Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Em Vẫn Đi Về - Suối Dâu Phổ Nhạc, Đàn Và Hát

Melbourne Noel năm nào cũng mưa. Mưa ngoài trời và mưa trong tôi. Nhớ Tôn Nữ Ngày Xưa


Phổ Nhạc, Đàn Hát Và Trìng Bày: Suối Dâu

Ngày Xưa Không Còn Nữa

      Nghe mấy cháu Gia Long diểu cợt với một cụ già Pétrus Ký. Các cháu nói về áo dài Gia Long, về quần xanh sơ mi trắng của Pétrus Ký, Pétrus Ký thập thò trước cửa  Gia Long. Tôi bật cười, nhớ lại hồi xưa.
      Thời của cụ già Pétrus Ký  này đâu có  Gia Long áo dài và Pétrus Ký quần xanh sơ mi trắng.

Sơ Lược về Pétrus Ký

       Vào trường là năm 1948. Khi đó trường còn tên là Lycée Pétrus Trương vinh Ký, tọa lạc ở góc đường Nancy (sau đổi là Cộng Hòa, thời Việt Nam Cộng Hòa) và đường 11ème RIC (sau đổi là đường Nguyễn Hoàng, thời VNCH). Sát với góc đường nầy còn là giao điểm của đường Féderic Drouet (sau đổi là đường Hồng Bàng, thời VNCH) đi vô Cholon, đường Hui Bon Hoa (VNCH đổi lại là đường Minh Mạng) đi về hướng Ngã Bảy, đường Chasseloup Laubat (sau đổi là đường Hồng Thập Tự, thời VNCH) đi ra Saigon. Trường Pétrus Ký ở giữa Saigon và Cholon.  Xin xem hình Lycée Pétrus Ký, chụp từ trên không vào thời kỳ xa xưa.

(Ảnh chụp từ trên không)

      Tới năm 1948, cho đến năm 1954, trường vẫn còn nguyên trạng với kích cở như vậy. Bốn dãy lầu (bên trái hình) trước kia (thời năm 1948) là dortoir cho học sinh nội trú. Về sau, thời VNCH, bốn dãy lầu đó được chuyển thành cơ sở của Faculté des Sciences.
       Lycée Pétrus Ký  chỉ dành cho con trai. Trường có ban Cao Đẳng Tiểu Học (lúc đó gọi là Enseignement Classic hay Enseignement Primaire Supérieur) và ban Tú Tài (lúc đó gọi là Enseignement Secondaire). Ở ban nầy có nữ sinh, chừng hơn mươi cô, mặc áo dài (thường màu trắng), đoan trang, thông thái. Nói chừng hơn mươi cô, vì thời buổi đó (cuối thập niên 40), các cô học xong Enseignement Primaire Superieur  (ở  Gia Long hoặc không phải  Gia Long) thì thường là mười tám, mười chin tuổi, nên các cô hoặc đi làm hoặc đi lấy chồng. Số qua Pétrus Ký để học ban Tú Tài là những cô ngoại lệ, vừa học giỏi (mới thi đậu vào học ban Tú Tài), vừa chưa muốn lấy chồng.

    (Classe Seconde 1953. Người phụ nữ mặc đầm ở giữa là cô giáo sư dạy Sữ Địa tên Bonne Argent)

      Học sinh Pétrus Ký thời buổi đó được ăn mặc tự do, quần short, hoặc quần tây dài. Áo sơ mi (bỏ ngoài hay bỏ trong quần), mang giày sandale hay giày bít.  Nếu có đội nón thì thường là nón casque trắng (kiểu nón cối thuộc địa mà người Pháp thường đội thời đó). Màu quần, màu áo đa dạng. Mặc làm sao miễn là dể coi, không bắt buộc là quần tây dài xanh với áo sơ mi trắng bỏ trong quần.

       Vậy mà thời đó, có hai anh bạn, cùng lớp tôi, một người tên T. , một người tên H. Hai anh nầy thường mặc quần tây dài, hai ống quần túm bó hai ống chân trông như hai cái ống điếu. Áo sơ mi dài tay, rộng phùng phình. Áo bỏ trong quần nhưng phùng phình, xề xệ ở thắt lưng. Áo và quần, khi màu nầy, khi màu khác. Quần thì không nói. Nhưng áo thì có trắng, nâu, vàng, xanh… khi có hình bông hoa hoặc chim cò màu sắc lòe lẹt. Chân luôn mang giày da bóng lưởng, có mũi dẹp lép, gọi là giày bec-canard (giày mõ vịt), đế da cứng có đóng gót sắt, kêu cộp cộp trên nền gạch bông ở hành lang theo mỗi bước chân hai anh đi. 
      Quên nói, đầu hai anh tóc dài nhưng chải gọn với brillantine láng cón, tém ra phía sau ót. Chải đầu cách đó được gọi là chải đầu tém. Cách ăn mặc của T. và H. như vậy là thời trang của những anh chàng ăn chơi hay công tử (bột) thời đó. Hai anh không phải là anh em một nhà nhưng thích đi chung với nhau. Mỗi lần thấy hai anh đi ngang qua, mấy học sinh hay nhìn theo rồi ngó nhau cười tủm tỉm. Không biết các thầy surveillant (giám thị) có để ý tới cách ăn mặc của T. và H. không, nhưng thấy trang phục của các anh như vậy hoài, lâu ngày cũng quen mắt.
      Tuy ăn mặc khác với anh em như vậy, nhưng T. và H. tiếp xúc và đối xử với anh em rất bình thường, không cao ngạo, không làm phách, mầy tao vui vẻ đề huề. 

      
      Về sau, T. là Tư lệnh phó Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Vào tháng 3 năm 1975, khi cả miền Trung rút về Saigon, T. đã ở lại cuối cùng,(...). Sau 30-4-75, T. bị đi cải tạo mười mấy năm, hiện đang định cư tại Dallas, Texas theo diện HO. Còn H., nghe T. nói là đã qua đời bên Việt Nam.
      Ngoài T. và H. các học sinh khác vì sinh vào thời chiến, nên số đông đều đi theo con đường binh nghiệp. Một số thi qua Pháp, vào Salon, Auxerre, Rocheford hoặc qua Maroc vào Marakech, theo ngành Không Quân. Số khác còn nấn ná ở Việt Nam để chờ thời, rốt cuộc cũng vào Võ Bị Quốc Gia Đàlạt, hoặc bị gọi đi Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Có người ra Nha Trang học Hải Quân bềnh bồng trên các chiến hạm, hoặc vào trường Không Quân học lái máy bay quan sát.  Tất cả, khi ở trong quân đội VNCH,(....) Lâu dần, theo thời gian và chiến công, (kể riêng về PK 48), nhiều người lên Tá, lên Tướng, giữ các chức vụ Chỉ Huy Trưởng, Không Đoàn Trưởng, Hạm Trưởng, thuộc Hải, Lục, Không Quân của QLVNCH. Và, cũng có người biệt tâm, chắc là vào cỏi thiên thu, đền xong nợ nước.

      Ở Texas, ở Cali, bên Pháp, bên Úc, bên Canada… và cả ở Việt Nam, dân Pétrus Ký thời 48 hãy còn. Ở đâu không biết, nhưng ở Bolsa, nam CA, những anh Pétrus Ký 48 hay gặp nhau mỗi thứ năm hằng tuần trong một quán nước quen thuộc. Họ là những người đã có một thời oanh liệt. Gặp nhau để tán gẩu, nhắc chuyện thời xưa, thỉnh thoảng văng ra một tiếng chưởi thề. Họ bảo như vậy mới vui. Chỉ có ở chỗ riêng biệt với anh em như thế mới dám chửi thề. Ai nghe được thì nghe, không nghe thì thôi. Ở nhà không dám chưởi thề vì có mấy đứa cháu và nhất là có “bà chủ nhà”. 
      Lâu lâu thấy có một bản Phân Ưu trên mail, ghi tên một cựu Pétrus Ký thời 48 thành nguời thiên cổ. Bên dưới bản Phân Ưu, là một dọc tên những người bạn cùng thời ở Pétrus Ký phân ưu, chừng mấy mươi người, có ở CA. ở TX, Canada, Pháp, Việt Nam, và ở Úc.
      Lúc còn đi học, có một ít vô khu theo Việt Minh vào những năm 50, 51, 52 rồi tập kết ra Bắc. Biết có mấy người tử trận trong trận chiến Mậu Thân khi từ Bắc xâm nhập miền Nam. Sau 75, có anh Pétrus Ký 48(...) vào tiếp quản các bệnh viện trong Chợ Lớn; có anh là chuyên gia về từ Liên Sô, làm việc trong một cơ quan khoa học kỹ thuật.
      Cũng có một số ít không vào quân đội, không theo Việt Minh, chuyên tâm học hành, đổ làm bác sĩ, kỷ sư, luật sư, làm giáo sư … tốt nghiệp trong chế độ VNCH. Một người tên H. từng là hiệu trưởng một trường trung học lớn ở Biên Hòa, hiện đang sống đơn độc trong nhà của Housing ở Fountain Valley, nam CA. Một người tên Q. từng có Master bên Mỹ trước 75, làm luật sư, sau 75 phải vượt biên, đang ở San Jose với gia đình của con cái.

Đó là bên Pétrus Ký. Còn bên Gia Long?

      
      Thời đó, năm 48, Gia Long còn là Collège Gia Long, có cổng chính ngó ra đường Le Grand De La Lyraye (thời VNCH đổi là đường Phan Thanh Giản) với hai hàng cây sao cao ngất nghểu che mát con đường. Collège Gia Long chỉ dạy tới lớp 4ème Année của Enseignement Primaire Supérieur. Học xong lớp nầy, thi Diplôme (bằng Thành Chung) hoặc bằng Brevet 1er Cycle. Muốn học Tú Tài thì phải thi vào ban Tú Tài (Enseignement Secondaire) bên trường Pétrus Ký. Hồi đó, (tôi nói hồi đó) ở trong Nam, học tới Diplôme thì ngon lành rồi. Dù thi không đậu Diplôme (thi cữ thời đó rất khó) nhưng chữ nghĩa là tiếng Pháp đủ làm thầy thông thầy ký trong các công sở do người Pháp cầm đầu.
Vì không phải là Gia Long nên không dám nói nhiều về Gia Long như đã nói về Pétrus Ký. Tuy vậy vẫn biết là vào thời đó, các nữ sinh GL nhập học năm thứ nhất (Première Année) không ít cô vào tuổi 13, 14, 15 (tuổi cập kê).

       Các cô đều mặc áo bà ba với quần vải đen đi học. Áo bà ba thường bằng vải, bằng popeline, đôi khi bằng soie. Màu trắng nhiều hơn các màu khác. Màu trắng là tượng trưng cho sự trong trắng của người con gái. GL lúc đó chưa có phù hiệu bông mai, cũng chưa mang nhản hiệu tên trường. Người Gia Long lúc đó cũng được ăn mặc tự do (như bên Pétrus Ký) nhưng trong khuông phép lễ giáo, đức hạnh truyền thống. Vì vậy, bộ đồ bà ba, áo trắng quần đen giãn dị đó là đủ cho một người con gái Gia Long. Người Gia Long có thể mang sandale hay mang dép, mang guốc. và che nắng bằng chiếc nón lá. Nón lá rẻ tiền, đội mát đầu, đầu không ra mồ hôi làm hôi tóc, lại có thể dùng làm quạt phe phẩy lúc trưa hè. Nón lá còn để che mặt khi cảm thấy có ai đang nhìn trộm. Không đội thì máng nón lá trên guidon xe hay cặp vào khuỷu tay.

     (Gia Long 1962)

      Với bộ đồ bà ba, Gia Long thời đó có thể khi thì nhảy cò cò, nhảy dây, khi thì ngồi bẹp dưới đất đánh đủa. Nghịch hơn thì đá cầu, hoặc chơi “u - hấp”. Dù với bộ bà ba, không phất phơ lả luớt như những tà áo dài của Gia Long sau nầy, nhưng vào tuổi của năm thứ nhì (Deuxième Année), năm thứ ba (Troisième Année), với cái áo bà ba được cắt may vừa vặn, có chỗ eo, chỗ nở khéo léo đúng chỗ đúng nơi, Gia Long thời đó cũng làm mất hồn nhiều anh Pétrus Ký. Đơn sơ mà kín đáo, gọn gàng nhưng cũng yểu điệu nên rất dễ thương Lắm chàng bên Pétrus Ký khi hết giờ học vội vàng đạp xe qua Gia Long để được gặp nàng. 
      Gia Long còn có suối tóc đen mượt kẹp sát ót, thoát qua vành nón lá, chảy dài trên lưng áo trắng bà ba. Nhiều trai trẻ khi đạp xe ngang, phải xoay đầu lại ngẩn ngơ nhìn. Cái nhìn đó cũng được người ta thấy nhưng người ta giả bộ làm ngơ. Vì vậy, ít có Gia Long học đến Tú Tài. Vừa xong Trung học (Diplôme hoặc Brevet 1er Cycle) hay còn đang học là đã có người rước lên xe hoa. Gia Long nào đậu qua ban Tú Tài để trở thành Pétrus Ký thì mới bỏ bà ba để mặc áo dài. Cũng có Gia Long “nâng khăn sửa túi” cho PK cùng thời đến “tóc bạc răng long”. Được trường hợp nầy, Pétrus Ký có thập thò trước cổng trường (hay nhà) của  Gia Long thì cũng hân hạnh và chẳng bỏ công chút nào. Qua PK để học Tú Tài hay về nhà Pétrus Ký để sửa túi nâng khăn thì Gia Long cũng thành Pétrus Ký. (Gia Long! Đừng chọc quê Pétrus Ký nữa nha!)

      (Gia Long 1922)

      Ngày nay, các cô nói đến  Gia Long mà chỉ nhắc về thời áo tím hay áo dài trắng, không nhắc đến Gia Long áo bà ba là thiếu sót lớn. Gia Long áo bà ba cũng vang bóng một thời. Lúc tôi biết là năm 48. Năm 47, trước đó một năm, cũng là Gia Long áo bà ba.
      Nói vậy vì tôi biết.
 (....)
Trở Lại Pétrusky Và Gia Long.
 
      Có quân đội Nhật ở Đông Dương trong Thế Chiến II, có VM, có quân đội Pháp và chiến tranh Pháp với VM như đã đề cập bên trên là những biến cố khiến học sinh không đi học được liên tục và bị trễ học. Năm 47, 48, học sinh thi vô Gia Long và Pétrusky thường ở vào tuổi 13, 14, có khi là 15.   Vô năm thứ nhứt (Première Année) với tuổi như vậy là học trể, nên đơn xin dự thi phải kèm theo đơn xin miễn hạn tuổi. Thời kỳ đó, năm 47, 48, đời sống còn khó khăn, nên cách ăn mặc cũng theo sự khó khăn mà thành đơn giản. Con gái, quần vải đen, áo bà ba trắng, mang dép hay guốc dông với cái nón lá trên đầu là đủ rồi. Con trai, quần short, áo sơ mi, giày Bata hay sandale, là tươm tất. Cha mẹ lo được cho con như vậy với chiếc xe đạp, để đi học trường Pétrusky và Gia Long

      Sau nầy, khi cụ Ngô đình Diệm về Việt Nam chấp chánh và người Pháp để Việt Nam được độc lập hoàn toàn, Việt Nam Cộng Hòa được thành lập. Giáo Dục được cải tiến. Pétrusky với Gia Long cũng như Trưng Vương với Chu Văn An, từ Bắc di cư vô Nam, đều có sắc phục. Con gái trung học thì mặc áo dài. Con trai trung học thì mặc quần tây dài xanh, áo sơ mi trắng bỏ trong quần. Tất cả đeo bảng tên trường với phù hiệu. Con trai thì không nói làm gì, nhưng con gái khi mới vô đệ thất Gia Long hay Trương Vương, bé xíu, mới mười một tuổi mà mặc áo dài thì thiệt tốn vải. Đã vậy, còn bất tiện cho các bé khi chơi đùa. Các bé phải quấn vạt áo cột ngang hông hay nhét vô lưng quần cho gọn, dễ chạy nhảy. Có khi vạt áo bị bé khác đạp trúng, đứt xoạt mất một vạt, mặc chẳng giống ai …….   Nhưng không sao. Thời kỳ cụ Ngô đình Diệm làm Tổng Thống là thời kỳ miền Nam tháì bình thạnh trị. Dân chúng có ăn, có mặc với các khu dinh điền, các khu trù mật ở khắp miền Nam. Những Người Bắc 54 đều gây dựng nên sự nghiệp, tài sàn ở Hố Nai, Gia Kiệm, Túc Trưng, Cái Sắn, v.v… Miền Nam giàu có. Nhiều đồng bào miền Bắc lỡ dịp di cư chánh thức nên kết bè vượt biển vô Nam tìm tự do.(...)
      Bây giờ, nước mất rồi. Tên trường cũng đã mất. Hoài niệm trường xưa, nhắc tới Gia Long áo tím thì đừng quên nhắc Gia Long áo bà ba như vừa nói và khi nói tới các cụ già Pétrusky thì đừng nói quần tây xanh với áo sơ mi trắng mà thôi.
      Xót xa, ngày xưa không còn nữa!



Nguyễn Văn Tỷ

Nét Đẹp Nhà Thờ Đình Khao Vĩnh Long 12/2013

      Các bạn ạ! 
      Sau buổi sáng có nắng tôi chụp ảnh nhà thờ Đình Khao, tôi thấy một góc đẹp nữa, mà phải chờ nắng chiều nhẹ thì mới đẹp, 
      Hôm nay tôi lại trở lại nhà thờ Đình Khao lần nữa với góc ảnh, mong các bạn xem vừa lòng. Bởi không biết sao tôi lại thích lắm, hình ảnh Đức Mẹ trong cảnh trí vừa u tịch mà lại huy hoàng.
      Lễ Giáng Sinh năm nay không biết sao lòng tôi hạnh phúc, nhất là xem những tin tốt lành từ Đức Giáo Hoàng, thứ hai chiêm ngưỡng Nhà Thờ đẹp vừa hoàn thành nhưng chưa hoàn tất..
    Chia làm hai trong bộ ảnh gởi đến các bạn như một tin lành năm này.












Trương Văn Phú
Đình Khao 24-12-2013

Nếu Đời Sau Còn Rộng



Nếu trót đã
xin ngàn lần thứ lỗi

Nếu còn đời sau
xin trả nợ người

Nếu một mai
mặt trời độ lượng

Xin mỗi trái tim
là ánh lửa tuyệt vời.


Hồ Việt Kim Chi

Làn Điệu Dân Ca- Trần Quang Hải Và Bạch Yến





Ca Nhạc Sĩ: Trần Quang Hải và Bạch Yến
Thơ cảm tác: Quên Đi
Thơ Tranh: Kim Oanh

Sáng Sớm,Qua Đèo Bảo Lộc



Con đường nhỏ ngoằn ngoèo quanh vách núi
Rừng im lìm, u tối dưới màn sương
Bụi dã quỳ hoang dại ở bên đường
Hoa đang nở... Vầng dương vừa ló dạng
Qua khỏi dốc, mặt trời lên tỏa sáng
Ngút ngàn xanh...Vô tận: núi, rừng, thông
Lồng lộng quanh ta không khí trong ngần
Ta đang sống hay đất trời đang thở ?
Buồng phổi mở tung phập phồng đón gió
Giây phút giao hòa: trời đất và ta
Một con người và vũ trụ bao la.


Lộc Mai (Phương Hà)

Vĩnh Long Và Em Ngày Tháng Cũ



           (Họa thơ Sáng Sớm, Qua Đèo Bảo Lộc của Tác Giả Lộc Mai)

Quê hương đó một phần đời khép lại
Tiếng mái chèo khua nước tối mờ sương
Ánh đèn đêm sót lại những con đường
Mặt trời lên…bóng đen chìm mất dạng
Nắng chan hòa Vĩnh Long ôi buổi sáng
Tràn mắt ai lấp lánh tợ vì sao
Bờ vai ngoan ôm tóc rối hôm nào
Vẫn còn đây phút ngỡ ngàng bối rối
Vĩnh Long đó và em ngày tháng cũ
Nhủ lòng quên mãi thêm da diết nhớ
Em nụ hồng mở ngõ trái tim ta
Biết tìm đâu ôi đất rộng bao la

 Kim Phượng


Hùng Ca Sử Việt 1:Tiếng Hờn Sông Hát


      Thi Sách chàng ơi trọn kiếp này
     Thù nhà hận nước nặng đôi vai
Liều thân nhi nữ vì sông núi
       Thề diệt xâm lăng dạ chẳng thay
                                                                                 Quên Đi

          Từ ngày lập nước Văn Lang, trải qua hàng ngàn năm, các vua Hùng đã đem đến cho dân Lạc Việt cuộc sống ấm no. Nhưng đến đời Hùng Vương thứ 18 thì thế nước bắt đầu suy tàn, vua Hùng Vương thứ 18 vốn nhu nhược, nên bị vua  nước Âu Việt là Thục Phán chiếm lấy. Sau khi giành được đất Lạc Việt của họ Hồng Bàng, Thục phán sát nhập thành nước Âu Lạc, xưng là An Dương Vương, đóng đô tại Phong Khê (nay là vùng Cổ Loa, huyện Đông Anh-Hà Nội).
          An Dương vương lúc nào cũng phòng bị, cho xây thành Cổ Loa, luôn huấn luyện quân lính để bảo vệ đất nước. Lúc bấy giờ chúa quận Nam Hải (Quảng Đông ngày nay) là Triệu Đà nhiều lần kéo quân xâm chiếm, nhưng đều thất bại. Sau cùng Triệu Đà dùng kế nội gián, cho con là Trọng Thuỷ sang cưới Mỵ Châu con An Dương Vương (tạo nên câu chuyện tình thương tâm trong sử Việt).
        Thôn tính xong nước Âu Lạc, Triệu Đà lập nước Nam Việt mở đầu kỷ nguyên nhà Triệu. Đến cuối thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên, Thái Hậu Cù Thị cùng Vua Triệu Ai Vương định dâng nước cho nhà Hán, bị tể tướng Lữ Gia chống đối và tiêu diệt. Lữ Gia kêu gọi người dân đứng lên chống giặc Hán xâm lược. Nhưng thế cô  lực lượng mỏng, bị Hán quân tiêu diệt.
         Thế là thời kỳ Bắc Thuộc lần thứ nhất bắt đầu.
         Nhà  Hán chia nước ta thành quận huyện. Đứng đầu mỗi quận là một viên Thái thú người Hán, còn dưới mỗi huyện phần lớn vẫn để các Lạc tướng người Việt trông coi, theo chính sách "dùng tục cũ mà cai trị".
         Tuy nhiên các quan lại nhà Hán cai trị rất hà khắc, rất tham lam và tàn bạo. . bắt dân ta xuống biển mò ngọc trai, lên rừng săn sừng tê, ngà voi, sưu cao thuế nặng ... Các quan Lạc tướng cũng bị khinh thường và đối xử tàn tệ, khiến các Lạc Tướng vô cùng căm phẩn.
         Vốn căm thù quân Hán xâm lược, lúc bấy giờ có Lạc Tướng huyện Chu Diên (nay là Hà Nam và Nam Hà), có con trai là Thi Sách, là người chí lớn, tinh thần bất khuất quật cường,  cưới con gái Lạc Tướng Huyện Mê Linh (nay là vùng Sơn Tây cũ và tỉnh Vĩnh Phú), thuộc dòng dõi Hùng Vương, là Trưng Trắc tài trí hơn người.
         Hai gia đình Lạc tướng thông gia  cùng mưu tính liên kết đứng lên đuổi giặc, cùng lo chuẩn bị lực lượng, tập hợp dân chúng, rèn đúc vũ khí .
         Nhưng  việc bại lộ. Thi Sách bị viên Thái thú TôĐịnh bắt và giết đi.
          Vốn là người có chí lớn, tài trí hơn người, Tuy việc khởi nghĩa bị lộ, không hề rung sợ,  hai Bà Trưng vẫn tiếp tục sự nghiệp mà Thi Sách đã để lại.
Tháng 3 năm 40 (theo dương lịch), Hai Bà phất cờ
 khởi nghĩa ở Mê Linh. Những lời tuyên thệ trước ba quân tướng sĩ :
Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kêu oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lệnh này.

 
         Hai Bà Trưng là những hậu duệ trực tiếp của các vua Hùng, còn mẹ của Hai Bà, bà Man Thiện, cũng là cháu chắt bên ngoại của vua Hùng. Bà góa chồng sớm nhưng đã nuôi dạy hai con gái thành những trang anh hùng kiệt xuất, mở đầu cho lịch sử chống ngoại xâm vẻ vang của dân tộc. Khi hai con gái và con rể chuẩn bị khởi nghĩa, bà đã không quản đường xa mệt mỏi, đi lại khắp nơi để hẹn ước với nghĩa quân các địa phương. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng sở dĩ mau chóng thắng lợi là vì các lực lượng trong nước đều nhất tề đứng đậy một lần, làm cho quân giặc trở tay không kịp. Với danh nghĩa là vợ một vị Lạc tướng lẫy lừng, đã quán xuyến mọi công việc sau khi chồng chết, nên lời nói của bà được mọi người trong nước tin tưởng và hưởng ứng nhiệt liệt.       
         Trước đó trên mọi miền đất nước, đã có những cuộc nổi dậy lẻ tẻ. Nay nghe tin hai Bà, vốn là dòng Hùng Vương dấy nghiệp, đều nhất tề đứng lên, Mê Linh đã trở thành nơi tụ nghĩa của đồng bào cả nước.
          Từ Mê Linh, nghĩa quân tiến đánh Luy Lâu
 (thuộc Thuận Thành, Hà Bắc) là thủ phủ của chính quyền Đông Hán ở Giao Chỉ. Thành Luy Lâu bị hạ, Tô Định phải cắt tóc cạo râu, ăn mặc giả làm con gái, tìm đường lẻn trốn về Nam Hải (thuộc Quảng Tây, Trung Hoa).
        Từ Luy Lâu, nghĩa quân tiến đánh nhiều phủ                                  
huyện khác, phối hợp với lực lượng nổi dậy ở các địa phương. Bọn quan lại ở Đông Hán hoảng sợ, có nơi mới chỉ nghe tin nghĩa quân đang đến, đã phải bỏ lại cả của cải, ấn tín, giấy tờ ... để cốt chạy tháo thân về nước.
         "65 huyện thành", nghĩa là toàn bộ nước ta hồi đó đã sạch bóng quân xâm lược. Bà Trưng Trắc được tất cả các tướng sĩ và quân lính suy tôn lên làm vua, đóng đô ở Mê Linh. Bà Trưng Nhị và các tướng lĩnh khác đều được phong tước, chia nhau ra giữ các miền xung yếu. Hai năm liền, mọi người cả nước được miễn tất cả các khoản sưu thuế, sống trong nền độc lập tự chủ.       
         Tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa và xưng vương đã làm chấn động cả vương triều Hán. Hán Quang Vũ vô cùng tức giận, lập tức hạ lệnh bắt các quận miền Nam (Trung Hoa) lo trưng tập binh mã, sắm sửa thuyền bè khí giới, sửa sang đường sá, tích trữ lương thảo ... để chuẩn bị đánh chiếm lại nước ta.
         Tháng 4 năm 42, vua nhà Hán phong Mã Viện làm "Phục Ba Tướng Quân" đem hai vạn quân cùng hai nghìn thuyền xe, vừa thủy vừa bộ, từ Hợp phố
 (Quảng Đông) tiến thẳng vào vùng Lãng Bạc (Tiên Sơn, Hà Bắc).
         Mã Viện là viên tướng già có nhiều mưu gian kế hiểm, và thuộc vào loại sừng sỏ nhất của nhà Hán thời đó. Một tay y đã từng đánh dẹp người Khương và đàn áp các cuộc khởi nghĩa trong nước.      
        Trưng Nữ Vương và các tướng lĩnh của Hai Bà Trưng đã đưa quân ra chống giặc từ biên giới, trước thế giặc rất hung hãn, quân ta đã chống cự mãnh liệt, các trận chiến ác liệt đã diễn ra ở Lăng Bạc, Ðông Triều, Yên Phong, Hà bắc.
                Cuối cùng quân ta yếu thế hơn phải rút lui về Cẩm Khê (Yên Lạc, Vĩnh Phú). Mã Viện đem quân đuổi theo. Tại Cẩm Khê và các vùng lân cận lại diễn ra nhiều cuộc chiến đấu ác liệt nữa, kéo dài gần một năm sau.
         Hai bên đều bị hao binh tổn tướng. Hàng vạn người Việt đã ngã xuống trong các trận chiến ác liệt để bảo vệ Tổ Quốc thiêng liêng của mình. Nhưng quân giặc do đông hơn, lại có nguồn chi viện thường xuyên, còn quân ta lực lượng ít hơn, lại bị chặn các nẻo đường tiếp tế. Cuối cùng, do lực lượng quá chênh lệch, quân ta đã thất bại.
         Khi chạy tới vùng cửa sông Hát, thấy không còn cứu vãn nổi tình thế được nữa, Hai Bà Trưng thà chết chứ nhất định không chịu rơi vào tay giặc, đã cùng nhảy xuống sông tự tử. Đó là ngày mồng 6 tháng 2 Âm lịch, (Dương lịch là tháng 3 năm 43).
         Chiếm được nước ta, nhà Hán sáp nhập vào Ðông Hán. Mã Viện còn cho dựng cây đồng trụ ở chỗ phân địa giới và cho khắc sáu chữ : "Ðồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" (cây đồng trụ đổ, thì người Giao Chỉ mất nòi). Dân ta ai qua đó cũng ném một hòn đá vào, dần dần thành gò cao, đến nay không biết cột trụ đâu
         Thế là nước Ta lại bị giặc Tàu đô hộ.
         Sau khi vua Trưng cùng 162 tướng tuẩn tiết, cả nước vô vùng thương tiếc, đã lập đền thờ ghi công đức của hai vị nữ anh hùng của dân tộc. Hàng năm, vào ngày 6 tháng 2 Âm Lịnh, là ngày giỗ hay là lễ hội tưởng nhớ Hai bà (cũng là Ngày Phụ nữ Việt Nam tại miền Nam trước kia) được tổ chức tại Miền Nam Việt Nam  trước năm 1975 và hiện nay tại nhiều nơi trong nước Việt Nam cũng như cộng đồng người Việt tại nước ngoài
         Tương truyền vua Anh Tông nhà Lý, nhân trời đại hạn, khiến thiền sư Tịnh Giới đến đền cầu mưa, quả được mưa, khí mát buốt người. Vua mừng liền qua xem, hốt nhiên ngủ mộng thấy hai thiếu nữ mặt hoa mày liễu, áo lục quần hồng, mão đỏ, thắt lưng, cỡi ngựa sắt theo mưa mà chạy ngang. Vua lấy làm lạ mới hỏi. Đáp rằng:
- Thiếp là chị em Nhị Trưng đây, vâng mệnh Thượng đế xuống làm mưa.
Vua tỉnh dậy mà cảm, sắc phong trùng tu từ vũ, rồi sắm lễ vật đến tế, sai sứ rước về phía Bắc Đại nội, dựng đền Vũ Sư mà thờ phụng. Sau lại thác mộng cho vua xin lập đền thờ ở làng Cổ Lai, vua nghe theo, sắc phong Trinh Linh Phu Nhân.
Năm Trùng Hưng thứ tư, phong bà chị là Chế Thắng phu nhân, năm Hưng Long thứ hai mươi mốt, gia thêm hai chữ Thuần Trinh. Lại gia phong thêm cả bà chị và bà em hai chữ Bảo Thuận, thường thường vẫn có linh ứng.

                                             Đền Thờ Hai Bà Trưng ở Vĩnh Phúc

         Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, Sử-gia Lê văn Hưu 黎文休nói rằng:
« Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn-bà nổi lên đánh lấy được 65 thành-trì, lập quốc xưng vương dễ như giở
bàn tay. Thế mà từ cuối đời nhà Triệu cho đến đời nhà Ngô hơn một nghìn năm, người mình cứ cúi đầu bó tay làm tôi-tớ người Tàu, mà không biết xấu-hổ với hai người đàn-bà họ Trưng! ».
        Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Sử thần Ngô Sĩ Liên nói:
Họ Trưng giận thái thú nhà Hán bạo ngược, vung tay hô một tiếng mà [4a] quốc thống nước ta cơ hồ được khôi phục, khí khái anh hùng há chỉ lúc sống dựng nước xưng vương, mà sau khi chết còn có thể chống ngăn tai họa. Phàm gặp những việc tai ương hạn lụt, đến cầu đảo không việc gì là không linh ứng. Cả bà Trưng em cũng thế. Vì là đàn bà mà có đức hạnh kẻ sĩ, cái khí hùng dũng trong khoảng trời đất không vì thân chết mà kém đi. Bọn đại trượng phu há chẳng nên nuôi lấy cái khí phách cương trực chính đại ấy ư ?
         Vua Tự Đức viết trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục:
Hai Bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời thế, nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh
sử sách. Kìa những bọn nam tử râu mày mà chịu khép nép làm tôi tớ người khác, chẳng những mặt dày thẹn chết lắm                  
         Phải chăng những nhận xét trên quá khắc khe với đấng mày râu chăng? Chúng ta thử nhìn lại trên thế giới  những Nữ Vương vang danh thiên hạ
 1 - Cleopatra VII Philopator : gốc người Hy Lạp( 69 trước Công Nguyên-30 trước Công Nguyên) là Nữ Hoàng thời cổ đại của Ai Cập. Bà rất nổi tiếng trên thế giới, là người thông minh tài giỏi. Tuy nhiên, quyền lực của bà do vua cha truyền lại .
2 - Võ Tắc Thiên ( Võ Chiếu 625 - 705 ) Chặng đường lên ngôi vua của bà dựa vào nhiều yếu tố khách quan. Nhờ vào sự ganh tỵ trong nội cung, bà được Vương Hoàng Hậu ( Vua Đường Cao Tông) đưa vào cung cất nhắc lên làm Võ Hoàng Phi hiệu là Chiêu Nghi. Sau đó được Đường Cao Tông phong làm Hoàng Hậu....
                 Nhìn con đường dẫn đến ngai vàng của hai vị Nữ Hoàng nổi tiếng nhất trong lịch sử thế giới, nếu đem so với con đường đi đến ngôi vua của Trưng Nữ Vương, chúng ta thấy Bà Trưng không hề thua kém nếu không muốn nói là bi hùng hơn hẳn.
Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn 

Thơ Tranh: Em Vẫn Đi Về

Melbourne Noel năm nào trời cũng mưa dù mùa Hè. Mưa ngoài trời và mưa trong tôi...


Thơ và Thơ Tranh: Suối Dâu

Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Lời Ru Ca Bốn Mùa Trong Tình Sử



Gặp em mùa Hạ
Quen em mùa Thu
Thương em mùa Đông
Yêu em mùa Xuân

Rồi Hạ lại qua, rồi Thu lại tới
Gió lạnh bắt đầu thổi
Căn gác trọ đìu hiu
Không có em
Vòng tay bỏ ngỏ
Bờ môi hững hờ

Em có nghe không?
Từng tiếng đập
Từng hơi thở
Rạo rực hồn anh
Khi có em trong tay
Tấm thân nóng bỏng này từng khát khao ấp ủ
Làm vỡ tan tảng tuyết lạnh hồn em

Em thấy chăng?
Mùa Đông sắp đến
Hãy lắng im nghe
Lời ru ca bốn mùa trong tình sử
Lời anh ru em cho mãi mãi ngàn năm*:
-Như con gấu trắng vẫn cô đơn
tìm lên đỉnh Kilimanjaro** vào mùa đông tuyết giá
-Anh cũng vẫn tìm em
dù nắng dù mưa
dù nóng dù rét
dù Xuân Hạ Thu Đông.

*Âm hưởng : Ru em từng ngón xuân nồng/TCS
**Kilimanjaro:núi tuyết đẹp tuyệt vời ở châu Phi
trong tác phẩm lừng danh của văn hào E.Hemingway
đã được quay thành phim.


H.N.T./ H.N. 
SG, Thu 72

Tình Này



Người không về cùng tôi đêm nay
Đi cho hết nỗi buồn mới tới
Mưa không về cùng tôi đêm nay
Nói cho hết những ngày tháng cuối

Người không về như mưa không tới
Đem thả nỗi buồn cho gió bay
Hàng đèn đỏ lửa chiều u ám
Không có tình này tôi nhớ ai

Người chưa về chắc mưa chưa hay
Cuối năm ngồi bắt nhớ tình này
Những con đường café quán nhỏ
Hàng cây già nghiêng bóng lên vai

Người chưa về năm tháng chưa hay
Tóc xanh phai mới chớm tình này
Cửa đóng chưa nghe người khách gọi
Người chưa về với mưa đêm nay

Người chưa về như hoa nở muộn
Mắt chiều thiếu phụ buồn như say
Cuối năm khép cửa đời lưu lạc
Còn chút tình này đem gối tay

Lâm Hảo Khôi

(10-12-13)

Xa Em Kỷ Niệm - Ca Sĩ Thanh Hà

      Những mùa thu lá rơi và những mùa đông giá lanh năm ấy em và anh nồng ấm hạnh phùc biêt bao ,nay cũng mùa thu và mùa đông đó lại về mà chỉ còn mình em đơn côi lẽ loi với nỗi nhớ nhung đến tận cùng của con tim,không thể nào quên đi được kỹ niệm thuở xưa ấy mà bây giờ đã xa thật rồi.anh ơi !!!!!


Nhạc: Ngoại Quốc lời Việt
Ca Sĩ: Thanh Hà
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình

Dưới Tiếng Thông



    ( Từ Tiếng Thông Reo)

Trăng đẹp ta ngồi mê thưởng thức
Vài cây thông đứng mài hiên ngoài
Gió Tây Nam dạt dào thổi tới
Luồn lá cành chẳng xin phép ai

Phát tiếng vi vu đêm thanh vắng
Khuya rồi trăng vẫn bước quan hoài
Mưa phần phật táp vào núi lạnh
Tiếng đàn Thu réo rắt bên tai

Nghe qua quên hết niềm nồng bức
Mà nghe lâu thích thú niềm tây
Đã tối rồi lại không nên ngủ
Thân tâm cùng rất đỗi sảng nhiên

Lối đường Nam rộn ràng xe cộ
Xóm Tây còn đàn sáo liên miên
Dưới thềm ai hay tâm sự tớ
Nghe sướng tai chẳng nệ huyên thiên

Chân Diện Mục   

               

Cảm Tác: Thông Reo

      Song Quang không thể dịch, nhưng cũng tạm mượn ý để có bài lục bát góp vui với "Vườn thơ thẩn". 

                   
Một mình ngồi ngắm trăng thanh
Hai cây thông đứng chênh vênh trước nhà
Tây Nam gió thổi tràn qua
Lùa vào cành lá như là tiếng mưa
Vi vu réo rằc nửa đêm
Dưới vầng trăng tỏ xua tan muộn phiền
Đêm qua giấc ngủ nào yên
Nhưng lòng thư thái cô miên đêm tròn
Đường Nam xe cộ dập dồn
Thôn Tây rộn rả tiếng đờn tiếng ca
Có ai biết trước hiên nhà
Bên tai huyên náo,nhưng mà lòng êm ?!

Song Quang

Trong Máng Cỏ Đơn Sơ - Hải Triều, Cát Minh

      Cám ơn anh Phú những hình ảnh quê nhà, em mến chúc anh và con cháu một Mùa Giáng Sinh an lành.
      Tặng hai ông cháu của anh kỷ niệm Giáng Sinh 2013


Sáng tác: Hải TriềuViết lời bè: Cát Minh
Tiếng hát: Thiếu Nhi Thánh Thể
Hình ảnh: Trương Văn Phú
Nhà Thờ Chánh Tòa Vĩnh Long
Thực Hiện: Kim Oanh


Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

Thông Reo (Tùng Thanh Bạch Cư Dị)

      Thầy Ứng dịch thơ với Nhà thơ Quên Đi vừa góp vui, vừa cám ơn lần nữa khối Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp ngày 8-12-2013 vừa qua. Chúc thành đạt và hạnh phúc năm
MÃ ĐÁO THÀNH CÔNG.



Đôi Tùng hiên trước chơi trăng
Chừ ta một bóng thì thầm với thơ

Tây nam đợt gió vu vơ
Xuyên cành lách lá mơ hồ lao xao 

Nửa đêm trăng sáng ôi chao
Cung đàn thu lạnh khéo trao nốt thần
Núi Hàn ( ?) mưa giọt xa xăm
Xua tan u ẩn âm thầm bấy lâu
Giải thêm phiền muộn không đâu
Suốt đêm thanh thản mây sầu tuyệt nhiên
Đường Nam xe, ngựa liền liền
Xóm Tây ca nhạc triền miên từng ngày
Chừ đây tịch tĩnh hiên này
Xôn xao ai biết quấy rầy đôi tai ...


Bình Tam Lê


Dịch Thơ: Thông Reo

Em xin được tiếp bước cùng Thầy Mailoc.



Dịch Thơ : Thông Reo
 
Mình ta ngắm trăng huyền
Hai thông cạnh mái hiên
Gió từ tây nam đến
Lặng lẽ xuyên lá cành
Rì rào tấu khúc thanh
Nửa đêm cùng trăng sáng
Tựa mưa núi vọng sang
Như đàn thu tơ lạnh
Nghe qua buồn tan biến
Càng nghe hết muộn phiền
Cả đêm không yên giấc
Vẫn thư thái tâm hồn
Đường nam xe dập dồn
Xóm tây rộn tiếng ca
Ai biết kẻ bên thềm
Nghe hết lòng vẫn êm.

Quên Đi