Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Tình Khúc Tháng Mười




Chúc mừng ngày Hai mươi tháng Mười
Khắc dấu cuộc tình tròn Ba năm
Bao nhiêu kỷ niệm còn nguyên đấy 
Sao nghe trong lòng nỗi đắng cay

Lời ai còn đó ngày hôm qua
Hôm nay lật ngửa bàn tay ra
Còn đâu chỉ hai bàn tay trắng
Tìm chút hương xưa mà xót xa

Tình không bội bạc, không dối trá
Mà vẫn đắng cay lắm đoạn trường
Thôi đành vĩnh biệt tình huyền thoại
Hư ảo mà thôi có nghĩa gì!!!

Lời đắng cuộc tình xin nhắn gửi
Chúc tình người mãi mãi xanh tươi
Chúc người hạnh phúc bên đời thực
Còn ta đi nốt đoạn trần ai…

Đời người như một giấc chiêm bao
Tỉnh ra chỉ còn lại hư không
Từ nay cố xả buông tất cả
Tình muộn thiên thu đến bạc lòng
               
20/10/2013
Thiên Thu


Thơ Tranh: Giang Tuyết - Tuyết Trên Sông


Thơ: Liễu Nguyên Tông
Phỏng Dịch: Mailoc
Thơ Tranh: Kim Oanh


Cõi Nào Bình Yên





Hãy suy ngẫm về những điều lành
Trong buổi sáng với nhiều nắng ấm
Hay mưa phùn gió rét căm-căm
Ta vẫn còn một điều sáng láng
Hằng hữu ở chân tâm.

Hãy suy ngẫm về cuộc sống trăm năm
Với bao điều hư ảo
Cơn say vùi điên đảo
Xé đời ta trăm nghìn mảnh thê lương
Và đâu đó ở cuối những con đường
Rất buồn bã trong nấm mồ cô độc
Em có thấy chiều thời gian thảm khốc
Những xanh tươi xua vội đến già nua
Trong cơn lốc say mùa
Rất điềm nhiên cuốn mất
Những sắc hương cùng bụi cát.

Hãy suy ngẫm về lẽ vô thường
Khi đớn đau cùng hạnh phúc
Hãy thắp lên ngọn đuốc
Soi sáng những ưu phiền
Có cõi nào bình yên
Trong lòng ta lặng lẽ


Lý Thừa Nghiệp

          

Cách Làm Trứng Muối Không Cần Nước



Vật Liệu:

-10 trứng gà (vịt)
-1/2 chén rượu 40°(rượu nào cũng được)
-1/2 chén muối
-Giấy bạc để gói

Cách làm:

Trứng rửa sạch thấm khô, lăn trứng qua rượu, tiếp theo lăn trứng qua muối cho đều.
Cho vào giấy bạc gói lại , cất vào hộp.Bảo quản nơi thoáng mát.
Khoảng 20 ngày là dùng được


Yên Đỗ Sưu Tầm

Ngày Em Xa Phố Núi -Khiếu Long-Nhạc Võ Vĩnh Thuân


 

Thơ: Khiếu Long 
Phổ Nhạc: Võ Vĩnh Thuận
Ca Sĩ: Cao Huy Thế
Thực Hiện Kim Oanh


Tuyết Mai Nhị Thủ - Lư Mai Pha (Cổ Thi)


         Có phải là một quy luật của thiên nhiên chăng khi không có gì là trọn vẹn. Tuyết Mai nhị thủ của Lư Mai Pha đã nói lên điều này. Vạn vật đều có ưu khuyết điểm, nếu dung hoà một cách hợp lý sẽ đi đến chỗ tron vẹn.
              Trong xã hội loài người cũng thế, nhân vô thập toàn. Người lãnh đạo một đơn vị, địa phương, quốc gia, nếu nhận biết ưu khuyết điểm của từng cá nhân để sử dụng, bổ túc cho nhau, chắc chắn sẽ tiến nhanh.

雪梅二首 Tuyết Mai Nhị Thủ
        卢梅坡 Lư Mai Pha

Kỳ nhất
 梅雪争春未肯降,
骚人搁笔费评章。
梅须逊雪三分白,
雪却输梅一段香。

Mai tuyết tranh xuân vị khẳng hàng
Tao nhân các bút phí bình chương
Mai tu tốn tuyết tam phân bạch
Tuyết khước thâu mai nhất đoạn hương
                                            Lư Mai Pha
Dịch nghĩa : Mai Tuyết  kỳ 1

Mai Tuyết cùng tranh giành mùa xuân, chẳng bên nào chịu nhường.
Làm cho thi nhân phải dừng bút phân giải
Mai thì nhường Tuyết ba phần về sắc trắng
Tuyết phải chịu thua Mai về khoảng hương thơm.

Dịch thơ  Kỳ 1

Giành xuân Mai Tuyết quyết đua tài

Dừng bút thi nhân phải giải bày

Tuyết vốn hơn Mai về sắc trắng

Còn hương thời Tuyết phải nhường Mai
                                                  Quên Đi












 Kỳ nhị
 有梅无雪不精神,
有雪无诗俗了人。
日暮诗成天又雪,
与梅并作十分春

Hữu mai vô tuyết bất tinh thần
Hữu tuyết vô thi tục liễu nhân
Nhật mộ thi thành thiên hựu tuyết
Dữ mai tịnh tác thập phần xuân
                                       Lư Mai Pha

Dịch Nghĩa : Mai Tuyết kỳ 2

Có Mai mà thiếu tuyết thì thiếu đi cái thần,cái khí chất ở bên trong
Có tuyết mà không có Thơ cũng chỉ như kẻ phàm tục
Ngày vừa tàn, thơ cũng vừa xong thì ngoài trời Tuyết đã rơi
Có đủ cả ba Thơ, Tuyết và Mai xuân mới mười phần trọn vẹn

Dịch thơ Kỳ 2

Mai đây Tuyết vắng thiếu tinh thần

Có Tuyết không Thơ chỉ tục nhân

Ngày hết thơ xong trời đổ tuyết

Đủ ba, xuân trọn vẹn mươi phần
                                             Quên Đi


Chú thích:
Lư Mai Pha là một thi nhân đời Tống, không rõ thân thế và sự nghiệp, chỉ để lại cho hậu thế một bài thơ tuyệt diệu nầy.  Tuyết và Mai đều có vẻ đẹp bản thể riêng, làm sao có thể khẳng định tuyết đẹp hơn mai hay mai đẹp hơn tuyết.  Thi nhân đã hoá giải thế giới riêng biệt của tuyết và của mai thành một thế giới hòa hợp đẹp duy nhất.  Thi nhân khẳn định được vị trí và vai trò của con người, có thể nhìn thấy hiện tượng bên ngoài, thấu rõ tinh thần bên trong mà không phải
Phân chia cái này với cái kia.

Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn



Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

Không Là Kinh Kha



Kinh Kha hề, Kinh Kha!
Một đi không trở lại.
Sông Dịch hề, tiễn đưa,
Ngậm ngùi dòng nước bạc!

Anh không là Kinh Kha
Nên đi còn trở lại.
Thế mà đêm chia xa
Em sụt sùi ngấn lệ!

Mặc Thái Thủy

Thu Pha Màu Nhớ



Thu hay lá tím pha màu áo
để dáng em buồn nét Đông phương
Mắt nhìn xa thẳm vương sầu đạo
Du dạo đường Thu rất dễ thương

Tôi về gối mộng đêm hư ảo
mơ thấy nắng vàng hong tóc em
Lá theo ngọn gió sờ ngực áo
nên lá tương tư xác úa mềm

Thấy tôi bướm lượn vàng thu cúc
say nhụy hoa hường đôi cánh môi
Đơn phương ghi đậm đời bút mực
con chữ đeo sầu, ý cút côi

Lạnh chút sương thu giăng mái tóc
hay lệ hàng cây khóc lá rơi
ẩn trong màu lá đời thương xót
có cõi lòng tôi trót tả tơi

Tôi ngắm mây Thu càng nhung nhớ
Ánh mắt: cửa lòng em ước mơ
Bàn tay quấn quit vừa buông lở
Tóc áo bay chừng như dáng thơ

Phạm Tương Như
10/24/2013


Đưa Người



Đưa người về tìm quên trong men say
Rủ sạch yêu thương chẳng nợ tháng ngày
Mai kia xa cách nơi phương trời ấy
Có bao giờ mi nhớ đọng giọt cay

Đêm cuối cùng tay trong tay nhau
Biết nói chi đây vơi hết nỗi sầu
Tròn ước mơ đầu gì đâu giấc mộng
Sống cạnh bên chồng em có vui không

Trời đã sang đông cõi lòng tê tái
Bờ vai thêm gầy tay bế con thơ
Đôi mắt bơ vơ giữa dòng xuôi ngược
Em tôi ơi còn được mất những gì!?

Tuổi xuân thì đường đi em đánh mất!

Kim Phượng


Về Đi Thôi




Đen mây giăng ngang trời
Một cánh cò chấp chới giữa mù khơi
Hồi chuông thả nhẹ
Về đi thôi

Trương Văn Phú

Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

Ô Dạ Đề - Lý Bạch


alt

    黃雲城邊烏欲棲,
    歸飛啞啞枝上啼。
    機中織錦秦川女,
    碧紗如煙隔窗語。
    停梭悵然憶遠人,
    獨宿孤房淚如雨。


    Hoàng vân thành biên ô dục thê
    Qui phi á á chi thượng đề
    Cơ trung chức cẩm Tần Xuyên nữ
    Bích sa như yên cách song ngữ
    Đình thoa trướng nhiên tư viễn nhân
    Độc túc cô phòng lệ như vũ..


     Lý Bạch
                           
Dịch Nghĩa:

     Tiếng Quạ Kêu Đêm

    Bên ngoài thành mây vàng bao phủ,con Quạ muốn tìm chỗ đậu.
    Chúng bay về đậu trên cành cây kêu la ầm ỉ
    Trong phòng cô gái Tần Xuyên đang ngồi dệt gấm
    Vải xanh biếc mỏng manh như khói nơi cửa sổ như muốn ngăn cách tiếng nói của Cô và Quạ
    Ngừng thoi ,ngưng dệt cô gái thẩn thờ nhớ người nơi xa
    Một mình trong căn phòng vắng mà nước mắt như mưa

    
Bản Dịch:

    Quạ đến bên thành hoàng hôn xuống
    Trên cành vang dậy tiếng kêu luôn
    Dệt gấm trong phòng Tần Xuyên nữ
    Vải biếc sao ngăn tiếng thở buồn
    Dừng thoi tưởng nhớ người xa xứ
    Chiếc bóng cô phòng mưa lệ tuôn

   
Quên Đi                                       
   

Tiếng Quạ kêu đêm khiến lòng Thiếu Phụ thêm buồn thảm trong cảnh cô đơn vắng bóng người thương.
Tần Xuyên Nữ là người con gái Tô Huệ, Xứ Tần Xuyên thuộc Tràng An,Chồng là Đậu Thao đi nhậm chức nơi xa,vì thương nhớ chồng, cô đã làm bài thơ nói lên tâm trạng mình và thêu vào mảnh lụa.Nhà Vua biết được lấy làm cảm động và cho người Chồng hồi kinh,vợ chồng đoàn tụ.

    Huỳnh Hữu Đức Biên soạn


Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Hoa Xương Rồng



(Anh Tư thương tặng 9 Oanh 8/2012)

Thân cắn cỗi như xương rồng trên vách đá
Mà đến kỳ đúng hẹn lại đơm hoa
Lòng nung nấu sá gì cơn nắng hạ
Bởi yêu em hoa nở đóa thật thà
Từ sỏi đá nhựa tình luân lưu chuyển
Vẫn mềm lòng dù dáng dấp khô khan
Dẫu gai góc một đời anh gánh chịu
Miễn sao em giữ mãi nét dịu dàng

Lê Kim Thành



Dẫn Thủy Nhập Điền



Cội nguồn sự tích một giòng sông
Cưu mang đau đẻ lắm dòng con
Thân mòn gánh nặng chia bầu sữa
"Dẫn thủy nhập điền" dịu nắng trưa

Từ sâu đáy tim xưa mờ mịt
Bóng Mẹ Cha viên tịch về đâu
Buồn rầu chi tim già cằn cỗi
Cũng đến ngày sông mới nổi lên

Lời nguyện sông nến lòng ai biết
Lau lách bờ mọc phủ biệt tăm
Âm thầm khóc chết giòng sông gốc
Dọc ngang trời để mất tim xưa

Rồi muôn kiếp chờ không thấy nữa
Bầu sữa căng đời khổ đâu ra
Trong ta! Mây đục đỉnh đầu non
Ngậm ngùi ước sông già còn mãi!

Chảy đi sông! Xin đừng khô hạn!

Pleiku 15-8-2010
Lê Kim Hiệp


Mùa Nước Nổi




Em đưa anh đi, ra tận ngoài sông
Vào mùa nước nổi ngập đầy đồng
Mùa yêu thương cũng dâng cao tiếng hát
Tình cũng xanh màu mạ ngát hương long

Tàn chinh chiến lại nối đời phiêu bạt
Anh phải đi…vì mệnh nước nổi trôi
Em đưa anh sương trắng phủ bồi hồi
Mắt rưng lệ tím lên màu mây khói

Trăng sao cứ im lìm nghe đau nhói
Hoa cỏ nghiêng buồn đau cảnh biệt ly
Em đưa anh không nói một lời gì
Cây đứng lặng nắng qua hồn vụn nát

Anh bước đi với cuộc đời lang bạt
Lặng lẽ em hóa thành đá, đợi chờ.
Biết mấy mùa đi, thương nhớ ngẩn ngơ
Mất dấu chim bay hồn như lạc lõng

Lá vàng rơi cuốn theo mùa hy vọng
Rồi một ngày…thuyền tách bến sang ngang
Em tiễn em trời sụp đổ bàng hoàng
Lòng tan nát xé từng tràng pháo nổ

Chợt một ngày… mắt đau nhìn bỡ ngỡ
Cả xóm làng mừng vui đón anh về.
Mưa tràn lòng, rưng rức nỗi tái tê
Em đã chết từ… dạo mùa nước nổi.

 Kim Quang


Quê Hương Là Người Đó-Nhạc Sĩ Phạm Đình Chương

      Xa rời quê hương bao năm tháng, dằn vặt trong lòng vì người yêu còn ở lại,không biết đến bao giờ mới được gặp lại,hình bóng đó chính là quê hương là tinh yêu bất diệt là nỗi nhớ không nguôi


Nhạc sĩ: Phạm Đình Chương
Ca Sĩ: Vũ Khanh
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình



Người Thầy Đáng Kính


Không còn nhớ rõ trường trung học tư thục Nguyễn Trường Tộ được thành lập từ năm nào, mà riêng tôi, tôi được nhận vào dạy từ niên khóa 1966- 1967, môn ngữ văn cấp hai. Lúc đó, thầy Trần văn Phong làm giám học;  Hiệu trưởng là một vị linh mục, cho nên thầy Phong trực tiếp điều hành trường sở và giảng dạy môn Pháp văn cho học sinh cấp ba. Hội đồng sư phạm hầu hết là thành phần cơ hữu của trường, dạy và làm việc tại đó, nhận lương hàng tháng, kể cả lúc nghỉ hè; Chỉ có giào viên thỉnh giảng mới hưởng lương theo tiết dạy.


Sau ba mươi chin năm đứng lớp và qua bốn nơi công tác, được tiếp xúc với nhiều thầy cô khả kính, bản thân tôi vừa học hỏi vừa lưu giữ cho mình rất nhiều điều về lẽ sống. Riêng ở thầy Phong, điều cảm nhận sâu sắc nhất của tôi về thầy, đó là tâm huyết của một con người đối với cộng đồng. Quá thiết tha với sự nghiệp trồng người, thầy xây dựng mô hình trường ra trường, lớp ra lớp,  làm cho chúng tôi cảm thấy an tâm pha lẫn chút tự hào, khi đã có một thời là giáo viên dưới mái trường Nguyễn Trường Tộ. Thầy hiểu rõ gia cảnh, tâm tư, nguyện vọng của từng thầy cô để có thể kịp thời giúp đỡ, sẻ chia.Còn với học sinh, thầy thương yêu vô hạn; Thầy tìm mọi cách để giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những em tật nguyền, bất hạnh….
Rồi thì, những biến động của cuộc sống đưa đẩy chúng tôi mỗi người một ngã. Thầy Phong rời xa trường học. Hội đồng sư phạm kẻ còn người mất! Có người, nay đã ở xa thật là xa, học sinh cũng vậy. Chỉ có một điều bất di bất dịch là mỗi khi có dịp gặp lại nhau, kể cả giáo viên và học sinh, hễ nhắc đến trường trung học tư thục Nguyễn Trường Tộ là hình ảnh của thầy Phong hiện lên, một người thầy đáng kính với phong thái điềm đạm ung dung, với tấm lòng bao dung độ lượng…


Có lẽ vì vậy mà cách nay hơn tám năm, theo gợi ý của một nhóm cựu học sinh, chúng tôi đã tổ chức buổi họp mặt cựu giáo viên và cựu học sinh của trường trung học tư thục Nguyễn Trường Tộ tại nhà tôi vào sáng ngày 1 tháng 1 năm 2003. Thư mời chỉ có ba mươi, mà số người có  mặt lên tới một trăm hai mươi mốt. Giáo viên chỉ có năm người; số còn lại là cựu học sinh. Các em đã trưởng thành, đã có sui gia, đã là ông bà nội-ngoại. Vậy mà, dưới mắt chúng tôi, cac1em vẫn là những học trò bé bỏng ngày nào. Một số em đang giữ những chức vụ trưởng, phó đầu ngành, đang là kỹ sư, bác sĩ…, một số em vẫn đang cơ cực vì cuộc mưu sinh, vì chén cơm manh ào…Sáng hôm ầy, theo thư mời và theo truyền miệng, các em có mặt ở nhà tôi là để được gặp lại thầy Phong, thăm và chúc sức khỏe thầy. Đơn giản vậy thôi !.

Có hay không khi người ta thường nói “  Trong xã hội, nghề nào cũng quý, nhưng dạy học là nghề cao quý nhất “. Cũng trong buổi sáng ấy, đã có nghững đôi mắt đỏ hoe. Thầy Phong cũng khóc khi đứng lên baỳ  tỏ cảm nghĩ sau gần ba mươi năm sao dời vật đổi. Tôi không đủ lời để tả lại cảm xúc và ân tình trong buổi sáng hôm đó. Nhưng riêng tôi, kỷ niệm này sẽ theo tôi trong suốt quãng đời còn lại. Đã có lần tôi đọc được trang đầu quyển “ Nghệ thuật dạy học “ của tiến sĩ tâm lý học Mai Tâm, tôi còn nhớ đại khái câu:  “ Tượng đồng bia đá rồi sẽ phai mờ với thời gian; thành quách, đền đài rồi sẽ có ngày đổ nát; nhưng khi ta làm việc với những tâm hồn, gieo vào lòng trẻ những tâm hồn, gieo vào lòng trẻ những chân lý thì công trạng của chúng ta sẽ mãi mãi trường tồn “


Cuối buổi họp, các cựu học sinh đề nghị cứ hàng năm, chọn ngày 1 tháng 1, làm ngày họp mặt cựu giáo viên và cựu học sinh trường trung học tư thục Nguyễn Trường Tộ, thư mời và địa điểm do ban liên lạc 
( vừa được bầu chọn ) đảm trách.
Ngày 1 tháng 1 năm 2010 là buổi họp lần thứ tám, tại tiệm ăn Chiêu Ký, giáo viên chỉ có bốn người, thầy Khải đang nằm bệnh viện, thầy Phong cũng đã yếu! Các em cho biết, sẽ tổ chức lễ mừng thượng tho5cho thầy ( Chín mươi tuổi ) vào ngày 23 thảng 3 năm 2010 tại nhà thầy. Tôi vô cùng xúc động trước dự định chan chứa nghĩa tình của các em. Trong ngày này, vì phải đi xa, tôi xin phép vắng mặt. Thật đáng tiếc!
Khi trở lại quê nhà, tôi đã nhiều lần đến thăm thầy, thầy ngày càng yếu hơn, đôi mắt đã không còn trông thấy chung quanh. Tôi có bàn với ban liên lạc cựu học sinh, ngày họp mặt 2011, các em tổ chúc tại nhà thầy cho thầy vui, các em rất đồng ý. Còn tôi, tôi lại phải đi xa!

Khoảng đầu tháng 10 năm 2011, chúng tôi lên thăm thầy, tôi có thưa với thầy: “ Thầy cố giữ sức khỏe và ngày 20 tháng 11 năm nay, chúng em sẽ tổ chức Tết nhà giáo tại nhà thầy” Thầy tươi cười mãn nguyện.
Cuối tháng 10 năm 2011, tôi lại đi xa, cũng vì hoàn cảnh, năm ngày sau ( 4-11-2011 ) con tôi gọi điện báo tin thầy Phong mất! Tôi bàng hoàng… Cách chưa đầy một tháng, tôi còn nhìn thấy nụ cười mãn nguyện của thầy vào một buổi sáng trời trong nắng ấm.

Kính thưa thầy!
Em nghe con thầy kể lại, thầy ra đi lúc 12 giờ 30 phút ngày 4 tháng 11, nhẹ nhàng êm ái. Thầy ơi! Thầy vui lòng tha lỗi cho em, đã không có mặt trong tang lể của thầy, đã không cùng với các em học sinh đưa tiễn thầy đến nơi an nghĩ. Từ một giáo viên còn non trẻ, tay nghề yếu kém, em đã được thầy và quí thầy cô của trường tận tình giúp đỡ, trưởng thành từ ngôi trường Nguyễn Trường Tộ, em mãi nhớ ơn thầy, nhớ ơn cô Nhan, cô Hạnh….Các vị đã không còn nữa!
Xin quý thầy cô cho em được nói lên lời thành kính tri ân, dù đã muộn màng


Bùi Thị Teng
(Cựu Giáo Sư Trường Trung Học Tư Thục Nguyễn Trường Tộ)


Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Thu Sầu Ly Hương


Công viên ngắm lá thu vàng
Đếm bao chiếc rụng lòng càng buồn thêm
Mưa thu tụ vũng trên thềm
Gợi thương kỷ niệm êm đềm đã qua

Giờ thân cô lữ xa nhà
Trời mây non nước riêng ta một mình
Nỗi sầu như bóng với hình
Theo đuôi suốt cuộc hành trình ly hương

Đèn khuya thắp sáng phố phường
Lòng ta địa ngục âm dương a tỳ
Tiếng than ai oán sầu bi
Làm thân viễn xứ có gì vui đâu!

Trăng thu chênh chếch đĩnh đầu
Vầng trăng  tròn sáng trên cầu năm nao?
Hai tay úp mặt nghẹn ngào
Tình hoài hương bỗng dạt dào trong tim

Đêm thu tịch mịch im lìm
Biết đâu bờ bến đi tìm quê hương?

Vĩnh Trinh


Xướng: Tượng Đá Ngắm Hoa - Họa : Bóng Trăng



                  
Thơ thẩn vườn khuya tóc ẩm sương             Dật dờ bóng nguyệt ẩn đêm sương
Mình anh thu bóng suốt đêm trường            Chạnh nhớ Người Xưa mấy đoạn trường
Nhìn sao thăm thẳm niềm da diết                Giá buốt lạnh lùng vầng nguyệt úa 
Ngắm cảnh trăng gần dạ vấn vương            Lặng buồn quạnh quẽ khối tơ vương
Linh cảm hồn về thăm cảnh nhớ                  Người đi cảnh cũ càng đau xót
Đinh ninh khách đến viếng người thương      Kẻ ở trăng xưa nặng nhớ thương
Đêm nay hoa nở hoa biền biệt                     Tỉnh giấc mộng tình tình đã khuất
Nở để mình anh độc ẩm sương                   Mộng đành chợt tắt giữa đêm sương      

               
GS Lê Minh Thuận                                   Quên Đi

                                



Điệu Ru Ngày Cũ...



       (Cho Cúc và các con Phương, Quân, Diễm)

Ngày bỗng chốc qua đi trong quạnh quẻ,
Nắng cuối trời đã tắt lịm từ lâu,
Gió đong đưa lay nhẹ mảnh hồn sầu,
Thân phiêu bạt mơ ngày về quê cũ...
Anh nhớ lắm hàng dừa xanh lá rũ,
Dòng sông con lau lách mọc ven bờ,
Điệu ru buồn theo gió thoảng u ơ,
Tiếng giã gạo những đêm trăng đồng nội,

Cánh đồng vắng ngạt ngào hương lúa mới,
Con trâu già nằm gặm cỏ bờ đê,
Vành nón nghiêng, buông lửng mái tóc thề
Cô thôn nữ rủ nhau về chợ huyện...
Và tất cả những gì còn lưu luyến
Của một ngày em gạt lệ tiễn đưa.
Cây sầu riêng lá rụng, ánh sao thưa,
Anh ngoảnh mặt giấu đi dòng nước mắt.
Ở quê cũ em giữ lòng son sắc,
Nơi xứ người anh chí cả cưu mang. 
Lòng sụt sôi niềm uất hận tràn lan
Từng mạch máu, từng nhịp tim, hơi thở.
Những năm tháng tù đày anh vẫn nhớ,
Dù thời gian chờ đợi có mỏi mòn,
Dù mai đây thân xác có héo hon,
Anh vẫn vững một niềm tin tất thắng.
Và ngày ấy quê mình tràn ánh nắng,
Rồi chúng mình trở lại mảnh vườn xưa,
Bên hàng cau lả ngọn gió đong đưa,
Em kể chuyện tương lai đàn con nhỏ...

Lincoln, Nebraska – 1986 
Mặc Thái Thủy