Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

Xuân Thời Lãng Mạn



Em hỏi mùa xuân phải của em?
Một mùa xuân có bướm hoa chim
Có thơ Xuân Diệu sầu Huy Cận
Có Dũng và Loan khóc Tố Tâm

Em vẽ trăm hương ngát một trời
Chiều xuân đi dạo thấy buồn tôi
Thương ông Đồ Chiểu ngồi buôn sách
Bên gốc mai gầy kiếng lão soi

Ai bỗng ôm mồ cụ Thủ Khoa?
Còn em thơ thẩn đứng sau chùa
Giữa xuân vườn hạnh không người hái
Mà trái sầu đau chín đỏ chưa?

Cái mộng thư trung hỏi Ức Trai
Em con chim én muốn tung mây
Hồn thơ xin hãy cài then lại
Kẻo gió đùa trăng đến một ngày

Lâm Hảo Dũng


Những Mẫu Chuyện Về Táo Quân Phần Cuối


      Sau những chuyện về Táo qua hai phần đã đăng, chúng tôi thấy còn một vấn đề rất thú vị chưa đề cập. Xin thưa đó là khoảng cách từ Thiên Đình đến Trái Đất.
Thưa cùng Quý Độc Giả, câu hỏi khoảng cách Thiên Đình - Trái Đất thật là tức cười, vì làm gì có Thiên Đình.
Tuy nhiên, với không khí tưng bừng của mùa xuân, việc đi tìm khoảng cách này giống như một tiếng cười mang đến cho Các Vị trong những ngày xuân.



                                 Các tầng Khí quyển của Trái Đất

      Muốn biết khoảng cách từ Trần Gian đến Thiên Đình, chúng ta cần hai yếu tố, Tốc Độ và Thời Gian của Táo

Thời Gian

Táo sẽ rời trần gian trong ngày 23 tháng Chạp, chúng ta lấy thời điểm xuất phát của Táo là 6 giờ chiều (do có nhiều nhà đưa Ông Táo trễ). Đến trước Giao Thừa tức 24 giờ  mùng 29 ( do có tháng thiếu) Táo phải có mặt ở trần gian. 
Táo sẽ có khoảng thời gian là 6 ngày + 6 giờ đi và về. Trừ thời gian ăn uống nghĩ ngơi và trình sớ là 6 tiếng đồng hồ. Như vậy Táo cần 3 ngày đi và 3 ngày về. Vị chi mỗi bận là 3 ngày hay là 72 giờ.

Vận Tốc

Theo câu truyện về Táo, mọi người đều biết, Táo cỡi cá chép bay về trời. Như vậy trước hết chúng ta tìm cho được tốc độ của Cá Chép.
Ngày trước Ông Bà ta thường nói "đi mây về gió" ý nói là đi rất nhanh. Chúng ta tìm hiểu tốc độ nhanh nhất trong tự nhiên.

- Gần Mặt Đất ( Tầng Đối Lưu)
Tốc độ nhanh nhất của loài chim : 320 km/giờ (Chim Ưng hay còn gọi là Chim Cắt).
Tốc độ nhanh nhất của Gió : 370 km/ giờ ( đo trên núi Washington ở New Hampshire ngày 12 - 4- 1934)
Khi ở gần mặt đất, ta chấp nhận tốc độ của cá chép là 370 km/giờ.

- Tầng Giữa ( Tầng Trung Lưu )
Sức gió ở đây khoảng 960 km/giờ.

Do khoảng cách từ Mặt Đất đến Tầng Giữa chỉ có 85km nên chúng ta chấp nhận tốc độ trung bình của Cá Chép là 960km/h.

 - Quỹ Đạo
Khi bay được 39 giờ, Táo nhà ta sẽ đến ranh giới Quỹ Đạo Địa Tĩnh (cách mặt đất 37800 km ).
Khoảng đường Táo đi trong 39 giờ với vận tốc 960 km/h là 37 440 km.

Muốn rời khỏi quỹ đạo này để đi tiếp, Táo cần đến tốc độ 28 500 km/h. Còn nếu muốn thoát khỏi trường hấp dẫn của Trái Đất, Táo cần tốc độ là 40 500km/h. Để dung hoà, chúng ta đồng ý cho Táo bay với tốc độ 35 000 km/h trong khoảng thời gian 33 giờ còn lại để đến Thiên Đình.

Như thế 35 000 x 33 = 1 155 000 km.

Cuối cùng, chúng ta có được khoảng cách Thiên Đình -->Trái Đất là
37 440 + 1 155 000 # 1 200 000 km

Nếu so với Sao Kim, hành tinh gần trái đất nhất, thì Thiên Đình trong tưởng tượng có khoảng cách chỉ tương đương 1/10.
Như thế Thiên Đình quá gần phải không Các Vị.

Hy vọng ý tưởng ngớ ngẩn này sẽ mang đến cho Quý Độc Giả  một nụ cười thoải mái.

Huỳnh Hữu Đức


Thơ Tranh: Xuân Tình



Thơ: Quên Đi
Thơ Tranh: Kim Oanh

Nỗi Nhớ Mùa Xuân




Sao lại thế nhỉ, sao cứ mơ?
Bao nhiêu năm mãi đợi mãi chờ
Người đi tôi khóc chiều xuân ấy
Một đời hoài vọng, kiếp bơ vơ

Dẫu biết người đi không trở lại
Nhưng tôi còn đếm bóng xuân đi
Mỗi lần xuân đến tôi thương nhớ
Xuân của ngày xưa của biệt ly

Người hỡi mai nầy có gặp nhau
Xin mang lời hứa buổi ban đầu
Của mùa xuân cũ thời hoa mộng
Sưởi ấm lòng tôi vơi nỗi đau!

Ngày cuối năm Tân Mẹo 22/1/12
Biện Công Danh



Ngày Tháng Nào -Thơ: Therèse Nguyễn - Phổ Nhạc Quách Vĩnh Thiện


Thơ : Thérèse Nguyễn
Nhạc : Quách Vĩnh Thiện
Tiếng hát : Mỹ Dung.


Xin cuối mặt cho một lần giã biệt,
Tạ từ nhau em biết sẽ về đâu,
Biết không anh trời bây giờ tháng mấy,
Buồn mưa ngâu mây trắng ngập ngừng bay.

***

Đôi cánh bay mệt mỏi vẫn miệt mài,
Em tựa cửa ngân hà sao vằng vặc,
Đông lại về lòng em buồn man mác,
Góc trời xưa anh có chắc gì vui,
Em cặm cụi gỡ lưới tình giăng mắc,
Bờ vai gầy tình nghĩa vẫn đầy vơi.

Xin cuối mặt cho một lần giã biệt,
Tạ từ nhau em biết sẽ về đâu,
Biết không anh trời bây giờ tháng mấy,
Buồn mưa ngâu mây trắng ngập ngừng bay.

***

Phương trời buồn nặng trĩu trái sầu đau,
Em xin gởi để anh cùng chia sẻ,
Em khóc ngất cho vơi dòng dư lệ,
Ước mơ ngày mình nhấc bước trở về,
Trời đa đoan tìm cách cắt chia ta,
Nhóm bếp lửa khơi tro tàn dâu bể.


Paris, le 19 Août 2009 

Cô Bé Đội Sổ Việt Văn Kỳ Án...

                          (Tặng các bạn T.P.H để nhớ lại một thời áo trắng)
      …Tùng…tùng…tùng
      Tiếng trống tan trường vừa dứt. Cả không gian thinh lặng chợt òa vỡ từng tràng âm thanh rộn rã, tiếng cười nói vang lên ríu rít như đàn chim non đang hớn hở hát ca trong ánh chiều tà. Những tà áo dài phất phơ dưới nắng xuân dịu mát, nhuộm trắng cả khoảng sân rộng lớn của ngôi trường trang nghiêm cổ kính.
      Len lỏi trong rừng người ấy ra được đến ngoài cổng, Thục Oanh đang dáo dác tìm các bạn thì nghe tiếng Hồng Thủy gọi lớn:
- Thục Oanh! Thục Oanh! Lại đây nè.
Thục Oanh ngoái đầu lại, thấy Hồng Thủy và cả Mỹ Loan đang đứng túm tụm với một đám đông cạnh gốc cây đại thụ bên lề đường. Cô dựng xe vào sát tường, vừa bước về phía các bạn vừa càu nhàu:
- Mấy nhỏ làm gì mà hổng chờ tao, mới dứt tiếng trống là biến mất tiêu hà!
Mỹ Loan chun chun cánh mũi:
- Tụi tao nghe có chuyện lạ ngoài này, nên chạy ra trước lấy tin tức.
- Chuyện lạ gì?
- Lại đây thì biết!

      Mỹ Loan bước ra nhường chỗ cho Thục Oanh đến sát bên gốc cây. Trên đó, ai đã dán sẵn một mảnh giấy tập học trò, với hàng chữ viết rắn rỏi, mà vừa đọc lướt qua nội dung, Thục Oanh đã giật thót người, tim đập loạn xạ:

Tìm Người.

Cần tìm “Cô bé đội sổ Việt văn” lớp đệ Tam C1

Trường Tống Phước Hiệp

Xin cho gặp tại quán kem Thanh Bình lúc 6 giờ 30 chiều
Hôm nay, ngày…tháng …năm…



      Thục Oanh bước thụt lùi ra ngoài, trong bụng hồi hộp, thầm nghĩ:
“…Không biết ông lính nào lỳ lợm hết sức, dám đến tận đây kiếm người ta. Chuyện này mà lộ ra, mấy đứa bạn nó cười mình chết được…”
Thấy thần sắc của Thục Oanh có vẻ khác thường, Mỹ Loan lên tiếng:
- Mày sao vậy hở Thục Oanh? Hồng Thủy nói đỡ cho bạn:
- Nó vốn yếu đuối, ẻo lả, mày lại nhét vô giữa đám đông ồn ào như vậy, nó chưa xỉu là may lắm rồi đó.
- Ừa há! Thôi tụi mình về đi!
      Họ theo nhau dắt xe ra lộ.
      Mỹ Loan bên ngoài, Thục Oanh ở giữa và Hồng Thủy trong cùng, ba cô học trò xinh xắn của vùng đất phù sa hiền hòa cùng uyển chuyển đạp xe thong dong trên con đường Gia Long êm ả. Tà áo trắng tung bay phất phơ, như giải lụa của các tiên nương trong vũ khúc Nghê Thường, gió thổi ngược chiều, dán sát phần vải phía trên vào những cái eo thon thả khiến khách qua đường phải chắc lưỡi ngẩn ngơ.

      Nét đẹp của người phụ nữ là phần thưởng vô giá mà thượng đế ban tặng cho nhân loại. Mọi người phải biết chiêm ngưỡng, tôn vinh xưng tụng để những kiệt tác ấy mãi mãi tồn tại và trang điểm cho cuộc đời thêm xinh tươi.
      Đã qua khỏi Cầu Lầu, mà cả ba vẫn giữ im lặng, theo đuổi ý nghĩ riêng tư. Hồng Thủy lên tiếng phá tan bầu không khí nặng nề:
- Con nhỏ nào khùng điên, đi lấy cái tên thiệt ngớ ngẩn, mà lại còn cho ai đó biết, để họ tìm đến đây nữa chớ!
Thục Oanh phản đối bạn:
- Sao khi không mày lại nói người ta khùng điên?
- Học ban C lại lấy tên là Cô bé đội sổ Việt văn mà không khùng thì cũng té giếng!
- Lấy tên là gì mặc kệ người ta, mắc mớ gì tới mình...
- Bộ mày biết nhỏ đó là ai hả?
- Hổng biết!
- Hổng biết sao binh chầm chập vậy. Hay chính là mày?
- Nói tầm xàm không hà! Sao lại là tao!

      Mỹ Loan là cô gái có óc phán đoán tinh tế, nãy giờ vẫn lặng thinh suy nghĩ, lúc đó mới lên tiếng giảng hòa:
- Thôi hai đứa đừng nóng, để tao phân tích thử xem: Đây có thể là một bí danh, hoặc một bút hiệu. Bí danh chỉ dành cho những hoạt động ngầm, hoặc tình báo, nên coi như bị loại bỏ…

Hồng Thủy ngắt lời bạn:

- Như vậy thì là bút hiệu, mà dùng để viết cái gì?

- Trước hết phải xác định rằng có một nhỏ nào đó ở Đệ Tam C1 đã dùng bút hiệu này. Mà trong lớp chúng ta, ngoại trừ những đứa đặc biệt giỏi văn thơ như mày, con Thục Oanh, tao và vài đứa nữa, còn lại đều sàn sàn như nhau chứ có đứa nào tệ đâu. Học văn chương mà chọn bút hiệu này để viết văn, làm thơ thiệt hổng giống ai…
Hồng Thủy lại chen vào:
- Như vậy thì để viết thư tình hả?
- Đúng! Mày rất thông minh, nhưng vẫn chưa thấy rõ vấn đề.
-Ở chỗ nào?
- Viết thư tình tức là viết cho người mình đã yêu, mà đã yêu thì biết về nhau quá nhiều, cần gì phải đến trước cửa trường dán giấy “Tìm Trẻ Lạc”…
- Ừa há! Vậy thì viết cho ai?
- Mày còn nhớ hôm trước tết, trường mình có phong trào viết thơ cho các anh chiến sĩ tiền tuyến hôn?
Hồng Thủy la lớn:

- Đúng rồi! Đúng rồi.


      Thục Oanh đang im lặng lắng nghe những câu đối đáp giữa hai người bạn cũng giật bắn cả người vì tiếng la của Hồng Thủy. Cô vừa thầm phục óc xét đoán của Mỹ Loan, vừa lo ngại câu chuyện sẽ đi quá xa, nên càm ràm các bạn:
- Mày làm cái gì mà la chói lói giữa đường giữa xá vậy? Người ta té giếng đâu chưa thấy, chứ tao thấy hai đứa mày sắp khùng tới nơi rồi đó. Dẹp phứt chuyện đó đi cho xong…
- Dẹp sao được? Mỹ Loan cao giọng với Thục Oanh.
- Nó đâu có liên quan gì tới tụi mình. Sắp đến kỳ thi đệ nhị Lục Cá Nguyệt không lo ôn bài vở, mà lo chuyện bao đồng!
- Mày nói hổng liên quan sao được? Học trò ban C mà lại lấy bút hiệu là đội sổ Việt văn, khác nào nói học trò trường mình dở ẹc. Vì danh dự của Trường Tống Phước Hiệp nói chung và của lớp Đệ Tam C1 nói riêng, với trách nhiệm là trưởng lớp, tao sẽ làm sáng tỏ vụ án này. Tao tạm đặt cho cái tên là “Cô Bé Đội Sổ Việt Văn Kỳ Án”.

      Hồng Thủy bật cười khanh khách, tiếng cười của cô lan xa trong chiều tà lộng gió:

- Mày bị lậm ba cái chuyện trinh thám gián điệp quá rồi đó nhe cô trưởng lớp! Cô tưởng cô là Bao Công hay Z. 28 vậy!
- Để rồi coi! Mà nè, tụi mày có muốn đến quán kem Thanh Bình bây giờ hông?
Hồng Thủy nhau nhẩu:
- Mày bao ăn kem hả?
- Xí! Cái bản mặt lúc nào cũng nghĩ chuyện ăn uống, đến để nhận diện “Người tìm trẻ lạc”!
Thục Oanh phản đối:
- Khi khổng khi không đến nhìn mặt ngưòi ta, lãng xẹt!
Hồng Thủy cũng phụ họa:
- Ừa! Tao thấy vậy cũng hơi kỳ!
- Kỳ thấy mồ chứ hơi gì!

      Mỹ Loan đành buông xuôi trước ý kiến của hai bạn. Tuy cá tính có khác nhau, nhưng là bạn thân thiết từ những ngày đầu mới bước chân vào ngưỡng cửa trung học của ngôi trường cổ kính này, nên họ rất nhường nhịn nhau.
-Mình có thể tới đó ăn kem và theo dõi đối tượng, chứ có làm gì đâu mà kỳ. Tụi bay không muốn biết về “người tìm trẻ lạc” và “thủ phạm” trong vụ án này thì thôi.
Hồng Thủy lại phấn kích reo lên:
- Mày nghĩ có thể tìm ra hay sao?
- Chắc chắn tao sẽ tìm ra…
- Mày căn cứ vô cái gì mà chắc ăn dữ vậy?
- Mình sắp đặt các sự kiện lại cho hệ thống, sau đó giải quyết từng vấn đề thì sẽ có đáp số ngay thôi. Này nhe: Hôm trước tết có một nhỏ trong lớp mình viết thư cho các anh chiến sĩ ngoài tiền tuyến với bút hiệu là “Cô bé đội sổ Việt văn”. Hổng biết cô nàng viết những gì, mà anh chiến sĩ của chúng ta đã lặn lội đến đây để tỉm gặp nàng. Nếu bây giờ chúng ta đến gặp người tìm trẻ lạc ấy, xin được xem qua lá thư là biết ngay tuồng chữ của đứa nào, phải hông?
Cũng may, lúc đó đã đến khúc quẹo vào nhà Thục Oanh, nên Hồng Thủy và Mỹ Loan không nhìn thấy nét mặt nhợt nhạt của bạn mình khi nghe đến đến đoạn kết luận của thám tử Mỹ Loan.

***

      Những tấm giấy tìm người tiếp tục xuất hiện đều đặn. Thời gian và địa điểm như cũ, chỉ có cái ngày ghi trong đó được thay đổi từng bữa. Cho đến hôm thứ ba thì nhà trường nhập cuộc.
      Buổi chiều ấy, Giáo Sư dạy Việt Văn cũng là người phụ trách chương trình viết thư Tiền Tuyến Hậu Phương đã nhắn nhủ:
-Cô biết là trong số hơn bốn mươi em của lớp Đệ Tam C1 đã có một em dùng cái bút hiệu khá ngộ nghĩnh này để viết thư cho các anh chiến sĩ trong dịp tết vừa qua. Có lẽ lời thơ làm cảm động người nhận, nên anh đến đây tìm gặp em đó. Cô không khuyến khích, cũng chẳng ngăn cản nhưng lưu ý các em một điểm là năm nay chương trình học còn nhẹ, sang năm thi Tú Tài phần một, bài vở sẽ nhiều hơn, đừng xao lãng. Cũng đừng quên cách nay không lâu tại một trường nữ trung học nổi tiếng ở Sàigòn đã diễn ra phong trào CTY làm bận tâm đến các bậc phụ huynh và cả giới giáo chức. Cô không muốn chuyện như thế xảy ra ở trường mình…

      Buổi chiều nào tan học ra, cũng thấy một đám đông xúm xít bên cái bố cáo tìm người ấy. Sự kiện tiếp diễn suốt một tuần lễ và chiều nào thì ba cô học trò xinh xắn của chúng ta cũng có những cuộc tranh luận về vấn đề này. Và bao giờ Thục Oanh cũng chỉ đứng ngoài để hai bạn tự do bàn tán.
Hôm nay là chiều thứ bảy, đề tài vẫn là câu chuyện người tìm trẻ lạc. Khi đến gần ngã ba rẽ vào nhà Thục Oanh, Mỹ Loan đưa ra quyết định táo bạo:
- Ngày mai tao sẽ đi gặp người lính ấy!
Tay lái của Thục Oanh chợt lạng quạng, khiến Hồng Thủy hết hồn:
- Mày có sao không vậy Thục Oanh?
Cô lắp bắp:
- Tao không sao…Chắc tại cán phải viên sỏi…
Mỹ Loan nở một nụ cười khó hiểu, nhủ thầm:
“…Sỏi trong hồn mày thì có, chứ ở đâu ra trên con đường tráng nhựa phẳng phiu này…”
Tối hôm đó, sau khi lo bài vở xong, Thục Oanh lục lại bản nháp lá thư đã gởi ra tiền tuyến. Cô đọc đi đọc lại rất nhiều lần, mà vẫn chẳng thấy có chỗ nào khả dĩ khiến cho người ta phải tìm đến đây:

Vĩnh Long, ngày… tháng … năm 1972


Anh Chiến Sĩ thân mến.

Hôm nay trời bên ngoài đang dịu mát vì mùa Tết sắp về, vạn vạt nở nụ cười tươi thắm chuẩn bị đón Xuân sang. Học trò cũng vừa thở phào nhẹ nhỏm vì vừa chấm dứt kỳ thi Lục Cá Nguyệt.

Hai giờ Việt Văn hôm nay có tin sét đánh, đấy là viết thơ cho các anh chiến sĩ. Đúng là sét ngang tai với nhỏ đó, vì nhỏ là con bé dở môn Việt Văn, chuyên môn đội sổ trong lớp đó, anh có biết hông?

Theo đề nghị từ văn phòng đưa xuống, bảo rằng: Bổn phận em gái hậu phương là an ủi và động viên tinh thần các anh nơi tiền tuyến. Các anh đang lặn lội gió sương, nằm gai nếm mật… Nhỏ không biết anh gian nan cỡ nào, nhưng anh có biết là nhỏ đang đau khổ dường nào chăng? Hổng dễ gì viết thơ cho một người mà nhỏ chưa bao giờ biết mặt, biết tên?

Hai con nhỏ bạn ngồi cạnh, chỉ hóa phép thần thông thì lá thư đã đầy chữ. Còn nhỏ thì ngồi cắn bút suy tư...
Anh Chiến Sĩ ơi! Thôi thì nhỏ cố gắng tìm những gì vui nhất của học trò kể cho anh nghe nhé, và hy vọng là tiếng cười của lớp học này sẽ theo gió ngược miền đến tận rừng xanh, nơi đó anh sẽ cảm thấy lòng nhẹ đi nỗi âu lo, quên giây phút nhớ nhà, và tìm được những yên lành trong mảnh thư xanh.
Xin tự giới thiệu với anh tên nhỏ là....
À mà không được viết tên riêng, chỉ ghi lớp và trường mà thôi. Lệnh mà anh! Nhỏ đang học lớp Đệ Tứ 8, nữ sinh trường Trung Học Tống Phước Hiệp, một ngôi trường cỗ kính, rất nên thơ, từ cỗng trường đi vào hai hàng cây phượng vàng rợp bóng, buổi tan trường những tà áo trắng tung bay như đàn chim vỡ tổ. Vĩnh Long là một tỉnh lỵ hiền hòa, người dân mộc mạc dễ thương… Thôi nhỏ không dài dòng văn tự nữa đâu, để nhỏ kể anh nghe chuyện vừa mới xảy ra anh nhé.

Trong giờ Sử Địa, là một môn ngán như ăn cơm nếp, học phải nhớ từng chi tiết nhỏ, trả bài quên một chữ là quên cả câu. Nhưng rất may năm này nhỏ học với một vị thầy khả kính tên thầy là Nguyễn Văn Năm. Thầy cũng biết điều này, nên thầy cho thuyết trình. Rất lạ! Vì chỉ có môn Việt Văn mới thuyết trình thôi. Đề tài ra là “Danh nhân thế giới từ năm …”

Ngày thuyết trình bắt đầu, toán của nhỏ sửa đề tài, dán tài liệu sưu tầm lên bảng, viết tựa đề “Giai nhân thế giới từ năm..” những hình ảnh giai nhân thật đẹp.Thày bàng hoàng, sửng sốt:
- Các em làm gì vậy? Ai cho các em đề tài này?
- Dạ thầy cho mà, chúng em ghi rõ ràng mà thầy.
Biết thầy đang cười trong bụng như bọn nhỏ vậy, mà thầy cố làm nghiêm, thầy biết học trò tinh nghịch, nhưng chỉ biết lắc đầu, mỉm cười và chịu thua. Thầy xuống giọng:
- Thôi tài liệu cũng đẹp lắm. Nhưng các em bị phạt!
Và phạt!
Cả lớp cười xòa. Ôi! Tình cảm thầy trò gắn bó thật dễ thương.

Anh chiến sĩ biết không, sau buổi thuyết trình ấy, chiều tối toán nhỏ lén đến nhà thầy để vào cửa sổ tất cả những tấm hình của “Giai nhân thế giới” tặng thầy làm kỷ niệm…hi..hi.... vui anh há?
Anh Chiến sĩ thương mến, không biết vì sao, và từ lúc nào… khi vừa kể xong câu chuyện này, nhỏ ngỡ mình như đã biết anh, một gần gũi nhẹ nhàng, chia xẻ tâm tư, chung vui ngọt ngào của một thời thơ mộng, hồn nhiên của con gái tỉnh lỵ hiền hòa.

Còn anh? Trước khi bước vào đời lính chắc hẳn anh cũng một thời ôm ấp mộng thư sinh? Anh có mơ ước gì chăng sau khi cuộc chiến an bình? Anh có vui buồn gì trong những đêm một mình bên tay súng chăng? Hy vọng lá thư này sẽ làm anh vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình và can đảm dấn thân trong những cuộc hành quân, vì ít ra cũng có một người em gái hậu phương chân thành kể chuyện cho anh vui, và cùng lần bước chân mình đến tận rừng sâu.

Lần đầu em tập viết thư
Gửi anh Chiến Sĩ trăng mơ quê nhà
Đến người lính trận áo hoa
Thư xanh tình đậm làm quà viễn chinh.

Thôi cho nhỏ ngừng vì đến giờ nộp thư cho cô giáo rồi. Mến chúc anh luôn an lành và hưởng một mùa Xuân thật ngọt ngào bên cạnh những đồng đội thương yêu.

Em Hậu Phương.
“Cô Bé Đội Sổ Việt Văn”
Lớp Đệ Tứ 8
Trường Nữ Trung Học Tống Phước Hiệp - Tỉnh Vĩnh Long.
***
Chiều chủ nhật, quán kem Thanh Bình khá đông khách.
Nam thanh nữ tú dập dìu.
Trong cái góc nhỏ gần chỗ quầy tính tiền, hai nhà thám tử đại tài Mỹ Loan và Hồng Thủy đang hồi hộp chờ đợi sự xuất hiện của đối tượng. Chọn vị trí này, hai cô có thể quan sát được toàn cảnh của quán và nhất là theo dõi được những người khách ra vào.

Hai cốc kem đã cạn và những ly nước lạnh cũng vơi phân nửa, mà vẫn chưa thấy động tĩnh gì.
Hồng Thủy nhìn đồng hồ đeo tay, sốt ruột cằn nhằn:
- Sáu giờ mười lăm rồi, sao hổng thấy ai hết vậy?
- Mấy ông nhà binh đúng giờ lắm mày đừng lo…
- Con trai hẹn thì phải đến trước con gái chứ!
- Nhưng mà người ta đã đến trước từ nhiều ngày qua rồi!
- Có khi nào bữa nay hổng đến hông?
- Đừng có rối lên nữa mà! Đi điều tra thì phải kiên nhẫn chứ! Biết vậy, tao hổng thèm rủ mày đi cho rộn chuyện.
- Nếu biết phải ngồi chờ đợi hồi hộp như vầy, tao cũng hổng thèm ly kem của mày đâu!

      Chợt Mỹ Loan đạp nhẹ vào chân bạn và liếc mắt ra cửa, Hồng Thủy nhìn theo: Một người lính trẻ đang bước vô quán, tóc hớt ngắn, dáng cao gầy trong bộ áo hoa rừng bạc màu, cái bê rê nâu dắt trên vai, ngó vừa hùng dũng mà lại vừa phong trần, lãng tử.
Hồng Thủy suýt xoa nho nhỏ:
-Ui chao! Bảnh trai quá mậy, nhưng lính tráng gì mặt búng ra sữa vậy!
- Mày điều chỉnh âm thanh lại giùm tao cái đi!
Cô bé chạy bàn bước ra đón anh như một khách quen, cười nói:
- Em vẫn giữ cái bàn chỗ cũ cho anh đó.
Anh lính gật đầu tỏ vẻ cám ơn, rồi đi thẳng đến cái bàn trống ngay sát cạnh hai nhà thám tử. Hồng Thủy hồi hộp nói:
- Chết rồi! Sao lại tới ngồi gần mình như vậy?
- Anh ta đã ngồi ở cái bàn này từ nhiều ngày qua.
- Sao mày biết?
- Từ từ tao sẽ nói…

      Anh lính trẻ cúi đầu chào hai cô gái bàn bên cạnh, trước khi ngồi xuống cái ghế dựa lưng vào quầy tính tiền. Ở địa điểm này, anh dễ dàng nhận diện được những người khách ra vào quán.

      Biết là đang bị chiếu tướng bởi hai người láng giềng bất đắc dĩ, anh vẫn thản nhiên móc gói Pallmall trong túi ra, gắn một điếu lên môi, và bằng những động tác thật điệu nghệ, chiếc Zippo kêu đến ‘tách” một cái, ngọn lửa cháy bùng lên. Sau đó là một chuỗi khói thuốc hình chữ O tròn trĩnh lần lượt tuôn ra, bay lơ lững trong không gian, khiến nhiều người quay lại nhìn suýt xoa thán phục.

Hồng Thủy thì thầm vào tai bạn:
- Hình ảnh này đẹp quá, nếu có dụng cụ ở đây, tao sẽ phác thảo một bức truyền thần thật sống động. Ước chi ảnh chịu làm người mẫu cho tao vẽ…
- Suỵt…Nói nhỏ kẻo người ta nghe được…
- Bây giờ mày tính sao đây?
- Thì ngồi chờ xem nhỏ kia có xuất hiện không!
- Nhưng mà…kem thì hết, nước tráng miệng cũng đã cạn, hổng lẽ ngồi lỳ đây hoài…
- Ừ há! Hay mày kêu thêm ly kem nữa đi, tao bao…
- Con gái con đứa mà ăn uống kiểu đó người ta cười chết.
Hai nữ thám tử ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Nên đành ngồi cầm cái muổng, khuấy leng keng trong ly nước lạnh …để giết thời gian…
Cũng may, khách đã thưa dần khi chiều buông xuống.
Trong quán lúc đó chỉ còn lại ba người.

Mỹ Loan biết rằng đã đến thời cơ để tiếp xúc với người khách lạ.
Dù có vẻ chăm chú nhìn ra cửa quán, nhưng ánh mắt của người lính trẻ thỉnh thoảng cũng kín đáo liếc sang bàn bên cạnh.
“Trước hai đóa hoa xinh đẹp tuyệt vời như thế này mà không biết chiêm ngưỡng, thì chắc tim anh ta nặn bằng đất sét…”
Mỹ Loan nghĩ thầm như vậy, rồi đợi khi hai tia nhìn chạm nhau, cô nở một nụ cười thật tươi, gật đầu chào và hỏi nhỏ:
- Hình như anh đang chờ đợi một ai đó?
- Phải tôi đang chờ một người.
Người lính trẻ xoay hẳn thế ngồi hướng sang phía hai cô gái, trả lời bằng giọng miền Bắc thật ấm.
- Và người ấy vẫn chưa đến!
Anh nhếch mép cười buồn:
- Chưa đến nên tôi vẫn ngồi chờ, tiêu hết mấy ngày phép và sắp biến thành tượng đá rồi.
Thấy thái độ anh chàng cũng có vẻ thân thiện, Hồng Thủy lý lắc chen vào:
- Ở Đồng Đăng ngoài Bắc có tượng đá vọng phu, bây giờ Vĩnh Long sắp có tượng đá vọng gì ta? Mỹ Loan tiếp lời bạn:
- Tượng đá vọng người không quen!
- Nghe dài dòng qua, nên gọi là tượng đá vọng người yêu đi…
- Người yêu thì chưa phải đâu! Người lính trẻ trả lời.
Hồng Thủy vẫn chẳng chịu buông tha:
- Chưa phải có nghĩa là sẽ phải?
Anh lính cũng cảm thấy nực cười với sự lém lỉnh của hai cô gái xinh đẹp, nên trả lời buông xuôi:
- Còn tùy duyên.

Nhìn thẳng vào mắt Mỹ Loan, anh hỏi:
- Cô bé này theo dõi tôi mấy ngày nay rồi phải không?

Mỹ Loan e thẹn vì bị người khác khám phá ra bí mật của mình, cô ấp úng:
- Sao…sao anh biết?
-Mặc dù mỗi lần đến đây, cô đều thay đổi trang phục cho thật khác lạ. Nhưng làm sao qua mắt người lính trinh sát này được cô bé. Chắc các cô học Đệ Tam C1?
-Ủa! Sao anh hay vậy?
-Dễ hiểu lắm! Có học cùng lớp với người ấy mới quan tâm tới sự việc này.
Hồng Thủy góp chuyện:
- Anh có nghĩ rằng một trong hai đứa em là người ấy chăng?
Người lính nheo nheo con mắt nhìn kỹ cô gái, rồi lắc đầu:
- Không bao giờ. Cô …cô gì đây nhỉ?
- Dạ! Em tên Hồng Thủy còn nhỏ này là Mỹ Loan…
-Cũng xin tự giới thiệu tôi là Thụy, lính Biệt Động Quân đồn trú tại Cao Nguyên Pleiku. Tên các cô đẹp lắm, nhưng Hồng Thủy thì hồn nhiên tươi tắn, còn Mỹ Loan hoạt bát cứng cõi, nhất định không thể là người ấy được!
- Còn cô nhỏ đó ra sao?
- Đa sầu, đa cảm sống nhiều bằng nội tâm, mà chắc chắn khi gặp, tôi nhận ra ngay!
-Làm sao anh có được những thông tin ấy?
-Chỉ qua lá thư mà tôi nhận được từ hậu phương thôi! Văn là người mà! Mỹ Loan thắc mắc:
-Anh cũng thật lãng mạn. Chỉ với một lá thư mà cũng vượt qua mấy trăm cây số, đến đây tìm người.
-Không phải một đâu, mà tôi nhận được đến hai lá thư cùng một nội dung, cùng một tuồng chữ, không sai một dấu phẩy, chỉ khác nhau về lớp. Mùa Xuân năm ngoái cô ây ghi là lớp Đệ Tứ 8 và lá thư năm nay là Đệ Tam C1.
Hồng Thủy tròn mắt kêu lên:
- Đệ Tứ 8 lên Đệ Tam chỉ có mấy đứa chọn ban C mà học Tam C1 còn có ba đứa mình. Như vậy cô bé đội sổ văn không phải là tao với mày thì chỉ còn lại…
Mỹ Loan lừ mắt, nói nhỏ vào tai bạn:
- Tao đã nghi ngờ lâu rồi, nhưng phải chưng bằng cớ đầy đủ thì mới bắt nó thừa nhận được…
- Mày cũng quá quắt thiệt!
- Tao đã nói nhất định sẽ khám phá ra vụ “Cô Bé Đội Sổ Việt Văn Kỳ Án” này mà. Nhưng thôi chuyển đề tài đi.
Hiểu ý bạn, nên Hồng Thủy đánh trống lãng:
- Anh Thụy nghỉ phép sao không về thăm nhà, hay đi chơi với bồ mà lặn lội xuống tới đây tìm người không quen?
-Bồ thì tôi chưa có, nhà thì còn đâu mà thăm…
Hai cô gái cùng tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Anh nói chưa có bồ đã khó tin, không có nhà lại càng khó tin hơn!
- Cuộc đời của tôi không lấy gì làm vui, các cô muốn nghe tôi cũng xin sẵn sàng. Nhưng trước hết nên gọi thêm món gì nữa đi, tôi mời. Vì ly nước của các cô đã cạn hết rồi kìa!

      Hai cô gái đỏ bừng mặt mắc cỡ khi chợt nhận ra trong lúc trò chuyện, để che dấu những bối rối, cứ bưng ly nước lạnh đã cạn queo lên hút mà chẳng còn lấy một giọt.
Mỹ Loan bẻn lẻn:
- Cám ơn anh, cho tụi em xin ly nước lạnh được rồi!
      Thụy quay lại gọi cô bé chạy bàn bưng thêm hai ly nước đá lạnh. Rồi bằng một giọng nói trầm buồn, anh bộc bạch chuyện đời mình cho những người bạn mới quen mà anh cũng chẳng hiểu tại sao mình lại làm như vậy:
- Tôi mồ côi cha mẹ từ bé, năm 1954 theo người chú họ di cư vào Nam lúc mới năm sáu tuổi. Chú thím không có con nên thương yêu tôi hết mực, lo cho tôi ăn học tử tế. Chúng tôi ở trên đường Trương Minh Giảng, gần phi trường Tân Sơn Nhất. Mùng hai tết năm 1968 một trái đạn pháo kích rơi ngay nhà, chú thím tôi đều thiệt mạng, nhà cửa cũng tan tành. Tôi nhờ đang đi chúc tết thày học cũ nên sống sót. Thế là tôi lên đường nhập ngũ, dù còn được hoãn dịch vì lý do học vấn. Lúc ấy tôi đang học năm thứ nhất Văn Khoa. Hoàn cảnh gia đình như thế, nên tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện yêu đương bồ bịch. Đó là lý do tôi nói không có người yêu để đi dạo mà cũng chẳng có nhà để về.

      Hai nhà thám tử vốn lý lắc, sôi động vậy mà chợt ngồi trầm lặng như hai pho tượng, khi nghe giọng kể chuyện buồn buồn của người lính trẻ.
Hồng Thủy nói trong xúc động:
- Tụi em thành thật xin lỗi, đã làm anh khơi lại vết thương trong lòng…
Thụy cười buồn:
- Không sao cả đâu Hồng Thủy. Chuyện qua lâu rồi, phần nào cũng đã nguôi ngoai. Bây giờ đối với tôi đơn vị là nhà, đồng đội là anh em…Nên tôi rất trân quý cái tình cảm của cô bé đội sổ Việt văn, tôi cũng đã viết một lá thư hồi âm, những chưa gởi đi. Không ngờ, năm nay lại nhận được lá thư của cô ấy, tôi nghĩ đây quả là một mối duyên kỳ ngộ. Nhân dịp xuống đây thăm người đồng đội cũ, thì ghé lại trường mong có dịp gặp được cô và trao lá thư hồi âm…
Mỹ Loan chen vào:
- Sao anh không gởi thẳng về địa chỉ của trường.
- Mình lặn lội đến đây mà người ta còn không chịu gặp, gởi thư về chắc chắn sẽ bị quăng vào thùng rác, hoặc có kể nào đó mạo nhận rồi lấy ra làm trò đùa thì rất đáng buồn.
Mỹ Loan gật gù:
- Em hiểu rồi. Nhưng anh cũng nên thông cảm, ở một tỉnh lỵ nhỏ bé như Vĩnh Long này, những giao tiếp với người lạ rất dễ bị hiểu lầm, hơn nữa, tụi em là con gái, gia phong lễ giáo ràng buộc…Anh có thể cho em xem lá thư hậu phương để nhận diện tuồng chữ xem đó là nhỏ nào trong lớp, rồi em sẽ thuyết phục nó gặp anh.
- Cám ơn cô, nhưng như vậy là ép buộc người ta phải làm những điều ngoài ý muốn.

- Vậy anh tính chờ tới chừng nào?
- Rất tiếc tôi đã hết phép, ngày mai phải có mặt ở Saigon để mốt bay ra Pleiku, chứ nếu không, tôi sẽ tiếp tục chờ nữa.
- Vậy lúc nào anh đi?
- Tôi đã lấy vé xe đò của hãng Nhan Nhựt, tài nhất sẽ khởi hành lúc mười giờ sáng.
- Kỳ này không gặp người muốn gặp, anh có nghĩ sẽ trở lại Vĩnh Long một ngày nào đó chăng?
- Mùa Xuân năm tới nếu chưa đền nợ nước, thì dù có thương tật hay tàn phế, tôi nhất định trở lại nơi này và sẽ thực hiện như trong lá thư tôi đã viết!
- Anh sẽ làm gì?
      Không trả lời Hồng Thủy, người lính móc từ trong túi áo lá thư chưa dán với hàng chữ bên ngoài: Gởi Cô Bé Đội Sổ Việt Văn đặt lên bàn và nói:
- Các cô đọc đi!
Hai cô gái cùng chụm đầu lại đọc ngấu nghiến:

Phố Núi Pleiku, Ngày …tháng… năm 1972


Em gái “Đội Sổ Việt Văn” thân mến !

Lần đầu tiên anh nhận được một lá thư hậu phương vô cùng ngộ nghĩnh và cũng rất thành thật.
Làm anh cứ cười thầm mãi.
Anh cười vì khi em gái nghe tin nhà trường yêu cầu viết thư cho lính mà em ngỡ rằng sét đánh ngang tai.
Giữa nắng Xuân ấm áp, rục rỡ thế này, thì sấm sét ở đâu ra cơ chứ?
Mai vàng rực rỡ trên cành.
Nắng chan hòa nắng, trời xanh ngắt trời.
Dập dìu én liệng nơi nơi.
Mùa Xuân tươi đẹp, cho đời thêm Xuân.*

      Có chăng… chính em đã đem mùa Xuân và đưa cả tiếng sét đến cho người nhận thư là anh đây nè.
Mà em biết tiếng sét gì hông dậy?
Nếu em nói trúng thì khi được về phép, anh sẽ bao em một chầu Sâm Bửu Lượng, cộng thêm ly đậu đỏ bánh lọt, chịu hôn?
Ủa! Mà anh nói vậy chứ, có biết em là ai đâu mà đến đón, đặng bao em há!
Một cái tên “Cô bé đội sổ Việt Văn” rất mơ hồ, có lẽ đây là bút hiệu hổng chừng, giữa một ngôi trường toàn nữ sinh, khác nào anh đi mò kim đáy biển…
Mà ngày giờ đi phép của lính, nhất là những người lính tác chiến, luôn đối diện hiểm nguy, chết chóc như anh, quý giá biết chừng nào em biết hông?
      Hổng lẽ ngày về phép, anh đeo một tấm bảng to tổ chảng trước ngực ghi hàng chữ: TÌM TRẺ LẠC: CÔ BÉ ĐỘI SỔ VIỆT VĂN, đến trước cổng Trường Tống Phước Hiệp để tìm em?
Chừng đó, nếu có thấy anh, em cũng chạy tét há!
Nói đùa chút cho vui, để quên nỗi buồn xa nhà trong những ngày tết thiêng liêng của dân tộc.
Chứ anh hiểu rằng, tuổi các em còn quá ngây thơ trong trắng để biết về những tàn phá của chiến tranh, về bao gian khổ của người lính, và hiểu được nỗi lòng của người trai thời tao loạn.
Hãy cứ trọn vui với cuộc đời học sinh thơ ngây vô tư lự đi em ạ! Hãy tận hưởng những phút giây an bình cùng những hoài bão cao đẹp đi nhé em, kẻo mai kia, khi va chạm phải sự khốc liệt của cuộc chiến này, các em sẽ hối tiếc vì đã để tuổi xuân sớm vướng bận những biển dâu cuộc đời.
      Em gái thân mến!
Các em cũng lý lắc thiệt đó nghe. Thày giáo đưa đề tài là Danh Nhân Thế Giới, mà các em dám sửa lại thành Giai Nhân Thế Giới.
Ôi! Cái tuổi học sinh sao mà đẹp đẽ và hồn nhiên đến thế.
Làm anh nhớ lại một kỷ niệm thiệt vui hồi còn ngồi ghế nhà trường.
Hôm đó là giờ Thế Giới Sử, thày giáo nói chuyện miên man về các dân tộc, và những đặc tính riêng…
Bỗng thày ngừng giảng và gọi to:
- Em Thụy!
Lúc đó anh đang mắc bận… làm thơ, nên có nghe được chữ nào đâu…
- Dạ có em đây thày…
- Em hãy cho thày biết, sắc dân nào trong vùng châu Á là có chiều cao khiêm tốn nhất.
Lẽ ra câu trả lời là Nhật Bản, thì anh lại bị thằng bạn ngồi kế bên chơi trác, nên anh mạnh dạn trả lời, theo lời nhắc của nó:
- Dạ thưa thày đó là dân tộc Mông Cổ ạ!
Cả lớp ồ lên, ngạc nhiên vì câu trả lời của anh, thày vẫn bình tĩnh hỏi tiếp:
- Em hãy cho thày một lời giải thích…
Lúc đó anh tá hỏa tam tinh, nhưng cũng nhanh trí nghĩ ngay ra một câu trả lời đáng được thưởng hai con zéro: 
- Dạ thưa thày …vì họ chỉ có Mông và Cổ…nên họ hổng có cao…
Hậu quả là anh lãnh hai trứng vịt …ung, vì tội lo ra, hổng nghe thày giảng bài…
Cũng từ đó, cả lớp gọi anh là Thụy Mông Cổ.
Tuy vậy, anh cũng chẳng bao giờ oán hận thằng bạn mắc dịch ấy cả, bởi vì sau đó, nó và anh cùng xếp bút nghiên lên đường làm bổn phận người trai thời binh lửa và ở chung một đơn vị, nên đã từng chia sẻ với nhau biết bao ngọt bùi, gian khổ trên chiến trường.
Thấm thoát mà anh đã rời ghế nhà trường hơn bốn năm rồi.
Thời gian ấy không dài đối với mọi người, nhưng với bọn anh, thì quả thật rất đáng kể.
Vì đối với người lính tác chiến, tất cả có thể thay đổi chỉ bằng đường đi của một viên đạn vô tình, hay của một quả pháo kích.
Nhưng mà:
Chí làm trai dặm nghìn da ngựa,
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa Hồng Mao.**

Nên đối với bọn anh sự lạc quan yêu đời không hề thiếu vắng...
      Thôi anh không nói những gì chẳng vui trong ngày đầu Xuân nữa, mà sẽ nói về ước mơ của anh khi quê hương không còn chinh chiến.
      Ngày ấy, anh sẽ về lại vùng quê hương xa xôi mà kỷ niệm vẫn chưa mờ phai trong ký ức, và tiếp tục cắp sách đến trường để trau dồi thêm kiến thức.
      Rồi một ngày nào đẹp trời nào đó, anh sẽ tìm đến ngôi trường cổ kính nên thơ Tống Phước Hiệp với hy vọng gặp được người em gái "đội sổ Việt văn" để cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm của tuổi hoa niên vô tư, đầy ắp những ước mơ và nghịch ngợm.
Dẫu rằng lúc ấy có thể em đã tay bế, tay bồng còn anh thì:

Công danh sự nghiệp nửa vời.
Soi gương đã thấy da mồi tóc sương.*

      Dù sao đi nữa, cũng xin cám ơn các em, những tấm lòng hậu phương đáng quý, còn nghĩ đến người tiền tuyến.
Lá thư của em là một an ủi rất lớn đối với anh, trong mùa Xuân năm nay.
Anh sẽ đón Xuân bằng những lời chúc tốt lành của em, và với một hy vọng sẽ nhận được câu trả lời đúng nhất, qua trang Tiền Tuyến Hậu Phương của báo KBC, để anh có dịp bao em một chầu Sâm Bửu Lượng…
Chúc em và gia quyến một mùa Xuân thật an bình.
Người Anh Tiền Tuyến mới quen.

Bùi Đình Thụy
Đại Đội 3-Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân
KBC 4047

      Buông lá thơ xuống bàn, hai cô gái cùng cười khanh khách, cũng may trong quán chẳng còn ai. Hồng Thủy suýt xoa:

- Anh Thụy làm thơ hay ghê đi há! Dân Văn Khoa có khác. Phải chi anh ở gần đây, hướng dẫn thêm cho tụi em làm thơ thì tốt biết mấy!
Mỹ Loan cố nín cười, chêm vào:
- Anh Thụy làm thơ hay, em công nhận, nhưng về môn Sử thì không thuộc bài.
- Ủa sao vậy? Người lính trẻ ngạc nhiên.
- Bởi vì người Mông Cổ chưa chắc đã lùn nhất đâu.
- Vậy dân tộc nào?
- Cao Ly!
Thụy ngẫm nghĩ một lát rồi cũng bật cười, giọng cười hào sảng vang động cả cái quán kem vắng vẻ:
- Đúng! Đúng! Người chỉ Cao bằng cái Ly thì chắc chắn thấp hơn người có Mông và Cổ rồi. Các em cũng thật là lý lắc.
Vô tình, cách xưng hô với hai cô gái đã thay đổi mà anh cũng chẳng hề hay biết.
Hai cô gái nhìn nhau như trao đổi những tín hiệu ngầm, rồi Hồng Thủy lên tiếng:
- Anh Thụy nè! Buổi chiều nay được tiếp chuyện với anh, nghe qua tâm trạng của anh. Tụi em có một đề nghị như thế này, nếu thấy quá đường đột thì xin anh bỏ qua cho…
- Các em cứ nói đi, sao lại ngập ngừng như vậy:
Một lần gặp gỡ đã là tri âm*… mà!
Hồng Thủy hướng mắt qua phía Mỹ Loan để bạn tiếp lời:
- Anh lặn lội đưòng xa tới đây, không gặp được Cô Bé Đội Sổ Việt Văn, vì là bạn cùng lớp, tụi em xin thay mặt nó thành thật xin lỗi anh và nếu không có gì trở ngại anh…anh…hãy xem hai đứa em như những người em gái để có thể hàn huyên tâm sự, trao đổi thư từ, an ủi chia sẻ với nhau những buồn vui trong cuộc sống…
Người lính trẻ ngồi ngẩn người, vì niềm vui đến một cách thật bất ngờ. Anh nói trong cảm động, pha chút nghẹn ngào:
- Ôi! Các em đúng là những thiên thần! Đã mang đến niềm hạnh phúc thật lớn lao mà anh chưa bao giờ dám mơ ước. Từ nay anh không còn cảm thấy cuộc đời đơn côi nữa, vì đã có đến hai cô em gái xinh xắn dễ thương lúc nào cũng nhớ đến anh.
Hai cô gái lặng thinh, dường như cũng rưng rưng ngấn lệ vì thấy sự chân tình của người lính trẻ.
- Anh không hề hối tiếc vì đã xử dụng những ngày phép thường niên quý báu của người lính tác chiến để tìm đến vùng đất xa lạ này…
- Từ rày sắp đi đã trở thành quen thuộc rồi, phải hông anh Thụy?
- Phải! Em nói đúng đó Hồng Thủy, từ nay hai chữ Vĩnh Long sẽ theo bước chân anh trên khắp nẻo đường sương gió. Về tới đơn vị, thế nào anh cũng đem hai người em gái ra khoe, và chắc không ít người bạn sẽ mời anh uống cà phê, ăn hủ tiếu…
- Ủa sao vậy?
- Vì họ muốn làm em rể anh chứ còn sao nữa!

      Cái quán vắng vỡ òa lên những tràng cười rộn rã niềm vui. Niềm vui đang tràn ngập tâm hồn những người trẻ tuổi. Những người biết đem yêu thương, cảm thông trao gởi đến người khác.
Hồng Thủy thì thầm vào tai bạn điều gì đó, rồi hai cô cùng cười một cách bí mật, khiến Thụy phải lên tiếng:
- Các cô đang nói lén gì anh đấy? Hồng Thủy nhanh nhẹn trả lời lấp liếm:
- Đâu có nói gì đâu. Anh Thụy nè! Khi người lính đi hành quân thì phải mang theo những gì?
- Ồ! Nhiều thứ lắm. Trong ba lô thì có một cái Poncho, một cái chăn mỏng, một hoặc hai bộ quần áo dự phòng, đồ lót, kem, bàn chải đánh răng, gạo sấy, đồ hộp. Bên ngoài thì có vũ khí cá nhân, một cấp số đạn, năm trái lựu đạn, mìn Claymore. Có người mang theo cả sách để đọc khi rảnh rỗi nữa.
Mỹ Loan le lưỡi:
- Như vậy thì nặng nề quá hả anh. Tội nghiệp mấy ảnh thiệt!
- Đúng vậy! Họ rất gian khổ, nhất là khi leo đèo, vượt núi…
Hồng Thủy nháy mắt với Mỹ Loan rồi hỏi Thụy:
- Anh thì mang thêm những gì?
- À! Anh có một cây kèn Armonica…
- Còn gì nữa hông?
- Hông! Nhiêu đó đã nặng lắm rồi!
Hồng Thủy lý lắc:
- Em hổng tin…Bữa nào có dịp, em phải khám balô của anh mới được…
- Vậy em nghĩ anh còn mang theo cái gì nữa?
Mỹ Loan cười lên khanh khách:
- Nó nói là anh chưa nhắc tới bình sữa…
Mặt người lính trẻ đỏ bừng lên:
- Các em thiệt đúng là…thứ ba học trò…
Nhưng rồi anh cũng phải bật cười trước sự nhí nhảnh, thông minh của hai cô gái.

      Họ trao đổi, trò chuyện mà quên bẳng cả thời gian. Cuộc vui nào cũng phải có lúc tàn. Hội ngộ nào cũng phải ly tan.
Anh cầm lá thơ trên bàn lên và quyến luyến nói:
- Trời đã chiều lắm rồi, các em về đi kẻo ở nhà trông. Anh nhờ hai em trao lá thư này cho người bạn ấy. Nhưng nhớ là phải làm một cuộc khảo hạch xem có đúng là Cô Bé Đội Sổ Việt Văn không nhé!
- Làm sao để xác nhận chuyện này hả anh Thụy?
- Trong lá thư hậu phương, cô ấy kể chuyện xảy ra ở lớp học, mà chỉ thay đổi hai từ ngữ đã khiến câu chuyện trở thành hài hước. Các em hỏi xem đó là từ ngữ gì rồi viết thư cho anh biết. Đây là địa chỉ Khu Bưu Chính của đơn vị anh… Bây giờ thì xin tạm biệt! Chúc hai em học hành tấn tới, ngoan ngoãn trong gia đình và luôn sống vị tha với tất cả mọi người! Tiền nước anh đã tính xong rồi, các em cứ yên tâm ra về.
***

      Mới mờ sáng, Mỹ Loan đã đến tìm Thục Oanh.
Vừa mở cổng cho bạn, cô vừa tròn mắt hỏi:
- Ngọn gió nào thổi nhà thám tử tài ba đến tìm tui sớm dzậy?
- Gió Cao Nguyên mang hơi lạnh về đồng bằng nên đêm qua trằn trọc không ngủ được. Sáng nay phải tìm mày sớm
- Chuyện gì mà có gió Cao Nguyên trong này nữa, chiều vô lớp nói hổng được sao?
- Chiều thì lỡ chuyến đò ngang rồi!
- Vậy thì vô phòng học của tao rồi nói!
- Hổng được! Bí mật!
- Thì ra ngoài vườn…
      Hai người bạn kéo nhau ra mảnh vườn nhỏ bên hông nhà.
      Trời cuối Xuân, khí hậu còn dịu mát, hoa lá đang xanh màu. Vạn Thọ vàng tươi, Mồng Gà đỏ rực, Sứ trắng tinh khiết. Tất cả tạo nên một bức tranh sinh động và hài hòa trong khung cảnh êm ả của những tháng ngày thanh bình nơi thôn dã.

      Hương thơm của các loài hoa quyện vào nhau thoang thoảng trong sương mai dễ ru hồn người vào cảnh giới an lạc. Thế mà tâm hồn của đôi bạn lại chẳng bình yên chút nào.
Cả hai ngồi xuống cái băng gỗ đặt dưới giàn hoa giấy đang khoe sắc đỏ ối:
- Rồi nói đi, chuyện gì mà bí mật vậy?
- Chẳng những bí mật mà còn cấp bách nữa.
- Mà chuyện gì mới được chứ.
- Chuyện người tìm trẻ lạc…
Thục Oanh gắt nhỏ với bạn:
- Thôi dẹp phứt cái chuyện đó đi…
- Mày thiệt tình không muốn nghe về người ấy hả?
- Tao đã nói dẹp đi mà, nghe hoài nhàm lỗ tai.
- Được rồi, nghe hay không là quyền của mày, còn nói là quyền của tao.
- Nể tình sáng sớm mày đạp xe cả cây số qua đây, nên tao để cho mày tự do nói.
-Lát nữa người ta đi rồi! Ảnh đi tài nhất hãng xe đò Nhan Nhựt, khởi hành lúc mười giờ.

      Cô nói những thông tin này mật cách chậm rãi và rõ ràng từng tiếng. Thục Oanh hỏi lại, vẻ thơ ơ:
- Ảnh nào?
- Người tìm trẻ lạc.
- Làm như thân thiết lắm bầy đặt kêu ảnh này ảnh kia…
- Thân lắm chứ, anh em mờ…
- Mày đã đi gặp người ta thiệt à?
- Chẳng những gặp, mà còn gặp nhiều lần nữa kìa.
- Con gái con đứa, khi khổng khi không một mình đến gặp người thanh niên xa lạ. Dị òm!
- Tao đâu có đi một mình, có cả Hồng Thủy nữa mà!
- Sao tụi bay hổng rủ tao?
- Mày thiệt tức cười, hễ nói ra vụ này là mày gạt phắt đi, rồi bây giờ còn trách nữa.
Thục Oanh biết mình lỡ lời nên ngồi lặng thinh.

      Mỹ Loan quan sát bạn thấy có cái quầng xanh dưới viền mắt, biết rằng Thục Oanh đã trằn trọc nhiều đêm. Cô cũng thấy xót xa:
- Ảnh là dân Bắc Kỳ, đi lính Biệt Động Quân đóng ở Pleiku.
Thục Oanh lè lưỡi:
- Lính rằn ri hả? Dữ thấy mồ!
- Trái lại, rất thân thiện và dễ mến, đặc biệt khá bảnh trai. Con Hồng Thủy đòi ảnh ngồi làm mẫu cho nó vẽ nữa đó. Nhưng nó chê ảnh là lính sữa.
- Tụi bay chỉ được cái vẽ vời.
- Ảnh ngồi chờ con nhỏ đó đúng một tuần lễ.
- Giống “Bẩy Ngày Đợi Mong” của Trần Thiện Thanh quá vậy?
Mỹ Loan cứ phớt lờ trước câu pha trò có tính cách đánh trống lãng của bạn, cô nói tiếp:
- Rất tiếc đã hết phép, chứ nếu không ảnh tiếp tục chờ.
- Người gì mà lãng mạn quá vậy.
- Không phải đâu, có điều gì đó thật lạ lùng trong câu chuyện này. Năm ngoái ảnh nhận được lá thư do con nhỏ đó gởi. Năm nay, cũng chính lá thư đó mà chỉ thay đổi lớp thôi!
Thục Oanh kêu lên kinh ngạc:
- Sao lại có chuyện lạ kỳ như vậy?
- Bởi vậy ảnh mới tìm tới đây, vì cho đó là một cái duyên.
- Duyên với cớ gì, chỉ là sự trùng hợp thôi! Chẳng hạn lớp mình nhận đỡ đầu cho đơn vị của anh ta, nên nhận được hai lá thơ của cùng một người là điều có thể xảy ra.
- Cứ cho là như vậy đi, nhưng với mấy trăm người trong đơn vị đó, tại sao lá thư ấy lại đến tay ảnh. Mà lá thư y chang năm ngoái.
-Mày được đọc rồi hay sao? Có nhận ra tuồng chữ đứa nào không?
-Ảnh đâu có cho tụi tao đọc, nói như vậy là ép nhỏ kia làm cái việc mà cô ta không muốn.

      Thục Oanh thở ra nhẹ nhõm. Cử chỉ này không thể qua mắt thám tử Mỹ Oanh được. Cô tố thêm:
- Nhưng ảnh đưa lá thư hồi âm cho tụi tao đọc, ảnh viết hay lắm…
      Nói đến đây, cô móc trong túi áo bà ba lá thư gởi cô bé đội sổ Việt văn trao cho Thục Oanh.
- Thư của người ta, mày đưa tao làm chi?
- Đọc đi, thư tiền tuyến hậu phương mà, có phải thư tình đâu!
Thục Oanh miễn cưỡng cầm lấy lá thư mở ra.
Thần sắc cô thay đổi theo từng chi tiết trong lá thư…
Đợi cho Thục Oanh đã thấm thía, Mỹ Loan bồi thêm:
- Ảnh nói mùa xuân năm tới, nếu chưa đền nợ nước, sẽ quay lại Vĩnh Long.
- Chi vậy?
- Thì tìm con nhỏ đó. Mà lần này ảnh sẽ làm như trong thư đã viết.
-Là làm sao?
-Ảnh sẽ đeo một tấm bảng Tìm Trẻ Lạc đứng trước cổng trường…
-Trời đất! Làm kiểu đó chắc tao độn thổ luôn!
Nghe tiếng kêu thảng thốt của bạn, Mỹ Loan mỉm cười đắc thắng, cô giả bộ vô tình hỏi lại:
- Sao mày phải độn thổ?
- Ủa lộn! Con nhỏ đó…chứ mắc mớ gì tao!
- Ừa! Cho đáng đời nó! Viết thư Xuân cho chiến sĩ thì chỉ cần thăm hỏi, chúc tết được rồi. Ai biểu còn còn vẽ vời chi cho người ta hiểu lầm mà tìm tới đây. Mà nè! Bộ mày có công chuyện gì hay sao mà nãy giờ thấy dòm đồng hồ đeo tay hoài vậy?
- Tao có chút chuyện phải vô xóm trong…
- Nếu vậy thì tao về!
Mỹ Loan dắt xe ra cổng, còn ngoái lại nói với Thục Oanh:
- Tạm biệt! Lát nữa gặp.
- Ủa sao lại lát nữa, chiều đi học mới gặp chứ!
- Ừ thì chiều hay lát cũng vậy mà!


      Trả lời bạn bằng một câu nói lấp lững như thế xong Mỹ Loan lên xe đạp thẳng ra đường lộ.
      Bạn vừa đi khuất, Thục Oanh tất tả quay vào tủ áo, chọn cái bà ba màu tím hoa cà mà cô ưng ý nhất, khoác vào người.
Mỗi khi Thục Oanh mặc cái áo này cả nhà đểu tấm tắc, ông anh thứ bảy ưa chọc:
- Thục Oanh mặc áo này ra đường, sẽ có cái đuôi dài thoòng loòng từ nhà ra chợ tỉnh luôn.
Má hỏi lại liền:
- Con nói vậy bộ em con chỉ đẹp nhờ lụa hay sao?
Vậy là anh nín khe.
      Lúc còn nhỏ, người chị thứ Sáu hay dành phần đẹp nhất nhà, mỗi khi má hỏi tới, chị nhanh nhảu trả lời liền một hơi:
“Chị Hai như hoa héo, Chị Ba như Hoa đèo, Chị Năm như hoa bị ong đúc còn con như hoa nở…” 
      Thế mà sau này chị phải thêm vào môt câu…“Em Oanh như hoa nụ…”
      Phải! Thục Oanh như hoa đương nụ! Hương thơm còn phong nhụy, nhưng chắc chắn một ngày kia sẽ ngào ngạt với đời.
      Cô chải sơ mái tóc, vuốt lại vạt áo, mìm cười hài lòng với hình ảnh xinh xắn của cô gái trong gương, rồi dắt xe đạp ra cửa, không quên nói vói lại:
- Má ơi! Con đi tới nhà bạn chút xíu con về nhe má!
      Con đường buổi sáng còn mờ mờ hơi sương, giọt sương long lanh trên những cọng cỏ non mượt mà, phản chiếu đủ màu sắc rực rỡ dưới ánh bình minh khiến không gian như chìm trong một cõi huyền hoặc, mơ hồ.
      Thế mà Thục Oanh nào có tâm trí để chiêm ngưỡng, cô đang băn khoăn về việc làm của mình, cũng như đã trăn trở suốt nhiều đêm.
      Một cô gái tìm đến gặp người thanh niên xa, quả là một việc bất thường ở cái tỉnh lỵ nhỏ bé như Vĩnh Long.
      Nhưng có một lý lẽ khác bào chữa cho việc làm này: Người anh lớn của cô là công chức, phải nhận nhiệm sở ở một chốn xa xôi, anh thứ Bảy đi lính đóng tận vùng Cao Nguyên đất đỏ. Họ cũng thiếu vắng tình thương gia đình, cũng cần đến sự ủi an chia sẻ những lúc cô đơn. Như thế, anh lính này có khác chi những người thân của cô. Gặp gỡ, hàn huyên bằng tinh thần trong sáng cũng là phần nào đền đáp lại công ơn của họ đã hy sinh tuổi thanh xuân và cả xương máu bảo vệ sự an bình cho mọi người.
      Miên man với những suy tư ấy, Thục Oanh đã đến bến xe lúc nào không hay.
      Cô ghé lại quầy bán vé của hãng Nhan Nhựt hỏi xem tài nhất là xe số mấy, sau đó tìm ra bãi đậu.
      Còn hơn một tiếng đồng hồ nữa mới khởi hành, nên chưa có mấy người khách trên xe, chỉ thấy anh lơ đang sắp xếp bao bị cho các bạn hàng, chứ tuyệt nhiên không thấy người lính rằn ri nào cả.
Cô quay trở lại quầy vé, hy vọng sẽ tìm được người khách lạ ở cái quán cà phê kế bên.
Thục Oanh đang thập thò ngoài cửa, bỗng có tiếng gọi to:
- Thục Oanh! Thục Oanh! Vô đây!
Cô giật mình vì nhận ra tiếng Hồng Thủy:
“…Thôi chết rồi, sao lại gặp con nhỏ này ở đây chứ…”
Còn đang chần chừ thì tiếng Hồng Thủy lại vang lên thúc hối:
- Vô đây mau đi!

      Thục Oanh bước hẳn vào trong quán, nhìn theo hướng gọi của bạn, cô chợt sững người, vì không phải chỉ một mình Hồng Thủy mà có cả Mỹ Loan. Ở một cái bàn trong góc, hai cô đang ngồi với một thanh niên lạ mặt, ăn mặc như sinh viên.

      Thục Oanh ngập ngừng bước theo tay vẫy của Hồng Thủy đến chỗ hai người bạn. Mỹ Loan hỏi móc:
- Ủa mày nói có công chuyện đi trong xóm mà, sao giờ có mặt ở đây?
- Tao …tao…
-Tính đi Saigon hả?
Đèn Saigon ngọn xanh ngọn đỏ,

Đèn Vĩnh Long ngọn tỏ ngọn lu…***
Coi chừng lên trển rồi quên đường về đó nhe.
- Đi Saigon chi tao! Mà sao mấy nhỏ có mặt ở đây vậy?
- Thì để bắt tại trận thủ phạm trong vụ “Cô Bé Đội Sổ Việt Văn Kỳ Án” mà.
Hồng Thủy chen vào đỡ cho bạn:
- Mày để cho nó ngồi xuống đi đã chứ làm gì mà “tra tấn” dữ vậy?
Mỹ Loan dịu giọng:
- Thôi ngồi xuống đó đi để tao giới thiệu! À mày kêu cho nó ly đá chanh đi Hồng Thủy, để nó đang bị viên sỏi chặn ngang cổ họng mắc nghẹn bây giờ đó.

      Thục Oanh thật sự bối rối, ngượng ngập, vì nghĩ các bạn đã khám phá ra bí mật của mình. Cô chưa kịp ngồi xuống thì người con trai đã đứng lên, lịch sự kéo ghế mời cô. Mỹ Loan lên tiếng:
- Đây là anh Thụy, người đã nhận được hai lá thư hậu phương cùng một nội dung. Anh Thụy! Còn đây là Thục Oanh bạn học cùng lớp Tam C1 với hai đứa em!
      Người con trai sau khi trở về chỗ ngồi đối diện với Thục Oanh, đứng dậy nghiêng mình, chìa bàn tay ra cho cô bắt.
      Bàn tay anh thật ấm và ánh mắt thật thân thiện, tạo cảm giác gần gũi cho người đối diện. Anh nói với cô bằng một âm hưởng chất chứa niềm vui
- Chào Cô Bé Đội Sổ Việt Văn! Cuối cùng thì cô cũng đến.
Thục Oanh cúi đầu vân vê tà áo. Cô nói nhí lí:
- Xin lỗi anh, lẽ ra Oanh không nên để anh phải chờ lâu như vậy.
- Cô không có lỗi gì cả, chỉ tại tôi hơi đường đột thôi! Cô không trách cứ là may mắn rồi. Mà cũng nhờ thế, tôi có dịp đi thăm viếng một vài nơi, giao tiếp cùng một số người để thấy sự chân tình, mộc mạc đáng yêu của người dân miền Nam.
Hồng Thủy nhí nhảnh:
- Thế có bông hoa đồng nội nào lọt mắt xanh anh chưa vậy?
- Rất tiếc là anh chưa có được cái may mắn ấy. Nhưng đâu cần nữa, vì anh đã có mấy cô em gái xinh xắn dễ thương này rồi.
Mỹ Loan đề nghị:
- Anh Thụy nhận diện người bằng cảm giác, còn em thì bằng sự phán đoán. Dù muốn dầu không gì thì anh cũng phải làm một cuộc khảo hạch cho công bằng chứ!
- Anh đồng ý ngay.
      Nói xong Thụy rút từ trong túi áo ra một quyển sổ tay, xé hai tờ, đưa cho Thục Oanh một tờ và mình giữ một tờ. Anh cười nhẹ và giải thích:

- Trong lá thư hậu phương có kể một câu chuyện xảy ra ở lớp học, mà chỉ thay đổi hai từ ngữ thì câu chuyện trở nên hài hước. Chắc cô còn nhớ hai từ ngữ đó. Xin viết vào đây và đưa cho Hồng Thủy.
     Nói xong anh cắm cúi viết vào mảnh giấy của mình rồi xếp lại, đưa cho Mỹ Loan.
      Khi mọi chuyện xong xuôi Hồng Thủy bắt đầu mở phần kết quả, cô đọc to:
- Giai Nhân và Danh Nhân.
Mỹ Loan cũng đọc lên những gì viết trên mảnh giấy của Thụy:
- Danh Nhân và Giai nhân!
Hồng Thủy cười thích thú:
- Vậy là đích danh thủ phạm rồi há! Đây là câu chuyện xảy ra trong giờ thuyết trình môn Sử Địa của thày Năm mà.
Mỹ Loan thắc mắc:
- Tao không hiểu tại sao mày lại gởi hai lá thơ y chang nhau vậy Cô Bé Đội Sổ Việt Văn?
Thục Oanh lí nhí đáp:
- Viết thư cho người lạ khó thấy mồ, nên tao chép lá thư đó lại, khi cần thì đem ra xài…
- Trời đất! Vậy là tết tới mày cũng tính dùng nó để gởi đi hả?
Thục Oanh đỏ bừng mặt, gật đầu nhè nhẹ.
- Thiệt hết biết mày luôn!
- Đâu có ai dè, anh Thụy lại nhận được tới hai lá…
-Duyên kỳ ngộ mà …
Thục Oanh e thẹn, nói lí nhí:
-Có phải vậy hay không thì phải chờ “quá tam ba bận”…
Mọi nguời cùng bật cười vang. Không khí thật rộn ràng.
Một vị khách ở bàn bên cạnh lên tiếng:
- Cậu trẻ này thiệt có phước quá đó nhe. Một mình mà ngồi chung với ba cô gái xinh đẹp hết biết luôn.
Người lính trẻ trả lời bằng giọng miền Nam đặc sệt:
- Hổng phải vậy đâu bác Hai ơi! Mấy cổ là em con đó!
Mỹ Loan phản đối:
- Em với Hồng Thủy là em của anh, chứ còn người khác là gì thì hổng biết à nha! Phải vậy hôn Hồng Thủy?
Hồng Thủy gật đầu tán đồng:
-Đúng y trong kinh!
Thục Oanh nguýt hai bạn:
-Tụi mày bây giờ bỏ hết bạn bè rồi há!
Thụy chen vào giải hòa cho mấy cô gái:
-Anh xin được coi các em như là em gái, hãy khoan nói đến chuyện khác, vì các em còn nhỏ lắm.
Mỹ Loan cong cớn đôi môi:
- Nhỏ sao được anh! Tụi em năm nay muời sáu tuổi tây, nhưng mười bảy tuổi ta rồi. Mười bảy bẻ gẫy sừng trâu đó nhe!
Thụy đưa hai tay rờ lên đầu, le lưỡi nhăn mặt ra vẻ sợ hãi:
- Cũng may anh còn là nghé, chưa có sừng, nếu không chắc bị các cô bẻ gãy hết.
      Mọi người đều phì cười trước cử chỉ hài hước của Thụy. Tròn xoe đôi mắt bồ câu dưới hàng mi đen cong vút, Hồng Thủy ngây thơ hỏi:

- Mà sao lại có sừng và nghé ở đây vậy anh Thụy?
Mỹ Loan ghẹo bạn:
- Mày chậm tiêu thiệt đó nha Hồng Thủy! Tại ảnh tuổi con trâu chứ còn tại sao nữa!
      Một tràng cười rộn rã vang lên trong niềm vui bất tận. Các cô nữ sinh tỉnh lẻ đã không còn cái e dè, ngượng ngập của buổi sơ giao với người khách lạ. Anh lính trẻ cũng bỏ lại sau lưng những hiểm nguy gian khổ của đời chinh chiến, để sống trọn vẹn lứa tuổi ngây thơ, vô tư lự. Dù họ chỉ mới gặp nhau chưa lâu nhưng đã có sự cảm thông sâu sắc. Tưởng chừng đã là tri âm, tri kỹ tự thuở nào.
Thục Oanh e dè lên tiếng:
-Em nghe nói anh xuống đây thăm đồng đội cũ, sao bữa nay hổng thấy ảnh đi tiễn anh?
Gương mặt Thụy thoáng nét buồn:
- Cậu ta bây giờ di chuyển bất tiện, nên anh không muốn đưa đón!
Mỹ Loan và Hồng Thủy cùng tranh nhau hỏi:
- Sao vậy anh? Bị thương hả?
- Năm kia, trong cuộc hành quân tại Kon Tum, hắn đã bỏ lại chiến trường cả đôi chân, lúc tuổi chưa tròn đôi mươi.
      Không khí chùng hẳn xuống. Giọng Thụy vẫn đều đều vang lên:
- Gia đình đơn chiếc, khó khăn lắm. Có một người chị lớn thì lấy chồng phương xa. Giờ chỉ còn lại cha mẹ già lo cho cậu ta. Hoàn cảnh thật tội nghiệp, lá vàng phải chăm sóc lá xanh.
Sau khi đã nhìn lướt qua hai bạn, Thục Oanh đưa đề nghị:
-Anh hãy để lại địa chỉ, thỉnh thoảng tụi em vào thăm viếng gia đình ảnh…Anh nghĩ sao?
Thụy trầm ngâm giây lát rồi bằng một giọng trầm buồn, anh nói như tâm sự:
- Thật ra, khi cất bước lên đường làm nhiệm vụ nam nhi, người lính không nghĩ rằng đang thi ân cho dân tộc, và cũng chẳng bao giờ mong có ngày sẽ phải nằm xuống, để chờ đợi một sự báo đáp nào đó. Mà họ ra đi vì ý thức được trách nhiệm của người trai khi non sông cần đến. Họ cũng như chúng ta, có gia đình, cha mẹ để chăm lo, có người yêu để đưa đón hẹn hò, và có rất nhiều hoài bão để ước mơ. Nhưng đã sẵn sàng gác lại tất cả, vì họ biết đặt cái chung lên trên tình riêng. Trách nhiệm đối với Tổ Quốc thì đâu của riêng ai! Thế mà khi có được sự an bình nơi phố thị, có mấy kẻ nghĩ đến sự gian khổ hiểm nguy của những người đang đang lặn lội nơi rừng sâu núi thẳm hoặc chỗ đầm lầy nước đọng để gìn gìữ cho họ có sự bình an ấy? Và có mấy ai nhắc nhở về sự hy sinh của những người tuổi trẻ ấy? Các cô…Các cô thật có lòng…Vô chợ Giồng Ké hỏi nhà anh Lâm phế binh Biệt Động Quân, ai cũng biết mà.
Hồng Thủy góp lời:
- Thế nào tụi em cũng vô thăm viếng, an ủi ảnh. Những người đã hy sinh để gìn giữ xóm làng cho tụi em cắp sách đến trường, cho mọi người có cuộc sống yên ổn thì ai ai cũng phải nhớ đến cái ân nghĩa đó chớ!
Mỹ Loan cũng chen vào:
- Tụi em sẽ quyên góp từ những bạn bè trong lớp, để có thể giúp đỡ ảnh được chút nào hay chút đó…
Giọng Thụy đầy vẻ xúc động
- Tấm lòng của các cô thật đáng quý. Cậu ta sẽ mừng lắm nếu có được sự quan tâm của mọi người. Và không còn có cái cảm giác lẻ loi đơn độc vì bị lãng quên.
Người đàn ông ngồi bàn bên cạnh lại góp tiếng:
- Cậu trẻ nói chuyện hay lắm. Dân Tâm Lý Chiến hả?
- Dạ hổng phải, cháu là lính tác chiến một trăm phần trăm.
- Bữa nào quỡn, ghé nhà cậu Bảy làm lai rai ba sợi với cá lóc nướng trui, mình nói chuyện đời chơi há!
- Dạ cám ơn cậu Bảy, thế nào cũng có dịp cháu ghé quấy rầy cậu cho coi. ..Bây giờ thì chắc cũng đến lúc cháu phải lên đường rồi!

Ngay lúc đó tiếng loa phóng thanh vang lên lồng lộng:
…Lưu ý Lưu ý…Chỉ còn mười lăm phút nữa, chuyến xe đò Nhan Nhựt chạy Vĩnh Long Sàigòn sẽ rời bến. Quý khách mau chóng lên xe cho kịp giờ khởi hành…Lưu ý lưu ý…
Thụy gọi chủ quán tính tiền nước, trước khi xốc ba lô lên vai anh nói:
- Anh thành thật cám ơn các em, cám ơn mảnh đất phù sa hiền hòa đầy tình người này. Từ nay Vĩnh Long là quê hương thứ hai của anh. Và bao thương yêu các em dành cho anh, mãi mãi sẽ là những tình cảm nồng nàn nhất, sưởi ấm lòng anh trên bước đường sương gió.

      Các cô lục tục theo anh ra ngoài bãi đậu xe. Nhìn bóng anh nghiêng nghiêng đổ trong nắng mai, Thục Oanh mong rằng đoạn đường ấy sẽ dài thêm ra và dài ra mãi mãi. Bây giờ cô mới thấm thía nỗi lòng của Thâm Tâm trong bài Tống Biệt Hành:
… Đưa người ta không đưa sang sông…
Sao nghe có tiếng sóng trong lòng.
Bóng chiều không thắm không vàng vọt.
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong.
 

      Từ một cái xe nào đó văng vẳng lời hát của ca sĩ Trang Mỹ Dung trong bài “Hai Mùa Mưa”, như cùng sẻ chia tâm sự:
Tôi tiễn anh lên đường, chiều hôm nay mưa nhiều lắm…
Mưa thấm ướt vai gầy, mưa giá buốt con tim.
Mình cầm tay nhau chưa nói hết một câu.
Thôi đừng buồn anh nhé. Tiếng còi đã ngân dài.

      Bây giờ trời không mưa, cũng chẳng phải là hoàng hôn, mà sao trong lòng cô chất ngất cả một trời hoang vắng.
      Rút cái khăn tay chậm nhẹ những hạt mồ hôi lăn tăn trên trán. Thục Oanh nhìn theo chiếc xe càng lúc càng xa, mà cánh tay của người lính trẻ vẫn còn vẫy vẫy như nuối tiếc phút giây tao ngộ ngắn ngủi nhưng đầy ắp ân tình.

      Rồi tất cả mờ dần…mờ dần…và nhòe nhoẹt hẳn đi. Không biết vì lớp bụi sau xe hay vì những giọt lệ vô tình đang nhạt nhòa trong mắt cô:
…Người đi! Người đã đi rồi.
Còn em với cả khung trời luyến lưu…*

Dương Thượng Trúc
Thủy Gia Trang đầu Xuân Nhâm Thìn 2012
*Thơ Tác giả
**Cổ Thi.
***Ca dao

Xuân Khai Trong Giọt Cà Phê


Cà phê ơi cà phê ơi
giọt ngọt giọt đắng em mời môi thơm

ừ thì có giọt đắng hơn
em nghiêng tách xuống rót buồn sang anh

ừ thì có giọt màu xanh
vớt lên nhuộm tóc gọi thanh xuân về

ừ thì có giọt đam mê
chìm trong đáy tách nằm kề hư không

ừ thì có giọt màu hồng
loang như thơ giữa mênh mông đất trời

cà phê ơi cà phê ơi
hương vào trong tóc ủ hơi cho tình

giọt đăm đăm giọt lặng thinh
giọt như nước mắt lúc mình xa nhau

giọt hôm qua giọt ngàn sau
đọng trong đáy tách giọt sầu nỗi quê

đắng này rơi xuống ngọt kia
nghe tay cầm tách lạnh tê quán người

Trần Mộng Tú
Rằm Tháng Giêng Quý Tỵ- 2013