Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Thơ Tranh: Áo Người Hương Xưa


Thơ Và Thơ Tranh: Suối Dâu

Một Đời Ta Một Đời Thơ



Đến đây từ cõi nghìn trùng
Từ trăm năm trước giữa lòng càn khôn
Mai rồi đời lá vàng hơn
Hay xanh đường vẫn năm buồn tháng vui

Có yêu thương có bùi ngùi
Ta ngơ ngẩn giữa cõi đời ngẩn ngơ
Nhìn trời ngó đất bơ vơ
Đất trời cho một hồn thơ dạt dào

Ta nhìn ta với trăng sao
Ôm câu lục bát bước vào hư vô
Mênh mang tháng đợi năm chờ
Mưa qua gió lại đôi bờ hắt hiu

Đã từ những chốn cô liêu
Đã từ những chốn tiêu điều mà ra
Còn gì gió táp mưa sa
Một đời thơ một đời ta ngậm ngùi. 

Vĩnh Trinh

Hình Ảnh Thầy Huỳnh Hữu Trí

Cô ơi, Em cảm ơn Cô và các em đã cho em giữ những kỷ niệm của Thầy.


 Thầy Huỳnh Hữu Trí ( Giáo Sư  Toán )


Cô Trần Phi Yến ( Cựu Học Sinh Nguyễn Thông )
Thầy và Cô trong khuông viên Tống Phước Hiệp

Huỳnh Hữu Trí

Sao Dám Hẹn



Đến mà không hẹn, sao dám hẹn
Đi chẳng tạ từ, từ tạ sao đi
Không hoa, không ngát mỗi tím chiều tàn
Lục bình người sao ngát sao hoa

CHS Nguyễn Trường Tộ
 

Một Chuyến Về Quê Ngoại


Hè năm ấy theo mẹ về quê ngoại 
Quê bà tôi ở mãi miệt Tân Dương 
Từ Vĩnh Long Sa Đéc một chặn đường  
Chẳng xa mấy nhưng gian nan khôn tả 
     
Thời ly loạn đường xe, ôi! vất vả
Đoàn công voa (1) kẹt cả nửa ngày trời  
Mìn, mô, cầu sập gẩy, ở nhiều nơi                  
Phải lôi bộ băng đồng khơi mấy lượt 

Đoạn Sa Đéc – Tân Dương đường sông nước 
Quá giang xuồng, mẹ tát nước, con bơi 
Sợ chủ rầy bơi mệt muốn hụt hơi 
Lại phải né mấy nơi trôi thằng chổng (2) 

Phút sợ hãi ! bỗng tay chưn lóng cóng 
Không dám nhìn, lấm lét quẫy tránh xa
Đồn Lê Dương (3) rải rác sắp phải qua 
Tim hồi họp, mặt mày xanh tàu lá . 

Về đến bến, chủ xuồng trông mệt lã  
Mẹ con tôi còn cả một đỗi dài 
Trong nhá nhem, cầu khỉ hiểm nguy thay! 
Đường vắng ngắt nhà ai chìm trong tối  

Nhà ngoại đó ! ẩn mình trong cây cối 
Một chái nhà mái ngói chỉ một gian  
Trên nền xưa cẩn đá rộng thênh thang 
Cỏ tranh mọc hoang tàn vôi gạch ngói  

Lòng xao xuyến , cảm thương tim đau nhói 
Nhìn đâu đâu cũng thấp thoáng cảnh sầu  
Ngoài bờ sông nhà thủy tạ trơ cầu  
Hai hàng cột nhô đầu nhìn nước xuống   

Trong mương nhỏ lục bình chen rau muống 
Xác con thuyền còn luyến thuở vàng son 
Vẫn trơ gan, cổng sắt đã rỉ mòn  
Trong gạch đá nỉ non bài ca dế 

Hàng lu nước lạnh lùng trong hoang phế 
Cái còn nguyên, cái bể nửa , còn xài 
Con ểnh ương sợ hãi nhảy ra ngoài 
Đêm dần xuống u hoài nhìn mấy lược 
  
Đêm vắng lặng êm êm ngoài hiên trước 
Khách trở về im bước chẳng ai hay 
Gieo mình trên bộ ngựa gõ, sải tay 
Ngoài song cửa trăng rây trên tàu chuối! 

Mailoc
10-15-13

     (Một chuyến về Sadec –Tân Dương –Tổng Điện khoảng năm
1948-1950)    
  (1)   Công voa : (convol ) đoàn xe chạy nối đuôi
  (2)    Thằng chổng : xác người chết trôi sông
  (3)    Lê Dương : bọn lính ô họp do Pháp tuyển mộ từ Phi Châu như Maroc, Algerie. Tunisie, Sénégal v..v..

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Dáng Ngọc




Em từ phố Vĩnh bước sang
Anh theo lũng thấp đồi hoang hẹn hò
Thu u buồn gợi ý thơ
Em nghiêng dáng ngọc anh chờ ý xuân.

Áo em lụa mỏng thanh tân
Môi em mật ngọt sen hồng sớm mai
Thương em từ thuở mười hai
Đến năm mười sáu then cài song thưa.

Em đi trời khóc thành mưa
Dừa nghiêng bóng ngã em vừa lòng chưa
Chân em nhịp bước bốn mùa
Như con ráng nhỏ sau mưa cuối trời.

Nhớ em trọn kiếp luân hồi
Anh đi cải tạo trọn đời tìm quên
Nhìn trăng mờ ảo chợt buồn
Anh lang thang tận suối nguồn tìm em.

Tóc huyền che phủ màn đêm
Bờ môi anh gởi trên thềm mắt xinh
Giờ anh ngồi khóc một mình
Từ xa em đứng làm thinh hững hờ…

Dương Hồng Thủy


Thơ Tranh: Em Như Phiến Lá Rất Sầu


Thơ: Khiếu Long
Thơ Tranh: Kim Oanh

Hãy Cùng Quách Vĩnh Thiện Gìn Giữ Kho Tàng

     Lục địa Úc Châu chuyển mình vào xuân. Xuân của đất trời, hoa khoe sắc, tỏa hương ngào ngạt. Tại thành phố Melbourne, trong khuôn viên Đền Thờ Quốc Tổ, Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện, đến từ kinh đô ánh sáng Paris. Sự hiện diện của ông, xuân nơi đây thêm rực rỡ, háo hức hơn.
Xuân của lòng người!


      Quách Vĩnh Thiện, ông là ai?
      Đó là cậu bé 8 tuổi đời, đủ kiên nhẫn, lắp ráp một chiếc xe đạp cho riêng mình. Tuổi lên 9 lên 10, cậu đam mê cả võ thuật lẫn âm nhạc. Do duyên lành, lúc còn là học sinh của trường Petrus Ký, cậu được nghe thuyết giảng về hai chữ “Có - Không”. Vốn đam mê âm nhạc từ bé, nhưng gia đình không cho phép cậu xuất hiện nơi công cộng. Dù bị ngăn cấm, dù bị nhừ đòn, vẫn không ngăn nổi tiếng đàn đang thôi thúc trong lòng chàng trai trẻ. Cậu đã có mặt trong những buổi đại nhạc hội, đệm đàn cho các danh ca một thời như Thái Hằng, Thái Thanh, Thanh Thúy, Cao Thái…Đầu thập niên 60, cậu thành lập ban kích động nhạc Les Fanatiques và nổi tiếng ngay khi chơi bài Apache. Tiếng đàn còn vượt xa hơn, đến tận các Club ở phi trường Tân Sơn Nhất hoặc các rạp hát lớn như Đại Nam, Khải Hoàn, Đa Kao. Hẳn một số người cùng thời, có lẽ vẫn chưa quên.


      Những ngày huy hoàng, đáng nhớ ấy, tưởng chừng bất tận, nhưng tiếc thay, đành khép lại khi cậu lên đường sang Bordeaux du học. Rời quê hương, xa vòng tay ấp yêu của cha mẹ, tạm dung “sống nhờ đất khách”. Cậu vừa đi học vừa bươn chải kiếm sống. Sinh ngữ là trở ngại lớn trong việc học, lại quá nhiều vất vả trong việc làm thêm, nhưng thấm vào đâu với những đêm xong việc, ra về trong đơn lạnh, dưới buốt giá xứ người. Chừng ấy về thời niên thiếu, đã ảnh hưởng gì đến cuộc đời ông!?
Đó là chuyện về sau.

      Mỗi người được sinh ra là một tặng phẩm tinh khôi ban cho đời và theo thời gian…cuộc đời mỗi người một khác.

Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao*


      Hai câu thơ trên đã ứng thế nào vào vận mệnh đời ông!?
Một Quách Vĩnh Thiện, kỹ sư, sau những năm tháng truân chuyên. Một Quách Vĩnh Thiện, nhạc sĩ, thỏa mãn thú đam mê âm nhạc. Có lẽ chàng thư sinh ngày nào, nhuốm “phong trần” từ lúc rời Việt Nam, sống tha phương, trải qua nhiều dâu bể, lắm đoạn trường. Sống nơi phồn hoa, tráng lệ ấy, không ai “cho thanh cao”, mà tự ở ông và đã giữ hướng đi cho riêng mình.
Cuộc sống đang êm ả, cây đời đã bám rễ sâu nơi đất người, nhưng định mệnh nào, một lần phủi bụi thời gian khi sắp xếp lại chồng sách cũ. Hồi ức bất chợt trở về trong phút giây tình cờ, khi ông đọc đến câu thơ thứ 890, trong tác phẩm Đoạn trường Tân Thanh của Đại thi hào Nguyễn Du:
Sống nhờ đất khách thác chôn quê người*

     Câu thơ 8 chữ đã mãnh liệt khơi lại cả quảng đời đã qua. Ông cảm thân mình, thương vay phận Kiều, nỗi nhớ cố hương, nơi một lần ra đi đã mất lối quay về. Kể từ đó, một sợi dây vô hình, đã buộc chặt đời ông vào nội dung tác phẩm nằm trong cuốn sách cũ kỷ kia.
Truyện Kiều, nói về thân phận người con gái tài sắc vẹn toàn, sống trong bối cảnh xã hội đầy hệ lụy, muôn đời vẫn làm rung cảm con tim của những ai biết khóc cười trước tình tiết éo le và Quách Vĩnh Thiện, không ngoại lệ. Sự đồng cảm nơi ông bởi trải nghiệm cuộc sống chính mình và Trường ca Kim Vân Kiều ra đời sau 5 năm ròng thực hiện. Mối giao duyên Thơ Nhạc là sự đồng hành của Đại thi hào Nguyễn Du với 3254 câu thơ lục bát và Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện với Trường ca Kim Vân Kiều gồm 77 bài nhạc đủ thể loại, từ nhạc tân thời đến cổ điển, được gói gọn trong 7 CD.


(Bùi Quốc Hùng(Nhiếp ảnh gia) - Quách Vĩnh Thiện)

      Có thể nói, truyện Kiều của Nguyễn Du trước đây, phần lớn chỉ phổ thông trong nước, qua đọc, ngâm hay dùng làm sách bói. Nhưng qua dòng nhạc của Quách Vĩnh Thiện, Kim Vân Kiều trở thành một tuyệt tác được nhiều quốc gia trên thế giới biết đến.
Điều cao quý mà người nghe có thể cảm nhận, tìm thấy, trong dòng nhạc của ông, là sự tôn trọng ông đã dành cho Nguyễn Du. Ông giữ y nguyên, không đánh mất hay thay đổi vị trí lời thơ của người để tìm sự dễ dàng, độc đáo hơn cho dòng nhạc của mình. Và càng cao quý hơn với tâm nguyện bảo tồn, gìn giữ văn hóa nước Việt Nam, cho bây giờ và tiếp nối những thế hệ mai sau. Thế hệ của những người dù không học đến, nhưng có thể biết qua, hiểu được và thuộc lòng ít nhiều về Đoạn Trường Tân Thanh. Ngoài ra, việc làm của Quách Vĩnh Thiện là một minh chứng cho lời nói Học giả Phạm Quỳnh, vẫn còn giá trị cho đến ngày nay: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; Tiếng ta còn, nước ta còn”.

      Có lẽ, những hạt mầm “Có – Không” được gieo vào lòng ông ở thời khá trẻ ngày nào, đây là lúc hoa trái thiện tâm đến thời rộ nở. Thấp thoáng đâu đó, Quách Vĩnh Thiện dốc lòng bên phím đàn là Quách Vĩnh Thiện thời thơ ấu khổ công hoàn tất chiếc xe đạp. Một Quách Vĩnh Thiện nuôi dưỡng tâm bằng “Có – Không” thời trẻ cũng là Quách Vĩnh Thiện hôm nay đã cố gắng chuyên chở, nhắc nhở cho chính ông và cho mọi người về “ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”*. 

(Quách Vĩnh Thiện & Thanh Vân - Sân trước Đền Thờ Quốc Tổ)

      Hôm nay, lúc 2 giờ chiều ngày 28 tháng 9 năm 2013, trong Đền Thờ Quốc Tổ, có sự đồng cảm, đồng tâm họp lực của số đông người đến tham dự. Điều vinh dự là sự có mặt các vị đại diện Cộng Đồng Úc Châu ở Melbourne. Ngoài sự hiện diện của một số ca sĩ cộng tác cho chương trình thêm phần linh động, ông Kiều Tiến Dũng, một người tuổi đời khá trẻ, so với số tuổi ra đời của tác phẩm, nhưng ông luận về Kiều qua cái nhìn của một nhà Toán học, thật sâu sắc và khi ông nối kết câu thứ nhất với câu thứ 3254 của cụ Nguyễn Du, khiến người nghe cảm phục và đáng suy ngẫm. Chắc rằng, những người có mặt trong buổi chiều nay, sẽ là người cùng đồng hành với Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện trong việc gìn giữ, chuyên chở, phổ biến di sản thêm sâu rộng và xa hơn nữa. May mắn thay, những hình ảnh ngày đáng nhớ này, đã được một nhiếp ảnh thiện lương Bùi Quốc Hùng ghi lại. Một người làm việc bằng trái tim nhân ái, anh đến và đi trong âm thầm, nhưng đã để lại những hình ảnh quý báu, cho đến muôn đời sau.

      Trong khung cảnh trang nghiêm, với bài vị, hình ảnh tiền nhân, anh hùng tử sĩ, những vị quá cố có công lao đóng góp, hương trầm nghi ngút, ánh nến lung linh. Một cảm giác chợt đến… hồn thiêng như đã hòa vào, quyện lấy dòng nhạc và mối thương tâm không kềm chế…dòng lệ chợt rơi…Dòng lệ của người tha hương đang sống trên đất khách.


      Quách Vĩnh Thiện người gìn giữ kho tàng văn học, di sản của nhân loại qua dòng nhạc và chắc chắn rằng, hôm nay sẽ có nhiều người ở thế hệ này và thế hệ mai sau sẽ tiếp tục thừa kế di sản của ông, hầu đóng góp vào sự mất còn của nước Việt bằng thiện tâm. Và tôi tự hỏi, những người đã khóc cho thân phận một nàng Kiều của mấy trăm năm trước, có biết ở thời đại này, còn bao nhiêu nàng Kiều vẫn còn lưu lạc xa xứ, để báo đáp công ơn nuôi dưỡng của mẹ cha. Hãy đặt mình vào cương vị nàng Kiều, để biết khóc cười trước vận nước nổi trôi, không trách mệnh trời, tiếp tay với Quách Vĩnh Thiện và làm một điều gì đó trong việc gìn giữ Tiếng Ta và Nước Ta vậy

* Thơ Nguyễn Du

Kim Phượng
Úc Châu 28.9.2013

Vài Hình Ảnh của Bùi Quốc Hùng 






(Kim Phượng, Kim Oanh)

Hạ Chờ



Cuối tháng bảy lung linh nắng hạ
Cây phượng hồng nằm vạ trước sân
Sân trường vắng những dấu chân
Hạ chờ những ngón tay nâng phượng hồng

Gió khua lá lao xao chờ đợi
Những tiếng cười khúc khích hồn nhiên
Những tà áo trắng nghiêng nghiêng
Tung tăng chân sáo bình yên đến trường

Trưa mùa hạ con đường loang nắng
Chưa tựu trường áo trắng nay đâu
Có mong ba tháng hè mau
Để nghe tiếng trống từ lâu im lìm?

Có ai đó đứng bên cây phượng
Nhớ ngày nào ngượng nghịu nhìn ai
Nhìn làn tóc mượt ngang vai
Ngồi nghe tiếng nói bên tai ngọt ngào

Cuối tháng bảy còn là kỷ niệm
Trước cổng trường im tiếng cười vang
Sân trường quạnh vắng thênh thang
Đâu tà áo trắng lúc tan trường về ...

Thế Thôi
27 - 7 - 2010

Vẫn Còn Mùa Xuân

      Ái Khanh hết hồn khi thấy con gái của mình vừa đi vô nhà vừa khóc sướt mướt, theo sau là thằng anh mặt mày lầm lỳ, một vết bầm trên gò má trái, quần áo xốc xếch lấm lem. Hai anh em nó từ trường về. Chưa kịp hỏi thì con Bảo Ngọc đã mếu máo:
- Anh hai đánh lộn với tụi thằng Chánh đó mẹ...
Ái Khanh trợn mắt:
- Chuyện gì đến nỗi đánh lộn?
Thằng Bảo Khánh vẫn cúi gằm mặt, cặp môi mím chặt, gương mặt còn hằn vẽ tức tối. Bảo Ngọc liếc qua anh rồi rụt rè nói:
- Tụi nó nói hai đứa con là con hoang!...

      

      Nói rồi con nhỏ lại thút thít khóc.  Ái Khanh chết lặng. Nàng cảm thấy mình bất lực. Tuổi của thằng Khánh và con Ngọc lẽ ra chỉ ăn rồi học, chơi đùa vui vẻ với  bạn cùng trường. Đàng này, vì lỗi của nàng mà tụi nó phải chịu khổ. .. Thằng Khánh với con Ngọc là một cặp song sanh. Thằng Khánh ra trước con em mười lăm phút nên được làm anh hai! Ái Khanh thương con đứt ruột. Cô dang tay ôm gọn hai đứa vào lòng, hôn lên tóc con rồi dịu dàng nói:
- Thôi vô nhà sau mẹ rửa mặt cho rồi sửa soạn ăn cơm. Lần tới tụi nó có chọc ghẹo nữa thì tụi con cứ làm như không nghe. Riết rồi tụi nó chán. Con đánh lộn kiểu này coi chừng bị đuổi học đó. Khánh thương mẹ thì phải nghe lời.

      Thằng Khánh không nói không rằng chỉ gật đầu.
      Đêm đó ngồi một mình dưới ánh đèn khuya Ái Khanh âm thầm khóc. Thương con, thương mình... Cái câu hỏi oái oăm hiện ra hàng trăm lần trong đầu khiến cô mất ăn mất ngủ từ ngày mẹ cô qua đời cách đây sáu tháng, lại làm khổ cô một lần nữa: mình phải chọn lựa con đường nào đây? Bán cái tiệm này để đi nơi khác làm ăn? Nhận lời lấy Đức để cho các con nàng có một người cha như những đứa trẻ khác? Chao ôi là khó! Con đường nào cũng chông gai. Ái Khanh tự hỏi không biết có phải cô sanh ra đời dưới ngôi sao... chổi? Nếu không tại sao......

      Tám năm về trước Ái Khanh là một cô thiếu nữ vừa tròn đôi mươi. Cô xinh đẹp, giỏi giang nhưng tính tình rất lãng mạn. Ba mất sớm, má cô có tiệm tạp hóa khá lớn ở chợ Mỹ Luông. Khanh học hết lớp nhứt thì ở nhà phụ mẹ buôn bán. Xã Mỹ Luông giàu nhờ kỹ nghệ đóng đồ gỗ. Bàn ghế, giường tủ  sản xuất ở đây được chở đi bán khắp các tỉnh lân cận. Dưới bến sông của mấy trại mộc  ít khi nào vắng bóng những  chiếc ghe cắm sào chờ ăn hàng.

      Một hôm Ái Khanh tiếp một người khách lạ tới mua pin cho cái radio của anh ta. Chàng thanh niên trên dưới ba mươi, cao lớn, rắn chắc với nước da rám nắng. Anh ta hơi sửng sốt trước cái nhan sắc mặn mà của cô gái quê. Khanh hơi đỏ mặt vì cặp mắt sáng như sao đang nhìn cô chăm chú. Anh ta còn tỏ vẽ thích thú trước sự lúng túng của cô chủ tiệm bằng nụ cười nửa miệng. Trả tiền xong, trước khi bước ra khỏi tiệm, ông khách còn thòng một câu:
- Cô chủ ơi, chắc tôi còn trở lại đây để mua thêm vài thứ cần thiết nữa đó.  Tạm biệt cô.
      Hắn đi rồi mà Ái Khanh còn thấy bàng hoàng. Cô tức tối, tự  cú lên đầu mình:
- Khanh ơi là Khanh. Bữa nay u mê ám chướng gì mà mở miệng không ra? Hồi nào tới giờ có ai làm khó được mi đâu chớ?! Ông ta là ai mi còn chưa biết tên bỗng dưng vô cớ đỏ mặt tía tai. Vô duyên !

      Ở đây, xét về gia cảnh thì cô thua nhiều người, nhưng phần tài mạo thì tuy  không đứng nhứt nhưng cũng quyết không cho ai bóp kèn qua mặt. Hai năm rèn luyện ở trường nữ công Mỹ Ngọc dưới chợ Sa Đéc đủ cho cô  nổi tiếng với tài làm bánh mứt, đủ sức  may cho mình những bộ đồ vừa vặn, thêu thùa trang nhã. Nhiều người làm mối, nhưng tới giờ này Ái Khanh vẫn chưa để ai lọt  vô cặp mắt nâu to tròn của mình. Bà già cứ rên rỉ là Khanh sắp "hăm" tới nơi rồi, cứ ở đó mà kén cá chọn canh!

       Vậy mà bữa nay trước mặt một chàng trai lạ hoắc, con tim của cô đã phản bội cô. Nó đành lòng đập loạn xạ trước cặp mắt sáng và cái nụ cười nửa miệng dễ ghét kia! Cô để tay lên ngực, chỗ trái tim, dặn dò: lần sau anh ta tới, mi phải biết điều ngoan ngoãn nằm yên nghe chưa!

      Nhưng những lần sau đó "nó" vẫn tiếp tục phản bội cô. Tệ hơn nữa cặp mắt cũng a tòng theo luôn. Nó cứ hướng ra ngoài cửa, như ngóng như trông cái bóng dáng cao cao của ai đó. Ngày nào anh ta cũng ghé mua một món gì đó. Hắn là chủ chiếc ghe chài đậu dưới bến sông nhà ông Tám Định chờ ăn hàng.  Hắn nói:

- Thiệt  cám ơn ông Tám hết sức. Hôm trước tôi rất bực mình vì ổng bắt chờ cho xong bộ bàn ghế bằng cẩm lai.  Cô thử nghĩ tôi phải trả lương cho mấy người bạn chèo để họ cứ ăn rồi ở không. Nhưng nhờ vậy mà tôi mới được gặp cô Khanh. Cô có thấy la øhữu duyên thiên lý năng tương ngộ không? Quê tôi tuốt trong Rạch Giá lận đó.

       Khanh chỉ mủm mỉm cười. Hắn nhìn sâu vào mắt cô thôn nữ:
- Người ta ca tụng gái Nha Mân đẹp nhứt. Nhưng tôi khẳng định cái người tuyên bố câu này chưa từng gặp các cô gái Mỹ Luông! Cô Khanh có thấy như vậy không?

       Ái Khanh không hiểu tại sao mỗi lần đưa ra một nhận xét nào đó, " hắn ta" à quên Long, đều có thói quen chấm câu "cô Khanh có thấy như vậy không?". Thiệt tình mà nói, cô còn thấy  gì nữa ngoài cái cằm vuông đầy nghị lực, cặp mắt sáng ngời khiến người ta bối rối và cái miệng dẻo quẹo như kẹo mạch nha của hắn?
      Ba ngày sau thuyền rời bến  ông Tám Định, để lại một chút gì như lưu luyến, như nhớ nhung trong lòng cô thôn nữ. Long không nói chừng nào trở lại, nhưng Ái Khanh cũng biết thời gian tùy thuộc vào việc bán hàng nhanh hay chậm. Tuy nhiên với cái tài ăn nói đó...


       Hai tháng sau Long trở lại Mỹ Luông. Vừa thấy cái dáng cao cao của hắn từ đầu cầu sắt đi xuống là trái tim phản chủ của Ái Khanh đã bắt đầu ...tăng nhịp. Cô khổ sở nhủ thầm bình tĩnh, bình tĩnh. Đừng để người ta biết mình mừng khi gặp lại người ta. Ừ, mà tại sao lại mừng? Lý do? Thầy giáo Tú theo đuổi Khanh đã hai năm nay. Cô  thấy mình cũng có cảm tình với ông ta. Nhà thầy Tú ở Vĩnh Long. Những lần  về thăm nhà trở lên thầy đều có mang quà cho Ái Khanh, nhưng cô có thấy vui mừng lẫn hồi hộp  như  lần này đâu? Kỳ lạ! Thầy giáo Tú đẹp trai, lại nho nhã. Ăn nói lịch sự lễ phép. Nhưng hiện tại nếu so sánh hai người, Ái Khanh thấy cán cân nghiêng hẳn về Long. Chàng ta ăn nói chẳng những có duyên mà trong phong cách có pha một chút ngang tàng. Bên cạnh chàng, thầy giáo Tú đâm ra lạt như nước ốc! Nghĩ tới đây Khanh hơi mắc cỡ khi chợt nhớ lại mình đã ăn ít nhứt cả trăm trái ổi xá lị vừa giòn vừa ngọt của anh chàng thầy giáo "lạt phèo" kia.

       Long khôn ngoan lựa lúc Ái Khanh thay thế bà má đi ngủ trưa để đến chơi. Chỉ có hai người ăn nói tự nhiên hơn. Long bước vô tiệm, tay đưa cho Ái Khanh một gói giấy, miệng nở một nụ cười tươi rói như mặt trời vừa rạng đông:
 - Chào...Ái Khanh (Xí, làm như thân lắm vậy đó. Dám kêu tên người ta cụt ngủn! Ái Khanh nghĩ thầm). Có chút quà mọn biếu cô và bác gái. Mong cô không chê.
      Thấy Ái Khanh ngần ngừ không cầm, Long để gói đồ xuống mặt bàn, rồi tự nhiên kéo chiếc ghế đẩu gần đó ngồi xuống, đối diện với cô gái.
- Gặp lại tôi cô Khanh không vui sao? Vậy mà tôi còn tưởng...
      Thấy nét mặt lộ vẻ thất vọng của Long, Ái Khanh buột miệng:
- Dạ vui chớ!
Cô nàng bỗng đỏ mặt khi thấy chàng ta reo lên đắc thắng:
- Vậy mới phải. Cô Khanh có biết tôi khổ lắm không. Bận buôn bán thì thôi, ngoài ra trong lòng tôi lúc nào cũng... nhớ tới cô. Chỉ trông cho mau hết hàng để trở lại đây. Anh ta thở ra một hơi dài đầy vẻ sảng khoái, bây giờ thì vui rồi!

      Ái Khanh chỉ ngồi nghe, miệng cười tủm tỉm. Cô không biết nói gì. Chẳng lẽ nói gặp lại anh tui vui lắm. Ngày nào tui cũng ngó ra đầu cầu sắt để...ngóng anh? Dị òm! Tuy không " phát biểu cảm tưởng" ra miệng, nhưng nhìn nét mặt nàng Long cũng biết tâm trạng Ái Khanh ra sao. Chàng thấy trong lòng phơi phới.
- Ghe vừa cặp bến là tôi lật đật tới đây liền. Một ngày không gặp dài như ba thu. Cô Khanh tưởng tượng đi. Hai tháng trời không được gặp cô. Sáu mươi ngày nhơn ba, vị chi là...
      Ái Khanh bật cười:
-  Một trăm tám chục năm. Anh làm như mình là ông Bành Tổ vậy đó!
- Tôi chỉ nói "dài như " thôi mà. Có nghĩa là dài lê thê... dài thảm thiết...Trong trường hợp tôi, nó còn dài hơn cả một đời người. Tôi là một người rất... đáng thương! Cô Khanh có thấy như vậy không?
- Tôi thấy anh vui vẻ khỏe mạnh, không có gì đáng tội nghiệp hết...
- Trời ơi, tôi nói đây là về tinh thần chớ không phải vật chất. Gặp lại cô tất nhiên là tôi vui rồi. Bao nhiêu phiền não trước kia giờ đã tan biến hết. Chỉ cần thấy cô cười là tôi hạnh phúc. Cô có nụ cười đẹp lắm. Tôi nói thiệt đó.

      Ái Khanh đang cười vội ngậm miệng lại. Thấy anh  chàng tán khéo quá cô đâm sợ. Thấy vậy Long vội vàng nói:
-  Tôi không có ý xấu gì đâu. Trong lòng tôi nghĩ sao thì nói vậy. Tôi...tôi thiệt bụng nhớ cô Khanh nhiều lắm. Lần này tôi sẽ ở lại đây năm ngày. Hy vọng cô sẽ hiểu tôi hơn. Thôi bây giờ tôi trở lại đằng nhà bác Tám. Hẹn gặp... Ái Khanh lần tới sẽ nói nhiều hơn.
- Dạ chào anh Long. Á quên, cám ơn món quà...
- Của ít lòng nhiều. Long cười rồi đi ra.

      Ái Khanh nhìn theo cái anh chàng kỳ lạ này, lòng đầy bối rối. Có điều không thể chối cãi được là cô vui lắm. Vui hơn nhiều so với những lần gặp thầy giáo Tú. Ái Khanh chợt nhớ tới câu hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Hổng lẽ ...  Cô lắc đầu xua đuổi cái ý tưởng vừa mới manh nha, rồi cầm gói quà lên mở ra coi. Trong đó có cái lược, cái kẹp tóc và chiếc vòng đồi mồi. Tất cả đều lên nước bóng ngời. Ngoài ra có một ký khô cá thiều. Bà hai Lương, má của Ái Khanh có gặp Long một lần trước khi chàng trở về Rạch Giá. Thấy phong độ và cách ăn nói lễ phép của Long bà không nghĩ chàng ta là người xấu. Nay nhìn món quà, những con khô lớn đỏ au, thơm phức bà thấy có cảm tình với anh ta rất nhiều. Bà cười nói với con gái:
- Cậu này coi lẫm rẩm mà biết điều, nhớ tới má. Còn cái cậu Tú, tối ngày chỉ biết đem ổi tới cho. Răng cỏ má yếu xìu làm sao ăn được. Mà nói thiệt nó mới ngoài hai mươi mà coi đạo mạo như ông già.
- Thì ảnh dạy học mà má. Phải đạo mạo học trò mới sợ chớ.
- Má thích người vui vẻ như cậu Long hơn. Nói vậy chớ nó ở xa lắc tí tè dưới Rạch Giá, mình không rành về gia cảnh nó nên cũng phải dè chừng mới được. Xảy một ly đi một dậm đó con.
- Con với anh Long đã có gì đâu má. Khanh chống chế. Ảnh tới mua đồ rồi nói chuyện vài câu thôi mà.
-Thì má dặn hờ vậy mà. Dò sông dò biển dễ dò...

      Hôm sau Long tới nữa (không biết cái gì khiến mà sáng  nay Ái Khanh  dậy sớm để gội đầu và lấy cái kẹp đồi mồi ra kẹp gọn hơ mái tóc mây mướt mượt của mình?!) . Chàng thấy Ái Khanh kẹp tóc để lộ cái cổ trắng ngần thì cảm động hết sức, chỉ nói được một câu:
- Đẹp quá! Cám ơn Khanh.
      Ái Khanh làm bộ không hiểu:
- Anh Long  cám ơn cái gì mới được chớ?
- Ái Khanh không chê món quà mọn làm tôi cảm động lắm.
-Tại cái kẹp đồi mồi đẹp quá, đem cất uổng lắm. Với lại cây kẹp ba lá của tôi vừa mới gẫy - Ái Khanh chống chế. Cô hơi mắc cỡ, thấy mình không dám nhìn vào sự thật. Cô kẹp tóc với cái kẹp đồi mồi là vì muốn "hắn" được vui!

      Trước khi nhổ sào trở về Rạch Giá ngày hôm sau, buổi trưa đó Long ngập ngừng nói với Ái Khanh:
- Sáng sớm mai tôi đi rồi. Đêm nay rằm trăng sáng lắm. Ái Khanh có...dám xuống ghe nghe tôi đàn không. Tôi có cây guitare...
      Ái Khanh tròn mắt:
- Ô, anh biết đờn guitare?
      Trước vẻ kinh ngạc của cô gái, Long mỉm cười thú vị:
- Biết lai rai. Hồi xưa khi còn học ở Mỹ Tho, có người bạn dạy tôi đàn.
- Anh ở Rạch Giá mà học ở Mỹ Tho lận sao?
- Phải, chị Hai tôi lấy chồng về Mỹ Tho nên khi lên Trung học tôi xuống ở đó học trường Nguyễn Đình Chiểu cho tới khi thi tú tài.
      Sự ngạc nhiên khiến Ái khanh ...á khẩu! Cô không ngờ... Đoán được trong lòng cô đang nghĩ gì, Long cười:
- Không ai cấm một người bán đồ gỗ có bằng tú tài đâu nghen. Rồi hắn nheo  mắt với cô, còn rất nhiều điều Ái Khanh chưa biết về tôi. Nếu tối nay chúng mình gặp nhau, tôi sẽ kể cho... em nghe.

      Ái Khanh giựt nẩy mình. Trời đất, bây giờ cô đã trở thành " em" rồi sao? Hắn tiến kiểu này coi bộ còn nhanh hơn hỏa tiễn! Tuy là nghĩ vậy nhưng trong lòng lại cảm thấy rất ...ngọt ngào, êm ái! Cô ngần ngừ không biết tính sao. Có thể nói với mẹ là tới chơi với Bích Nga con bác Tám. Nhưng lỡ có người nào đó trong nhà Bích Nga thấy cô xuống ghe của Long thì sao? Cái con Nga thuở giờ vẫn hay ganh tị với cô. Nó mà biết được thì ôi thôi... Ái Khanh không dám nghĩ tiếp! Cô cúi mặt nói nhỏ:
- Tôi không dám hứa. Nhưng ... chắc tôi không tới được đâu. Anh đừng chờ.
Long đứng dậy, chàng cúi xuống nhìn sâu vào mắt cô gái:
- Không phải con người vẫn sống bằng hy vọng đó sao? Tôi sẽ chờ em ...cho đến khi trăng lặn.

      Ái Khanh mhìn theo cái dáng cao gầy của Long mà trong lòng ngổn ngang trăm mối. Từ đó tới buổi cơm tối cô như người mất hồn khiến bà Hai Lương cũng phải thắt mắc, tự hỏi không biết con gái bà có... bịnh không nữa. Sau bữa cơm tối, thấy dáng điệu bồn chồn của con, bà Hai hỏi:
- Cái con nhỏ nầy bữa nay mắc chứng gì mà đứng ngồi hổng yên vậy cà?
      Ái Khanh ráng làm mặt tỉnh:
- Má à, con muốn tới chơi với  con Bích Nga một chút mà con  sợ trời tối...
- Bữa nay trăng mười bốn sáng trưng như đèn măng sông mà sợ cái nỗi gì hổng biết! Thôi chờ con Lẹ   rửa chén xong rồi nó dẫn đi.
      Ái Khanh lật đật ngắt ngang:
- HoÅng cần đâu má. Để con lấy cây đèn pin cũng được.


      Nói rồi cô lật đật vô buồng thay cái áo bà ba tơ sống màu tím Huế, áo màu sáng sợ người ta để ý. Ái Khanh bước ra lộ, băng qua cầu sắt rồi đi thẳng về hướng Chợ Mới. Nhà Bích Nga chỉ cách chợ độ ba bốn trăm thước, nhưng phải đi ngang khúc vắng trước chùa Linh Sơn. Chỗ này cây cối rậm rạp. Những thân tre cao nghệu phất phơ trước gió tạo nên tiếng xào xạc, kẽo kẹt khiến nhiều người yếu bóng vía không dám đi một mình. Ái Khanh cũng sợ nhưng đi  với con Lẹ thì lộ tẩy hết. Thôi đành cắn răng, vừa đi vừa niệm Phật! Đèn măng sông trong nhà ông Tám sáng trưng. Ái Khanh đi bọc gần hàng rào bông bụp, men theo bóng tối đi thẳng ra sau hè. Từ đó có con đường mòn đi xuống bến sông. Phía bên kia là trại cây, có nhiều tiếng người cười nói lao xao. Cô vừa đi vừa vái thầm đừng có ai nổi hứng đi ra ngoài bất tử. Long đứng đợi sẵn trên ghe, chỗ có cây đòn dông bắt từ ghe lên bờ. Vừa thấy bóng cô gái là chàng ta lật đật phóng vội vô bờ.  Nỗi vui mừng khiến Long quên giữ  ý, chụp  hai bàn tay của Ái Khanh siết chặt:
- Cám ơn em đã tới. Anh cứ sợ em không dám...

      Nhìn nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt Long, Ái Khanh bỗng cảm thấy mình đã không uổng công... liều mạng tới đây! Cô mỉm cười với chàng. Long nắm tay Ái Khanh dắt lên ghe. Chiếc ghe chài khá lớn. Trong lòng ghe đã chở đầy bàn ghế, giường tủ. Long dẫn Ái Khanh đi ra sau lái. Chàng đã trải sẵn chiếc chiếu bông. Trên đó có cái khay bằng gỗ chạm rất đẹp để bình trà với hai cái tách và một dĩa bánh men. Bên cạnh đó là cây đàn guitar. Ái Khanh ngạc nhiên nhìn Long dò hỏi. Chàng cười, hàm răng trắng ngời lên dưới ánh trăng vừa ló dạng:
- Anh không dám hy vọng nhiều, nhưng cũng sửa soạn sẵn. Nếu em không thèm đến thì anh sẽ độc ẩm chớ biết sao!

      Ái Khanh bật cười khi thấy Long làm bộ biểu diễn một bộ mặt áo não. Cô ngồi xuống đưa tay sờ vào cây đàn. Thùng đàn đánh vẹt ni bóng láng. Ái Khanh khảy nhẹ vào mấy sợi dây căng cứng. Một chuỗi âm thanh phát ra phá tan bầu không khí tĩnh  lặng khiến cô giựt mình rút tay lại. Long hỏi:
-Em muốn uống nước trà ăn bánh trước, hay muốn anh đàn trước?
- Em mới ăn cơm xong không đói. Anh đàn cho em nghe đi.

      Chợt nhận ra mình đã xưng em một cách tự nhiên với Long Ái Khanh đưa tay che miệng, e thẹn nhìn chàng. Long làm như không biết, cầm cây đàn lên dạo một lúc rồi cất tiếng hát: "Đêâm qua mơ dáng em đang ôm đàn dạo muôn tiếng tơ. Không gian trầm lắng như  âu yếm ru qua bao ý thơ... muốn nói cùng em đôi lời trìu mến...", rồi " Người hẹn cùng ta đến bêb bờ suối, rừng chiều mờ sương ánh trăng vàng chiếu..." Ái Khanh thả hồn mình theo tiếng đàn, giọng hát. Một giọng trầm, ấm, ngọt như đường phèn...Nước sông lấp lánh ánh vàng từ  Cung Hằng đổ xuống. Rặng cây đen thẳm bên kia cồn cũng ướt rượt ánh trăng. Tất cả như thực như hư. Long hát hết bài này tới bài khác. Những bản tình ca êm dịu ngất ngây. Ái Khanh ngước mắt nhìn con trăng tròn vành vạnh, treo lơ lửng trên bầu trời trong vắt. Những câu thơ của Hàn Mặc Tử bỗng dưng hiện về:

Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi!

       Phải, Ái Khanh hồi hộp lắm. Cô biết chắc rằng ngày hôm nay không giống bất cứ một ngày nào đã qua trong đời cô. Nhìn Long ngồi tựa lưng vào thành ghe,  tay nhẹ nhàng buông phím, cặp mắt mơ màng, đắm chìm vào lời ca tiếng nhạc, Ái Khanh  cảm thấy trong lòng dâng lên một tình cảm khó tả. Nhưng mơ mơ hồ hồ không định nghĩa được. Long ngưng đàn, ngồi thẳng lên hỏi dịu dàng:
- Ái Khanh có thích mấy bản nhạc anh hát vừa rồi không? 
Bị lôi ra khỏi cái thế giới mơ hồ, Ái Khanh chớp mắt, nhoẻn miệng cười:
- Anh đàn đã hay mà hát còn hay hơn nữa. Em nói thiệt đó. Anh hát không thua mấy người ca sĩ em nghe trong radio.
- Cám ơn em. Thôi chết, bình trà của anh nguội  ngắt rồi. Bây giờ mình uống trà ăn bánh. Nếu em thích anh sẽ hát tiếp.

      Bây giờ thì Ái Khanh biết Long ngoài bà mẹ gần sáu mươi, còn có một bà chị ngoài ba mươi tuổi đã lập gia đình, Long hăm tám và cô em gái suýt soát tuổi nàng. Cha Long mất cách đây một năm. Chàng phải lên thế cha điều hành tiệm đồ gỗ. Đi Mỹ Luông lấy hàng là nhiệm vụ của người quản lý tên Cảnh. Hai tháng trước đây chú Cảnh bị  nhiễm thương hàn nên Long đi thế, không ngờ lần đó trời dung rủi cho chàng gặp Ái Khanh. Mà kỳ cục thiệt, từ đó trở đi, hình ảnh cô thôn nữ dễ thương này lúc nào cũng bám chặt trí óc chàng. Nhứt là về đêm, nằm chèo queo một mình trên chiếc giường rộng thênh thang Long càng trăn trở nhớ Ái Khanh thắm thiết. Bây giờ thì chàng tin trên đời có tiếng sét ái tình. Nếu không tại sao con tim của chàng tưởng đã chết từ mấy năm nay, bỗng dưng bừng bừng sống dậy? Lần này tuy người quản lý đã lành bịnh, nhưng Long vẫn  trở lại Mỹ Luông để lấy hàng. Cốt là gặp Ái Khanh. Bây giờ cô đang ngồi trước mặt chàng đây. Trong chiếc áo bà ba màu sẫm, khuôn mặt Ái Khanh trắng như sữa đọng dưới ánh trăng. Cặp mắt lóng lánh như hai vì sao. Long thấy lòng mình xao xuyến lạ thường. Không kềm chế nỗi, chàng đưa tay nắm nhẹ hai bàn tay của Ái Khanh. Cô  nhìn chàng mỉm cười. Cái không khí huyễn hoặc của đêm trăng, tiếng đàn, lời ca của Long đã đưa tâm hồn Ái Khanh đi vào một thế giới diệu kỳ, lâng lâng hư ảo.  Vì vậy cô  chỉ nói nhẹ như gió thoảng "đừng anh"  khi Long cúi xuống đặt lên trán một nụ hôn thật nhẹ nhàng...
      Cả hai chợt giựt mình vì tiếng người đi xuống gần tới bến. Ái Khanh hốt hoảng đứng bật dậy:
- Thôi chết, em phải về để má trông.
- Để anh đưa em về. Trời tối em đi một mình không tiện.

      Trên bến họ gặp ba người đàn ông trung niên. Long dặn mấy chú đi ngủ liền để sáng mai mình đi sớm. Ái Khanh đỏ mặt trước sáu cặp mắt nhìn nàng một cách tò mò. Long nắm tay nàng lôi đi. Tớøi đầu cầu sắt, Ái Khanh dừng lại nói Long trở về. Qua bên kia lỡ gặp người quen bất tiện. Cô định quay đi nhưng chưa kịp thì đã bị  Long ôm chặt. Chàng thì thầm chưa gì mà anh đã thấy nhớ em. Ái Khanh sợ có người thấy nên vội vã đẩy Long ra. Qua tới đầu cầu bên kia, quay lại thấy Long vẫn đứng đó....

      Một tuần sau nàng nhận được bức thơ đầu tiên của Long. Ái Khanh  vừa tức cười  vừa cảm động khi thấy Long bắt đầu bức thơ : nhớ em...nhớ em...nhớ em...Nàng trả lời thơ cho Long, rồi nhận thơ...và hàng ngày ngóng chờ người phát thơ.

      Một bất ngờ cho Ái Khanh  là Long xuất hiện trước hai ngày, không như trong thơ Long đã báo. Chàng chỉ nói giản dị là nhớ em quá phải đi xe đò qua trước. 
- Rồi anh nói sao với bác Tám? Ái Khanh lo lắng hỏi.
- Dễ thôi mà. Anh nói có chuyện gấp phải ghé Sađéc. Công chuyện xong xuôi anh lên thẳng đây. Trời ơi, nhớ em muốn điên luôn!
- Anh, Ái Khanh ngó dáo dác, coi chừng má em hay con Lẹ nghe...
      Nhắc Tào Tháo thì Tào Tháo tới liền. Bà hai Lương từ nhà trong bước ra:
- Ủa, cậu Long mới qua hả? Lúc này buôn bán chạy dữ  a cậu?
- Dạ kính chào bác. Lúc này chuyện buôn bán của cháu cũng bình thường. Thưa bác vẫn mạnh? Cháu có chuyện qua Sađéc trước, thành thử ghe của cháu ngày mốt mới tới. Lần này cháu có đem biếu bác một thùng nước mấm nhỉ  Phú Quốc thượng hảo hạng với một ký khô cá gộc.

- Chèn ơi, cậu bày vẽ chi cho tốn tiền. Bà hai Lương tuy nói vậy nhưng sắc mặt không dấu được sự vui vẻ. Rảnh tới chơi là được rồi. Thôi cậu ở chơi tui ra chợ một lát.

      Long không muốn trở lại nhà bác Tám liền vì không biết làm gì cho hết giờ, nên cứ ngồi đó nói chuyện với Ái Khanh. Nhiều khách vô mua đồ nhìn Long soi mói nhưng chàng tỉnh bơ, gần tới bữa cơm chiều mới chịu nhổ neo. Ngày hôm sau bổn cũ soạn lại. Đến ngày thứ ba ghe của chàng mới cặp bến dưới xưởng mộc bác Tám. Long khệ nệ xách thùng nước mắm và ký cá khô tới biếu bà hai Lương, được bà ưu ái mời ăn cơm chiều. Phần Ái Khanh là hai xấp lụa. Một xấp màu hột gà, một xấp màu hồ thủy. Nàng nói em sẽ thêu mấy đóa pensée tím.

      Lúc ba người đang ngồi ăn cơm chiều thì thằng cháu kêu thím hai Lương bằng cô ruột từ bên chợ Long Xuyên qua cho hay má nó bị té xẩy thai, đã được chở vô nhà thương. Ba nó quýnh quá không biết làm sao, nên sai nó qua Mỹ Luông cầu cứu bà chị. Thím hai nghe xong hồn bất phụ thể vì đứa em dâu có mang lần thứ ba cũng được gần sáu tháng. Thím chắt lưỡi than thiệt nguy hiểm quá! Thím ăn riết rồi sửa soạn theo thằng cháu qua Long Xuyên.

      Không có mẹ ở nhà, Ái Khanh đóng cửa sớm. Long ở lại chơi tới sẩm tối mới chịu về. Nhưng vắng  chủ nhà gà vọc niêu tôm liền. Dòm trước ngó sau không thấy bóng con Lẹ, vậy là trước khi từ giãõ Long ôm siết Ái Khanh hôn một cách thắm thiết. Nàng sợ con nhỏ người làm bắt gặp, vội đẩy Long ra. Anh chàng cười, nói thầm vào tai Ái Khanh đêm nay anh ngủ không được. Tại sao? Mơ tới em!

      Hôm sau bà hai Lương nhắn về là bà phải ở thêm vài ngày bên Long Xuyên. Người em dâu nằm nhà thương không ai  coi sóc nhà cửa. Long nghe tin này thì...vui ra mặt. Chàng thăm dò:
- Chiều nay anh ở lại ăn cơm với em nghe.
- Không được đâu. Không có má em ở nhà... Ái Khanh dẫy nẩy, nhưng chưa dứt câu đã bị Long chận ngang:
- Tụi mình đàng hoàng mà em sợ gì? Anh nghe nói tối nay có cúng đình. Ăn cơm xong tụi mình đi coi hát nghen.
- Thôi em hổng dám đi chung đâu. Người ta dị nghị chết.
- Vậy anh đi trước, em đi sau. Tụi mình sẽ "tình cờ" gặp nhau ở đó.
- Cũng được. Nhưng mà sao em thấy ngại quá hà...
- Người ta đông nghẹt, không ai để ý đâu. Long trấn an.

      Cơm xong là Long từ giã liền. Ái Khanh thay quần áo rồi kêu con Lẹ giữ nhà. Đình Mỹ Luông còn xa hơn nhà ông Tám Định một khoảng. Lần này Ái Khanh không sợ vì trên đường lộ người đi coi hát tấp nập. Khanh gặp Bích Nga ở sân đình. Cô nàng nhìn Ái Khanh soi mói:
- Nghe nói lúc này anh Long đóng đô thường trực ở nhà mầy phải hôn Khanh?
- Đâu có. Thỉnh thoảng ảnh tới mua đồ rồi ngồi chơi một lát. Ái Khanh chống chế yếu ớt.
- Nói vậy thiên hạ tô màu tét ni co lo hơi nhiều rồi há? Mà chỗ chị em tao nói thiệt, mầy phải coi chừng. " Người ta" ở xa tới không biết  hư thiệt ra sao.

Ái Khanh hơi nóng mũi trước cái giọng thầy đời của con bạn. Nàng nhủ thầm lại giở cái giọng ganh ghét ra đây chớ gì. Xí, ai không biết hồi nào tới giờ mầy có nói tốt cho ai! Tuy vậy cũng vẫn ngọt như đường:
- Cám ơn mầy nhắc nhỡ. Tao với anh Long chỉ là quen sơ thôi.
Dưới ánh đèn từ sân khấu hắt ra, Ái Khanh thấy ánh mắt Bích Nga chứa đầy nghi ngờ. Cô ta còn muốn nói gì đó, nhưng sau cùng chỉ cười bí hiểm:
- Mầy nói vậy tao yên bụng. Dầu gì mầy cũng là bạn của tao. Tao không muốn mang tiếng nói xấu người khác.

      Nói rồi cô ta ngoe  nguẩy bỏ lên tuốt ở hàng ghế trên. Mấy đứa em đã tới từ sớm dành chỗ cho cả nhà. Ái Khanh tới trễ đành phải đứng lóng nhóng ở dưới. Đêm nay diễn tuồng Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê. Đào kép đóng vai chánh  mặt hoa da phấn, mặc giáp đội mão mới uy nghi lẫm liệt, huê dạng cách gì! Ái Khanh đang bị cuốn hút theo cảnh Tiết Đinh San bị Phàn Lê Huê bắt nhứt bộ nhứt bái thì thấy bàn tay mình bị ai đó nắm chặt. Nàng giựt mình quay lại thấy Long đứng ngay bên cạnh tự hồi nào, cặp mắt làm như chăm chú ngó lên sân khấu. Ái Khanh lo ngại  nhìn quanh, thấy ai cũng lo coi hát mới yên lòng, nhưng tâm trí không còn tập trung được nữa. Thấy thái độ bồn chồn của Khanh, Long quay sang thì thầm "mình đi đi em". Chàng nhẹ nhàng lách ra khỏi đám đông, Ái Khanh cúi mặt để tránh những người quen nhìn thấy. Ra khỏi sân đình hai người đi ngược về hướng chợ. Cảnh vật nhạt nhòa dưới ánh trăng thượng tuần. Đi ngang nhà bác tám Định, Long nói ghé xuống ghe chơi một lát nhưng Ái Khanh sợ gặp mấy người bạn chèo, Long đành đưa nàng về nhà. Tới trước cửa chàng nói còn sớm xin Ái Khanh cho vô nhà nói chuyện thêm ít phút. Nhìn nét mặt khẩn khoản của Long cô không nỡ từ chối. Ái Khanh đóng cửa cẩn thận rồi mời Long ngồi. Cô vô nhà sau rót nước cho hai người. Đi ngang cái chõng tre kê sát nhà bếp, thấy con Lẹ nằm ngủ say sưa Ái Khanh yên dạ. Chỉ sợ nó bép xép kể lại với bà Hai Lương hoặc mấy bà hàng xóm thì phiền. Long kéo ghế ngồi sát lại gần Ái Khanh. Chàng nắm nhẹ hai bàn tay cô, mắt đắm đuối:

- Ngày mai anh đi rồi, Khanh có nhớ anh không?

      Ái Khanh mắc cỡ, mặt đỏ bừng, cúi đầu không nói. Long hỏi dồn có không? trả lời anh đi. Khi nàng bẽn lẽn gật đầu thì hai bàn tay của Long đã nâng nhẹ khuôn mặt và đặt lên trán, lên má, lên cổ nàng những nụ hôn nóng bỏng. Bất ngờ, Ái Khanh định phản đối, nhưng Long vừa hôn vừa thì thào đừng từ chối ...mai anh đi rồi...nhớ em chết luôn...Trong chiếc áo bà ba màu cánh sen cổ trái tim, cái vùng ức trắng ngần của Ái Khanh thu hút Long như thỏi nam châm. Máu trong người chàng chạy rần rần. Long không kềm chế nỗi, hai bàn tay mơn trớn đôi vai tròn, rồi chiếc lưng ong đã oằn ra phía sau, bộ ngực thanh tân nẩy tới trước như dâng hiến. Sau đó cả hai không biết vì sao họ lại ở trong buồng của Ái Khanh  và chuyện phải xẩy ra đã xẩy ra...

      Sau khi cơn "bão tình" đã lắng xuống, Ái Khanh đâm ra sợ hãi. Nỗi tiếc hối khiến cô nghẹn ngào, úp mặt xuống gối khóc thút thít.  Long nhỏm dậy ôm đôi vai đang run rên vì nức nở, luôn miệng  xin lỗi và tự xỉ vả mình không tiếc lời. Cuối cùng Ái Khanh ngồi dậy biểu Long đi về. Đêm đó Ái Khanh không ngủ được, phần Long cũng ray rức không kém. Tự trách mình đã không kềm chế nổi, rồi cũng tự bào chữa mình là con người chớ có phải thần thánh gì đâu? Mình yêu cổ, muốn chiếm hữu người mình yêu cũng là lẽ bình thường. Thôi thì tới đâu hay tới đó! Tự trấn an mình xong, Long lăn ra ngủ khò cho tới sáng. Đàn ông. Ôi đàn ông!

      ... Những bức thơ họ trao cho nhau sau này còn thắm thiết hơn trước. Nhưng có điều khiến Ái Khanh thắc mắc nhứt là,  tuy lời lẽ của Long trao cho cô thật nồng nàn tình yêu, nhưng chưa bao giờ thấy nhắc tới chuyện hôn nhân. Bao nhiêu đêm thao thức, tự hỏi... Không lẽ cô mở miệng trước. Trâu đi tìm cột chớ có lý nào cột đi tìm trâu?

Lấy hàng lần này là người quản lý chớ không phải Long. Ông ta đem quà và thơ của chàng tới cho Ái Khanh rồi chỉ nói gọn lỏn : cậu Long bận việc. Ái Khanh chưng hửng! Cô bối rối lắm. Tháng rồi không thấy kinh. Cô cầu nguyện liên miên. Có chuyện gì thì chết chắc! Má cô sẽ ngắt đầu cô như người ta ngắt đầu cá linh!

      ... Những bức thơ của Long cũng chỉ nói thương thương nhớ nhớ , còn cái câu quan trọng nhứt vẫn không chịu nói ra. Tháng thứ hai rồi vẫn không thấy gì ( con gái mà lâm vào cảnh... biệt kinh kỳ thì chỉ có một lý do!) Ái Khanh hốt hoảng thật sự. Mấy bữa nay nghe mùi chiên xào cô cũng hơi lợm giọng. Món mấm và rau thích nhứt bây giờ cũng nuốt không trôi. Ái Khanh ốm thấy rõ. Bà hai Lương hỏi con có bịnh gì không thì cô chối phắt. Ráng làm ra vẻ mạnh dạn cho mẹ yên lòng. Nhưng một người đàn bà đã từng sanh con như bà hai, thì có muốn qua mặt cũng còn hơi lâu. Bà nói bóng nói gió nhưng Ái Khanh vẫn làm mặt tỉnh. Đến chừng nhìn kỹ, thấy mạch cổ của cô con gái rượu nhảy tưng tưng thì ba hồn chín vía của bà cũng bay tuốt luốt. Đợi cơm tối xong, con Lẹ đang rửa chén, bà hai kêu con gái vô  buồng. Ái Khanh bủn rủn tay chưn, nhưng biết là hết dấu nổi nên vừa khóc sướt mướt vừa thú thật với mẹ. Bà hai Lương tá hỏa tam tinh, ngồi ngây ra như bị hóa đá, mắt trừng trừng nhìn con. Thấy mẹ như vậy, Ái Khanh hốt hoảng kêu nho nhỏ má... má... Bà hai như chợt tỉnh cơn mê, rít lên:

- Mầy giết tao rồi Khanh ơi. Thiệt uổng công tao mang nặng để đau, cho ăn cho học đàng hoàng mà bây giờ mầy trả ơn bằng cách bôi tro trát trấu lên mặt mẹ mầy. Biết vậy thà tao đẻ ra trứng gà trứng vịt còn có ích lợi hơn! Trời ơi là trời dòm xuống mà coi con tui nó hại tui!
-Má... má... Con xin lỗi má. Con đâu có muốn như vậy. Con lỡ dại...
- Rồi thằng Long có hay chưa? Nó có tính gì không?
Gọng Ái Khanh ngập ngừng, nhỏ rí:
- Chưa má à. Kỳ vừa rồi ảnh không có đi theo ghe...
- Đúng là mầy gặp Sở Khanh rồi con ơi, bà hai rên rỉ. Hổng ngờ mặt mày nó sáng sủa, ăn nói lịch sự mà té ra là đồ ác nhơn thất đức. Tao mà gặp nó, tao bầm  nát như tương! Ờ, hay là để tao xuống Rạch Giá kiếm nó, bắt nó cưới...
- Thôi, kỳ quá má à. Ái Khanh vội vàng ngắt ngang, ai đời mình con gái...
- Phải phải, bà hai la lên, ai biểu ngu thì ráng chịu. Có thân hổng biết giữ.

      Bị chưởi, Ái Khanh ngồi khóc thút thít. Bực quá bà hai bỏ ra ngoài. Con Lẹ  đang đứng phía ngoài giỏng tai nghe lén lật đật thối lui núp phía sau tủ đựng đồ ăn. Bà hai Lương đi về buồng, nằm vật xuống giường, gác tay lên trán suy nghĩ coi phải làm sao? Nhưng chưa kiếm ra giải pháp gì thì mấy bữa sau cả chợ đều biết Ái Khanh có bầu! (Chắc mẻm là nhờ cái máy vô tuyến truyền miệng của con Lẹ). Nàng phải chịu đựng những cái nhìn soi mói, những lời bóng gió của hàng xóm láng giềng... Một buổi trưa, Bích Nga tới chơi. Nó nhìn Ái Khanh một hồi rồi trổ giọng Điêu Thuyền:
- Nghe nói là... Mày nhớ hôm cúng đình không, tao đã dặn là mày phải coi chừng. Tại mày nói mày với anh ta chỉ là bạn thường thôi, nên tao đâu dám nói huỵch toẹt là người ta đã có vợ...

Ái Khanh có cảm tưởng như trời đất quay cuồng. Cô đưa bàn tay lạnh ngắt lên bưng lấy trán, giọng đứt quãng như người hết hơi:
- Mày nói anh Long có vợ?
- Tao nghe mấy người bạn chèo của ảnh kể.  Mà hình như bả bị gì đó phải nằm một chỗ, không tự mình đi đứng được.  Nghe nói còn trẻ lắm, thiệt là tội nghiệp!

      Bích Nga còn nói láp giáp gì một hồi nữa rồi cáo từ. Ái Khanh có nghe gì đâu ngoài cái câu Long đã có vợ?! Bây giờ nàng hiểu tại sao chàng không bao giờ nói cái câu mà nàng hằng chờ đợi, dù hai người thương nhau tha thiết. Có phải mình đang trong cơn ác mộng không? Ái Khanh cầu mong là như vậy, nhưng sự thật bao giờ cũng phủ phàng! Không cách nào hơn, nàng phải nói thiệt hết với mẹ. Bà hai lại đào mồ cuốc mả giòng họ nhà "thằng  Sở Khanh" đó một mách nữa rồi mới nghĩ cách đem Ái Khanh gởi bên nhà người em trai bà bên Long Xuyên. Như vậy đỡ phải khó chịu vì sự đàm tiếu của thiên hạ. Ái Khanh đi rồi, bao nhiêu thơ của Long gởi tới bị bà xé tan tành dục vô thùng rác. Không nhận được thơ hồi âm, Long nóng ruột mượn cớ đi công chuyện ở Sađéc rồi dông tuốt lên Mỹ Luông. Bộ mặt lạnh như nước đá và câu hỏi

" Cậu kiếm ai" của bà hai Lương khiến Long bàng hoàng sửng sốt. Biết có chuyện không lành, Long hấp tấp trả lời:
-Thưa bác cháu là Long. Cháu muốn gặp Ái Khanh. Không biết...
- Con gái tui không có ở đây. Từ nay cậu đừng tới kiếm nó nữa.
- Nhưng mà...
- Hổng có nhưn nhị gì hết. Con Khanh đi xa rồi cậu khỏi kiếm mất công.

      Sau đó Long năn nỉ cách nào bà cũng cương quyết  không tiết lộ chỗ ở của Ái Khanh. Chàng đành trở về Rạch Giá. Nhưng thái độ kỳ quăïc của bà hai Lương khiến Long phải đặt câu hỏi. Chắc phải có chuyện ghê gớm gì bà già mới xoay một trăm tám mươi độ như vậy chớ. Chàng cương quyết phải kiếm cho ra. Hơn nữa Long nhớ Ái Khanh muốn chết luôn! Lần lấy hàng tiếp đó, Long nói ông quản lý nhường cho chàng đi. Long lên nhà bác tám kiếm Bích Nga. Chàng làm như vô tình hỏi mấy tháng nay ở đây có chuyện gì "vui" không? Biết tỏng anh chàng này muốn hỏi cái gì, Bích Nga cũng làm như vô tình:
- Có một chuyện lạ, không biết là vui hay buồn đây. Không ai hiểu tại sao con Ái Khanh  "tự nhiên" phát có bầu
- Ái Khanh.... có... có bầu? Long lấp bấp. Chàng như bị sét đánh ngang tai. Rồi bây giờ cô ấy ở đâu Bích Nga có biết không? Hèn chi hôm trước...

      Nói tới đây Long chợt thẩn thờ, bụng rối như tơ vò. Nhận thấy chỉ có Bích Nga là người duy nhứt có thể giúp mình nên Long đem hết chuyện giữa hai người kể hết và năn nỉ Bích Nga tìm cách giúp giùm tìm ra chỗ ở của Ái Khanh. Thấy Long khổ quá Nga cũng thương hại. Hôm sau cô kiếm cách liên lạc với con Lẹ. Tục ngữ thường nói có tiền mua tiên cũng được, huống chi là địa chỉ của chú thím Ái Khanh. Con Lẹ đã nhiều lần qua đó. Có địa chỉ trong tay, Long tức tốc đi liền. Nhà tương đối dễ kiếm. Gặp lại người yêu, chàng đau lòng không thể tả. Ái Khanh tiều tụy, võ vàng vì buồn và bị thai hành. Mở cửa ra thấy Long, Ái Khanh xúc động, lảo đảo muốn té, may mà chàng đỡ kịp. Nàng chỉ còn biết khóc, nhưng chịu lắng nghe Long giải thích. Lúc còn học ở Mỹ Tho chàng có yêu một cô bạn cùng lớp. Đậu tú tài xong hai người làm đám cưới. Mãi tới ba năm sau Liễu mới có bầu. Ai cũng mừng cho đôi trai tài gái sắc này, nhưng một lần về Mỹ Tho thăm nhà, trên đường đi xe đò bị lật. Liễu không may bị chấn thương cột sống nằm luôn một chỗ. Họ cũng mất luôn đứa con...Đã năm năm rồi. Năm năm sống trong đau khổ tột cùng. Thử tưởng tượng một người đàn ông khỏe mạnh, cường tráng hằng ngày sống bên cạnh một người vợ không còn khả năng đáp ứng chuyện gối chăn. Chắc chỉ có Tiên, Phật, Thánh, Thần mới chịu thấu. Ngay cả Ngọc Hoàng Thượng Đế cũng còn có vợ là bà Tây Vương Mẫu (đẹp như ...tiên) nữa là! Tới khi gặp Ái Khanh, Long thấy mình như tái sinh, không ngờ trong một phút bồng bột, hậu quả lại tai hại dường này!... Thề có trời đất chứng giám, Long không hề có ý gạt gẫm Ái Khanh. Nhưng vì sợ mất cô mà chàng không dám thú thật. Khi yêu người ta ích kỷ mà.

- Cho là vậy đi. Sao rồi sau cái.... ngày đó anh không qua Mỹ Luông nữa?
- Má anh và cả Liễu nữa, nghe phong phanh là anh có thương một cô ở Mỹ Luông. Liễu sợ anh bỏ nên buồn rầu không chịu ăn uống. Sức khỏe càng ngày càng tệ. Má anh thấy vậy không cho anh đi nữa. Anh định chờ cho chuyện lắng xuống rồi mới tìm cách trở qua thăm em.

       Nghe thì nghe vậy nhưng mặc cho Long năn nỉ cách nào, Ái Khanh vẫn một mực lắc đầu. Nhứt định không làm kẻ thứ ba chen vào giữa hai vợ chồng Long. Sau cùng cô chịu nhường một bước. Cho chàng thỉnh thoảng tới thăm con, nhưng tuyệt nhiên không được nhận là ba của nó. Long chấp nhận hết mọi yêu cầu của Ái Khanh, tự nhủ từ từ rồi tính (Con cáo... non này định áp dụng chánh sách lùi một bước để tiến lên hai bước!). 

      Long đi rồi, ngồi suy nghĩ lại, Ái Khanh cũng cảm thấy thương cho hoàn cảnh của Long. Nhưng luân lý không cho phép nàng giựt chồng người khác. Hơn nữa lại là một người bệnh hoạn. Rồi tự ái cũng không cho phép luôn. Bởi nếu chấp nhận Long, hóa ra nàng chịu phận làm vợ bé hay sao? Thôi thì đành hy sinh một mình nuôi con.

      Rồi ngày khai hoa nở nhụy cũng tới. Trong khi bà mụ còn đang tắm rửa cho thằng Khánh thì Ái Khanh lại mắc rặn, bà mụ vừa quay lại nhìn thì một cái đầu nữa chun ra. Mọi người quýnh lên, không ngờ còn đứa nữa. Thấy hai đứa nhỏ dễ thương quá, Ái Khanh quên mất cơn đau xé ruột xé gan lúc nảy. Bà hai Lương nhìn cháu ngoại  ngủ ngon lành cũng thương đứt ruột. Bà quyết định về sang cái tiệm bên Mỹ Luông, qua đây mua một căn phố nho nhỏ gần chợ để mở tiệm tạp hóa. Mẹ con, bà cháu sống với nhau. Bà thở dài, con Khanh tuổi mùi, cái tuổi này tình duyên lận đận. Biết làm sao hơn? Ai không muốn có một cuộc đời suông sẻ, hạnh phúc. Như bà góa bụa sớm...


      Hôm sau Long tới. May mà bà hai đã về Mỹ Luông. Chú thím Khanh có sạp hàng trong chợ, buôn bán chiều mới về. Nhìn hai đứa con, Long trào nước mắt. Phải chi Ái Khanh là vợ của chàng, thì vợ đây, con đây, hạnh phúc của chàng là đây. Long quỳ xuống chân Ái Khanh đang ngồi trên ghế, xin phép nhận hai đứa con và xin được chu cấp cho mấy đứa nhỏ. Ái Khanh  điềm đạm nhưng không kém phần cương quyết nói cho Long nghe cái quan điểm của nàng. Một lần nữa chàng lại thất vọng ra về! Nhưng bây giờ ngoài tình yêu, Long càng kính phục Ái Khanh hơn.

...Dòng đời trôi như thủy triều trôi, không ngừng nghỉ. Ái Khanh phụ mẹ buôn bán nuôi con và tận trong đáy lòng vẫn yêu Long tha thiết. Thằng Bảo Khánh giống cha như đúc. Ngày nào cũng gặp "phụ bản" của hắn thì làm sao mà quên? Vài ba tháng, bản chánh lại đến thăm ba mẹ con. Lúc đầu bà hai Lương hậm hực, chưởi chó đánh mèo, nhưng riết rồi cũng phải chấp nhận. Cứ cố lỳ là ăn tiền. Đẹp trai không bằng chai mặt mà! Hai đứa nhỏ gặp bác Long thì vui như Tết. Chàng xem chúng như cục vàng...Đòi gì bác Long cũng chìu, đến nỗi mẹ chúng phải lên tiếng phản đối!

      Trong thời gian này, có một người để ý thương và muốn lập gia đình với Ái Khanh. Đức là công chức làm ở Tòa hành chánh tỉnh. Vợ bị sót nhau qua đời khi sanh đứa con đầu lòng. Đứa bé được bên ngoại giữ nuôi. Chàng ở gần tiệm của Ái Khanh  nên thường hay ghé mua những thứ lặt vặt. Nhan sắc của gái một "lửa" đã khiến con tim của thầy Đức đập rộn ràng. Tấm chân tình của thầy Đức khiến Ái Khanh không khỏi cảm động. Nhưng đó không phải là tình yêu. Vì vậy tuy bà hai khuyến khích  rất nồng nhiệt, nàng không cách gì quyết định dứt khoát. Một hai lần Long đụng mặt Đức ở nhà Ái Khanh. Long tỏ ra tức tối như bị ai xâm phạm quyền tư hữu của mình. Có lần trước thái độ vô lý của Long, Ái Khanh  cười khẩy hỏi chàng lấy quyền gì cấm thầy Đức tới nhà nàng? Long ú ớ rồi im luôn mặc dầu  trong lòng rất hậm hực!

      Cho tới bây giờ Ái Khanh mới thấm thía nỗi khổ của kẻ không chồng mà có con, cùng những đứa trẻ không cha như hai đứa con của nàng. Từ khi bà hai mất vì sưng ruột dư mổ không kịp, Ái Khanh bận bịu túi bụi không có thì giờ đón con ở trường, nên mới có tình trạng thằng Bảo Khánh đánh lộn với bạn như bữa nay. Nàng thở dài, tự nhủ chắc phải nghe lời mẹ, làm lại cuộc đời với thầy Đức. Khối gì cặp lấy nhau không có tình yêu mà vẫn ăn đời ở kiếp. Quyết định rồi Ái Khanh đứng lên đi ngủ, lòng nhẹ thênh thang. Lúc này gần Tết nên cửa hàng bận rộn kinh khủng...

       Ái Khanh kêu con Lẹ ra coi tiệm để cô và hai đứa nhỏ ăn cơm trưa. Bữa nay có canh chua cá bông lau, thịt sườn rim mặn và đậu đũa xào tép bạc. Mẹ con Ái Khanh chưa kịp cầm đũa thì có tiếng con Lẹ bên ngoài nói một cách vui vẻ thưa cậu mới tới. Ái Khanh ngạc nhiên không biết cậu nào, thì thấy Long tay xách nách mang gói lớn gói nhỏ đi vô. Hai đứa nhỏ nhẩy xuống ghế, vừa chạy a lại phía Long vừa kêu ỏm tỏi bác Long, bác Long. Long bỏ đồ xuống sàn nhà, dang tay ôm gọn hai đứa nhỏ vào lòng, hôn tới tấp, miệng nói nhớ tụi con quá! Ái Khanh nhìn cảnh này cũng nao nao trong dạ. Nhưng hoàn cảnh...mắt cô thoáng buồn. Long buông hai đứa nhỏ, tới bên Ái Khanh, nhẹ nhàng nắm lấy hai bàn tay cô đưa lên môi hôn. Ngạc nhiên cực độ, Ái Khanh nói nhỏ "Anh, coi chừng tụi nhỏ thấy". Nhưng tụi nó còn bận kiểm tra đống quà của bác Long vừa đem tới. Long cười tươi, gương mặt lộ đầy vẻ sung sướng:
- Bây giờ mình không còn sợ ai nữa hết. Ái Khanh, chờ mãn tang má tụi mình làm đám cưới.
- Tụi mình làm đám cưới? Ái Khanh lập lại như một kẻ si khờ.
- Phải, anh bây giờ đã trở lại tình trạng trai độc thân rồi. Tụi mình có quyền cưới nhau. Liễu đã bằng lòng trả tự do cho anh cách đây một tháng.
-Anh  từ từ kể đầu đuôi  cho em nghe, chớ em không hiểu gì hết trơn!

      Chuyện là vầy: thấy thầy Đức cứ bám em ráo riết anh  sợ quá nên mới đem chuyện của tụi mình thuật lại cho má anh nghe. Năn nỉ bà kiếm giùm anh lối thoát. Không ngờ má anh nghe nói tụi mình có hai đứa con với nhau, bả rầy anh một trận kịch liệt rằng sao anh không nói sớm! Bà nóng lòng muốn biết mặt cháu nội nên đã tới đây... Ái Khanh sực nhớ lại bà khách ngoài lục tuần, tướng mạo sang trọng đã tới đây mua đồ. Hôm đó nhằm Chúa Nhựt, hai đứa nhỏ lẩn quẩn ngoài cửa hàng với mẹ. Bà khách rờ rẫm rồi khen tụi nó dễ thương. Nàng đâu có ngờ. Gặp hai đứa nhỏ rồi bà về nhà đâm ra "tương tư'" tụi nó luôn. Còn anh thì tương tư má tụi nó. Ái Khanh đỏ mặt xí một tiếng. Long cười nói tiếp. Má anh và anh bàn với nhau xong bà mới đem chuyện này kể hết với Liễu. Năn nỉ Liễu thông cảm giùm cho hoàn cảnh của tụi mình. Tội nghiệp nhứt là hai đứa nhỏ thiếu cha. Anh sẵn sàng mua căn nhà khác và mướn người săn sóc Liễu cho đến hết cuộc đời. Ban đầu cổ không chịu, nhưng má anh kiên nhẫn giải thích mỗi ngày. Bà còn nhờ Ni sư ở chùa Sư Nữ  đến khuyên giải giùm. Cuối cùng thì Liễu cũng hiểu ra. Tác hợp cho chúng ta là cổ tự tạo phước cho chính mình. Cái nghiệp sẽ nhẹ bớt và trong lòng lại nhẹ nhàng, không còn lo lắng kẻ khác cướp mất anh. Liễu bây giờ đang học đạo với Ni sư Diệu Phước. Cô đã thay đổi rất nhiều. Tâm thần an lạc thì vui vẻû hạnh phúc hơn. Anh đã mua nhà và cổ đã an vị tại nhà mới. Xong xuôi là anh qua báo tin mừng với mẹ con em liền. Rồi cả nhà mình sẽ hưởng một cái Tết đoàn viên. Một cái Tết vui nhứt đời anh. Bảo Khánh, Bảo Ngọc lại đây với ba.

Hai đứa, hai cặp mắt mở tròn như hai trái banh,  đồng thanh:
- Ba?
Long cười, ánh mắt ngời niềm hạnh phúc:
- Phải. Ba là ba ruột của tụi con.

      Hai đứa nhỏ ngó qua mẹ như dò hỏi. Ái Khanh gật đầu, cặp mắt đẫm lệ.  Hai đứa  chỉ chờ có vậy, chạy ào vào vòng tay dang rộng của Long, miệng reo lên:

- BA!

Tiểu Thu 

Thầy Huỳnh Hữu Trí & Lớp 12 (1973-1974) - Nguyễn Trường Tộ

 
Đứng: Minh, Thông, Ánh, Tân
Ngồi: Thầy Trí, Tỵ (giám thị), Thầy Châu
Đứng: . . .
Ngồi: . . ., Ánh, Thông, Thầy Trí, Tân, Thầy Châu.
Huỳnh Hữu Trí

Bà Nội


Chuông ngân thời êm ả
Đánh thức hồn đá xưa
Bồi hồi một kiếp lạ
Chuông cùng đá giao mùa

Tháng mười rằm thời tiết
Chuông mõ dậy một trời
Người xưa sao vắng biệt
Người nay lặng lẽ trôi

Bóng nội thành miên viễn
Con nước mắt vắn dài
Cùng biết bao hối tiếc
Con tụng hoài kinh khuya


Hơn ba mươi kỳ rằm tháng mười, dáng nội vẫn rõ ràng trong tôi !!!

Trương văn Phú

Cảm Ơn Người Cho Tôi Xao Động













Áng thư đọng mực nghiêng sầu,
Kinh thư, văn điển từ lâu chẳng dùng.
Gặp người từ chốn mông lung,
Hồn thơ nay bng xanh cùng giậu non,

Còn đây nửa mảnh lòng son,
Ráp hai mảnh vụn, trăng tròn mùa thu
Đợi em phế tích chiến khu
Tim ta sỏi đá ngậm ngùi phút giây,

Tình em cao vút tầng mây,
Tìm em biển thm sao khuây nỗi buồn.  

Trần  Tuyến 
22.10.2013.



Xướng:Tám Mươi Ba Phải Tự Trào


Xướng: 
Đã tám mươi rồi thực vậy ư  
Nhân chia trừ cộng một đời hư!
Mắc thân nhà giáo còn vương vấn 
Cam phận cỏ bồng đã ngất ngư
Mây trắng đẩy đưa đời lữ thứ 
Áo xanh ràng buộc nếp thi thư
Thị phi phải quấy như đen trắng 
Sao đúng, sao sai, sao cũng ừ?

Phạm Khắc Trí
08/12/2013
Họa: Vẫn Còn Niềm Vui 

Lần tay ồ sắp bảy mươi ư
Lặn hụp cõi đời thực lẫn hư
Hăm hở bao năm cùng nghiệp giáo
Làm thuê nửa kiếp với nghề ngư
Sự đời đưa đẩy vào sông nước
Thời thế khiến xui bỏ bút thư
Những phút thảnh thơi nào lỡ cuộc
Thi văn xướng họa cũng nên ừ

Quên Đi