Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

Câu Đối: Chúc Tết 2014 - Quên Đi


Câu Đối: Quên Đi
Trình Bày: Hữu Đức

Câu Đối Thú Vị Trước Thềm Năm Mới


  Hôm nay lang thang trên Internet, tình cờ bắt gặp trên http://vi.wikiquote.org đôi câu đối thật thú vị, của hai Nữ Sĩ đứng đầu trong thi ca Việt Nam.
      Tôi xin giới thiệu ra đây cùng Các Vị giải trí trong những ngày đầu năm mới.
1 - Hồ Xuân Hương với anh người Tàu
     Vế ra: 
    Chân đi hài Hán - tay bán bánh Đường - miệng hát líu Lương - ngây Ngô ngây ngố
   Câu này do Hồ Xuân Hương ra cho 1 anh người Tàu sang An Nam bán bánh có ý trêu ghẹo bà, trong đó có tên 4 triều đại Trung Quốc là: Hán, Đường, Lương, Ngô khiến chú khách kia tẽn tò chuồn thẳng.
    Vế đối này phải tới hơn 200 năm sau mới có ông Trường Văn Nguyễn Phước Thắng đối lại giúp anh người Tàu, trong đó sử dụng tên 4 triều đại của Việt Nam là:
      Đinh, Triệu, Lý, Mạc rất chỉnh:
    Tóc cắt đầu Đinh - vai nghinh lá Triệu - bụng liệu lẽ Lý - mộc Mạc mộc mà
( theo http://vi.wikiquote.org/wiki/C%C3%A2u_%C4%91%E1%BB%91i_Vi%E1%BB%87t_Nam)
    Nếu nói phải hơn 200 năm sau mới có ông Trường Văn Nguyễn Phước Thắng đối lại! Như thế có cường điệu quá chăng?
     Có thể do câu đối này của Hồ Xuân Hương ít được biết đến nên không có người đối.
     Theo Tôi,
     Vế Ra này được xướng theo lối Vè,  Vế Ra ngoài chữ Hán gieo vần với chữ Bán, còn có chữ Đường gieo vần với chữ Lương. Nhưng vì lý do khách quan nên Vế Đối trên không thể rất chỉnh mà chỉ tương đối chỉnh mà thôi.
    Nếu đối như trên, dầu biết không thể chỉnh, Tôi cũng có thể để đối lại.
      Mình mặc áo Hồng
      Nhà trống thân Mạc
      Lời khoát muôn Triệu
      Ngồi Lê ngồi lệch.
( Tôi cũng dùng 4 triều đại của Việt Nam để đối lại: Hồng Bàng, Mạc, Triệu và Lê để đối.)
                                                                           Quên Đi

2 - Đoàn Thị Điểm và Tràng An Tứ Hổ
   Bấy giờ, ở Kinh Đô Thăng Long có bốn danh sĩ được gọi là: "Tràng An Tứ Hổ" gồm Vũ Diệm, Nguyễn Bá Lân, Nhữ Đình Hiền cùng Nguyễn Công Thái rủ nhau đến nhà bà Đoàn Thị Điểm để thử tài.
Bà ra câu đối:
       Đình tiền thiếu nữ khuyến tân lang
(Trước sân, thiếu nữ mời ăn trầu). Tân lang(*) là trầu cau, lại đồng âm (Hán) với tân lang là chàng rể mới. Tràng An Tứ Hổ đều chịu phục không nghĩ ra câu đối lại.
Phải chờ đến gần 300 năm sau khi văn hóa phương Tây đã xâm nhập vào Việt Nam mới có người là Trường Văn Nguyễn Phước Thắng đối lại được câu trên như sau:
Các hậu trưởng nam hoài cựu ước 
(Sau lầu, người con trai lớn nhớ lời nguyện ước cũ) (Cựu ước là lời ước nguyện cũ, cũng có nghĩa là Kinh Cựu Ước trong đạo Thiên Chúa)
( theo http://vi.wikiquote.org/wiki/C%C3%A2u_%C4%91%E1%BB%91i_Vi%E1%BB%87t_Nam)
      Trường hợp Vế Ra này của Đoàn Thị Điểm cũng tương tự như Vế Ra ở bên trên của Hồ Xuân Hương.
      Đây là vế đối thơ, nhưng cũng đâu cần phải chờ đến văn hoá phương Tây xâm nhập vào Việt Nam mới đối được.
      Tôi cũng xin đối.
      Thư nội tiểu sinh tầm hậu nghệ
(Từ trong sách cậu học trò tìm học nghề cho mai sau . Hậu nghệ ngoài nghĩa nghề nghiệp mai sau còn là tên của chồng Hằng Nga: Hậu Nghệ).

(*) Tân Lang : là cây cau không phải là trầu cau
                                                                              Quên Đi
3 - Bà Đoàn Thị Điểm và Trạng Quỳnh:

         Những vế ra Trạng Quỳnh không đối được, hiện đã được hậu thế giải mã giúp:
     Trạng Quỳnh rất si mê Đoàn Thị Điểm… Một lần biết bà đang tắm, Quỳnh liền đến bên nhà tắm và đòi bà cho vào ‘xem’. Bà một mực từ chối, nhưng Quỳnh cứ nằng nặc, năn nỉ đòi vào. Nhanh trí bà nghĩ ra một cách đối phó, bà nói sẽ ra một vế đối, nếu Quỳnh đối được sẽ cho vào xem, không thì từ lần sau phải xách cho bà tắm. Quỳnh đồng ý.
Vế ra:
     Da trắng vỗ bì bạch.
     Từ ‘bì bạch’ theo nghĩa tiếng Hán cũng chính là ‘da trắng’, như vậy bản thân vế đối này đã chính là một câu đối. Từ ‘bì bạch’ còn là một từ tượng thanh mô tả tiếng kêu của tay vỗ vào mình khi có nước chảy. Vậy thì bì bạch ở đây vừa là tượng hình (da trắng) vừa là tượng thanh (tiếng động). Trạng Quỳnh nghĩ nát óc không tìm ra vế đối lại, cho đến lúc Đoàn Thị Điểm tắm xong bước ra ngoài vẫn còn thấy đang đứng nghĩ trán vã cả mồ hôi, từ đó mỗi lần cô Điểm tắm đều có mặt Trạng Quỳnh nhưng Quan Trạng chỉ đóng vai trò là người xách nước
Trời xanh cao thiên thanh (tương truyền là của Trạng Quỳnh sau đó rất lâu mới nghĩ ra)
Rừng sâu mưa lâm thâm (Nguyễn Tài Cẩn)
Quạ vàng đội kim ô (không rõ)
Tay tơ sờ tí ti (khuyết danh)
Nhà vàng ngồi đường hoàng (không rõ)
Áo vàng mặc trang hoàng (khuyết danh)
Đêm đen sờ dạ thâm (không rõ)
Đêm đen nhìn tối thui (chưa biết)
Mây đen quyện ô vân (Phạm Tuyên)
Gấu vàng ăn Hùng Hoàng (chưa rõ)
Tóc xanh thấy phát thương (chưa rõ)
Béo phù thở phì phò (Lê Anh Chí)
Áo xanh lay lục phục (Lê Anh Chí)
Quần áo vung phùng phục (Lê Anh Chí)
Đá chàm sờ lam nham (Lê Anh Chí)
Suối đỏ khoan thông hồng (khuyết danh)
Biển Tây có Hải Âu (khuyết danh)
Lên núi gặp thượng sơn (khuyết danh)
Bắp vàng đợi ngô huỳnh (khuyết danh)
Mực đen dính mặc huyền (khuyết danh)
Giấy đổ viết chu da (khuyết danh)
Sen xấu mọc liên tục (khuyết danh)
Bẩy xanh la thất thanh (khuyết danh)
Lưỡi đỏ ngó thiệt hồng (khuyết danh)
Ra vào đòi giao hợp (khuyết danh)
Mũi thấp hun tị ti (khuyết danh)
Giếng nhỏ bé tỉnh tinh (khuyết danh)

( theo http://vi.wikiquote.org/wiki/C%C3%A2u_%C4%91%E1%BB%91i_Vi%E1%BB%87t_Nam)
      Da trắng vỗ bì bạch
      Đây mới quả thật là Vế Ra hóc búa.
      Nhìn lên trên, chúng ta thấy có mấy mươi Vế Đối. Tuy đã có nhiều Vế Đối như thế, nhưng Tôi cho rằng chưa có vế đối được.
      Ngoài những ý nghĩa về tượng hình tượng thanh như ở trên đã nêu, còn một điều rất quan trọng mà bài viết bên trên chưa nêu ra.

      Đó chính là :Vế Ra là Câu Đối Thơ.
      Đây câu 5 chữ trong Đường Luật Thi. Khi ra Vế Đối, ta phải tuân thủ Luật Bằng Trắc.
- Chữ thứ hai (trắng), chữ thứ năm (bạch) cả hai là Vần Trắc, ta phải sử dụng vần Bằng để đối lại.
- Chữ thứ tư (bì) vần Bằng, ta phải đối lại là vần Trắc.
     Chúng ta nhìn lại mấy mươi Vế đối trên, không có một vế nào hội đủ các điều kiện về tượng hình, tượng thanh, luật bằng trắc..để đối lại cả.
    Như thế tính đến ngày hôm nay, Vế Ra của Bà Đoàn Thị Điểm vẫn chưa có ai đối được.

Huỳnh Hữu Đức
Mùng 29 tháng Chạp năm Quý Tỵ
(Nhằm ngày 29 tháng 01- 2014)


Thúy Cúc Ngày Xưa



Mùa xuân đỏ hoa hồng nhung
Theo chân chiều nào xuống phố
Trái tim dịu dàng bỏ ngỏ
Sắc màu gom hết vào tay


Mùa xuân áo hoa tím bay
Người còn yêu hoa thúy cúc
Cửa lớp ngày xưa ta học
Bây giờ một thoáng mây qua


Bây giớ tình đã bay xa
Tóc xanh có vài sợi bạc
Bâng khuâng một lần thoáng nhớ
Người và thúy cúc cùng ta

Ngọc Hải



Thơ Tranh: Chim Sáo Mùa Xuân



Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Chim Sáo Mùa Xuân


Mồng Ba Ghé Thăm




Mồng ba khẻ bước ghé chơi
Còn cành hoa lẻ xin người tặng tôi
Dù cho trời đất thay ngôi
Tôi xin giữ chút xuân tươi thủa nào
Dù cho năm tháng hư hao
Tôi còn một chút xôn xao của đời
Trà dư, mứt muộn mời tôi
Cũng nghe ngọt lịm vành môi một lần
Tôi xin dư vị mùa xuân
Để nghe lòng cũng ân cần v
ới hoa
Mồng ba có những mồng ba

Hoài Tử

* Ảnh Tết Vĩnh Long - Trương Văn Phú


Muôn Thủa Mồng Ba

      
      
       (Từ Muôn Thủa Mùng Ba của Hoài Tử)

Mồng Ba từ chốn xa vời
Cánh hoa lẻ bạn vẫn khơi xuân tàn
Lòng Tết dẫu có muộn màng
Vẫn xin gửi tặng sắc vàng hoa mai

Dù cho năm tháng phôi phai
Hương xuân ngày Tết vẫn hoài ý thơ
Trà thơm, bánh mứt sẳn chờ
Hồn Tết ngọt lịm xuân mơ cuối mùa

Nắng vàng hoa thêu áo lụa
Dư vị xuân về gỏ cửa Mồng Ba.
Mồng Ba muôn thủa Mồng Ba
Xuân trong trời đất xuân ta cùng người.

Kim Oanh

Mồng Ba Muôn Thuở


      *Tặng tác giả “Muôn Thuở Mồng Ba”

Em đến chơi, tối Mồng Hai
Mẹ nấu bánh tét, ngày mai cúng đàng
Cùng em phụ bếp, dọn bàn
Tủ thờ lư, quả, mai vàng thắm tươi
Cả nhà rộn rã tiếng cười
Có em xum họp càng vui Xuân về
Bây giờ xa quá trời quê
Mồng Ba nhớ Mẹ, lòng thê thiết buồn
Cũng trà, bánh, mức, mõ, chuông
Đèn, nhang, hoa trái cội nguồn còn đây
Mồng Ba cúng tiễn Ông Bà
Nghe vơi chữ hiếu, ngỡ xa Xuân gần
Mồng Ba còn trống múa Lân
Còn nghe pháo chuột nổ rân sân Chùa
Em còn áo mới ngày xưa?
Nụ cười, ánh mắt mới vừa ươm mơ
Anh vừa nhớ, vừa làm thơ
Mồng Ba muôn thuở vẫn chờ đợi nhau !!!

Phạm Tương Như
Houston, mồng 3 bên Việt Nam

Xuân Buồn Ly Xứ


Xuân sang anh biết em buồn lắm
Đất lạ trời xa nhớ cảnh nhà...

Hình ảnh ngày xuân đâu dễ quên
Thương ba nhớ Mẹ khó ân đền
Đất người bận rộn lo cơm áo
Quên cả thời gian quên tuổi tên.

Hồi đó tuổi thơ mong tết lắm
Xuân về, năm mới thật là vui
Lư mắt tre ba chùi bóng loáng
Mai vàng đơm nụ hẹn xuân tươi!

Chị mẹ lăng xăng làm bánh mứt
Mứt dừa, mứt ổi, mứt me chua
Vịt xiêm một cặp kêu oang oác
Cá lóc lưng bồn đủ hay chưa

Đêm giao thừa pháo râm rang nổ
Ba mặc áo dài đốt đèn nhang
Hồng lạp, hương trầm nghi ngút khói
Vạn thọ, cành mai...rực sắc vàng .!

Rước Ông Bà về vui con cháu
Bình trà ly rượu đón tân niên
Những lời chúc đẹp vang như pháo
Một thuở thanh bình thật ấm yên

Đất người ba mẹ còn đâu nữa
Tết vẫn âm thầm năm mới sang
Chợ Việt nam bán đầy bánh mứt
Ẻo lả cành mai, chậu cúc vàng ...

Tà áo dài bay trong gió chướng
Tìm ở đâu? Người cũ còn đâu
Cũng có đầu lân vui giỡn pháo
Mà sao lòng vẫn xót nghẹn ngào!!

Nhìn kìa cô bé đang mua sắm
Áo ấm khăn quàng rét buốt xuân
Chợ tết ồn ào nơi quê cũ
Ở đây lặng lẽ lạnh vô cùng ...

Lại thêm một tuổi đời ly xứ
Ta chúc gì em năm mới đây
Chúc em xuân đến tròn mơ ước
Thiên hạ bình an cõi thế nầy ...

Thy Lan Thảo

( Riêng cho Hồng Sương & Uyển Mai)

Tình Xuân - Thơ Kim Phượng - Thực Hiện:Mũ Nâu 11

Chúc Mừng Năm Mới chị Kim Phượng
xin gửi kèm món quà đầu Xuân.
Dương Thượng Trúc


Thơ: Kim Phượng.
Nhạc nền: Gái Xuân - Phạm Duy.
Thực hiện: Mũ Nâu 11 - Thủy Gia Tran
g 2014

Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2014

Hội Ái Hữu Vĩnh Long Vĩnh Bình Sa Đéc Mừng Xuân Giáp Ngọ - Houston 2014

Hội Ái Hữu Vĩnh Long Vĩnh Bình Sa Đéc diễn hành xe hoa Mừng Xuân Giáp Ngọ 2014 được tổ chức tại Houston - USA








Nguyễn Cao Khải

Xuân Đẹp Làm Sao - Nhạc Sĩ Thanh Sơn - Ca Sĩ Hoài Lam

       Mùa Xuân không cần nói gì hết ai cũng biết không khí Tết như thế nào rồi,Ngoài đường thì nhộn nhịp múa lân pháo nổ,trong nhà thì trang hoàng nhà cửa , bàn thờ thì đủ hết bánh trái thịt dưa mai đào...Mọi người bui vẻ chúc nhau,gái trai thì rộn ràng du xụân khi Tết đến 
      .Xuân là mùa của những hy vong cho những điều tốt lành trong năm mới


Nhạc Sĩ: Thanh Sơn
Ca Sĩ: Hoài Lam
Trình Bày: Nguyễn Thế Bình

Chờ Tết



  (Ảnh Chợ Tết Giáp Ngọ từ Phạm Hồng Phước)

Ngày mai người đón tết ta
Còn ta ngố ngáo đi xa lạc đường
Muốn về vui với phố phường
Nhưng vì còn bốn vách tường chắn ngang

Nằm nhìn bóng tối miên man
Một đêm trừ tịch mênh mang trong phòng
Mà mơ giấc ngủ bềnh bồng
Để tìm giáng ngọc xuân nồng thiết tha

Giật mình ngồi ngóng tết ta
Buồn như tầu bỏ sân ga mịt mùng
Cuối đông gió thổi lạnh lùng
Xuân ơi sao vẫn ngại ngùng nơi đâu

Có hay ta đợi từ lâu
Cho chân ngựa soải vó câu giữa trời
Để mong tìm lại một thời
Mừng xuân Giáp Ngọ cho đời nở hoa

Sáng nay ăn tết mình ta
Nhìn người hối hả đi ra bước vào
Muốn vui nên gật đầu chào
Mà lòng nghe những tế bào lạnh căm

Bạn ơi đi lễ đầu năm
Xin cho tôi được quẻ xăm an bình
Để khi đón tết một mình
Xuân xa vẫn thấy bóng hình nàng xuân

Đỗ Hữu Tài(Thế Thôi)
Xuân Giáp Ngọ
29.01.2014

 

Vĩnh Long Đêm 30 Tết - Năm Giáp Ngọ









Trương Văn Phú
Vĩnh Long30 Tết

Hãy Đến Cùng Anh Đêm Nay

      
      (Tưởng nhớ Anh Vân Xuân Giáp Ngọ2014)

Hãy đến với anh đêm nay em nhé
Cho đêm dài ấm áp chút hương Xuân
Em có biết đêm nay đêm trừ tịch?
Nhưng lòng anh lạnh lẽo đến khôn cùng

Hãy đến với anh đêm nay em nhé
Bao năm qua nào biết đến Xuân về
Thì hãy đến cùng anh, em yêu dấu
Cho hồn anh ấm lại chút tình quê

Hãy đến với anh đêm nay em nhé
Chuốc cho anh chén rượu giữa đêm Xuân
Ta cùng nhấp để cùnh say ân ái
Nụ hôn trao theo sóng nhạc tưng bừng

Hãy đến với anh đêm nay em nhé
Để dìu anh lên tuyệt đỉnh yêu đương
Hồn du tử như đêm đen quạnh quẽ
Thì tình em sẽ thắp sáng hồn anh

Hãy đến với anh đêm nay em nhé
Mượn tay em làm gối ngủ qua đêm
Cho giấc ngủ thôi không còn mộng dữ
Đời lưu vong còn đôi chút êm đềm

Hãy đến với anh đêm nay em nhé
Để dìu nhau qua khổ ải thương đau
Hãy đến với anh đêm nay em nhé
Cho tình mình đẹp mãi đến ngàn sau

Anh Vân

* Trích từ báo Chính Ngôn - Số ra mắt Xuân Nhâm Thìn 1992 - USA

Câu Đối: Xuân Giáp Ngọ 2014 - Nam Chi


Câu Đối: Nam Chi
Trình Bày: Kim Oanh


Thể Thơ Ngô Thể


      Nói đến nền Thi Ca của Trung Hoa, Các nhà Phê bình đều công nhận Đời Đường là chói lọi nhất. Trong Thi Ca đời Đường, ngoài các bài thơ Cổ Thể (còn gọi là Cổ Phong) có từ trước, thơ Cận Thể(thể Thơ Đường Luật), còn xuất hiện một thể thơ mới của Đỗ Phủ. Được chính Ông gọi là Ngô Thể. Đây có thể xem như một thể thơ Đường Luật Phá Cách về luật Bằng Trắc, Luật Niêm. Riêng Gieo Vần và Luật Đối vẫn giữ lại.  
(Quên Đi)

      Anh Chiêu Đức Thân Mến,
      Tôi thật sự thích thú bài viết về Ngô Thể của Anh. Tuy không được phổ biến rộng rãi, không được các Thi Nhân hưởng ứng đông đảo, nhưng theo tôi nghĩ, đây vẫn được xem là thể Thơ Mới đời Đường sau Thể Thơ Cận Thể (Đường Luật). Đây chính là một hiện tượng thể hiện sự phóng khoáng, của Đỗ Phủ, của Người Xưa, cũng như Phan Khôi với Thơ Mới, Thanh Tâm Tuyền với Thơ Tự Do ở Việt Nam.
       Mạn phép anh, tôi xin được Trích bài viết này để giới thiệu với mọi người.

Thân Chào
 Huỳnh Hữu Đức


           Công Nguyên 768 ( Năm Đại Lịch thứ 3 vua Đường Đại Tông ), lúc bấy giờ Đỗ Phủ đã 57 tuổi, đang ở Hồ Bắc. Trước đó, khi ở Quỳ Châu ông rất chú trọng đến Luật thơ và đã làm rất nhiều bài thơ Niêm Luật thật nghiêm cẩn, như 8 bài Thu Hứng....Đồng thời cũng trong thời gian nầy, ông có ý nghĩ muốn bức phá sự trói buộc của Niêm Luật, nên mới muốn thử làm ra một thể thơ mới. Một hôm, ông làm ra một bài thơ Phi Cổ Phi Luật ( không phải Cổ Thi mà cũng không phải Luật Thi ) có tựa là " SẦU " , phía dưới ghi chú là " Cưởng  í vi Ngô Thể " ( Đùa rằng đây là thơ NGÔ THỂ ). Tiếp đó , ông lại làm thêm 17, 18 bài như thế nữa, và vì thế mà trong Đường Thi lại thêm một thể loại : Thơ NGÔ THỂ.

      Người đời Tống gọi là " Ảo Tự Thi " 拗字詩, hoặc "Ảo Tể " 拗體 ( chữ ẢO 拗 có nghĩa là Trúc trắc, trẹo lưỡi khó đọc ). Đến đời Thanh, thì Quế Phức gọi là " Ngô Quân Thể ", căn cứ vào thi nhân Ngô Quân đời Lương ( một nước trong thời Lục Triều trước đời Đường ), lúc bấy giờ Luật Thơ chưa thành hình, nhưng ông đã chú ý đến Bằng Trắc trong thơ Ngũ Ngôn, mặc dù chưa có Niêm Luật như đời Đường sau nầy, nhưng lời thơ đã thanh thoát suông sẻ mỹ lệ, nên được mọi người hưởng ứng mô phỏng, gọi là Ngô Quân Thể. Nhưng Quế Phức đã nhầm, vì lúc bấy giờ Luật Thi chưa được thành hình, và vì nếu mô phỏng Ngô Quân, thì Đỗ Phủ đã chú là " Ngô Quân Thể " rồi, tại sao chỉ nói gọn là " Ngô Thể " ?!

       Khi ở Quỳ Châu, vì  có ý nghĩ muốn bức phá sự trói buộc của Niêm Luật, nên  Đỗ Phủ mới muốn thử làm ra một thể thơ mới. Như ta đã biết 2 bài " SẦU " và " MỘ QUY ", mặc dù bức phá Niêm Luật, nhưng 2 cặp Thực và Luận đều công đối rất tề chỉnh, như :
......... 
  客子入門月皎皎,  Khách tử nhập môn nguyệt giảo giảo, 
  誰家搗練風淒淒。  Thùy gia đão luyện phong thê thê.
  南渡桂水闕舟楫,  Nam độ Quế Thủy khuyết chu tiếp,  
  北歸秦川多鼓鼙。  Bắc quy Tần Xuyên đa cổ bề..... 

(Đỗ Chiêu Đức Biên Soạn)  
                                               
      Chúng ta cùng thưởng thức Thơ Ngôn Thể qua bài: " Cưởng hí vi Ngô Thể "( Cưởng là Gượng ép, nên Cưởng Hí có nghĩa là Đùa chơi, Đùa Dai, là thơ làm theo thể Ngô ). và bài Mộ Quy:
                                            
愁-強戲為吳體
                    杜甫

江草日日喚愁生,
巫峽泠泠非世情。
盤渦鷺浴底心性,
獨樹花發自分明。
十年戎馬暗萬國,
異域賓客老孤城。
渭水秦山得見否,
人經罷病虎縱橫

Sầu-Cưởng Hí Vi Ngô Thể
                         Đỗ Phủ

Giang thảo nhật nhật hoán sầu sinh,
Vu Giáp linh linh phi thế tình.
Bàn oa lộ dục để tâm tính,
Độc thụ hoa phát tự phân minh.
Thập niên nhung mã âm vạn quốc,
Dị vực tân khách lão cô thành.
Vị thuỷ Tần sơn đắc kiến phủ,
Nhân kinh bãi bệnh hổ tung hoành

Dịch Nghĩa: Buồn - Đành Đùa Với Thơ Ngô Thể

Ngày ngày cỏ bên sông xao động nghe buồn
Hẻm núi Vu sơn âm u chẳng chút tình
Nơi cuối vùng nước xoáy cuộn những con cò tắm an vui
Trên cây có một bông hoa nở trông thật rõ ràng
Biết bao nước u ám đau thương vì chính chiến đã mười năm
Người khách già nơi khác như cô độc ở thành này
Biết có còn thấy được núi Tần sông Vị
Người khi hết bệnh sẽ dọc ngang như cọp.

Dịch Thơ:         Buồn


Cỏ sông buồn ngày ngày réo gọi
Hẻm Vu Sơn tối tối trêu ai
Cuối đầm cò tắm mê say
Ràng ràng một đóa hoa khai trên cành
Mười năm loạn dân lành nặng gánh
Khổ thân già hiu quạnh tha phương
Núi Tần sông Vị nhớ thương
Một mai thoát bệnh cọp dương danh hùng
                                                     (Quên Đi)


       " Cưởng hí vi Ngô Thể "( Cưởng là Gượng ép, nên Cưởng Hí có nghĩa là Đùa chơi, Đùa Dai, là thơ làm theo thể Ngô ).  
         Chữ NGÔ 吳 là Họ Ngô, nước Ngô, đồng âm với chữ NGÔ 吾 là Tôi. Nên, NGÔ THỂ 吾體 còn có nghĩa là Thể Thơ Của TÔI. và theo âm Quan Thoại, chữ NGÔ còn đồng âm với chữ VÔ 無, nên NGÔ THỂ cũng là VÔ THỂ 無體, tức là Không Theo Thể Thơ Nào Cả ! Đây có thể là một cách CHƠI CHỮ của Đỗ Phủ mà thôi :
          " Cưởng hí vi Ngô Thể " là " Làm chơi theo thể của Tôi ", hoặc " Làm chơi không theo thể nào cả ".... 
         Nhưng vì tiếng tăm của Đỗ Phủ rất lớn, nên trước sau đã có đến  6 nhà thơ hưởng ứng làm theo " Ngô Thể " nầy, gồm có Bì Nhựt Hưu, Lục Quy Mông đời Đường, Hoàng Đình Kiên, Hồ Đạm Yêm và Lục Du đời Tống, cuối cùng là Biên Liên Bảo đời Thanh.
         " MỘ QUY " 《暮歸》 chính là thơ Ngô Thể được Đỗ Phủ làm khi đang ở Hồ Bắc.

             暮歸                            MỘ QUY

                      杜甫                           Đỗ Phủ.

    霜黄碧梧白鶴棲,  Sương hoàng bích ngô bạch hạc thê,
    城上擊柝複烏啼。  Thành thượng kích thác phục ô đề.
 客子入門月皎皎,    Khách tử nhập môn nguyệt giảo giảo,
    誰家搗練風淒淒。  Thùy gia đão luyện phong thê thê.
 南渡桂水闕舟楫,    Nam độ Quế Thủy khuyết chu tiếp,
    北歸秦川多鼓鼙。  Bắc quy Tần Xuyên đa cổ bề.
 年過半百不稱意,    Niên quá bán bách bất xứng ý,
    明日看雲還杖藜。  Minh nhựt khan vân hoàn trượng lê.

Dịch Nghĩa: Chiều Về

Bạch Hạc đậu trên cành ngô đồng đã vàng lá vì sương thu lạnh lẽo
Trên thành tiếng mõ đã bắt đầu điểm canh lẫn với tiếng quạ kêu sương.
Khách trở về nhà trọ, vào cửa trong lúc ánh trăng đã vằng vặc ngoài trời
Trong khi đó tiếng chày giặc lụa của nhà ai còn vang vang trong gió thu hiu hắt.
Ta muốn xuôi Nam qua dòng Quế Thủy nhưng lại không đủ sức thuê thuyền
Muốn trở về đất Bắc ở Tần Xuyên thì giặc giã chiến tranh, trống trận nổi lên liên miên không dứt.
Quá nửa đời người không có chuyện gì xứng ý toại lòng cả !
Thôi thì, ngày mai lại phải chống gậy mà ngắm mây trời xa xa để thương nhớ về cố hương mà thôi !

Diễn Nôm : Chiều Về

Hạc trắng đậu cành ngô vàng sương lạnh,                 
Quạ đen kêu tiếng mõ báo canh tàn.                 
Khách vào nhà đón trăng sáng miên man                 
Tiếng chày giặt lẫn gió buồn thê thiết.                 
Muốn về nam không tiền xuôi Quế Thủy,                 
Bắc Tần Xuyên giục giã trống quân vang.                 
Quá năm mươi còn lưu lạc chưa an ,                      
Ngày mai lại gậy lê nhìn mây trắng !                                                                
                                          (Đỗ Chiêu Đức.)

                  x X x

Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn


Xuân Này Em Ở Đâu




Gió lạnh ùa về đón Xuân sang
Buồng tim rung động bước lang thang
Xuân buồn héo úa màu hiu hắt
Không biết làm sao gặp được nàng ?!

Thuở trước mềm môi đọng tiếng cười
Em sang trò chuyện bao niềm vui
Rồi Xuân tàn lụi - Xuân đi mất
Anh vẫn bâng khuâng nhớ một người !

Hy vọng Xuân nầy em ở đâu
Trăm năm duyên kiếp được sang giàu
Hồn anh trôi thả theo dòng nước
Rượt bóng hình em nước chảy mau.


Dương Hồng Thủy


Thơ Tranh: Khai Bút Đầu Năm


Thơ: Hoàng Dũng
Thơ Tranh: Kim Oanh