Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

Chạm Khắc Ngựa Từ Gỗ Trôi Trên Biển Để Mừng Năm Mới

     Những thanh gỗ trôi dạt trên bãi biển đã biến thành những chú ngựa sống động dưới bàn tay của nghệ nhân người Anh - James Doran Webb.
     Tận dụng những khúc gỗ trôi nổi trên biển, nghệ nhân người Anh - James Doran Webb đã chạm khắc thành những chú ngựa với hình dáng cực kỳ sống động nhằm mục đích mừng Tết âm lịch cho các nước châu Á. 
     Những tác phẩm này được James Doran thực hiện trong vòng 6 tháng. Mỗi chú ngựa đều được làm khung bằng thép, sau đó, được đắp gỗ hoặc các thanh củi trôi nổi trên biển để hoàn thiện phần hình dáng bên ngoài. Được biết, mỗi chú ngựa này trung bình đều nặng 500kg với chiều cao 1,8m. Đây được xem là món quà ý nghĩa cho năm Ngọ sắp tới của các nước châu Á.


Những chú ngựa này được làm từ khung thép, phần "thịt" được đắp bằng những thân gỗ nổi trôi trên biển

       Trông chúng chẳng khác gì những chú ngựa trong đời thực bởi mức độ sống động, chân thực
Những chú ngựa này còn có nhiều tư thế hoạt động y như thật

James Doran Webb
Mặc Thái Thủy - Sưu tầm

Quang Trung Đại Đế

(Mùng 5 Tết quân ta đánh đồn Ngọc Hồi)


      Theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám được viết thời vua Tự Đức, liệt anh em Tây Sơn vào loại giặc phản nghịch, Và cho rằng Nguyễn Huệ là kẻ hung tàn, giảo hoạt... ?
      Nhưng là Người Việt, Tất cả chúng ta không ai là không biết chiếu công hiển hách của Quang Trung Nguyễn Huệ. Nhân ngày đầu xuân, chúng ta cùng ôn lại chiến thắng của vua Quang Trung.

1. NHÀ NGUYỄN TÂY-SƠN DẤY NGHIỆP 
      Những người làm quốc-sử nước Tàu và nước ta thường chia những nhà làm vua ra chính-thống và ngụy-triều. Nhà nào, một là đánh giặc mở nước, sáng-tạo ra cơ-nghiệp, hai là được kế truyền phân-minh, thần dân đều phục, ba là dẹp loạn yên dân, dựng nghiệp ở đất trung-nguyên, thì cho là chính-thống. Nhà nào, một là làm tôi cướp ngôi vua, làm sự thoán-đoạt không thành, hai là xưng đế, xưng vương ở chỗ rừng núi, hay là ở đất biên-địa, bà là những người ngoại chủng vào chiếm nước làm vua, thì cho là ngụy-triều.
      Vậy nay lấy những lẽ ấy mà xét xem nên cho nhà Nguyễn Tây-sơn làm chính-thống hay là ngụy-triều, để cho hợp lẽ công-bằng và cho xứng cái danh-hiệu những người anh hùng đã qua.
      Nguyên nước ta là nước quân-chủ, lấy cái nghĩa vua tôi làm trọng hơn cả, thế mà từ khi nhà Lê trung-hưng lên trở về sau, họ Nguyễn hùng cứ phương Nam, họ Trịnh xưng chúa miền Bắc ; trên tuy còn tôn vua, nhưng mà quyền về cả nhà chúa. Trong nước ta đã có vua lại có chúa, làm thành ra vua không phải là vua, tôi không phải là tôi, ấy là một thời loạn. Đến sau ở trong Nam thì có Trương phúc Loan chuyên quyền làm bậy, ở ngoài Bắc thì có kiêu-binh làm loạn, giết hại quan đại-thần, vua chúa phải nhún mình mà chiều-đãi, đình-thần phải khoanh tay mà chịu một bề, ấy lại là một lúc đại loạn vậy.

      Lúc ấy anh em Nguyễn Nhạc là người dân mặc áo vải, dấy binh ở ấp Tây-sơn, chống nhau với chúa Nguyễn để lập nghiệp ở đất Qui-nhơn. Tuy rằng đối với họ Nguyễn là cừu-địch, nhưng mà đối với nước Nam, thì chẳng qua cũng là một người anh hùng lập thân trong lúc biến-loạn đó mà thôi.
Còn như Nguyễn Huệ là vua Thái-tổ nhà Nguyễn Tây-sơn, thì trước giúp anh bốn lần vào đánh đất Gia-định đều được toàn thắng, phá hai vạn quân hùm beo của Tiêm-la, chỉ còn được mấy trăm người lủi-thủi chạy về nước ; sau lại ra Bắc-hà, dứt họ Trịnh, tôn vua Lê, đem lại mối cương-thường cho rõ-ràng. Ấy là đã có sức-mạnh mà lại biết làm việc nghĩa vậy.
      Nhưng vì vua nhà Lê nhu-nhược, triều-thần lúc bấy giờ không ai có tài kinh-luân, lại để cho Trịnh Bồng và Nguyễn hữu Chỉnh nối nhau mà chuyên quyền, đến nỗi thành ra tán-loạn. Dẫu thế mặc lòng, khi Nguyễn Huệ giết Vũ văn Nhậm rồi, không nỡ dứt nhà Lê, đặt Giám-quốc để giữ tông-miếu tiền triều ; như thế thì cách ở với nhà Lê không lấy gì làm bạc.
      Sau vua Chiêu-thống và bà Hoàng-thái-hậu đi sang kêu cầu bên Tàu, vua nhà Thanh nhân lấy dịp ấy mượn tiếng cứu nhà Lê, để lấy nước Nam, bèn sai binh-tướng sang giữ thành Thăng-long. Bấy giờ cứ theo như tờ mật-dụ của vua nhà Thanh, thì nước Nam ta, bề ngoài tuy chưa mất hẳn, nhưng kỳ thật đã vào tay người Tàu rồi.
      Vậy nước đã mất, thì phải lấy nước lại, ông Nguyễn Huệ mới lên ngôi Hoàng-đế, truyền hịch đi các nơi, đường đường, chính chính, đem quân ra đánh một trận phá 20 vạn quân Tàu, tướng nhà Thanh là Tôn sĩ Nghị phải bỏ cả ấn-tín mà chạy, làm cho vua tôi nước Tàu khiếp-sợ, tướng-sĩ nhà Thanh thất đảm. Tưởng từ xưa đến nay nước ta chưa có võ-công nào lẫm-liệt như vậy.
Vả đánh đuổi người Tàu đi lấy nước lại mà làm vua thì có điều gì mà trái đạo ? Há lại chẳng hơn nhà Lý, nhà Trần nhân lúc ấu-quân, nữ chúa, mà làm sự thoán-đoạt hay sao ? Vậy thì lấy lẽ gì mà gọi là ngụy ? Huống chi sau vua nhà Thanh cũng công-nhận cho ông Nguyễn Huệ làm vua nước Nam, và lại sai sứ sang phong cho ông làm An-nam quốc-vương theo như lệ các triều trước, như thế thì nhà Nguyễn Tây-sơn mở nước có khác gì nhà Đinh và nhà Lê không ?
      Tuy rằng chẳng được bao lâu nhà Nguyễn Tây-sơn sinh ra nội loạn, vua Thế-tổ Cao-hoàng nhà Nguyễn lại thu-phục được cơ-nghiệp cũ mà nhất-thống cả nam bắc lại làm một, nhưng việc thành-bại hưng-vong là mệnh trời, vả lại khi hai người anh-hùng đuổi một con hươu, tất là người nọ gọi người kia là cừu-địch. Vậy lấy lẽ tôn bản-triều mà xét thì nhà Nguyễn Tây-sơn là ngụy, mà lấy công-lý mà suy thì vua Quang-trung Nguyễn Huệ là một ông vua cùng đứng ngang vai với vua Đinh Tiên-hoàng, vua Lê Thái-tổ, mà nhà Nguyễn Tây-sơn cũng là một nhà chính-thống như nhà Đinh và nhà Lê vậy.


2. VUA QUANG-TRUNG ( 1788 - 1792 ). 
      Ông Nguyễn Huệ 阮 惠 ( sau đổi tên là Nguyễn quang Bình 阮 光 平 ) là một người có sức khỏe tuyệt trần, lại có mưu-trí quyền-biến, mẹo-mực như thần, khởi binh ở đất Tây-sơn (thuộc huyện An-khê, Bình-định) giúp anh là Nguyễn Nhạc lập nên nghiệp lớn, được phong làm Bắc-bình-vương, đóng đô ở đất Phú-xuân.
Năm mậu-thân ( 1788 ) quân nhà Thanh mượn tiếng sang cứu nhà Lê, chiếm giữ thành Thăng-long, có ý muốn lấy đất An-nam, Bắc-bình-vương lên ngôi Hoàng-đế đặt niên-hiệu là Quang-trung 光 中, rồi đem binh đi đánh giặc.

3. TÔN SĨ NGHỊ ĐEM QUÂN SANG AN-NAM. 
      Nguyên vua Chiêu-thống 昭 統 đã mấy lần toan sự khôi-phục, nhưng không được, phải nương-náu ở đất Lạng-giang ; còn bà Hoàng-thái-hậu thì đem hoàng-tử sang Long-châu kêu van với quan Tàu, xin binh cứu-viện. Bấy giờ quan tổng-đốc Lưỡng Quảng là Tôn sĩ Nghị 孫 士 毅 dâng biểu tâu với vua Càn-long nhà Thanh, đại-lược nói rằng : « Họ Lê là cống thần nước Tàu, nay bị giặc lấy mất nước, mẹ và vợ Tự-quân sang cầu-cứu, tình cũng nên thương. Vả nước Nam vốn là đất cũ của nước Tàu, nếu sau khi cứu được nhà Lê, và lại lấy được đất An-nam, thực là lợi cả đôi đường ».
      Vua Càn-Long nghe lời tâu ấy sai Tôn sĩ Nghị khởi quân bốn tỉnh Quảng-đông, Quảng-tây, Quí-châu, Vân-nam, đem sang đánh Tây-sơn. Tôn sĩ Nghị chia quân ra làm 3 đạo, sai quan tổng-binh tỉnh Vân-nam và Quí-châu đem một đạo sang mạn Tuyên-quang, sai Sầm nghi Đống 岑 宜 棟 là tri-phủ Điền-châu đem một đạo sang mạn Cao-bằng. Sĩ Nghị cùng với đề-đốc là Hứa thế Hanh 許 世 亨 đem một đạo sang mạn Lạng-sơn, hẹn ngày tiến binh sang đánh An-nam.
      Tướng Tây-sơn là Ngô văn Sở ở Thăng-long được tin quân Tàu đã sang, sợ thế yếu đánh không nổi, bèn rút quân thủy-bộ về đóng giữ từ núi Tam-điệp ra đến bờ bể, rồi sai người về Phú-xuân cáo cấp.
Tôn sĩ Nghị kéo quân đến Kinh-bắc ( Bắc-ninh ), vua Chiêu-thống ra chào mừng rồi theo quân Tàu về Thăng-long. Sĩ Nghị đóng đồn ở giữa bãi, về mé nam sông Nhị-hà, bắc cầu phao ở giữa sông để tiện đi lại, và chia quân ra đóng giữ các mặt.
      Ngày hôm sau, Sĩ Nghị là lễ tuyên-độc tờ sắc của vua nhà Thanh phong cho vua Chiêu-thống làm An-nam quốc-vương.
      Vua Chiêu-thống tuy đã thụ phong, nhưng các tờ văn thư đều phải đề niên-hiệu Càn-long. Mỗi khi buổi chầu xong rồi, lại đến dinh Sĩ Nghị để chầu-chực việc cơ-mật quân-quốc. Vua cưỡi ngựa đi với độ mười người lính hầu mà thôi. Sĩ Nghị thì ngạo-nghễ tự-đắc, ý-tứ xử với vua rất là khinh-bạc ; có khi vua Chiêu-thống lại hầu, không cho vào yết-kiến, chỉ sai một người đứng dưới gác chiêng truyền ra rằng : không có việc quân-quốc gì, xin ngài hãy về cung nghỉ.
      Người bấy giờ bàn riêng với nhau rằng : « Nước Nam ta từ khi có đế-vương đến giờ, không thấy vua nào hèn-hạ đến thế. Tiếng là làm vua mà phải theo niên-hiệu vua Tàu, việc gì cũng phải bẩm đến quan Tổng-đốc, thế thì có khác gì đã là nội-thuộc rồi không ? ».
Vua và triều-thần bấy giờ việc gì cũng trông-cậy vào Tôn sĩ Nghị ; ngày đêm chỉ lo việc báo ân báo oán, giết hại những người trước đã đi theo Tây-sơn. Tôn sĩ Nghị thì càng ngày càng kiêu-ngạo thêm, coi việc binh làm thường, lại thả quân-lính ra cướp-phá dân-gian, làm lắm sự nhũng-nhiễu. Vì thế cho nên lòng người mất cả trông cậy.


4. VUA QUANG TRUNG ĐẠI PHÁ QUÂN NHÀ THANH. 
      Bắc-bình-vương được tin quân nhà Thanh đã sang đóng ở Thăng-long, lập tức hội các tướng-sĩ để bàn việc đem binh ra đánh, các tướng đều xin hãy chính ngôi tôn, để yên lòng người rồi sẽ khởi binh.
Bắc-bình-vương bèn sai đắp đàn ở núi Bàn-sơn, ngày 25 tháng mười một năm mậu-thân ( 1788 ), vương làm lễ lên ngôi Hoàng-đế, rồi tự mình thống-lĩnh thủy-bộ đại-binh ra đánh giặc Thanh. Ra đến Nghệ-an nghỉ lại 10 ngày để kén lấy thêm binh, cả thảy được 10 vạn quân và hơn 100 con voi.
      Vua Quang-trung điểm duyệt quân-sĩ, truyền dụ nhủ-bảo mọi người phải cố-gắng đánh giặc giúp nước. Đoạn rồi kéo quân ra Bắc, đến ngày 20 tháng chạp thì đến núi Tam-điệp. Bọn Ngô văn Sở, Ngô thì Nhiệm đều ra tạ tội, kể chuyện quân Tàu thế mạnh, sợ đánh không nổi, cho nên phải lui về giữ chỗ hiểm-yếu.
Vua Quang-trung cười mà nói rằng : « Chúng nó sang phen này là mua cái chết đó thôi. Ta ra chuyến này thân coi việc quân đánh giữ, đã định mẹo rồi, đuổi quân Tàu về chẳng qua 10 ngày là xong việc. Nhưng chỉ nghĩ chúng là nước lớn gấp 10 nước ta, sau khi chúng thua một trận rồi, tất chúng lấy làm xấu-hổ, lại mưu báo-thù, như thế thì đánh nhau mãi không thôi, dân ta hại nhiều, ta sao nỡ thế. Vậy đánh xong trận này, ta phải nhờ Thì-Nhiệm dùng lời nói cho khéo để đình chỉ việc chiến-tranh. Đợi mươi năm nữa, nước ta dưỡng được sức phú-cường rồi, thì ta không cần phải sợ chúng nữa».

      Vua Quang-trung truyền cho tướng-sĩ ăn tết Nguyên-đán trước, để đến hôm trừ-tịch thì cất quân đi, định ngày mồng 7 tháng giêng thì vào thành Thăng-long mở tiệc ăn mừng. Đoạn rồi, truyền lệnh cho ba quân đến nghe lệnh điều-khiển.
     Đại-tư-mã Sở 楚, Nội-hầu Lân 璘 đem tiền quân đi làm tiên-phong. Hô-hổ-hầu 呼 虎 侯 đem hậu-quân đi đốc chiến.
      Đại-đô-đốc Lộc 祿, Đô-đốc Tuyết 雪 đem hữu-quân cùng thủy-quân, vượt qua bể vào sông Lục-đầu. Rồi Tuyết thì kinh-lược mặt Hải-dương, tiếp-ứng đường mé đông ; Lộc thì kéo về vùng Lạng-giang, Phượng-nhỡn, Yên-thế để chặn đường quân Tàu chạy về.
Đại-đô-đốc Bảo 保, Đô-đốc Mưu 謀 đem tả-quân cùng quân tượng-mã đi đường núi ra đánh phía tây. Mưu thì xuyên ra huyện Chương-đức ( nay là Chương-mỹ ), tiện đường kéo thẳng đến làng Nhân-mục, huyện Thanh-trì, đánh quân Điền-châu ; Bảo thì thống-suất quân tượng-mã theo đường huyện Sơn-lãng ra làng Đại-áng thuộc huyện Thanh-trì tiếp-ứng cho mặt tả.
      Năm quân được lệnh đều thu-xếp đâu đấy, đến hôm 30 khua trống kéo ra Bắc. Khi quân sang sông Giản-thủy, cánh nghĩa-quân của nhà Lê tan-vỡ chạy cả. Vua Quang-trung thân đốc các quân đuổi theo đến huyện Phú-xuyên bắt sống hết được toán quân Tàu đóng ở đấy, không một người nào chạy thoát được ; vì thế cho nên không có tin báo về, những quân Tàu đóng ở làng Hà-hồi 河 洄 và làng Ngọc-hồi 玉 囬 không biết gì cả. Nửa đêm ngày mồng 3 tháng giêng năm kỷ-dậu ( 1789 ) quân vua Quang-trung đến làng Hà-hồi vây kín đồn giặc, rồi bắc loa lên gọi, các quân dạ rầm cả lên, có hàng muôn người. Quân canh đồn bấy giờ mới biết, sợ-hãi thất thố, đều xin hàng, bởi thế, lấy được hết cả quân-lương và đồ khí-giới. Sáng mờ mờ ngày mồng năm, quân Tây-sơn tiến lên đến làng Ngọc-hồi, quân Tàu bắn súng ra như mưa. Vua Quang-trung sai người lấy những mảnh ván, ghép ba mảnh lại làm một, lấy rơm cỏ giấp nước quấn ở ngoài, rồi sai quân kiêu-dũng cứ 20 người khiêng một mảnh, mỗi người dắt một con dao nhọn, lại có 20 người cầm khí-giới theo sau. Vua Quang-trung cưỡi voi đi sau đốc chiến, quân An-nam vào đến gần cửa đồn, bỏ ván xuống đất, rút dao ra, xông vào chém, quân đi sau cũng kéo ùa cả vào đánh. Quân Tàu địch không nổi, xôn-xao tán-loạn, xéo lẫn nhau mà chạy. Quân Nam thừa thế đánh tràn đi, lấy được các đồn, giết quân nhà Thanh thây nằm ngổn-ngang khắp đồng, máu chảy như tháo nước. Quân các đạo khác cũng đều được toàn thắng. Quan nhà Thanh là đề-đốc Hứa thế Hanh 許 世 亨, tiên-phong Trương sĩ Long 張 士 龍, tả-dực Thượng duy Thăng 尚 維 昇 đều tử trận cả ; quan phủ Điền-châu là Sầm nghi Đống 岑 宜 棟 đóng ở Đống-đa bị quân An-nam vây đánh cũng thắt cổ mà chết.

      Tôn sĩ Nghị nửa đêm được tin báo, hoảng hốt không kịp thắng yên ngựa và mặc áo giáp, đem mấy tên lính kỵ chạy qua sông sang Bắc. Quân các trại nghe tin như thế, xôn-xao tan rã chạy trốn, tranh nhau sang cầu, một lát cầu đổ, sa cả xuống sông chết đuối, sông Nhị-hà đầy những thây người chết.
Vua Chiêu-thống cũng theo Tôn sĩ Nghị sang sông cùng với bà Hoàng-thái-hậu và mấy người cận-thần chạy sang Tàu.
      Đạo quân Vân-nam và Quí-châu đóng ở miền Sơn-tây nghe tin quân Tôn sĩ Nghị đã thua, cũng rút quân chạy về.
      Ngày hôm ấy vua Quang-trung đốc quân đánh giặc, áo ngự-bào bị thuốc súng bắn vào đen như mực. Đến trưa thì vào thành Thăng-long, sai tướng đem binh đuổi đánh quân nhà Thanh đến cửa Nam-quan. Những dân Tàu ở gần Lạng-sơn sợ khiếp, đàn-ông, đàn-bà dắt-díu nhau mà chạy, từ cửa ải về mé bắc hơn mấy trăm dặm, tịnh không nghe thấy tiếng một người nào?


      Vua Quang-trung vào thành Thăng-long, hạ lệnh chiêu-an, phàm những người Tàu trốn-tránh ở đâu ra thú tội, đều được cấp cho áo mặc, lương ăn. Lại bắt được cả ấn-tín của Tôn sĩ Nghị bỏ lại, trong những giấy má bắt được có tờ mật-dụ của vua Càn-long nói rằng : « Việc quân nên từ đồ, không nên hấp-tấp. Hãy nên đưa hịch truyền thanh-thế đi trước, và cho các quan nhà Lê về nước củ-hợp nghĩa binh, tìm tự quân nhà Lê đem ra đứng đầu để đối địch với Nguyễn Huệ, thử xem sự thể thế nào. Nếu lòng người nước Nam còn nhớ nhà Lê, có quân ta kéo đến, ai là chẳng gắng sức. Nguyễn Huệ tất phải tháo lui ; ta nhân lấy dịp ấy mà sai Tự-quân đuổi theo, rồi đại binh của ta theo sau, như thế không khó nhọc mấy nỗi mà nên được công to, đó là mẹo hay hơn cả. Ví bằng suốt người trong nước, nửa theo đằng nọ, nửa theo đằng kia, thì Nguyễn Huệ tất không chịu lui. Vậy ta hãy đưa thư sang tỏ bảo đường họa-phúc, xem nó đối-đáp làm sao. Đợi khi nào thủy-quân ở Mân, Quảng đi đường bể sang đánh mặt Thuận-hóa và Quảng-nam rồi, bộ binh sẽ tiến lên sau. Nguyễn Huệ trước sau bị địch, thế tất phải chịu thua. Bấy giờ ta sẽ nhân mà làm ơn cho cả hai bên ; tự đất Thuận-hóa Quảng-nam trở vào Nam, thì cho Nguyễn Huệ ; tự châu Hoan, châu Ái trở ra Bắc thì phong cho Tự-quân nhà Lê. Ta đóng đại binh lại để kiềm-chế cả hai bên, rồi sẽ có xử trí về sau ».
      Vua Quang-trung đem tờ mật-dụ ấy bảo với Ngô thì Nhiệm rằng : « Ta xem tờ chiếu của vua nhà Thanh chẳng qua cũng muốn mượn tiếng để lấy nước ta đó thôi. Nay đã bị ta đánh thua một trận, tất là lấy làm xấu-hổ, chắc không chịu ở yên. Hai nước mà đánh nhau thì chỉ khổ dân. Vậy nên dùng lời nói khéo, để khiến cho khỏi sự binh-đao ; việc ấy nhờ nhà ngươi chủ-trương cho mới được ».
      Ngô thì Nhiệm vâng lệnh làm thư đại-khái nói rằng : « Nước Nam vốn không dám chống-cự với đại-quốc, nhưng chỉ vì Tôn sĩ Nghị làm nhỡ việc cho nên phải thua. Vậy nay xin tạ tội và xin giảng-hòa ».
      Vua Quang-trung sai sứ đem thư sang Tàu, và lại sai đem những quân nhà Thanh đã bắt được, để ở một nơi, cấp cho lương-thực, đợi ngày cho về nước. Xếp-đặt mọi việc xong rồi, đem quân về Nam, lưu Ngô văn Sở 吳 文 楚 và Phan văn Lân 潘 文 璘 ở lại tổng-thống các việc quân-quốc ; còn những việc từ lệnh giao-thiệp với nước Tàu thì ủy-thác cho Ngô thì Nhiệm 吳 時 任 và Phan huy Ích 潘 輝 益 cho được tự tiện mà khu xử, hễ không có việc gì quan-hệ thì bất tất phải đi tâu báo mà làm gì.
......
Trích "Việt Nam Sử Lược" của Trần Trọng Kim

Huỳnh Hữu Đức

Câu Đối: Mã Đáo Thành Công 2014 - Đỗ Chiêu Đức


Câu Đối Và Viết Câu Đối: Đỗ Chiêu Đức
Trình Bày: Kim Oanh

Phân Giải Đạo Lý Việt Qua Sự Tích "Bánh Chưng, Bánh Dày"

Dẫn nhập:

      Sự tích “Bánh chưng, Bánh Dày” từ thời vua Hùng Vương thứ 18 cho tới ngày nay, đã là người Việt thì ai ai cũng nhớ vì mỗi dịp xuân về tết đến, nhà nhà đều có bánh chưng làm vật phẩm dâng lên ban thờ Tổ Tiên cúng các Cụ. Và từ xưa cụ đồ VN đã để lại trong nhân gian câu đối tết như sau: 
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, 
Cây Nêu, tràng pháo, Bánh Chưng Xanh”.

      Vì vậy, kẻ hạ không cần thiết phải viết lại truyện tích trong bài viết này, chỉ xin tóm tắt cái đại ý của sự tích “Bánh Chưng, Bánh Dày”, có người còn gọi là “Tiết Liêu truyền kỳ”.


Đại ý truyện như sau: 

      (Thời điểm lịch sử của Tiết Liêu còn gọi là Lang Liêu truyền kỳ có nhiều huyền thuyết khác nhau. Tuy nhiên trong bài phân giải này không chú ý tới thời điểm của lịch sử mà chỉ muốn nêu lên cái “Đạo Lý Vuông Tròn” qua biểu tượng “Bánh Chưng, Bánh Dày”).

      Vua Hùng Vương thứ 17 có năm vị Hoàng tử. Ngài muốn tìm người thừa kế ngôi vị, nhưng phân vân không biết lựa chọn ai cho xứng đáng nên nảy ra ý định thử thách các hoàng tử để tìm người có đủ đức tin mà trao ngôi báu. Vua cha bèn triệu tập các Hoàng tử cùng các quan đương triều, rồi phán rằng: Ta muốn tìm người thừa kế ngôi vị sau này, nhưng trong năm vị Hoàng tử, Ta khó định quyết nên Ta ra một điều kiện cho năm Hoàng tử là:
      Nếu cuối năm tới ai mang tới dâng lên cho Ta những tài vật hiếm qúy nhất trên đời, thì Ta truyền ngôi báu cho người đó.

     Thế là một cuộc chạy đua giữa các Hoàng tử, người thì dẫn lính tráng lên rừng, xuống biển lùng bắt các thú rừng hiếm qúy, kẻ thì đi khắp thiên hạ sang các nước láng giềng lùng mua các trang sức qúy kim vật phẩm cực hiếm mong ngày thi tuyển sẽ được Vua Cha hài lòng lựa chọn. Riêng Hoàng tử Tiết Liêu vì là con trai út lại là con trai của bà thứ Phi, nên hai mẹ con bị trục xuất ra khỏi Kinh thành về làm thứ dân sống tự túc nơi quê mùa, không đuợc hưởng bổng lộc của triều đình. Do cảnh nghèo thế cô nên Tiết Liêu rất lo buồn vì nghĩ mình không thể tranh đua với các anh, tuy không muốn tranh ngôi báu, nhưng lệnh Vua Cha đã ban xuống thì phải thực thi đi tìm vật qúy hiếm dâng lên, nếu không sẽ bị tội khinh quân. Lòng day dứt khôn nguôi không biết xoay sở ra sao. Một đêm nọ, chàng nằm mơ thấy ông Bụt hiện xuống mách bảo cho cách làm hai loại bánh gọi là “Bánh Chưng, Bánh Dày” dùng những nguyên liệu sẵn có như gạo nếp. đậu xanh, thịt heo, cùng với các vật liệu trong vườn như lá chuối, lạt tre và củi đun mà làm thành vật phẩm dâng lên Vua Cha. Hai loại bánh này từ trước đó trong dân gian cũng như ở cung đình chưa hề có, và chưa ai biết làm.

      Được ông Bụt xuất hiện trong giấc mơ mách bảo, Tiết Liêu cũng chẳng còn cách nào lựa chọn trong hoàn cảnh nghèo túng và thiếu phương tiện quyền thế so với các vị hoàng tử đàn anh của mình, nên chàng quyết tâm làm theo lời mách bảo của ông Bụt.
      Thời gian tới hạn mang vật phẩm về Triều dâng Vua Cha. Các hoàng tử đàn anh đem tới dâng lên Vua Cha vô số các vật phẩm vô cùng qúy giá và hiếm có trên đời, Các Quan đương triều thấy Vua hài lòng nên cũng hết sức vui vẻ hy vọng những vị Hoàng tử mà mình phụ tá sẽ được thừa kế ngôi báu. Riêng Hoàng tử Tiết Liêu với cách ăn mặc giản dị bình dân dâng lên Vua Cha một mâm Bánh Chưng, một mâm Bánh Dày trông rất thô lậu, khiến các Quan trong triều nhìn thấy không nín được tiếng cười chê, khinh mạn. Nhưng đối với Vua Cha, Ngài thấy ngạc nhiên với mâm bánh lạ mắt, nên ăn thử, thấy món bánh này quá ngon lạ miệng nên khen hết lời và ban cho mọi người trong ngày hội được ăn thử và ai ai cũng tấm tắc khen ngon. Vua Cha tuyên bố hai mâm bánh của Hoàng tử Tiết Liêu là vật phẩm xứng đáng được thắng cuộc, rồi tuyên bố người thừa kế ngôi báu là hoàng tử Tiết Liêu, trở thành vị Vua Hùng Vương đời thứ 18.


Phân giải:

      Tại sao Hoàng tử Tiết Liêu được Vua Cha truyền lại ngôi báu cho chàng? 
      Cách giải thích vốn có từ xưa nay: 

      Theo như tích truyện, thì Vua Cha ăn thấy khoái khẩu nên mới truyền ngôi báu. “Bánh Chưng, Bánh Dày” biểu tượng cho tinh thần Tự lực tự cuờng là biết sử dụng nguyên vật liệu nội địa.Hợp với cách trị dân mà Vua Cha đang áp dụng và mong muốn tìm người con nào thấu triệt điều đó. 

      Cách phân giải theo đạo lý Bách Việt: 

      Dâng lên Vua cha hai biểu tượng “Bánh Chưng, Bánh Dày”, thực ra Hoàng tử Tiết Liêu đã dâng lên Vua Cha một kế sách trị quốc an dân. Hiểu được điều này Ta mới thấy vị Vua Hùng Vương thứ 17 là một vị Minh Quân đáng kính, và Hoàng tử Tiết Liêu xứng đáng được Vua Cha tuyển lựa, Ngài trở thành vị Vua đời Hùng Vương thứ 18. Và từ đó dân Việt coi ngài là một giòng Tổ của mình, như hiện có Đền thờ Ngài ở mọi nơi có người Việt sinh sống.
    Vậy Kế sách ấy thể hiện như thế nào?

Bánh Chưng: 
     - Biểu tượng cho Địa, là hình vuông theo chữ Điền vì con người trong đời sống hàng ngày và tới khi chết đều sử dụng các dạng hình có góc vuông như những mảnh ruộng (bờ vừng, bở thửa) sở hữu điền địa, nhà ở (điền trạch) cũng theo dạng có góc vuông, giường nằm, tấm phản, cái bàn v.v… và khi chết thì quan tài hay hố huyệt đều có dạng góc vuông. 
      Hình Vuông bốn cạnh bằng nhau như chiếc Bánh Chưng thể hiện tính lý công bằng, bình đẳng, nếu phải phân chia thành từng phần (phân bổ quyền lợi cho đại chúng) mà vạch những đường thẳng xuyên qua Tâm điểm của hình (dụng Tâm mà phân xử) thì không bao giờ xảy ra tình trạng bất bình đẳng, có nghĩa là có sự bảo đảm mọi phần đều bằng nhau. Đó là cái lý công bằng và bình đẳng.
    - Dùng bốn cái lạt tre (tượng trưng cho bốn phương trời đông, tây, nam, bắc) buộc ngoài cái Bánh Chưng tạo ra 9 cung vuông:


      Một cung giữa (trung tâm hay trung ương) và 8 cung vòng quanh (8 châu thời đó). Đây là kế sách phân quyền trị dân (chia đơn vị hành chánh để quản trị). Từ đó kiến tạo ra phẩm trật trong triều đình gọi là Cửu Phẩm, từ nhất phẩm triều đình (quan Thượng Thư hay quanTể Tướng), thấp nhất là bậc Cửu Phẩm tức quan địa phương cấp quan Huyện.
      - Chín Cung trên mặt ngoài lá bọc của Bánh Chưng còn thể hiện sự hình thành một quẻ Bát Quái vốn có trên mu Rùa (Thần Quy) gắn liền với lịch sử chống ngoại xâm của Tộc Việt như ta có tích về Nỏ Thần Kim Quy, Hoàn Kiếm truyền kỳ (di tích Cổ thành An Dương Vương ở Vĩnh Phúc, Hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội bây giờ) .
     - Chín cung đó còn thể hiện về hình thái của vũ trụ như : Trời thì có Cửu Thiên, Địa ngục thì có Cửu tuyền, ngôi Vua có cửu trùng, dòng Tộc thì có Cửu Huyền, số học thì tới số chín (cửu) là cao nhất. 
      - Cắt đôi chiếc Bánh Chưng nhìn vào mặt cắt, ta nhìn thấy ba màu khác nhau. Trên cùng (lớp ngoài) màu xanh của lá thể hiện tầng Thiên, ở giữa có nhân thịt (thể hiện là Nhân), tầng dưới màu vàng của đậu xanh nấu chín (thể hiện cho Địa). Như vậy ba lớp trong Bánh Chưng thể hiện ba phần là Thiên-Địa-Nhân hợp lại. Một chiếc Bánh Chưng ngon còn gọi là Bánh Chưng dền thì điều tiên quyết trong kỹ thuật làm và nấu bánh phải đạt tới ba thành phần Thiên-Địa-Nhân phải quyện lại với nhau thì hương vị mới thiệt hấp dẫn, mới là chiếc bánh thơm ngon và đẹp. 


      Cũng như trong cách trị quốc an dân phải có đủ ba điều kiện để thành công đó là: “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa” phải hợp đủ trong cách trị quốc. Đó cũng là Nguyên Lý: “Tề gia, Trị quốc, Bình Thiên hạ” của những Minh Quân phải áp dụng và thể hiện trong tư cách của mình. 
      Hình vuông nằm trong hình tròn (Trái đất nằm trong bầu trời, đó là biểu tượng: “Thiên bọc Địa”) nên hình vuông biểu hiện cho Quy tắc (Thần Kim Quy) hành xử trong mối quan hệ xã hội giữa người với người hay sự khác biệt các cấp bậc trong thể chế quốc gia. Hình vuông trong quốc gia chính là bên hành pháp, trong tôn giáo, nhà trường, trong gia tộc v.v… thì gọi là Gia có gia quy, tôn giáo có giáo quy v.v…Nên trong dân gian VN thường có câu: “Quốc có Quốc pháp, Gia có gia quy” là vậy.
      Một điểm nữa là khi cắt chia chiếc Bánh Chưng thì không được dùng dao hay vật dụng kim loại khác để cắt bánh, vì nếu sử dụng dao mà cắt bánh chưng thì thất bại vô cùng vì hầu như không đạt được theo ý muốn và bánh sẽ bị nát nhầu. Nhưng nếu ta dùng mấy sợi lạt tre vốn buộc ngoài chiếc bánh chưng mà cắt bánh thì dễ dàng làm sao và theo được ý muốn cắt chia chiếc bánh. Đó là đạo lý cư xử “mềm dẻo” trong mối ăn chia hòa thuận trong tập thể, chứ không có sự tranh chấp cứng rắn giành giật mà làm hỏng mối lợi chung. Đó chính là mối quan hệ bình hòa trong dân gian làng xóm như câu ngạn ngữ: “Bán anh em xa mua láng giềng gần” mà ta vẫn thường nghe rất thân thương trong ngôn ngữ Việt Tộc. 

      Cái quy trình 3/9 (Tam môn, Cửu cấp) của Đạo Việt (biểu thị trên chiếc Bánh Chưng) qua quẻ Quy (Kinh dịch) được thể hiện trên lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ (Cờ Việt Nam Cộng Hòa). Thực ra hàng ngàn năm trước quy trình này đã luôn luôn được thể hiện trong các công trình xây cất từ dân dã làng quê, tới các công trình xây cất đồ sộ như Chùa chiền, Đình Miếu cho tới các cung điện vua chúa. Đâu đâu ta cũng nhận diện được như nhà ở làng quê thì đều có ba cửa (cửa chính và hai cửa sổ) Cổng chào lúc nào cũng có tam môn (cổng lớn với hai cửa nhỏ hai bên). Các bậc thềm khi thấp thì tam cấp (ba bậc) khi cao thì Cửu cấp (chín bậc), hành lang bậc thềm đi lại ở trong các công trình xây cất lớn nhỏ thường thấy đều xây theo thứ bậc “Tam cấp rồi cửu cấp”. Chỗ nơi thờ phượng cũng được gọi như Tam Bảo (Phật Giáo), Ba Ngôi (Thiên chúa Giáo). Các cổng ra vào nơi thờ phượng cũng xây dựng ba cửa gọi là cổng Tam Quan. 

      Phát hiện mới gần đây nhất là người kiến trúc sư xây dựng công trình Tử Cấm Thành Bắc Kinh thời đầu triều đại nhà Minh bên Trung Quốc, một công trình đồ sộ nhất thế giới cho tới ngày nay là ông Nguyễn An là người Việt (một nghệ nhân bị cống triều thời đó). Qua sự phân tích lý giải của vị học giả người Đức ta nhận diện ra Kiến trúc sư Nguyễn An đã sử dụng trên căn bản các ô hình vuông theo mô hình quẻ Quy (Bát Quái) trên chiếc Bánh Chưng để thiết kế mô hình Tử cấm Thành theo quy trình 3/9 quy Nhất (Tam Cửu quy Nhất). Một thiết kế rất ư là phức tạp cho tới ngày nay nhiều điểm vẫn chưa thể giải mã được. 
      Là một nô dân bị cùm, bị nhốt trong trại giam chưa hề biết gì về cái đất nước chủ nô, mà bị buộc phải dùng tài nghệ cá nhân vốn có ở Việt Nam để trở thành một kiến trúc sư, một công trình sư bất đắc dĩ hầu giữ lại mạng sống của mình. Ở VN ông Nguyễn An cũng chưa hề có một công trình đầu tay nào cả, ngoài cái tài nghệ nhân (không rõ nguồn gốc về tài nghệ gì) thế mà phải nặn óc ra mà thiết kế một công trình vĩ đại nhất thế giới hồi đó cho tới bây giờ chưa có cái công trình nào sánh bằng. 
      Điều đó nói nên cái vốn kiến thức sẵn có trong ông đã thấm nhuần được văn hoá Việt Tộc khi còn sống và làm việc ở quê nhà. Nay vì sự sống còn của bản thân mà phải vận dụng cái số vốn kiến thức tiềm ẩn đó cộng với óc quan sát (khi nhìn con dế trong lồng và nghe tiếng kêu của dế, đây là một trò chơi rất phổ biến của các trẻ nhỏ ở VN) mà sáng tạo ra những đường nét mới lạ cho đủ đáp ứng với cái diện tích quá khổ của công trình mà ông phải phụ trách xây dựng. Thật đúng như câu châm ngôn của Tộc Việt: “Cái khó nó bó cái khôn”. Cho nên ta có thể tự hào mà nói rằng Công trình Tử Cấm Thành là công trình thể hiện theo đạo lý Việt. Và từ Đạo lý Việt mà hình thành. 

Bánh dày: 


      Bánh dày hình tròn làm bằng gạo nếp nấu chín rồi giã mịn, hai mặt là hai bánh hình tròn, phía ngoài hai mặt được lót lá chuối màu xanh, kẹp giữa hai bánh tròn là nhân thịt chiên vàng (gọi là chả Quế). Nhìn cặp bánh dày ta cũng thấy thể hiện ba thành phần đó là: Thiên-Địa-Nhân như bên chiếc Bánh chưng. 
Bánh dày là hình tượng của mặt Trời, mặt Trăng (ngày và đêm) đó là chữ Minh明 (chữ nôm của nước Việt thời đó) tức đại diện cho Thiên, là hình ảnh của ngôi vị Minh Quân.
      Hình tròn cũng như hình vuông trong hình học nếu cứ vạch một đường thẳng qua tâm điểm thì mọi phần chia đều bằng nhau dẫu chia nó thành hàng vạn phần nhỏ cũng không hề có sự chênh lệch không đều. Đó là Đạo Tâm của Tộc Việt. Trong mọi sinh hoạt đời sống mà “dụng Tâm ứng sử” thì sẽ đạt được cái lý bác ái, thương yêu, bình đẳng, công bằng.


      Bánh dày mềm dẻo, chả Quế thơm ròn vàng ngậy, lá chuối xanh tươi tạo nên cái đẹp hấp dẫn, hương vị quyến rũ ăn thấy ngon bùi. Ba thành phần “Thiên-Địa-Nhân” quyện chặt lấy nhau tạo nên thành phẩm tuyệt vời. Đó cũng là biểu lý của Đạo: “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa” Điều mà bất cứ một vị Minh Quân nào cũng phải thông đạt điều này thì mới có thể “Tề gia, Trị Quốc, Bình thiên hạ” được. 
      Bánh Chưng, Bánh dày khi bày cỗ làm vật phẩm để dâng lễ vật cúng tế Trời Đất, Tổ tiên hay biếu tặng giao tế đều phải đi một cặp “Cặp Bánh chưng, Bánh Dày” đó là biểu tượng một đôi như: Âm-Dương, Vợ- Chồng, Quân-Thần, anh-em, chị-em, thày-trò, cha-con, mẹ-con, bạn-hữu v.v…Tất cả các mối quan hệ song phương này luôn luôn “dụng Tâm ứng sử” sao cho Vuông-Tròn (Bánh Chưng Vuông, Bánh Dày Tròn) thì mọi việc được hạnh thông mỹ mãn. Trong dân gian Việt Nam thường có câu chúc một người Mẹ khi lâm bồn sinh nở thường chúc là: Được “Mẹ Tròn con Vuông” biểu thị cho “Tâm Ý” cầu mong được hạnh thông mỹ mãn. Lời chúc này chỉ có trong ngôn ngữ Việt Tôc mà thôi. Nếu không hiểu được cái Đạo Lý Việt thì không ai có thể hiểu được lời chúc “độc đáo” này. 
(Đồng Điếu cổ Mặt Tiền “Bát Quái”)   ( Mặt Hậu chữ Nôm cổ Việt Nam)

      Bánh Dày hình tròn biểu hiện cho Thiên, hình tròn bao bọc hình vuông, đó là hình ảnh “Bầu Trời bao bọc trái Đất”. Biểu thị cho quyền lực tối thượng của một vị Minh Quân dùng Luật mà trị Quốc, trong luật bao hàm đức tính bao dung để An Dân. Đó là Quốc gia phải có Luật pháp hầu điều hành quốc sự. Trong Tôn giáo, làng xã, nhà trường, đoàn thể thì có luật lệ, trong gia đình thì có tục lệ để điều hành mọi hoạt động của cơ sở. Chính vì thế trong dân gian vẫn có câu châm ngôn: “Nhập gia tùy tục” hầu nhắc nhở nhau cách sống là vậy. Luật tức là phép nước, đồng nghĩa là Luật Pháp. Chính vì thể hiện này mà một quốc gia dân chủ thường phải có hai Viện: Luật pháp và hành pháp. Ta thường gọi là Hạ Viện và Thượng Viện, trong cuộc sống thì có Tòa Án và Cảnh sát là vậy.
      Qua những điều phân tích thể nghiệm trên, ta thấy Tích truyện Bánh Chưng, Bánh Dày không phải là một câu chuyện vui cười trà dư tửu hậu. Mà thực chất Tổ Tiên Tộc Việt Văn Lang đã để lại truyền thừa cho thế hệ mai sau một Đạo Lý Việt thâm hậu rất thực tế trong đời sống con người, trong mối quan hệ tương giao song phương đối lập, Trong Phương sách và tư cách một vị Minh Quân trị quốc an dân.
 
1)Chữ cổ trên trống đồng trưng bày ở Đền Hùng      2)Chữ cổ trên bãi đá Sapa)

      Nhưng thực đáng tiếc cho dân Việt ta, trải qua hơn bốn ngàn năm biết bao nhiêu vật đổi sao rời, hết Triều đại này tới Triều đại khác đều không mang cái Minh Triết của Đạo Lý Vuông-Tròn mà giáo lý cho dân chúng, hay không ít các vị vua chúa đã không thông đạt được cái Đạo lý tiềm ẩn trong sự tích “Bánh Chưng, Bánh Dày”, nên không thực hành theo phương sách “Trị Quốc An Dân”. 
Mà như trong sách giáo khoa, hay trong lời bình phẩm tích truyện thường chỉ nêu bật cái “Tật” tham ăn tục uống, hưởng thụ của ngon vật lạ trên mồ hôi xương máu của con dân, rồi tuyển chọn kẻ xu nịnh tâng bốc với cái “Tâm Nô Bộc” mà truyền ngôi báu. 
      Những mong bài viết này thể hiện được phần nào cái thâm túy Đạo Lý Tộc Việt xuyên qua tích truyện “Bánh chưng, Bánh dày” mà truyền tới những thế hệ mai sau. Qua đó hầu hy vọng nếu được giới lãnh đạo Quốc gia cũng như con dân nước Việt thông đạt được Đạo lý này mà ứng dụng thì vận mệnh Đất nước Việt Nam sẽ được chuyển hóa mang lại nền hạnh phúc, ấm no, an bình, thịnh vượng cho đất nước và cho muôn dân. 
      Mong lắm thay, cũng cầu mong nhận được những ý hay để cùng nhau trao dồi mở rộng sự hiểu biết hơn.

Viết ngày 21 tháng giêng năm 2014. 
Úc Châu - Năm Giáp Ngọ
Nguyên Khang 

* * *

Phần phụ giải âm ngữ "Chưng" và âm ngữ "Dày": 

Âm "Chưng": 

Trong truyện Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự (1743-1790) có câu:
"Lễ hôn chuông chắn mọi đường
Quế càng hương chắp, gấm càng hoa thêm"
Sau này dùng chữ quốc ngữ thì đổi thành:
"Lễ hôn vuông vắn mọi đường...".
Như vậy: "Chuông chắn" = "Vuông vắn", trong văn học xưa ta cũng thường gặp như: Một chuông lụa, một chuông vải, khăn choàng đầu của phụ nữ Bắc Việt gọi là "chuông khăn" sau đổi cách gọi là "khăn vuông". Âm "chuông" trong tiếng Nôm có nghĩa là bốn cạnh vuông vắn, đầy đủ. (theo Việt Nam từ điển Khai Trí Tiến Đức 1931), âm "chưng": đọc trại từ "chuông" mà ra. "Chưng" có nghĩa là "Vuông", bánh chưng có nghĩa là bánh vuông 

Âm "Dày": 

Theo chữ Nôm "bánh Dày" gọi là Bánh "Bạc Trì" (Bạc Trì bình).
"Bạc" có nghĩa là mỏng, là dẹt nghịch nghĩa với từ "dầy". "Trì" đọc âm Nôm là "giầy" có nghĩa là cầm, giữ chứ không có nghĩa là bề dầy, hay giầy dép. (theo Đại Nam Quốc Âm Tự viện của Huỳnh Tịnh Của, bảng tra chữ Nôm của Viện ngôn ngữ học 1976, cơ sở ngữ văn Hán-Nôm của Lê Trí Viện 1987). Cho nên "bánh Giầy" có hình tròn dẹt và mỏng .
Sau này theo chữ quốc ngữ mà theo cách phát âm từng địa phương mà thành "bánh dày","bánh giày", "bánh dầy", tuy nhiên hình dạng bánh không thay đổi và sự biểu tượng của bánh vẫn đồng chung ý nghĩa là mặt Trời, mặt Trăng, trong tự Nôm ghép hai tự Nhật Nguyệt lại thành tự "Minh" (明).

Thơ Tranh: Mưa Xuân



Trích Thơ: Dương Hồng Thủy
Thơ Tranh: Kim Oanh

Xuân Muộn


Chiều buông tiếng gió ru tình
Đêm thao thức đợi trông bình minh sang
Lòng khắc khoải, giấc mơ màng
Chờ con nhạn trắng theo đàn đưa thư

Anh vần nhớ, em vần ừ
Ừ! Em vẫn nhớ thi từ trong anh
Ngủ đi anh! Đêm mộng lành
Sớm xuân thức dậy ngắm cành sương mai

Em vào tối, anh rạng ngày
Bên kia sang hạ, bên này vào xuân
Tình anh phong kín mây tầng
Tình em tựa nắng, ánh ngần sợi tơ


Ngày xưa ai bảo ngu ngơ
Bao xuân ôm mộng với mơ vào lòng
Lời e ngại, dạ buồn trong
Tâm tình muộn tỏ, úa hồn thi nhân!


Yên Dạ Thảo

Paris Đón Tết - Quách Vĩnh Thiện


Thơ Thanh Vân : Thanh Vân
Nhạc: Quách Vĩnh-Thiện.

Tiếng Hát : Quang Minh.
Paris, Janvier 2010

Xuân Lòng


     (Họa từ bài thơ Chờ Tết của Đỗ Hữu Tài)

Quanh đây chỉ có mình ta
Lặng nghe tiếng pháo rền xa cuối đường
Hồn rong khắp phố cùng phường
Xuân lòng nào vướng bởi tường dọc ngang
Theo làn nắng sớm mơn man
Chút hương ngào ngạt len mang đến phòng
Ngỡ như tay mẹ bế bồng
Từ tà vạt áo hương nồng thướt tha
Bao giờ về lại quê ta
Con tàu chuyến chót thềm ga mịt mùng
Thèm chơi đuổi bắt truy lùng
Cái trò con nít ngượng ngùng gì đâu
Chợt mơ chợt tỉnh hồi lâu
Thời gia thấm thoát bóng câu bên trời
Trải qua năm tháng thiếu thời
Xứ người bén rễ cây đời trổ hoa
Xuân này dù chỉ riêng ta
Ưu phiền chuyển hóa khi ra lúc vào
Hân hoan rộn đón tiếng chào
Dẫu lòng se thắt ruột bào căm căm
Xuân này hái lộc đầu năm
Cầu cho chốn ấy xa xăm yên bình
Mong sao người bạn  của mình
Mơ xuân như ý đậm hình bóng xuân
Kim Phượng


Paris Đón Tết


Tết Paris, có nhánh mai vàng,
Tết Paris, có mứt gừng kẹo dẻo,
Tết Paris, trời giá lạnh tuyết rơi rơi,
Tết Paris, cầu chúc mọi người vui tươi.

Mừng Xuân người tha hương đón Tết,
Bày bàn thờ, chào năm mới, đón tổ tiên,
Dưa giá thịt kho, bánh chưng bánh tét,
Nén hương thơm cầu nguyện bình an.
 
Đám trẻ con được lì xì bao thơ đỏ,
Đoàn Lân Tàu biểu diển, trống liên hồi,
Người tha hương bổng nhớ Tết năm xưa,
Lòng nao nao hướng về quê hương.

Tết Paris, có nhánh mai vàng,
Tết Paris, có mứt gừng kẹo dẻo,
Tết Paris, trời giá lạnh tuyết rơi rơi,
Tết Paris, cầu chúc mọi người vui tươi.

Nhớ kỹ niệm ngày Xuân xưa đầm ấm,
Bên Mẹ Cha chờ náo nức đêm Xuân,
Tiếng pháo giao thừa, bàn thờ thiên lộ,
Quê hương ơi xa cách dạt dào thương.
 
Chợ Tết rộn ràng, khách chen lấn vui Xuân,
Tiếng nói cười, chúc mừng năm mới đẹp,
Vạn sự lành, cùng hạnh phúc tốt tươi,
Thịnh Vượng, Thanh Bình, Sức Khỏe, An Vui,

Dù xa xứ, vẫn không quên mừng đón Tết,
Dù xa xứ, vẫn không quên mừng đón Tết,


Thanh Vân


Xuân Về - Thơ Thu Hương - Mũ Nâu 11 Thực Hiện


Thơ: Thu Hương.
Nhạc nền: Xuân đã về - Minh Kỳ.
Thực hiện: Mũ Nâu 11 - Thủy Gia Trang 2014


Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

Câu Đối: Chúc Tết 2014 - Quên Đi


Câu Đối: Quên Đi
Trình Bày: Hữu Đức

Câu Đối Thú Vị Trước Thềm Năm Mới


  Hôm nay lang thang trên Internet, tình cờ bắt gặp trên http://vi.wikiquote.org đôi câu đối thật thú vị, của hai Nữ Sĩ đứng đầu trong thi ca Việt Nam.
      Tôi xin giới thiệu ra đây cùng Các Vị giải trí trong những ngày đầu năm mới.
1 - Hồ Xuân Hương với anh người Tàu
     Vế ra: 
    Chân đi hài Hán - tay bán bánh Đường - miệng hát líu Lương - ngây Ngô ngây ngố
   Câu này do Hồ Xuân Hương ra cho 1 anh người Tàu sang An Nam bán bánh có ý trêu ghẹo bà, trong đó có tên 4 triều đại Trung Quốc là: Hán, Đường, Lương, Ngô khiến chú khách kia tẽn tò chuồn thẳng.
    Vế đối này phải tới hơn 200 năm sau mới có ông Trường Văn Nguyễn Phước Thắng đối lại giúp anh người Tàu, trong đó sử dụng tên 4 triều đại của Việt Nam là:
      Đinh, Triệu, Lý, Mạc rất chỉnh:
    Tóc cắt đầu Đinh - vai nghinh lá Triệu - bụng liệu lẽ Lý - mộc Mạc mộc mà
( theo http://vi.wikiquote.org/wiki/C%C3%A2u_%C4%91%E1%BB%91i_Vi%E1%BB%87t_Nam)
    Nếu nói phải hơn 200 năm sau mới có ông Trường Văn Nguyễn Phước Thắng đối lại! Như thế có cường điệu quá chăng?
     Có thể do câu đối này của Hồ Xuân Hương ít được biết đến nên không có người đối.
     Theo Tôi,
     Vế Ra này được xướng theo lối Vè,  Vế Ra ngoài chữ Hán gieo vần với chữ Bán, còn có chữ Đường gieo vần với chữ Lương. Nhưng vì lý do khách quan nên Vế Đối trên không thể rất chỉnh mà chỉ tương đối chỉnh mà thôi.
    Nếu đối như trên, dầu biết không thể chỉnh, Tôi cũng có thể để đối lại.
      Mình mặc áo Hồng
      Nhà trống thân Mạc
      Lời khoát muôn Triệu
      Ngồi Lê ngồi lệch.
( Tôi cũng dùng 4 triều đại của Việt Nam để đối lại: Hồng Bàng, Mạc, Triệu và Lê để đối.)
                                                                           Quên Đi

2 - Đoàn Thị Điểm và Tràng An Tứ Hổ
   Bấy giờ, ở Kinh Đô Thăng Long có bốn danh sĩ được gọi là: "Tràng An Tứ Hổ" gồm Vũ Diệm, Nguyễn Bá Lân, Nhữ Đình Hiền cùng Nguyễn Công Thái rủ nhau đến nhà bà Đoàn Thị Điểm để thử tài.
Bà ra câu đối:
       Đình tiền thiếu nữ khuyến tân lang
(Trước sân, thiếu nữ mời ăn trầu). Tân lang(*) là trầu cau, lại đồng âm (Hán) với tân lang là chàng rể mới. Tràng An Tứ Hổ đều chịu phục không nghĩ ra câu đối lại.
Phải chờ đến gần 300 năm sau khi văn hóa phương Tây đã xâm nhập vào Việt Nam mới có người là Trường Văn Nguyễn Phước Thắng đối lại được câu trên như sau:
Các hậu trưởng nam hoài cựu ước 
(Sau lầu, người con trai lớn nhớ lời nguyện ước cũ) (Cựu ước là lời ước nguyện cũ, cũng có nghĩa là Kinh Cựu Ước trong đạo Thiên Chúa)
( theo http://vi.wikiquote.org/wiki/C%C3%A2u_%C4%91%E1%BB%91i_Vi%E1%BB%87t_Nam)
      Trường hợp Vế Ra này của Đoàn Thị Điểm cũng tương tự như Vế Ra ở bên trên của Hồ Xuân Hương.
      Đây là vế đối thơ, nhưng cũng đâu cần phải chờ đến văn hoá phương Tây xâm nhập vào Việt Nam mới đối được.
      Tôi cũng xin đối.
      Thư nội tiểu sinh tầm hậu nghệ
(Từ trong sách cậu học trò tìm học nghề cho mai sau . Hậu nghệ ngoài nghĩa nghề nghiệp mai sau còn là tên của chồng Hằng Nga: Hậu Nghệ).

(*) Tân Lang : là cây cau không phải là trầu cau
                                                                              Quên Đi
3 - Bà Đoàn Thị Điểm và Trạng Quỳnh:

         Những vế ra Trạng Quỳnh không đối được, hiện đã được hậu thế giải mã giúp:
     Trạng Quỳnh rất si mê Đoàn Thị Điểm… Một lần biết bà đang tắm, Quỳnh liền đến bên nhà tắm và đòi bà cho vào ‘xem’. Bà một mực từ chối, nhưng Quỳnh cứ nằng nặc, năn nỉ đòi vào. Nhanh trí bà nghĩ ra một cách đối phó, bà nói sẽ ra một vế đối, nếu Quỳnh đối được sẽ cho vào xem, không thì từ lần sau phải xách cho bà tắm. Quỳnh đồng ý.
Vế ra:
     Da trắng vỗ bì bạch.
     Từ ‘bì bạch’ theo nghĩa tiếng Hán cũng chính là ‘da trắng’, như vậy bản thân vế đối này đã chính là một câu đối. Từ ‘bì bạch’ còn là một từ tượng thanh mô tả tiếng kêu của tay vỗ vào mình khi có nước chảy. Vậy thì bì bạch ở đây vừa là tượng hình (da trắng) vừa là tượng thanh (tiếng động). Trạng Quỳnh nghĩ nát óc không tìm ra vế đối lại, cho đến lúc Đoàn Thị Điểm tắm xong bước ra ngoài vẫn còn thấy đang đứng nghĩ trán vã cả mồ hôi, từ đó mỗi lần cô Điểm tắm đều có mặt Trạng Quỳnh nhưng Quan Trạng chỉ đóng vai trò là người xách nước
Trời xanh cao thiên thanh (tương truyền là của Trạng Quỳnh sau đó rất lâu mới nghĩ ra)
Rừng sâu mưa lâm thâm (Nguyễn Tài Cẩn)
Quạ vàng đội kim ô (không rõ)
Tay tơ sờ tí ti (khuyết danh)
Nhà vàng ngồi đường hoàng (không rõ)
Áo vàng mặc trang hoàng (khuyết danh)
Đêm đen sờ dạ thâm (không rõ)
Đêm đen nhìn tối thui (chưa biết)
Mây đen quyện ô vân (Phạm Tuyên)
Gấu vàng ăn Hùng Hoàng (chưa rõ)
Tóc xanh thấy phát thương (chưa rõ)
Béo phù thở phì phò (Lê Anh Chí)
Áo xanh lay lục phục (Lê Anh Chí)
Quần áo vung phùng phục (Lê Anh Chí)
Đá chàm sờ lam nham (Lê Anh Chí)
Suối đỏ khoan thông hồng (khuyết danh)
Biển Tây có Hải Âu (khuyết danh)
Lên núi gặp thượng sơn (khuyết danh)
Bắp vàng đợi ngô huỳnh (khuyết danh)
Mực đen dính mặc huyền (khuyết danh)
Giấy đổ viết chu da (khuyết danh)
Sen xấu mọc liên tục (khuyết danh)
Bẩy xanh la thất thanh (khuyết danh)
Lưỡi đỏ ngó thiệt hồng (khuyết danh)
Ra vào đòi giao hợp (khuyết danh)
Mũi thấp hun tị ti (khuyết danh)
Giếng nhỏ bé tỉnh tinh (khuyết danh)

( theo http://vi.wikiquote.org/wiki/C%C3%A2u_%C4%91%E1%BB%91i_Vi%E1%BB%87t_Nam)
      Da trắng vỗ bì bạch
      Đây mới quả thật là Vế Ra hóc búa.
      Nhìn lên trên, chúng ta thấy có mấy mươi Vế Đối. Tuy đã có nhiều Vế Đối như thế, nhưng Tôi cho rằng chưa có vế đối được.
      Ngoài những ý nghĩa về tượng hình tượng thanh như ở trên đã nêu, còn một điều rất quan trọng mà bài viết bên trên chưa nêu ra.

      Đó chính là :Vế Ra là Câu Đối Thơ.
      Đây câu 5 chữ trong Đường Luật Thi. Khi ra Vế Đối, ta phải tuân thủ Luật Bằng Trắc.
- Chữ thứ hai (trắng), chữ thứ năm (bạch) cả hai là Vần Trắc, ta phải sử dụng vần Bằng để đối lại.
- Chữ thứ tư (bì) vần Bằng, ta phải đối lại là vần Trắc.
     Chúng ta nhìn lại mấy mươi Vế đối trên, không có một vế nào hội đủ các điều kiện về tượng hình, tượng thanh, luật bằng trắc..để đối lại cả.
    Như thế tính đến ngày hôm nay, Vế Ra của Bà Đoàn Thị Điểm vẫn chưa có ai đối được.

Huỳnh Hữu Đức
Mùng 29 tháng Chạp năm Quý Tỵ
(Nhằm ngày 29 tháng 01- 2014)