Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

Thơ Tranh: Vui Xuân( Khi Chén Rượu)


Thơ: Mailoc
Trình Bày: Kim Oanh


Pleiku


Lạnh như cắt!
Quả đúng như trong sách vở.
Đầu tiên tôi đặt chân xuống Phi Trường Cù Hanh một chiều đầu Xuân 1970. Gió buốt vào tủy xương.
Dư hương của những ngày Tết còn sót lại. Bên cạnh những quần là áo lụa, những tà áo trắng tinh khôi lẫn đậm màu nhà binh. Ăn mặc đẹp, mọi người người đẹp trên những con đường đầy bụi đỏ, mịt mờ sương.
Không như tôi nghĩ! Chỉ có làng Thượng lớn nằm cạnh một Phi Trường ở Cao Nguyên Gia Lai, bởi chữ Pleiku không giống như tiếng Việt. Một sự nhầm lẫn đầy thú vị của người trẻ miệt vườn phương xa.

Dần dà tôi khám phá ra Pleiku là nơi hội tụ của những tâm hồn sôi nổi, phiêu lưu, hiền thục. Tình người đã thay đổi dần cái lạnh Pleiku theo thời gian.
Không riêng tôi, Pleiku luôn ấm áp mỗi chiều đông cho những ai từng đến ở nơi này.
Tôi yêu Pleiku!


Lê Kim Hiệp
Pleiku 1972

Tình Xuân



Thơ em làm điếng hồn anh
Chữ thơ óng mượt lá xanh nõn nà
Môi cười chúm chím nụ hoa
Ngón tay măng búp thả tà áo bay

Xuân gieo cánh én ruộng mây
Đưa tay anh hái nắng cài tóc em
Nhớ em nắng sớm leo thềm
Gió buông tiếng hát, anh tìm vần thương

Chừng như mây gió lạc đường
Hồn anh lang bạt tìm phương hướng về
Biết làm sao khỏi điên mê
Mắt môi, dáng vóc hẹn thề tình Xuân

Phạm Tương Như

31/01/2014

Nàng Xuân - Phạm Tương Như - Mũ Nâu 11



Thơ: Phạm Tương Như
Nhạc nền: Cánh Bướm Vườn Xuân - Vô Thường.
Trình Bày: Mụ Nâu 11



Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

Câu Đối: Khắp Nơi Vui Xuân Giáp Ngọ 2014 - Kim Phượng


Câu Đối: Kim Phượng
Trình Bày: Kim Oanh

Thoáng




Xâu suốt mười phương là một thoáng
Hoa khai đâu đợi thuở xuân về

Tình bỏ tình đi ừ cứ đi
Đêm qua say khước lỡ xuân thì
Gió chuốc cành hoa mai thả cánh
Nắng xuân lạnh buốt dáng chim di

Đêm qua mê mệt hồi chuông mỏ
Mỏi mòn truy dấu lối người xưa
Chớm ngày bừng mắt - Ô ! Hàm tiếu
Áo lụa vờn hoa xuyên nắng mai

Trương Văn Phú
* Ảnh của tác giả - Vĩnh Long Xuân Giáp Ngọ 2014

Bé Chúc Tết-Nhạc Sĩ Sông Trà-Xuân Mai Ca-Giáp Ngọ 2014

 Bảo Nhi thương.
Bà Oanh thương lì xì Bé Bảo Nhi món quà Tết 2014
Chúc con Một Năm Mới ngoan với Ông Bà và Ba Mẹ
Học giỏi, luôn dễ thương đáng yêu với tất cả người thân.
Thương con
Bà Oanh
* Bé Bảo Nhi là thế hệ thứ ba của CHS Nguyễn Trường Tộ



Sáng Tác: Sông Trà
Tiếng Hát: Xuân Mai
Trình Bày: Kim Oanh

Mùa Xuân Áo Đỏ Em Về



Cám ơn một chút tình khuya đợi
Qua hết đêm mưa ấm gối chờ
Nhắc chuyện trăm năm về một bến
Gom lại đời nhau để hẹn hò

Em biết hồn tôi không cửa nẻo
Tháng giêng người tới tháng mười đi
Nắm chặt bàn tay không giữ nổi
Một nửa đời nhau có nghĩa gì

Đâu những đường quen xanh đá tảng
Ngập ngừng tháng chạp mưa bâng khuâng
Mùa em áo đỏ về trêu phố
Cây sắp hàng khoe lá mới xanh

Chiều biết chờ nhau, nên đứng đợi
Mùa xuân về hẹn quán tương phùng
Mắt xanh cười vỡ đêm trừ tịch
Rượu chắc say lòng bớt nhớ nhung.

Lâm Hảo Khôi


Thơ Tranh: Xuân Tàn



Thơ & Thơ Tranh: Kim Quang

Bàn Về Vấn Đề Nghiệp Quả

      Khái niệm và niềm tin về Nghiệp đã có mặt trong triết học Ấn Độ trước khi Đức Phật ra đời, nhưng chính Đức Phật đã giảng dạy và hoàn chỉnh học thuyết này!
Vì không hiểu nổi sự khác biệt nhau giữa những con người, một Bà la môn trẻ tên là Subha đã đến gặp đức Phật và nhờ Ngài giải thích nguyên nhân của sự bất tương đồng : nguyên nhân và những điều kiện nào mà loài người, có người ưu, người nhược; người hơn , người kém? Có người sống lâu, có người chết trẻ; có người bệnh yếu, có người khoẻ mạnh,; có người đẹp, người xấu; có người có quyền, có người không có quyền; có người nghèo, có người giàu; có người sanh ra hạ tiện, có người sanh ra cao quý; có người ngu, có người khôn?


Đức Phật đã trả lời rằng: "Tất cả chúng sinh đều là chủ nhân của những hành động của mình, là người thừa hưởng của những hành động của mình, chúng sinh khởi sinh (đầu thai) từ những hành động của mình, chúng sinh đều liên quan với những hành động của mình, có những hành động của mình làm nơi nương tựa cho mình. Đó là hành động (nghiệp) làm cho chúng sinh hơn kém khác nhau".
Vậy Nghiệp là gì?
Nghiệp (Kamma hay Karma) có nghĩa gốc là hành động hay sự làm, việc làm. Trong triết học Phật Giáo, Nghiệp dùng để chỉ những hành động cố ý, hành động có ý chí, bao gồm ý nghĩ (tâm), lời nói (miệng) và việc làm (thân).
Nói chung, tất cả những hành động tốt và xấu đều tạo nghiệp. Hay nói cách khác, nghiệp có nghĩa là những "Hành" hay "Tâm Hành" thiện và bất thiện.
Nghiệp không phải là "số phận" hay "định mệnh" đã định trước và được áp đặt lên chúng ta bởi một thế lực hay đấng siêu nhiên bí mật nào. Nghiệp là những hành động của mọi người tương tác tạo ra những nghiệp quả tương ứng. Và vì vậy, một người có thể thay đổi nghiệp hay tiến trình nghiệp của mình bằng những cách khác nhau. Việc chuyển nghiệp được bao nhiêu, nhiều hay ít, đều do nỗ lục bản thân của mỗi người. Vì vậy, chúng ta đều có một số "ý chí" tự do để mà đổi nghiệp, chuyển nghiệp theo mong ước. Quá khứ sẽ tác động đến tương lai nhưng quá khứ không hoàn toàn quyết định hết tương lai, bởi vì Nghiệp đã bao gồm cả những hành động trong quá khứ và cả tương lai!


Chẳng hạn, trong quá khứ ta đã làm nhiều hành động ác xấu, bất thiện, thì chắc chắn theo luật nhân quả (hay nghiệp quả), ta phải nhận hệ quả xấu trong hiện tại và tương lai. (Hiện tại cũng là tương lai của quá khứ).
Nhưng nếu trong hiện tại và tương lai gần, ta đã hối cải, tu tập và thực hiện những hành động tốt, thì chắc chắn theo quy luật nhân quả, ta sẽ nhận lãnh những hệ quả tốt đẹp trong tương lai gần hoặc tương lai. Thế nhưng, những hành động tốt, thiện hiện tại hay tương lai gần này chưa chắc đã có thể chuyển đổi được hết những nghiệp quả ta đã tạo ra trong quá khứ, bởi vì nghiệp quả của ta bị chi phối bởi cả những hành động ở hiện tại, tương lai và cả ở quá khứ!

Một Hành Động (hay Nghiệp) một khi hay ngay khi đã làm, thì đã hình thành Nghiệp. Nghiệp không thể huỷ ngược hay đảo ngược được. Sự hành động là một tiềm năng của nó, đó là hành động không thể tránh được nghiệp quả. Ngay trong một kiếp thôi, ta có thể làm nhiều việc thiện và bất thiện. Vì thế, chắc chắn ta đã tích luỹ rất nhiều Nghiệp!
Như vậy, tất cả những Nghiệp đó được chứa hay tích tụ ở đâu?
Nghiệp không phải được chứa trong cái Thức thoảng hiện, thoảng mất hay trong chỗ nào của thân này! Nghiệp là một tiềm năng cá thể, có thể được chuyển từ kiếp sống này sang kiếp sống khác! Nhưng tuỳ thuộc vào Tâm và Thân, nó chọn chỗ và biểu hiện vào khoảnh khắc nào hợp thời nhất. Chẳng hạn, ta không nói những trái xoài được tích chứa ở đâu trong cây xoài, nhưng tuỳ thuộc vào cây xoài chúng nằm mà đơm trái theo đúng mùa.
Tương tự như vậy, lửa không phải được chứa trong diêm quẹt, nhưng dưới tác động ma sát thích hợp diêm quẹt sẽ tạo ra lửa!
Phải chăng ta nhận lãnh một phần nào đó của tất cả Nghiệp ta đã tạo ra?
Quy luật Nghiệp đã chỉ rõ rằng: ta sẽ gặt thứ ta đã gieo trồng! Có nghĩa là, ta gieo nhân nào gặt quả nấy, thì vẫn có một vấn đề được đặt ra: Nghiệp Quả có thể được sửa đổi hay cải tạo! Điều này có nghĩa là quy luật về Nghiệp và Quả không phải hoạt động cứng nhắc như một cỗ máy, mà cho phép sửa đổi, chỉnh sửa hay cải tạo trong khi tạo Quả. Nói cách khác, Nghiệp không phải là số phận hay định mệnh đã an bài; nhưng cũng không phải có nghĩa là ta chỉ phải nhận lãnh một phần nào đó của tất cả nghiệp mà ta đã tạo ra. Ta có thể giải thích điều này bằng hình ảnh trái bi-a: hướng của trái bi-a có thể được thay đổi hoặc thậm chí bị dừng lại nếu một trái bi-a khác được đánh đến để tác động vào nó theo một góc hay lực thích hợp nào đó theo ý của người chơi!



Cũng như bất kỳ sự kiện vật lý nào, tiến trình Tâm kết thành những hành động tạo Nghiệp không phải tồn tại một cách đơn độc. Vì thế, công năng tạo Nghiệp Quả của một Nghiệp không phải chỉ phụ thuộc vào tiềm năng của những Nghiệp khác! Ta có thể tưởng tượng để thấy rằng, một Nghiệp riêng biệt nào đó -dù là thiện hay bất thiện-, đôi lúc có thể được gia trọng hay được tăng mạnh hơn bởi Nghiệp Hỗ Trợ, hoặc có thể bị giảm thuyên hay bị làm yếu đi bởi Nghiệp Cản Trở, hay thậm chí bị tiêu diệt hay xoá sổ bởi Nghiệp Tiêu Diệt. Tiến trình tạo ra Nghiệp Quả cũng có thể bị chậm lại nếu không đủ Duyên, hay những điều kiện để Quả chín muồi. Và sự chậm trễ này có thể lại tạo cơ hội cho các Nghiệp Cản Trở hay Nghiệp Tiêu Diệt hoạt động can thiệp vào nữa!

Bên cạnh những điều kiện bên ngoài hay Ngoại Duyên, thì bản chất tâm linh của Tâm, là nơi khởi sinh các hành hay hành động Tạo Nghiệp, có thể cũng tác động  vào quá trình xảy ra Nghiệp Quả. Người có nhiều đạo đức hoặc phẩm chất tâm linh tốt, thì một tội lỗi gây ra có thể sẽ không dẫn đến nghiệp quả nặng. Ngược lại, đối với những người thiếu phẩm chất đạo đức và phẩm chất tâm linh, thì một tội lỗi của họ có thể tạo nhanh thành nghiệp quả nặng, bởi vì người này không có những đức hạnh và tâm thiện để bảo vệ mình khỏi nghiệp dữ!
Như vậy, Nghiệp Quả có thể sửa đổi, uốn nắn được! Điều này, đã giải phóng con người thoát khỏi sự suy nghĩ hay ám ảnh về một số phận đã an bày hay chủ nghĩa định mệnh. Và vì thế đã mở ra con đường rộng mở giúp cho ta có thể nỗ lực tu tập để chuyển hướng nghiệp hay sửa nghiệp theo hướng tốt lành hơn!

Hiểu về quy luật của Nghiệp, ta càng phải nên cẩn trọng và chú tâm đối với những hành động, ý nghĩ cũng như lời nói của mình nếu ta mong muốn tích luỹ nghiệp lành! Một khi những hành động, ý nghĩ, lời nói được cẩn trọng, ắt hẳn sẽ tiếp tục lập đi, lập lại và càng tích luỹ thêm vể nghiệp lành. Tránh những hành động (tức nghiệp) bất thiện, bỏ những ác hành, tà hành.


Lời khuyên dạy của Đức Phật trong kinh Pháp Cú (Dhammapada) đã tóm tắt những bài học cần được rút ra bằng hành động sau khi đã hiểu được ý nghĩa của Nghiệp Quả, đó là:
Chớ khinh suất điều ác, nói: "Nó không đến mình"
Ngay cả từng giọt nhỏ, nhỏ lâu cũng đầy bình
Đừng như kẻ ngu dại, tích dần từng "giọt" ác,
đến khi ác đầy mình.
(Bài kệ 121)

Chớ khinh suất điều thiện, nói: "Nó không đến mình"
Ngay cả từng giọt nhỏ, nhỏ lâu cũng đầy bình
Do vậy người có trí, tích cóp từng "giọt" thiện,
đến khi thiện đầy bình.
(Bài kệ 212)


27/1/2014
Hà Nguyên

Xuân Đã Quay Về


Nửa đêm về sáng mưa bay
Nằm nghe tiếng dế than dài nỉ non
Bâng khuâng chớm nhẹ vào hồn
Giọt mưa như những giọt buồn đắng cay.

Bên ngoài gió cuốn lạc loài
Bên trong mong bóng nắng dài hoàng hôn
Mưa đêm xé bóng chiều hôm
Mưa về bảng lảng hoa thơm kiếm tìm.

Mơ về xa vắng con tim
Nằm im nghe mõi cánh chim từng ngày
Xòe tay che vết thương đầy
Đời trai hứng chịu đọa đày dĩ nhiên.

Trăm năm một kiếp ưu phiền
Bạn cùng tôi bước về miền khổ đau
Tuổi hồn nhiên cũ còn đâu
Trầm luân một kiếp bể sầu thênh thang.

Nắng lên ngày mới vừa sang
Tiếng ai nhịp bước lan man bên hè
Mùa Xuân nay đã quay về
Mà nghe tâm trạng lê thê nỗi buồn.

Dương Hồng Thủy


Một Nét Xuân


 
Dịu dàng trông nắng trải ngoài hiên
Thanh thản lòng vui gạt nỗi phiền
Chúm chím hồng nhung chào trước ngõ
Vàng ươm mai thắm nụ đầu tiên

Lan huệ tinh tươm xòe đón tết
Bay in lên áo trẻ ngoan hiền
Mớ ba, mớ bảy hàng chen chợ
Tươi rói mắt cười nở nét duyên

Đầy đặn ông bà mâm ngũ quả
Khói hương vương vấn nghĩa xa gần
Trăm thương nghìn nhớ tình đông lạnh
Rạng rỡ trong ngần – một nét xuân


Hương Ngọc
(Cuối tháng chạp 2013)

Mẹ ơi! Xuân Này Con Chưa Về…



Thêm một mùa xuân nữa
Con chưa về thăm mẹ
Đất khách buồn, ngồi vọng tưởng cố hương
Nhang khói lạnh chiều 30 Tết
Vì chiều nay con cũng phải lên đường
Lo sinh kế cho chuỗi ngày buồn tẻ.

Con không quên những ngày xuân đất mẹ
Cây mai vàng nở rộ trước sân nhà
Cha khéo cắt từng cành, từng nhánh đẹp
Chưng vào bình để cúng lạy ông bà
Me lăng xăng chạy lo nồi bánh tét
Để kịp giờ cùng làm lễ với cha.

Chiều 30 Tết, cháu con tề tựu
Vang tiếng cười, sau lễ rước ông bà
Hình ảnh đó, ngày nay con không có
Chỉ mơ về đất mẹ bể bờ xa
Ngồi vọng tưởng, rồi buồn nơi xứ lạ
Đón xuân về, chỉ có một mình con

Nhớ quá đi thôi, những tiếng cười giòn
Của con cháu xum xoe màu áo mới
Đã mất đi, ba mươi chín năm rồi
Con buồn…Buồn quá! Mẹ Việt Nam ơi!

Song An Châu
GA, Chiều Xuân viễn xứ Giáp Ngọ- 2014



Thơ Tranh: Sợi Nắng


Thơ: Mặc Thái Thủy
Thơ Tranh: Kim Oanh

Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

Còn Đó Xuân Xưa

      Dòng sông Cổ Chiên lặng lờ, mênh mông... Từng mảng lục bình trôi rời rạc, cô đơn. Ánh sáng của buổi chiều tàn vàng vọt, chiếu xuống mặt sông lấp lánh...  Tôi đã ngồi đây từ lâu lắm rồi. Bên cạnh Ánh vẫn im lìm, gục đầu. Thỉnh thoảng tôi nghe nàng chợt buông tiếng thở dài... Tôi biết nàng buồn lắm và tôi cũng không biết lời lẽ nào để an ủi nàng.  Sự việc đã đến với chúng tôi một cách quá đột ngột, quá bất chợt, ngoài sự tưởng tượng.
       Mái tóc tơ óng mượt hững hờ chảy dài xuống quá nửa chiếc lưng thon đã che khuất một phần bờ vai bé bỏng của nàng. Đôi vai chợt run lên từng đợt.  Ánh đã khóc... Khóc nghẹn ngào, tức tưởi... Nàng khóc cho môt cuộc tình ngang trái.


      Tôi và Ánh cùng học chung trường, nhưng tôi hơn nàng bốn lớp. Do đó tôi biết Ánh từ những ngày cô bé còn thắt bím.  Nàng đã được những người bạn cùng lớp gọi nàng bằng một cái tên dễ yêu là “Nữ Hoàng Chân Không”.  Sở dĩ nàng có tên ấy vì sau giờ học, khi về đến nhà, nàng thường đi chân đất, ít khi thấy nàng mang dép. Nàng có đôi bàn chân đẹp vô cùng. Vì thế đôi lúc tôi thường nói đùa:
      -  Ánh, anh tội nghiệp đôi bàn chân của em quá chừng.
      Ánh mỉm cười và hỏi lại tôi:
      -  Tại sao anh lại tôi nghiệp nó?
      -  Vì anh yêu đôi bàn chân của em như anh yêu em vậy.
      Những lúc ấy thường thường tôi phải chịu một cái véo nên thân.  Mặc dù tôi nói đùa với Ánh như thế, nhưng thật ra tôi rất thích nhìn nàng đi chân đất.  Những lúc ấy tôi thấy nàng bình dị, ngây thơ và dễ yêu vô cùng.  Có lẽ chính nhờ đặc điểm nầy mà tôi yêu nàng.  Tình yêu đó tôi đã lặng lẽ, âm thầm giấu kín. Mãi cho đến khi tôi vào học lớp Sư phạm, tôi mới dám thổ lộ cùng nàng.

      Hôm ấy, cũng vào một chiều cuối tuần, chúng tôi cùng đi dạo bên bờ sông Cỗ Chiên. Nàng đang cười đùa, trò chuyện bên tôi thật là vô tư, cho nên đã nhiều lần tôi muốn nói cho nàng biết là tôi yêu nàng, thế mà tôi đã phải ngập ngừng không dám.  Tôi sợ khi nàng biết thì sự vô tư của nàng không còn nữa.  Và biết đâu nàng sẽ không còn đến bên tôi.  Biết đâu tôi sẽ mất nàng vĩnh viễn... Còn nếu không nói với nàng thì biết đến bao giờ? Cuối năm nay tôi sẽ ra trường.  Tôi sẽ đi dạy học và với số tiền tôi kiếm được lúc đó cũng đủ cho một gia đình ấm cúng.  Tôi vẫn có thể lo cho nàng tiếp tục đi học. Cuối cùng rồi tôi cũng đánh bạo nói với nàng.
       Tôi không làm sao quên được ánh mắt của nàng lúc đó. Trong ánh mắt có chút gì thẹn thùng, chút gì sung sướng, cũng có chút gì e dè.  Bàn tay nàng run rẩy trong tay tôi...  Qua một phút bàng hoàng, nàng đã tựa đầu vào ngực tôi thỏ thẻ:
      -  Anh đừng gạt em nhé anh!
      Ánh ơi!  Anh làm sao gạt em được.  Anh đã yêu em từ lâu rồi mà.  Tất cả mọi việc làm, mọi ý nghĩ của anh đều là cho em.  Anh chỉ sợ một điều là phải mất em mà thôi.
      Tôi gật đầu và nhẹ hôn lên mái tóc nàng.  Mùi hương mái tóc thoang thoảng làm tôi ngây ngất và cho đến giờ phút nầy tôi vẫn còn nhớ mãi.


      Từ ngày hôm ấy, mỗi lần gặp tôi Ánh tỏ ra dè dặt hơn, khôn lớn hơn.  Nàng bây giờ thật sự là một cô gái biết yêu và có người yêu; chứ không còn là một cô bé liến thoắng, vô tư như ngày xưa nữa.  Có những lúc tôi bắt gặp trong đôi mắt nàng một chút đăm chiêu, mơ mộng.  Chúng tôi đã cùng nhau hoạch định một tương lai. Tôi dự trù là sau khi đi dạy một năm, tôi sẽ dành dụm tiền và xin cưới nàng.  Ánh cũng đồng ý với tôi điều nầy.  Chúng tôi muốn sống tự lập, không nhờ vả vào gia đình, vì cả hai gia đình chúng tôi đều không phải là gia đình khá giả.
      Những tưởng cuộc tình sẽ mãi mãi êm trôi.  Thế nhưng một biến cố đã đến.  Mẹ Ánh đã gọi Ánh trở về Sài Gòn trong dịp Hè nầy và sẽ không trở lại đây trong niên học tới nữa.  Từ nhỏ Ánh đã ở đây với bà nội, còn ba mẹ Ánh sống tại Sài Gòn.  Ba Ánh là một công chức ở đó.

      Ánh vẫn tiếp tục khóc.  Tôi thì chết lặng, thẩn thờ.  Tất cả những ước mơ đều sụp đỗ.  Tôi không biết phải nói gì với Ánh.  Ánh về lần nầy là để vu quy.  Ba mẹ Ánh đã hứa hôn Ánh với con một người bạn và bây giờ gia đình ấy đã đến nhắc và xin cưới Ánh.  Chính Ánh cũng không biết điều nầy.  Cãi lời cha mẹ thì Ánh không dám vì Ánh là một đứa con hiếu thảo và rất yêu cha mẹ.
      -  Ánh, đừng khóc nữa em.  Tất cả đều là định mệnh.  Dù sao bây giờ anh cũng là kẻ đến sau.  Yêu em nhưng anh cũng không muốn ba mẹ phải thất hứa với người ta.  Anh không muốn người đời chê trách em là đứa con bất hiếu.  Đời đã khắc khe với anh quá.  Vừa bước chân ra đời anh đã chịu một thất bại quá chua cay.  Anh cám ơn em thật nhiều đã cho anh những ngày hạnh phúc.  Em giúp cho anh hiểu thế nào là tình yêu và sự hy sinh.  Và anh chấp nhận hy sinh, miễn sau nầy em được hạnh phúc.
      Ánh ơi, năm tháng sẽ phôi phai nỗi nhớ.  Rồi em sẽ quen dần với cuộc tình mới vì trách nhiệm của người vợ, người mẹ sẽ ràng buộc em, sẽ giúp em quên lãng...

      Buổi chiều xuống chầm chậm...  Ánh nắng đã tắt tự bao giờ.  Dòng sông bao phủ đầy bóng tối mênh mông như nỗi mênh mông, hoang vắng trong lòng tôi.  Tiếng côn trùng bắt đầu vang vang từ những bụi cỏ bên bờ sông thành một điệu nhạc thê lương muôn thuở.  Tôi nhẹ nhàng lau nước mắt cho Ánh và dìu nàng trở về.  Chúng tôi đi im lặng bên nhau suốt quãng đường đó.  Chúng  tôi  biết  rằng rồi đây sẽ xa nhau mãi  mãi nên không ai muốn phá vỡ những giờ phút bên nhau ngắn ngủi nầy.  Tôi đã hôn tóc nàng giả biệt.  Tôi quay người đi thật nhanh vì sợ rằng nếu tôi còn chần chờ ở đó  có lẽ tôi sẽ bật khóc.  Biết rằng khóc đối với một người con trai như tôi là một điều hèn nhưng chắc chắn tôi sẽ không giữ được lòng mình.  Nỗi đau nầy to lớn quá!
       Những ngày sau đó, chúng tôi vẫn tìm đến bên nhau nhưng chúng tôi cũng đồng ý là không nhắc đến chuyện đó nữa.  Chúng tôi muốn được sống trọn vẹn cho những ngày còn lại.  Dù thế nhưng không còn được như xưa.  Giữa chúng tôi tự dưng đã có một cái gì ngăn cách.
      Ngày Ánh lên xe về Sài Gòn, tôi là người duy nhất tiễn nàng.  Tôi biết lần ra đi nầy là lần cách ngăn vĩnh viễn.  Tôi đã thật sự mất Ánh rồi đó.  Tôi đã trách mình với vòng tay quá bé nhỏ không đủ sức để giữ lại người mình yêu.  Cánh chim trời đã bắt đầu vượt tầng không, bao giờ mới có ngày quay trở lại?  Tôi chết lặng nhìn theo chiếc xe chở khách cho đến khi khuất hẳn.  Tôi mường tượng như nghe đâu đây có tiếng hát của Minh Hiếu vang vang:” Lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế...”.

      Tôi thẫn thờ quay bước trở về nhà.  Bây giờ tôi thật sự cảm thấy mình bị mất mát một cái gì to lớn quá.
      -  Ánh ơi, anh đang nghe từng bước chân cô độc của mình.  Bây giờ không còn tiếng bước chân em.  Anh nhớ em vô cùng...  Trong cuộc tình nầy anh là kẻ chiến bại.  Kẻ chiến bại không có quyền đòi hỏi, không có quyền van xin một điều gì phải không em?  Biết thế mà sao anh vẫn yêu em, vẫn đau khổ vì em!

      Thế rồi mùa Hè ấy đã lặng lẽ trôi qua.  Tôi được bổ nhiệm về dạy học ở một ngôi trường làng hẻo lánh.  Công việc dạy học bề bộn cũng giúp cho tôi phôi pha được một phần nào nỗi nhớ.  Nhưng đêm về, những lúc một mình trong căn nhà trọ là lúc tôi nhớ Ánh thật nhiều.  Tôi muốn cố quên mà không sao quên được.  Hình ảnh Ánh đã sâu đậm trong tâm trí tôi quá nhiều rồi.
       Một hôm tôi nhận được thư Ánh...  Cầm lá thư trên tay, tôi bàng hoàng xúc động.  Những nét chữ nầy thân thương quá.  Trong thư Ánh chỉ viết vỏn vẹn có mấy hàng:“ Anh, Ánh đã khổ quá anh ơi!  Làm thế nào anh cũng phải lên thăm Ánh ngay nhé anh”.
      Ánh ơi, anh cũng đang khổ đây.  Nỗi đau hằng đêm vẫn gặm nhấm tâm hồn anh, vẫn dằn vặt anh.  Anh không biết còn chịu đựng được bao lâu nữa.  Không biết anh sẽ gục xuống vào những ngày tháng bất chợt nào đây, Ánh ơi!  Ánh ơi!    
      Tôi không thể không đến thăm Ánh.  Ánh đang đau khổ và Ánh đang cần đến tôi.  Cuối cùng tôi đã đến với Ánh.  Khi gặp tôi, Ánh chỉ nói được:
            -  Em khổ quá anh ơi!
      Rồi nàng bật khóc nức nở.  Tôi chết lặng và cố giằng lòng để khỏi phải khóc với nàng.  Tôi cố làm ra vẻ bình thảng lau nước mắt cho Ánh và nhìn thật lâu vào đôi mắt ấy.
       -  Nín đi em.  Có gì từ từ kể cho anh nghe.
      Ánh lại càng nức nở hơn.  Lúc ấy mẹ Ánh đi chợ về đến.  Tôi quay lại, đứng lên chào bà:
      -  Thưa bác, con mới đến.
      -  Con ngồi đó chơi.  Má sẽ nói với con điều nầy.
Tôi ngồi xuống ghế và Ánh ngồi kế bên tôi.  Nàng vẫn còn sụt sùi.  Má Ánh trở ra ngồi đối diện với tôi.  Bà nói:       
      -  Thất sự má không biết xử trí ra sao.  Ba má biết hai con thương nhau lắm, nhưng ba má đã lỡ hứa với người ta từ ngày con Ánh còn nhỏ.  Bây giờ ba má làm sao nuốt lời cho được.  Bà tiếp:
            -  Con ạ, con Ánh nó thương con lắm.  Con đừng trách nó.  Má mong rằng sau nầy thỉnh thoảng con đến thăm nó kẻo tội nghiệp nó nhé con.

      “Má ơi, con cám ơn má thật nhiều.  Má thương con, má thương Ánh, nhưng con biết má gặp phải một điều khó xử.  Trong cuộc tình nầy con đã chấp nhận hy sinh và con sẽ hy sinh cho trọn.  Con yêu Ánh và con không bao giờ muốn mất Ánh.  Nhưng sự việc đã an bài rồi phải không má?  Con sẽ không bao giờ gặp Ánh nữa.  Vì gặp lại con chỉ làm cho Ánh đau khổ thêm mà thôi.  Ánh sẽ không bao giờ quên được nhũng kỷ niệm của chúng con.  Ánh sẽ không sống trọn vẹn được cho chồng mình.  Gia đình Ánh sẽ mất hạnh phúc.  Đó là điều con không bao giờ muốn.  Con hy vọng rằng thời gian và bổn phận sẽ làm cho Ánh dần dần quên hẳn con đi.  Má ơi, tha thứ cho con.  Con sẽ không làm theo yêu cầu của má được”.

      Sau nầy, tôi có lần bất chợt gặp lại Ánh.  Lúc ấy nàng đã có con. Vừa thấy nàng tôi đã vội lánh mặt.  Tôi không để cho nàng thấy tôi. Tôi không muốn có một cơn lốc nhỏ nào khuấy động cuộc sống yên vui hiện tại của nàng.  Tôi đã lén nhìn theo nàng.  Cũng mái tóc ấy, cũng bờ vai ấy, cũng dáng đi nhẹ nhàng ấy...  Tất cả những thân thương ngày cũ vẫn còn hiển hiện tại đây.  Tôi nghe lòng mình chùng xuống trong một nỗi đau sâu đậm.
      “Ánh ơi, anh vẫn còn yêu em.  Một tình yêu dạt dào nỗi nhớ. Bây giờ anh đang làm thân lưu lãng, phiêu bạt xứ người.  Dù xa em gần ba mươi năm rồi đó, anh vẫn còn nhớ đến em.  Mảnh xuân xưa vẫn còn đồng vọng trong anh.  Anh viết những dòng chữ nầy cho em.  Em đang ở phương trời nào đó có nghe được những lời nầy không?  Có một người yêu em, yêu em mãi mãi...”.

Hoa Kỳ - Mùa Đông 1987       
Mặc Thái Thủy     

Dáng Ngọc




Em chợt đến như loài chim buổi sáng
Hót trên giàn thiên lý gọi tri âm
Như sương mai lấp lánh đọng trên cành
Gió đồng nội thơm kỳ hoa dị thảo

Sóng chẳng động nhưng lòng sao lảo đảo
Rượu bồ đào không uống thế mà say
Mây trên ngàn bàng bạc áo bay bay
Anh nghe nắng rộn ràng trên dáng ngọc

Gió lay động tơ lòng trên suối tóc
Nhớ hôm nào Lưu Nguyễn lạc đường mê
Mơ hôm nao em đến sẽ quên về
Đêm dìu dịu trăng vàng rơi trên lá

Bởi tôi yêu nên em hồng đôi má
Vì má hồng mà tôi đã thêm yêu
Yêu vóc liễu dịu dàng êm như lụa
Bởi tôi yêu em đậm nét mỹ miều

Lê Kim Thành
1969



Câu Đối: Tục Lệ Mừng Xuân 2014 - Thái Hanh


Câu Đối: Tháí Hanh
Trình Bày: Kim Oanh

Tôi Trở Về Đây



Tôi trở về đây, thăm phố xưa
Một thời mơ mộng kể sao vừa
Có con trăng nhỏ trên cành lá
Soi sáng con đường, gió thổi đưa

Tôi trở về đây, bước vẩn vơ
Lượm từng con chữ những ngày thơ
Trải dài theo ngõ thân thương cũ
Để gởi về EM một chút mơ

Tôi trở về đây, nhặt nụ cười
Ngày xưa EM giấu khắp nơi nơi
Nâng niu đếm lại từng si dại
Cứ ngỡ xuân hồng đã ghé chơi

Tôi trở về đây, kẻ tội đồ
Nợ EM ngày tháng lạnh môi khô
Hoa Xuân chớm nụ mừng ngày mới
Đan lại tình hồng luôn điểm tô

Hoàng Dũng

Xuân Lỗi Hẹn



(Từ Tôi Trở Về Đây - Hoàng Dũng)

Tô lại môi son đón mùa về
Nghe lòng rung động chút si mê
Xuân không rộn rã xuân héo hắt
Cúi mặt ngậm ngùi tắt nụ tươi

Tưới mát cho hoa nở nụ cười
Gió mùa hương gửi đến người vui
Thấp ngọn lửa tình … nhưng tàn lụi
Xuân xưa lỗi hẹn… Nhớ khôn nguôi

“ Cứ ngỡ xuân hồng đã ghé chơi” *
Xuân không về nữa hết một thời
Nụ tầm xuân chết trong ngày mới
Xoá dấu môi nồng... bởi giọt rơi…..!!!

Kim Oanh

 * Thơ Hoàng Dũng

Thơ Tranh: Giấc Xuân


Thơ: Phạm Tương Như
Thơ Tranh: Kim Oanh

Êm Mộng Tình Xuân



Giấc đêm mơ thật tuyệt vời
Rừng mai rộ nở xuân tươi đang chờ
Nắng xuân dìu dịu nhung tơ
Vẳng trong gió nhẹ em thơ reo cười...!

Hoa hồng nở dấu bước đời
Mây về che kín một thời rong rêu
Khổ đau, buồn tủi ... đã nhiều
May đời đền trả em yêu dịu dàng

Gió xuân nhè nhẹ chuyển sang
Lời em ướp mật đầy tràn men say
Nhìn xuân, thương lắm thương ai?
Trong mơ tơ tưởng nhớ hoài em yêu

Tình xuân rồi sẽ cưng chiều
Trọn duyên chồng vợ thật nhiều thiết tha
Ái ân tình nghĩa đậm đà
Vòng tay thật ấm, thân ngà liêu trai ...

Thy Lan Thảo
( Dấu ái gởi Cọp Gấm)


Sinh Hoạt Của Người Dân Vĩnh Long Năm 2014




















Trương Văn Phú
Vĩnh Long 2014

Xin Đừng Trách Xuân


       (Từ Xuân Lỗi Hẹn của Kim Oanh)

Xin đừng trách năm nầy Xuân lỗi hẹn
Để môi hồng thôi nhoẻn nụ cười tươi
Kẻo chị Hằng tiu nghỉu giữa cung trời
Đang chiếu sáng cho trần gian an lạc

Xin đừng trách năm nầy Xuân đổi khác
Vẫn là Xuân rất mộc mạc chân tình
Với nắng hồng cho mỗi sáng đẹp xinh
Đầy nhựa sống cho từng ngày rạng rỡ

Xuân đang đến, cho muôn hoa rộn nở
Ướp tình người đang rộng mở thân thương
Để cho đời còn đó những tơ vương
Nương cuộc sống quê người nhiều khắc khoải

Xuân còn đó cho người gần nhau mãi
Kiếp lưu đày ta còn lại chút mơ
Để từng ngày dấu ái quyện trong thơ
Hòa nhịp sống ta cùng mừng Xuân mới ...

Hoàng Dũng



Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

Chạm Khắc Ngựa Từ Gỗ Trôi Trên Biển Để Mừng Năm Mới

     Những thanh gỗ trôi dạt trên bãi biển đã biến thành những chú ngựa sống động dưới bàn tay của nghệ nhân người Anh - James Doran Webb.
     Tận dụng những khúc gỗ trôi nổi trên biển, nghệ nhân người Anh - James Doran Webb đã chạm khắc thành những chú ngựa với hình dáng cực kỳ sống động nhằm mục đích mừng Tết âm lịch cho các nước châu Á. 
     Những tác phẩm này được James Doran thực hiện trong vòng 6 tháng. Mỗi chú ngựa đều được làm khung bằng thép, sau đó, được đắp gỗ hoặc các thanh củi trôi nổi trên biển để hoàn thiện phần hình dáng bên ngoài. Được biết, mỗi chú ngựa này trung bình đều nặng 500kg với chiều cao 1,8m. Đây được xem là món quà ý nghĩa cho năm Ngọ sắp tới của các nước châu Á.


Những chú ngựa này được làm từ khung thép, phần "thịt" được đắp bằng những thân gỗ nổi trôi trên biển

       Trông chúng chẳng khác gì những chú ngựa trong đời thực bởi mức độ sống động, chân thực
Những chú ngựa này còn có nhiều tư thế hoạt động y như thật

James Doran Webb
Mặc Thái Thủy - Sưu tầm

Quang Trung Đại Đế

(Mùng 5 Tết quân ta đánh đồn Ngọc Hồi)


      Theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám được viết thời vua Tự Đức, liệt anh em Tây Sơn vào loại giặc phản nghịch, Và cho rằng Nguyễn Huệ là kẻ hung tàn, giảo hoạt... ?
      Nhưng là Người Việt, Tất cả chúng ta không ai là không biết chiếu công hiển hách của Quang Trung Nguyễn Huệ. Nhân ngày đầu xuân, chúng ta cùng ôn lại chiến thắng của vua Quang Trung.

1. NHÀ NGUYỄN TÂY-SƠN DẤY NGHIỆP 
      Những người làm quốc-sử nước Tàu và nước ta thường chia những nhà làm vua ra chính-thống và ngụy-triều. Nhà nào, một là đánh giặc mở nước, sáng-tạo ra cơ-nghiệp, hai là được kế truyền phân-minh, thần dân đều phục, ba là dẹp loạn yên dân, dựng nghiệp ở đất trung-nguyên, thì cho là chính-thống. Nhà nào, một là làm tôi cướp ngôi vua, làm sự thoán-đoạt không thành, hai là xưng đế, xưng vương ở chỗ rừng núi, hay là ở đất biên-địa, bà là những người ngoại chủng vào chiếm nước làm vua, thì cho là ngụy-triều.
      Vậy nay lấy những lẽ ấy mà xét xem nên cho nhà Nguyễn Tây-sơn làm chính-thống hay là ngụy-triều, để cho hợp lẽ công-bằng và cho xứng cái danh-hiệu những người anh hùng đã qua.
      Nguyên nước ta là nước quân-chủ, lấy cái nghĩa vua tôi làm trọng hơn cả, thế mà từ khi nhà Lê trung-hưng lên trở về sau, họ Nguyễn hùng cứ phương Nam, họ Trịnh xưng chúa miền Bắc ; trên tuy còn tôn vua, nhưng mà quyền về cả nhà chúa. Trong nước ta đã có vua lại có chúa, làm thành ra vua không phải là vua, tôi không phải là tôi, ấy là một thời loạn. Đến sau ở trong Nam thì có Trương phúc Loan chuyên quyền làm bậy, ở ngoài Bắc thì có kiêu-binh làm loạn, giết hại quan đại-thần, vua chúa phải nhún mình mà chiều-đãi, đình-thần phải khoanh tay mà chịu một bề, ấy lại là một lúc đại loạn vậy.

      Lúc ấy anh em Nguyễn Nhạc là người dân mặc áo vải, dấy binh ở ấp Tây-sơn, chống nhau với chúa Nguyễn để lập nghiệp ở đất Qui-nhơn. Tuy rằng đối với họ Nguyễn là cừu-địch, nhưng mà đối với nước Nam, thì chẳng qua cũng là một người anh hùng lập thân trong lúc biến-loạn đó mà thôi.
Còn như Nguyễn Huệ là vua Thái-tổ nhà Nguyễn Tây-sơn, thì trước giúp anh bốn lần vào đánh đất Gia-định đều được toàn thắng, phá hai vạn quân hùm beo của Tiêm-la, chỉ còn được mấy trăm người lủi-thủi chạy về nước ; sau lại ra Bắc-hà, dứt họ Trịnh, tôn vua Lê, đem lại mối cương-thường cho rõ-ràng. Ấy là đã có sức-mạnh mà lại biết làm việc nghĩa vậy.
      Nhưng vì vua nhà Lê nhu-nhược, triều-thần lúc bấy giờ không ai có tài kinh-luân, lại để cho Trịnh Bồng và Nguyễn hữu Chỉnh nối nhau mà chuyên quyền, đến nỗi thành ra tán-loạn. Dẫu thế mặc lòng, khi Nguyễn Huệ giết Vũ văn Nhậm rồi, không nỡ dứt nhà Lê, đặt Giám-quốc để giữ tông-miếu tiền triều ; như thế thì cách ở với nhà Lê không lấy gì làm bạc.
      Sau vua Chiêu-thống và bà Hoàng-thái-hậu đi sang kêu cầu bên Tàu, vua nhà Thanh nhân lấy dịp ấy mượn tiếng cứu nhà Lê, để lấy nước Nam, bèn sai binh-tướng sang giữ thành Thăng-long. Bấy giờ cứ theo như tờ mật-dụ của vua nhà Thanh, thì nước Nam ta, bề ngoài tuy chưa mất hẳn, nhưng kỳ thật đã vào tay người Tàu rồi.
      Vậy nước đã mất, thì phải lấy nước lại, ông Nguyễn Huệ mới lên ngôi Hoàng-đế, truyền hịch đi các nơi, đường đường, chính chính, đem quân ra đánh một trận phá 20 vạn quân Tàu, tướng nhà Thanh là Tôn sĩ Nghị phải bỏ cả ấn-tín mà chạy, làm cho vua tôi nước Tàu khiếp-sợ, tướng-sĩ nhà Thanh thất đảm. Tưởng từ xưa đến nay nước ta chưa có võ-công nào lẫm-liệt như vậy.
Vả đánh đuổi người Tàu đi lấy nước lại mà làm vua thì có điều gì mà trái đạo ? Há lại chẳng hơn nhà Lý, nhà Trần nhân lúc ấu-quân, nữ chúa, mà làm sự thoán-đoạt hay sao ? Vậy thì lấy lẽ gì mà gọi là ngụy ? Huống chi sau vua nhà Thanh cũng công-nhận cho ông Nguyễn Huệ làm vua nước Nam, và lại sai sứ sang phong cho ông làm An-nam quốc-vương theo như lệ các triều trước, như thế thì nhà Nguyễn Tây-sơn mở nước có khác gì nhà Đinh và nhà Lê không ?
      Tuy rằng chẳng được bao lâu nhà Nguyễn Tây-sơn sinh ra nội loạn, vua Thế-tổ Cao-hoàng nhà Nguyễn lại thu-phục được cơ-nghiệp cũ mà nhất-thống cả nam bắc lại làm một, nhưng việc thành-bại hưng-vong là mệnh trời, vả lại khi hai người anh-hùng đuổi một con hươu, tất là người nọ gọi người kia là cừu-địch. Vậy lấy lẽ tôn bản-triều mà xét thì nhà Nguyễn Tây-sơn là ngụy, mà lấy công-lý mà suy thì vua Quang-trung Nguyễn Huệ là một ông vua cùng đứng ngang vai với vua Đinh Tiên-hoàng, vua Lê Thái-tổ, mà nhà Nguyễn Tây-sơn cũng là một nhà chính-thống như nhà Đinh và nhà Lê vậy.


2. VUA QUANG-TRUNG ( 1788 - 1792 ). 
      Ông Nguyễn Huệ 阮 惠 ( sau đổi tên là Nguyễn quang Bình 阮 光 平 ) là một người có sức khỏe tuyệt trần, lại có mưu-trí quyền-biến, mẹo-mực như thần, khởi binh ở đất Tây-sơn (thuộc huyện An-khê, Bình-định) giúp anh là Nguyễn Nhạc lập nên nghiệp lớn, được phong làm Bắc-bình-vương, đóng đô ở đất Phú-xuân.
Năm mậu-thân ( 1788 ) quân nhà Thanh mượn tiếng sang cứu nhà Lê, chiếm giữ thành Thăng-long, có ý muốn lấy đất An-nam, Bắc-bình-vương lên ngôi Hoàng-đế đặt niên-hiệu là Quang-trung 光 中, rồi đem binh đi đánh giặc.

3. TÔN SĨ NGHỊ ĐEM QUÂN SANG AN-NAM. 
      Nguyên vua Chiêu-thống 昭 統 đã mấy lần toan sự khôi-phục, nhưng không được, phải nương-náu ở đất Lạng-giang ; còn bà Hoàng-thái-hậu thì đem hoàng-tử sang Long-châu kêu van với quan Tàu, xin binh cứu-viện. Bấy giờ quan tổng-đốc Lưỡng Quảng là Tôn sĩ Nghị 孫 士 毅 dâng biểu tâu với vua Càn-long nhà Thanh, đại-lược nói rằng : « Họ Lê là cống thần nước Tàu, nay bị giặc lấy mất nước, mẹ và vợ Tự-quân sang cầu-cứu, tình cũng nên thương. Vả nước Nam vốn là đất cũ của nước Tàu, nếu sau khi cứu được nhà Lê, và lại lấy được đất An-nam, thực là lợi cả đôi đường ».
      Vua Càn-Long nghe lời tâu ấy sai Tôn sĩ Nghị khởi quân bốn tỉnh Quảng-đông, Quảng-tây, Quí-châu, Vân-nam, đem sang đánh Tây-sơn. Tôn sĩ Nghị chia quân ra làm 3 đạo, sai quan tổng-binh tỉnh Vân-nam và Quí-châu đem một đạo sang mạn Tuyên-quang, sai Sầm nghi Đống 岑 宜 棟 là tri-phủ Điền-châu đem một đạo sang mạn Cao-bằng. Sĩ Nghị cùng với đề-đốc là Hứa thế Hanh 許 世 亨 đem một đạo sang mạn Lạng-sơn, hẹn ngày tiến binh sang đánh An-nam.
      Tướng Tây-sơn là Ngô văn Sở ở Thăng-long được tin quân Tàu đã sang, sợ thế yếu đánh không nổi, bèn rút quân thủy-bộ về đóng giữ từ núi Tam-điệp ra đến bờ bể, rồi sai người về Phú-xuân cáo cấp.
Tôn sĩ Nghị kéo quân đến Kinh-bắc ( Bắc-ninh ), vua Chiêu-thống ra chào mừng rồi theo quân Tàu về Thăng-long. Sĩ Nghị đóng đồn ở giữa bãi, về mé nam sông Nhị-hà, bắc cầu phao ở giữa sông để tiện đi lại, và chia quân ra đóng giữ các mặt.
      Ngày hôm sau, Sĩ Nghị là lễ tuyên-độc tờ sắc của vua nhà Thanh phong cho vua Chiêu-thống làm An-nam quốc-vương.
      Vua Chiêu-thống tuy đã thụ phong, nhưng các tờ văn thư đều phải đề niên-hiệu Càn-long. Mỗi khi buổi chầu xong rồi, lại đến dinh Sĩ Nghị để chầu-chực việc cơ-mật quân-quốc. Vua cưỡi ngựa đi với độ mười người lính hầu mà thôi. Sĩ Nghị thì ngạo-nghễ tự-đắc, ý-tứ xử với vua rất là khinh-bạc ; có khi vua Chiêu-thống lại hầu, không cho vào yết-kiến, chỉ sai một người đứng dưới gác chiêng truyền ra rằng : không có việc quân-quốc gì, xin ngài hãy về cung nghỉ.
      Người bấy giờ bàn riêng với nhau rằng : « Nước Nam ta từ khi có đế-vương đến giờ, không thấy vua nào hèn-hạ đến thế. Tiếng là làm vua mà phải theo niên-hiệu vua Tàu, việc gì cũng phải bẩm đến quan Tổng-đốc, thế thì có khác gì đã là nội-thuộc rồi không ? ».
Vua và triều-thần bấy giờ việc gì cũng trông-cậy vào Tôn sĩ Nghị ; ngày đêm chỉ lo việc báo ân báo oán, giết hại những người trước đã đi theo Tây-sơn. Tôn sĩ Nghị thì càng ngày càng kiêu-ngạo thêm, coi việc binh làm thường, lại thả quân-lính ra cướp-phá dân-gian, làm lắm sự nhũng-nhiễu. Vì thế cho nên lòng người mất cả trông cậy.


4. VUA QUANG TRUNG ĐẠI PHÁ QUÂN NHÀ THANH. 
      Bắc-bình-vương được tin quân nhà Thanh đã sang đóng ở Thăng-long, lập tức hội các tướng-sĩ để bàn việc đem binh ra đánh, các tướng đều xin hãy chính ngôi tôn, để yên lòng người rồi sẽ khởi binh.
Bắc-bình-vương bèn sai đắp đàn ở núi Bàn-sơn, ngày 25 tháng mười một năm mậu-thân ( 1788 ), vương làm lễ lên ngôi Hoàng-đế, rồi tự mình thống-lĩnh thủy-bộ đại-binh ra đánh giặc Thanh. Ra đến Nghệ-an nghỉ lại 10 ngày để kén lấy thêm binh, cả thảy được 10 vạn quân và hơn 100 con voi.
      Vua Quang-trung điểm duyệt quân-sĩ, truyền dụ nhủ-bảo mọi người phải cố-gắng đánh giặc giúp nước. Đoạn rồi kéo quân ra Bắc, đến ngày 20 tháng chạp thì đến núi Tam-điệp. Bọn Ngô văn Sở, Ngô thì Nhiệm đều ra tạ tội, kể chuyện quân Tàu thế mạnh, sợ đánh không nổi, cho nên phải lui về giữ chỗ hiểm-yếu.
Vua Quang-trung cười mà nói rằng : « Chúng nó sang phen này là mua cái chết đó thôi. Ta ra chuyến này thân coi việc quân đánh giữ, đã định mẹo rồi, đuổi quân Tàu về chẳng qua 10 ngày là xong việc. Nhưng chỉ nghĩ chúng là nước lớn gấp 10 nước ta, sau khi chúng thua một trận rồi, tất chúng lấy làm xấu-hổ, lại mưu báo-thù, như thế thì đánh nhau mãi không thôi, dân ta hại nhiều, ta sao nỡ thế. Vậy đánh xong trận này, ta phải nhờ Thì-Nhiệm dùng lời nói cho khéo để đình chỉ việc chiến-tranh. Đợi mươi năm nữa, nước ta dưỡng được sức phú-cường rồi, thì ta không cần phải sợ chúng nữa».

      Vua Quang-trung truyền cho tướng-sĩ ăn tết Nguyên-đán trước, để đến hôm trừ-tịch thì cất quân đi, định ngày mồng 7 tháng giêng thì vào thành Thăng-long mở tiệc ăn mừng. Đoạn rồi, truyền lệnh cho ba quân đến nghe lệnh điều-khiển.
     Đại-tư-mã Sở 楚, Nội-hầu Lân 璘 đem tiền quân đi làm tiên-phong. Hô-hổ-hầu 呼 虎 侯 đem hậu-quân đi đốc chiến.
      Đại-đô-đốc Lộc 祿, Đô-đốc Tuyết 雪 đem hữu-quân cùng thủy-quân, vượt qua bể vào sông Lục-đầu. Rồi Tuyết thì kinh-lược mặt Hải-dương, tiếp-ứng đường mé đông ; Lộc thì kéo về vùng Lạng-giang, Phượng-nhỡn, Yên-thế để chặn đường quân Tàu chạy về.
Đại-đô-đốc Bảo 保, Đô-đốc Mưu 謀 đem tả-quân cùng quân tượng-mã đi đường núi ra đánh phía tây. Mưu thì xuyên ra huyện Chương-đức ( nay là Chương-mỹ ), tiện đường kéo thẳng đến làng Nhân-mục, huyện Thanh-trì, đánh quân Điền-châu ; Bảo thì thống-suất quân tượng-mã theo đường huyện Sơn-lãng ra làng Đại-áng thuộc huyện Thanh-trì tiếp-ứng cho mặt tả.
      Năm quân được lệnh đều thu-xếp đâu đấy, đến hôm 30 khua trống kéo ra Bắc. Khi quân sang sông Giản-thủy, cánh nghĩa-quân của nhà Lê tan-vỡ chạy cả. Vua Quang-trung thân đốc các quân đuổi theo đến huyện Phú-xuyên bắt sống hết được toán quân Tàu đóng ở đấy, không một người nào chạy thoát được ; vì thế cho nên không có tin báo về, những quân Tàu đóng ở làng Hà-hồi 河 洄 và làng Ngọc-hồi 玉 囬 không biết gì cả. Nửa đêm ngày mồng 3 tháng giêng năm kỷ-dậu ( 1789 ) quân vua Quang-trung đến làng Hà-hồi vây kín đồn giặc, rồi bắc loa lên gọi, các quân dạ rầm cả lên, có hàng muôn người. Quân canh đồn bấy giờ mới biết, sợ-hãi thất thố, đều xin hàng, bởi thế, lấy được hết cả quân-lương và đồ khí-giới. Sáng mờ mờ ngày mồng năm, quân Tây-sơn tiến lên đến làng Ngọc-hồi, quân Tàu bắn súng ra như mưa. Vua Quang-trung sai người lấy những mảnh ván, ghép ba mảnh lại làm một, lấy rơm cỏ giấp nước quấn ở ngoài, rồi sai quân kiêu-dũng cứ 20 người khiêng một mảnh, mỗi người dắt một con dao nhọn, lại có 20 người cầm khí-giới theo sau. Vua Quang-trung cưỡi voi đi sau đốc chiến, quân An-nam vào đến gần cửa đồn, bỏ ván xuống đất, rút dao ra, xông vào chém, quân đi sau cũng kéo ùa cả vào đánh. Quân Tàu địch không nổi, xôn-xao tán-loạn, xéo lẫn nhau mà chạy. Quân Nam thừa thế đánh tràn đi, lấy được các đồn, giết quân nhà Thanh thây nằm ngổn-ngang khắp đồng, máu chảy như tháo nước. Quân các đạo khác cũng đều được toàn thắng. Quan nhà Thanh là đề-đốc Hứa thế Hanh 許 世 亨, tiên-phong Trương sĩ Long 張 士 龍, tả-dực Thượng duy Thăng 尚 維 昇 đều tử trận cả ; quan phủ Điền-châu là Sầm nghi Đống 岑 宜 棟 đóng ở Đống-đa bị quân An-nam vây đánh cũng thắt cổ mà chết.

      Tôn sĩ Nghị nửa đêm được tin báo, hoảng hốt không kịp thắng yên ngựa và mặc áo giáp, đem mấy tên lính kỵ chạy qua sông sang Bắc. Quân các trại nghe tin như thế, xôn-xao tan rã chạy trốn, tranh nhau sang cầu, một lát cầu đổ, sa cả xuống sông chết đuối, sông Nhị-hà đầy những thây người chết.
Vua Chiêu-thống cũng theo Tôn sĩ Nghị sang sông cùng với bà Hoàng-thái-hậu và mấy người cận-thần chạy sang Tàu.
      Đạo quân Vân-nam và Quí-châu đóng ở miền Sơn-tây nghe tin quân Tôn sĩ Nghị đã thua, cũng rút quân chạy về.
      Ngày hôm ấy vua Quang-trung đốc quân đánh giặc, áo ngự-bào bị thuốc súng bắn vào đen như mực. Đến trưa thì vào thành Thăng-long, sai tướng đem binh đuổi đánh quân nhà Thanh đến cửa Nam-quan. Những dân Tàu ở gần Lạng-sơn sợ khiếp, đàn-ông, đàn-bà dắt-díu nhau mà chạy, từ cửa ải về mé bắc hơn mấy trăm dặm, tịnh không nghe thấy tiếng một người nào?


      Vua Quang-trung vào thành Thăng-long, hạ lệnh chiêu-an, phàm những người Tàu trốn-tránh ở đâu ra thú tội, đều được cấp cho áo mặc, lương ăn. Lại bắt được cả ấn-tín của Tôn sĩ Nghị bỏ lại, trong những giấy má bắt được có tờ mật-dụ của vua Càn-long nói rằng : « Việc quân nên từ đồ, không nên hấp-tấp. Hãy nên đưa hịch truyền thanh-thế đi trước, và cho các quan nhà Lê về nước củ-hợp nghĩa binh, tìm tự quân nhà Lê đem ra đứng đầu để đối địch với Nguyễn Huệ, thử xem sự thể thế nào. Nếu lòng người nước Nam còn nhớ nhà Lê, có quân ta kéo đến, ai là chẳng gắng sức. Nguyễn Huệ tất phải tháo lui ; ta nhân lấy dịp ấy mà sai Tự-quân đuổi theo, rồi đại binh của ta theo sau, như thế không khó nhọc mấy nỗi mà nên được công to, đó là mẹo hay hơn cả. Ví bằng suốt người trong nước, nửa theo đằng nọ, nửa theo đằng kia, thì Nguyễn Huệ tất không chịu lui. Vậy ta hãy đưa thư sang tỏ bảo đường họa-phúc, xem nó đối-đáp làm sao. Đợi khi nào thủy-quân ở Mân, Quảng đi đường bể sang đánh mặt Thuận-hóa và Quảng-nam rồi, bộ binh sẽ tiến lên sau. Nguyễn Huệ trước sau bị địch, thế tất phải chịu thua. Bấy giờ ta sẽ nhân mà làm ơn cho cả hai bên ; tự đất Thuận-hóa Quảng-nam trở vào Nam, thì cho Nguyễn Huệ ; tự châu Hoan, châu Ái trở ra Bắc thì phong cho Tự-quân nhà Lê. Ta đóng đại binh lại để kiềm-chế cả hai bên, rồi sẽ có xử trí về sau ».
      Vua Quang-trung đem tờ mật-dụ ấy bảo với Ngô thì Nhiệm rằng : « Ta xem tờ chiếu của vua nhà Thanh chẳng qua cũng muốn mượn tiếng để lấy nước ta đó thôi. Nay đã bị ta đánh thua một trận, tất là lấy làm xấu-hổ, chắc không chịu ở yên. Hai nước mà đánh nhau thì chỉ khổ dân. Vậy nên dùng lời nói khéo, để khiến cho khỏi sự binh-đao ; việc ấy nhờ nhà ngươi chủ-trương cho mới được ».
      Ngô thì Nhiệm vâng lệnh làm thư đại-khái nói rằng : « Nước Nam vốn không dám chống-cự với đại-quốc, nhưng chỉ vì Tôn sĩ Nghị làm nhỡ việc cho nên phải thua. Vậy nay xin tạ tội và xin giảng-hòa ».
      Vua Quang-trung sai sứ đem thư sang Tàu, và lại sai đem những quân nhà Thanh đã bắt được, để ở một nơi, cấp cho lương-thực, đợi ngày cho về nước. Xếp-đặt mọi việc xong rồi, đem quân về Nam, lưu Ngô văn Sở 吳 文 楚 và Phan văn Lân 潘 文 璘 ở lại tổng-thống các việc quân-quốc ; còn những việc từ lệnh giao-thiệp với nước Tàu thì ủy-thác cho Ngô thì Nhiệm 吳 時 任 và Phan huy Ích 潘 輝 益 cho được tự tiện mà khu xử, hễ không có việc gì quan-hệ thì bất tất phải đi tâu báo mà làm gì.
......
Trích "Việt Nam Sử Lược" của Trần Trọng Kim

Huỳnh Hữu Đức