Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Nhà Thờ Chánh Toà Vĩnh Long - Thiếu Nhi Tập Dợt Phụ Lễ- Noel 23-12-2013










Trương Văn Phú 
Vĩnh Long đêm Giáng Sinh 23/12/2013


Lễ Nhà Thờ Thiềng Đức & Đình Khao - Vĩnh Long Đêm 24-12-2013

Nhà Thờ Thiềng Đức - (Quẹo đường Lê Minh Thiệp vào xóm dân cư)





Lễ Nhà Thờ Đình Khao





Trương Văn Phú 
Vĩnh Long Đêm Noel 24-12-2013

Đêm Thánh Lễ Nhà Thờ Chánh Tòa Vĩnh Long - 25-12-2013






Nguyện Cầu bên Máng Cỏ  Chúa Hài Đồng
 Thánh Lễ xong ra về  






Từ nhà thờ Chánh Toà nhìn ra cổng 


Trương Văn Phú
Vĩnh Long  đêm Noel 25-12-2013

Noel Sắp Đến Rồi Anh Nhỉ!



Sao vẫn còn vương vấn bên lòng
Xa nhau biền biệt mấy mùa đông
Noel sắp đến rồi anh nhỉ
Một bóng âm thầm anh biết không?

Tôi vẫn lặng đi những buổi chiều
Gọi thầm người đã một lần yêu
Noel sắp đến rồi anh nhỉ
Quà gi cho anh, "nhớ rất nhiều".

Biện Công Danh (DTTN)
Ảnh của Tác Giả chụp


Khép Lại Sầu Dư




Giáo đường vang tiếng chuông ngân
Ngàn chiên ngoan đạo tay lần chuỗi sâu
Thành tâm khấn nguyện ơn cao
Ban niềm hạnh phúc, vơi sầu, khổ buông...

Đêm qua sương mịt mù sương
Bình minh thiếu nắng, gió luồn song thưa
Tháng mười hai bỗng đổ mưa!
Phố chiều thưa vắng, gió đưa lạnh về

Lang thang từ chốn nhiêu khê
Thiên đường tìm lối ngỡ kề mà xa
Mênh mông đường rộ tuyết hoa
Mùa yêu thương đến ... chợt da diết buồn!

Là chiên ngoại đạo bỗng vương
Nghe hồi chuông đỗ bên đường rưng rưng
Hứa lòng mai sẽ dửng dưng
Sầu dư khép lại! Đón mừng mùa sang!


Yên Dạ Thảo
22.12.2013

* Hình phụ bản của tác giả gửi

Bên Lề Giấc Mộng (3)

Tạp văn nhiều kỳ của Hà Nguyên


      Hồi mới từ quê lên ở nhà tôi, anh Đồng mới 13 tuổi, chỉ là một thằng bé ốm nhom, ốm nhách, đen thủi đen thui và khờ ịch. Chữ nghĩa thì bập bẻm, đựng chưa đầy lá mít. Thỉnh thoảng anh chúi nhũi vào một xó nào đó khóc tấm ta tấm tức vì nhớ nhà. Nhưng dần dần anh trở nên lanh lợi, ranh ma từ lúc nào không biết. Có lẽ, cuộc sống bon chen nơi thành thị đã khiến anh lột xác mau như vậy! Lúc ấy, nhiệm vụ chính của anh mỗi ngày là chăn giữ bốn chị em chúng tôi, gồm ba gái, một trai mà đứng đầu là tôi, một con bé ngốc nghếch dưới mắt mọi người.

      Ngày ấy, chưa có nhà trẻ hay mẫu giáo bán trú như bây giờ, cho nên vai trò của một “thằng nhỏ” như anh rất quan trọng trong gia đình chúng tôi. Sáng sáng, anh lãnh phần đút đồ ăn sáng cho bọn trẻ chúng tôi, gồm các món thay đổi mỗi ngày. Cách thức anh cho chúng tôi ăn rất ngộ: anh để bốn phần ăn của chúng tôi kề bên anh, xong anh bày trò chơi “năm mười, mười lăm” với chúng tôi. Khi lần lượt trong từng đứa chúng tôi bị bắt, anh đút cho mỗi đứa một miếng. Cứ thế mà cho đến khi hết sạch đồ ăn trong chén. Việc này làm cho người lớn trong gia đình tôi rất vui! (Nhưng nếu người lớn biết được “mánh lới” của anh chắc sẽ không vui chút nào, vì thịt thà trong các phần ăn của chúng tôi đều bị anh lén lủm muốn hết!).


      Nhớ lúc gia đình tôi ở Trảng Sụp. Khi đó, mẹ tôi hãy còn trẻ, chưa biết cách buôn bán để kiếm tiền như sau này, nên tháng nào cha tôi thua cháy túi, kể như tháng đó gia đình tôi phải khốn khổ về tiền bạc. Có một lần, thấy mẹ tôi cứ khóc mãi, khóc đến nỗi hai mắt sưng chùm bụp, anh Đồng nói với mẹ tôi: “Cô đừng lo, để con tính!”. Thế rồi, anh để mấy em tôi ở nhà, chỉ cõng theo một mình tôi chạy một mạch đến chỗ sòng bài, nơi cha tôi đang đậu chến. Đợi lúc cha tôi ăn bài, anh xúi tôi nhào vô xin tiền ăn hột vịt lộn. Trong lúc tôi mè nheo vòi vĩnh xin tiền cha tôi, anh Đồng cởi áo, vùa hết tiền của cha tôi bỏ vào áo túm lại rồi chạy a về nhà đưa cho mẹ tôi! Đối với dân ghiền cờ bạc được mệnh danh là “Đổ Bác Vương” như cha tôi, ông chỉ chưởi láp váp vài câu, rồi lại chúi mũi vào sòng bài, chứ đâu có hưởn mà rượt theo anh Đồng!

      Năm 1964, khi ấy gia đình tôi đã định cư ở Sài Gòn. Sài Gòn lúc ấy chưa có thủy điện Đa Nhim, nguồn điện được cung cấp từ nhà đèn Chợ Quán, nên cảnh “đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ” chỉ có ở trung tâm, còn ở Gò Vấp là ngoại ô, ban đêm đèn mờ hiu hắt! Vào mùa mưa, tối tối anh Đồng đi theo mấy thằng nhóc tì trong xóm rảo rảo mấy cây cột lồng đèn bắt dế cơm, mỗi lần đựng cả thùng thiếc dầu lửa “con sò”. Sáng ra, mẹ tôi đem lũ dế cơm này ngắt đầu, rút ruột, dồn hột đậu phộng rang vô rồi lăn bột chiên dòn. Đây là món khoái khẩu của lũ trẻ trong gia đình chúng tôi!

      Ở Gò Vấp hồi đó, có hai rạp ciné là rạp Lạc Xuân và rạp Đông Nhì. Rạp Lạc Xuân ở ngay trung tâm chợ, nên hầu như trưa nào, anh Đồng cũng dắt chúng tôi ra đó xin vào “coi cọp” (có nghĩa là xin vào xem mà không phải mua vé). Thời đó, vào ban ngày các rạp chiếu bóng ở Sài Gòn thường chiếu permanent (thường trực), các phim được chiếu thường là phim Ấn Độ, Hồng Kông hoặc Đài Loan. Ngày xưa, phim ảnh không có thuyết minh hay lồng tiếng như bây giờ, mà chỉ có phụ đề. Tôi coi phim “Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài” nhiều lần, cho tới tận bây giờ sau nhiều năm, vẫn còn thuộc làu làu mấy câu phụ đề Việt ngữ: “Anh Đài lòng dạ ai hoài, Xin cha đi học, cha rầy không cho. Nàng bèn cải dạng nam trang, Dắt con tỷ tất lên đàng ứng thi. Giữa đường nàng gặp Lương Sinh, Hai bên kết nghĩa nên tình đệ huynh…”

      Có một thời gian mẹ tôi bị bắt giam hết mấy tháng vì tội buôn thuốc lá hiệu Agra (con két) là đồ “quốc cấm”. Còn dì tôi mỗi ngày phải xuống Nhà Bưu điện Trung tâm làm việc từ sáng đến chiều mới về, nên việc chăm sóc chúng tôi đều do một tay anh Đồng gánh hết! Anh vẫn duy trì mọi sinh hoạt, tuy nhiên thời gian anh cho chúng tôi ở ngoài đường nhiều hơn lúc có mẹ tôi ở nhà.
“Vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm” thật đúng với anh Đồng! Thời gian này, khi thì anh làm chủ nhà cái cho sòng lắc “bầu cua cá cọp”, khi thì anh bày ra chơi hốt me, binh xập xám hoặc xì dách, các tê. Mỗi lần bày ra cờ bạc, anh thường hát câu: “Có cô gái Đồ Long lắc bầu cua. Lắc một cái ra ba con gà mái. Chung hết tiền, đi trốn liền… “ nghe rất dí dỏm! Anh làm cái rất giỏi, bữa nào cũng ăn bài (sau này tôi mới biết là anh có biệt tài bấm bài, lắc cho chênh hột kê huê rất tài tình!). Và nhờ thế, chị em chúng tôi cũng được anh cho ăn quà bánh thỏa thuê, phần nào quên đi cảm giác thiếu vắng mẹ!

      Ắt hẳn các bạn vẫn còn nhớ trong bài tạp văn kỳ trước, tôi đã từng tự xưng mình là một “tiểu sư tỷ”. Chính giai đoạn này, tôi đã học được mánh lới cờ bạc từ anh Đồng! Hầu như không có môn cờ bạc nào mà tôi không biết, mà lại là thứ cờ gian bạc lận nữa chứ! Ghiền tiểu thuyết, ham cờ bạc, khoái đi lang thang rong chơi là những tật xấu của tôi ngày đó!


      Sau 1968, tôi về học ở Tống Phước Hiệp hết bốn năm. Mãi đến 1972, mùa hè đỏ lửa, tôi mới về lại Sài Gòn, học Đệ nhị cấp (tức cấp III bây giờ) ở trường Trưng Vương. Trường Trưng Vương và Chu Văn An là trường của người Bắc di cư vào Nam năm 1954. Tiền thân của trường Chu Văn An là trường Bưởi, còn trường Trưng Vương là trường Đồng Khánh (tức Jeane D Arc) ngoài Hà Nội. Lúc này, gia đình tôi đã dọn về trong trại Cửu Long ở Thị Nghè. Riêng anh Đồng đã lớn, học nghề thợ mộc bên Ngả ba Hàng Xanh rồi được ông chủ gả con gái cho anh! Còn Dì tôi cũng đã xin đổi về Vĩnh Long từ lâu!

      Mười sáu tuổi, tôi không còn là một con bé để tóc demi gacxon, đi học luôn để đầu trần như ngày xưa, mà đã bắt đầu tập tành cách “chuốc lục, tô hồng” để ngợi ca nhan sắc của mình! Tuy ở trong lớp, tôi không phải là “hoa khôi”, cũng không phải là “hoa hôi” (khi người ta trẻ mà!), nhưng cũng dư sức cho một số cây si mọc chung quanh tôi. Tôi bắt đầu bắt chước theo lũ bạn đi học đủ thứ: học dance, học đàn, học Anh văn ở Hội Việt Mỹ, ở trường Khôi Nguyên của Trần Như Phùng, ở trường Ziên Hồng của Lê Bá Kông, học tiếng Pháp ở Pháp văn Đồng Minh Hội, học tiếng Đức ở Viện Goethe… với ước vọng sẽ trở thành một “quý cô” thanh lịch.
* * *
      Ngày 30/4/1975 đến, là bước ngoặt lớn của đời tôi! Từ nay, tôi không còn là một con bé vô tư lự nữa, mà phải bước ra cuộc đời, để rồi phải té lên, té xuống nhiều lần!
      Những ngày tiếp theo sau đó, cha tôi phải xa gia đình một thời gian dài, vì thế, mẹ tôi phải một mình lèo lái gia đình, gồm mười đứa con! Thời đó, gia đình tôi thuộc thành phần có lý lịch “đáng xấu hổ”, nên sau khi tôi thi đại học không đậu, thậm chí còn không vào được trung cấp và những vật dụng trong nhà lần lượt đội nón ra đi, mẹ tôi quyết định dắt díu nhau đi vùng kinh tế mới ở tỉnh Sông Bé (Bình Phước bây giờ). Ngày ấy, nơi đây còn là vùng rừng thiêng nước độc, thuốc men không có, bệnh gì cũng trị bằng một loại thuốc mang tên “xuyên tâm liên”, nên chỉ sau một thời gian ngắn, ba đứa em của tôi - gồm hai gái, một trai- đã vĩnh viễn nằm lại ở đó! (Mãi đến nhiều năm sau, chính đích thân tôi đã trở về chốn cũ để mang di cốt của các em tôi về quê nhà ở ngọn Kỳ Hà, xã Phú Đức là quê ngoại của tôi, làm tròn ước nguyện của ông Ngoại tôi lúc còn sinh tiền!)


      Thế rồi, gia đình chúng tôi lại phải dắt díu nhau về lại Sài Gòn. Nhà cửa không còn, do không đủ tiền để thuê nhà, mẹ con chúng tôi phải ra sống ngoài vỉa hè ở khu chợ Cầu Muối. Vì ít vốn, nên gia đình tôi chỉ có tiền để mua rau cải rồi bán lại. Nhiều hôm bán ế, gia đình chúng tôi phải ăn rau muống hoặc cải độn với cơm.
      Bữa nọ, tình cờ em tôi gặp lại anh Ngầu, bạn chí cốt ngày xưa của anh Đồng. Anh Ngầu bảo em tôi dắt anh đến chỗ ở của gia đình tôi. Sau khi tìm hiểu đời sống của chúng tôi, anh bảo với mẹ tôi rằng anh sẽ tạo điều kiện cho tôi kiếm tiền! Thế rồi, ngay sáng hôm sau, tôi đã tới khu Chợ Cũ để gia nhập vào nhóm “buôn gian, bán lận” của anh Ngầu.

      Thời đó, người từ miền Bắc vào miền Nam rất nhiều. Những món hàng như radio, đồng hồ… là những thứ mà họ rất thích mua. Nhờ có anh Ngầu bảo lãnh, nên băng tần của anh Ngầu mỗi ngày giao hàng cho tôi bán rồi trả lại tiền vốn cho họ! Thường thường, những món hàng này tốt có, xấu có mà trong đó, xấu nhiều hơn tốt! Nhờ tài ứng đối lanh lẹ, mặt mày xinh xắn nên tôi dễ dàng hòa nhập vào đội ngũ xi lố cố này, cũng như dễ dàng tạo những cú lừa ngoạn mục đối với khách hàng. Có không ít người đã sập bẫy của tôi!

      Trong số dân chợ trời như tôi, có anh Cường là người “bảnh tẻng” nhất! Anh nhỉnh tuổi hơn tôi một chút, có bộ dạng thư sinh, gương mặt trí thức, tánh tình hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ và nghề anh chạy mánh cũng rất sang trọng: nghề buôn bán vàng. Tôi nghe nói trước đây, gia đình anh có tiệm vàng. Anh là dân Tabert, nên thỉnh thoảng tôi xổ tiếng Tây ra nói chuyện với anh! Nhưng trời ạ, sau khi nổ lốp bốp với anh được một thời gian, vào một buổi trưa nọ, anh nhẹ nhàng nói với tôi rằng: khi dùng câu xin lỗi, ta không nói :”I am sorry!” như tôi đã thường dùng, mà phải dùng: “I m sorry!” mới đúng, vì khi người Anh Mỹ sử dụng câu này, họ luôn dùng phép tỉnh lược! Thiệt là đáng xấu hổ cho tôi, nếu lúc đó tôi chặt được cái mặt đem vứt ở nơi nào cũng được, thì cũng đáng đời! Kể từ đó trở đi, mỗi lúc rảnh rang, anh Cường thường luyện cho tôi về cách phát âm, khả năng nghe, nói - cả Anh lẫn Pháp văn-. (Nhờ thế, mà cho đến bây giờ, tôi có được một số vốn liếng về ngoại ngữ!)

      Chạy mánh được một thời gian, gia đình tôi mới có tiền thuê được nhà ở khu Sở Bông, đối diện với Thảo Cầm viên. Gọi là “nhà” cho sang, chứ chỉ là một căn nhà sàn xiêu vẹo trong khu ổ chuột nằm gần mé sông chợ Thị Nghè. Lúc nước lớn thì đỡ, chứ mỗi khi nước ròng, dưới sông bốc mùi lên hôi thúi vô cùng! Thêm nữa, mỗi khi nước ròng sát, dưới sông giòi trắng hếu bò lổn ngổn. Giòi bò cả lên trên sàn nhà bằng gỗ của gia đình tôi đang ở. Lúc mới đến ở, mấy đứa em nhỏ của tôi thường dùng tay lén bắt giòi để chơi. Đến khi bị người lớn khám phá, chúng bị đòn nhiều trận mới bỏ tật này!

      Thế rồi, tôi và anh Cường yêu nhau. Chúng tôi đến với nhau bằng sự trong sáng, thanh khiết. Anh là tín đồ Ki Tô giáo rất thuần thành, nên tánh tình rất cao thượng, vị tha! Anh Cường đã vẽ ra cho tôi viễn cảnh: có một ngày không xa, cả hai đứa chúng tôi sẽ sánh vai bước vào nhà thờ làm lễ hôn phối dưới sự chứng giám của Chúa. (“Ngày thơ, tình thơ” này, ắt hẳn sẽ là dư âm để tôi mang theo đến tận tuyền đài -cho dù sau này tôi cũng đã yêu, đã chết lên chết xuống với một mối tình khác, một mối tình lớn và đã kéo dài cho đến tận bây giờ!-). Theo lời khuyên của anh Cường, tôi đã từ giã cái nghề chạy mánh theo kiểu lường gạt người ta. Gia đình tôi bắt đầu bán café ngoài vỉa hè. Nghề này thì lương thiện, thuận mua vừa bán!

      Mối tình của tôi với anh Cường kéo dài khoảng nửa năm thì đến tai gia đình của anh. Một hôm, chị Hai anh Cường tìm đến nhà của chúng tôi. Hôm chị đến, nước đang ròng, và tất nhiên mùi hôi thúi cũng như đám giòi trắng hếu, mập ú kia cũng xuất hiện… Nghe những người hàng xóm của gia đình chúng tôi học lại, chị tỏ vẻ ghê sợ, không dám bước vào khu nhà ổ chuột, mà trong đó có cả căn nhà gia đình chúng tôi đang ở, nên nhờ một người hàng xóm lân cận nhắn lại rằng gia đình của anh sẽ không bao giờ cưới một cô gái xuất thân hạ tiện như tôi! Khi hay tin chị của anh tìm đến nhà tôi, anh Cường có thề với tôi rằng, anh sẽ không yêu ai ngoài tôi ra! Anh sẽ xin với gia đình anh cho anh vượt biên, và sẽ tìm cách dẫn tôi đi!

      Nói là làm. Anh Cường đã thực hiện đúng lời hứa đó! Thế nhưng, vì lòng tự trọng và cũng vì tình thương đối với gia đình, tôi sợ mẹ tôi ở lại sẽ không đủ sức nuôi các em -và cả cha tôi nữa-, nên vào giờ thứ 25, tôi đã cố tình gạt anh Cường và ở lại, để anh ra đi có một mình… Và mãi đến hơn hai năm sau, tôi mới biết chuyến tàu định mệnh có anh Cường (mà đáng lẽ cũng có tôi trên đó) đã không bao giờ cặp được một bờ bến nào!

      Cầu cho linh hồn anh Cường được mãi mãi yên nghỉ nơi thiên đường…

Còn Tiếp

Hà Nguyên
23/12/2013

Vắng Anh




Em khắc nỗi buồn lên tóc mai
Bao nhiêu sợi bạc mỗi đêm dài
Dòng đen óng mượt ngày xưa ấy
Giờ đã thay màu trắng bạc phai.

Em trải lòng mình với ánh trăng
Bao nhiêu tâm sự lẫn băn khoăn
Xưa ta sánh bước trong vườn mộng
Dưới ánh tơ trời, chẳng nói năng.

Em đếm tuổi mình qua dáng con
Nụ tơ ngày ấy đã no tròn
Bao lần xuân thắm tô hương sắc
Là bấy mùa đông cây héo hon.

Em nghe nỗi nhớ đến từng đêm
Trong tiếng mưa rơi ở trước thềm
Qua giọt sương lùa khe cửa sổ
Trà sen uống mãi cũng say mềm

Em vẽ hình anh qua bóng mây
Gió xô, mây chuyển, ảnh lung lay
Biến thành sao sáng đêm hò hẹn
Bên góc hồ trăng của những ngày...

Lộc Mai(Ph
ương Hà)

Lời Chúc Gởi Uyển Mai




Giáng Sinh anh chúc Quốc Mai
Tình yêu đầm ấm đêm ngày bên nhau
Bước đời suông sẻ ngọt ngào
Tình Mai ý Quốc duyên trao trọn tình


Thy Lan Thảo
 
                      

Thơ Tranh: Vĩnh Long Mùa Lễ Trọng


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Tình Đông





Rồi mùa đông cũng chóng về đây
Đêm vô tình bên đường quen biết
Mang theo kỷ niệm ngày xưa ấy
Có chúng mình bên nhau đắm say

Ta quỳ bên dưới chân Thập Giá
Lời nguyện cầu khẽ trên môi nàng
Lời êm ái theo từng giọng hát
Mừng Thiên Chúa về đến trần gian

Rồi mùa đông tiễn đi vạn dặm
Đời cách xa xa mãi nơi này
Đêm nhớ em ngồi bên hang đá
Nhìn Chúa Hài Đồng đang ngủ say

Tình chỉ mong sẽ bên nhau mãi
Tìm thấy em đêm Thánh Vô Cùng
Giọt nước mắt thay lời chào hỏi
Niềm thương đã chan chứa trong lòng

Nguyễn Chí Hiệp
24.12.2013

Noel Ngày Cũ


Một buổi sáng anh trên cầu Mỹ Thuận
Vĩnh Long xa – rực rỡ buổi hừng đông
Nhớ ngày xưa hai đứa chạy ngoài đồng
Cùng rượt đuổi nhau sau trường sư phạm.

Em ẻo lả nhưng không kém phần can đảm
Núp sau gò mã, cỏ mọc xanh dờn
Anh chạy quanh bờ đu đủ cô đơn
Tìm em mãi trong một ngày gió lộng.

Những chiều - hai ta như hình với bóng
Lẻn qua vườn đào rợp trái vàng ươm
Hai đứa tự nhiên hái quả sau vườn
Đào ngọt ngon - thơm như làn da mỏng.

Thời gian trôi qua – tháng ngày thơ mộng
Lửa yêu thương ước vọng đong thật đầy
Thế rồi chúng mình xa cách trời mây
Mỗi đứa mỗi nơi mang hoài nỗi nhớ.

Sáng hôm nay Noel về hoa nở
Anh trên cầu ngập nắng của Cần Thơ
Chân lang thang trong nhịp bước hững hờ
Chợt nhớ lại người em ngày tháng cũ.

Dương Hồng Thủy



Bài Thánh Ca Buồn- Nguyễn Vũ - Trúc Dương


Sáng tác: Nguyễn Vũ.
Trình Bày: Trúc Dương.
Thực hiện: Mũ Nâu 11- Thủy Gia Trang Noel 2013

Mùa Gặt



Tôi vốn người ngoại đạo
Nhưng tin Chúa trên cao
Cũng tin Ngài đang gặt
Những hạt trái ngọt ngào

Ngài sống lại - tỉnh - lay
Hồn tôi oằn ương yếu
Rời bỏ giấc mê say
Hạt tròn chờ gặt hái

Ánh sáng xuống
Những chậu úp hãy được dựng lên
Theo gió đưa
Tiếng rõ tiếng chìm hồi chuông sớm
Gọi ai nghe ngồi dậy mà đi

Trương văn Phú


Lễ Thánh Em Có Hay



Khi chuông giáo đường gõ ngân nga
Tim em có rung động gần xa
Có nghe tiếng thở từ đêm vắng
Của kẻ hoang vu bước mù loà
Đêm thánh lễ về em có nghe
Vì sao ngấp nghé bên vỉa hè
Tiếng gió thấp cao bài ca nhỏ
Của kẻ ngoài hiên lặng đam mê
Lúc xe ngừng chạy đèn đỏ xanh
Em hiểu gì không ? Nhịp phố thành
Có trái tim nào vừa xanh đỏ
Của một ước mơ hảm phanh
Khi đóng cửa phòng em có hay
Em đóng trần gian, chắn bóng ai
Có trái tim nào vừa đinh đóng
Treo giữa trời không kẽ lạc loài


Hoài Tử

Bài Xướng: Noel Xưa - Họa Giáo Đường Im Bóng




Bài Xướng: Noel Xưa

Mừng Đấng Kito vạn nẻo đường
Vui đón Noel trên đất khách
Buồn sầu Christmas tại quê hương
Xưa kia đi lễ cùng em nguyện
Hiện tại vào đền khấn Chúa thương
Vẫn cố đi tìm Chân Thiện Mỹ
Cuộc đời lẻ bước chốn tha phương

John Thuy

Melbourne
* * * 
Giáo Đường Im Bóng
(Hoạ Bài Thơ Noel Xưa)


Trong khuya thánh thoát mấy tràng chuông
Rộn rã lòng ai giữa giáo đường
Lấp lánh trăng sao Trời tỏa phúc
Lung linh đèn nến gió đưa hương
Gục bên tượng Mẹ tràn tin cậy
Quỳ dưới chân Người ngập xót thương
Huyền diệu đêm đông đêm ánh sáng
Hồn ta bay bổng tận ngàn phương

Mailoc
Cali 12-23-13
Giáo đường văng vẳng những hồi chuông

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Nếu Em Là...



Nếu được làm hoa tuyết
Em quyết bám vai anh
Xoa tim lòng giá lạnh
Đêm Chúa Trời Giáng Sinh

Nguyện Ngài dủ thương tình
Cứu linh hồn lạc lối
Mang tội lỗi yêu anh
Chở che mối duyên lành
Chúa ơi!

Nếu được làm hoa tuyết
Rơi rơi trắng bầu trời
Tung tăng đi muôn lối
Làm gối tựa anh nằm

Chấp tay khấn thì thầm
Giữa sao trời giăng giăng
Chúa trên cao yên lặng
Soi mối tình trăm năm
Amen!

Kim Oanh


Ngôi Hai Xuống Trần



Tạ ơn Thiên Chúa trên trời
Ngôi Hai xuống thế cho đời bình an
Thoát vùng tăm tối mê man
Vượt vòng khổ luy khô khan buồn lòng


Hân hoan đón Chúa Hài Đồng
Thắp lên những ngọn nến hồng lung linh
Ngôi bên Hang Đá tôn Vinh
Giêsu Con Chúa Hạ Sinh xuống trần

Lắng nghe các đấng Thiên Thần
Hát vang mừng Chúa ân cần trên không
Hướng về một tối đêm đông
Chúng ta thành khẩn cầu mong an lành

Từ nay đời hết chòng chành
Đớn đau được Chúa dỗ dành thương yêu
Một mình không thấy cô liêu
Đêm đông không thấy lêu bêu giữa đời

Tạ ơn Thiên Chúa trên trời
Ban cho nhân loại sáng ngời đêm nay
Tâm hồn tìm tới thiện ngay
Nhìn lên ảnh Chúa chắp tay nguyện cầu

Ngôi Hai ban phép nhiệm mầu
Trần gian hết cảnh khổ sầu thiên tai
Hoà bình người có tương lai
Tạ ơn Con Chúa Ngôi Hai cứu đời

Thế Thôi (
Đỗ Hữu Tài)
Wed Dec 18, 2013

Đêm Giáng Sinh Lạc Loài


      Niềm tin đã mất kể từ khi…từ khi cô cảm nhận được sự hiện hữu của mình không còn ý nghĩa nữa. Những lúc ấy, cô muốn tự biến mất khỏi cuộc đời, càng sớm càng tốt … đời có gì để vui, người còn ai đáng tin tưởng. Thật sự, cô đã hoàn toàn mất hết niềm tin yêu và sự mong chờ.
      Những nghiệt ngã của cuộc đời đó, nỗi đơn côi, sự bất hạnh xâm chiếm tâm hồn, bủa vây cô không rời. Cô mong chờ một phép lạ, bám víu một tin yêu mong manh, nhưng mọi việc hình như đã vượt khỏi tầm tay. Cô khóc, tiếng khóc không bật nổi một âm thanh, lặng lẽ, âm thầm, như đay nghiến đau buốt con tim. Rồi bỗng một ngày Người mang phép lạ đến. Niềm tin yêu những tưởng mất đi lại được tìm về.


      Bàn tay của vị chăn chiên đã mang cô trở lại cuộc đời qua niềm tin tôn giáo, một niềm tin mà từ lâu cô đã chối từ . Cô là một tín đồ không thuần thành với những chiều Chúa Nhật không đi lễ, với lời kinh không làu thuộc. Một người công giáo nhưng chưa một lần xưng tội. Con đường dẫn đến giáo đường hình như lúc nào cũng khó khăn, đầy trở ngại đến độ cô e dè. Mỗi lần đi lễ là lần có sự chọn lựa đi hay không hoặc đi vì sự chẳng đặng đừng. Vào giáo đường, bằng bước chân ngượng ngùng khiến cô mất hết niềm tin và sự thoải mái. Có một lần nào đó, cô được Cha dạy bảo “hãy dâng lên Chúa sự ngượng ngùng”. Lời Cha như chấp thêm đôi cánh niền tin. Rồi từ đó cô đi lễ bằng con tim thật thà, tâm hồn vô tư trải dài suốt buổi lễ, nhưng cô vẫn là con chiên không thuần. Trong cuộc sống cô cho là ô hợp và đơn điệu này, đôi lúc cô thầm nghĩ, có lẽ dưới ánh mắt nhân gian, họ cho cô là người chối bỏ đời công giáo, nhưng bằng con tim của Chúa, cô đáng thương và đáng được thương. Cố tin như vậy!

      Giờ đây, mỗi lúc vào giáo đường cô vẫn chưa hội nhập được với người chung quanh, chỉ thuần thục một điều là tìm đến ngồi ở hàng ghế cuối. Không khí trang nghiêm, tiếng nhạc nhè nhẹ đôi lúc dìu dặt réo rắc, tiếng Cha và giáo dân vang vang vào đầu buổi lễ, quen đến đổi cô làu thuộc và yêu thích :
- Chúa ở cùng anh chị em.
- Và ở cùng Cha.
      Hai lời nói nhưng có cùng một ý nghĩa cầu sự chúc lành. Lời chúc lành này như dòng nước mát tưới vào cây đời đã khô cằn, như giọt máu hồng đang len lỏi, luân lưu đưa vào con tim, tạo cảm giác an lành mỗi khi cô đến giáo đường dự lễ, thì ra “ Chúa ở cùng anh chị em” là Chúa đã ở trong cô. Từ cảm nhận đó cô sẽ không đơn độc giữa cuộc đời đen bạc với hoàn cảnh của riêng mình.
Ngày tháng tiếp nối của đời sống, bằng những giọt máu hồng nuôi hồn kia khiến tâm cô thăng hoa trong sự tiếp xúc giữa người với người.Cuộc sống của cô mỗi ngày được bồi đấp bằng những niềm vui len lén mỗi độ Giáng Sinh về.

      Cô hồi tưởng lại lần đau thương cũng vào đêm này, đã hơn mười năm qua. Lúc mọi người có cùng niềm vui chung, đêm các tín đồ công giáo đang hân hoan đón chờ Hổng Ân Thiên Chúa, nhưng đêm ấy cuộc đời cô bỗng trở nên đen tối, người ta đã tước mất đi dòng thác Hồng Ân mà lẽ ra các con và cô được trao ban…


      Các con cô đã bị cha chúng xua đuổi ra khỏi nhà, về tội đi tham dự buổi ăn tối mừng Giáng Sinh bên gia đình ngoại. Cha chúng chỉ xua đuổi các con, còn riêng cô được an toàn bước vào ngưỡng cửa nhà!? Ý nghĩ này thật là một sai lầm to lớn. Bất cứ người mẹ nào, nhất là người mẹ Việt Nam, an toàn thế nào được khi con mình đang bất an, chúng sẽ phải rời nhà ngay trong đêm mà cách đó một vài giờ mới vừa tham dự cuộc vui. Người bạn đời đã gây cho cô đến hai lần đau, đó là sự hành hạ các con.
      Việc không mong mà đến. Chuyện chẳng đặng đừng phải làm, với hành trang vội vã, cô cùng các con bước đi…trên con đường vô định. Cô liên tưởng đây như lần thứ hai phải xuống tàu ra khơi, nhưng khác chăng là lúc này có thêm ba đứa con cùng đồng hành trên bước đường ít may nhiều rủi, trên một đất nước bao dung .
Tâm hồn tan nát, niềm tin và sự an ủi lúc bấy giờ nếu có, chỉ là sự xót xa, thương cảm mà cô tìm được qua ánh mắt của người tài xế tắc xi được gọi đến để đưa các mẹ con rời xa mái nhà, một nơi đã có thời êm ấm. Họ sẽ đưa mẹ con cô về đâu!? Hỡi những kẻ không nhà!


      Chỉ những ai cùng một hoàn cảnh mới có thể tưởng tượng nỗi sự đớn đau, tủi thân khi bị bạc đãi bởi người mà cô đã từng gắn bó một thời. Cô rời nhà trong một đêm đen, vào một ngày lễ trọng của mùa yêu thương. Trong xót xa thầm lặng, trong nước mắt nuốt nào để tạo một hình ảnh cứng cõi, cương nghị, làm gương soi cho các con. Hình ảnh ấy đã xa… nhưng lại gần, rồi lại xa, xa đến hơn mười năm qua chứ ít gì. Lạ quá, sao lại mới như hôm nào, chưa xóa mờ trong tâm tưởng cô. Hằng năm đến ngày này, cô muốn quên sao lòng luôn khoắc khoải nhớ, mỗi độ Giáng Sinh về, nỗi đau khiến lòng cô nao nao kỳ lạ. Cô mơ ước được một lần trong đời, êm ái sống trong ngôi nhà mà mười năm trước, ngay trong thời điểm mà buộc cô phải xa rời. Nếu có ngày ấy, trong căn nhà ngày xưa, cô sẽ trùm chăn ấm, đơn độc tận hưởng sự thinh lặng của vũ trụ và thinh lặng của lòng cô. Tuy nhiên, ý nghĩ đơn giản của sự mong muốn đó, muốn mà chẳng được, vì cô bị cuốn hút trong dòng đời, trong suy nghĩ thường tình của con người, …Giáng Sinh là ngày vui, ngày họp mặt của gia đình, ngày luôn bận rộn bởi lời nói, tiếng cười của người thân.

      Đã nhiều năm qua, hình ảnh bốn mẹ con cô phải rời nhà trong đêm Giáng Sinh vẫn mồn một trở về . Sự trở về như mối thân thiết đến độ không thể tách rời khỏi cô. Dù không tách rời, nhưng không đồng nghĩa với hận vì tình người đen bạc. Niềm tin có “Chúa ở cùng anh chị em”, niềm tin của “ Không phải tôi sống mà Người sống trong tôi”. Sự độ lượng, thứ tha, thọ nhục hình của Ngài, đã biến sự hận thù trở nên bài học tôi luyện cô. Từ đó cô biết cảm ơn sự bạc tình, cám ơn người đã gây cho cô sự khổ đau.
Cảm ơn đời!
Cho tôi được khổ đau
Luôn cả lệ trào hôm nay
Cảm ơn ai
Quên
Phút thật gần
Trả tôi lại những bâng khuâng buổi đầu
Cảm ơn tình!
Chít khăn tang
Trên những lỡ làng ái ân


      Với mối tình đã chít khăn tang. Với thân phận được sinh ra làm người trong hình hài yếu đuối, trước nghiệt ngã của cuộc đời, cô đã ngả quỵ. Đời cô như một loại Thố Ty Hoa, tâm hồn cô là kiếp sống bám, tầm gửi, chán chường đến đổi nhiều lần cô muốn ra khỏi cuộc đời. Tuy nhiên trong nỗi bất hạnh, cô đã được sự nâng đỡ của một số người mang hành động thánh. Sự linh động tiềm tàng trong sách vở, báo chí mà cô đã học hỏi, hay qua niềm tin tôn giáo. Tất cả sự việc này như một linh thánh, đã đưa cô trở lại cuộc đời, một sự hiện hữu, tồn tại đầy ý nghĩa.




      Trong cô hôm nay, Chúa không còn là bậc xa vời, không khó khăn khi tìm đến nữa, mà chính là những con người quanh cô, những con người biết chia sẻ niềm đau và nỗi bất hạnh, mà nỗi bất hạnh đó là một nguyên nhân khiến con người đang chán chường, có thể trong một phút dại khờ mà tự hủy mình.“ Chúa” của cô đó, những con người rất bình thường. Đời sống khiêm cung của cô bây giờ, là đời sống… “Không phải tôi sống mà Người sống trong tôi”. Đời sống của cô có ý nghĩa hơn khi biết ban phát.
      Hàng năm đến ngày Hai mươi bốn tháng Mười hai, nỗi đau nhức nhối lại trở về. Ngày này cô vẫn khóc, những kỷ niệm đau thương lần lượt, chầm chậm trở về, nhưng nước mắt hôm nay đã tiềm ẩn đâu đó nụ cười. Cô cảm ơn Người đã đưa cô trở lại cuộc đời và từ đó cô chịu oằn mình đau khổ làm một chiếc móc xích tình yêu thương để nối người với người. Đã bao lần, cô như đắm mình trong sự nhiệm mầu…cô đau khổ rời khỏi nhà trong một đêm Giáng Sinh và rồi vị Chăn Chiên đã nâng tâm hồn cô, cho cô biết phó thác nơi Ngài.
Cảm ơn
Trời thấp thật gần
Cưu mang hết những nợ nần suy tư


      Đời sống cô ý nghĩa hơn từ sự khổ đau và vì đau khổ mà cô biết thế nào là yêu thương.
Thế gian này, trong mùa yêu thương còn biết bao nhiêu người bất hạnh!? Cô tự hỏi và tự nhủ lòng, theo chân Ngài để mang yêu thương và tạo niềm vui dù rằng rất nhỏ nhoi cho kẻ khác.


Kim Phượng
Úc Châu 24.12.2009

Thơ Tranh: Nỗi Đau Ngọt Ngào

Nhớ Giáng Sinh 1979 và cho đến bây giờ...Em, Nỗi Đau Ngọt Ngào


Thơ & Thơ Tranh: Suối Dâu

Đêm Noël



Đêm Noël chúa hiện hữu lại
Em chẳng đổi suốt đời nặng nợ
Chúa dành cả nỗi đau trần thế
Và em say – mê mải giữa cung đời

Đêm Noël giá lạnh chẳng hề vơi
Trời vẫn thế em không buồn sao được?!
Mắt Đức Mẹ dịu hiền ngân ngấn nước
Vút vì sao thăm thẳm chốn thiên đàng

Em sẽ sàng trong áo khoác len mang
Môi má đỏ bâng khuâng cùng phố xá
Nghe rạo rực chuông nhà thờ gióng giả
Tiếng kinh cầu thánh thiện gửi cho nhau

Đêm Noël màu nhiệm vạn sắc màu
Em ước được chạm lòng nơi máng cỏ
Về xóm đạo chợ thấy mình trong đó
Như con chiên khờ khạo buổi ban đầu

Hương Ngọc
(Tháng 12-2013)


Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Cầu Lầu - Vĩnh Long Còn Chút Gì Để Nhớ

     Việt Nam 22/12/2013    
      Anh Thái thân mến
      Thể theo lời yêu cầu tha thiết tìm lại con đường xưa thân ái mà một thời anh đến làm việc tại Vĩnh Long.
      Dù thời gian ở Vĩnh Long không lâu nhưng anh đã có những kỷ niệm đẹp và tháng ngày hoa mộng, nhất là con đường Văn Thánh dễ thương mà anh thường nhắc nhớ.
      Anh Phú đã chụp lại những hình ảnh này, nhưng có lẽ đã mất dấu rồi.....phải không anh. Ngay cả Kim Oanh thường đi học ngày 2 bận đi về  mà còn nhìn không ra. Buồn há anh Thái cảnh cũ người xưa nay còn đâu? Còn chăng chỉ là một ký ức nên thơ.
      Món quà Noel này anh Phú gửi tặng anh từ quê nhà, hy vọng "còn chút gì để nhớ để thương"
      Anh Phú và Kim Oanh mến chúc anh Thái một Mùa Giáng Sinh 2013 vui vẻ và an lành nha

      Thân mến
Từ chợ Vĩnh Long - Đường Tống Phước Hiệp vào đường Văn Thánh
Từ dốc Cầu Lầu nhìn hướng tay phải
Xóm nhà phía dười bờ sông Cầu Lầu
Chúa Giác Thiên bên tay phải
 Đây là dãy nhà, nơi đây có tiện Sinh Tố Ánh Hồng mà anh Thái thường ngồi đây
Sau dãy quán là cây xăng Shell ngày xưa
 Vào một đoạn là Chùa Pháp Hải bên tay trái

Trương Văn Phú