Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

Mùa Yêu Thương Và Thứ Tha


    Có mấy ai trong lứa tuổi tôi còn nhớ những mùa Giáng sinh nơi ngôi Làng nhỏ Trung Ngãi vào những năm 63 trở đi không nhỉ? Riêng tôi thì nhớ lắm, với độ 6,7 tuổi, lòng háo hức và hồn nhiên của tuổi thơ luôn in đậm vào lòng. Trung Ngãi là một ngôi làng nhỏ nằm trên trục lộ giao thông tỉnh Vĩnh Long – tỉnh Vĩnh Bình. Cuối ngôi làng là dòng sông, bên này chợ sinh hoạt ồn ào náo nhiệt, bên kia sông dưới dốc cầu Giồng Ké là ngôi nhà Thờ trang nghiêm yên tĩnh.

Tôi không biết vì sao từ lúc chưa hiểu nhiều nhưng tôi thường nhìn về hướng nhà Thờ, đôi khi thấy các Cha mặc áo dòng, chắp tay thong thả đi trong sân nhà thờ, lòng tôn kính và ngưỡng mộ, nhìn các Sơ hiền hậu nhân từ tôi thương tha thiết, tôi thích nghe tiếng chuông nhà Thờ đổ lòng thanh thản theo từng hồi….vang…vang….vọng xa.. xa và chìm dần trong tĩnh lặng…. rồi tưởng tượng một nơi nào đó đẹp thiệt đẹp và bông hoa nở rộ để tiếng chuông ấy đáp xuống …vui… vui…ghê lắm.
 
      Thời gian sau ở đầu làng đi về hướng Chùa Miên có thêm một nhà Thờ nhỏ, vào những mùa Noel, nửa đêm rước đèn từ nhà Thờ lớn đi theo đường lộ đến nhà thờ nhỏ, kiệu hoa, đèn ngôi sao đủ màu rất đẹp, nhộn nhịp, các giáo dân cất tiếng hát vang, tôi cùng con nít trong làng chạy theo hưởng ứng, cũng được phát cho một lồng đèn ngôi sao. Vui và thích thú vô cùng.
Có một năm vì chen chân đi bị sụp ổ gà lọt vào vũng nước đứt quai dép… niềm vui với ngày Hội Lễ làm tôi quên đi cái chân cà nhắc của mình, và nhất là bên cạnh tôi có nhỏ bạn xách dép giùm…. hi hi… Sáng hôm sao nhỏ lén ba má mang tặng tôi đôi guốc màu, mới “cáo cạnh” món quà Noel đầu tiên trong đời của nhỏ bạn tặng tôi.. Mỗi là tên nhỏ, con gái của chú Năm Sua có tiệm tạp hóa khá lớn trong làng.

Trong đời chỉ có được 3 mùa Giáng Sinh hồn nhiên, vui vẻ, rồi chiến tranh đến. Ngày Chúa ra đời tôi chỉ được đứng bên này dòng sông để nghe Thánh ca, xem rước Lễ trong khuôn viên nhà Thờ mà thôi. Năm Mậu Thân thì tuổi thơ tôi cũng mất, ngôi làng cháy ra tro, tôi theo gia đình ra đi và mang theo cả ký ức rời làng Trung Ngãi từ đó.

Sau biến cố 1975, rời Việt Nam đến Úc, niềm ước mơ tuổi thơ đã đưa tôi về với niềm tin Tôn giáo, tôi đến bên Chúa với tất cả lòng tôn kính sâu xa, qua Cha tôi đã được Chúa nâng đỡ chở che, tôi may mắn có các con cũng chọn Chúa làm niềm tin trong cuộc sống. Khi các con còn nhỏ tôi cũng được sống lại tuổi thơ cùng các con trong những mùa Giáng Sinh. Mỗi năm trước Giáng sinh một tuần hầu như các trường Tiểu Học đều tổ chức Christmas Carol, mặc dù rất bận với công việc nhưng tôi luôn luôn lấy ngày bệnh hay nghỉ phép để cùng tham gia với nhà trường, cùng họp sức may những bộ trang phục cho con để cùng trình diễn đêm Lễ Hội Giáng Sinh.


Tôi đã được hạnh phúc tràn đầy của tuổi thơ, được sự thương yêu ủng hộ của Cha Mẹ, những điều cần thiết ấy tôi nghĩ các con tôi cũng rất mong mỏi thiết tha. Các trẻ con rất vui khi tay trong tay cùng cha mẹ đến công viên để dự Lễ, khi các em trình diễn những bài hát hay vở kịch, ánh mắt ngời sáng, nụ cười tươi đang hướng tìm ba mẹ mình, trong sự tự tin và hãnh diện. Đẹp làm sao kỷ niệm tuổi thơ và quý làm sao trong một quốc gia đầy lòng nhân bản và tự do. May mắn thay quê hương thứ hai các con tôi đang hưởng và hướng tới tương lai. Hy vọng trẻ con được mãi mãi hạnh phúc và toại nguyện ước mơ … mơ những gì mà Ông Già Noel sẽ mang đến, cho vào những đôi vớ treo ở lò sưởi hay cửa phòng ngủ của các em.
Từ khi các con lớn lên rời bậc Tiểu Học, tôi không còn tham dự những ngày Christmas Carol nữa. Một thời tuổi thơ của các con cũng qua mau.

Đêm 15/12/2012, cậu em tôi mời các dì đi xem Lễ hội Noel, vì đêm nay con của cậu em trình diễn Violin, chị em tôi háo hức đi, đến công viên là cả rừng người. Nhìn những phụ huynh lăn xăn trang phục cho con, nhìn niềm vui của vợ chồng cậu em, các cháu, tôi nhớ ngày xưa của tôi và của hai con tôi da diết.
Mọi người trải khăn bày thức ăn, ngồi nghe nhạc do các em học sinh các trường trình diễn, cũng có những ca sĩ giúp vui. Ban tổ chức phát tập nhạc cho từng gia đình để cùng nhau hát chung.Đêm tối dần lấp lánh những ánh nến lung linh ...chuyển động theo điệu nhạc đầy công viên.
Năm nay thời đại tân tiến, ông Già Noel không đi xe ngựa mà Ông lái Mô tô, phóng vèo trên đồi cỏ ngoài hàng rào trật tự. Trong rào các em cùng hát đón chào ông, không khí tưng bừng náo nhiệt.

Cuối cùng là màn bắn pháo bông, ban nhạc vẫn tiếp tục chơi nhạc, đèn vụt tắt, trên nền trời tiếng đì đùng vang vọng, pháo hoa rực rỡ, trên nền trời cao từng vòm pháo hoa chụp xuống và phụp tắt, cứ như thế liên tục đủ màu hoà cùng với tiếng la cổ võ của mọi người. Khi tiếng nổ lớn nhất cả vùng trời hoa từ trên không rơi …rơi…lan tỏa ….và sà xuống người xem có thể đưa tay đón… nhưng rồi vụt tắt.. lòng tôi chợt buồn không biết vì sao…

Vì sao?

Vì hình ảnh những pháo hoa rực rỡ, đẹp muôn màu lung linh xinh xắn như 20 em học sinh và 6 cô giáo đã vụt tắt ở bầu trời ở Connecticut hôm qua 14/12/2012. Cùng với hai mẹ con của người gây ra thảm nạn trên. Sao các em không được thưởng thức những tràng pháo hoa bắn ra mà lại những viên đạn oan nghiệt bắn vào các em trong Mùa yêu thương này? Bà Hiệu Trưởng, Phó Hiệu Trưởng các Cô giáo đã hy sinh vì các em, sống cho nghề và chết cũng cho nghề, cao quý thay trách nhiệm và bổn phận của người lương tâm như từ mẫu. Hình ảnh này cứ lẩn quẩn trong tâm trí tôi, nhìn những bậc cha mẹ, các học sinh còn lại, hốt hoảng, kinh hoàng, tuyệt vọng, tôi tự đặt mình vào vị trí họ xót xa và đau đớn.

"Em hãy lắng nghe vạn lời thương tiếc,
Của những người dù mới biết tên em,
Cũng rưng rưng mắt lệ trước ánh đèn,
Lòng héo hắt theo màn đêm trĩu nặng."
(Những Gói Quà Không Được Mở -Trần Văn Lương- Cali)

Biết trách ai đây?
Một tuần trôi qua, sáng nay hình ảnh các em trên trang báo tôi không giấu được giọt nước mắt mình, thực ra tôi không kịp giấu thì đúng hơn, tôi bật khóc..khóc trong nghẹn ngào trước những thực khách ở quán cà phê.

Giờ đây chúng ta phải làm gì?
Tôi chỉ biết nguyện cầu cho thân nhân của các em được tâm an bình, nghị lực vượt qua hoàn cảnh, tinh thần lắng dịụ nỗi thương tâm. Cầu nguyện cho các em ngủ ngon, đừng lo sợ đừng kinh hãi vì bên cạnh các em luôn luôn có 6 người Mẹ nhân từ kề cận, chăm sóc, chở che và ru các em giấc ngủ yên bình, sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.
Các cô và các em ơi! Đêm nay Chúa sẽ giáng trần, các em hãy thứ tha những tội lỗi cho người đã bắt các em rời xa Cha Mẹ, anh chị em, người thân và bạn bè của các em đi nhé!
Nguyện cầu các cô và các em sẽ không buồn, không cô đơn, không lẻ loi! Đúng vậy, vì có biết bao nhiêu người, hầu như toàn thế giới, đang đồng hành với gia đình các cô và các em, luôn nhớ thương, chờ đón các cô và em về trong đêm Chúa Giáng trần.


      Các cô và các em hãy chấp đôi cánh Thiên Thần trắng trong cùng Chúa Giáng trần, hãy cất tiếng hát thanh thoát, an hòa đến gia đình cùng mọi nhà để Chào Mừng Một Ngày Mới Thương Yêu Thứ Tha Và Vĩnh Cửu.
Xin thắp ngọn nến hồng trong Thánh Lễ đêm nay, ngọn nến ấm áp tình người, tưởng nhớ và nguyện cầu cho những Thiên Thần thương yêu luôn bình an nơi Nước Chúa.
Chúng ta hãy cùng chúc bình an cho nhau!
Amen!

Kim Oanh
Melbourne Mùa Noel 24/12/2012
Nhớ lại vụ thảm sát tại trường Tiểu Học SANDY HOOK ở CONNECTICUT. giết chết 20 Trẻ em và 6 người lớn, ngày 14 Tháng 12 Năm 2012.

Thơ Tranh; Dòng Sông Trăng Đêm Noel


Thơ Bùi Thanh Tiên
Thơ Tranh: Kim Oanh

Những Đêm Giáng - Sinh

1- 
Hay đêm nao ánh sáng ngợp kinh thành
Chân rộn bước trong lòng đời mở hội. (1)


       Tôi hoà vào giòng người đổ xuống khu vực Vương-Cung-Thánh-Đường. Đi để mà đi.Đi một mình. Cô đơn!  Gần triệu con người đi trong đêm Giáng-sinh. Từ khắp ngả Đô-thành tràn về trung tâm thành phố. Người đi như những giòng thác, trên những con đường Hồng-thập-tự, Thống-nhất, Hai-Bà-Trưng, Duy-Tân, Tự-do, Lê-Lợi,Nguyễn-Huệ, và bờ sông...Đến gần 12 giờ đêm, nghe tiếng chuông ngân vang dồn dập đổ hồi, tất cả dồn về khu nhà thờ lớn chuẩn bị lễ nửa đêm. 
      Tôi không phải là giáo dân, nhưng cũng cố chen chân lọt vào, đứng ở một góc tối, xem lễ. Giàn đại phong cầm vang lên nhạc thánh ca, ru hồn tôi vào thế giới thiên thần, nơi ấy tất cả mọi người mọi vật đều thanh khiết, an hoà, thương yêu nhau. Ave Maria, bản nhạc của Schubert mà tôi hằng ưa thích từ lâu và đã có lần thử dạo trên phím vĩ cầm, giéo giắt đưa tôi đến với Đức Bà Maria, như hình ảnh người mẹ hiền của nhân loại. Hồi đó tôi chưa được biết nhiều về Đức Phật Bà Quán-Thế-Âm. Ngày nay, hơn một nửa thế kỷ đã qua, có những 4 hình ảnh bà mẹ đang ngự trong tâm hồn tôi: Mẹ ruột sinh ra tôi, Mẹ hiền Quán-Thế-Âm, Mẹ Maria và Mẹ Việt-Nam.(1). 
      Riêng nói về bà mẹ Việt-Nam, hồi đó tôi đang ở vào cái tuổi vừa ham học vừa ham chơi nên cũng chưa ý thức sâu xa về sự hiện diện của Mẹ. Trong lúc tôi đang mải mê hoà theo giòng người vui hưởng đêm Giáng-sinh, chắc Mẹ Việt-Nam đang vừa vui vừa khóc thầm. Mẹ vui vì khung cảnh yên bình ở những thành phố lớn. Mẹ buồn vì trong cùng thời gian này, ở những vùng hoả tuyến rải rác trên khắp lãnh thổ, thì dân chúng đang phải gánh chịu những tang thương  và đôi cánh mỏng của Nữ-vương Hoà-bình đang âm thầm rỉ máu.


2- 
Rồi tối mai trong Đêm Thánh Vô Cùng
Làm tài xế cho Còm đi dự lễ.
-Anh trở lại hơn hai năm tù ngục
Bọn chúng mình tay đã trắng tay.(2)



       Tôi lái xe cho Nàng đi dự lễ tại nguyện-đường Regina Pacis, trên đường Nguyễn-Thông. Dìu nhau đi trong Đêm Thánh Vô Cùng là một kỷ niệm đẹp tuyệt vời! Hai đứa ngồi vào hàng ghế gần cuối. Cũng nhạc thánh ca ngân vang, cùng tiếng đập nhè nhẹ của tim đã đưa chúng tôi bay trong vòm trời yêu thương, thánh thiện. Chính từ ngôi giáo đường nhỏ bé này và toà nhà trụ sở của một hội-đoàn ở ngay bên kia đường, vào thời gian 3 năm sau biến cố 1975, mà chúng tôi đã có cơ duyên tái ngộ. Trải qua cả một thời gian dài chung dưới mái một ngôi trường cổ kính ở đường Duy-Tân và tại căn phòng khách ở nhà một người bạn trong nhóm học tập, rồi mỗi người một ngả xa nhau gần 3 năm trời_ do cuộc đổi đời khốn khổ_, được gặp nhau trở lại thì giống như 2 kẻ vừa thoát khỏi chết đuối nên đã ước nguyện cùng nhau đi nốt đoạn đường đời gai góc trước mắt. 
      Từ đó, tôi đã có nhiều dịp tháp tùng Nàng đi lễ ở các nhà thờ Kỳ-Đồng, Đồng-Tiến, Bắc-Hà, Ngã Sáu, Huyện-Sĩ, Tân-Định. Khung cảnh Đêm Giáng-sinh ở nơi nào cũng đẹp, nhất là ở Kỳ-Đồng. Những dây đèn giăng mắc từ dưới đất lên đỉnh cao vút của cá giáo đường như đưa chúng tôi bay lên cao mãi tận bàu trời thăm thẳm. Hang đá Bê-lem huyền ảo vô cùng: "Đây hang Bê-lem, nơi Chúa giáng sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá trên máng lừa..." Lời ca ấm áp, ngọt ngào vang lên trong đêm Đông lạnh lẽo như sưởi ấm lòng tôi và người bạn đời trong viễn tượng một gia đình hạnh phúc, dưới sự che chở của đấng Thiêng Liêng.



3- 

Nay còn đâu những Đêm Thánh Vô Cùng
Của một thời đã trôi vào dĩ vãng.(3)


       Tôi và gia đình quây quần trong phòng khách vào nửa đêm lễ Giáng-sinh trên quê hương mới: Hoa-Kỳ. Christmas-tree cao đụng trần nhà lấp lánh hàng trăm ngọn đèn màu. Trên đỉnh ngọn cây, có tượng một thiên thần dương đôi cánh mỏng. Những tấm thiệp sáng bóng treo lủng lẳng trên các nhánh cây. Dưới chân cây xếp đầy những hộp quà bọc trong những giấy hoa sặc sỡ. Ngoài kia tuyết trắng xoá bao chùm ngàn cây nội cỏ. Nhìn qua lớp kính cửa sổ biết bên ngoài chắc trời lạnh lắm, trái với không khí ấm áp của hơi nóng toả ra từ ngọn lửa hồng đang bừng cháy trong lò sưởi và từ hệ thống heat trong nhà. Hình ảnh những đêm Giáng-sinh quá khứ trên quê hương VN dồn dập hiện về. 

      Nơi đây, trên vùng đất mới, nỗi nhớ khôn cùng làm khắc khoải con tim của một kẻ đã phải xa dời Tổ-quốc. Còn đâu khung cảnh những đêm Giáng-sinh cùng hàng triệu người lũ lượt đi trên đường phố Sài-Gòn. Ở đây hiếm có nhà thờ làm lễ đúng nửa đêm, giáo dân thường đi lễ sớm vào buổi tối và trở về nhà dự tiệc Giáng-sinh kéo dài tới quá nửa đêm. Vào thuở vừa vượt qua ngưỡng cửa học sinh/sinh viên,tôi đã cùng nhóm bạn trẻ nam lẫn nữ rong xe chạy trên đường phố trong nửa đêm về sáng, sau khi rời khỏi một bal-party. Thật là thú vị bởi vì khí mát của đêm sắp tàn làm hai vòng tay đan kết nhau hơn để tìm hơi ấm. Về sau, khi đã có gia đình thì người ngồi ghế sau trên xe máy là người bạn trăm năm với một hài nhi bé bỏng xen vào giữa. Có khi chúng tôi đi dự lễ vào nửa đêm, có khi chờ tới xuất lễ buổi sáng. 
      Tôi vẫn luôn luôn đi bên cạnh người bạn đời đển dự thánh lễ tại một trong những nhà thờ quen thuộc. Cuộc sống hàng ngay vô cùng chật vật, nhưng lời ca trầm bổng hay giéo giắt của Silent Night, Ave Maria, Holly Night... vẫn là những sợi dây thiêng liêng giăng ra từ bàn tay của đấng tối cao, ràng buộc một kẻ ngoại đạo, là tôi, với Nàng, vốn là một con chiên sùng tín. Và đêm nay, khung cảnh Đêm Thánh Vô Cùng đã hoàn toàn thay đổi. Kỷ niệm xưa đang ập đển, nhưng rồi cũng phải qua đi. Những hình ảnh đẹp của đêm Giáng-sinh xa xưa hồi sinh trong khoảnh khắc, pha trộn với những hình ảnh tưởng tượng đang diễn ra tại quê nhà. Cả hai, kỷ niệm ngày xưa và hình ảnh quê hương ngày nay, ập đển ngự trị tâm hồn tôi, nhưng rồi cũng phải bay đi để được thay thế bằng hình ảnh đẹp hiện tại đang diễn ra ngay trong căn nhà nho nhỏ, ấm cúng trên đất nước mà tôi đang định cư này. Lòng tôi tràn trề hạnh phúc qua âm hưởng thánh ca phát ra từ máy nhạc và trong khung cảnh nồng nàn, ấm cúng của một mái ấm gia đình: 

           Vòng tay ôm chặt người thân,
           đêm nay là những Thiên Thần trong tôi. 
           Ôi sao hạnh phúc tuyệt vời,
           ước mong ấp ủ cả đời yêu thương ! (3)

 * Chú thích.
Trích từ Thơ/Tuỳ bút của HồngNguyên&NL: 
(1)-Mộng Đẹp Mùa Hoa,58+Chuyện kể về 4 bà mẹ,2012 ,
 (2)-Tuân lệnh,78+Gặp lại Anh,77 ,  (3-)Giáng-sinh hải ngoại, 2012 


ChinhNguyen/H.N.T./H.N.    
GA/USA   Dec/2012-13

Từ Thức, Ngày Về


Sáng nay soi mặt trong dòng nước,
Râu tóc bơ phờ chẳng giống ai,
Có phải ta từ bao năm trước,
Từ Thức trở về từ Thiên Thai !?!

Ba năm lạc lối Đào Nguyên,
Trần gian trở bước không quên đường về.
Phải đây là ngọn tiểu khê,
Phải đây dấu vết cây lê trước nhà ?
Phải đây vườn rau, vườn cà,
Phải đây ao cá sau nhà rửa chân ?
Phải đây bếp lửa ấm nồng,
Phải đây gương lược, chăn giường buồng khuê,
Phải đây xiêm áo ủ ê,
Màn che trướng rũ bốn bề tường loan,
Đâu rồi ngừời ngọc đoan trang,
Đâu rồi cha mẹ, anh em, xa gần,
Bà con lối xóm, người thân,
Sao giờ vắng lạnh, âm thầm nơi nơi !!!

" Rằng thưa : đã trăm năm rồi,
Truyền rằng cụ Tổ mấy đời ngày xưa,
Một hôm lạc bước tình cờ,
Ra đi, đi mãi không về đã lâu,
Cháu con tứ tán còn đâu ?
Hỏi rằng Ông ở nơi đâu đến tìm ???"

Ta là... chẳng lẽ ta là...
Là ai ? ai biết bây giờ là ai
Từ Thức - Đào Nguyên - Thiên Thai
Là mộng ? là thực ? là ai ? ai là !?!

Nam Chi

NY 2013

Vùi Chôn Cuộc Tình



Chạnh buồn đọc lại thơ người
Bao lời dịu ngọt êm đưa thuở nào
Chìm trong sóng cuộn mưa gào
Tình ta vẫn mãi bên nhau trọn đời

Êm trao bằng tiếng ru hời
Vỗ về giấc mộng thắm khơi ân tình
Những mong tình của chúng mình
Đừng bao giờ tắt lịm tình đôi ta

Cuộc đời chìm nổi phong ba
Sắt son nguyện giữ tình ta vẹn toàn
Dù cho cuộc sống mỏi mòn
Thân tàn đời úa mãi hoài trong nhau

Bây giờ tình đã xanh xao
Khi lòng người sớm hư hao đổi dời
Ái ân thuở ấy bây giờ
Chỉ còn lại nỗi hững hờ xót xa

Còn đâu tình lỡ phôi pha
Lặng chìm theo gió trôi xa cuối trời
Đành thôi góp nhặt tình rơi
Gom làm kỷ niệm vùi chôn cuộc tình.
12/2013
Thiên Thu

Giáng Sinh An Lành



Líu lo chim hót trên cành
Giáng Sinh đâu cũng  an lành tình thương
Gái trai muôn thuở yêu đương
Hoan ca hạnh phúc quê hương thanh bình

Giáng Sinh ta chúc muôn phương
Cùng nhau chia sẻ tình thương dắt dìu
Đêm đông bên ánh lửa khêu
Rượu nồng tình ấm thương yêu tràn đầy


Lục Lạc

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Thơ Tranh: Tháng 12 M Bỗng Dưng Xa Lạ




Thơ: Khiếu Long
Thơ Tranh: Suối Dâu

Giáng Sinh Trung Phần


Năm này nét giống những năm qua
Cả không gian lạnh nắng vàng pha
Trăng già lặng đỉnh đầu non Việt
Quê hương còn khổ miệt Trường Sơn

Nước dâng cao từng cơn sóng dữ
Mây đen trời sấm chớp chữ tang
Dìm dân Nam chôn giấc thiên đàng
Thoi thóp thở mơ màng Chúa chuộc

Giáng Sinh ơi ! Vào cuộc cứu đời
Khua chuông mới động trời Nam cũ
Lũ lượt về hạnh phúc mang theo
Chút hơi Chúa lời xưa gieo mộng

Đêm nay mấy....lang thang trống vắng
Đợi Chúa về nghe đắng tâm cang
Phương trời Tây chắc Chúa rộn ràng
Quên cứu chuộc dân Nam cùn khổ

Còn chỗ nào thay Giáng Sinh sau!

Lê Kim Hiệp
4-12-2010


Đêm Này Nhớ Đêm Xưa


Một chút gió về đêm thật lạnh
Mắt buồn vời vợi hướng trời xa
Sài Gòn ai hiểu lòng cô quạnh
Của một người đi vẫn nhớ nhà..!

Đêm nay đường phố đèn hanh sáng
Xanh đỏ đủ màu trông thật xinh
Dân chúng hân hoan mừng ngày Chúa
Giáng xuống trần gian ướp mộng lành…

Riêng ta lòng vẫn hoài năm cũ
Em của Sài Gòn, em năm xưa
Đêm Noel làm sao không nhớ
Em bên ta- Tình đủ ấm chưa ?!

Honda lạng lách theo đường phố
Lê Lợi đây và Tự Do đây
Khu giáo đường bên nhà bưu điện
Đông đặc người đi khói quyện bay

Ôm sát vòng eo, tay búp măng
Ta nghe máu ngược, nhịp tim tràn
Thoảng hương thơm tóc em ve vuốt
Chúa sáng danh- Tình ta sáng trăng!!

Tay nắm bàn tay mát tuổi xuân
Lưng anh em tựa ấm toàn thân
Phố phường đâu chỉ riêng hai đứa
Những cặp tình nhân đứng rất gần…

Đêm nay cũng lại đêm mừng Chúa
Cảnh cũ, người xưa nhớ buốt lòng
Cô bé mắt nâu thời đi học
Bây giờ đò lỡ đã sang sông…

Đêm đông xứ người trời buốt giá
Phố phường giăng mắc lắm đèn hoa
Ta bước đi- Tâm lòng xa lạ
Em có còn không dáng thướt tha…

Thy Lan Thảo



Vườn Nhãn Xưa


Ta về mắc võng trong vườn nhãn,
Chạnh nhớ những ngày tuổi ấu thơ,
Gần ba mươi năm nơi đất khách,
Nhớ hoài tình đẹp tuổi mong chờ.

Có ai sống giữa thời ly loạn
Không có một lần lỗi hẹn nhau?
Ta đi giữa chiến trường bom đạn,
Em trong khung cửa ngẩn ngơ sầu..

Triền miên khói lửa nơi tiền tuyến,
Mang cả nỗi niềm nhớ hậu phương,
Yêu nhau chỉ biết tình sao đẹp,
Nào biết tương lai lắm đoạn trường.

Ta về cưới vội người yêu dấu,
Từ đó em làm chinh phụ buồn,
Em ơi! Ta quyết dâng xương máu,
Xả thân nầy bảo vệ quê hương.

Trăng soi thềm vắng ngày ly biệt,
Cuối tháng Tư buồn chia cách nhau,
Ðâu biết lần đi là vĩnh quyết,
Em giữa trùng vây của khổ đau.

Ta về mắc võng trong vườn nhãn
Nắng ở trên cao soi lá cành,
Trời xanh bát ngát  và mây trắng,
Nhớ quá ! Mà thôi! Dạ cũng đành!

Vĩnh Trinh

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Thơ Diễn Ngâm:Hoài Hương - Thơ Yên Dạ Thảo - Hương Nam Diễn Ngâm




Nhớ cố hương em buồn khắc khoải
Bao lần về lòng mãi còn vương
Nhớ tình ruột thịt yêu thương
Trường xưa bạn cũ năm trường từ ly

Em nhớ quá mùa thi trưa nắng
Tiếng ve sầu xa vắng nhớ nhung
Nhớ người, nhớ cảnh… khôn cùng
Nhớ từng kỷ niệm đã chung vui buồn

Em lại nhớ Sài gòn phố thị
Cảnh về đêm xa xí phù hoa
Người mua kẻ bán trước nhà
Dập dìu xe cộ ngày qua lại ngày

Và em nhớ sớm mai mưa hạ
Về ghé thăm anh cả miệt vườn
Cơm trưa đạm bạc rau tương
Gạo thô, canh ngọt mướp hương … ấm lòng

Giờ chỉ còn hoài thương niệm nhớ
Quê hương nay cách trở ngàn trùng
Chia nhau một mảnh tình chung
Phương trời viễn xứ… cố hương vọng về



Yên Dạ Thảo

Tuổi Thơ Tôi Theo Thời Gian - Phần 1

      Mấy hôm nay trời mát có hơi ngay ngáy lạnh, thói thường tôi hay uống café sáng pha phin tại nhà, ngồi xếp bằng dưới nền, chỉ hút 1 điếu thuốc duy nhất, rồi uống trà, kế châm điếu thuốc duy nhất (thứ hai..v..v..)ôi thôi dặn lòng bỏ thuốc lá, khổ nổi ngón tay cứ nhón điếu thuốc, nên môi phải bập bập…
     Nhà tôi ven sông Long Hồ mặt trước là đường, vì là sông nên ngoài cầu Thiềng Đức, còn có đò sang sông những hai bến, kẻ từ cầu về sông cái (sông Tiền), ngày xưa bến đò gần nhà học sinh sang sông phải trả tiền (5 cắc), còn đò cận sông cái sang chợ học sinh đi không phải trả tiền.


     Tôi ở gần bến đò nhỏ, thuở trước do ông Tư lường chèo, là chiếc tam-bản, ông vốn người khách trú, vợ Việt rặc, từ Tam Bình ,chèo về chợ Vĩnh Long, trọn gia đình sống trên chiếc ghe lường nhỏ, mui là mái lá nẹp tre, đậu tạm nơi đất gia đình bác Sáu Minh, bác Sáu thương tình, cho tạm trú trên đất nhà rồi hành nghề đưa đò ngang nuôi trọn một vợ bảy con. Khách sang sông thường là xóm riềng quen thân, trong số đó có tui, nên khách sang sông cùng ông lái đò chuyện trò rôm rả cho đến khi cập bến bên kia, khách trở về cũng vậy. Ngày trước mùa nước nổi, sông chảy xiết, khách đông, thuyền nhích từng chút một, do vậy trước mũi thuyền có thêm chiếc dầm, ai ngồi phía đầu hoặc kế đó cầm dầm bơi tiếp, nay cũng dòng sông này mùa nước nổi rất cao, mà sông chảy không nhanh, ngẫm nghĩ vỡ lẽ, thì ra lúc xưa không có bờ bao trong vườn ruộng nên khi mùa nước nổi, nước tràn lên ruông đồng, thành thử sông chảy xiết, ngày nay bờ bao cũng là đường giao thông nên nước dù lên vẫn êm ả, tà tà mà trôi không việc gì phài vội!!!

     Hồi bác đưa đò đến mãi sau nầy, tôi chưa lần nào sang sông bằng thuyền mới cả, cứ chiếc cũ kéo lên bờ, thì chiếc cũ khác được đấp vá kéo xuống sông làm nhiệm vụ tiếp, đến cặp chèo cũng vậy, khuyết mòn sâu rồi gãy, bác cưa chấp nối lại, nơi mối nối được gia cố thêm miếng nhôm quấn vòng, đóng đinh chằn chịt, quay chèo bên này là dây, bên kia là mảnh lưới chày rách ai đó quăng bỏ, lây lất nuôi gia đình bốn mùa lênh đênh mãi
     Bác thường nói với tôi, khi tôi đủ lớn, giọng lơ lớ (bác chờ ăn đám cưới của cháu với cháu Mẫn rồi bác mới về Tàu), Mẫn là con lớn của bác Sáu Minh, sau 75 một thời gian, Mẫn định cư ở Úc cùng hai đứa em là, Nguyệt, Bé Năm, Mẫn lập gia đình với người bạn đời Philippine tại Úc, còn tôi sau khi nội tôi mất được 5 năm tôi cũng tự lập gia đình, thành thử bác Tư không thể ăn đám cưới được đứa nào cả, thời gian sau đó bác cũng thôi chèo đò để yên giấc ngàn thu, còn lại trong tôi lời hứa xưa cùng tất cả tình thương mà bác đã bỏ lại.

       Hồi trước, sang sông lên đò, bên phải là những chiếc xe nấu nhựa đường, không biết có từ đời nào nằm im lìm sét đỏ, lở từng mảng, bánh xe sắt lún sâu xuống đất khoảng nửa bánh, bên trái cận đường Tống Phước Hiệp, là cây đa rất to, có lẽ to nhất Vĩnh Long thời đó, chứng kiến biết bao thế hệ nhân tài, nhân đức được đào tạo từ trường Nguyễn Thông, tuy không phải vùng đất của bốn mùa, nhưng cứ cuối thu lá úa rụng từng đám xuống đường, trải thảm cho khách bộ hành cho học sinh đến trường thong thả bước. Đâu khoảng mười tuổi, từ nhà, tôi hay ngắm cây đa bên kia sông trong mưa giông qua khung cửa khép hờ sau nhà, phía tàng cao, có một cành đưa ra xa bên ngoài, trên đó có hai nhánh nhỏ hướng thẳng lên cao, một cao phía trước, một thấp hơn phía sau, nhánh nầy chuyển động lên xuống, tôi cảm nhận cành cao phía trước là bà Nội tôi, còn cành nhỏ phía sau là tôi, hai bà cháu cùng cỡi ngựa, chở tôi ra cuộc đời. Bởi nhà tôi lúc đó chỉ có hai bà cháu, bà nuôi tôi từ ấu thơ đến ngày nay bởi cha mẹ ly cách từ khi tôi khoảng ba tuổi, mà bà lại là bà nội nuôi, bà nội ruột mất hồi tôi chưa sanh ra, thuở nhỏ tôi ương yếu lắm, khoảng bảy tuổi, tôi đau ban bạch (thương hàn), nằm liệt cả năm, hết bác sĩ Long (Vĩnh Long lúc đó dường như chỉ có bác sĩ Long) đến thuốc bắc, không khỏi nội chở tôi sang xã Mỹ Thiện trên đường đi Sài Gòn, từ đường lộ đến nơi trị bệnh là đường đất khá xa, nội dẫn tôi đi bộ được đoạn ngắn, tôi mệt, nội thương cõng tôi trên lưng đi tiếp, nội lúc đó cũng khá lớn tuổi. Cả năm bà cháu ăn ở nhà người trị bệnh cho tôi, mãi cận Tết, bà mới đưa tôi về nhà trị bệnh tiếp, tôi mạnh rồi bệnh trở lại (tiếng xưa gọi là trúng lại), năm đó là đầu năm học lớp tư, nghỉ liên tiếp có hơn ba năm, mới đi học lại, cũng lớp tư.Ôi công ơn dưỡng dục biết bao nhiêu mà kể, tôi thương nội tôi lắm, bà còn hơn có lẽ nội ruột của tôi, vừa là cha, vừa là mẹ chăm, cưng chìu tôi từng chút một, bởi nội tôi không có con, nhận ba tôi là con, ôi nuôi cha, rồi nuôi con của cha, với tình thương bao la, vừa bảo bọc vừa che chở v…v..với bao đau thương buồn bã, nội tôi bỏ tôi lại một mình vào năm 78, bởi lúc nầy tôi chưa lập gia đình


     Thỉnh thoảng tôi vẫn đi học bằng đò lớn (đò phìa chợ ), bến đò nầy còn gọi là đò bến đá, bởi nơi đây có trại hòm, và chứa đá làm bia mộ. Còn nhớ ông thợ đục chữ trên bia già lắm vào lúc đó, tóc bạc trắng, mắt kiếng già được gắn chặt trên mắt nhờ sợi thun khoanh vòng sau đầu, ông ở trần đưa làn da nhăn nhúm bọc không kín những chiếc bẹ sườn nhô cao lên trong mỗi cử động đục của ông, người khom sát với chiếc đục nhọn mũi, to, đầu đục sắt cuốn lại tròn phủ xuống thân tay cầm. Cạnh bên là ông thợ cưa đang xẻ gỗ, chiếc cưa rất to, ông ở trần, mặc chiếc quần đen vải ta cắt lửng, ông đứng trên thân cây súc (gỗ to nguyên thân tròn), kéo lên đẩy xuống với chiếc cưa to hết khổ, ông này cũng ốm, khá tuổi, xả ván theo yêu cầu của chủ trại
     Chiếc đò này to dầy, do ông già câm chèo, nói là chèo, chứ thực ra ông đứng ở mũi đò, lưng hướng ra sông, nại lắc qua lắc lại bằng một chiếc chèo to dài, chân ông lúc đó có lẽ do dị tật, bước lên hoặc xuống đò đều thẳng cứng, ông có một bà vợ làm bạn cũng câm như ông, đôi vợ chồng tật nguyền này vẫn ngày ngày đưa khách sang sông, trong đó có tôi, viết những dòng này, xin nguyện cầu cho ông bà được bình yên nơi cõi thiện lành, nếu có kiếp tái sanh, cầu ông bà cùng những người thiện tâm được an lạc, hạnh phúc.

Trương Văn Phú


Tuổi Thơ Tôi Theo Thời Gian - Phần 2


     Chung quanh Vĩnh Long rất nhiều cầu, kể ra nghen, từ trong nội ô. Cầu Tân Hữu thì đi Cần Thơ, cầu Tân Bình đi Sài Gòn hướng bắc, cầu Vòng, cầu Ông Me đi Trà Vinh, trên Kinh Cụt ranh phường một, chiều dài kinh khoảng năm trăm thước, có đến bốn cầu, từ ngoài mé sông cái trở vô, cầu Cái Cá, cầu Lộ, cầu Kinh Cụt, cầu Công Xi heo, phía đông nam có cầu Khưu Văn Ba (nay là cầu Phạm Thái Bường), đi đến nữa là cầu Ông Me, để di chuyển qua phà Đình Khao, lại qua cầu Chợ Cua, phường một đến phường bốn qua cầu Lầu, qua phường năm có cầu Thiềng Đức, ngày xưa còn gọi là cầu sắt.

 
     Nghe nội tôi kể lại, khi đó tôi nhỏ xíu nhưng vẫn còn nhớ, (cây cầu sắt yếu dữ lắm, con chó chạy mà cầu rung rinh, phải mời bác vật LANG đến xem xét, ổng cầm baton vừa đi qua cầu vừa dộng baton xuống cầu rồi bảo, mấy ông yên tâm cầu không sập đâu mà sợ ), cầu không sao, cầu già rồi lung lơ chút đỉnh, đâu có mời khách bộ hành tắm táp ngang xương mà phải sợ, sau đó gia cố thêm ống thép, rồi cầu làm nhiệm vụ tiếp, nếu tôi nhớ không lầm, bề ngang khoảng năm thước, không có đường dành cho người đi bộ, ván cầu đóng khá thưa, cách nhau khoảng năm sáu phân, không biết các bạn nhỏ trang lứa của tôi ra sao, chứ tôi ớn qua cầu, đi mà nhìn xuống sông nước chảy hun hút phía dưới, hãi hùng thấy bà. Khà, khà vậy mà vẫn có động lực lớn giục thúc tội sang sông bằng cầu buổi sáng mà không đi đò của bác Tư Lường.
     Qua Tết ta, trước miễu Tống Quốc Công (nay là nhà văn hóa), là khu vực bán dế phục vụ các em thiếu (quần dài) mặc xà lỏn, giành nhau chụm đầu đưa đít ra ngoài đường, lựa dế. Thường thì khoảng năm sáu quầy bán dế, ông, bà bán ngồi chồm hổm, các chiến binh được chứa đựng đủ phương tiện: thùng thiếc cũ (nguyên là thùng chứa dầu lửa hiệu con sò), thùng cây, thau nhôm có nắp đậy, ai mua thì dở ra, việm sành, .v..v..

     Vốn sợ qua cầu, nhưng vì ham dế, bỏ guốc, đi đến bện này cầu, hít hơi (lấy hơi Minh Vương), chạy tốc độ tối đa sang bên kia mua dế, hồi nhỏ đi học mới đi sandal, ở nhà đi guốc, sang chợ đến quầy bán guốc của bà Chín, má vợ của bác Sáu Minh, guốc làm bằng cây vông,vì loại cây này khi khô rất nhẹ, guốc đàn ông con trai thì thuôn dài, đế thấp, guốc các bà, các cô có eo giữa thân, gót cao nhưng cũng vừa vừa, vật dụng đở chân của các bà đa dạng phong phú nhiều, guốc vông, guốc sơn, guốc sơn mài, còn quai thì đủ kiểu.
     Đến quầy lựa cho vừa chân, đóng quay tại đó, bà Chín vốn đầy đặn mặt rất phúc hậu, luôn tươi cười khi khách đến mua, dù quen hay lạ, phải công nhận bà Chín cười rất phúc (không biết hai cô Phượng – Oanh có còn nhớ hay không ), riêng bác Sáu Minh gái mãi sau nầy vẫn đi guốc vông, dù bà Chín mất đã lâu mãi đến khi, bác bị tai nạn gần đây mới không còn đi guốc nữa (đi dép lào, nhưng nằm nhiều hơn đi). 

      Vĩnh long xưa, có hai nơi dành cho các đoàn cải lương, là miều Tống Quốc Công ở phường một và chùa Bà Minh Hương ở phường năm, còn rạp Lê Thanh dùng chiếu phim, tôi nhớ có lần đoàn hát cải lương Hoa Sen, đoàn này là cải lương pha hát bong (chiếu phim), hồi xưa gọi là đoàn cắt bụp, vì có bắn súng. Lần này tôi được tham gia xem nhờ bà nội dẫn theo đi cùng bác Sáu Minh gái. Nội tôi mặc áo dài thâm, còn bác Sáu gái áo dài trắng nhạt, rất lịch sự, đi xe lôi đạp (còn gọi là xe kéo), lên dốc cầu sắt ông tài xế gò lưng kéo lên, đến khi xuống dốc ển lưng ghì lại, ở chợ rất đông xe lôi đạp, nếu tôi nhớ không lầm thì chỉ khoảng hai chiếc xe lôi có gắn máy kéo, đầu kéo là chiếc xe mobilet (mô bi lết)loại bình xăng vuông, đời đầu. Khi có khách tài xế kéo xe chạy lấy trớn, rồi nhảy lên xe rất nhanh gọn, đạp lia lịa, rồ ga máy kêu xẹt xẹt bằng bằng khói xanh um một góc đường.

     Từ cầu sắt (Thiềng Đức) phía phường năm của tôi, tuy đoạn đường ngắn, đường cùn, có ba rạch ba cầu, gồm từ cầu sắt quẹo trái, rạch cầu cây Mít (nơi đầu cầu khi xưa có cây mít bự), rạch cầu Đào, đến là cầu Dài, tiếp tục đi tới nữa là cùng đường, bên trái, đường dẫn sang chợ Vĩnh Long qua đò Bến Đá, bên phải là cầu Dài, cầu này đáng lẽ phải ghi vào tự điễn guiness phường mới được, bởi nó đúng nghĩa, đầy nghĩa (cầu kì), là cầu ván, đủ thứ ván tạp, dài vắn khác nhau, ngang khoảng sáu bảy tấc, nằm trên từng khoảng cọc ngắn, cao độ năm tấc, còn nhà dân thì thấp dưới cầu, chạy ngoằng ngoèo tùy theo nhà cư dân, rất dài cập theo bờ sông cái, giờ thì không còn, bởi bờ sông lở sâu, nay thành bờ kè rất khang trang.



     Để coi, trong khoảng đường Lê Minh Thiệp (là tên ông giáo) nay là đường (Nguyễn Chí Thanh), có hai chùa tàu, chùa Ông và chùa Bà, riêng chùa Bà ,thờ bà Thiên Hậu, chia không gian thờ và hát xướng làm hai khu riêng biệt, (cũng tương tự như miếu Tống Quốc Công), hướng cầu xuống tí, ngày xưa lắm là đình, tọa lạc bên cạnh rạch cầu cây Mít, đình này nằm bên trái cây dương rất to cao, nơi đây dùng làm chổ hội họp của cấp Hương, Bộ làng Thiềng Đức hồi xưa. Sau đó, khoảng thập niên bốn mươi, năm mươi, kèm thêm chức năng giáo dục, lớp nhì và lớp nhất ,trước khi sang tường tỉnh học. Còn lớp năm, tư ,ba thì học trường fostille (còn có tên gọi là trường thủy binh), một cấp mà hai nơi dạy , cách nhau khoảng hai trăm thước trên cùng một đường, kể được hai chùa Tàu, một đình, còn chùa Phật cũng rất cổ kính, tên gọi chùa Long Thiền, (nay đang tân trang lại theo trào lưu, nên cũng nhạt nhòa ít nhiều nét cổ kính xưa), sau năm bảy lăm,thêm chùa Ni, do ni lập, tên Thanh Châu, cạnh chùa Long Thiền, là nhà thờ họ đạoThiềng Đức, do cha Lục hoạt đông mà nên, lúc đầu nhà thờ hơi nhỏ, nay chuẩn bị nới rộng và cất xứng đáng với sinh hoạt trong họ đạo, cùng giáo dân.

     Đề cập đến trường học mà không kể hết các trường thì quả tình có lỗi. Vĩnh Long xưa, có lẽ dân địa phương trọng học vấn lắm, cấp trung học công là trường Nguyễn Thông, cấp tư thục có ba trường, bao gồm trường Lam Sơn, trường Long Hồ, trường Nguyễn Trường Tộ, Lam Sơn rã gánh trước, rồi đến Long Hồ, nay vẫn có tên trường Nguyễn Trường Tộ, đã dời địa điểm khác nghe đâu là trường điểm, là trung học công lập. Nơi ba ngôi trường trung học tư thục đã từng đào tạo, nay thành nơi kinh doanh, dân cư, công cộng. Sau nầy khi trường Nguyễn Thông đổi tên Tống phước Hiệp, thì Nguyễn Thông là tên trường bán công, tọa lạc cạnh di tích cây đa cửa Hữu, cũng trong phường một còn có hai trường tiểu học Nam và Nữ riêng biệt.



     Về hướng đi Cần Thơ, từ khoảng ngã ba Cần Thơ lên cầu Tân Hữu, khi xưa dành chứa rác, thuở này tôi còn lóc cóc, theo mấy bà chị lớn lội bộ đến gần cầu Tân Hữu xuống ruộng khô cùng ngồi túm tụm, mua dưa gang ăn tại chỗ với đường chảy, dưới ngọn đèn dầu lửa bánh ú, được kéo tim đèn cao cả phân, khói đèn mù mịt, bởi có nhiều người bàn, nhiều tốp anh chị lớn kéo nhau lên đây, vui chuyện làm quen nhau giữa trai gái là chánh, ăn là phụ, mấy bà chị trong xóm tôi, cứ chạng vạng tối, mùa dưa gang, rũ nhau trẫy hội mong có anh nào để mắt đến mình, bởi các bà đang độ, mà ngộ chẳng có ai chú ý cả, đi về quân số như y, không dư thiếu, để được mừng. Đâu độ khoảng những năm 56 -57, chính quyền lúc đó thổi sình (xáng thổi) hai bên bờ lộ, mở rộng khu dân cư, cùng lúc nầy có thêm hai trường trên vùng xáng thổi: trường trung học Kỹ Thuật và trường Sư Phạm Vĩnh Long, rồi một sân banh kế bên được thành lập, dân cư tập trung đông đúc, dần dần trở nên khu kinh tế ổn định.

     Nói đến trường lớp, là nhớ liền thầy cộ bạn học, còn nhớ khi sang sông đi học bằng đò, do ông câm chèo đưa qua bến chợ cá ở Vĩnh Long, tôi đi dọc theo con đường có nhà của Tiến ở (ty Ngân khố), trước mặt tôi, hai chị lớp trên đang thong thả ôm cặp bước đều, chị đang đi phía trong bỗng bất chợt nhảy nhanh tới trước vừa  la lớn:
-“Á” với vẻ hốt hoảng hoang mang, chị bạn đi cạnh hỏi
- Gì vậy?
- Tao tưởng c.. ,thì ra hai bà này mải mê chuyện nên quên trên đường đi học rải rác, từng mảng đất sét lớn nhỏ do bánh xe bỏ dọc đường học trò đi.
     Trong năm đệ tứ,Tuấn ngồi dãy đầu bàn thứ ba, còn tên ngồi kế Tuấn tôi quên (có lẽ Tuấn còn nhớ), tôi thì ngồi đầu bàn thứ tư dưới Tuấn, cạnh trong là tên Đô, tên này khỉ khọt thuộc sư phụ tôi, ngồi bàn học, quần hùng khoanh tay trên bàn như nhau, thầy quay lưng để viết bài, Đô với tay khều Tuấn, thầy quay xuống, nó khoanh tay gọn hơ trở lại, thầy vừa xây lưng, thằng Đô khều mạnh hơn, Tuấn làm tỉnh, lần này tên Đô thò tay khỉ xô mạnh tới trước, mắt kiếng của Tuấn trể xuống, tên này tức mình quá, quay ra sau (kênh)một phát,vậy là bình yên trở lại, thằng Đô mới thôi cái trò giởn nhây.

     Cũng thằng Đô nữa, số là khi vào học, các bạn kẹp tóc thường úp nón lá ở đầu bàn (giờ thì không còn thấy hình ảnh nón lá nghiêng nghiêng mái tóc với một tay vịn kèm, tay kia ôm cặp, khi đến trường hay khi tan học), không biết ở đâu mà nó có cọng thun khoanh, ông nội xé giấy tập làm (bì) vói bắn vào vào nón lá kêu cái bụp, kết quả, nón có một lổ thủng, các bạn đang tập trung học có ai chú ý đâu mà biết, nó tiếp tục phát thứ hai, đến lần thứ ba, phía bàn sau có sự tham gia của hai ba đứa nữa, lần này chúng nó bắn hăng quá, tôi nghe, bùm bụp liên tu, tôi vốn nhạy cười đang vén mồm toét ra (vô duyên), thầy quay xuống, miệng tôi trở về vị trí cũ nhanh chóng, các bạn gái chắc là phát giác ra, lục tục mang nón mang vào trong, không biết đợt pháo nầy, hai chị Trân, Huê, hai bạn Điệp, Huỳnh Hoa có dính đạn không nữa, chờ khi gặp lại nhớ hỏi chỉ Trân xem mới được.

     Trên đường tan học về nhà, Độ chung đường chung hẻm với Huỳnh Hoa, tên này thương thầm Huỳnh Hoa, nên lén quăng trái tim mình vào cặp bạn, còn HH thì chứa tim của bạn Bảnh cùng lớp, ngồi sau cách chúng tôi vài bàn, nên khi trái tim Đô quăng vào, nhưng dội ra rồi rớt đâu đó dọc đường hồi nào cũng không rõ. Học được nửa năm đệ tứ Đô nghỉ học, bỏ lớp, bỏ bạn,bỏ trường nhưng không bỏ được thương nhớ mang mãi theo đường phiêu bạt trong chiến tranh.
     Lần nọ tôi gặp lại Đô ở Rạch Giá, hai đứa mừng lắm, rủ nhau đi dạo, rồi nhậu la cà trên những kệ của ai đó dọc đường đi, có cả Tâm đen cũng bạn học cũ nhưng không chơi chung thuở còn học cùng nhậu. Cách khoảng năm tôi cũng gặp lại nó, hai đúa uống rượu nhắc chuyện xưa, toàn chuyện thuở còn đi học, vui có, buồn có,ưu tư cũng có đủ cả, chuyện mãi đến khoảng nửa đêm, tôi về chỗ ở bên trong bưu điện Rạch Giá,nơi uống gần bãi biển khá gần nơi tôi ở, thằng Đô không cho tôi về một mình, nó đưa tôi về, tôi thấy tội khi nó lang thang chập choạng một mình khi trở về, tôi lại đưa nó về, rồi nó cũng cùng tâm trạng như tôi, tiễn tôi, sau đó cùng chia tay nửa đường, con đường khuya mờ ảo với ánh điện vàng vọt hắt từ đèn đường bên kia sông. Sau đó tôi không còn gặp lại nó nữa.

     Sau bảy lăm, cũng rất tình cờ, tôi gặp lại nó ở quê nhà Vĩnh Long, với đôi mắt đã bỏ lại ở An Lộc, thằng này hay quên quá, hết bỏ trái tim, rồi bỏ đôi mắt. Gặp mặt nhau, ngồi trên sạp cây trước nhà má nó, một xị rượu, một dĩa mồi, mà khi ăn uống phải mò, tôi nó ngậm ngùi kể chuyện xưa, rồi nó mất hồi nào tôi cũng chẳng hay biết, tôi mãi bươi tìm sinh kế, lăn lóc hết thành thị đến thôn quê. Nhưng câu hát nối theo lời tôi hát, tôi vẫn không quên, giờ hình hài nó đã tan rã có lẽ lâu lắm rồi.
     Tôi hát nho nhỏ ở buổi uống rượu cuối cùng, (em tan trường về đường mưa nho nhỏ, em tan trường về đường mưa nho nhỏ ) nó ca nối theo, đúng hơn nó đọc …em tan trường về, anh theo tò tò, theo để hửi đ.....sau lời đọc là nụ cười buồn phảng phất nét bao dung cùng đôi mắt mù.

Trương văn Phú
 

Đêm Và Nỗi Nhớ


Tiễn người trở gót quay lưng
Trái tim trăn trở rưng rưng nhịp buồn
Trăng nghiêng sầu thắt dáng cong
Giọt mưa giăng mắc bên song lạnh lùng

Người đi như nước xa nguồn
Cuộn câu nhung nhớ giữa mông mênh chiều
Ta về gom nhặt chắt chiu
Vần thơ ngày cũ dấu yêu nhạt nhòa

Sóng tình vời vợi dạt xa
Trong nhưng nhức gọi vỡ òa tim đau
Về đâu, lại hỏi về đâu
Xoáy từng ống máu nát nhàu buồng tim

Đêm qua đêm lại từng đêm
Bóng soi vách trắng hắt đèn chông chênh
Môi khô bất chợt gọi tên
Dõi đôi tầm mắt bên thềm lặng tênh

Dối lòng tìm chút bình yên
Dìm trong khắc khoải muộn phiền ngủ quên
Gió lùa giá lạnh… giật mình


Đêm tàn rơi rớt mộng tình riêng ta….

Trần Thị Dã Quỳ

Họp Mặt Của Cựu Giáo Sinh Sư Phạm Vĩnh Long Kỳ 17, Lớp 6, Khóa 8

Kim Oanh kính tặng các Anh Chị, mến chúc các Anh Chị luôn bên nhau với kỷ niệm đẹp trong đòi.
Kính mến
Em Kim Oanh


Nhạc Phẩm: Hội Ngộ (nhạccuatui)
Ca Sĩ: Công Hoàn
Hình Ảnh: Huỳnh Hữu Đức và Nguyễn Tấn Hiệp

Tiểu Sử Ông Nguyễn Thông 1827-1884

TIỂU SỬ ÔNG NGUYỄN THÔNG ( 1827 – 1884 )



          Nguyễn Thông, tên đầy đủ là Nguyễn Thới Thông, tên chữ là Hy Phần, hiệu là Kỳ Xuyên, biệt hiệu là Độn Am, sinh ngày 28 tháng 5 năm Đinh Hợi (1827), tại thôn Bình Thanh, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay là tỉnh Long An), mất năm Giáp Thân (1884), chôn ở núi Ngọc Sơn, xã Ngọc Lam, phủ Hàm Thuận (nay là Thành Phố Phan Thiết).
         Thân phụ là Nguyễn Hanh người Tân Thạnh (tỉnh Gia Định), kết hôn cùng bà Trịnh Thị A Mầu nguyên quán ở Thừa Thiên, sinh hạ được hai trai là Nguyễn Thông và Nguyễn Hài.
         Anh em hơn kém nhau hai tuổi, cùng học với cha ở nhà từ bé. Năm Nguyễn Thông mười tuổi thì mẹ mất, mười bảy tuổi thì cha mất. Gia đình gặp cảnh khó khăn, Nguyễn Thông phải lao động để giúp đỡ gia đình.
         Rất ham học nhưng không có thầy, Nguyễn Thông đành phải cùng em tự học. Sau may mắn được học với ông Nguyễn Nhữ Hiền một thời gian ngắn (ông này được bổ đến Tân An không bao lâu lại trở về kinh).
         Khoa 1849 (năm Kỷ Dậu, triều Tự Đức) Nguyễn Thông đỗ cử nhân, và thi hội bị đánh hỏng vì tập bài thi bị lấm mực. Đọc bài thi vì thấy văn tài của Nguyễn Thông, nhiều người khuyên nên tiếp tục học để thi khoa sau. Nhưng nhà nghèo không thể tiếp tục ngồi học, Nguyễn Thông nhận chức huấn đạo tại Phú Phong, tỉnh An Giang.
         Sáu năm sau, năm 1855 ông ra Huế làm việc ở nội các tham dự soạn sách nhân sự kim giám (gương vàng soi việc người).
         Năm 1859 quân Pháp đánh thành Gia Định, Nguyễn Thông tình nguyện tòng quân và đã giúp việc đắc lực cho thống đốc quân vụ Tôn Thất Hiệp.
         Năm 1861 đại đồn Chí Hòa bị mất, kế đến tỉnh Biên Hòa bị chiếm, cậu ông là Trịnh Quang Nghi (có chiến đấu ở trận Chí Hòa) và bạn ông là Phan Văn Đạt mộ nghĩa binh chống quân Pháp ở Tân An và Gò Công. Ông tham gia phong trào ấy, may được thoát nạn, Phan Văn Đạt bị bắt giết. Còn Trịnh Quang Nghi qua năm sau giúp Trương Định rất đắc lực trong chức tham tán quân vụ.
         Năm 1862, ba tỉnh miền Đông phải nhượng cho Pháp, nhờ cụ Phan Thanh Giản đề cử Nguyễn Thông được bổ làm Đốc học Vĩnh Long. Về Vĩnh Long, ông vẫn liên lạc với cậu mình (Trịnh Quang Nghị) vui buồn với cuộc chiến đấu của Trương Định, đồng thời liên lạc với các sĩ phu yêu nước, trong đó có những sĩ phu dời gia đình từ miền Đông sang. Những điều nghe thấy lúc này giúp ông dễ dàng viết lưu lại cho đời mấy bài ký về Phan Văn Đạt, Trương Định, Hồ Huân Nghiệp trong “Kỳ xuyên văn sao”.
( Mộ Phần của Ông Nguyễn Thông - Phan Thiết - Tỉnh Bình Thuận)

         Riêng đối với địa phương Vĩnh Long, Nguyễn Thông đã lưu lại những dấu ấn đậm đà, quý báu. Ông chủ động thực hiện bằng được việc xây dựng Văn Thánh Miếu dự trù từ nhiều năm trước. Cạnh Văn Thánh Miếu có dựng lầu Tụy Văn làm nơi chứa sách và học tập. Ông lại cùng Phan Thanh Giản khởi xướng việc dời mộ nhà giáo dục nổi tiếng ở lục tỉnh là Võ Trường Toản, từ Chí Hoà đưa cải táng về Bảo Thạnh (Ba Tri, Bến Tre này nay) vì lẽ đức nghiệp của ông thầy chung không để cho quân địch làm ô uế.
         Sau này, Tụy Văn lâu đổi tên là Văn Xương Các và biến thành nơi thờ cụ Võ Trường Toản cùng các công thần khác.
         Về tác phẩm, Nguyễn Thông còn lưu lại mấy bài thơ lên quan đến Vĩnh Long, đáng xem là những viên ngọc trong kho tàng văn học địa phương.
         Bài “Lên lầu trên thành tỉnh Vĩnh Long” (1863) giữ cho ta được một chút hình ảnh thành xưa:

Vũ tễ đinh câu tập vãn cầm
Nhất thanh họa giác bán lâu âm
Thiên thiêu thành quách chu tạo tại
Đa nạn thân bằng khế khoát thâm (. . . )


Dịch:

Chim chiều về bãi tạnh cơn mưa
Im mát nữa lầu tiếng giốc đưa
Khối lửa vây thành lưu vết trước
Nạn tai rối bạn nặng tình xưa (. . . )


         Năm 1867 trong bài thơ Đón Tết Đinh Mão ở Vĩnh Long, ông cho thấy mình vui cảnh nghèo và lòng vẫn thương ba tỉnh miền Đông:

Đinh Mão tân tuế tác
Nhất ngọa Long Giang chữ,
Niên hoa ngũ độ xuân
Tiệm khan nhi nữ đại,
Đầu giác mấn mao tân.
Quan dĩ trì tàng chuyết,
Thân tương kiệm bổ bần
Cố hương nhưng mã tại,
Cốt nhục chánh bi tân.


Dịch:

Thơ Tết năm Đinh Mão (1867)

Bãi Long Giang mới ngụ,
Chốc đã năm mùa xuân.
Trai gái dần khôn lớn,
Tóc râu vụt úa tàn
Chậm thăng che vụng dại,
Giỏi nhịn đỡ bần hàn
Quê cũ còn binh lửa,
Đồng bào đang khóc than.

         Năm 1867, Pháp đã bức chiếm thành Vĩnh Long, lúc ấy Nguyễn Thông 41 tuổi, cùng một số sĩ phu “tị địa” ra Bình Thuận. Ông cùng các bạn bàn nhau việc điều tra địa thế, tìm căn cứ để tạo điều kiện liên lạc với Biên Hoà, đồng thời phát triển nghề nông, sản xuất lương thực lo kế lâu dài. Ông tổ chức việc đi thám hiểm các vùng cao nguyên La Ngư, Bà Dần, ghi rõ địa hình, địa thế khả năng khai hoang và vẽ rõ địa đồ. Sau đó ông bị điều động đi Khánh Hoà rồi Quảng Ngãi, Huế.
         Cuối năm 1867 làm án sát Khánh Hòa, có dâng sớ xin truy tặng tên thụy cho cụ Phan Thanh Giản và điều trần bốn vấn đề ích nước lợi dân nhưng không được chấp thuận.
         Năm 1870 làm Biện lý bộ hình rồi Bố chánh Quảng Ngãi. Đặc biệt ở Quảng Ngãi trong vòng non ba năm, ông đã làm nhiều việc có lợi cho nông dân, nhất là công tác thủy lợi. Lúc này ông mang một nỗi oan là bị tố cáo xử án thất xuất nên bị cách chức, bị giam và xử trượng. Dân và lính đều thương mến ông, đứng ra xin quan khâm sai Nguyễn Bính vừa đến Quảng Ngãi xét lại tội trạng của ông. Có người tự nguyện đến tận kinh thành kêu oan. Ông được tha. Sau rõ lại là do tên cường hào Lê Doãn vu cáo.
         Có hai việc ông đề nghị được triều đình chấp thuận: tổ chức trồng cây và định rõ việc học sử cùng xin ban cấp sách học các trường.
( Đền Thờ Ông Nguyễn Thông tọa lạc tại Phan Thiết)

         Năm 1876, trở ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, cùng các ông Bùi Ước, Hoàng Dung Tân Khảo duyệt bộ “Khâm Định Việt sử cương mục”. Nhân dịp này ông soạn bộ “Việt sử cương giám khảo lược”. Đồng thời ông dâng sớ (và được chuẩn y) việc khai khẩn vùng Tây Nguyên từ biên giới Campuchia đến Quảng Trị, thu nạp dân Nam Kỳ ra. Tiếc là bị quân Pháp phản đối nên triều đình ra lệnh bãi bỏ việc này.
         Năm 1880 ông xoay qua bàn với các người đồng hương chánh thức lập Đồng châu xã, thời gian này ông làm phó sứ diễn nông kiêm Đốc học Bình Thuận. Ông dựng một ngôi nhà nhỏ bên cạnh sông Phan Thiết, đặt tên là Ngọa Du Sào, trên vách có vẻ một số cảnh tiêu biểu mà đời ông trải qua. Năm 1884 Nguyễn Thông mất (58 tuổi).
         Nhìn chung, Nguyễn Thông là một người nghèo có chí tự học, trở thành một nhà nho thật lòng yêu nước thương dân, có tư tưởng tiến bộ, khác hẳn hạng xu nịnh đương thời.
         Thơ văn của ông có giá trị về hình thức lẫn nội dung, được xếp về loại thơ văn yêu nước, và Nguyễn Thông xứng đáng là nhà văn hóa lớn của nước nhà        
Tác phẩm của Nguyễn Thông gồm có

         Ngọa Du Sào thi văn tập
         Độn Am văn tập
         Kỳ xuyên văn sao
         Kỳ xuyên văn độc
         Việt sử cương giám khảo lược
         Nhân sự kim giám
         Dưỡng chính lục
       
         Chúng ta nhớ ơn Nguyễn Thông nhà hoạt động chính trị, xã hội, nhà giáo dục, nhà văn, nhà viết sử yêu nước, có quan điểm tiến bộ, đã đóng góp vào sự nghiệp cứu nước cũng như sự nghiệp phát triển kinh tế và văn hóa của Vĩnh Long và của cả đất nước ta.

(Một ngôi trường được mang tên Ông- Trường Bán Công Nguyễn Thông Năm 1967-Vĩnh Long)*
                                                                   
Trương Kỳ Quốc -Sưu tầm
(Cựu học sinh Kỹ Thuật - Vĩnh Long)

* Cám ơn cô Kim Phượng hình ngôi trường và lớp Đệ Tam B - niên khoá 1967

Thơ Tranh: Một Mai


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh


Tình Hương Gạo Mới


Người hỡi sáng nay nắng có trong
Trong cả đường đi lối nhớ mong
Tình ta như thể hương gạo mới
Gió vỗ về tóc bay bên song

Ngày hai buổi về ngang sông vắng 
Dấu tích ngày xưa âu yếm hằn
Ráng chiều dần xuống đôi mi thắm
Lệ nhạt nhòa ướt đ
m mi căng

Anh đến hôn trên làn mi cuối
Và v về anh yêu em thôi
Đêm sâu bóng tối lòng xao xuyến
Thổn thức con tim nhịp bồi hồi  

Lục Lạc

Tặng Em!




Bài thơ xưa em gửi cho ta đọc.
Như âm vang từng nốt nhạc não lòng.
Thật nhẹ nhàng những lời ai trách móc.
Yêu làm gì mà tình có như không

Người xót xa cho Ngưu Lang Chức Nữ.
Khắc khoải chờ đến tháng B
y mưa Ngâu.
Chân run run bước qua cầu Ô thước.
Một năm tròn mới được thấy mặt nhau.

Mình yêu nhau đã bao mùa lá đổ.
Đại dương kia vẫn xa cách muôn trùng
Biết bao giờ nối hai đầu nỗi nhớ.
Biết khi nao mình mới được tương phùng?

Dương Thượng Trúc


CHS Tống Phước Hiệp Họp Mặt Niên Khóa 1962-1969 - Vĩnh Long


Thực Hiện:Huỳnh Hữu Đức 

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Giỡ Niềm Phù Vân




   (Cảm xúc tùy bút Kỷ Niệm Khó Phai của Lục Lạc)

Phong vân một bức mơ hồ
Khứ lai trấn ải mù mờ thực hư
Choàng tay hụt hẫng tâm tư
Bẻ đôi ký ức bay vù về đâu
Tà huy dọi bóng tình sâu
Thu tàn khơi xác mộ sầu lặng im
Bên hiên trần thế dần chìm
Giữa hồn tục lụy, giỡ niềm phù vân

Hoài Tử


Thơ Tranh: Uất Kim Hương




Thơ: Lục Lạc
Thơ Tranh: KimOanh

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Bài Không Tên Số 2 - Vũ Thành An - Tiếng Đàn Phủ Hiền

      Xin gởi nỗi lòng yêu thương đến Kiều Loan,gởi lời cám ơn đến Kim Oanh, Suối Dâu trên trang  longhovinhlong.blogspot.com đã động viên tôi tập đàn trở lại sau 27 năm ly dị với đàn. 
     Kính tặng sư tỷ Kim Phượng, sư huynh Trương Văn Phú.





Nhạc Sĩ: Vũ Thành An 
Tiếng Đàn Phủ Hiền

Mùa Đông


Tương tư thắm thiết với mùa Đông
Ngoài trời giá buốt lạnh cả lòng
Đường phố sắc màu khoe áo ấm
Nắng lụa mơ màng mỏi mắt trông

Những tà áo trắng tỏa hơi sương
Gió lẻn lướt qua gợn tóc mềm
Bàn tay áp nhẹ lên đôi má
Chờ ai đứng đợi nắng bên thềm

Đã mấy mươi năm vẫn cứ chờ
Mùa Đông đi mãi thấy bơ vơ
Mang theo cái rét ngày xưa đó
Để lại hương thừa nỗi ngẩn ngơ

Đông khắc hằn sâu một bóng hình
Vô tình mất hút đã bặt tin
Lưu luyến chưa mờ trong nỗi nhớ
Tuổi hồng đậm nét những vần thơ

Mùa Đông năm đó chắc chưa già
Bao nhiêu dâu bể, lắm phong ba
Rũ đi chiếc áo mùa Đông lạnh
Lạc bước đường về mãi cách xa

Kim Quang
(08/12/13)


Viếng Chùa Hang



Văng vẳng xa nghe tiếng chuông chiều,
Hoàng hôn tĩnh mịch bóng cô liêu.
Hang sâu thăm thẳm từ bao thuở,
Lặng thầm tiềm ẩn nghĩa cao siêu.

Thăm viếng tĩnh tâm nơi Phật thất,
Quay đầu hướng thiện cõi tiêu diêu.
Nhớ đến nghìn xưa lưu tích cũ,
Muôn đời nhân đức chẳng đìu hiu.

Dương Hồng Hưng
(Trích tập thơ "Hà Tiên Phong Cảnh" )


Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Một Bài Học Về Lòng Nhân

      Có lẽ một trong vài dấu ấn trong gần 20 năm đến trường, tác động rất nhiều đến bản chất, cá tính của suốt cuộc đời tôi. Đó là năm tôi học lớp nhì (lớp 5 ngày nay) với thầy Hà Mai Anh tại trường tiểu học Chí Hoà Sàigon vào giữa thập niên 1950. 
      Gia đình tôi rất nghèo, mẹ bán chuối dạo ở lề đường. Bố làm kẻ hầu hạ cho những gia đình giầu có thế lực thời bấy giờ. Hình ảnh bố mẹ bị nhục nhã, cực nhọc đôi khi bị người ta chửi bới đã in sâu vào ký ức ngay từ ngày còn bé thơ của tôi. Chính những hình ảnh không đẹp đó đã cho tôi có nhiều nhậy cảm với những kẻ giầu có, thế lực mà xấc láo, vô lương tâm.


      Tôi nhớ rất rõ, một buổi sáng vào giờ Đức Dục, thầy Anh giảng cho cả lớp nghe về lòng thương người bất hạnh, tàn tật, nghèo khổ, già lão..v..v.. Thầy đọc cho chúng nghe một vài câu truyện ngắn nói về lòng nhân đạo trong cuốn “ Tâm hồn Cao Thượng ” mà thầy là dịch giả đang bán trên thị trường. 
      Thầy kể cho chúng tôi nghe về vua Lý Thánh Tông (1054 – 1072), vị vua nhân từ của nhà Lý. Trong một ngày vào mùa đông, nhà vua đi tuần thú dân tình, nhìn thấy một người ăn mày quần áo rách nát nằm gục bên đường vì giá lạnh. Nhà vua cảm thương dừng lại, lấy áo ngự bào đắp cho người ăn mày. Trở về cung, nhà vua sai quan quân đem chiếu chăn, quần áo ra ban phát cho người nghèo, kẻ già nua, cô hàn. Cả lớp chúng tôi đã ngẩn ngơ, im lặng theo dõi câu truyện nói về lòng từ ái, thương dân của một vị minh quân trong lịch sử nước nhà.

      Sau đó là giờ ra chơi, tôi cùng với bạn bè trong trường đứng quây quần chung quanh một cái hố khá sâu ở phía sau sân trường dùng để đốt rác, giấy tờ do nhà trường thải ra. Đứng gần bên tôi là một số bạn cùng lớp. Trong đó có một người bạn là con của một chủ tiệm vàng ở đường Lê Văn Duyệt ( CMT8 ngày nay). Cũng đứng gần đó, một người bạn khác, anh ta là con một bác xích lô. Mỗi buổi sáng, cả lớp chúng tôi đều thấy bác xích lô chở anh ta đến trường học rồi mới đi làm việc. Chúng tôi đứng chung quanh chiếc hố, chăm chú nhìn thích thú vào ngọn lửa bập bùng đang cháy dưới đáy hố. Có lẽ vì tánh tinh nghịch, chú bé nhà nghèo, con người đạp xích lô lấy mấy cục đá liệng vào đống lửa đang cháy. Tất cả chúng tôi đều tỏ vẻ bực mình khó chịu, nhưng im lặng, không nói gì. Chú bé nhà giầu, con tiệm vàng quay sang chú bé nhà nghèo gắt lên vài câu để ngăn cản. Thay vì chấm dứt hành động phá nghịch đó, chú bé nhà nghèo lại thấy thích thú hơn, liệng đá nhiều hơn. Không làm sao được với thái độ ngoan cường của đối thủ. Chú bé nhà giầu quay sang tôi phân trần bằng một câu chửi đầy khinh rẻ trước khi quay mặt bỏ đi:
- Mày xem nó ngu muội như thế đó! Thằng bố nó là tên xích lô là đúng rồi ! Nó cũng sẽ là thằng cu li giống bố nó mà thôi! 

      Dù lúc đó tôi mới chỉ 12 tuổi, nhưng câu chửi đầy khinh rẻ, ngạo mạn của cậu bé nhà giầu, không nhắm vào tôi, nhưng tôi có cảm giác con tim non nớt của tôi bị nhói đau. Hình ảnh bố mẹ tôi nghèo khổ, nhục nhã, đã phải im lặng chịu những câu nói khinh rẻ. Những tiếng chửi hạ cấp của những kẻ cường quyền thiếu lòng nhân trong quá khứ trở về, hiển hiện trong ký ức của tôi.Tôi ngẩn ngơ đưa mắt nhìn câu bé nhà giầu bỏ đi mà tự nhiên lòng mình lòng buồn rời rợi. 

       Tôi tự hỏi, chỉ mới 10 phút trước. Cả lớp chúng tôi, trong đó có cậu bé nhà nghèo, cậu bé nhà giầu, tôi và tất cả 55 người bạn khác của lớp học ... đã đờ đẫn nghe thầy giảng về bài học đức dục nên thương người nghèo khổ, thương kẻ khó khăn, già lão...Bài học đạo đức đó đã thấm sâu vào thân xác, vào suy tư,cảm xúc của tất cả chúng tôi một cách trọn vẹn.  Nhưng tại sao người bạn, cùng lớp nhà giầu kia lại vô tình, chóng quên và tàn nhẫn như thế?!  
      
      Tôi không biết người bạn nhà nghèo có đau đớn với câu chửi bới khinh rẻ đó không? Nhưng tôi thấy lòng mình quặn đau khi nhìn về hoàn cảnh của chính mình. Có lẽ bố mẹ tôi vẫn còn thua kém người đạp xích lô nữa là khác. Gia đình tôi , thời sống ở cái xóm tre nghèo quá ! Hàng ngày anh em tôi chưa đến nỗi phải nhịn đói, đến trường ,nhưng thành thật mà nói những bữa cơm của gia đình tôi rất đạm bạc. Quanh đi quanh lại chỉ có rau muống với vài trái trứng vịt chiên xào, sàn sạn những hạt muối mặn làm căn bản cho gia đình 9 miệng ăn mà thôi! Chẳng có gì để nói là bố mẹ và nếp sống của gia đình tôi hơn người đạp xích lô, cha của chú bé nhà nghèo. Đây là hình ảnh đã khắc sâu vào trí nhớ non nớt của tôi suốt đời.


      Rồi thời gian như cánh chim bay qua cửa sổ. Tôi đã lớn lên trong cái nghèo hèn của gia đình, trong cái hy sinh tột cùng của bố mẹ. Nhưng cũng không phủ nhận được cùng với sự chăm chỉ, cô gắng của chính tôi kèm theo biết bao nhiêu may mắn trong đời. Tôi đã thoát khỏi cảnh nghèo khó bằng những thăng hoa lạ kỳ. Lên đại học, tốt nghiệp xong, việc làm vững trãi, rồi được đi tu nghiệp ở hải ngoại. Trong suốt mấy mươi năm sinh sống và làm việc ở trong nước cũng như ở hải ngoại. Dù có những lúc khó khăn, cực nhọc xứ người, nhưng cũng chỉ là tạm thời mà thôi. Sau đó, tôi vẫn tìm cho đời mình được một vị trí sinh nhai trong giới trung lưu có ăn học trong xã hội. Nhưng chắc chắn đến nay dù tuổi đời đã trên 60. Dấu ấn của quá khứ , ngày còn học lớp nhì đã qua đi gần 50 năm rồi, tôi vẫn còn nhớ bài học đức dục đó. Bài học đã theo tôi khắng khít, luôn luôn ẩn hiện trong trí nhớ. Nó khuyên nhủ tôi hãy nhớ về những nhục nhã, khốn khổ ngày xưa của gia đình. Không bao giờ dùng lời chửi bới hà tiện, hay hành động  khinh rẻ  kẻ dưới quyền hay nghèo khổ hơn mình! Đó là điều làm tôi sung sướng và mãn nguyện. Cái sung sướng đầy nhân bản ra đi từ chính nỗi đau khổ của chính cá nhân, gia đình tôi vậy.

Lưu An (Vũ Ngọc Ruẩn)
(Thụy Sĩ,  ngày 7 tháng 8, 2006)