỏi bây giờ em có muốn về Núi Sam hay Vĩnh Long? Ông nói: muốn làm giàu thì về núi Sam, còn muốn có sự bình yên thì về Vĩnh Long? Suy nghĩ làm gần nhà ở Sài Gòn nên xin về Vĩnh Long. Đoàn xe chở tân binh đến trại lính Công Binh ở dọc cầu Cái Cá vào buổi chiều nên chưa có làm việc, sáng hôm sau ở ngay sân cỏ, ông Thượng sĩ thường vụ Đại Đội gọi tên mình Bình nhì Thái xuống làm Hỏa đầu quân (nấu cơm) gặp Hạ sĩ Đức nhe .. nói thật hồi nào tới giờ đâu có biết mần cá mần thit ra làm sao, nấu cơm thi được nhưng ở đây nấu 1 cái chảo to đùng nấu cho 110 người ăn đó ..cái thân thì nhỏ cầm cây chèo để chèo cơm thì muốn khóc luôn ..rồi thời gian cũng quen, nhờ anh Hạ sĩ Đức.
      Cuộc đời mình bắt đầu buộc chặc vào con người ở Vĩnh Long, tình cảm với con người Vĩnh Long nó len lỏi vào tâm hồn mình lúc nào cũng không hay..

      Ngày đầu tiên Hạ sĩ Đức chở mình đi chiếc Honda Dame 67 đi chợ, bên kia chợ là Cù Lao An Thành (lúc đó chưa biết là chợ gì), hai thầy trò ra phố đến tiệm Đồng Hính của chú Chệt, nơi đây bán bánh bao xíu mại, ôi thiệt là ngon tuyệt! Hai thầy trò xực thêm một tô mì thiệt là đã cái bụng.
      Hạ sĩ còn nói, tao sẽ giới thiệu với mày cô em gái của bồ tao bán thịt bò, nếu mày chịu làm em rể tao? OK!
       Vô chợ, HS Đức mua mấy con lươn, eo ơi thấy mà sợ rồi ghé đến hàng thịt bò gặp bồ của anh, mới nhìn thấy mình thì chị thốt lên rồi: Lính sửa mới về Vĩnh Long hả, cũng đẹp hén (mới 18 tuổi mà không đẹp thì cũng lạ), mình chào chị(quên tên rồi). Chiều anh chở Thái đến nhà em chơi nhen để giới thiệu cho con H. cái con nhỏ nầy kén dữ lắm, dễ coi ..riêng mình thì cũng khoái trong bụng, về đơn vị Hạ sĩ Đức bảo mình vuột nhớt mấy con lươn, Trời ơi chết tui rồi hồi giờ có đúng tới con lươn đâu, phải chịu thôi, nhắm con mắt vuột đại. Eo ơi nó nhơn nhớt thấy mà ghê, lính thì đành chịu thôi, sa trường rớt mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu mà.. chiều đến mình mặc đồ civin áo trắng quần jean cũ trong bảnh ra phết. Đến nhà chị bán thịt bò, nhà có nuôi hai con heo trắng nuột, nó kêu en ét đòi ăn, mình thấy chị múc một chén đường cắt trắng trộn cho heo ăn, hỏi thì chị nói ăn đường cho mau lớn.

      Lúc đó em H. bước ra gặp mình, lúc đó cảm nhận “đây là bà chằng lửa rồi” (đẹp nhưng có vẻ dữ dằn lắm), miệng thì ừa ừa nhưng trong lòng muốn chạy rồi (không hợp rơ), Từ đó mỗi ngày đều gặp như vậy nhưng mình không thích lắm. Hai tuần sau trước sân cỏ ông TS thường vụ nói Binh nhì Thái điều động sang Ban quản trị nhân viên (B1)
      À vì mình có bằng cấp đánh máy lớp Đệ Tam, học lực tốt, trong lòng phấn khởi vô cùng vì không còn vuột mấy con lươn nhơn nhớt kia nữa nhưng cũng buồn vì không còn gặp được em H.
      Tình cảm đã bắt nhen nhúm với con nguoi Vĩnh Long rồi đấy..
      Chiều nào hết làm việc là giã dạng thường dân xuống phố hay xuống trại gia binh, gặp mấy anh Trung sĩ già đòi gả con gái cho trai Sài Gòn hoài, làm mình nghĩ mình đang có giá lắm vậy. Nào là em Th., em V. học sinh Nguyễn Trường Tộ, em T. con Thượng sĩ thường vụ ban café khu gia binh, may quà hình như cô đó cũng thích mình!?
      Trong số mấy cô ở trại gia binh có một cô sắc đẹp không mặn cho lắm, chiều chiều hay cùng nhau đi vòng vòng cầu Cái Cá qua Cầu Lộ Xuống Nhà Thờ Chánh Tòa trở về đường Trần Công Lại ch cùng tâm sự, nhưng thú thật lúc đó chưa nghĩ tới, mặc dù cô ấy tỏ ý thương mình nhưng ĐÂU ĐỂ ĐÓ mình còn đang kén mà.
      Tâm trạng mình lúc ấy chỉ muốn mở rộng tầm mắt, tìm hiểu con người Vĩnh Long chứ chưa thật sự hiểu thế nào là chữ Yêu (mặc dù mới 15 tuổi đã nhen nhúm rồi) cũng thích em này em nọ nhưng không định nghĩa yêu là thế nào?

      Giáng sinh đầu tiên ở Vĩnh Long, ông Thượng sĩ cho làm Hang Belem ngay cổng trại lính, đèn nhấp nhấp thiệt là đã con mắt, mấy đứa con nít bên đường chạy qua đứng coi chật chổ luôn, đêm Giáng sinh đầu tiên ở tỉnh lỵ này thật rộn ràng, bảy giờ chiều thiên hạ trai, gái, gia đình bắt đầu tư bên kia xóm Đập kéo lủ lượt đến xem Lễ nhà thờ Lớn (đến bây giờ mình còn thấy anh Phú, Kim Oanh đăng lên trang Long Hồ Vĩnh Long lòng vui vui nhưng cảm thấy cô đơn và nhớ Vĩnh Long vô cùng)
      Xuân Giáp Ngọ năm nay, xem hình ảnh Tết thấy ai cũng hòa vào niềm vui chung, nên mình cũng kể cái vui một thời nơi Vĩnh Long yêu dấu thuở nào.

(Cầu Cái Cá Xuân Giáp Ngọ - Vĩnh Long)


Thái Lâm (Cựu Học Sinh Bồ Đề Sài Gòn trước 1975)
(Sẽ tiếp phần 2)

Bài Thơ Không Tựa (Ái Hữu 72)



(Để nhớ một người và để gửi một người)

Ngậm khói phun mây nhìn cõi thế
Chừng như phú quý tựa chiêm bao
Để rồi cũng phải rời trường xa lớp
Cho chết đi một thời hoa mộng
Sách vở ngậm ngùi lên tiếng thở than
Đàn ghế cúi đầu buồn bã
Đó!
Khung trời dấu ái ngút ngàn kỷ niệm
Chập chờn vào hồn anh tưởng chừng
Như ngàn tiếng than không thể siêu thoát
Thế mà!
Rồi mai sớm anh lên đường nhập ngũ
Uống ly nầy để tiễn bước anh đi
Biết nói gì trong cảnh chia ly
Yêu là khổ khi chiến tranh còn tiếp diễn
Quen nghĩa vụ trên đường nguy biến
Uổng công trình đi học mấy năm nay!
Em ở nhà lo dựng tương lai
Êm tiếng súng anh về xây duyên mới
Nghĩa ân tình nối lại duyên xưa

(19-2-73 Đêm đen như vùng trước mặt ở xứ Cái Tàu quốc)
Nguyễn Văn Tánh
Trích từ Nội San 1 - Ái Hữu 72

Lệ Đắng Bờ Môi





Bàn tay nhỏ giữ người không nổi
Để chiều hoang rong ruổi ra đi
Là từ khuất dấu chim di
Thương ai cả khoảng xuân thì khắc sâu

Rồi mấy độ thu sầu lá đổ
Bặt tin nhau tình ngỡ phôi pha
Thời gian có thể xoá nhòa
Cũng như thu đến rồi xa theo mùa

Chiều đưa lối chân qua phố cũ
Quán cóc xưa lá rũ bên đường
Là nơi hò hẹn thân thương
Khơi bao kỷ niệm bềnh bồng trong tôi

Nhìn cảnh cũ nhớ người xa vắng
Mắt nào cay lệ đắng đời nhau
Trải qua bao cuộc bể dâu
Thăng trầm vẫn mối tình đầu khó quên


Vĩnh Trinh

Tình Vụn Dại



   (Cảm xúc từ Lê Đắng Bờ Môi của Vĩnh Trinh)

Mối tình đầu không tên
Sao hoài ghi khắc dấu
Cuộc tình in sâu đậm
Nước mắt nhoà phai mau

Trái tim yêu loang máu
Nhuộm sắc màu tê tái
Người đi không ngoãnh lại
Hết thời ... buổi chiều nay

Mối tình đầu vụn dại
Không ước lượng phải sai
Hụt hẫng  vuột tầm tay
Chôn kín ...chốn tuyền đài


Kim Oanh

Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Bên Trời Phiêu Lãng - Phạm Đình Chương - Sĩ Phú

      Những năm sau 75 nhiều người đã bỏ quê hương ra đi, khi ra đi là nghĩ rắng lần đi này là sinh ly tử biệt sẽ không còn gặp lại gia đình, bạn vè và người thương, Nên một thời gian dài vằn vặt đau thương cùng nỗi nhớ ...và tiếc nuối về người yêu còn ở lại, Sống ở xứ người nhưng trong lòng lúc nào cũng mang nhiều nỗi nhớ Từng góc phố con đường kỷ niệm trở về trong tâm thức càng làm cho nỗi nhớ dâng đầy khôn nguôi. . .


Sáng Tác: Phạm Đình Chương
Tiếng Hát: Sĩ Phú
Trình Bày: Nguyễn Thế Bình

Chờ Một Kiếp Mai



    (Cảm tác từ San Sẻ của Kim Oanh)

Anh lại tiếc thời mình còn trẻ
Đã yêu nhưng không giữ được người
Anh chỉ ước một đời đằm thắm
Đi bên nhau tay nắm bàn tay
Nhưng em đi tháng ngày hoang dại
Con sông buồn dòng nước chia hai
Trôi về đâu đời không chung hướng
Anh vẫn chờ, chờ một kiếp mai.


Biện Công Danh

Rước Lễ Đầu Năm - Vũ Bạch Hằng CHS Kỹ Thuật Vĩnh Long

Vũ Thị Bạch Hằng kính tặng cô Lê Thị Kim Phượng  

Vũ Bạch Hằng Rước Lễ Ngày Đầu Năm
Thầy Nguyễn Ngọc Tân & Cô Anh, Vũ Bạch Hằng, Thúy Vi
(Thầy Ngọc Tân là Cựu Giáo Sư Vĩnh Long)
Vũ Bạch Hằng, Thúy Vi

Vũ  Thị Bạch Hằng
( Cựu Học Sinh Kỹ Thuật Vĩnh Long)

Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Cây Rọi Mù U


      Tôi sinh ra và lớn lên với cả tuổi thơ nơi quê nghèo Đồng Tháp, mấy mươi năm trôi qua nhưng ký ức vẫn còn đong đầy biết bao kỷ niệm thuở nào.

       Nhớ những sớm hừng đông theo Tía ra ruộng thăm lúa trổ đồng đồng, chạy rượt con chim nhỏ trên bờ đê vấp ngả lấm lem, trưa cả bọn rủ nhau tìm hớt bọt lia thia, bắt con ong bầu làm hát máy, xế chiều lật đất cày bắt con dế lửa, đêm về đốt rọi mù u ê...a tập đọc đánh vần, tuổi thơ đã qua với bao điều thân thương tiếc nhớ.

       Thưở ấy nhà quê nghèo khó lắm, không có tiền mua dầu lửa nên ngày nào tôi cũng ra sau vườn lượm hết những trái mù u chín rụng, đem về đập lấy ruột cho Tía Má ủ rồi quấn rọi thấp sáng mỗi đêm, hể chạng vạng tối là tôi giành phần đốt rọi, riếc rồi ghiền cái mùi thơm thôn dã nhẹ nhàng của hương khói mù u.
       Thời gian dần trôi, đưa đẩy mình thành người thành thị lúc nào không hay, rồi dần quen với ánh đèn điện sáng, với gió nóng bụi đường, nồng ngạt mùi mưa tràn nước cóng, thở ngọp cay với khói kẹt xe, điếc dần với tiếng ồn phố xá.


       Thỉnh thoảng mỗi khi về quê tôi lại lượm vài chục trái mù u về làm rọi, đốt cháy rọi mù u ngồi hít thật sâu hương quê thời thơ ấu, nhìn ánh rọi lung linh mờ tỏ mà ngỡ như có Tía Má bên mâm cơm tối, có tô canh bông bí má vừa mới cắt, có ơ cá rô đồng Tía vừa bắt chiều nay, phải chăng quê hương không chỉ là "chùm khế ngọt,,,là đêm trăng tỏ...là con diều biếc" mà còn có cả những điều bình dị như cây rọi mù u.

Phủ Hiền
26/02/2014