Thứ Hai, 27 tháng 1, 2014

Thơ Tranh: Xuân Nhớ


Thơ: Hồng Lan
Thơ Tranh: Kim Oanh


Đón Tết Ở Công Viên Heo May




Em nằm một góc trời riêng
Dưới chân hình tượng nghiêng nghiêng số phần
Và ta – bụi cát phân thân
Nửa theo biển rộng, nửa gần núi cao.

Phạm Hồng Ân 




Chổ Về




Ngày đi
tạ lỗi ơn người
là ơn mưa móc một thời rất xưa
mây đâu hỏi gió bao giờ
chân không đổi sắc bên bờ hồi sinh

Sáu mươi đến tuổi giật mình
vương vai bỏ cuộc với hình bóng kia
một mai là chỗ ta về
là nơi yêu tĩnh dạo kề trăng thanh

Ngày đi
nợ thiếu chưa thành
trả em suốt kiếp chưa đành lòng em
lượng trời tăm cá bóng chim
tìm trong sủi bọt hơi chìm biệt tăm

Mùi hương tiếc chỗ em nằm
thì coi như cõi xa xăm biệt mù
lá đời rụng cánh thiên thu
em ơi hãy khóc, khóc mù trời xanh

Trần Phù Thế

Câu Đối: Khánh Chúc Tân Niên 2014 - Huỳnh Hữu Đức


Câu Đối Và Trình Bày: Huỳnh Hữu Đức

Áng Mây Trôi




Thơ thẩn về đâu một áng mây
Lạc loài theo gió cánh chim bay
Đường xa muôn dậm về quê cũ
Dõi bóng trông tin tháng với ngày
Một thuở quen nhau tình vừa chớm
Bao ngày cách biệt cố nhân ơi
Biết đến khi nào mây ngừng lại
Chẳng lẽ cuộc tình chỉ thế thôi?

Biện Công Danh
26-12-2013

* Ảnh phụ bản tác giả chụp

Chợ Hoa Vĩnh Long Xuân Giáp Ngọ 2014









Trương Văn Phú
Vĩnh Long 27/1/2014


Ngày Tết Nói Chuyện...Ăn !!!

      Không biết nơi nào trên thế giới mà chuyện ăn lại được đề cập đến nhiều như Việt Nam ta không ?
      Hầu như tất cả mọi sinh hoạt thường ngày hay những dịp đặc biệt đều gắn với chuyện ăn! có phải luôn bị cái đói ám ảnh trong suốt thời kỳ dài của dân tộc, hay...quá rảnh rang nên chuyện ăn uống trở thành câu chuyện hàng ngày, hàng giờ trên đầu môi, chót lưỡi của ta :
      Từ ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều, ăn tối, ăn lỡ, ăn dặm, ăn thêm, ăn khuya với những món xôi, phở, bún, cơm, cháo thường nhật, ta còn ăn tết : tết Tây, tết Ta, tết Thanh Minh (3/3), tết Đoan Ngọ (5/5), tết Trung Thu ....đều gắn liền với ...ăn. Ngoài ra cũng không bỏ lỡ những dịp khác để ...ăn : ăn cưới, ăn dạm, ăn hỏi, ăn giỗ, ăn chạp, ăn đám chay, đám ma, ăn thôi nôi, ăn đầy tháng, ăn đầy năm, ăn tất niên, tân niên... gọi chung là ăn cỗ, là dịp được ăn uống no, say, hoặc ăn mừng từ nhà mới, lên lon, lên lương, ăn khao tốt nghiệp, ra trường, nhận nhiệm sở...
      Người ta cũng phân biệt chia thành ăn chay, ăn mặn, ăn lạt, ăn kiêng, ăn khem, ăn chua, ăn ngọt, ăn sống, ăn chín.


      Người giàu có thì ăn to, nói lớn, ăn trên đầu, trên cổ, trên lưng, gọi chung là ăn người, kẻ có chức có quyền thì ăn chặn, ăn bớt, ăn hết, ăn vô tội vạ, ăn hối lộ, ăn đậm, ăn dày, ăn mỏng, ăn bẩn, ăn kín, ăn hở, ăn lòi họng, ăn ngập mặt, kẻ ăn không hết,người lần chẳng ra... Nhỏ hơn thì ăn chia, ăn theo, ăn hôi, ăn hùa, ăn lẻ, ăn mảnh, mà món chúng thích nhất là ăn vàng, ăn bạc, ăn tiền, cũng như bọn ăn cắp, ăn cướp, ăn trộm chắc hẳn không thích ăn dao, ăn búa, ăn súng , ăn đạn, ăn kẹo ...Nhưng ngoài những tên ăn trội, ăn trùm thiên hạ, còn quyền, còn thế còn kéo dài thời gian, che mắt được mọi người, chứ tất cả đều do ăn lường, ăn gian, ăn càn, mà thường thì lại ăn tham nên trước sau , lâu mau gì cũng ăn...đất, ăn khói, ăn nhang !

      Chỉ tội những người nghèo hèn thì ăn đói, ăn khát, ăn kham, ăn khổ, ăn độn, nên phải ăn nhín, ăn dè, ăn chừng, ăn chừa, đôi lúc phải ăn lén, ăn vụng, ăn cho có bữa, năm thuở, mười thì có khi ăn may, được bữa ăn chùa, ăn thử, ăn thiệt được bữa nào đỡ bữa đó, nhưng chẳng ăn thua gì với cái bụng luôn lép xẹp, có đâu mà ăn tham, ăn tục, ăn dùm.

      Tuy nhiên cũng còn đỡ hơn những kẻ ăn xin, ăn mày, bữa đói, bữa no, lang thang lếch thếch, nay chỗ này, mai chỗ kia, ăn nhờ, ở đậu, có gì ăn nấy, ăn bốc, ăn vã, ăn vội, ăn vàng .
Đó mới chỉ là những gì liên quan đến việc nhai, nuốt, nghĩa là một hành động sinh học thôi, có những thứ chẳng liên quan gì đến việc "ăn" cả, cũng được người Việt dùng một cách thoải mái tự nhiên như : ăn mặc, ăn diện, ăn nói, ăn học, ăn ở, ...
Và đi cả vào ca dao, tục ngữ, phương ngữ, ngạn ngữ, thành ngữ, văn thơ... nữa chứ :

- Ăn vóc, học hay.
- Ăn xổi, ở thì.
- Ăn coi nồi, ngồi coi hướng.
- Ăn cây nào, rào cây ấy.
- Ăn quả nhớ kẻ trồng cây .
- Ăn chắc, mặc bền.
- Ăn đàng sóng, nói đàng gió.
- Ăn to, nói lớn.
- Ăn ốc, nói mò.
- Ăn tục, nói phét.
- Ăn nói zô diên !!!
- Ăn ngược, nói ngạo.
- Được ăn cả, ngã về không.
- Chắc ăn như bắp.
- Ăn như tằm ăn dâu.
-  Một miếng giữa làng, bằng một sàng xó bếp.
- Muốn ăn, thì lăn vào bếp.
- Miếng ăn là miếng tồi tàn .
- Cá không ăn muối cá ươn...
- Ông ăn chả, bà ăn nem.
- Thơ, phú : Thi không ăn ớt, thế mà cay ( Tú Xương ).
-  Thoát trông nhờn nhợt màu da.
- Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao ( Kiều )
- Ăn khế trả vàng...( cổ tích )
- Nam thực như hổ, nữ thực như miêu !
- Xôi hỏng, bỏng không ( không có chữ ăn ).
................


      Nói tóm lại cùng với rất nhiều những món ăn phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc, thì cái ăn có mặt trong hầu hết mọi sinh hoạt của người Việt, làm nên nét văn hóa đặc thù gọi là Văn hóa ẩm thực, hay nôm na gọi là Tâm hồn ăn uống, và với thời gian còn được bổ túc thêm cho hợp với thời đại: Ăn thua đủ, ăn sương, Ăn cơm tay cầm, Ăn cơm trước kẻng, ăn dở ( cấn thai ), ăn nên làm ra, ăn ong (nghề lấy mật ong ), ăn trầu, ăn thuốc, ăn than (xe lửa chạy than), ăn hàng ( trộm ) ăn ảnh, ăn đèn, ăn khách....và còn nhiều nữa mà tác giả ...nhớ không hết, hoặc chưa biết hết.

      Để kết thúc chuyện phiếm này, xin kể lại hai mẫu chuyện vui nhỏ cũng liên quan đến việc ăn :
1. Một nhà tư bản nọ bị ung thư bao tử, phải thay, được dẫn sang Tàu, nơi đây có đủ các món nội tạng cần thay thế, đủ hạng, đủ giá tùy túi tiền của thân chủ , sau khi được giới thiệu các loại bao tử của một thể tháo gia cử tạ, một nhà vô địch ăn hotdog, một nhà ảo thuật chuyên nuốt kiếm, đến một tủ chưng bày một bao tử bình thường nhưng giá đắt hơn gấp bội, nhà tư bản thắc mắc hỏi tại sao cái này có gì đặc biệt mà giá lại cao quá vậy ? Vị Bác sĩ bèn nói nhỏ : cái bao tử này là của một viên cán bộ cao cấp bộ xây dựng , nó nhai luôn được cả bê-tông, sắt thép nên giá mới cao vậy đó.
2. Đi tù "cải tạo" đói triền miên, ngày này qua tháng khác, nên lúc nào cũng bị ám ảnh bởi cái ăn. Nhưng lâu dần cũng tìm ra cách để chống lại : có người thì uống nước thay cơm, có người thì xoay xở bằng mọi cách có thể để thêm chút " vitamine" " con gì nhúc nhích là ăn được", cái gì mà chim chóc ăn không chết, là ăn được, có người cố tình kéo dài bữa ăn bằng cách đếm số hạt bắp trong một chén, hoặc bao nhiêu muỗng cơm mỗi bữa, khổ sở nhất là ban đêm, trằn trọc không ngủ được, bụng thì cứ kêu ùng ục vì uống đầy nước, để quên cái đói đang hành hạ bằng cách thi nhau kể chuyện, và chuyện cuối cùng bao giờ cũng là những món ngon vật lạ, cao lương mỹ vị , mọi người khác nghe và ráng nuốt nước bọt . Chúng tôi gọi đó là "ăn hàm thụ ", Nhờ thế mà vẫn sống sót được đến hôm nay hầu chuyện phiếm với quý vị!

Nam Chi

NY, Giáp Ngọ 2014.


Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Hát Về Vĩnh Long Nhạc Thanh Sơn,Hương Thủy Ca(Ảnh Long Hồ Vĩnh Long)

      Vĩnh Long và Dòng Sông Long Hồ qua ống kính của anh Trương Văn Phú
      Chân thành cảm ơn anh Phú đã gợi nhớ về Long Hồ Vĩnh Long mà nay đã xa .....
      Kính chúc anh cùng gia đình hưởng một mùa Xuân Giáp Ngọ An Bình, Hạnh Phúc và nhiều Sức khoẻ.
      Tặng anh thay lời cảm ơn nha.
      Kính mến

      Em Kim Oanh    


Quê em một màu xanh tươi lúa bát ngát xa xôi chân trời.
Ai qua đây lần đầu tiên thấy quyến luyến như đang gọi mời.
Gần xa quê một tấm lòng, gọi tên em là Vĩnh Long.
Năm tháng uống nước sông Tiền phù xa đấp thêm mênh mông.

Thương em nhọc nhằn gian lao nắng gió sớm bay trong mưa chiều.
Thương đôi vai gầy nhịp theo những gánh lúa vui trên đường về.
Ngày xưa qua phà Mỹ Thuận, ngày nay qua cầu rất nhanh.
Câu hát ca dao ngọt ngào đua nở thắm trên làng môi.

Em đưa anh về Mang Thít trái cây thơm ngon.
Đêm trăng Long Hồ đẹp như bức tranh Vũng Liêm.
Hàng dừa xanh rủ bóng, ngày nào ai qua sông.
Về rồi thương em Vĩnh Long.

Yêu em riêng tặng cho em chiếc áo mới Vĩnh Long mĩ miều.
Hương quê đây một phù xa với lúa chin trái cây thật nhiều.
Người đi xa còn nhớ về, lời yêu thương nào ước thề.
Đây ch
ín con sông hội về gặp nhau Vĩnh Long trùng dương.

Sáng Tác: Hát Về Vĩnh Long
Nhạc Sĩ: Thanh Sơn
Ca Sĩ: Hương Thủy
Thực Hiện: Kim Oanh



Xuân Sẽ Về



Cứ Xuân đến là thêm lần lỗi hẹn
Đưa em về trọn vẹn buổi ban sơ
Bầu trời cao đàn én liệng như chờ
Xuân chung thủy sao thờ ơ xa vắng

Tiếp một năm tàn....suy tư trầm lắng
Cuộc đời buồn nghe văng vẳng niềm đau
Bảo Xuân về vui sao giọt tuôn trào
Dòng mật ngọt đã đi vào dĩ vãng

Xuân về chưa! Sao mây còn lãng đãng
Bóng chiều buông chuyện vãng khóc đêm thâu
Nhắc lại xưa nàng Xuân lắm dãi dầu
Không cứu nỗi đồng dâu mùa tan tác

Xuân về chưa! Sao người còn ngơ ngác
Kỷ niêm buồn còn lạc nẻo trần gian
Dàn hoa tươi vắng trải khắp địa đàng
Gian nan quá! Xuân nàng ta dựng lại

Ngại ngùng gì cùng chung đụng bàn tay
Thay buổi sáng ngày mai mùa Xuân mới!

Vĩnh Long 8-1-2012
Lê Kim Hiệp



Câu Đối: Xuân Giáp Ngọ - Huỳnh Hữu Đức


Câu Đối: Huỳnh Hữu Đức
Trình Bày: Kim Oanh

Cáo Tật Thị Chúng (Nhất Chi Mai)


Mọi sự việc trên đời không gì tồn tại vĩnh viễn hay biến mất hoàn toàn. Chúng tuần tự đến rồi đi, hiện rồi mất. Đó cũng là học thuyết căn bản của Phật Giáo.

                   告疾示眾 (一枝梅)
       Cáo Tật Thị Chúng (Nhất Chi Mai)

                  Thiền Sư Mãn Giác (1052 - 1096)  
春去百花落              Xuân khứ bách hoa lạc
春到百花開。          Xuân đáo bách hoa khai
事逐眼前過              Sự trục nhãn tiền quá
老從頭上來。          Lão tòng đầu thượng lai
莫謂春殘花落盡      Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
庭前昨夜一枝梅。  Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

Dịch Nghĩa : Lúc Bệnh Báo Cho Mọi Người Biết
                    ( Một Cành Mai )

Mùa Xuân đi qua trăm đoá hoa rơi rụng
Khi mùa xuân đến trăm đoá hoa nở
Mọi việc cứ nối tiếp nhau trước mắt
Tuổi già đến từ mái tóc
Đừng cho rằng khi xuân tàn hoa sẽ rụng hết
 

Trước sân chùa đêm qua vẫn có một cành mai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận (Đừng cho rằng khi xuân tàn hoa sẽ rụng hết)  

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai (Trước sân chùa đêm qua trước sân vẫn có một cành mai)
Hai Câu cuối này chính là trọng tâm
của bài kệ. Điều tốt đẹp luôn hiện hữu trong mọi hoàn cảnh.     

 
Dịch Thơ :

Xuân đi trăm hoa rơi
Xuân tới trăm hoa nở
Trước mắt mọi sự trôi
Tuổi đời già đến rồi
Đừng nghĩ xuân tàn hoa rụng hết
Ngoài sân đêm trước một cành Mai

                                              Quên Đi


Thơ Tranh: Hoa Cúc



Thơ: Lục Lạc
Thơ Tranh: Kim Oanh

Xuân Ly Biệt


      (Kính tặng Cha già kính yêu Nguyễn Trung Bình)

Hăm chín Tết quê nhà em sớm tối
Bán chợ khuya, bơi ngược, sáng về xuôi
Từng mái giầm sương nặng hạt mồ hôi
Tóc sớm bạc, dẫu đời chưa tới tuổi


Qua năm tháng tiếng giầm lơi...chìm, nổi
Nắng đổ nơi anh - mưa ngập lụt quê nhà
Em mỏi mòn - anh lao khổ trời xa
Đông rét lạnh - sông khuya thuyền hối hả


Ba Mươi Tết anh xứ người nghiệt ngã
Thèm mùi hương nhang khói rước ông bà
Quá mười năm, Tết? ngỡ....chẳng từng qua. 

Xuân sum hợp, còn mình anh than thở

Phủ Hiền

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

Kỹ Thuật Tìm Về

        Bầy chim vỡ tổ lìa cành!
        Những cánh chim non Kỹ Thuật, chưa ra ràng, bị bức tử, buộc đập cánh bay.
        Biết về đâu?
      Bên bờ mé tổ…trời ngoài kia thăm thẳm xa, phương hướng vô định, lòng đầy hoang mang và tương lai mịt mờ, vô vọng. Các thầy cô đành câm nín, khoanh tay đứng nhìn bầy chim con, trong uất nghẹn, xót xa. Cơn mộng dữ, khiến cảnh đời dở dang.
        Mới đó, nay đã mấy mươi năm rồi còn gì!

       
     Những buồn vui theo mệnh nước. Những mất còn của người đi kẻ ở. Những nước mắt đớn đau, khóc chia lìa. Tất cả chưa mờ xóa, vẫn còn và hằn sâu trong tâm tưởng. “Người Kỹ Thuật” hôm nào, màu áo còn xanh, tươi vui, hồn nhiên, thênh thang trên đường hy vọng. Bỗng chốc, ly tan, ngày xanh niên thiếu bị đẩy lui vào dĩ vãng. Không có sự chọn lựa, người người trôi dạt, tha phương. Kẻ bị vùi sâu vào lòng biển lạnh. Người lạc loài đến bến lạ xa xôi. Rồi thời gian, hẳn làm bạc dần màu áo. Nhưng điều kỳ diệu, con tim "Người Áo Xanh" vẫn nồng nàn, chan chứa tình. Tình Đồng Môn, tình Tôn Sư Trọng Đạo.

     Những cánh chim tưởng đã chết non, nay vững tin yêu chấp cánh, họp đàn, tìm về tổ ấm chung, Liên Trường Kỹ Thuật Việt Nam/ Úc Châu và cùng quay quần trong đêm Đại hội kỳ thứ 6, tại thành phố Melbourne. Nơi đây nắng xuân còn mơn man, lấp lánh đầu cành, hòa quyện hơi ấm tình người đến với người, trong ngày 29.11.2013, đầy nhộn nhịp và hẳn khó quên.
        Bằng nụ cười ấm, rạng rỡ, bằng cái siết tay thật chặt của các Anh Chị Em trong Ban Tổ Chức, đã thân tình đón chào Người đến tham dự. Chương trình bắt đầu là lễ chào Quốc kỳ Úc - Việt. Dù thời gian lưu lạc trên xứ người, dài hơn cả tuổi đời sống trên đất mẹ. Vậy mà…Nhìn lá cờ vàng ba sọc đỏ ngạo nghễ, Bài Quốc ca hùng hồn vang dậy, Phút mặc niệm, tưởng nhớ Tiền nhân, các Vị quốc vong thân, không ai tránh khỏi se lòng. Hồn thiêng sông núi bừng bừng sống lại…Hồi ức ngày tang thương của mấy mươi năm trước chợt về. Lòng bồi hồi một cách lạ và ươn ướt trên hàng mi.
       Thành phần quan khách góp mặt trong đêm Đại hội, được giới thiệu đến với mọi người. Trong số đó, có kẻ thân quen, người thật xa lạ. Nhưng trong ánh mắt, nụ cười trao đổi, quả thật…

Người xa mà ngỡ như gần
Gặp nhau chốn lạ tình thân tràn đầy

Trưởng Ban Tổ Chức khai mạc Đại Hội

      Bài diễn văn khai mạc của Trưởng Ban Tổ Chức tiểu bang Victoria, ông đã nói lên hết những cảm nghĩ sâu sa về lần đầu tiên tổ chức cuộc họp mặt.
        Bao niềm vui gặp gỡ bạn bè xưa cũ vừa chợt đến trong đêm hội ngộ, những giọt nước mắt trong phút mặc niệm chưa nguôi, thì một hồi trống vang lên. Nghi thức Bái lễ bắt đầu trong trang nghiêm và mọi người im phăn phắt để tỏ lòng, tưởng nhớ Thầy Cô và Đồng Môn, những Người đã vĩnh viễn ra đi. Nhịp đập con tim của người hiện diện dập dồn theo tiếng trống. Lòng người có mặt, cùng chung hồi hướng, chiêu hồn.

Nhang lòng thắp một nén thương
Mượn mây nhờ gió mở đường hiển linh

      Hương linh các Bậc Sư, những Đồng Môn, đã khuất, phải chăng đang hiện diện chứng giám, theo từng vòng bái lạy. Trong phút giây đầy xúc động này, có lẽ những oan hồn uổng tử “Áo Xanh” còn vất vưởng, đang lênh đênh trên biển cả mênh mông, không còn lẻ loi nữa.

Cựu Học Sinh phát biểu cảm ơn Thầy Cô

      Tiếp theo là cảm tưởng của một cựu học sinh Kỹ Thuật Vĩnh Long, lời ưu ái dành cho tất cả Thầy Cô. Giá mà mấy mươi năm trước, các em có được suy nghĩ như lời phát biểu này, thì “đỡ’ cho thầy cô biết mấy, đã trễ, nhưng không quá trễ. Thì ra, đàng sau sự nghịch ngợm, sự phá phách. Đàng sau biệt danh, nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò, các em đã cảm nhận được “Không thầy đố mầy làm nên”. Qua sự nhắc nhớ của Em cựu học sinh này, thầy cô có dịp nghiền ngẫm, thế nào là “ Dĩ thân vi giáo”, dùng chính thân mình để hướng dẫn học sinh và thế nào là “thiên chức” của một nhà giáo.

       Tinh thần Tôn Sư Trọng Đạo còn được thể hiện qua món quà lưu niệm, mang lại niềm hãnh diện lớn lao cho thầy cô trong đêm Đại hội kỳ 6 này. Quà tuy đơn sơ, nhưng “cho và nhận” bằng cả tấm lòng, mang ý nghĩa trọn vẹn, gói ghém tấm chân tình của người học sinh dành cho thầy cô và đã gợi lại bảng đen, bụi phấn mờ mờ, những hình ảnh thân quen ấy chưa vùi vào quên lãng. Ai dám bảo rằng, người của “dao, búa, kềm, đục” chỉ biết kềm, đục, búa, dao. Người khách học trò thưở nào, được đưa qua sông, vẫn chưa quên người lái đò thầy cô năm cũ.
      Xuân Melbourne đang đem mong nhớ trở về!

Tặng quà tri ân Thầy Cô

        Đặc biệt hơn, trong lần họp mặt này, chất keo sơn tình nghĩa nào đã gắn bó gái Kỹ Thuật cùng trai Tống Phước Hiệp và tình trong câu hát ra đời, qua nhạc phẩm Kỹ Thuật Hành Khúc. Tác giả, Nhạc sĩ Nguyễn Canh Tân cho biết, anh nào biết gì về Kỹ Thuật, nhưng qua lời người bạn đường của anh, đã phôi thai cho đứa con tinh thần đó. Thướt tha trong chiếc áo dài xanh, các chị trong Ban họp ca cùng cất cao tiếng hát. Lời ca quyện vào, lay lay tà vạt và bắt được tiếng lòng của người nghe…để nhớ, để thương, thổn thức về thời xa cũ và xoa dịu vài nỗi muộn phiền chất chứa quá nhiều, từ bao năm trên bước đường lưu lạc. Hành Khúc Kỹ Thuật vừa chấm dứt. Những bản tình ca tiếp nối, buổi dạ vũ bắt đầu, cùng tiếng nói cười rôm rả của quan khách khi nhập tiệc.

        Cuộc vui nào rồi cũng tàn! Mọi người chia tay trong lưu luyến và hẹn đến năm sau. Hẹn hò năm sau, chỉ là lời hứa cùng các thân hữu, chứ “Người Áo Xanh”, chia tay sao nỡ...

Họp ca Kỹ Thuật Hành Khúc

     Bước sang ngày thứ hai, những người của năm xưa, cùng họp tại trụ sở RSL Footscray. Gọi là buổi tiệc chia tay, đưa tiễn, nhưng tiềm ẩn hội ngộ, để nuôi mầm gặp gỡ trong tương lai.
        Ngồi quanh đây, đa số những người con yêu của gia đình Kỹ Thuật và thân nhân. Mọi người có dịp hàn huyên tâm sự, cùng chia sẻ những chuyện đời góp nhặt, với thầy cô, đồng nghiệp cùng trường, bạn học cùng lớp một thời và là dịp quen biết với các bạn Kỹ Thuật từ các nước phương xa như Việt Nam, Đức và Hoa Kỳ đến tham dự. Nỗi xúc động khi diện kiến với bậc đồng nghiệp trưởng thượng, không cùng thời, nhưng từng dạy chung dưới một mái trường Kỹ Thuật Vĩnh Long. Mối duyên gặp gỡ các thầy cô, dù không một phút giây thọ giáo, nhưng có sự kính trọng và nặng tình một cách lạ lùng, như thể là thầy cô của mình vậy.
        Về phần ẩm thực, rất nhiều món ăn, món nào cũng đậm đà. Có lẽ được nêm nếm, thêm thắt bằng gia vị “tình” từ tấm lòng và đôi tay khéo léo của ‘Con”, “Dâu” Kỹ Thuật.
        Buổi họp mặt còn thêm phần karaoke giúp vui. Dù các vị tự giới thiệu mình là ca sĩ “cây nhà lá vườn”, nhưng từ giọng ca của ông Hội trưởng đến các Hội viên, đều ngọt ngào, mượt mà, trữ tình lẫn sôi động, đưa hồn người nghe về tận đâu đâu. Và một hình ảnh đậm nét, không thể không nhắc đến. Đó là Người cựu học sinh Kỹ Thuật Vĩnh Long, đã chỉnh sửa âm thanh, chọn lựa bài hát và anh đã âm thầm ngồi làm việc ấy, cho đến tàn cuộc vui.

Cựu Giáo Sư, Cựu Học Sinh, Thân Hữu

       Thời gian qua mau, tối đến, mọi người thêm một lần nữa chia tay trong lưu luyến. Đi không nỡ, ở không xong, đành hẹn sang năm gặp lại. Một số người khác, hôm sau sẽ trở lại, tại địa điểm RSL này, lúc 9 giờ sáng.
        Lần gặp gỡ thứ ba, buổi du ngoạn của nhóm Liên Trường Kỹ Thuật Việt Nam/ Úc châu. Số người đi ít hơn, nhưng không vì thế mà mất vui. Những người con Kỹ Thuật như có cùng một mẹ Âu Cơ. Một số đưa nhau lên Hanging Rock, leo núi. Một số đi biển, tìm đến Port Campbell ngắm 12 vị Thánh Tông Đồ. Đến chiều, mọi người cùng gặp lại, dùng bữa ăn thân mật tại nhà hàng Phú Vinh, đặc sắc với món ăn đậm đà quê hương …canh chua và cá kho tộ.

        Đại hội kỳ 6, nhưng là lần đầu tiên được tổ chức tại Tiểu bang Victoria. Sự thành công khá mỹ mãn. Có được kết quả như thế, nhờ sự đồng tâm và họp lực của những người quyết gìn giữ Màu Áo Xanh cho bây giờ và đến mai hậu. Công khó, sự giàu lòng, tích cực đóng góp, chuẩn bị chu đáo, của Anh Chị Em Ban Tổ Chức ở Melbourne. Sự hổ trợ nhịp nhàng, đắc lực, tận tình và đầy nhiệt tâm của các Anh Chị đến từ Sydney. Tài khéo léo của các “Nàng dâu hiền”, sự linh hoạt của các “Chàng rể quý” Kỹ thuật. Một điều rất chắc chắn, Đại hội lần này, chẳng được như mong muốn, nếu không có sự hưởng ứng và ủng hộ nhiệt tình của quý thân hữu và người thân của các thành viên. Dù là lần đầu gặp gỡ, nhưng sự hiền hậu, dễ thương, thân mật của mọi người, khiến người ta quấn quýt lúc bên nhau và lúc chia tay không tránh khỏi lưu luyến, bùi ngùi. Và dưới mái trường, Liên Trường Kỹ Thuật Việt Nam/Úc châu. một câu hỏi được đặt ra: Chúng ta họp mặt để làm gì? 
      Phần trả lời có lẽ tùy ở góc nhìn và trái tim cảm nhận của mỗi người đến tham dự. Trải qua bao sóng gió nơi trường đời, những “Người Áo Xanh”, dù đôi cánh mỏi vẫn ước mơ bay về trường xưa, tìm lại bạn cũ, thầy cô năm nào. Sống lại phút giây êm đềm vụng dại. Duyên quen biết giữa những người xa lạ mà lòng như gặp nhau tự thưở nào. Tuy nhiên, nghe không bằng thấy. Hãy đến với nhau để cùng chia sẻ.

Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Kỹ Thuật Vĩnh Long 

       Đại gia đình Liên Trường Kỹ Thuật Việt Nam/ Úc châu, hạnh phúc trong ba ngày ngắn ngủi, nhưng đã để lại cho nhau cả quảng đời thơ ấu ấm áp. Hôm cuối cùng, gặp để chia tay, nơi bãi đậu xe sau nhà hàng Phú Vinh, chẳng khác nào quang cảnh sân trường của mấy mươi năm trước. Mọi người tụm năm, tụm ba, bịn rịn giả từ. Buổi chia tay không rơi vào mùa hè, nhưng đâu đó âm vang tiếng ve, sắc màu phượng vỹ, sự thương cảm, nỗi thảm sầu của 90 ngày tạm biệt. Những dư hương của ngày xa xưa ấy, như vẫn còn đó và giờ đây Màu Áo Xanh năm nào đã vượt ngàn trùng cách trở, tìm lại, tìm những kỷ niệm êm đềm, tìm lại những cánh phượng, dù sái mùa.

Chiều hôm lại nhớ chiều hôm ấy
Đường những hương xa phượng sái mùa
Có phải tin về hè muôn đến
Hay lòng rộn nở vội đơm hoa

Lòng cảm hoài …

Thương buổi trưa ve êm ả giọng
Lim dim nằm ngóng guốc khua vang

Hạnh ngộ rồi cũng đến phút chia tay, hẹn năm sau gặp lại để tìm lại ta…

“Ta còn lại gì hôm nay
Trong cuộc đời nhiều chua cay
Còn là người, còn nụ cười
Nụ cười trên đôi môi
Nụ cười đời đổi thay…”*

      Sự việc thay đổi từng phút giây. Thời gian vô tình, cứ vùn vụt trôi, không chờ đợi. Nhưng lòng, “Chờ người không đến vẫn chờ…”*. Chờ “Người Áo Xanh”, ngày về một đông thêm. Bởi…

“Còn gặp nhau hôm nay mới hay thêm được một ngày”.**

Cựu Giáo Sư Cựu Học Sinh, Dâu Kỹ Thuật và thân hữu Vĩnh Long


Kim Phượng
29.11.2013
 *     Lời nhạc của Nhạc sĩ Nguyễn Canh Tân
   **  Lời nhạc của Nhạc Sĩ Lam Phương

Câu Đối: Hương Xuân - Giáp Ngọ 2014 - Quên Đi



Câu Đối: Quên Đi
Tranh Câu Đối:  Huỳnh Hữu Đức

Một Lần Qua Đất Vĩnh!



           (Cho người V.L. một lần gặp gỡ)

Ơi! Đất Vĩnh hai mùa mưa nắng.
Chiều tan trường áo trắng tung bay.
Tiếng cười xao xác cỏ cây.
Hương thơm xử nữ ngất ngây lòng người.

Ta chinh nhân cả đời phiêu lãng.
Cơ duyên nào vượt quãng đường xa?
Một lần chốn ấy đã qua.
Trăm năm chẳng thể phai nhòa dáng em.

Từ dạo ấy, mang thêm hình bóng.
Mái tóc thề xao động con tim.
Gió sương ấp ủ ngày đêm.
Bước quân hành đã có em theo cùng…

Dương Thượng Trúc
Thủy Gia Trang 2014

Sóc Trăng Tháng Chạp Ngày Về



Thì đốt cho tan trời khói sương
Người đi như kính vở chân tường
Ta về chăn chiếu ôm nhau hỏi
Cần thơ Cần thơ Nguyễn thị Hường

Chiều mưa chiều mưa hẻm Lầu chuông
Vai em đời nặng tiếng kinh buồn
Mắt sâu ngọn nến hồng đêm nguyện
Em chắc gì vui chuyện cuối cùng

Cần thơ Cần thơ mây trắng bay
Niềm riêng em gói chặc trên tay
Phải chi làm dấu mà em được
Chung mái thuyền ta dạo bến này

Sóc trăng Sóc trăng khi ta về
Cắm xuống ngọn sào nước chảy xiết
Lao xao tiếng sóng đùa theo ghe
Rượu chắc gì say đêm vĩnh biệt..

Lâm Hảo Khôi


Xuân Hứng



 Xuân đến, bận việc quan nơi đất khách, lòng thương nhớ quê nhà càng mãnh liệt, không thể về. Chỉ có thể thăm quê trong mộng mà thôi. Đó là tâm sự của Vũ Nguyên Hành trong "Xuân Hứng".
 

        春興                            Xuân Hứng
 
楊柳陰陰細雨晴     Dương liễu âm âm tế vũ tình
殘花落盡見流鶯。 Tàn hoa lạc tận kiến lưu oanh.
春風一夜吹鄉夢, Xuân phong nhất dạ xuy hương mộng
夢逐春風到洛城。 Mộng trục xuân phong đáo Lạc thành.
             武元衡                               Vũ Nguyên Hành

Dịch Nghĩa : Xuân về Cảm Hứng

Dương liễu đậm màu,  cơn mưa phùn cũng đã ngưng
Những cánh hoa héo úa cuối cùng rơi rụng mới thấy chim Oanh di chuyển
Nhớ quê mong đêm nay gió xuân  thổi vào giấc mộng
Để được mơ theo gió xuân  trở lại thành Lạc Dương

Dịch Thơ:

Mưa vừa ngưng hạt liễu um xanh
Hoa úa tàn rơi  thấy bóng oanh
Mong gió xuân len vào giấc mộng
Để theo gió đến Lạc Dương thành.

                                      Quên Đi

 

Thơ Tranh: Một Sáng Xuân


Thơ: Thy Lan Thảo
Thơ Tranh: Kim Oanh

Xuân Khuê - Hoạ Hạn Vận



Mùa Hè năm 1926, trong dịp thi sĩ Đào Sĩ Nhã đến thăm gia đình họ Phan ở Hưng Yên. Ông khách Đào Sĩ Nhã thách lão thi sĩ Phan Mạnh Danh làm một Bài Thơ Nôm Đường Luật với các điều kiện sau:  

- Đầu đề : Xuân Khuê
  - Hạn 5 vần: chờ - hờ - thưa - tơ - thơ
  - Phải dùng 19 chữ: một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười, trăm, ngàn, vạn, đôi, cặp, nửa, trượng, thước, tấc.
  Sau đây là bài thơ Nôm hoạ hạn vận của lão thi sĩ Phan Mạnh Danh:

            Xuân Khuê

Một mong hai đợi bốn ba chờ
Mười hẹn đêm trăng tám hững hờ
Nửa gối năm canh gà gáy giục
Tấc mây sáu cánh nhạn tin thưa
Trăm lần cặp mắt đôi hàng lệ
Chín khúc bên lòng vạn mối
Ngàn trượng thành sầu đo thước khó
Biếng đem bảy vẻ dệt nên thơ

                                   Phạm Mạnh Danh   
 

( Trích   http://dongsuoimo.com )

                    *
                *      *

          
Xuân Khuê 

Bảy thương tám đợi chín mười chờ 
Hai kẻ yêu nhau nửa hững hờ 
Sáu khắc một thân cô quạnh mãi 
Năm canh đôi bóng cặp kề thưa 
Ba thu buồn dệt dầy trăm mộng  
Bốn tiết sầu đan rối vạn  
Thước tấc nào đo tình mấy trượng 
Đem ngàn đau đớn gởi vào thơ.
                                 Quên Đi