Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

Hương Xưa

        Vĩnh Long một tỉnh lỵ hiền hòa, thật nên thơ. Nơi đây đã để lại trong lòng người đến và đi những nỗi nhớ thân thương. Ai qua đây không một lần khẽ nói:" Vĩnh Long đi dễ khó về".
Và cũng nơi này một trường trung học Tống Phước Hiệp uy nghi, cổ kính, xinh tươi với những hàng cây xanh thắm, nữ sinh với áo trắng mộng mơ.
      Một cô bé đã được sống hết một thời ngây thơ trong sáng dưới mái trường thân yêu này.Thầy cô, lớp học sân trường, hoa lá, đã đến trong lòng cô bé rất dịu dàng và thân ái.Cô bé hồn nhiên, nụ cười rạng rỡ.Từ những bước đầu bỡ ngỡ, cô bé đã trưởng thành theo thời gian.
      Năm mười lăm tuổi, cô cảm thấy lòng mình có tia nắng lạ, nhẹ len vào hồn một cách êm đềm, làm tim cô xao xuyến.

“Tuổi mười lăm hồn bay giữa phượng”
“Aó đôi tà nguyệt bạch trắng ưu tư”
“Mắt khẽ ngó, đã nghe lòng bối rối”
“Môi ô mai xao xuyến…dường như!” 
(Không rõ tên Tác Giả)


(Tống Phước Hiệp - 1973)

       Ô hay! Cô bé biết suy tư? “Không đâu!” tự nhủ lòng, có lẽ chỉ một thoáng mơ mộng vu vơ thôi. “Học đi cô bé học cho ngoan, kẻo trượt thi đấy!”
      Mùa Hè lặng lẽ trôi qua. Mùa Hè nay không như những mùa của năm trước, một nỗi buồn len lén vào hồn, niềm nhớ nhung, những bâng khuâng và cô bé mong ngày tựu trường chóng đến.
      Mùa học mới bắt đầu, cô bé thêm một tuổi mới, mười sáu tuổi, tuổi đẹp nhất của người con gái, người ta thường bảo đó là tuổi trăng tròn, đẹp tinh khôi, lòng cô cũng đổi mới. Cô bé cảm thấy tim mình rung động. Cô đã thương một người! Một người mà trời đã dành cho cô, cũng như cô người này có một nụ cười hồn nhiên, rạng rỡ, đầm ấm như tia nắng ban mai, nét thư sinh nho nhã, hiền lành, mộc mạc làm lòng cô bé xôn xao. Màu áo trắng đơn sơ đã ghi đậm nét vào lòng cô bé thơ ngây ấy.

“Năm xưa ta có tuổi hoa niên”
“Sống rất vô tư mộng rất hiền”
“Thu cả lòng người trong ánh mắt”
“Nụ cười rạng rỡ vẻ hồn nhiên”  
(Không rõ tên Tác Giả)

      Cảm ơn nắng đã sưởi ấm tình này, cảm ơn gió đã mang người đến cho cô. Một ánh mắt chan hòa thương mến, những lần vô tình gặp gỡ. Nhưng chỉ mình cô biết thôi, tình yêu ấy cô bé chỉ ấp ủ trong lòng không dám hé môi, một mối tình âm thầm, tinh anh và êm ái…
      Người ấy đến thật nhanh và đã mang tuổi ngây thơ của cô bé đi. Lòng vấn vương mất rồi! Và cũng chính người ấy đem đến cho cô tự tin, hy vọng, tình yêu ấy sưởi ấm lòng, cô cảm nhận cuộc đời mình rất là hiền hoà và hạnh phúc.
      Mỗi buổi đến trường, cô bé chỉ cần nhìn ánh mắt, nụ cười, nghe được tiếng nói của người cô bé thương, bao nhiêu nỗi muộn phiền đều tan biến.
      Cô bé ơi! Sao không nói? Vâng! Không dám nói,vì cô bé lo sợ, người ấy biết được thì sẽ biến mất đi, rồi cô sẽ không còn được nhìn thấy người ta nữa, vì cô còn nhỏ bé quá, tay cô toàn là sách vở, nên làm lòng cô ngần ngại… Nhưng cô bé không chút muộn phiền, cô vui lắm, vui với những gì đang có. Nhớ nhung thì cô càng học. Học thật nhiều để được nói tiếng yêu thương, cô bé đã gom thương yêu vào trong sách vở, chở cho đầy những hạnh phúc trong tim.

"Rồi từ hôm ấy người ngoan như giấc mộng
Đến bên tôi trong những lúc học bài
Mùa thi ơi nhè nhẹ ở trên vai
Đừng rớt đấy mà lòng tôi rối chỉ”  
(Không rõ tên Tác Giả)    


(Tống Phước Hiệp 1974)

       Ước mơ của cô bé thật đơn sơ và giản dị, mơ một ngày thành tài, cô sẽ tìm đến và nói rõ lòng cô. Mối tình đầu tuy không như lòng cô mong mỏi nhưng cô bé vẫn vui với những gì cô nhận được, những gì cô đã ấp yêu. Yêu chân tình, trong sáng.
      Thời gian không chờ đợi một ai. Người ấy vô tình không hay biết, và từ từ mỗi lúc một xa, người đi như một áng mây trôi và trôi mãi mãi. Ánh nắng chan hòa của cô bé ngày xưa cũng từ từ đi vào hoàng hôn. Nắng đã tắt trong nỗi sầu quay quắt, và hương vẫn tỏa bay trong trí nhớ nhỏ nhoi này..

"Tôi muốn tắt nắng đi 
cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại 
cho hương đừng bay đi” 
(Xuân Diệu)

      Năm 1975, thời cuộc đã tàn nhẫn đã cướp đi của cô những thương yêu, mơ mộng,và mang người cô đi mất hút.Cô bé không biết người ấy đi về đâu? Chưa kịp nói một lời chào thì đã biệt ly. Mùa thu 1979, cô bé cũng rời bỏ quê hương tìm hai chữ Tự Do, đến một nơi không định đến, dù cô biết rằng rủi nhiều may ít. Ra đi mà không biết bao giờ sẽ trở lại.

“Chờ hoài nhau trong mơ
Nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa
Một mùa thu xa vắng
Như mơ hồ,về trong đêm tối
Cố nhân xa rồi, có ai về lối xưa?” 
(Cung Tiến)

      Hành trang mang theo, cô bé chỉ có một hình ảnh Ba mẹ, mối tình đầu và kỷ niệm tuổi thơ trong ngôi trường mang tên Tống Phước Hiệp.Thầy cô, bạn bè, lớp học, sân trường đầy ắp thương yêu. Ngày xưa cô bé có mái tóc ngắn ngổ ngáo, vô tư nhưng từ khi cô bé vướng ưu phiền, biết buồn, biết vấn vương. Cô bé đã giấu muộn phiền mình vào trong mái tóc dài. Dài… như nỗi buồn của cô…

"Tóc mai sợi vắn sợi dài
Lấy nhau chẳng đặng
Thương hoài ngàn năm” 
(Phạm Duy)

      Những năm sống lưu lạc nơi đất người, cũng chính nhờ hành trang này đã giúp cô trải qua bao nỗi buồn nhớ, gian khổ, cám dỗ, hiểm nguy. Hành trang giúp cô thêm sức mạnh để chống chọi với đời trong đôi bàn tay yếu đuối. Nhưng lạ thay! Ký ức đôi lúc như một điều kỳ diệu cho cô một nơi ẩn náu, nuôi dưỡng niềm mơ ước dù mong manh. Đôi khi ký ức cũng là con dao hai lưỡi tình cờ khứa nhẹ tim cô đau xót…muốn gào to để cho tan đi phiền não. Không! Không một ai để cô trút nỗi lòng, lắng nghe cô nói dù chỉ một giây phút nào thôi. Nhưng làm sao cô có thể mở lời? Làm sao ai có thể hiểu được cô.

      Rồi từ dạo ấy cuộc sống cô trở nên thầm lặng, cô say mê âm nhạc, văn thơ vì đó là nơi cô có thể nương tựa cho đời mình thêm tươi sáng, những tác phẩm những dòng nhạc là tâm tình cô muốn nói, và cũng là những ước mơ thầm kín cô được người khác nói thay cô.


(Tống Phước Hiệp 2002)

       Xuân xưa mang cho cô màu áo mới, nụ cười tươi, rộn ràng.Nay đã úa màu, héo hắt.
      Hạ xưa mang cho cô nỗi dịu dàng, nắng vàng hoa phượng đỏ trải lối cô đi, một cách nhẹ nhàng êm ái. Giờ đây nắng đốt rát tim cô, nắng rực bầu trời mà sao lòng cô giá buốt.
      Thu xưa thay lá, lá vàng rơi cô ôm về ép vào trang vở, nâng niu như gửi gắm một tình yêu, âu yếm hẹn chờ. Lá xanh che những bước chân cô khỏi vụn về vấp ngã. Giờ đây nhìn những chiếc lá thu rơi, buồn thảm thiết như cuộc tình không cánh mà bay…vô tình, lặng lẽ! Đếm những lá vàng rơi như thầm đếm những chờ mong, nhớ về người thương nơi quê cũ mệt mỏi, khắc khoải hoài mơ.. .Tất cả ngoài tầm tay với. Người ơi!   Có biết lòng cô bé một đời hiu quạnh!? Thời gian ơi! Sao không dừng lại , để tâm hồn này không thấy cô đơn…

“Em lạc lõng giữa trăm nghìn sợi tóc rối
Sợi biết buồn, sợi nhớ vướng sợi thương” 
(Không rõ tên Tác Giả) 

       Mùa Đông xưa, trên con đường đi học, trời hanh hanh lạnh, cô cảm thấy lòng mình ấm áp vô ngần, vì tia nắng lạ ban mai, một vấn vương một bâng khuâng khó tả - Giờ đây gió lạnh làm lòng cô băng giá, nắng đã tắt, cố sưởi lòng mình, hình như đã quá muộn để thắp lên một tia nắng sắp lụi tàn.
  
“Không hẹn mà đến không chờ mà đi
Bốn mùa thay lá, thay hoa, thay cả đời ta” 
(Trịnh Công Sơn)

      Thời gian cứ dần trôi.Có những lúc muộn phiền nhớ nhung, cô bé nhẹ mở những trang ký ức để tìm một niềm vui, một sức sống. Môt năm,.hai năm, ba năm...sự mong chờ, tìm kiếm hoàn toàn vô vọng.
       Cô bé phải xếp kỷ niệm của mình vào một góc trong tim. Tự nhủ rằng: “Hãy cố quên”. Quên! Chính là món quà quý nhất mình dành cho người đó. Thế là cô bé đã "xếp tàng y lại để dành hơi ". Ai bảo ngày xưa cô bé dại khờ, sao không nói. Giờ thì đã quá muộn màng rồi cô bé ơi!!!
       Cuộc sống nơi xứ người dồn dập, bận rộn, bổn phận, trách nhiệm, cô bé tự bảo nếu yêu người ta phải yêu ta, sống cho có ý nghĩa, sống vui tươi. Thôi thì "Tóc mai em dấu ưu hoài". Giữ cho người một hy vong… dù rất mong manh.
      Năm năm sau, vào một mùa xuân, cô bé có một tình yêu, và bắt đầu bổn phận mới, trách nhiệm mới, cô bé giã từ thơ ngây của những ngày xanh.

"Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc vui" 
(Hàn Mặc Tử)

      Người con gái ấy ngày nay đã hơn nửa đời người. Nàng chỉ mơ ước một lần được trở lại quê nhà, trường xưa thăm lại thầy cô, bạn bè cũ, và một kỷ niệm khó phôi pha. Không gì đau khổ cho bằng khi mất đi trí nhớ. Nhưng người nhớ quá nhiều kỷ niệm thì cũng lắm khổ đau. Dù biết tìm về hồi ức là một niềm đau nhưng không thể nào bắt nàng phải chia xa.

“Tôi trở về gom góp từng kỷ niệm”
Những nỗi buồn và cả những niềm vui
Làm hành trang đi nốt nửa cuộc đời
Làm hơi thở hồi sinh tim đã chết” 
(Không rõ tên Tác Giả)


(Tống Phước Hiệp 2002)

       Một buổi trưa, vào một mùa thi. Nàng đã về quê và trở lại chốn xưa. Một cảm giác dâng trào, rộn rã, ngậm ngùi..bao cảm xúc ùa vào lòng. Nàng không xác định được.Trường xưa vẫn còn đó tên đã mất rồi, vẫn hiền hòa mà sắc màu đã đổi thay.Hai hàng điệp già nằm im lìm vì vắng bóng người thân xưa. Hàng phượng hoa đỏ rực, nhưng trái tim của cô bé ngày xưa đã úa màu. Màu áo trắng năm xưa đã trở thành màu trang vở cũ. 
      Phòng Hiệu Trưởng, Phòng Giáo Sư, Phòng Giám Thị...Tất cả mất hết rồi những gương mặt thương yêu. Giờ xa lạ quá!
      Lần bước vào dãy lớp Đệ Thất, Lục, Ngũ, Tứ, ngày xưa, những bước chân nàng đã hằn in nơi ấy, tung tăng, thanh thoát. Giờ sao quá nặng nề, nàng lê từng bước lòng nặng sầu đau.
      Bước chân lên cầu thang lần đến Thư Viện, Phòng Thí Nghiệm, Phòng Sinh Ngữ..mỗi bước chân nàng đi thì ký ức lại quay về. Thầy cô, bạn bè, hình ảnh người áo trắng năm xưa hiện dần ra trước mắt. Dọc hành lang lớp Đệ Tam, Nhị, Đệ Nhất, hình ảnh dần dần mờ nhạt. Nàng chợt cảm má mình âm ấm. Thì ra nàng đã khóc..khóc như chưa bao giờ được khóc…
      Bỗng nhiên có người đến hỏi: “Cô là ai? Người lạ không được vào đây”.
     Nàng quệt vội nước mắt: “Xin thầy cho em được ở lại đây một chút, em từ xa về muốn thăm lại trường xưa”.Nhìn Nàng đang khóc, ông vội nói nhanh: “Thôi được, nhưng cô phải rời khỏi đây trước giờ lớp chiều bắt đầu”. “Cảm ơn thầy”. Nàng đã vội quay lưng và khóc… khóc nhiều hơn.....Ngày xưa đây là ngôi nhà thứ hai của nàng cơ mà, hai buổi đi về, tự do, nô đùa có ai cấm nàng đâu.Thế mà hôm nay sao lạnh lùng quá!!! 


(Tống Phước Hiệp Lớp 12D8 (Đệ Nhất A4 thời Cộng Hoà)

             Vào lớp học của ngày nào ngồi lại nơi chỗ cũ, đôi tay vuốt ve chiếc bàn. Cảm giác nhẹ nhàng không sao tả hết. Sao mà thân thương quá! Sao mà êm đềm quá! Và cũng buồn da diết quá!. Còn ai đâu chỉ một mình đối diện với bảng đen.
      Đây là lớp đầy kỷ niệm và cũng là lần đầu cô bé năm xưa đã biết yêu. Bỗng tiếng hát ai văng vẳng từ dãy nhà dưới đường vọng lên lớp học, như xé nát cõi lòng nàng.

“Chia cho ai một đời tôi, 
    một cay đắng, một niềm vui, một buồn
Chia cho ai một đời thơ, 
   một đam mê, một dại khờ, một tôi
Chỉ còn cỏ mọc bên trời, 
   một bông hoa nhỏ lặng rơi ướt đầm” 
(Thơ Nguyễn Trọng Tạọ - Phổ Nhạc Phú Quang)

 


Giờ điểm học đã bắt đầu.Nàng thơ thẩn ra về.
Tạm biệt trường xưa - Yêu dấu!
Tạm biệt lớp học - Thân thương!
Tạm biệt những cây phượng già che chở đóa hoa yêu những mùa nắng hạ.
Tạm biệt hai hàng điệp vàng, những chiếc lá xanh đã che mát tuổi thơ ngây, đã cùng gió vuốt ve những tà áo tinh khôi.Tạm biệt hình bóng người áo trắng năm xưa, đã một thời để lại nơi nàng một kỷ niệm không phai.

“Lối xưa nào bước chân người
Về qua bỡ ngỡ phượng rơi ngập đường
Chút tình vụng dại còn vương
Tìm màu áo cũ, sân trường hắt hiu” 
(Không rõ tên Tác Giả) 

      Tạm biệt quê hương, nàng trở về với những ngày như mọi ngày nơi quê hương thứ hai xa mịt mù.

"Nghìn trùng xa cách ,người cuối chân trời
Đường dài hạnh phúc cầu chúc cho người”
(Phạm Duy)

      Vâng! Nàng chỉ còn biết nguyện cầu cho người ấy mọi điều, hạnh phúc, may mắn, và bình an…Người ở đâu ? Đã ra đi hay còn lại chốn xưa? Đó là niềm lo âu, khắc khoải của nàng.
Đôi lúc nàng cảm thấy ray rứt khôn nguôi, nàng không biết làm sao và làm cách nào để xóa đi ký ức??? Nhưng tình yêu nó có lý lẽ riêng của nó mà lý trí không thể nào hiểu được.Và dù biết rằng:

"Không ai tắm được hai lần trên một dòng sông
Mà em thì bơi mãi trong một dòng ký ức" . 
(Từ Công Phụng)

      Ba mươi năm sau, vào một chiều cuối Đông, một món quà của Thiên Chúa, có lẽ Chúa cũng đã mềm lòng với sự tha thiết van xin, Chúa cũng thấu lòng khắc khoải hoài mong của nàng. Món quà quý nhất mà nàng không nghĩ đến là mình được ban tặng. Một người đến, thật diệu kỳ!.
      Họ đã tìm được nhau. Điện thoại reo vang, cũng giọng nói, tiếng cười ngày nào, rộn rã hân hoan.Tất cả kỷ niệm hình ảnh tưởng đã phai mờ theo thời gian. Không! Tất cả lần lượt kéo về trong ký ức.Tuy cách xa nhau một vòng quay trái đất. Nhưng nàng cảm thấy hai người gặp nhau ở đỉnh của tâm hồn.

"Bỗng gặp lại nhau cuối cơn đau
Ươm lại tơ duyên đã úa mầu
Tình xưa ai dệt ngàn sợi nắng
Sưởi ấm niềm mơ giấc mộng đầu" 
(Không rõ tên Tác Giả)

      Nàng rất vui, dù chỉ vài lời thăm hỏi ngắn ngủi, nhưng cũng đủ ôn lại thời xa xưa, với nhiều kỷ niệm vui buồn nơi mái trường. Bây giờ tóc đã điểm sương, hoàn cảnh không cho phép nàng khơi lại chuyện năm xưa. Nàng vẫn im lặng như thuở nào, người ấy cũng vô tình không hay biết. Nàng đã bằng lòng làm người khờ dại thuở xa xưa.

"Tình còn dang dở rất nên thơ
Tình không thực tế nên tình mơ
Tình trong giấc mộng nên tiếc nhớ
Tình vẫn nguyên như thuở đợi chờ".
(Không rõ tên Tác Giả)  


(Nắng Vẫn đi trên những hành lang Tống Phước Hiệp)

       Nàng chỉ cầu xin Thượng Đế, cho nàng được giữ lại một chút hương xưa, một tia nắng ấm, một hình ảnh để làm quà cho người đó. Dù món quà không được gửi đi. Ngày nay họ là đôi bạn thân thiết nhất. Nàng vui nhất, hài lòng và toại nguyện nhất, những gì nàng cầu nguyện cho người ấy, trở thành sự thật. Cũng như nàng người ấy có một mái ấm gia đình, một cuộc sống vững vàng,và đầy nghị lực. Thế thì nàng đâu còn gì phiền muộn, ưu tư, khắc khoải. Mỗi người họ đều có một tổ ấm và cuộc đời êm ả. Cảm ơn Chúa! Đã cho nàng một niềm tin yêu mãnh liệt, cảm ơn đời và cảm ơn người đã mang đi bao nỗi ray rứt, khắc khoải, muộn phiền từ những năm xưa đi.. đi xa tít.

      Mùa Xuân đến mang cho nàng nắng ấm, nắng chan hòa. Bài hát năm xưa nàng đã một lần khẽ hát cho người áo trắng “Nắng Thủy Tinh”, tinh anh trong suốt như mối tình nàng.

“Ngàn cây thắp nến lên hai hàng
Và nắng bây giờ trong mắt em” 
(Trịnh Công Sơn)

      Dư âm ngày tháng xa xưa sẽ là những cung đàn êm ái cho ngày mai, và mãi mãi cho một đời người còn lại. Nàng hy vọng tháng ngày còn lai cuối đời, tình bạn này luôn luôn thắm thiết, mãi mãi trong sáng như thuở nào.
      Chiều nay, ngồi nhìn ra cửa, hoàng hôn đang xuống, nhưng nàng vẫn còn tìm được một vệt nắng ửng hồng đổ xuống hàng hiên.

Kim Oanh 
Úc Châu 2002
* Hình ảnh xưa & nay - Kim Oanh

Câu Đối : Xuân Giáp Ngọ 2014 - Kim Phượng


Câu Đối: Kim Phượng
Trình Bày: Kim Oanh



Cuối Năm Bà Táo Than



Này anh Táo ơi ! Em bảo đây này
Cuối năm ta hãy đãi bầy mấy câu
Từ ngày ta sống bên nhau
Mỗi ngày ba bữa cơm rau bình thường

Này anh Táo ơi! Bây giờ thời tiết nhiễu nhương
Đồng tiên khó kiếm khôn đường tiêu hoang
Đồ ăn thức uống sẵn sàng
Không cần đến bếp lửa than làm gì

Này anh Táo ơi! Đừng buồn ta hãy nhịn đi
Mai ngày tiếp tục như y đó mà
Thức ăn nấu sẵn làm ra
Coi chừng nấm độc khó mà nhận đây


Này anh Táo ơi ! Lại còn nhiều thứ trái cây
Bón bằng Hoá chất qủa này đâu ngon
Mấy bà thuộc loại sồn sồn
Ra quầy mua đại không buồn kiểm ta


Này anh Táo ơi! Mớ rau mới mua hôm qua
Hôm nay đã nhũn quẳng ra góc vườn
Em ngồi trông thấy mà buồn
Đồ ăn thức uống đổ luôn vào thùng

Này anh Táo ơi! Đón Xuân ai cũng vui mừng
Cặp dưa trái bưởi tưng bừng bầy ra
Trái soài đu đủ qủa na
Thờ ba ngày Tết thì là vứt luôn


Náy anh Táo ơi! Cuối năm nhiều truyện đau buồn
Mùa hè có tuyết khác thường mọi năm
Mùa Xuân trời rét căm căm
Mặc ba bốn áo đêm nằm đắp chăn

Táo Ông Đáp Lời:


Này Táo Bà ơi!! Bây giờ cuộc sống khó khăn
Cùng chung cảnh ngộ băn khoăn làm gì
Cái vòng luẩn quẩn quay đi
Hết bĩ lại thái lo gì em ơi.

(20-12 Năm Tân Mão Viên Ngoại.)


Thái Hanh

Thơ Tranh: Đón Xuân


Thơ: Biện Công Danh
Thơ Tranh: Kim Oanh


Tình Tự Mùa Xuân



Tự ngàn xưa khi mùa giớ chướng
Tình ly hương tìm hướng quay về
Mùa hạnh phúc chan chứa trời quê
Xuân đất khách trông về cố Quốc


Nguyễn Trường Tộ
 

Chạm Xuân



Nghe lòng thấp thỏm bâng khuâng
Dẫu chưa chạm tết mà xuân thật gần
Người đi phố chợ len chân
Nét tươi qua nỗi gian truân cuộc đời
Sắc đào chúm chím làn môi
Vàng mai chín nắng mặt trời trong nhau
Xin về dẫu có chiêm bao
Xuân xưa với tuổi tôi trao gởi người
Ngày xưa – Ngày xưa đâu rồi?!
Cho tôi gói tặng đầy vơi xuân này.


Hương Ngọc

Tống Táo Thi




     Hằng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp, thì dân Việt ta có tục lệ cúng tiễn đưa Ông Táo về trời, người Hoa thì cúng vào đêm 24. Bỏ qua về xuất xứ của tục lệ nầy, chỉ xét về phần cúng tế. Người Việt và người Hoa ở Việt Nam thường cúng tiễn Táo Quân bằng " thèo lèo ", bánh mức, chè Ỷ... hương hoa trà nước... và giấy tiền vàng bạc kèm theo các hình cò bay ngựa chạy. Ý là để cho ông Táo cởi ngựa cởi cò về trời ( trong văn học thì cho là cởi cá Chép ), còn " thèo lèo " bánh mức... là để ăn cho ngọt miệng đặng báo cáo cho tốt với Ngọc Hoàng Thượng Đế về tình trạng gia đình nơi mà ông Táo đang cư ngụ....
      Nhớ lúc nhỏ, khi gần Tết , tôi đã đọc được một bài thơ " Tống Táo Thi " 送 竈 詩 trên báo để tiễn đưa ông Táo như sau :

      送 竈 詩                   Tống Táo Thi
麥芽糖餅餞行蹤, Mạch nha đường bỉnh tiễn hành tung,
拜祝佯癡且作聾。 Bái chúc dương si thả tác lung.
只有一般應開口, Chỉ hữu nhất ban ưng khai khẩu,
煩君報我一年窮。 Phiền quân báo ngã nhất niên cùng !

CHÚ THÍCH :
1. Đường Bỉnh : là Kẹo bánh. Đường là Đường, mà cũng là Kẹo nữa.
2. Dương : là Giả đò. Tác : là Làm bộ.
3. Si : là Ngây, là Dại.
4. Nhất ban : là Mạo từ ( Article )chỉ : Một Điều, Một Cái.
5. Nhất niên : là Cả năm, suốt năm, chớ không phải MỘT NĂM.

DỊCH NGHĨA :
Mạch nha, Kẹo, bánh... đưa tiễn bước chân ông đi.Khi bái kiến và chúc tụng Thượng Đế xin ông giả ngây giả điếc dùm cho ( đừng nói lung tung những chuyện không tốt của tôi ). Chỉ có một điều ông nên mở miệng nói là.... Cảm phiền ông báo với Ngọc Hoàng là sao tôi lại nghèo suốt cả năm vậy !

Diễn Nôm:

          Thơ Tiễn Táo 
Mạch nha kẹo bánh tiễn chân ông,
Lên đó giả ngây giả điếc dùm.
Chỉ có một điều nên mở miệng,
Rằng ta nghèo suốt một năm ròng !
                           Đỗ Chiêu Đức.

Tái Bút :
Xin được nói thêm về 2 chữ THÈO LÈO.
THÈO LÈO là phát theo âm Tiều Châu của 2 chữ TRÀ LIỆU 茶料 : là Những Vật Liệu dùng để Uống Trà. VẬT LIỆU ở đây là chỉ những món đồ ngọt như : Kẹo Đậu Phọng, Kẹo mè đen, mè trắng, cốm, và những viên đậu phọng được áo một lớp đường màu trắng mà ta quen gọi là " Cứt Chuột ".
" Thèo Lèo Cứt Chuột " là món ngon dùng để uống trà và là món không thể thiếu khi cúng ông Táo ở quê tôi : Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xán, Phong Điền...

Giới thiệu bài viết tới...
LỮ MÔNG CHÍNH ( 944&946- 1011 )
呂蒙正(944或946-1011),字聖功,河南洛陽人,977年宋太宗丁丑科狀元。呂蒙正中狀元後,曾任將作監丞、通判、著作郎、左補闕、參知政事等官銜。988年,呂蒙正出任宰相,病逝於大中祥符四年(1011年),享年67歲,謚文穆。
 
x X x
Anh Chiêu Đức thân mến, 
     Theo như Anh viết, bài thơ Này có phải của Tể tướng Lữ Mông Chính hay không?
     Một Bài Thơ thật vui. Xin được cùng vui .
                                           Thân mến

        Thơ Tiễn Táo
Bánh mứt kẹo đường tiễn Táo ta
Thiên đình đến lượt cứ lơ là
Một điều duy nhất mong Ông nói
Sao chuyện thiếu ăn mãi vậy cà.

                                   Quên Đi
  

Chạp Ông Táo


Thiên hạ nôn nao Chạp tới nơi
Sắm xanh lễ vật kíp đi thôi
Tiễn chân Ông Táo về Trời để
Tâu việc Nhân gian, chuyện… rối bời,

Táo Bà Đòi Đi Theo Táo Ông

Chờ em anh Táo vôi chi mà
Để em sửa soạn xong là hãy đi
Tấu trình đầy đủ chi li

Gió mưa bão lụt hãy ghi đàng hoàng

Thái Hanh (Viên Ngoại)




Câu Đối: Xuân Giáp Ngọ 2014 (2) - Thái Hanh


Câu Đối: Thái Hanh (Nguyễn Khắc Nhân)
Trình Bày: Kim Oanh

Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

Táo Quên Đi Trình Tấu



...Dạ dạ dạ dạ...


Bái kiến Ngọc Hoàng 
Táo thần chẳng lạ 
Tánh hay khom dạ 
Vốn thiệt Quên Đi
Hổng có mấy khi 
Đến được đền vàng
Diện kiến Thiên nhan
Trình tâu Thượng Đế
Tình hình nhân thế
Nhưng thần chợt nghĩ
Chẳng có điều gì
Toàn chuyện tào lao
Không muốn bẩm cáo
Sợ bẩn tai Người.

Tai Người cái mà tai Người. 

Nhưng có một chuyện
Thiệt là ấm ức
Ngày đêm ray rức
Rất muốn nói ra
Thượng Đế đừng la
Thần đây mới dám. 
Mới dám cái mà mới dám

Ở xứ Trung Đông
Có chuyện một chồng 
Tới mấy bà vợ
Nghe tưởng trong mơ
Mà là sự thật
Thần đây lật đật
Dò hỏi kỹ càng
Không dám làng chàng
Báo lên giữa điện. 
Giữa điện cái mà giữa điện.

Nhìn lại nhà ta
Chỉ có một bà 
Mà tới hai ông
Thiệt là bất công
Ngọc Hoàng chắc thấu
Lép phận đã lâu
Táo nơi cõi trần
Sẽ hết tủi thân:
Giờ xin đảo lại :

" Kể từ ngày mai..!!! 
Táo Bà hai mụ 
Táo Ông một cụ."
Một cụ cái mà một cụ...

Bù lỗ xưa rày
Được thế rất hay
Thân xin bái tạ
"Guốc bay" Bệ Hạ
Thần về nhân gian
Trình báo xóm làng

Thi hành tức khắc...
Tức khắc cái mà tức khắc.... 

Táo Quên Đi



Câu Đối: Xuân Giáp Ngọ 2014 (1) - Thái Hanh





Câu Đối: Thái Hanh( Nguyễn Khắc Nhân)
Trình Bày: Kim Oanh


Xuân Này Gửi Cả Cho Em



Thư gởi em từ nửa vòng trái đất
Chở ngàn thương từ xứ sở đất lành
Qua Đông rồi cây lá nẩy mầm xanh
Xuân hy vọng gởi về cho em đó.

Gởi em vần thơ thơm mùi hoa cỏ
Nắng Xuân về hoa lá trổ đầy sân
Gởi đến em lời thăm hỏi ân cần
Ngàn thương nhớ với đôi lời tình tự.

Gởi cho em hương nồng thay ngôn ngữ
Của yêu thương và nhạc khúc mừng Xuân
Gởi cho em lời thương mến chúc mừng
Trong vị ngọt cùng vòng tay nồng ấm.

Gởi cho em cành hoa Xuân hồng thắm
Tượng trưng tình nồng ấm với niềm vui
Gởi cho em lời thương nhớ không nguôi
Ngàn cánh hoa trong dòng sông tình ái.

Song An Châu
GA, Xuân Giáp Ngọ, 2014


Chợ Công Si - Vĩnh Long



      Chợ Công Xi nằm cạnh rạch Công Xi thuộc phường 1, ngày xưa là đất Thánh An Nam, và khu nhà mổ heo gọi là Công Xi heo
      Từ cầu nhìn cuối rạch là cầu Kênh Cụt rồi trổ ra Cầu Lộ sang cầu Cái Cá rồi ra sông cái, còn gọi là sông Tiền

Con thuyền chở chuối trên bờ kênh cạn nhìn ra rạch Cầu Lầu

Chuồng gấu nằm trong dãy chuồng thú nằm dọc một bên phía đông nam công viên khi chưa chỉnh trang lại

Khách chia phần cho gấu ngoan buổi sáng trong thời gian đưa cháu viếng công viên
Một gốc cây đẹp trong buổi sáng





Nơi vui chơi trẻ em
Thân nhân tìm hài cốt người thân trong công viên tháng 2 năm 2012 trước khi công viên khởi tái tạo lại từ đầu năm 2013
Góc hướng bắc công viên nhìn từ một ngả tư
Nhìn về cuối đường 30-04 là đường Tống Phước Hiệp ngày xưa
Nhìn về ngả tư ông Sụa thông lên rạch Kênh Cụt

Trương Văn Phú


Cảm Tác Vui Xuân



      Để đáp lại những ý tưởng tuy cũ (vì cụ Nguyễn Du đã viết) nhưng huynh Mailoc đã khiêu lại được cái triết lý hưởng nhàn.
Song Quang cũng xin có vài câu góp vui cùng quý thi hữu cuối tuần đọc giải trí vậy để thay lời cầu chúc an lành và sức khoẻ.

Nhớ ly rượu, nhớ quân cờ
Nhớ đêm hoa nở, nhớ chờ trăng lên.
Song Quang

Nhớ Ly Rượu

Mời bạn đến nhấm vài chén rượu
Để cho người chếnh choáng men cay
Chén thù chén tạc hôm nay
Tình sâu nghĩa nặng nhớ ngày bên nhau.

Nhớ Quân Cờ

Cờ dở cuộc đang tìm nước cứu !
Mấy ngày xuân đánh ván cờ người
Bước đầu lên ngựa thử chơi
Đối phương vén tượng coi mòi xuất cung

Nhớ Hoa Nở

Đêm khuya ngó hoa Quỳnh đang nở
Ngát mùi thơm cứ ngỡ hương người
Em bên hàng xóm sang chơi
Miệng cười như đóa hoa đời xinh tươi.

Nhớ Trăng

Mười sáu đêm về trông bóng Nguyệt
Vầng trăng e ấp mỉm môi cười
Sao em mắt sáng rạng ngời
Cho bao người ngắm...Để đời mộng mơ!


Song Quang

Sự Tích Táo Quân Dị Bản


  Thủa xưa có một gia đình được ba người con trai. Họ rất mực thương yêu nhau và tuy ba người con đều đã xây dựng gia đình riêng nhưng vẫn cùng nhau phụng dưỡng cha già. Trước lúc lâm chung người cha gọi ba con đến trước mặt dặn rằng:
    - Trước khi nhắm mắt cha rất yên lòng thấy các con biết thương nhau. Các con đã hết lòng lo cho ta từng miếng ăn đến giấc ngủ, nay cha đã quá yếu, đó là lẽ trời. Nếu cha có nhắm mắt, các con hãy nhớ làm đúng như lời cha dặn, các con hãy khiêng cha đi, khi nào sợi dây quàng quan tài đứt, thì các con đặt cha tại đó, dù ở trên đá hay ở dưới khe suối. Các con hãy nhớ kỹ mà làm đúng như vậy.
    Ba người con trai cúi đầu vâng dạ. Người cha trăn trối vừa dứt lời thì cũng tắt thở.
    Ba người con làm đúng như lời cha dặn. Sau khi liệm kỹ, họ dùng dây quàng quan tài cẩn thận rồi nhằm hướng tây mà khiêng đi. Ba anh em khiêng quan tài đã mấy hôm nhưng sợi dây vẫn chưa đứt. Một hôm, khi đi trên một tảng đá lớn thì bỗng nhiên sợi dây đứt. Lúc bấy giờ trời đã xế chiều. Ba anh em bèn hạ quan tài người cha xuống ngay trên tảng đá nọ. Người anh nói với hai em rằng:
    - Chúng ta không thể nào đào huyệt trên tảng đá này được các em ạ. Bây giờ hai em hãy trở về nhà xem xét nhà cửa, vì ta đã đi lâu rồi. Ta sẽ lần lượt túc trực, khi nào thi thể cha tiêu tan mới thôi.
    Tối hôm ấy người anh cả chất củi, nổi lửa ngồi túc trực bên quan tài. Khoảng gà gáy canh đầu, chàng thấy mỏi, dựa lưng vào gốc cây thiu thiu ngủ. Bỗng chàng giật mình vì có tiếng rên to ngay dưới chỗ để quan tài, nơi chàng nằm cũng chuyển động mạnh. Chàng choàng dậy nhìn chiếc quan tài bị lún xuống đến nửa vào đường nứt ấy. Rồi chàng lại nghe tiếng rên than cầu cứu từ kẽ nứt dưới quan tài vọng lên.
    - Ôi, ngột ngạt khó thở quá, ai làm ơn lôi dùm chiếc quan tài này lên, ta sẽ biếu một hũ vàng. Chàng cả nghe vậy bèn hỏi lại rằng:
    - Chẳng hay quái vật tên là gì? Hũ vàng đó hiện ở đâu? Nếu điều người vừa nói là đúng là sự thật thì ta sẽ cứu cho.
    Tiếng kêu cứu ấy liền trả lời:
    - Ta chính là Khổng Long nằm tại chân núi này. Chiếc quan tài ai vừa đặt lên đây đã lọt vào miệng ta khi ta vặn mình ngáp mạnh. Vậy xin chàng hãy làm ơn kéo lên giúp, ta sẽ trả công hậu. Hũ vàng vừa rồi ta chôn dưới gốc cây bồ đề ngay chân núi này về phía mặt trời mọc.
    Nghe quái vật nói vậy chàng nửa tin nửa ngờ bèn lần đến chân núi, nơi con quái vật chỉ, để xem hư thật ra làm sao. Bỗng mắt chàng hoa lên, một hũ vàng khối đầy ắp lộ quá nứa. Chàng vần hũ vàng lên. Lúc ấy trời cũng vừa rạng sáng.
    Hôm sau đến lượt người em thứ hai. Anh cả dặn dò em kỹ rồi mang hũ vàng về. Tối hôm ấy người em thứ cũng làm đúng như lời người anh cả dặn. Chàng chất củi đốt lửa rồi ngồi canh quan tài cha. Và chàng cũng nghe có tiếng rên than cầu cứu của Khổng Long. Rồi chàng được một hũ bạc mà Khổng Long mách là chôn ở phía tây gốc cây bồ đề.
    Ðến phiên người em út, chàng cũng đốt lửa, rồi ngồi dựa vào gốc cây đại thọ cạnh quan tài. Khoảng đầu canh tư, chàng đang thiu thiu ngủ thì nghe tiếng kêu rên từ dưới quan tài vọng lên:
    - Xin chàng trai hãy làm ơn kéo chiếc quan tài này lên khỏi miệng ta, ta sẽ biếu một bầu linh dược cải tử hoàn sinh.
    Nghe vậy chàng út lấy làm thắc mắc, tại sao quái vật lại không cho ta hũ vàng, hũ bạc như hai anh , mà lại cho một bầu nước thuốc. Nghĩ vậy chàng lên tiếng hỏi quái vật:
    - Tại sao lại chỉ cho ta một bầu nước? Nước ấy dùng để làm gì? Cho ta biết ta sẽ cứu.
    Con quái vật nói:
    - Bầu linh dược ấy linh nghiệm, dùng để cải tử hoàn sinh, người hay vật, dù mới chết hay chết lâu chỉ cần đem nước thuốc vẩy qua thì sẽ sống lại.
    Nghe thần Khổng Long nói vậy, chàng út liền đến ngay cây bồ đề trèo lên xem thử. Chàng thấy nơi ngọn cây có một chiếc bầu nhỏ trong đựng đầy nước. Chàng vừa đem được bầu nước ấy xuống thì trời cũng vừa rạng sáng. Chàng định trở lại chỗ quan tài để vẩy nước thuốc cứu người cha, đồng thời cũng là xem thử sự linh nghiệm của thuốc. Nhưng khi trở lại thì không thấy chiếc quan tài nữa, và nơi kẽ đá núi cũng liền lại. Chàng út bèn xách bầu linh dược ra về.
    Trên đường về chàng chú ý nhìn xem có con vật nào nằm chết ngang đường để thử xem nước có linh nghiệm không. Bỗng trước mặt một con chó chết trương đã lâu ngày. Chàng bèn cho thử ngay, vẩy linh dược lần thứ nhất thì thấy da thịt con chó liền lại. Vẩy lần thứ hai thì chó thở đều rồi mở mắt sống lại. Chàng út vô cùng mừng rỡ ôm bầu thuốc đi về nhà và kể chuyện xẩy ra với hai người anh.
    Từ khi có bầu linh được, mỗi khi nghe tin có ai chết ở đâu là chàng tìm tới. Vì chàng có tài cải tử hoàn sinh chẳng bao lâu đồn khắp xa gần.
    Một hôm, trong lúc chàng đi vắng, một bọn côn đồ xông vào nhà lục soát. Bọn cướp tra khảo người vợ chàng, bắt nộp vàng bạc, khi không có gì chúng bèn mổ bụng vợ chàng, moi hết ruột gan vứt đi rồi chuồn thẳng.
    Chàng út trở về thấy người vợ hiền đã nằm chết trên vũng máu. Trong lúc đang nghĩ cách cứu sống người vợ, thì con chó trước kia từ ngoài chạy vào. Chàng gọi con chó lại và nói với nó:
    - Này chó, trước kia mi đã chết, nhưng ta lại cứu sống cho mi. Nay vợ ta gặp nạn, bị bọn cướp lấy mất ruột gan, mi hãy vui lòng cho ta mượn tạm bộ lòng cho vợ ta rồi ta sẽ lại hoàn sinh cho mi, được không?
    Con chó ngoe nguẩy đuôi bằng lòng. Chàng út mổ lấy bộ lòng của con chó đặt vào thi hài người vợ rồi lấy linh dược vẩy lên khắp thân hình vợ. Bỗng chốc nàng cựa mình rồi mở mắt nhìn chàng vẻ ngơ ngác như vừa qua một giấc ngủ mê. Chàng ôm lấy vợ kể hết cho nàng nghe những việc đã qua. Sau đó chàng bảo vợ lấy miếng giẻ rách để bện làm ruột gan cho chó. Chàng đem đoạn giẻ nhúng bùn non rồi đặt vào bụng chó, dùng linh dược vẩy lên. Con chó sống lại.
    Thấy chồng có thứ thuốc lạ, người vợ vô cùng ngạc nhiên và đâm ra tò mò.
    Một hôm nhân lúc vắng chồng, nàng bèn lấy bầu linh dược ra, thò hai ngón tay vào bầu lấy nước bôi lên mặt. Nàng soi gương thấy mặt mình trở lên quái dị như mặt quỷ thì hoảng lên, bèn xách cả bầu linh dược trút hết khắp từ đầu đến chân.
    Thật kỳ lạ, khi soi lại mình, nàng như không nhận ra mình nữa. Tóc dài chấm gót, nước da trắng như ngọc, mịn màng hồng hào. Nàng xinh đẹp tựa như tiên nữ giáng trần. Sự hoá thân cực kỳ xinh đẹp của nàng làm cho người chồng khi trở về cũng hết sức ngạc nhiên, ngơ ngác.
    Thấy chồng nhìn mình không chớp mắt, nàng mỉm cười, rồi nhỏ nhẹ kể lại cho chàng nghe về sự lỡ lầm của mình, và mong chàng tha thứ.
    Chàng út hết sức vui mừng khi thấy người vợ trở nên xinh đẹp tuyệt vời như vậy. Nhưng nghĩ lại tiếc linh dược nên chàng đem trồng vào nơi có nước thuốc một khóm hành và một cây quế.
    Chưa đầy tuần trăng cây quế đã cao một thước rưỡi, bụi hành cao hơn hai thước.
    Tin người vợ chàng út có sắc đẹp tuyệt trần đến tai vua. Nhà vua liền cho quân đến bắt nàng về cung làm vợ. Hai vợ chồng rất mực thương nhau nhưng không giám cãi lệnh vua. Hai người ngậm ngùi chia ly, hẹn ngày đoàn tụ.
    Thế rồi, một hôm đang lúc thẫn thờ nhớ vợ, chàng út nghĩ lại được một kế hay. Chàng nhổ hết bụi hành và cây quế bỏ vào hai cái thúng, rồi gánh đi. Ðến ngoài cổng thành nhà vua, chàng rao to:
    - Ai mua hành hai thước, quế một thước rưỡi không?
    Cứ thế chàng rao đi rao lại ngày một to hơn.
    Riêng về người vợ chàng út từ khi bị bắt về kinh thì tự nhiên cấm khẩu, nhà vua đã cho mời các lương y giỏi đến chữa chạy nhưng đều không khỏi. Nhà vua cho bầy mọi trò tiêu khiển, nhưng cũng đều vô hiệu. Vua đã ra lệnh ban thưởng rất hậu cho ai có tài chữa khỏi bệnh cho nàng. Nhưng mọi người đều bó tay.
    Bỗng nghe có tiếng rao hàng lạ vào cung thất, nàng định tâm nghe kỹ. Rồi nàng vui sướng gọi một nàng hầu đứng gần đó đến, bảo nó xuống lầu, mời người giao hàng nọ đem hàng vào cho nàng mua. Nhưng vừa nghe tiếng nàng thốt ra, nhà vua đã cho dẫn chàng đến. Nhà vua cho đuổi hết những quân hầu ra ngoài rồi bắt chàng đổi quần rách rưới cho mình. Nhà vua muốn chính mình từ nay sẽ làm cho nàng được khuây khỏa để chịu làm vợ chồng với mình.
    Sau khi mặc xong bộ cẩm bào, đội xong hia mão của nhà vua vừa đổi, chưa kịp để cho tên vua ham dâm sắc làm trò mua vui cho nàng, thì chàng út đã ra lệnh cho quân lính bắt trói hắn lại, và truyền lệnh nổi lửa hoả thiêu ngay.
    Thấy có lửa hỏa thiêu dưới lầu, người vợ chàng út tưởng nhà vua đã truyền lệnh thiêu sống chồng mình nên từ trên lầu nhảy xuống để cùng được chết chung với chồng trên giàn hoả. Chàng út thấy vợ mình quyên sinh theo vua thì cho rằng nàng đã bội nghĩa, nên cũng đành hủy thân cho xong, bèn nhẩy luôn vào đống lửa tự thiêu.
    Khi lửa tàn, bá quan trong triều bàn nhau định lập đền thờ vua và hoàng hậu nhưng không làm cách nào để phân biệt được đâu là sọ vua, nên đành cho lập đền thờ chung và ban lệnh cho bàn dân từ nay muốn đốt lửa bắt kiềng phải dùng ba hòn đá chụm lại, tựa như ba cái đầu của ba người đã chết thiêu chung vậy. Ðó chính là sự tích táo quân.
    
(  http://music.vietfun.com )
Huỳnh Hữu Đức Sưu Tầm

 

Sông Trăng


Mênh mông bát ngát
Dòng sông ánh bạc
Thuyền nhẹ trôi
Mái chèo buông lơi
Hờ hững
Giữa trời, lơ lửng
Vầng trăng
Sóng gợn lăn tăn
Long lanh bóng nước
Trăng vàng tha thướt
Lả lơi...
Về đâu thuyền ơi
Về đâu trăng ơi
Đầy trời
Lấp lánh
Vàng rơi
Hồn chơi vơi
Mênh mông đất trời
Trăng soi
Thuyền ơi, thuyền ơi
Đưa ta về đâu
Đêm nay
Viên mãn trăng đầy
Mười sáu
Có thật là trăng
Hay chỉ là mộng ảo
Ta say trăng
Trăng đắm đuối cùng ta
Phiêu lãng bồng bềnh
Trên sóng nước bao la... 


Phương Hà



Ca Dao 2


Đề tài:

Càng lâu càng lắm mùi hay

Cho cam công kẻ nhúng tay thùng chàm

Bài làm :


Tháng lại ngày qua vẫn thế thôi
Sống lâu từng chải hết mùi đời
Điều hay vẫn chắc còn tồn tại
Cái dở đeo hoài chán ngấy ôi
Vẫn biết thùng chàm tay trót nhúng
Hẳn còn bám chặt chút hương thôi
Rằng lòng đeo đẳng cho xong chuyện
Hoa thải hương thừa thật khó coi

Thái Hanh(Viên Ngoại)


Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Đồng Tiền Vàng




Tôi từ bỏ điện vàng
Tiêu phòng rộng thênh thang
Rượu nồng hơi thở ấm
Muôn mỹ nữ dịu dàng

Nhung lụa tôi không màng
Chỉ một điều cầu van 
Không ngọc ngà châu báu
Xin được hai tiền vàng

Dù chết đói chiều nay
Nhưng tôi vẫn không xài
Vì đồng tiền nho nhỏ
Nằm trên má của ai

Lê Kim Thành
1963


Thơ Tranh: Một Chiều Xuân




Thơ: Biện Công Danh(DTTN)
Thơ Tranh: Kim Oanh


Chiếc Khung Cửa Và Bài Học Làm Người


Đừng lướt qua cuộc đời.
Hãy lớn lên cùng nó.

Một đôi vợ chồng trẻ vừa dọn vào một căn nhà mới.
Sáng hôm sau, vào lúc ăn sáng, cô vợ thấy nột người phụ nữ láng giềng đem phơi quần áo vừa giặt.
Cô bảo: “Quần áo còn bẩn quá, rõ bà này chẳng biết giặt. Có lẽ bà ta cần loại xà-phòng khác tốt hơn”.
Anh chồng nhìn qua rồi im lặng.
Và rồi cứ mỗi lần thấy người láng giềng phơi quần áo thì người vợ lại có lời phê phán...
Một tháng sau, vào một buổi sáng, cô vợ ngạc nhiên khi thấy quần áo người láng giềng đem phơi sạch sẽ và cô nói với chồng:
“Anh xem kìa, bà ta đã học được cách giặt giũ! Không biết ai đã dạy cho bà ấy?"
Anh chồng đáp:
“Không... sáng nay anh dậy sớm và lau khung cửa kiếng nhà mình ấy chứ!

***
Cuộc đời cũng thế.
Tất cả tùy thuộc vào mức độ sạch của khung cửa sổ mà qua đó ta nhìn các sự kiện
Trước khi phê phán, trước tiên nên xác định lại cái nhìn của chúng ta.
Như thế, chúng ta sẽ nhìn thấy rõ ràng sự trong sáng của tâm hồn người khác.
Ồ, không khéo tôi lại quên...
Ngay hôm nay, tôi nhìn bạn lạc quan hơn hôm qua.
Còn bạn thì sao?

Vũ Thị Bạch Hằng - Sưu Tầm




Cảm Tác: Xuân Nhớ



Em gọi xuân hay là gọi anh
Mà nghe xao xuyền nhịp tim nhanh
Dù xa mình vẫn yêu nhau nhé
Năm mới xuân sang đẹp mộng lành


TLT  Nguyễn Phạm Thảo Sương

Nhớ Xuân


Em gọi xuân ơi em nhớ lắm
Và nghe xao xuyến ở trong tâm
Xa nhau thăm thẳm bao ngàn dặm
Xuân có nghe chăng tiếng gọi thầm

Hồng Lan


Họa Vui Xuân


Thưa Thầy Mai Lộc,

Em xin mượn những vầng thơ hoạ tuyệt cú, gởi đến Quý Thầy Cô Anh Chị góp vui khi xuân sắp về.

 
  Khi chén rượu , khi cuộc cờ ,
Khi xem hoa nở , khi chờ trăng lên. 
                         Nguyễn Du

Quên chung rượu quên trận cờ
Quên hoa nở vội quên chờ đợi trăng
                               Quên Đi

         Khi chén rượu 
Tri kỷ tửu phùng hãy cạn ly
Xuân về sầu muộn sẽ trôi đi
Chén đầy thân hữu vui ngày tết
Tương ngộ lo chi mấy chục tì.
 


            Khi bạc bài 
Tết đến chơi bài thấy chán la
Bầu cua mười bận cũng không ra
Bài cào ba ván thua sành sạch
Thử vận đầu năm giấu vợ nhà.
 


           Khi xem hoa nở
Trời Hạ bồng bềnh theo cánh Lan
Cúc xinh rộ sắc buổi thu sang
Oai hùng Trúc vững đêm Đông giá
Hớn hở Mai tươi tiết Xuân tràn
 


         Khi hoài trăng xưa

Thơ dại hồn nhiên ánh nguyệt non
Cài trâm e ấp dáng trăng tròn
Sắc hương đầy đặn lên mười sáu
Quá buổi tròn trăng luyến tiếc buồn.

                                     
Quên Đi