Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Hạnh Phúc Tôi


      Ai bảo hạnh phúc như cây cà rem?- Em hãy mút nồng nàn trong chiếc lưỡi - Tôi sung sướng đi giữa hè nắng chói - Cứ run hoài ngây ngất dưới tay em.
      Tôi không thèm nghe chim chóc thì thầm - Tôi chỉ biết làm ly kem bé nhỏ - Em hãy lướt nhẹ nhàng như tiếng thở - Mỗi khi nằm da thịt nhớ mùi quen.
      Em có che dù em có cầm kem? - Trong chiếc vỏ dòn tan lừng giọng nói - Em hãy thấm đôi môi hồng đỏ chói - Mà tim tôi vỡ vụn chảy điên cuồng.
      Dù thế nào tôi chẳng thể không quên - Em nón lá lượn mấy vòng quanh phố - Khi nhấm nháp chiếc cà rem đậu đỏ - Đẫm hương dừa tôi thấy nhớ quê hương.
      (Hạnh phúc quá tôi dè chừng dặn nhỏ -Xin em đừng cắn nát kẻo tôi đau...)


Lâm Hảo Dũng

Tình Học Trò



Tuổi thơ, hoa bưởi trắng ngần
Êm êm, vằng vặc như vầng trăng soi
Rồi qua lứa tuổi chơi chòi
Cái thời trổ mã mặn mòi dễ trông!

Giòn tan phơn phớt má hồng
Dịu dàng, mơn mởn như đồng mạ xanh
Hoa Xuân hơ hớ trên cành
Đồng đồng ngậm sữa, đất lành tỏa hương

Đến thời biết nhớ, chớm thương
Cái gì như thể tơ vương trong lòng
Chủ Nhật đợi, Thứ Hai mong
Mặt trông thấy mặt, mát lòng dạ êm

Một thời thư chẳng cần tem
Để giữa quyển tập rồi đem trao tình
Vờ như gặp gỡ thình lình
Trống ngực cứ đánh ình ình bên trong

Những điều sắp sẵn, nằm lòng
Ấp a, ấp úng nói không ra lời
Tay chân lạc lõng, chơi vơi
Thẹn thùng cứ ngỡ ngàn đôi mắt nhìn

Trong giây phút đứng lặng thinh
Lâng lâng âm điệu tơ tình bâng khuâng
Trong giây phút đứng tần ngần
Nghe như man mác gió xuân trong lòng

Sân trường là cả vườn hồng
Con đường là cả cánh đồng đầy hoa
Nghiêng nghiêng suối tóc lòa xòa
Em đâu giấu được thiết tha tình nồng

Đôi gò má thoắt ửng hồng
Nón che khuất mặt, nửa trong nửa ngoài
Tay nắm tà áo bay bay
Mắt ai ngơ ngác, mắt ai dại khờ

Đêm về len lén đọc thơ
Ép hoa, ép lá, ngồi mơ tình đầu.

Lê Kim Thành

Thơ Tranh: Buổi Sáng




Thơ: Thy Lan Thảo
Thơ Tranh: Kim Oanh


La Renaissance - Niềm Xuân Mới



Plus je vieillis, plus l'arrivee du Printemps m'everveille,                
 Plus je vieillis, plus je decouvre des choses que je ne remarquais jamais avant.
Plus je vieillis, plus je m'apercois qu'il y a plus de Printemps derriere moi que devant moi,
Plus je vieillis plus je prends le temps de savourer chaque seconde, chaque minuite qui passent,
Plus je vieillis, plus je trouve que la saison de la "Renaissance" m'apporte de l'epanouissement et de la rejouissance.
Plus je vieillis, plus je prends soin de mes plantes et de mes fleurs, et combien j'aime leur parler.
Plus je vieillis, plus j'ecoute le chant des oiseaux qui ont tous une facon particuliere de chanter.
Plus je vieillis, j'espere revoir plusieurs autres printemps.
Plus je vieillis, plus je constate que je ne pensais pas comme ca etant plus jeune.
Plus je vieillis, plus je remercie le "Divin" de me faire revoir encore une fois de plus "La Renaissance" du Printemps

* * *
Càng có tuổi, tôi càng thấy sự kỳ diệu của mỗi độ xuân về
Càng có tuổi, tôi càng khám phá những điều tôi không thấy trước kia
Càng có tuổi, Tôi càng thấy những mùa xuân còn lại không còn bao nhiêu nữa
Cành có tuổi, Tôi càng sung sướng thưởng thức những giây phút đi qua
Càng có tuổi, Tôi càng thấy mùa xuân mang lại cho tôi sự ngây ngất
Càng có tuổi, Tôi càng thích săn sóc cây và hoa của tôi, và tôi thích tâm sự cùng chúng biết bao
Càng có tuổi, Tôi càng thích nghe chim hót, mỗi tiếng chim hót mỗi điều
Càng có tuổi, tôi càng ao ước được thấy nhiều mùa xuân trở lại
Càng có tuổi, Tôi càng thấy không nghĩ được như vầy khi còn trẻ
Càng có tuổi, Tôi càng muốn cám ơn Thượng Đế đã cho tôi thấy thêm một mùa xuân trở lại.
     
Niềm Xuân Mới 

Càng cao tuổi, Xuân về càng kỳ diệu 
Thấy bao điều ngày trước hiểu chẳng sâu 
Những mùa Xuân còn lại thoáng bóng câu 
Thôi tận hưởng từng phút giây trước mắt
Càng trọng tuổi, Xuân mang niềm ngây ngất 
Chuyện cùng hoa, tất bật cỏ cây vườn 
Lắng chim ca, nhiều giọng hót lạ thường 
Lại ao ước nhiều Xuân sang mới mẻ 
Càng luống tuổi, thâm trầm hơn lúc trẻ 
Cám ơn Trời còn thấy vẽ Xuân tươi 

 Mailoc phỏng dịch
Cali 12-19-13

Bài Thánh Ca Buồn - Nhạc Sĩ Nguyễn Vũ - Ca Sĩ Don Hồ


Sáng tác: Nguyễn Vũ
Ca sĩ: Don Hồ

Thực Hiện: Kim Oanh
Hình Ảnh: Nhà Thờ Chánh Tòa Vĩnh Long, Holy Nam và St Patrick's Cathedral Melbourne

Viết Cho Người Xưa Cũ


Nơi em ở ......những hàng cây lá đỏ
Ta ngang qua với ngày tháng thu vàng...
Trước nhà em những chùm hoa cúc trắng
Đẹp dịu dàng vương nỗi nhớ mênh mang

Em thấy không khung trời tình xanh ngát
Mây về đâu bay lờ lững dịu dàng
Có tiếng đàn vọng buồn qua song cửa
Gió nồng nàn trong tiếng gọi mùa sang

Ta vẫn đứng bên góc đường lặng lẽ
Rất gần em mà em chẳng nào ngờ
Từng tháng ngày lênh đênh trong quạnh quẽ
Để nghe lòng chùng xuống những vần thơ

Kỷ niệm nào theo tháng ngày xa mãi
Cũng như em giờ cũng đã quên rồi
Chỉ có ta mãi là người khờ khạo
Vẫn lạc về ... vùng quá khứ xa xôi ....

Khiếu Long

Còn Đâu Hươi Bút



Chiếc bút của tôi đã rĩ han
Nghiên khô mài mãi mặt trời vàng
Làm sao chém được hồn nguyên thủy
Đâm tim. Hỏi máu còn chảy chăng

Từng nhát bút nghiên chẳng vết thù
Tựa lòng hàn thạch chết thiên thu
Bút cùn sức cạn kề phiến đá
Mực khô một chấm giữa sương mù

Ngang dọc một thời cũng xuôi tay
Tung hoành, đâm chém, từ ngôn bay
Bây giờ chỉ thấy mờ nhân ảnh
Chiếc bóng giang hồ, giữa rừng cây

Hoài Tử

Thơ Thanh: Giáng Sinh Kỷ Niệm


Thơ & Thơ Tranh: Dương Thượng Trúc

Truy Nguyên Tết Cổ Truyền





Mỗi Dân Tộc, đều có một nét văn hoá riêng, trong đó có Tết Cổ Truyền. Việt Nam với hơn 4000 năm văn hiến, nhiều người vẫn nghĩ Tết Cổ Truyền từ Trung Hoa truyền sang ?
Chúng ta thử đi tìm nguồn cội ngày lễ quan trọng nhất của Dân Tộc.

Truy Nguyên Tết Cổ Truyền


Nhiều người cho rằng, chữ "Tết" do chữ "Tiết" (節) mà thành. Tết cổ truyền cũng được gọi là "Tết Nguyên Đán". Hai chữ "Nguyên Đán" (元旦) có gốc chữ Hán; "nguyên" có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và "đán" là buổi sáng sớm, cho nên đọc đúng phiên âm phải là "Tiết Nguyên Đán". Tết cổ truyền của Việt Nam được người Trung Quốc hiện nay gọi là Xuân tiết (春節) hoặc Nông lịch tân niên (農曆新年), còn tết của Trung Quốc ngày nay lại là Tết dương lịch tức ngày 1 tháng 1 hằng năm. Nhưng với cộng đồng người Hoa ở Đài Loan, Hồng Kông hay nhiều nước khác, Tết Nguyên Đán vẫn là tết cổ truyền của họ.

Theo người Trung Hoa, Tiết Nguyên Đán( *) có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi theo từng thời kỳ.

Đời Tam Vương:
- Nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng Giêng, tức tháng Dần.
- Nhà Thương thích màu trắng nên chọn tháng Sửu, tức tháng Chạp, làm tháng đầu năm.
- Nhà Chu ưa màu đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng một làm tháng Tết.
Các vua chúa nói trên quan niệm về ngày giờ tạo thiên lập địa như sau:
- giờ Tý thì có trời,
- giờ Sửu thì có đất,
- giờ Dần sinh loài người nên đặt ra ngày Tiết khác nhau.
Đời nhà Đông Chu, Khổng Phu Tử đổi ngày Tiết vào một tháng nhất định là tháng Dần.
Đời nhà Tần (thế kỷ 3 TCN),Tần Thuỷ Hoàng lại đổi qua tháng Hợi, tức tháng mười.
Cho đến khi nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) lại đặt ngày Tiết vào tháng Dần, tức tháng Giêng.
Từ đó về sau, trải qua bao thời đại, không còn nhà vua nào thay đổi về tháng Tiết nữa.
Đến đời Đông Phương Sóc. Ông cho rằng:

- ngày tạo thiên lập địa có thêm giống Gà,
- ngày thứ hai có thêm Chó,
- ngày thứ ba có thêm Lợn,
- ngày thứ tư sinh Dê,
- ngày thứ năm sinh Trâu,
- ngày thứ sáu sinh Ngựa,
- ngày thứ bảy sinh loài Người
- và ngày thứ tám mới sinh ra Ngũ Cốc.

Vì thế ngày Tiết thường được kể từ ngày mùng một cho đến ngày mùng bảy tháng giêng (8 ngày).

(*)Vào thời này người Trung Hoa chưa có Lệ ăn tết như Tộc Việt. Các triều đại trên chỉ chọn ngày đầu của Tiết mà thôi. Khổng Tử cũng xác nhận việc này trong Kinh Lễ
 

Theo người Việt, chữ Tiết để chỉ khí hậu, thời tiết. Còn chữ Tết có thể do biến âm từ ngôn ngữ cổ"Thêts" là một lễ hội cổ truyền của dân tộc. Tết của Việt Nam hay còn gọi đầy đủ là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền, Năm Mới hay chỉ đơn giản Tết, là dịp lễ quan trọng nhất của Việt Nam được hình thành từ nền văn minh lúa nước. Chính từ việc trồng lúa Nước, phải dựa vào mặt Trăng mới biết thuỷ triều lên xuống thế nào. Để canh tác được thuận lợi, âm lịch được hình thành. Dần dần mọi người  nhận thấy  Âm lịch này không theo đúng thời tiết, nên chỉnh từ từ bằng cách cho nhuần để theo kịp thời tiết. Âm Lịch chúng ta sử dụng ngày nay tuy gọi là Âm Lịch, nhưng thực ra phải gọi là Âm Dương Lịch mới đúng vì có điều chỉnh theo khí hậu tức dựa vào mặt trờiVì Âm lịch(**) là lịch theo chu kỳ vận hành của mặt trăng nên Tết Nguyên Đán của Việt Nam muộn hơn Tết Dương lịch. Do quy luật 3 năm nhuận 2 năm tái nhuận một tháng của Âm lịch(5 năm sẽ nhuần 2 lần nhuần tức có thêm 2 tháng để bắt kịp thời tiết) nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên Đán không bao giờ trước ngày 21 tháng 1 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 Dương lịch, mà thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch. Toàn bộ dịp Tết Nguyên đán hàng năm thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng).
Do cách tính của âm lịch Việt Nam có khác với Trung Hoa cho nên Tết Nguyên đán của người Việt Nam đôi khi không hoàn toàn trùng với Xuân tiết của người Trung Hoa và các nước chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa khác.



Sách “Việt sử đại toàn” đã ghi lại việc này, tuy không cụ thể nhưng qua phân tích ta có thể suy đoán một cách tương đối về thời gian hình thành mỹ tục ăn Tết cổ truyền của dân tộc Việt.
Truyền thuyết và lịch sử cho thấy: Họ Hồng Bàng dựng n­ước Văn Lang từ năm Nhâm Tuất 2879 trư­ớc công nguyên, trị vì cả 2.622 năm. Kinh Dư­ơng Vư­ơng sinh ra Lạc Long Quân, sau khi nối ngôi, vị vua hiền đức này kết hôn cùng bà Âu Cơ sinh ra Hùng Vư­ơng. Từ thời đó, người Việt ta đã ăn Tết. Bắt đầu có bánh chư­ng, bánh dầy nhờ sáng kiến của Lang Liêu - con trai thứ 18 của vua Hùng Vư­ơng 6. Có thể nói, nư­ớc ta sớm hình thành một nền văn hoá truyền thống mang màu sắc riêng của ngư­ời Việt. Nền văn hoá với những đặc trưng của nền nông nghiệp lúa nư­ớc, cùng những sản vật từ lúa gạo. Gạo - thứ thực phẩm chính nuôi sống con ngư­ời, trong đó gạo nếp là thứ ngon nhất, thơm, dẻo, nhiều chất. Chính vì lẽ đó, gạo nếp đ­ược chọn để làm thành các thứ bánh dành cho việc cúng tế tổ tiên trong ngày đầu năm.

Nói thêm về ảnh hưởng của Tết cổ truyền Việt nam lên Trung Hoa, Khổng Tử là bậc tổ sư lễ nhạc của Trung Hoa viết trong sách Kinh Lễ như sau: “:”Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn người Man, họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó, họ gọi tên cho ngày đó là “TẾ SẠ” (Tế Sạ là Khổng Tử phát âm chữ Thêts, là lễ hội năm mới của người Thái đất Phong Châu- TN)

Sách Giao Chỉ Chí cũng có đoạn viết “Bọn người Giao Quận thường tập trung lại từng phường hội nhảy múa hát ca, ăn uống vui chơi trong nhiều ngày để vui mừng một mùa cấy trồng mới, chúng gọi ngày đó là Nèn- Thêts, không những chỉ có dân làm nông mà tất cả người nhà của Quan lang, Chúa động cũng đều tham gia lễ hội này. Chỉ có bọn man di mới có ngày hội mà người trên kẻ dưới cùng nhau nhảy múa như cuồng vậy, bên ta không có sự Quân thần điên đảo như thế.”

Hai đoạn trích từ hai cuốn Kinh sử nổi tiếng của Văn hóa Trung Hoa đều khẳng định Tết của Việt có trước ngày “Tân Niên” Chinese new Year “, Thrếts Chìn” của người Tần Trung Hoa rất xa và Tết nguyên đán Trung Hoa thay đổi rất nhiều so với Tết gốc của dân tộc Việt. Trong khi đó ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt vốn không thay đổi từ thời thượng cổ cho đến nay.

Như­ vậy, có thể nói Tết cổ truyền của Việt Nam phải hình thành từ trư­ớc thế kỷ thứ nhất, không phải do ngư­ời Hoa khai hoá hay đồng hoá. Tuy nhiên, do hai nước kề nhau nên không thể không mang những ảnh hư­ởng của nhau. Sau này, khi Trung Hoa đô hộ nư­ớc ta nhiều năm liền những ảnh h­ưởng đó càng lớn hơn. Song về cơ bản bánh chư­ng, bánh dày là đặc tr­ưng của dân tộc Việt. Trong ngày Tết cổ truyền có thể thiếu câu đối đỏ song không thể không có bánh ch­ưng xanh ngoài Bắc,bánh tét trong Nam để cúng tế tổ tiên.Từ những dẫn chứng trên, chúng ta có thể xác định tục ăn mừng ngày tết xuất phát từ Tổ Tiên Của Tộc Việt, của Nền Văn Minh Lúa Nước rồi lan truyền sang Trung Hoa.

Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn. 


(**)  Vùng Trung Đông cũng có Âm Lịch riêng

                                             *****

Giang Tuyết

    Đất trời thật bao la hùng vĩ, Con người thật bé nhỏ.
     Tuyết rơi dày, trên sông lạnh, một thuyền nan, với chiếc áo tơi và nón lá giữ ấm người, một ông lão ngồi buông cần trong một không gian mênh mông, yên tịnh.
     Vắng lặng, cơ đơn, buốt giá bao trùm cả bài thơ. Vì sinh kế? Giống như Lã Vọng chờ thời? Hay muốn rời xa thế sự, hoà nhập vào thiên nhiên?
     Xin giới thiệu đến Các Vị bài thơ "Giang Tuyết" của Liễu Tông Nguyên khi mùa đông đang đến.
     Đây là bài thơ Cổ Phong Ngũ Ngôn, viết theo thể Biền Ngẫu. Chúng ta thấy rất rõ câu 1 và hai, câu 3 và 4 đối nhau.



 
江雪                Giang Tuyết

 
千山鳥飛絕, Thiên sơn điểu phi tuyệt
萬徑人蹤滅。 Vạn kính nhân tung diệt
孤舟簑笠翁,
Cô chu thôi lạp ông
獨釣寒江雪。
Độc điếu hàn giang tuyết
      柳宗元                  Liễu Tông Nguyên  

Dịch Nghĩa:

 
Giữa ngàn núi chim bay mất biệt
Muôn nẻo đường dấu chân người cũng mất hết
Trên con thuyền lẻ loi, ông lão với chiếc áo tơi đầu đội nón lá
Một mình ngồi câu cá trên sông lạnh giữa trời đầy tuyết

Dịch Thơ:
                 1
Ngàn non chim mất dạng
Muôn nẻo bóng người không
Lão nón tơi thuyền l
Một cần giữa tuyết đông
                  2       
Núi non trùng điệp vắng chim bay
Xa ngút dậm đường chẳng bóng ai 

Nón lá áo tơi thuyền một lão

Buông câu cô độc tuyết rơi dày.

                                          Quên Đi
  ***
      Tôi dường như cảm xúc với bài thơ nầy nhiều hơn bài Thu Điếu của Nguyễn Khuyến . Tôi cảm thấy một hình ảnh cô độc thê lương  đến rợn người qua bài thơ nầy.

                Tuyết Trên Sông
Dấu chim bay ngàn non khuất hẳn ,
Vạn dặm đường hoang vắng bóng người .
Lão già nón lá áo tơi , 
Thuyền đơn sông lạnh, tuyết rơi, ôm cần .
                                 Mailoc phỏng dịch
           Tuyết Sông 
Ngàn non chim khuất dạng 
Vạn dặm chẳng còn ai 
Lão, áo tơi, thuyền l
Câu, sông lạnh, tuyết bay 
                             Mailoc

***
      Đỗ Chiêu Đức xin hưởng ứng với bài dịch 6 chữ sau đây :
 

   Trên Sông Tuyết Phủ

Ngàn núi chim đà bay hết,
Muôn nẻo bóng người cũng tiệt.
Thuyền côi áo lá một ông,
Lặng lẽ buông cần sông tuyết!

                         Đỗ Chiêu Đức
*** 
                    Tuyết Sông   
Non ngàn bặt dấu chim trời
Đường xa vạn dặm bóng người vắng tanh
Áo tơi thuyền nhẹ mỏng manh
Ôm cần ngư lão rùng mình tuyết rơi
                                         Trầm Vân
***
Xin góp vài dòng thơ vui

Sông Lạnh

Thiên sơn, chim bay hết
Chân người, sạch dấu vết
Xuồng con, lão áo tơi,
Ôm câu, trời giá rét.
       Danh Hữu dịch


Ghi chú : Thiên sơn đây là núi Thiên sơn, địa danh thì theo tôi khi dịch nên để nguyên.
Nội dung chỉ là mượn hình ảnh một lão già quê ngồi ôm câu trên dòng sông lạnh để nói lên sự cô đơn của người nghệ sĩ khi sáng tác ngồi chờ thi tứ, như ông câu ngồi một mình trên dòng sông chờ cá đớp mồi.
Người nghệ sĩ không chắc lúc nào ngồi vào bàn cũng làm được thơ, như ông câu, không phải hôm nào ra câu cũng câu được cá.
Bài thơ nói quá lên một chút để gây hứng thú, chứ trời lạnh sông đóng băng dễ gì ra đó ngồi câu.

***
  Một Mình Trên Sông Lạnh   

Chim trời khuất bóng cuối non xa
Vạn nẻo chân qua mất dấu tìm
Đơn độc thuyền ngồi phơi nón lá
Thả mồi câu tuyết giá căm căm


                             Kim Phượng


Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn



Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Em Vẫn Đi Về - Suối Dâu Phổ Nhạc, Đàn Và Hát

Melbourne Noel năm nào cũng mưa. Mưa ngoài trời và mưa trong tôi. Nhớ Tôn Nữ Ngày Xưa


Phổ Nhạc, Đàn Hát Và Trìng Bày: Suối Dâu

Ngày Xưa Không Còn Nữa

      Nghe mấy cháu Gia Long diểu cợt với một cụ già Pétrus Ký. Các cháu nói về áo dài Gia Long, về quần xanh sơ mi trắng của Pétrus Ký, Pétrus Ký thập thò trước cửa  Gia Long. Tôi bật cười, nhớ lại hồi xưa.
      Thời của cụ già Pétrus Ký  này đâu có  Gia Long áo dài và Pétrus Ký quần xanh sơ mi trắng.

Sơ Lược về Pétrus Ký

       Vào trường là năm 1948. Khi đó trường còn tên là Lycée Pétrus Trương vinh Ký, tọa lạc ở góc đường Nancy (sau đổi là Cộng Hòa, thời Việt Nam Cộng Hòa) và đường 11ème RIC (sau đổi là đường Nguyễn Hoàng, thời VNCH). Sát với góc đường nầy còn là giao điểm của đường Féderic Drouet (sau đổi là đường Hồng Bàng, thời VNCH) đi vô Cholon, đường Hui Bon Hoa (VNCH đổi lại là đường Minh Mạng) đi về hướng Ngã Bảy, đường Chasseloup Laubat (sau đổi là đường Hồng Thập Tự, thời VNCH) đi ra Saigon. Trường Pétrus Ký ở giữa Saigon và Cholon.  Xin xem hình Lycée Pétrus Ký, chụp từ trên không vào thời kỳ xa xưa.

(Ảnh chụp từ trên không)

      Tới năm 1948, cho đến năm 1954, trường vẫn còn nguyên trạng với kích cở như vậy. Bốn dãy lầu (bên trái hình) trước kia (thời năm 1948) là dortoir cho học sinh nội trú. Về sau, thời VNCH, bốn dãy lầu đó được chuyển thành cơ sở của Faculté des Sciences.
       Lycée Pétrus Ký  chỉ dành cho con trai. Trường có ban Cao Đẳng Tiểu Học (lúc đó gọi là Enseignement Classic hay Enseignement Primaire Supérieur) và ban Tú Tài (lúc đó gọi là Enseignement Secondaire). Ở ban nầy có nữ sinh, chừng hơn mươi cô, mặc áo dài (thường màu trắng), đoan trang, thông thái. Nói chừng hơn mươi cô, vì thời buổi đó (cuối thập niên 40), các cô học xong Enseignement Primaire Superieur  (ở  Gia Long hoặc không phải  Gia Long) thì thường là mười tám, mười chin tuổi, nên các cô hoặc đi làm hoặc đi lấy chồng. Số qua Pétrus Ký để học ban Tú Tài là những cô ngoại lệ, vừa học giỏi (mới thi đậu vào học ban Tú Tài), vừa chưa muốn lấy chồng.

    (Classe Seconde 1953. Người phụ nữ mặc đầm ở giữa là cô giáo sư dạy Sữ Địa tên Bonne Argent)

      Học sinh Pétrus Ký thời buổi đó được ăn mặc tự do, quần short, hoặc quần tây dài. Áo sơ mi (bỏ ngoài hay bỏ trong quần), mang giày sandale hay giày bít.  Nếu có đội nón thì thường là nón casque trắng (kiểu nón cối thuộc địa mà người Pháp thường đội thời đó). Màu quần, màu áo đa dạng. Mặc làm sao miễn là dể coi, không bắt buộc là quần tây dài xanh với áo sơ mi trắng bỏ trong quần.

       Vậy mà thời đó, có hai anh bạn, cùng lớp tôi, một người tên T. , một người tên H. Hai anh nầy thường mặc quần tây dài, hai ống quần túm bó hai ống chân trông như hai cái ống điếu. Áo sơ mi dài tay, rộng phùng phình. Áo bỏ trong quần nhưng phùng phình, xề xệ ở thắt lưng. Áo và quần, khi màu nầy, khi màu khác. Quần thì không nói. Nhưng áo thì có trắng, nâu, vàng, xanh… khi có hình bông hoa hoặc chim cò màu sắc lòe lẹt. Chân luôn mang giày da bóng lưởng, có mũi dẹp lép, gọi là giày bec-canard (giày mõ vịt), đế da cứng có đóng gót sắt, kêu cộp cộp trên nền gạch bông ở hành lang theo mỗi bước chân hai anh đi. 
      Quên nói, đầu hai anh tóc dài nhưng chải gọn với brillantine láng cón, tém ra phía sau ót. Chải đầu cách đó được gọi là chải đầu tém. Cách ăn mặc của T. và H. như vậy là thời trang của những anh chàng ăn chơi hay công tử (bột) thời đó. Hai anh không phải là anh em một nhà nhưng thích đi chung với nhau. Mỗi lần thấy hai anh đi ngang qua, mấy học sinh hay nhìn theo rồi ngó nhau cười tủm tỉm. Không biết các thầy surveillant (giám thị) có để ý tới cách ăn mặc của T. và H. không, nhưng thấy trang phục của các anh như vậy hoài, lâu ngày cũng quen mắt.
      Tuy ăn mặc khác với anh em như vậy, nhưng T. và H. tiếp xúc và đối xử với anh em rất bình thường, không cao ngạo, không làm phách, mầy tao vui vẻ đề huề. 

      
      Về sau, T. là Tư lệnh phó Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Vào tháng 3 năm 1975, khi cả miền Trung rút về Saigon, T. đã ở lại cuối cùng,(...). Sau 30-4-75, T. bị đi cải tạo mười mấy năm, hiện đang định cư tại Dallas, Texas theo diện HO. Còn H., nghe T. nói là đã qua đời bên Việt Nam.
      Ngoài T. và H. các học sinh khác vì sinh vào thời chiến, nên số đông đều đi theo con đường binh nghiệp. Một số thi qua Pháp, vào Salon, Auxerre, Rocheford hoặc qua Maroc vào Marakech, theo ngành Không Quân. Số khác còn nấn ná ở Việt Nam để chờ thời, rốt cuộc cũng vào Võ Bị Quốc Gia Đàlạt, hoặc bị gọi đi Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Có người ra Nha Trang học Hải Quân bềnh bồng trên các chiến hạm, hoặc vào trường Không Quân học lái máy bay quan sát.  Tất cả, khi ở trong quân đội VNCH,(....) Lâu dần, theo thời gian và chiến công, (kể riêng về PK 48), nhiều người lên Tá, lên Tướng, giữ các chức vụ Chỉ Huy Trưởng, Không Đoàn Trưởng, Hạm Trưởng, thuộc Hải, Lục, Không Quân của QLVNCH. Và, cũng có người biệt tâm, chắc là vào cỏi thiên thu, đền xong nợ nước.

      Ở Texas, ở Cali, bên Pháp, bên Úc, bên Canada… và cả ở Việt Nam, dân Pétrus Ký thời 48 hãy còn. Ở đâu không biết, nhưng ở Bolsa, nam CA, những anh Pétrus Ký 48 hay gặp nhau mỗi thứ năm hằng tuần trong một quán nước quen thuộc. Họ là những người đã có một thời oanh liệt. Gặp nhau để tán gẩu, nhắc chuyện thời xưa, thỉnh thoảng văng ra một tiếng chưởi thề. Họ bảo như vậy mới vui. Chỉ có ở chỗ riêng biệt với anh em như thế mới dám chửi thề. Ai nghe được thì nghe, không nghe thì thôi. Ở nhà không dám chưởi thề vì có mấy đứa cháu và nhất là có “bà chủ nhà”. 
      Lâu lâu thấy có một bản Phân Ưu trên mail, ghi tên một cựu Pétrus Ký thời 48 thành nguời thiên cổ. Bên dưới bản Phân Ưu, là một dọc tên những người bạn cùng thời ở Pétrus Ký phân ưu, chừng mấy mươi người, có ở CA. ở TX, Canada, Pháp, Việt Nam, và ở Úc.
      Lúc còn đi học, có một ít vô khu theo Việt Minh vào những năm 50, 51, 52 rồi tập kết ra Bắc. Biết có mấy người tử trận trong trận chiến Mậu Thân khi từ Bắc xâm nhập miền Nam. Sau 75, có anh Pétrus Ký 48(...) vào tiếp quản các bệnh viện trong Chợ Lớn; có anh là chuyên gia về từ Liên Sô, làm việc trong một cơ quan khoa học kỹ thuật.
      Cũng có một số ít không vào quân đội, không theo Việt Minh, chuyên tâm học hành, đổ làm bác sĩ, kỷ sư, luật sư, làm giáo sư … tốt nghiệp trong chế độ VNCH. Một người tên H. từng là hiệu trưởng một trường trung học lớn ở Biên Hòa, hiện đang sống đơn độc trong nhà của Housing ở Fountain Valley, nam CA. Một người tên Q. từng có Master bên Mỹ trước 75, làm luật sư, sau 75 phải vượt biên, đang ở San Jose với gia đình của con cái.

Đó là bên Pétrus Ký. Còn bên Gia Long?

      
      Thời đó, năm 48, Gia Long còn là Collège Gia Long, có cổng chính ngó ra đường Le Grand De La Lyraye (thời VNCH đổi là đường Phan Thanh Giản) với hai hàng cây sao cao ngất nghểu che mát con đường. Collège Gia Long chỉ dạy tới lớp 4ème Année của Enseignement Primaire Supérieur. Học xong lớp nầy, thi Diplôme (bằng Thành Chung) hoặc bằng Brevet 1er Cycle. Muốn học Tú Tài thì phải thi vào ban Tú Tài (Enseignement Secondaire) bên trường Pétrus Ký. Hồi đó, (tôi nói hồi đó) ở trong Nam, học tới Diplôme thì ngon lành rồi. Dù thi không đậu Diplôme (thi cữ thời đó rất khó) nhưng chữ nghĩa là tiếng Pháp đủ làm thầy thông thầy ký trong các công sở do người Pháp cầm đầu.
Vì không phải là Gia Long nên không dám nói nhiều về Gia Long như đã nói về Pétrus Ký. Tuy vậy vẫn biết là vào thời đó, các nữ sinh GL nhập học năm thứ nhất (Première Année) không ít cô vào tuổi 13, 14, 15 (tuổi cập kê).

       Các cô đều mặc áo bà ba với quần vải đen đi học. Áo bà ba thường bằng vải, bằng popeline, đôi khi bằng soie. Màu trắng nhiều hơn các màu khác. Màu trắng là tượng trưng cho sự trong trắng của người con gái. GL lúc đó chưa có phù hiệu bông mai, cũng chưa mang nhản hiệu tên trường. Người Gia Long lúc đó cũng được ăn mặc tự do (như bên Pétrus Ký) nhưng trong khuông phép lễ giáo, đức hạnh truyền thống. Vì vậy, bộ đồ bà ba, áo trắng quần đen giãn dị đó là đủ cho một người con gái Gia Long. Người Gia Long có thể mang sandale hay mang dép, mang guốc. và che nắng bằng chiếc nón lá. Nón lá rẻ tiền, đội mát đầu, đầu không ra mồ hôi làm hôi tóc, lại có thể dùng làm quạt phe phẩy lúc trưa hè. Nón lá còn để che mặt khi cảm thấy có ai đang nhìn trộm. Không đội thì máng nón lá trên guidon xe hay cặp vào khuỷu tay.

     (Gia Long 1962)

      Với bộ đồ bà ba, Gia Long thời đó có thể khi thì nhảy cò cò, nhảy dây, khi thì ngồi bẹp dưới đất đánh đủa. Nghịch hơn thì đá cầu, hoặc chơi “u - hấp”. Dù với bộ bà ba, không phất phơ lả luớt như những tà áo dài của Gia Long sau nầy, nhưng vào tuổi của năm thứ nhì (Deuxième Année), năm thứ ba (Troisième Année), với cái áo bà ba được cắt may vừa vặn, có chỗ eo, chỗ nở khéo léo đúng chỗ đúng nơi, Gia Long thời đó cũng làm mất hồn nhiều anh Pétrus Ký. Đơn sơ mà kín đáo, gọn gàng nhưng cũng yểu điệu nên rất dễ thương Lắm chàng bên Pétrus Ký khi hết giờ học vội vàng đạp xe qua Gia Long để được gặp nàng. 
      Gia Long còn có suối tóc đen mượt kẹp sát ót, thoát qua vành nón lá, chảy dài trên lưng áo trắng bà ba. Nhiều trai trẻ khi đạp xe ngang, phải xoay đầu lại ngẩn ngơ nhìn. Cái nhìn đó cũng được người ta thấy nhưng người ta giả bộ làm ngơ. Vì vậy, ít có Gia Long học đến Tú Tài. Vừa xong Trung học (Diplôme hoặc Brevet 1er Cycle) hay còn đang học là đã có người rước lên xe hoa. Gia Long nào đậu qua ban Tú Tài để trở thành Pétrus Ký thì mới bỏ bà ba để mặc áo dài. Cũng có Gia Long “nâng khăn sửa túi” cho PK cùng thời đến “tóc bạc răng long”. Được trường hợp nầy, Pétrus Ký có thập thò trước cổng trường (hay nhà) của  Gia Long thì cũng hân hạnh và chẳng bỏ công chút nào. Qua PK để học Tú Tài hay về nhà Pétrus Ký để sửa túi nâng khăn thì Gia Long cũng thành Pétrus Ký. (Gia Long! Đừng chọc quê Pétrus Ký nữa nha!)

      (Gia Long 1922)

      Ngày nay, các cô nói đến  Gia Long mà chỉ nhắc về thời áo tím hay áo dài trắng, không nhắc đến Gia Long áo bà ba là thiếu sót lớn. Gia Long áo bà ba cũng vang bóng một thời. Lúc tôi biết là năm 48. Năm 47, trước đó một năm, cũng là Gia Long áo bà ba.
      Nói vậy vì tôi biết.
 (....)
Trở Lại Pétrusky Và Gia Long.
 
      Có quân đội Nhật ở Đông Dương trong Thế Chiến II, có VM, có quân đội Pháp và chiến tranh Pháp với VM như đã đề cập bên trên là những biến cố khiến học sinh không đi học được liên tục và bị trễ học. Năm 47, 48, học sinh thi vô Gia Long và Pétrusky thường ở vào tuổi 13, 14, có khi là 15.   Vô năm thứ nhứt (Première Année) với tuổi như vậy là học trể, nên đơn xin dự thi phải kèm theo đơn xin miễn hạn tuổi. Thời kỳ đó, năm 47, 48, đời sống còn khó khăn, nên cách ăn mặc cũng theo sự khó khăn mà thành đơn giản. Con gái, quần vải đen, áo bà ba trắng, mang dép hay guốc dông với cái nón lá trên đầu là đủ rồi. Con trai, quần short, áo sơ mi, giày Bata hay sandale, là tươm tất. Cha mẹ lo được cho con như vậy với chiếc xe đạp, để đi học trường Pétrusky và Gia Long

      Sau nầy, khi cụ Ngô đình Diệm về Việt Nam chấp chánh và người Pháp để Việt Nam được độc lập hoàn toàn, Việt Nam Cộng Hòa được thành lập. Giáo Dục được cải tiến. Pétrusky với Gia Long cũng như Trưng Vương với Chu Văn An, từ Bắc di cư vô Nam, đều có sắc phục. Con gái trung học thì mặc áo dài. Con trai trung học thì mặc quần tây dài xanh, áo sơ mi trắng bỏ trong quần. Tất cả đeo bảng tên trường với phù hiệu. Con trai thì không nói làm gì, nhưng con gái khi mới vô đệ thất Gia Long hay Trương Vương, bé xíu, mới mười một tuổi mà mặc áo dài thì thiệt tốn vải. Đã vậy, còn bất tiện cho các bé khi chơi đùa. Các bé phải quấn vạt áo cột ngang hông hay nhét vô lưng quần cho gọn, dễ chạy nhảy. Có khi vạt áo bị bé khác đạp trúng, đứt xoạt mất một vạt, mặc chẳng giống ai …….   Nhưng không sao. Thời kỳ cụ Ngô đình Diệm làm Tổng Thống là thời kỳ miền Nam tháì bình thạnh trị. Dân chúng có ăn, có mặc với các khu dinh điền, các khu trù mật ở khắp miền Nam. Những Người Bắc 54 đều gây dựng nên sự nghiệp, tài sàn ở Hố Nai, Gia Kiệm, Túc Trưng, Cái Sắn, v.v… Miền Nam giàu có. Nhiều đồng bào miền Bắc lỡ dịp di cư chánh thức nên kết bè vượt biển vô Nam tìm tự do.(...)
      Bây giờ, nước mất rồi. Tên trường cũng đã mất. Hoài niệm trường xưa, nhắc tới Gia Long áo tím thì đừng quên nhắc Gia Long áo bà ba như vừa nói và khi nói tới các cụ già Pétrusky thì đừng nói quần tây xanh với áo sơ mi trắng mà thôi.
      Xót xa, ngày xưa không còn nữa!



Nguyễn Văn Tỷ