Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Nhớ 2














Anh ở Hoa Kỳ, em Úc châu

Cách ngăn hơn nửa quả địa cầu
Nhớ mhau cùng dắt lên Phố Núi
Gõ it câu thơ để giải sầu.

Mặc Thái Thủy
Mesa, Oct. 2,2013


Đêm Nối Đêm Buồn Thêm




đêm rồi đêm lại tiếp đêm
loanh quanh lạc giữa triền miên nỗi sầu
hồn ta chìm đáy lũng sâu
từ trong tiền kiếp còn đau khối tình

lạc nhau trong cuộc hành trình
bài thơ lỡ vận bơ vơ bất bình
Vẫn là uống rượu một mình


ta- hình độc ẩm giữa mênh mông buồn

xót lòng tìm lại nụ hôn
lỡ tay rơi mất giữa cuồng phong trôi
thôi đành tôi lại nhìn tôi
bên thềm rêu lạnh chơi vơi men nồng

quên bao hờn giận buồn thương
mơ màng điên tỉnh giữa dòng sông say
Có gì đâu… cuộc tình này…

Trần Thị Dã Quỳ



Ta Với Ta


( Viết tặng LTKO)

Thế giới vì đâu có chiến tranh
Ganh đua sức mạnh muốn tung hoành
Đại họa khổ đau vì tham vọng
Hết đời khó dứt được tương tranh

Thì ra nhỏ lớn đều như thế
Tưởng vòng tay lớn xiết chặt nhau
Ai ngờ chung hướng nhìn không dể
Ngoài vui, trong dạ thật não nề

Loanh quanh ngã chấp bởi vì ta
Lắm lời nhiều ‎ý đủ bất hòa
Trần thế nơi nào không đối kháng
Còn lại một người mới buông ra

Thể hiện vui chơi cũng thật phiền
Bạn bè thích chí cũng tùy duyên
Bên trong xé lẻ năm bảy ngả
Không cùng chí hướng lối đi riêng

Cuộc đời thấu rõ thật vô duyên
Ai cũng trọng danh với trọng quyền
Lao mãi theo đời, thêm bế tắc
Trở về nguồn cội khỏi đảo điên

Thế nên cứ muốn tìm nơi xa
Để khỏi nghĩ suy, khỏi phiền hà
Sự thế mặc tình vương vấn nghiệp
An nhiên tự tại ta với ta

Kim Quang



Qua Cầu Ôm Bóng



Ta như nhặt nhạnh tình thuở trước
Cầu bắt ngang sông, qua cõi lòng
Nhớ xưa áo nắng em xuôi ngược
Đạp xe lên dốc tóc bềnh bồng

Ta như sương lạnh ôm cầu vắng
Một thuở cùng em ngắm ánh trăng
Trăng chìm đáy nước, trên mây trắng
Tuy hai mà một tựa tình nhân

Ta như máu đỏ màu hoa phượng
Điệp điệp hoàng hôn giăng lối xưa
Lặng ngắm tà huy rơi mộng tưởng
Bên sông thơ thẩn chuốc hương thừa

Ta như áo mỏng qua cầu gió
Lạc hướng tìm em lạnh xước da
Qua sông gió hú hồn mở ngỏ
Lượm bóng mình, tình bỏ bay xa

Chiêm bao chợt tỉnh đời trắng tóc
Lỡ dẫm chân lên cát bụi nhầu
Dòng chảy nhân gian sầu lệ khóc
Ta về ôm bóng biết em đâu?

Phạm Tương Như
09  20  2013


Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Bến Cũ



(Cảm tác ảnh chụp của Trương Văn Phú)

Bến ấy ai ngồi khóc biệt ly
Cõi lòng mông quạnh tiếc xuân thì
Con đò bến cũ ngày hai bận
Lưu Luyến bao lần khi đón đưa

Bến vắng mưa chiều rồi nắng lên
Nền trời xa thẳm một màu mây
Xanh trông lơ lững màu hy vọng
Mong gặp ai kia ở chốn này

Mây đã tan nhìn thời khắc qua
Dòng sông đục nước gợn phù sa
Loài không bám rễ còn trôi dạt
Ta đó lục bình tim tím hoa

Kim Phượng
3/10/2013

Cây Đàn Bỏ Quên



( Cần xem lớn hơn bạn nhấp chữ Youtube dước góc phải)

Nhạc và Lời: Phạm Duy
Tiếng hát: Vũ Khanh
Hình ảnh Ban nhạc trẻ là Cưu Học Sinh Trường Trung Học Tư Thục Nguyễn Trường Tộ Vĩnh Long xưa và nay do Phủ Hiền,Trương Văn Phú chụp.Và vài ảnh sưu tầm từ Internet.

Phủ Hiền


Tiếng Mưa Đêm


Mùa Thu Tháng Chín lại về đây
Nhắc nhở chuyện xưa đã thoáng bay
Nón lá che nghiêng tà áo trắng
Vụng về nhìn lén ngập hồn say

Một khoảng trời xưa nhắc nhở hoài
Đậm trong nét chữ gởi về ai
Chiều Thu mưa lạnh như hờn dỗi
Chợt thắt tim côi, giấc mộng dài

Khoảng trống ngậm ngùi, phải thế không ... ?
Thầm thì bóng tối, mắt hoài trông
Bên ngoài đêm phủ đầy yên lặng
Có gã ngồi im, mưa ướp lòng

Ngập ngừng viết vội một bài thơ
Mong xóa đêm buồn với chút mơ
Chú dế tưởng chừng như góp sức
Ré lên vài tiếng nhẹ như tơ ...

Hoàng Dũng



Thơ Tranh: Sương Mờ Dốc Núi



 Thơ:Sương Mù
Thơ Tranh: Suối Dâu


Người Em Gái Sông Tiền





theo đơn vị một chiều về phố Vĩnh
để đêm về di chuyển đến Rạch Bàng
xóm nhỏ ven sông em gom lá ngoài sân
ung đống lửa đốt vào đêm trừ tịch.

khu vườn em ngập tràn hoa cỏ biếc
chung quanh nhà soài riêng trắng mùa bông
anh đào công sự cạnh vườn chuối ven sông
đêm gối ba lô nhìn ngàn sao lấp lánh.

em thức sớm khi trời chưa kịp sáng
ra sau vườn bỡ ngỡ mắt nhìn nhau
thoáng giật mình run rẩy má xanh xao
anh bối rối cạnh cây mận hồng đào chín đỏ.

lính mà em - quen em từ dạo đó
cô gái quê bình dị cạnh sông Tiền
anh cứ ngỡ chúng mình chắc có duyên
nên gặp gỡ trong một sáng mai bình lặng.

ngày cuối năm em về quê trốn nắng
của sân trường đại học miệt Cần Thơ
quê anh đó chắc em đâu có ngờ
ta gặp nhau nối hai bờ sông Tiền sông Hậu.

em thường bảo cô gái trời bắt xấu
quen vô tình anh lính chiến xa quê
vài ngày sau giảng đường em phải tìm về
đơn vị anh cũng hành quân qua làng khác.

xa em nghe tâm hồn buồn man mác
có lần anh về phép lúc chiều lên
đại học Cần Thơ khu III thật mông mênh
anh lê bước nặng trầm tư nhung nhớ.

sau trận chiến anh về sân xưa đầy cỏ
cây lặng im bóng nắng chảy âm thầm
hàng xóm nói em  biệt xứ xa xăm
bỏ lại khu vườn điêu tàn cỏ rối.

chắc em giận và hỏng chừng hờn dỗi
anh lãng quên cô gái nhỏ bình thường
em đâu biết anh thằng con trai khờ khạo
quên hỏi thăm ngành học ở nhà trường.

40 năm qua nghĩ lại giận mà thương
anh ngốc quá hạnh phúc riêng mình không biết giữ
trời vào Thu gió gom mây biệt xứ
cũng không làm sao anh rủ hết ưu phiền !

Dương  Hồng Thủy
3/10/2013

Trả Lại Đời



Cái ngữ bạn bè tựa dòng sông
Sóng nước mênh mông trôi bồng bềnh
Bỏ con đò nhỏ nơi bến vắng
Nghe sóng vỗ bờ tiếng hư không

Cái ngữ ân tình nhẹ như mây
Chưa hết đắm say đã phụ phàng
Tình tan từng mảnh bay theo gió
Quên nghĩa tào khang chuyện đá vàng

Cái ngữ tình đời như phù du
Ai cất tiếng ru giấc mộng đời
Bỗng nhiên chìm khuất trong sương khói
Để kẻ u mê mất một thời

Cái nợ làm người vẫn còn mang
Đành phải miên man hết kiếp người
Để con tim héo buông nhịp đập
Tìm một bông hồng trên bãi hoang

Cái nợ yêu người mãi bền lâu
Hình bóng in sâu trái tim sầu
Dù cho ảo ảnh mờ trăng khuyết
Nhưng bóng tình nhân chẳng bạc màu

Cái nợ cuộc đời thấp thoáng xa
Ai đã đi qua chẳng hẹn về
Thì thôi giữ lấy mà hoài niệm
Một buổi đẹp trời trả lại ta

Thế Thôi
Mon Aug 20, 2012


Atlanta Thành phố Cuốn Theo Chiều Gió

     Đây Atlanta/ Gone With The Wind
      Đây Atlanta/ Martin Luther King
      Đây Atlanta/ Với Civil War
      Stone Mountain /Cyclorama...

      Bốn câu đầu bài ca Tình Nghệ Sĩ của Đoàn Chuẩn và Từ Linh như đang vang vọng, hoà âm với 4 câu giới thiệu 4 địa danh lịch sử quan trọng nhất của Thành phố ATLANTA, Tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ.


      Từ khi xa quê hương ra đi đến vùng đất hứa, sau khi tạm cư tại Virginia 4 năm, tôi đã di chuyển xuống Georgia được 16 năm. Khí hậu ôn hoà, không nóng lạnh quá, chỉ lạnh khi có chilly, nếu đôi lần có tuyết thì tuyết cũng rất mỏng. Ngay sau khi lái xe 12 tiếng đồng từ Bắc xuống Nam, tôi đã cảm thấy yên tâm đặt chân xuống căn nhà nho nhỏ với vườn trước vườn sau rộng cắt-cỏ-tha-hồ-mệt đã mua sẵn từ trước và kiếm ngay được một việc làm mới về điện tử, dù đồng lương tương đối thấp.

      Tháng đầu tiên làm quen với nơi sinh sống mới, bước chân khám phá đã phiêu du khắp các danh lam thắng cảnh của Atlanta (ALT). Thành phố là một vùng đồi có nhiều cây xanh, những cánh rừng nhỏ rải rác xen lẫn với những khu dân cư cao thấp, phong cảnh thiên nhiên đẹp và an bình. Những nhà cao tầng skysrapers cũng rải rác tạo thành một skyline dài hơn chục mile, bao gồm 3 khu vực vươn cao lên trời cách nhau bằng những vùng thấp bao phủ bởi những chòm cây xanh: Khu trung tâm được đánh dấu bởi mấy toà nhà tháp nhọn mà cái cao nhất ALT là Bank of America 1023ft, khu Lenox&Buckhead, khu Perimeter tức vòng đai phía bắc, đánh dấu bởi toà nhà King and Queen. Phía đông nam có tảng núi Stone Mountain. Những xa lộ I-75, I-85, I-20, GA400 và GA78 chạy xuyên qua thành phố, cùng xa lộ vòng đai I-285 dài gần 60 dặm. Men theo các xa lộ có hệ thống tàu điện Marta gồm 2 đường thẳng góc và 1 chéo xuyên qua trung tâm.

       Lần thứ nhất, từ nhà theo khúc xa lộ I-85 có 12 lằn xe dày đặc xe cộ, tôi tìm đến nhà ga địa đầu đông-bắc là Doraville, một khu vực đông nhất cộng đồng Việt Nam và Hispanic, để đáp line đông-bắc tây-nam chạy thẳng xuống nhà ga cuối Hartsfield Jackson Intl Airport mất khoảng 40 phút. Lúc gần trung tâm Downtown, tàu chui vào hầm sâu dưới lòng đất, chạy thêm 2 mile thì tới nhà ga trung ương Five Points rất lớn ở độ sâu bằng toà nhà chục tầng, rồi chạy tiếp xuống ga cuối cùng. Đi vòng vo xem cảnh phi trường ALT rộng mênh mông với 2 khu hành khách song song và một cảng quốc tế (năm 2011 được xây dựng hoàn toàn mới rất hiện đaị, có cái runway chạy ngay ở tầng trên cao xa lộ I-285). Tất cả có 5 đường bay với lưu lượng hành khách đông nhất thế giới(từ 8 đến 9 chục triệu/năm). Lên xe điện trở về trung tâm, đổi sang line thẳng góc chạy tới 2 cực đông Indian Creek và tây High Tower và cuối cùng lại đổi sang line chéo chạy lên tận phía bắc là North Springs. Ngồi miết trên xe khứ hồi, ngắm cảnh hai bên đường và xuống tại Five Points, cuốc bộ, làm một cuộc thăm dò đầu tiên khu trung tâm. Nhớ lại hồi còn tạm cư ở VA, tôi đã mấy lần đi New York City và Washington DC, biết mạng lưới xe điện ngầm nhưng chưa có dịp làm quen nên bây giờ đi trên hệ thống Marta thì cảm thấy vô cùng thích thú. Nếu muốn, cứ tha hồ ngồi lại trên tàu đi khắp nơi hoặc ở lại trong nhà ga, không phải mua thêm vé, suốt ngày.     
     

        Dần dần, Atlanta trở thành quen thuộc đối với tôi. Hệ thống xa lộ và hệ thống tàu điện sớm giúp tôi lang thang đi khắp thành phố vào những ngày sau đó. Để có ý niệm khái quát về danh lam thắng cảnh của ALT, không gì tiện hơn là  ghi chép lại đoạn kết trong Tuỳ bút/Ký sự San Diego (Lạc Bước Đào Nguyên) của tôi, như sau:
        Luôn luôn sự trở về Atlanta vẫn là điều khiến sói già háo hức nhất. Nếu San Diego có vịnh biển, cầu bắc qua vịnh, tàu thuyền to nhỏ và  những đồi cao thấp trập trùng san sát nhà cửa nho nhỏ ở phía sau, thì Atlanta có Stone Mountain hùng vĩ và hoành tráng với tượng khắc nổi mấy vị tướng trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ trên sườn núi,có công viên lịch sử Olympics và nhiều hồ đẹp ở không xa. Nếu San Diego có Sea World và Whale Watch Tour thì Atlanta có một Aquarium lớn nhất thế giới. Nếu San Diego có Sở Thú nổi tiếng thì ngay bên cạnh Sở Thú Atlanta còn có Cyclorama với khán đài quay vòng trước cảnh chiến trường hoành tráng của cuộc nội chiến. Ngoài ra Atlanta còn có hệ thống xe điện ngầm và khu phố nửa chìm nửa nổi Underground. Phi trường Atlanta khổng lồ, tối tân, và đứng đầu thế giới về lưu lượng hành khách. Còn gì nữa? Atlanta có bảo tàng M.L.King, có di tích tư thất của tác giả Cuốn Theo Chiều Gió, cũng có các bảo tàng mỹ thuật, lịch sử hay khoa học, có Fox Theater tráng lệ, có giàn nhạc giao hưởng và đoàn vũ Ballet lớn, có toà nhà hình trụ tròn Westin Peachtree Plaza 73 tầng mà 2 tầng trên đỉnh tự động quay vòng để ngắm cảnh Atlanta, có Trụ sở CNN  và cả The World of Coca Cola...tất cả những cái này đều nổi tiếng. Cuối cùng: Skyline của Atlanta đẹp hơn San Diego. Mà Atlanta còn là thủ phủ chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục( đặc biệt: Viện Đại học Kỹ thuật GA Tech)....của cả một tiểu bang nữa !  Ôi, Atlanta mới đẹp tuyệt vời,đẹp trong tận cùng sâu thẳm của trái tim ta!

         Phải kể thêm một số chi tiết đáng chú ý vào bản liệt kê trên đây thuộc vùng Downtown và Metro Atlanta cùng phụ cận: Ngoài cái bể cá lớn nhất thế giới (8 triệu rưởi gallon) khánh thành 2005, trung tâm mới 2008 của Coca Cola, bảo tàng Mỹ thuật được đại tân trang 2005... có các công trình Thế vận hội 1996 còn để lại, vòng đua xe hơi ALT Speed Way 124,000 chỗ ngồi, Thư viện Bảo tàng J.Carter, Mall of Georgia 1,700,000 square ft (lớn thứ nhì ở Mỹ), 2 cái arena đồ xộ (Gwinnett và Phillips), 3 cái civic & performing arts center hiện đại ở các quận Cobb, Gwinnett và  Downtown, cái khải hoàn môn Millinium Gate (kiến trúc thu nhỏ Arc de Triump của Paris) ở khu Atlantic Station, cái Ferry Wheel cao nghễu nghện ở giữa Downtown 2013, Khu giải trí Six Flags và White Water ở kế vòng đai I-285, Hindu Temple ở Liburn (cấu trúc mới mẻ, giống như đền đài Angkor Vat), Lake Lanier ở vùng phụ cận không xa lắm...đa số là những công trình mới xây cất hay tái thiết trong vòng một chục năm nay. Là một cư dân địa phương đến nay đã 16 năm mà tôi chỉ mới đi thăm được chừng 3/4 danh lam thắng cảnh, tuy rằng có nơi đã đến rất nhiều lần, nhưng với thành tích tương đối nhỏ đó nếu muốn thuật lại thì cũng đòi hỏi phải viết liên tục 4,5 kỳ mới đủ. Bởi vậy bài bút ký ngắn ngủi này chưa thể đi sâu vào chi tiết. Chỉ tàm tạm thuật rằng:......

        Một ngày kia, tôi có dịp đứng trước căn nhà của tác giả viết tác phẩm lừng danh Cuốn Theo Chiều Gió: M.Mitchell House. Hình dáng bên ngoài có vẻ bình thường, nhưng dường như khi đứng chiêm ngưỡng ngôi nhà lịch sử cuộc nội chiến HKỳ, trong đầu tôi đang bừng bừng lên cảnh tượng khói lửa rừng rực ngút trời thiêu sạch ALT và cảnh đám đông dân chúng đang chạy tản cư trong nỗi sợ kinh hoàng của cuốn phim bất hủ Gone With The Wind. Rồi một ngày khác, sau khi vào Zoo ALT xem thú rừng, trong đó có con gấu Panda rất quí hiếm lấy giống từ China, sau mấy tiếng đồng hồ, lúc ra về, tôi không thể bỏ qua ALT Cyclorama. Ngồi trên khán đài tự động quay chầm chậm, tôi đã được mục kích cảnh hoành tráng của sân khấu hình vành khăn dài 385ft, cao 42ft như đang quay ngược với chiều quay của mình, diễn tả những trận đấu kinh hoàng tại thủ phủ Atlanta của quân dân miền Nam. Đại bác nổ ầm ầm, khói lửa mịt mù, thật là một bản anh hùng ca thời nội chiến!


         Tiếp theo, vào một ngày sau đó, tôi đến Stone Mountain, một thắng cảnh đã một thời được mệnh danh là Kỳ quan thứ 8 trên thế giới. Tảng đá núi nhẵn nhụi cao 825ft, hùng vĩ hiện ra trước mặt, giữa lưng chừng có bức tranh tượng khắc nổi trên đá, từng được coi là The World's Largest High Relief Carving (kích thước 160ft x 76ft, so sánh với Tượng 4 Tổng Thống HKỳ ở Rushmore Mountain cao 60ft), khắc hoạ 3 nhân vật lịch sử ngồi trên mình ngựa: President of the Confederacy J.David, General R.E.Lee và General S.Jackson. Lại môt lần nữa tôi liên tưởng đến những vị anh hùng tử sĩ mà từ lâu tôi vẫn hằng ngưỡng mộ và giờ đây trong lòng tôi đang hoà trộn một niềm hãnh diện lẫn với một nỗi xót xa cay đắng: Cùng là thân chiến bại, nhưng ở đất nước này được tôn sùng trái lại ở trên chính quê hương tôi thì bây giờ mặc dầu đã chết vẫn chưa được an giấc ngàn thu ...Tại đây, một cáp treo đưa tôi lên đỉnh núi, từ đó ngắm skyline ALT mờ mờ qua mây. Từ khoảng tháng Tư tới tháng Tám, mỗi cuối tuần nơi đây còn có Lazer show vô cùng đẹp mắt. Những vạch ánh sáng tua tủa nhiều màu của tia Lazer đồng thời với pháo bông rực rỡ và âm thanh trầm bổng của nhạc nền. Vào thời gian tôi có mặt, nghe bài hát Georgia On My Mind nổi tiếng qua giọng ca Ray Charles, ngọt ngào tha thiết như ru lịm hồn tôi, đã làm tan biến hẳn thái độ thờ ơ đã từng cảm thấy trước đây đối với người nhạc sĩ tài danh này. Khu thắng cảnh ST Mountain cũng là một trung tâm giải trí rất lớn, có hồ rộng với xuồng đạp nước, Riverboat cruise, Scenic rairoad quanh núi, sân trượt băng bằng tuyết nhân tạo rất rộng vào mùa Đông và rất nhiều môn giải trí thường thấy ở các trung tâm giải trí lớn khác.

         Cũng một lần tôi đến thăm M.L.King Center. Ngôi mộ nằm giữa hồ nước trong veo, nhắc nhở tôi hình ảnh một con người nổi danh với bài diễn văn I Have A Dream.
         Riêng về những Trung tâm trình diễn nghệ thuật thì tôi đã có cơ hội tham dự khá nhiều buổi trình diễn của ALT Symphony Orchestra, ATL Ballet và các đoàn vũ khác tại Fox Theater, tại Woodruff Arts Center và các Civic Center lớn ở rải rác nhiều nơi, tại Phillips và Gwinnett Arena. Nào là Nutcracker, Cô bé lọ lem, Hồ Thiên nga, nào là Hamlet, Disney on Ice... Vào năm 2008, tôi đã có dịp đến xem đoàn ca nhạc ASIA trình diễn ở ALT Civic Center.  Năm ngoái, ngay ở Botanical Garden, kế cận công viên Piedmond, có múa ballet trên thảm cỏ ngoài trời, tưởng như mình đang xem các nam nữ tiên đồng biểu diễn vũ điệu Nghê thường.  Nên đặc biệt kể thêm về rạp Fox: kiến trúc cổ điển lộng lẫy, tráng lệ, huy hoàng mang sắc thái một ngôi giáo đường mosque. Bên trong có những đại sảnh hay ballroom trang hoàng đẹp mắt theo kiểu Ai cập, Hi lạp, La mã, hay kiểu cách cung đình. Vào năm 1929, rạp tượng trưng cho một Grand Lady of Georgia (Đại Phu Nhân GA), có 4,500 ghế khán giả, với tấm màn nhung đại vĩ tuyến trên một sân khấu rộng 125ft, cao 85ft và vòm trần là một nền trời xanh đầy sao di động chập chờn trong làn sóng âm thanh của người nghệ sĩ biểu diễn trước mỗi buổi diễn với cây đại cầm được coi như một trong những đại-phong-cầm-nhà-hát khổng lồ của nước Mỹ. Còn loại trần trang trí cảnh bàu trời thì chỉ ngày nay mới trở thành quen thuộc như ta thường thấy tại Las Vegas.


         Nói đển Atlanta hiện đại là phải nghĩ ngay tới Georgia Aquarium toạ lạc ngay bên công viên Olympics. Là một công trình mới được xây cất vào năm 2005 nên rất vĩ đại, tối tân. Ai cũng háo hức ưu tiên tìm đển cái bể cá lớn nhất (trong số gần chục cái) đặt tên là Ocean Voyager. Khách chui qua một đường hầm (tunnel) dài bằng kính, có một lằn trải thang cuốn tự động, một lằn đi bộ và áp vào tường là một hàng ghế dài, cả 3 phía qua lớp kính dày chỉ nhìn thấy nước trong xanh và cá lớn nhỏ đang lởn vởn quanh mình. (Thử tưởng tượng nếu...nếu cái tunnel này vỡ thì sao?). Sau đó khách đi tới một khán đài đối diện với một cửa sổ thật lớn mà theo giấy quảng cáo và tấm bảng gắn bên cạnh thì : Ocean Voyager chứa 6,300,000 gallon nước, dài 284ft, sâu 30ft; cửa sổ chế tạo bằng chất Acrylic 17 strongglass, dài 61ft, cao 23ft, dày 2ft (xin nhắc lại: những 2 feet) và nước được giữ ở 76 độ F. Lần đển xem thứ tư vào năm 2010, tôi được hướng dẫn viên cho biết con cá whale shark lúc đó dài tới 16ft. Cùng thời gian này, ở đây còn triển lãm lưu động con tàu Titanic thu nhỏ. Quả thật GA Aquarium xứng đáng mệnh danh là một bể cá lớn nhất thế giới.

         Ngay kế bên Aquarium là World of CoCa Cola. Đã 2 lần tôi đến xem. Lần thứ hai vào năm 2010 tại trụ sở mới rộng gấp đôi cái cũ và hấp dẫn hơn. Một địa điểm từ rất lâu tôi ghé đến mà không vào xem vì nghĩ là chẳng có gì đặc biệt nhưng mới đây đã không thể bỏ qua. Đó là Fernbank, một viện bảo tàng khoa học. Dĩ nhiên có nhiều phòng (như dinosaur, mummy Ai cập, Apollo spacecraft, phim Imax...),nhưng đặc biệt có một khu gọi là Planetarium với cái vòm 70ft đường kính chiếu hình vũ trụ và một phòng thí nghiệm vi điện tử (Electron Microscopy).


         Một địa điểm trọng tâm của ALT được du khách chú ý là Underground. Sự thật đó chỉ là một khu phố nửa chìm nửa nổi (bởi thế đất là một khu đồi có độ chênh cao). Có lẽ tôi đã sớm tìm đến nơi này là do sự tò mò vì nó có thể ví như trái tim của Atlanta cổ. Nghe nói khu vực quanh đây có cái đèn thắp bằng gas dựng từ năm 1850, một cái cột trụ chỉ Zero Mile và rải rác đâu đó có khá nhiều tượng tầm cỡ người thật. Một giãy phố ngầm dài độ 3,4 trăm bước, có chừng hơn chục nhà hàng ăn và 100 cửa hàng mà giữa phố có nhiều cỗ xe thuộc loại street car trang trí và trưng bày hàng hoá, phần nhiều về mỹ nghệ. Tôi tạt qua một số cửa hàng và chọn mua 1 cái lắc có hình ALT skyline rất đẹp mà từ đó tớí nay tôi vẫn treo tòn ten trong xe hơi. Hơi tối tăm và ẩm mốc, lại thêm vài chỗ có lối khuất nẻo dẫn xuống gian hầm sâu, hình như ở đó là nơi nghe nhạc, nhảy múa, uống rượu. Liên tưởng đến những địa điểm gọi là hầm rượu ở Luân đôn nên tôi không dám bước xuống và nghĩ rằng chẳng còn gì hấp dẫn nên đi ra ngoài phố hầm. Bên ngoài ở tầng trên, một bên có thang cuốn dẫn lên một khu phố cổ, một bên là khoảng sân lộ thiên có một bức tường thác nước dài. Qua rất nhiều bậc thang leo lên tầng trên cao nhất là mặt đường phố ALT, tôi có cảm tưởng như vừa ngoi lên từ địa ngục huyền bí để cái nhìn vỡ oà, mở toang sáng loà trước những toà nhà cao đẹp chung quanh, trong đó có một cái tháp mà dạ hội mừng năm mới được tổ chức theo truyền thống cho một quả đào hung hung đỏ vàng từ từ rơi, trong khi pháo hoa muôn màu sắc tưng bừng nở trên bàu trời Downtown.

          Muốn đi đó đi đây ngắm cảnh ALT, có thể tham dự những Tour du lịch với thẻ City Pass, kể cả có thể leo lên chiếc Ferry wheel mới dựng năm 2013. Hoặc như trước đây, có quảng cáo tour du ngoạn balloon hay trực thăng như từng thấy ở các thành phố lớn hay thác Niagara. Nhưng nếu muốn đi tự túc đến đa số địa điểm nổi tiếng ở trong vòng Downtown, có lẽ cách tiện nhất để tránh đường xá đông nghẹt xe cộ là trước hết phải có tấm bản đồ và các tờ brochure quảng cáo( lấy free ở Visitor Center, khách sạn, bến xe...) rồi dùng xe điện Marta và mạng lưới xe bus phụ thuộc (không phải mua thêm vé), giống như hồi tôi mới đến ALT, đi xe điện xuống nhà ga Five Points rồi thong thả cuốc bộ đến thăm trước tiên những nơi gần nhất ở chung quanh khu trung tâm, như Underground, Aquarium, Coca Cola, CNN, State Capitol... Để ngắm toàn cảnh thành phố từ trên cao, vào một dịp kỷ niệm gia đình mới đây, tôi đã đền nhà hàng Sun Dial cao 73 tầng. Từ trên cao, vừa thưởng thức bữa ăn ngon, vừa ngắm cảnh ATL theo vòng quay tự động từ từ hiện ra bên khung cửa kính, y như một cuốn phim quay chậm. Thú thật khi du lịch đến thành phố nào có tháp cao hay nhà trọc trời thì tôi không bao giờ bỏ qua được cái  thú ngắm cảnh từ trên cao. Riêng đối với toà nhà Westin hình trụ tròn xoay này, đây là lần thứ hai tôi đã lên tận đỉnh. Nơi kia sát dưới chân mình là công viên Centennial Olympics, Aquarium, Georgia Dome, Turner Field Stadium và toà nhà Capitol của Tiểu bang GA có cái vòm mái vàng óng ánh. Xa hơn chút là cây cầu giao lộ I-75/I-20, toà nhà Bank of America cao nhất ALT, Học viện Georgia Tech. Cứ mỗi lần trông thấy ngôi trường đại học khá nổi tiếng này, lòng tôi lại rung lên một niềm hãnh diện nho nhỏ của một người cha và một người mẹ vất vả nuôi con từ khi lập cư trên quê hương mới với hai bàn tay trắng đến khi nhìn thấy đứa con thân yêu ấy trưởng thành từ chính ngôi trường này (vào năm 2004)!  Xa xa hơn khoảng một chục dặm là Stone Mountain vươn cái chỏm đá lên khỏi lùm cây xanh ngắt. Mây trời trắng toát lững lờ bay, Ôi! Atlanta sao đẹp quá! Và Atlanta còn tiềm ẩn rất nhiều cảnh thơ mộng, nhất là về đêm.  

         Atlanta, Gone With The Wind City của một thời lịch sử bi thảm nhưng oai hùng, đã vực dy sau lần bị tàn phá bởi ngọn lửa chiến tranh để luôn luôn đổi mới cho hiện đại. Là dân địa phương, tôi sẽ vui sống ở Atlanta suốt đời, còn nếu là du khách, chắc hẳn sẽ ước mong nhiều lần tái ngộ.

H.N./ChinhNguyen/H.N.T.      
Aug 16/2913



Một Dòng Sông



Sông nước đầy khơi lại cuộc tình
Một thời thơ mộng tuổi học sinh
Bến xưa còn nhớ người em nhỏ
Bờ cũ vẫn yêu một bóng hình

Vườn ổi vấn vương chân Ốc Đảo
Đường hoa lưu luyến guốc An Bình
Thế rồi xa mãi mùa Xuân cũ
Thương nhớ cho em một mối tình

Dừng gót bên bờ sông Cữu Long
Dòng sông còn gợi sóng trong lòng
Bốn mươi năm tưởng tình đã mất
Nhưng người yêu cũ vẫn chờ mong!

August 2013
DTTN(Biện Công Danh)

* Hình phụ bản do chính tác giả chụp - Sông nước Vĩnh Long



Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Thơ Tranh: Nghe Mưa - Hương Ngọc



Thơ: Hương Ngọc
Thơ Tranh: Kim Oanh


Một Nửa Bài Thơ - Thơ Đỗ Hữu Tài - Phổ Nhạc: Đại Sân



( Xem hình ảnh lớn nhấp vào chữ Youtube dưới góc phải)

Thơ: Đỗ Hữu Tài
Bút Hiệu: Thế Thôi
Phổ Nh
ạc: Đại Sân
Tiếng Hát: Phượng Trần và Đại Sân
Thực Hiện: Kim Oanh

Nhớ 1

  

Cung thương nắn nhẹ nỗi sầu
Quê hương xa lắc còn lâu ngày về
Gió buồn lướt nhẹ lê thê
Cho anh ngây ngất môi kề má em.

Mặc Thái Thủy
Mesa, Oct. 2, 2013


Nguyệt Khúc Tình Xưa



Tôi về thăm lại người xưa
Nhà im vườn quạnh hồn chưa chạm bờ
Bước chân qua ngỏ thẩn thờ
Song thưa màng nhện giăng hờ khói sương

Lạnh lùng vắng bóng thương thương
Mắt môi diễm diễm vấn vương tuổi nào
Nắng tàn mây thẳm lên cao
Hồn tôi xuống thấp, lạc vào cõi mơ
Áo em tím nỗi đợi chờ
Duyên tôi chết muộn buồn thơ cuối mùa

Tôi về dưới mái hiên xưa
Thấy đời hư ào trăng thừa trăm năm
Ừ thôi rượu đã cạn tăm
Chén giao bôi đổ ngoài tầm ly bôi

Sông buồn chảy ngập hồn tôi
Lòng như đầu cỏ lạnh hồi sương giăng
Sao đành dẫm nát ánh trăng
Ném câu chung thủy vỡ ngàn mảnh tim ! !

Pham Tương Như
09  30  2013


Tự Tình



Hôm qua nhận được thư con,
Trong thư con kể ngọn nguồn đắng cay.
Mẹ con mang bệnh lâu nay,
Chị con sức khỏe ngày càng giảm suy.
Nợ nần van víu từ khi,
Má Ba bệnh nặng phải nằm nhà thương.
Lòng cha đoài đoạn đau thương,
Đắng cay sao chẳng để nhường phần cha?

Từ ngày phiêu bạt phương xa,
Quê nhà con, mẹ xót xa đủ điều.
Mẹ con tóc đã bạc nhiều,
Xác thân héo hắt, diễm kiều còn đâu!
Lời con càng đọc càng đau,
Thương con, thương vợ nỗi sầu nào hơn.
Cha nghe như có lời hờn,
Vì sao cha chẳng chu toàn phận cha?

Nhạt nhòa lệ ứa xót xa,
Làm sao cha dám tỏ ra nỗi niềm!
Vì cha sức kém, tài hèn,
Nên đành để giận, để phiền cho con.
Ngày xưa lo chuyện nước non,
Bây giờ tóc đã pha sương mái đầu.
Có nên sự nghiệp gì đâu,
Trắng tay, tay trắng để sầu người thương!!!
Ngoài trời mưa bụi vươn vươn,
Lòng cha bão tố bất thường dâng cao.
Con ơi! Cha biết làm sao?

Lincoln, Nebraska 1988

Mặc Thái Thủy


Ngất Ngưởng Một Đời Mây



Trộn mây vào chân tung bước giang hồ
Thời giọc biển khuấy sông chuyển đèo dời núi
Trộn mây xuống tim nghe tình diệu vợi
Thời em cổ tích tiếng sáo Trương Chi.

Ngất ngưởng ta, đời mây ảo giác
Trôi trôi trôi một giấc cuồng quay
Phóng lên cao là hư vô mù mịt
Té xuống đời là bão nhảy mưa bay.

Ngậm chút gió la đà kiêu hãnh
Phù thủy ta bẻ bút ném thơ
Nhật nguyệt khóc nỗi đau Thần Thánh
Chữ nghĩa treo vần điệu bơ vơ.

Cắn chút mưa sụt sùi cô độc
Mùi Satan theo máu chảy về da
Ném tới đầu cái-ta-sau dội ngược
Chạy cuối hàng cái-ta-trước quỉ ma.

Ngất ngưởng mây chỉ là sương với khói
Ngất ngưởng ta là cát bụi hóa thân
Sáng thức dậy nghe nghìn trùng tiếng gọi
Ta ngậm ngùi ôm hoài niệm ăn năn.
                   


*Escondido,05/03/2013
Phạm Hồng Ân


Mai Xa Vĩnh Long



Đêm cuối cùng mai xa Vĩnh Long
Người đi bỏ bến bỏ dòng sông
Bờ kè hấp hối theo con nước
Mượn đám lục bình thỏa ước mong

Đêm cuối cùng còn trông thấy nhau
Con tim nhịp nối những buồn trao
Bao giờ trở lại thềm “Hoa Nắng”
Giọt đắng cà phê sánh đậm màu

Đêm cuối cùng qua mau…tiễn đưa
Nhánh sông chia mấy ngã cho vừa
Phương trời chưa cách sao biền biệt
Thương tiếc phận đời ôi lá lay

Đêm cuối cùng mai xa Vĩnh Long
Chơ vơ giấc ngủ… buồn mênh mông

Kim Phượng


Mạn Đàm Về Các Lễ Mừng Ngày Sinh

             
      Không còn bao lâu nữa đến ngày đứa cháu nội thứ 2 tròn 1tháng tuổi, tôi nhớ lại cách nay 10 năm, khi đứa cháu Nội lớn sắp tròn tháng đầu tiên, con trai tôi có hỏi:
- Ba ơi, Cháu sắp đầy tháng, vợ chồng Con định tổ chức tiệc, theo Ba, chúng ta làm theo ngày Tây hay ngày Ta?
- Mừng đầy tháng đó là cái lệ của người phương đông nói chung và của người Việt chúng ta nói riêng, nên phải theo ngày âm lịch mới đúng.
- Thế còn ngày Thôi nôi ?
-  Nếu các con tổ chức sinh nhật 1 tuổi cho Cháu, thì làm theo ngày Tây Ta gì cũng được. Còn Thôi Nôi thì nhất định phải là ngày Âm Lịch, tức là ngày Ta. Vì đó là Tục Lệ của chúng ta, của người phương đông.
- Con chưa rõ lắm. Tại sao tổ chức Sinh nhật thì theo ngày Tây, Ta gì cũng được?
- Từ khi nước chúng ta chuyển qua sử dụng cách tính thời gian theo Tây Phương, tất cả giấy tờ đều ghi theo
Dương Lịch. Cả tổ chức Sinh nhật mỗi năm, cũng theo Văn Hóa Phương Tây. Nên Các Con có thể dựa vào ngày Tây. Còn nếu tổ chức theo ngày âm thì cũng đúng thôi, vì chúng ta là người Việt.
Theo truyền thống, người Việt chúng ta không có lệ tổ chức sinh nhật hằng năm, chỉ tổ chức lễ Đầy Tháng, Thôi Nôi, Cúng Căn 3; 6; 9; 12 tuổi. Ngày nay, không còn ai tổ chức các lễ mừng tuổi đúng : Tứ Tuần (năm 41 tuổi tính theo tuổi Âm Lịch), Ngũ Tuần (51 tuổi). Riêng  Lục Tuần (61 tuổi), Thất Tuần (71), Bát Tuần (81) ...được chú trọng nhiều hơn, thường do Con Cháu tổ chức mừng Thọ Ông Bà, Cha Mẹ.
Nói chung, tất cả những lễ đều phải tổ chức theo ngày tháng Âm Lịch.
- Tại sao Tứ tuần và Ngũ Tuần ít được chú trọng vậy Ba?
- Trước đây, tuổi thọ của con người còn thấp, bình quân khoảng 40, do đó Đỗ Phủ mới có câu thơ rất nổi tiếng "Nhân sinh thất thập cổ lai hy"  . Chính vì thế chỉ những danh gia vọng tộc thường tổ chức tiệc mừng tuổi bắt đầu từ 41 (tuổi Tứ Tuần). Đến khi được 61 mới thật sự là mừng thọ. Theo quan niệm về Tử Vi, khi còn người sống đến 61 tuổi, là sống qua vòng tử vi 60 năm tròn một Giáp Tý.
- Giáp Tý là gì vậy Ba?
- Giáp Tý là sự kết hợp 6 Thập Can: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quí, tương ứng với 5 Thập Nhị Chi:  Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Bắt đầu là Giáp và Tý nên gọi chu kỳ này là Giáp Tý
Ngày nay, tuổi thọ tăng cao, trung bình đạt sắp sỉ 70, nên việc mừng tuổi Tứ Tuần, Ngũ Tuần không còn nữa. Thêm việc du nhập tổ chức sinh nhật hằng năm theo Tây Phương, dần dà lễ mừng tuổi Tứ Tuần, Ngũ Tuần không còn nữa. Chỉ còn một số người theo tục lệ cũ tổ chức Lục Tuần, Thất Tuần...mà thôi.


      Còn việc cúng Đầy Tháng, Thôi Nôi... là Tục Lệ có từ rất lâu đời. Theo quan niệm dân gian, từ lúc mới tượng hình thành bào thai trong bụng mẹ, một sự sống đã bắt đầu. Sự sống bé bỏng này được sanh ra bởi Bà Chúa Thai Sanh, việc chăm sóc bảo vệ do 12 Mụ Bà. Đó là các Bà Mẹ Sanh Mẹ Đẻ và 3 Đức Thầy. Ba Đức thầy bao gồm: Thánh Sư, Tổ Sư và Tiên Sư
- Bà Chúa Thai Sanh ( Bà Chúa Đầu Thai) là người đứng đầu các vị thần bảo vệ đứa trẻ từ lúc tượng hình, đến lúc chào đời cho đến 12 tuổi.
- 12 Mụ Bà thay nhau bảo vệ đứa trẻ  12 tháng trong năm. Nhiệm vụ bảo vệ nầy duy trì trong suốt 12 năm.
- Ba Đức Thầy có chức năng truyền dạy nghề nghiệp

      Trẻ sinh ra được đúng một tháng, gia đình tổ chức lễ Cúng Mụ, hay còn gọi là đám Đầy Tháng.
Việc tổ chức lễ Đầy Tháng, trước là tạ ơn các Mụ Bà, Tổ Tiên đã phù hộ cho “mẹ tròn con vuông”. Vả lại theo tín ngưỡng, ngày xưa người mẹ và con chưa đủ tháng thường không được ra khỏi nhà . Do đó ngày đầy tháng cũng là ngày đầu tiên gia đình trình thân tộc, họ hàng, lối xóm về  đứa trẻ.
Trong ngày đầy tháng, ngoài việc chuẩn bị món ăn thức uống dùng để chiêu đãi khách mời, gia chủ còn chuẩn bị mâm lễ vật cung kính 12 Mụ bà gồm 12 chén chè, 3 tô chè, 3 đĩa xôi và một mâm cúng kính 3 Đức Thầy gồm con vịt chéo cánh được luộc chín, 3 chén cháo và 1 tô cháo

      Khi trẻ đúng 1 tuổi, cha mẹ tổ chức cúng Thôi Nôi. Đây là một lễ không thể thiếu của mỗi người Việt chúng ta. Trong lễ thôi nôi, sau nghi thức cúng kính mang ý nghĩa tương tự như cúng Đầy Tháng, Một tục lệ khá đặc biệt còn lưu giữ là tục “đặt sàn” có nhiều vật dụng như gương lược, dao kéo, đất, xôi, vũ khí … để trẻ tự lựa chọn. Đây là hình thức tiên đoán nghề nghiệp tương lai của trẻ. Theo quan niệm dân gian, vật nào được trẻ lựa chọn trước, khi lớn lên trẻ sẽ có nghề tương ứng với món đồ đã chon. Theo Phong tục xưa, sau lễ thôi nôi, hằng năm sẽ không tổ chức kỷ niệm ngày sinh. mà chỉ tổ chức Cúng Căn khi trẻ lên 3 tuổi, 6 tuổi, 9 tuổi, 12 tuổi. Ý nghĩa của Cúng Căn cũng nhằm mừng trẻ được mạnh khỏe và tạ ơn Các Mụ Bà chăm sóc, bảo vệ. Đặc biệt lễ Cúng Căn khi trẻ lên 12, đây là lần Cúng Căn cuối cùng, theo quan niệm Ông Bà ngày xưa, đứa trẻ được 12 tuổi đã thoát nạn “hữu sanh vô dưỡng” tự làm chủ được mọi hành động, không cần Các Mụ Bà dạy dỗ bảo vệ nữa, thì gia đình làm lễ Cúng Dứt Căn, mang ý nghĩa tạ ơn lần cuối, Lễ này được tổ chức rình rang hơn, linh đình hơn các lễ trước.

      Tóm lại, các lễ mừng Đầy tháng, Thôi nôi, Mừng thọ...là nét đẹp trong văn hóa nước nhà. Tuy nhiên do quá trình hội nhập, giao thoa văn hóa, giới trẻ ngày nay, chỉ chú trọng đến việc tổ chức sinh nhật mỗi năm theo phương tây, dần dà những nét độc đáo của Tiền Nhân từ từ đi vào quên lãng. Nếu một ngày nào đó, các mỹ tục này không còn nữa, đó chính là một mất mát vô cùng to lớn trong Văn hóa nước nhà, một tội lớn với Tiền Nhân.

Huỳnh Hữu Đức


******

Trong sách " Bắc Bộ Lục" có nói : Tục Lĩnh Nam nhà giàu đẻ con được 3 ngày, hoặc đầy tháng. thì tắm gội cho con, làm một bữa tiệc gọi là "Đoàn Du Phạn" (Bữa cơm tròn trặn trơn tru). "Vân Đài Loại Ngữ" của Lê Quí Đôn viết: Tục nước ta, đẻ con được 3 ngày làm mâm cơm cúng Mụ. Đến hôm đầy tháng, hôm 100 ngày (đầy tuổi Tôi), đều có làm mâm cơm cúng Gia Tiên, bày tiệc ăn mừng. Bà con, người quen thuộc, dùng thơ, câu đối, đồ chới, quần áo trẻ để mừng. Mà nhất là tiệc 100 ngày (tiệc đầy tuổi Tôi) to hơn.

Theo quan niệm dân gian của cộng đồng Người Việt, đứa trẻ được sinh ra là do các vị Đại Tiên (Bà chúa Đầu thai) và Tiên Mụ mà trực tiếp là 12 bộ Tiên Nương (12 bà Mụ) nặn ra ban cho. Vì vậy, khi đứa trẻ đầy cữ (đứa trẻ chào đời được 3 ngày), đầy tháng (đứa trẻ chào đời được một tháng) hay đầy năm thì bố mẹ, ông bà đứa trẻ phải bày tiệc cúng Mụ để tạ ơn các bà Mụ và cầu xin các Mụ ban cho đứa trẻ mọi điều may mắn tốt lành.Tục thờ cúng 12 bà Mụ là tín ngưỡng người Việt tiếp thu từ Trung Hoa. Theo truyền thuyết, tục này có từ lâu đời và đã từng được giải nghĩa trong tác phẩm Phong thần diễn nghĩa. Theo truyện, Khương Tử Nha phụng chỉ Ngọc Đế phong cho ba vị tiên đảo là Vân Tiêu, Quỳnh Tiêu và Bích Tiêu, môn đồ của Quy Linh Thánh Mẫu, nắm giữ "hỗn nguyên kim đẩu". Đời người trước sau đều chuyển kiếp từ cái "kim đẩu" này. Vân Tiêu, Quỳnh Tiêu, Bích Tiêu gọi chung là "Tam Cô", hay "Chú Sinh Nương Nương". Chú Sinh Nương Nương còn gọi là Thụ Tử Thần (thần ban con), và có 12 bà chị ("thập nhị thư bà" hay "thập nhị bảo mẫu", "thập nhị đình nữ"). Thập nhị thư bà với những tư thế khác nhau, tượng hình người phụ nữ bồng con, cầm tay con dắt, cho con bú v.v.

 ( theo http://vi.wikipedia.org)


Cảm Thông




(Từ San Sẻ của Kim Oanh)

Em cảm thông nhưng anh rất tiếc
Bỡi vô tình xao xuyến lìa xa
Chưa ngỏ lời môi cười má thắm
Dù hương tình sắp sửa đơm hoa.

Anh đi nhập ngũ ra miền biển
Em ở quê nhà vẫn học chăm
Mỗi bận thăm nhà tuy ngắn ngủi
Vẫn tìm em lớp cũ còn chăng ?

Lần cuối anh chuyển qua phố núi
Có lần về tận xứ Vĩnh Long
Bạn thân nói nhỏ em vừa mới
Chấp nhận lên xe ngập pháo hồng !

Mỗi lần sau đó qua phà cũ
Cố nén đau thương lại nhớ nhiều
Em đã xa quê về viễn xứ
Âm thầm anh khổ biết bao nhiêu.

Dương Hồng Thủy

Chúc Longhovinhlong vui vẻ và bền lâu.

Một Thoáng Vĩnh Long


      Năm 93, trong một dịp giang hồ vặt, lần đầu đặt chân lên Vĩnh Long, mọi thứ đều lạ lẫm...
Qua Bắc Cần Thơ trên chiếc phà to lớn, nhìn dòng nước đục ngầu phù sa mênh mông cảm nhận được sự trù phú của vựa lúa miền Nam, bên kia bờ là Cần Thơ - gạo trắng, nước trong - Tây Đô nước Việt, nhưng năm ấy, dưới cái nhìn chủ quan , có lẽ không còn được như xưa !!!

      Dạo một vòng con đường chính dưới ánh sáng vàng vọt, tù mù của đèn đường trên chiếc xe đạp lôi của một em học sinh nghèo, kiếm thêm chút tiền phụ giúp gia đình, không tưởng tượng được thành phố này ngày trước ra sao ? Chỉ thấy nó cũng âm u, buồn rầu như hầu hết các thành phố khác sau năm 75 ! vòng qua bến Ninh Kiều, lác đác đôi ba người làm lũi qua lại, chợt nhớ đến câu vè không hay lắm về nơi này :
Cần Thơ có bến Ninh Kiều.....

      Bèn quay lại nhà trọ, suốt đêm phập phồng vì những tiếng dép lẹp xẹp bên ngoài, thỉnh thoảng vài tiếng va chạm cố ý vào cửa phòng đã chốt chặt bên trong, mãi mới chợp mắt được.
Buổi sáng hơi lạnh từ sông thổi vào mát rượi, xoá tan bao mệt nhọc của một đêm lạ nước, lạ cái . Em học sinh hôm qua đã có mặt trước nhà trọ, lại leo lên chiếc xe đạp lôi của em, ban ngày mới nhìn thấy rõ dáng gày gò của em mà thầm ái ngại, mời em cùng ăn sáng nơi một quán mì ngay bến phà, em ý nhị từ chối, lấy cớ phải về đi học ....


      Chuyến phà đầu tiên trong ngày vẫn còn thưa thớt, có lẽ là từ Cần Thơ đi ra, trái hẳn với chiếc ngược dòng đông nghẹt người, xe, đang hướng về Thành Phố.
Ngồi trên chiếc xe lôi máy lạ lẫm, nhưng cảm giác yên tâm hơn ngày nào, lần đầu tiên đi xe xích lô máy ở Saigon ! xuống ngã ba Bình Minh, rồi vào Cái Vồn nơi nhà một người thân, nhà ở phố chợ buôn bán tấp nập, mặt sau ngay trên sông, hàu như mọi sinh hoạt đều diễn ra trên mặt nước này...nơi đây trước kia là địa bàn của Giáo Phái Hoà Hảo, nên có vẻ sung túc hơn chỗ khác, những căn nhà bề thế, xây cất chắc chắn xen lẫn nhau.

      Sau bữa ăn, một dĩa bưởi đã bóc sẵn từng múi màu hồng nhạt trông thật quyến rũ, ăn thử một múi, dòn tan, nước bưởi ngọt dịu, không gắt, không the, hơn hẳn bưởi Biên Hoà danh tiếng, tay bốc, miệng nhai, nuốt, không dừng lại được, dĩa bưởi bay vèo, Hỏi người bạn, mới biết đó là bưởi Năm Roi, đặc sản vùng đất này, vui chuyện, người bạn cắt nghĩa sở dĩ có tên như vậy bởi ngày xưa bưởi này rất hiếm, quý, nên nếu không được phép , mà ăn vụng, trộm mà bắt được là bị năm roi phạt, lâu ngày thành tên luôn !?!
Buổi chiều, biết ý, người bạn đưa hẳn vào vườn, cách nhà khoảng cây số. Vườn trồng nhiều thứ, nhưng bưởi Năm Roi là chính, những cây bưởi xanh tốt , xum xuê, trái thòng xuống treo toong teng trông thật vui mắt. Lần này thì được ăn thả giàn, bụng no, căng mà nhìn vẫn thèm !!!


      Hai mươi năm qua, bây giờ lại được nhìn trái bưởi ngày nào, chợt nhớ chút kỷ niệm khó quên, nghe đâu bây giờ cũng không còn được như trước nữa, người ta đã chạy theo kinh tế, lai tạo, ghép nhiều loại khác nhau để có sản phẩm cung cấp cho thị hiếu người tiêu dùng, vốn nghe, biết đến danh tiếng của bưởi Năm Roi, khiến cho hương vị mất ngon đi nhiều, cũng như hình ảnh chiếc phà nhộn nhịp qua Bắc ngày nào, bây giờ chỉ còn trong ký ức của người dân Nam Bộ.

      Ôi, vật đổi, sao rời...ngay đến cả con người, chính mình, cũng đã khác xưa !!!

Nam Chi
NY 22/9/2013.

Thơ Tranh: Sầu Trăm Năm - Suối Dâu



Thơ & Tranh: Suối Dâu

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Thơ Ngâm: Một Chiều Ghé Bắc Sang Sông



Chợt một chiều ghé Bắc sang sông
Chẳng biết dòng sông nước lớn ròng
Gió lay mặt nước bình yên ấy
Lần dấu chiều tà dõi mắt trông


Vừng hồng dần tắt sau chòi lá
Khối tình gửi trọn ánh hoàng hôn
Hoà cùng sông nước vô tri cả
Lòng những trời Tây hẳn bồn chồn?


Xin thời gian dừng lại khoan qua
Cố giữ trong tôi chút nắng tà
Kẻo phút chốc màn đen bao phủ
Sợ đêm nằm trọn giấc Nam Kha.


13-3-1990 

Thơ: Lê Kim Hiệp
Diễn Ngâm: Hương Nam
Thực Hiện: Kim Oanh

Chiều Trên Quê Hương




Cơn gió đưa về giữa bến mơ
Sông xưa thương nước chảy đôi bờ
Chiều đi trên bãi buồn hiu hắt
Một bóng tôi tìm trong cõi thơ

Tôi nhớ niềm vui của ngày xưa
Cầu ao soi bóng nắng đong đưa
Có em sầu mộng ngồi giặt áo
Nón lá nghiêng che dưới bóng dừa

Thắm thoát ngày thơ quên trở lại
Tôi về trong ánh nắng năm xưa
Nước sông còn nhớ người năm cũ
Hình bóng em tôi chửa xóa mờ...

DTTN(Biện Công Danh)
Sept 2013
* Hình ảnh do chính tác giả chụp - Sông nước Vĩnh Long



Đơn Phương Tình Già


( Gởi đến NA)


sợi tóc rối cũng lén lượm về ấp ủ
hơi hám người quen quá hóa thành thương


* * *
ta lại gặp nhau quá nửa đời
bốn mươi năm lẻ phượng hồng rơi
trường xưa dâu bể người muôn ngãlạc bước tha phương cuộc đổi dời

nhớ thuở tình đầu ngu ngơ quá
thương thầm tơ tưởng chuyện trăng hoa
năm cuối mùa thi chiều rám hạ
tan trường lóng ngóng bóng người xa
 nàng bỏ trường quê về phố lạ
nhuộm thắm son môi với lụa là
biết có chạnh lòng khi chợt nhớ
dạo ấy đôi ta quá thật thà
 ta buồn cuộn xác trong chăn kín
nhả hết tơ duyên kết kén sầu
kiếp sau kiếp nửa tầm thành bướm
người ấy là hoa với nhụy đầu
 sao muộn gặp nhau đến nỗi này
lá xanh thu đến sắp vàng rơi
bài thơ tình cũ năm xưa viết
gởi lại cho nhau quá nửa đời.

                     
Phủ Hiền
2/10/2013


Bến Cũ - Nhạc Anh Việt - Sĩ Phú - Bến Sông Vĩnh Long

Cảm ơn anh Trương Văn Phú những hình ảnh Bến Vĩnh Long thật đẹp.


(Để xem hình ảnh lớn hơn mời bạn nhấp chữ You Tube dưới góc phải)

Nhạc Phẩm: Bến Cũ
Nhạc: Anh Việt - Lời Ngọc Quang
Tiếng Hát: Sĩ Phú
Hình Ảnh: Trương Văn Phú



Thơ Tranh: Thổ Mộ - Phạm Hồnng Ân



Thơ: Phạm Hồng Ân
Thơ Tranh: Kim Oanh



Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Hóa Thạch




Về ngang phố cũ chiều nay
Trời buồn tuôn đổ hạt dày hạt thưa
Loanh quanh lạc bước trong mưa
Ngậm ngùi – lối cũ đường xưa đâu rồi?


Tìm đâu những phút bồi hồi
Còn đâu kỷ niệm một thời yêu nhau
Từ em trở gót chiêm bao
Ta ngồi đếm giọt tình sầu rụng rơi


Xót xa tình đã vỡ đôi
Thương vầng trăng khuyết đơn côi đêm dài
Một mình với bóng lạc loài
Tình ta gọi mãi cũng hoài công thôi


Cũng đành! Mình mất nhau rồi
Cánh bèo theo nước nổi trôi trăm dòng
Bao lần chiều đến mênh mông
Vời xa ngút ngát, nhủ lòng: quên thôi!


Đường đời bao chuyến ngược xuôi
Câu thơ lục bát chơi vơi nỗi mình
Giữa lòng nham thạch lặng thinh
Nhỏ dòng lệ nóng khóc tình thiên thu…./.

Trần Thị Dã Quỳ


Sầu Đông

Image

Đêm về gió rét từng cơn,
Chở chuyên nhung nhớ vào hồn tái tê.
Ngày từ giã mẹ lìa quê,
Trải bao cay đắng, ê chề đoài phen.

Nụ hôn ngày đó hơi quen,
Còn vươn ân ái, còn thèm dấu yêu.
Từng đêm trở giấc quạnh hiu,
Giơ tay quờ quạng, người yêu đâu rồi?

Chợt nghe thổn thức, bồi hồi,
Cớ sao nghiệt ngã đôi đời cách ngăn?
Cô đơn bủa ngập tràn lan,
Phòng con giờ bỗng thênh thang nỗi sầu.

Nào anh có phải chàng Ngưu,
Chờ cho Ô thước bắt cầu mới sang!
Nửa đời anh đã đi hoang,
Nửa đời còn lại anh mang sầu về...

Vì yêu, em nhận não nề,
Vì yêu, em nhận một bề thiệt thua!
Vào Đông con gió trở mùa,
Giá băng trời đất, đong đưa điệu buồn!

Liberal, Kansas – Đông 1987
Mặc Thái Thủy


Thơ Tranh: Chiếc Lá



Thơ: Lục Lạc
Thơ Tranh: Kim Oanh

Nhớ Vĩnh Long




"Hai mươi lăm năm chưa trở lại quê nhà
Thành xưa, phố cũ vẫn quanh ta"
* * *
Xuân, Hạ qua rồi, Thu lại Đông
Bốn mùa trăn trở nỗi hoài mong
Ngậm ngùi quê cũ, sầu ly khách
Quay quắt đêm dài, nhớ Vĩnh Long


Ngày xưa ngăn cách bởi giòng sông
Hoặc chỉ xa nhau mỗi cánh đồng
Mà những tưởng chừng xa diệu-vợi
Bây giờ biền biệt cả trời đông!

Thân viễn xứ, tình quê hơn biển rộng
Lòng bồi hồi nhớ bạn cũ, trường xưa
Tuổi học trò đơn sơ nhưng lắm mộng
Đường qua cầu, sàn gỗ lót lưa-thưa

Tà áo trắng dịu-dàng thân thương quá
Giờ tan trường phố xá bỗng reo ca
Dáng e ấp nắng chiều nghiêng nón lá
Guốc khua đường, rộn rã bước em qua

Nhớ hàng quán hai bờ sông Mỹ Thuận
Xề ổi xanh, tô bún nướng tôm càng
Chiếc đò ngang xưa đưa tình đón nghĩa
Chở người về qua cửa chợ Trường-An

Giòng Tiền Giang đục ngầu mùa nước lũ
Dâng phù sa ấp ủ lúa xanh đồng
Dề lục bình bềnh bồng trôi, tư lự
Cuộc phân ly, bến lạ lạc mấy giòng

Thương hoa quả cũng thật thà chất phác
Quày dừa xiêm, buồng chuối sứ ngọt ngào
Quả xoài xanh chẳng chanh chua đường mật
Tóc em dài thơm hoa bưởi, hương cau

Nhớ miếu Bảy Bà, cây da Cửa Hữu
Em dâng hương, tóc xỏa bóng từ bi
Ngày trẻ dại, sợ giờ linh Bà quở
Gió lay cành, lấm lét ngỡ Bà đi!

Thương bà cụ còng lưng ngồi cắt giác
Dưới tàn đa tan tác lá chiều thu
Qua công viên, dáng gầy em ngơ ngác
Gánh hàng rong trĩu nặng bóng mây mù

Những ngày mưa đạp xe vòng quanh phố
Bên kia sông cây nhạt, bóng ai mờ
Bao nhiêu tuổi xuân thì bên cửa sổ
Nhìn mưa bay, lòng lạc nẻo đường mơ

Cồn An Thành nay đất bồi hay lở?
Phà Cổ Chiên còn đợi khách sang sông?
Ngày ba mươi chợ Tết có còn đông?
Cô hàng hoa thập thò nghe pháo nổ?

Miễu Quốc Công vía thần ai cúng giỗ?
Trời còn xanh trên ruộng lúa Cầu Vồng?
Góc vườn xưa cây sữa có đơm bông?
Đường Võ Tánh còn ai hồng đôi má?

Văn Thánh miếu hai hàng sao xanh lá?
Đền Cụ Phan còn đó khẩu thần công?
Những ngày rằm hương khói có còn xông?
Chuông Pháp Hải vọng hồi tâm tỉnh thức?

Gió có thổi qua cầu Lầu, Thiềng Đức?
Sông Long Hồ còn đó ánh trăng xưa?
Đường Gia Long đọng nước những chiều mưa,
Ai đứng đợi, ai về sau buổi học?

Chợ bờ sông rộn ràng con đò dọc
Đò đưa em qua chợ Lách, Tam Bình
Về Vũng Liêm, xuôi giòng sông Mang Thít
Đến Trà Ôn nghe vọng cổ u tình

Em ghé lại sân trường Tống Phước Hiệp
Nhặt cho tôi hoa phượng vỹ đỏ lòng
Về Ngã Tư, qua cầu Kinh, cầu Lộ
Hỏi bạn bè ngày cũ nhớ tôi không

Đêm nay trời đổ cơn mưa lớn
Nửa tạt quê xưa, nửa chạnh lòng
Canh tàn đối bóng mình tôi uống
Thưong nhớ đầy vơi, chén rượu nồng!

Lê Kim Thành
Pittsburg 4/2004



Thơ Tranh: Gửi Mùa Thu Xưa -Nam Chi



Thơ: Nam Chi
Thơ Tranh: Kim Oanh

Quay Về Kỷ Niệm




Lại lần nữa quay về phố núi
Bới đào tìm lắm buổi năm xưa
Suốt những ngày tháng Bảy chiều mưa
Trăng xưa vắng soi cầu Ô Thước

Mái tóc dài em còn óng mượt
Lả lơi đùa vượt khúc thời gian
Đôi má thắm dung nhan kiều diễm
Nụ cười duyên xâm chiếm hồn ai

Đêm nay như Đông dài chất ngất
Cuộc đời trôi vất vả đi tìm
Đôi môi mọng chìm vào hư ảo
Áo não lòng kẻ ở người đi

Gởi theo gió những gì u ẩn
Lỡ một lần vuột mất tầm tay
Người em gái cao nguyên đất đỏ
Mối tơ lòng vò võ canh thâu !

Pleiku 17-7-2011
Lekimhiep

Mối Tình Học Trò


( Lê Kim Nhi - Vĩnh Long 1963)

LTG: Bài viết này không nhầm mục đích luyến tiếc cho những kỷ niệm đẹp của tuổi học trò đã qua, mà tiếc rẻ cho thế hệ con cháu chúng ta đang sống trong một thời đại mà tình cảm của con người đang bị bóp chết dần bởi những quan niệm hướng về vật chất, hưởng thụ và thực dụng. Họ khó tìm được những tình cảm cao đẹp thật sự của một con người trong xã hội như: tình thầy trò, tình bằng hữu, và ngay cả trong tình cảm trai gái.

     Thế hệ của  chúng ta thường có câu nói: trong tình yêu trai gái không có mối tình nào đẹp bằng mối tình đầu, nhất là mối tình đầu thuở học trò. Nhưng lại có một câu nói khác là không có mối tình nào mong manh bằng mối tình đầu và nhất là mối tình đầu học trò. 
     Chính vì vậy mà thời đại cha anh và chúng ta đã có không biết bao nhiêu bài thơ, bài ca, bài văn ca tụng cũng như than khóc và tiếc nuối cho những mối tình đầu đẹp đó.
     Nhiều cuộc tình đã trở thành huyền thoại của bao nhiêu thế hệ của tuổi học trò. Xét về khía cạnh này, tôi là một người rất diễm phúc, vì người bạn đời đã cùng tôi vượt một quãng đường dài 35 năm, qua bao sóng gió thăng trầm, chính là mối tình đầu học trò của tôi.
     Tôi thường nói đùa với bạn bè:
        -  Nhà tôi là mối tình đầu và có lẽ cũng là người vợ duy nhất và cuối cùng của đời tôi.
    Một anh bạn tinh ý đã bắt bẽ:      
       -  Như vậy chị nhà không phải là người tình duy nhất của anh?
    Thật là: “Có những niềm riêng mà không muốn nói.”Bài ca của nhac sĩ Tín Hương. Anh bạn tôi nói đúng, tôi cũng giống bao nhiêu người đàn ông khác, trong cuộc sống trôi nổi làm sao bắt con tim ngủ yên hoài được, đôi khi nó cũng phải thức giấc na đêm.
      Nhất là tôi một cuộc đời quá trôi nổi và thăng trầm.
     Vì phiêu lưu qua nhiều cuộc tình trong những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau nên tôi đã trở thành nhân chứng của những cái đẹp, cái quý của mối tình đầu học trò và muốn chia sẻ với các bạn trong bài viết này.
     Tôi biết Kim Nh.( tên của Nhà tôi ) năm tôi học Đệ Ngũ, và chúng tôi thật sự quen nhau  khi học chung Đệ Tam. Chắc các bạn nghĩ tôi đang dùng lối nói mắc mứu (tricky)? Không! thật ra chuyện tình của chúng tôi bắt đầu một cách cắc cớ. Vì chuyển qua chương trình Việt tôi bị sụt một lớp. Nên khi tôi học Đệ Ngũ thì nàng đã học Đệ Tứ, chuẩn bị thi Trung Học Đệ Nhất Cấp. Lớp nhỏ nằm bên ngoài, lớp lớn nằm bên trong, nên mi ngày vài lần nàng phải đi ngang lớp tôi.
     Vì vậy khi bắt đầu sự quen biết của chúng tôi chỉ có một chiều, nàng chẳng hề biết có tôi trên cõi đời. Chỉ một vài tháng sau tôi đã quyết định thi nhảy lớp (thời đó gọi là thi nhảy).
     Có sự trùng hơp may mắn, Ba tôi mới nhận một anh sinh viên Trường Sư Phạm làm con nuôi. Anh ấy muốn mở lớp dạy luyện thi Trung Học, nên nhà tôi trở thành lớp học luyện thi cho tôi và năm người bạn đồng chí nhưng khác hướng (khác hướng là vì họ quan tâm đến vấn đề quân dịch, còn tôi thì quan tâm đến bạn gái ).
     Bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp chính là chiếc phà Mỹ Thuận đã liên kết mối tình tám năm của chúng tôi. Cuộc tình của chúng tôi đã gắn liền với đất Vĩnh Long.

(Lê Kim Nhi & Đỗ Đình Tiến - V
ĩnh Long)

     Chúng tôi có biết bao kỷ niệm đẹp tại vùng đất hiền hòa và êm đềm đó. Mãi đến bây giờ chúng tôi vẫn còn mơ có một căn nhà nhỏ, trước lộ sau sông, bao quanh là vườn cây ăn trái tại đất Vĩnh Long thân yêu (giấc mơ của một đôi tình nhân học trò đất Vĩnh, vẫn còn là giấc mơ của đôi vợ chồng đã bạc đầu).
     Thánh nhân nói cuộc đời là Dịch, cứ thay đổi rồi đổi thay.
     Xong trung học tôi giã từ Trường Tống Phước Hiệp, giã từ tỉnh Vĩnh Long để đi vào đại học, bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời.
 
     Tôi đã được học bổng tại một trường đẹp nhất nước lúc bấy giờ, đó là Đại Học Đà Lạt. Đối với một anh học trò tỉnh đồng bằng như tôi thì thời gian đó là một cuộc du hành vào thế giới sinh viên thật hấp dẫn và đầy thơ mộng, đang thời mê hoặc với dòng nhạc Trịnh Công Sơn,và nghiện ngập với ging ca Khánh Ly. Có một điều khá đặc biệt đối với tôi đó là bạn bè.
     Đi học Đà Lạt tương đối nhỏ nên sinh viên biết nhau cả và hầu như họ đến từ khắp miền của đất nước.
     Có những anh bạn người miền Bắc mà không hề biết miền Bắc, và cũng không biết cả miền Nam, nói toàn tiếng Bắc cổ.
     Có những chị bn người Huế Nội Thành giọng nói thật dễ thương và ngọt ngào như chim hót, nhưng tôi nghe chẳng hiểu được mô tê gì cả, cứ như nghe người ngoi quốc nói vậy.
     Trong hoàn cảnh đó kéo dài bốn năm, dù tôi cho con tim uống thuốc ngủ nhưng nó cũng thỉnh thoảng git mình thức giấc.
     Lúc ấy tôi thầm nghĩ nếu mối tình đầu của tôi không bắt đầu ở Trung học thì có lẽ nó bắt đầu ở đây rồi! Nhưng những liên hệ tình cảm trong thời sinh viên đều đã dừng lại, đôi khi sau một buổi trại, hay sau một buổi trình diễn văn nghệ hoặc có kéo dài lắm là đến lúc chia tay nghỉ hè.
     Lúc bấy gi tôi không nghĩ gì cả và cho đó là chuyện bình thường nhưng sau này tôi mới hiểu ra.


     Bước vào đại học là bắt đầu tập làm người lớn, bắt đầu tập làm người trí thức, sự ngây thơ, thật thà và vô tư của tuổi học trò lần lần bị thay thế bởi những đức tính khác thực tế và cân nhắc hơn.
     Đó là lý do mà tôi không thể tìm được một cuộc tình nào đẹp hơn cuộc tình mà tôi đang có từ thuở học trò.Giòng đời cứ tiếp tục trôi…Sau bốn năm, tôi đã tốt nghiệp và thực sự bước chân vào đời. Có một câu nói tôi luôn nhớ  đến nhưng lại không nhớ ai đã nói “Đời là một đấu trường”. Đúng thế phải không các bạn?! Đời thực tế khác với cuộc sống dưới mái nhà trường.
     Chính vì thế chúng ta mới có trang Tống Phước Hiệp, Nguyễn Trường Tộ chúng ta tìm về những tình cảm, những kỷ niệm thuở học trò để xoa dịu những vết thương nhức nhối mà cuộc đời đã ban tặng cho chúng ta.
      Tôi là một trong những người tương đối thành công so với  những người bạn cùng khóa, không vì tài năng mà vì may mắn.Trong môi trường mới tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều giới và đa dạng hơn nhưng những liên hệ tình cảm trong thời gian này không giống thuở đi học, nó đến thật nhanh và ra đi cũng thật nhanh.
        Nó đến nhanh không phải vì tiếng sét ái tình mà vì xúc tác bởi tiền bạc, phương tiện và chức vụ.
       Nó ra đi nhanh vì sự quan hệ đặt trên căn bản tình cảm thì ít mà trên mục đích riêng tư thì nhiều. Vì điều kiện và nhu cầu của giao tế tôi đã có dịp bước vào thế giới ăn chơi  tiếp xúc với giới ăn chơi chuyên nghiệp.
        Tôi đã đến một vài địa điểm được xem là sang trọng vào thời đó, nhưng thành thật mà nói tôi không cảm xúc, tôi cảm thấy tội  hơn là cảm hứng.
       Có một lần vì nể lòng tôi đã đến một địa điểm khá sang trọng trên đường Công Lý, và được tiếp bởi một cô rất trẻ. Có lẽ vì còn trẻ nên còn thật thà, cô đã hỏi tôi:
     - Bộ anh liệt d…hả?
        Tôi tr lời đùa: 
    - Anh đồng tình mà không luyến ái, nhưng em không sợ mất tiền.
     Cô nghe không mất tiền thì có vẻ yên tâm, nhưng không hiểu tôi nói gì. Một vài người bạn cũng đã bảo thái độ của tôi trong vấn đề này là không bình thường.
      Tôi buồn cười vì chẳng lẽ không chơi bời là bất bình thường. Thật ra tôi có hai lý do thật bình thường.

      Thứ nhất tôi không có nhu cầu ăn bánh trả tiền, thứ hai là tôi muốn bảo vệ gia đình của tôi, tôi trân trọng Nhà tôi như thế nào thì tôi trân trọng với cuộc đời của con cái cũng như vậy.
      Năm 1975 tai họa xảy đến. Cũng như hàng triệu gia đình khác tại Miền NamViệt Nam, gia đình tôi cũng bị vùi dập trong cuộc đổi đời.
       Bây giờ tình cảm vợ chồng không còn bị quấy rối bởi những chuyện tình vớ vẩn nữa, mà đang bị thách đố bởi một cuộc sống bão táp, những biến cố và tai hoạ sự đảo điên của xã hội và tình người.
       Gia đình tôi là nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến 1975. Ngày tôi bị bắt, cũng là ngày Nhà tôi chuẩn bị sanh đứa con thứ  nhì. Khi tôi về được Sàigòn, thì tài sản và sự nghiệp của tôi vn vẹn là một vợ hai con.
      Thế là chúng tôi bắt đầu từ vốn liếng đó để dựng lại cuộc sống trong cơn sóng hỗn loạn.

       Sau sự kiện 30-1975, trên mười lăm năm ... tôi cũng giống như bao nhiêu người đàn ông Miền Nam khác không thể đứng yên nhìn một Tổ Quốc đang tan tác. Đến khi bất lực và tuyệt vọng thì lại lao vào con đường vượt biên để cứu thoát gia đình và tương lai con cái. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó mà tôi đã nhiều lần vào tù ra trại. Có một lần nhà tôi lặn lội một ngày một đêm đến thăm nuôi tôi ở trại tù Châu Bình (Bến Tre). Sự mệt mỏi và những giọt nước mắt vẫn không che giấu được niềm vui và hạnh phúc trong ánh mắt của Nhà tôi khi ngồi cạnh tôi. Tôi thầm cám ơn Thượng Đế đã ban cho loài người có một tình yêu, và tôi cũng cám ơn Nhà tôi giữ lòng chung thủy để tình yêu đã trở nên niềm hạnh phúc của chúng tôi. 

      Ngày nay vợ chồng chúng tôi cũng không khác gì các bạn, hằng ngày cũng có những xung đột và cãi vã. Làm sao tránh khỏi vì chúng ta đã vượt qua quá nhiều biến cố, đau khổ và những sự thay đổi thật nhanh chóng nên đã tạo cho mổi người một cá tánh, quan niệm rất khác nhau.
     Nhưng đối với chúng tôi sau mi lần chiến tranh như thế, tôi luôn lại là người tìm cách hòa đàm và luôn chiụ thiệt…Các bạn có biết tại sao không? Vì mối tình đầu thuở học trò vẫn còn sống trong lòng tôi. 
 
(Lê Kim Nhi & Đỗ Đình Tiến Canada)
Đỗ Đình Tiến
Đầu Hè 2004