Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Chìa Khóa Tình Yêu


      Dòng nước xanh biếc của con sông Yarra Melbourne yên ả, chiếc cầu bắt đôi bờ có người khách ghé qua, tựa bên những chiếc Chìa Khoá Tình Yêu. Bạn có biết những chiếc khóa ấy có ý nghĩa chi không?
      Đó là những chiếc chìa khoá của những cặp tình nhân, họ đến đây cùng nhau ước thệ và họ móc vào sợi dây cáp của thành cầu, mỗi một ổ khóa có hai chìa, họ đã chia cho nhau, mỗi người cùng cất giữ.
      Khi nhận được bức ảnh này, tôi tự nghĩ vui vui trong đầu, không biết nếu ai đó chỉ một mình ghé đây, có thể móc ổ khoá và giữ một chìa, rồi để lại một chìa...." cầu duyên" ?
      Biết đâu lại thành sự thật bạn nhỉ?!
      Mong các bạn nào đang yêu hay chưa có tình yêu có dịp ghé Melbourne hãy đến đây xem sao bạn nhé
      Chúc tất cả các bạn một Ngày Valentine Hạnh Phúc!

Ghi nhanh: Kim Oanh
Ảnh chụp Nguyễn Đức Tri Ân
14/2/2014

Ngày Tình Nhân




Valentine!
Valentine! Đêm nay
Nến hồng rực cháy tim con con
Tình yêu hạnh phúc khát khao tròn
Mãi mãi son khuôn trời mộng mị

Đi!
Đến với nhau
Trên con đường không định hướng
Tim bóng bay ngưỡng mộ Ngày Tình Nhân

Quên thế sự
Đôi tình chung bước
Trước muôn người nhưng chẳng thấy được ai
Đêm sẽ dài…ngoài kẻ say yêu tha thiết

Đôi mắt biếc
Ngời sao đắm đuối
Lỡ ghé môi cuối mặt thẹn thùng
Vùng trời đất kỳ hoa dị thảo
Tỏa hương quen chao đảo con tim

Chân tìm bàn chân dìu bước nhung êm
Xao xuyến môi mềm tươi giọng nói
Nói gì đây!?
Bằng tiếng lời rất nhẹ

Hỡi kẻ yêu nhau
Đêm hoa đăng
Đêm nhân thế ngọt ngào
Chào đón đôi tình nhân trao ý vị

Đi!
Đến bên nhau
Ngàn đóa hồng sắc màu lạ lắm
Câm lặng mắt nhìn nhau say đắm
Valentine! Nắm thời gian dừng lại
Hai mái đầu tình thắp ngọn lung linh

Kim Phượng

Thơ Ngày Valentine


         
     (Viết yêu dấu gởi Chuối Sứ)

Lời thật tự lòng anh
Mơ duyên đẹp mộng lành
Anh yêu em nhiều lắm
Tình mình mãi tươi xanh

* * *
      (Viết dấu ái gởi Cọp Gấm)


Nắng nhuộm hồng môi ngày valentine
Tình anh cuộn sóng nước sông đầy
Bao nhiêu thương nhớ anh xin gởi
Về biển lòng em chứa ngập đầy

* * *
      (Dấu ái gởi BS Phạm)

Chữ dễ thương và ý ngọt ngào
Lời anh nguyện ước chuyện ngày sau
Yêu em tha thiết, yêu chân thật
Mình sống bên nhau đến bạc đầu

* * *
      (Yêu qúy gởi Sương)

Chút gió xuân, ngày lễ tình yêu
Anh nhớ, anh thương em thật nhiều
Những lúc bên nhau em nũng nịu
Tình đã tràn dâng ...nước thủy triều

Thy Lan Thảo

Đi Tìm Khung Trời Mới

(Truyện phiếm vui /Kịch ngắn (xảy ra trong đời thường vào đêm Valentine)


[Hai giờ đêm. Hai ông bà: Ông đang đọc báo. Bà thức dậy.]

- Tôi để tờ báo này cho bà đọc vì tôi đã đọc rôì nên biết và ghi dấu những bài hay bài dở hoặc đoạn nào quan trọng, để bà đọc cho dễ hiểu và nhanh.
= Không. Tôi đã có một tờ y hệt rồi.
- Hãy đọc tờ này.Tôi muốn giúp bà đọc được nhanh hơn để giải quyết đống báo cứ ùn ùn ra đấy. Báo chí lấy ở chợ, sách báo mượn ở thư viện tôi thường chọn lọc cái cần thiết, cái hay cho bà đọc. Nhiều tin tức qua các cơ quan truyền thông tôi cũng kể lại cho nghe, chứ bà đâu có thì giờ.
= Không. Tôi có cách đọc của riêng tôi.
- Thật tình tôi chỉ muốn giúp bà đỡ mất thì giờ. Có mục hay quá thì thưởng thức, có đọạn dở quá thì lướt qua cho nhanh. Thực vậy, có truyện nội dung mắc mớ rất khó hiểu nên tôi ghi chú hoặc đánh dấu chỗ thắt nút, hoặc vạch dài liên kết các đọạn chính của bài văn với nhau...
= Không. Tôi muốn lần lượt đọc từng giòng chữ, từng chi tiết trang giấy không có ghi chữ hay dấu vết gì.
- Đây này, tôi phân tách kỹ hơn cho bà biết. Có một tạp chí tôi còn giữ kia trong đó tác giả kể một câu chuyện vô cùng hấp dẫn. Hai nhân vật, một nam, một nữ trao đổi với nhau. Tác giả diễn tả lời nói thay phiên nhau của mỗi nhân vật bằng lối viết văn thông thường là xuống giòng và gạch ngắn một cái. Suốt từ đầu đến cuối liền một mạch dài tới 2 trang đều đều như vậy khiến tôi lẫn lộn như đi vào mê hồn trân không còn biết lời nào do ai nói. Từng câu văn của tác giả không giúp ta đoán được nhân vật đang nói. Muốn phân biệt, trước khi đọc lại lần thứ mấy rồi, tôi đành phải lấy bút viết N hay n cho từng lời nói. Đấy bà thử đọc xem, nếu tôi không ghi thêm thì đố bà mò ra lời nào do ai nói. Mặc dù rất hiếm hoi ở một hai chỗ tác giả dùng chữ anh hay em nhưng trong cách xưng hô của ta, hai tiếng này không nhất định tiếng nào chỉ ngôi thứ nhất hay ngôi thứ hai số ít, khác với hai tiếng I hay You trong Anh ngữ. Ở chỗ khác, tờ báo quên đánh số trang nên tôi lại phải lật đi lật lại để ghi số trang cho bà nữa. Còn có chỗ in bị mờ hay xếp nếp, tôi phải đoán chữ mà viết bù vào cho đủ. Cũng có chỗ in trùng lặp từng đoạn dài do vô ý hay cố ý, tôi phải gạch xoá đoạn thừa đó.
= Thật sao?


- Chính vì vậy có lần viết truyện ngắn, đối với những đoạn văn đối thoại dài, tôi đã phá lệ truyền thống: dùng 1 gạch(-) hay 1 dấu hoa thị (*)cho nhân vât này, dùng 2 gạch(=) hay 2 dấu hoa thị(**) cho nhân vật kia, vân vân và vân vân. Ấy, chưa kể một tác giả không biết có cố ý dùng bút pháp đặc biệt hay không, đã viết những câu dài dằng dặc hàng chục giòng đến nỗi tôi phải dùng bút gach chéo ngắt ra thành từng câu nhỏ cho bà dễ đọc. Dù sao, khi thưởng thức một tác phẩm, ngoài nội dung, ta cũng cần phân tich bút pháp chứ!
= Thì cứ đọc-đi-đọc-lại,đọc-tái-đọc-hồi rồi cũng hiểu thôi, cần gì phân tích tỉ mỉ làm chi cho mệt óc.
- A, thế là bà công nhận việc phải mất thì giờ. Vậy để đốt giai đoạn, bà hãy đọc cuốn này đã được tôi ghi dấu trên nhiều bài văn và tiết mục.
= Thôi, ông cứ mặc tôi. Tôi không cần sự giúp đỡ của ông.
- Đâu muốn bà hoàn toàn theo cách của tôi. Nhưng trước khi đi vào chi tiết, bà hãy lướt qua những chủ điểm ghi chú của tôi, có mất mát gì đâu.
= Không. Rõ thật là lẩn thẩn.
- Việc của tôi giống như bình thường khi đọc các cuốn hướng dẫn cách xử dụng máy móc kèm theo hàng hoá. Trong đó, tôi đánh dấu, khoanh tròn, gạch dưới... bằng bút thường hay bút hai-lai những chỗ quan trọng cho bà chú ý. Có tờ in xen kẽ chữ Spa-ni-ss hay cái tiếng gì lạ hoắc thì tôi đã gạch bỏ cho thoáng chỗ. Bà đã thấy khi đến ngân hàng, phòng bác sĩ, phòng khai thuế...nhân viên thường đánh dấu hay hai-lai vào chỗ cần thiết để bà dễ thấy. Và bà có biết các nhân vật V.I.P thường có một mẩu giấy tóm tắt tin cần thiết do người phụ tá viết đặt sẵn trên bàn giấy của bô-ss đấy sao?
= Đúng. Tôi biết. Nhưng...

- Bà có để ý các bài thuật truyện phim ảnh trên báo chí, internet và tờ quảng cáo...với mục đích thúc đẩy khán giả bỏ tiền đi xem bằng cách bỏ lửng đến chỗ hấp dẫn thì s-top, khiến bà ấm-a-ấm-ức không được biết kết cục ra sao. Nhờ tôi là kẻ mê phim ảnh, đã đọc truyện phim lấy từ tiểu thuyết hoặc đã tận mắt xem phim đó nên kể lại đoạn kết cho bà thoả mãn đấy sao? Cũng như hàng ngày tôi đâu có giữ kín bao tin tức quan trọng lấy từ các cơ quan truyền thông, nhờ đó bà mới hiểu biết nhiều chuyện đời thường để tán gẫu với người khác. Chưa kể tôi không bao giờ tiếc thời giờ tháp tùng bà đi chợ, phụ giúp việc bếp núc, và đôi khi nhẫn nại chờ đợi bà hàng giờ ngắm nghía hàng hiệu trong dịp đi winh-đâu-sốp-pinh nữa.
= Phải, công nhận ông giúp tôi nhiều việc, nhưng...tôi cương quyết là không đọc cái tờ báo chắc chắn đã bị ông ghi lem nhem đầy dấu mực đó đâu..

[Hai giờ rưỡi. Ông bắt đầu thở dài thất vọng. Bà vẫn khăng khăng khước từ. Nhưng Ông lại bắt đầu thuyết phục Bà].


- Bà hãy chú ý nghe. Còn một lý do vô cùng quan trọng: đó cũng là một cách tạo sự thông cảm giữa hai người đọc, nhất là hai người chung sống với nhau, chưa kể đặc biệt hai người đó lại là tình nhân.
= Ông đừng ép nữa. Như thế là kiểm duyệt tôi à, ở xứ này tự do ngôn luận, lại kiểm duyệt cả cách đọc sách và tư tưởng của tôi sao? Hiến pháp Hoa Kỳ đã...đã...đã...
- Là vợ chồng, một người thấy gì tốt xấu, truyền đạt cho nhau là sự thường. Nó cũng giống như trao đổi tâm sự, cảm nghĩ để cảm thông hoặc để giải quyết công việc hàng ngày. Có gì áp bức ai đâu.
= Không, tôi không cần cảm-thông-cảm-thiếc gì cả.
- Vậy bà là người chỉ muốn cô độc? À bên lề cái bài Tham luận chính trị trong tờ báo này, tôi cũng ghi chú ý kiến của tôi để mong bà góp ý. Chúng ta thường thử tìm hiểu quan điểm của nhau qua những cuộc tranh luận giữa tôi với bà đó sao? Hồi xưa, bà đã từng kéo mấy cô bạn ở Luật đến nhà tán dóc ầm ĩ như mấy bạn hàng ngoài chợ, và thỉnh thoảng tôi cũng góp lời bàn ngang-như-cua khiến nhà mình vui như tết. Có cãi cọ với nhau như thế mới thích thú chứ?
= Tôi có cách đọc sách báo riêng, không cần trao đổi ý kiến để tìm sự đồng cảm với ai. Quá khứ là quá khứ. Tội cho qua hết rồi. Bây giờ cần phải thực tế.
- Thật không? Không ngờ bây giờ bà thay đổi thế! Chả trách bà là kẻ cô độc, ngay cả chẳng có bạn bè. Hồi xưa tôi đã tưởng bà thơ-ca-bay-bướm như chúng ta đã từng như vậy. Thế mà bây giờ bà chỉ quanh quẩn ở nhà với món-ăn-này-món-ăn-nọ. Tôi rủ đi du lịch đây đó hoặc đi xem vũ nhạc kịch đểu bị lắc đầu quầy quậy, lại còn luôn luôn muốn giữ chân tôi ở nhà. Ngoài tập thể dục, bà nằm dài ra đó để ngốn mãi đống báo chí không bao giờ vơi. Cả việc muốn bà đọc email cũng phải thúc giục mãi. Trong khi bà nói chuyện với người em, tôi chỉ thấy nhắc đi nhắc lại những truyện, có thể nói thẳng là...là tầm phào, chẳng bao giờ bàn đến văn chương, mỹ thuật, chính trị cả. Nhiều khi tôi đã phải nhắc bà về những tin tức thời sự nóng hổi quan trọng trên TV, trên in-tơ-net nữa, y như tôi là thư ký riêng cho bà, mà tôi có kêu ca bao giờ đâu.
= Bây giờ tôi chỉ thế thôi. Sống một mình theo cách của riêng tôi. Chẳng cần cảm thông với ai.


- Rất tiếc bà đã biến đổi. Biến đổi thật lớn. Tôi không ngờ, sau hai chục năm tại xứ sở này. Tôi biết bà đã phải lăn lộn tranh đấu cho cuộc sống, nên những bản tính tốt đã dần dần mai một. Nhưng bà nên nhớ rằng giữa vợ chồng, ngoài chuyện thường ngày, còn cần hợp tác với nhau, trao đổi những suy tư, những mối lo âu và cả tâm sự. Chính vì bà muốn cô độc nên tôi đã phải tìm cách trao đổi kiến thức, cảm nghĩ, tâm tư qua internet, web site, Gmail này nọ. Như tôi đã viết trên một trang mạng: Bạn bè thân hữu ở xa, Trao nhau xướng hoạ vần thơ tâm tình...
= Ông cứ việc. Còn tôi không cần trao đổi gì với ông. Ông nói muốn giúp tôi đỡ mất thời giờ, thì chính ông lại tiêu phí quá nhiều thời giờ hơn tôi. Thôi để tôi ngủ.
- Thôi được! Tôi biết vậy. Bà làm tôi cảm thấy thiếu...thiếu cái hạnh phúc gia đình thế nào ấy! Đừng trách tôi có lúc mải mê với internet, Gmail, Facebook,web site,... để tìm một khung trời mới tươi vui, lành mạnh, với chân-thiện-mỹ, cho quên cái buồn tẻ của tuổi hoàng hôn trong cuộc sống đời thường.

[Ba giờ đêm: Mặt Ông hơi đỏ. Ông ngồi bật dậy, bỏ sang phòng Computer, lẩm bẩm: thế là mất toi hết cái đẹp thơ mộng của ngày Valentine rồi! ]

       
ChinhNguyen/H.N.T.
2012-13


Thơ Tranh: Ngày Tình Nhân


Thơ và Trình Bày: Nguyễn Đức Tri Ân

Bóng Hình Xưa




Đêm Tình nhân ngọt ngào hò hẹn
Còn biết chi ngày vắn đêm dài
Thế gian này như chẳng có ai
Chỉ hai kẻ yêu nhau tha thiết
Để rồi đến tháng hè ly biệt
Hương tình còn đọng lại trong tim
Ngày lễ hội anh dõi mắt tìm
Nhưng nào thấy hồn thêm trống vắng
Đêm tình nhân anh ngồi im lặng
Hình dung từng vóc dáng người xưa
Dẫu bao mùa thay đổi nắng mưa
Tim vẫn khắc ghi hình bóng cũ..


Quên Đi

Vòng Tình Nhân



Tặng em một đoá hoa hồng
Cho ta ngụp lặn trong vòng tình nhân
Dù là một thoáng phù vân
Chưa lần gặp gỡ đã phân ly rồi

Đêm nay lòng thấy bồi hồi
Dìu em lên tận đỉnh đồi tình yêu
Dáng em nho nhỏ liêu xiêu
Gió đông lành lạnh hắt hiu nỗi lòng

Mời em nhận đóa hoa hồng
Kẻo hoa rơi rụng trên dòng trường giang
Đêm buồn sóng vỗ mênh mang
Hai đầu nỗi nhớ thuyền sang nơi nào

Tình yêu là phút ngọt ngào
Tình nhân em hỡi nép vào lòng tôi
Thuyền tình ta sẽ nổi trôi
Trường giang lặng sóng trăng soi bềnh bồng

Sao em không nhận hoa hồng
Để tôi canh cánh phập phồng lo âu
Một mình hỏi giữa đêm thâu
Tình nhân em hỡi bao lâu mới về

Gió đông từng đợt ê chề
Chân buồn tôi bước nặng nề chờ em
Đêm này lại thức trắng đêm
Tình nhân không đến sầu thêm hoa hồng

Đỗ Hữu Tài(Thế Thôi)
13.02. 2011

Tặng Em Một Đóa Hoa Hồng



         (Nhân ngày Lễ Hội Valentine’s Day)

Nhân ngày lễ hội Tình Nồng
Tặng em một đóa hoa hồng xinh tươi
Suốt năm rộn rã tiếng cười
Mặt hoa duyên dáng người người yêu thương
Môi em xinh tựa hoa hường
Tóc mây óng mượt như dường sông Ngân
Mắt em ánh mắt thiên thần
Ngàn sao vụt tắt khi gần bên em
Lời em tiếng hát muôn chim
Nghe như tình khúc dịu êm trong chiều
Chân son bước nhẹ yêu kiều
Ngàn hoa hồng thắm em yêu…chúc mừng!


Song An Châu
Feb. 14/2014


Em Từ Lục Bát Bước Ra (1)




1-Em từ lục bát bước ra
Có con bướm trắng đường xa dặm trường
Chiều hoang thở lạnh hơi sương
Canh khuya mơ giấc vô thường đóa hoa..

2-Em từ lục bát bước ra
Đôi chim oanh hót.. ngọc ngà trên môi
Em, cành dạ lý buông lơi
Sợi tình se chặt.. cõi đời mênh mông..

3-Em từ lục bát bước ra
Nhớ nhung chắt cạn,rồi ta còn gì?
Chập chùng hình ảnh trôi đi
Tà áo em xanh, bờ mi, giọt buồn..

4-Em từ lục bát bước ra
Nghe trong hiu hắt..vòng qua kiếp người
Gần nhau? Hay đã phai phôi?
Từ thân hạt bụi.. mảnh đời em mang…

VA, ngày 7-7-13
Bùi Thanh Tiên

Thứ Tư, 12 tháng 2, 2014

Hạnh Phúc Đầu Xuân - Chúc Mừng Sinh Nhật Anh Huỳnh Hữu Đức 13-2-2014

Anh chị Đức ơi.
Mừng Xuân Mới Năm Giáp Ngọ, kính chúc gia đình anh chị vạn sự may lành
Món quà nhỏ em gửi tăng anh chị nhân Ngày Sinh Nhật 13-2-2014 của anh Đức nha.
Chúc anh chị Ngày Valentine hạnh phúc!

Em Kim Oanh


Sáng Tác: Minh Kỳ và Lê Dinh
Tiếng Hát: Hoàng Oanh và Trung Chỉnh
Trình Bày: Kim Oanh



Thơ Tranh: Chúc Mừng Sinh Nhật Anh Hữu Đức 13-2-2014

Kim Phượng Chúc Sinh Nhật Anh Huỳnh Hữu Đức 13-2-2014


Thơ: Kim Phượng
Trình Bày: Kim Oanh


Xuân Tự Trào



Uống rượu trả tiền đâu có lạ
Túi đây trống rổng vẫn khề khà
Rồng bay trên liễn ai ra bút
Giấy đỏ cua bò nét của ta
Thử thách suốt năm cùng nắng gió
Hụt hơi đến tết vẫn ba hoa
Thế gian lắm chuyện cười như mếu
An phận đi ông đợi tuổi già

Quên Đi

Tìm Quên



Nhiều lúc buồn đời, muốn được say
Năm qua tháng lại chẳng hề thay
Bao điều trông thấy, lòng chua xót
Lắm chuyện nghe vào, dạ đắng cay
Tuổi trẻ trôi đi từ cái thuở....
Niềm tin tắt lịm đã bao ngày...
Rượu nồng tự chuốc, bình khô cạn
Nhìn lại, thiên hà vẫn cứ quay!


Phương Hà


Du Xuân - Năm Giáp Ngọ 2014








Phủ Hiền
Xuân Giáp Ngọ 2014

Xuân Tha Phương




Đàn chim tung cánh bay lướt trên lưng trời
Ngàn hoa khoe sắc muôn ánh Xuân hồng tươi
Vài cô Xuân nữ ánh mắt trao môi cười
e ấp buông lời hát bên bờ suối êm đềm trôi.

Ngày Xuân năm ấy vẫn sống trong tâm hồn
Dù nay xa cách nhưng nhớ thương nào nguôi
Làm thân phiêu lãng Xuân đến nơi quê người
thương nhớ em ngày ấy nghẹn ngào nói câu từ ly.

Xuân tha phương !
Em yêu ơi !
Những tháng ngày buồn làm lạnh giá con tim.
Ôm đơn côi
Với tiếc nuối
Cuộc sống thanh bình thuở xa xưa.

Làm sao anh nói cho hết câu mong chờ
Người em quê cũ khuya sớm nuôi đàn con
Tình yêu thương ấy  đem hết trao cho người
Yêu dấu khi người bước chân từ giả vượt trùng khơi.

Rồi theo năm tháng em đớn đau vô vàn
Mùa Xuân nay nữa xa cách xa càng xa
Lòng em ao ước sẽ hát câu tương phùng
Cho bỏ đi ngày tháng đong đầy nhớ thương triền miên.

Mặc Thái Thủy

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

Trong Giờ Dành Riêng


         Còn 10 phút nữa là hết giờ, Thầy Độ quay trở lại bàn, nhìn xuống những đứa học trò, chỉ mới nhận dạy chưa tròn tháng, Thầy chưa biết hết tên những học sinh ở lớp 9 này.
         Nhẹ xoa hai bàn tay vào nhau, Thầy từ từ cất giọng:
- Như Thầy đã nói, sự hiểu biết của các em, nếu chỉ dựa vào những gì từ bài vở ở trường vẫn chưa đủ, các em còn phải tìm hiểu thêm để mở rộng vốn hiểu biết của mình. Một học sinh thực sự giỏi khi kiến thức cao hơn trình độ một bực.
- Thưa Thầy, ngoài những điều học ở trường, chúng em mở rộng thêm vốn hiểu biết của mình bằng cách nào?
- Từ sách, báo, đó là kho kiến thức đồ sộ.
- Thưa Thầy, ở quận mình chỉ có một chỗ bán sách báo, nhưng em thấy toàn những sách không giúp gì cho việc học hỏi của chúng em.
- Thưa Thầy vậy tụi em phải tìm hiểu thêm ở đâu? (rất nhiều thắc mắc được các em cùng nêu ra.)
- Hỏi rất đúng, Quận không có những loại sách giúp ích cho các em, Trường chưa có thư viện để các em đào sâu hiểu biết. Các em có thể học từ môi trường chúng ta đang sống, từ những người chung quanh, gần gũi nhất chính là các Thầy Cô đang dạy các em đây.
- Nhưng em không biết gì để hỏi
- Không biết điều gì thì hỏi điều đó.Các em hãy nhìn những đứa bé 5-7 tuổi, khi thấy gì lạ là hỏi, hỏi đến mức cha mẹ không thể trả lời.
- Thưa Thầy, nếu tụi em hỏi, Thầy Cô trả lời không được rồi ghét tụi em thì sao?
- Theo Thầy, hỏi là điều quan trọng trong việc học. Thầy luôn khuyến khích các em hỏi, kể cả những gì không liên quan đến bài đang học, do đó không thể có chuyện ghét. Đối với những câu hỏi không thể trả lời ngay được, Thầy sẽ tìm hiểu và trả lời sau.
- Thế thì thưa Thầy cho em hỏi : Tại sao chúng em phải học?
- Gần hết giờ rồi, Thầy trả lời vắn cho các em.
Cả lớp nhao lên:
- Tụi em không cần ra chơi, Thầy trả lời luôn đi Thầy.
- Thứ nhất là lợi ích cho chính bản thân các em. Từ ngàn xưa, triều đại nào cũng cần người tài giúp nước, nhưng người tài ở đâu, là ai? Đó chính là các nho sinh, các học sinh như các em đây, hiện diện khắp nơi trên trái đất này.

         Thứ hai là tiếp nhận và truyền đạt những vốn liếng của loài người đã tìm hiểu, học hỏi...tích lũy từ trước đến giờ cho các thế hệ mai sau.
         Nói chung vì sự sinh tồn và duy trì nòi giống nên chúng ta phải học.
- Thưa Thầy, có nhiều người không học, người ta vẫn có thể sống và lo cho gia đình?
- Đúng vậy, có rất nhiều người thất học, họ vẫn sống được trong xã hội này, vẫn lo cho những người thân. Đó là do bản năng sinh tồn của con người, hay nói chung đó là bản năng của tất cả sinh vật trên trái đất này. Tuy nhiên, nếu loài người chúng ta chỉ biết dựa vào bản năng, dựa vào sức lực để sinh tồn, thì chúng ta sẽ không có được những tiến bộ như ngày hôm nay. Cũng có thể không có loài người mà chỉ là một giống linh trưởng nào đó như loài vượn,loài dã nhân...
- Sao kỳ vậy Thầy? Các học sinh vừa ngạc nhiên vừa thắc mắc.
- Theo thuyết tiến hoá của Darwin, Người cùng với Khỉ, Vượn...Cùng chung một gốc. Thuộc bộ Linh Trưởng. Sở dĩ chúng ta tiến hoá thành loài người như ngày nay, do thuỷ tổ ngày xưa biết sử dụng bộ óc, biết giữ gìn và phát triển những kinh nghiệm trong đấu tranh sinh tồn, khi còn là một động vật, một loài thú hoang dã. Bộ não nhờ vậy ngày càng phát triển, ngày càng thông minh hơn, để rồi từ đó trở thành chúa tể, thống lĩnh trái đất này.

         Các em thấy đó, loài người chúng ta không ngừng tiến bộ chính là nhờ vào sự khám phá, tìm tòi và truyền đạt những hiểu biết cho các thế hệ sau. Qua những điều thầy vừa nói, các em thấy cái học quan trọng đến mức nào.
- Nói như Thầy, từ lúc đó đến giờ, có quá nhiều điều để học, Làm sao chúng em học cho hết?
- Đúng vậy, tuy nhiên trong sự tiến bộ và phát triển, những gì đã lạc hậu, lỗi thời sẽ bị đào thải, bị bỏ đi rất nhiều, nhường chỗ cho những cái mới. Tuy nhiên những điều bỏ thì ít, những phát kiến mới rất nhiều.Tóm lại sự hiểu biết của con người ngày mỗi nhiều thêm, thật là bao la. Một đời người chúng ta không thể nào học hết . Chính vì thế cần phải chia ra mỗi cá nhân học một chút, người thì theo học về thiên văn, người thì địa chất, kẻ thì sinh vật...
         Như các em đây, hết năm học này, các em vào lớp 10, ở lớp này bắt đầu chia thành ban. Như ban A Vạn vật, ban B Toán, ban C Văn...(Vào những năm trước 1975 các ban được chia như thế).
         Thôi, giờ đã sắp hết giờ chơi, các em xả hơi một chút để học môn khác. Chào các em.
         Cả lớp im lặng, dường như vẫn còn chìm trong những gì Thầy Độ vừa nói.
         Khi Thầy rời khỏi lớp, sau lưng còn nghe tiếng của một học sinh nói theo:
- Thầy ơi, mấy buổi học sau, Thầy dành ít thời gian kể cho tụi em nghe nghen Thầy.
        Ngồi trên văn phòng, thầy Độ vừa uống nước giải khát, vừa suy nghĩ về câu nói với theo của em học sinh:" Đúng là các em rất muốn  hiểu biết thêm, muốn học hỏi những gì mới lạ chưa có trong chương trình học, mình cần phải giúp các em trong khả năng, trong sự hiểu biết của mình "

        Từ đó, thời gian đứng lớp là 120 phút, thầy đã dành ra từ 5 đến 10 phút để giải đáp mọi thắc mắc của học sinh cũng như truyền đạt những hiểu biết của bản thân, những điều không có trong chương trình dạy cho những đứa học trò thân yêu.


 Tâm Nguyện

Nhớ các em trong những giờ đứng lớp
Nét hồn nhiên pha lẫn vẻ tinh ranh
Biết nói sao ngôn ngữ nào tả xiết
Đợt sóng lòng từng đợt dâng cao
Nơi sâu thẳm trong tâm hồn ông giáo trẻ

Thương lắm thay những mái đầu xanh ngây dại
Biết gì hơn hãy hứa với chính mình
Cùng tiến bước đi lên phía trước
Tuy thênh thang đường tri thức lắm gian nan
Phải cố gắng các em ơi cố gắng

Thầy Trò ta cùng hướng tới tương lai
Ông giáo trẻ với những học trò son trẻ. 
                                             (Quên Đi)

Huỳnh Hữu Đức


Melbourne Latin Summer Festival Tại Federation City Square 2014

Lễ Hội Mùa Hè ở Melbourne Úc Châu - Năm Giáp Ngọ 2014

Federation Square - Melbourne City
South Bank
Sông Yarra - Trung tâm Melbourne



 Mễ Tây Cơ (?)
Việt Nam
Mã Lai
 Nhật Bản
 Latin

 Gian Hàng trò chơi của Người Nhật
 Nguyễn Đức Tri Ân

Nhớ Mẹ Ngày Giáp Tết

   
   (Kỷ niệm một năm ngày giổ Mẹ)

Nhớ năm trước,những ngày gần giáp Tết

Người ta vui mừng đón ánh Xuân qua
Từ phương xa con nhận được tin nhà
Mẹ đã bỏ cõi trần về Tiên cảnh.


Xuân viễn xứ, tiết trời còn se lạnh
Mà con buồn hơn giá lạnh ngày đông
Cúc Mai vàng hé nụ đã đơm bông
Con ứa lệ, đêm giao thừa hoang vắng

Vài năm trước, Mẹ còn ngồi trông ngóng
Mong con về vào ngày Tết thêm vui
Để giao thừa cho rộn rã tiếng cười
Mà con vẫn chẳng về....Xuân lạnh lẽo

Chắc mộ Mẹ giờ đây đà xanh cỏ
Nhớ Mẹ nhiều, buồn bả bước lang thang
Chiều 30 người mua sắm đón Xuân sang
Còn con mất cả mùa Xuân hy vọng!

Mùng một Tết lên chùa con khấn nguyện
Cầu xin cho hồn mẹ chốn Thiên đàng
Được an bình vui hưởng phúc thanh nhàn
Nơi đất khách con vẫn lòng nhớ Mẹ!


SONG QUANG

ThơTranh: Dõi Mắt Xa Xăm

Mến tặng Người trong tranh

Ảnh chụp: Trương Văn Phú
Thơ &Trình Bày: Kim Oanh


Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

Vội Vàng - Xuân Diệu

Sơ Lược Tiểu Sử Tác Giả: Xuân Diệu



      Tên thật là Ngô Xuân Diệu, sinh ngày 2 tháng 2 năm 1916 tại Tuy Phước, tỉnh Bình Định cũ, nơi cha là Ngô Xuân Thọ vào dạy học và kết duyên với mẹ là Nguyễn Thị Hiệp.
      Xuân Diệu sau ra Hà Nội học, 1938-1940 ông và Huy Cận ở gác 40 Hàng Than. Ông tốt nghiệp kỹ sư canh nông năm 1943. Ông mất ngày 18 tháng 12 năm 1985.
      Xuân Diệu viết nhiều, có khoảng 450 bài thơ. Một số lớn chưa được xuất bản. Tác phẩm tiêu biểu: các tập thơ Thơ thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945), Ngọn quốc kỳ (1945), Một khối hồng(1964), Thanh ca (1982), Tuyển tập Xuân Diệu (1983); truyện ngắn Phấn thông vàng (1939); và nhiều bút ký, tiểu luận, phê bình văn học.
      Xuân Diệu là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới. Ông mang ngọn gió rạo rực, thiết tha, nồng cháy, khao khát yêu thương đến cho thi ca. Thơ Xuân Diệu là "vườn mơn trớn", ca ngợi tình yêu bằng muôn sắc điệu, âm thanh và hương vị trong Thơ thơ, pha lẫn chút vị đắng cay trong Gửi hương cho gió. Nhiều câu nhiều bài chịu ảnh hưởng từ thi ca lãng mạn Pháp.
      Ngay từ buổi đầu bước chân vào làng thơ, Xuân Diệu dường như đã tự chọn cho mình một tôn chỉ: sống để yêu và phụng sự cho Tình yêu! Phụng sự bằng trái tim yêu nồng cháy, bằng cuộc sống say mê và bằng việc hăm hở làm thơ tình! Xuân Diệu ví mình như một con chim bay hay hát: "Tôi réo rắt, chẳng qua Trời bắt vậy".


      (Tặng Vũ Đình Liên)

Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.

Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì 
Này đây lá của cành tơ phơ phất 
Của yến anh này đây khúc tình si.
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi 
Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân. 


Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu đến nữa không phải rằng gặp lại
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt...
Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa? 


Chẳng bao giờ, ôi! chẳng bao giờ nữa... 


Mau đi thôi! mùa chưa ngả chiều hôm, 

Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn:
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

Xuân Diệu
Suối Dâu sưu tầm
* Ảnh phụ bản của Trương Văn Phú

Một Góc Mùa Xuân Vườn Nhà - Miền Đông Melbourne













Nguyễn Đức Tri Ân
Melbourne Xuân Giáp Ngọ 2014