Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Mộc Lan Tiếng Hát Cô Đơn






Thơ cảm tác: Võ Phan Trung
Thơ Tranh: Kim Oanh

Rau Muống Đồng

      Rau muống đồng là loại rau có màu sậm so với rau muống Tàu.  Miền Tây Việt Nam nơi nào cũng tìm được loại rau nầy. Nó mọc ở những vùng đất thấp, tràn lan ở các thửa ruộng vừa hết trầm thủy,trên các bờ ranh, dưới các lung, đầm , đám mạ, dọc theo các kinh rạch.
      Đặc điểm của loại rau nầy sanh xôi nẩy nở rất nhanh. Hột khô nẩy mầm thành cọng rau con, hay lấy khúc rau gần gốc cắm trong môi trường ẩm hay nước sâu chừng một phân thì cọng rau sẽ ra rễ, khi đủ dài thì từ các nách lá sẽ đâm chồi non, cứ như thế rau muống trở thành từng đám dày đặt. Ở miền quê,  những cơn mưa đầu mùa vào khoảng tháng tư âm lịch,ở các đám mạ, chỗ đất trủng trong ruộng,  rau muống mọc và lớn nhanh, vắng mặt vài ba hôm, khi trở lại chúng ta sẽ thấy một đám rau muống, đọt có khi dài hơn năm tấc, non mơn mởn bò trên mặt nước.


      Quê tôi thuộc vùng trầm thủy, quanh năm ẩm ướt, các kinh rạch có nơi nước chảy thông thương, có nơi sông còn chưa đủ sâu,  hai bên bờ sông đất phù sa nhiều chỗ bồi  ra xa khiến cho con sông hẹp và cạn dần như cái lạch chỉ ghe xuồng nhỏ mới vận chuyển được. Sát bờ có nơi rau mác tụ thành từng đám cũng sanh nở mau chóng. Ở chỗ doi, do đất bồi,  rau muống mọc, lớn theo con nước, đọt mập dài,  chỉ ở chót có ít lá nhỏ, đó là mầm của cọng rau. Ở những kinh rạch,hay sông nước chảy lờ đờ, rau muống túa ra,  nhiều  nơi rau muống chiếm gần một phần ba bề rộng. Nhìn đọt rau dài thượt, mơn mởn, lả lướt trên mặt nước tự nhiên chúng ta muốn bẻ một mớ vì phần tươi non quyến rủ của nó dù chưa biết ăn cách nào: bóp gỏi, luộc chấm mắm, ăn sống hay chiên mỡ chấm  nước mắm ớt.

      Rau muống có công dụng khử phèn rất tốt. Trẻ nhỏ miền quê, em nào cũng biết công dụng nầy của rau muống.Vào tháng tư, tháng năm âm lịch, đi ngoài ruộng đôi khi khát nước, chỗ có nước như bào, lung, đám mạ, trên mặt nước đóng một lớp phèn màu vàng sậm, nếu quá khát, bạn tìm bẻ một cọng rau muống để mủ rau nhỏ xuống chỗ có nước, bạn sẽ thấy lớp phèn vẹt ra tạo thành một vùng  nước trong ngần, bạn không ngại thì cứ kê miệng xuống ực một hơi cho no, bảo đảm bạn sẽ không bị đau bụng vì chỗ nước đó đã được khử phèn.
      Muốn ăn rau muống đồng, bạn nên nhớ một điều là phải lặt bỏ cái đọt có hai ba lá nhỏ tí ngoài chót của ngọn rau, dù ăn sống hay đã luộc chin. Bạn quên điều vừa nói, nếu bạn ăn nhiều đọt bạn chắc chắn sẽ bị tào tháo đuổi chạy không kịp.
       

      Người nông dân họ ăn uống giản dị nhưng cũng đầy đủ chất đạm, chất sơ. Buỗi trưa từ ngoài ruộng lội về nhà, họ tiện tay bẻ một nắm rau muống  về nhà rửa sạch chấm với mắm chưn cũng xong một bữa trưa ngon lành. Vào những tháng khan hiếm cá tôm, nông dân có thể lội đến mấy cái lung,hoặc đám mạ, bắt năm bảy con ốc bươu, bẻ một mớ đọt rau muống,  vài trái xoài sống,ốc vừa kho mặn, nấu canh chua rau muống xoài, ăn với nước mắm thật cay. Canh chua nóng, nước mắm cay  chan húp mồ hôi nhuễ nhại, thật vô cùng khoái khẩu, thiết nghĩ cao lương mỹ vị cũng đến thế là cùng.

      Rau muống còn chế thành một món ăn nữa cũng hết xẩy: rau muốn bóp dấm, chấm với mắm kho, cơm gạo Nàng Hương ăn bới không kịp. Mùa đông 1953, bộ đội Việt Minh về đóng quân ở xóm tôi, buổi sáng sau khi tập thể dục xong, hai anh mượn xuồng nhà tôi, không biết họ làm gì , họ không ngồi trên xuồng bơi  mà họ lội dưới sông kéo xuồng theo, thì ra hai anh đó bẻ rau muống non dọc theo hai bờ sông, họ  bẻ một số nhiều nên cần xuồng để chở. Đem về nhà họ mượn thau, rỗ ,tốp lặt bỏ lá,tốp chẽ, xong đem rửa sạch họ bóp dấm. Hột vịt luộc quậy nước mắm,  cơm trưa và chiều chỉ có chừng ấy thức ăn, nhưng các anh ây ăn đổ mồ hôi. Từ dạo đó xóm tôi quý bà biết ăn rau muống bóp dấm. Sau nầy tôi lên tỉnh đi học cũng  đôi lần chủ nhà trọ cho ăn rau muống bóp dấm nhưng có lẽ ngon hơn nhiều vì chủ nhà mua rau muống tàu cọng trắng thay vì rau muống đồng mộc mạc.

      Trước tháng tư năm 1975 vài tháng, tự nhiên bà xã tôi cũng đem rau muống tàu cắm dọc theo bờ cái mương dài cạnh nhà. Rau muống tàu gặp nước tốt cũng bò, cũng sanh sôi nẩy nở thành ao rau muống thật lớn, nhờ vậy sau  30 tháng tư  năm 1975 các con tôi nấu cơm độn chuối, ăn với rau muống trồng ở ao nhà chấm với nước mắm đắp đổi qua ngày.
      Trước kia rau muống đồng dân quê cũng ăn nhưng số lượng ít.  Ở An Phú Thuận, cách làng tôi vài cây số, một anh nông dân làm giàu nhờ rau muống. Anh  đào ao lớn nuôi cá tra, thức ăn cho cá toàn rau muống từ ngoài ruộng anh gom lại chở về nhà, chặt khúc ngắn nấu nhừ đoạn trôn với cám. Hầm cá đủ mồi mau lớn, thức ăn sạch, ao nước thông thương, cá trắng phau,  anh bán được giá hêt đợt nầy tiếp đợt khác. Đám tiệc trong vùng toàn mua cá tra  của anh.
      Một ông khác thấy anh nuôi cá sử dụng rau muống làm mồi, ông ta nghĩ đến việc nuôi heo lấy rau muống làm thức ăn. Ông làm chuồng nuôi heo, ban đầu cho ăn với tấm cám, lần lần ông  chỉ nấu rau muống với cám cho heo ăn. Trại heo của ông không mau lớn như những người nuôi với thức ăn chế tạo theo công thức nhưng bù lại ông chi ít tiền về thức ăn cho bầy heo, nhờ vậy ông cũng  thu vào lợi nhuận đáng kể.
      Rau muống đồng tài nguyên thiên nhiên phong phú, nếu biết tận dụng có thể ăn nên làm ra được

Viết xong November 25, 2013.
Nguyễn Thành Sơn

Ca Khúc Lá Vàng- Thơ Lý Thừa Nghiệp - Nhạc Thông Nguyên Văn Giảng


Thơ: Lý Thừa Nghiệp
Phổ Nhạc: Nguyên Thông Văn Giảng
Tiếng Hát: Hà Trâm

Lý Thừa Nghiệp


Đuổi Bóng




ta mòn hơi chạy hoài theo bóng
đuổi càng xa càng mệt thời gian
em cứ chạy và ta cứ đuổi
bóng của ta hay bóng mây tàn

có một bận ta gần bắt kịp
đưa bàn tay nắm chặt thấy như
trong hư vô nghe tiếng giã từ
nghe ảo vọng cuộc đời huyễn tưởng

cũng có lúc thấy lòng sung sướng
chạy lòng vòng chẳng có lối ra
em càng xa ta càng gắng sức
từ bình minh cho tới chiều tà

rồi bóng ta bóng em thành một
chạy trên đường vĩnh cửu ngàn năm
chạy hoài chạy hoài không biết mệt
rồi cuối cùng ta và em và hết.


Trần Phù Thế

Ta Vẫn Chờ Em




Thu đã đến bên ngoài khung cửa sổ
Trải buồn lên trên nội cỏ ngàn cây
Màu nắng úa như nỗi sầu ly xứ
Nhìn mây trôi nghe thương nhớ dâng đầy.


Ta ngồi mãi bên vực đời sâu thẳm
Nhớ thương em ngày tháng cũng pha phôi.
Đường kỷ niệm nhiều lầnta dấn bước
Bao đêm buồn khao khát một bờ môi.

Trong nắmg sớm sao nghe lòng thắm lạnh
Đã yêu nhau mà chia cách dặm ngàn
Tuổi lá úa hoa đời không chịu trổ
Vẫn bám cành chờ đợi nắng Xuân sang.

Ta vẫn chờ em cuối đường diệu vợi
Thương cuộc tình như vạt nắng mong manh
Hồn héo hắt theo năm chờ tháng đợi
Mơ một lần giấc mộng trổ mầm xanh.

Anh Vân

Lục Bát Tình - Một




Em từ tiền kiếp về đây
Bắn ta một mũi tên ngay huyệt tình
Dù ôm thương tích vô hình
Ngẩn ngơ suốt cuộc hành trình trăm năm


Phạm Hồng Ân

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Nếu Một Mai Mình Xa Cách- Lời Thanh Vân- Nhạc Quách Vĩnh Thiện


Si Jamais Nous Nous Séparions

Mon amour, si jamais nous nous séparions
Je me souviendrais de ce premier moment de tendresse,
de ces baisers ardents échangés au crépuscule dans ce parc,
à tes côtés, dans un élan d'amour romantique.
*
Mon amour, si jamais nous nous séparions
Mon cœur en mille éclats se briserait
Notre amour à peine éclos, pourquoi nos chemins se sépareraient-ils ?
Je serai très forte cette tristesse de désespoir en moi
*
Mon amour, si jamais nous nous séparions
Ce lieu d'antan garderait encore en souvenir l'empreinte de nos pas
J'y retournerais pleurer une histoire d'amour triste
Et j'y resterais en silence dans cette obscure mélancolie
*
Mais quelle chance, notre bel Amour reste toujours intact
Ces baisers et cette tendresse ne se faneront jamais
L'Automne de nos souvenirs, le Palais Royal, ce jardin royal splendide
Où les feuilles jaunies tourbillonnaient pour acclamer
le Sacre de notre Amour.
*
Les bancs de pierre du parc enlacent notre jeune amour.
Des rangées de vieux arbres, se détachent une à une
les feuilles d'automne
L'Automne de Paris, le Palais Royal de notre premier pas
Sont témoins de notre amour ardent et passionné
*
Je remercie le temps de ne l'avoir effacé ni atténué la saveur
et notre amour reste aussi tendre et intense
Je te remercie mon amour, pour ton Amour si attachant
Pour toujours ne se fanera
Pour toujours ne se fanera ....


Lời: Thanh Vân
Dịch: Christophe Nguyen Trinh Nghia
Tiếng Hát: Hương Giang

Quách Vĩnh Thiện


Thơ Tranh: Cho O



Thơ: Phạm Tương Như
Thơ Tranh: Kim Oanh

Hạt Mưa Và Nỗi Nhớ



(Tặng nàng Tống Phước Hiệp đường Gia Long
        và chàng Kỹ
 Thuật đường Nguyễn Huệ - Vĩnh Long)

Hỡi người Kỹ Thuật áo xanh!
Nhớ chăng vạt nắng vàng hanh trưa hè
Râm ran tiếng hát của ve
Ấm lòng những buổi trời se lạnh về

Người đi còn nhớ đường quê
Gia Long, Nguyễn Huệ lời thề năm xưa
Tan trường hai đứa đội mưa
Hạt thương, hạt nhớ, hạt thưa, hạt đầy

Em không giữ trọn đôi tay
Hạt rơi trong gió theo mây khuất ngàn
Người ơi! Tình không viên mãn
Hãy để lời yêu thanh thản trong tâm!

Những đêm nỗi nhớ âm thầm
Xoay theo chiếc bánh lăn trầm thời gian
Nhớ nhung dưới ánh trăng tàn
Tan theo sương lạnh xuôi ngàn về khơi!!!

Kim Oanh


Vĩnh Long Mùa Nước Nổi - 2013



       Lệ  thường xứ mình nói chung, Vĩnh Long nói riêng, cứ qua Tiết Trung Thu vào rằm tháng tám âm lịch, tùy theo thời tiết trong năm mà đó ba hoặc bốn lần nước nổi trong năm. Cuối tháng tám vào ngày 30 âm lịch đến khoảng mồng 4 mồng năm là nước rời con lộ “ Mặt đường “ để trở lại sông.
     Sang rằm tháng chín con nước lên mặt lộ cao nhất là 17 âm lịch, con nước cuối tháng chín sang những mồng của tháng 10 vẫn còn cao, phải đến rằm tháng 10 trở đi thì sau khi thăm thú các nơi trên đất liền, bà nước mới trở về thủy cung lại tiếp tục sáng chiều ngày hai con nước trên quê hương Vĩnh Long.
     Chỉ trừ mồng 10 và 25 mỗi tháng con nước ương, cứ thế mà nâng tuổi con người ngày một thêm, tóc ngày một thưa dần cùng màu trắng tăng lên, hóa thành ông già bà cả. Rồi chợt một ngày ngoái lại không thấy ông bà đâu cả. 
      À nên, phải sống cho có tình, yêu cả mọi người, mọi điều trước mặt, sau lưng, lắng nghe tất cả và yêu tất cả, trong ấy có hai cô Phượng ,Oanh xa tít mù…










Trương Văn Phú 
11/2013

Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng Đài



     Có thể vì ngưỡng mộ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, mà Lý Bạch đã sáng tác một số bài mang dáng dấp Hoàng Hạc Lâu như bài Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng Đài, nhưng Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng Đài mang tính thực tế hơn, không nặng nhiều về  triết lý duy tâm.
      Thấy đó mất đó, vật chất xa hoa  uy quyền danh lợi chỉ là phù du, không gì tồn tại với thời gian,có chăng chỉ là tình yêu quê hương trong lòng tác giả.

登金陵鳳凰台
 
 鳳凰台上鳳凰游
鳳去台空江自流
吳宮花草埋幽徑
晉代衣冠成古邱
三台半落青山外
二水中分白鷺洲
總為浮雲能蔽日
長安不見使人愁


Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng đài

Phượng Hoàng đài thượng phượng hoàng du,
Phượng khứ đài không giang tự lưu. 
Ngô cung hoa thảo mai u kính, 
Tấn đại y quan thành cổ khâu. 
Tam sơn bán lạc thanh thiên ngoại, 
Nhị thuỷ trung phân Bạch Lộ châu, 
Tổng vị phù vân năng tế nhật, 
Trường An bất kiến sử nhân sầu.

Lý Bạch
***
Dịch Nghĩa : Đến Kim Lăng viếng Phượng Hoàng Đài

Đài Phượng Hoàng cao phượng hoàng đã đến chơi
Phượng đi rồi,đài trở nên vắng.
Nhưng nước trên sông vẫn chảy bình thường
Cung điện triều Ngô hoa cỏ hoang che khuất
Áo mão y quan nhà Tấn trở thành một gò đất cũ kỷ
Một nửa núi Tam Sơn như rơi ra ngoài bầu trời xanh
Bãi Bạch Lộ chia sông ra làm hai dòng chảy
Tất cả cũng vì đám mây trôi nổi che mất mặt trời
Không thấy được kinh thành Tràng An khiến người buồn.

Dịch thơ :

Phượng Hoàng đài phượng ghé vui chơi
Vắng phượng đài hoang nước vẫn trôi
Mất dấu cung Ngô đầy cỏ dại
Còn đây áo Tấn hoá nên đồi
Tam Sơn nửa lạc vào mây thẳm
Bạch Lộ chia dòng nước chảy đôi
Chỉ tại mây đùn che mặt nhật
Trường An chẳng thấy dạ bồi hồ

Quên Đi

Trễ Chuyến Đò


Em ngày xưa duyên dáng
Hiền dịu tuổi học trò
Đời anh nhiều khổ nạn
Đò trễ vẫn còn mơ...!


Thy Lan Thảo

Một Áng Phù Vân







Ta về nhẹ bước với hư không
Bỏ lại sau lưng những lụy phiền
Bức tranh vân cẩu đời  ảo vọng
Lụy tình an ngủ giấc cô miên

Cuối cuộc viễn trình buông lỏng tay
Thiên thu rũ bỏ mộng vô thường
 Khép mi  nhòa nhạt câu luyến ái
 Cốt tàn vùi lấp giữa mù sương

Một áng phù vân, một kiếp người
Trầm luân trôi nổi giữa cuộc chơi
Mai về xin giữ lòng yên tịnh


Thanh thản an nhiên giữ nụ cười……

Trần Thị Dã Quỳ

Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Thơ Tranh: Lạc Miền Ăn Năn

Ngày xưa em thơ ngây quá cho lòng mình lạc miền ăn năn...



Thơ & Thơ Tranh: Suối Dâu

Hướng Đạo Việt Nam - Nghi Thức Tráng Sinh Lên Đường - Vĩnh Long 1972


Sir Robert Baden Powell (The Chief Scout), ông tổ phong trào Hướng Đạo Thế Giới

Sir Robert Baden Powell va Phu Nhan tham quan một trại Hướng Đạo Thế Giới, 
tổ chức tại Anh Quốc.
* * *
Nghi Thức Tráng Sinh Lên Đường

      Những hình ảnh dưới đây cách nay khoảng 40 năm.
      Sau khi đã sinh hoạt với Tráng Đoàn từ 2 năm trở lên. Tráng Trưởng và Tráng Phó đề nghị cho Lên     Đường và sẽ trở thành Huynh Trưởng của tráng Đoàn.
      Cha Peter Dương (Dương Bá Hoạt, lớp Xuân Bích72 Vĩnh Long) đã tham gia phong trào Hướng Đạo, Kha Đoàn và Tráng Đoàn khi còn học ban Triết tại Đại Chủng Viên Vĩnh Long.
Tráng sinh Lên Đường: Peter Dương Bá Hoạt tuyên thệ trước quốc kỳ và đoàn kỳ.
Tráng Trưởng và Tráng Phó gắn TUA VAI 3 Màu: Đò, Vàng, Xanh.
Cha Dieudonné Bourguignon, Tuyên Úy Tráng Đoàn 
trao GẬY NANG cho Tráng Sinh Lên Đường
Tráng Sinh Lên Đường: Peter Dương, nghiêm chào trước Tráng Đoàn
Tráng sinh Lên Đường Peter Dương đứng trước các huynh trưởng đã Lên Đường của Tráng Đoàn.
Từ trái sang phải: 
Sơn Cô Ba, Cha Nguyễn Sơn Đoài, Cha Nguyễn Văn Hoạch, Cha Bùi Văn Hoàng (RIP), Nguyễn Văn Bá, Nguyễn Văn Nhiên (RIP)
Cha Tuyên Úy Tráng Đoàn Dieudonné Bourguignon, Cha Nguyễn Ngọc Phan,
Cha Nguyễn Sơn Đoài và Cha Trương Tấn Lực.
3 tráng sinh Lên Đường cùng ngày, chuẩn bị chia tay và sẽ sống giữa thiên nhiên 
trọn 1 ngày: Quan sát trời, mây, gió, cây cối, muông chim, cầm thú... 
để có kinh nghiệm sau này giúp Tráng Đoàn và Tráng sinh....
Từ trái qua: Tráng sinh Nguyễn Văn Thông (RIP)
Tráng sinh Nguyễn Văn Trung - Tráng sinh Peter Dương
Ảnh lưu niệm của các Huynh Trưởng Liên Đoàn Bạch Mã: 
Gồm các Ấu trưởng, Thiếu trưởng, Kha trưởng và Tráng trưởng.
1/Hàng đầu từ trái qua: Cha Peter Dương và Cha Trương Tấn Lực....,....
2/Hàng thứ nhì từ trái qua: Phương Thanh, Thu Cúc, Kim Oanh, Akêla Mai, không nhớ tên, Nghiệp
3/Hàng tthứ ba từ trái qua: Không nhớ tên, Giêng, ...,....,...

Chào thân mến đến quý Cha và quý Anh Em cùng lớp Xuân Bích Vĩnh Long 1972 ngày xưa. 

LM Peter Dương Bá Hoạt
Cô Cecilia Huang (Thư ký của Cha và Thư Ký Tòa Giám Mục Giáo Phận Đài Trung)

* Kính Cha, con cám ơn Cha hình ảnh chúng con. Con nhớ nơi đứng chụp hình này là dãy lớp gần ngôi mộ trong khuôn viên trường Tống Phước Hiệp, Cũng chính hôm ấy chúng con được làm lễ tuyên hứa, thưa Cha.
  Con đang liên lạc cùng Anh chị Em Hướng Đạo để bổ túc tên các Huynh trưởng trong những bức ảnh của Cha.
Kính chúc sức khoẻ Cha và nguyện cầu Chúa chở che Cha trong an lành. 
Con Kim Oanh


Tình Rùa



(Cảm hứng từ chú rùa nằm buồn trong hồ thu)

Rừng thu nhuộm lá vàng pha sắc đỏ
Bởi chậm chân nên vẫn mãi ngóng chờ
Em đi rồi, chiếc cầu xưa còn đó
Để một đời thắt thẻo sống trong mơ

Lê Kim Thành

Niềm Thương Nỗi Nhớ SàiGòn-Thơ HoàngDũng- Phạm Ngọc Cung Phổ Nhạc


Sài Gòn cũ 
Những giọt mưa 
Đường me lá đổ 
Đong đưa nẻo về 
Bâng khuâng một thuở đam mê 
Từng mùa Thu đến , tóc thề nay đâu ... 

Sài Gòn cũ 
Mãi chờ nhau 
Công viên thơ mộng 
Ngọt ngào môi yêu 
Ta trao kỷ niệm thật nhiều 
Tận trong dấu ái mỹ miều dáng ai 

Sài Gòn cũ 
Nhớ thương hoài 
Ai về xứ Việt 
Trao vài vấn vương 
Thân nay xa vắng Quê Hương 
Mong ngày hội ngộ thăm đường phố xưa 

Sài Gòn cũ 
Kể sao vừa 
Niềm thương nỗi nhớ 
Ghẹo đùa vu vơ 
Ươm lòng viết vội lời thơ 
Gởi về quê cũ mộng mơ mấy vần ...

Thơ: Hoàng Dũng
Nhạc Sĩ: Phạm Ngọc Cung
Ca Sĩ: Ly Yên
Thanks For Photos From: Life & Internet
Thực Hiện: Kim Oanh


Vẫn Thấy Còn Nhau Giữ Tiếng Cười




Tôi biết tôi điên những buổi chiều
Bên vườn chim sẻ ngập ngừng kêu
Như em vừa biết buồn mưa nắng
Trên lối thu gầy hiu hắt hiu

Tôi biết tôi điên rất nhẹ nhàng
Bởi hương dạ lý thoảng mênh mang
Chẳng hiểu vì em hay mắc cở
Nên mây trời muôn kiếp lang thang

Tôi biết tôi điên suốt một đời
Là khi em khóc đứng bên tôi
Cánh tay chắc mỏi vì lau lệ
Tiếng nấc không ngừng run bóng môi

Tôi biết tôi điên lúc bỏ đi
Như sông khuya lại trở trăn về
Đâu em đôi mắt là cơn sóng
Vỗ nhẹ hồn tôi rất đắm si

Tôi biết tôi điên là thế đó
Đủ làm em hiểu chút tình tôi
Một mai trăng sáng hay trăng tối
Vẫn thấy còn nhau giữ tiếng cười

Lâm Hảo Dũng

Haiku - Một THể Thơ Thú Vị

      Ảnh hưởng từ những bài Thơ Đường Tứ Tuyệt tuy ngắn nhưng thật sâu sắc, như Phong Kiều Dạ Bạc, Lương Châu Từ, Đăng U Châu Đài Ca...Tôi không ngớt đi tìm những bài thơ Tự Do ngắn của các Tác giả VN trên Internet. Và tôi đã gặp một số:

Như bài 
Trôi của Văn Cao:

Tôi thả con thuyền giấy
Thuyền giấy trôi
Tôi thả một bông hoa
Bông Hoa trôi
Tôi thả một chiếc lá
Chiếc lá trôi
Tôi giữ chặt em
Em vẫn trôi


Hay bài 
Thít Chặt của Cát Du

Em thít chặt vào anh
Tưởng không gì lèn qua cho được
Vậy mà
Có một hạt cát đã lèn giữa chúng mình
Hạt cát lớn thành viên gạch
Viên gạch hóa thành bức tường
Bức tường hóa thành Vạn Lý
Cứu em!
Em không cách gì bíu anh cho được
Em rơi
Ngã phịch xuống chân tường…

      Nhưng điều tôi  thích thú nhất là khi bắt gặp dòng thơ thật ngắn sau đây, đó là thơ Haiku của Nhật.
      Thơ Haiku là một thể thơ rất độc đáo của Nhật. Mang tính cách trào phúng. Xuất hiện vào đầu thế kỷ 15. Thời kỳ cục thịnh của thể thơ này trải dài từ thế kỷ 16 đến 19. Tuy nhiên Bản chất trào phúng của Thơ Haiku cũng dần thay đổi từ trào phúng từ từ chuyển sang tính cách Thiền. Đến nay, nội dung thơ mang tính đa dạng hơn.
Về hình thức
      Đây có lẽ là thể thơ ngắn nhất thế giới. Trọn bài thơ chỉ có 3 câu. Về căn bản, câu thứ nhất và câu 3, mỗi câu có 5 chữ, chỉ có câu 2 là 7 chữ. Như thế cả bài thơ tổng cộng 17 chữ( đó là tính theo phát âm của Người Nhật)
       Tuy nhiên vẫn có ngoại lệ về số chữ trong câu. Đến nay, một bài  thơ Haiku tuy vẫn giữ số câu là 3, nhưng số chữ trong các câu có thể tùy người làm, không bắt buộc theo 5-7-5 chữ như xưa, ngay cả tổ sư của Haiku là Matsuo Basho cũng đôi khi sử dụng ít hơn hoặc nhiều hơn số âm tiết đã nói trên; chẳng hạn bài thơ sau đây có 19 âm tiết.
Kareeda ni (7 âm) / Trên cành khô
Karasu no tomarikeri (9 âm) / Quạ đậu
Aki no kure (7 âm) / Chiều thu
Về Nội Dung 
      Một bài haiku thường chỉ "gợi" chứ không "tả", và kết thúc thường không có gì rõ ràng, haiku không mô tả trực tiếp như vẻ đẹp của mưa rơi, cảnh đẹp khi lá rụng, sao lấp lánh mỹ miều...mà mô tả sự vật hiện tượng ngay tại khoảnh khắc bắt gặp được,  vậy nên hình ảnh và cảm nhận sau khi đọc thơ hoàn toàn phụ thuộc người đọc.

       Dưới đây là nhận xét của Thái Ba Tần :

       Thơ Haiku thật kỳ lạ. Ngắn và giản dị. Nhiều khi không nói gì hoặc nói điều chẳng đâu vào đâu, thậm chí tưởng như “ngớ ngẩn”. Thế mà càng đọc, (trong trường hợp của tôi là càng dịch), ta cứ bị cuốn hút bởi sự “không có gì” và “ngớ ngẩn” đó. Tôi có cảm giác người Nhật viết Haiku không phải để truyền tải ý, mà hình ảnh, những hình ảnh chấm phá giản dị. Hình như cũng không có ý định nói điều gì to tát về triết lý hoặc tình cảm như ta thường thấy ở các dòng thơ khác. Có lẽ vì thế mà người đọc phải có sự làm quen dần để cảm nhận và yêu. 

Sau đây là trích đoạn từ  http://vi.wikipedia.org/wiki/Haiku: 
      Một bài Haiku Nhật luôn tuân thủ hai nguyên lý tối thiểu, đó là Mùa và Tính Tương Quan Hai Hình Ảnh.Trong thơ bắt buộc phải có “Kigo” (quý ngữ) nghĩa là từ miêu tả mùa (không dùng từ xuân, hạ, thu, đông nhưng dùng các từ như hoa anh đào, cành khô, lá vàng,tuyết trắng... để chỉ các mùa), và diễn tả một hình ảnh lớn (vũ trụ) tương xứng với một hình ảnh nhỏ (đời thường).
Tiếng ve kêu râm ran (tiếng ve kêu chỉ mùa hạ)
Như tan vào trong than trong đá
Ôi, sao tĩnh lặng quá!
      Ðọc thơ Haiku, ta cảm được vị trí đứng ở ngoài sự kiện của tác giả. Tác giả dường như chỉ chia sẻ với người đọc một sự kiện đã quan sát được.
Cỏ hoang trong đồng ruộng
Dẫy xong bỏ tại chỗ
Phân bón!
      Nhưng người đọc vẫn có thể nghiệm được tình cảm của tác giả, một tình cảm nhè nhẹ, bàng bạc trong cả bài thơ, nói lên niềm vui sống hay sự cô đơn, đôi khi cũng nêu ra điểm tác giả thắc mắc về cuộc đời của con người: ngắn ngủi, phù du, trước sự vĩnh hằng của thiên nhiên.
Thế giới này như giọt sương kia
Có lẽ là một giọt sương
Tuy nhiên, tuy nhiên...
      Thơ có xu hướng gợi ý hay ám chỉ bóng gió nhẹ nhàng. Thông thường trong thơ đưa ra hai hình ảnh: một hình ảnh trừu tượng sống động và linh hoạt, một hình ảnh cụ thể ghi dấu thời gian và nơi chốn.
Trăng soi (hình ảnh trừu tượng)
Một bầy ốc nhỏ (hình ảnh cụ thể)
Khóc than đáy nồi (nơi chốn cụ thể)
 
Thơ Haiku Nhật Nguyên Tác và Dịch:(theo bài viết của Nguyễn Vũ Quỳnh Như http://diendan.game.go.vn)
山鳥のyama dori noChim trĩ尾を踏む春のo wo fumu haru noTrải đuôi入日哉iri hi kanaXuân chiều tà.(Yosa Buson)

山桜yama zakuraHoa đào núi雪嶺天にsetsu rei ten niTrên đỉnh tuyết声もなしkoe mo nashiThinh không. 

海暮れてumi kureteBiển chạng vạng鴨の声kamo no koeMờ nhạt ほのかに白し honokani shiroshiTiếng ngan....
   Qua những điều trên, chúng ta thấy thơ Haiku rất hàm súc, hàm súc đến mức khiến người đọc phải thẩn thờ phải suy nghĩ để tìm hiểu, để suy luận, để tưởng tượng những gì phía sau ba dòng chữ ngắn gọn ấy. Chính những điều đó tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn người đọc.
Ngày nay, thơ Haiku có mặt trên khắp thế giới.

Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

Văn Thánh Miếu - Quốc Tử Giám phương Nam - Khám Phá Việt Nam



 

      Khu Văn Thánh Miếu là một trong ba Quốc Tử giám của vùng đất phương Nam (gồm Văn Thánh miếu Gia Định, Vĩnh Long và Biên Hòa),tọa lạc trên đường Văn Thánh Vĩnh Long.
      Đối diện Văn Thánh Miếu là dòng sông Long Hồ.
      Vào Những năm thế kỷ 19, khi thực dân Pháp còn đô hộ, các sĩ phu yêu nước thời bấy giờ xây dựng nên Văn Thánh miếu từ năm 1864-1866. 
      Mục đích là nơi gìn giữ và giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống dân tộc cho người dân, là nơi ôn tập cho các sĩ tử, đề cao những bậc Nhâ hiền, mà trong đó người có công đầu xây dựng nên Văn Thánh là cụ Phan Thanh Giản - Kinh Lược Sứ Nam Kỳ và cụ Đốc học Nguyễn Thông.
      Bức hoành phi với đôi câu đối của cụ Cao Xuân Dục và 3 tấm bia bằng đá. Đến đây ta như thấy được lòng yêu nước, trăn trở và niềm tin sắt đá vào một tương lai tươi sáng của tiền nhân trong thời kỳ tối tăm nhất của vùng đất Nam Kỳ lục tỉnh.
           Trải qua nhiều thăng trầm và biến cố lịch sử, khu Văn Thánh được trùng tu nhiều lần nhưng tất cả vẫn giữ được nét cổ kính và uy nghiêm như thủa ban đầu.

Khám Phá Việt Nam thực hiện
(Ngô Minh Trí Sưu tầm)

Muộn Màng


(Từ Ăn Năn của Kim Quang)

em đã cạn suy tháng dài - ngày ngắn
giọt lệ tình theo vạt nắng bay cao
em bàng hoàng nghe đôi môi chợt mặn
bóng hình nào theo ngọn gió lao xao !

một người đi - để lại gió thét mưa gào
tim khô héo theo tháng ngày mộng mị
một lần xa - là xa rời vạn kỷ
mất nhau rồi - mới nhận được rất cần nhau !

hình bóng nào in đậm nét nhiệm mầu
nghĩa ân cũ ùa về trong nhung nhớ
hởi người xưa - có đoạn đường cùng nhịp thở
em ăn năn sám hối ...tự ban đầu.

Dương Hồng Thủy


Ăn Năn


Khi người thân đã ra đi vĩnh viễn
Chợt thấy mình sống chưa hết ân tình
Bao muộn phiền nghĩ ngợi cứ liên miên
Nghe bứt rứt trong lòng đầy hối tiếc.

Để hôm nay người đã đi biền biệt
Lời ngọt ngào cất dấu bỗng đậm màu
Sống chưa trọn, không làm đẹp lòng nhau
Trái tim đau làm tình thân khô héo.

Một chút tình như lá úa bay vèo
Không nở hoa giữa buổi chiều nắng hạn…
Bầu trời xanh mờ lối rộng thênh thang
Giọt ăn năn rơi đầy sông quá khứ.

Kim Quang


Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Những Ngày Sau Khi Gặp Lại Kim




Thứ Bảy mình tôi qua quán cũ
Còn gởi bên em một chỗ ngồi
Biết đâu xuôi gió tôi về lại
Một tách café đủ nhớ đời

Một chút đời sau còn rướm lạnh
Em còn khăn áo tiếc sông xưa
Ai vô tình đứng im như núi
Đá cũng thời gian sẽ bụi mờ

Tường in bóng cũ treo nhan sắc
Mùa em thiếu phụ sáng như tranh
Gối tay chăn chiếu còn xao động
Đêm sợ ngày đi qua tóc xanh

Không hẹn nên lòng tôi lặng gió
Hừng đông thiếu ngủ nắng lưa thưa
Buồn thêm một chút cho tôi nhớ
Sương sớm vai người hôm tiễn đưa

Café chạm ướt môi thiên hạ
Thèm ấm dung nhan một tiếng cười
Mấy năm không gặp đời như đã
Lạc giữa sông dài em với tôi

Lâm Hảo Khôi
(19-11-13)

Nguyệt Xế


Ở bên này phương đông- giữa người thân lạ mặt
ở bên kia phương đoài-có kẻ lạ sao thân
Chợt nhớ những đêm dài-gà nhắc chừng giấc ngủ
Câu chuyện vẫn miệt mài-người đi vào máu mủ

Đơm ba bát cơm lưng-so chừng vài đôi đủa
Hạt đam mê thơm lừng-giấc ngậm ngùi hương lửa
Những bọt bèo - vang-bóng - lừng lững hạt sao sa
Đốm hoa về cõi mộng- ngã nón giấc lụa là

Loài sâu con ngủ mãi- giữa mùa đông heo may
Chờ tiết xuân sấm dậy- đôi cánh sẽ miệt mài
Thời sinh ra bướm lạ-chờ mùa mưa đi qua
Xếp nghiên đôi cánh mỏng-tơi tã phấn hương sa

Chỉ cần đôi cánh bướm-khơi dậy lòng thi nhân
Chỉ cần chút hương ướp-là nhận mặt số phần
Nghìn gương soi cũng lạ-nghìn tiếng lạ mà quen
Chưa từng đọ mặt nạ-thì chớ vội lên đèn

Loài sâu chưa mãn số-giấc ngũ đầy chiêm bao
Ta chiêm bao giấc ngũ-nghe ma quỹ thì thào
Rượu mấy tuần vẫn nhạt-tình chưa nhắp sao say
Ngục địa kín then cài-sao người lưu luyến mãi

Dẫu dậm trường trắc trở-tình nhiệt du ta qua
Người lạnh lùng ta lỡ-tình ngỡ gần nhưng xa
Ta gầy lại bếp tàn-cố nhen ngọn lửa ấm
Cho dù chút muộn màng-hạt than đỏ hút tăm

Rượu sủi bọt ly chim-bất kể tràn tay ướt
Nào mình ta nốc cạn-hương rượu yêu ta tìm
Đời mấy ai cạn đáy-một giọt chẳng dính ly
Tìm đâu tình nồng cháy-giọt cuối nào mấy khi

Áo vó câu dặm gởi-bụi phong trần đâu hay
Ta quên ta thay đổi-trút cạn bầu chưa say
Chợt nửa đêm nguyệt xế-thuốc cận đuôi bỏng tay
Mà dễ nào ta biết - tâm đã gởi phương đoài

Trương Văn Phú

Chiều Làng Em - Nhạc Trúc Phương- Ca Sĩ Mai Thiên Vân

      Tình yêu trai gái ở miền quê thôn dã,thật mộc mạc đơn sơ giản dị,nhưng sâu đậm, thấm đượm câu hò, bên bến nước dòng sông, có hàng dừa lặng lẽ, cùng cánh đồng lúa vàng tươi của buổi chiều tà trong làn khói lam nhè nhẹ, đã vẻ nên một bức tranh làng quê Việt Nam thanh bình êm ã



Nhạc Sĩ: Trúc Phương
Ca Sĩ: Mai Thiên Vân
Thực Hiện PPS: Nguyễn Thế Bình

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Mùa Đông Pleiku


Tôi như con chim nhặt bông cỏ trên đồng
Chiều chập choạng giật mình bay tìm tổ
Nghe xao xác cành nghiêng và lá đổ
Tiếng tàn thu và se lạnh đông về

Dã quỳ vàng rắc nắng ngập lối đi
Dìu dặt gió con bướm vàng bỡ ngỡ
Lại một mình thôi! Chiều loang hơi thở
Đông Pleiku – thương đến lạ ơi người!

Em xúng xính trong khăn quàng áo ấm
Thong thả gót, phố nghiêng nhìn ngơ ngẩn
Sương mỏng mảnh buông mờ bụi phấn
Vút tầng không mây trắng cánh bông xòe

Tôi tìm về hơi ấm giữa tình thương
Ly cà phê nồng nàn thơm đắng ngọt
Gặp chút lạnh mà xao lòng câu hát
Chín mùa đông cho môi má em hồng

Pleiku, 11/2013
Hương Ngọc

Bảy Điều Tôi Học Từ Cuộc Sống


1. Tôi đã học được từ cuộc sống: tôi không thể bắt người khác yêu mến mình, tất cả những điều tôi có thể lảm là cố gắng trở thành một người đáng được yêu mến..

Cuộc sống muôn màu, hãy biết sống và yêu thương nó.

2. Tôi đã học được từ cuộc sống: tôi có thể đúng khi giận dữ ai đó nhưng không thể chấp nhận bất cứ lý do nào cho việc tôi biến thành một kẻ tàn nhẫn với người khác...

3. Tôi đã học được từ cuộc sống: cho dù bạn bè tôi tốt như thế nào cũng sẽ có lúc họ làm tôi bị tổn thương và tôi phải biết tha thứ cho điều đó...

4. Tôi đã học được từ cuộc sống: trước khi muốn tha thứ cho người khác, tôi phải tập tha thứ cho chính bản thân mình...

5. Tôi đã học được từ cuộc sống: khi một người không yêu mến tôi như tôi như tôi mong muốn, không có nghĩa là họ không yêu mến tôi hết lòng...

6. Tôi đã học được từ cuộc sống: mình phải mất nhiều năm để tạo lòng tin nơi người khác nhưng lại có thể đánh mất nó chỉ trong một giây...

7. Tôi đã học được từ cuộc sống: tôi phải luôn cẩn trọng vì những lỗi lầm tôi gây ra trong một khoảnh khắc, có thể làm tôi hối hận cả một đời....

Vũ Thị Bạch Hằng Sưu tầm