Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

Không Là Kinh Kha



Kinh Kha hề, Kinh Kha!
Một đi không trở lại.
Sông Dịch hề, tiễn đưa,
Ngậm ngùi dòng nước bạc!

Anh không là Kinh Kha
Nên đi còn trở lại.
Thế mà đêm chia xa
Em sụt sùi ngấn lệ!

Mặc Thái Thủy

Thu Pha Màu Nhớ



Thu hay lá tím pha màu áo
để dáng em buồn nét Đông phương
Mắt nhìn xa thẳm vương sầu đạo
Du dạo đường Thu rất dễ thương

Tôi về gối mộng đêm hư ảo
mơ thấy nắng vàng hong tóc em
Lá theo ngọn gió sờ ngực áo
nên lá tương tư xác úa mềm

Thấy tôi bướm lượn vàng thu cúc
say nhụy hoa hường đôi cánh môi
Đơn phương ghi đậm đời bút mực
con chữ đeo sầu, ý cút côi

Lạnh chút sương thu giăng mái tóc
hay lệ hàng cây khóc lá rơi
ẩn trong màu lá đời thương xót
có cõi lòng tôi trót tả tơi

Tôi ngắm mây Thu càng nhung nhớ
Ánh mắt: cửa lòng em ước mơ
Bàn tay quấn quit vừa buông lở
Tóc áo bay chừng như dáng thơ

Phạm Tương Như
10/24/2013


Đưa Người



Đưa người về tìm quên trong men say
Rủ sạch yêu thương chẳng nợ tháng ngày
Mai kia xa cách nơi phương trời ấy
Có bao giờ mi nhớ đọng giọt cay

Đêm cuối cùng tay trong tay nhau
Biết nói chi đây vơi hết nỗi sầu
Tròn ước mơ đầu gì đâu giấc mộng
Sống cạnh bên chồng em có vui không

Trời đã sang đông cõi lòng tê tái
Bờ vai thêm gầy tay bế con thơ
Đôi mắt bơ vơ giữa dòng xuôi ngược
Em tôi ơi còn được mất những gì!?

Tuổi xuân thì đường đi em đánh mất!

Kim Phượng


Về Đi Thôi




Đen mây giăng ngang trời
Một cánh cò chấp chới giữa mù khơi
Hồi chuông thả nhẹ
Về đi thôi

Trương Văn Phú

Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

Ô Dạ Đề - Lý Bạch


alt

    黃雲城邊烏欲棲,
    歸飛啞啞枝上啼。
    機中織錦秦川女,
    碧紗如煙隔窗語。
    停梭悵然憶遠人,
    獨宿孤房淚如雨。


    Hoàng vân thành biên ô dục thê
    Qui phi á á chi thượng đề
    Cơ trung chức cẩm Tần Xuyên nữ
    Bích sa như yên cách song ngữ
    Đình thoa trướng nhiên tư viễn nhân
    Độc túc cô phòng lệ như vũ..


     Lý Bạch
                           
Dịch Nghĩa:

     Tiếng Quạ Kêu Đêm

    Bên ngoài thành mây vàng bao phủ,con Quạ muốn tìm chỗ đậu.
    Chúng bay về đậu trên cành cây kêu la ầm ỉ
    Trong phòng cô gái Tần Xuyên đang ngồi dệt gấm
    Vải xanh biếc mỏng manh như khói nơi cửa sổ như muốn ngăn cách tiếng nói của Cô và Quạ
    Ngừng thoi ,ngưng dệt cô gái thẩn thờ nhớ người nơi xa
    Một mình trong căn phòng vắng mà nước mắt như mưa

    
Bản Dịch:

    Quạ đến bên thành hoàng hôn xuống
    Trên cành vang dậy tiếng kêu luôn
    Dệt gấm trong phòng Tần Xuyên nữ
    Vải biếc sao ngăn tiếng thở buồn
    Dừng thoi tưởng nhớ người xa xứ
    Chiếc bóng cô phòng mưa lệ tuôn

   
Quên Đi                                       
   

Tiếng Quạ kêu đêm khiến lòng Thiếu Phụ thêm buồn thảm trong cảnh cô đơn vắng bóng người thương.
Tần Xuyên Nữ là người con gái Tô Huệ, Xứ Tần Xuyên thuộc Tràng An,Chồng là Đậu Thao đi nhậm chức nơi xa,vì thương nhớ chồng, cô đã làm bài thơ nói lên tâm trạng mình và thêu vào mảnh lụa.Nhà Vua biết được lấy làm cảm động và cho người Chồng hồi kinh,vợ chồng đoàn tụ.

    Huỳnh Hữu Đức Biên soạn


Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Hoa Xương Rồng



(Anh Tư thương tặng 9 Oanh 8/2012)

Thân cắn cỗi như xương rồng trên vách đá
Mà đến kỳ đúng hẹn lại đơm hoa
Lòng nung nấu sá gì cơn nắng hạ
Bởi yêu em hoa nở đóa thật thà
Từ sỏi đá nhựa tình luân lưu chuyển
Vẫn mềm lòng dù dáng dấp khô khan
Dẫu gai góc một đời anh gánh chịu
Miễn sao em giữ mãi nét dịu dàng

Lê Kim Thành



Dẫn Thủy Nhập Điền



Cội nguồn sự tích một giòng sông
Cưu mang đau đẻ lắm dòng con
Thân mòn gánh nặng chia bầu sữa
"Dẫn thủy nhập điền" dịu nắng trưa

Từ sâu đáy tim xưa mờ mịt
Bóng Mẹ Cha viên tịch về đâu
Buồn rầu chi tim già cằn cỗi
Cũng đến ngày sông mới nổi lên

Lời nguyện sông nến lòng ai biết
Lau lách bờ mọc phủ biệt tăm
Âm thầm khóc chết giòng sông gốc
Dọc ngang trời để mất tim xưa

Rồi muôn kiếp chờ không thấy nữa
Bầu sữa căng đời khổ đâu ra
Trong ta! Mây đục đỉnh đầu non
Ngậm ngùi ước sông già còn mãi!

Chảy đi sông! Xin đừng khô hạn!

Pleiku 15-8-2010
Lê Kim Hiệp


Mùa Nước Nổi




Em đưa anh đi, ra tận ngoài sông
Vào mùa nước nổi ngập đầy đồng
Mùa yêu thương cũng dâng cao tiếng hát
Tình cũng xanh màu mạ ngát hương long

Tàn chinh chiến lại nối đời phiêu bạt
Anh phải đi…vì mệnh nước nổi trôi
Em đưa anh sương trắng phủ bồi hồi
Mắt rưng lệ tím lên màu mây khói

Trăng sao cứ im lìm nghe đau nhói
Hoa cỏ nghiêng buồn đau cảnh biệt ly
Em đưa anh không nói một lời gì
Cây đứng lặng nắng qua hồn vụn nát

Anh bước đi với cuộc đời lang bạt
Lặng lẽ em hóa thành đá, đợi chờ.
Biết mấy mùa đi, thương nhớ ngẩn ngơ
Mất dấu chim bay hồn như lạc lõng

Lá vàng rơi cuốn theo mùa hy vọng
Rồi một ngày…thuyền tách bến sang ngang
Em tiễn em trời sụp đổ bàng hoàng
Lòng tan nát xé từng tràng pháo nổ

Chợt một ngày… mắt đau nhìn bỡ ngỡ
Cả xóm làng mừng vui đón anh về.
Mưa tràn lòng, rưng rức nỗi tái tê
Em đã chết từ… dạo mùa nước nổi.

 Kim Quang


Quê Hương Là Người Đó-Nhạc Sĩ Phạm Đình Chương

      Xa rời quê hương bao năm tháng, dằn vặt trong lòng vì người yêu còn ở lại,không biết đến bao giờ mới được gặp lại,hình bóng đó chính là quê hương là tinh yêu bất diệt là nỗi nhớ không nguôi


Nhạc sĩ: Phạm Đình Chương
Ca Sĩ: Vũ Khanh
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình



Người Thầy Đáng Kính


Không còn nhớ rõ trường trung học tư thục Nguyễn Trường Tộ được thành lập từ năm nào, mà riêng tôi, tôi được nhận vào dạy từ niên khóa 1966- 1967, môn ngữ văn cấp hai. Lúc đó, thầy Trần văn Phong làm giám học;  Hiệu trưởng là một vị linh mục, cho nên thầy Phong trực tiếp điều hành trường sở và giảng dạy môn Pháp văn cho học sinh cấp ba. Hội đồng sư phạm hầu hết là thành phần cơ hữu của trường, dạy và làm việc tại đó, nhận lương hàng tháng, kể cả lúc nghỉ hè; Chỉ có giào viên thỉnh giảng mới hưởng lương theo tiết dạy.


Sau ba mươi chin năm đứng lớp và qua bốn nơi công tác, được tiếp xúc với nhiều thầy cô khả kính, bản thân tôi vừa học hỏi vừa lưu giữ cho mình rất nhiều điều về lẽ sống. Riêng ở thầy Phong, điều cảm nhận sâu sắc nhất của tôi về thầy, đó là tâm huyết của một con người đối với cộng đồng. Quá thiết tha với sự nghiệp trồng người, thầy xây dựng mô hình trường ra trường, lớp ra lớp,  làm cho chúng tôi cảm thấy an tâm pha lẫn chút tự hào, khi đã có một thời là giáo viên dưới mái trường Nguyễn Trường Tộ. Thầy hiểu rõ gia cảnh, tâm tư, nguyện vọng của từng thầy cô để có thể kịp thời giúp đỡ, sẻ chia.Còn với học sinh, thầy thương yêu vô hạn; Thầy tìm mọi cách để giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những em tật nguyền, bất hạnh….
Rồi thì, những biến động của cuộc sống đưa đẩy chúng tôi mỗi người một ngã. Thầy Phong rời xa trường học. Hội đồng sư phạm kẻ còn người mất! Có người, nay đã ở xa thật là xa, học sinh cũng vậy. Chỉ có một điều bất di bất dịch là mỗi khi có dịp gặp lại nhau, kể cả giáo viên và học sinh, hễ nhắc đến trường trung học tư thục Nguyễn Trường Tộ là hình ảnh của thầy Phong hiện lên, một người thầy đáng kính với phong thái điềm đạm ung dung, với tấm lòng bao dung độ lượng…


Có lẽ vì vậy mà cách nay hơn tám năm, theo gợi ý của một nhóm cựu học sinh, chúng tôi đã tổ chức buổi họp mặt cựu giáo viên và cựu học sinh của trường trung học tư thục Nguyễn Trường Tộ tại nhà tôi vào sáng ngày 1 tháng 1 năm 2003. Thư mời chỉ có ba mươi, mà số người có  mặt lên tới một trăm hai mươi mốt. Giáo viên chỉ có năm người; số còn lại là cựu học sinh. Các em đã trưởng thành, đã có sui gia, đã là ông bà nội-ngoại. Vậy mà, dưới mắt chúng tôi, cac1em vẫn là những học trò bé bỏng ngày nào. Một số em đang giữ những chức vụ trưởng, phó đầu ngành, đang là kỹ sư, bác sĩ…, một số em vẫn đang cơ cực vì cuộc mưu sinh, vì chén cơm manh ào…Sáng hôm ầy, theo thư mời và theo truyền miệng, các em có mặt ở nhà tôi là để được gặp lại thầy Phong, thăm và chúc sức khỏe thầy. Đơn giản vậy thôi !.

Có hay không khi người ta thường nói “  Trong xã hội, nghề nào cũng quý, nhưng dạy học là nghề cao quý nhất “. Cũng trong buổi sáng ấy, đã có nghững đôi mắt đỏ hoe. Thầy Phong cũng khóc khi đứng lên baỳ  tỏ cảm nghĩ sau gần ba mươi năm sao dời vật đổi. Tôi không đủ lời để tả lại cảm xúc và ân tình trong buổi sáng hôm đó. Nhưng riêng tôi, kỷ niệm này sẽ theo tôi trong suốt quãng đời còn lại. Đã có lần tôi đọc được trang đầu quyển “ Nghệ thuật dạy học “ của tiến sĩ tâm lý học Mai Tâm, tôi còn nhớ đại khái câu:  “ Tượng đồng bia đá rồi sẽ phai mờ với thời gian; thành quách, đền đài rồi sẽ có ngày đổ nát; nhưng khi ta làm việc với những tâm hồn, gieo vào lòng trẻ những tâm hồn, gieo vào lòng trẻ những chân lý thì công trạng của chúng ta sẽ mãi mãi trường tồn “


Cuối buổi họp, các cựu học sinh đề nghị cứ hàng năm, chọn ngày 1 tháng 1, làm ngày họp mặt cựu giáo viên và cựu học sinh trường trung học tư thục Nguyễn Trường Tộ, thư mời và địa điểm do ban liên lạc 
( vừa được bầu chọn ) đảm trách.
Ngày 1 tháng 1 năm 2010 là buổi họp lần thứ tám, tại tiệm ăn Chiêu Ký, giáo viên chỉ có bốn người, thầy Khải đang nằm bệnh viện, thầy Phong cũng đã yếu! Các em cho biết, sẽ tổ chức lễ mừng thượng tho5cho thầy ( Chín mươi tuổi ) vào ngày 23 thảng 3 năm 2010 tại nhà thầy. Tôi vô cùng xúc động trước dự định chan chứa nghĩa tình của các em. Trong ngày này, vì phải đi xa, tôi xin phép vắng mặt. Thật đáng tiếc!
Khi trở lại quê nhà, tôi đã nhiều lần đến thăm thầy, thầy ngày càng yếu hơn, đôi mắt đã không còn trông thấy chung quanh. Tôi có bàn với ban liên lạc cựu học sinh, ngày họp mặt 2011, các em tổ chúc tại nhà thầy cho thầy vui, các em rất đồng ý. Còn tôi, tôi lại phải đi xa!

Khoảng đầu tháng 10 năm 2011, chúng tôi lên thăm thầy, tôi có thưa với thầy: “ Thầy cố giữ sức khỏe và ngày 20 tháng 11 năm nay, chúng em sẽ tổ chức Tết nhà giáo tại nhà thầy” Thầy tươi cười mãn nguyện.
Cuối tháng 10 năm 2011, tôi lại đi xa, cũng vì hoàn cảnh, năm ngày sau ( 4-11-2011 ) con tôi gọi điện báo tin thầy Phong mất! Tôi bàng hoàng… Cách chưa đầy một tháng, tôi còn nhìn thấy nụ cười mãn nguyện của thầy vào một buổi sáng trời trong nắng ấm.

Kính thưa thầy!
Em nghe con thầy kể lại, thầy ra đi lúc 12 giờ 30 phút ngày 4 tháng 11, nhẹ nhàng êm ái. Thầy ơi! Thầy vui lòng tha lỗi cho em, đã không có mặt trong tang lể của thầy, đã không cùng với các em học sinh đưa tiễn thầy đến nơi an nghĩ. Từ một giáo viên còn non trẻ, tay nghề yếu kém, em đã được thầy và quí thầy cô của trường tận tình giúp đỡ, trưởng thành từ ngôi trường Nguyễn Trường Tộ, em mãi nhớ ơn thầy, nhớ ơn cô Nhan, cô Hạnh….Các vị đã không còn nữa!
Xin quý thầy cô cho em được nói lên lời thành kính tri ân, dù đã muộn màng


Bùi Thị Teng
(Cựu Giáo Sư Trường Trung Học Tư Thục Nguyễn Trường Tộ)


Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Thu Sầu Ly Hương


Công viên ngắm lá thu vàng
Đếm bao chiếc rụng lòng càng buồn thêm
Mưa thu tụ vũng trên thềm
Gợi thương kỷ niệm êm đềm đã qua

Giờ thân cô lữ xa nhà
Trời mây non nước riêng ta một mình
Nỗi sầu như bóng với hình
Theo đuôi suốt cuộc hành trình ly hương

Đèn khuya thắp sáng phố phường
Lòng ta địa ngục âm dương a tỳ
Tiếng than ai oán sầu bi
Làm thân viễn xứ có gì vui đâu!

Trăng thu chênh chếch đĩnh đầu
Vầng trăng  tròn sáng trên cầu năm nao?
Hai tay úp mặt nghẹn ngào
Tình hoài hương bỗng dạt dào trong tim

Đêm thu tịch mịch im lìm
Biết đâu bờ bến đi tìm quê hương?

Vĩnh Trinh


Xướng: Tượng Đá Ngắm Hoa - Họa : Bóng Trăng



                  
Thơ thẩn vườn khuya tóc ẩm sương             Dật dờ bóng nguyệt ẩn đêm sương
Mình anh thu bóng suốt đêm trường            Chạnh nhớ Người Xưa mấy đoạn trường
Nhìn sao thăm thẳm niềm da diết                Giá buốt lạnh lùng vầng nguyệt úa 
Ngắm cảnh trăng gần dạ vấn vương            Lặng buồn quạnh quẽ khối tơ vương
Linh cảm hồn về thăm cảnh nhớ                  Người đi cảnh cũ càng đau xót
Đinh ninh khách đến viếng người thương      Kẻ ở trăng xưa nặng nhớ thương
Đêm nay hoa nở hoa biền biệt                     Tỉnh giấc mộng tình tình đã khuất
Nở để mình anh độc ẩm sương                   Mộng đành chợt tắt giữa đêm sương      

               
GS Lê Minh Thuận                                   Quên Đi

                                



Điệu Ru Ngày Cũ...



       (Cho Cúc và các con Phương, Quân, Diễm)

Ngày bỗng chốc qua đi trong quạnh quẻ,
Nắng cuối trời đã tắt lịm từ lâu,
Gió đong đưa lay nhẹ mảnh hồn sầu,
Thân phiêu bạt mơ ngày về quê cũ...
Anh nhớ lắm hàng dừa xanh lá rũ,
Dòng sông con lau lách mọc ven bờ,
Điệu ru buồn theo gió thoảng u ơ,
Tiếng giã gạo những đêm trăng đồng nội,

Cánh đồng vắng ngạt ngào hương lúa mới,
Con trâu già nằm gặm cỏ bờ đê,
Vành nón nghiêng, buông lửng mái tóc thề
Cô thôn nữ rủ nhau về chợ huyện...
Và tất cả những gì còn lưu luyến
Của một ngày em gạt lệ tiễn đưa.
Cây sầu riêng lá rụng, ánh sao thưa,
Anh ngoảnh mặt giấu đi dòng nước mắt.
Ở quê cũ em giữ lòng son sắc,
Nơi xứ người anh chí cả cưu mang. 
Lòng sụt sôi niềm uất hận tràn lan
Từng mạch máu, từng nhịp tim, hơi thở.
Những năm tháng tù đày anh vẫn nhớ,
Dù thời gian chờ đợi có mỏi mòn,
Dù mai đây thân xác có héo hon,
Anh vẫn vững một niềm tin tất thắng.
Và ngày ấy quê mình tràn ánh nắng,
Rồi chúng mình trở lại mảnh vườn xưa,
Bên hàng cau lả ngọn gió đong đưa,
Em kể chuyện tương lai đàn con nhỏ...

Lincoln, Nebraska – 1986 
Mặc Thái Thủy


Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Tranh Vẽ Tín Đức: Phiên Chợ Sớm


1/ Phiên Chợ Sớm


2/ Chợ Làng 


3/ Chợ Làng 



Họa Sĩ Tín Đức - Vĩnh Long

Tranh Vẽ Tín Đức: Ngã Ba Nhà Thờ Hòa Ninh


1/ Ngã Ba Nhà Thờ Hòa Ninh

2/ Xóm Nhà Thờ



Họa Sĩ Tín Đức 

Vũ Điệu Bên Ánh Lửa!

Anh Nguyễn Lữ với tù trưởng thổ dân
TH (Tuấn Hoàng): Trong cuộc hội thoại kỳ này, chúng tôi có dịp nói chuyện với anh Nguyễn Lữ trong cuộc hội thoại có nhan đề “Vũ điệu bên ánh lửa”. Thay mặt cho quý thính giả và độc giả của Thời Báo, xin chào anh Lữ.
NL (Nguyễn Lữ): xin kính chào quý thính giả của Thời Báo. Xin cám ơn quý vị đã lắng nghe. Đáng lý ra cuộc hội thoại với của chúng tôi với anh Tuấn Hoàng đã diễn ra từ hai tuần trước, nhưng vì công việc nên phải dời lại. Xin cám ơn quý thính giả đã kiên nhẫn lắng nghe, vì tôi hiện ở một nơi xa xôi ở miền Bắc Canada, liên lạc rất khó khăn.
TH: chúng tôi xin nói sơ lược tiểu sử của anh Lữ .Anh Nguyễn Văn Lữ tốt nghiệp cử nhân giáo khoa địa chất của viện đại học Saigon. Đã hành nghề địa chất tại Việt Nam, Cam Bốt trong chương trình phát triển đồng bằng sông Cửu Long, chuyên viên về đất phèn của vùng tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười. Làm việc với viện Khoa Học Trái Đất ,viện đại học Cần Thơ, trong việc hoạch định đường biên giới Việt Miên Lào.
Sang Canada, anh tốt ngiệp cán sự kỹ sư công chánh trường cao đẳng George Brown và hậu đại học về khoa học môi trường ở trường đại học Ryerson.
Anh đã từng là chuyên viên kỹ thuật về địa chất cho Bộ Phát Triển Miền Bắc của chính quyền liên bang Canada và cho các công ty tư nhân khác. Hiện nay anh Lữ làm việc cho một công ty tư vấn về môi trường tại tỉnh bang Ontario.
Anh có nhiều sở thích:đã học các môn võ nhu đạo, hiệp khí đạo và là đai đen của môn phái Hàn Bái Đường. Anh cũng là hội viên của hội săn bắn dưới biển. Ngoài ra anh cũng ham mê âm nhạc, hát hò và khiêu vũ.
Thưa anh, chúng tôi được biết, anh vừa làm một cuộc viễn du lên miến Bắc Canada, sống với bộ tộc da đỏ Attawapiskat First Nation. Anh đi du lịch hay đây là vì công việc?
NL:Nghề nghiệp của tôi đã buộc tôi phải lên miền Bắc Canada trong nhiều tháng một năm.

TH: Thưa anh, từ đây lên đến bộ lạc Attawapiskat phải mất bao nhiêu thời gian và phải đi bằng cách nào?


NL: Rất xa, khó tính được bằng đường bộ. Thí dụ nếu tôi muốn đi lên khu bộ lạc Attawapiskat vào thứ tư trong tuần, thì ngày thứ ba tôi phải bay đến phi trường Timmins, phi trường địa đầu ở biên giới tỉnh bang Ontario với miền Bắc. Sáng hôm sau, từ Timmins, dùng các phi cơ nhỏ có 8 hay 16 chỗ, bay lên khu bộ lạc, và cũng phải bay qua bốn năm chặng, phi cơ phải dừng để tiếp nhiên liệu ở nhiều nơi như phi trường Fort Albany, trước khi đến nơi.

Có những lần đi giữa chừng thì gió lớn và chúng tôi lại phải quay về.

NL: Khi tôi đến và nhận xét đầu tiên của tôi là có những cảnh giống như cảnh đồng quê ở Việt Nam. Nhìn những phong cảnh, nhìn những đứa trẻ làm tôi nhớ lại những hình ảnh của chính tôi mấy chục năm trước, khi tôi vì công việc pải đi về miền Trung, đi về miền Cửu Long, vùng kinh Vĩnh Tế. Nhìn những cảnh như thế, mình lại thương tiếc cho những người Việt Nam hiện vẫn sống trong cảnh nghèo khổ.
Vì lý do nghề nghiệp địa chất, nên tôi đã phải đi đây đó, vào rừng núi, dò kiếm khoáng sản, có dịp tiếp xúc với những người địa phương, giúp cho tình cảm mình thắt chặt hơn mỗi lần gặp lại.


NL: Hai loại thực phẩm chính của những người thổ dân là thịt con caribou và moose, là hai loại hươu rất lớn ở miền Bắc. Họ săn những con hươu này, vứt bộ đồ lòng, đem về ướp muối, hun khói để dành ăn trong những tháng mùa Đông mà thời gian có thể đến 6 tháng trong một năm. Còn các thứ thực phẩm khác như muối, sữa, rau cỏ, đều phải chuyên chở từ dưới tỉnh thành lên, và giá sinh hoạt rất mắc. Mùa Đông, phương tiện chuyên chở chính là xe skidoo do chó kéo chạy trên tuyết.



NL: Tôi thấy dường như họ chẳng có gì giải trí cả. Trong bộ lạc có 4 tiệm cà phê, một gian hàng bán tạp hóa như kiểu Walmart, một nhà máy điện và một bệnh xá. Những nhân viên làm việc, những thầy giáo cô giáo thường là những người phương xa. Những người này không kiếm được việc làm ở miền xuôi, cho nên họ phải lên đây, và chỉ làm việc một thời gian là họ lại bỏ việc, đi nơi khác.

Những người thổ dân ở đây mà có dịp đi du lịch ra ngoài, thì họ chỉ đi đến thành phố Timmins là quá. Hỏi họ về thành phố Toronto thì họ không biết là ở đâu. Thành phố Timmins năm ở phía Đông Bắc của tỉnh bang Ontario, cách thành phố Toronto khoảng 720 cây số.


NL: Những thiếu nữ thổ dân mà tuổi từ 18, 19 cho đến 20,25 thì tướng tá mảnh khảnh, da trắng, mũi cao, như những người Thái Trắng ở cao nguyên Việt Nam hồi xưa. Nhưng một khi họ lấy chồng và có con, từ 30 tuổi trở lên thì cơ thể của phát triển gấp hai, gấp ba bình thường.

Tôi không có diễm phúc được trông thấy một thiếu nữ thổ dân. Ngày đầu tiên tôi đặt chân đến khu bộ lạc, tôi trông thấy một phụ nữ thổ dân chắc ở tuổi 50, cao bằng tôi, nhưng chiều ngang lại gấp hai chiều ngang của tôi.


NL: Đây là một câu hỏi rất thú vị, và cũng là chủ đề chính cho cuộc nói chuyện hôm nay với đề tài “Vũ Điệu Bên Ánh Lửa”. Trong những ngày hội, các thổ dân tụ tập nhau bên ánh lửa bập bùng. Thời gian này là lúc những người lớn tuổi, truyền lại kinh nghiệm cho những người trẻ tuổi về cách săn bắn, mưu sinh.. Và đây cũng là dịp cho những thanh niên thiếu nữ gặp nhau, tìm hiểu và làm bạn.

Thế thì làm sao biết một người là thiếu nữ hay là một phụ nữ có chồng?
Những người phụ nữ có chồng thường cài trên đầu một lông chim thứ lớn, như lông của mấy con ngỗng trời. Đây là dấu hiệu báo cho mọi người biết nhất là mấy ông liền ông là bà ta đã có chồng, nên tránh xa.
Còn những thiếu nữ chưa chồng thì họ không đeo lông chim trên tóc mà cài những lông chim mà là loại lông tơ trên vòn cổ, hay cài ép vào mái tóc.
Những thanh niên nào mà được các cô nàng chấm , thì những chành thanh niên này có quyền lấy những cái lông tơ trên vòng cổ, cài lên mái tóc của người đẹp.
Hai loại lông chim tượng trưng cho những chặng đời của một người đàn bà thổ dân: lông tơ khi em còn thơ ngây và khi thấy một phụ nữ đeo một hay nhiều cái lông càng lớn càng già, thì tốt nhất là nên tránh xa.



TH:Thưa anh, dân số của bộ lạc đó có bao nhiêu người?
NL: Theo thống kê của chính phủ thì năm 2001 chì có 1,293 người sinh sống trong bộ lạc, trong một khu đất rộng 1.19 cây số vuông. Nhưng theo ông tù trưởng thì các thống kê sau cuộc bầu cử mới đây tại bộ lạc, thì có 2,250 người. Số người gia tăng gấp đôi trong 12 năm, ngoài việc sinh con đẻ cái, còn có việc chính quyền liên bang gom những thổ dân sống lẻ loi vào cùng khu vực, cấp nhà cửa điện nước cho họ.
TH: Anh Lữ có gặp ông tù trưởng và những người trong ban lãnh đạo bộ lạc?
NL: Trong công việc hàng ngày mà chúng tôi phải làm trong thời gian công tác, chúng tôi cũng có dịp làm việc với tù trưởng cũng như ban điều hành của bộ lạc.
TH:Thưa anh, những thổ dân có ngôn ngữ riêng của họ không?
NL: Những thổ dân có ngôn ngữ riêng của họ là tiếng Cree, có những hình tượng, những chữ ngoằn ngèo như chữ Hy Lạp. Và phần lớn những thổ dân đều nói tiếng Anh thông thạo.
TH:Anh có cảm tưởng gì khi thấy cảnh núi đồi mênh mông, và cảm tưởng đầu tiên của anh khi tới bộ lạc da đỏ này?
TH:Chúng tôi nghe nói tỷ lệ thất nghiệp của những người da đỏ ở Canada rất cao. Họ thường làm những công việc gì? Những người da đỏ thất nghiệp có nhận được trợ cấp của chính quyền liên bang?
NL: Theo tôi biết thì chỉ có 10 cho đến 12 phần trăm những người thổ dân có công ăn việc làm, phần còn lại là thất nghiệp, sống nhờ vào sự trợ cấp của chính quyền liên bang. Những người có việc làm việc trong các phi trường, các tiệm tạp hóa, nhà máy điện và những người làm việc cho bộ công chánh, lo bảo trì đường xá cầu cống.
TH: Bộ lạc da đỏ nằm ở trên một vùng xa xôi tuyết phủ trong mùa Đông, thì việc tiếp tế lương thực cho nhóm người này chắc rất khó khăn, anh có ý kiến gì thêm về chuyện này?

TH: Ngoài giờ làm việc, thú vui của những người da đỏ từ lớp người trẻ cho đến những người già?
TH: Theo tin của báo chí, thì nạn nghiện rượu, hít hơi xăng là những tệ trạng xảy ra ở các bộ lạc da đỏ, anh nghĩ sao?
NL: Trong thời gian tôi ở đó, tôi không thấy những đứa trẻ hít hơi xăng, nhưng có ra một nghĩa địa, nơi chôn cất của những đứa trẻ 10, 12 tuổi của những năm trước đây, có thể đã từng hít hơi xăng như anh kể.
TH: Cảm tưởng của anh ra sao khi trông thấy những thiếu nữ da đỏ lần đầu tiên?
TH: Có cách nào phân biệt đó là một phụ nữ da đỏ đã có chồng và một thiếu nữ còn độc thân?
TH:Anh có nhận xét gì về tính tính của những thiếu nữ da đỏ?
NL: Họ rất chất phác, thật thà nhưng không thẹn thùng “nấp sau cánh cửa” như những thiếu nữ Việt Nam.
TH:Có người cho rằng những người da đỏ ở Canada, có những nỗi hận lòng , giống như những người Chàm đã từng bị Việt Nam, anh nghĩ sao về nhận xét này?
NL: Tôi không phải là một nhà nhân chủng học hay xã hội học, nên không dám phê bình, nhưng chỉ xin đưa ra những cảm tưởng của mình. Trong một dịp được nhảy bên ánh lửa với những người thổ dân, thì hình như xen lẫn với tiếng trống làm tim đập nhanh, trong ánh lửa, tôi thấy những ánh mắt căm hờn của những thanh niên, những đôi mắt u uẩn của những thiếu nữ, khiến cho tôi liên tưởng đến một câu thơ của Chế Lan Viên nói về tình cảnh của những người Chàm bị mất nước “ Lũ ma Hời quờ quạng dắt nhau đi”
TH: Thay mặt cho quý thính giả và độc giả của Thời Báo, xin cám ơn anh Lữ đã bò chút thì giờ kể lại những kỷ niệm mà anh đã có trong chuyến viếng thăm bộ lạc da đỏ ở miền Bắc Canada. Trước khi tạm biệt, chúng tôi xin mời quý thính giả nghe giọng hát của anh Nguyễn Lữ qua bài “”Thưở ấy có em”

Nguyễn Tuấn Hoàng
Nguyễn Lữ chuyển bài.



Tóc Em




tóc em tém gọn thành hai bím
sau mái đầu từ thuở  15
gió lay nhẹ xoay tròn một phía
anh hình dung cánh én xa xăm.
bàn tay nhỏ vuốt ve lọn tóc
anh trộm nhìn – nhìn mãi thật lâu
tóc tan chảy dưới hoàng hôn nắng
anh sợ rằng… sợi tóc em đau.
18 em vén cao mái tóc
thẹn thùng chấp chới vào giảng đường
em ngồi trước – anh nghe hạnh phúc
ngồi bàn sau – hít thở mùi hương.
4 năm – ra trường anh đi lính
mối tình câm dám nói gì đâu
đêm biên khu tiền đồn mưa bão
hỏa châu cao – soi sáng tình sầu.
mấy chục năm – tìm em mõi mắt
để trao người bím tóc ngày xưa
anh gìn giữ như là báu vật
trong trái tim lọn tóc dư thừa.
Dương Hồng Thủy

Chiều Vàng Trên Sông


Dòng Cổ Chiên đò xuôi hướng biển
Chở hồn tôi nặng những chiều xưa
Phố Vĩnh Long tự tình miên viễn
Cánh chim bồng lượn nắng tiễn đưa?

Chiều rơi chậm nắng phơi triền sóng
Tơ lụa vàng giăng phủ mặt sông
Nước thuở nào ôm trăng ru mộng
Giờ chợt chiều rũ bóng hoàng hôn

Sóng lớp lớp thuyền tình xé lẻ
Mỗi đời người xẻ bảy chia ba
Hạt phù sa sau mùa tuổi trẻ
Chảy qua tôi một nỗi xa nhà

Lục bình ơi! Giữ giùm ánh mắt
Người tôi yêu ngắm tím hoa trôi
Cuộc đời em gió sương phiêu bạt
Cuộc đời tôi hai phía lở bồi

Chiều trên sông điệp trùng thương nhớ
Lượn sóng tình xô vỡ hồn tôi
Tóc ai đó ! Áo ai bay đó !
Quấn tim tôi gió lộng tơi bời

Phạm Tương Như
10/28/2013

* Ảnh chụp của Trương Văn Phú - Vĩnh Long


Thơ Tranh: Ai Vẫn...Khờ


Thơ: CHS Nguyễn Trường Tộ
Thơ Tranh: Kim Oanh

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Tìm Ba Trong Bông Giấy

        ( Kỷ niệm 16 năm Giỗ Ba 1997-2013)

      Úc Châu đang bước vào tuần lễ đầu của mùa xuân. Xuân của đất trời và xuân trong lòng người. Những cánh hoa Anh Đào, rộn ràng, náo nức như đua nở trong khí trời còn lạnh buốt và đội mưa dầm khi chưa hết đông. Cánh hoa dù mong manh, nhưng đầy hấp lực để tạo nên bức tranh xuân tươi đẹp.

        Màu hoa hồng thắm mời gọi gió xuân nơi sân trước, sắc trắng buốt quyến rũ bầy chim muông hót ríu rít ở cuối sau vườn. Đó! Xuân của đất trời. Những nụ Anh Đào trong sân nhà cho đến những cành Đào ngoài phố, dọc dài theo những con đường, có sức quyến rũ, vừa lôi cuốn người thả hồn mộng mơ trên tàng cây, lây sang các bậc Từ phụ trong ngày Nhớ Ơn Ba. Xuân vui trong Ba và nhớ trong lòng Con!


        Thế nhưng Ba tôi không còn nữa, Những cánh hoa Anh Đào lay lay trên cành, nhẹ rơi trong gió chỉ đủ làm tôi mơ mộng viễn vong. Chỉ có một loài hoa duy nhất gợi tôi nhớ về ba là Bông Giấy. Bông hay Hoa, gọi cách nào cũng được cả. Người bình dân kêu là Bông. Mỹ từ hóa một chút gọi là Hoa, nhưng với tôi, Bông Giấy, chỉ có từ “Bông” dễ động lòng người và tỏ rõ được tính đơn thuần, giản dị về cách sống và sự tồn tại của nó.
 “ Trong các loài hoa, Ta ghét nhất là Bông Giấy!” Đó là câu nói của những bông hoa biết nói trong giảng đường Đại Học Cần Thơ, sau giờ học Hiển Hoa Bí Tử của thầy Phạm Hoàng Hộ.
        Câu nói trên phải chăng ngầm biện minh, đánh bóng cho con gái Khoa Học. Những bông hoa biết nói này được cho là không tươi mát, mặn mà, chỉ tổ cằn cỗi, khô khan, dưới cặp mắt các chàng Văn Khoa, Luật Khoa và hình như…hình như luôn cả những  anh Khoa Học đồng môn cũng cho là thế. Ý gì ẩn dụ trong câu nói trên!?

       “ Ghét Bông Giấy”! Không ưa cũng phải! Qua lời thầy, hoa này có tên Khoa học là Bougainvillea  bresiliensis thuộc Họ Nactaginaceae. Người Hoa gọi là Cửu Trọng Cát hay Qui Hoa. Người Việt kêu là Bông Giấy hay Hoa Biện Lý. Bọn con gái chúng tôi ghét, vì tính “không thành thật” của loài hoa, cũng như yêu, ai lại yêu sự dối trá của các chàng bao giờ. Bông “thiệt” mà bảo bông “giấy”! Đã vậy hoa còn mà mắt người, những cánh màu sặc sỡ, dưới con mắt nhân gian, cứ ngỡ là hoa nhưng trước mắt nhà Thực vật học, thật ra đó chỉ là lá hoa. Hoa đứng một mình mới xinh, lay lay trước gió mới thu hút cánh bướm đa tình. Đàng này ba cái hoa xếp chụm lại tưởng lầm là một, được tổng bao bằng ba chiếc lá có màu tạo thành chùm. Rồi từ chùm ba cái nho nhỏ, lại kết thành một chùm to hơn, thì mỹ miều làm sao chứ.  Những cánh hoa trang trọng “trao em” , phải là một cánh hoa Hồng hay Uất Kim Hương. Thương em nhiều thì cho nhiều, kết thành đóa…như chín mươi chín đóa Hồng tỏ lòng. Tiện chân đi qua ngang giàn Biện lý, thương em chỉ “ngắt một cái làm tin”, thương em nhiều cho mấy, hái một chùm Bông Giấy trao em, trong mơ cũng chẳng dám làm.


       Tôi chẳng những ghét Bông Giấy mà không ưa luôn sắc màu tím hồng sặc sỡ nữa, nhưng Ba tôi đã chiếc nhánh từ một cây to trước sân nhà Ba, bảo “để dành cho con Phượng”. Ba để dành thì tôi để cho Ba cất. Dù cây con đã “bắt rễ”, tươi lá, dù được Ba nhắc nhở “đem về trồng đi con”, nhưng tôi cứ dạ ậm ừ hoài. Không trồng thì phụ lòng Ba, nhưng trồng rồi, suốt đời phải nhìn thứ mình không thích, cũng tội nghiệp đôi mắt và cả con tim, nên tôi luôn viện cớ. Hôm Ba đến thăm con gái, người ra sau nhà tìm kiếm dao cuốc. Cái lỗ đất được thành hình và cây Bông Giấy đứng ngang nhiên nơi góc nhà cạnh mái hiên. “ Nhớ tưới nước nghe con, ba cột nó lại cho không lung lay, nó bén rễ nhanh lắm!” Đó là lời Ba dặn dò trước khi Người ra về.

         Đã ghét rồi, dễ gì tôi chăm sóc, tưới nước. Tôi cứ bỏ mặc nó trơ gan cùng tuế nguyệt. Tôi đã nhổ bỏ cọc, chẳng tưới nước mà lâu lâu “lắc gốc”, cho cây chết cho rồi. Vì nhổ bỏ đi thì biết ăn nói sao với Ba. Lần sau Ba đến thăm: “ Con có tưới nước không mà nó èo ọt quá vậy. Ba cho mấy đứa kia, cây Bông Giấy của đứa nào cũng tốt hết.” Rồi Ba đi tìm cây cọc đóng xuống, cột dây lại cho vững. Lần này Ba chọn cọc sắt, có lẽ cho chắc chắn, nhưng cây Bông Giấy của tôi vẫn đèo, không tốt. Vì có tưới nước đâu mà tốt. Cây lớn lên như trẻ mồ côi, thiếu ăn và thiếu cả người. Khi Ba không còn nữa, di vật cuối cùng tôi còn giữ lại là cây Bông Giấy này. Lạ thật, từ lúc Ba qua đời, cây Bông Giấy bỗng dưng vượt cao hẳn lên, bám sát vào cọc sắt và như có linh hồn. Chiều đi làm về, qua ngã rẻ vào nhà, rực sắc màu hoa. Cây lớn rất nhanh, trổ  hoa gần như suốt năm. Tôi không dùng đến phân bón mà chỉ thì thầm với nó khi tưới nước, tỉa cành. Nói như cho đủ mình Ba nghe. Có lần chậm cắt bỏ cành thừa, cây vươn nhánh mới, dài gần đến hai thước, chắn lối. Tôi kể cho các em nghe và tinh nghịch bảo… “ Hình như Ba chặn đường khiêu chiến với chị vì cái tội ai biểu ngày xưa con lắc gốc”.

         Người đời thường bảo đất lành chim đậu. Có lẽ vì tâm lành của người trồng, nên chim thường kéo về cây Bông Giấy làm tổ. Những con chim lặng lẽ tha từng cọng cỏ dại, nhành cây khô để tạo mái ấm. Nhìn chim mẹ đang ấp trứng, tôi tò mò đến gần, rướn người nhìn vào những chiếc mỏ nhỏ kêu chip chíp, đôi mắt chim mẹ nhìn tôi chòng chọc, với tư thế bảo vệ những giọt máu đã tượng hình, khiến tôi lặng người trước hình ảnh này.
    Để tăng thêm vẻ cho cây, tôi gắn thêm cái phong linh. Đêm về tiếng kêu leng  keng của phong linh, như tiếng bước chân Ba về thăm con gái, trước hiên nhà. Lòng tôi ấm lại.


    Cây Bông Giấy, thân to, nhánh mọc leo, khỏe, có vỏ sáng. Gai dù không nhiều, nhưng khoảng hai centimet chiều dài, cũng đủ bảo vệ chính mình, nếu ai không cẩn thận chạm đến. Rễ, có thể dùng làm thuốc trị liệu. Vỏ, ngày xưa dùng dệt thành vải. Đây là loại cây có điều tiện lợi là có thể trồng trên đất cát, dễ thích hợp nơi đất cằn cỗi hoặc chỉ cần một phần đất nhỏ trong chậu củng đủ sức sống. Nếu được tưới nước hoặc bón phân đầy đủ, được chiếu sáng là trổ đầy hoa lá.  Bằng ngược lại thì biến thành loại cây Bonsai. Muốn nhân giống, chỉ đơn giản là giâm cành. Cây có ưu điểm là bông có quanh năm, những bông hoa mộc mạc nhưng đủ khoe sắc thắm cùng tấm lòng son dưới nắng trời đổ lửa. Những ai muốn, những nơi cần , cây Bông Giấy luôn cận kề che bóng mát cho đời.

      Ba đã nằm xuống, vĩnh viễn, ngồi ngắm cây Bông Giấy, đời Ba cũng đơn sơ, mộc mạc, chịu đựng nắng mưa, gian truân, những ai muốn, nơi nào cần đến, Ba luôn sẳn sàng . Đời Ba như đời cây Bông Giấy!
        Ngoài trời đang tí tách… gió đang ngẫn ngơ trước hoa…mưa đang thì thầm với lá và tôi gọi khẽ… Ba ơi, con sẽ nhớ lời Ba “ Nhớ tưới nước nghe con”.

Kim Phượng 
5/9/2010