Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

Nhạc Sĩ Khánh Băng - Huy Tâm Biên Soạn & Diễn Đọc



Radio VNHN - Chương Trình Tác Giả & Tác Phẩm Kỳ 1.
Nhạc sĩ Khánh Băng.
Biên soạn và Diễn đọc: Huy Tâm

Thủy Gia Trang 2/2014

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

CHS Bán Công Nguyễn Thông 4B1 - 1966





Kim Phượng

Lợi Châu Nam Độ

      Đầu Xuân ,nắng ấm , thấy được một vài nét đẹp chữ nghĩa lấp lánh trong một bài thơ xưa , lòng vui khôn ngăn muốn được chia sẻ cùng với mọi người thân quí trong nhà. Thế thôi. Còn chuyện thoát vòng danh lợi thị phi thế tục, tâm hồn an nhiên ,hưởng thú trăng nước trời cho thì nhà giáo tôi thật tình không dám lạm bàn.  
PKT 02/22/2014
 Lợi Châu Nam Độ - Ôn Đình Quân (- 859 -)

Đạm nhiên không thủy đới tà huy
Khúc đảo thương mang tiếp thúy vi
Ba thượng mã tê khan trạo khứ
Liễu biên nhân yết đãi thuyền quy
Sổ tùng sa thảo quần âu tán
Vạn khoảnh giang điền nhất lộ phi
Thùy giải thừa chu tầm Phạm Lãi
Ngũ Hồ yên thủy cộng vong ky

Dịch Xuôi : Qua Bến Đò Nam Lợi Châu


Sông nước lững lờ chở nắng cuối ngày trôi
Khúc đảo xanh xanh vòng quanh chân núi xanh
Trên sóng nước, ngựa hý , nhìn thuyền chèo đi
Bên bờ liễu ,khách đợi , ngóng thuyền quay về
Bầy chim âu chạy xao xác , quanh mấy bụi cỏ trên bãi cát
Một cánh cò bay lờ lững trên cánh đồng mênh mông dọc ven sông
Có mấy ai hiểu được chuyện chèo thuyền đi tìm Phạm Lãi
Để cùng hưởng thú Ngũ Hồ khói nước ,thoát khỏi vòng danh lợi thị phi .

Chú Thích :
(1) Lợi Châu , tên đất thuộc huyện Quảng Nguyên , tỉnh Tứ Xuyên
(2) Phạm Lãi , người nước Việt . Chuyện kể , sau khi giúp Việt Vương Câu Tiễn diệt được nước Ngô của Phù Sai , đã cùng người đẹp Tây Thi sống mai danh ẩn tích ở Ngũ Hồ, vùng có năm hồ (Động Đình Hồ, Ba Dương Hồ , Sào Hồ , Thái Hồ , Chung Hồ ) thuộc các tỉnh Hồ Nam , Giang Tô , và Chiết Giang.

         Qua Bến Đò Chiều
             

Lững lờ,sông nước, ráng chiều sa,
Khúc đảo, mờ xanh, chân núi xa.
Ngựa hí, chèo xuôi, khua sóng nổi ,
Liễu buông, khách đợi, ngóng thuyền qua.
Vài con âu chạy, quanh lùm cỏ ,
Một cánh cò bay, dưới nắng tà...
Ai hiểu chuyện xưa, ông họ Phạm,
Ngũ Hồ ẩn tích, lánh phù hoa? 

                     Phạm Khắc Trí
 * * *

       Đỗ Chiêu Đức tham gia với các phần sau đây :

    1. Bản chữ Hán của bài thơ :

      利洲南渡                 Lợi Châu Nam Độ

 澹然空水對斜暉,  Đạm nhiên không thủy đối tà huy,
 曲島蒼茫接翠微。  Khúc đảo thương mang tiếp thúy vi.
 波上馬嘶看棹去,  Ba thượng mã tê khan trạo khứ,
 柳邊人歇待船歸。  Liễu biên nhân yết đãi thuyền qui.
 數叢沙草群鷗散,  Sổ tùng sa thảo quần âu tán,
 萬頃江田一鷺飛。  Vạn khoảnh giang điền nhất lộ phi.
 誰解乘舟尋范蠡?  Thùy giải thừa chu tầm Phạm Lãi?
 五湖煙水獨忘機。  Ngũ hồ yên thủy độc vong ki.( cơ ).
                      
                    溫庭筠                                 Ôn Đình Quân

   2. Nghĩa Bài Thơ :
      Nước sông lắp loáng phản chiếu long lanh dưới ánh nắng chiều, bờ đảo xanh xanh nối tiếp với rặng núi xanh biêng biếc. Mắt trông người đi ngựa hí trên thuyền đang lướt sóng ra khơi, trên bến đò dưới rặng liễu một nhóm người còn đang đợi thuyền quay trở lại. Khi thuyền qua các bụi cây trên bờ đảo làm kinh động lũ hải âu tung bay tứ tán, bên nây bờ ruộng mênh mông vạn mẫu chỉ một cánh cò đơn độc thẳng cánh tung bay. Ai biết được trong lòng ta đang muốn lướt thuyền ra khơi để đi tìm Phạm Lãi, trong cảnh khói sóng mênh mông của Ngũ Hồ mới dễ khiến cho người ta quên đi cái tâm cơ tầm thường của thế tục !

  3. DIỄN NÔM :

                    Qua Bến Lợi Châu

Lắp lánh sông trôi dưới nắng chiều,
Xanh xanh núi đảo một màu rêu.
Sóng xô ngựa hí chèo khua nước,
Thuyền đợi người mong liễu rũ xiêu.
Bãi cỏ đàn âu bay tan tác,
Cánh cò ngàn mẫu lượn tiêu diêu.
Ai hay Phạm Lãi tìm vui thú,
Mây nước Ngũ Hồ ân oán tiêu.
                        Đỗ Chiêu Đức.

* * *  

Mailoc xin gửi bản dịch sau đây .

       Qua miền Nam Lợi Châu 

Chiều bảng lảng nước sông xanh biếc , 
Đảo quanh co núi tiếp xanh rờn . 
Thưyền đi ngựa hí sóng vờn , 
Dừng chân tựa liễu khách chờ thuyền quây . 
Bờ cát cỏ chim bầy xao xác , 
Một cánh cò man mác đồng không . 
Ai tìm Phạm Lải thuyền dong ,
 

Ngủ Hồ khói nước để mong quên đời . 
                                      Mai Lộc

* * *

Lộc Mai xin góp bài phỏng dịch cùng Thầy và các bạn:

              Bến Đò Chiều


Con sông lờ lững chở ngày trôi
Đảo biếc vòng chân núi cuối trời
Ngựa hí, thuyền chèo rời bến vắng
Người chờ, liễu rũ ngóng đò xuôi
Chim âu xao xác quanh cồn cỏ
Cò trắng chập chờn giữa khoảng khơi
Ai đã theo dòng tìm Phạm Lãi
Thảnh thơi xa lánh chuyện trên đời?
                                Lộc Mai (Phương Hà)

* * * 

Quên Đi cũng xin góp vui.

    Qua Bến Nam Lợi Châu.

Sắc ráng nhoà trong nước lững lờ
Kề nhau đảo núi một màu lơ
Sóng đùa ngựa hí chèo khua động
Liễu rũ mong thuyền khách ngẩn ngơ
Đám cỏ ven bờ âu tản mác
Bên sông đồng rộng vạc bơ vơ
Đi tìm Phạm Lãi thuyền không lối
Khói nước Ngũ Hồ tựa giấc mơ.

                                   Quên Đi


* * * 
      Kính  Thầy và các bạn "thơ than vườn nhà "
      Thấy vài vận bài thơ phỏng dịch của Lộc Mai hay hay. Song Quang xin mượn tạm vài đoạn để ghép vào bài phỏng dịch của mình để mua vui cùng nhóm vườn nhà. Mời quý vị cùng đọc để cộng hưởng với người xưa.

      Qua Bến Đò Chiều

Nắng tà theo nước chở chiều trôi!
Ốc đảo xanh xanh tiếp núi đồi
Ngựa hí, thuyền xuôi theo sóng biếc
Đò về, khách đợi liễu buông lơi
Chim âu xào xạc quanh cồn cỏ
Cò trắng lượn lờ ruộng lúa khơi
Ai hiểu chuyện đi tìm Phạm Lãi?
Ngũ Hồ ẩn náu lánh xa đời.
                          Song Quang

Nhớ Lại (Ái Hữu 72)




Vào hôm đó có 2 người, một người xin tình yêu nhưng chẳng được
Nếu người ấy xin tôi, tôi sẽ cho người
nhưng rồi người ấy không xin tôi được.
Nếu được, tôi cũng chẳng cho người được gì.
Nếu được, tôi chỉ cho người con tim cô đơn và lạnh lẽo.

Thế rồi vào hôm đó có 2 người, một người ngồi nhớ gia đình,
nhớ những đứa em hiền hậu đáng thương,
và người đó đang cần một người làm cho bớt nhớ vơi thương,
Nếu người nhờ tôi, tôi sẽ làm cho người hết nhớ gia đình
nhưng rồi ngươi ấy chẳng nhờ tôi gì cả,
đến khi người ấy nhờ tôi, tôi đã làm cho người ấy bằng lòng
vì nỗi nhớ, buồn, rầu, của người đã tăng gấp đôi

Thế rồi vào hôm đó có 2 người, một người nghèo
đang cần sự giúp đỡ của mọi người, để làm tròn bổn phận của mình .
Nếu người ấy nhờ tôi, tôi sẽ giúp đỡ cho người thật nhiều,
nhưng đến khi người ấy nhờ tôi,
tôi đã giúp cho người buồn thêm, buồn thật nhiều
với phận nghèo và đáng thương của người ấy.

Ái Hữu 4 - Nguyễn Hùng Sơn
(Trích từ Nội San 3 của Hội Ái Hữu 72)
 

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Về Quê Hoà Tân










Phủ Hiền
2014

Tản Mạn - Ái Hữu 72 Tống Phước Hiệp

      


      Các bạn AH thân mến tính đến ngày hôm nay thì còn vài ngày nữa là mình sẽ nghỉ hưu theo quy định của Nhà nước! Công việc đã bàn giao xong chỉ còn chờ đến ngày 01/3/2014 là nghỉ ( ngày 28/02/2014, cơ quan sẽ tổ chức họp mặt để chia tay với đồng nghiệp!). Thời gian trôi qua nhanh quá phải không các bạn? – không chờ đợi một ai – Như vậy là mình đã công tác trong ngành được 40 năm. 
      Năm 1974 mình tốt nghiệp trường Sư Phạm Vĩnh Long, được Ty Tiểu học Vĩnh Long bổ nhiệm về trường Tiểu học cộng đồng Cái Sơn ( trước thuộc huyện Bình Minh, nay thuộc huyện Tam Bình ), đi dạy 7 năm mình mới được chuyển về Thị xã Vĩnh Long dạy ở trường Bổ túc Văn hóa Tại chức tỉnh đến năm 1994 thì sở Giáo dục và Đào tạo rút về công tác tại phòng Kế hoạch-Tài chính cho đến nay.

        Tết Giáp Ngọ năm nay mình cùng với Sương, Tâm có đi thăm lại những nơi (Cái Tàu, Chợ Lách) mà cách nay trên 40 năm nhóm bạn mình đã có cùng nhau biết bao là kỷ niệm của thời học sinh! Hôm rồi có xem lại trên email của Sương gởi những hình ảnh, bài viết của từng người trong nhóm và của “ Má Tùng “ , mình cảm thấy bồi hồi nhớ lại từng kỷ niệm của nhóm bạn! Lúc học lớp 10B3, mỗi ngày đi lại nhà của Tùng rồi ngang nhà của Hòa … rủ nhau đi học; rồi đi chơi trên cồn Cái Tàu, đi xuống quê của chị Hà ở Chợ Lách; tham gia Hội chợ Bến Xuân do trường Tống Phước Hiệp tổ chức và đoạt giải nhất…

 
(Gian Hàng Hội Chợ Tống Phước Hiệp của AH72)

        Các bạn có biết tại sao cô Tùng trong bài viết của cô đã gọi mình là “hồi chánh viên” hay không? Số là năm học lớp 11B3 mình ngồi ở dãy bàn cuối cùng với Kiệt,Vinh Quang, Phi, Xuân … hay phá phách và chọc ghẹo các bạn cùng lớp – có lần bị thầy Ngô Quang Vĩ rầy mắng “ mày học được đó nhưng mà phá quá chịu không nổi”. Sau nầy khi gia nhập nhóm bạn của AH( Ái Hữu) mình tu tĩnh lại, hết phá phách, học hành chuyên tâm hơn nên mới thi đậu được Tú Tài 1! 
       Có thể nói nhờ các bạn AH đã vực dậy bản thân mình.Bây giờ khi hồi tưởng lại mình rất quý các bạn với tất cả chân tình và cảm kích!

       Đúng ra mình học trước các bạn một lớp (mình vào đệ thất năm học 1964 – 1965, cùng một lứa với Bùi Chí Hiếu, Biện Công Danh, Phạm Văn Đành, Nguyễn Văn Bửu, Hồ Văn Cưng …) nhưng vì năm Mậu Thân 1968, tài sản của gia đình bị cháy hết nên mình phải nghỉ học đi bán báo,thuốc lá! Sau nầy nhờ thầy Mai Phùng Võ xin cho đi học lại năm lớp đệ ngũ cho nên mới có dịp may học chung  và kết bạn với AH. 

Ái Hữu 5 - Trần Anh Dũng 

Thương Tiếc Hoàng Ngọc Quang (Ái Hữu 72)




Anh Quang ơi! Hỡi người anh thứ Tám
Suốt năm rồi không thấy bóng hình anh
Anh ra đi sao chẳng nói lời nào?
Hình bóng bạn mãi còn trong tâm tưởng.
               
Tôi khóc anh! Hỡi người anh thứ Tám
Sáng mai nầy sinh nhật hội mình đây
Bạn anh đây, ngồi đây đợi bạn về
Anh đi mãi, mãi đi quên trở lại
                
 Tôi thương bạn, hỡi người anh thứ Tám
Khóc số phần, thương phận h
m hiu.
Chưa trọn vẹn cuộc đời trần thế .
Sớm lìa đời khi tuổi mộng còn xuân
           
Tôi nhớ bạn hỡi người anh thứ Tám.
Nhớ tiếng cười  nhớ giọng hát của anh,
Như xa vắng trên môi khô cô đọng lại
Đã soi thấu tim gan người ở lại
          
Tôi hiểu anh hỡi người anh thứ Tám!
Tôi thương anh trong giọng hát câu hò
Anh muốn trách sao người vô tình quá?
Hay trách mình thân thế cỏn con??
            
Tôi tiếc bạn hỡi người anh thứ Tám!
Sớm ra đi không ở lại nhìn đời
Cười suy gẫm thói đời cho bỏ ghét
Anh Quang ơi! Ngàn thu anh vĩnh biệt…



Nguyễn Hữu Hải
( Trích từ Nội San 3 1974 của Hội Ái Hữu 72)

Dặn Con


Cúng bái phải thành tâm
Ông bà mới chứng giám
Miệng thành, tâm không thành
Âm dương sao thông cảm
Ngày Kỵ các tiên gia
Anh em phải thuận hoà
Nén hương cùng ly nước
Thành kính thật sâu xa
Ông bà thấy vui vẻ
Cỗ bàn bầy biện ra
Đứa mặt lưng, mặt vực
Rượu vào lời tuôn ra
Trước còn gọi chú bác
Sau đào bới ông cha
Biết hối thì đã muộn
Giỗ tết bỏ không qua
Bầy đặt cúng riêng rẽ
“Tao đây cũng xôi, gà”
Tổ tiên tuy đã khuất
Nhìn con dạ xót xa
Trót sinh đứa ngỗ nghịch
Đau lòng mẹ lòng cha
Khuyên con đừng bắt chước
Muốn báo đáp mẹ cha
Giỗ tết lo trọn vẹn
Thờ phụng phải nguy nga
Trước sau đều như một
Gốc sâu nguồn phải xa
Đời đời được hưởng lộc
Nhờ phước của ông bà
Khuyên con hãy cố gắng
Làm gương họ Nguyễn ta
Vậy có thơ rằng:
Dâu Đường dâng sữa thay cơm
Đội hươu Diệm Tử ai còn nhớ chăng
Mạnh Tông mùa lạnh khóc măng
Đinh Lan tạc tượng hình bằng mẹ cha
Quạt nồng, ấp lạnh ai mà
Kìa người Quách Cự trời đà cảm thông
Hai mươi bốn hiếu nằm lòng
Để mà thờ phụng tổ tông cho tròn
Đấy là lời MẸ DẶN CON.
 Trăm năm phải nhớ phải in vào lòng.

Hoàng Cúc

Thơ Tranh: Xuân Thì Đó Em


Thơ & Trình Bày: Thy Lan Thảo

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

Tình Quê




Chẻ tre bện sáo ngăn sông
Phải chi đó vợ đây chồng mới ưng
                                           Ca Dao

Tiếng trống đình rung rinh chùm khế ngọt
Thôn xóm hữu tình, cưởng hót líu lo
Em ngồi phe phẩy chiếc quạt mo
Con tôm nướng lửa lò im thin thít

Nắng chang chang, con nước ròng chảy xiết
Dề lục bình trôi mải miết bến bờ xa
Cò trắng chao nghiêng, sà cành trúc la đà
Con cá lội giật mình vung nước bạc

Chim khách gọi rộn ràng sau đám lát
Ngóng mong ai, tim nhảy phập phồng
Dây nhản lồng ôm quấn quýt đơm bông
Hoa vông nhuộm đỏ lòng trời xanh biếc

Quán lá dừa che, hàng bày la liệt:
Nào hạt me, xoài rụng, gáo nước chòng chành...
Em chơi chòi, tôi mơ một mái nhà tranh
Nợ mua chịu một đời chưa trả hết

Gom lá vàng hoe, bờ nương chiều nắng lệch
Em nằm ngoan, ngắm vòm lá lao xao
Mây vô tình bạc trắng vút lên cao
Tôi ở lại với vườn xanh lá thấp

Bởi có duyên nên tìm hoài cũng gặp
Vớt mù u trôi, em vướng sợi cóc kèn
Ước gì tôi níu được bước chân quen
Nhẹ hơn lá rơi đường chờ bến đợi

Rau nhút phủ mặt hồ im phơi phới
Nước trong veo em rửa cánh tay thiền
Cá lìm kìm riả bóng nắng chiều nghiêng
Thương bông súng phận ba chìm bảy nổi!

Một buổi tắm sông, tình cờ chung bối rối
Em ôm bập dừa, tôi theo nước thả trôi
Quá nhánh bần de, thoáng bóng mẹ em ngồi
Tôi quày quả ngược dòng ôm cây chuối lội

Đồng xanh mơn ráng chiều trời đỏ ối
Nước kinh tràn điên điển trổ vàng hanh
Em bơi xuồng rẽ vạt nắng mong manh
Tôi thấp thỏm giăng đường câu, ý đợi

Xẻo nước cách hai nhà, mấy lần qua chưa tới!
Tôi bện đăng ngăn cá ghép đôi bờ
Chiếc cầu tre nằm lắt lẻo suốt đêm mơ
Có dấu vết em mịn màng trên tay rượng

Hôm cúng đình, bạn cười, hai đứa ngượng
Tôi thầm lo: chóng lớn sớm có chồng
Cứ trộm nhìn rồi giả bộ ngó mông
Lòng lại thẹn với làng trên xóm dưới!

Em leo cây cam, trèo lên cây bưởi
Đu qua cành ổi... Gió thổi ào ào
Áo học trò hai vạt trắng phau phau
Như cánh hạc giữa vườn cây xanh lá

Em nghiêng nón mà lòng tôi vấp ngã
Bước qua cầu hai gót đỏ như son
Mùi rạ rơm thơm phức má hây giòn
Cổ chân trắng nõn nà in lún dạ

Cải trổ ngồng, bông vàng say bướm lạ
Cắp rổ ra vườn em hái đọt mù xa
Lượm hoa cau rơi trắng xóa liếp cà
Ngâm khạp nước em gội đầu ngồi hong tóc

Dòng tóc xõa trôi dài con đò dọc
Ngày qua nhanh, nắng vội cuối bờ đê
Em học xa, đò nhớ rước em về
Bướm lơi lã đậu bờ vai mát rượi!

Lê Kim Thành
San José7/2007



Cõi Đời




Cõi đời nào khác một sân ga
Bao lượt người đi, đến, lại qua
Vừa mới vui mừng ngày hội ngộ
Thì đà đau đớn khóc chia xa
Thương mình phút chốc da mồi nhuộm
Xót bạn bây giờ tóc trắng pha
Buông xả cho lòng thanh thản bớt
Mai sau tất cả cũng phai nhòa.


Phương Hà


Thơ Tranh: Xuân Diễm Tình


Thơ & Trình Bày: Kim Oanh

Mùa Thu Trong Mắt Em




Chiều xuống vội sau hàng cây xa tít
Chút vàng rơi trên mái tóc em xanh
Trong mắt em mùa thu vừa chợt đến
Một khoảnh trời xanh biếc bóng hình anh
Vàng từng chiếc lững lơ theo gió thoảng
Như nỗi sầu đeo đẳng kiếp lưu vong
Và bên em chợt nghe hồn thanh thản
Đời lâng lâng khơi dậy chút hương lòng.

Anh Vân

Chiêu Đức và Quên Đi qua Hình Ảnh "Ông Đồ Houston"

     Vĩnh Long 2/2014
      Kính thưa quý Độc Giả, Thân Hữu
      Dưới đây là những Email qua lại giữa Anh Đỗ Chiêu Đức và Tôi. Sở dĩ Tôi đưa sự riêng tư này vào Trang Nhà chính vì sự Hoài Niệm về Ông Đồ mỗi khi hoa đào nở, cũng là cái tâm của Anh Đỗ Chiêu Đức luôn muốn bảo tồn nét Văn Hoá hay đẹp của Người Việt Chúng ta nơi đất khách quê người.
      Những ảnh " Ông Đồ Chiêu Đức" ở Houston này rất có ý nghĩa và tôi rất thích.

Huỳnh Hữu Đức

* * *
     Houston 2/ 2014
     Thân gởi anh Huỳnh Hữu Đức,
     Chả lẻ chỉ đăng hình "Ông Đồ " khơi khơi, xin cho tôi được trình bày câu đối dán ở 2 bên chữ PHẬT như sau :
                         靜 坐 當 思 已 過, TỊNH tọa đương tư dĩ quá,
                         律 行 戒 守 清 規。 LUẬT hành giới thủ thanh quy.

       Vì tên chùa là TỊNH LUẬT, nên lấy 2 chữ TỊNH LUẬT để mở đầu cho câu đối với Ý nghĩa như sau :
* Khi ngồi yên tĩnh thì nên suy nghĩ về những việc đã qua ( để kiểm điểm tốt xấu đúng sai ),
* Thực hành giới luật thì phải giữ đúng thanh quy ( những quy định trong sáng của người tu hành ).

       Câu đối nầy tôi làm trong lúc cấp bách, nên có tính cách chấp vá. Vì VẾ ĐẦU là câu có sẵn trong sách Lịch Tàu. Như sau :
Tịnh tọa đương tư dĩ quá,
Nhàn đàm mạc thuyết nhân phi.( Khi nhàn rỗi nói chuyện chơi, thì không nên nhắc đến cái sai trái của người khác ).
      Tôi mượn đỡ vế đầu để " xài " vì có chữ TỊNH. Nhưng bây giờ nghĩ lại, thì thấy nó SAI, vì chữ TỊNH trong Phật giáo không phải là YÊN TỊNH 安 靜, mà là TỊNH ĐỘ 淨 渡, nên sau đó, tôi đã đổi lại như sau :
                   淨 渡 十 方 迷 衆, Tịnh độ thập phương mê chúng,
                   律 行 五 戒 清 規。 Luật hành ngũ giới thanh quy.

Có nghĩa:
* Tịnh độ cho chúng sinh mê muội khắp mười phương,
* Luật tu hành thì phải giữ đúng thanh quy của ngũ giới cấm.
   Xin chân thành cảm tạ!


      Đây là tấm hình chụp lúc Một Cặp Vợ Chồng Người MỸ đến xin tôi viết cho chữ PHẬT, chữ nầy chỉ bằng một nửa chữ ở phía sau lưng tôi thôi.
     Sẵn báo với anh biết để mừng dùm tôi, hôm qua đi dự phiên họp Tổng Kết Hội Chợ Xuân Tha Hương của Chùa TỊNH LUẬT, Ban Tổ Chức cho biết là thùng tiền gây quỹ sau 2 ngày Hội Chợ của tôi đếm được 646 US Dollards. Năm nào tôi cũng bỏ chút đỉnh giấy mực và công sức để gây quỹ cho Hội Đồng Hương Cần Thơ, Hội Cựu học sinh Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm.... Năm nay thêm được Chùa TỊNH LUẬT nữa!

Đỗ Chiêu Đức 

Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

Bóng Trăng Lệch Khuyết Bờ Vai - Thơ Yên Sơn - Mũ Nâu11 Thực Hiện



Thơ: Yên Sơn.
Diễn ngâm: Dương thượng Trúc.
Thực hiện: Mũ Nâu 11 - Thủy Gia Trang 2014


Khung Trời Kỷ Niệm




Em có nhớ, khung trời kỷ niệm
Của chúng mình lúc mới yêu nhau
Bên hiên trường mưa gió dạt dào
Mình trú chân sau giờ tan học.

Mưa không dứt từng cơn gió lốc
Đứng bên em anh thấy ấm lòng
Dù bên ngoài gió bão mưa dông
Anh vẫn thấy trong lòng ấm áp.

Ngày hôm đó tiết trời tháng chạp
Anh chỉ quàng chiếc áo mong manh
Tay trong tay anh không thấy lạnh
Truyền cho nhau hơi ấm từ lòng.

Lâu lắm rồi em có nhớ không ?
Kỷ niệm xưa khi mới yêu nhau
Giờ nhớ lại tưởng như hôm nào
Đôi tay nắm vẫn còn hơi ấm.

Nay xa cách biển trời xa thẳm
Nơi xứ người anh vẫn nhớ em
Và nhớ mãi kỷ niệm êm đềm
Dù thời gian nhuộm màu tóc bạc.

Song An Châu

Nhà Xưa Ba Gian Của Tổ Tiên - Xã An Phước - Huyện Măng Thít - Tỉnh Vĩnh Long

 Ngôi nhà ba gian kiểu xưa do ông bà truyền lại bạn Bá

Nơi thờ Gia Tiên chính giữa nhà






Trương Văn Phú

Je Croyais Que Vieillir. . . - Tôi Cứ Ngở Tuổi Già



Je croyais que vieillir me rendrait bien maussade,
Craignant chaque saison, les années, le tapage,
Le grand vent et la pluie, l’esprit qui se dégrade,
Les cheveux clairsemés, les rides du visage.

Et puis je m’apercois que vieillir n’a pas d’âge,
Qu’il ne faut point gémir, au contraire chanter
Et même, à petits pas, les jours ont l’avantage
D’être beaux et trop courts quand ils sont limités.

Je croyais que vieillir c’était le ciel tout gris,
Le printemps sans les fleurs, les lèvres sans sourire,
Les fleurs sans chansons, les arbres rabougris,
Un livre sans histoire, un crayon sans écrire.

Et puis je m’aperçois que vieillir rendre bien sage,
Que je vis chaque instant sans penser à demain,
Que je ne compte plus les années de mon âge,
Peu importe le temps, le crayon à la main.

Je croyais que vieillir transformerait mon âme,
Que je ne saurais plus contempler les étoiles,
Que mon cœur endurci n’aurait plus cette flamme,
Qui transforme la vie lorsque le ciel se voile.

Et puis je m’aperçois que les plus belles roses
Fleurissent à l’automne et sous mes yeux ravis,
Je respire très fort ce doux parfum que j’ose
Garder pour embaumer l’automne de ma vie.

Marcelle Paponneau
(La voix de l’Hospitalite)
***
Tôi Cứ Ngở Tuổi Già

Tôi cứ ngở tuổi già buồn tẻ nhạt
Sợ từng mùa, năm tháng vụt qua nhanh
Sợ gió to mưa lớn, xuống tinh thần
Sâu tóc rụng, những làn nhăn trên mặt

Nhưng chợt thấy già không do tuổi tác
Không thở than rên-rỉ, hát vang vang
Ngày trôi chầm-chậm, ý nghĩa mênh-mang
Dù ngắn-ngủi, phù-du, nhưng tươi mát 


Tôi cứ tưởng tuổi già trời xám ngắt
Xuân vắng hoa , héo-hắt nụ cười môi
Cây trơ cành, hoa nhạc quá xa-xôi
Sách không tựa, bút sầu thơ nghẹn tắt 


Nhưng chợt thấy tuổi già tâm sáng quắt
Sống từng giây chẳng bận nghĩ ngày mai
Quên tuổi đời, không nhọc đếm từng ngày
Thơ tuôn chảy, mặc thời gian thoăn-thoắt 


Tôi cứ ngở tuổi già hồn lạnh ngắt
Lòng không còn say ngắm các vì sao
Tưởng tim ai chai đá, lửa nguôi trào
Hết thắp sáng trong ta, trời lặn tắt 


Nhưng chợt thấy những hoa hồng đẹp nhất
Nở vào thu đẹp mắt biết dường bao
Chẳng đắn đo, hít mạnh áng ngạt-ngào
Cố giữ mãi hương thơm khi nhắm mắt 


Mailoc phỏng dịch
Cali 1-6-12
    

Viết Cho Hai Chị Em


           
(Viết riêng cho Hồng Sương & Uyển Mai)

Vầng trăng ai ướp sương pha lệ
Để lạnh trời đông tím cả lòng
Ba Mẹ sớm giã từ dương thế
Buồn gom mây trắng - Trắng từng không ...

Hai mái đầu xanh cảnh lạ người
Chị em nương tựa bước chung đời
Cảnh nhà thiếu vắng tay từ mẫu
Sân trước, vườn sau kém sắc tươi!

Ba ở đâu và mẹ ở đâu?
Thời gian dù hờ hững qua mau
Vẫn không quên được tình Ba Mẹ
Chăm sóc hai con quá ngọt ngào...

Cũng may đất lạ trời xa xứ
Lucerne người Việt chẳng bao nhiêu
Cho nên ngày tết về không thấy
Ảnh của nàng xuân...dáng diễm kiều!

Một nén hương, bàn thờ Mẹ Ba
Về với hai con, ấm cửa nhà
Cô chị nhìn em ngăn lệ ứa
Buồn thương ray rứt lạnh tình xa...

Bài thơ ta viết cho em đó
Thu cúc xuân lan ...diễm nét đời
Trả công ba mẹ bằng thành quả
Hai bằng Tiến Sĩ ...sắc xuân tươi!!

Xuân về ta biết em buồn lắm
Rét buốt lòng ai ...lạnh gió đông

Thy Lan Thảo
(Mồng 3 tết)

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

Cách Thức Uống và Pha Trà Xanh Nhật Bản


1. Giới thiệu

      Ðây chỉ là bài viết đơn giản nói vè cách thức pha và uống trà xanh của Nhật bản. Mục đích nêu lên những nguyên tắc căn bản, cần thiết cho những người muốn thưởng thức cái ngon, cái đậm đà cuả loại trà độc đáo và rất phổ biến của người Nhật bản. Bài viết không đi sâu vào những dữ kiện, thể thức và dụng cụ khá phức tạp để uống trà có tính cách thưởng thức một nghệ thuật. Mà đôi khi chúng ta thấy trong các những cuộc lễ hội hay trong những cuộc trình diễn dâng trà của các đoàn nhóm phu nhân, nữ sinh viên ở các đoàn thể, trường học chuyên môn về văn hoá .

      Bài viết càng không thể nào so sánh, hoà trộn được với những thủ tục rất rườm rà, qúi phái, đạt đến mức tối thượng của nền văn hoá cổ truyền của Nhật bản. Ðó là lẽ dâng trà, trong đó người ta uống một loại trà xanh cao cấp hơn dưới dạng bột. Người uống trà phải biết nhưng thủ tục để tiếp nhận từ người dâng trà, đó là Trà Ðạo (Sadoo).

      Bài viết chỉ thu nhỏ vào cách thức pha và uống trà xanh rất thông thường của bất cứ gia đình Nhật nào trong xã hội. Họ pha trà mời khách khi đến thăm gia đình họ. Cô thư ký, bà giúp việc pha trà cho ông giám đốc, ông chủ hãng hay để tiếp đãi nhưng vị khách trong các cuộc hội họp ở các văn phòng giao tế, các công ty. Và ngay trong gia đình khi người vợ , người mẹ pha trà cho chồng, cho con trong những lúc uống trà hàng ngày, người ta cũng phải theo những nguyên tắc rất căn bản và cần thiết này để không làm mất cái ngon, cái đậm đà của trà.

      Tóm lại đây chỉ là bài viết nêu lên những đièu căn bản không thể thiếu, không thể bỏ qua được cho bất cứ ai muốn uống, muốn thưởng thức mùi vị đúng nghĩa của loại trà xanh Nhật bản. Một loại trà xanh hoàn toàn khác xa với loại trà xanh được sản xuất tại VN hay Trung Hoa. Loại trà xanh Nhật cho ra nước mầu xanh từ đầu cho đến hết mùi trà, nước trắng trong. Nhưng ngược lại trà xanh cuả VN hay Trung Hoa chỉ cho ra mầu xanh lờ lợ mầu nâu ở nước đầu tiên rồi biến nhanh sang mầu nâu đậm ở các lần pha kế tiếp.Mùi vị cũng có thể nói là khác hoàn toàn.

      Bài viết này cũng giúp người uống trà hiểu biết thêm về những tiêu chuẩn để lựa chọn, phân biệt được những loại trà xanh tốt hay xấu, ngon hay không ngon được bán trên thị trường (ở các cơ sở buốn bán của kiều dân Nhật bản). Rồi dựa vào những tiêu chuẩn đó chúng ta sẽ hiểu được lý do tại sao cùng gọi là trà xanh nhưng khi uống thấy khác nhau về phẩm chất.

2. Dụng cụ



      Sau đây là những vật dụng cần thiết cho việc pha trà xanh:

a. Một cái bình thủy: để chứa nước sôi. Thường loại dung tích khoảng 2 lít nếu dùng cho 4, 5 người uống trà.

b. Một bình pha trà: thường bằng đất nung mầu đen hay nâu có cán cầm (khác với loại có quai, tuy nhiên đây cũng không phải là điều bắt buộc) . Bình pha trà cũng có khi bằng kim khí rất nặng mầu đen, có quai sách. Thường bình pha trà có dung tich khoảng 200 ml (bằng trái cam) , nếu cỡ khoảng 400ml (bằng trái bưởi ) đã được coi là to . Rất hiếm có bình pha trà cỡ lớn hơn 500ml vì làm loãng , mất mùi vị trà và nhất là không đẹp mắt. Vơí những cỡ bình lớn người ta thường dùng để pha những loại trà hạ phẩm (loại nhiều cuống lá , lá già thô hay loại trà xanh pha trộn với gạo rang...). Loại trà này thường được pha để uống trong các restaurants hay cho nhân viên lao động trong giờ giải lao của hãng xưởng . Dùng cho gia đình hay tiếp khách thăm viếng, khoảng dưới 5 người, chiếc bình trà cỡ 300ml được coi là tốt nhất.

      Hầu hết các bình pha trà xanh cuả Nhật bản đều có một tấm lưới rất mịn bằng kim khí bao phiá trong vòi ấm hay là một cái phễu lọc bằng lưới nằm sát vào miệng ấm để đựng trà, giữ lại không làm cho bã trà ra tách khi rót trà .

c. Một bộ ly uống trà: Thường cỡ khoảng 70ml đến 100 ml. Hình tròn, hay hình ống , đôi khi có hình dạng méo mó . Thường mầu đậm hay nhiều mầu in hình hoa trái hay viết những chữ Nhật bản dạng chữ thảo. Tuy nhiên mầu sắc không diêm dúa với mầu đỏ gay gắt nhãn giới như trên các đồ sứ của Trung Hoa. Ly tách uống trà của Nhật bản có mầu thanh thoát, êm dịu, dễ thương hơn. Tách uống trà có thể có nắp hay không, nhưng phải có một đĩa nhỏ đễ đỡ tách uống trà.

d. Hộp đựng trà: Trà xanh bán trên thị trường thường được đóng kín trong một bịch bằng alumin với chân không, hay bằng những hộp bằng kim khí rất kín. Sau khi mua về, bỏ bao bì , trà được đựng trong một chiếc hộp dung tích cỡ 100ml -300ml, bằng kim khí có 2 nắp. Nắp ở phía trong bằng plastic hay bằng kim khí, Nắp phía ngoải hộp, ngoài tác dụng dậy hộp trà cho kín, nhưng còn được dùng như một dụng cụ để đo lường trà chính xác trước khi cho trà vào bình. Người pha trà lấy một chiếc muỗng bằng tre gạt trà vào trong chiếc nắp, tùy theo số người uống để tránh tình trạng nhiều ít không đều.

      Ðó là những dụng cụ mà mọi gia đình Nhật bản đều phải có và được coi như đồ dùng hàng ngày của gia đình. Tuy nhiên trong trường hợp tiếp khách, họ còn mang ra thêm vài dụng cụ khác nữa để tạo vẻ lịch sự và đẹp mắt. Chẳng hạn:

-Một cái bình uống trà thứ hai dùng để điều chỉnh độ nóng của nước pha trà (hình thức cái chén Tống của lối uống trà của VN hay Trung Hoa).

-Một cái bình khá lớn bằng đất nung mầu đen, thường có nhiều hình dạng khác nhau để đựng nước tráng tách uống trà, bình pha trà hay đựng trà cặn mỗi lần uống trà mới (giống như cái khay có nan bằng tre để trên một cái chậu để đổ nước dư thừa của Trung Hoa. Hình thức này người Nhật không bao giờ dùng, họ thà đựng vào một cái tách uống trà rồi mang đi đổ chứ không dùng đến vì thô kệch và không đẹp mắt đó!).

-Một cái khay đựng tách và bình trà bằng gỗ (thường mầu nâu và hình vuông hay chữ nhật) đươc che phũ bởi một tấm khăn xinh xắn, sạch sẽ để người pha trà lau khô tách uống trà trước khi rót trà cho khách.

      Ngoài ra còn rất nhiều dụng cụ lỉnh kỉnh khác như muỗng lấy trà bằng tre. Cái máng nho nhỏ bằng tre hay gỗ để ước lượng số trà nhiều ít trước khi ruôn trà vào bình... tất cả tuỳ thuộc vào mức độ quan trọng của cuộc uống trà và sự cầu kỳ tiếp khách của chủ nhân.

3. Cách pha trà


      Gồm những thủ tục cần thiết sau đây :

a. Nước pha trà: Tuyệt đối không bao giờ lấy nước đang sôi để pha trà, có nghĩa là không thể nào dùng nước đang sôi trong bình ruôn vào bình pha trà. Lý do trông không đẹp mắt và nhất là tất cả các loại trà Nhật bản (trà xanh, trà bột dùng trong lễ dâng trà (Sadoo) không bao giờ dùng nước đang sôi! Nước pha trà phải được đựng trong một bình thủy (uống trà thông thường) hay nước đưọc nấu trong một cái ấm kim khi không nắp trên bồn than rất yếu để giữ nước ở khoàng 80-90 độ celcius (dung trong trà đạo) .

b. Làm ấm dụng cụ: Ấm pha trà và tách uống trà được tráng bằng nước sôi trong bình thủy để làm ấm dụng cụ, sau đó dùng khăn lau khô trước khi xử dụng.

c. Cho trà vào ấm pha trà: Thường vơí lọai trà ngon cỡ trung bình ngươì ta thuờng tính cho mỗi một người khách khoảng một muỗng cà phê trà xanh. Tuy nhiên nếu dưới 3 người khách, nên cho hơn một tí để tránh qúa nhạt. Dĩ nhiên với nhưng người ghiền trà, thích uống đậm lại là vấn đề khác!

d. Pha trà: Với loại trà xanh cỡ trung bình, người ta thường pha trà 3 lần khác nhau như sau :

*/ Lần thứ nhất: đươc pha với nước nóng ở khoảng 60 độ C, để trà ngấm khoảng 2 phút đồng hồ trước khi rót cho khách. Nước sôi từ bình thủy được rót ra một cài bình trà khác (hay chén tống) để giảm nhiệt độ trước khi cho vào bình pha trà (lý do tại sao sẽ được giải thích ở phần sau).

*/ Lần thứ hai: pha vơí nước nóng khoảng 80 độ trong khoảng 30-40 giây, có nghĩa là cho nước vào ấm pha trà , hơi lắc nhẹ và rót ra tách cho khách ngay. Nước cũng được rót qua bình trung gian nhưng mau lẹ hơn để có nhiệt độ mong muốn. (Tuy nhiên, những người pha trà quen thuộc, khéo tay họ có thể điều chỉnh nhiệt độ từ bình thủy rót vào bình pha trà bằng các thủ thuật như rót nuớc thật chậm, để cao vòi nước trên bình pha trà...)

*/ Lần thứ ba: Nước pha ở nhiệt độ khoảng 90 độ C, cũng khoảng 30- 40 giây. Nước có thể ruôn trược tiếp từ bình thủy vào ấm trà, vì nước sôi khi qua các giai đoạn rót vào bình thủy, rồi từ bình thủy rót vào ấm pha trà đã có nhiệt độ khoảng 90 độ C .

      Với những loại trà ngon đặc biệt, người ta có thể pha trà lần thứ 4 hay lần thứ 5 (cách thức pha như lần thứ 3) mà nước trà vẫn xanh và còn mùi vị. Nhưng những loại trà xanh hạ phẩm, rẻ tiền việc pha trà hơi khác hơn chút đỉnh. Chẳng hạn lần thứ nhất phải ở nhiệt độ cao hơn (70- 80 độ, 2 phút), lần thứ hai (90 độ, khoảng 1- 2 phút) và không có lần thứ 3 vì hết mùi vị rồi (giải thích ở phần dưới).

e. Lượng nước pha trà: Ngưới pha trà phải biết ước lượng cho bao nhiêu nước pha vào bình trà, không thể pha trà xanh Nhật bản bằng cách cứ cho nước vào đầy bình rồi rót cho khách theo lối pha trà của Tầu hay VN được . Mà phải biết dung tích của tách uống trà và số tách để cho đúng lượng nước để mỗi lần rót trà cho khách phải hết trọn vẹn nước trong bình pha trà. Nếu còn sót lại sẽ làm giảm phảm chất của lần uống trà kế tiếp vì sai nhiệt độ, vì oxyhoá làm mất mầu xanh đẹp của trà..v..v..

4. Cách rót trà

      Không bao giờ rót trà cho khách một lần đầy tách rồi rót tiếp cho người khách kế tiếp ! Làm như vậy sẽ có sự khác biệt về độ đậm nhạt của nước trà trong mỗi tách, cũng như không đều về lượng trong mỗi tách (tách đầu tiên qúa nhiều, tách cuối cùng rất ít, qúa đậm vi thời gian trà ngấm ra nhiều hơn hay không còn nước cho người kế tiếp)! Vì vậy tất cả các tách của khách đều được để trong khay trà rồi rót theo thứ tự 1,2,3,4... rót lần đầu khoảng 30ml (cho mỗi tách, cỡ lớn 70 ml), sau đó rót lần thứ hai với thứ tự ngược lại 4, 3, 2 ,1 mỗi lần khoảng 20ml (cho mỗi tách có tổng cộng 50ml nước trà) nếu còn dư chút ít trong bình , nên co dãn để phân đều cho các tách . Sau đó mới đưa mời khach. Chính vì lý do này, người pha tra phải căn làm sao cho đủ (không thiếu, không thừa) cho tất cả khách, mỗi người khỏang 50ml (với loại tách uống trà cỡ 70-80 ml). 

      Chính vì lý do này, người pha tra phải căn làm sao cho đủ ( không thiếu, không thừa ) cho tất cả khách, mỗi người khỏang 50ml ( với loại tách uống trà cỡ 70-80 ml ).

5. Cách uống trà




      Khi uống trà xanh Nhật bản (cũng như uống trà bột trong lễ dâng trà) người Nhật phải ăn một vài loại bánh ngọt để làm gia tăng hương vị của trà. Các lọai bánh này bán rất nhiều trên thị trường thường làm bằng đậu hay bột khoai, bột gạo ... Chúng ta có thể thay thế bằng các bánh ngọt khác của Âu Mỹ như bánh ngọt, chocolate... nhưng vẫn không phải là hoàn hảo lắm. Ở VN có loại bánh đậu xanh (Bảo Hiên Rồng vàng, Hải Dương...) được coi là rất thích hợp cho việc uống trà xanh.

      Trước khi uống trà, ngườì ta ăn vài miếng bánh (phải ăn hết bánh trong miêng rồi mới uống trà, không nên vừa ăn vừa uống). Sau đó thỉnh thoảng ăn thêm bánh và uống trà tiếp theo. Vớí cách này sẽ làm gia tăng hương vi của trà xanh một cách lạ kỳ.
      Uống trà xanh Nhật bản hoàn toàn khác với lối uống nhâm nhi từng tí một trong lối uống trà Tàu của những vị nhà Nho VN. Người Nhật uống thành ngụm đàng hoàng để có đủ lượng nước trà thấm vào tất cả các màng niêm của miệng.

      Với những loại trà xanh hảo hạng hay trên trung bình, người Nhật cho rằng nước pha trà lần đầu tiên được coi là đậm đà nhất, làm mùi ngon của trà thấm vào vị giác nhiều nhất. Nước thứ hai, có một khoái cảm khác nhờ nhiệt độ nóng của lần pha này, nước trà mất đi khá nhiều vị đặc biệt của trà nhưng lại có mùi rất thơm bốc lên, kích xúc vào khứu giác. Cả hai lần pha trà này được coi là quan trọng nhất và độc đáo nhất của trà xanh Nhật bản. Với loại trà thượng hạng ngươì ta có thể uống đến lần thứ 4 hay thứ 5 nước trà vẫn xanh và mùi vị vẫn còn. Tuy nhiên loại trà hạ phẫm, người ta bỏ qua lần thứ nhất và bước sang cách pha lần thứ hai hơi đổi khác đôi chút như đã viết ở trên.

6. Vài tiêu chuẩn để xếp hạng trà xanh

      Rất nhiều người ngoại quốc khi uống trà xanh Nhật bản thường đưa ra những ý kiến khác biệt nhau, thậm chí có lúc họ thấy rất ngon, có lúc họ thấy rất nhạt nhẽo. Ðó là vì họ không biết cách pha và uống trà. Nhưng điều quan trọng nhất, ít ai để ý đến đó là loại hạng của trà mà họ uống. Trên thị trường trà xanh Nhật bản có hàng trăm loại khác nhau. Từ loại rất rẻ được đóng gói cỡ 500 grams hay một kg trong bao giấy kính trong suốt dùng cho việc uống trà hàng ngày hay ở các giờ giải lao của hãng xưởng. Ðến những loại cao cấp rất mắc đựng trong những chiếc hộp bằng kim khí nhỏ nhắn cỡ 50ml rất trang nhã đựng trong một hộp bằng gỗ trình bầy rất đẹp. Trong đó kèm theo một vài tờ giấy như lụa ghi xuất xứ, lịch sử của sản phẩm có dấu hiệu, ấn ký của nhà sản xuất...

     Mục đích của bài viết này nhắm vào loại trà cỡ trung bình trở lên, còn những loại trà hạ phẩm không thể áp dụng được. Sau đây là những tiêu chuẩn để người uống trà xét đoán, lựa chọn một loại trà xanh Nhật bản để thưởng thức hợp với túi tiền và mục đích của mình.

      Giá cả của trà xanh Nhật bản là một tiêu chuẩn rất ít sai (nếu không muốn nói là hòan toàn chính xác) khi mua trà xanh Nhật bản. Vơí loại trà xanh rẻ tiền, đóng gói sơ sài với bao giấy bóng trong suốt, thường số lượng 500 grams hay môt kilo vơí giá cả khoảng 100 yen- 200 yen (1-2 $US) cho 100grams, đây là loại trà để uống giải khát mà thôi.

Có thể chia ra 3 hạng trà xanh Nhật bản như sau:

a. Loại trà hạ phẩm :

*/ Cánh trà thường to, dầy, thô vì được biến chế từ những lá trà già lấy ở phần dưới nhánh cây trà.
*/ Là sản phẩm dư thừa cuả loại trà cao cấp, chẳng hạn như cuống của những lá non dùng cho trà cao cấp
*/ Có loại lại trộn thêm vào khoảng 20% gạo rang hay lúa mì rang, khi uống có mùi trà xanh hoà trộn với mùi hơi khét của gạo rang.

      Loại trà xanh hạ phẩm này thường không có mùi thơm vì nhà sản xuất không cho vào loại trà bột vào . Loại này thường uống trong giờ giải lao của nhân viên lao động trong hãng xưởng hay uống hàng ngày trong những gia đình nghèo Nhật bản cũng như ở những tiệm ăn uống bình dân. Vơí loại trà này cách pha trà như đã tả ở trên.

b. Loại trà trung bình:

      Loại này thường được đựng trong các bao bằng alumin hay trong hộp bằng kim khí, có 2 nắp rất kín đáo. Hình thức trình bầy rất trang nhã và hấp dẫn. Trọng lượng mỗi gói khoảng 50-100 grams. Loại này có đặc tính sau đây :

*/ Có rất nhiều hạng khác nhau, thường giá cả từ 1000-6000 yen/100 grams (9- 50 $US). Trên thị trường thường đóng gói cỡ 100 gram, nhưng nếu đóng gói cỡ cỡ 50 grams, thường là loại ngon của hạng này.
*/ Khi mở gói trà hay hộp trà ngươì ta nhận thấy ngay đặc tính của loại này như sau :

      Có mùi thơm rất dịu 
      Cánh trà nhỏ cánh, xanh đậm 
     Có mầu xanh cuả bột trà bám trên thành bao alumin hay thành hộp trà, đó là loại trà bột (dùng trong lễ dâng trà) được nhà sản xuất cho vào để làm gia tăng phẩm chất . Càng nhiều trà bột cho vào càng ngon và càng mắc giá. 

*/ Khi pha trà lần đầu (60 độ, 2 phút) chỉ để hoà tan loại trà bột và một phần nào hương vị của cánh trà mà thôi. Chính vì vậy lần uống đầu tiên này mang đến khẩu vị nhiều hơn là mùi vị. Nhưng ở lần pha thứ 2 và thứ 3luợng trà bột đã giảm sút nhưng nhờ nhiệt độ nước pha cao (80-90 độ) làm bốc hơi mùi vị thơm của cánh trà. Vơí loại trà trung bình hạng tốt , người ta có thể pha lần thứ tư vẫn còn mùi vị ngon của trà.Tóm lại lần pha trà đầu tiên để người ta thưởng thức "Vị" của trà, từ lần thứ hai, thứ ba người ta thưởng thức "HƯƠNG" của trà.
*/ Ðây là loại trà thường uống hàng ngày ở những gia đình khá giả hay để đãi khách cũng như ở các văn phòng của các vị lãnh đạo hãng.

c. Loại trà hảo hạng:

      Loại này là loại trà biến chế từ lá trà non (VN gọi là trà búp), sản xuất bởi những hãng trà nổi tiếng, kèm theo in ấn và lịch sử của nhà sản xuất hay loại trà. Trong đó nhà sản xuất lựa chọn những điạ danh trồng trà nổi tiếng ở Nhật bản .

      Các nhà sản xuất trà xanh ở Nhật cũng nhập cảng hay có các cơ sở biến chế sơ khởi ở ngoại quốc như ở Trung Hoa, Bắc VN, Tây tạng, Bắc Lào... Nhưng theo ý kiến của người Nhật thì những loại trà mà họ mang từ ngoại quốc vào Nhật bản chỉ để sản xuất loại trung bình hay hơn trung bình một tí mà thôi. Còn những loại trà hảo hạng hay loại trà bột đặc biệt dùng cho các lễ dâng trà đều được biến chế từ các vườn trà đặc biệt ở miền Nam và miền Trung Nhật bản .

      Vơí loại trà hảo hạng,thường đóng gói rất nhỏ (35- 100 grams), thường 50 grams và được trộn vào rất nhiều trà bột . Người Nhật bản khi có dịp uống loại trà này họ tuân thủ phương pháp pha trà một cách tuyệt đối để không phí phạm và nhất là hưởng thụ được tất cả hương vị của loại trà xanh qúi và mắc tiền. Loại trà này người ta có thể pha đến lần thứ 5 nước trà vẫn thơm ngon và mát dịu. Dĩ nhiên loại này chỉ dùng trong các trường hợp tiếp đãi khách qúi và trong các trường hợp đặc biệt mà thôi. Giá cả cũng rất thay đổi tùy theo nguồn gốc của vật liệu và cuả nhà sản xuất, có thể gần 50 $US cho một bịch trà khoảng 50 grams! Những người biết thưởng lãm loại trà này họ có nhiều dụng cụ phức tạp, cầu kỳ để cung ứng cho nhã khiếu uống trà của họ.

7. Vài chú ý căn bản

      Khi chúng ta quen biết một gia đình người Nhật hay có dịp du lịch Nhật bản... Chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều dịp được các bạn bè Nhật bản mời về nhà họ. Chắc chắn món giải khát đầu tiên, gần như không thay đổi của ngươì Nhật là mời chúng ta uống trà xanh và ăn một vài loại bánh ngọt đặc biệt để gia tăng hương vị của trà. Sau đây là vài điều ghi chú mà chúng ta nên chú ý:

-Ăn một vài miếng bánh ngọt trước khi uống trà.

-Khi chúng ta uống hết trà trong tách, không khi nào tự ý lấy bình trà rót vào tách của mình hay lấy bình thủy tự ý pha trà cho mình... Làm như vậy chúng ta đã vô tình làm sai lệch cách pha trà của chủ nhân ( vì họ biết rõ loại trà mà họ đãi chúng ta phải pha như thế nào , đặc biệt theo sự chỉ dẫn của nhà sản xuất ). Ngươì Nhật, nhất là người phụ nữ (vợ bạn hay các bà mẹ) rất kín đáo và chú ý, thường thường họ nhìn thấy tách uống trà của chúng ta hết và họ tiếp cho chúng ta ngay. Trong trường hợp họ bị vướng bận điều gì mà họ quên, chúng ta chỉ cần khen trà ngon là họ sẽ hiểu ngay và tiếp cho chúng ta tức thì.

-Khi chúng ta pha trà xanh, tuyệt đối không bao giờ lấy nước đang sôi từ chiếc nồi ruôn vào bình trà. Ðây là một sai lầm rất nặng về nguyên tắc và cả về mỹ thuật nữa. Vơí người pha trà chuyên môn, nguời ta để ấm nước không đăy nắp trên bồn than rất nhỏ, nước nóng ở khoảng 90 độ C, rồi họ dùng một chiếc muỗng bằng tre nhỏ để mức nước pha trà. Tùy thuộc vào lượng nước họ múc ở trong nồi và thời gian họ rót nước nóng vào bình trà để điều chỉnh nhiệt độ của nước pha trà (đây là một trong nhiều xảo thuật trong trà đạo) .

Lưu An (Exryu Thụy Sĩ)