Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

Đừng Làm Tổn Thương Chính Mình

  
Một đêm một con rắn trong khi đang tìm kiếm thức ăn, bò vào một xưởng mộc.
Người thợ mộc vốn khá bừa bộn, đã để lại một số công cụ nằm trên sàn nhà trong số đó có một cái cưa.

Khi con rắn bò lòng vòng trong xưởng, nó trườn qua cái cưa, và bị một vết cắt nhỏ.
Ngay lập tức, nghĩ rằng cái cưa đã tấn công mình, nó quay lại và cắn thật mạnh vào cái cưa khiến cho miệng nó chảy máu.

Điều này khiến con rắn rất tức giận. Nó tấn công một lần nữa, và một lần nữa cho đến khi cái cưa đầy máu và dường như đã “chết rồi”.

Sắp chết vì những vết thương của mình, con rắn quyết định cắn một cái cuối cùng thật mạnh trước khi bò đi. Sáng hôm sau, người thợ mộc rất ngạc nhiên khi thấy một con rắn chết trước cửa nhà mình.

Bài học:
Đôi khi trong lúc cố gắng làm tổn thương người khác, chúng ta chỉ làm tổn thương chính mình mà thôi.


Vũ Thị Bạch Hằng - Sưu tầm

Lá Thu




Lâng lâng chiều nhẹ mắt say say 
Tan tác rơi rơi lá thở dài 
Hiu hắt gió đâu từ vạn dặm 
Nỗi sầu vạn cổ nắng thu phai 

Sương xuống mơ hồ ướt mắt mi 
Bên đường lạnh lẽo đóa tường vi 
Bóng người mờ ảo xa xa khuất 
Trong bước phong sương nghĩ ngợi gì?

Nắng chiều nhàn nhạt gió lơi lơi 
Lạnh cả không gian thấm cuộc đời 
Đường vắng bâng khuâng nghe lá khóc 
Trong mây trong khói mắt xa vời  

Quây quây trong gió lá thu rơi 
Xao xuyến hồn ta đến cuối trời 
Xanh tươi mới đó, đùa chim chóc 
Nắng hạ vẫy chào, xác tả tơi 

Bên nhau đất khách những năm trường 
Mỗi độ thu về mỗi vấn vương 
Hương lửa ba sinh ngày một ngắn 
Mái đầu hai đứa trắng như sương 

Mailoc
11-16-13


Đáy Hành Trang



Lén nhét hành trang em mấy lời
Khi nào em cạn hết cuộc chơi
Va li cạn hết chắc sẽ thấy
Đừng ném nhé em chữ một người

Nếu chẳng còn chi dăm phút buồn
Hãy gi mấy dòng chữ con con
Như tôi gửi cả hồn theo gió
Theo dấu chân em những dặm trường

Xin hãy nén lòng đừng hận tôi
Dù em muốn tránh mặt nhau rồi
Như tôi vẫn lại nhiều trăn trở
Sợ lúc em buồn giữa cuộc chơi

Có lẽ là tôi nhiều chuyện rồi
Em đi vất lại bóng đời tôi
Thì phong thư đó như độc dược
Em đụng làm chi, hại cuộc đời

Thôi! Thế thì thôi. Bóc thư chi
Để nguyên trong đáy chiếc va li
Một chút hồn tôi chôn trong xó
Mà hãy chạy theo những lạ kỳ

Hoài Tử



Đừng Để Lòng Chạy Theo Ngoại Cảnh


Đừng để lòng chạy theo ngoại cảnh
Dẫu gió đông thổi lạnh bên tai
Hàng cây trụi lũi chạy dài
Tiếng chim về tổ bi ai, não nùng

Sống xa quê tận cùng trái đât
Sầu ly hương chất ngất khôn nguôi
Tháng năm tất bật ngược xuôi
Ngổn ngang tâm sự vẫn nuôi ngày về

Lòng khắc ghi nguyện thề năm đó
Mặt thư sinh mắt đỏ lệ trào
Ngẫng đầu nhìn ánh trăng cao
Quê hương hình bóng ôm vào trong tim

Lánh cuộc sống đắm chìm vật chất
Kiên cố tâm hướng Phật mỗi ngày
Nam mô đức Phật Như lai
Cứu cho đất nước sớm ngày an vui

Đông về, trời tối thui sớm quá
Dẫu con tim sắt đá cũng mềm
Tuyết rơi lún phún trên thềm
Lá thu khô ướt cảnh thêm đeo sầu

Hiểu cuộc đời bể dâu thương hải
Tạng Như Lai mãi mãi thường còn
Tình quê muôn thưở sắt son
Lòng thành gói trọn nước non ngàn trùng

Lê Phạm Trung Dung


Phần 2 Họp Mặt Lần 4 CHS Tống Phước Hiệp Khoá 62-69
























Nguyễn Thị Phỉ

Họp Mặt Lần 4 CHS Tống Phước Hiệp Khoá 62-69 Phần 1

Lê Ngọc Điệp vừa hoàn thành nhiệm vụ
Thu, Thầy Thuận, và An , vừa đến nơi. (Từ trái sang phải)
                               

Trong lần họp mặt này, chúng tôi có một khách mời đặc biệt, đó là Thầy Nguyễn Thành Tám(Người thứ 3 từ trái sang). Thầy Tám là Cựu Giáo Sinh Sư Phạm Vĩnh Long khoá 4, Cựu Giảng Viên trường Cao Đẳng Sư Phạm Vĩnh Long.
Khu vực của những người ăn chay
Thơ đang nghe điện thoại của Hồ Văn Tân từ Melbourne (Úc) gọi về thăm bạn cũ. Cùng lúc này, chúng tôi cũng đang nghe điện thoại của Mạc Tích Đức ở Mỹ. Mặc dầu lúc bấy giờ chỗ của Đức Mạc đã 12 giờ khuya. 


Huỳnh Hữu Đức

Cà Phê Sẻ Nhà Em (*)



Tôi thấy hương nồng buổi sáng nay
Dịu như biển lặng nhẹ như mây
Ném tung buồn cũ ngoài tâm trí
Tôi vẫn ngồi đây tôi gió bay

Rượu có làm say hồn rách nát ?
Chiều đi tha thẩn rất trêu ngươi
Thời gian không nói thời gian bước
Một vũng tang thương gởi tặng đời

Cây vẫn hồn nhiên cây vẫn thở
Những màu xanh huyền hoặc mắt em
Một hôm nhìn lại rừng tan biến
Đá mọc bao giờ giữa mộ hoang

Đổi thay là của mầm sinh diệt
Em rất vô cùng em hiển linh
Trái tim bụi cát sầu thiên cổ
(Tôi mãi đi tìm mái tóc xanh)

Hớp ngụm cà phê đầu rỗng không
Bất ngờ mưa núi đổ âm thầm
Ôi chao! trí nhớ mù hoang tưởng
Lại mở toang hồn tôi chấn thương

Thế giới bao la đời hửu hạn
Ngày trôi tôi ở rất hay buồn
Muốn đi thắp lại chân trời cũ
Những cánh hoa vàng những nén hương

Ồ ! tách cà phê ở xứ người
(Cà phê tỵ nạn của riêng tôi)
Vẫn mơ một tách cà phê sẻ
Em tặng đời tôi bể ngậm ngùi…

Lâm Hảo Dũng- June 5-13
( Gởi Ngọ Pleiku)


(*) Lá xòe như chân chim sẻ: Arabica

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Thơ Tranh: Khóc Thầy


Thơ: Lục Lạc
Thơ Tranh: Kim Oanh

Biếu Thầy


Thương Tặng Học Trò Tôi (Không có trò lấy ai để dạy?...)


      Buổi tối đang soạn bài. Học trò lấm lét ngoài cửa. Đứng lên đi ra hỏi. Em nói biếu thầy. Tay chìa ra một gói nhỏ gói bằng giấy vở. Tôi cầm, cảm ơn em. Mở gói quà. Mùi cà phê thơm ngát. 

     Tôi hỏi lấy ở đâu? Em nói buổi sáng đi học. Buổi chiều lên rẫy phụ cha mẹ. Đi ngang qua đồn điền cà phê. Mót được từng hạt đã chín, rụng. Về tự rang, đập nhỏ, pha đủ một ly. Nói xong em ù chạy.

      Tôi cảm động. Mắt rưng rưng.


      Suối Dâu



Thưa Thầy


Xin lỗi thầy bao năm dạy dỗ
Hình như con không thể nhập tâm
Cuộc đời lại có lúc trầm ngâm
Vẫn không hiểu lời người tâm đắc

Đã bao lần con nghe thầy nhắc
Về những người khốn khổ hơn ta
Chẳng bao giờ con hình dung ra
Cảnh bán lưng cho trời thầy ạ

Một tấm hình nói lên tất cả
Một đời người khốn khổ thầy ơi
Cụm từ nào đã chạm tới nơi
Sâu thăm thẳm trái tim đau nhói

Thầy dạy đi những gì cần nói
Để không còn đói khổ lầm than
Để nước nhà qua khỏi gian nan
Cho người người trở về quê mẹ

Giờ con hiểu nỗi đau lặng lẽ
Cái xoa đầu bảo cố học chăm
Tiếng thở dài ánh mắt xa xăm
Của người đưa đò trong bão tố


Vanessa Le


Thầy Và Cái Cân

      Hai tuần nay tôi chưa rứt bỏ được hình ảnh cái cân với một đĩa là cái “Tâm”của thầy, còn đĩa bên kia là”$“ giữa là một cái hình người không biết gọi bằng gì. Nhớ hồi điền vào mẫu đơn chọn thi vào Đại Học Sư Phạm Sàigòn ngành Huấn luyện Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp môn toán, tôi không hề lo lắng về đồng lương sau nầy mình sẽ lãnh. Thêm vào chuyện không đóng học phí là học bỗng hàng tháng, ba tháng nhận một lần. Không phải dễ thi đậu vào trường đâu. Năm của tôi trường tuyển mỗi bộ môn bốn chục sinh viên đã có chứng chỉ dự bị của bộ môn tương ứng, phải thi bài viết, xong qua vấn đáp rồi được kiểm tra thể lực xem đứng lên, ngồi xuống, đi tới, đi lui có bình thường không. Riêng môn toán thì khỏi phải thi viết vì chỉ ghi danh dưới hai mươi, do số đậu chứng chỉ Toán Lý (MGP) của Đại Học Khoa Học Sàigòn dưới một trăm, quá ít so với các môn khác như thường lệ nỗi năm. Không hề có cách kiểm tra đạo đức sinh viên tuyển vào ngành Sư phạm. Đầu năm học lớp toán chúng tôi cũng được mười lăm người, kể cả ba người học lại.
        Tôi thấy không hề có chuyện “Chuột chạy cùng sào mới vào Sư phạm” mà tôi có nghe sau này.


        Suốt ba năm ở Đại Học Sư Phạm(năm đầu đã học chứng chỉ dự bị ở Đại Học Khoa Học như mọi sinh viên khác) tôi nhớ chỉ học không hết một buổi môn tâm lý Sư phạm do thầy Gs Tiến sĩ Toán Trần Văn Tấn, khoa trưởng ĐHSP dạy lớp tôi. Chưa hết buổi học đầu tiên thầy đã đi công tác, và sau đó văn phòng trường cứ thông báo là thầy dự hội nghị, đi nước ngoài báo cáo chuyên đề. . .Thế là chúng tôi chỉ còn lo học mỗi năm hai chứng chỉ bắt buộc mà trường đã ghi danh bên Đại Học Khoa Học. Là sinh viên của Đại Học Sư Phạm thì được chiếu cố là rủi mà cuối năm thi còn thiếu ít điểm thì ông Giám đốc học vụ sẽ xin cho được lên lớp bên ĐHSP. Chuyện này cứ nghe nhắc đến đầu năm học với lời phê bình ”Học vậy mà cũng ra trường làm giáo sư dạy Trung học”.
        Tôi thấy muốn tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sàigòn lúc đó không phải là chuyện dễ.

        Về trường lớn ở tỉnh Vĩnh Long, Trung học Tống Phước Hiệp, được phân công dạy khoảng hai tháng các lp không thi cuối năm thì tôi cùng hai đồng nghiệp mới tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm chuẩn bị trình diện học khóa SQ Trừ bị tại Trường Bộ binh Thủ đức. Do lệnh Tổng động viên, tất cả sinh viên tốt nghiệp năm 70,71,72 đều phải qua đào tạo sĩ quan trừ bị rồi mới được “biệt phái” về theo ngành đã tốt nghiệp (nếu tình hình chiến sự không căng thẳng hơn). Ở quân trường tới tháng lãnh lương thiệt là sướng, là giáo sư chúng tôi được nhận tiền như đang dạy, còn đồng đội khác thì chỉ nhận theo cấp bậc hạ sĩ quan vì chưa ra trường. Số tiền cách biệt nhiều lắm, tôi không còn nhớ là bao nhiêu lúc đó.

        Không biết số của tôi thế nào mà thường cực hơn người khác. Ở Đại Học Sư Phạm thì bị làm lớp trưởng, mắc công vào sớm lấy sổ, thông báo (nếu có) từ văn phòng, điểm danh, cuối buổi học nộp trở lại, lớp bị phê bình thì phải nghe đầu tiên. Vào quân trường mới hai tuần, thằng cùng trung đội nằm giường kế tôi, to con gấp rưỡi tôi đang là tuần sự Đại đội trưởng (sinh viên làm luân phiên mỗi tuần) nói với tôi ”Mầy sẽ là Đại đội trưởng kế tiếp”. Nó và tôi rất thân nhau, hôm tôi bị cảm nó đè ra cạo gió đau quá hết lạnh luôn, cả tuần sau giơ tay không nổi. Tôi đã năn nỉ nó hết hơi, trả tiền nước uống cho nó lúc xuống căn tin, vậy mà nó cũng vẫn hô đích danh tôi thay thế lúc bàn giao cuối tuần. Thế là phải nhận lệnh từ Trung úy đại đội trưởng huấn luyện, ra lệnh cho đại đội hoàn thành nhiệm vụ trong đó có mình, cho đến lúc nghỉ mỗi ngày. Sáng dậy trước đồng đội, khi bị phạt hít đất phải làm gương mẫu còn thêm đếm to cho cả  đại đội nghe rõ, di chuyển phải kiểm tra ngang dọc đúng hàng, hát to. Chủ nhật gia đình lên thăm tôi không được gặp, đến chiều nghỉ mới nhận được quà gửi vì đại đội tôi ứng chiến ở vòng đai. 

        Đúng là cái số cực, có lệnh giới nghiêm nên không tập hợp đại đội để bàn giao tuần sự đại đội mới. Sáng thứ hai tôi phải làm tiếp tục nhiệm vụ cho đến cuối tuần mới thoát. Cả tuần sau đó tôi mới tự mặc áo được, đến lúc được gắn Alfa, về phép tôi mới hay mẹ tôi đã bị bệnh mấy tháng khi lên thăm tôi mà không gặp do lúc về người nhìn thấy tượng đồng người lính ngồi đồi ôm súng trên đồi. Chúng tôi tốt nghiệp khóa 5/71 SQTB Thủ Đức nhưng không được biệt phái về dạy vì tình hình chiến sự ác liệt mùa hè đỏ lửa 72. Ra đơn vị quân đội khoảng ba tháng sau mới nhận lệnh biệt phái về dạy trường cũ.
        Vậy là phải gắn lon Chuẩn úy xong mới được làm thầy giáo.
 

        Học trò của tôi hầu hết ngoan, lễ phép, học giỏi ngay cả ở trường tư thục, trường bán công nơi tôi dạy thêm. Những đứa học cua luyện thi cũng chăm chỉ, không làm phiền bè bạn, thầy cô. Cho điểm không khi kiểm tra miệng hầu như không có trong sổ điểm chính thức, vì các em được phép tình nguyện kiểm tra bù lần tới. Hồi đi học có khi tôi cũng chưa học bài mà sao vô lớp bị thầy điểm mặt ngay chóc. Kiểm tra viết mười lăm phút, một tiết bốn mươi lăm phút thì phải chịu nếu bị điểm xấu vì đã được báo trước, rồi còn thang điểm chấm nữa. Chẳng lẻ không làm được chút nào? Kiểm tra viết mười lăm phút không buộc thầy giáo báo trước, nhưng lúc đó chỉ hỏi những câu bình thường thay cho kiểm tra miệng.

        Khi đã về hưu, tôi có dạy một trường tư lớp mười một và đã có cho một học sinh nhiều điểm không lúc kiểm tra miệng. Em không lúc nào chuẩn bị bài và không tập trung học tại lớp. Làm bài kiểm tra viết thì ngồi chờ lúc tôi không nhìn để quay qua, lại, lên, xuống hòng copy của bạn. Em thường nhìn tôi hằn học như kẻ thù mặc dù tôi luôn tạo điều kiện cho em kiếm điểm bù bằng chính kiến thức của em. Còn ở trường trung cấp k thuật lại có học viên dám làm bài kiểm tra một tiết xong, làm thêm một bài nữa ghi tên của bạn vắng mặt. Dĩ nhiên lúc thu bài tôi đã phát hiện và yêu cầu em xác nhận đã làm sai, gởi Hiệu trưởng xét xử.

        Mỗi sáng sớm sau khi tập phất tay theo Dịch Cân Kinh trong nhà, tôi thả bộ đến chợ Tân An cách nhà khoảng hai cây số. Đến nơi bán sữa đậu nành để nhớ những ngày tôi từng đi bộ xách giỏ theo mẹ tôi uống ở đây, giờ người đã mất. Sao chị bán sữa, mấy anh em chạy Honda ôm, cô bán vé số, em bán bánh cam cũng gọi tôi ”Mấy ngày nay không thấy thầy ra?”,”Sao hôm nay thầy đến trễ?” Mặc dù đã về hưu, người ta cũng gọi tôi bằng “Thầy” nên tôi không bao giờ bỏ được nghề mình đã chọn, nó độc lập với đồng tiền.

        Bây giờ tôi chỉ thấy có cái cân và đã quên đi những gì gắn trên đó.

Huỳnh Hữu Trí

Long An, những ngày cuối năm ta.2013  

Chiếc Lá Thu Phai - Tưởng Nhớ Thầy Huỳnh Hữu Trí



Nhạc Sĩ : Trịnh Công Sơn
Ca Sĩ: Mỹ Linh &Quang Dũng
Hình Ảnh: Thầy Huỳnh Hữu Trí
Thực Hiện: Kim Oanh


Nhớ Nguồn



(Nhớ về THẦY CÔ
                   Nhân Ngày Nhà Giáo VN 20/11/2013)

Gieo mầm xanh nở đầy hoa tri thức
Ánh trăng vàng soi sáng nẽo tối tăm
Cỏ cây non thắm ướt giọt mưa dầm
Bao công đức vun trồng từng thế hệ

Bằng nhiệt huyết tận tâm đầy ân huệ
Đã dắt dìu tuổi trẻ mãi vươn lên
Ơn dạy dỗ nào đâu quản công đền
Đã chấp cánh, chim tung bay muôn hướng

Mấy mươi năm vẫn còn trong tâm tưởng
Biển ân tình xin gởi đến thầy cô
Dù đã vinh quang hay còn gian khổ
Nhớ ơn Người đưa đón kẻ sang sông

Kim Quang


Ước Mơ Mãi Là Học Trò Nhỏ


            
(Kính yêu về Thầy Cô Huỳnh Hữu Trí, nhân ngày kỷ niệm các nhà giáo 20/11/2009.) 

Khoảng 11giờ sáng chuyến xe đò Vĩnh Long từ từ dừng lại bến Long An, đã gần ba mươi năm, tôi chưa gặp được thầy. Tôi thường gọi thầy là “ thầy ruột”. Sao là ruột? Anh trai tôi cũng là học trò của thầy, anh nói với tôi:

- “ Thầy ruột” bị phá mà học trò không bị la rầy, thầy không chỉ là thầy, mà còn là người anh cả, và là người bạn. Thầy cảm thông, chia sẻ, nâng đở học trò, những đứa em..lúc khó khăn, hoạn nạn, hay hoà mình vui đùa ...
Đơn giản thế thôi!
Xe đò dừng, tôi gọi Honda ôm, vào nhà thầy, đường xá đang sửa nên khúc khuỷu quanh co, đôi lúc lún cát phải xuống đẩy xe. Đây cũng là lần đầu tôi diện kiến dung nhan của cô, cũng hơi lo không biết cô sẽ thế nào?.

Đứng trước căn nhà tươm tất, xinh xinh đối diện là một trường học. Tôi bước vào gọi thầy. Thầy cô vui mừng tiếp đón tôi rất chân tình, cô rất trẻ đẹp, vui vẻ, diụ dàng, những nét đó đã xoá tan đi niềm lo lắng của tôi. Tôi vô cùng xúc động, hình ảnh gia đình tôi, được thầy cô ưu ái trưng bày trong tủ ở phòng khách, pha chút hảnh diện. Thì ra mình cũng là “học trò ruột” chứ bộ!
Thầy vui cười nói:
- Trời ơi, sao em khác trong hình quá!
Vừa nói thầy vừa chỉ vào tủ kính.
- Nè thấy không, thầy cô lộng hình em to vầy mà thầy nhìn em hổng ra.
Tôi cười pha trò:
- Phải chi thầy đừng “ lộng kiếng” em, thì thầy nhận ra rồi.
Thầy cô oà cười vui say:
- Em đúng là…y như xưa.
- Vậy em vẫn trẻ như xưa hả thầy?
- Ý thầy là em vẫn ngỗ nghịch kìa.

Những tràng cười dòn dã, cô ân cần gọt trái cây cho tôi ăn. Trong suốt năm tiếng đồng hồ, thầy trò hàn huyên tâm sư, nhắc về những ngày tháng xưa, những lúc thầy bị học trò “ quay”, nói hoài không dứt… Nhưng thời gian không cho phép, tôi phải từ giã thầy cô ra về. Thầy cô hai chiếc Honda đưa tôi ra ngõ lộ chính đón xe về Vĩnh Long.

…Xe đò từ từ chuyển bánh…xa dần, tôi ngoái đầu nhìn lại tự nhiên nước mắt rưng rưng… qua lớp kính, bóng thầy cô mờ dần nhưng hình ảnh ấy … vẫn sáng ngời như gương….soi suốt trong cuộc đời tôi. 

Trở lại Úc tôi vẫn thường liên lạc thăm thầy cô, qua điện thoai thầy cô đều vui mừng. Thầy kể tôi nghe về sinh hoạt gia đình, cô cũng làm việc cho trường học, hai người con trai thầy đã lớn và học hành thành tài, thầy vẫn dạy Toán. Tôi cắc cớ phỏng vấn thầy:
- Mỗi ngày thầy làm gì thầy?
- Thì cũng như trước đây, sáu giờ sáng thầy pha café nhâm nhi rồi lên lớp, trưa về nhà ăn uống nghỉ ngơi, chiều lại đến trường. Duy chỉ có một điều khác là học trò thời nay….rồi thầy bỏ lững câu nói.
- Thời nay thế nào hở thầy?
- Học sinh ngày trước tình nghĩa thâm sâu nhiều lắm. Thầy luôn nhắc nhở cho học trò mới nghe về học trò xưa.
- Thầy cho em biết cảm nghĩ của thầy về dạy trường chúng em?
- Trường rất đẹp, cổ kính, học trò ngoan nhưng… “sợ”.
- Ai sợ vậy thầy?
- Thầy sợ chứ ai.
Hai thầy trò cùng phá lên cười …
- Thầy có biết hồi xưa khi thầy về trưòng, làm xôn xao học trò lắm không?
Thầy khiêm tốn :
- Thầy có gì hay ho đâu, tại cổng trường khép lại các em còn thấy ai ngoài những ông thầy, nên các em thần tượng hóa thôi.
- Thầy ơi, ngày xưa chúng em phá thầy quá xá, chắc thầy giận lắm hả thầy?
- Không dám đâu em, thầy giận chắc không tốn tiền ăn cơm tháng.
- No hơi hả thầy!?
Thầy cười to thay lời xác nhận. Thầy tiếp:
- Ghét các em thì chưa có, vì chiều về nhà trọ các thầy có những mẩu chuyện vui quậy phá của các em, cũng giúp quên đi những nhọc nhằn và nổi nhớ xa nhà. Thế mà sau khi rời trường Tống Phước Hiệp về quê nhà ở Long An, thầy lại nhớ nhà Vĩnh Long quá . Mỗi khi có dịp, học trò xưa ở Sài Gòn hay bao xe về ghé Long An “bắt cóc” thầy về Vĩnh Long họp mặt, thầy rất trân trọng tình nghĩa này.

Ngay cả một Đại Dương, đồng nghiệp của thầy, đệ tử cũng không quên mà thầy cũng nhớ, cảm ơn tất cả rất nhiều đã thương yêu thầy nơi quê nhà.
- Thầy ơi, thầy có biết vì sao không?
Thầy cười, im lặng không lên tiếng, tôi tiếp lời:
- Tại vì thầy là người chúng em kính trọng, ơn dạy dỗ của thầy chúng em mãi mãi không quên. Trải qua bao biến động, con người cũng không yên, nhưng phong cách của thầy vẫn là một điểm son, thầy vẫn đáng kính như hôm nào.
Bên kia đường dây điện thoại, thầy xúc động thực sự, giọng nói lạc đi.
- Cảm ơn em, đã cho thầy thấy nghề nghiệp thầy không bạc bẽo và lặng lẽ. 
Thôi em gác máy đi, xuyên Đại Dương tốn tiền lắm.
- Dạ em tạm biệt thầy, khi khác em gọi về, em kính chúc sức khỏe thầy cô.
- Chào, cám ơn em.
- Dạ, em chào thầy.

***
Hôm nay Noel 2008, tôi được thư viết cho tất cả học trò “ vài dòng tâm tình”.
Thầy kể tôi nghe một câu chuyện cảm động. Mỗi lần thầy đi lên bệnh viện Chợ Rẫy ở Sài Gòn tái khám, khi ra khỏi cổng bệnh viện thì có một người học trò xưa đã đứng đó chờ thầy, trao cho thầy chiếc giỏ trong đó là tất cả những ân cần, cả tấm lòng chân tình người học trò gửi cho thầy. Người học trò ấy rất chu đáo lo cho bệnh tình của thầy.
Lại là một “học trò ruột” nữa!
Kèo theo, thầy viết đôi dòng cho tôi, lời thầy làm tôi rơi nước mắt….!

Em Oanh.
Nhận được thiệp chúc mừng của em hôm kia. Sao tự nhiên khi người phát thư ghé cửa, chó ở nhà sủa báo tin, thầy nghĩ là thư của em ( có gì đó phi vật chất dẫn truyền?)
Cô ở nhà rất vui đọc những lời chúc tốt đẹp. Rất cảm ơn Oanh và thầy cô cũng xin ơn trên phù hộ cho Oanh và các con, cùng gia đình lớn luôn gặp nhiều may mắn, thành đạt và vui khoẻ, hạnh phúc trong cuộc sống.

Đêm 24/12/2008
Tại nhà ở Long An.
Thay mặt gia đình
Thầy cũ
Ký tên…
Huỳnh Hữu Trí
***
(CHS Tống Phước Hiệp -NK 1969-1976)

Chúc mừng Xuân Mậu Tý 2008, tôi điện thoại về thăm sức khoẻ, thầy cô rất vui, thầy hân hoan báo tin, thầy vừa cưới vợ cho đứa con trai lớn và tháng hai năm nay thầy về hưu sáu mươi tuổi. 

Tôi thầm bảo: nhanh quá, cuộc đời! Năm nay sức khoẻ thầy cũng yếu vì bệnh, nhưng thầy rất lạc quan, thầy nghe tôi buồn thầy không bằng lòng.
- Em phải biết quý từng giờ, phải vui vẻ, yêu đời mới sống được với cuộc đời, em đừng lo cho thầy, dạo này thầy cũng đở nhiều. Đừng gửi gì cho thầy nữa, để lo cho gia đình bên đó.
- Vâng, em biết quy luật vũ trụ sẽ có một ngày “ tóc trắng như vôi…” .

Dòng thời gian cũng như chiếc lá chuyển mình rời khỏi thân cây, em cố gắng giữ gìn cho chiếc lá rơi một cách êm đềm không để lại vết đau. Một lúc nào nhớ đến và nhìn lại thầy trò vẫn còn một “ di sản tuổi thơ ” phải không thầy.
Điện thoại về thăm thầy cô, thầy cô lại vui thêm một lần nữa, thầy cô vừa cưới vợ cho đứa con thứ hai.
Riêng thầy thì đã về hưu vì cũng một phần lý do sức khoẻ, nhưng hình như thầy không xa được học trò và cũng còn yêu cái nghề. Thầy tiếp tục nhận dạy kèm học sinh tại gia.
Thầy trò lại nhắc một vài mẩu chuyện xưa, hỏi thăm từng người bạn, từng học trò ở phương xa một cách rất ân cần. Thầy cô ơi, hai tiếng cảm ơn, kính mến đối với thầy cô chắc là không đủ ý em. Em rất hân hạnh được làm học trò của thầy ngày xưa, hôm nay và mãi mãi…
***
Mùa xuân 2009 vừa qua tôi lại gọi về thăm thầy cô, thầy mừng vui khoe với tôi là, học trò cũ niên khoá 1969-1976 cùng nhau về thăm thầy cô để mừng xuân mới.
Thầy trằn trọc không ngủ được vì cảm đông và vui mừng quá đổi. Thầy không ngờ ngày nay thầy vẫn còn trong nỗi nhớ và lòng kính trọng của học trò. Thầy đã vẽ cành mai lên tấm bảng đen treo trên vách và lời chúc mừng xuân mới để tiếp đón học trò.
Trước khi ra về, học trò mong muốn được một lần được bắt tay thầy, mà ngày xưa không dám xin thầy. Đó là niềm vui và cũng là một biểu lộ lòng thương yêu thầy cũ.
Thế là bao nụ cười nở tuơi và đẹp như những đóa hoa mai mà thầy đã trao tặng cho học trò. Và những cái choàng vai thân thiết kết thành chuỗi…cười đời đời không phai.
Vậy là lại có thêm “nhiều…và nhiều học trò ruột” khác nữa!
***
Mỗi khi ôn về quá khứ…tất cả những người hiện diện trong cuộc đời tôi, con đường góc phố, sân trường.. vạn vật, thời gian, không gian như lắng động nơi đây trong cái hiện tại này… Dù hạnh phúc hay đau thương cùng hoà vào nhau thành một màu rực rỡ, như chiếc cầu vòng ngũ sắc ước mơ.
Mơ gì? Tôi vẫn hoài mơ “ xin mãi được làm một cô học trò nhỏ của thầy và của trường Tống Phước Hiệp, Vĩnh Long.

(Lễ kỷ Niệm 55 năm ngày thành lập trường Tống Phước Hiệp 2004)

Kim Oanh
Australia 2009


Tri Ân Thầy Cô



Nhân ngày nhà giáo Việt Nam
Chúc Thầy Cô mãi ngập tràn niềm vui
Ngày xưa dạy chữ giúp đời
Ngày nay tóc bạc sáng ngời công lao.

Công Thầy như đám mưa rào
Tưới xanh đồng lúa lao xao nắng chiều
Ơn Cô gấp vạn – hơn nhiều
Công dung ngôn hạnh bao điều dạy thêm.

Tấm lòng biển rộng êm đềm
Sáng chiều gặp mặt ngọt mềm dài lâu
Mưa nguồn sấm chớp bể dâu
Cũng không xóa được thâm sâu nghĩa tình.

Chúng em là những học sinh
Khoanh tay đứng lại - cúi mình tạ ơn !

Vương Thủy Tùng
( 20/11/2013 )




Truyện Cổ Tích:Con Cóc Là Cậu Ông Trời



      Ngày xửa ngày xưa, con cóc vẫn sần sùi xấu xí như ngày nay. Nhưng cóc nổi tiếng giữa muôn loài là một con vật tuy bé nhỏ nhưng rất gan dạ, gan cóc tía mà lại. Vào một năm không nhớ rõ năm nào, trời làm hạn hán khủng khiếp, nắng lửa hết tháng này đến tháng khác thiêu cháy cây cối, hút cạn nước sông ngòi, đầm hồ. Muôn loài không còn một giọt nước để uống. Các con vật to lớn hùng mạnh xưa nay tác oai tác quái trong rừng đều nằm lè lưỡi mà thở để đợi chết, không ai nghĩ được kế gì để cứu mình, cứu muôn loài. Sức mạnh của chúng chỉ để bắt nạt nhau thôi chứ đâu có thể làm gì nổi ông trời. Duy có anh chàng Cóc tía bé nhỏ, xấu xí kia là có gan to. Anh tính chuyện lên thiên đình kiện Trời làm mưa cứu muôn loài.

      Khởi đầu chỉ có một mình nhưng anh không nản. Ði qua một vũng đầm khô, Cóc tía gặp Cua càng. Cua hỏi Cóc đi đâu, Cóc bèn kể rõ sự tình và rủ Cua cùng đi kiện Trời. Ban đầu Cua định bàn ngang, thà chết ở đây còn hơn chứ Trời xa thế đi sao tới mà kiện với tụng, nhưng những con vật ở quanh Cua nghe Cóc nói lại tranh nhau mà bàn ngang bàn lùi, làm cho Cua nổi giận. Nói ngang bàn ngang là chuyện ngang của Cua thế mà họ lại dám tranh mất cái quyền ấy, cái quyền được phép ngang như cua cơ mà. Thế là Cua làm ngược lại, Cua tình nguyện cùng đi với Cóc.
      Ði được một đoạn nữa, Cóc lại gặp Cọp đang nằm phơi bụng thở thoi thóp, Gấu đang chảy mỡ ròng ròng và khát cháy họng. Cóc rủ Gấu và Cọp đi kiện trời, Cọp còn lưỡng lự thì Gấu đã gạt đi mà nói rằng:
- Anh Cóc nói có lý, chẳng có lẽ chúng mình cứ nằm ở đây đợi chết khát cả ư? Ta theo anh Cóc thôi! Ðến ngang như anh Cua còn theo anh Cóc được thì tại sao chúng mình không theo.

      Cả bọn nhập lại thành đoàn. Ði thêm một chặng nữa thì gặp đàn Ong đang khô mật và con Cáo bị lửa nướng cháy xém lông. Cả hai con vật này cũng hăng hái nhập vào đoàn loài vật đi kiện Trời do Cóc dẫn đầu.
      Cóc dẫn các bạn đi mãi, đi mãi đến tận cửa thiên đình. Khi đi trên đường cả bọn đều hăng hái nhưng đến trước cửa Trời oai nghiêm, bọn Cọp, Gấu, Cáo, Ong, Cua đều sợ, duy chỉ có Cóc là gan liền dõng dạc ra lệnh:
- Bây giờ các anh phải nghe lời tôi. Kia là chum nước của Trời, anh Cua vào nấp trong ấy. Anh Cáo nấp ở phía bên trái tôi, anh Gấu nằm ở phía bên phải tôi, còn anh Cọp chịu khó nằm đằng sau tôi. Các anh có nghe lệnh của tôi thì mới thắng được Trời.

      Tất cả đều nghe lệnh của Cóc. Sắp đặt xong đâu đấy Cóc mới nhảy lên mặt trống trờ đánh ba hồi trống ầm vang như sấm động. 
      Ngọc Hoàng đang ngủ trưa một cách lười biếng bị tiếng trống lôi đình đánh thức dậy nên bực tức, bắt Thiên lôi ra xem có chuyện gì. Thiên lôi lười biếng vội phủi bụi và mạng nhện giăng đầy trên lưỡi búa tầm sét cắm cổ chạy ra. Thiên lôi ngạc nhiên vì ở ngoài cửa thiên đình chẳng thấy có một người nào cả chỉ thấy mỗi một con Cóc xù xì xấu xí đang ngồi chễm trệ trên mặt trống của nhà Trời. Thiên lôi hết nhìn con Cóc lại nhìn lưỡi búa tầm sét khổng lồ của mình và thở dài vì cái búa to quá mà Cóc bé quá, đánh chưa chắc đã trúng được. Thiên lôi bèn vào tâu Ngọc hoàng, Ngọc hoàng nghe xong bực lắm bèn sai con gà trời bay ra mổ chết chú Cóc hỗn xược kia. 

      Gà trời vừa hung hăng bay ra thì Cóc đã nghiến răng ra hiệu, lập tức chàng Cáo nhảy ra cắn cổ gà tha đi mất. Cóc lại đánh trống lôi đình. Ngọc hoàng càng giận giữ sai Chó nhà trời xổ ra cắn Cáo. Chó vừa xồng xộc chạy ra thì Cóc lại nghiến răng ra hiệu. Lập tức anh Gấu lừng lững xổ ra đón đường tát cho chó một đòn trời giáng. Chó chết tươi.
      Cóc lại thúc trống lôi đình đánh thức Ngọc hoàng. Ngọc hoàng bèn sai Thiên lôi ra trị tội gấu. Thiên lôi là vị thần trời có lưỡi tầm sét mỗi lần vung lên thì thành sét đánh ngang trời, thành sấm động bốn cõi. Sức mạnh của Thiên lôi không có ai bì được. Ngọc hoàng yên trí lần này cử đến ông Thiên lôi ra quân thì cái đám Cóc, Cáo ắt hẳn là tan xác. Vì thế khi ông Thiên lôi vác lưỡi tầm sét đi là Ngọc hoàng lại co chân nằm trên ngai vàng mà ngủ tiếp.
      Thiên lôi vừa hùng hổ vác búa tầm sét ra đến cửa thiên đình thì Cóc đã nghiến răng ra lệnh, lập tức đàn Ong nấp trên cánh cửa bay vù ra và cứ nhè vào mũi Thiên lôi mà đốt. Nọc ong đốt đau lắm, mũi Thiên lôi rát như phải bỏng. Nhớ là ở cửa trời có một chum nước. Thiên lôi vội vàng vứt cả búa tầm sét nhảy ùm vào chum nước chạy trốn. Nào ngờ vừa nhảy ùm vào trong chum nước thì anh Cua càng nấp trong đó từ bao giờ đã chờ sẵn để giương đôi càng như đôi gọng kìm cắp chặt lấy cổ. Thiên lôi đau quá gào thét vùng vẫy vỡ cả chum nước nhà Trời. Thiên lôi tìm đường chạy trốn thì Cóc tía lại nghiến răng ra lệnh. Lập tức Cọp nấp sau Cóc tía nhảy bổ ra gầm lên một tiếng vang động xé tan xác Thiên lôi thành hai mảnh.

      Ngọc hoàng thấy thế sợ quá bèn xin giảng hoà với Cóc, và xin Cóc cho nhận lại xác của Thiên lôi để cứu chữa. Cóc bằng lòng ngay. Theo lệnh nghiến răng của Cóc, Cọp và Gấu vác xác Thiên lôi về xếp lại ở giữa sân điện thiên đình. Ngọc hoàng phải ra tay làm phép tưới nước cam lồ vào cái xác đầy thương tích đó. Nhờ phép của Ngọc hoàng, Thiên lôi mới được sống lại. Ngọc hoàng nghĩ mình đường đường là một ông Trời mà lại chịu thua Cóc thì thật là điều sỉ nhục, nên tính lật lọng, sai Thiên lôi vác búa tầm sét chống lại Cóc và các bạn của Cóc. Biết thế nào Ngọc hoàng cũng tính chuyện lật lọng nên Cóc lại nghiến răng. Lập tức các bạn của Cóc dàn trận. Ong giương nọc, Cáo giương nanh, Cọp giương vuốt, Cua giương càng, Gấu giương cánh tay đầy sức mạnh... Thiên lôi vừa mới thoát chết hoảng quá lui lại không dám tiến lên, mà thụt vào nấp sau chiếc ngai vàng của Ngọc hoàng. Các tướng nhà Trời oai phong lẫm liệt thấy đến ông Thiên lôi còn sợ sệt như thế thì hoảng quá tìm kế thối lui.

      Thấy tướng nhà trời của mình như vậy, Ngọc hoàng biết không thể thắng nổi Cóc và các bạn của Cóc. Ðến lúc bấy giờ Ngọc hoàng mới thực bụng giảng hoà, và hỏi Cóc lên tận thiên đình có việc gì. Cóc oai phong nhảy hẳn lên tay ngai vàng và dõng dạc thưa:
- Ðã bốn năm nay ở dưới trần gian hạn hán kéo dài, không một giọt mưa. Muôn cây khô héo, vạn vật chết khát. Cứ tưởng Ngọc hoàng bận gì hoặc là Ngọc hoàng giận gì trần gian mà ra phúc họa, ai ngờ lên đây mới biết Ngọc hoàng và các tướng nhà trời ngủ quên không nhớ đến việc làm mưa cứu muôn vật muôn loài dưới trần thế. Chúng tôi phải lên tận đây đánh thức Ngọc hoàng, xin Ngọc hoàng làm mưa ngay cho trần gian được nhờ.
      Thấy Cóc nói giọng oai phong và bạn bè Cóc lại đằng đằng sát khí, Ngọc hoàng vội cuống quýt chống chế:
- Cóc với ta là chỗ thân thích, việc gì mà cậu phải mất công đến như vậy, ta sẽ sai thần mưa, thần gió xuống hạ giới làm mưa ngay bây giờ. Cậu Cóc có bằng lòng thế không nào.
Cóc gật gù thưa:
- Muôn tâu Ngọc hoàng trần gian được một trận mưa cứu khát thì còn gì bằng nữa. Anh em tôi vô cùng đội ơn Ngọc hoàng. Nhưng nếu ở hạ giới mà hể bị hạn hán là bọn anh em chúng tôi lại lên đây kêu với Ngọc hoàng đấy.
Nghe Cóc hẹn lại lên thiên đình, Ngọc hoàng hoảng hồn rối rít lắc đầu xua tay:
- Thôi khỏi, thôi khỏi phải bận đến cậu như thế. Chỗ cậu và ta là tình thân thích, cậu chả nên bầy vẽ vất vả mệt nhọc như vậy làm gì. Cậu không phải lên thiên đình nữa, khi nào có hạn hán cậu muốn ta làm mưa, cậu chỉ cần ngồi dưới đất nghiến răng là ta nghe thấy liền.

      Ðể chứng tỏ lòng thành thật không lật lọng của mình, Ngọc hoàng sai rồng đen bay xuống phun mưa, và đưa Cóc cùng các bạn về hạ giới. Cơn mưa cứu hạn làm cây cối tươi tốt, muôn loài nhảy múa chào đón anh em Cóc trở về. Từ đó hể Cóc nghiến răng là trời lập tức đổ mưa nên đồng dao của trẻ nhỏ ngàn năm vẫn có câu hát rằng:

Con Cóc là cậu ông Trời
Ai mà đánh nó thì Trời đánh cho.*

(Dị bản)

Thuở xa xưa, Ngọc Hoàng cai quản tất cả các việc trên trời và dưới đất. Ngọc Hoàng giao cho thần Mưa chịu trách nhiệm làm mưa cho tất cả các con vật và cây cỏ có nước uống.

Nhưng đã ba năm nay, không có một giọt mưa nào. Khắp nơi đất đai nứt nẻ, cây cỏ khát nước chết rụi, các con thú cũng chết dần chết mòn vì khát. Muôn loài đều kêu than ai oán, vậy mà trời đâu có thấu.
Một hôm, các con vật họp bàn với nhau lại, chúng quyết định cử Cóc lên gặp Ngọc Hoàng. Cùng đi với Cóc có Cáo, Gấu và Cọp.
Bốn con vật đi mãi, cuối cùng cũng lên đến cửa nhà trời. Ở cánh cửa có đặt một cái trống rất to. Theo tục lệ, nếu ai có điều gì oan ức, thì đánh trống lên, Ngọc Hoàng sẽ ra giải quyết. Cóc bảo Cáo, Gấu, Cọp nấp vào bụi rậm, còn Cóc thì nhảy lên đánh trống inh ỏi.

Ngọc Hoàng nghe tiếng trống liền sai một thiên thần ra nhìn xem ai. Thiên thần bước ra nhìn ngược nhìn xuôi mãi không thấy ai, chỉ thấy một con Cóc bé nhỏ ngồi trên trống. Khi biết Cóc có ý định gặp Ngọc Hoàng, thiên thần tỏ ý khinh bỉ Cóc, lẳng lặng đi vào và thưa với Ngọc Hoàng:

- Thưa Ngọc Hoàng, kẻ dám cả gan đánh trống ầm ĩ nhà trời là một con Cóc bé tí, xấu xí, thần hỏi nó đi đâu, nó nói lên gặp Ngọc Hoàng để kiện.

      Ngọc Hoàng nghe thiên thần nói vậy thì giận lắm, bèn sai bầy gà ra mổ Cóc. Bầy gà vừa ló khỏi cửa, Cóc ra hiệu cho Cáo từ trong bụi rậm ra vồ gà.
      Biết Gà bị Cáo vồ mất, Ngọc Hoàng liền sai Chó ra giết Cáo. Chó chạy ra chỉ kịp sủa một tiếng đã bị Gấu ra chộp lấy tha đi. Ngọc Hoàng lại sai một toán lính ra trị Gấu. Lần này, Cọp xông ra quật chết toán lính không chừa một người nào.
      Ngọc Hoàng không ngờ Cóc tuy bé nhỏ mà lại khó trị như vậy, Ngọc Hoàng đổi giận làm lành sai thiên thần ra mời Cóc vào. Ngọc Hoàng hỏi Cóc:
- Cậu lên đây có việc gì?
Cóc thưa:
- Muôn tâu Ngọc Hoàng, đã 3 năm nay, chúng tôi không được một giọt mưa nào. Loài vật cử tôi lên đây để kiện trời, vì sao không làm mưa?

      Ngọc Hoàng cho gọi thần Mưa đến. Té ra là thần Mưa mải rong chơi, tối về đắp chiếu nằm ngủ quên không làm mưa bị Ngọc Hoàng trách mắng, thần Mưa vội sai các con rồng phun nước ào ào xuống đất. Ngọc Hoàng đưa tiễn Cóc ra về và dặn:
- Từ nay về sau, nếu cần mưa thì Cóc nghiến răng ken két báo cho Ngọc Hoàng biết. Ta sẽ sai thần làm mưa ngay. Cóc không phải lên kiện trời nữa.
      Cóc, Cáo, Gấu, Cọp từ biệt Ngọc Hoàng trở về. Khi bốn con vật đến nơi thì thấy nước đã tràn đầy hồ, ao, sông suối, cây cỏ, muôn loài uống nước thỏa thuê. Tất cả đều phục Cóc bé tí mà kiện được trời nên đặt ra câu hát:
“Con Cóc là cậu ông trời
Hể ai đánh Cóc thì trời đánh cho”


(Theo http://vanhoc.xitrum.net)

Huỳnh Hữu Đức sưu tầm
 

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Dàn Hoa Tím




 Dàn Hoa Tím dịu dàng đua nở
Cạnh mộ phần nhắc nhở chuyện xưa
Đời oan trái đưa em vào giấc
Đã lâu rồi mất cánh Phượng yêu

Hàng Me,Phượng thắm mỗi lần chiều
Tà áo trắng dập dìu trường tan
Ve có còn báo dấu rộn ràng
Tuổi ôm mơ mộng vàng tương lai

Khóc thương em một giấc ngủ dài
Me tàn Phượng mất ngày em đi
Đường xưa dấu tích vẫn còn ghi
Gót hồng nhỏ có khi trở về

Non cao buồn thăm thẳm sơn khê
Chim én nhỏ mãi mê lạc đường
Dàn Hoa Tím như vườn chờ đợi
Đón em về gợi giấc mơ xưa !

Pleiku 22-7-2011

Lê Kim Hiệp
* Chú thích
Dàn = Trải rộng ra



Thùy Dương




Nhạc Sĩ: Phạm Đình Chương
Tiếng Hát: Thùy Dương
Cảm Tác Thơ Tranh: Suối Dâu

Kỷ Niệm Khó Phai


      Ngày xửa ngày xưa lúc tôi khoảng mười hai, mười ba tuổi, tôi hãy còn ngây thơ lắm.Tôi nhớ Mỵ Hùng, Phuốn Hùng con tiệm hủ tiếu Thành Công, lúc đó chúng tôi thân nhau lắm. Ở ngoài sau nhà tôi có con hẻm nhỏ, chúng tôi thường chơi nhảy cò cò và chơi đánh đủa, thẩy ba cục nơi đó.....
      Sau khi thi tiểu học đã xong, để bước lên trung học. Tôi và một số bạn đã trở lại thăm cô giáo Sương (Vợ thầy Diệp dạy toán sau nầy). Tôi nhớ lúc đó vào thăm cô mà chúng tôi cà lắp và ló vì cô đang dạy và gần tới giờ ra chơi. Cô gặp chúng tôi cười nụ cười thật là hài lòng và hiền lành. Cô nói với tôi : Có em na hả Điều? Chúc mừng em nhe.
      Tóc cô đánh thành hai cái bím thả dài xuống trước ngực, cô mặc cái áo dài hoa sen màu hồng. Nhìn thấy cô là tôi thương cô như mẹ tôi vậy. Nhưng lúc đó tôi sợ cô lắm, vì mỗi lần làm bài mà phải đưa phấn bảng lên để trả lời nhưng hôm đó tôi quên mang theo bảng. Cô đánh vào mông tôi năm roi để chừa tật tôi đã quên mang theo bảng khi đi học. Tôi nhớ tôi vừa khóc mà vừa đi bộ về nhà để mang bảng trở lại trường, tôi khóc ngon ngọt và ấm ức lắm. Nhưng tôi không giận cô mà tôi nể và mến thương cô. Đó là một kỷ niệm đáng nhớ.
       Thi đậu vào được trường Tống Phước Hiệp là một vinh dự cho gia đình tôi. Chị tôi cũng thế, chị học hơn tôi ba lớp. Tôi nhớ giờ ra chơi chị Đẹp, chị Tồn, chị Chi gặp tôi lúc đó vào năm 1966. Chị Đẹp đã nói với tôi: “Điều ơi!Em có biết là chú Cuội, cô Hằng của em đã không còn tồn tại na. Vì phi thuyền Apolo lên trên đó và trên đó toàn là đá không hà! Chị cho em biết đó"
      Tôi nghe mà buồn não nuột, suốt trong buổi học lúc đó. Buồn vì cô Hằng và chú Cuội, chuyện thần tiên của tôi đã sụp đ. Eo ui! Còn gì là thần tượng của tôi nữa.....
        Tôi học không giỏi nhưng khá. Tôi ngồi hàng đầu bàn, nên cũng không thích giỡn, gần cô thầy sẽ chăm học hơn. Tôi nhớ mỗi lần giờ ra chơi là có tiếng trống của bác Năm già. Học sinh túa ra sân. Người mơ mộng, người còn trong lớp, người thì tới quán nước uống giải khát.. kẻ thì tụ năm tụm ba nói chuyện với nhau. Nhìn như một bức tranh vui và hạnh phúc trên thiên đàng vậy. Sân trường thật tuyệt vời. Những dãy hành lang lớp học thứ tự, tầng một, tầng hai rất xinh. Trường trồng hoa phượng, mỗi lần hoa phượng nở là gần đến hè. Tôi hay nói với Lệ Hồng: “Ta sẽ ép hoa phượng để dành nhiều nhiều để ta dán vô tập thơ và nhựt ký của ta". Lệ Hồng nói : “Mi làm vậy thích lắm vì mình sẽ có k niệm đó “. Mỗi lần hè đến là chúng tôi tặng nhau hình và có dịp làm bích báo cuối năm. Tôi nhớ hai câu thơ thật là mộc mạc dễ thương ghi sau tấm ảnh:
“ Dù cho tấm ảnh phai màu
Xin đừng xé bỏ mà lòng tôi đau"
      Có những năm Đệ thất, Đệ lc, Đệ ngũ, Đệ tứ tôi nhớ mãi những bài Toán, Sử Ký, Địa Lý, Công Dân Giáo Dục, Quốc Văn,Thêu thùa... Không có môn nào mà tôi lãnh hội hết được. Riêng Nhạc lý và Vẽ là tôi lãnh hội nhiều nhất. Tôi nhớ thầy Thành dạy tôi hát bài Clementine, Lý ngựa Ô, Hái Hoa...v.v... Tôi mê Văn và Nhạc lý lắm. Nên mỗi lần trường phát thưởng cho học sinh đều có tổ chức Văn Nghệ trường.      
      Mỗi năm đều có mặt tôi hát hoặc vũ hoặc đóng hoạt cảnh. Tôi mê văn nghệ lắm. Mà cũng phải năm Đệ Tam, mới mười sáu tuổi, tôi dợt ca bài “Giết Người trong mộng", tôi dợt với ban đàn trống của anh Trung và anh Đại. Bài đó tôi ca hay lắm. Mà cô Lan khen tôi tuy nhiên cô nói: Em còn nhỏ tuổi quá để ca bản nầy. Nhưng tôi một mặt cứ ca cho được bản nầy. Hôm lãnh phần thưởng. Tôi lên ca mà không biết run và nao núng chi cả. Nhưng tôi thiệt là mắc c vì thầy Hiệu trưởng đã  nói lời với các giáo sư và phụ huynh học sinh: “Em Điều hát bài nầy là để sẽ lãnh phần thưởng cho năm tới vì thầy nghĩ "Giết người trong mộng" của em bây giờ là các phần thưởng nầy vậy". Trời ơi! Tôi mắc cười mà mặt tôi đỏ ké vì mắc c quá đi thôi. Nhưng trong lòng tôi lúc đó cũng cảm ơn thầy đã đở cho tôi được trở thành đứa học trò ngoan ngoãn .
      Mỗi lần làm văn nghệ, sau hậu trường thật là vui nhộn, người thì trang điểm, kẻ thay trang phục, có nhóm dợt vũ và người cố gắng thuộc lòng trước khi ca. Chúng tôi gồm sáu đứa: Hương Lan, Chiêu Hằng, Ngọc Hoa, Hồng, Thúy Hiền, Ngọc Gõ và tôi. Cả bọn chúng tôi dợt vũ bài Tiếng Sáo Thiên Thai. Lúc đó chúng tôi mặc áo dài trắng, quần trắng và có mang cánh Voile trắng, tóc kết hoa đẹp như những thiên thần trong cõi thiên thai vậy. Chúng tôi chuẩn bị dưới sự hướng dẫn của cô Ngọc Lan và cô Chi. Ngoài ra tôi cũng có đóng hoạt cảnh: Ngàn Thu Áo Tím cùng với Ngọc Gõ nữa.
      Tôi làm trưởng ban Văn Nghệ và Báo Chí những năm ấy song song cũng có Chiêu Hằng giỏi tài ca hát, viết văn và làm thơ, nàng cũng làm trưởng ban Văn Nghệ và Báo Chí mấy năm liền như tôi vậy.
      Nhớ mỗi lần giờ ra chơi tôi và Anh Đào thích nói chuyện vi nhau. Tôi thấy Anh Đào trầm ngâm, tôi nói: “Mi đang nghĩ gì vậy? Còn ta sao thấy buồn quá“. Nàng nói với tôi: “Mi thật là hay thay đổi, sáng mi khác còn bây giờ mi khác rồi“. Tôi nói “Vì mỗi lần ra chơi ta nhìn hoa phượng trong sân trường ta buồn quá, có l sắp bãi trường rồi nên ta buồn vu vơ vậy thôi nhỏ ạ“. Rồi hai đứa tôi cùng im lặng mỗi đứa một suy nghĩ riêng tư.
      Có hôm Anh Đào cho tôi hay là có sự viếng thăm của một người bà con từ Sài Gòn về. Anh ấy hay tắm sông và thích bơi lội lắm. Không ngờ vài hôm sau không đầy một tuần lễ, Anh Đào nói với tôi là anh ấy đã chết vì tắm sông. Nước xoáy cuốn anh ấy chết.....Tôi sững sờ như si khờ và tôi nói với Anh Đào: “Thôi trời ơi! Ta hết biết luôn. Gia đình anh ấy biết chưa? “ ......Một ni buồn lạ hn đã xăm chiếm tôi từ đó cho tới vài ngày sau. Đến bây giờ cũng còn và bàng hoàng vô kể.
 

      Sau năm 1975 tôi chán nản bỏ thi Tú Tài phần hai, sau đó tôi ghi danh vô Sư phạm học được 6 tháng và ra đi dạy cấp tiểu học. Tôi và Mai dạy tuốt miệt vườn của Bình Minh, cách Cần Thơ mười cây số.....Và kể từ đó tôi đã lớn khôn. Những hẹn hò, những buổi ngồi cạnh bạn trai đi uống nước, ăn kem. Có BCH đã trao tập thơ cho tôi, và tôi mê mệt đọc thơ của chàng ấy. Rồi đến L cũng mết tôi và có sau nầy qua tìm tôi bên Pháp.

      Tôi vẫn hằng mong được đoàn tựu gia đình bên Canada nầy và cuối cùng tôi đã được đoàn tựu gia đình tôi.Có ba mẹ tôi và anh em. Nhưng cuộc đời không như mình mơ ước và êm đềm mãi. Rồi thì anh tôi bệnh mà mất trước. Sau đó đến lượt Ba tôi và hai năm sau thì Mẹ tôi mất. Hiện tại tôi chỉ còn Văn, một đứa em trai ở cùng nơi và một người chị gái ở phương trời Âu xa xôi lắm.
      Tôi đã có gia đình từ lâu, con tôi đã lớn và chúng tôi ba người sống trong căn nhà nhỏ thôi nhưng giờ đây hạnh phúc tôi tràn đầy. Tôi không bao giờ quên được những kỷ niệm thời còn đi học vì đó là phần sung sướng nhất của đời mình. Ký ức mỗi khi nghĩ đến đều tê tái lòng, rồi khóc hết nước mắt, nước mắt cứ rơi.... cứ rơi.....
Lục Lạc